Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân Kỷ Niệm 300 Năm Sài Gòn- Gia Định- TP.Hồ Chí Minh, Ôn Lại Truyền Thống Phật Giáo Việt Nam

23/04/201317:55(Xem: 12834)
Nhân Kỷ Niệm 300 Năm Sài Gòn- Gia Định- TP.Hồ Chí Minh, Ôn Lại Truyền Thống Phật Giáo Việt Nam
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Nhân Kỷ Niệm 300 Năm Sài Gòn- Gia Định- TP.Hồ Chí Minh, Ôn Lại Truyền Thống Phật Giáo Việt Nam

Trí Chơn
Nguồn: Trí Chơn


Đạo Phật có mặt tại Việt Nam từ lúc nào? Ai là người đầu tiên gieo hạt Giác ngộ trên mảnh đất Rồng Tiên này? Cho đến nay, câu trả lời vẫn còn là chủ đề lớn đang nghiên cứu, chưa được giải quyết thỏa đáng. Gần đây có một số sử gia đã đưa ra một vài luận cứ rằng: "... Ngay sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ 3 tại thành phố Pataliputra - Ấn Độ, trước Tây lịch 300 năm, vua Asoka cùng với Đại lão Hòa thượng (HT) Tissa Mogaliputta đã cử và đẩy mạnh các phái đoàn Như Lai sứ giả trên đường truyền bá Phật pháp tới các nước Viễn Đông, Trung Đông, Đông bộ Địa Trung Hải, Sri Lanka và toàn cõi bán đảo Đông Dương, trong đó có Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, do hai vị cao tăng Sona và Uttara truyền tới. Hầu hết các nơi đều có những dấu ấn bằng chùa, tháp, cột đá hay bia đá để ghi lại công đức của vua Asoka" (1).

"... Ở Giao Châu, tại thành Nê Lê có bảo tháp của vua Asoka... chính là Đồ Sơn hiện nay" (2).

Trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, có sự tích Chử Đồng Tử hay truyện Đầm Nhất Dạ, (dự đoán) xảy ra vào thời Hùng Vương thứ 18 (khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên) kể về cuộc hội kiến của Chử Đồng Tử với một Thiền sư Phật giáo (PG) như sau:

"Đồng Tử cùng với các lái buôn đi theo ra biển, ở ngoài khơi có ngọn núi danh tiếng gọi là Quỳnh Viên sơn, trên núi có am nhỏ, thuyền buôn ghé đậu để lấy nước ngọt. Đồng Tử lên chơi trên am gặp một nhà sư trẻ tên là Phật Quang, truyền giáo lý cho (...). Đồng Tử trở về nói hết cho Tiên Dung (vợ Đồng Tử) nghe về đạo Phật, bèn bỏ nghề buôn bán, rủ nhau đi tìm thầy học đạo" (3).

Trích dẫn câu chuyện để luận chứng rằng, trước Tây lịch 300 năm có nhà sư (tên Phật Quang) ở Việt Nam; điều đó cũng có nghĩa là đạo Phật đã có mặt trên quê hương ta từ thời điểm này.

Cho dù có đoàn Như Lai sứ giả của Ấn Độ có mặt tại Giao Châu (VN), có bảo tháp ghi lại công đức của Đại đế Asoka ở Đồ Sơn, có Chử Đồng Tử hội kiến Thiền sư Phật Quang thật sự xảy ra dưới thời Hùng Vương 18 thì cũng chỉ là những luận cứ chưa được lịch sử công nhận. Câu chuyện Chử Đồng Tử cũng không có một chứng cớ nào xác định là đã xảy ra dưới thời Hùng Vương 18 (300 tr.TL); chỉ biết chuyện viết trong Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh hiệu đính năm Hồng Đức thứ 23 (1492). Song, ta cũng nên tôn trọng những luận cứ này trong khi nghiên cứu lịch sử, để tiếp tục cuộc hành trình tìm về cội nguồn đích thực của lịch sử PG Việt Nam.

Những Thiền sư đầu tiên có mặt tại Giao Châu (VN) được sách sử ghi đậm tên tuổi với những mốc thời gian cụ thể; đó là: Mahajtivaka (Ma Ha Kỳ Vực - người Tây Trúc) và Ksudara (Khâu Đà La - người Nam Thiên Trúc) năm 188; Meoupo (Mâu Bác - người quận Thương Ngô, Trung Hoa) năm 194; Káng Sen Houci (Khương Tăng Hội - người Sogdiane, thuộc Liên bang Nga hiện nay) năm 200 - 247; Tche Kiang Liang (Chi Cương Lương - người Scythia - Nhục Chi) năm 266.

Như vậy, đạo Phật có mặt tại Việt Nam - theo chính sử - là cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, sau năm thế kỷ so với các luận cứ vừa nêu trên.

Đến thế kỷ thứ 6 vào năm 580, một Thiền sư người Nam Thiên Trúc, sang Việt Nam hoằng đạo, trụ tại chùa Pháp Vân (Hà Bắc). Đó là Thiền sư Vinitaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi), đệ tử của Thiền sư Tăng Xán (Nhị Tổ Trung Hoa). Dòng Thiền này trải qua 633 năm với 19 đời truyền thừa.

Năm 820 có Thiền sư Vô Ngôn Thông người Quảng Châu - Trung Hoa vân du sang Việt Nam truyền bá Phật pháp. Dòng Thiền Vô Ngôn Thông duy trì gần năm thế kỷ trải qua 17 đời lưu truyền.

Bước sang thế kỷ thứ 10, đạo Phật tiến dần đến đỉnh cao của sự hưng thịnh. Dưới triều đại nhà Đinh (968-980) vào năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống và ban tước hiệu Khuông Việt Thái sư. Đây là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử PG Việt Nam, mở màn cho thời kỳ huy hoàng tráng lệ của PG dân tộc. Sang triều Lê (980-1009), PG vẫn tiếp tục phát triển; tuy nhiên dưới thời của ông vua ăn chơi, trác táng vô đạo Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều - 1005-1009), tình hình phát triển của PG có phần bị khựng lại. Sự sa đọa của hôn quân Lê Long Đĩnh được trả bằng cái giá: kết thúc triều Lê. Và, triều đình được thay thế bằng những minh quân họ Lý, tiếp theo là họ Trần.

Đạo Phật dưới 2 triều đại Lý (1010-1225) và Trần (1225-1400) được xem là thời vàng son, trở thành quốc giáo của dân tộc.

Đạo Phật sáng ngời ở thời kỳ này một phần do (hầu hết) các vị vua đều chánh tín Tam bảo như Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), con nuôi của Thiền sư Khánh Vân, thọ giáo với Thiền sư Vạn Hạnh; vua Lý Thái Tông, đệ tử Thiền sư Thiền Lão, sắc chỉ lập 950 ngôi chùa sau khi bình Chiêm ở Châu Hoan (Nghệ An); vua Lý Thánh Tông, đệ nhất Tổ của Thiền phái Thảo Đường; Lý Anh Tông, đệ tử đời thứ 10 và Lý Cao Tông, đời thứ 16 của Thiền phái Thảo Đường... Điều quan trọng hơn khiến PG lớn mạnh vẫn là do đức tu hành và tài hoằng đạo của các Thiền sư như: Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Thông Biện, Chân Không, Minh Không, Không Lộ, Đạo Huệ, Giác Hải... các Thiền sư này phần nhiều là Tăng thống, Quốc sư hoặc ít cũng được các vua thỉnh vào cung giảng đạo trong triều đình.

Sang triều Trần - nhất là ở các vị vua đầu - thì dường như không có sự cách biệt giữa một ông vua với một Thiền sư. Nói cách khác, một nhà vua đồng thời cũng là một nhà tu như hoàng đế Trần Thái Tông, hoàng đế Trần Nhân Tông... Những tác phẩm: Thiền tông chỉ nam, Kim Cương Tam Muội kinh chú giải, Bình đẳng lễ sám văn (3 tác phẩm này đã thất lạc chỉ còn bài tựa), Lục thì sám hối khoa nghi, Khóa hư lục... của Trần Thái Tông cũng đủ cho ta thấy được "chất Phật" trong ông hiện rõ một cách huyền nhiệm qua các luận phẩm. Đặc biệt sự xuất gia của vua Trần Nhân Tông với đạo hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, được xem như một sự kiện "vị tằng hữu", "đại sự nhơn duyên" của PG Việt Nam. Sự kiện vua Trần Nhân Tông đi tu và trở thành Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm không khác sự kiện Hoàng thái tử Siddhàrtha (Sĩ Đạt Ta) vượt thành tìm đạo và chứng đạo với tôn hiệu Sakya Muni (Thích Ca Mâu Ni). Không quá đáng khi cho rằng Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm là Phật Tổ của PG Việt Nam.

Ngoài ra, còn có các vua: Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông... đều là những vị vua quy Phật, ăn chay, đọc kinh, hộ trì Tam bảo, tham nghiên giáo lý.

Nhìn lại dòng sử Việt - Phật ở hai triều đại Lý - Trần, thấy rằng, đạo Phật đã phát triển đến cực độ, nhất là thời Trần Nhân Tông. PG ở hai thời này đều phát triển mạnh, nhưng mỗi thời mang một phong cách khác nhau. Ở triều Lý, xuất hiện nhiều Thiền sư lỗi lạc, và hầu hết những vị này đều được vua tôn sùng, mời làm cố vấn chính sự. Sang triều Trần thì hầu hết các vị vua đều là những trí thức PG, áp dụng Phật lý vào việc trị quốc an dân.

Bình luận về sự phát triển PG ở hai giai đoạn này, sử gia Nguyễn Lang viết:

"Trong buổi đầu lập quốc thời Lý, các vua Lý rất cần đến các Thiền sư. Không những họ cần đến những vị này để liên kết nhân tâm, họ còn cần đến sức học, công tác giáo dục, công tác ngoại giao và kế hoạch của những ông thầy tu nữa. Đến đời Trần thì tình trạng khác hẳn; các vua Trần đều học giỏi mà lại rất giỏi về đạo Phật, nên liên hệ giữa các vua và các Thiền sư không phải là để nhờ cậy về phương diện kế hoạch, công tác. Các ông vua như: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông đều có căn bản vững chắc Phật học. Họ ủng hộ PG một phần vì họ là Phật tử, một phần cũng vì muốn liên kết nhân tâm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời đại Nhân Tông là thời đại mà PG hưng thịnh đến cực đôå" (4).

Tiếc thay, càng về sau, những vị vua họ Trần đều tỏ ra yếu kém nên Hồ Quý Ly thao túng triều đình, cài tay chân thân tín nắm giữ những chức vụ then chốt trong triều cung và quân đội. Đến tháng 2 năm 1400, Hồ Quý Ly truất phế vua Trần Thiếu Đế (mới 3 tuổi) rồi tự xưng vương, lập nên nhà Hồ; triều Trần xem như chấm dứt từ đây.

Kể từ khi họ Hồ lên ngôi nắm quyền cai trị cũng là lúc đạo Phật đi vào mạt vận. Bảy năm sau, khi nhà Minh phương Bắc đặt chân lên đất Việt, đạo Phật lại càng mù mịt hơn.

Đến thế kỷ XVII-XVIII, sự hiện diện của các Thiền sư Trung Hoa trên nước Việt như: Viên Cảnh, Viên Khoan, Nguyên Thiều, Giác Phong, Tử Dung, Từ Lâm, Pháp Bảo, Pháp Hoa, Tế Viên... và các Thiền sư Việt Nam như : Hương Hải, Chân Nguyên, Liễu Quán, Tính Tuyền, Như Hiện, Như Trừng..., mạch sống PG phần nào được hồi phục.

Đang trên đà tiến triển ấy thì, đến thế kỷ XIX, thực dân phương Tây sang xâm lược nước ta, PG lại bước vào cuộc nhiễu nhương.

Sang thập niên 20 của thế kỷ này, do ảnh hưởng của phong trào chấn hưng PG ở các nước Á châu, nhất là PG Trung Hoa mà Đại sư Thái Hư là người chủ xướng, PG Việt Nam cũng theo đó được khởi sắc, chấn hưng. HT Khánh Hòa là linh hồn của công cuộc chấn hưng PG Việt Nam. Trợ lý cho HT có Sư Thiện Chiếu, một vị sư trẻ, năng nổ, tháo vát trong tổ chức.

Năm 1927, sư Thiện Chiếu đi Hà Nội về mang theo chương trình chấn hưng PG Trung Hoa, đã thúc đẩy các Tăng sĩ Nam Kỳ gấp rút thực hiện các công cuộc chấn hưng.

"Tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1929), HT Khánh Hòa đích thân đi vận động hầu hết các chùa lớn ở miền Nam và cử một phái đoàn do Giáo thọ Thiện Chiếu hướng dẫn ra miền Trung và miền Bắc để vận động phong trào chấn hưng PG" (5). Trong khi đó tại miền Nam, HT Khánh Hòa đã đem chương trình cải tổ PG của Tổng hội PG Trung Hoa mà Sư Thiện Chiếu đã đem về từ Hà Nội, bàn thảo với quý HT: Huệ Quang, Thiện Niệm, Từ Nhân, Chơn Huệ... và các cư sĩ trí thức như: Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh... để đi đến việc tổ chức Hội Phật học.

Năm 1930, Hội Phật học đầu tiên ra đời là Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, HT Từ Phong, chùa Giác Hải (Chợ Lớn) được bầu làm Hội chủ ; HT Khánh Hòa, đệ nhất Phó Hội chủ; ông Trần Nguyên Chấn (người của chính quyền Pháp), đệ nhị Phó Hội chủ; cư sĩ Nguyễn Văn Nhơn, Thư ký ; và một số hội viên cả thảy 188 người. Trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối - Sài Gòn). Năm 1931, Thống đốc Nam Kỳ - ông Jkrautheimer - đã ký duyệt, chính thức công nhận Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học là tổ chức hợp pháp.

Sau Hộåi Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, các Hội Phật học khác liên tiếp ra đời trên cả ba miền đất nước, như: Hộåi An Nam Phật học Trung Kỳ (1932), Liên đoàn Phật học xã (1933), Hộåi Lưỡng Xuyên Phật học (1934), Hội PG Bắc Kỳ (1934), Hội Phật học Kiêm Tế (1937), Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt (1949), Hội Phật học Nam Việt (1950), Giáo hội Tăng già Nam Việt (1951) v.v...

Bước sang thập niên 1950, PG phát triển rõ nét, các hội đoàn không ngớt ra đời. Giới lãnh đạo PG mới tính đến chuyện thống nhất các tổ chức hội đoàn thành Tổng hội hay Giáo hội.

Các kỳ thống nhất PG từ thập niên 1950 về sau được lịch sử ghi đậm nét là:

- Thống nhất PG 1951 tại chùa Từ Đàm - Huế, nhằm kết hợp 6 tập đoàn PG thành một tổ chức có tên Tổng hội PG Việt Nam.

- Thống nhất Phật giáo 1952 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, nhằm liên kết các bậc cao tăng lãnh đạo PG trên ba miền đất nước để thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc Việt Nam.

- Thống nhất PG 1958 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội và Hội PG Thống nhất Việt Nam ra đời.

- Thống nhất PG vào cuối năm 1963, đầu năm 1964, để kết hợp 11 tập đoàn PG khác nhau thành tổ chức lớn mạnh mang tên Giáo hội PG Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Như vậy, trong hai thập niên 1950,1960, có đến 4 lần thống nhất PG ; ở thập niên 1950 có 3 lần. Kỳ thống nhất PG vào đầu năm 1964 tại miền Nam được xem là kỳ thống nhất lớn mạnh nhất, Giáo hội đã kết hợp được 11 tổ chức PG khác nhau và quy tụ được một khối lượng tín đồ khổng lồ của các tỉnh miền Trung và miền Nam làm hậu thuẫn. Phải thừa nhận rằng, các tổ chức PG trước đó, chưa có tổ chức nào quy mô và hiện đại như cơ chế tổ chức của GHPGVNTN. Sức mạnh của Giáo hội này đã làm cho thế giới biết nhiều hơn về PG Việt Nam; song, bên cạnh đó cũng có những khuyết điểm trầm trọng không tránh khỏi.

Giáo hội này vẫn chưa thống nhất PG được một cách toàn diện. Mặc dù đã quy tụ được 11 tập đoàn khác nhau nhưng vẫn còn một số Giáo hội tương đối lớn hoạt động riêng lẻ như: Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (lúc này hệ phái Khất sĩ chưa thành lập Giáo hội), Giáo hội Thiền Tịnh Đạo tràng... chứng tỏ sự thống nhất này chưa toàn triệt. Trên danh nghĩa tuy đã thống nhất, sự thống nhất này còn yếu về mặt đoàn kết hòa hợp; nên chỉ 3 năm sau đó, 1967, Giáo hội bị phân hóa thành hai khối hoạt động theo 2 bản Hiến chương khác nhau. Sự phân hóa này ngày càng trầm trọng hơn dẫn đến chống đối kịch liệt và xung đột nhau vào đêm 5/5/1970 tại Việt Nam Quốc tự. Đây là hệ quả chia rẽ trầm trọng của Giáo hội này. Mặc dù bị chia rẽ (tất nhiên có yếu đi), GHPGVNTN vẫn tồn tại và hoạt động cho đến khi Giáo hội PG Việt Nam ra đời. Đại hội kỳ VII của Giáo hội này được khai mạc vào sáng 23/1/1977 tại Văn phòng Viện Hóa đạo (chùa Ấn Quang, Q.10) gồm 160 đại biểu của 54 đơn vị trực thuộc tham dự. HT Thích Trí Thủ, nhân danh Viện trưởng tân nhiệm, đã ký Thông bạch 7 điểm, trong đó có điểm thứ 6 nguyên văn như sau: "Đại hội cẩn ủy Giáo hội Trung ương tiếp tục vận động thống nhất PG cả nước trong tinh thần đạo pháp và truyền thống dân tộc" (Trích Tiểu sử cố HT. Thích Trí Thủ).

l Thống nhất PG năm 1981, Giáo hội PG Việt Nam ra đời

Trưa ngày 30/4/1975, lá cờ sao vàng trên nền nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại: nước Việt Nam được giải phóng hoàn toàn. Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trên toàn quốc thành công, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỷ nguyên của sự thống nhất thật sự, độc lập thật sự mà dân tộc suốt gần 2000 năm sống trong đô hộ và nô lệ nhiều hơn trong độc lập và tự do. Một trang sử mới bắt đầu cho dân tộc từ đây.

Sự thống nhất đất nước đã mang đến sự thống nhất các tổ chức trong xã hội. Đó là qui luật tất yếu, mà PG là một tổ chức xã hội không ở trường hợp ngoại lệ.

Sẽ không có sự kiện một tổ chức cũ nằm trong chế độ mới mà hoạt động phát triển nhịp nhàng. Sẽ không có một sự phát triển ổn định của một thân thể khi không có sự chuyển đổi tế bào. Sự đoàn kết hòa hợp hướng đến phát triển không thể không đặt trên căn bản thống nhất. Đó là quy luật.

Do đó, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Ban Liên lạc PG Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh ra đời (1975), tiếp theo là Ban Vận động Thống nhất PG Việt Nam được thành lập (1980), giới lãnh đạo Ban Vận động Thống nhất PG đã quyết định năm 1981 là năm thống nhất PG toàn diện. Thế là, sáng ngày 4/11/1981 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, khai mạc Hội nghị đại biểu Thống nhất PG Việt Nam, có 165 đại biểu của 9 Giáo hội, hệ phái tham dự; đến ngày 7/11/1981 thì Hội nghị bế mạc, khai sinh Giáo hội PG Việt Nam.

Nguyện vọng thống nhất PG là nguyện vọng chung của Tăng Ni Phật tử trên căn bản đạo pháp - dân tộc.

Sự ra đời của Giáo hội PG Việt Nam dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là điều tất định của lịch sử.

Hiện nay, "Giáo hội PG Việt Nam là tổ chức PG duy nhất đại diện cho PG Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước" (Lời nói đầu Hiến chương Giáo hội PG Việt Nam).




CHÚ THÍCH
(1) Đạo Phật Việt Nam, Thích Đức Nghiệp, THPG TP. HCM ấn hành 1995, tr.4.
(2) Lịch sử PG Việt Nam, Nguyễn Tài Thư chủ biên. Viện Triết học Hà Nội xuất bản 1988, tr.22.
(3) Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục, Nxb TP. HCM 1992, tr.250-251.
(4) Việt Nam PG sử luận - tập 1, Nguyễn Lang, Nxb Văn hóa Hà Nội 1994, tr.481.
(5) Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Trần Hồng Liên. Nxb Khoa học Xã hội 1995, tr.53.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com