- Lời nói đầu
- Phần I: Hội Thảo Khoa Học
- Phần II: Lịch Sử Truyền Thừa
- Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định
- Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
- Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
- Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
- Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
- Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn
Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định Vai Trò Của Chùa Từ Ân Trong Sự Phát Triển Văn Hóa Phật Giáo Ở Gia Định
Trần Hồng Liên
Nguồn: Trần Hồng Liên
Nguồn: Trần Hồng Liên
Thế kỷ thứ XVII, cùng với sự nhập cư của tộc người Việt và nhiều tộc người khác, khu vực Gia Định-Tân Bình đã sớm trở thành một trung tâm thương mại trù phú. Sự phát triển kinh tế đã tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa, trong đó có các hình thức tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo (PG). Nhiều ngôi chùa của người Việt, miếu thờ thần, hội quán của người Hoa kiều cũng được mọc lên, sôi động và thị tứ, từ sau khi thiết lập cơ cấu hành chính vào năm 1698.
1. Cùng đi vào Gia Định với lưu dân, có Thiền sư Phật Ý, từ vùng Biên Hòa đã cùng với một bạn đồng hành, trụ lại tại làng Tân Lộc - huyện Tân Bình. Cả hai đã lập một thảo am nhỏ thờ Phật, lúc ấy vào giữa thế kỷ 18 (1). Ngôi thảo am này nằm trong khu vực gần vườn Tao Đàn, sau này có tên là Từ Ân. Sau đó không lâu, người bạn tách riêng ra, lập ngôi chùa khác đối diện với chùa Từ Ân, là chùa Khải Tường. Vị trí chùa này đã được M.Carmouze vẽ ngày 20-1-1873 và bản đồ của M.Lambley vẽ ngày 28-10-1931 (2) cho phép ta đi tới kết luận rằng vị trí hai chùa Từ Ân và Khải Tườâng thuộc khu vực vườn Tao Đàn - Công viên Văn hóa (chùa Từ Ân) và đường Võ Văn Tần (chùa Khải T��ờng) ngày nay.
Trong khoảng thời gian ban đầu ấy, hai vị thiền sư đã tự túc lương thực, thực phẩm, cùng người dân quanh khu vực khai khoang, vỡ đất trồng rau, làm rẫy... Bàn thờ đặt trong thảo am đơn giản chỉ là một tờ giấy vẽ chữ "Phật" bằng chữ Hán để thờ tự.
Trong bối cảnh xã hội của buổi đầu đi khai hoang, nhà ở còn tạm bợ, cuộc sống lại đầy bất trắc, khí hậu phong thổ chưa phù hợp, bệnh tật và cái chết luôn đe dọa cư dân... nên với ngôi thảo am có bàn thờ Phật trong đấy, nhiều người dân đã bắt đầu tìm đến và nhờ hai vị thầy an ủi, cầu nguyện. Được nghe thuyết giảng một ít về đạo lý nhà Phật, được nghe tiếng kinh đọc tụng, họ cảm thấy ấm áp và an tâm hơn.
Như vậy là trong buổi đầu đặt nền móng tại vùng đất Gia Định, tín ngưỡng PG đã có một vai trò quan trọng, góp phần tăng cường lòng tự tin; khuyến khích sự bền chí và đã tạo được sự yên ổn và phát triển tại vùng đất mới. Nhu cầu cần có thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi qua đời là một đòi hỏi bức bách của lưu dân. Tín ngưỡng Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu ấy và đã tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển nhanh chóng của nhiều ngôi chùa trong vùng đất Gia Định thời bấy giờ.
Chùa Kim Chương được thành lập năm 1755; chùa Giác Lâm được xây dựng từ năm 1744, nhưng đến năm 1772 mới có Thiền sư về trụ trì ; chùa Cây Mai, chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên... cũng dần được thành lập vào đầu và giữa thế kỷ XIX.
Từ một thảo am nhỏ, không đủ sức chứa cho nhiều người đến lạy Phật, nghe kinh; lại thêm cuộc sống cư dân dần được ổn định, ngôi chùa Từ Ân khang trang hơn được dựng lên vào năm Nhâm Thân 1752. Từ đó hai chùa cùng phát triển. Có lẽ rằng dưới triều đại nhà Nguyễn, chùa được đại trùng tu, nên Đại Nam nhất thống chí có cho biết: "Chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, nhà chùa tráng lệ, cảnh trí u nhã..." (3). Có lẽ do sự nhầm lẫn (4) giữa việc lập chùa và trùng tu chùa nên sách của Quốc sử quán triều Nguyễn đã cho rằng chùa chỉ mới được xây dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802). Chùa cũng được Hiếu Khương Hoàng hậu sắc cho làm chùa công. Đến năm Minh Mạng thứ II (1821), chùa được ban sắc "Sắc tứ Từ Ân tự" và được cấp cho phu ở giữ chùa.
Như vậy, vào giai đoạn đầu của cuộc khai phá vùng đất Gia Định, chùa Từ Ân đã góp phần mang lại sự ổn định và phát triển tín ngưỡng PG tại vùng đất mới qua sự có mặt khá sớm và gần như tiêu biểu nhất của mình tại vùng đất Gia Định.
2. Một trong những yếu tố góp phần lớn cho công cuộc phát triển PG còn là sự hiện diện của các nhà sư. Vai trò quan trọng của các vị Thiền sư ở chùa Từ Ân qua nhiều giai đoạn khác nhau đã chứng tỏ điều đó. Thiền sư Linh Nhạc-Phật Ý, qua tên gọi cho biết là vị Thiền sư thuộc thế hệ truyền thừa thứ 35, thuộc dòng đạo Bổn Nguyên, phái Lâm Tế, gốc từ Tổ Nguyên Thiều, một trong những vị được xem là Sơ Tổ hoằng truyền PG vào vùng đất Đàng Trong.
Thiền sư Phật Ý là đệ tử của Thầy Thành Đẳng ở chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai). Chùa Từ Ân là nơi dừng chân và nơi đào tạo nhiều thiền sư có tiếng sau này như: Thiệt Thành-Liễu Đạt, thủ tọa chùa (điều khiển Tăng chúng); Tổ Đạt-Trí Tâm, tri khách (tiếp khách) sau làm trụ trì chùa Khải Tường; Tổ Ấn-Mật Hoằng, sau thời gian tu học ở chùa Từ Ân được cử về trụ trì chùa Đại Giác (Đồng Nai - 1775); Tế Chánh-Bổn Giác, trị sự (lo điều hành nội bộ chùa); Tổ Tông-Viên Quang, đệ tử của Thiền sư Phật Ý, được cử về trụ trì chùa Giác Lâm, trở thành người trụ trì đầu tiên và là Tổ khai sơn của ngôi Tổ đình của dòng đạo Bổn Nguyên ở Gia Định, là ngôi chùa cổ nhất thành phố hiện nay...
Những vị thiền sư sống tu tại chùa Từâ Ân, nhiều năm liền, được đào tạo và bồi dưỡng tại một "trung tâm PG" ở Gia Định thời bấy giờ nên không lạ gì vào những năm dưới triều Gia Long và Minh Mạng, nhiều vị tại đây đã được vinh hạnh mời ra kinh đô, được phong chức Tăng cang, được giao trụ trì chùa Thiên Mụ, Giác Hoàng... ở Huế: được vua mời vào cung dạy đạo cho vua, hoàng hậu và hoàng gia như các Thiền sư: Tổ Ấn-Mật Hoằng (1804-1817) đã được phong Tăng cang (5) và giao trụ trì chùa Quốc Ân: Thiệt Thành-Liễu Đạt; Tế Giác-Quảng Châu....
3. Trong giai đoạn có chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1788-1801), chùa Từ Ân còn là nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh và quan quân, chùa Khải Tường dành cho cung phi. Vào năm 1791, Hoàng tử Đởm đã ra đời tại chùa Khải Tường, sau này lên ngôi là vua Minh Mạng, vua đã nhớ lại việc lành được "mẹ tròn, con vuông" thuở trước nên sắc phong là Sắc tứ Từ Ân tự vào năm 1821 và một hoành phi cho biết được khắc vào năm Quý Mão 1843 phong "Quốc ân Khải Tường tự".
4. Thiền sư Linh Nhạc-Phật Ý, sau một quá trình dài đổ nhiều công sức cho công cuộc khai hoang, ổn định đời sống tinh thần cho cư dân Gia Định, năm 1821 Thiền sư viên tịch tại chùa Từ Ân, thọ 97 tuổi. Buổi lễ an táng được tổ chức long trọng và ngọn tháp đã được dựng lên trong khuôn viên chùa. Nhưng những năm 1859-1961, chùa bị đốt cháy do sự chiếm đóng thành Gia Định của Pháp, ngôi chùa đành phải bị di dời. Một số hoành phi, liễn đối, tượng thờ được đem về ngôi chùa mới, được dựng lên gần rạch Ông Buông, quận 6, lấy tên cũ để lưu giữ (6). Tuy nhiên, ngôi tháp của vị Tổ sư, xem như là vị Tổ đầu tiên của Phật giáo ở Gia Định, của dòng đạo Bổn Nguyên, lại được đưa về cải táng tại chùa Giác Lâm, nên từ đó chùa Giác Lâm trở thành tổ đình của dòng phái Bổn Nguyên.
5. Từ trên những thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa Từ Ân mới được dựng lên vào cuối thế kỷ XIX (1870), khiêm tốn nằm trên đường Tân Hóa. Kiến trúc tuy không bề thế, qui mô, lộng lẫy và khang trang tương xứng với một đại bửu sát trước đây, nhưng bên trong ngôi chùa ấy là một "kho tàng" vô giá, đã góp phần lưu giữ văn hóa PG Gia Định qua nhiều thế hệ, đã giúp cho dòng chảy văn hóa PG Gia Định vẫn còn luân chuyển tiếp nối, thể hiện qua nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa như hoành phi, liễn đối, tượng thờ, bài vị...
Hai bức hoành phi chạm gỗ, sơn son thiếp vàng, được sắc phong của vua vào đầu thế kỷ 19 là hai hiện vật có giá trị lớn. Từ những dòng chữ Hán được chạm nổi trên gỗ, nét chạm sắc sảo, tinh tế, với dãy hoa văn mềm mại viền quanh bức hoành, đến phần lạc khoản của nó đã là một minh chứng về sự hiện diện của các vị vua triều đại nhà Nguyễn trong một ngôi chùa ở vùng đất Gia Định; là sự khẳng định một nền văn hóa PG, đặc biệt là qua kiến trúc, chạm khắc hoành... ở Gia Định thời đó. Còn nữa, những chạm trổ trên phần lạc khoản của hoành phi còn cho biết nó được dâng cúng bởi vị hoàng tử, vào năm Minh Mạng tam niên, tức 1822, tháng Giêng, ngày tốt. "Minh Mạng tam niên trọng xuân ngoạt kiết nhật" (phía phải) và "Hoàng tử Thường Tín đồng chi tạo hiến cúng" (phía trái). Cặp đối có hai chữ đầu là "Từ Ân" (tên chùa) còn cho biết đã được Tăng cang chùa Thiên Mụ và Giác Hoàng là Tế Chánh-Bổn Giác Hòa thượng tạo (7). Khá nhiều bức hoành và câu đối còn ghi nhận niên đại làm lễ lạc thành của chùa là vào năm Canh Ngọ, dưới thời của Hòa thượng (HT) Như Bằng-Thanh Ấn, tức năm 1870 (là năm khánh thành chùa Từ Ân tại đường Tân Hóa). Theo lời HT Thiện Thành-Nhựt Trí, hiện trụ trì cho biết, chùa di dời đến đây là địa điểm thứ ba. Lần đầu ở khu vực gần Võ Văn Tần hiện nay, sau đó chuyển sang khu vực thuộc đường Nguyễn Trãi (gần Tổng nha Cảnh sát trước đây) và lần cuối tại đường Tân Hóa.
Hệ thống tượng thờ trong chùa cũng cho thấy mức độ giao lưu và dung hợp mạnh mẽ giữa PG ở Gia Định với các hình thức tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là thờ cúng các thần nữ (Mẫu).
Hầu như các nữ thần được thờ tự rải rác khắp Gia Định và Nam Bộ đều có trong điện thờ chùa Từ Ân như năm Bà Ngũ Hành, Bà Thủy Long, Linh Sơn Thánh Mẫu... Chánh điệån chùa còn thể hiện sự kết hợp của "Tam giáo đồng nguyên" qua hình ảnh các vị Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Già Lam Thánh Chúng... bên cạnh đức A Di Đà Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát.
Các bài vị chạm khắc gỗ được lưu giữ tại nhà tổ cũng là những hiện vật quí giá cho biết lịch sử truyền thừa của các vị Tổ sư. Đặc biệt chùa còn có cả những bài vị các sơ tổ ở Đàng Trong như Tổ Nguyên Thiều (đời thứ 33); Thành Đẳng (đời thứ 34), Phật Ý (đời thứ 35). Bàn Tổ còn có cả bài vị dành cho vị Tổ khai sáng dòng đạo Bổn Nguyên từ Trung Quốc truyền sang đó là Đạo Mẫn-Mộc Trần (đời thứ 31 tông Lâm Tế, vị Tổ khai bài kệ dòng Đạo Bổn Nguyên) và Tổ Khoáng Viên (đời thứ 32) rồi đến các vị Tổ thuộc đời tiếp sau như Tế Chánh-Bổn Giác... Ngày nay vị Hòa thượng đang trụ trì thuộc đời thứ 41. Bên cạnh 18 bài vị ấy còn có một điểm đặc biệt là bài vị của Hoàng cô (chị vua Gia Long), một cư sĩ đã từng học đạo với Tăng cang Thiệt Thành-Liễu Đạt ở Huế. Bài vị của Hoàng cô đã được đặt trên bàn thờ tổ chùa Từ Ân cho đến hiện nay. Bên trong mỗi bài vị còn mang một nội dung khá phong phú, đã để lại cho thế hệ Tăng Ni trẻ nhiều thông tin giá trị về những ngôi chùa, chức sắc các vị đã trụ trì và đã được phong tặng. Bài vị của Tế Chánh ghi rằng: "Tứ y bát, Thiên Mụ Tăng cang, trùng hưng Từ Ân, đệ tam thập lục thế, húy Tế Chánh, Bổn Giác Hòa thượng giác linh" (Bốn y bát, Tăng cang chùa Thiên Mụ, trùng tu chùa Từ Ân, đời thứ 36, tên húy là Tế Chánh, Bổn Giác Hòa thượng).
6. Ngoài những hiện vật thờ cúng còn lưu giữ, chùa Từ Ân còn đang bảo quản hàng trăm quyển kinh, luật, luận bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trong kho tàng quí giá đó có bộ sách "Ngũ gia tông phái ký toàn tập" (8) do HT Hải Tịnh chứng minh vào năm 1875, là bộ sách đầu tiên đề cập đến sinh hoạt PG ở Gia Định và Nam Bộ. Sách gồm 3 quyển, quyển Trung mang tên "Lược yếu sự tích Phật Tổ" do Pháp sư Trí Thông chùa Sắc tứ Từ Ân, kiêm giám quản phó trụ trì chùa Khải Tường và chư sơn Đại đức hiệu đính. Quyển Hạ cũng cho biết nhiều thông tin quan trọng về việc triệu tập các tu sĩ tại chùa Khải Tường để định lại các ngày lễ kỵ giỗ ở chùa và các ngày tạo tháp; việc HT Chánh Trực ở chùa phó chúc cho HT Hải Tịnh thống quản Tăng chúng ở Gia Định... Qua một số sự kiện trong tập sách, đã cho biết rõ thêm vị trí và ảnh hưởng của chùa Từ Ân đối với PG vùng đất Gia Định thời bấy giờ và đặc biệt là các kinh sách cổ ấy đã giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về những trung tâm in ấn kinh sách trên bản gỗ tại Gia Định, về nơi tạng bản; về các vị Hòa thượng đã chứng minh cho sách... Một số sách lưu giữ đã được đưa từ các chùa ở miền Trung vào để trùng khắc ở Gia Định... điều đó cho thấy ngôi chùa Từ Ân đã góp phần lưu giữ một số lượng khá lớn về tư liệu văn hóa PG, đồng thời đây cũng là nơi phổ biến những ấn phẩm PG ấy đi khắp nơi ở Gia Định và Nam Bộ.
7. Nhiều sinh hoạt nghi lễ PG diễn ra tại chùa Từ Ân, từ hơn hai trăm năm qua, với các hình thức như mở khóa An cư kiết hạ, mở giới đàn, cúng ứng phú; các lễ hội như lễ tảo tháp, lễ Vu Lan, lễ giỗ Tổ... đã tạo điều kiện cho các Tăng sĩ khắp nơi có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh sách, giao lưu với các nơi khác qua các dịp lễ giỗ tổ. Nhiều bức hoành câu đối còn ghi lại trong phần lạc khoản do các HT trụ trì tại khắp nơi ở Gia Định và Nam Bộ tặng. Hoành phi "Đại Hùng bửu điện" do HT chùa Thới Bình, quận Cần Giuộc, dâng cúng nhân ngày lễ lạc thành của chùa; hoành phi "Pháp vũ ân triêm" do chủ hương Hiếu Nghĩa chùa Phước Tường ở Bến Lức dâng tặng; hoành phi "Pháp nhũ ân thâm" do Thiền chủ Từ Thông chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, dâng tặng... Còn nhiều hoành phi khác do các chùa Giác Lâm, Sắc tứ Huệ Lâm; chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), chùa Long Thạnh (Bình Chánh) v.v.. dâng cúng.
Những buổi đi cúng ứng phú tại nhà Phật tử, các lễ trai đàn có hát bội được tổ chức ở Nam Bộ và Gia Định, do yêu cầu của lễ cúng cần thiết mời nhiều tu sĩ cùng tham gia, cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của PG ở Gia Định xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, đã làm cho vùng đất Gia Định nhanh chóng trở thành trung tâm phát triển văn hóa PG và lan tỏa đi các nơi khác.
Sự kiện nhiều Thiền sư thuộc chùa được mời ra kinh đô, được phong chức Tăng cang, được vua phong cho y áo, dao cạo tóc, cấp độ điệp xuất gia như HT Hải Tịnh, được vua phong làm Tăng cang chùa Thiên Mụ (1821), Long Quang (1841-42), Giác Hoàng (1842) (9), khi trở về Nam Bộ được vua ban giá võng, hài, y áo... Những hiện vật ấy là những yếu tố của "văn hóa PG cung đình" đã hội nhập vào dòng văn hóa dân gian ở Gia Định qua các cuộc thỉnh mời Thiền sư ở Gia Định ra giảng đạo tại kinh đô. Mặt khác, từ những chuyến đi của khá nhiều Thiền sư ở chùa Từ Ân ra Huế đã cho thấy được trong sự truyền bá của PG, ở Gia Định nói riêng và cả ở Nam Bộ, đã có mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng lớn đế PG ở kinh đô, đặc biệt là vai trò quan trọng của các Thiền sư Gia Định bấy giờ.
Tóm lại, là một ngôi chùa cổ có mặt sớm ở đất Gia Định, qua quá trình phát triển, chùa Sắc tứ Từ Ân đã dần dần xác lập được vị thế vững chắc trong lòng cư dân có tín ngưỡng tại đây. Trong suốt hơn hai trăm năm qua, dù đã phải chịu cảnh di dời do nhiều biến cố lịch sử, nhưng cho đến nay ngôi chùa vẫn xứng đáng là một kho tàng văn hóa PG phong phú, đã để lại dấu ấn đậm nét trong sự phát triển chung của nền văn hóa vùng đất Gia Định. Ngày nay, kỷ niệm thành phố 300 tuổi, những đặc thù trong văn hóa cư dân Gia Định xưa - TP Hồ Chí Minh nay - đã có sự góp phần của văn hóa PG ở Gia Định từ cái nôi của trung tâm PG "Sắc tứ Từ Ân tự".
CHÚ THÍCH
1 Huệ Chí: Lược sử chùa Giác Lâm, Bản thảo, 1983.
2 Xem bản đồ vị trí chùa Khải Tường trong sách Trần Hồng Liên: Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam - Nxb KHXH.1995, tr.46).
3 Đại Nam nhất thống chí. Lục tỉnh Nam Việt, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, tập Thượng, tr.95, Nha Văn hóa Phủ QVKĐTVH tái bản. Sài Gòn, 1973.
4 Về những điểm sai lầm này, chúng tôi đã có nhận xét trong bài viết: "Vài tư liệu về chùa cần xem xét lại trong Đại Nam nhất thống chí", đăng trong sách "Mùa Thu lịch sử". Nxb Trẻ, 1996, tr. 143-147.
5 Chức sắc cao nhất thời bấy giờ, trên cả Hòa thượng.
6 Chùa Từ Ân hiện nay thuộc số 23 đường Tân Hóa, phường 14, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.
7 Thiền sư Tế Chánh-Bổn Giác là đệ tử của Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (Hòa thượng Liên Hoa) - được Thiền sư Phật Ý giao chức trị sự, điều hành nội bộ chùa. Khi Thiền sư Phật ý viên tịch, Hòa thượng Liên Hoa về trụ trì chùa ; sau khi Hòa thượng Liên Hoa tự thiêu (1823), Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác lên trụ trì.
8 Bộ sách trước đây được in ấn và tạng bản tại chùa Giác Lâm. Sau sự tìm tòi nghiên cứu về các kinh sách cổ của PG tại các chùa ở Nam Bộ do chúng tôi tiến hành cùng với Trung tâm Nghiên cứu Hán-Nôm, sách đã được đưa ra dịch sang Việt ngữ và sẽ được xuất bản nay mai.
9 Hải Tịnh (chứng minh): Ngũ gia tông phái ký toàn tập, quyển Hạ.
Gửi ý kiến của bạn