Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 20

22/04/201317:34(Xem: 7472)
Phần 20

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

TOÀN TẬP

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

TẬP 3

HIỆP CHÚ

CHƯƠNG KẾT

I. TỔNG NẠP:

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng tựa của giới kinh, đã tụng bốn pháp ba la di, đã tụng mười ba pháp tăng già bà thi sa, đã tụng hai pháp bất định, đã tụng ba mươi pháp ni tát kỳ ba dật đề, đã tụng chín mươi pháp ba dật đề, đã tụng bốn pháp ba la đề đề xá ni, đã tụng các pháp chúng học, đã tụng bảy pháp diệt tránh. Đó là giới kinh do Phật thuyết, nửa tháng tụng một lần, xuất từ giới kinh.

Và còn có các Phật pháp khác nữa, trong đây cần phải cùng hòa hiệp tu tập.

Trong chánh văn đoạn này, gồm có ba phần:

1) Tổng kết tất cả 8 chương và 250 học xứ, đã thuyết xong.

2) Xác định xuất xứ của các chương và các điều ấy. Tất cả các chương và các điều này tập hợp thành Giới kinh, do chính Đức Phật đã điển chế.

Về văn cú đoạn này, các bộ có một chi tiết nhỏ khác. Ngũ phần Thập tụng: “ Pháp ấy được nhập vào Giới kinh”. Nghĩa là, tất cả những điều đã được nói trên vốn được Phật chỉ day rải rác, tùy thời tùy lúc, về sau các Thánh tăng tập hợp lại thành hệ thống điển chế thành Giới kinh. Như vậy, các thứ tự chương và điều khoản không phải là sự điển chế nguyên thủy của chính Đức Phật, nhưng do sự điển chế thành hệ thống của các vị truyền luật.

Văn của Tăng kỳ cũng nêu ý nghĩa tương tợ: “Các pháp và tùy thuận pháp đã được thuyết trên đây, là pháp và tỳ ni do chính Đức Như Lai đã thuyết, được nhập vào kinh ba la đề mộc xoa”.

3) Phần tổng nạp. Nêu rõ ý nghĩa rằng các điều khoản trong Giới kinh chỉ là con số hạn chế, và được Phật ấn định tùy theo duyên theo xứ; và những điều mà Tỳ kheo cần tu học không phải chỉ chừng ở đó. Những gì đã được Phật thuyết, Tỳ kheo phải nghiêm chỉnh thọ trì. Những gì chưa được Phật thuyết, vì không có cơ duyên thích hợp, nhưng tùy theo thuận pháp và tỳ ni, Tỳ kheo cần phải thực hành, trái lại nếu không tùy thuận thì dù Giới kinh không đề cập, Tỳ kheo cũng không được phép làm.

Phần tổng nạp nay sẽ được chuyển tiếp bởi các đoạn mạch kế, trong đó sẽ nêu rõ thế nào được gọi là tùy thuận pháp, tùy thuận tỳ ni, và thế nào là ngược lại.

II. LƯỢC GIÁO:

Sau khi đã tổng nạp các chương và các học xứ, từ đây trở xuống với bảy bài kệ đầu là các Giới kinh được lược thuyết của bảy Đức Thế Tôn.

Giải thích ý nghĩa lược giáo này, Luật nhiếp 14 (608c) nói: “Trong Luật tạng, chi tiết này, nếu có trường hợp có những điều Phật không ngăn cấm, hoặc những điều Phật không cho phép, Tỳ kheo sẽ làm như thế nào? Nếu có những trường hợp như vậy, hãy nhận định theo Lược giáo. Như trong phần Tạp sự của luật, Phật dạy các Tỳ kheo: Khi nào có những điều mà từ trước đến nay Ta chưa ngăn cấm, cũng chưa khả hứa, đối với những điều ấy, nếu chúng tùy thuận thanh tịnh, trái ngược những điều không thanh tịnh, thì những điều ấy được coi là tịnh và hãy nên làm theo. Trái lại là không thanh tịnh, các ngươi không nên làm.”

Tiếp theo đó, Luật nhiếpnêu hai chủ đích của Lược giáo: thứ nhất, để phân biệt Tỳ kheo, đệ tử Phật với các tu sĩ ngoại đạo, để đệ tử Phật trong tương lai được sống an lạc.

Như vậy, tổng quát mà nói, trong trường hợp gặp những sự việc không được đề cập trong Giới kinh, muốn rõ điều ấy nên làm hay không nên làm, Tỳ kheo căn cứ trên pháp và tùy pháp mà nhận định. Pháp tức Niết bàn, là mục đích tối hậu mà Tỳ kheo phải nỗ lực đạt đến trong đời sống hiện tại. Tùy pháp, chỉ Thánh đạo tám chi, là con đường duy nhất dẫn đến tịnh lạc Niết bàn. Những gì không dẫn đến Niết bàn, không phù hợp với Thánh đạo, là những điều Tỳ kheo không nên làm.

Dưới đây lần lược nêu Giới kinh lược giáo của bảy Đức Thế Tôn.

1. Phật Tỳ Bà Thi:

Nhẫn: khổ hạnh bậc nhất,

Niết bàn đạo tối thượng.

Xuất gia não hại người,

Không xứng danh sa môn.

Đây là Giới kinh mà đức Tỳ Bà Thi Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

Đây là một bài kệ được chép trong kinh Pháp cú, phẩm Phật Đà, theo bản Pàli. Nguyên văn Hán của Tứ phần có hơi khác:Nhẫn nhục đệ nhất đạo, Phật thuyết vô vi tối, dịch sát, ý nghĩa sẽ là: Nhẫn nhục là đạo đệ nhất, Phật dạy vô vi là tối thượng. Văn Hán các bộ khác, Ngũ phần, Tăng kỳ Thập tụng đều dịch câu đầu như Tứ phần, nhưng câu thứ hai hơi khác: Niết bàn Phật xưng tối, Phật nói Niết bàn là tối thượng. Nhưng, Luật nhiếpđược dịch khác hẳn với các bộ ấy:

Nhẫn thị cần trung thượng,

Năng đắc Niết bàn xứ.

..........

Nhẫn, là sự tinh cần bậc nhất, đưa đến chỗ chứng đắc Niết bàn.

Về mặt từ nghĩa, nếu tổng hợp các bản dịch, thì cầnhay đạođồng nghĩa. Như vậy đạo ở đây không chỉ Thánh đạo hay đạo lý, cũng không phải là đạo lộ. Nhưng điều mà từ ngữ này muốn chỉ, đó là sự tu tập bằng ý chí nhiệt thành. Theo giải thích của Luật nhiếp, sở dĩ Đức Phật Tỳ Bà Thi lược thuyết giới kinh bằng bài kệ này, vì trong thời ấy các đệ tử của Ngài có xu hướng khổ hạnh ép xác. Xu hướng ấy là một trong những quan điểm của tà pháp, vì các ngoại đạo thời bấy giờ cho rằng, ác nghiệp đã làm trong đời quá khứ có thể diệt trừ bằng sự khổ hạnh ép xác, và trong đời này sẽ không tạo thêm các ác nghiệp mới nữa, thì nghiệp quá khứ sẽ hoàn toàn diệt tận và kết quả khổ trong tương lai sẽ không tái diễn. Khổ quả không tái diễn, đó là Niết bàn an lạc. Để loại trừ xu hướng tà vạy ấy, đức Tỳ Bà Thi đã chỉ dạy một điều căn bản, theo đó, không phải do sự khổ hạnh ép xác mà có thể đưa đến Niết bàn. Con đường chân chính nhất để dần đến Niết bàn, đó là tinh cần.

Đấy là theo giải thích của Luật nhiếp. Tuy nhiên, bài kệ này cũng hàm một ý nghĩa khác nữa. Đó là, trong tất cả sự khổ hạnh, khổ hạnh bậc nhất là sự nhẫn nhục chứ không phải các việc ép xác. Ý nghĩa này liên hệ với hai câu kệ sau: người xuất gia không bao giờ gây thiệt hại cho kẻ khác.

Về chữ nhẫn, Luật nhiếp, nêu giải thích theo nghĩa thường hiểu của A tỳ đàm: pháp nhẫn, chỉ sự nhận thức về bản chất của hiện thực bằng khả năng chiêm nghiệm. Trong A tỳ đàm, bốn pháp nhẫn là các nhận thức do kết quả của sự tu quán về 16 hành tướng của bốn Thánh đế thuộc Dục giới. Mỗi Thánh đế nhẫn có một Thánh đế trí tương xứng, và tất cả liên tục diễn ra trong 8 sát na tâm đầu tiên của Kiến đạo. Cho đến sát na tâm thứ 16, vị ấy chứng quả Dự lưu.

Giải thích của Luật nhiếp có vẻ gượng ép.

Về từ vô vi trong chánh văn của Tứ phần, các bộ đều nói là Niết bàn. Theo nghĩa của A tỳ đàm, trong các vô vi, trạch diệt vô vi thuộc về Diệt đế, tức Niết bàn. Không phải tất cả vô vi đều là Niết bàn. Chẳng hạn, hư không vô vi, hay phi trạch diệt vô vi. Pháp mà Phật tán thán, mục đích mà Phật chỉ day, là Niết bàn chứ không phải tất cả các pháp vô vi. Cho nên, nói rằng: Phật tán thán vô vi là pháp tối thượng, là điều sai lầm.

Đến đây có thể tổng hợp các nghĩa trên, để diễn giải lại hai câu kê này cho chính xác như sau: Đức Phật đã dạy rằng, trong các sự khổ hạnh, không phải ép xác là phương pháp tu tập chân chính. Duy chỉ có tinh thần nhẫn nhục là khổ hạnh tối thượng; và người thực hành hạnh nhẫn nhục là người đáng được tán thán bậc nhất. Chỉ có sự thực hành như vậy mới có thể dẫn đến mục đích tối thượng là Niết bàn.

Với câu kệ đầu được hiểu như vậy, thì hai câu còn lại rõ ràng có nội dung có ý nghĩa của sự khổ hạnh bằng nhẫn nhục ấy.

Về Phật Tỳ kheo Bà Thi và năm vị tiếp theo, là các vị Phật đã tiếp nối xuất hiện trước Đức Thích tôn. Sự tích của các vị này được nói rõ trong Trường A hàm I.

2. Phật Thi khí:

Cũng như người mắt sáng,

Tránh khỏi tối hiểm nghèo;

Bậc có trí trong đời,

Tránh xa các xấu ác.

Đây là giới kinh mà Đức Thi Khí Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

Chánh văn bài kệ này, các bộ giống nhau. Luật nhiếphành văn có hơi khác, nhưng ý nghĩa cũng đồng nhất.

Mắt sáng tránh đường hiểm,

Đến được chỗ an lạc;

Kẻ trí trong sanh giới,

Tránh xa các xấu ác.

Ý nghĩa các từ trong bài kệ được giải thích: đường hiểm chỉ các con đường dẫn đến cõi trời và các cõi khổ khác. Chỗ an lạc, chỉ cho Niết bàn. Sanh giới, chỉ các chúng sanh trong tam giới. Các ác, chỉ các hành vi giết dê tế tự thần linh để cầu sanh thiên.

3. Phật Tỳ Xá Phù:

Không báng bổ, tật đố,

Vâng hành các học giới,

Ăn uống biết vừa đủ,

Thường ưa chỗ nhàn tịnh,

Tâm định, vui tinh tấn,

Là lời chư Phật dạy.

Đây là giới kinh mà Đức Tỳ Xá Phù Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

Đây cũng là một bài kệ được chép trong Pháp cú, phẩm Phật Đà, bản Pàli.

Nội dung các bộ giống nhau, chỉ khác một số từ ngữ được dùng. Trong câu đầu, Tứ phần nói: bất báng diệc bất tật; cầu này, Thập tụng nói: bất não, bất thuyết quá, không gây thiệt hại cho người khác, cũng không nói lỗi lầm của người khác. Luật nhiếp: bất hủy diệc bất hại, không chỉ trích cũng không gây hại.

Câu hai, Luật nhiếp: khéo phòng hộ theo giới kinh. Tức khéo phòng hộ bằng biệt giải thoát luật nghi.

Câu bốn, Luật nhiếpnói: thọ dụng ngọa cụ xấu. Cả hai, ba và bốn, nói về sự thọ dụng bốn tư cụ, tức bốn nhu yếu để sinh tồn. Tỳ kheo thọ dụng các thứ này với tâm tri túc. Đây là tinh thần của bốn Thánh chủng, và bốn sở y của Tỳ kheo.

Trong câu bốn, nhàn tịnh, nguyên Hán nói là không nhàn, chỉ trú xứ a lan nhã. Câu này khuyến khích Tỳ kheo nên sống tại các khu rừng vắng vẻ, thuận lợi cho sự tu tập, không nên sống tại các thị tứ hay tụ lạc đông đúc.

4. Câu Lưu Tôn:

Như ong đến tìm hoa,

Không hại sắc và hương,

Chỉ hút nhụy rồi đi,

Vậy Tỳ kheo vào xóm,

Không chống phá việc người,

Người làm hay không làm,

Chỉ tự xét thân mình,

Hoặc chánh hoặc không chánh.

Đây là giới kinh mà Đức Câu Lưu Tôn Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

Bài kệ này cũng được chép trong Pháp cú, phẩm Phật Đà, bản Pàli.

Các bộ giống nhau, riêng Luật nhiếp tách riêng bốn câu sau làm Giới kinh của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni.

Câu ba muốn nói rằng, Tỳ kheo cũng nên như con ong vậy. Và các câu kế tiếp sẽ nói rõ sinh hoạt của Tỳ kheo cần phải như thế nào để có thể so sánh như con ong. Xóm, hay tụ lạc, chỉ các nơi sinh hoạt của tục gia. Tỳ kheo vào tụ lạc, đây chỉ việc Tỳ kheo đi khất thực. Như con ong đến tìm hoa để hút nhụy, cũng vậy, Tỳ kheo vào tụ lạc chỉ để khất thực, chứ không phải vì các lý do thù tạc giao tế.

Trong câu năm, Hán nói: bất vi lệ. Đây là điều được so sánh với ong hút nhụy mà không làm tổn hai sắc hương của hoa. Tỳ kheo vào tụ lạc khất thực, không nên vì sự khất thực ấy mà gây thiệt hại cho thí chủ. Ý nghĩa của câu này được thừa tiếp bởi câu sáu tiếp theo: không được tọc mạch chuyện thị phi của người khác.

Trong câu bảy, tự thân hành, thân hành của chính mình. Chỉ tác phong đi đứng của mình, luôn luôn phải an trú trong chánh niệm.

5. Phật Câu Na Hàm Mâu Ni:

Chớ để tâm buông lung,

Hãy siêng học Phật pháp,

Như thế dứt ưu sầu,

Tâm định nhập Niết bàn.

Đây là giới kinh mà Đức Câu Na Hàm Mâu Ni Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

Bài kệ này, Thập tụng, Ngũ phần Tăng kỳ dịch thể thất ngôn, ý nghĩa rõ rang hơn Tứ phần. Nguyên văn Hán:

Dục đắc hảo tâm mạc phóng dật,

Thánh nhân thiện pháp đương cần học,

Nhược hữu tri tịch nhất tâm nhân,

Nãi năng vô phục ưu sầu hoạn.

Nghĩa: muốn được tâm thuần phục, hãy siêng năng học các thiện pháp của đấng Thánh nhân. Nếu ai có trí, tịch tịnh, tâm chuyên nhất, người ấy mới có thể không lo sợ các sầu khổ sẽ đến.

Luật nhiếp, gồm đến hai bài kệ. Bốn câu đầu, nội dung như các bộ trên:

Vật trước ư tâm định,

Cần tu tịch tĩnh xứ,

Năng cứu vô ưu giả,

Thường linh niệm bất vong,

Nhược nhân năng huệ trí,

Phước tăng oán tự tức,

Tu thiền trừ chúng ác,

Hoặc tận chí Niết bàn.

Nghĩa: chớ đam mê vị ngọt của các định. Hãy tu tập các đối tượng tịch tĩnh; người vượt lên đến chỗ ấy mới dứt hết u sầu, và thường giữ gì chánh niệm không để tán loạn. Nếu người nào hay bố thí, thì phước tăng, các thù nghịch tự dứt. Người tu thiền, trừ các ác, diệt tận các ô nhiễm, người ấy đi đến Niết bàn. Trọn cả hai bài kệ này, Luật nhiếp ghi là Giới kinh lược thuyết của Phật Ca Diếp.

Bài kệ đầu của Luật nhiếpgần giống các bộ khác, nhưng nội dung đã được diễn theo quan điểm của A tỳ đàm. Câu một nói:vật trước ư định tâm, là khuyến thị không nên buông lung đắm trước vào định tâm. Sự đắm trước này, A tỳ đàm gọi là vị định, tức sự thưởng thức các vị ngọt của các định. A tỳ đàm chia tám cấp định, hay tám đẳng chí, thành ba loại: vị đẳng chí, tịnh đẳng chí và vô lậu đẳng chí. Vị đẳng chí, là khi định có vị ngọt. Nghĩa là, hành giả đam mê trạng thái hỷ lạc của định mà mình chứng đắc, bị ngưng trệ trong đó, không tiến lên được. Tịnh đẳng chí, là định tâm không bị chi phối bởi vị ngọt, nên hành giả có thể tiến lên các cấp cao hơn. Vô lậu đẳng chí, là định mà các Thánh giả vận dụng để diệt trừ các hoặc nhiễm.

Như vậy, sự phóng dật mà các bộ khác nói, được hiểu theo Luật nhiếp, là sự không đắm trước vị ngọt của tám đẳng chí. Nhưng trong kinh điển A hàm, sự không phóng dật luôn luôn được đề cao. Tăng nhất A hàmchứa đựng nhiều đoạn Phật tán thán đời sống không phóng dật của các đệ tử. Không phóng dật, tức là luôn luôn nhiếp tâm chánh niệm, ý thức sáng suốt về thân hành; khi đang đi biết là đang đi, đang đứng biết là đang đứng, v.v… Cao nhất của sự không phóng dật là thân hành niệm. Ngài Xá Lợi Phất được tán thán là vị Thánh gải luôn luôn an trú thân hành niệm.

6. Phật Ca Diếp:

Hết thảy ác chớ làm,

Hay vâng hành các thiện,

Tự lóng sạch tâm chí,

Là lời chư Phật dạy.

Đây là giới kinh mà Đức Ca Diếp Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

Bài kệ này cũng được chép trong Pháp cú, phẩm Phật Đà, bản Pàli.

Nội dung giống nhau giữa các bộ. Nhưng trong Luật nhiếp, bài kệ này được kể trong loạt bốn bài kệ được nói là Giới kinh lược thuyết của Đức Thích Ca.

7. Phật Thích Ca:

Khéo phòng hộ lời nói,

Tâm chí được lắng trong,

Thân không làm các ác,

Thực hành được như thế,

Ba nghiệp đạo này tịnh,

Là đạo đấng đại tiên.

Đây là giới kinh mà Đức Thích Ca Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy cho các Tỳ kheo vô sự trong khoảng mười năm đầu. Từ đó về sau được phân biệt rộng rãi.

Các Tỳ kheo tự mình hâm mộ chánh pháp, hâm mộ sa môn hành, có tàm có quý, hâm mộ học giới, hãy tu học ở trong đây.

Bài kệ này cũng đượ tìm thấy trong Pháp cú, phẩm Tỳ kheo, theo bản Pàli. Nhưng văn nghĩa có nhiều chỗ khác biệt. Với các bộ khác, về ý nghĩa căn bản, cũng giống như Tứ phần, nhưng văn nghĩa có nhiều điểm khác biệt.

Văn kệ Thập tụng:

Hộ thân vi thiện tai,

Năng hộ khẩu diệc thiện,

Hộ ý vi thiện tai,

Hộ nhất thiết diệc thiện,

Tỳ kheo hộ nhất thiết,

Tiện đắc y chúng ác,

Tỳ kheo thủ hộ ý,

Thân bất phạm chúng ác,

Thị tam nghiệp đạo tịnh,

Đắc thánh sở đắc đạo.

Nghĩa: Lành thay phòng hộ thân! Lành thay phòng hộ khẩu! Lành thay phòng hộ ý! Lành thay phòng hộ tất cả. Tỳ kheo phòng hộ tất cả, sẽ dứt trừ các ác. Tỳ kheo phòng hộ ý, thân không phạm các ác, và khi ba nghiệp này đã tịnh, sẽ chứng đắc đạo mà các Thánh đã chứng đắc.

Luật nhiếpdịch văn có khác, nhưng nội dung hoàn toàn phù hợp với Thập tụng.Nhưng, trước ba bài kệ này, Luật nhiếpcòn để thêm đầu bài kệ mà các bộ kia nói là Giới kinh của Phật Ca Diếp.

Trong các bài kệ trên, chữ phòng hộ, là cách dịch thông dụng mà trong các luận A tỳ đàm thường dịch là luật nghi. Cả hai đều có chung một tiếng Phạn gốc. Do đó, cũng bài kệ này, trong Câu xá, Huyền Tráng dịch là Thiện tai thân luật nghi…Thiện tai căn luật nghi.

Theo những điều mà Phật thường nhắc nhở trong các kinh điển A hàm, đặc biệt là trong kinhTượng tích dụ, Trung A hàm, phận sự của một Tỳ kheo là có hai phòng hộ: phòng hộ theo giới bổn, tức điều mà thuật ngữ A tỳ đàm gọi là biệt giải thoát luật nghi, và thứ hai là phòng hộ căn môn, tức điều mà thuật ngữ A tỳ đàm gọi là căn luật nghi.

Căn luật nghi, hay phòng hộ căn môn, là sự ngăn giữ sáu căn, không để cho vị ngọt hữu lậu từ bên ngoài xâm nhập làm ô nhiễm tâm. Do đó, khi Tỳ kheo nhận thức sắc bằng nhãn căn, không để cho vị ngọt hữu lậu, tức các ái nhiễm nương theo sắc, đi ngang qua nhãn căn mà xâm nhập vào tâm.

Biệt giải thoát luật nghi, là một trong ba loại luật nghi. Luật nghi của một Thánh giả tức sự phòng hộ mà các ngài đạt được do chứng nghiệm bốn Thánh đế, luật nghi này được gọi là đạo sanh luật nghi, hay vô lậu luật nghi. Thứ đến, sự phòng hộ do kết quả của thiền định, từ sơ thiền đến tứ thiền, gọi là định sanh luật nghi, hay tĩnh lực luật nghi. Theo Hữu bộ, Vô sắc giới không có luật nghi.

Sau hết, luật nghi thuộc Dục giới, tức sự phòng hộ không do Thánh đạo vô lậu đưa đến, cũng không do năng lực của thiền định mang lại; sự phòng hộ này được gọi là biệt giải thoát luật nghi. Có tám loại biệt giải thoát luật nghi, nếu chia theo tính phái. Nhưng về bản chất, có năm: cận sự, cận trú, sa di, thức xoa và Tỳ kheo. Trong đó, biệt giải thoát của Tỳ kheo, mà Luật tạng gọi là Giới kinh, là tối thắng.

Phòng hộ bằng biệt giải thoát luật nghi của Tỳ kheo, là ghi nhớ rõ tất cả các điều khoản ghi trong Giới kinh, để tranh xa không làm những điều ngăn cấm ấy. Tinh thần cốt yếu để đạt đến mức thiện hảo của sự phòng hộ này, như kinh thường nói: hằng cảm thấy lo sợ ngay cả trong những tội lỗi nhỏ nhặt. Các tội lỗi nhở nhặt này, nói theo thuật ngữ của Luật tạng, là các tội đột kiết la. Các tội lỗi này vô số mà Giới kinh không nêu hết được. Phòng hộ theo giới bổn cho đến mức mà ngay cả những điều nhỏ nhặt không được ngăn cấm trong Giới kinh, vẫn biết đó là điều nên làm hay không nên làm; phòng hộ đến mức đó, gọi là toàn hảo.

Như vậy, Giới kinh tuy với con số các điều khoản được ấn định có giới hạn, nhưng phạm vi của biệt giải thoát luật nghi của Tỳ kheo thì vô hạn. Nếu thế, lấy cơ sở nào để phân tích điều gì nên làm, điều gì nên tránh? Bài kệ này nêu lên giáo lý cơ sở cho việc ấy. Nghĩa là, sự phòng hộ theo biệt giải thoát tuy vô hạn, nhưng tóm thâu lại, chỉ trong ba điều: phòng hộ thân, ngữ và ý. Phòng hộ thân và ngữ thuộc biệt giải thoát luật nghi. Phòng hộ ý, thuộc căn luật nghi. Đó là phân tích của A tỳ đàm.

Nếu theo phân tích của A tỳ đàm, thì bài kệ trên còn phải giảng giải nhiều nữa. Trong phạm vi nghiên cứu luật ở đây, điều đó chưa cần thiết.

Phần cuối của bài kệ này khuyên dạy: thực hành ba nghiệp đạo ấy cho đến mức toàn thiện. Nghiệp đạo có mười chứ không phải ba. Ở đây, nói ba, phải hiểu rằng: mười đạo lộ của ba nghiệp. Thân có ba đạo lộ mà nó đi ngang qua. Ngữ có bốn. Bảy chi nghiệp đạo này bao trùm tất cả học xứ của Tỳ kheo, và cũng do đây mà giới của Tỳ kheo được gọi là giới cụ túc. Vì không có loại giới nào phòng hộ đủ cả bảy chi như thế. Cuối cùng, ý có ba đạo lộ.

Câu cuối của bài kệ: đó là con đường mà đáng Đại Tiên đã đi qua, đáng Đại Tiên ở đây chỉ cho Phật. Trong Vệ đà, Tiên chỉ cho các nhà đạo sĩ thấu thị, những người được thần linh mặc khải cho thấy chân lý của Vệ đà. Tiếng này không có nghĩa là một loại trường sinh bất tử như của Trung Quốc. Trong đạo Phật, danh hiệu Tiên nhân, thường chỉ cho các vị Phật Bích chi hay Độc giác. Các vị này do vô sư trí mà chứng ngộ, nhưng không có đệ tử, không thuyết giáo pháp. Phật Thích Ca thường được coi là vị Đại tiên thứ bảy. Như lời tựa của Tăng Nhất nói: Kính lễ Năng Nhân đệ thất Tiên, kính lạy vị Tiên thứ bảy, dòng họ Thích. Trong thiên văn Ấn Độ, danh từ thất tiên cũng chỉ cho chòm sao bắc đẩu.

Sau phần các câu kệ, đoạn văn trường hàng tiếp theo gồm có ba đoạn. Đoạn thứ nhất, nói xuất xứ của bài kệ, như các bài kệ trước. Nhưng ở đây có thêm điểm đặc biệt, là Giới kinh lược thuyết này được nói trong khoảng mười hai năm đầu, kể từ sau ngày Đức Thích Tôn thành đạo. Văn trong đoạn này nói: các Tỳ kheo vô sự.Không rõ đích xác từ ngữ vô sựgốc tiếng Phạn là gì, nhưng về ý nghĩa, có lẽ cũng gần giống với từ ngữ mà Trung A hàm 51, kinh Bạt đà hòa lị (749a) nói là vô hỷ hiếu. Từ ngữ này cũng không rõ ràng gì. Nhưng căn cứ theo đoạn mạch trong trong kinh trên, thì đây chỉ các Tỳ kheo xuất gia vì mong cầu lợi hay để được trọng vọng. Vì khi Bạt Đà Hòa Lị hỏi Phật, tại sao trước kia khi chưa chế định các học xứ, thì số Tỳ kheo tu hành nghiêm chỉnh, nhưng kể từ khi Phật càng chế định nhiều học giới, thì số Tỳ kheo phạm giới càng nhiều? Phật trả lời rằng, trước kia, trong thời gian chánh pháp mới được giảng thuyết, những người xuất gia không vì mục đích lợi dưỡng. Khi chánh pháp truyền rộng, các Tỳ kheo được cúng dường nhiều và được trọng vọng, thì số người xuất gia vì mong cầu lợi dưỡng càng lúc càng nhiều. Do vậy, Phật cần chế định các học xứ để ngừa pháp hữu lậu thẩm thấu làm hoen ố đời sống Tỳ kheo.

Đoạn thứ hai trong văn trường hàng nêu rõ ý nghĩa Phật chế định các học giới của Tỳ kheo như đoạn kinh vừa dẫn. Nghĩa là, từ năm thứ 13 trở đi, kể sau ngày thành đạo, Giới kinh thay vì chỉ được nói vắn tắt, bấy giờ bao gồm nhiều điều khoản. Trước thời gian đó, một thiện gia nam tử xuất gia theo Phật, và cần biết phận sự chủ yếu của một người đã thọ Tỳ kheo phải làm gì, Phật dạy đơn giản: hãy phòng hộ thân, ngữ và ý. Nhưng từ sau khi Phật chế định các điều khoản, người mới xuất gia được dạy cho biết, phận sự làm Tỳ kheo trước hết phải thọ trì các điều khoản được ghi trong Giới bổn, chứ không nói vắn tắt nữa.

Phần kết của đoạn văn trường hàng khuyên dạy các Tỳ kheo nếu xuất gia vì mục đích mong cầu Phật đạo tối thượng, vì ưa thích đời sống sa môn, trước hết phải giữ gìn nghiêm chỉnh các học xứ trong Giới bổn này.

III. KHUYẾN GIỚI:

1.Kẻ trí khéo hộ trì,

Sẽ được ba điều lạc:

Danh thơm và lợi dưỡng,

Sau khi chết sanh thiên.

2.Hãy quán sát điều này,

Kẻ trí siêng hộ giới,

Giới tịnh sanh trí tuệ,

Thành tựu đạo tối thượng.

3.Như chư Phật quá khứ,

Và chư Phật vị lai,

Các Thế Tôn hiện tại,

Đấng chiến thắng khổ đau,

Thảy đều tôn kính giới,

Đấy là pháp chư Phật.

4.Nếu ai vì tự thân,

Mong cầu nơi Phật đạo,

Hãy tôn trọng chánh pháp,

Đây lời chư Phật dạy.

5.Bảy đấng Thế Tôn Phật,

Diệt trừ các kiết sử,

Thuyết bảy giới kinh này,

Giải thoát các hệ phược,

Các ngài đã Niết bàn,

Các hý luận vắng bặt.

6.Các đệ tử tuân hành,

Lời dạy đấng Đại Tiên,

Giới thánh hiền khen ngợi,

Thảy đều nhập Niết bàn.

7.Thế Tôn khi Niết bàn,

Vận khởi tâm đại bi,

Họp các Tỳ kheo chúng,

Ban lời giới như vầy:

8. Chớ nghĩ Ta Niết bàn,

Không còn ai chăn dắt,

Giới kinh và tỳ ni,

Những điều Ta dạy kỹ,

Hãy xem đó như Phật,

Dù Ta nhập Niết bàn.

9. Giới kinh này còn mãi,

Phật pháp còn sáng tỏ,

Do sự sáng rõ ấy,

Niết bàn được chứng nhập.

10.Nếu không trì giới này,

Không bố tát như pháp,

Khác gì mặt trời lặn,

Thế giới thành tối tăm.

11.Hãy hộ trì giới ấy,

Như trâu mao tiếc đuôi,

Hòa hiệp ngồi một chỗ,

Như lời chư Phật dạy.

12.Tôi đã thuyết giới kinh,

Chúng tăng bố tát xong,

Tôi nay thuyết giới kinh,

Công đức thuyết giới này,

Nguyện ban khắp chúng sanh,

Cùng trọn thành Phật đạo.

Các bài kệ khuyến giới trên đây, nếu tính theo số câu, phải kể là 14 bài. Nhưng để tiện theo dõi nội dung, nên không ghi số theo từng bài kệ từng bốn câu một.

Chánh văn phần này các bộ không giống nhau. Duy chỉ có bài kệ được ghi số 5 ở trên là có nội dung tương đồng thôi. Sở dĩ như thế, phần khuyến giới này là do sự kết tập riêng của từng bộ. Điều này cũng giống như trường hợp các bài kệ mở đầu trong chương Tựa thuyết giới.

Nội dung toàn đoạn đã quá rõ, không có điểm gì cần giải thích.

--- o0o ---


Source:www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567