NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001
TOÀN TẬP
TÂM NHƯ TRÍ THỦ
--- o0o ---
TẬP 3
HIỆP CHÚ
CHƯƠNG BỐN
NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỀ
I. TỔNG TIÊU:
A. CHÁNH VĂN:
Thưa các Đại đức, đây là ba mươi pháp ni tát kỳ ba dật đề, xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.
B. LƯỢC GIẢI:
Thiên ba dật đề gồm có hai chương. Đây là chương đầu, gồm 30 điều ba dật đề liên hệ đến những hành vi thọ dụng các tài vật không như pháp. Bản thân của các hành vi này mang bản chất tội phạm ba dật đề như 90 ba dật đề của chương sau. Nhưng ở đây, do sự thọ dụng các tài vật không như pháp, các tài vật này cần phải xả trước Tăng, cho nên gọi chúng là ni tát kỳ ba dật đề, trong khi 90 điều sau chỉ gọi đơn là ba dật đề. Ý nghĩa và thể thức xử trị các tội phạm ba dật đề sẽ nói rõ trong phần ba, về Sám hối và Trị phạt. Ở đây chỉ giải thích những điểm cần thiết liên hệ ý nghĩa ni tát kỳ. Ni tát kỳ, phiên âm của tiếng Phạn (patàyantika), Hán dịch là xả. Trong 30 điều khoản này, các hành vi thọ dụng phi pháp được phân loại như sau (xem Tứ phần giới bổn sớ tán tông ký 11):
a. Ly y, 2 trường hợp: điều 2 và 29.
b. Dương mao, 2 trường hợp: điều 16 và 17.
c. Thặng dư, có 5: điều 1, 3, 21 và 28.
d. Phu cụ, có 5: các điều từ 11 đến 15.
e. Lãnh thọ, có 14 hoặc 15 trường hợp: các điều 4, 6, 7, 8, 10, 18, 19, 20, 24, 27, 28 và 30. Trong đây, điều 28 gồm cả loại phi pháp: lãnh thọ phi pháp và cất chứa phi pháp. Nếu loại bỏ điều này ra khỏi trường hợp lãnh thọ phi pháp, có thêm vào đây điều 23: vẫn đủ số 14 về lãnh thọ phi pháp.
f. Còn lại hai điều: điều 5, khiến Tỳ kheo ni không phải bà con giặt y cũ, và điều 25, cho y rồi lấy lại phi pháp.
Các hành vi phi pháp này liên hệ đến 7 loại tài vật:
a. Y, gồm 16 điều: 1-10, 23-25, 27-29.
b. Bát, gồm 2 điều: 21, 22.
c. Ngọa cụ, gồm 5 điều: 11-15.
d. Thuốc, chỉ có 1 điều: 26.
e. Lông dê, gồm 2 điều: 16, 17.
f. Vàng bạc, gồm 3 điều: 18-20.
g. Tăng vật, 1 điều: 30.
Xét kỹ về bản chất, thì sự thọ dụng phi pháp đối với 7 loại tài vật này liên hệ đến việc thọ trì 4 Thánh chủng. Trong đó:
a. Hỷ túc, tức hài lòng, với bất cứ loại y phục nào: liên hệ đến Thánh chủng này là 16 điều về y.
b. Hỷ túc với bất cứ loại thực phẩm nào: liên hệ điều 26, về thuốc.
c. Hỷ túc về ngọa cụ, nói chung, về các đồ trải lót để nằm hoặc ngồi, gồm 5 điều: 11-15.
d. Lạc đoạn tu, tức vui thích trong sự đoạn trừ phiền não và cần tu Thánh đạo, liên hệ các điều 18-20, trong đó, Tỳ kheo kinh doanh tài bảo như người thế gian sẽ bỏ phế sinh hoạt chính yếu của mình.
Các loại vật còn lại, về bát, điều 21 và 22, là phương tiện để khất thực, tức thọ trì Thánh chủng thứ 2, nhưng sự thọ dụng phi pháp của nó cũng đồng như bản chất của sự thọ dụng y, do đó, có thể kể trong Thánh chủng thứ nhất.
Về lông dê, hoặc liên hệ đến y, hoặc liên hệ ngọa cụ, tùy trường hợp.
Về Tăng vật, bao gồm nhiều thứ vật dụng khác nhau cho nên có liên hệ với tất cả bốn Thánh chủng.
Bốn Thánh chủng là biểu hiện của Thánh đạo tám chi trên các mặt sinh hoạt cụ thể trong đời sống một Tỳ kheo. Do đó, bản chất của bốn Thánh chủng này là trung đạo, không xu hướng cực đoan khổ hạnh, hay hưởng thọ dục lạc. Ở đây có thể nêu một số điển hình về sự thể hiện nguyên lý trung đạo này.
a. Thí dụ về các trường hợp thọ trì 3 y. Tỳ kheo luôn luôn phải đủ 3 y, đây là mức thấp nhất của tinh thần tri túc. Dưới mức đó là thiên về xu hướng cực đoan khổ hạnh. Theo duyên khởi mà các bộ phái tường thuật về 3 y, vì như vậy vừa đủ để một Tỳ kheo dùng trong mùa nóng cũng như mùa lạnh, và cũng đủ để che thân thể kín đáo, không gần đến mức lõa lồ như các pháp tu sĩ lõa thể. Đây chỉ là nguyên tắc. Trên thực tế, Tỳ kheo có thể rời 1 trong 3 y như được quy định trong các điều 2 và 29, vì thuận tiện cho sự hành đạo. Mặt khác, Tỳ kheo có thể cất chứa nhiều hơn 3 y, nếu trong thời hạn hiệu lực của y ca thi na, hoặc đã được tác tịnh.
b. Thí dụ khác về thực phẩm. Tỳ kheo hoàn toàn sống bằng sự khất thực. Chỉ ăn một ngày một bữa. Không được phép cất chứa bất cứ loại đồ ăn thức uống nào. Đây cũng chỉ là nguyên tắc. Trong trường hợp Tỳ kheo bịnh, hoặc thể chất bạc nhược cần ăn nhiều lần, cũng có thể ăn phi thời, nhưng với một số loại thực phẩm hạn chế. Như vậy, ăn quá nhiều hay ăn quá ít đều là cực đoan. Nhưng thế nào là tri túc? Điều này không chỉ đòi hỏi nhu cầu cá nhân riêng biệt mà còn phù hợp với các loại thực phẩm. Đó là trường hợp của điều luật thứ 26.
Sau hết, mặc dù luật quy định rằng tất cả tài vật mà Tỳ kheo sở hữu và thọ dụng phi pháp đều phải xả trước Tăng, nhưng trên thực tế, trừ một số vật dụng mà bản chất hoàn toàn phi pháp như ngọa cụ làm bằng tơ tằm, hay các thứ vàng bạc, còn lại những vật dụng khác mà bản chất vốn như pháp, Tỳ kheo có thể thọ dụng, chỉ có điều thọ dụng sai nên phải xả, cho nên, trên nguyênt ắc nói là xả và vật được xả ấy cúng lại cho Tăng và tùy Tăng xử đoán, nhưng thực tế Tăng phải hoàn lại vật ấy cho sở hữu chủ. Xả như vậy có nghĩa là hợp pháp hóa trường hợp thọ dụng phi pháp, với mục đích là phục hồi bản chất của bốn Thánh chủng mà Tỳ kheo ấy đã làm sứt mẻ do sự thọ dụng các tư sinh cụ một cách phi pháp.
Theo tinh thần ấy mà luận, thì danh từ ni tát kỳ ba dật đề hay xả đọa có thể được giải thích như sau: Tỳ kheo phạm ba dật đề, nghĩa là bí a ngã, do nhiễm tâm đối với các tư sinh cụ, các Tỳ kheo khác có nhiệm vụ giúp đỡ Tỳ kheo ấy đứng dậy vững vàng trong Thánh đạo bằng cách loại bỏ nhiễm tâm của vị ấy khỏi các tư sinh cụ mà mình thọ dụng.
Các thể thức sám và xả sẽ nói sai. Ở đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết 30 điều ni tát kỳ ba dật đề.
II. GIỚI TƯỚNG:
ĐIỀU 1.Súc trường y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, y đã xong, ca thi na đã xả, cất chứa y dư, trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa, nếu quá mười ngày, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Súc trường y:cất chứa các loại y thặng dư.
Y, ở đây chỉ cho các chất liệu để may y, chưa dùng được, và cũng kể luôn các loại y đã có thể sử dụng được, tức bao gồm 13 tư cụ.
Về các loại vải để may y được coi là như pháp, Ngũ phần 4 kể 5 thứ, Thiện kiến 14 kể 6 thứ, Tứ phần 6 kể 10 thứ. Tăng kỳ 8 kể 16 loại y, gồm chung vải và y. Đây là sự khác nhau về thổ sản địa phương nên không phiền trích lục. Riêng về 13 tư cụ, theo liệt kê của Căn bản bách nhất yết ma 10, gồm có: 1. Tăng già lê, hoặc âm tăng già chi, dịch là trùng phức y tức y gấp lớn, y mới được may với 2 , y cũ 4 lớp. 2. Uất đa la tăng, hoặc âm ốt đát ra tăng già, dịch là thượng y, loại y trùm phía trên hay phần trên của thân thể. 3. An đà hội, hoặc an đát bà sa, dịch là hạ y hay nội y. 4. Ni sư đàn, hoặc ni sư đát na, dịch là tọa cụ hoặc ngọa phu cụ, vải lót để ngồi, hoặc nằm. 5. Niết bàn Tăng, hoặc nê phạt tán na, dịch là quần. 6. Phó nê phạt tán na: phó quần tức quần lót. 7. Tăng khước kỳ, dịch là yểm dịch y hoặc phú bác y, y che nách, phủ vai trái và chừa vai phải. 8. Phó tăng khước kỳ. 9. Ca da bao chiết na, dịch là thức thân cân, khăn lau mình. 10. Mộc khư bao chiết na: thức diện cân, khăn lau mặt. 11. Kê xá bát lặc để kiết lặc ha: thế phát y, khoác khi cạo tóc. 12. Kiến đậu bát lặc để xạ đạn na: già sang y hay phú sang y, y che ghẻ. 13. Bệ sát xả bát lị ca la dược tư cụ y, khăn để gói thuốc.
+ Y đã xong tức ba y đã đủ.
+ Ca thi na đã xả:hiệu lực của y ca thi na đã hết. Về sự thọ và xả ca thi na, xem Yết ma yếu chỉ, Ch. VII.
+ Y dư,Hán:trưởng y.Luật nhiếp5: ngoài các y đã thọ trì ra, còn lại gọi là y dư.Tứ phần6: “Trưởng y, là y dài 8 lóng tay và rộng 4 lóng tay Phật”. Đây muốn nói rằng những vải đã may thành 3 y rồi, bất cứ còn lại miếng vải nào dài cỡ 0,40m và rộng cỡ 0,20m được kể là y. Dưới kích thướùc này, chỉ coi là vải vụn chứ không kể là y dư.
+ Tịnh thícũng gọi là tác tịnh hay phân biệt. Những miếng vải dư với kích thước đã nêu trên nếu là dư, muốn cất chứa, phải tác tịnh (về thể thức tác tịnh, xem Yết ma yếu chỉ, Ch. VIII). Chỉ tác tịnh nếu cất chứa ngoài thời hạn 10 ngày. Dưới 10 ngày, khỏi phải tác tịnh. Đây là trường hợp vải dư sau khi đã may đủ 3 y. Nếu may chưa đủ, có thể chứa trong thời hạn 1 tháng (tham chiếu điều 3 ở sau).
2. PHẠM TƯỚNG:
a. Ni tát kỳ ba dật đề hội đủ các yếu tố:
1) Hiệu lực ca thi na đã hết.
2) Ba y đã may xong và đã đủ.
3) Có y dư, hoặc bất cứ miếng vải nào với kích thước dài 0,40m và rộng 0,20m trở lên.
4) Cố ý cất chứa.
5) Không tác tịnh.
6) Quá hạn 10 ngày. Ngày nhận được y dư dù bỏ hoặc vải dư còn lại sau khi đã may xong ba y, đây kể là ngày thứ nhất. Đến ngày 11, khi minh tướng xuất hiện, phạm điều học này.
Ngày nào bắt đầu có y dư, kể là ngày thứ nhất. Các ngày tiếp theo, hoặc liên tục có, hoặc cách khoảng có, thảy đều lấy ngày có đầu tiên làm chuẩn. Tất cả y vải được cất chứa trong khoảng 10 ngày này đều là phi pháp, phải xả hết. Giả sử ngày đầu có được vải dư, cho đến ngày thứ 10 có thêm miếng khác, sang ngày thứ 11, cả hai tấm vải này đều là vật được thọ dụng phi pháp.
Tất cả y hay vải dư phi pháp nói trên đều phải xả trước Tăng, sau đó sám hối tội ba dật đề (xem phần ba, Ch. V).
c. Đột kiết la:
- Vải hay y dư cất chứa phi pháp, không xả mà đem đổi cái khác, phạm bổn tội cộng thêm 1 tội đột kiết la. Y mới đổi về phải xả và sám, xem như là y cất chứa phi pháp.
- Quá hạn 10 ngày, ngày thứ 11 không xả, để qua ngày thứ 12: phạm 1 bổn tội và cộng thêm 1 tội đột kiết la. Cứ theo đó, để cách bao nhiêu đêm không xả, phạm bấy nhiêu tội đột kiết la.
- Ngày thứ 11, không xả cũng không đổi lấy cái khác, mà đem cho người khác: đột kiết la.
- Cố ý làm hư rách, hay làm giảm bớt kích thước nói trên để cất chứa, đột kiết la. Hoặc để nguyên kích thước nhưng dùng làm tạp toái y (ba lị ca la y): đột kiết la.
d. Không phạm:
- Chứa trong khoảng 10 ngày.
- Đã tác tịnh vào ngày chứa thứ 10.
- Vải dưới kích thước đã kể.
- Chưa hết hạn 10 ngày nhưng đã cho người khác, hoặc bị mất, bị cháy v.v…
3. DUYÊN KHỞI:
Đại thể, các bộ giống nhau. Nguyên do là nhóm sáu Tỳ kheo có quá nhiều y thay đổi nhiều lần trong ngày. Phật khiển trách về sự thọ dụng không tri túc, và kết giới lần đầu: “Tỳ kheo nào cất chứa y dư (quá 1 đêm), ni tát kỳ ba dật đề”. Sau đó, có đàn việt cúng cho ngài Đại Ca Diếp một y, nhờ ngài A Nan chuyển hộ. Nhưng A Nan không dám nhận vì sợ phạm tội cất chứa y dư. Được biết trong khoảng 10 ngày nữa, ngài Đại Ca Diếp sẽ về bố tát, Phật cho nới rộng thời hạn cất chứa là 10 ngày, và kết giới với nguyên văn như đã thấy.
ĐIỀU 2. Ly y túc.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, y đã xong, ca thi na đã xả, lìa một trong ba y ngủ đêm chỗ khác, trừ tăng yết ma, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
Bạch Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tôi Tỳ kheo… vì bịnh hoạn, gầy yếu, có duyên sự cần đi xa, nhưng y tăng già lê này nặng, không kham mang theo. Nay tôi thỉnh cầu Tăng kết pháp không mất y(nói 3 lần).
Tăng đề cử Tỳ kheo làm yết ma sư. Vị này bạch yết ma như sau:
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vì bịnh hoạn, gầy yếu, có duyên sự cần đi xa, nhưng y tăng già lê nặng, không kham mang theo nên thỉnh cầu Tăng kết pháp không mất y. Đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vì bịnh hoạn, gầy yếu, có duyên sự cần đi xa, nhưng y tăng già lê nặng, không kham mang theo nên nay thỉnh cầu Tăng kết pháp không mất y. Tăng nay vì Tỳ kheo… kết pháp không mất y. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì Tỳ kheo… kết pháp không mất y thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nó. Tăng đã chấp thuận vì Tỳ kheo… kết pháp không mất y, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các yếu tố để xác định là phạm hay không phạm được ghi rõ trong chánh văn, mà cũng đã được giải thích trên. Vậy ở đây không cần thiết nêu chi tiết. Cũng nên xem lại điều 1 để lượng định chi tiết.
3. DUYÊN KHỞI:
Đại khái, các bộ giống nhau. Một số Tỳ kheo, hoặc có bộ kể là nhóm sáu Tỳ kheo, hoặc nhóm 17, hoặc vài người trong nhóm đó, đi vào tụ lạc mà không mang theo đủ 3 y. Biết được điều này, Phật khiển trách các vị ấy là phi oai nghi, phi sa môn hạnh và kết giới gồm phần đầu của chánh văn.
Sau khi Phật kết giới này, ngài Đại Ca Diếp, vào lúc trời mưa dầm, mang theo 3 y một cách khó nhọc, và đã đến dự bố tát trễ. Nhân đây, Phật tùy khai, cho phép Tỳ kheo được lìa y có duyên sự, và nếu được Tăng tác yết ma. Bấy giờ, Phật tu chỉnh lại điều luật đã kết với lời văn như hiện truyền.
ĐIỀU 3. Nhất nguyệt y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, y đã xong, ca thi na đã xả, nếu Tỳ kheo được vải phi thời, cần thì nhận, nhận xong nhanh chóng may thành y; đủ thì tốt, không đủ thì được phép chưa một tháng vì đợi cho đủ; nếu chứa quá hạn, ni tát kỳ ba dật đề.
B.LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Nhất nguyệt y:y hoặc vải được phép cất chứa trong thời hạn 1 tháng. Tiêu đề này gọi theo Căn bản tỳ nại da. Hoặc gọi là Nguyệt vọng y: y được chứa để chờ đủ trong hạn 1 tháng; nếu nói theo Tứ phần hàm chú. Nội dung điều luật này gần giống với điều 1, chỉ khác nhau về sự xác định bản chất của vải hay y được cất chứa. Ở điều 1, nó được gọi là dư; còn trong điều này nó được coi là thiếu. Trong điều1, 3 y đã đủ, không cần có thêm y mới, cho nên bất cứ thứ gì, hoặc y hoặc vải ngoài 3 y ấy ra đều được gọi là dư. Ở đây, mặc dù 3 y đã đủ, nhưng trong đó có những cái đã cũ rách, cần phải thay cái mới. Trong thời gian chưa có y mới, y cũ không được phép xả, vì Tỳ kheo luôn luôn phải đủ 3 y. Vải đượcc hứa để may y mới chưa đủ, và trong thời hạn 10 ngày cũng không thể hy vọng có đủ số cần thiết, nên Phật nới rộng thời gian chờ đợi, lâu nhất là 1 tháng. Nói là 1 tháng, phải hiểu là 30 ngày, kể từ ngày đầu tiên nhận được vải.
Trên thực tế, điều luật này là trường hợp tùy khai của điều 1. Bởi vì, mặc dù có yếu tố để xác định nó là y thiếu, nhưng trong hình thái thọ dụng, tức cất chứa, nó vẫn là thứ y dư, thặng dư ngoài số 3 y đang có.
Nói tóm, có hai yếu tố xác định hình thái trì phạm khác nhau giữa điều 1 và điều 3 này:
a. Yếu tố dư và thiếu. Trong 3 y đang thọ trì, chưa có cái nào cũ rách cần thay cái mới, y hay vải cất chứa phải được coi là y dư: trì phạm theo điều 1. Trái lại, vì cần có y mới thay y cũ đã rách, y hay vải được cất chứa với ý nghĩ chờ đợi cho đủ số để may cái mới, y hay vải ấy được gọi là thiếu: trì phạm theo điều 3.
b. Yếu tố vọng và phi vọng. Cất chứa y hay vải thiếu với hy vọng sẽ kiếm đủ số để may y mới thay y cũ: trì phạm theo điều 3. Trái lại, dù thiếu, nhưng không có ý chờ đợi hay hy vọng gì: trì phạm theo điều 1.
+ Y đã xong, ca thi na đã xả,xem lược giải điều 1.
+ Vải phi thời: phi thời y. Trong một năm, phi thời y có 11 tháng, tức đã trừ tháng ca đề; nếu không có hiệu lực của ca thi na. Trái lại, trừ những tháng và ngày mà hiệu lực ca thi na chưa xả; phi thời ngắn nhất là 7 tháng. Các chi tiết này, xem trong Yết ma yếu chỉ, Ch. vii.
+ Cần thì nhận:xác định yếu tố vải phi thời được gọi là thiếu; vì cần may y mới thay y cũ nên có thể nhận và cất chứa mà không gọi là dư.
+ Nhận xong nhanh chóng may thành y: nên may nhanh cho xong trong vòng 10 ngày. Đây là thời hạn cất chứa chung cho y dư và y thiếu. Dư hay thiếu chỉ xác định theo bản chất của nhu cầu, còn hình thái thọ dụng vẫn giống nhau.
+ Đủ thì tốt:trong vòng 10 ngày, vải cất chứa dồn lại đủ để may y, và may xong. Trong giới hạn này, việc cất chứa y vẫn chấp hành theo điều luật 1. Dù đủ hay không đủ, nếu hoàn toàn không có ý định kiếm thêm cho đủ số lượng cần thiết, hoặc hoàn toàn không có hy vọng gì kiếm thêm, thì y hay vải được cất chứa phải coi là dư; đến ngày thứ 10 phải tịnh thí, nếu không, ấy là vi phạm điều luật 1.
+ Không đủ thì được phép chứa một tháng vì đợi cho đủ:đây là yếu tố vọng và phi vọng, xác định hình thái trì phạm khác nhau giữa điều 1 và điều 3. Nói là một tháng, tức trong vòng 30 ngày, nhưng từ ngày thứ nhấr được y hay vải cho đến ngày thứ 10, hình thái trì phạm hoàn toàn theo điều 1, không xét yếu tố vọng hay phi vọng. Từ ngày thứ 11 trở đi cho đến ngày thứ 30, dựa trên yếu tố vọng và phi vọng mà xác định hình thái trì phạm của điều 3 này.
Sự hy vọng chờ đợi phải hội đủ 2 yếu tố: đối tượng, hy vọng sẽ nhận được thêm cho đủ số vải từ một nơi nào đó; thời gian, biết rõ mình chỉ có thể chờ đợi hoặc trong vòng 11 ngày thì đủ số, hoặc tối đa 30 ngày thì đủ số. Nếu thiếu cả hai yếu tố này, phải coi là phi vọng, và phải xử lý theo điều 1.
Trong hai yếu tố của sự hy vọng, nếu có đối tượng mà không thể lượng định được thời gian, thì thời gian tối đa là 30 ngày. Nếu hoàn toàn không có đối tượng, thời gian tối da là 10 ngày. Nếu có cả thời gian và đối tượng trong khoảng từ 11 đến 30 ngày, bất cứ mất đối tượng hy vọng vào ngày nào, ngày ấy phải coi là hết hạn cất chứa.
Trong hai yếu tố của sự hy vọng, cần phải cộng thêm yếu tố về loại vải nữa để xác định thời hạn được phép cất chứa. Nếu là vải cùng loại, dù đủ hay không đủ, đến ngày thứ 10 là hết hạn; nếu không thể may thành y, phải tác tịnh. Trái lại, trong vòng 10 ngày mà được các thứ vải khác nhau, muốn đợi cho đủ số vải cùng loại để may thành y, có thể đợi, theo thời gian ước định, từ 11 đến 30 ngày. Ngày thứ 30, dù đủ hay không đủ, phải may thành y; nếu không thể may thành, phải tác tịnh.
Trên đây là nêu các nguyên tắc tổng quát về hình thái trì phạm của điều luật này. Để hiểu rõ các nguyên tắc này, ở đây cần có thí dụ.
Thí dụ: ngày thứ nhất được một loại vải, ngày thứ hai hoặc tiếp theo, được vải cùng loại. Nhưng bản ý muốn chờ loại vải khác để may y. Cho đến ngày thứ 10, không có loại vải nào khác, thì các vải cùng loại phải may thành y, hoặc phải tác tịnh.
Ngày thứ nhất được một loại vải, các ngày tiếp được các loại vải khác nhau, nhưng bản ý muốn may với loại vải của ngày đầu, và có ý chờ đợi 11 ngày. Đến ngày thứ 11, mất hy vọng, phải may thành hoặc phải tác tịnh. Trái lại, không muốn chọn vải ngày đầu, dù chọn bất cứ loại khác của ngày thứ mấy, vẫn lấy ngày đầu làm chuẩn cho thời hạn hy vọng.
Cũng với thí dụ vừa kể, nhưng thời gian để chờ đợi là 30 ngày; giả sử đến ngày thứ 14, mất hy vọng, thì nội trong ngày ấy phải may cho xong hoặc phải tác tịnh.
2. PHẠM TƯỚNG:
- Các hình thái vi phạm, trên đại thể, cũng tương đồng với điều 1: phi thời y, hết hạn, và không tác tịnh. Nhưng do bản chất bất đồng nên thời hạn khác nhau. Như vậy, đối chiếu các yếu tố vi phạm của điều 1, kết hợp với bản chất và thời hạn của y trong điều 3 này như đã giải thì có thể xác định được yếu tố vi phạm.
3. DUYÊN KHỞI:
Có tỳ kheo có y cũ không còn dùng được, nhưng trong vòng 10 ngày không thể tìm đủ vải để may thành y mới. Phật cho phép triển hạn. Nhóm sáu tỳ kheo do thế cất chứa vải hơn 30 ngày, vì muốn đợi cho đủ số vải cùng loại. Vì vậy, Phật kết giới, cho phép cất chứa tối đa là một tháng.
ĐIỀU 4. Thủ phi thân ni y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, thọ nhận y từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến, trừ đổi chác, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
- THÍCH NGHĨA:
+ Thủ phi thân ni y: thọ nhận y từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến. Ý nghĩa của điều học này đã rõ, nên không cần giải thích chi tiết.
Theo điều luật 2, ni tát kỳ ba dật đề của Tỳ kheo ni, thì Tỳ kheo ni không được phép lìa 5 y. Tức ngoài 3 y như Tỳ kheo, Tỳ kheo ni còn phải có đủ thêm 2 loại y nữa: quyết tu la (Phạn: kusùlaka) tức cái váy của đàn bà để mặc lót phòng kinh nguyệt; và tăng khước kỳ (Phạn: samkaksika) tức cái yếm để nịt vú.
Trong 5 loại y kể trên, 3 loại đầu hoàn toàn giống như của Tỳ kheo, do đó có thể biếu tặng và Tỳ kheo có thể thọ dụng được. Nhưng nếu cho như vậy, hoặc giả Tỳ kheo ni sẽ thiếu mất một y và do đó phạm điều luật 2 trong ni tát kiều ba dật đề; hoặc Tỳ kheo ni sẽ phải khoác y rách rưới và điều này, như Tứ phần 6 đã giải thích: đối với người nữ, sự y phục rách rưới là điều không tốt.
Ở đây quy định rằng không được nhận từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến, vì đối với người không thân quyến thì mình không thể chiếu cố hoàn cảnh sinh hoạt của người ấy để biết rõ nên nhận hay không nên nhận. Và cũng cốt để ngăn ngừa những sự giao tình không tốt đẹp do từ thân duyên ấy. Hoặc cũng có thể vì sự cho ấy mà gây sự hiềm nghi.
+ Trừ đồi chác:không phải do Tỳ kheo ni biếu không, mà có sự trao đổi; hoặc dùng y đổi y, hoặc các thứ khác như kim, chỉ v.v… để trao đổi. Đây là trường hợp tùy khai, cho phép nhận nếu có lý do chính đáng. Nó bao gồm những trường hợp như Tỳ kheo ni có y dư, do tâm kính mộ mà cúng dường. Nhưng khi cho như vậy, Tỳ kheo ni phải nói rõ ràng mình hiện có đủ y, không thiếu, và đây là y dư nên cúng dường. Như thế thì Tỳ kheo được phép nhận.
2. PHẠM TƯỚNG:
Đủ 4 yếu tố sau đây thì thành phạm:
1) Người cho là Tỳ kheo ni (nếu Thức xoa ma na hay Sa di ni cho mà Tỳ kheo nhận thì phạm đột kiết la).
2) Tỳ kheo ni ấy không phải là thân quyến, tức bàcon ruột thịt (các bộ đều nói: 7 đời họ cha và 7 đời họ mẹ, trong vòng đó được gọi là bà con ruột thịt).
3) Y đúng lượng, tức 1 trong 3 y được may như pháp mà Tỳ kheo có thể thọ dụng.
4) Không có nguyên nhân chính đáng để nhận (như Tỳ kheo y bị mất, bị thiếu…).
3. DUYÊN KHỞI:
Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc lên Linh Thứu hầu Phật. Gặp một Tỳ kheo khoác y cũ rách, bèn đem y tăng già lê tốt đẹp của mình mà cho. Rồi cô kiếm y khác, đã cũ rách, đến hầu Phật. Phật bảo cô rằng Tỳ kheo ni khoác y rách là điều không thích hợp. Nhân đó, Ngài tùy chế rằng: Nếu Tỳ kheo nhận y từ Tỳ kheo ni, ni tát kỳ ba dật đề.
Sau khi Phật quy định điều luật này, một số Tỳ kheo dù được Tỳ kheo ni thân quyến cho y, nhưng không dám nhận. Do đó, Phật tu chỉnh điều luật: (…) Tỳ kheo ni không phải thân quyến (…).
Về sau nữa, Phật tại tinh xá Kỳ Hoàn. Có đàn việt cúng dường y chung cho cả hai bộ Tăng. Khi phân chia, có sự nhầm lẫn y Tỳ kheo với y Tỳ kheo ni. Một số Tỳ kheo ni khoác y không vừa, muốn đổi cho Tỳ kheo, nhưng sợ phạm luật. Phật tùy khai, cho phép Tỳ kheo nhận, nếu là trao đổi.
ĐIỀU 5. Sử phi thân ni hoán cố y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, khiến Tỳ kheo ni không phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
+ Sử phi thân ni hoán cố y: khiến Tỳ kheo ni không phải thân quyến giặt y cũ. Vì không phải là bà con ruột thịt, khi giặt y cũ cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni có thể tác ý mà sanh nhiễm tâm.
Y cũ tức đã được dùng ít nhất qua một lần.
Giặt, nhuộm, đập, là các hình thức trị lý y cũ. Bất cứ hành vi trị lý nào mà khiến Tỳ kheo có tác ý và sanh nhiễm tâm, đều thành phạm cả. Mỗi hành vi trị lý là một tội ba dật đề đối với Tỳ kheo nào sai khiến. Sau khi y ấy được xả, Tỳ kheo vi phạm sám tất cả các tội ba dật đề này.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các yếu tố thành phạm được quy định rõ ngay trong chính văn, không cần thiết phải phân tích. Nhưng nếu muốn cụ thể, có thể tham chiếu với sự phân tích trong điều 4 ở trên.
Ngoài các yếu tố thành tội căn bản, còn những tội đột kiết la kèm theo cũng nên biết.
Nếu sai hai hoặc ba việc, nhưng Tỳ kheo ni chỉ làm một việc, như chỉ giặt chứ không nhuộm v.v…, thì Tỳ kheo phạm một tội ba dật đề, đối với việc giặt lấy, còn lại bao nhiêu việc có sai nhưng không có làm theo đều phạm bấy nhiêu tội đột kiết la. Nếu có sai khiến bao nhiêu việc mà tất cả đều không được Tỳ kheo ni làm cho, thì phạm bấy nhiêu tội đột kiết la.
- Nếu sai Thức xoa, hoặc Sa di ni giặt v.v… phạm đột kiết la.
Trường hợp bịnh nên nhờ giặt, không phạm.
3. DUYÊN KHỞI:
Ca Lưu Đà Di có tình ý với Tỳ kheo ni Thâu La Nan Đà nên thường lai vãng thăm viếng. Cả hai ngồi đối diện, y phục không kín đáo, khiến Ca Lưu Đà Di máy động dục tâm, xuất bất tịnh, bèn khiến Thâu La Nan Đà mang đi giặt. Cô trích vật bất tịnh ấy, bỏ vào tiểu tiện đạo một ít, nhân đó mang thai. Do đó, Phật chế điều học này.
ĐIỀU 6. Tùng phi thân cư sĩ khất y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, ni tát kỳ ba dật đề, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là: Tỳ kheo y bị cướp, y bị mất, y bị nước cuốn, đây gọi là trường hợp đặc biệt.
B. LƯỢC GIẢI:
+ Tùng phi thân cư sĩ khất y:Xin y từ cư sĩ (hoặc vợ cư sĩ) không phải thân quyến. Ý nghĩa không phải thân quyến cũng giống như trong điều 4. Đối với người không phải thân quyến, mình không rõ đến hoàn cảnh dư dả hay thiếu hụt của họ.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hình thái trì phạm của điều luật này đã quá rõ trong chánh văn.
- Đối tượng xin để thành phạm là cư sĩ nam hoặc cư sĩ nữ không phải thân quyến. Nếu là thân quyến thì không phạm. Luật nhiếp 6: nếu xin từ những người hoàng môn, nhị hình, ngoại đạo, phạm đột kiết la.
- Vật xin là y. Tứ phần 7 chỉ nói là 10 loại y, tức 10 thể tài để may y. Luật giải của Thượng tọa bộ (Nam truyền đại tạng 1, tr. 358) ghi rõ là y hay vải với kích thước tối thiểu cho sự tác tịnh, tức dài cỡ 0,40m và rộng cỡ 0,20m. Thập tụng 6, Căn bản tỳ nại da 20, và Luật nhiếp 6 ghi: đủ 3 yếu tố để thành y phi pháp nếu xin được, đó là giá, tối thiểu từ 5 ca lị sa noa (Phạn: kàrpasana, vỏ sò), và sắc, các màu xanh, vàng, trắng v.v… và lượng lớn cỡ 5 khủy (tức cỡ 2,50m).
- Có xin, nhưng người ta không cho: Tỳ kheo xin phạm đột kiết la.
- Các trường hợp tùy khai, Tỳ kheo xin mà không phạm, như đã ghi rõ trong chánh văn.
3. DUYÊN KHỞI:
Phật tại Xá Vệ. Tỳ kheo Ô Ba Nan Đà thuyết pháp cho một cư sĩ giàu có. Ông khâm phục, và tỏ ý muốn cúng dường một thứ gì, nếu Ô Ba Nan Đà muốn. Nan Đà này chỉ muốn cái áo choàng thượng hạng mà cư sĩ đang khoác. Ông này hẹn mai đến nhà lấy, nhưng Ô Ba Nan Đà không chịu. Ông bất mãn và cởi ngay áo choàng ấy cho. Khi trở vào thành Xá Vệ, người ta ngạc nhiên về sự ăn mặc lôi thôi của ông. Biết được lý do, mọi người chê bai sa môn Thích tử không biết tri túc. Phật tùy chế điều luật: Tỳ kheo nào xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, ni tát kỳ ba dật đề.
Sau đó, một số Tỳ kheo có thân quyến cúng y nhưnghọ không dám nhận. Phật cho phép Tỳ kheo được xin y từ cư sĩ thân quyến, và tu chỉnh lại điều luật.
Sau hết, một số Tỳ kheo đi đêm lạc đường bị cướp chặn lột hết y phục. Họ không dám xin cư sĩ không phải thân quyến nên lõa thể mà về tinh xá Kỳ Viên. Nhân đây, Phật tùy khai cho các trường hợp đặc biệt và tu chỉnh lần nữa điều luật này. Và đây là lần tu chỉnh cuối cùng.
ĐIỀU 7.Quá phần thủ y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn, nếu có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến đem cho nhiều y, yêu cầu tùy ý nhận, Tỳ kheo ấy nên biết đủ mà nhận y, nếu nhận quá, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Quá phần thủ y: Thọ nhận y quá số cần dùng. Tiêu đề này nói theo Tứ phần Tỳ kheo hàm chú. Luật nhiếp 6 gọi tên điều luật này là quá lượng khất y, cũng đồng ý nghĩa.
Quá phần hay quá lượng: trong 3 y, Tỳ kheo bị mất loại y nào, có thể xin loại y đó để bổ sung cho đủ 3 y. Ngoài số lượng cần thiết vậy gọi là quá.
+ Yêu cầu tùy ý. Hán: tự tứ thỉnh, chỉ sự bố thí không hạn chế của cư sĩ do tín tâm, nhưng Tỳ kheo thọ nhận phải biết sự hạn chế của tri túc. Sự bố thí này, Tạp a hàm 17 (tr. 343a) gọi là tự tại thí, và sự thọ nhận không hạn chế tri túc của Tỳ kheo được ví như người vắt sữa bò cho đến khô cạn.
+ Nên biết đủ mà nhận. Giải thích của Tứ phần 7: “Nếu mất một y, không được nhận. Nếu mất hai y, còn lại một y hoặc hai lớp, hoặc ba lớp, hoặc bốn lớp, nên trích ra làm thành hoặc tăng già lê hoặc uất đa la tăng hoặc an đà hội. Nếu cả ba y đều mất, nên biết đủ mà nhận”. Ý nói: nếu mất một y không được phép nhận. Ở đây có hai trường hợp: a) Nếu mất hoặc an đà hội hoặc uất đa la tăng, trích tăng già lê ra mà làm y thế cái mất. Vì tăng già lê nếu cũ thì gồm 4 lớp hoặc 3 lớp, nếu mới thì có 2 lớp. b) Nếu mất tăng già lê, còn lại hai y kia vẫn có thể tạm thời đi lại, cũng không được phép nhận. Sau đó, tìm vải may y để bổ túc y bị thiếu, và điều này sẽ được xử lý theo điều luật 3 ở trên, về nhất nguyệt y.
Nếu mất hai y, cũng có hai trường hợp: a) Nếu còn tăng già lê, thì trích một hoặc hai lớp của tăng già lê mà làm y thế cái bị mất, sau đó, có thể tìm y ở những nơi khác để bổ sung sự thiếu hụt. b) Nếu trong số mất có tăng già lê, có thể nhận.
Về sự mất và nhận này, các bộ khác đều nói là “nên nhận hai y thượng và hạ”. Nghĩa là tối đa chỉ được phép nhận một lúc hai thứ y, tức ý nghĩa cũng tương đồng với giải thích của Tứ phần vừa dẫn.
Nói tổng quát, ý nghĩa của điều luật này là: Tỳ kheo không được xin một lúc quá số lượng hai y từ một nhà cư sĩ không phải thân quyến. Đây là ý nghĩa cụ thể kinh Di Giáo nói là người nông phu phải lượng sức con trâu mà cày, hoặc Tạp a hàm dẫn trên nói là người chăn bò không nên vắt sữa con bò đến khô cạn.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các yếu tố căn bản để xác định:
- Các trường hợp y bị mất, bị cướp v.v…
- Đối tượng xin y là cư sĩ không phải thân quyến.
- Sự thọ nhận quá lượng tri túc.
Nếu Tỳ kheo xin quá lượng tri túc và nhận được như ý muốn, ni tát kỳ ba dật đề. Nếu người không cho, hoặc cho ít hơn số lượng muốn xin, Tỳ kheo phạm đột kiết la.
3. DUYÊN KHỞI:
Phật tại Xá Vệ. Một số Tỳ kheo bị cướp y. Họ trở về Kỳ Hoàn và các cư sĩ hay tin bèn đem các thứ y đến cúng. Các Tỳ kheo này từ chối vì 3 y bị cướp nhưng nay đã kiếm đủ. Nhóm sáu Tỳ kheo cổ động họ nên nhận, nếu không dùng thì cho lại mình hoặc cho các Tỳ kheo khác. Lần sau, khi các cư sĩ khác hay tin cũng mang y đến cúng. Các Tỳ kheo bị cướp dù đã đủ y vẫn nhận. Các Tỳ kheo tri túc cho rằng làm như vậy là phi pháp, bèn trình lên Phật. Phật tùy chế điều luật này.
ĐIỀU 8.Khuyến y giá.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ vì Tỳ kheo để dành tiền sắm y, nghĩ rằng: “Mua y như thế cho Tỳ kheo như thế”, Tỳ kheo ấy trước không được yêu cầu tùy ý mà đi đến nhà cư sĩ, nói như vầy: “Lành thay cư sĩ, nên mua cho tôi y như vậy, như vậy”, vì muốn đẹp, nếu nhận được y, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Khuyến y giá: Đề nghị giá trị y hoặc vải. Tứ phần hàm chú nói: khuyến cư sĩ tăng y giá, đề nghị cư sĩ tăng thêm giá tiền của y. Tiêu đề theoCăn bản tỳ nại da20:tri tục nhơn cọng hứa dữ y tựu khất, biết (vợ chồng) tục gia cùng hứa hẹn cho y (Tỳ kheo), bèn đến xin. Tiêu đề theo Luật nhiếp 6, bỏ chữ cọng.
Điều luật này cấm Tỳ kheo đề nghị cư sĩ sắm y theoý muốn của mình, trừ khi có sự yêu cầu. Sự đề nghị này, theo Thập tụng 6 và Căn bản tỳ nại da 20 gồm có đề nghị về giá tiền, về màu sắc, và về kích thước. Tăng kỳ 9 nêu thêm đề nghị về thời hạn. Giải thích của các luật này đều hàm ý là đề nghị tăng hơn mức mà ý của thí chủ định trước. Nếu họ tăng thêm đề nghị, và Tỳ kheo nhận được y, thànhphạm.
Tứ phần 7 chỉ nêu 2 đề nghị là tăng giá, hoặc từ 1 tiền (tức 1 ma-sa), hoặc chỉ 1/16 ma sa, và tăng lượng, dù chỉ thêm một chỉ, tất cả đều thành phạm.
+ Cư sĩ hay vợ cư sĩ. Các bộ khác có thêm yếu tố “không phải thân quyến”.
+ Yêu cầu tùy ý:Thí chủ yêu cầu Tỳ kheo muốn loại như thế nào, bao gồm giá tiền, màu sắc và kích thước, họ sẽ sắm đúng như vậy. Trong đây nói: “Tỳ kheo trước không được yêu cầu tùy ý”, có nghĩa là thí chủ tự ý sắm theo giới hạn mà họ có thể chứ không hỏi trước ý kiến của Tỳ kheo. Về ý nghĩa “yêu cầu tùy ý”, xem thêm giải thích trong điều 7 ở trên.
+ Vì muốn đẹp.Hán:vị hảo cố. Đây nói động cơ khiến Tỳ kheo đưa ra các đề nghị cho thí chủ. Nếu hiểu đẹp theo ý nghĩa hoa lệ, thì sự đề nghị sẽ là cao hơn mức thí chủ định. Nhưng nếu hiểu đẹp là lịch sự, hay vừa vặn, gọn gàng, thì không nhất thiết là đòi hỏi cao, mà cũng có thể là đề nghị thấp hơn. Nếu hiểu theo ý nghĩa sau, thì bất cứ sự đề nghị nào, dù tăng giá y hay giảm giá y, đều là yếu tố thành phạm. Nhưng vì các luật giải thích theo hướng ý nghĩa thứ nhất, nên chỉ có thể hiểu rằng đây là sự đề nghị tăng giá.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các yếu tố căn bản để thành phạm ni tát kỳ ba dật đề:
- Thí chủ là cư sĩ không phải thân quyến. Luật nhiếp 6: nếu xin từ chư thiên thì không thành phạm.
- Không được yêu cầu tùy ý trước, mà tự động đến đề nghị.
- Đề nghị một trong 3 điều (hoặc 4 điều) như đã nói.
- Thí chủ thỏa mãn đề nghị, và Tỳ kheo nhận được y, thành phạm. Nếu thí chủ không chìu ý Tỳ kheo, hoặc cuối cùng Tỳ kheo không nhận được là đột kiết la.
Ngũ phần: Nếu thí chủ là cư sĩ thân quyến, Tỳ kheo đề nghị: đột kiết la. Các luật khác không ấn định tội phạm đột kiết la này.
3. DUYÊN KHỞI:
Phật tại Xá Vệ. Bạt Nan Đà (tức Ô Ba Nan Đà) có gia đình cư sĩ quen biết cũ, hai vợ chồng nhà ấy bàn riêng nhau để dành một số tiền để sắm y cho Bạt Nan Đà. Một Tỳ kheo khất thực ngang qua nhà họ, hay được, về báo cho Bạt Nan Đà biết. Bạt Nan Đà liền đến nhà cư sĩ ấy đưa các đề nghị. Hai vợ chồng nhà này do vậy bất mãn. Các Tỳ kheo bạch Phật, và Ngài tùy chế: “Tỳ kheo nào có cư sĩ hay vợ cư sĩ vì Tỳ kheo để dành tiền sắm y, nghĩ rằng: “Mua y như thế cho Tỳ kheo như thế”. Tỳ kheo ấy bèn đến nhà cư sĩ, nói như vầy… (như chánh văn, cho đến hết).
Rồi một số Tỳ kheo được các cư sĩ cúng y với sự yêu cầu tùy ý, nhưng các vị này sợ phạm điều Phật chế nên không dám nhận lời yêu cầu tùy ý. Nhân đó, Phật tu chỉnh điều luật này, thêm yếu tố “trước không được yêu cầu tùy ý”.
Trên đây tóm tắt theo tường thuật của Tứ phần 7; Căn bản tỳ nại da 20 kể thêm nhiều tình tiết hơn:
Phật tại Xá Vệ. Trong thành này có một gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều ngoại tình. Gia nghiệp suy sụp. Người chồng tính bạo ác, hay đánh đập nữ tì. Ô Ba Nan Đà (tức Bạt Nan Đà) biết rõ sự việc ấy, đến giáo hóa. Vợ chồng tin Phật, thôi không ngoại tình nữa, sống hòa thuận và làm ăn sung túc trở lại. Để cảm tạ ân đức của Ô Ba Nan Đà, họ bàn riêng nhau dành tiền sắm y cúng cho Ô Ba Nan Đà. Cô nữ tì cũng biết ơn Ô Ba Nan Đà, vì nhờ sự giáo hóa ấy mà ông chủ thôi không đánh đập hay gắt gỏng nàng nữa. Nhưng cô không có tài sản gì để cúng. Nhân nghe lỏm được chuyện bàn luận ấy, để tỏ lòng biết ơn, nàng mách lại cho Ô Ba Nan Đà hay. Ô Ba Nan Đà biết chuyện như vậy, bèn đến yêu cầu vợ chồng cư sĩ đưa y cho mình coi. Coi xong rồi chê thứ y này chỉ đáng để phủi bụi, và đưa ra các đề nghị. Họ nói là trong nhà hết tiền, không thể sắm cái khác. Nan Đà bảo bán cái y ấy đi, rồi thêm tiền sắm cái khác. Họ chìu ý, và để Nan Đà tự ý đi chọn vải. Nan Đà đến một cửa hiệu, nói khích cho chủ nhân đưa loại vải quý nhất, rồi nhận và bảo gia chủ kia sẽ trả tiền. Gia chủ không đủ tiền trả liền, nên khất hẹn. Nhưng đến hẹn, vẫn không đủ tiền trả, bị chủ hiệu bắt đứng phơi nắng. Mọi người thấy thế, hỏi ông bịnh gì phải phơi nắng. Ông kết đầu đuôi câu chuyện. Do đó, mọi người chê bai sa môn Thích tử tham cầu vô độ. Các Tỳ kheo bạch Phật, và Ngài chế điều luật này.
ĐIỀU 9. Khuyến hiệp y giá.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, có hai nhà cư sĩ riêng để dành tiền sắm y cho Tỳ kheo, nói rằng: “Mang số tiền như thế để mua y như thế cho Tỳ kheo như thế”. Tỳ kheo ấy trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý của cư sĩ, mà đi đến nhà hai cư sĩ, nói như vầy: “Lành thay, dành tiền như thế may y như thế cho tôi, hãy chung lại làm một y”, vì muốn đẹp, nếu nhận được y, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Khuyến hiệp y giá: Đề nghị hai thí chủ hùn tiền lại sắm một y cho mình. Điều luật này, nội dung cũng như điều 9 trên. Chỉ khác ở điểm, trên kia do một thí chủ, ở đây có hai gia đình cư sĩ, mỗi bên muốn sắm riêng một y cho Tỳ kheo. Đề nghị hùn tiền cả hai nhà lại, về phía các thí chủ, số tiền có thể hoặc tăng hoặc giảm, nhưng về phía Tỳ kheo được cúng, thì giá tiền, màu sắc và kích thước cố nhiên có sự thay đổi hoặc gia tăng theo ý muốn của Tỳ kheo. Như vậy, tinh thần của sự thọ lãnh vẫn phi pháp như điều 8, nó vượt giới hạn của tri túc.
Tiêu đề của điều luật này, theo Luật nhiếp 6: “Khuyến cọng tác y”. Theo Căn bản tỳ nại da 20: “Tri tục nhân biệt hứa dữ y tựu khất” biết (hai tục gia) riêng hứa cúng y, bèn đến xin. Theo Tứ phần hàm chú: “Khuyến nhị gia tăng y giá”.
Cũng như trong điều 8, Tứ phần không có yếu tố “cư sĩ không phải thân quyến”, còn các bộ khác có thêm yếu tố này.
Hình thái trì phạm cũng giống như trong điều 8.
2. DUYÊN KHỞI:
Cũng do Ô Ba Nan Đà tức Bạt Nan Đà, và sự việc xảy ra đại khái như trong điều 8. Nhưng ở đây, nghe có hai nhà hứa hẹn mỗi bên sắm một y, Bạt Nan Đà đến dê fnghị nên hiệp chung lại để có được y tốt đẹp hơn.
ĐIỀU 10.Quá hạn sách y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, hoặc vua hoặc đại thần, hoặc Bà la môn hoặc cư sĩ, hoặc vợ cư sĩ sai sứ mang tiền đến Tỳ kheo, bảo rằng: “Hãy mang số tiền sắm y như thế cho Tỳ kheo có tên như thế”. Người sứ ấy đến chỗ Tỳ kheo, nói với Tỳ kheo rằng: “Đại đức, nay tiền sắm y này được gởi đến ngài. Ngài hãy nhận”. Tỳ kheo ấy nên nói với sứ giả rằng: “Tôi không được phép nhận tiền may y này. Khi nào cần, hợp thời và thanh tịnh, tôi sẽ nhận”. Người sứ này có thể hỏi Tỳ kheo rằng: “Đại đức có người chấp sự không?”. Tù kheo nên nói “Có”. Và chỉ một tịnh nhân tăng già lam, hoặc một Ưu bà tắc, nói rằng: “Đó là người chấp sự của Tỳ kheo, thường chấp sự cho các Tỳ kheo”. Bấy giờ, sứ giả ấy đi đến chỗ người chấp sự, trao số tiền may y, rồi trở lại chỗ Tỳ kheo, nói rằng: “Đại đức, tôi đã trao tiền sắm y cho người chấp sự mà ngài đã chỉ. Đại đức, khi nào cần, hãy đến người ấy sẽ được y”. Tỳ kheo khi cần y sẽ đến chỗ người chấp sự hoặc hai lần hoặc ba lần, để khiến người ấy nhớ lại, nói rằng: “Tôi cần y”. Hoặc hai hoặc ba lần như vậy khiến cho nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt. Bằng không, bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người ấy. Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người ấy, được y thì tốt. Bằng không được y mà cố cầu quá giới hạn ấy, nếu được y, ni tát kỳ ba dạt đề. Nếu không được y, tự mình hoặc sai người đến chỗ người xuất tiền sắm y, nói rằng: “Ngài trước sai người cầm tiền sắm y cho Tỳ kheo có tên như vậy. Tỳ kheo ấy cuối cùng không nhận được y. Ngài hãy lấy tiền lại, đứng để mất”. Như vậy là hợp thức.
B. LƯỢC GIẢI:
+ Quá hạn sách y:Đòi tiền may y do tịnh nhân giữ hộ quá nhiều lần. Tiêu đề này gọi theo Căn bản tỳ nại da và Luật nhiếp. Tứ phần hàm chú gọi là “Quá hạn cấp sách y”, đòi quá gấp và quá nhiều lần.
Theo luật Phật chế, Tỳ kheo không được cầm nắm, cất giữ các thứ tiền, bạc, vàng, ngọc, châu báu. Nếu có một thí chủ, thay vì cúng các thứ hiện vật, họ cúng tiền, thì Tỳ kheo không được cầm và nhận, mà phải nhờ một tịnh nhân hoặc một cư sĩ thân tín cầm và cất giữ hộ. Khi nào cần mua sắm, Tỳ kheo phải nhờ người lấy lại số tiền ấy và mua những thứ mình cần, tùy theo ý muốn của mình, nhưng cũng không được tự tay cầm tiền đi mua sắm. Điều luật này liên hệ đến việc cất giữ tiền bạc và mua sắm của Tỳ kheo, nhưng chỉ giới hạn cụ thể trong việc mua vải hay sắm y. Nội dung gồm 3 điểm chính yếu: cách nhận tiền, cách gởi tiền và thể thức đòi tiền từ người được gởi.
Về cách nhận và gởi, chánh văn đã nêu rất rõ. Trong đó, nói rằng: “Tôi không được nhận tiền may y này”, tức chỉ rõ Tỳ kheo phải trả lời cho người cúng tiền biết, theo luật chế, Tỳ kheo không được phép nhận bất cứ thứ tiền bạc gì, dù là tiền để may sắm vải hay y, nhưng được phép nhận hiện vật. Lại nói tiếp: Về điều này, Luật nhiếp 6 giải thích: Tỳ kheo không được phép làm vua một nước hay nửa nước. Không được nhận hay cất giữ kim, ngân, bảo vật, cũng như thóc, gạo, trâu, ngựa, xe cộ, ruộng vườn, đất đai các thứ v.v… Tất cả những thứ này, nếu thí chủ cúng dường Tăng, thì được phép nhận, nhận riêng cho cá nhân Tỳ kheo thì không được.
Chánh văn lại nói tiếp:“Khi nào cần, hợp thời và thanh tịnh, tôi sẽ nhận”. Điều này muốn nói rằng: mặc dù Tỳ kheo được phép nhận y, nhưng không được phép nhận y hay vải dư, sự thọ nhận lại phải hợp thời, và y hay vải cũng phải đúng lượng mà luật đã quy định. Những điều này đã dẫn giải trong các điều 1 và 3 ở trên. Mặt khác, đoạn văn vừa dẫn cũng hàm ý rằng: thí chủ tự mình hay nhờ người khác mang tiền cúng cho Tỳ kheo, đúng lúc mà Tỳ kheo đang cần y, có thể nhờ họ đem tiền ấy đi đổi lấy hoặc vải thay vì tiền.
Nội dung của chánh văn ở đây giả thiết cùng thí chủ bàn việc không thể tự mình trực tiếp mua vải hay sắm y cho Tỳ kheo, nên gởi tiền nhờ người khác chuyển hộ để Tỳ kheo tùy ý liệu lý. Và cũng giả thiết rằng người được thí chủ nhờ chuyển cũng không rảnh, nên chánh văn ghi câu hỏi của sứ giả này: “Đại đức có người chấp sự không?”. Về người chấp sự, chánh văn có ghi rõ: hoặc tăng già lam nhân, hoặc Ưu bà tắc, và đưa thêm giải thích: người ấy thường chấp sự cho các Tỳ kheo. Người chấp sự như vậy không phải là Sa di hay Tỳ kheo, mà là các cư sĩ, hoặc thọ 5 giới hoặc thọ 8 giới, sống trong phạm vi già lam, giúp đỡ các Tỳ kheo những công việc lao tác, như quét dọn, trông nom vườn tược v.v… Ta thường gọi là những người công quả chùa, hoặc gọi theo chữ nghĩa là tịnh nhân. Người chấp sự cũng có thể là một cư sĩ sống ở nhà, nhưng thường lui tới chùa, gần gũi và giúp đỡ các Tỳ kheo những công việc cần thiết. Theo chế độ Tăng già nguyên thủy, một Tỳ kheo thường không định cư tại một trú xứ, và Tăng đoàn không hề có bất cứ sở hữu gì, ngoài y bát và một số nhu dụng tùy thân khác. Nhưng theo đà phát triển lịch sử, các Tỳ kheo dần dần tiến tới giai đoạn đời sống định cư tại một trú xứ. Do đó phát sinh những nhu cầu thường nhật, mà các nhu cầu này do sự hạn chế của tinh thần tri túc và không sở hữu tài sản, cho nên, vừa để chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc luật quy định phù hợp sinh hoạt thực tế, các Tỳ kheo thường phải cần đến sự giúp đỡ của cư sĩ, nhất là trong các việc quản lý tài sản hoặc công hoặc tư, thí dụ, việc cất giữ tiền bạc. Tất nhiên, sự cất giữ tiền bạc mặc dù trái với nguyên tắc luật chế nguyên thủy, nhưng với sự phát triển các chế độ tiền tệ theo đà phát triển của lịch sử kinh tế, thì việc cất chứa này dù là công hay tư, cũng không thể thiếu. Do yếu tố tất nhiên của lịch sử phát triển kinh tế và tiền tệ như vậy, chế độ tịnh nhân dần dần được thiết lập tại các tăng già lam.
Trong đoạn tiếp theo, chánh văn quy định thể thức nhận tiền sắm y khi cần từ người được ký thác.
Trong thể thức này, có hai phương pháp chủ yếu để gợi ý cho người giữ tiền biết mình đang cần: hoặc nói gián tiếp, hoặc đứng im lặng. Nói gián tiếp, nghĩa là, Tỳ kheo không biểu người ấy trực tiếp đưa tiền cho mình. Nếu có người khác đi theo, Tỳ kheo sẽ biểu đưa cho người ấy cầm rồi đi theo mình để mua sắm. Nếu không có người đi theo, Tỳ kheo lại phải nhờ chính người cất giữ đi mua sắm. Do đó, chánh văn ghi câu nói nhắc nhở của Tỳ kheo với người giữ tiền rằng: “Tôi cần y”. Tức Tỳ kheo đến để nhận vải chứ không phải để nhận tiền.
Chánh văn nói:hoặc hai hoặc ba(…).Nóihoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu lần đứng im lặng,ở đây quy định giới hạn tối đa cho những lần lui tới nhắc nhở người giữ tiền: 3 lần nói cọng với 6 lần đứng im lặng. Theo giải thích của Tứ phần 7: 1 lần nói trừ 2 lần đứng im lặng: 2 lần nói trừ 4 lần đứng im lặng, 3 lần nói trừ 6 lần đứng im lặng. Giải thích này phù hợp với Thiện kiến 15: nếu chỉ hoàn toàn đứng im lặng, được phép lui tới 12 lần. Nếu 1 lần nó, trừ 2 lần đứng im lặng. Như vậy, nếu chỉ nói, được phép tối đa 6 lần. Thiện kiến 15 cũng giải thích rõ đứng im lặng là như thế nào: không được đề cập gì đến việc mình cần y, mà chỉ đứng im chứ không nói gì cả. Nếu người ấy mời ngồi, Tỳ kheo không được ngồi, mời ăn, cũng không được ăn. Cuối cùng, người ấy có thể sẽ hỏi: “Vậy chứ Đại đức đến đây có việc gì?”. Đáp: “Ông tự hiểu lấy”. Làm như vậy là gián tiếp nhắc người ấy mình có gởi tiền, nay cần y hoặc vải.
Thể thức nhắc nhở này, Tăng kỳ 9 giải thích hơi khác. Có 4 trường hợp: a. Hoặc vừa tự mình nói hoặc sai người đứng im lặng, xen kẽ nhau. b. Hoặc sai người nói và tự mình đứng im lặng, xen kẽ nhau. c. Hoặc tự mình thực hiện cả hai cách. d. Hoặc sai người làm cả hai cách. Trong bốn trường hợp này, nêu cụ thể trường hợp đầu như sau: 1 lần tự mình nói, 1 lần sai người đứng im lặng. 1 lần tự mình nói, 2 lần sai người đứng im lặng. 1 lần nói, 3 lần sai người đứng im lặng… 1 lần nói, 6 lần sai người đứng im lặng. 2 lần nói, 3 lần nói cũng vậy. Ba trường hợp khác phỏng theo đây mà suy. Giải thích này thật rắc rối và tối nghĩa, có lẽ do việc dịch không thông.
Nhưng, tổng quát mà nói, 1 lần nói để nhắc thì tương đương 2 lần đứng im lặng. Như vậy, nếu 6 lần nói, sẽ không có thêm lần nào đứng im lặng nữa. Hoặc 12 lần đứng im lặng, thì cũng không có lần nói nào nữa. Cứ 1 lần nói là trừ đi 2 lần đứng im lặng.
Các bộ không có giải thích nào rõ ràng về lý do tại sao có các thể thức nhắc nhở như vậy. Trong phần tường thuật duyên khởi, chỉ đề cập việc Tỳ kheo đòi quá bức thiết, cư sĩ phải đưa ngay hoặc phải đi mua vải hộ tức khắc, khiến họ phải trễ công việc riêng và do đó phải chịu thiệt hại về sự trễ nãi này. Nhưng riêng Tăng kỳ 9 thì tường thuật người giữ tiền, vì túng thiếu, có việc cần dùng nên tạm mượn đỡ. Tỳ kheo đòi gấp quá, họ thanh toán không kịp nên sinh hậu quả lôi thôi. Tường thuật này phù hợp với giải thích ở đoạn sau cùng của bộ luật này về việc gia hạn khất của cư sĩ. Tỳ kheo đến đòi, nhắc nhở bằng cách nói hay đứng im lặng, cư sĩ ấy nhận biết, và khất hẹn 1 tháng. Phải đúng 1 tháng, Tỳ kheo mới được phép đến nhắc lần nữa. Ba lần khất như vậy là hết hạn, và Tỳ kheo không được đến nhắc nhở gì thêm nữa, mà phải báo lại cho thí chủ biết cuối cùng mình không nhận được y với số tiền mà thí chủ ấy cúng. Nếu người giữ tiền hẹn nửa tháng, hoặc 10 ngày, cho đến 1 ngày, Tỳ kheo cũng chỉ được phép nhắc nhở tối đa qua ba lần khất hẹn mà thôi. Giải thích này hình như liên hệ đến các điều khoản pháp luật nào đó về việc thanh toán khế ước giữa chủ nợ và con nợ. Nếu khất quá hạn, chủ nợ có thể đưa con nợ đến cửa công để bắt buộc thanh toán khế ước. Nhưng Tỳ kheo không được phép làm như vậy, cho nên phải nhờ thí chủ can thiệp để họ tự lấy tiền lại, nghĩa là tự thanh toán với nhau theo luật pháp thế gian. Đây là nội dung trong đoạn cuối của chánh văn.
Câu kết của chánh văn: như vậy là hợp thức. Hán của Tứ phần: thử thị thời. Các bộ khác: thị sự ưng nhĩ, sự việc ấy nên như vậy.
2. PHẠM TƯỚNG:
Trong điều luật này còn bao hàm 2 điều luật khác, cũng thuộc chương này điều 6: Tỳ kheo xin y từ cư sĩ không thân quyến, và điều 18: Tỳ kheo không được cầm giữ vàng, bạc hoặc tiền. Điểm chủ yếu của điều 10 này làm hình thái trì phạm đối với thể thức đòi nợ. Tổng quát, có 5 yếu tố cần đủ để thành phạm:
1) Có thí chủ cúng tiền, hoặc vàng bạc.
2) Tiến ấy để sắm y cho Tỳ kheo.
3) Tiền ấy được ký thác người giữ hộ.
4) Tỳ kheo lui tới nhiều lần, quá giới hạn để đòi.
5) Nhận được y.
Căn bản tỳ nại da 20: Sau khi tỳ kheo báo cho thí chủ biết để nhận lại số tiền cúng, nếu người chấp sự cuối cùng đưa tiền sắm y ấy đến, Tỳ kheo không được phép nhận, mà phải trả lời rằng tiền ấy mình đã xả, bảo người chấp sự đến thanh toán với thí chủ. Nếu người chấp sự cho biết ông đã có sự thỏa thuận với thí chủ rồi, Tỳ kheo được phép nhận mà không phạm.
3. DUYÊN KHỞI:
Sự tường thuật của Tứ phần 7 đại khái chỉ cụ thể hóa những chi tiết trong chánh văn, nghĩa là thêm tên người, tên cho các thứ, chứ không có thêm chi tiết gì đặc biệt.
Tường thuật của Tăng kỳ 9: Ưu bà tắc Pháp Dự giữ hộ tiền sắm y cho Ưu Ba Nan Đà, nhưng gặp lúc túng thiếu nên tạm mượn dùng. Khi Ưu Ba Nan Đà đến đòi, không có trả ngay, khất hẹn, Ưu Ba Nan Đà không chịu, bèn lôi Pháp Dự bắt đi đến quan xử. Giữa đường, nhiều người biết sự việc, lớn tiếng chỉ trích hành động quá đáng ấy. Ưu Ba Nan Đà hổ thẹn, nên buông tha Pháp Dự.
Sau đó, khi Pháp Dự thỉnh Tăng về nhà cúng dường, Ưu Ba Nan Đà không đến. Ông hỏi thăm để đưa tiền sắm y. Các Tỳ kheo cho biết, vì việc đòi tiền sắm y trước đó, bị Phật quở nên Ưu Ba Nan Đà không dám đòi nữa. Pháp Dự nói: Sao trưởng lão ấy không đến đây, chỉ cần đứng im lặng cũng đủ nhắc nhở ông số tiền cần dùng ấy. Các Tỳ kheo bạch việc này với Phật, và Ngài chế điều luật này.
ĐIỀU 11.Tạp tàm ty tác ngọa cụ.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, trộn tơ làm ngọa cụ mới, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Tàm ty hoặcgọidã tàm ty, dã tàm miênhaytàm miên,chỉ tơ tằm, dùng để dệt lụa. Âm Phạn:cao thế da, kiều xa da(kauseya). Ngũ phầnvàThiện kiến kể nó là một trong sáu thể tài như pháp để may y. Pháp luật Nam sơn của luật sư Đạo Tuyên chủ trương ba y của Tỳ kheo không được làm bằng tơ tằm (xem Hành sự sao, quyển trung, tr. 69a). Chủ trương này bị luật sư Nghĩa Tịnh bác bỏ (xem Nam hải ký quy, tr. 213a).
+ Ngọa cụ:vật dùng để nằm. La Thập và Nghĩa Tịnh đều dịch là phu cụ, vật để trải. Đây là dịch sát tiếng Phạn mà âm Hán là tăng tất đát rị (samstàri: vật căng, trải ra).
Theo luật sư Đạo Tuyên, ngọa cụ ở đây chỉ cho ba y, với dẫn chứng từ Hữu bộ tì bà sa (xem Hành sự sao, đã dẫn). Kỳ thật, trong Hữu bộ tì bà sa 5 nói: Phu cụ tức là y vậy. Y đây không chỉ riêng ba y mà gồm cả y tài, tức thể tài hay chất liệu để làm thành y, nói gọn là các thứ vải.
Tứ phần dịch là ngọa cụ thay vì phu cụ, ấy là để phân biệt với tọa cụ. Về ý nghĩa phu cụ, theo giải thích của Thiện kiến 15: thị chiên tác, phi chức vật, nó không phải là đồ dệt, mà là được dồn thành. Và xác định loại phu cụ bằng tơ tằm như sau: người ta căng hai đầu tơ sợi tằm, rồi rưới thế tương (?) lên. Thế tương: muốn nói là nước giấm, hay thật sự là nước cơm sôi?
Ngũ phần 5: ngọa cụ ở đây chỉ ngọa nhục, nệm để nằm.
Căn bản tỳ nại da 20 nói: phu cụ ở đây gồm cả hai loại: trữ nhục, đệm lót được làm bằng cách dồn lông hay gòn vào giữa, và vu thành. Vu thành có thể viết lầm của can thành: căng ra mà thành. Theo giải thích của Nghĩa Tịnh (Nam hải ký quy 2, đã dẫn), phu cụ được nói ở đây nguyên lai là đệm. Nó có hai loại: hoặc may thành túi rồi dồn lông vào giữa, hoặc dùng tơ tằm dệt thành.
+ Trộn tơ tằm làm ngọa cụ mới.Hán: tạp dã tàm miên tác tân ngọa cụ. Tăng kỳ dùng kiều xá da trộn với lông dê thuần đen làm phu cụ mới. Căn bản tỳ nại da và Ngũ phần dùng tơ tằm mới (tân cao thế da) làm phu cụ. Về lý do dùng tơ tằm, Tăng kỳ 9; vì để cho ấm, và để cho mịn và êm. Luật nhiếp 6: vì để cho đẹp, vì để cho chắc, và để dễ thay đổi. Theo đây thì chỉ cấm dùng loại tơ tằm vừa mới chế, còn nếu đã được người dùng rồi, hoặc đã được người dệt thành vải các thứ thì không cấm.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hội đủ 4 yếu tố thành phạm:
- Là tơ tằm mới.
- Trộn với các thứ vải khác (hoặc dùng thuần tơ tằm cũng phạm).
- Làm phu cụ mới.
- Đã làm thành.
Nếu chưa thành, phạm đột kiết la.
Phu cụ xả, Tăng không trả lại. Tứ phần: nên cắt đứt, hoặc băm nhỏ, trộn với bùn, rồi tô lên vách. Ngũ phần: Phu cụ được xả chỉ dành cho Tăng dùng. Tăng trải lên đất, hoặc lên giường ghế, trừ Tỳ kheo phạm xả, các Tỳ kheo khác tùy ý nằm ngồi.
Luật nhiếp 6: Phu cụ bằng tơ tằm nhưng người đã làm sẵn, hoặc người đã dùng qua, hoặc vải cũ được tu bổ, hoặc người cúng y bằng tơ tằm, hoặc cúng tơ tằm và khiến người khác dệt, hoặc tại địa phương mà tơ tằm dễ kiếm, tất cả các trường hợp thọ dụng tơ tằm này đều không phạm.
3. DUYÊN KHỞI:
Một số Tỳ kheo làm phu cụ mới, thiếu nguyên liệu, muốn trộn với tơ tằm cho đủ, và cũng cho tốt v.v… Họ đến nhà nuôi tằm xin thêm. Trong khi đứng chờ, họ nhìn người nuôi tằm thả các tằm sống vào nước sôi. Những người khác thấy vậy, chê các Tỳ kheo không từ tâm, xin tơ tằm nguyên để làm hại sinh mạng loài vật. Do đó, Phật chế điều luật này. Trên đây là tường thuật tổng hợp các bộ.
Theo nguyên khởi này, có thể nói, Phật cấm hay cho phép các trường hợp thọ dụng tơ tằm, cũng giống như các trường hợp Ngài cấm hay cho phép ăn thịt. Luật Nam sơn, ảnh hưởng Bồ tát giới, cho nên chủ trương tuyệt đối không dùng các thứ được làm bằng tơ tằm, cũng như người xuất gia tuyệt đối không ăn thịt.
ĐIỀU 12. Thuần hắc dương mao ngọa cụ.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn đen, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Ngọa cụ, xem giải thích ở điều 11 trên.
Căn bản tỳ nại da 21 nói, trong hai loại phu cụ, đây là loại can thành (hay vu thành?).
Tăng kỳ 9: phu cụ giả điệp dã, phu cụ ở đây có nghĩa là chăn. Hành sự cao, quyển trung (tr. 69a) dẫn chứng Tăng kỳ này để chứng minh ngọa cụ ở đây chính là ba y. Vì trong đoạn tường thuật duyên khởi, Tăng kỳ nói, các Tỳ kheo làm chiên y, tăng già lê, uất đa la tăng, an đà hội, ni sư đàn, trừ đãy lọc nước và đãy đựng bát, tất cả đều làm bằng da (Hán: chiên). Các Tỳ kheo ấy bèn xin lông dê làm chiên y.
+ Lông dê. Hán: nhu dương mao hoặc dương mao.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các trường hợp phạm hay không phạm, đại khái cũng giống như trong điều 11 ở trên.
Theo Tăng kỳ, phu cụ này phải xả, và Tăng không trả lại, cũng không được đưa cho Tỳ kheo nào khác dùng, chỉ có thể để trải lót dưới đất, hoặc làm màn chắn gió. Nhưng theo Tứ phần, sau khi tác pháp xả, Tăng phải trả lại cho Tỳ kheo phạm ấy. Các bộ khác không đề cập, như vậy cũng hàm ý nhất trí là trả lại như Tứ phần.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 7: Phật tại Tỳ Da Ly. Các người Lê Xa ban đêm thường khoác áo lông dê toàn đen để lén đi tư tình với nhau. Nhóm sáu Tỳ kheo dùng lông dê toàn đen làm ngọa cụ. Các Lê Xa hỏi họ: “Chúng tôi khoác áo lông dê đi đêm lén lút tư tình. Còn các Đại đức dùng thứ này với mục đích gì?”. Các Tỳ kheo khác hay được, lấy làm xấu hổ. Họ bạch Phật, và Phật chế điều luật này.
Tăng kỳ 9: Một Tỳ kheo, vào buổi sáng sớm, xin lông dê từ một chủ hiệu. Ông này cho là xui, sợ buôn bán trong ngày sẽ lỗ vốn, nên đóng cửa hiệu mà về nhà. Bị vợ chỉ trích là biếng nhác, ông bèn thuật chuyện xui xẻo ấy. Bà vợ vốn là Phật tử thuần tín, nghe vậy không nói gì. Nhân gặp tôn giả Xá Lợi Phất khất thực ngang qua nhà, bà trình bày: lông dê là thứ rất quý, giá tiền rất đắt, và cũng rất sang trọng. Nó xuất xứ từ bốn nước lớn là Tỳ Da ly, Phất Va La Thi La, Nan Đề Bạt Đà. Nhiều người trong thân quyến của bà đi săn lông dê mà phải bỏ mạng không trở về. Bà là Phật tử thuần tín, sẵn sàng cúng dường bất cứ thứ gì các Tỳ kheo cần. Nhưng nếu các Tỳ kheo cần lông dê thì gia tài bà sẽ khánh tận. Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật hay câu chuyện. Phật khiển trách Tỳ kheo xin lông dê kia, và chế giới.
Ngũ phần 5: Những người Bạt Kỳ, vốn là hào tộc ở Tỳ Da Ly, thường bận áo dạ lông dê thuần đen, màu sắc tươi nhuận, cực kỳ sang trọng. Các Tỳ kheo Bạt Kỳ cũng bắt chước, một số cư sĩ đến thăm tinh xá, thấy các Tỳ kheo này, ngỡ là các người Bạt Kỳ nên đâm sợ hãi. Sau đó, biết là các Tỳ kheo, họ chỉ trích là ăn bận như những người hào tộc, quyền quý.
Thập tụng 7: Vì lông dê đen vốn quý và hiếm. Các Tỳ kheo muốn có, nên tốn công tìm kiếm, do đó bỏ phế các công phu tu tập.
Tổng hợp các duyên khởi kể trên, lý do chủ yếu Phạt cấm các Tỳ kheo dùng lông dê thuần đen làm phu cụ, vì nó là thứ quý, hiếm và rất sang trọng, không phù hợp với tinh thần tri túc của đời sống Tỳ kheo.
ĐIỀU 13. Quá phần ngọa cụ.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào làm ngọa cụ mới, phải dùng hai phần lông dê toàn đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám. Nếu Tỳ kheo không dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám làm ngọa cụ mới, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Ngọa cụ mới: Căn bản tỳ nại da: tân dương mao phu cụ, làm phu cụ mới bằng lông dê đen. Phu cụ ở đây cũng được giải thích như ở điều 12 trên. Điều luật này, theo Tăng kỳ 9, có thể coi là trường hợp tùy khai cho điều 12. Một số Tỳ kheo bịnh, không có chăn bằng lông dê đắp, không chịu lạnh được. Do đó, Phật quy định hình thức của loại chăn ấy trong điều luật này.
Tiêu đề của giới, nói đủ theo Căn bản tỳ nại da là: “Quán phần số tác phu cụ”. Tiêu đề theo Tứ phần hàm chú: “Bạch mao ngọa cụ”, giới cấm làm ngọa cụ bằng lông trắng. Hành sự sao, quyển trung (tr. 69b): “Bạch mao tam y”, cấm may ba y bằng lông trắng. Ở đây, luật sư Đạo Tuyên xác định ngọa cụ chỉ ba y. Quan điểm này không được chính xác, như đã đề cập trong giải thích điều 11 trên.
+ Hai phần… toàn xám:Ngọa cụ chia làm bốn phần đều nhau, trong đó 2/4 toàn đen, ¼ trắng và ¼ còn lại xám.
Luật nhiếp 6: Màu trắng, tức lông dê tại các chỗ hai bên hông, nơi cổ và trên sống lưng của nó. Màu thô (tức Tứ phần gọi là mang sắc), là lông ở đầu, ở chân và ở bụng con dê.
Về phần mang này, Ngũ phần, Tăng kỳ và Thập tụng đều gọi là phần hạ.
Về thể thức chia phần ngọa cụ, Tứ phần 7 cho chi tiết: nếu làm ngọa cụ có 40 phần, thì 20 phần đen, 10 phần trắng và 10 mang. Nếu có 30 phần, cũng theo cách chia như vậy. Tiếng phần vừa nói, Tứ phần âm là bát la, Thập tụng âm là ba la, tiếng Phạn: bhàra, chỉ đơn vị trọng lượng thường dùng để cân các thứ bằng lông, 1 bhàra bằng 20 tu là (cân). Như vậy, sự phân chia các phần ngọa cụ căn cứ theo khối lượng lông dê, chứ không phải theo hình dáng trên mặt ngọa cụ.
Căn bản tỳ nại da 20 nói, mặc dù đây là tiêu chuẩn cân lượng bắt buộc, nhưng nếu khi lượng lông đen dễ kiếm, còn hai thứ kia khó kiếm hơn, thì tăng giảm chút ít không sao.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các yếu tố thành phạm, đại thể cũng giống như điều 12, chỉ khác ở đây là sự pha trọn ba thứ quá cân lượng quy định. Nếu chưa làm thành ngọa cụ, phạm đột kiết la.
Cũng như điều 12, Tứ phần nói, sau khi tác pháp xả, Tăng sẽ trả lại cho Tỳ kheo ấy dùng. Nhưng, Tăng kỳ nói khác, trong số 10 loại dê, dùng các thứ lông của 4 loại đầu mà quá phần hạn, xả giữa Tăng và không được trả lại, Tăng cũng không được phép dùng, mà chỉ để trải đất hay làm màn chắn gió. Nếu là các thứ lông của 6 loại dê sau, Tăng cũng không trả lại, nhưng được phép dùng, ngoại trừ không được quấn vào mình.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần và Căn bản: Phật tại Xá Vệ. Thập tụng: Phật tại Vương Xá. Ngũ phần: Phật tại Câu Xá Di. Ngoài sự khác biệt về địa điểm, các bộ tường thuật gần giống nhau.
Nhóm sáu Tỳ kheo, sau khi Phật chế điều 12, họ không làm ngọa cụ bằng lông thuần đen nữa. Nhưng họ làm bằng lông dê thuần trắng (hoặc đa phần đen với một ít pha trộn các màu khác: các bộ không nhất trí). Hành vi của họ bị các cư sĩ, hoặc các Tỳ kheo tri túc chỉ trích. Riêng Tăng kỳ 9: kể khác hẳn với ý nghĩa cũng khác. Phật tại Tỳ Da Ly. Sau khi Ngài chế điều 12, các Tỳ kheo không còn dùng các thứ làm bằng lông dê nữa. Một số Tỳ kheo cơ thể yếu đuối, có lẽ thiếu phương tiện chống lạnh, thường sinh bịnh hoạn các thứ. Họ nhờ ngài A Nan bach Phật, Ngài chế học xứ này.
Như vậy, theo Tăng kỳ thì rõ ràng đây là trường hợp tùy khai cho điều 12. Theo đó mà suy, lý do phải pha trộn là có mục đích làm cho bớt sang trọng đi. Lông đen được cho phép gấp đôi hai loại kia có lẽ cũng vì mục đích chống lạnh. Giải thích như vậy thì ý nghĩa điều luật này khá rõ. Nhưng các bộ khác không đề cập gì đến mục đích chống lạnh, mà chỉ nói thuần đen hay thuần trắng thì cũng như nhau, lông dê vẫn là lông dê, và vẫn còn sang trọng như thường, do đó phải pha trộn. Giải thích nếu chỉ vậy thì không đủ để hiểu tại sao có sự phân chia các phần cho rắc rối.
Về 10 loại dê mà Tăng kỳ đã kể:
1.Tương tục dương
2. Cổ dương
3. Bất cụ súc dương
4. Sơn dương
5. Du hành dương
6. Nhu dương
7. Đảng dương
8. Minh dương
9. Chúng đa nhĩ dương
10. Mộc liện dương.
Một số tướng loại dê này chưa có đủ tài liệu để xác định nên ở đây để khuyết nghi.
ĐIỀU 14. Giảm lục niên tác ngoại cụ.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào làm ngọa cụ mới phải trì cho đến sáu năm. Nếu dưới sáu năm không xả, mà làm thêm cái mới, trừ Tăng yết ma, ni tát kiều ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Dưới sáu năm làm ngọa cụ mới: Tứ phần hàm chú, gọi tiêu đề là “Giảm lục niên ngọa cụ”. Hành sự sao (đã dẫn) nói: “Giảm lục niên tác tam y”. Về ý nghĩa phu cụ, xem các giải thích trong điều 11, 12 và 13 ở trên. Tiêu đề theo Căn bản tỳ nại da 21: “Giảm lục niên tác phu cụ”. Luật này cũng nói thêm, trong hai loại phu cụ, ở đây chỉ loại can thành.
+ Nếu dưới sáu năm, không xả: Điểm này, Tứ phần và Căn bản giống nhau: trong vòng dưới 6 năm, nếu muốn làm ngọa cụ mới, phải xả cái cũ. Nhưng Ngũ phần, Tăng kỳ và Thập tụng nói khác: dưới 6 năm, dù xả hay không xả cái cũ, mà làm cái mới, đều phạm cả.
+ Trừ Tăng yết ma: Nếu vì lý do bịnh hoạn, mà phu cụ cũ không đủ để chống lạnh, hoặc cần đi xa, mà phu cụ cũ không thích hợp, mặc dù chưa trì đủ sáu năm, có thể thỉnh cầu tác yết ma cho phép làm cái mới, khỏi phải xả cái cũ, nghĩa là, được phép thọ dụng cả cái cũ lẫn cái mới.
Tỳ kheo cần làm thêm phu cụ mới, ra giữa Tăng, tác bạch:
Bạch Đại đức Tăng. Tôi Tỳ kheo… có ngọa cụ chưa trì đủ sáu năm. Nay vì nhân duyên… mà ngọa cụ mặc dù chưa trì đủ sáu năm nhưng không đủ thuận tiện nên cần làm thêm cái mới để dùng thích hợp nhân duyên hiện tại. Nay tôi thỉnh cầu Tăng tác yết ma cho phép tôi, Tỳ kheo… được làm thêm cái mới (nói 3 lần).
Sau khi nghiệm xét, Tăng cử yết ma sư tác pháp bạch nhị:
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… này vì nhân duyên… mà ngọa cụ cũ không thuận tiện, nên nay thỉnh cầu Tăng tác yết ma cho phép làm thêm cái mới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay tác yết ma cho phép Tỳ kheo… làm thêm ngọa cụ mới. Đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vì nhân duyên… mà ngọa cụ cũ không thuận tiện, nên thỉnh cầu Tăng tác yết ma cho phép làm thêm cái mới. Tăng này tác yết ma cho phép Tỳ kheo… làm thêm ngọa cụ mới. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay tác yết ma cho phép Tỳ kheo… làm thêm ngọa cụ mới thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.
Tăng đã chấp thuận tác yết ma cho phép Tỳ kheo… làm thêm ngọa cụ mới, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
Văn bạch và yết ma trên đây dịch tổng hợp từ văn của Tứ phần 8 và các bộ khác. Văn cú trong đây có thêm bớt chút ít.
Về trường hợp được Tăng yết ma cho làm thêm cái mới để thọ trì vì lý do bịnh hoạn này, Tăng kỳ 9 còn nói thêm thể thức thọ trì. Sau khi được Tăng yết ma, Tỳ kheo này phải ghi nhớ số ngày tháng đã thọ trì cái cũ. Lúc nào hết bịnh, phải đem cái cũ ra dùng trở lại, tiếp tục số ngày tháng đã thọ trì cho đủ số 6 năm mới được xả, nếu có rách thì phải vá lại mà trì. Trong thời gian trì cái mới do Tăng yết ma, cái cũ được coi như tạm ngưng, nên không tính số ngày tháng trong khoảng này.
Các bộ khác, kể cả Thập tụng và Ngũ phần, không thấy đề cập gì đến sự ngưng và nối ngày thọ trì cái cũ như vậy.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hội đủ các yếu tố:
- Ngọa cụ cũ chưa trì đủ 6 năm.
- Không xả ngọa cụ cũ.
- Làm thêm ngọa cụ mới.
- Không được Tăng yết ma.
- Đã làm, và làm xong. Nếu làm nhưng chưa xong: đột kiết la.
Về trường hợp làm xong và chưa xong, Căn bản tỳ nại da 21 có giải rõ: trước hạn 6 năm làm thêm cái mới, nhưng chưa xong, đến 6 năm của hạn cái cũ mới xong, phạm đột kiết la. Nếu trong hạn 6 năm của cái cũ, làm thêm một cái mới, chưa xong lại làm thêm cái khác, rồi nói: “Tôi xả cái trước, trì cái sau”, cái sau phạm xả. Nếu nói ngược lại, cái trước phạm xả. Cả hai nếu đều chưa làm xong, dù xả hay không xả cái nào, đều phạm đột kiết la.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 8: Phật tại Xá Vệ. Nhóm sáu Tỳ kheo thọ trì ngọa cụ, rồi chê là mỏng quá, hoặc dày quá, hoặc nặng, hoặc nhẹ, bèn không xả cái cũ mà làm cái mới. Công việc bận rộn của họ với sự làm ngọa cụ như vậy khiến các Tỳ kheo tri túc không bằng lòng. Họ bạch Phật. Ngài tùy chế, Tỳ kheo phải dùng ngọa cụ đủ dưới sáu năm, không xả, mà làm thêm cái mới, phạm xả. Bấy giờ có Tỳ kheo bịnh gầy yếu, có ngọa cụ phấn tảo quá nặng, có nhân duyên cần đi xa, nhưng vì không thể mang ngọa cụ ấy theo, mà làm cái mới thì không được phép. Do đó, Phật tùy khai, trừ Tăng yết ma. Tường thuật này thiếu sót, không đủ giải thích yếu tố không xả mà làm thêm cái mới.
Tường thuật của Tăng kỳ 9, mặc dù đại thể tương đồng Tứ phần từ đầu đến cuối, nhưng chứa đựng tinh thần khác hẳn. Theo đây, một Tỳ kheo già, bịnh hoạn, có cái chăn quá nặng. Tỳ kheo khác khuyên nên xả mà trì cái nhẹ hơn, nếu không, sẽ đuối sức mà chết. Tỳ kheo già này nói, dù có chết, vẫn không chịu phạm điều Phật đã cấm. Do đó, Phật tùy khai. Theo ý nghĩa này, một Tỳ kheo thọ trì ngọa cụ phải đủ 6 năm, nếu cũ rách thì phải vá lại mà trì, chưa đủ 6 năm, không được phép xả với bất cứ nhân duyên gì. Dù được Tăng yết ma cho phép thọ trì cái mới, nhưng cái cũ không được xả, nếu chưa đủ 6 năm. Sự thọ trì ngọa cụ như vậy nghiêm khắc hơn, so với Tứ phần và Căn bản, Ngũ phần và Thập tụng mặc dù không nêu các chi tiết rõ ràng như Tăng kỳ, nhưng cũng đồng một tinh thần tri túc nghiêm khắc như vậy.
ĐIỀU 15. Bất điệp tân tọa cụ.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào làm tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay Phật đắp lên tọa cụ mới, để cho hoại sắc; nếu Tỳ kheo làm tọa cụ mới không lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay đắp lên tọa cụ mới để cho hoại sắc, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Tọa cụ mới: Thập tụng: tân phu cụ tọa cụ. Căn bản tỳ nại da: tân ni sư đát na. Tăng kỳ: tân phu cụ chiên ni sư đàn. Ngũ phần, khác hẳn các bộ: thuần hắc nhu dương mao tác tân ni sư đàn, dùng lông dê thuần đen làm tọa cụ mới.
Ở đây, ni sư đàn hay tọa cụ nói liền theo phu cụ, cho thấy nó là một loại phu cụ, đặc biệt dùng để ngồi. Kích thước và thể thức làm tọa cụ sẽ nói rõ trong Ch. V, Ba dật đề, điều 87.
+ Lấy một miếng của cái cũ: Lấy một miếng từ một phu cụ cũ, hay ba y cũ đã xả, không nhất thiết phải của Tỳ kheo nào. Tăng kỳ 9 nói rõ, không nên lấy từ phu cụ hay y của những người ngu si, dốt nát, phạm giới, trú phòng hư mà không biết sửa sang lại, người mang tiếng xấu, người đoạn diệt kiện, người xa lánh Hòa thượng, A xà lê, không ưa học hỏi, người không có khả năng phá ma, người không phân biệt được ma sự.
+ Vuông vức một gang tay Phật.Các bộ đều nói giống nhau như vậy, riêng Tứ phần, chỉ nói một gang tay, có lẽ dịch sót. Ở đây, theo phần lớn các bộ thêm vào cho đủ nghĩa.
Trên đây quy định hai yếu tố: hình dáng và kích thước. Về hình dáng, phải vuông vức. Tăng kỳ 9 giải rõ phải là vuông vức, chứ không được thiếu góc, không góc, hình hạt gạo tức hình bầu dục, hình cái chày, hình cái chày (giữa hẹp hai đầu rộng), hình cỗ xe (đầu rộng đầu hẹp…). Nghĩa là, phải là hình vuông (có lẽ hình chữ nhật cũng được), chứ các thứ hình tam giác, bình hành, hình thang, lục giác, bát giác, đa giác, hình thoi, hình tròn, thảy đều không được phép.
Về kích thước, vuông vức mỗi cạnh 1 gang tay Phật, tức cỡ 0,40m. Theo Thập tụng 7, đây là kích thước tối thiểu chứ không phải cố định. Nhỏ hơn thì không được, nhưng lớn hơn, kể cả lớn trùm luôn cái mới, thảy đều được hết.
+ Đắp lên tọa cụ mới: ý nghĩa, như chánh văn đã giải thích: làm cho hoại sắc, tức làm mất vẻ đẹp hoặc bớt sang trọng đi. Căn bản tỳ nại da 21 nêu thêm một lý do nữa, để cho chắc. Nhưng theo tường thuật duyên khởi của các bộ, thì lý do chủ yếu là để khỏi phí phạm những y hoặc phu cụ đã xả, không dùng được nữa. Như vậy, Tỳ kheo không được phép bỏ phí bất cứ vật gì do tín thí cúng dường, nếu còn có thể dùng được, như trong trường hợp này.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hành sự sao, quyển trung (tr. 69b), phân tích 5 yếu tố cần đủ để thành phạm:
1) Trước có tọa cụ cũ.
2) Làm thêm cái mới.
3) Làm cho mình dùng.
4) Không có tâm đắp thêm miếng cũ.
5) Đã làm thành.
Xét trong đây, yếu tố 1 muốn nói nội dung điều luật này là lấy một miếng từ cái tọa cụ của mình. Hiểu như vậy không chính xác, không phù hợp với tinh thần mà Tăng kỳ đã nêu rõ, và cả với ý nghĩa mà tường thuật duyên khởi của các bộ muốn nhấn mạnh.
Thêm nữa, trong 5 yếu tố trên, thiếu yếu tố hình dáng và kích thước, là 1 trong 3 điểm chính yếu để xác định hình thái trì phạm của điều luật này.
Vậy, các yếu tố này cần sửa lại như sau:
1) Làm tọa cụ mới.
2) Không cố ý đắp thêm một miếng cũ.
3) Miếng đắp không vuông vưc.
4) Miếng đắp không đúng cỡ.
5) Đã làm thành.
Trong các yếu tố này, về yếu tố 2: nếu cố ý tìm một miếng từ các y hay phu cụ, nhưng không tìm thấy, hoặc tìm thấy nhưng không đúng cỡ, hoặc đúng cỡ, nhưng quá rách nát không còn dùng được. Trong các trường hợp như vậy, không đắp miếng cũ, không thành phạm. Đây là điểm được nói trong Căn bản tỳ nại da 21.
Về yếu tố 4: miếng cũ với cỡ nhỏ hơn, dù 1 tấc, hay chỉ 1 phân, cũng thành phạm. Nếu lớn hơn, thậm chí trùm lên trọn cái mới: không phạm. Đây lầ điểm được nói trong Thập tụng 7.
Về yếu tố 5: nếu đã làm, nhưng chưa thành, rồi bỏ dở không làm nữa: đột kiết la.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần8: Phật tại Xá Vệ. Nhân lúc các Tỳ kheo được thỉnh thọ trai, Phật ở lại tinh xá. Ngài đi thăm từng phong. Nhận thấy các Tỳ kheo vất bỏ tọa cụ nhiều nơi. Ngài biết rằng vì họ chê hoặc quá mỏng, hoặc quá dày, quá nặng v.v…nên làm cái mới không xả cái cũ, và vất bỏ cái cũ linh tinh. Do đó, Phật chế điều luật này. Tường thuật này không có ý nghĩa gì đặc biệt.
Tường thuật của Tăng kỳ 9 đáng lưu ý: Phật tại Tỳ Da Ly. Năm ngày một lần, theo lệ thường, Ngài đi thăm các phòng để xem xét cách sinh hoạt của các Tỳ kheo. Ngài thấy các thứ phu cụ bỏ bừa bãi. Các Tỳ kheo bạch rằng, đó là của các Tỳ kheo hoặc đã hoàn tục, hoặc đã chết, hoặc còn hiện tại nhưng vì cũ nên xả không dùng nữa. Phật dạy các Tỳ kheo: Mặc dù thí chủ bố thí với tâm hoan hỷ không hạn chế, nhưng Tỳ kheo thọ dụng phải biết tinh thần tri túc. Để từ đây về sau, không còn có thọ dụng phí phạm như thế, Phật dạy các Tỳ kheo mỗi khi làm tọa cụ mới thì phải lấy một miếng từ những cái cũ mà đắp thêm vào.
Thập tụng 7 cũng tường thuật với tình tiết và ý nghĩa như Tăng kỳ. Về lời Phật dạy các Tỳ kheo, ở đây nói rõ hơn: người cư sĩ đã dốc hết máu thịt của mình mà bố thí làm phước. Nếu Tỳ kheo thọ dụng, dù chỉ chút ít, cũng tốt đẹp cho họ. Vì vậy, các Tỳ kheo nên tận dụng các phu cụ cũ ấy, để cho sự bố thí của họ đạt được kết quả tốt đẹp.
ĐIỀU 16. Tự đảm dương mao.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào đi đường được lông dê, nếu cần dùng không có người mang, được phép tự mang đi cho đến ba do tuần. Nếu không có người mang, tự mình mang đi quá ba do tuần, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Tự đảm dương mao: tự mình vác, hay quảy lông dê. Tiêu đề theo Căn bản tỳ nại da 21.
Điều luật này hình như có liên hệ đến một phong trào buôn lông dê. Trong Tăng kỳ 9, khi tường thuật duyên khởi của điều 12 trên đây, có đề cập tình hình bucân lông dê đương thời. Nhiều người đã bỏ mình vì việc ấy. Trona tường thuật duyên khởi về điều luật này, các bộ cũng cho biất một số Tỳ kheo mang vác, hoặc qqảy lôjg dê đi dọc đường, khiến nhiều người lầm tưởng là đoàn buôn lông dê". Có khi họ còn bị quan thuế chặn bắt.
Chánh văn nói: đi đường được lông dê. Tất nhiên, ở đây không có nghĩa là tình cờ lượm được. Điều này cho thấy, trên đường hành cước của mình, các tỳ kheo đã gặp những đoàn buôn lông dê. Hoặc giả các Tỳ kheo này được các nhà buôn cúng lông dê. Hoặc họ được những người buôn nhờ giúp đỡ, như mang vác qua các trạm quan thuế. Tình hình có thể là như vậy. Vì lông dê bấy giờ rất quý, giá rất cao. Thông thường các con buôn hễ trốn thuế được mức nào thì tốt mức ấy. Các Tỳ kheo nếu sẵn sàng giúp họ trốn thuế thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
+ Nếu cần dùng… cho đến ba do tuần. Trường hợp các Tỳ kheo được Phật cho phép dùng lông dê làm phu cụ như đã thấy trong các điều 12 và 13 ở trên. Ở đây, nếu có thí chủ hảo tâm cúng một ít lông dê, Tỳ kheo có thể nhận nếu cần dùng. Nếu tự mình mang hay quảy, chỉ được phép đi trong giới hạn ba do tuần. Tường thuật của các bộ đều nói vì Tỳ kheo mang lông dê bị mọi người lầm tưởng là đoàn buôn lông dê, nên có sự hạn chế này. Nhưng xét kỹ vấn đề, cũng nên hiểu rằng đây là giới hạn ngăn các Tỳ kheo tham gia giúp đỡ đoàn buôn lông dê. Hình như cứ mỗi ba do tuần là có một trạm kiểm soát thâu thuế buôn lông dê. Hiện chưa có tài liệu để xác chứng điều này. Nhưng nếu nói, vì sợ mọi người tưởng lầm, hoặc chê bai, thì chỉ cần mang đi chừng một do tuần cũng đã thành vấn đề. Chẳng lẽ lúc nào cũng phải đi trên ba do tuần mới gặp người lạ?
Về con số do tuần, theo cách tính phổ thông hiện nay thì có 3 mức: a). 1 do tuần bằng 4 dặm Anh, tức khoảng 6.450m. – b). 1 do tuần bằng 5 dặm Anh, khoảng 8.046m. – c). Bằng 9 dặm Anh, khoảng 14.500m.
Theo cách tính của Tăng kỳ 9: 5 khuỷu (Phạn: hasta) bằng 1 cung (Phạn: dhanu) và 8.000 cung là 1 do tuần (Phạn: yojana). Theo cách tính phổ thông hiện nay, 1 khủyu: 18 inch: 0,4572m. Như vậy, theo đây, 1 do tuần khoảng 18km.
Theo cách tính của Căn bản tỳ nại da 21: 4 khủy là 1 cung; 500 cung là 1 câu lô xá (Phạn: krosa); 8 câu lô xá là 1 do tuần. Như vậy, 1 do tuần khoảng 7km; gần tương đương cách tính phổ thông hiện nay đã kể trên.
Nói gọn, Tỳ kheo không được tự mình mang hay quảy lông dê đi quá 20 cây số.
Thập tụng 7 và Tăng kỳ 9 giải thích rõ thể thức áp dụng quy định này như sau. Trước hết, lấy điểm đi và điểm đến làm chuẩn. Trong 2 điểm này, một Tỳ kheo chỉ mang đi tối đa 3 do tuần, và chỉ một lần. Nếu 2 người, thay nhau mỗi người một lần: được 6 do tuần. Nếu có 3 người, cũng mỗi người một lần, cộng lại được 9 do tuần.
Căn bản tỳ nại da 21 có thêm chi tiết: giả sử trong phạm vi 1 do tuần có 7 thôn; mang lông dê có từ thôn này đến thôn khác, được nửa đường vất bỏ: đột kiết la; đi đến thôn kế: ni tát kỳ. Nếu từ thôn đi ra đồng trống, cứ mỗi nửa câu lô xá là 1 tội đột kiết la; đủ 1 câu lô xá là phạm xả. Nếu đi từ đồng trống đến đồng trống, quá 3 do tuần là phạm xả. Như vậy, từ đi đường trong chánh văn, theo đây, chỉ đường trường hoặc đường rừng, chứ không áp dụng cho các đường nối liền các thôn.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hành sự sao,quyển trung (tr. 69b), phân tích có 4 yếu tố cần đủ đến thành phạm:
1) Lông dê loại tốt.
2) Là vật của mình.
3) Tự mình mang đi.
4) Quá 3 do tuần.
Về yếu tố, Hành sự sao dẫn Tứ phần để giải thích thêm. Luật nói: nếu là lông đầu, lông cổ, lông chân: không phạm. Nghĩa là, phải loại lông quý; còn các thứ vừa kể về phẩm chất thấp nên không kể. Các bộ khác không thấy có sự phân tích phẩm chất quý và hèn này. Riêng Ngũ phần 5 có thêm chi tiết: nếu mang chừng 5 hay 6 ba la (Phạn: bhàra, xem giải thích trong điều 12 trên) đủ để làm dây lưng, giải mũ: không phạm.
Về yếu tố 2; đây muốn xác định phải là lông dê sở hữu của mình mới thành phạm. Xác định như vậy là do liên hệ điều mà chánh văn nói rằng: nếu cần dùng… nhưng không chính xác. Cần phải nói rõ ràng, theo ý nghĩa như được hàm ngụ trong tường thuật duyên khởi của các bộ, thì mục đích điều luật này cốt ngăn các Tỳ kheo tham gia trực tiếp hay gián tiếp việc buôn lông dê; hay nói rõ: không trợ lực cho các đoàn buôn lông dê tránh tai mắt các quan thuế. Vả lại, trường hợp Phật cho phép Tỳ kheo tự mang lông dê vì cần dùng, là trường hợp tùy khai. Do đó, yếu tố này cần loại bỏ.
Tóm lại, nếu cần phân tích, thì ở đây chỉ có 3 yếu tố để thành phạm:
1) Vật mang là lông dê.
2) Tỳ kheo tự mình mang.
3) Đi quá 3 do tuần.
3. DUYÊN KHỞI:
Chi tiết và nội dung tường thuật, đại khái các bộ gần giống nhau. Nhưng, có thể nói, chi tiết hơn hết, là Căn bản tỳ nại da 21. Bộ này tường thuật như sau:
Phật tại Xá Vệ. Nhóm sáu Tỳ kheo muốn đi xa, đến Nê Ba La. Họ lưu lại Ô Đà Di. Khi đến Nê Ba La, sinh hoạt không thích hợp, họ buồn chán rủ nhau họp cùng một số thương gia trở về trung địa. Đoàn buôn này chở theo nhiều xe lông dê. Giữa đường, một cỗ xe bị gãy. Các thương gia này sợ gặp cướp, nên đành bỏ để đi cho kịp đoàn. Các Tỳ kheo này bèn xin số lông dê ấy. Dọc đường, hoặc bị hiểu lầm, người ta hỏi mua lông dê; hoặc bị người chọc ghẹo là các Tỳ kheo buôn lông dê. Họ thay đổi lộ trình nhiều lần để tránh những gặp gỡ phiền phức ấy. Cuối cùng, họ chọn những đường vắng để đi. Các nhân viên thu thuế thường tìm chặn bắt những người buôn lậu tại những chỗ vắng như vậy. Nhóm Tỳ kheo này quả nhiên bị chặn. Nhưng vì là Tỳ kheo, các quan thuế thả cho họ đi. Cuối cùng rồi họ cũng về đến Kỳ Viên. Nhưng nếu vào cổng chính, sợ các Tỳ kheo bắt gặp và chọc ghẹo; họ bàn với nhau đi vào bằng cửa nhỏ. Một ông già canh cửa bắt gặp, hỏi: “Các người vác mướn này, tại sao lại phá hàng rào chùa mà vào?”. Họ đáp: “Sao lão già này lại gọi chúng ta là những người vác mướn? Chúng ta là Tỳ kheo”. Lão gìa ấy nhận ra là nhóm sáu Tỳ kheo. Đại khái sự vụ mang lông dê nhiều phiền phức như thế.
Những lời chọc ghẹo, chỉ trích, được bạch với Phật. Ngài bèn chế điều luật này.
ĐIỀU 17.Sử phi thân ni hoán nhiểm dương mao.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào khiến Tỳ kheo ni không phải thân quyến giặt, nhuộm hay chải lông dê, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
Điều luật này, đại thể, cũng giống như điều 5. Chỉ khác ở đây, vật được khiến giặt là lông dê.
Các bộ đều có giải thích giống như về ý nghĩa của điều này: công việc giặt, nhuộm và chải lông dê thật mệt nhọc, khiến các Tỳ kheo ni bỏ phế sự tu tập hành đạo của họ.
Các ý nghĩa khác trong chánh văn và cả các hình thái trì phạm, như điều 5.
2. DUYÊN KHỞI:
Nhóm sáu Tỳ kheo nhờ bà Kiều Đàm Di và các Tỳ kheo ni giặt, nhuộm, chải lông dê. Sau khi làm công việc này xong, các Tỳ kheo ni cùng bà Kiều Đàm Si, theo lệ thường, đến hầu Phật để nghe pháp. Phật thấy tay các Tỳ kheo ni lem luốc. Ngài biết được nguyên do, bèn khiển trách các Tỳ kheo ấy, và chế điều luật này.
Tường thuật chung của các bộ đại khái như vậy. Một vài chi tiết thêm bớt khác nhau, không có gì quan trọng.
ĐIỀU 18. Súc tiền bảo.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào tự tay cầm tiền, hay vàng, bạc hoặc bảo người cầm, hoặc để xuống đất mà nhận, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Súc tiền bảo:cất giữ tiền hay vàng, bạc. Tiêu đề theo Tứ phần hàm chú. Nguyên trong chánh văn nói: tự thủ tróc tiền, kim ngân, tự tay mình cầm tiền hay vàng, bạc. Theo giải thích của Hữu bộ tỳ bà sa 5, nếu chỉ cầm nắm không thôi thì thuộc phạm vi điều luật ba dật đề (xem điều 82, ba dật đề), chỉ khi nào cầm nắm với ý niệm là sở hữu, tức cất chứa như là của riêng, bấy giờ mới thành phạm theo điều luật ni tát kỳ ba dật đề này.
Cũng theo giải thích của Hữu bộ tỳ bà sa 5, Phật chế điều luật này có 3 ý nghĩa: ngăn ngừa sự phỉ báng, dứt trừ nguồn gốc đấu tranh, và thành tựu Thánh chủng.
Về ý nghĩa thứ nhất, tất cả các học xứ của Tỳ kheo mà Phật chế đều như vậy. Đây là ý nghĩa chung.
Về ý nghĩa thứ hai, vì vàng bạc tiền là phương tiện tích lũy tư hữu. Tích lũy tư hữu đi đôi với sự chiếm hữu. Sự chiếm hữu là nguồn gốc của đấu tranh xã hội.
Ý nghĩa thứ ba được nhấn mạnh trong tất cả các bộ. Như trong phần tường thuật duyên khởi của Tứ phần 8, khi Phật xác nhận với ông Châu Kế rằng sa môn Thích tử không cất chứa vàng bạc, tiền. Ngài nói: “Nếu có thể nắm giữ vàng, bạc, tiền, không tránh xa các thứ bảo vật, thì đương nhiên có thể hưởng thọ ngũ dục. Hưởng thọ ngũ dục không phải pháp của sa môn Thích tử”. Theo đây, vàng, bạc, tiền là phương tiện để hưởng thọ ngũ dục. Sự hưởng thọ ấy không phù hợp với tinh thần sống tri túc, thiểu dục. Mà tri túc và thiểu dục là bản chất của Thánh chủng. Cho nên, nếu tỳ kheo sống mất tinh thần tri túc là đã làm vỡ bản chất của Thánh chủng.
Trong lịch sử sinh hoạt Tăng đoàn, việc Tỳ kheo nên hay không nên thọ nhận tiền bạc từ sự cúng dường của cư sĩ, đã trở thành một biến cố quan trọng. Đó là sự thọ nhận tiền bạc của nhóm Tỳ kheo Bạt Kỳ ở Tỳ Da Ly đã đưa đến một Đại hội Tăng già để phán quyết hành vi ấy là như pháp hay phi pháp. Đây là cuộc kiết tập lần thứ hai. Tường thuật của các bộ đều nhất trí với nhau rằng Đại hội Tăng già bấy giờ đã phán quyết hành vi thọ nhận tiền bạc ấy là phi pháp, phi luật, và điều luật được xác định là điều ni tát kỳ ba dật đề này.
Xét chung về nội dung, thì chánh văn của các bộ đều giống nhau về điều luật này. Nhưng giải thích ý nghĩa từng điểm trong đó, để xác định hình thái trì phạm trên khía cạnh áp dụng thực tế, thì rõ ràng các bộ đã không hoàn toàn nhất trí.
Sự không nhất trí này có thể giải thích được, nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử lưu thông tiền tệ. Bởi vì, giả sử một Tỳ kheo có dư một mảnh vải, nhưng nếu phải cầm nó đi tìm một người khác cần vải nhưng dư dép để đổi, thì quả là công việc khó khăn vô cùng. Mặt khác, giả sử một cư sĩ mang đến cho một Tỳ kheo một tấm y trong khi vị này cần bình bát; và nếu cư sĩ ấy phải đi tìm nơi đổi y lấy bát, thì cũng là vấn đề rắc rối. Cho nên, việc các Tỳ kheo thọ nhận tiền bạc là do sự tác động tất nhiên của lịch sử phát triển tiền tệ.
Tổng quát, có ba xu hướng khác nhau giữa các bộ về thể thức chấp hành điều luật này.
1) Tuyệt đối không cầm, không giữ. Đây là thái độ của truyền thống Thượng tọa bộ với luật Thiện kiến và Hóa địa bộ với luật Ngũ phần.
Trước hết, Thiện kiến 15 xác định hình thái trì phạm: tuyệt đối không được tự mình cầm nắm hay khiến người cầm nắm. Nếu thọ nhận cho riêng mình: ni tát kỳ. Nếu thọ nhận cho Tăng, cho chúng hay bất cứ một Tỳ kheo nào khác: đột kiết la. Sau đó, luật này nêu những thí dụ điển hình. Giả sử có cư sĩ cúng tiền hay vàng bạc gì cho Tỳ kheo, và nói rằng: “Tôi đã quyết định bố thí với xả tâm, dù Đại đức cầm hay không cầm, tôi cũng không thể lấy lại”. Rồi cư sĩ này đặt tiền xuống đất và bỏ đi. Tỳ kheo ấy không được cầm nắm để đem cất, mà phải đứng đó giữ. Bấy giờ, giả sử có một cư sĩ khác đi ngang qua, hỏi: “Đại đức đứng đây làm gì?”. Tỳ kheo bảo cho biết có người cúng tiền nhưng theo phép tỳ kheo không được nhận. Cư sĩ này sẽ nói: “Nếu Đại đức không nhận thì bố thí cho đệ tử”. Tỳ kheo ấy im lặng. Nếu cư sĩ ấy là người hiểu biết, tất sẽ mang số tiền ấy đi mua những vật dụng cần thiết về cho. Nếu không có cư sĩ nào như vậy, Tỳ kheo nên khóa cửa cẩn thận, và đi tìm người buôn, dẫn họ đến chỗ để tiền, rồi bảo cho biết những thứ mình cần. Nhà buôn theo giá mà trao đổi. Vật dụng hoặc thức ăn hay uống được trao đổi ấy phải để Tăng thọ dụng chung; riêng Tỳ kheo được cúng tiền không được thọ dụng. Bấy giờ lại giả sử, các trường hợp trên đây không xảy ra, thì tiền ấy phải liệng bỏ. Nhưng Tăng phải bạch nhị yét ma sai một Tỳ kheo đủ 5 đức tính (không thiên vị, không hay giận hờn, không sợ hãi, không bất minh, và biết rõ cái gì phải liệng bỏ, cái gì không). Tỳ kheo đã được Tăng sai nhắm mắt lại, rồi cầm số tiền ấy liệng đi.
Nội dung của các thí dụ mà Thiện kiến đã nêu có ý nghĩa như sau: từ đầu đến cuối, Tỳ kheo hoàn toàn không đụng chạm, không xê dịch tiền khỏi vị trí mà thí chủ đã đặt xuống. Số tiền ấy cũng được thanh toán ngay trong ngày, không hề cất chứa. Nếu không thể thanh toán, thì Tăng sai người liệng bỏ.
2) Không được cầm nhưng được cất chứa. Đây là quan điểm của Đại chúng bộ với luật Tăng kỳ. Tỳ kheo không được phép cầm nắm và cũng không trực tiếp cất chứa. Phải sai một tịnh nhân cầm và mang đi gởi cho một cư sĩ đáng tin cậy, hoặc cất giấu tại một chỗ an toàn nào đó. Tăng kỳ 10 chỉ dẫn nhiều biện pháp xử lý đối với tịnh nhân không đáng tin cậy. Chủ yếu là khiến mang đi cất giấu, nhưng đồng thời đặt nhiều biện pháp khiến người ấy dù tự tay mình giấu và vật giấu sẽ nằm yên đây nhưng cuối cùng vẫn không biết chỗ giấu là chỗ nào.
3) Gián tiếp được cầm giữ và cất chứa, nhưng phải tác tịnh. Đây là quan điểm chung của các bộ Tứ phần, Thập tụng và Căn bản.
Căn bản tỳ nại da 22 dẫn sự việc một số Tỳ kheo sống tại Chiêm Ba không được đầy đủ và cư sĩ chỉ cúng tiền chứ không cúng y bát. Khi họ đến hầu Phật tại Xá Vệ, Phật biết rõ sự việc ấy, nên tùy khai điều luật này bằng cách khiến các Tỳ kheo tác tịnh. Cách tác tịnh ở đây đại khái cũng giống như trường hợp cất chứa y bát dư. Nhưng y bát dư chỉ được tác tịnh với năm chúng xuất gia. Còn tiền bạc thì phải tác tịnh với cư sĩ. Trước hết, các Tỳ kheo cần chọn một tịnh nhân hay một cư sĩ đáng tin cậy làm chủ tịnh thí. Tỳ kheo nói: “Ngươi có thể vì ta mà làm người chủ tịnh thí chăng?”. Người ấy sẽ đáp:”Bạch Đại đức, con có thể”. Sau đó, Tỳ kheo ấy được phép cất giữ với tâm niệm rằng đây là tiền của vị chủ tịnh thí ấy chứ không phải của mình. Và, Tỳ kheo cũng không được phép tự mình cầm nắm và cất giữ, mà đưa cho người khác giữ hộ. Người chủ tịnh thí chỉ giữ vai trò tượng trưng, nếu cần thì cất giữ hộ, còn nếu không, Tỳ kheo muốn nhờ ai tùy ý. Chừng nào tịnh thí chủ ấy còn sống, sự tác tịnh của Tỳ kheo ấy vẫn còn có hiệu lực, bất cứ đi đâu. Nếu người ấy chết, Tỳ kheo phải tìm người khác làm chủ tịnh thí. Thể thức tác tịnh này không được đề cập trong Tứ phần và Thập tụng.
Trong trường hợp cư sĩ cúng tiền mà Tỳ kheo chưa có tịnh thí chủ, Căn bản tỳ nại da chỉ dẫn rằng, Tỳ kheo ấy sau khi nhận, đến trước một Tỳ kheo khác để tác tịnh, nói rằng: “Đại đức, ghi nhận cho. Tôi Tỳ kheo…. nay nhận được vật bất tịnh này. Tôi sẽ mang vật bất tịnh này đi đổi lấy tài vật tịnh”. Tịnh và bất tịnh ở đây có nghĩa là được hay chưa được tác tịnh, tức hợp thức hay chưa hợp pháp hóa. Sau khi nói ba lần như vậy, là đã tác tịnh xong, Tỳ kheo ấy có thể tùy ý thọ dụng, không nên để tâm thắc mắc.
Cách tác tịnh thứ ba được ghi trong Tứ phần 8 và Thập tụng 7. Về hình thức, đây là trường hợp sám ba dật đề về tội cầm nắm tiền bạc, nhưng nội dung là hợp thức hóa việc cất giữ và thọ dụng tiền bạc. Tỳ kheo khi được cư sĩ cúng tiền, có thể nhận, nhưng phải nói với cư sĩ ấy, hay kiếm một tịnh nhân đáng tin cậy trao cho và nói: “Ngươi nên biết, đay là vật không thích hợp đối với tôi”. Người ấy sẽ nhận lui, rồi đưa lại cho Tỳ kheo. Tỳ kheo bấy giờ có thể nhận với tâm niệm là cầm giùm cho người ấy. Nếu cần thì gởi cho một người đáng tin cậy cất giữ. Khi nào cần dùng đến, có thể tùy ý dùng. Luật cũng giả sử người cư sĩ mà Tỳ kheo trao cho tiền để tác tịnh, họ không biết đây chỉ là sự tác tịnh, mà tưởng lầm là Tỳ kheo cho mình, bèn cất luôn, không trả lại cho Tỳ kheo. Tỳ kheo này có thể nhờ các Tỳ kheo khác đến nói với người ấy rằng, đây chỉ là cho để tác tịnh chứ không phải cho luôn. Nếu không có Tỳ kheo nào đi nói hộ, thì tự mình nên đi, bảo người ấy rằng: đấy là vật tác tịnh, cư sĩ nên đổi lấy những vật dụng cần thiết cúng dường Tăng, cúng dường Hòa thượng, A xà lê v.v… Nếu không, cư sĩ nên trả lại cho chủ cũ.
Sau khi tác tịnh như vậy, Tỳ kheo đến trước Tăng sám hối tội ba dật đề.
Nói tóm lại, tác tịnh như vậy là một hình thức sám xả đọa. Có lẽ thể thức tác tịnh như thế này quá phiền phức, vì phải sám hối, cho nên luật Căn bản mới thay thế bằng hai trường hợp tác tịnh kể trên.
Qua các cố gắng của các bộ phái trong việc áp dụng điều luật nào sao cho vừa không trái lại với tinh thần Phật chế, cũng không xa rời với thực tế sinh hoạt, ở đây có thể nói các bộ đều nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng và nguy hiểm của vấn đề thọ dụng tiền bạc. Trước hết, phải nói, sự nhấn mạnh ấy nêu rõ ý thức rằng tích lũy tư hữu là nguồn gốc mọi tội ác xã hội. Đối với cá nhân, đó là động cơ đưa đến hưởng thọ dục lạc thế gian, khiến vỡ mất Thánh chủng trong đời sống đạo hạnh của một Tỳ kheo, và cũng quan trọng không kém, đó là động cơ của các tranh chấp, gây chia rẽ giữa các Tỳ kheo. Thế gian mà có đáu tranh, có thù hận, vì tham muốn chiếm hữu làm tư hữu. Tỳ kheo nếu không tránh xa được sự tích lũy tư hữu thì cũng sẽ đi đến chỗ đấu tranh, thù hận lẫn nhau như các người thế gian không khác.
Vì tính chất nghiêm trọng của vấn đề là như vậy, vả lại vì thực tế sinh hoạt nhiều khi đòi hỏi Tỳ kheo phải thích ứng, cho nên các bộ phái đã đề ra nhiều biện pháp áp dụng loanh quanh, hầu như có cớ dẫn đến chủ nghĩa hình thức. Nghĩa là, các thể thức tác tịnh chỉ được làm chiếu lệ, mà bản chất của sự thọ dụng buông lung không có gì thay đổi. Dù sao, các cố gắng thích ứng thực tế mà vẫn nỗ lực thọ trì sự giáo huấn nghiêm mật của Phật, thì đây mới là điều có ý nghĩa, đáng suy nghĩ.
+ Cầm: Phần lớn các bản Hán dịch đều nói là tróc, tức cầm nắm. Luật nhiếp 6 giải thích rõ: nếu là vật của người khác, hay các thứ vàng bạc, tiền mà người khác gởi, hoặc lượm của rơi, cất để chờ trả lại cho chủ, các sự cầm nắm này chỉ liên hệ đến tội ba dật đề, chứ không thuộc phạm vi điều luật này. Giải thích như vậy, cũng đồng một ý với Hữu nộo tỳ bà sa đã dẫn. Nội dung của điều luật này, mặc dù chánh văn đề cập hành vi cầm nắm nhưng được hiểu là cầm nắm để cất giữ, hay cầm nắm với ý nghĩ là của mình.
+ Để xuống đất mà nhận. Tứ phần: trí địa thọ. Ngũ phần: phát tâm thọ. Tăng kỳ: cử, tham trước. Trong các từ này: trí địa, phát tâm và cử đều là các nghĩa khác nhau của cùng một từ tiếng Phạn, mà nghĩa gốc của nó là trí hoặc phát hoặc cử. Tứ phần dịch là trí địa thọ: để xuống đất mà nhận, vì trong tường thuật duyên khởi có dẫn việc cư sĩ cho Tỳ kheo Bạt Nan Đà nhận tiền bằng cách để xuống đất. Đây không có căn cứ tập quán thọ nhận nào của Ấn Độ như vậy. Trong luật Phật, cũng không có chỗ nào nói trước đó vì Phật cấm Tỳ kheo nhận tiền từ tay người khác nên Bạt Nan Đà phải làm như vậy. Sự việc tương tợ được chép trong Tăng kỳ 10 thì Bạt Nan Đà bảo buộc vào chéo y của mình. Như vậy, cách dịch trí địa thọ của Tứ phần, đương nhiên theo nghĩa chữ Hán phải hiểu là để xuống đấùt mà nhận, cách dịch này cần xét lại.
Tăng kỳ dịch là cử, tham trước, với giải thích rằng: cử, là tự mình cử, hoặc bảo người cử, tham trước là có ý nghĩa rằng: “Ta sẽ dùng vật này để thọ dụng ngũ dục”. Theo đây, cử, tham trước có nghĩa: cất lấy với ý nghĩ để thọ dụng.
Ngũ phần dịch là phát tâm thọ, ý nghĩa gần tương đồng Tăng kỳ, có thể hiểu rằng: thọ nhận với sự móng tâm cất chứa làm của mình.
Tổng hợp các cách dịch, trí hay phát hay cử đều chỉ cho hành vi hay động tác dẹp sang một bên. Động tác này hoặc hiểu là hướng hạ, thì dịch là trí, và để cụ thể hóa, dịch là trí địa hoặc hiểu theo hướng thượng, thì dịch là cử hay phát. Mỗi cách dịch chỉ nói được một khía cạnh. Ý nghĩa chính xác như vậy nên hiểu là ký thác. Với nghĩa này, trong đây muốn nói rằng: Tỳ kheo thọ nhận tiền bạc, dù được coi như đó là vật ký thác, vẫn thành phạm. Nói cụ thể: Tỳ kheo tự tay mình, hay khiến người khác, cầm và nhận tiền bạc, dù không tự mình cất chứa mà ký thác nơi người khác, cũng là trái phạm điều học này cả. Do tính cách nghiêm túc như vậy, cho nên các bộ phái mới đề ra các thể thức tác tịnh, với chủ ý là chối bỏ ý niệm tư hữu nơi người thọ dụng.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các yếu tố hội đủ để thành phạm:
- Vàng, bạc, tiền tệ dưới mọi hình thức.
- Tự tay cầm nắm hoặc khiến người khác cầm nắm.
- Không tác tịnh.
- Cất chứa với ý niệm tích lũy tư hữu.
Trường hợp đặc biệt: khi đi đường, không mang theo lương thực được, có thể mang tiền bạc theo, thì không phạm. Nhưng Tỳ kheo không được phép tự mình cầm nắm, mà khiến Sa di hay tịnh nhân cầm. Vì trong 10 giới của Sa di, chỉ cấm cất chứa tiền bạc chứ không cấm cầm tiền bạc.
3. DUYÊN KHỞI:
Có hai nguyên nhân:
a. Một cư sĩ tên là Châu Kế, hỏi Đức Phật về việc các sa môn Thích tử cầm nắm vàng, bạc, tiền là như pháp hay phi pháp. Phật đáp:
Sa môn Thích tử không được phép cầm nắm vàng, bạc, tiền. Sa môn Thích tử là những người tránh xa không dùng các thứ bảo vật, anh lạc, trang sức. Nếu sa môn Thích tử mà có thể cầm nắm vàng, bạc, tiền, không tránh xa việc thọ dụng các thứ bảo vật, anh lạc, trang sức, như thế có nghĩa là có thể thọ dụng ngũ dục. Sự hưởng thọ ngũ dục không phải là pháp của sa môn Thích tử. Và Phật xác định: “Nếu thấy sa môn Thích tử nào gọi là bậc Đạo sư nhưng còn cầm nắm vàng, bạc, tiền, không dứt bỏ các thứ tài bảo, anh lạc, trang sức, thì phải xác định rằng đó không phải là sa môn Thích tử”. Ngài lại giảng giải tiếp: Mặt trời, mặt trăng có bốn sự thiệt hại, khiến cho không được sáng, không được trong, không soi tỏ, không có uy lực. Đó là: bị nhật hay nguyệt thực, bị mây che, bị sa mù phủ, bị bụi mờ. Các sa môn cũng có bốn sự tai hại như vậy. Đó là, không tránh xa sự uống rượu, không dứt bỏ sự dâm dục, không từ bỏ việc cầm nắm vàng, bạc, tiền, không từ bỏ tà mạng.
Hành sự sao, đã dẫn, lưu ý rằng, đây là trường hợp đặc biệt Phật chế giới cho các Tỳ kheo mà công bố cho cư sĩ biết nội dung của điều luật ấy.
b. Trường hợp Bạt Nan Đà. Một cư sĩ quen thân, để dành cho Bạt Nan Đà một miếng thịt. Nhưng con trai của ông, tối hôm ấy đi dự xem đại hội ca vũ, về khuya, bèn lấy phần để dành ấy mà ăn, rồi bù lại số tiền tương đương để sáng mai mua lại cái khác. Sáng hôm sau, Bạt Nan Đà đến. Ông cư sĩ có nói cho biết việc để dành, và cũng nhắc đến số tiền được bù vào. Ông bảo Bạt Nan Đà ngồi chờ để sai người ra chợ mua thứ khác. Nhưng Bạt Nan Đà nói, không cần thiết, và yêu cầu đưa số tiền ấy cho mình. Rồi Bạt Nan Đà mang ra gởi một người bán hàng ngoài chợ để khi cần mua thứ gì thì dùng. Mọi người thấy thế, chỉ trích Tỳ kheo cất giữ tiền bạc. Các Tỳ kheo bạch Phật việc này.
Do hai sự kiện đã xảy ra như thế, Phật tập họp các Tỳ kheo và chế định điều luật này.
Trên đây tường thuật theo Tứ phần. Các bộ khác đại khái cũng nhất trí. Một vài chi tiết khác nhau không đáng kể.
ĐIỀU 19. Kinh doanh tài bảo.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào kinh doanh tài bảo dưới mọi hình thức, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Kinh doanh tài bảo: Làm các dịch vụ tiền tệ, tín dụng. Hán: chủng chủng mãi mại bảo vật. Tứ phần 8: “Chủng chủng mãi mại, nghĩa là, đem vàng thành (tức vàng đã làm thành đồ dùng) đổi lấy vàng thành, đem vàng chưa thành đổi vàng thành…”. Tăng kỳ: chủng chủng bản mại sanh sắc tợ sắc, ý nghĩa cũng được giải thích gần như Tứ phần. Căn bản tỳ nại da: xúat nạp cầu lợi, xuất vốn để làm lời. Theo giải thích, sự xuất nạp này bao gồm các việc mua vào, bán ra, cho vay, cầm đồ, nói chung, các dịch vụ trong đó tiền bạc, bảo vật các thứ được vận dụng để sinh lợi. Thập tụng: chủng chủng dụng dụng bảo: chữ dụng trong đây được hiểu là sự đổi chác. Theo giải thích của Hữu bộ tỳ bà sa 5, bản chất của điều luật này không phải là mãi mại tức mua đi bán lại, mà phải nói là sự dụng bảo tức đổi chác tài bảo, đem tiền đổi tiền, hoặc lấy tiền đổi vàng, lấy vàng đổi tiền v.v… với mục đích xuất vốn ít mà thâu lợi nhiều. Hành sự sao gọi tiêu đề điều luật này là mậu bảo. Tứ phần hàm chú gọi là mậu tiền bảo.
Điều luật này là một khía cạnh của điều 18 trên. Do đó, tùy theo chủ trương của các bộ, sự giải thích về nọi dung của điều 19 này không nhất trí. Theo đó, với Thượng tọa bộ và Hóa địa bộ, việc kinh doanh này, bất cứ đối tượng nào hay vì mục đích gì, đều không được phép. Ngũ phần 5: tài bảo mà Tỳ kheo có được bằng các dịch vụ kinh doanh phi pháp này phải xả trước Tăng, và Tăng bạch nhị yết ma sai Tỳ kheo liệng bỏ.
Tăng kỳ và Tứ phần cũng quy định đối tượng của việc kinh doanh này là vàng, bạc, tiền các tứh; nhưng không có giải thích hay quy định đặc biệt nào về hình thái trì phạm của điều luật này. Tất nhiên, hình thức trì phạm của nó chuẩn theo điều 18 mà giải thích và áp dụng.
Riêng Căn bản tỳ nại da 22 có một thái độ rất rộng rãi đối với điều luật này. Theo đó, Tỳ kheo xuất nạp cầu lợi vì mục đích cá nhân thì phạm; nhưng các việc kinh doanh vì duyên sự Tam bảo thì được phép. Do đó, luật này còn chỉ dẫn các thể thức lập chứng khoán, khế ước giao dịch, cũng như cách sử dụng vô tận vật, tức tài vật làm nguồn sinh lợi.
2. PHẠM TƯỚNG:
Các hình thái trì phạm cũng giống như điều 18 trên.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần8: Phật tại Vương Xá. Tỳ kheo Bạt Nan Đà đổi các tiền bạc giữa chợ, bị người chê cười. Không có thêm chi tiết đặc biệt.
Thập tụng 7: Nhóm sáu Tỳ kheo lập tiệm buôn vàng, mở tiệm làm đồ đồng, làm đồ ngọc; nuôi bò, ngựa các thứ. Người ta tranh nhau đem bán cho họ, khiến một số bị sạt nghiệp. Do đó, có dư luận xấu về các Tỳ kheo.
Căn bản tỳ nại da 22: Có hai sự việc xảy ra đưa đến việc Phật chế điều luật này.
Thứ nhất, Ô Ba Nan Đà gạt một tu sĩ trẻ ngoại đạo đổi áo xấu của mình lấy áo tốt. Thiếu niên này sau đó biết mình bị gạt, đến đòi lại. Nan Đà này không chịu. Tu sĩ ấy phải đến nhờ Phật can thiệp.
Việc thứ hai, nhóm sáu Tỳ kheo làm các việc kinh doanh tài bảo, khiến mọi người chê cưới. Do đó, Phật chế điều luật này.
ĐIỀU 20. Kinh doanh mậu dịch.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Kinh doanh mậu dịch: làm các nghiệp vụ thương mại, buôn bán, đổi chác, mua đi bán lạiv.v… Căn bản tỳ nại da 22, các việc kinh doanh này gồm bốn hình thứ: 1) Thủ, thâu vào, đổi chác hàng hóa từ những chỗ sản xuất thặng dư được bán rẻ. – 1) Dữ, tung ra hay đem đổi chác cho những nơi khan hiếm, với giá đắt hơn. Hai hình thức này được coi là sự đầu cơ tích trữ. – 3) Mãi, mua vào lúc hàng hóa thặng dư. – 4) Mại, bán ra lúc hàng hóa khan hiếm.
Hữu bộ tỳ bà sa 5: phân biệt điều luật này với điều 19 trên: bản chất của điều 19 là đổi chác tài bảo (Hán: dụng bảo) chứ không phải mua và bán, cho nên khi đưa vật hèn của mình để đổi lấy vật quý từ người, chỉ một lần như vậy là đủ để thành phạm. Còn không, điều này bản chất của nó là sự mua vào, do đó nó phải qua hai chặng là thu vào và tung ra. Luật này cũng kết án nghiêm khắc các hoạt động kinh doanh thương mại, coi nó là hoạt động có tính cách đầu cơ tích trữ. Luật nói: Thà làm nghề đồ tể còn hơn là kinh doanh thương mãi. Vì đồ tể chỉ có một tội sát. Còn kinh doanh thương mãi thì không có tội nào là không làm. Bởi tâm lý con buôn lúc nào cũng chỉ nghĩ việc đầu cơ trục lợi. Khi hàng hóa thặng dư thì cố thu vét cho hết với giá rẻ mạt, rồi mong chờ cho thiên hạ đói kém, chiến tranh loạn lạc, để tung hàng hóa của mình ra với giá cắt cổ hầu kiếm chác lợi nhuận cho thật nhiều. Với lợi nhuận tàn độc ấy, nếu đem sắm vật thực cúng dường Tăng, Tăng không nên thọ dụng; hoặc dựng Tăng phòng, Tỳ kheo không nên ở; nếu đắp tượng Phật, không nên thờ lạy.
Nội dung các điều luật 18, 19 và 20 giống nhau. Điều 18, cấm cất chứa tiền bạc, bảo vật. Điều 19, cấm dùng tiền tài, bảo vật làm vốn để hoạt động các nghiệp vụ tín dụng. Điều 20, cấm các hoạt động doanh thương. Sự giải thích ý nghĩa các điều luật này tùy thuộc hoàn cảnh kinh tế như đã thấy, trong các giải thích điều 18 ở trên. Do đó, cũng vậy, trong điều 20 này, giải thích của Ngũ phần và Tăng kỳ khá đơn giản, so với Hữu bộ tỳ bà sa và Căn bản tỳ nại da. Đối với Ngũ phần và Tăng kỳ, đây chỉ là sự mua bán thông thường, không thành nghiệp vụ doanh thương gì cả. Tỳ kheo tự tay cầm tiền ra chợ mua các thứ vật dụng, như thế đủ để thành phạm. Nhưng với Hữu bộ tỳ bà sa thì ở đây phải có sự thu mua vào và bán chác ra. Hoặc như Căn bản tỳ nại da, thì ở đây phải có sự thu mua vào, tung bán ra.
Như vậy, với khái niệm đơn giản về sự buôn bán, đổi chác, thì điều 19 chủ yếu là các việc đổi chác tiền, vàng, bạc với tiền, vàng, bạc; điều 20 này, vật đổi vật. Nhưng nếu quan niệm sự buôn bán đổi chác như là một khía cạnh của hoạt động doanh thương, thì điều 18 cấm cất giữ tiền bạc với ý niệm tích lũy tư hữu; nhưng được cất chứa nếu đã tác tịnh. Điều 19, với tài bảo đã được tác tịnh ấy, cấm không được dùng vào các việc đầu tư sinh lợi cho cá nhân bằng các hoạt động tín dụng, như cho vay chẳng hạn. Điều 20, cấm đầu tư vào các hoạt động doanh thương để kiếm chác lợi nhuận.
Các hình thái trì phạm của điều 20 này cũng do theo đó mà phân tích, không khác với điều 19 ở trên.
2. DUYÊN KHỞI:
Tăng kỳ 10: Phật tại Vương Xá. Nhóm sáu Tỳ kheo mua thức ăn ở chợ; mọi người phê bình các sa môn Thích tử không sống theo phép khất thực, lại đi mua sắm. Do đó, Phật chế giới này.
Tứ phần 8: đại khái giống Tăng kỳ: Bạt Nan Đà đem gừng đổi thức ăn tại một cửa hiệu. Sau đó, ngài Xá Lợi Phất khất thực đến cửa hiệu này. Chủ hiệu hỏi ngài có gì đổi, chứ không chịu cúng không.
Thập tụng 7: tường thuật duyên do vì Bạt Nan Đà gạt một tu sĩ trẻ ngoại đạo đổi y xấu của mình lấy y tốt. Duyên do này được Căn bản tỳ nại da kể trong điều 19.
Sự tường thuật khác nhau cho thấy tính cách quan hệ giữa điều 19 và 20 không được hiểu nhất trí giữa các bộ.
ĐIỀU 21. Súc trưởng bát.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào chứa bát dư, không tịnh thí được phép chứa trong hạn mười ngày; quá hạn, ni tát kiều ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
Súc trưởng bát: cất chứa bát dư. Tỳ kheo chỉ được thọ trì một bình bát, là phương tiện khất thực; ngoài bát đã thọ như pháp này, những bát đúng lượng được cất chứa thêm, gọi là dư.
Bát được gọi là dư phải là bát như pháp, có 3 yếu tố để gọi là như pháp: 1) Thể: hoặc bằng sành, tức được làm bằng đất nung hay các nguyên liệu tương tợ, như đá chẳng hạn. Hoặc bát được làm bằng sắt. Ngoài hai loại này, còn lại như bát bằng đồng, bằng chì, bằng vàng hay bạc các thứ, không được gọi là như pháp. – 2) Lượng hay dung lượng: có 3 cỡ. Cỡ lớn nhất, đựng được ba bát tha cơm, 1 bát tha canh và các vật thực khác bằng phân nửa canh. Cỡ nhỏ nhất, 1 bát tha cơm, 1 nửa bát tha canh và các vật thực khác bằng phân nửa canh. Cỡ trung, là cỡ giữa hai lượng trên. Không có tiêu chuẩn nhất định về bát tha (Phạn: crastha). Theo Hữu bộ tỳ bà sa 5, 3 bát tha cơm tương đương 2 thăng Tàu, và như vậy, bát cỡ lớn chứa được 3 thăng Tàu và bát nhỏ chứa cỡ 1 thăng. Nhưng theo tiêu chuẩn ước tính thông dụng của các luật sư Trung Quốc, thì bát cỡ lớn chưa 3 đấu, cớ nhỏ 1 đấu rưỡi. – 3) Sắc, được dùng với một trong hai màu hoặc đỏ, hoặc đen.
Bát không đúng lượng đã nói trên, hoặc bát chưa làm xong, nghĩa là chưa nung, dù chứa cũng không thành dư.
Nói là bát đã thọ trì như pháp, tức là đã có sẵn 1 bình bát, đủ các yếu tố như pháp, và đã tác pháp thọ.
Thể thức thọ bát, Luật nhiếp 7 chỉ dẫn: để bát trong lòng tay trái, úp tay phải lên miệng, đối trước một Tỳ kheo, nói như vầy: “Đại đức nhất tâm niệm. Tôi Tỳ kheo… có bát đa la này, là vật dụng của đấng Đại Tiên, là vật dụng để khất thực. Nay tôi thọ trì”. Nói ba lần như vậy là xong phép thọ.
Tỳ kheo đã có sẵn một bình bát như pháp, đã tác pháp thọ, nếu có thêm bát như pháp khác, bát này được gọi là dư.
Cũng như trường hợp y dư, trong hạn 10 ngày được phép chứa mà không phải tác tịnh. Ngày thứ 10, phải tác tịnh. Nếu không, qua ngày thứ 11 phạm xả. Các hiình thái trị phạm cũng giống như y dư đã nói trong điều 1.
2. DUYÊN KHỞI:
Phần lớn các bộ tường thuật duyên khởi của điều 21 này đều gần như lặp lại hoàn toàn duyên khởi của điều 1; chỉ có khác là thay đổi y dư thành bát dư.
Riêng Căn bản tỳ nại da 22 có một tường thuật đặc sắc: Phật tại Xá Vệ. Ô Ba Nan Đà nghĩ rằng các nguồn sinh lợi của mình đã bị Phật cấm chỉ hết, nên lấy làm buồn. Bấy giờ, một nhóm 60 người hội yến tại một lạc viên nọ. Ô Ba Nan Đà bảo thầm: “Nếu ta chẳng kiếm chác được thứ gì từ bọn này, thì chẳng còn xứng là Ô Ba Nan Đà nữa”. Rồi lấy một bình bát tròn trịa đẹp đẽ, lau chùi cẩn thận, bỏ vào đãy, ôm dưới nách mà đi. Đến chỗ nhóm người yến hội, Ô Ba Nan Đà trổ tài hùng biện, thuyết giáo riêng từng người một. Người thứ nhất, sau khi nghe giảng, rất ngưỡng mộ và tỏ ý muốn cúng dường một thứ gì. Ô Ba Nan Đà đưa bát ra chợ xem và bảo mình cần một cái như vậy. Người ấy nói không biết tìm mua ở đâu, bèn hỏi giá và trao tiền để Ô Ba Nan Đà tự đi mua lấy. Tất cả 60 người đều có cúng bát cả. Khi họ tụ tập lại, một người khoe là hôm nay mình làm được một công đức, đáng kể, tức là đã cúng cho Tỳ kheo Ô Ba Nan Đà một bình bát. Người khác cũng kể như vậy. Rốt lại, họ ngạc nhiên, không biết một Tỳ kheo phải cần bao nhiêu bát mới đủ. Họ đi hỏi, và được trả lời: chỉ được phép thọ trì một bát thôi. Sự việc này được các Tỳ kheo bạch lại Phật, và Ngài chế giới điều luật này.
ĐIỀU 22. Khất hảo bát.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào có bát vá dưới năm chỗ, không chảy rỉ, mà tìm xin thêm bát mới, vì muốn đẹp, ni tát kiều ba dật đề. Tỳ kheo ấy, phải đến giữa Tăng mà xả. Tăng lần lượt đổi, lấy bát của vị tối hạ trao cho, khiến trì cho đến vỡ như vậy là hợp thức.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Bát vá: bát mà Tỳ kheo đang thọ trì, hoặc lủng, hoặc nứt, nhưng đã được vá lại. Luật nhiếp 7 chỉ dẫn khá nhiều phương pháp và bát lủng. Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, vá thế nào cho hết lủng, dùng được, thế là tốt. Do đó, ở đây không phiền trích dẫn.
+ Không rỉ chảy, sau khi vá, không còn rỉ chảy nữa. Căn bản tỳ nại da: “Còn có thể dùng được”.
Bát lủng và đã vá lại, từ bốn lỗ trở xuống, còn dùng được, nếu tìm xin thêm cái mới, bát mới này phải xả. Nếu lủng đúng năm chỗ, dù vá hay không vá, dùng được hay không còn dùng được, thảy đều được phép tìm cái mới thay thế.
+ Tỳ kheo ấy... khiến trì cho đếnvỡ, đây nói về thể thức xả bát mới giữa Tăng. Thể thức này sẽ được nói chi tiết trong phần Sám hối và Trị phạt sau, ở đây chỉ giải thích những điểm cần thiết.
Tăng lần lượt đổi: bát mới mà Tỳ kheo phạm xả vừa xin được, phải đem ra giữa Tăng mà xả. Trước hết, Tỳ kheo được Tăng sai hành bát đưa bát này cho vị Tỳ kheo lớn nhất trong Tăng. Nếu ngài nhận, thì đổi lấy bát cũ của ngài đưa cho vị kế tiếp. Nếu ngài không nhận thì khỏi đổi, và đưa bát xả ấy cho vị kế tiếp, và lần lượt như vậy cho đến Tỳ kheo nhỏ nhất trong Tăng.
Lấy bát của vị tối hạ: lấy cái bát được đổi sau cùng, tức của Tỳ kheo nhỏ nhất. Các bản Hán đều nói: tối hạ bát, không có nghĩa là bát tối hạ hay xấu nhất, mà là bát cua Tỳ kheo tối hạ, tức Tỳ kheo thấp nhất trong Tăng. Nếu cuối cùng không ai cần đợi, Tăng sẽ trao bát xa ấy lại cho Tỳ kheo phạm xả.
Luật nhiếp 7: trong khi lần lượt đổi bát từ trên xuống dưới theo thứ bậc Tăng như vậy, thí dụ khi bát được đưa đến đệ nhất Thượng tọa, ngài nói không cần, Tỳ kheo hành bát chuyển đến đệ nhị, nếu vị này không cần, chuyển đến đệ tam Thượng tọa, và vị này cần đổi. Bấy giờ, vị đệ nhất Thượng tọa muốn đổi lấy bát từ đệ tam Thượng tọa ấy, bèn lên tiếng yêu cầu. Phải yêu cầu đủ ba lần, Tỳ kheo hành bát mới chuyển lui cho ngài nhận. Nhưng sau khi nhận, ngài phải sám hối tội đột kiết la. Các vị sau, đổi hay không đổi, chính bát xả ấy hay bát đã được đổi từ một Tỳ kheo nào, cũng theo thí dụ dẫn trên mà suy.
Khiến trì cho đến vỡ: Ngũ phần, Tăng kỳ và Thập tụng đều nói: “Lấy bát của vị tối hạ trong Tăng đưa cho Tỳ kheo ấy và bảo rằng: Này Tỳ kheo, hãy cất bát này mà dùng cho đến vỡ”.
Điều này, Căn bản tỳ nại da nói chi tiết hơn: “Lấy bát của vị tối hạ trao cho Tỳ kheo ấy, bảo rằng: Bát này hoàn lại cho ngươi. Không nên tác pháp thọ, không nên tác tịnh, không cho người khác, phải tự bảo trì cẩn thận, nhẹ nhàng mà thọ dụng, giữ gìn cho đến khi nào vỡ”. Giải thích của Luật nhiếp 7, theo đây, Tỳ kheo phạm xả này đồng thời thì cả hai bát: bát cũ và bát mới. Bát mới không phải tác pháp thọ nữa, vì đã có sẵn bát cũ, còn nó là bát hành trị phạt. Khi khất thực, hay khi thọ dụng thức ăn, phải dùng bát cũ, nhưng vẫn mang bát mới theo. Phải dùng cẩn thận, không được cố ý làm cho nó vỡ để dùng bát mới.
Tứ phần 9, kể rõ các cách giữ gìn cẩn thận cho khỏi vỡ, cũng đồng một ý như Căn bản, nhưng văn dịch không rõ ràng, khiến không phân biệt sự chỉ dẫn này nhắm vào bát nào, cái mới hay cái cũ.
Tăng kỳ 10 cũng kể chi tiết các cách bảo trì bát, và cũng nói rõ đây là bát cũ tức bát vá của Tỳ kheo phạm xả.
Tóm lại, Tỳ kheo phạm xả này bấy giờ có hai bát: bát cũ được coi là chính, được dùng thường xuyên; bát mới dùng phụ. Cho đến khi nào bát cũ vỡ, không dùng được nữa, bấy giờ mới dùng độc nhất bát mới.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hành sự sao, quyển trung, phân tích 6 yếu tốt hội đủ để thành phạm:
1) Trước đã có sẵn bát thộ trì.
2) Vá dưới năm chỗ mà không rỉ chảy.
3) Xin bát mới từ chỗ không thân quyến.
4) Xin cho mình dùng.
5) Xin bát như pháp.
6) Đã nhận được bát.
Trong 6 yếu tố, riêng biệt Tứ phần 9 nói: nếu xin từ chỗ thân quyến, xin từ những người xuất gia, thì không phạm. Các bộ khác không thấy nói trường hợp xin bát không phạm này.
Về các trường hợp không phạm khác, Tứ phần và Căn bản đại khái giống nhau: bát vá đúng hay hơn 5 chỗ; xin cho người khác hoặc người khác xin rồi đem cho; hoặc không xin mà được, nghĩa là có người tự nhiên cúng cho; hoặc được Tăng chia cho.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 9: Phật tại Xá Vệ. Bạt Nan Đà có cái bát vỡ, đến cầu xin từ một cư sĩ, rồi xin từ hai, cho đến nhiều cư sĩ và được nhiều bát. Sự việc đại loại gần giống như tường thuật của Căn bản tỳ nại da về điều 21 trê, chỉ khác nhau điểm bát lành và bát vỡ.
Tường thuật duyên khởi của điều 22 này, Căn bản tỳ nại da 22 kể hai chuyện:
Chuyện thứ nhất: Ô Ba Nan Đà được một Tỳ kheo khất thực nói cho biết, tại chợ người ta có bán một cái bát rất đẹp. Ô Ba Nan Đà tìm đến, cố thuyết phục người có bát ấy cúng cho mình, nhưng vô hiệu. Một cư sĩ đi ngang qua, bèn xuất tiền ra mua và cúng cho. Có Tỳ kheo chỉ trích Ô Ba Nan Đà chứa một lần hai bát, bị Ô Ba Nan Đà mắng nhiếc. Các Tỳ kheo bạch Phật. Ngài không cho phép các Tỳ kheo xin thêm bát khác trong khi có sẵn bát đang thọ trì, còn dùng được.
Chuyện thứ hai: Một Tỳ kheo khất thực, mang cái bát lủng. Người ta đổ canh vào, nó theo chỗ lủng rỉ chảy ra. Ruồi nhặng bu theo Tỳ kheo này. Trẻ con thấy thế, kéo nhau đi theo và chế nhạo Tỳ kheo. Đại đức tu hành có nhiều bà con quyến thuộc, tức các đám ruồi nhặng ấy. Một cư sĩ thấy thế, hỏi Tỳ kheo duyên cớ, Tỳ kheo ấy cho biết chỉ tại cái bát lủng, và cũng nói thêm rằng vì Phật cấm Tỳ kheo thọ trì hai bát cho nên không dám xin bát mới. Các Tỳ kheo bạch Phật sự việc này. Và do đấy, Phật chế điều luật này.
ĐIỀU 23. Khất lũ tuyến.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào tự mình xin chỉ sợi, khiến thợ dệt không phải thân quyến dệt làm ba y, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Tự mình xin chỉ sợi: Hán: tự khất lũ tuyến. Chỉ sợi ở đây là những loại để dệt thành vải có thể may t hành ba y. Tứ phần, có 10 loại thể tài y như pháp, do đó cũng có 10 loại chỉ sợi khác nhau.
+ Khiến thợ dệt... làm ba y: các bộ khác chỉ nói: dệt thành y, tức thành vải để may. Như vậy, theo Tứ phần, vải nhờ dệt phải đủ kích thước có thể may thành một trong ba y của Tỳ kheo mới thành ni tát kỳ. Còn các bộ khác thì không nói rõ yếu tố kích thước này.
Khiến thợ dệt: các bộ đều giải thích là sai khiến hoặc nhờ cậy mà không trả tiền công. Căn bản tỳ nại da còn nói rõ: hoặc nhờ cậy bằng cách thuyết phục cho thợ dệt hoan hỷ làm; hoặc sai khiến bằng cách cậy thế thần.
Riêng Ngũ phần nói là thuê thợ dệt.
Điều luật này gồm có hai yếu tố căn bản: tự mình xin chỉ sợi, và khiến thợ dệt. Các bộ, trừ Ngũ phần, đều lấy yếu tố thứ hai làm bản thể của điều luật này; tức nếu muốn xác định mức khinh trọng thì phải căn cứ trên yếu tố này mà xác định. Chánh văn đã nêu rõ: Thợ dệt không phải thân quyến. Chỉ sợi được xin từ đâu, thân quyến hoặc không thân quyến, nếu nhờ thợ dệt không phải thân quyến, đều là yếu tố quyết định để thành phạm. Điều này được phân tích như sau:
1) Người cho chỉ và thợ dệt đều không phải thân quyến: xin từ người cho chỉ này, phạm đột kiết la; nhờ thợ dệt này, ni tát kỳ.
2) Người cho chỉ là thân quyến, thợ dệt không phải: xin từ người cho chỉ, không phạm; nhờ thợ dệt, phạm.
3) Người cho chỉ là không phải thân quyến, thợ dệt là thân quyến: xin từ người cho chỉ, phạm đột kiết la; nhờ thợ dệt, không phạm.
4) Cả hai đều thân quyến, không phạm.
Trên đây nói các bộ chú trọng yếu tố thợ dệt, vì theo các giải thích, vì sợ nhờ vả hay sai khiến của Tỳ kheo đều có gây thiệt hại vật chất ít nhiều cho thợ dệt. Cũng do đó mà thợ dệt nếu là thân quyến thì được coi là không phạm. Vì đối với thợ dệt, mình có thể chiếu cố đến hoàn cảnh sống dư hay thiếu của họ để biết đáng nhờ hay không đáng nhờ một cách thích đáng. Ý nghĩa này cũng giống như các trường hợp đề cập đến yếu tố thân quyến trong các điều 4, 5, 6... ở trên.
Trên đây cũng nói trừ Ngũ phần, vì Ngũ phần thay vì nói sai khiến hay nhơ fcậy, thì nói là thuê, tức không xét đến trường hợp thiệt hại của thợ dệt khi phải làm công không cho Tỳ kheo.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hội đủ 4 yếu tố để thành phạm, theo phân tích của Hành sự sao:
1) Tự mình xin chỉ sợi.
2) Sai khiến thợ dệt không phải thân quyến dệt.
3) Không trả tiền công.
4) Đã dệt thành.
Trong đây, yếu tố thứ 3 là căn cứ theo Căn bản tỳ nại da. Điều này trái hẳn với Ngũ phần như đã nói.
Về yếu tố 4, theo Căn bản tỳ nại da, chừng nào Tỳ kheo nhận được vải thay y mới thành phạm, chứ không phải chỉ dệt xong là đủ yếu tố để thành phạm.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 9: Phật tại Xá Vệ. Bạt Nan Đà đến các cư sĩ xin chỉ sợi, nói là cần dệt may tăng già lê. Xin được quá nhiều chỉ, không những dư cho tăng già lê, mà còn đủ cho cả ba y. Bèn đến nhờ thợ dệt, rồi tự tay mình phụ dệt. Các cư sĩ thấy thế, chê bai, và do thế, Phật chế giới.
Ngũ phần 4: nhóm sáu Tỳ kheo xin được quá nhiều chỉ, bèn thuê hết thảy thợ dệt trong Xá Vệ dệt y cho họ. Vì bận rộn dệt cho các Tỳ kheo này, các thợ dệt không nhận dệt cho ai khác nữa. Các cư sĩ trong thành, vì không thuê được thợ dệt, nên bất mãn và chỉ trích các Tỳ kheo quá tham lam.
Tăng kỳ 11 cũng kể như Tứ phần, nhưng có thêm chi tiết, trong khi Bạt Nan Đà dệt với thợ dệt thấy A Nan khất thực đi ngang qua, bèn gọi vào bảo dệt phụ. Nhân đó, ngài A Nan về bạch Phật.
Căn bản tỳ nại da 22: Phật tại Xá Vệ. Ô Ba Nan Đà thuyết giáo và khuyến hóa 500 cô gái se chỉ mướn. Nhân đó, xin được rất nhiều chỉ sợi, và cũng thuyết giáo cho một thợ dệt danh tiếng khiến ông này sanh tín tâm, rồi nhờ dệt thành một tấm vải rất tốt và đẹp. Sau đó, đem về khoe với các Tỳ kheo. Các vị này thách thức nếu kiếm thêm được một mảnh vải tốt đẹp như vậy nữa, họ mới phục. Ô Ba Nan Đà nói: “Các vị chớ khinh dễ. Nếu không có được một mảnh như vậy, sẽ không xứng danh Ô Ba Nan Đà này”. Rồi cũng đi khuyến hóa và cũng được chỉ tốt như trước, và rồi cũng mang đến thợ dệt như trước. Nhưng thợ dệt từ chối: “Lần trước, vì phải dệt cho Đại đức, cả hai vợ chồng tôi bỏ bê công việc làm ăn, phải vay nợ. Nay nợ trả chưa xong, không thể nhận dệt giùm được”. Thuyết phục hết chồng, đến vợ, cũng không xong, Ô Ba Nan Đà nổi giận nói: “Ta mà không bắt nhà ngươi dệt được tấm vải này thì không xứng danh Ô Ba Nan Đà nữa”. Nói xong, bèn đi tìm vị đại thần khiến thuộc hạ mang đến thợ dệt. Vì sợ uy quyền của đại thần, vợ chồng thợ dệt nuốt hận mà cố dệt cho đẹp. Khi Ô Ba Nan Đà đến lấy vải, họ hỏi tiền công, nhưng không được trả. Do đó, tiếng xấu đồn ra. Bấy giờ Phật chế điều luật này.
ĐIỀU 24. Khuyến chức sư.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì Tỳ kheo dệt làm y. Tỳ kheo ấy trước không nhận được yêu cầu tùy ý, liền đến chỗ thợ dệt nói rằng: “Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho tôi thật hết sức khéo, khiến cho dài rộng, bền chắc. Tôi sẽ trả công cho ít nhiều”. Tỳ kheo ấy trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn, nếu được y, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Khuyến chức sư: Đề nghị với thợ dệt. Nội dung đề nghị, chánh văn nói rõ: cực hảo: hết sức khéo, quảng đại: rộng lớn, kiên trì: bền chặt. Thập tụng và Căn bản nêu 4 đề nghị.
Bốn đề nghị theo Căn bản tỳ nại da 23: hảo chức, dệt tốt, vì muốn dài và đúng kích thước mình muốn, tịnh sơ trị, chải vuốt cho sạch, vì muốn y dài và hơi trắng, thiện giản trạch, lựa chỉ cẩn thận, loại bỏ chỉ dơ, xấu, vì muốn tinh tế. Cực kiên đả, đánh thật chặt, vì muốn bóng láng và sít chặt. Đây cũng là những từ chuyên môn của thợ dệt.
Nói một trong bốn đề nghị này với thợ dệt, là yếu tốt để thành phạm.
+ Cư sĩ hay vợ cư sĩ. Tứ phần, Ngũ phần và Tăng kỳ đều không xác định yếu tố thân quyến hay không thân quyến. Thập tụng và Căn bản: cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến.
+ Y, tức y tài, vải để may các loại y, như trên. Hữu bộ tỳ bà sa 5: không nhất thiết phải đúng lượng những nếu Tỳ kheo đưa ra một trong 4 đề nghị nói trên là yếu tố để thành phạm.
+ Thợ dệt. Thập tụng và Căn bản nói: thợ dệt không phải là thân quyến (của Tỳ kheo).
+ Yêu cầu tùy ý. Hán: tự tứ thỉnh, xem giải thích ở điều 7 và 8 trên.
+ “Y này vốn làm cho tôi... sẽ trả công ít nhiều”: Tỳ kheo đưa đề nghị, trong đây bao gồm 4 đề nghị: khéo, dài, rộng, và bền chặt. Trong văn dịch của Tứ phần, có sự không nhất trí về điểm này. Văn kết giới lần thứ nhất nói: hảo chức, quảng, trường, kiên trí nhưng văn trong kết giới lần hai nói: hảo chức, quảng đại, kiên trí. Có lẽ dịch giả chú trọng đến sự phân tích thành bốn đề nghị như các bộ khác.
Trong điều 23, Tøỳ kheo tự mình xin chỉ sợi, rồi nhờ thợ dệt. Trong điều này, cư sĩ đưa chỉ sợi nhờ hoặc mướn thợ dệt. Tiền công như thế nào do cư sĩ và thợ dệt thỏa thuận riêng với nhau. Nhưng nếu một trong 4 đề nghị của Tỳ kheo được thợ dệt làm theo, tất nhiên thợ sẽ phải cần thêm chỉ sợi từ phía cư sĩ để thỏa mãn các đề nghị ấy. Số chỉ sợi như vậy sẽ nhiều hơn ước lượng của cư sĩ, có khi vượt ngoài khả năng của họ, gây khó khăn cho họ. Đây là điểm khác nhau chủ yếu giữa điều 23 và 24. Trong điều 23, thiệt thòi về phía thợ, trong điều 24 này, cư sĩ cúng chỉ sợi sẽ gánh chịu.
+ Tỳ kheo ấy trả công dù chỉ đáng giá một bữa ăn, đây là yếu tố quyết định của điều luật này.
+ Đáng giá một bữa ăn, Hán: nhất thực trị. Tăng kỳ: tiền, tiền trị; thực thực trị: Tỳ kheo trả tiền, hoặc loại tợ tiền; trả bằng thức ăn, hoặc loại tợ thức ăn. Căn bản: bát thực hoặc bát thực chi loại, và giải thích: bát thức (Bát, có lẽ âm Phạn: bhakta, thực phẩm), chỉ năm loại kha đản ni (Phạn: khàdanìya, thức ăn cứng), và năm loại bồ thiện ni (Phạn: bhojanìya, thức ăn mềm), bát thực chi loại, các thứ ngũ cốc v.v..., chưa nấu chín, thực trị, tức thực giá, tiền công giá bằng một bữa ăn. Theo đây, một bữa ăn cần hiểu chính xác là lượng thức ăn vừa đủ chứa trong một bình bát khất thực của Tỳ kheo, chứ không phải bữa ăn thông thường của cư sĩ.
2. PHẠM TƯỚNG:
Tính chất trì phạm của điều này cũng tương tợ như điều 8. Điểm khác biệt là, trong điều 8, Tỳ kheo đề nghị thẳng với thí chủ, trong điều này, đề nghị với thợ dệt. Các yếu tố thành phạm trong đây có thể phân tích như sau:
1) Thí chủ là cư sĩ không phải thân quyến.
2) Thí chủ cung cấp chỉ và thuê thợ dệt.
3) Kích thước vải dệ đã do thí chủ định sẵn.
4) Tỳ kheo không được yêu cầu tùy ý.
5) Tỳ kheo đưa ra một trong 4 đề nghị cho thợ dệt.
6) Đã trả công cho thợ dệt.
7) Thí chủ có cung cấp thêm chỉ sợi, ngoài số dự liệu sẵn, dù chỉ thêm một sợi.
8) Đã nhận được vải. Nếu chưa nhận hay không nhận được vải: đột kiết la.
Và yếu tố thí chủ và thợ là thân quyến hay không thân quyến, giống như trong điều 23.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 9: Phật tại Xá Vệ. Một cư sĩ vốn là chỗ quen biết cũ của Bạt Nan Dà, đưa chỉ tốt mướn thợ dệt y cho Bạt Nan Đà. Thợ dệt đến tăng già lam báo cho Bạt Nan Đà biết. Nhân đó, Bạt Nan Đà đưa ra đề nghị, như được ghi trong chánh văn. Do đề nghị của Bạt Nan Đà, muốn làm tốt để thỏa mãn đề nghị ấy, thợ dệt đòi thêm chỉ từ thí chú, và thí chủ phải cung cấp thêm. Sau đó, họ mới biết rằng sở dĩ số chỉ dự liệu không đủ vì thợ dệt cần thỏa mãn yêu sách đề nghị của Bạt Nan Đà, nên họ sinh bất mãn, và chê bai Tỳ kheo tham lam vô độ. Nhân đó, Phật kết giới, nhưng chưa đề cập yếu tố yêu cầu tùy ý.
Sau đó, Phật chế giới, có thí chủ muốn cúng cho một Tỳ kheo y tốt, yêu cầu Tỳ kheo tùy ý đề nghị. Nhưng Tỳ kheo này sợ phạm điều Phật chế nên không đưa đề nghị nào cả. Nhân đó, Phật tu chỉnh điều luật này, thêm yếu tố yêu cầu tùy ý vào chánh văn như đã thấy.
Căn bản tỳ nại da 23: Đoạn đầu, sự việc xảy ra hoàn toàn giống như tường thuật trong điều 8, chỉ thay đổi sự dành tiền sắm y bằng sự cung cấp chỉ sợi và mướn thợ dệt. Đoạn sau, từ việc Ô Ba Nan Đà tìm đến thợ dệt để đề nghị, chỉ là những chi tiết cụ thể hóa nội dung của chánh văn.
ĐIỀU 25. Sân phú hoàn đoạt y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, trước đã cho y Tỳ kheo khác, sau vì giận hơn, tự mình đoạt hay sai người đoạt lấy, nói rằng: “Hãy trả y lại cho tôi. Tôi không cho ngài”. Nếu Tỳ kheo kia trả y, Tỳ kheo này nhận lấy, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Sân phú hoàn đoạt y: Do giận hờn, đoạt y lại. Các bộ không nêu rõ bản chất của điều kiện này. Các tường thuật cũng như giải thích đều chú trọng ở điểm, đòi y lại vì giận hờn. Đây là yếu tố quyết định. Nhưng yếu tố tiên khởi là sự cho y. Các bộ cũng nhấn mạnh rằng sự cho y này có hậu ý nhưng không nói rõ cho người nhận biết, đến khi ý định ấy không được thỏa mãn thì đòi lại.
Tuy vậy, nếu khảo sát kỹ sự việc đã xảy ra mà các bộ đều tường thuật đại khái giống nhau, thì có thể nói, điều luật này nêu bật mối quan hệ tương thân tương trợ trong đời sống của các Tỳ kheo. Tỳ kheo có y dư nên cho các Tỳ kheo thiếu thốn và sự cho ấy phải với tinh thần tương trợ chứ không được với ẩn ý nào khác. Trong tinh thần ấy, Tỳ kheo được tương trợ có thể tiếp nhận một cách tự nhiên, không thắc mắc, không có ý niệm đề phòng mình có thể bị mua chuộc.
Chánh văn của điều luật này bao gồm 3 vấn đề chủ yếu: sự cho, sự nhận và sự đòi lại. Các điểm này sẽ tùy văn giải thích dưới đây:
+ Trước đã cho Tỳ kheo khác y: Đây nói về sự cho. Sự cho này được xét dưới ba khía cạnh:
- Cho có hậu ý hoặc không có hậu ý, với hậu ý tốt, sự cho là hành vi khích lệ người nhận để cố gắng tu tập.
- Cho đứt hay cho tạm: cho mà không có ý nghĩ sẽ đòi lại, gọi là cho đứt. Trái lại, với ý nghĩ rằng sẽ đòi lại nếu người nhận không làm những điều mình muốn, đây gọi là cho tạm.
- Nói hoặc không nói cho người nhận biết ý định của mình khi cho.
Sự cho tạo thành bản chất của điều luật này là cho với hậu ý lợi dụng nhưng không nói rõ cho người nhận biết điều kiện mà mình cho.
Chánh văn không nêu rõ thái độ của người nhận. Nhưng căn cứ theo thái độ của người cho, có thể nói rằng, ở đây, người nhận không biết gì hậu ý của người cho, và người nhận cũng nghĩ rằng mình được cho luôn chứ không phải cho tạm trong một thời gian.
+ Sau vì giận hờn: Nêu rõ trường hợp đòi lại. Tức là, về sau, người nhận không làm những điều mà mình dự định khi cho, do đó, bất mãn, giận hờn, bèn đòi lại.
+ Tự mình đoạt lại… nghĩa đen ở đây là “giựt lại”, chứ không đơn giản chỉ là sự đòi lại. Sự lấy lại ở đây là với ý nghĩa vật đó thuộc về mình. Trái lại, có ý tưởng đó là vật sở hữu của người khác mà mình giựt lại, thì không thuộc phạm vi điều luật này, mà nó sẽ là một trong các yếu tố để xác định tội ăn trộm. Tức là, trong trường hợp đó, có thể thành tội ba la di, như Luật nhiếp 7 giải thích. Hoặc, theo Hữu bộ tỳ bà sa, tính theo giá tiền tương đương mà xác định: dưới 4 ma sa, phạm thâu lan giá; 5 ma sa trở lên, phạm ba la di.
+ Tỳ kheo kia trả y, Tỳ kheo này nhận lấy: yếu tố cuối cùng quyết định thành tội ni tát kỳ. Về điểm này, Căn bản tỳ nại da nói hơi khác: “Nếu y đã lìa khỏi thân vị kia, và tự mình đã thọ dụng”. Theo đây, không phải chỉ là sự đòi lại rồi Tỳ kheo kia trả, mà là giựt lại, với điều kiện y đã hoàn toàn lìa khỏi thân vị kia. Cho đến đây, chỉ mới là tội đột kiết la. Nói tự mình thọ dụng, tức xem y ấy bấy giờ thuộc sở hữu của mình. Cho đến đây mới thành tội ni tát kỳ.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hội đủ 5 yếu tố:
1) Người được cho là tỳ kheo. Các chúng khác, chỉ là yếu tố của đột kiết la. Trong đây, Hữu bộ tỳ nại da nêu rõ các trường hợp:
a. Sa di đắc giới, Tỳ kheo hành ba lị bà sa, ma na đỏa, đui, mù, câm, điếc, bị tẩn y yết ma: yếu tố để thành ni tát kỳ. Sa di đắc giới được giải thích là người chưa đủ 20 tuổi, nhưng do chứng đắc Thánh đạo vô lậu, nên giới thể Sa di tự nhiên thành tựu. Luật này cũng nói rõ, trong lịch sử, chỉ có một Sa di duy nhất như vậy ở Kế Tân, sau khi Phật Niết bàn.
b. Cho và đoạt lại từ những Tỳ kheo cuồng tâm, loạn trí, phạm tứ trọng, xuất Phật thân huyết, phá tăng luân, thảy đều là yếu tố để thành đột kiết la.
2) Cho với hậu ý.
3) Không đặt điều kiện khi cho, tức không nói rõ ý định của mình.
4) Do giận hờn, đòi lại, hoặc giựt lại.
5) Đã nhận làm sở hữu của mình.
Tứ phần: Đoạt y lại từ những người phá giới, phá kiến: không phạm. Đây là đoạt lại với ý niệm chiết phục, chứ không vì sân hận, do đó, không trái ngược với Hữu bộ tỳ bà sa như đã nêu trên.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần: Phật tại Xá Vệ. Bạt Nan Đà cho đệ tử của mình y, với mục đích lấy lòng để rủ Tỳ kheo này đi chung. Nhưng Tỳ kheo đệ tử này từ chối, vì có chỗ đi khác cần thiết hơn. Bạt Nan Đà do đó giận và đòi lại.
Các bộ khác cũng tường thuật đại khái như vậy. Các chi tiết khác không đáng kể.
ĐIỀU 26. Thất nhật dược.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào có bịnh, các loại thuốc dư tàn như tô, dầu, sanh tô, mật ong, thạch mật, trong thời hạn bảy ngày được phép dùng, nếu quá bảy ngày còn dùng, ni tát ỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Thất nhật dược: Thuốc được phép cất chứa và dùng trong vòng 7 ngày. Một trong 4 loại thuốc.
1)Thời dược: Loại thuốc dùng trong thời gian trước giữa trưa.
2)Phi thời dược: Thuốc được dùng vào buổi chiều.
3)Thất nhật dược: Thuốc dùng trong 7 ngày.
4)Tận hình dược: Thuốc dùng trọn đời.
Ý nghĩa các loại thuốc này, xem Yết ma yếu chỉ, Ch. VIII.
+ Thuốc dư tàn. Hán: Tứ phần: tàn dược, có lẽ muốn nói là thuốc dùng một lần không hết. Ngũ phần và Thập tụng nói là hàm tiêu dược, không có giải thích rõ. Nhưng, thông thường, thực đạm được dùng để dịch nghĩa của Phạn âm kha đà ni, loại thức ăn cứng, cần phải cắn, và hàm tiêu là dịch nghĩa của từ Phạn âm bồ xà ni, loại thức ăn mềm, chỉ nhai và nuốt. Như vậy, hàm tiêu dược muốn nói rằng, nguyên lai đây là thực phẩm loại mềm có thể dùng coi như thuốc. Tăng kỳ nói: sở ưng phục dược, cũng không có giải thích rõ ràng. Căn bản nói tùy ý phục thực và được giải thích theo Luật nhiếp 5: tùy ý, tùy thuận theo sự thích nghi của người bịnh, phục thực, nghĩa là được phép cắn hoặc nhai (Hán: đạm tước). Như thế có nghĩa là, các loại thức ăn hoặc cứng mềm, trong trường hợp bịnh, có thể như là thuốc. Theo đây, tàn hay phục thực đều là hai ý nghĩa khác nhau của một từ tiếng Phạn. Từ này, ở dạng danh từ chúng đồng âm, nhưng ở dạng động từ chúng có gốc hay động từ căn khác nhau, một gốc có nghĩa là tàn dư, và một gốc khác có nghĩa là thọ dụng. Thêm nữa, trong tiếng Phạn, hàm tiêu hay thọ dụng là những từ đồng nghĩa.
Nếu giải thích này được chấp nhận là đúng, thì cách dịch tàn dược của Tứ phần không chính xác.
Về loại thực phẩm dùng làm thuốc này, Tứ phần và Thiện kiến kể có 5 thứ, như thấy trong chánh văn nêu trên. Ngũ phần, Thập tụng và Căn bản chỉ kể có 4; trong đó, có lẽ sanh tô và thục tô được coi như một. Tăng kỳ kể có 6 thứ: 5 thứ như Tứ phần, thêm cái thứ 6 là mỡ.
+ Thời hạn bảy ngày: nguyên tắc để tính thời hạn đại khái giống như các cách tính về y dư và bát dư ở trên. Nghĩa là, ngày thứ nhất nhận được thuốc, trong các ngày kế tiếp hoặc nhận được thêm hoặc không nhận được gì cả cho đến ngày thứ 7, nếu không tác tịnh hay cho người khác, cất chứa đến ngày thứ 8, khi minh tướng xuất hiện, phạm ni tát kỳ. Bản chất của sự vi phạm như vậy cũng giống như các loại y dư hay bát dư.
+Được phép dùng: Tứ phần nói gọn: đắc phục. – Thập tụng nói: cọng túc, ngủ chung với thuốc. Thực sự, chúng chỉ được gọi là thuốc vì theo sự thọ dụng thích nghi; nhưng tự bản chất chúng là thực phẩm. Do đó, Hữu bộ tỳ bà sa 6 nói: tự mình thọ lãnh rồi để cách đêm mà ăn, phạm tàn túc thực, sám hối theo tội ba dật đề. Đây không phải là một tội danh thuộc chương ba dật đề; trong giới bổn của các bộ, không có điều khoản nào quy định điều này. Phân tích của Hữu bộ vừa dẫn là một khía cạnh trì phạm của chính điều luật 26 này.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hình thái trì phạm trong điều luật này chỉ nhắm đến Tỳ kheo có bịnh. Tỳ kheo không bịnh, không được hưởng sự nới rộng của điều luật này; do đó, nếu chứa thức ăn cách đêm, phạm tàn túc thực, như Hữu bộ tỳ bà sa nói rõ.
Các yếu tố để thành phạm, chánh văn đã rõ ràng nên không cần thiết phải phân tích thêm.
Trường hợp không phạm: nếu đến ngày thứ 7 mà tác tịnh, như các cách tịnh thí y dư và bát dư (xem Yết ma yếu chỉ, ch. viii); hoặc cho người khác, như Sa di, người coi sóc vườn chùa. Sau khi đã cho, nếu còn bịnh, dù đã quá hạn 7 ngày, có thể xin lại mà dùng.
3. DUYÊN KHỞI:
Các bộ đại khái giống nhau:
Phật tại Xá Vệ. Mùa thu, các Tỳ kheo hay trúng gió, nên thường bịnh hoạn, thân thể gầy yếu. Phật biết rõ nguyên nhân. Ngài cho phép các Tỳ kheo có thể dùng thêm các loại thực phẩm mà người đời trong trường hợp bịnh họ coi là thuốc. Tức 5 loại đã nói trên. Nhưng Ngài chưa nói cho phép dùng những thứ này vào lúc phi thời, do đó các Tỳ kheo không dám dùng phi thời. Một số Tỳ kheo vẫn gầy ốm vì thiếu ăn; do đó, Phật lại tùy khai, cho các Tỳ kheo dùng các thứ kể trên vào phi thời.
Bấy giờ, do uy tín của tôn giả Tất Lăng Già Bà Tá, các cư sĩ cúng dường các đệ tử của tôn giả những thứ sữa, mật, đường rất nhiều; các Tỳ kheo này dùng một lần không hết, họ cất chứa nhiều ngày để dùng lần. Do sự cất chứa dồn quá nhiều ngày, tinh xá của họ đầy những lu hũ, và luôn cả các thứ sâu kiến, rất dơ bẩn, và hôi hám. Các cư sĩ thấy vậy bèn chỉ trích. Do nhân duyên này, Phật kết giới điều luật này.
Tường thuật về duyên khởi trên cũng được ghi chép trong Y dược kiền độ, Tứ phần 42.
ĐIỀU 27. Vũ dục y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, xuân còn một tháng, có thể tìm cầu y tắm mưa; còn lại nửa tháng, có thể dùng. Nếu Tỳ kheo quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, quá trước nửa tháng dùng, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Vũ dục y: Y tắm mưa; một trong 13 tư cụ của Tỳ kheo; thực chất, nó là một loại áo choàng dùng để tắm. Hữu bộ tỳ bà sa, nó được dùng cho hai việc: khi trời mưa, vây nó che bốn phía rồi tắm ở bên trong; nếu trời nóng cũng tự che để tắm ở bên trong. Thứ hai, vì mùa hạ nhiều mưa, thường dùng gói ba y để quảy mang đi lại cho tiện. Tăng kỳ 11: “Không được mang áo mưa tắm trong ao. Khi mưa nhỏ cũng không được dùng nó, nhưng cũng không được tắm lõa thể, mà nên bận xé lặc (tức xà rông), hoặc y cũ. Không được mặc áo mưa làm các công việc. Chỉ nên dùng khi trời mưa lớn… Khi bịnh, hoặc chỗ có nhiều người đi, có thể buộc nó ở hai đầu làm đồ che”. – Về kích thước, sẽ được nói trong ba dật đề 89 ở chương sau.
+ Xuân còn một tháng… có thể dùng. Theo lịch pháp cổ Ấn Độ mà Luật tạng vẫn áp dụng, một năm chia ra làm ba mùa, mỗi mùa bốn tháng. Nói xuân còn một tháng, là nói, bốn tháng mùa xuân mà ba tháng đã qua, nay còn một tháng cuối, tức tháng trước mùa hạ an cư. Theo cách tính của Tam tạng Huyền Tráng và Nghĩa Tịnh, mùa hạ bắt đầu an cư của các Tỳ kheo từ ngày 16 tháng 5 nông lịch; theo đây thì xuân còn một tháng chỉ khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 4 đến 15 tháng 5 nông lịch. Nhưng cách tính này không được áp dụng tại Trung hoa. Các luật sư áp dụng theo cách tính của dịch giả Tứ phần, mùa hạ an cư bát đầu từ ngày 16 tháng 4 nông lịch, cho nên thời gian một tháng trong đây kể từ 16 tháng 3 đến 15 tháng 4 nông lịch.
Tứ phần không nói rõ đây là ngày tháng theo lịch lưu hành, hay kể theo kỳ hạn thọ an cư. Căn bản thì nói rõ đây là tính theo hạn kỳ an cư. Kể từ ngày bắt đầu của tháng tìm cầu áo mưa cho đến ngày thọ tiền hoặc hậu an cư đúng tháng. Thí dụ, thọ tiền an cư vào ngày 16/4 thì ngày bắt đầu tìm kiếm áo mưa là 16/3. Nếu thọ hậu an cư vào ngày 16/5 thì bắt đầu tìm kiếm áo mưa là 16/4.
Về tháng nhuận, luật Hữu bộ nói, giả sử tháng 3 có nhuận, nhưng Tỳ kheo không hay biết nên tìm sắm áo mưa từ 16/3 trước, thì đến 1/3 nhuận phải cất lại, không được dùng; đợi đến 1/4 mới dùng.
Chánh văn nói: còn lại nửa tháng, và được giải thích rõ là bắt đầu từ ngày 1/4 trở đi, được phép sử dụng. Các bộ khác cũng giải thích tương tợ, trừ Căn bản sẽ nói sau.
Ở đây, một vấn đề được nêu ra trong Hữu bộ tỳ bà sa 6. Giả sử ngày 16/3 tìm cầu áo mưa, đến khoảng ngày 18 hoặc 19 được may xong, nhưng luật nói, cho đến ngày 1/4 nên dùng, vậy trong khoảng thời gian từ khi y được tác thành cho đến khi có thể sử dụng, y ấy được cất chứa như thế nào đáng gọi là như pháp? Bởi vì, luật Hữu bộ đồng nhất ý nghĩa súc tức cất chứa và dụng tức sử dụng, do đó, vấn đề này được trả lời rằng: “Xét theo bản ý Phật chế, trong vòng một tháng này, Tỳ kheo được phép cầu và súc vũ dục y”: vậy y được tác thành lúc nào là có thể sử dụng ngay lúc ấy, không nhất thiết phải đợi đến ngày 1/4. Sự quy định của chánh văn có tính cách đại thể chứ không phải cứng nhắc. Hình như luật Căn bản cảm thấy có điều bất ổn giữa thời gian tác thành và súc dụng mà các luật khác không lưu ý, nên tu chỉnh chánh văn cho chính xác; tề hậu bán nguyệt lai ưng trì dụng. “cho đến nửa tháng sau còn lại có thể thọ trì và sử dụng”. Bán nguyệt lai được giải thích là “cho đến còn nửa tháng trước ngày tự tứ”. Đoạn sau đó, Căn bản tỳ nại da 25 giải thích rõ về thời gian để cầu y và trì dụng như sau: Một tháng cuối mùa xuân, tức trước ngày thọ an cư, Tỳ kheo có thể tìm và sắm áo tắm mưa, trong đó bao hàm luôn cả sự thọ trì và sử dụng; thời gian trì dụng này kéo dài cho đến trước ngày tự tứ nửa tháng. Nếu Tỳ kheo dự định sẽ thọ hậu an cư, nhưng thấy các Tỳ kheo thọ tiền an cư đã tìm sắm áo mưa trước một tháng mà mình cũng tìm sắm theo, Tỳ kheo ấy phạm xả. Tỳ kheo thọ tiền an cư, còn nửa tháng nữa là ngày tự tứ không được dùng, nhưng thấy các Tỳ kheo thọ hậu an cư vẫn còn thời hạn sử dụng mà mình cũng dùng theo, Tỳ kheo ấy phạm xả.
+ Quá trước một tháng, các bộ, kể cả luật Căn bản, đều giải thích nhất trí là trước ngày thọ an cư đúng một tháng là thời gian tìm sắm áo mưa; nếu tìm sắm sớm hơn, phạm xả. Thí dụ, Tỳ kheo thọ an cư ngày 16/4, nếu tìm sắm áo mưa trước ngày 16/3, ấy là phạm xả. Hậu an cư cũng theo đó mà luận.
+ Quá trước nửa tháng, các bộ, trừ Căn bảnnhư đã dẫn trên, đều giải thích nhất trí là, nếu thọ tiền an cư vào ngày 16/4, mà trước ngày 1/4 đã sử dụng, ấy là phạm xả.
Về y cho mùa mưa này khi được xả, do hết thời gian thọ dụng chứ không phải do phạm ni tát kỳ, Tứ phần 10 nói có thể dùng vào các việc khác; Tăng kỳ 11 nói có thể dùng làm y tài để may ba y. Tăng kỳ 11 còn nói rằng y mưa này có thể thọ dụng trong 4 tháng rưỡi, tức từ 1/4 đến 15/8, trong đó bao gồm luôn một tháng ca đề. Đến ngày 15/8, một Tỳ kheo sẽ tác bạch giữa Tăng rằng: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Ngày hôm nay Tăng xả vũ dục y” (nói 3 lần). Thời gian thọ trì của Tăng kỳ như vậy nhất trí với Ngũ phần. Ngũ phần 5 nói: thời gian thọ trì vũ dục y là 135 ngày.
Hữu bộ nhất trí với Tứ phần và thời gian thj trì, nhưng có hơi khác về cách sử dụng y đã xả. Hữu bộ tỳ bà sa 6 nói: “Nếu tiền an cư, nhẫn đến 15/4 có thể như pháp thọ trì; đến ngày 15/7 nên dẹp vào một chỗ, không nên súc dụng… Cho đến năm sau, vào thời an cư, mang ra dùng”.
2. PHẠM TƯỚNG:
Hành sự sao,trung (tr. 73b), phân tích điều luật này bao gồm hai trường hợp phạm xả khác nhau.
Trường hợp thứ nhất, quá tiền cầu, tìm sắm trước thời gian luật định.
Trường hợp hai, quá tiền dụng, sử dụng trước thời gian luật định.
Chi tiết các trường hợp phạm xả trên đã được đề cập trong phần lược giải; ở đây không cần thiết nhắc lại.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 10: Phật tại Xá Vệ. Bà Tỳ Xá Khư thỉnh Phật và chúng Tăng về nhà cúng dường. Bà sai nữ tỳ đến tinh xá báo tin cho các Tỳ kheo biết đã đến giờ thọ trai. Lúc bấy giờ trời mưa, các Tỳ kheo đương tắm. Nữ tỳ tưởng họ là các tu sĩ lõa thể, về báo lại cho bà Tỳ Xá Khư rằng tại đấy không thấy có Tỳ kheo, chỉ thấy các tu sĩ lõa thể. Bà biết các Tỳ kheo đang tắm, bèn sai nữ tỳ trở lại tinh xá. Bấy giờ trời đã tạnh, các Tỳ kheo vào tịnh thất riêng. Nàng đến không thấy ai cả, lại trở về báo: mọi người đi đâu cả; tinh xá vắng vẻ. Bà biết các Tỳ kheo đang nghỉ sau khi tắm, bèn sai nữ tỳ lại đến tinh xá gọi lớn. Lần này nàng báo tin được với các Tỳ kheo.
Sau khi Phật và các Tỳ kheo thọ thực, bà Tỳ Xá Khư thỉnh cầu Phật ban cho 8 ước nguyện, trong đó có hai ước nguyện là suốt đời được y tắm mưa cho Tỳ kheo, và y tắm cho Tỳ kheo ni. Phật chấp thuận cả 8 điều.
Khi trở về tinh xá, Phật gọi các Tỳ kheo đến, và nói cho phép từ nay các Tỳ kheo được tìm sắm y tắm mưa. Do sự cho phép này, nhóm sáu Tỳ kheo tìm sắm rất nhiều y tắm mưa, bất kể thời tiết đông hay xuân. Các Tỳ kheo thiểu dục tri túc thấy vậy không bằng lòng. Họ bạch Phật, và Ngài kết chế điều luật này.
ĐIỀU 28. Cấp thí y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, còn mười ngày nữa mới hết ba tháng hạ, các Tỳ kheo được y cấp thì, Tỳ kheo biết đó là y cấp thí, có thể thọ nhận; thọ xong, có thể cất chứa cho đến thời của y; nếu cất chứa quá hạn, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Cấp thí y, nghĩa đen, “y cúng gấp”, chỉ các y hay vải mà thí chủ cúng dường Tỳ kheo trong trường hợp thí chủ ấy có việc khẩn cấp. Có hai yếu tố căn bản để y được cúng trong các trường hợp như vậy gọi là cấp thí y.
Thứ nhất, xét về bản chất, nó là loại trường y; nếu không có duyên sự đặc biệt, sự thọ dụng của Tỳ kheo đối với y này được chi phối bởi điều luật 1.
Thứ hai, xét về chủ đích của thí chủ, nói thuộc loại an cư y, tức y được cúng dường cho các Tỳ kheo với mục đích cung cấp các vật dụng cần thiết trong thời gian an cư. Ở đây, nó liên hệ đến một điều Phật chế, nói theo Ngũ phần 5, theo đó, trong thời gian an cư, các Tỳ kheo không được phép nhận y. Mặc dù gọi là y an cư, nhưng chỉ được phép thọ nhận sau khi Tăng đã tự tứ. Tỳ kheo nào làm trái lại, phạm đột kiết la. Lý do của sự cấm chế này, theo giải thích của Tăng kỳ 10, là để tránh sự hiềm nghi của các cư sĩ rằng, trong thời gian đang an cư, Tỳ kheo thọ nhận và cất chứa y, cũng như các vật dụng khác, là có ý định để dành làm tài sản sau khi tự tứ xong sẽ bãi đạo hoàn tục.
Theo Thập tụng và Căn bản, điều Phật chế vừa nói có phạm vi rộng hơn. Theo đó, trong thời gian an cư, tất cả những gì mà thí chủ cúng dường các Tỳ kheo, Tăng không được phép phân chia để thọ dụng, mà phải cất lại đó, đợi sau khi tự xứ xong mới phân chia.
Tổng hợp cả hai điểm vừa nêu trên, cấp thí y có thể được định nghĩa như sau: là loại trường y, phi thời, được thí chủ dâng cúng Tỳ kheo vì mục đích an cư, và cúng trong trường hợp khẩn cấp, nghĩa là, thí chủ ấy có việc gấp, không thể đợi đến khi Tăng đã tự tứ.
Về trường hợp khẩn cấp của thí chủ, Ngũ phần 5 chỉ nêu có hai: người ra chiến trận, và đàn bà sắp sanh nở. Với người ra chiến trận, quân lịnh không thể trễ, vả lại, sống thác bất định cho nên không thể ước hẹn cơ hội thuận tiện nào khác. Với người sắp sanh nở, theo tục lệ Ấn bấy giờ, đàn bà sắp sanh nở thì về nhà mẹ, đấy là thời gan có được nhiều tự do, không bị những câu thúc của nhà chồng.
Tăng kỳ 10 kể thêm hai trường hợp: người sắp chết và thương gia sắp đi xa.
Ngoài các trường hợp trên, Thập tụng 8 kể thêm: vua, phu nhân, vương tử, đại thần, với ý nghĩa rằng, các nhà quý tộc đầy uy quyền này, tín tâm của họ bất thường, nên Tỳ kheo cần thọ nhận để kết duyên tín tâm bền chặt cho họ.
Căn bản tỳ nại da 23 nêu 5 trường hợp được coi là cấp thí: 1. Người bịnh tự mình cúng y. 2. Vì người khác bịnh mà cúng y. 3. Người sắp chết. 4. Vì người đã chết. 5. Người ra chiến trận.
Ngoài những trường hợp vừa kể, sự bố thí của thí chủ không được gọi là cấp thí.
+ Còn mười ngày…Quy định thời gian Tỳ kheo được phép thọ cấp thí y, đó là, trước tự tứ của tiền an cư 10 ngày. Nói cụ thể, nếu tự tứ vào ngày 15/7, thì từ 6-15/7 là thời gian của cấp thí y. Không có trường hợp cấp thí y đối với Tỳ kheo hậu an cư.
+ Cho đến thời của y. Thời của y là thời gian cho các Tỳ kheo tìm sắm y, không bị hạn chế bởi các điều luật 1 và 3. Nếu có thọ ca thi na, thời gian của y kéo dài 5 tháng. Nếu không thọ ca thi na, chỉ được một tháng, tức tháng ca đề.
+ Nếu chứa quá hạn: Nếu không thọ ca thi na, khi hết tháng ca đề, ngày 15 không tác tịnh, sang ngày 16 phạm xả. Nếu có thọ ca thi na, khi mãn thời gian hiệu lực của ca thi na, ngày 15 không tác tịnh, ngày 16 phạm xả.
Về sự cất chứa quá hạn này, các luật còn phân tích chi tiết như sau: nếu nhận được y cấp thí vào ngày 6, trước tự tứ của tiền an cư 10 ngày, thì sự quá hạn như đã nói trên. Nếu nhận được y cấp thí vào ngày 7, thì thời hạn sẽ cộng thêm một ngày, tức là, nếu không thọ ca thi na, hết tháng ca đề được cộng thêm một ngày nữa; nếu có thọ ca thi na, hết hạn ca thi na cũng được cộng thêm một ngày nữa. Nói cụ thể, giả sử nhận cấp thí y trước tự tứ một ngày, tức ngày 14, nếu không thọ ca thi na, đến ngày 26/8, không tác tịnh mà còn chứa, phạm xả; nếu có thọ ca thi na, đến ngày 26/12 mà còn chứa, chưa tác tịnh, cũng phạm xả.
2. PHẠM TƯỚNG:
Cũng như trong điều 27, ở đây, mặc dù về hình thức thì chỉ có một điều khoản, nhưng về trường hợp phạm xả thì có hai. Đó là, phạm xả do thọ nhận trước thời gian luật định, và phạm xả do cất chứa quá thời gian ấn định.
Trường hợp phạm xả do thọ nhận, Hành sự sao phân tích chánh văn thành 5 yếu tố:
1) Đó là y cấp thí.
2) Biết rõ là y cấp thí.
3) Thọ nhận trước thời gian luật định.
4) Thọ nhận không duyên sự đặc biệt. Đây chỉ duyên sự của Tỳ kheo: y bị mất, y bị cướp trộm v.v… như điều 7.
5) Đã thọ nhận.
Trường hợp phạm xả do cất chứa, vì bản chất của y cấp thí vốn là trường y, do đó các yếu tố thành phạm cũng như trong điều 1.
3. DUYÊN KHỞI:
Tứ phần 10: Phật ở Tỳ Lan Nhã. Sau khi hạ an cư đã xong, Phật cho phép thọ nhận y an cư. Được vậy, nhóm sáu Tỳ kheo bèn tìm cầu y an cư vào mọi lúc, không kể là hạ chưa xong. Còn Bạt Nan Đà thì an cư ở trú xứ này xong, lại đến cá trú xứ an cư khác để thọ nhận thêm các phần y được chia. Sự sắm y và cất chứa vô độ ấy khiến các Tỳ kheo thiểu dục tri túc không hài lòng. Các vị bạch Phật. Ngài chế định, Tỳ kheo không được phép thọ nhận y an cư trước ngày tự tứ.
Bấy giờ, hai vị tướng quân của vua Ba Tư Nặc là Lê Sư Đạt Đa và Phú Ma La được lịnh xuất quân chinh phạt phản nghịch. Họ tự nghĩ, người ra chiến trận thì sự sống chết vô chừng, biết có còn sống trở về cúng dường Tăng nữa hay không, nên thiết lễ trai tăng và cúng dường y an cư. Các Tỳ kheo, vì chưa đến ngày tự tứ, chỉ thọ lãnh các vật dụng khác chứ không thọ lãnh y. Do đây, Phật kết chế điều luật này.
Tăng kỳ 11 tường thuật duyên khởi khác: Nhóm sáu Tỳ kheo, vào đầu thời an cư, đến các nhà cư sĩ tìm cầu y an cư. Họ nói, đợi đến mùa thu, khi lúa đã chín, mọi người đều hoan hỷ, bấy giờ sẽ cúng. Các Tỳ kheo này lý luận, thế gian đầy những bất trắc, biết đâu mà chờ đợi. Các cư sĩ bèn nói, các ngài tham cầu tài vật như vậy, có lẽ muốn cất chứa cho nhiều, đợi khi Tăng tự tứ xong sẽ bãi đạo hoàn tục chăng? Phật hay biết sự việc này. Ngài bèn chế định, từ đây về sau, trong khi hạ an cư chưa mãn, Tỳ kheo không được phép tìm cầu y an cư. Phần thứ hai của tường thuật, cũng giống như Tứ phần đã dẫn.
Thập tụng 8 và Căn bản tỳ nại da 23 tường thuật nội dung giống nhau, nhưng Căn bản có nhiều chi tiết hơn.
Tại một trú xứ nọ, do không có các thí chủ bảo trợ, nên không có các Tỳ kheo an cư. Một thương đoàn đi ngang qua đây, thấy quang cảnh rất tốt, nhưng lấy làm tiếc không có Tỳ kheo an cư. Họ phát nguyện, và yêu cầu hai vị Tỳ kheo thường trú ở đấy thỉnh các Tỳ kheo khác về đây an cư, họ sẽ cung cấp tất cả nhu dụng hàng ngày. Sau khi để lại một số phẩm vật cần thiết đủ cho 60 Tỳ kheo an cư trong ba tháng, họ tiếp tục hành trình buôn bán. Hai Tỳ kheo tại đây, một người ở lại giữ chùa, một người đi đến tinh xá Kỳ Hoàn để thỉnh Tỳ kheo về an cư. Họ thỉnh được nhóm sáu Tỳ kheo, cùng với các đệ tử của các vị này, cộng chung là 60. Vào những ngày đầu an cư, các Tỳ kheo này xử phân và thọ dụng tất cả những gì các thương gia để lại. Chẳng đầy một tháng, mọi thứ nhu yếu hàng ngày, gồm cả thực phẩm, đều hết nhẵn. Do vậy, họ từ bỏ chỗ này để đi đến trú xứ khác tiếp tục an cư. Chưa đầy ba tháng, thương đoàn kia trở lại trú xứ cũ, họ ngạc nhiên khi không thấy có các Tỳ kheo an cư. Sau khi hỏi hai Tỳ kheo cố cựu ở đây, họ hay biết sự việc, bèn than phiền là các Tỳ kheo thọ dụng vô độ, khiến họ mất niềm tin. Phật hay biết sự việc này. Ngài chế định rằng trong thời hạ an cư, các Tỳ kheo không được phép phân xử các vật dụng được cúng vì mục đích an cư.
Bấy giờ, tại một khu gia binh trong thành Xá Vệ, các bà vợ của binh sĩ thuộc đoàn quân của tướng quân Thiện Kiếm, lợi dụng chồng xuất chinh xa, ở nhà làm việc tư thông. Từ chiến trận trở về, các binh sĩ này hay biết sự việc, bèn đánh đập vợ. Các bà kêu khóc om sòm, làm náo động tinh xá của các Tỳ kheo ni ở gần đó. Ni sư trưởng của tinh xá này là Tỳ kheo ni Pháp Dự. Cô nghĩ cách khuyến hóa các bà vợ này. Pháp Dự được Phật tán thán là người thuyết pháp đệ nhất trong hàng Tỳ kheo ni. Bằng khả năng thuyết giáo khéo léo, chẳng bao lâu cô đã giáo dục các bà vợ binh sĩ này trở thành những người vợ đảm đang, trinh chính. Lần này, sau khi các binh sĩ từ chiến trận trở về, thấy gia đình êm ái, vợ con sống có nề nếp, không còn những chuyện tư thông như trước. Họ ngạc nhiên, và được các bà kể cho biết, đấy là do sự giáo hóa của Thánh giả Pháp Dự. Do vậy, các binh sĩ này sanh tâm tín ngưỡng Tam bảo, và họ cũng bỏ luôn cái thói rượu chè, cờ bạc. Từ đấy, binh đoàn này trở thành đạo quân mạnh nhất trong các đạo quân của vua Ba Tư Nặc. Nhân một lần xuất cinh, họ đã chiến thắng quân phản nghịch mà trước đó các đạo quân khác phải thất bại. Vì vậy, lần sau, phản nghịch dấy lên tại nơi khác, vua Ba Tư Nặc cũng sai đạo quân này đi chinh phạt. Đạo quân này, từ vị thống soái cho đến binh sĩ thảy đều là Phật tử. Họ thảo luận với nhau rằng, họ vốn là Phật tử, không hề có tâm tư sát hại, lần trước chiến thắng chẳng qua là do sự may mắn, chứ không phải do tinh thần hiếu chiến. Lần này, với lệnh vua thì không thể từ nan, nhưng thắng bại biết đâu mà lường trước. Họ muốn cúng dường các Tỳ kheo đang kiết hạ an cư, trước khi đi vào chỗ sống chết bất định. Họ sắm sửa y an cư để cúng dường các Tỳ kheo. Nhưng các Tỳ kheo nói, Phật chế, Tỳ kheo không được phân xử y an cư trong mùa an cư, nên họ không dám thọ nhận. Nhân dó, Phật tùy kai, trong trường hợp cấp thiết như vậy, các Tỳ kheo được phép thọ nhận y an cư. Các Tỳ kheo này, sau khi thọ nhận, bèn để cất một chỗ, rồi quên luôn. Sau ngày tự tứ, họ tìm lại, thì bị mối mọt đục khoét hết. Nhân đây, Phật khiến các Tỳ kheo tác pháp yết ma sai người chưởng y. Tỳ kheo này sẽ vì Tăng cất giữ y, cho đến khi tự tứ xong sẽ mang y ra trước Tăng mà phân chia. Sau cùng, Ngài kết chế điều luật này.
ĐIỀU 29. A lan nhã ly y.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, hạ ba tháng đã hết, một tháng hậu ca đề đã mãn, sống tại a lan nhã, chỗ đáng nghi ngờ, có sự khủng bố, Tỳ kheo sống tại chỗ như vậy trong ba y, nếu muốn, có thể lưu một y gởi trong nhà dân. Các Tỳ kheo có nhân duyên, lìa y cách đêm cho đến sáu đêm, nếu quá, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ A lan nhã ly y: Trường hợp ly y của Tỳ kheo sống tại a lan nhã. Trong điều 2, Tỳ kheo không được lìa y ngủ cách đêm chỗ khác. Trong điều 2 ấy có một sự tùy khai: nếu Tỳ kheo có duyên sự, được Tăng yết ma cho phép, có thể lìa y một tháng. Điều 29 này, xét bản chất, cũng là một trường hợp tùy khai đặc biệt của điều 2, dành cho Tỳ kheo sống tại a lan nhã, nhưng chỉ giới hạn trong sáu đêm.
Về trú xứ a lan nhã, theo giải thích nhất trí của các bộ liên hệ điều luật này, phải cách thôn xóm 500 cung, tức một câu lô xá.
+ Hạ ba tháng đã hết, một tháng hậu ca đề đã mãn: Văn Hán của Tứ phần nói: hạ tam nguyệt cánh, hậu ca đề nhất nguyệt mãn. Không có giải thích rõ rệt của chính Tứ phần về ý nghĩa của câu văn này. Đối chiếu các bộ khác, thì hạ tam nguyệt cánh ở dây chỉ cho ba tháng đầu của mùa hạ, là thời kỳ của tiền an cư. Hậu ca đề là tháng thứ tư của mùa hạ. Tháng thứ ba của mùa hạ, khi nguyệt cung đi vào chòm sao Song mã (Hán âm: A thấp phược dữu xà), gọi là tháng Song mã, nhưng đồng thời cũng được gọi là tháng tiền ca đề. Tháng thứ tư tiếp theo, khi nguyệt cung đi vào chòm sao Ca đề nên gọi là tháng Ca đề. Nhưng vì tháng trước gọi là tiền ca đề nên tháng này gọi là hậu ca đề. Theo như điều đã quy định trong điều 2 ở trên, với Tỳ kheo tiền an cư, nếu không thọ ca thi na, thì trọn một tháng ca đề được phép tự do lìa y cách đêm mà không cần duyên sự đặc biệt nào, chứ không phải chỉ có sáu đêm. Nhưng nếu có thọ ca thi na, thì thời gian tự do lìa y kéo dài suốt 5 tháng, tức 1 tháng ca đề cộng thêm 4 tháng mùa đông. Như vậy, mặc dù không có giải thích rõ rệt của Tứ phần, sự quy định thời gian của câu văn này nên hiểu chính xác là chỉ áp dụng cho Tỳ kheo hậu an cư tại a lan nhã trong các hoàn cảnh đặc biệt. Vì các Tỳ kheo hậu an cư cho hết thán ca đề mới mãn, và họ cũng không được thọ ca thi na, do đó không thể lìa y như quy định trong điều 2.
Theo tường thuật duyên khởi của các bộ, tháng ca đề thường có bọn cướp hoành hành tại các khu rừng hẻo lánh. Ngũ phần 5 gọi bọn cướp này là Ca đề tặc, và cũng cho biết rõ rằng, thực sự chúng không phải là bọn cướp chuyên nghiệp, mà là những tín đồ của thần Ca Đề, tức thần chinh phạt. Mục đích của chúng là giết người để lấy máu tế thần Ca Đề trong tháng ca đề. Theo thiên văn Ấn, Ca đề là chòm sao có 6 ngôi sao được thần thoại cho là 6 vú nuôi của thần Ca Đề. Với tín ngưỡng của bộ tộc Miệt Lê Xa, Ca Đề cũng là vị thần ngự trị bọn cướp. Trong tháng ca đề, tín đồ của tà giáo này có một nghĩa vụ tôn giáo, gọi là ca đề nguyện. Như Ngũ phần cho biết, nghĩa vụ này là hiến tế máu cho thần Ca Đề.
Trong các bộ, chỉ riêng Ngũ phần nhắc đề ca đề tặc như là bọn cướp tôn giáo. Các bộ khác hoàn toàn không có ý nghĩa này, mà chỉ coi đó là bọn cướp chuyên nghiệp. Các bộ này cho rằng sở dĩ chúng được gọi là Ca đề tặc, vì chúng hoạt động trong tháng ca đề, mà đối tượng cướp bóc của chúng là các Tỳ kheo. Bởi chúng biết rằng đấy là tháng mà Tỳ kheo thọ lãnh nhiều phẩm vật cúng dường của cư sĩ sau thời gian an cư.
Có lẽ ý nghĩa xưa nhất của ca đề tặc, đúng như giải thích của Ngũ phần, không phải là bọn cướp chuyên nghiệp, nhưng hành vi giết người lấy máu để tế thần của chúng khiến thiên hạ coi cúng như là bọn cướp. Hoặc giả, sau khi sát hại người để lấy máu, tiện tay chúng tước đoạt luôn các vật sở hữu của nạn nhân nên được gọi là bọn cướp. Vì một lý do nào đó, hoặc vì thất truyền, các bộ khác đã giải thích ca đề tặc không theo ý nghĩa xưa nhất của nó như Ngũ phần.
Tổng quát mà nói, đoạn văn này minh định thời gian áp dụng điều luật 29. Ở đây, cần nêu một vấn đề: thời gian này chỉ giới hạn trong phạm vi tháng ca đề, hay áp dụng cho suốt ba tháng hậu an cư, hoặc kể từ sau tháng ca đề trở đi?
Nếu theo Tứ phần, thời gian áp dụng điều luật này cho các Tỳ kheo hậu an cư tại a lan nhã là kể từ sau tháng hậu ca đề trở đi. Tứ phần không cung cấp chi tiết giải thích nào rõ ràng, ngoài việc tường thuật rất đơn giản như điều được nói trong chánh văn chế giới: sau tháng ca đề, các Tỳ kheo sống tại a lan nhã bị bọn cướp tước đoạt các vật dụng như y, kim, ống đựng kim v.v…
Nếu thời gian áp dụng vừa nói trên mà đúng theo nguyên bản Tứ phần, thì quan điểm này cũng phù hợp với tường thuật của Căn bản tỳ nại da 24. Theo đây, các Tỳ kheo hậu an cư tại trú xứ a lan nhã, sau khi mãn hạ, và phân chia y vật an cư xong, một số chưa rời trú xứ, bị bọn cướp đến tước đoạt. Nhưng nếu cho rằng thời gian áp dụng kể từ sau tháng ca đề trở đi, thì áp dụng cho đến tháng nào mới hết? Đây là điểm không thấy minh định rõ ràng trong cả hai bộ vừa dẫn. Vả lại, trong tường thuật của Căn bản, bọn cướp này được gọi là Ca lật để ca tặc, cũng là cách gọi khác của ca đề tặc. Gọi ca đề tặc, vì chúng hoạt động trong tháng ca đề; nhưng đây tháng ca đề đã mãn, như vậy, hoạt động của chúng không thể nói là trong tháng ca đề để gọi là ca đề tặc hay ca lật để ca tặc.
Với Ngũ phần 5, theo sự tường thuật về bọn tín đồ Ca đề, thì nhất định bọn chúng không hoạt động ngoài tháng ca đề, vì ca đề nguyện cũng như ca đề tế của chúng chỉ giới hạn trong tháng ca đề mà thôi. Như vậy, theo đây, thời gian áp dụng điều luật này chỉ giới hạn trong tháng ca đề. Chánh văn chế giới của Ngũ phần nói: an cư tam nguyệt, vị mãn bát nguyệt, và sau đó được chính luật này giải thích: an cư tam nguyệt, chỉ thời gian (ba tháng hạ) của tiền an cư; vị mãn bát nguyệt, chỉ thời gian của hậu an cư. Tuy nhiên, vị mãn bát nguyệt: chưa mãn tháng 8, cần phải đảo lại là bát nguyệt vị mãn để có ý nghĩa chính xác là “trăng tháng 8 chưa đầy”, tức chưa đến ngày trăng tròn của tháng ca đề. Ngày đó là ngày ca đề tế. Có lẽ sau ngày này, bọn cướp thôi không hoạt động nữa, vì nghĩa vụ tôn giáo của chúng đến đây là hết thời gian tính. Với giải thích như vậy, đoạn văn chế giới của Ngũ phần dẫn trên có thể diễn rộng ra rằng: mặc dù ba tháng đầu mùa hạ đã qua, nhưng các Tỳ kheo hậu an cư chưa mãn hạn vì chưa đến ngày trăng tròn của tháng ca đề; cho nên còn một tháng nữa mới mãn. Tháng còn lại đó, Tỳ kheo hậu an cư tại a lan nhã được lìa y theo điều kiện của điều luật 29 này.
Thập tụng 8, chánh văn chế giới nói: “đã qua ba tháng (mùa hạ), chưa đến tháng 8, chưa hết năm”, và sau đó giải thích: đã qua ba tháng, chỉ mùa hạ có bốn tháng, tuy đã qua ba tháng, nhưng người hậu an cư vẫn chưa hết hạn kỳ, cho nên nói là chưa mãn tháng 8. Ở đây, văn Hán nói: vị mãn bát nguyệt, nên đảo lại là bát nguyệt vị mãn, trăng tháng 8 chưa tròn. Vả, trong tường thuật của Thập tụng 8 cũng chỉ kể trưởng lão Tỳ La bị trộm mất tăng già lê, nhưng không nói mất trộm trong tháng nào; lại cũng không đề cập đến bọn cướp nào cả, và hoàn toàn không thấy nhắc đến tên Ca đề tặc. Tuy vậy, Thập tụng cũng xác định rõ rằng điều luật này chỉ áp dụng cho các Tỳ kheo hậu an cư tại a lan nhã. Tỳ kheo tiền và hậu an cư có hai tháng chung. Nhưng điều luật chỉ áp dụng cho Tỳ kheo hậu an cư, vậy hai tháng chung ấy không được kể trên. Thế thì, thời áp dụng là tháng ca đề, vì tháng này chỉ còn người hậu an cư là còn tọa hạ.
Trong Tăng kỳ 11, chánh văn nói: hạ tam nguyệt vị mãn, và giải thích: ba tháng an cư, là tứ 16/4 đến 15/7; chưa mãn, là chưa đến 15/8. Trong đó, điều luật này như vậy cũng được xác định là áp dụng cho người hậu an cư tại a lan nhã. Nhưng trong tường thuật, bộ này đưa ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, các Tỳ kheo hạ an cư tại a lan nhã bị bọn chăn bò trộm y vật. Thứ hai, trong thời gian đang hạ an cư, tôn giả Ưu Ba Ly được Phật khiến đi hòa giải một vụ tranh chấp của Tăng an cư tại trú xứ cách đó 2 ngày đường. Dù vậy, trong cả hai nguyên nhân, Tăng kỳ không nói xảy ra tháng nào của hạ an cư, cũng không nói rõ là tiền hay hậu an cư.
Chánh văn chế giới của Căn bản nói khác hẳn các bộ khác, về đoạn này: nhược phục bí sô tại a lan nhã xứ trú tắc hậu an cư, trường hợp Tỳ kheo sống tại chỗ a lan nhã kết hậu an cư. Theo đó, điều luật cũng áp dụng cho người hậu an cư tại a lan nhã như các bộ khác, nhưng ở đây hoàn toàn không một ám chỉ nào cho tháng ca đề. Vậy phải chăng thời gian được áp dụng ở đây là suốt cả ba tháng hậu an cư? Theo văn nghĩa của chánh văn chế giới thì có thể là như vậy. Nhưng nếu theo tường thuật duyên khởi như đã dẫn trên, thì thời gian phải là kể từ sau tháng ca đề.
Qua các dẫn chứng trên, ngoại trừ Căn bản, có thể nói, chánh văn của điều luật này, trong nguyên bản Phạn, gần như nhất trí; nhưng do sự hiểu biết riêng biệt của các dịch giả, khiến có vẻ như chúng không nhất trí nhau.
Còn về tường thuật duyên khởi, rõ ràng các bộ khác nhau rất nhiều. Điều này có thể cho thấy rằng bản ý nguyên thủy của điều luật này không được truyền thừa nhất trí giữa các bộ phái. Nếu xác nhận tường thuật của Ngũ phần là xưa nhất, nếu không muốn nói là nguyên thủy, thì duyên khởi của điều luật này liên hệ đến hoạt động của những tín đồ thờ thần Ca Đề. Hoặc do yếu tố lịch sử, hoặc do yếu tố địa phương, các bộ khác không hay biết gì về tập quán sinh hoạt của nhóm tín đồ này, do đó không có nhận thức chính xác về ca đề tặc như Ngũ phần, khiến họ sáng tác tường thuật riêng cho phù hợp với giải thích riêng biệt của mình.
Nói tóm, trước khi có đủ tài liệu để hiểu biết rõ thêm về bọn ca đề tặc, ở đây tạm thời kết luận rằng, thời gian áp dụng cho điều luật này là chỉ giới hạn trong phạm vi tháng ca đề.
+ Chỗ đáng nghi ngờ:chỗ có dấu hiệu đáng nghi ngờ là có sự hoạt động của bọn cướp trộm, hoặc đáng nghi là có thể bị mất y.
+ Có sự khủng bố: chỗ nằm trong phạm vi hoạt động của bọn cướp của giết người, đe dọa sinh mạng.
+ Gởi trong nhà dân: gởi y trong thôn xóm. Cương giới của thôn xóm và a lan nhã khác biệt; sự khác biệt này là yếu tố xác định sự lìa y và mất y của Tỳ kheo. Về ý nghĩa lìa y và mất, xem giải thích trong điều 2 ở trên.
+ Có nhân duyên: nghĩa là sự lìa y có mục đích chánh đáng. Mục đích này, theo nghĩa hẹp, là để đề phòng tai nạn nên cần phải lìa y. Theo nghĩa rộng, như Tăng kỳ 11 xác định, vì cần đi gấp để hòa giải một vụ tranh chấp của Tăng, nếu mang đủ cả ba y sẽ nặng nề, có thể khiến trễ nãi công việc. Rộng hơn nữa, là các duyên sự Tam bảo. Câu văn này, Căn bản và Thập tụng nói: Tỳ kheo có duyên sự khẩn cấp và chính đáng, có thể ra khỏi giới cách đêm mà không cần phải mang đủ ba y. Chánh văn của Ngũ phần cũng nói như Thập tụng và Căn bản. Như vậy có nghĩa là, trong trường hợp khẩn cấp, như khi bọn cướp ca đề xuất hiện, Tỳ kheo có thể bỏ xuất giới lánh đi chỗ khác, không cần phải mang đủ cả ba y cho nặng nề.
+ Lìa y cách đêm cho đến sáu đêm: đây là điểm then chốt của vấn đề. Tại sao chỉ sáu đêm, không nhiều hay ít hơn? Trừ Ngũ phần và Tăng kỳ, không có bộ nào giải thích rõ, tường thuật của Ngũ phần về bọn cướp ca đề có thể cung cấp một dấu hiệu quan trọng, mặc dù hiện chưa có đủ tài liệu để hiểu thêm nhiều về bọn cướp ca đề. Nhưng, theo thần thoại, như đã nói, thần Ca Đề có sáu vú nuôi, tức sáu ngôi sao của chòm sao Ca đề. Như vậy, khi lấy máu người để tế thần Ca Đề, để biểu hiện đủ sáu bà vú, chúng cần máu của sáu người, hoặc thời săn máu người của chúng chỉ được phép kéo dài trong sáu ngày. Khi thấy dấu hiệu xuất hiện của chúng, Tỳ kheo có thể ra ngoài giới, để lại một trong ba y cho nhẹ, vì bấy giờ là tháng mưa nhiều. Sau sáu ngày, hoặc giả thời hạn săn máu của chúng đã hết, hoặc giả không thể đợi quá sáu ngày, Tỳ kheo có thể trở về trú xứ an toàn.
Còn theo tường thuật của Tăng kỳ, sáu ngày là thời gian đủ đi và về giữa hai trú xứ cách nhau hai ngày đường, và thêm hai ngày ở lại đủ để giải quyết tranh chấp. Nếu vụ tranh chấp trầm trọng, sáu ngày không đủ giải quyết, nhưng vì là tháng mưa nhiều nên khó mà mang đủ cả ba y, vậy muốn lìa y cần phải có Tăng yết ma cho phép một tháng. Trong trường hợp này, áp dụng điều luật 2.
2. PHẠM TƯỚNG:
Ở đây, lìa y sáu đêm không đợi Tăng yết ma. Nhưng các yếu tố căn bản để được lìa y sáu đêm ở đây gồm có:
1) Tỳ kheo hậu an cư.
2) Trú xứ hậu an cư là a lan nhã.
3) Thời gian lìa y chỉ giới hạn trong tháng ca đề.
Trái lại, thiếu một trong ba yếu tố này, lìa y một đêm là phạm xả, như đã nói rõ trong điều 2.
Dù hội đủ ba yếu tố trên, nhưng nếu lìa quá sáu đêm, đến ngày thứ bảy, khi minh tướng xuất hiện, phạm xả.
Như đã nói, điều luật này chỉ là trường hợp tùy khai của điều 2, do đó, các hình thái trì phạm liên hệ cần được tham chiếu với điều 2 ở trên.
3. DUYÊN KHỞI:
Các nguyên nhân đưa đến việc Phật quy định điều luật này đều đã được dẫn chứng để phân tích các ý nghĩa của chánh văn trong đoạn thích nghĩa trên, ở đây không cần thiết phải nhắc lại.
ĐIỀU 30. Hồi Tăng vật.
A. CHÁNH VĂN:
Tỳ kheo nào, biết đó là Tăng vật mà tự xoay về cho mình, ni tát kỳ ba dật đề.
B. LƯỢC GIẢI:
1. THÍCH NGHĨA:
+ Hồi Tăng vật, tiêu đề nếu nói đủ theo Căn bản tỳ nại da là: hồi chúng vật nhập kỷ, xoay Tăng vật về mình. Vật mà thí chủ có ý định dâng cúng cho Tăng, Tỳ kheo tìm cách xoay xở, hoặc thuyết phục, hoặc gây áp lực, hoặc bằng bất cứ phương tiện nào, để vật ấy được tặng biếu cho riêng mình. Đây là trường hợp chuyển của công làm của riêng. Nhưng Tăng vật ở đây, thứ mới được thí chủ dự định cúng cho Tăng, hoặc đã báo cho Tăng biết, nhưng Tăng chưa nhận. Nếu Tăng đã nhận, vật ấy thuộc sở hữu của Tăng, chứ không còn tùy thuộc ý định của thí chủ nữa; với Tăng vật như vậy mà tìm cách biến thành của riêng mình, thì hành vi ấy không thuộc phạm vi của điều luật này.
2. PHẠM TƯỚNG:
Vật đang thuộc sở hữu của thí chủ; vật ấy được thí chủ có ý định cúng cho Tăng, dù đã thông báo hay chưa thông báo; Tỳ kheo biết rõ thí chủ sẽ cúng vật ấy cho Tăng mà tự tìm cách khiến thí chủ cúng riêng cho mình, như thế là đủ yếu tố để thành phạm xả của điều luật này.
Nếu không xoay về cho mình, nhưng xoay về cho đối tượng khác: đột kiết la. Đối tượng khác, nghĩa là, trước tiên bản ý của thí chủ là dâng tặng cho đối tượng này, nhưng vì lý do nào đó, Tỳ kheo khiến cho thí chủ chuyển hướng tặng cho đối tượng khác.
3. DUYÊN KHỞI:
Tường thuật của các bộ đại khái giống nhau, và cũng không có gì đặc biệt, ngoài sự kiện cụ thể hóa các yếu tố thành phạm xả của chánh văn.
III. KẾT VĂN:
Chư Đại đức, tôi đã tụng xong ba mươi pháp ni tát kỳ ba dật đề.
Nay hỏi các Đại đức, trong đây có thanh tịnh không?
Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
--- o0o ---
Source:www.phatviet.net
Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường