Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Dứt bỏ ảo tình

09/03/201108:46(Xem: 4567)
25. Dứt bỏ ảo tình

TRUYỆN TÍCH VU LAN PHẬT GIÁO
Minh Châu sưu tầm, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Dứt bỏ ảo tình

Từ khi Phật Thích-ca Mâu-ni đến thành Xá-vệ thuyết pháp, giáo hóa đại chúng thì nhân dân toàn thành này trở nên có đạo đức, có lễ độ, lại biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho nước Xá-vệ biến thành một xứ an lạc.

Tin này truyền đi gần xa, có một số người khác đạo ở nước La-kiệt-kỳ rất khâm phục đức Phật, liền không quản đường xa, cố tìm đến nước Xá-vệ để cầu Phật dạy bảo. Nhưng trong khi chưa gặp được đức Phật thì bỗng xảy ra một chuyện rất trái ý ở giữa đường.

Số là nước Xá-vệ ở vào xứ nóng, thường có nhiều rắn độc, một khi rắn đã cắn phải người thì người ấy tức khắc chết ngay, không có cách nào cứu sống được.

Hôm đó, một người khách xa vừa tới ngoài thành, ngồi nghỉ dưới bóng cổ thụ, nhìn bên đường thấy có hai người, một già một trẻ đang cuốc đất. Bỗng đâu có con rắn độc núp trong cỏ phóng ra mổ chết người trẻ tuổi, người già bỏ cuốc chạy lại. Thấy người trẻ tuổi đã tắt thở thì hơi lộ nét buồn rồi thản nhiên quay lại chỗ cũ cuốc đất.

Người khách xa thấy thái độ ấy làm lạ, liền tiến lại bên cạnh ông già mà hỏi rằng:

– Này cụ! Thanh niên vừa chết kia có là con cháu hay là gia nhân cụ?

Ông già đáp cách tự nhiên:

– Nó là con tôi.

– Ủa, lệnh lang bị rắn cắn chết sao cụ lại không kêu gào khóc lóc thảm thiết như người xứ chúng tôi thường làm?

– Nó là con trai tôi thật, nhưng bây giờ đã chết rồi. Thiết tưởng dù có khóc than chỉ là thêm phiền não mà cũng chẳng cứu sống lại được. Vậy khóc than có ích lợi gì?

Trầm ngâm một lúc, ông lão nói tiếp:

– Ông ạ! Con người ở đời trước sau thế nào cũng chết, khác nào như mọi sự vật, có thành tựu thời phải có hoại không, đó là hiện tượng tự nhiên của tuần hoàn, nếu lúc sống gây nhiều nhân thiện thì sau có báo ứng tốt, nhược bằng gây nhiều nhân ác thì có ác báo không sai. Còn nay đã chết rồi, thì dù gì chăng nữa cũng là thừa.

Ông già nói xong thấy khách thừ người ra suy nghĩ liền hỏi:

– Phải chăng ông định vào thành? Tôi muốn cảm phiền nhờ ông giúp cho một việc, phỏng có được không?

– Có việc gì xin cụ cứ nói!

– Thế thì hay lắm! Này, nhà tôi ở ngay cổng thành đi vào, rẽ sang bên phải bỏ gian đầu đến gian thứ hai ấy là nhà tôi. Vậy xin ông khi đi qua đó, ghé vào nói giúp với bà nhà tôi rằng đứa con đã chết, vậy trưa nay chỉ đem một xuất cơm cho tôi ăn mà thôi.

Người khách nghe ông già dặn thì sửng cả người, vừa đi vừa tự nghĩ: “Ông già này keo kiệt quá, con trai đã chết mà còn đếm xỉa đến cả bữa cơm. Thật cả thế gian này cũng không đâu có người cha như thế!” Kịp khi qua cửa thành, rẽ sang bên phải, đến gian nhà thứ hai, quả nhiên thấy một bà cụ đứng ở ngoài cửa. Người khách liền chào và nói:

– Thưa bà, con trai bà bị rắn cắn chết, ông có nhắn tôi về bảo bà chỉ cần đem một suất cơm cho ông thôi.

Bà nghe khách nói xong thì tỏ vẻ buồn rầu thoáng qua nét mặt rồi trân trọng cảm tạ khách. Người khách lấy làm lạ lùng hết sức và tự hỏi: “Tại sao bà nghe tin con chết mà không kinh hoảng chút nào?” Không kiềm được sự tò mò, liền hỏi luôn:

– Này bà, xin thứ lỗi cho tôi hỏi câu đường đột: Bà không thương xót lệnh lang hay sao?

Bà lão thong thả đáp:

– Thưa ông! Cái đạo con cái với cha mẹ là tự túc nhân nghiệp báo nên mới có sự thác sinh vào nhà chứ không phải là do cha mẹ mời vào mà được. Đến khi chết cũng là do mãn nhân, mãn nghiệp mà đi, nên cũng không thể lưu lại được. Cha mẹ khác nào như người chủ quán trọ, chiều nay có khách lại nghỉ, sáng mai hay ngày kia khách lại ra đi, chủ quán không thể lưu lại. Ấy sự liên quan giữa cha mẹ và con cái cũng như thế. Vậy thì có thương tiếc hay kêu gào khóc lóc liệu có thể cứu sống lại được người đã chết không? Hay chỉ là gây thêm phiền não mà chẳng có ích gì?

Nghe câu trả lời của bà cụ, người khách rất hoang mang cho rằng vợ chồng ông già này quả thật xứng đôi vừa lứa. Cả hai đều có một tấm lòng sắt đá giống nhau. Giữa lúc này, từ phía trong nhà, một người con gái đi ra, bà lão giới thiệu là chị gái của người vừa chết. Khách liền hỏi ngay:

– Em trai cô vừa bị rắn cắn chết, chắc cô thương xót lắm nhỉ?

– Thương xót là lẽ thường, nhưng thương xót có thể cứu em tôi sống lại được chăng? Tôi tưởng: Chị em một nhà, khác nào như các cây gỗ ở rừng hạ xuống đóng thành cái bè rồi thả vào nước cho trôi. Nếu sông hồ phẳng lặng thì bè trôi mãi, bằng có cơn phong ba bão táp nổi lên đánh tan chiếc bè thì mỗi cây trôi đi mỗi ngả, có bao giờ còn hy vọng lắp lại liền với nhau? Tình chị em cũng thế. Đó là nhân duyên kiếp trước hợp rồi sinh vào một cửa. Tuổi thọ cũng tùy nghiệp báo, có người ngắn có người dài, và ngày chết cũng là vô thường, không sao biết trước được. Nay em tôi chết, mặc dù tôi là chị nó, nhưng có làm gì được đâu? Huống chi là khóc với lóc, có phải không ông?

Người này đang nói, bỗng ở đằng sau, thấy một người đàn bà nữa tiến ra, khi nghe cô chị nói xong thì kêu lên:

– Thế ra chồng tôi đã chết rồi sao?

– Đúng đấy! Chồng bà đã bị rắn cắn chết ở ngoài đồng. Vậy bà đau buồn lắm thì phải?

– Thưa ông! Chồng chết thì ai không đau buồn. Nhưng cái đạo vợ chồng ở đời khác nào như đôi chim trong rừng, tối đến cùng ngủ một cành, sáng ngày lại bay đi kiếm ăn, nếu có duyên thì trở về cùng nhau, nhược bằng gặp tai họa thì mỗi con bay đi một ngả. Ấy nghĩa vợ chồng ở đời là thế, mỗi người có một nghiệp lực riêng, không làm sao mà nói được rằng: Chồng chết thay cho vợ, hay vợ chết thay cho chồng. Như thế khóc lóc phỏng có ích gì?

Người khách nghe lời mọi người trong gia đình này nói ra thì lòng sanh hoài nghi cho thế tục nhân tâm ở xứ này, liền hối hận đã mất công tìm đến xứ này để học cái hay cái tốt của đức Phật giáo hóa dân chúng; nào ngờ dân chúng như thế hỏi còn học được cái gì ở đây? Chi bằng lui gót trở về quê hương xứ sở là hơn. Nhưng hồi lâu lại nghĩ: “Nay ta chưa được gặp đức Phật đã nóng nảy phê bình một vài thái độ của người dân, rồi vội vã quay về, như thế là hành động nông nổi chưa chín chắn, chắc sau này có điều phải ân hận. Vậy ta phải đến thẳng tinh xá tại Kỳ Viên để gặp đức Phật rồi sẽ hay. Nghĩ rồi, người khách đi thẳng đến tinh xá và được vào ra mắt Phật.

Khi nhìn thấy Phật, khách khoanh tay cúi đầu thi lễ, đoạn lui sang ngồi một bên, lặng yên không nói gì. Đức Phật hiểu thấu những suy nghĩ trong lòng ông ta, nhưng cũng cất tiếng từ bi hỏi:

– Tại sao ông nay lại có dáng vẻ buồn rầu như thế?

Người khách đáp:

– Bạch Thế Tôn, nhân vì con hy vọng một việc mà chưa được như ý nên trong lòng con không được vui.

– Có việc gì trái với bản tâm thì nên nói ra, không nên để trong lòng phải ưu sầu, không giải quyết được việc gì hết!

Lúc đó người khách mới thuật hết đầu đuôi câu chuyện đã gặp ở ngoài thành. Cuối cùng, khách phê bình thái độ của gia đình nông dân ấy là trái với tình đời.

Đức Phật nghe xong mỉm cười, dạy rằng:

– Điều mà viễn khách cho rằng trái với tình đời là thuộc về nhân tính. Còn chân lý thì không những không theo nhân tính mà còn phải dẹp bỏ nhân tính cho đến hết. Đó mới thực là điều khẩn yếu của kẻ tu hành xuất gia.

Dừng một chút, rồi ngài nói tiếp:

– Vì ông chưa hiểu được chân lý, nên thấy gia đình nhà nông kia hành động như thế thì vội cho là trái tình đời. Nhưng đứng về mặt chân lý mà xét, thì những người ấy quả nhiên là không có hành động lỗi lầm, vì họ biết rõ thế nào là cuộc đời vô thường, nghĩa là con người đời không thể nào nắm giữ vĩnh viễn được cái sắc thân làm sinh mạng của mình. Hãy xem từ xưa tới nay, dù là phàm hay thánh cũng không ai có thể tránh được cái chết.

Nếu vì một cái chết mà cả nhà theo nhau khóc lóc đến phát đau, phát ốm thì sự khóc lóc ấy hỏi có ích lợi gì cho cả người sống lẫn người chết? Vả chăng, con người ngay từ lúc sơ sinh đã nắm chắc lấy cái chết trong tay rồi. Nay thấy sự chết mà phiền não trong lòng thì rõ là mê hoặc, chưa hiểu được lẽ sống chết. Nên biết rằng sống và chết là hai đầu mối luôn luôn tiếp diễn và luân chuyển không lúc nào ngừng. Khi biết rõ được như thế là đã giải thoát rồi.

Người khách nghe đức Phật giảng giải thì lòng bỗng nhiên tỉnh ngộ. Liền nguyện ở lại làm đệ tử Phật và qui y Phật pháp tức thì. Người khách này về sau trở nên một vị tỳ-kheo rất tinh tiến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4660)
Không ai sinh ra đời lại không có mẹ có cha, nhưng trên thực tế cũng có một số ít người bất hạnh vẫn chưa một lần gặp cha thấy mẹ, có thể vì chiến tranh cha mẹ mất sớm, hay một lý do thương tâm nào khác. Nhưng dù gì đi nữa, không một người mẹ người cha nào lại không thương con. Tình cảm đó như thế nào, tôi nghĩ ai đã làm mẹ làm cha hiểu nhiều hơn bất cứ ai hết. Dù chúng ta có thể là kẻ bất hạnh, nhưng ý niệm đẹp về mẹ về cha vẫn còn thì chúng ta vẫn còn mẹ và cha, vẫn hân hạnh được làm người con có hiếu.
10/04/2013(Xem: 2950)
Mẹ Việt Nam Năm ngàn năm tổ quốc oai hùng Năm ngàn năm lịch sử huy hoàng Để muôn đời là núi là sông
10/04/2013(Xem: 9496)
Chỉ có một vài trang tài liệu trong Thư tịch Phật giáo Thái Lan (PGTL) nói về Phật giáo Việt Nam (PGVN), tuy nhiên với sự động viên của chư tôn đức và nhu cầu tìm hiểu về PGVN tại hải ngoại, chúng tôi bước đầu giới thiệu vài nét về những ngôi chùa thuộc Phật giáo Việt Nam hay còn gọi là Việt tông (Annamnikaya) tại xứ sở này.
10/04/2013(Xem: 5956)
Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn các con vật thì biết: gần gủi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo như con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản: khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực, thậm chí còn cắn đuổi con đực không cho lại gần.
09/04/2013(Xem: 2726)
Trước thời kỳ Phật giáo Tranh đấu cho quyền Tự do và Bình đẳng Tôn giáo năm 1963, tại Huế, có một danh xưng truyền thống phổ biến mà người bình dân cũng như hàng quý tộc Phật tử xứ này luôn dùng xưng hô với quý Thầy cao niên hàng danh tăng, đạo hạnh, đó là tiếng “Ôn”. Trong ngữ âm tiếng Huế, từ “Ôn” được phát âm một cách khiêm cung, trìu mến, trang trọng bằng âm hưởng “ôôn” nằm lưng chừng giữa ngữ âm cuối “ôn” trong tiếng Bắc và “ông” trong tiếng Việt phổ thông.
08/04/2013(Xem: 49487)
Mỗi thế hệ thi ca đều xuất hiện những tâm hồn đặc biệt của các nhà thơ qua từng thế hệ. Phần nhiều, tâm hồn xuất phát từ cảm tính của thi nhân qua mọi sinh hoạt của xã hội. Tập thơ Hoa Song Đường của nhà thơ Mặc Giang vượt ra ngoài cái vòng tâm tư hiện hữu xưa nay, nó mang tính chất triết lí nhân sinh, chứa chất mọi quy luật sinh tồn mà con người và vũ trụ cố gắng tranh đấu để bảo tồn lẽ sống cùng với vạn hữu.
08/04/2013(Xem: 4379)
Đức Phật có nhiều danh xưng khác nhau như Như lai, Thiện thệ, Chánh đẳng giác, Thế tôn, Đạo sư, bậc Nhất thiết trí, bậc Nhất thiết kiến, bậc Toàn giác, v.v... Bậc Nhất thiết trí là danh xưng của chư Phật không phải là danh xưng của đức Phật Thích Ca.
08/04/2013(Xem: 18232)
Việc tự tứ và trai tăng trong ngày Vu lan, và qua đó mà báo hiếu cha mẹ, thì không cần phải nói đến nữa. Điều đáng nói là các chùa nên tổ chức hiệp kỵ cho Phật tử trong ngày Vu lan, sau khi tự tứ và trai tăng. Ngày nay kỵ giỗ của mỗi nhà cũng không thể còn như xưa
08/04/2013(Xem: 11950)
Con vẫn luôn nhớ lời Mẹ kể, lúc con còn bập bẹ trong nôi, từng giọt sữa ngọt từ tim Mẹ đã rót sang môi con, từng giọng hát ru ngọt ngào của Mẹ đã rót vào tâm hồn con. Thế là con đã thiếp ngủ đi trong tình thương cao vời đó. Khi con đầy tuổi, ôi! còn nụ cười nào đẹp hơn nụ cười của Mẹ ở phút giay nhìn con chập chững những bước đầu tiên!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567