Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

51. Quán Âm ngàn mắt ngàn tay

06/04/201114:36(Xem: 3964)
51. Quán Âm ngàn mắt ngàn tay

TRUYỀN THUYẾT VỀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

51. QUÁN ÂM NGÀN MẮT NGÀN TAY

Ở Đại Phật Loan, huyện Đại Túc, tỉnh Tứ Xuyên, có một bức tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn nổi tiếng khắp hoàn cầu.

Trên một bức tường vuông vắn mỗi bề mười trượng, có khắc tượng Ngài Quán Âm ngồi, cao khoảng ba thước và sau lưng Ngài, duỗi ra một ngàn cánh tay dài ngắn không đều, không cùng góc độ, không cùng vị trí, xen lẫn với nhau không theo thứ tự nào nhưng rất hài hòa.

Mỗi một bàn tay trong một ngàn bàn tay ấy đều có khắc một con mắt, và tay nào cũng cầm một pháp khí khác nhau, thiên hình vạn trạng, không tay nào giống tay nào, to lớn một cách tự nhiên.

Toàn bộ đều màu hoàng kim và màu bích ngọc, huy hoàng chói lọi khiến ai nhìn cũng phải kinh dị tán thán, khen rằng đó là một đại kỳ quan trong lịch sử điêu khắc thế giới.

Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn này làm sao mà khắc được như vậy?

Ở huyện Đại Ấp có nhiều câu chuyện được lưu truyền về bức tượng này, và sau đây là một trong những câu chuyện ấy.

Tương truyền rằng lúc công trình điêu khắc tượng Phật bằng đá ở Đại Phật Loan mới hoàn thành được phân nửa thì vị pháp sư trụ trì chùa Bảo Đỉnh tên là Triệu Trí Thông quyết tâm tạo một bức tượng Bồ Tát Quán Âm với đủ 1.000 cánh tay.

Quyết định này của ngài làm cho người thợ điêu khắc là Lưu Tư Cửu cảm thấy khó xử vô cùng. Lưu Tư Cửu đã từng theo anh là Lưu Bát Lang đi chu du đó đây và đã từng thấy rất nhiều tượng đá, trong đó có ít nhất là 10 tượng Thiên thủ Quán Âm, nhưng những bức tượng này, ít thì có 7 cánh tay, nhiều thì 49, nhưng chưa hề thấy tượng nào có tới 1.000 cánh tay! Vì tuy nói là 1.000 cánh tay nhưng thông thường chỉ cần thêm một vài cánh tay tượng trưng là đủ chứ không ai đòi hỏi là phải có đúng 1.000 cánh tay bao giờ. Điều mà trưởng lão Triệu Trí Thông đòi hỏi thật là viển vông và thái quá. Lưu Tư Cửu hỏi:

– Sư phụ, bức tường chỉ cao có chừng đó, sắp xếp một ngàn cánh tay, cánh tay này bên cạnh cánh tay kia thì sẽ không đủ chỗ. Nhiều quá thì sẽ thấy chật, mà chật thì sẽ thấy lộn xộn, và lộn xộn thì không còn tổ chức kết cấu gì nữa. Theo tôi nghĩ ta nên lấy một tượng trưng cho mười, sư phụ bằng lòng không?

– Không!

Quyết tâm của ngài Triệu Trí Thông chắc như bàn thạch. Phải làm đúng 1.000 cánh tay và 1.000 bàn tay, trong lòng mỗi bàn tay phải có một con mắt huệ, và mỗi bàn tay phải cầm một pháp khí khác nhau, có thế mới hiển bày được pháp lực vô biên của Bồ Tát Quán Âm đại từ đại bi.

Lưu Tư Cửu lùi lại:

– Trừ phi Bồ Tát hiển linh, phải mời anh tôi về thì mới làm nổi một bức tượng như thầy muốn.

Lưu Bát Lang là một điêu khắc sư lừng danh đời nhà Tống, một đời đem tâm huyết và tài trí cống hiến cho nghệ thuật điêu khắc đá. Nhưng năm ngoái, đương lúc làm việc trên một vách núi cao, muốn làm cho kịp công việc nên ông đã phải thức thật khuya, quá mệt mỏi ông đã từ giàn tre ngã xuống chân núi và lìa đời.

Trưởng lão Triệu Trí Thông có giữ một bức họa của Lưu Bát Lang. Hôm sau, ngài đưa cuộn hình cho Lưu Tư Cửu mà nói:

– Tạ ơn Bồ Tát hiển linh, đưa anh Bát Lang của ông về đây!

Lưu Tư Cửu nhìn hình của anh mà cảm thấy xấu hổ. Ông biết rằng nghệ thuật của mình không đến nỗi dở, nhưng thiếu hẳn cái linh hồn, cái tinh thần mà người ta có thể cảm nhận được trong những tác phẩm của anh mình. Ông đem bức hình treo trong lều chỗ đang tá túc trong lúc làm việc và thấy là lúc nào anh cũng có mặt để thúc giục, khuyến khích mình.

“Trong thiên hạ không có việc gì khó, chỉ sợ người không quyết tâm làm mà thôi”, đó là câu mà anh ông thường nói lúc còn sinh tiền.

Đêm ấy, Lưu Tư Cửu không ngủ được thẳng giấc, trong lúc nửa thức nửa ngủ, ông bỗng thấy mông lung dưới ánh sáng trăng có một con công bay đến và đậu dưới cửa sổ, xoè rộng đôi cánh để khoe bộ lông rực rỡ của nó. Những đốm hoa trên từng chiếc lông của nó lấp lánh dao động, màu sắc chan hòa, huyễn hoặc thay đổi bất định. Phảng phất đâu đây như có ai chỉ bày cho Lưu Tư Cửu: Mỗi chiếc lông là một cánh tay, mỗi đốm màu là một con mắt trong lòng bàn tay, cao thấp không đồng, xen lẫn hài hòa, tạo nên hình một cái quạt bầu dục, khéo léo như một nữ thần diễm lệ với 1.000 cánh tay.

Lưu Tư Cửu giật mình thức giấc, chợt hiểu ra rằng chính Bồ Tát Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đến ứng mộng cho mình! Dưới ánh trăng, ông ngước mắt nhìn lên hình của Bát Lang, và dường như anh của ông cũng đang mỉm cười nhìn lại.

Hôm sau, Lưu Tư Cửu bắt đầu vẽ sơ đồ của công trình, làm việc ngày đêm vì công trình này đòi hỏi rất nhiều công phu. Bản phác thảo này không đẹp thì ông làm ngay một bản khác, lần thứ chín thất bại thì ông vẽ lại lần thứ mười.

Sau 7 ngày 7 đêm khổ công vùi đầu không ăn không nghỉ như thế, cuối cùng ông cũng thành công, đưa ra một mô hình của Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm rất hoàn mỹ, cấu trúc chặt chẽ. Trưởng lão Triệu Trí Thông cũng rất vừa ý.

Vẽ sơ đồ đã không dễ, mà khắc tượng lại còn khó hơn! Tường đá cứng chắc không phải là bùn, một bức tượng bằng bùn mà thất bại thì có thể phá đi khắc lại, còn tường đá mà hư thì rất khó có thể sửa đổi.

Lưu Tư Cửu cùng ba người đệ tử tâm phúc ra công điêu khắc, thể theo các chiều dài ngắn mà đẽo mà đục, dùng chùy dùng búa mà chẳng khác gì dùng kim thêu lên đá... và như thế ròng rã suốt 9 mùa xuân hạ thu đông, một bức tượng Bồ Tát Quán Âm chưa từng có trên thế gian xuất hiện: Đó là một bức tượng Bồ Tát ngồi với đầy đủ 1.000 cánh tay và 1.000 bàn tay!

Hãy nhìn xem một ngàn cánh tay của Bồ Tát: những cánh tay ấy hoặc duỗi ra, hoặc cong lại; hoặc ngay, hoặc nghiêng; hoặc đưa lên, hoặc buông xuống; hoặc dơ cao, hoặc đưa ngang; hoặc vòng, hoặc rũ; hoặc thẳng, hoặc uốn.. thật là cả trăm cả ngàn tư thế khác nhau mà tư thế nào cũng hoàn mỹ và vi diệu. Trên mỗi lòng bàn tay có một con mắt huệ sáng ngời, và tay nào cũng có một pháp khí như cung tên, gương báu, rìu, kiếm, nhạc khí v.v..., muôn hình muôn vẻ, sắc màu tươi thắm, đặc biệt là sau khi được tô màu và giát vàng rồi thì hai màu vàng ròng cùng màu ngọc bích làm cho bức tượng càng thêm huy hoàng rực rỡ, tăng vẻ trang nghiêm và từ bi, pháp lực vô cùng của Bồ Tát, thu hút cả vạn hương khách đến triều bái dâng hương, còn du khách thì bị nhiếp phục và chấn động, trở nên thành tâm và tin kính.

Tương truyền rằng khi tượng của kim thân Thiên Thủ Quán Âm ở lầu Đại Bi, Đại Phật Loan, Bảo Đỉnh Sơn được hình thành thì có chúng tăng vân tập về rất đông để dự lễ khai quang. Thiện nam tín nữ cũng đông như kiến, hương khói mịt mù, chuông trống vang trời, thật là linh đình nhiệt náo. Đêm ấy vừa vặn rơi đúng rằm tháng bảy, tức là hội Ô Thước, cầu được bắc ngang sông Ngân Hà để Ngưu Lang Chức Nữ có thể gặp nhau. Bảy tiên cô có phận sự hộ tống Chức Nữ cũng nhân dịp đó xuống trần, thấy lễ lớn cũng chen vào tham dự.

Đứng trước tượng Thiên Thủ Quán Âm xán lạn hùng vĩ, bảy vị tiên cô kinh ngạc tán thán không ngừng. Vị tiên cô lớn nhất nói:

– Thật là tuyệt vời! Đúng là một kiệt tác! Dư một cánh tay không được mà thiếu một cánh tay cũng không xong!

Cô út Thất tiên nữ phụng phịu không đồng ý:

– Nhưng em cứ muốn thêm vào một cánh tay nữa cơ!

Nói xong cô chọn vị trí, và thêm vào một cánh tay bằng vàng ròng một cách tinh xảo. Sáu tiên cô còn lại ngắm nghía và công nhận rằng bức tượng không những đã không bị hư hoại mà còn tăng thêm vẻ đẹp. Thế là sáu cô tiên chị cũng muốn mỗi người thêm một cánh tay vào kiệt tác ấy. Thật là vi diệu, mỗi cô thêm một cánh tay một cách quá khéo léo nên bức tượng càng thêm tuyệt mỹ, thần quang của những cánh tay bằng vàng ròng khiến bức tượng như tỏa ánh sáng vạn dặm, chói lọi rực rỡ.

Truyền rằng tượng Thiên Thủ Quán Âm của Đại Phật Loan, Bảo Đỉnh Sơn được tạo thành như thế, tổng cộng là có 1.007 cánh tay, trong số đó có 7 cánh tay bằng vàng ròng. Nếu không tin, mời quý vị đến đấy đếm thử.

Nếu ai đếm được và phân biệt được 7 cánh tay bằng vàng ròng ấy, thì người đó phải là người thông minh nhất và may mắn nhất trần gian này!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2011(Xem: 3998)
Long Thọ cùng với Vô Trước, là hai bậc khai phá vĩ đại của truyền thống Đại thừa. Long Thọ tiếp nối và trao truyền những giáo huấn thậm thâm vi diệu của tính không...
14/09/2011(Xem: 6035)
Long Thọ Đại Sĩ, tiếng Phạn gọi là Nagarjuna, người dòng Phạm chí, ứng thế ở xứ Nam Thiên Trúc, sau Phật diệt độ bảy trăm năm. Tương truyền ngài sanh dưới cây A Châu Đà Na, cây này có năm trăm vị Long thần ở, lại nhờ Long Vương Bồ Tát mà thành đạo, nên lấy hiệu là Long Thọ.
14/09/2011(Xem: 3889)
Đời nhà Minh, niên hiệu Sùng Trinh thứ mười sáu, có Bồ Tát dùng phương tiện giáng thần ở Ngô môn, tự xưng là Giác Minh Diệu Hạnh, thường khuyên dạy về Phật pháp. Đến năm Thuận Trị thứ tư đời nhà Thanh, do nhân duyên trước, ngài lại giáng đàn, tùy cơ nói pháp, khai diễn về môn Tịnh độ. Trước tiên, Bồ tát dùng lời kệ khai thị rằng...
12/08/2011(Xem: 9311)
Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng với khuôn mặt đôn hậu, từ ái, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của những người con Phật...
09/08/2011(Xem: 7247)
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi...
05/08/2011(Xem: 9281)
Sở dĩ Mục Kiền Liên đắc Thánh quả một cách nhanh chóng vì Ngài đã trải qua nhiều kiếp tu hành, cho nên trong hiện đời được gặp Phật...
16/06/2011(Xem: 18146)
Bồ tát giới Phạm võng phải được gọi là Đại thừa giới. Đại thừa giới là bản nguyên của chúng sinh, là Phật tánh đầy phẩm chất Phật. Đại thừa giới xác nhận thân là thân chúng sinh, tâm là tâm chúng sinh, nhưng thân ấy tâm ấy đều nhập cả vào giới pháp Phật tánh: đều đem ra mà thọ và trì Đại thừa giới. Đại thừa giới căn cứ quan điểm hiếu thuận: hiếu thuận với tất cả chính là giữ giới. Đại thừa giới lại xác định là cái Phật đi, cái Phật làm, nên thọ giới ấy là nhập vào cương vị của Phật.
07/06/2011(Xem: 4813)
Trong khóa tu Hayagriva đầunăm 2010, Lama Zopa Rinpoche đã nhấn mạnh vào thái độ Bồ Tát đúng đắn, và bangiáo lý súc tích này về cách thực hành [được trích dẫn từ “Taking the Essence All Day andNight” (Rút ra Tinh túy Cả Ngày lẫn Đêm), một cuốn sách mớivề cách làm cho mọi việc làm hàng ngày của ta trở nên có ý nghĩa nhất, do Dịchvụ Giáo dục của Tổ chức FPMT ấn hành]: Hãytụng hay hát những vần kệ sau đây vào buổi sáng hay vào những lúc khác trongngày và suy niệm ý nghĩa để tạo nên một sự thay đổi toàn bộ cho thái độ ái ngãbình thường, là điều chỉ làm hại ta và những người khác. Sau đó hãy sống theothực hành này. Hãy tụng tất cả những câu kệ hay ít nhất là hai hay ba câu cuối.Trì tụng cùng thực hành tonglen (thực hành cho và nhận):
12/05/2011(Xem: 3554)
Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc (Cūlapanthaka) là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật. Tàu âm ra nhiều tên khác nhau: Chu-lợi Bàn-đặc, Chu-lợi Bàn-đà-già, Chú-trà Bán-thác-ca, Tri-lợi Mãn-đài, v.v. Trong Tăng chi, Chương Một Pháp, liệt kê các vị Tỳ khưu đại đệ tử, ngài Cūlapanthaka được nhắc đến 2 lần...
06/04/2011(Xem: 7061)
Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong những hình tượng gần gũi nhất với hầu hết tín đồ Phật giáo, dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc tầng lớp nào. Ngài là biểu tượng của lòng đại bi...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]