Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Chữ "tâm" trên đá (hay Quán Âm độ Thiện Tài)

06/04/201114:36(Xem: 3442)
4. Chữ "tâm" trên đá (hay Quán Âm độ Thiện Tài)

TRUYỀN THUYẾT VỀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

4. CHỮ TÂM TRÊN ĐÁ (hay QUÁN ÂM ĐỘ THIỆN TÀI)

Từ nhỏ, Thiện Tài là đứa trẻ không cha không mẹ, sống rất khổ sở, phải gánh nước đi bán mà sống. Cậu nghèo thật là nghèo, nghèo đến nỗi không có lấy một cái thùng, mà phải lấy da trâu mỏng lót kín hai cái giỏ tre để đựng nước mà gánh.

Một hôm, Thiện Tài đến bờ giếng múc nước, bỗng nhiên nghe tiếng kêu ồm ồm:

– Thiện Tài! Bớ Thiện Tài!

Thiện Tài nhìn sang bên trái không thấy ai, nhìn sang bên phải cũng chẳng có bóng người. Cậu tưởng mình nghe lầm bèn gánh giỏ tre bỏ đi, nhưng không ngờ tiếng kêu lại vang lên nữa:

– Bớ Thiện Tài, tôi đang ở trong giếng đây! Cứu tôi với, tôi sẽ báo đáp cho cậu xứng đáng!

Thiện Tài là một đứa trẻ rất tốt bụng, nghe nói ở dưới giếng có người đang cần cậu cứu, bèn nhảy ùm xuống nước ngay. Cậu mở to mắt nhìn quanh, trong ánh sáng lung linh dưới đáy giếng cậu thấy có một khoảng trống rộng rãi nhưng chả thấy ai cả. Cậu mò bên trái, mò bên phải, giữa hai khe đá mới mò thấy một chiếc bình nhỏ bèn vớt lên, vặn nắp bình nhưng vặn hoài không ra, lắc thật mạnh thì không nghe gì cả, thì ra đó là một chiếc bình không. Cậu đập mạnh cho bể, “xoảng” một tiếng, từ trong bình bay ra một cụm mây đen như mực, cụm mây kết lại thành một người to lớn vạm vỡ, toàn thân đen như lọ nồi, nhảy ra trước mặt Thiện Tài nói lớn:

– Cậu đã cứu tôi ra khỏi bình!

Thiện Tài gật đầu:

– Đúng rồi.

Người ấy vội quỳ xuống đất, hướng về Thiện Tài mà lạy ba lạy. Thiện Tài vội ngăn lại:

– Đừng lạy! Đừng lạy! Ông là ai?

Gã đen khổng lồ nói:

– Tôi là Hắc xà tinh! Năm trăm năm về trước, Bồ Tát Quán Âm nhốt tôi trong bình và liệng bình xuống biển Liên Hoa. Ai ngờ biển Liên Hoa thông với đáy giếng này, nên sóng nước đã đẩy cái bình đến đây.

– Vậy sao, thôi ông hãy đi đi! Tôi đi gánh nước đây!

Thiện Tài nói xong bèn đặt đòn gánh lên vai toan bỏ đi.

– Chờ một chút!

Thiện Tài ngoảnh đầu lại nhìn, thấy xà tinh lè cái lưỡi đỏ như máu ra như muốn ăn tươi nuốt sống cậu. Thiện Tài giật mình sợ hãi:

– Ông muốn gì?

Xà tinh đáp:

– Ta bị nhốt trong bình suốt 500 năm không ăn không uống, bây giờ đói muốn chết đây! Mi đã làm ơn thì làm ơn cho trót, hãy để cho ta ăn thịt mi đi!

Thiện Tài thu hết can đảm đáp:

– Hồi nãy ông nói sẽ báo đáp cho tôi xứng đáng, tại sao đã không giữ lời còn muốn ăn thịt tôi?

Xà tinh nói một cách đắc ý:

– Mi phải biết, “lấy oán báo ơn” là cách đền ơn xứng đáng nhất.

Thiện Tài phẫn nộ nói:

– Nói bậy, thiên hạ đâu có cái loại lý lẽ gì kỳ cục vậy!

Xà tinh ngước mặt lên trời cười ha hả. Tiếng cười của hắn làm cho cuồng phong nổi lên, gió thổi cây đổ nhà sập, thổi luôn Thiện Tài ngã nhào xuống đất khiến cậu sợ hãi tê điếng cả người. Xà tinh trợn trừng mắt, há miệng thật to, tiến từng bước, từng bước đến gần Thiện Tài nói:

– Đói thì muốn ăn thịt người là một lẽ phải, hiểu chưa? Mi sắp sửa chết rồi, còn gì nói nữa không?

Thiện Tài từ dưới đất lồm cồm bò dậy, lại thu hết can đảm mà nói:

– Chết thì phải chết cho chính đáng, ăn cũng phải ăn cho có lý. Ta phải đi tìm người làm trọng tài phân xử xem lý của ai đúng.

Xà tinh nghĩ: “Trước sau gì ta cũng ăn thịt mi, muốn phân xử thì phân xử!”. Thế là cả hai cùng đi tìm người phân xử.

Cả hai đi vòng qua một lối rẽ, vượt qua một con đường núi, đi hoài đi mãi. Đột nhiên, từ dưới chân núi vọng lên tiếng cãi cọ. Thiện Tài chạy xuống dốc núi nhìn, thì ra có một ông lão đứng dưới một gốc cây, tay cầm rìu, dáng vẻ giận dữ. Thiện Tài chạy đến hỏi:

– Thưa cụ, cụ đang làm gì thế?

– Cây không ra quả nữa thì chặt phứt đi làm củi đốt lửa chứ để làm gì!

Thiện Tài nhìn xung quanh, chỉ thấy có mỗi một mình ông lão, bèn hỏi:

– Thưa cụ, hồi nãy cụ cãi lộn với ai vậy?

Ông lão đáp:

– Ta muốn đốn cây mà cây không cho ta đốn, nên ta cãi lộn với cây.

Cây ăn quả đột nhiên nói:

– Lúc tôi còn trẻ, tôi cho quả đầy cây, quả vừa thơm vừa ngọt, ông ta ăn không hết còn đem bán lấy được nhiều tiền. Bây giờ ông ta chê tôi già, không ra quả nhiều nữa nên đòi đốn tôi đi, cậu nghĩ xem lý lẽ gì lạ vậy?

Ông lão nói:

– Cây do ta trồng, ta muốn đốn thì đốn, đó mới chính là lẽ phải!

Cây ăn quả không đồng ý, trả lời:

– Đó là ông lấy oán báo ân!

– Lấy oán báo ân thì đã sao, ta cứ đốn!

Ông lão nói xong vung rìu lên, “ầm” một tiếng, cây ăn quả bị đốn ngã xuống đất. Xà tinh thấy thế vui quá cười lên ha hả, nói với Thiện Tài:

– Mi nghe thấy chưa? Lấy oán báo ân mới là lẽ phải, bây giờ mi chịu thua rồi chứ?

Thiện Tài vội vàng nói:

– Khoan đã, khoan đã, người thì nói có lý, người thì nói vô lý. Có lý hay vô lý đều chưa rõ rệt, chúng ta phải tìm một người khác phân xử.

Xà tinh nói:

– Dù sao mi cũng không thoát khỏi tay ta, muốn kiếm người phân xử nữa thì cứ kiếm!

Thế là cả hai lại đi tiếp. Ra khỏi rừng cây ăn trái, đi hoài, đi mãi, đi tới một bờ sông nhỏ, thấy một con ếch xanh rất lớn nổi trên mặt nước, miệng kêu “oa, oa”. Thiện Tài vội vàng chạy đến bờ sông, kể lại mọi sự cho ếch nghe, nhờ ếch phân xử xem đâu là lẽ phải.

Con ếch nghe xong, “bịch” một tiếng nhảy lên bờ, nhìn hắc khổng lồ đứng sau lưng Thiện Tài rồi ra sức mà kêu to:

– Bớ xà tinh! Ăn hiền gặp lành, ăn ác gặp ác, nếu còn làm ác, họa giáng lên đầu!

Xà tinh nghe vậy giận đùng đùng lòi cả hai con mắt ra ngoài, gầm lên rằng:

– Con ếch nhỏ mọn kia, đừng có nói bậy! Mi tài giỏi bao nhiêu mà dám dạy đời ta? Coi chừng ta ăn thịt mi trước bây giờ!

Thiện Tài vội vàng chen vào giữa ngăn lại:

– Đừng! Đừng! Đừng giận cá chém thớt rồi đòi ăn thịt ếch!

Xà tinh đẩy Thiện Tài ra, tiến lại phía con ếch một cách hung tợn. Con ếch bay lên trời rồi “bõm” một tiếng, lặn xuống đáy sông mất hút. Xà tinh không bắt được con ếch thì giận dữ vô cùng, trợn trừng đôi mắt đỏ ngầu như máu, mở miệng toác hoác bày răng nanh ra, cười gằn:

– Thiện Tài ơi, mi còn nói gì nữa thì nói đi, để ta ăn thịt mi cho rồi!

Thiện Tài sợ quá vội vắt giò lên cổ mà chạy trốn. Thiện Tài chạy, Xà tinh đuổi, thấy như sắp bắt kịp rồi. Nào ngờ không biết từ đâu xuất hiện ra một cô gái nhỏ xông ra che chở cho Thiện Tài. Thiện Tài thấy cô, vội vàng đem mọi sự kể lại nhờ cô phân xử. Cô gái nhìn Xà tinh từ đầu tới chân rồi lắc đầu nói:

– Tôi không tin. Một cậu bé con như thế làm gì cứu nổi một vị khổng lồ như ông từ giếng lên?

Xà tinh vội vàng biện hộ:

– Thật mà, thật mà! Năm trăm năm trước Bồ Tát Quán Âm trách tôi tàn hại sinh linh, vi phạm giới luật của Phật nên nhốt tôi trong một cái bình nhỏ.

Cô gái cười vang:

– Tính ác của ngươi không chừa, bộ không sợ Bồ Tát Quán Âm phạt ngươi một lần nữa hay sao?

Xà tinh lắc đầu:

– Bồ Tát Quán Âm ở tận Nam Hải Phổ Đà xa lắc, làm sao biết được mà phạt!

Cô gái lấy một chiếc bình nhỏ ra, để trong lòng bàn tay. Xà tinh nhìn thấy giật mình kinh hoàng:

– Á! Tịnh bình!

Đột nhiên, cả vạn tia sáng bắn ra, từng áng, từng áng mây lành kết lại, cô gái nhỏ biến thành Bồ Tát Quán Âm. Xà tinh thấy tình thế không ổn bèn vội vàng biến thành một cụm mây đen bay lên không trung mà trốn. Ngài Quán Âm đưa tay lên, tịnh bình bèn cưỡi một áng mây ngũ sắc bay lên đuổi theo. Mây đen chạy, mây ngũ sắc đuổi, đấu pháp với nhau trong không trung tưng bừng. Từ từ, mây đen chống đỡ không lại, biến thành một làn khói xanh, phất phơ phất phới chui vào trong tịnh bình.

Ngài Quán Âm thâu tịnh bình về, nói với Thiện Tài rằng:

– Tuy con là người hiền lành nhưng xem ra con không biết phân biệt người thiện với người ác, thôi con hãy theo ta về núi Phổ Đà mà tu tập nhé!

Thiện Tài mừng khấp khởi, quỳ xuống đất liên tục dập đầu bái tạ…. và từ đó trở thành Thiện Tài đồng tử.

Ngài Quán Âm trở về Phổ Đà Sơn, nhốt hắc xà tinh đưới một tảng núi đá ở Tây thiên. Con ếch xanh thấy vậy bèn nhảy “phóc, phóc” đến gần xà tinh kêu “oa, oa” để thử tâm xà tinh.

Cho đến nay xà tinh vẫn còn bị giam ở dưới chân núi đá, chỉ còn có thể nghểnh dài cổ ra, nhìn con ếch xanh ngóc đầu ưỡn ngực một cách hằn học nhưng không dám làm điều chi xằng bậy.

Về sau có người khắc một chữ “tâm” thật lớn trên tảng đá ở đằng trước đầu rắn, đó chính là “Tâm tự thạch”, ý nghĩa là “tâm Phật, tâm rắn, thiện ác phân minh”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/03/2013(Xem: 4009)
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Rộng phát Tâm Từ Bi Công hạnh sâu như biển Quay ngược thuyền Từ
10/01/2013(Xem: 3577)
Ý nghĩa của Thỉnh Chuyển Pháp Luân hiểu được rồi, đặc biệt là thời buổi hiện đại khoa học kỹ thuật đang không ngừng tiến bộ, mạng Internet cũng không ngừng cải tiến, chúng ta tin tưởng khoảng 2-3 năm sau rất có thể nó sẽ thay thế truyền hình, mức độ tiện lợi, máy tính cỡ nhỏ, lớn bằng bàn tay như vầy có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào, có thể truy cập lên mạng trên toàn thế giới, chúng ta cần biết những công cụ tiên tiến này. Hôm qua, có một bạn đồng tu tặng tôi bản mục lục ở trên mạng Internet, tôi đã xem, vô cùng phong phú, rất nhiều tư liệu giảng kinh của pháp sư đều có trong đó, bạn thấy điều này tiện lợi biết bao, các bạn ở trong nhà, muốn học với pháp sư nào, bạn đều có thể học được cả.
10/01/2013(Xem: 3579)
Hạnh nguyện Phổ Hiền, tổng cộng có mười hạnh nguyện. Phần trước đã giảng cho quí vị bốn hạnh nguyện rồi. Mỗi một hạnh nguyện, chúng ta đều thường niệm. Ở trong nhà Phật, các tổ sư đại đức đem mười cương mục này sắp xếp vào thời khóa tụng sáng tối, cho nên mọi người đều niệm rất thuộc: Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, v.v… đều rất thuộc. Nhưng [nếu] không thực hiện, chỉ có niệm như vậy thì không có ý nghĩa gì cả, chỉ gieo trồng được thiện căn trong A Lại Da Thức.
11/12/2012(Xem: 5463)
Đức Tara nhanh chóng giúp bạn thành công trong việc đạt được hạnh phúc tối hậu của giác ngộ. Bạn nhận lãnh rất nhiều công đức tốt lành, hay nguyên nhân của hạnh phúc...
23/10/2012(Xem: 4397)
Có một thời gian Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên phụ trách trông coi việc dựng thiền-thất tại vườn Lộc-Dã; một hôm trong lúc Tôn-giả đang đi kinh hành trên khoảng đất trống, thì Ma-Vương hóa hình nhỏ xíu chui vào trong bụng của Tôn-giả, lúc đó Tôn-giả nghĩ rằng: “Quái lạ, hình như ta đã nuốt phải vật gì vào trong bụng? Ta nên nhập Như-kỳ tưởng-định để nhìn vào bụng xem là vật gì?”
11/10/2012(Xem: 10943)
Cũng vào lúc bấy giờ, Đại bồ tát Quan Tự Tại thâm nhập pháp tu Bát nhã ba la mật đa sâu xa, thấy năm uẩn đều không tự tánh. Sau Phật, Tâm Kinh dẫn chúng ta đến gặp Bồ tát Quan Tự Tại. Tiếng Tây Tạng gọi Bồ tát là jangchub sempa. Jangchub (Phạn: bodhi), có nghĩa là “giác ngộ”, và sempa (Phạn: sattvà), có nghĩa là “anh hùng” hay “người”. Gộp chung lại thì từ jangchub sempa có nghĩa là “vị anh hùng giác ngộ”. Trong chữ jangchub - “giác ngộ” - âm đầu tiên là ị ang ứng vào sự chiến thắng đoạn diệt mọi sức mạnh chướng ngại, còn âm thứ nhì, chub, có nghĩa là thành tựu trí tuệ viên mãn.
26/09/2012(Xem: 8319)
Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thường được gọi đơn giản là phẩm Phổ Môn nghĩa là cánh cửa phổ biến, cánh cửa rộng mở cho mọi loài đi vào. Nhưng thâm nghĩa của Phổ Môn là tất cả mọi người trong thế gian này ai ai cũng đều được Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong lòng của họ.
17/09/2012(Xem: 8406)
Một thanh niên hỏi tôi: “Có người nói Bồ tát Quan Âm không có thật, là tín ngưỡng của Bà La Môn phải không thưa thầy?”. Tôi cười đáp: “Bồ tát Quan Âm có thật hay không tùy thuộc vào hai điều kiện: 1.Niềm tin. 2.Tự mình nghiên cứu tìm hiểu...
11/09/2012(Xem: 3391)
1. Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống, niềm tin, hạnh phúc của mọi người và mọi loài. 2. Con xin mở rộng tầm hiểu biết, để có thể thấu rõ được gốc rễ khổ đau của mọi người, mọi loài mà tìm cách nâng đỡ và hộ trì. 3. Con xin nguyện từ bỏ những tập khí tham ái, hờn giận, trách móc, phê bình, chỉ trích và bạo động, để con có thể vui sống với mọi người và mọi loài.
25/07/2012(Xem: 11393)
Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát (Bodhicharyàvatàra) là Thi phẩm bằng tiếng Phạn của Tôn giả Tịch Thiên (Sàntideva) khi ngài tu học ở Học viện Phật giáo Nalandà, Ấn độ vào thế kỷ thứ bảy Tây lịch. Đây cũng là tác phẩm Tạng ngữ vô cùng quan trọng, áp dụng vào chương trình học tập cho các tu sĩ Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567