Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?

19/06/201410:25(Xem: 3490)
70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?

Phật lịch 2554

Dương lịch 2010 - Việt lịch 4889

THÍCH PHƯỚC THÁI

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP

TẬP 2



70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?

 

Hỏi: Kính bạch thầy, trong thời khóa tụng kinh ở phần cuối đều có tụng Bát nhã Tâm Kinh, lý Bát nhã của đạo Phật chỉ có một chữ KHÔNG. Nhưng thực tế cuộc đời thì luôn luôn đối đãi, chẳng hạn con người làm việc mới có tiền để sống (chánh mạng). Có phương tiện mới di chuyển được (xe cộ v.v) Điều nầy là rơi vào lý nhị nguyên. Kính xin thầy từ bi khai thị cho chúng con nắm vững trong việc học hỏi tránh sự hiểu sai không chính xác sẽ rơi vào tà kiến. Kính cám ơn thầy.

 

Đáp: Giáo lý của đạo Phật tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà có phân chia “Thừa”, “Giáo” và “Thời” khác nhau. Về thừa thì có năm thừa: Nhơn, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ tát. Về giáo thì có phân ra nhiều hệ tư tưởng cao thấp, sâu cạn, đốn tiệm khác nhau. Bát nhã thuộc về hệ tư tưởng Đại thừa. Nếu luận về Thời, theo sự phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, thì Ngài chia trọn đời thuyết giáo của đức Phật ra làm 5 thời kỳ: Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa và Niết Bàn. Trong 5 thời kể trên, thì Bát nhã thuộc về thời thứ tư. Sự phán giáo nầy được tóm tắt bằng một bài kệ cho dễ nhớ như sau:

 

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt

A Hàm thập nhị Phương Đẳng bát

Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm

Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

 

Nghĩa là, hai mươi mốt ngày đầu Phật nói kinh Hoa Nghiêm. Mười hai năm, Phật nói kinh A Hàm và tám năm Phật nói kinh Phương Đẳng. Hai mươi hai năm ròng rã Phật nói kinh Bát nhã và tám năm sau cùng Phật nói kinh Pháp Hoa và Niết Bàn. Riêng về kinh Bát nhã sau nầy chư Tổ kết tập lại thành một hệ thống gồm có 600 quyển. Tâm kinh Bát nhã mà Phật tử chúng ta thường trì tụng sau mỗi thời kinh, đó là tinh yếu của toàn bộ hệ thống kinh Bát nhã. Nói thế, để chúng ta thấy tầm mức quan trọng của bài Tâm Kinh Bát nhã thật là quan trọng đến ngần nào.

 

Tư tưởng bát nhã nhằm phá chấp, triệt tiêu hết mọi vọng chấp của chúng sanh. Vọng chấp của chúng sanh tuy nhiều, nhưng không ngoài tứ tướng: “Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả”. Như trong kinh Kim Cang Bát Nhã đã nêu rõ. Nói gọn, là không ngoài hai lối chấp căn bản: “Ngã chấp và Pháp chấp”.

 

Cốt lõi của kinh Bát nhã là nói rõ về tánh không của vạn pháp. Bởi các pháp do nhân duyên giả hợp mà thành. Do đó, nên thể tánh của vạn pháp là không. Chữ không nầy, xin chớ vội hiểu lầm là không trơn như lông rùa sừng thỏ. Mà chữ không (sunyata) của Bát nhã nói, là “thật tánh” hay “tướng không” của các pháp. Hiểu được chữ “Không” nầy là hiểu được toàn bộ hệ thống kinh Bát nhã. Vì thể của các pháp là không, nên trong cái tánh không đó, không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh v.v… Nghĩa là, nó vượt ngoài đối đãi nhị nguyên.

 

Nêu rõ triết lý “Tánh Không” của Bát nhã như thế, để Phật tử thấy rằng, đây là cả một bầu trời thênh thang tự do giải thoát. Vì nơi đó triệt tiêu mọi thứ vọng tình chấp trước của chúng sanh. Muốn áp dụng lý Bát nhã vào cuộc sống, đối với trình độ sơ cơ nông cạn như chúng ta hiện nay, thật không phải là chuyện dễ dàng. Vì chúng ta đang sống trong vòng vô minh nghiệp thức, chấp trước rất sâu nặng. Mọi hiện tượng có mặt đối với chúng ta, cái gì chúng ta cũng cho là thật cả. Bởi do thấy các pháp hữu vi là thật, nên chúng ta mới khởi sanh ra bao nhiêu thứ phiền não nhiễm ô: tham, sân, si … Từ đó, tạo nghiệp thọ khổ, nên mãi trôi lăn trong vòng tam đồ lục đạo.

 

Muốn thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau nầy, đức Phật mới dùng nhiều phương tiện để chỉ bày nhiều pháp môn tu cho chúng ta. Pháp tu, Phật nói tuy nhiều, nhưng tóm lại, không ngoài hai pháp: “Đốn và Tiệm”. Đốn tu là thẳng đó mà trực nhận chứng ngộ, không có phương tiện vòng vo, quanh co, dài dòng, lòng thòng chi cả. Trái lại, pháp tiệm tu, thì Phật Tổ phương tiện bày ra có nhiều thứ lớp từ thô đến tế, từ cạn đến sâu và từ thấp lên cao.

 

Luận về pháp đốn tu, nếu không phải là hàng thượng căn thượng trí, thì khó có thể đạt thành sở nguyện. Về pháp tiệm tu, tức là dần dần tiến lên, thì rất thích hợp cho mọi căn cơ. Ai cũng có thể ứng dụng hành trì tu niệm được cả. Giống như người leo thang bước lên từng nấc, từ thấp lên cao.

 

Trường hợp như người Phật tử tại gia, bước đầu, Phật dạy nên hành trì tu tập tam quy và ngũ giới. Tiến lên là tu thập thiện để được sanh thiên hưởng phước báo. Đây là hai pháp tu căn bản của người Phật tử tại gia. Tuy nhiên, nếu sự thật hành huân tu của Phật tử khá thuần thục rồi, thì Phật tử cũng có thể áp dụng những lối tu khác. Phật tử có quyền chọn lựa cho mình một pháp tu nào đó cảm thấy thích hợp. Nghĩa là phải thích hợp với khả năng, căn cơ trình độ và hoàn cảnh sống hiện thực của mình và gia đình.

 

Phật tử nên cẩn thận, đừng có ham trèo cao quá mà phải té nặng. Khi tu hành, người Phật tử phải nên khéo léo biết lượng sức mình. Phật tử không nên đua đòi những gì mà nó vượt ngoài khả năng tầm tay của mình. Không khéo sẽ trở thành họa hại. Phật tử phải biết vị trí của mình hiện đang ở đâu và làm gì.

 

Về hướng tu để đạt được giải thoát, đức Phật đã phân định ra hai đường lối tu rõ rệt. Một là hướng tu còn đi trong luân hồi để thọ hưởng phước báo. Hai là hướng tu giải thoát luân hồi sanh tử khổ đau. Hướng tu đi trong luân hồi để hưởng phước báo như đã nói ở trên. Nghĩa là người Phật tử chỉ thật hành tam quy và ngũ giới cũng như tu mười điều lành. Còn hướng tu siêu xuất luân hồi, thì Phật dạy có nhiều pháp tu. Như pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ v.v… Nói chung, là các pháp tu cao vượt ngoài đối đãi nhị nguyên. Nghĩa là hành giả không còn bị vướng mắc nhị biên, rơi vào cái bẫy hai đầu, tức phải diệt trừ hết vô minh phiền não.

 

Những pháp tu nầy, khi ứng dụng hành trì, hành giả phải hoàn toàn tự lực. Ngoài ra, còn một pháp tu khác rất thích hợp với mọi căn cơ, gồm nhiếp tất cả, vừa tự lực mà cũng vừa có phần tha lực. Đó là pháp môn Tịnh độ. Đây là một pháp môn thẳng tắt rất thích hợp căn cơ thời nay. Pháp tu nầy lấy việc niệm Phật làm chánh yếu. Niệm Phật có sự niệm và lý niệm. Về sự niệm, thì hành giả phải chuyên tâm trì niệm sáu chữ Di Đà một cách miên mật để cầu vãng sanh về Cực lạc. Về lý niệm, hành giả phải buông xả tất cả, chỉ còn có một tâm thể thanh tịnh sáng suốt hiện tiền. Như mặt gương chiếu sáng không dính một mảy may trần cảnh. Đến đây, hành giả không niệm mà niệm. Kinh Duy Ma Cật gọi là: “ Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh, hay duy tâm Tịnh độ”. Nghĩa là cõi Tịnh độ có mặt ngay trong giây phút hiện tiền, không cần phải tìm kiếm ở đâu xa, với điều kiện là tâm mình phải thanh tịnh.

 

Đại khái, đó là những pháp tu Phật dạy, tôi xin nêu ra rồi tùy Phật tử chọn lựa lấy. Sau khi chọn lựa và ứng dụng tu, Phật tử cũng cần nên tham vấn học hỏi với những bậc chơn tu đức độ và có nhiều kinh nghiệm già dặn trong sự tu hành. Có thế, thì sự tu học của Phật tử mới mong tiến bộ và mới khỏi rơi vào con đường tà kiến vậy.

 

Kính chúc phật tử thành công trên bước đường tu học.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2013(Xem: 22609)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 36043)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
18/09/2013(Xem: 12795)
Bản luận này ngoài các bài tựa ra còn có 26 chương. 25 chương đầu trình bày cụ thể triết lý căn bản giáo lý Phật giáo, giải thích hiện tượng vũ trụ nhân sinh quy về bản thể Chân như tuyệt đối. Chương thứ 26 trình bày vai trò của pháp tu Tịnh độ; và có phải đây là mục đích Luận chủ giúp người đọc trước hết nhận thức rõ ràng vấn đề và sau đó tìm về một pháp tu thích hợp? Mong những ai có dịp đọc trọn tác phẩm này có thể tìm được câu trả lời cho chính mình!
15/08/2013(Xem: 16210)
“Chẳng có ai cả ” là một tuyển tập những lời dạy ngắn gọn, cô đọng và thâm sâu nhất của Ajahn Chah, vị thiền sư lỗi lạc nhất thế kỷ của Thái Lan về pháp môn Thiền Minh Sát.
22/06/2013(Xem: 4694)
Có thể nói rằng quan điểm bình đẳng về khả năng giải thoát tâm linh do Đức Phật đưa ra có một ý nghĩa cách mạng xã hội đáng kể...
17/06/2013(Xem: 7160)
Đức Phật nêu lên tánh không như là một thể dạng tối thượng của tâm thức không có gì vượt hơn được và xem đấy như là một phương tiện mang lại sự giải thoát... Hoang Phong dịch
10/06/2013(Xem: 10792)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống.
08/06/2013(Xem: 13148)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống. Bạn có cái thân quý báu thoát được tám nạn[1] và có đủ mười tiện nghi để phục vụ kẻ khác. Ai cũng mong hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Hạnh phúc mà ta cần không chỉ là hạnh phúc tạm thời, mà là hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc tối thượng của giác ngộ. Khi đi phố chẳng hạn, người ta mua những thứ tốt nhất, bền nhất; cũng vậy, ai cũng muốn có hạnh phúc lâu dài nhất, cao quý nhất. Tùy theo sự hiểu biết của mình và mức hạnh phúc có thể đạt đến, người ta cố gắng đạt hạnh phúc tối thượng theo quan điểm mình.
08/06/2013(Xem: 4192)
Theo giáo lý đạo Phật, tâm là nhân tố chính trong mọi sự kiện hay việc xảy ra. Một tâm lừa dối là nguyên nhân của mọi kinh nghiệm mùi vị của samsara...
09/05/2013(Xem: 8246)
Những Điều Phật Đã Dạy - Nguyên tác: Hòa thượng Walpola Rahula - Người dịch: Lê Kim Kha
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567