- - Đôi lời giới thiệu
- - Lời đầu sách
- 1. Tượng Phật bị sứt mẻ có thờ được không?
- 2. Thọ bát quan trai có lạy bàn vong được không?
- 3. Tu ở nhà một mình có tiến bộ không?
- 4. Khuyên người khác quy y có lỗi không?
- 5. Tụng kinh niệm Phật mà tâm còn tán loạn có được lợi ích gì không?
- 6. Tâm ở đâu?
- 7. Ý nghĩa của hai chữ Lăng Nghiêm và nguyên nhân nào Phật nói Chú Lăng Nghiêm.
- 8. Ở nhà có tụng chú Lăng Nghiêm được không?
- 9. Phật tử đi chùa như thế nào mới đúng?
- 10. Thọ Bồ tát giới tại gia nuôi chó mèo có tội không?
- 11. Khi hộ niệm cho người sắp lâm chung phải tụng niệm như thế nào mới đúng?
- 12. Ý nghĩa của câu: Ý hòa đồng duyệt như thế nào?
- 13. Lạy sám hối có thực sự tiêu nghiệp không?
- 14. Làm sao trị được bệnh hôn trầm?
- 15. Như thế nào mới trị được bệnh vọng tưởng?
- 16. Làm sao phân biệt được Xá lợi Phật thật?
- 17. Tụng kinh như thế nào mới đúng cách thức?
- 18. Khi tụng niệm cảm động rơi lệ có lỗi không?
- 19. Khi nghe pháp tay vẫn lần chuỗi niệm Phật có lỗi không?
- 20. Niệm Phật chưa được nhứt tâm bất loạn, có được vãng sanh không?
- 21. Sau khi chết, rảy tro cốt xuống biển hoặc làm phân cho cây cỏ có lỗi gì không?
- 22. Làm sao xác định được một người sau khi chết đi về đâu?
- 23. Làm sao diệt trừ được tánh kiêu căng ngã mạn?
- 24. Trong lúc ngủ mê thần thức đi đâu?
- 25. Làm sao diệt trừ được ba thứ phiền não gốc: tham, sân, si?
- 26. Giữa sự và lý Tịnh độ có chống trái nhau không?
- 27. Trong lúc chấp tác hay làm việc Phật sự có tu không?
- 28. Sự khác biệt giữa các loại trí.
- 29. Làm sao giữ tròn chữ hiếu giữa mẹ chồng và nàng dâu?
- 30. Cả đời niệm Phật, nhưng bệnh gần chết thì lại không thích niệm Phật.
- 31. Giáo pháp của Phật trải qua nhiều đời có bị sai lệch không?
- 32. Danh hiệu Phật A Di Đà có mặt cõi nầy vào lúc nào?
- 33. Khi niệm hương cúng Phật, nên niệm danh hiệu Phật nào trước.
- 34. Bằng cách nào có thể khuyên cha mẹ tin Tam bảo tu hành.
- 35. Làm sao hóa giải được lời thề nguyền.
- 36. Thường chiêm bao thấy người thân, không biết có siêu hay không?
- 37. Người vào chùa xuất gia có bất hiếu hay không?
- 38. Thắp ba nén hương có ý nghĩa gì?
- 39. Làm sao niệm Phật để được nhứt tâm bất loạn?
- 40. Trong lúc sắp lâm chung không giữ được chánh niệm có được vãng sanh không?
- 41. Vấn đề xả tang theo ý muốn.
- 42. Sự báo hiếu giữa Kinh Vu Lan và Kinh Địa Tạng khác nhau như thế nào?
- 43. Dùng hoa quả giả chưng cúng Phật có lỗi không?
- 44. Vì bảo vệ đàn chim đuổi con mèo có lỗi không?
- 45. Con cái chưa xong bề gia thất, mình bỏ đi xuất gia có lỗi không?
- 46. Đồ ăn dư cho chim ăn có mang tội hủy của hay không?
- 47. Nhà có nhiều chuột phải giải quyết như thế nào không còn chuột mà khỏi phải mang tội sát sanh?
- 48. Ý nghĩa chơn tâm và bản tánh như thế nào?
- 49. Minh tâm kiến tánh là nghĩa gì?
- 50. Tụng kinh cầu siêu khác ngôn ngữ, người chết có nhận hiểu hay không?
- 51. Trong chiêm bao thấy sát sanh không biết có tội không?
- 52. Sau khi chết cái gì bị thọ hình hành phạt đau khổ trong địa ngục vô gián?
- 53. Tam bành lục tặc là gì?
- 54. Suối vàng và chín suối ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
- 55. Tại sao người tu pháp môn niệm Phật không thờ riêng Đại Thế Chí mà thờ đức Quán Thế Âm?
- 56. Thực phẩm chay nhưng thực đơn nêu toàn đồ mặn.
- 57. Cách thờ Phật và Quy y Tam Bảo như thế nào mới đúng?
- 58. Tại sao ngày 23 tháng chạp lại đưa Táo Quân về trời?
- 59. Thờ linh ảnh ở trong chùa, nhưng cúng kỵ giỗ ở nhà có được không?
- 60. Làm sao cho bớt cơn nóng giận?
- 61. Tự mình cầu siêu cho mình như thế nào?
- 62. Làm sao cho đứa con tự nguyện đi chùa một cách vui vẻ?
- 63. Treo hình tượng Phật và Bồ tát trên bàn thờ tổ tiên có được không?
- 64. Cha mẹ còn sống con có nên thờ Cửu huyền Thất tổ hay không?
- 65. Làm sao cho đứa con hướng về Tam bảo và sự cầu nguyện hồi hướng có tác dụng lợi ích hay không?
- 66. Tụng kinh cầu siêu có ảnh hưởng đến người mất đã lâu không?
- 67. Khuyên thân nhân tu học, bị phản ứng phải làm sao?
- 68. Đã lỡ phạm tội sát hại sinh vật nhiều quá giờ phải làm sao?
- 69. Nuôi cá kiểng trong nhà có mang tội hay không?
- 70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?
- 71. Khi đến chùa thọ bát tu học, thọ dụng của đàn na tín thí có mang tội hay không?
- 72. Khi lâm chung tưởng nhớ Phật, nhưng không thấy Phật rước có được vãng sanh hay không?
- 73. Thờ người chết như cha mẹ hay ông bà nhiều nơi có được không?
- 74. Cúng dường trai tăng cho người đã mất như thế nào mới hợp lý?
- 75. Câu nói: “Đạo Phật đến đâu thì hòa bình đến đó” ý nghĩa như thế nào?
- 76. Thọ giới Bồ tát nhưng không đến chùa Bố tát kiểm giới có mang tội không?
- 77. Muốn thọ giới Bồ tát, có nên học giới trước rồi thọ sau được không?
- 78. Niết Bàn và Cực lạc ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
- 79. Mang chuỗi đeo tay vào toilet có mang tội không?
- 80. Ý nghĩa chánh báo và y báo.
- 81. Ý nghĩa cúng rước vía đức Phật Di Lặc đầu năm.
- 82. Vấn đề tịnh khẩu.
- 83. Nằm niệm Phật có lỗi không?
- 84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa.
- 85. Tại sao gọi là Kết kỳ niệm Phật mà không gọi là Phật thất?
- 86. Việc di chúc và ủy quyền trong lúc hấp hối và sau khi chết.
- 87. Có phải vì vô tình mà phạm tội sát sanh hay không?
- 88. Đã là người xuất gia tu hành tại sao còn có việc tranh giành y bát?
- 89. Một sự ngộ nhận về luật nhân quả.
- 90. Hoạnh tử là gì?
- 91. Vấn đề kết hôn khác tôn giáo.
- 92. Tập khí là gì?
- 93. Không quy y Tam bảo niệm Phật có được vãng sanh không?
- 94. Vấn đề oan gia trái chủ.
- 95. Giang san dời đổi, tánh nết khó dời.
- 96. Ý nghĩa uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
- 97. Vấn đề bói toán xem số tử vi.
- 98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi.
- 99. Làm sao khuyên người giảm bớt nô lệ cho sắc thân.
- 100. Ý nghĩa câu: “Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang”.
Phật lịch 2554
Dương lịch 2010 - Việt lịch 4889
THÍCH PHƯỚC THÁI
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP
TẬP 2
29. Làm sao giữ tròn chữ hiếu giữa mẹ chồng và nàng dâu?
Hỏi : Kính thưa thầy, làm thế nào để giữ tròn chữ hiếu với mẹ chồng và đồng thời làm tròn bổn phận của một người vợ, nếu có sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu?
Đáp: Câu hỏi của Phật tử có tính cách khái quát, không nói rõ chi tiết nội tình của vấn đề, nên chúng tôi thật khó trả lời cho xác đáng. Vả lại, trong câu hỏi nó có sự mâu thuẫn chống trái nhau. Nếu đã có sự xung đột với mẹ chồng, thì nàng dâu làm sao giữ tròn chữ hiếu? Nếu muốn giữ tròn chữ hiếu, thì nên tránh gây ra sự xung đột. Đã có sự xung đột với mẹ chồng, mà Phật tử muốn làm tròn bổn phận của một người vợ, theo tôi, thì vấn đề đó sẽ trở nên rắc rối hơn. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, ở đây, chúng tôi chỉ xin được góp chút thành ý và có vài lời khuyên chung mà thôi.
Như Phật tử đã biết, ở đời không ai có thể bắt cá hai tay. Và cũng không ai làm vừa lòng mình hết được. Vì mỗi người mỗi ý và có mỗi cá tánh khác nhau, không ai giống ai cả. Nếu như Phật tử muốn giữ tròn chữ hiếu với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là Phật tử nên cố giữ đừng cho sự xích mích xảy ra. Nếu như Phật tử cảm thấy, có điều gì không hợp tánh tình hay bất đồng quan điểm tư tưởng trong khi tiếp xúc với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là Phật tử nên tìm cách khéo léo để khỏi phải gặp mặt tiếp xúc thường xuyên. Đó là tránh nhân thì sẽ không có quả. Sự tránh duyên nầy, không có nghĩa là mình thù ghét, mà chỉ vì không muốn có việc xảy ra bất hòa mà thôi. Sự tránh duyên nầy cũng rất là quan trọng, vì muốn bảo tồn được sự hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hạ sách tạm thời mà thôi.
Trường hợp, vì một lý do nào đó, mà Phật tử phải tiếp xúc với mẹ chồng, thì tôi thành thật khuyên Phật tử nên cố gắng giữ phận mình là một người dâu hiền. Dù mẹ chồng có nặng lời rầy la quở trách, thì Phật tử cũng nên cố gắng dằn lòng mà nhẫn nhịn cho qua chuyện. Nghĩa là đừng có gây ra sự cãi vả tạo sự xung đột bất hòa không tốt với bà, vì dù sao bà cũng là mẹ chồng của mình. Mình phải có lòng kính trọng như người mẹ ruột của mình. Phật tử nên ý thức rằng, Phật tử là người có chút ít tu học Phật pháp, thì Phật tử nên học theo hạnh nhẫn nhục, cư xử hòa ái, thương kính của các bậc Thánh Hiền. Đó là vì Phật tử muốn giữ sự hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Phật tử vì thương chồng con và nhất là muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, thì Phật tử nên cố gắng nhẫn nại.
Người dưới nhẫn nhịn người trên, đó là thuận theo lẽ đạo và nhất là rất hợp với nền đạo đức luân lý Việt Nam, không có ai cười chê đâu mà sợ. Nhẫn nhịn không phải là hèn nhát, mà trái lại đó là một sức mạnh lớn lao của tinh thần. Ngược lại, người trên cũng phải ý thức bổn phận vai trò của mình mà đối xử với kẻ dưới cho phải lẽ hợp đạo. Không nên ỷ quyền làm cha mẹ mà bắt nạt rầy la con cháu. Dù đó là dâu con chúng ta cũng nên xử sự cho ôn hòa. Có thế, thì mới xây dựng bảo đảm được hạnh phúc mái ấm gia đình.
Như Phật tử đã nói, muốn làm tròn bổn phận của một người vợ hiền, để lo cho chồng cho con. Nếu Phật tử muốn trong gia đình được êm ấm thuận thảo hòa ái, thì Phật tử nên cố gắng tìm cách khéo léo xử sự mà nhẫn nhịn. Người xưa nói: “Nhẫn nhứt thời chi khí, miễn bá nhựt chi ưu”. Nghĩa là, chỉ cần cố gắng nhịn nhục trong một hơi thở thôi, thì khỏi phải lo sợ cả trăm ngày về sau. Lời dạy nầy là cả một kinh nghiệm sống khôn ngoan thực tế của người xưa. Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên bắt chước làm theo để bảo tồn sự hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Đó là Phật tử khéo biết thương chồng và muốn bảo vệ hạnh phúc cho gia đình của mình.
Nếu như Phật tử không khéo xử sự, thì Phật tử sẽ rơi vào trạng huống mâu thuẫn. Một bên là vẫn xung đột với mẹ chồng, một bên thì muốn làm tròn bổn phận người vợ đối với chồng, nghĩa là không muốn cho người chồng buồn lòng. Điều nầy, sẽ làm cho ông chồng rơi vào tình huống thật khó xử. Một bên là mẹ và một bên là vợ. Nếu ông là người con có hiếu, thì tình trạng nầy không sớm thì chầy sẽ dễ gây ra sự bất hòa đổ vỡ. Bằng ngược lại, thì ông sẽ mang tội là người con bất hiếu. Và Phật tử cũng sẽ bị ảnh hưởng thật không tốt đẹp gì! Chúng tôi thấy, có nhiều gia đình không khéo xử sự nên đã rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn đổ vỡ nầy.
Đó là nói vấn đề chưa thực sự xảy ra. Chỉ là một sự đề phòng, gọi là ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng, nếu trường hợp đã xảy ra có sự bất hòa xung đột rồi thì sao ? Vấn đề nầy, theo thiển nghĩ của chúng tôi, thì chỉ có người trong cuộc mới có thể giải quyết được vấn đề nan giải khúc mắc đó mà thôi. Nếu Phật tử xét thấy, sự xung đột đó, mình cũng dự phần có lỗi, thì tốt hơn hết là nên tìm cách xin lỗi thiết lập lại truyền thông để hóa giải cụ thể vấn đề. Đó là biện pháp hay nhất để bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Bởi vì chính mình cột gút lại, thì cũng chính mình tìm cách khéo léo để tháo gỡ nó ra. Đó là chúng ta thể hiện đúng theo tinh thần tự giác và sám hối của đạo Phật.
Nếu như Phật tử muốn cho gia đình êm ấm, vợ chồng hạnh phúc, thì Phật tử nên vâng theo lời Phật dạy mà tập tánh hỷ xả bao dung tha thứ và thông cảm. Nhất là đối với những bậc trưởng thượng ông bà cha mẹ. Phật tử nên xét rằng, cuộc đời nầy, không có cái gì bảo đảm lâu dài, tất cả đều vô thường giả huyễn nay còn, mai mất. Hiện chúng ta đang ở trong một cái khám lớn Ta bà, và mỗi người đều có tên trong bản án tử hình hết rồi. Không sớm thì muộn, quỷ vô thường cũng đem chúng ta ra pháp trường xét xử hành quyết mà thôi ! Thế thì hơn thua tranh chấp đấu đá với nhau để làm gì ? Hơn nhau một lời nói, chỉ để làm khổ đau thêm cho nhau. Hơn nhau một tiếng bợn nhơ trong lòng. Còn tạo nên thù oán và tìm cách hại nhau. Xét kỹ, thật không có lợi lạc chi cả.
Càng tranh chấp hơn thua với nhau chừng nào, thì chỉ càng tạo thêm hố sâu chia cách tình thân ruột thịt trong gia đình chừng nấy. Tất nhiên, người nào cũng ôm đầy một khối to « Nội kết » phiền não trong lòng. Không ai cảm thấy vui vẻ khi đối diện với nhau. Đó là cái khổ lớn của sự « oán ghét gặp nhau ». Hiểu thế, thì chúng ta hãy nên buông bỏ đừng chấp nhứt ôm ấp chi trong lòng mà thêm nhiều bi lụy phiền muộn khổ sở. Phật tử nên nhớ, càng giận tức, ta càng chuốc khổ nặng vào thân. Mất ăn mất ngủ, cũng chỉ vì buồn giận những chuyện vớ vẩn không đâu. Đó là chúng ta đã tự hành hạ lấy ta. Người ta nói, đa sầu là tự sát. Xin Phật tử hãy suy xét lại, tội gì phải giận tức nguời ta cho mình phải khổ sở ?
Đức Phật thường dạy, người Phật tử tại gia phải khéo biết xử sự hài hòa trong tinh thần thương yêu, hòa kính, hiểu biết và cảm thông với nhau. Có thật sự thương yêu với nhau, thì mới có thể cảm thông tật tánh với nhau được. Bởi mỗi người do huân tập của mỗi hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau. Do đó, nên mỗi người có mỗi cá tánh dị biệt, không ai giống ai cả. Nếu có giống nhau chăng, cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi chút ít thôi. Đa phần là dị biệt. Khác nào như những ngón tay trong bàn tay, không ngón nào giống ngón nào. Ngón tay thì có ngón ngắn ngón dài. Tuy có ngắn dài khác nhau, nhưng chúng ta đừng quên rằng, tất cả đều ở trong một bàn tay. Bất cứ ngón tay nào trong bàn tay bị thương tích, thì cũng làm cho bàn tay phải chịu đau khổ cả. Như vậy, nếu muốn bàn tay không đau khổ, thì mỗi ngón tay phải biết thương yêu nhau và phải có trách nhiệm bảo vệ bàn tay. Mỗi ngón tay là dụ cho mỗi thành viên con cái trong gia đình và bàn tay là dụ cho cha mẹ hay mái ấm gia đình. Nếu những ngón tay xích mích gây gổ làm khổ cho nhau, thì chỉ làm khổ đau và tan nát cho bàn tay mà thôi! Ngược lại, bàn tay cũng nhờ mấy ngón tay mà được an lành. Vì vậy, là người Phật tử, Phật dạy, phải nên mở rộng trái tim yêu thương bao dung mà hỷ xả tha thứ cho nhau. Vì sự sống là một sự tưong duyên quan hệ mật thiết với nhau. Người khổ là mình khổ hay ngược lại cũng thế.
Là con người, sống trong vòng vô minh nghiệp thức, không ai là không có lỗi. Mình phải thường xuyên tự xét lại mình, trước khi phê bình chỉ trích người khác. Nhà mình rác rến ngập tràn không lo dọn quét, cứ thích cầm chổi lo dọn quét nhà người. Bởi thế mà gây ra lắm chuyện thị phi phiền toái. Có đôi khi vì một chuyện nhỏ nhoi nào đó, mà ta không tự kềm chế được bản năng dục vọng, làm nô lệ cho những thứ phiền não tham, sân, si sai khiến. Từ đó, gây ra lắm cảnh xung đột, rầy rà cãi vả hoặc bạo động hành hung với nhau, làm cho mất đi thâm tình hòa khí gia đình và nếu không khéo sẽ đưa đến tình trạng đổ vỡ tan nát gia đình. Đây là một thảm cảnh ly tán khổ đau đã và đang xảy ra nhan nhản hằng ngày. Chỉ vì một chuyện không đâu mà gây ra cảnh nồi da xáo thịt, nhà tan cửa nát, mỗi người sống mỗi nơi. Kết quả, chỉ làm khổ đau cho con cái của chúng ta mà thôi!
Tóm lại, qua những điều trình bày trên, mong rằng Phật tử nên suy xét lại. Việc bảo vệ hạnh phúc gia đình của Phật tử là việc hệ trọng. Còn việc mẹ chồng, nếu mình khéo xử sự một chút và khéo biết nhịn nhục theo lời Phật dạy, thì chắc chắn sẽ không đưa đến tình trạng rạn nứt đổ vỡ. Vả lại, nếu là bà mẹ chồng đã cao tuổi, thì sự sống của bà ở trên đời nầy cũng chẳng có được bao lâu. Phật tử nên thương và cảm thông nhiều hơn. Vì người già có những tật tánh mà người trẻ thật khó cảm thông. Xin Phật tử hãy vận dụng trí tuệ của mình để khéo xử sự hài hòa cho vấn đề càng được tốt đẹp sáng sủa hơn.
Kính chúc Phật tử có nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống.