- - Đôi lời giới thiệu
- - Lời đầu sách
- 1. Tượng Phật bị sứt mẻ có thờ được không?
- 2. Thọ bát quan trai có lạy bàn vong được không?
- 3. Tu ở nhà một mình có tiến bộ không?
- 4. Khuyên người khác quy y có lỗi không?
- 5. Tụng kinh niệm Phật mà tâm còn tán loạn có được lợi ích gì không?
- 6. Tâm ở đâu?
- 7. Ý nghĩa của hai chữ Lăng Nghiêm và nguyên nhân nào Phật nói Chú Lăng Nghiêm.
- 8. Ở nhà có tụng chú Lăng Nghiêm được không?
- 9. Phật tử đi chùa như thế nào mới đúng?
- 10. Thọ Bồ tát giới tại gia nuôi chó mèo có tội không?
- 11. Khi hộ niệm cho người sắp lâm chung phải tụng niệm như thế nào mới đúng?
- 12. Ý nghĩa của câu: Ý hòa đồng duyệt như thế nào?
- 13. Lạy sám hối có thực sự tiêu nghiệp không?
- 14. Làm sao trị được bệnh hôn trầm?
- 15. Như thế nào mới trị được bệnh vọng tưởng?
- 16. Làm sao phân biệt được Xá lợi Phật thật?
- 17. Tụng kinh như thế nào mới đúng cách thức?
- 18. Khi tụng niệm cảm động rơi lệ có lỗi không?
- 19. Khi nghe pháp tay vẫn lần chuỗi niệm Phật có lỗi không?
- 20. Niệm Phật chưa được nhứt tâm bất loạn, có được vãng sanh không?
- 21. Sau khi chết, rảy tro cốt xuống biển hoặc làm phân cho cây cỏ có lỗi gì không?
- 22. Làm sao xác định được một người sau khi chết đi về đâu?
- 23. Làm sao diệt trừ được tánh kiêu căng ngã mạn?
- 24. Trong lúc ngủ mê thần thức đi đâu?
- 25. Làm sao diệt trừ được ba thứ phiền não gốc: tham, sân, si?
- 26. Giữa sự và lý Tịnh độ có chống trái nhau không?
- 27. Trong lúc chấp tác hay làm việc Phật sự có tu không?
- 28. Sự khác biệt giữa các loại trí.
- 29. Làm sao giữ tròn chữ hiếu giữa mẹ chồng và nàng dâu?
- 30. Cả đời niệm Phật, nhưng bệnh gần chết thì lại không thích niệm Phật.
- 31. Giáo pháp của Phật trải qua nhiều đời có bị sai lệch không?
- 32. Danh hiệu Phật A Di Đà có mặt cõi nầy vào lúc nào?
- 33. Khi niệm hương cúng Phật, nên niệm danh hiệu Phật nào trước.
- 34. Bằng cách nào có thể khuyên cha mẹ tin Tam bảo tu hành.
- 35. Làm sao hóa giải được lời thề nguyền.
- 36. Thường chiêm bao thấy người thân, không biết có siêu hay không?
- 37. Người vào chùa xuất gia có bất hiếu hay không?
- 38. Thắp ba nén hương có ý nghĩa gì?
- 39. Làm sao niệm Phật để được nhứt tâm bất loạn?
- 40. Trong lúc sắp lâm chung không giữ được chánh niệm có được vãng sanh không?
- 41. Vấn đề xả tang theo ý muốn.
- 42. Sự báo hiếu giữa Kinh Vu Lan và Kinh Địa Tạng khác nhau như thế nào?
- 43. Dùng hoa quả giả chưng cúng Phật có lỗi không?
- 44. Vì bảo vệ đàn chim đuổi con mèo có lỗi không?
- 45. Con cái chưa xong bề gia thất, mình bỏ đi xuất gia có lỗi không?
- 46. Đồ ăn dư cho chim ăn có mang tội hủy của hay không?
- 47. Nhà có nhiều chuột phải giải quyết như thế nào không còn chuột mà khỏi phải mang tội sát sanh?
- 48. Ý nghĩa chơn tâm và bản tánh như thế nào?
- 49. Minh tâm kiến tánh là nghĩa gì?
- 50. Tụng kinh cầu siêu khác ngôn ngữ, người chết có nhận hiểu hay không?
- 51. Trong chiêm bao thấy sát sanh không biết có tội không?
- 52. Sau khi chết cái gì bị thọ hình hành phạt đau khổ trong địa ngục vô gián?
- 53. Tam bành lục tặc là gì?
- 54. Suối vàng và chín suối ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
- 55. Tại sao người tu pháp môn niệm Phật không thờ riêng Đại Thế Chí mà thờ đức Quán Thế Âm?
- 56. Thực phẩm chay nhưng thực đơn nêu toàn đồ mặn.
- 57. Cách thờ Phật và Quy y Tam Bảo như thế nào mới đúng?
- 58. Tại sao ngày 23 tháng chạp lại đưa Táo Quân về trời?
- 59. Thờ linh ảnh ở trong chùa, nhưng cúng kỵ giỗ ở nhà có được không?
- 60. Làm sao cho bớt cơn nóng giận?
- 61. Tự mình cầu siêu cho mình như thế nào?
- 62. Làm sao cho đứa con tự nguyện đi chùa một cách vui vẻ?
- 63. Treo hình tượng Phật và Bồ tát trên bàn thờ tổ tiên có được không?
- 64. Cha mẹ còn sống con có nên thờ Cửu huyền Thất tổ hay không?
- 65. Làm sao cho đứa con hướng về Tam bảo và sự cầu nguyện hồi hướng có tác dụng lợi ích hay không?
- 66. Tụng kinh cầu siêu có ảnh hưởng đến người mất đã lâu không?
- 67. Khuyên thân nhân tu học, bị phản ứng phải làm sao?
- 68. Đã lỡ phạm tội sát hại sinh vật nhiều quá giờ phải làm sao?
- 69. Nuôi cá kiểng trong nhà có mang tội hay không?
- 70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?
- 71. Khi đến chùa thọ bát tu học, thọ dụng của đàn na tín thí có mang tội hay không?
- 72. Khi lâm chung tưởng nhớ Phật, nhưng không thấy Phật rước có được vãng sanh hay không?
- 73. Thờ người chết như cha mẹ hay ông bà nhiều nơi có được không?
- 74. Cúng dường trai tăng cho người đã mất như thế nào mới hợp lý?
- 75. Câu nói: “Đạo Phật đến đâu thì hòa bình đến đó” ý nghĩa như thế nào?
- 76. Thọ giới Bồ tát nhưng không đến chùa Bố tát kiểm giới có mang tội không?
- 77. Muốn thọ giới Bồ tát, có nên học giới trước rồi thọ sau được không?
- 78. Niết Bàn và Cực lạc ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
- 79. Mang chuỗi đeo tay vào toilet có mang tội không?
- 80. Ý nghĩa chánh báo và y báo.
- 81. Ý nghĩa cúng rước vía đức Phật Di Lặc đầu năm.
- 82. Vấn đề tịnh khẩu.
- 83. Nằm niệm Phật có lỗi không?
- 84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa.
- 85. Tại sao gọi là Kết kỳ niệm Phật mà không gọi là Phật thất?
- 86. Việc di chúc và ủy quyền trong lúc hấp hối và sau khi chết.
- 87. Có phải vì vô tình mà phạm tội sát sanh hay không?
- 88. Đã là người xuất gia tu hành tại sao còn có việc tranh giành y bát?
- 89. Một sự ngộ nhận về luật nhân quả.
- 90. Hoạnh tử là gì?
- 91. Vấn đề kết hôn khác tôn giáo.
- 92. Tập khí là gì?
- 93. Không quy y Tam bảo niệm Phật có được vãng sanh không?
- 94. Vấn đề oan gia trái chủ.
- 95. Giang san dời đổi, tánh nết khó dời.
- 96. Ý nghĩa uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
- 97. Vấn đề bói toán xem số tử vi.
- 98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi.
- 99. Làm sao khuyên người giảm bớt nô lệ cho sắc thân.
- 100. Ý nghĩa câu: “Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang”.
Phật lịch 2554
Dương lịch 2010 - Việt lịch 4889
THÍCH PHƯỚC THÁI
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP
TẬP 2
37. Người vào chùa xuất gia có bất hiếu hay không?
Hỏi: Thưa thầy, Theo quan niệm của thế gian có nhiều người cho rằng người vào chùa xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, bởi vì không phụng dưỡng cho cha mẹ khi người già yếu, bệnh đau. Vậy, xin hỏi trường hợp đó có bất hiếu hay không?
Đáp: Xin thưa ngay không có gì là bất hiếu cả. Đó là một quan niệm rất sai lầm. Đôi khi vì chưa hiểu rõ hạnh nguyện cao cả của người xuất gia nên họ mới có quan niệm sai lầm đó thôi. Không phải vào chùa xuất gia là cắt đứt mọi quan hệ ân tình với người thân, nhất là đối với ân sâu nghĩa nặng của ông bà cha mẹ. Chẳng qua người xuất gia họ không nặng phần ái kiến như người thế tục.
Sự biểu hiện tình thương của người xuất gia đối với thân nhân ruột thịt của họ có khác hơn người đời. Bởi người đời còn hệ phược vào sự luyến ái rất sâu nặng. Ngược lại, người xuất gia thì vượt lên trên thứ tình cảm hệ lụy thường tình đó. Vì người xuất gia là của chúng sanh, nên họ thể hiện tình thương chan hòa đồng đẳng khắp tất cả. Sự báo hiếu cho cha mẹ của người xuất gia, họ không đặt nặng về phần vật chất, mà chỉ coi nặng về phần tinh thần. Hướng cha mẹ vào con đường tu niệm để được giải thoát. Tuy nhiên, đối với cha mẹ già yếu hay bệnh hoạn, thì người xuất gia cũng phải có bổn phận chăm sóc phụng dưỡng.
Nếu bảo rằng, người xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, thì có lẽ đức Phật là người bất hiếu trước tiên. Vì sao ? Vì Ngài là người bỏ cha mẹ đi tu xuất gia đầu tiên. Nhưng có phải đức Phật là nguời bất hiếu hay không ? Nếu Ngài thực sự bất hiếu như người đời quan niệm, thì tại sao khắp cả hàng nhơn thiên trên thế gian nầy đồng xưng tán ca tụng quy hướng về Ngài ? Chính Ngài sau khi tu hành đắc đạo đã trở về hoàng cung độ vua cha Tịnh Phạn và cả hoàng tộc đều xuất gia tu hành đắc đạo. Khi vua cha băng hà, Ngài còn định khiêng quan tài, nhưng các đệ tử ngăn cản không cho. Và chính Ngài đứng ra lo hết mọi việc trong nghi lễ quốc táng cho vua cha.
Sau ngày thành đạo, Ngài còn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Thánh mẫu nghe. Ngài là người luôn tôn trọng và đề cao chữ hiếu. Trong Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân ghi lại, chính đức Phật đã lạy đống xương khô bên vệ đường :
Đáo bán lộ đành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi lệ hồng...
Thấy thế ngài A Nan là người thị giả theo hầu, thắc mắc tỏ ra rất ái ngại không hiểu vì sao Phật lạy đống xương khô. Phật cho biết, đống xương khô đó chính là lục thân quyến thuộc ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, luân hồi sanh tử tử sanh, hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh. Một người đã thể hiện đầy đủ chất liệu tình người cao đẹp như thế, sao dám bảo là người xuất gia bất hiếu ?
Ngoài tấm gương đại chí hiếu của đức Phật ra, đến hàng đệ tử của Ngài, như trường hợp Tôn giả Mục kiền liên, ai dám bảo ngài là người con bất hiếu? Nếu đã bất hiếu, thì tại sao cho đến hôm nay cả nhơn loại đều ca tụng tấm lòng hiếu thảo cao đẹp của Ngài. Và hằng năm, những người con Phật trên khắp năm châu bốn biển đều nhất loạt cử hành đại lễ Vu Lan Thắng Hội vào dịp rằm tháng bảy âm lịch, để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ, thất thế phụ mẫu ông bà cha mẹ nội ngoại tông thân, kẻ còn người mất đều được ân triêm lợi lạc. Đó có phải là noi theo tấm gương hiếu hạnh cao cả của Ngài không ? Thế thì tại sao cho rằng, người xuất gia là những người con bất hiếu với cha mẹ ?
Nói về việc phụng dưỡng cho cha mẹ bệnh hoạn hay già yếu, không phải người xuất gia bỏ phế không lo chăm sóc. Chúng tôi xin dẫn chứng những vị xuất gia tu hành chân chánh, đạo cao đức trọng đã thể hiện trong thâm tình của một người con đối với những bậc cha mẹ sanh thành dưỡng dục như sau:
Đức Lục Tổ Huệ Năng trước khi đến Huỳnh Mai để cầu pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài đã để lại một số tiền lớn để cấp dưỡng cho mẹ già và nhờ người chăm sóc lo lắng cho mẹ Ngài chu đáo. Tổ Hoằng Nhẫn xây cất nhà cho mẹ ở. Trần Lục Châu dệt vải để nuôi song thân. Lãng pháp sư du học còn cõng mẹ đi theo. Sách sử ghi lại còn rất nhiều những tấm gương hiếu hạnh trong sáng cao cả tuyệt đẹp như thế. Đó là nêu ra những tấm gương của các bậc Thiền đức thời xưa đã hết lòng cung phụng hiếu dưỡng cho mẹ.
Thời nay, cũng có nhiều vị xuất gia, khi biết cha mẹ già yếu đau ốm, không có người cận kề sớm hôm chăm nom săn sóc, thì đích thân họ lo lắng phụng dưỡng cơm cháu thuốc thang đỡ đần cho cha mẹ. Như trường hợp bản thân chúng tôi, vì noi gương xưa nên tháng giêng năm Mậu Tý (2008) khi hay tin thân mẫu của chúng tôi đau nặng ở Việt Nam, chúng tôi vội vả mua vé máy bay về ngay để ngày đêm cận kề chăm nom săn sóc cơm cháu thuốc men cho cụ bà. Chăm sóc như thế cho đến khi cụ bà qua đời. Trong lúc cụ bà hấp hối sắp lâm chung, chúng tôi luôn túc trực ở bên cạnh bà để niệm Phật. Bà ra đi một cách rất thanh thản nhẹ nhàng. Đó là điều mà chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Vì mẹ tôi mất, có mặt tôi bên cạnh để hết lòng trợ duyên niệm Phật cho bà. Nói thế, tuyệt nhiên, chúng tôi không dám có ý khoe khoang, mà chỉ nói lên tấm lòng của những người xuất gia luôn ghi nhớ và báo đáp thâm ân giáo dưỡng của cha mẹ trong muôn một mà thôi. Không phải người xuất gia đi tu là bất hiếu với cha mẹ như người đời lầm tưởng.
Nên biết rằng, dù người xuất gia luôn lấy pháp vị làm vui, nhưng với chữ hiếu các ngài vẫn hằng hoài niệm ân sâu đáp trả. Dù các ngài lìa niệm tưởng ân ái, mà vẫn không quên lễ nghĩa ở đời. Chúng ta báo đáp thâm ân cha mẹ một đời là báo đáp ân sâu trong nhiều kiếp. Độ cha mẹ một đời là báo đáp ân sâu cho cha mẹ trong nhiều đời. Do đó, nên sự báo hiếu của người xuất gia không những hạn cuộc trong thâm tình huyết thống mà còn rộng khắp đến muôn loài. Vì thế, cho chúng ta thấy cái hiếu của người xuất gia thật là cao cả rộng lớn biết là ngần nào!