Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tọa Đàm 13 - 24

04/12/201205:00(Xem: 3960)
Tọa Đàm 13 - 24


HỘ NIỆM: HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

Tác giả: Cư sĩ Diệu Âm


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 13

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Pháp hộ niệm vãng sanh bao trùm tất cả những chi tiết căn bản, những ứng dụng cần thiết trong pháp môn niệm Phật, có thể giúp cho một người trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời thực hiện đầy đủ ba tư lương “Tín-Hạnh-Nguyện” để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Muốn cho nhiều người được hưởng phước phần vãng sanh, xin chư vị hãy phát tâm vận động, truyền bá phương pháp hộ niệm cho nhiều người biết. Thường thường những nơi ít người vãng sanh là do phương pháp hộ niệm chưa được phổ biến tại nơi đó.

Rất nhiều người hiểu lầm hộ niệm giống như cầu siêu, giống như cầu an, giống như chuyện hậu sự, chứ thật ra người ta không biết rõ đích thật hộ niệm là như thế nào! Thậm chí có những người chê bai, phỉ báng, cho rằng pháp hộ niệm là tà pháp. Thật là một ý niệm lạ lùng, sai lầm!...

- Khi đi hộ niệm, mình ngồi cạnh người bệnh, niệm câu “Nam Mô A-Di-Đà Phật”. Chẳng lẽ niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” là tà pháp sao?...

Trong kinh Phật dạy mình niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật... Có người lại nói niệm A-Di-Đà Phật là tà pháp?!...

- Mình hướng dẫn cho người bệnh nguyện vãng sanh về Tây Phương. Lời nguyện cụ thể, xác đáng. Chẳng lẽ nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là tà pháp sao?...

Thế mà có những người nghĩ sai lời Phật dạy, nói ngược với kinh Phật! Ấy thế mà người ta cũng làm được?!...

- Mình củng cố cho người bệnh có niềm tin vững vàng, chắc chắn vào pháp niệm Phật để họ được phước phần vãng sanh. Chẳng lẽ củng cố niềm tin cho người bệnh được vãng sanh là tà pháp sao?!...

Thế mà có những người tung tin lên rằng hộ niệm là tà pháp!?...

Chúng ta cần phải sáng suốt nhận định. Không những vậy, mà còn phải phổ biến cho thật sâu rộng phương pháp hộ niệm để cho những người chưa biết hộ niệm bây giờ biết đến. Cần giúp cho người ta vững tâm để may ra trong thời mạt pháp này cứu độ được người nào hay người đó. Nhất là hàng phàm phu tục tử như Phật tử chúng ta trong thời mạt pháp này, với căn cơ hạ liệt, phước đức thì mỏng, trí huệ thì cạn, không cách nào có thể phá được vòng vây của nghiệp chướng!

Muốn được nơi này có nhiều người vãng sanh thì bắt đầu từ hôm nay xin chư vị cố gắng vận động. Ví dụ như ở Việt Nam người ta tung rất nhiều những băng đĩa hộ niệm, tung nhiều tài liệu hộ niệm, hàng ngàn, hàng ngàn đĩa như vậy. Trong khi Niệm Phật Đường chúng ta kêu gọi vận động hộ niệm, nhiều người đến lấy có một đĩa à!... Đưa thêm một đĩa nữa thì nói: “Chi nhiều dữ vậy? Tôi lấy một đĩa đủ rồi!”... Bây giờ phải làm sao? Có ai ép buộc được đâu? Muốn giao lưu rộng rãi thì mỗi người đã cầm năm đĩa, tại sao không lấy thêm mười đĩa nữa để đi phát cho người ta. Nhiều khi trong mười đĩa đó sẽ có một người ngộ được, rồi người đó lại tiếp tục phát ra. Nhờ vậy mà có nhiều người biết hộ niệm. Tạo duyên rộng như vậy thì chúng ta mới dễ hộ niệm được.

Trong pháp hộ niệm có sự “Khai Thị -Hướng Dẫn”. Hôm trước thì ta nói về hướng dẫn cho người bệnh, muốn vãng sanh thì đừng nên sợ chết. Hôm nay chúng ta nói thêm một chút xíu nữa, là hướng dẫn cho người bệnh buông xả tất cả những cái gì liên quan tới cõi đời này. Khuyến cáo họ tập buông ra. Ví dụ như vấn đề tiền bạc, già rồi thì nên giao tiền bạc lại cho con cái, giao tài sản lại cho con cái. Mạnh dạn mà giao đi. Những người muốn vãng sanh mà trên cổ cứ đeo sợi dây chuyền, ngày nào cũng đeo, coi chừng sợi dây chuyền làm mình mất vãng sanh đó...

Hồi ông già của Diệu Âm còn sống, mấy anh chị em mua một sợi dây chuyền rồi chờ đến ngày sinh nhật đến đeo cho ông. Tôi nói đến nỗi anh chị em phải rơi nước mắt! Tôi nói rằng, tại sao lại mua sợi dây chuyền cho ông già đeo? Ông già đeo được sợi dây chuyền trong ngày sinh nhật mà cảm động đến rơi nước mắt! Tôi hỏi anh chị em rằng, khi ông già ông chết, mình chôn sợi dây chuyền theo ông hay là mình lột ra? Nếu lột ra thì tại sao bây giờ không lột trước đi? Mà lại bắt ông già phải đeo cái còng đó để ông tham đắm vào đó mà mất phần vãng sanh!

Khi mình đã biết được đường vãng sanh thì phải tập buông xả. Buông xả đầu tiên là tiền bạc...

Có nhiều người thích ở cái nhà này, không chịu ở cái nhà nọ. Người con thì lại thích mẹ ở cái nhà nọ, chứ không muốn người mẹ ở nhà này. Cũng chỉ vì một sự cố chấp như vậy mà có thể đưa mẹ mình đến cảnh ngộ mất phần vãng sanh!...

Hiểu được chỗ này rồi thì chúng ta hãy tập coi nhẹ đối với tất cả mọi vấn đề. Coi nhẹ là chấp nhận hiện tượng đó một cách tự nhiên. Được vậy thì khi mình ra đi sẽ nhẹ nhàng lắm, thư thả lắm. Ví dụ như con cái, mình thương nhớ con cái, mình tưởng rằng đến lúc lâm chung mình có thể buông con cái được sao? Không đâu! Lạ lắm chư vị. Có những người trong cuộc đời của họ có một kỷ niệm sâu sắc nào đó, họ nhớ mãi cái kỷ niệm đó, đến lúc nằm xuống thì tự nhiên họ cứ nhắc mãi tới kỷ niệm đó, không quên được!...

Nhớ tới chuyện vãng sanh của bà Triệu Vinh Phương, có người đã kể lại rằng, bà có một sợi dây chuyền, sợi dây chuyền đó là một vật truyền đời trong gia đình bà. Tức là người mẹ truyền lại cho một người con, rồi người con phải đeo mãi sợi dây chuyền đó như vật bất ly thân, rồi trước khi chết lại truyền lại cho một người con của mình. Cứ truyền như vậy. Khi bà cụ đã ngộ ra đạo rồi, chín mươi tuổi mới ngộ đạo, bà biết rồi, bà cởi sợi dây chuyền ra... Sợi dây chuyền đó có ngọc hình Phật, đế Phật ngồi làm bằng loại cát ở sông Hằng-Hà bên Ấn Độ, quý lắm. Bà dặn mấy người con nhất định đừng bao giờ để cho bà thấy lại sợi dây chuyền một lần nữa. Đó gọi là buông xả.

Nếu chúng ta không có thực hiện sự buông xả ngay từ bây giờ, thì tới lúc mình nằm xuống rồi những cái chấp đó nó sẽ trói chặt tâm của mình lại!

Xin thưa rằng, buông xả không phải là liệng sợi dây chuyền ra ngoài cửa sổ đâu, mà hãy cho đứa con. Không phải là liệng tiền ra cửa sổ đâu, mà mình đừng có giữ tiền. Không phải là tất cả những cái gì mình có đều liệng hết đâu... Nhưng buông xả là giữ tâm thoải mái, không còn chấp nữa thì tự nhiên mình buông xả được.

Khi khai thị trước người bệnh, ta có thể nói: “Bác ơi! Bác cố gắng buông xả hết nghen, vạn duyên buông hết nghen”. Thường thường là ta nói những câu đại ý như vậy, để giúp người bệnh quyết tâm niệm Phật. Nhưng bây giờ, trong lúc còn tỉnh táo này mà chúng ta không lo buông xả trước, đến lúc đó dù nói gì thì nói, không dễ gì ta buông được đâu! Lạ lắm!

Ví dụ như trong đời này mình ghét một người nào. Xin thưa với chư vị, khi đã biết đường vãng sanh về Tây Phương, thì nhất định phải buông liền sự ganh ghét này đi...

Hôm trước có một vị ở bên Thụy Sĩ nói một câu hay vô cùng, vị đó nói:

- Trời ơi! Hồi nào tới giờ tôi ghét người này không thể tưởng tượng được. Tôi thề không bao giờ nhìn tới mặt. Nhưng sau này tôi biết được đường vãng sanh Tịnh-Độ cần phải buông xả, tôi đã tới gặp và chào người đó. Tôi quỳ xuống ôm tay bà ta, tôi hôn tay bà ta và tôi xin lỗi. Từ trước tới giờ tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ làm được như vậy... Nhưng khi làm được rồi, bắt đầu từ đó tự nhiên tâm hồn tôi mở rộng ra và tôi cảm thấy thoải máikhông thể nào tả được...

Đó là buông xả. Nếu không buông xả, thì những vấn đề này nó trói mình lại, nó trói chặt cứng! Dễ sợ lắm chư vị ơi!... Khi đi hộ niệm, mình mới thấy vấn đề này.

Cũng có chuyện mắc cười lắm! Tôi gặp có nhiều người, tu thì cũng có tu, tu siêng lắm, mà hễ thấy một người nào làm một cái gì đó hơi nổi một chút thì bắt đầu tìm cách gièm pha. Thấy một người nào làm việc gì hay hay một chút thì nói xấu liền. Thực tế, không biết người đó là xấu hay tốt, nhưng hễ thấy người ta làm được cái gì cũng nổi tâm cạnh tranh ganh tỵ!... Thì đây chính là tật đố! Nếu không xả tập khí này ra, nhất định đến lúc nằm xuống thì người này sẽ bị trở ngại! Nếu giả sử như mình tới hộ niệm cho người đó, chúng ta sẽ thấy... Lạ lắm?!... Mình thì khuyên: “Bác ơi! Bác niệm đi”. Nhưng người đó cứ thầm thầm chửi bới, giận dữ... Hình như đang cự lộn với người nào đó. Mà thật sự đối tượng đó không có mặt tại đó. Hoàn toàn không có! Phải chăng, oan gia trái chủ đã ứng hiện để phá đám, mà hoàn toàn người đó không hay!

Chính vì vậy mà hôm trước Diệu Âm có nói rằng, người niệm Phật thì:

- Nếu sợ ánh sáng! Nay không được sợ nữa.

- Sợ bóng tối! Nay không được sợ nữa.

- Ghét một người! Nay không được ghét nữa.

- Chửi một người khác! Nay không được chửi nữa.

Nhất định phải buông hết. Mình buông như vậy thì tự nhiên lúc nằm xuống, oan gia trái chủ có muốn trá hình ra để mà gạt gẫm mình, muốn trá hình ra để hãm hại mình, nhiều khi các ngài đó cũng đành chịu thua, khó có cách nào hại mình được.

Ví dụ như những người sợ “Ma”! Một khi sợ “Ma” thì nhất định oan gia trái chủ sẽ tìm cách ứng hiện thành “Ma”, thành “Quỷ”, họ dọa mình sợ chết luôn! Ấy thế, những người đang bị ứng hiện những cảnh “Ma”, đang bị ma chướng vây hãm, nhưng nếu khi họ phát tâm vững mạnh, buông hết, không còn e sợ nữa, niệm câu A-Di-Đà Phật một ngày, hai ngày, ba ngày có thể giải tỏa ách nạn một cách trọn vẹn.

Tất cả những cảnh giới đều ứng hiện từ tâm mình, chứ không phải ở ngoài.

Muốn vãng sanh về Tây Phương mong chư vị cố gắng phân phát những tài liệu về hộ niệm, truyền bá những tài liệu hộ niệm cho người thân của mình, cho người bạn của mình... Cứ phát ra đi, đừng sợ tốn kém. Cố gắng phân phát ra đi thì nơi chốn đó sẽ có nhiều người biết hộ niệm, nhờ vậy mà ta đi hộ niệm cho người cũng dễ thành công. Thời gian vận động này phải cần ít ra một năm, hai năm sau nó mới có thành quả. Chứ đâu có phải mới phát ra bữa trước thì bữa sau có người vãng sanh liền. Không phải như vậy đâu!...

Phải cần có thời gian dài như vậy thì tự nhiên chúng ta mới cứu người được, mà cứu người được thì ta cũng được cứu luôn. Cứu người chính là cứu ta đó.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 14

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hướng Dẫn - Khai Thị, điểm đầu tiên là làm sao cho một người phát khởi Tín Tâm. Muốn phát khởi tín tâm này không thể nào đợi cho tới lúc mê man bất tỉnh, hay nằm thoi thóp chờ từng giờ ra đi mà có thể phát khởi tín tâm được.

Cho nên tất cả đều phải lo trước. Muốn cho một người vãng sanh thì nhất định làm sao giúp cho người ta biết được phương pháp hộ niệm càng sớm càng tốt. Tại vì khi biết trước như vậy, nếu họ chưa phát khởi tín tâm thì ta mới tìm cách, gọi là thiện xảo phương tiện, để dẫn dụ, khuyên bảo họ phát tín tâm. Rồi từ tín tâm này họ mới niệm câu A-Di-Đà Phật và sau cùng ta hộ niệm mới được.

Nói về Tín Tâm, có một lần Hòa Thượng Tịnh-Không nói như thế này, lúc đó Ngài đã đi xuất gia rồi, nhưng khi đến gặp ngài Lý-Bỉnh-Nam, ngài Lý-Bỉnh-Nam nói với Ngài: “Thầy phải tin Phật nghe”.

Một người cư sĩ mà nhắc nhở người xuất gia: “Thầy phải tin Phật nghe”. Hòa Thượng cảm thấy ngạc nhiên! Nhưng sau cùng Ngài mới hiểu rađiều chí lý. Không dễ gì có người tin được kinh Phật đâu! Có nhiều người tu hành nhưng không tin lời Phật nói. Như chuyện niệm Phật vãng sanh, có nhiều người không tin. Một người không tu thì thôi không nói làm chi, ta tìm thiện xảo phương tiện để dẫn dắt họ. Có những người có tu hành nhưng mà không tin!...

Ví dụ như Hòa Thượng Tịnh-Không, Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến phương pháp hộ niệm. Ngài long trọng tuyên bố rằng hộ niệm công đức vô lượng, vô biên, bất khả tư nghì. Ấy thế mà có nhiều người thường nghe pháp của Hòa Thượng, cũng lấy pháp Hòa Thượng để tu tập mà lại không tin chuyện hộ niệm, lại đi ra tuyên truyền rằng, không có cái chuyện hộ niệm vãng sanh, mà còn dám nói hộ niệm là tà pháp nữa. Cho nên, chữ “Tín” khó lắm, không dễ đâu!

Tại sao như vậy?... Hòa Thượng nói:

- Một người, đến giờ phút cuối cùng mà gặp được những người hộ niệm, gặp được ban hộ niệm, có một số người vây quanh mình hộ niệm là do cái phước đức của họ lớn lắm mới có, chứ không dễ đâu!

Đừng nghĩ rằng ta tu như thế này rồi sau cùng ta sẽ được người hộ niệm đâu. Nếu lòng tin của mình không có. Nếu mình có cái tâm chống đối việc hộ niệm, tức là mình không chấp nhận sự hộ niệm, thì lúc mình nằm xuống những người đến “Hộ Niệm” cho mình chính là những vị oan gia trái chủ tới đưa ta xuống tam ác đạo đó! Tại vì ta đã có ý tưởng bài trừ chuyện hộ niệm, thì những người tới niệm Phật sẽ làm cho ta nhức đầu, khó chịu, phiền não. Còn oan gia trái chủ đến thì họ không niệm Phật, mà dựa theo cái tâm nghi ngờ của mình để gạt mình. Chịu bị gạt dễ hơn là tin vào chánh pháp!

Niềm tin vĩ đại lắm! Không dễ gì mà đủ được niềm tin đâu!

Cho nên có người không hiểu vì lý do gì mà lại không tin? Trong khi Sư Phụ thì tuyên dương pháp hộ niệm, còn mình thì lại nói: “Làm gì có chuyện hộ niệm vãng sanh!”. Tuyên bố như vậy lỡ một mai Sư Phụ nghe được, rồi khi mình đối diện với Sư Phụ, biết nói làm sao đây? Khó lắm đó chư vị ạ!

Y Giáo Phụng Hành” là điều cần thiết. Ta là người phàm phu tục tử, tự mình nghĩ ra cách tu hành, nghĩ ra phương pháp tu riêng chưa chắc gì mình làm đúng! Tốt nhất là chúng ta giữ cái tâm “Chí Thành - Chí Kính”vâng lời. Học kinh Phật thì y giáo kinh Phật, học Sư Phụ thì y giáo Sư Phụ. Ngài Ấn-Quang nói: Một phần thành kính thì một phần lợi ích, hai phần thành kính thì hai phần lợi ích. Người thành kính thường thường là người y giáo phụng hành. Thật sự, chuyện vâng lời, chuyện y giáo phụng hành không phải dễ! Tin tưởng vào Phật pháp không phải dễ! Nhất định không phải dễ đâu! Người đã tin tưởng thì không bao giờ làm sai. Mà đã làm sai thì:

- Một là mê muội!

- Hai là phước báo quá tệ!

- Ba là vì cống cao ngã mạn, vì đố kỵ hay sao đó mà tự mình không chịu làm theo kinh Phật, không chịu y theo giáo pháp của chư Tổ Sư mà thực hành.

Muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc với pháp môn niệm Phật, đức Bổn Sư Thích-Ca luôn nhắc nhở người niệm Phật phải lấy một môn mà đi, phải lấy sự chuyên tu mà hành, giữ một câu A-Di-Đà Phật mà trì, thì đường vãng sanh vững vàng.

Ấy thế mà nhiều người không chịu thực hành. Sư Phụ dặn phải buông xả, mình không chịu buông xả. Sư Phụ dạy đừng có ganh tỵ, mình không chịu vâng lời, cứ để cái tâm đố kỵ càng ngày càng phát triển! Như vậy rõ ràng học thì nhiều mà làm chẳng có bao nhiêu. Thật là không tốt!...

Có nhiều người thường đưa ra vấn đề:

- Tại sao người này tu cả bảy tám chục năm mà không được vãng sanh?

- Tại sao người kia tu suốt đời mà không được vãng sanh?

- Tại sao người này giỏi quá mà không được vãng sanh?

Xin trả lời rằng:

- Tại vì thật sự họ không chịu y giáo phụng hành!

- Tại vì thật sự bên ngoài thì tưởng là y giáo phụng hành, nhưng bên trong họ lại đi lạc đường!

Ví dụ như một người nói, tôi quyết tâm tha thiết đi về Tây Phương, Tín-Hạnh-Nguyệnđầy đủ... Ấy thế, tại Niệm Phật Đường thì niệm Phật, ra khỏi Niệm Phật Đường không còn niệm Phật mà niệm cái gì khác. Ở đây thì niệm Phật, về nhà không chịu niệm Phật. Thấy cái này hay quá cũng tu, thấy cái kia hay quá cũng tu. Tưởng vậy là hay, nhưng quên rằng:

- Di-Đà giáo ngã niệm Di-Đà. Đức Di-Đà dạy ta niệm Di-Đà. Sáng cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, trưa cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, chiều cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, tối cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, gọi là nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật.

- Khẩu niệm Di-Đà, thính Di-Đà. Miệng mình niệm Di-Đà, tai mình lắng nghe tiếng Di-Đà để tâm mình nhập vào trong chủng tử A-Di-Đà Phật thì mình mới có thể vãng sanh được. Thế mà mình không chịu nghe lời! Mình không chịu vâng lời tức là: Một là mình cống cao ngã mạn, nghĩ rằng là mình giỏi hơn thầy! Nghĩ rằng là mình giỏi hơn Phật!... Thật ra trong khi đó thì bao nhiêu chướng ngại trùng trùng đang chờ trước mắt. Phật dành cho chúng ta con đường đi thẳng bưng để thoát nạn mà không chịu thực hành.

- Di-Đà Di-Đà trực niệm khứ, nghĩa là cứ câu A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật... thẳng bưng như vậy mà niệm đi, gọi là “Trực niệm khứ”. Cứ thẳng bưng như vậy mà niệm đi. Sáng cũng Di-Đà, trưa cũng Di-Đà, chiều cũng Di-Đà, tối cũng Di-Đà. “Di-Đà Di-Đà trực niệm khứ”. Trực là thẳng bưng, nghĩa là cứ một câu Di-Đà thẳng bưng như vậy mà niệm tới.

- Nguyên lai Di-Đà niệm Di-Đà. Lúc đó mới thấy thế nào gọi là Niệm PhậtNhân- ThànhPhậtQuả- Niệm Phật Thành Phật. Chứ nếu không chịu “Trực niệm khứ”, một đường như vậy mà đi, thì nhất định tâm này là tâm xen tạp! Pháp môn niệm Phật rất tối kỵ về xen tạp!

Chính vì vậy, để trả lời tại sao người này tu ba bốn chục năm mà không được vãng sanh?...

- Là tại vì anh không chịu y giáo phụng hành.

- Tại vì anh chưa có trí huệ mà không chịu nghe lời Phật dạy.

- Tại vì anh không thấy được những cạm bẫy trên đường tu hành, mà cứ tự lấy tâm ý của mình nghĩ sao làm vậy.

Xin thưa với chư vị, ở đây là Niệm Phật Đường tha thiết muốn đưa người vãng sanh về Tây Phương. Nhưng chư vị phải nhớ cho thật kỹ là phải y giáo phụng hành, đúng mực mà đi. Nếu không đúng mực thì đừng bao giờ trách rằng tại sao tôi tu ba bốn chục năm mà không được vãng sanh?...

Câu trả lời chung quy chính là vì anh đã xen tạp rồi! Vì anh đã mất niềm tin rồi! Ngài Mộng-Đông nói:

- Tại sao xen tạp?... Niềm tin dở quá đi Cụ ơi!...

- Tại sao bị gián đoạn?...Niềm tin dở quá đi Cụ ơi!...

- Tại sao tôi tu nhiều thứ?... Tại vì niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật không có!...

Khi chúng ta đi hộ niệm, thấy một bà Cụ quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật, ta đoán thẳng bà Cụ được chín mươi phần trăm vãng sanh. Nếu bà Cụ nói: “Chú ơi! Tôi muốn tụng bài này, tôi cần tụng bài nọ...”, thì ta đoán rằng bà Cụ đã mất tới bảy mươi phần trăm rồi. Tại vì vạn pháp đều ở trong câu A-Di-Đà Phật hết mà người ta không hay!...

Muốn báo hiếu cho cha mẹ, phải niệm câu A-Di-Đà Phật. Niệm câu A-Di-Đà Phật hồi hướng cho cha mẹ, thì cha mẹ mình được siêu sanh Tịnh-Độ. Cha mẹ còn sống thì mình biết hướng dẫn cha mẹ niệm câu A-Di-Đà Phật, để một câu A-Di-Đà Phật ứng hiện trong tâm.

- Nguyên Lai Di-Đà niệm Di-Đà. Niệm Phật là nhân thành Phật là quả. Nếu lúc mẹ mình nằm xuống mà mẹ mình không biết câu A-Di-Đà Phật để niệm thì Phật Tánh Lựcđâu có nữa! Dù có làm lành, làm phước thì lúc đó cái “Phước Lực” thì có, cái “Thiện Lực” thì có, cái “Tam Thiện Đạo Lực” thì có, chứ còn cái “Phật Tánh Lựclàm sao xuất hiện được. Nghĩa là tự tánh A-Di-Đà không ứng hiện được. Không ứng hiện được thì yếu tố gì để mình được tiếp độ về Tây Phương?!...

Ngài Lý-Bỉnh-Nam nói, Mình nói A-Di-Đà Phật tiếp độ mình về Tây Phương, chứ thật ra là chủng tử A-Di-Đà Phật trong tâm của mình ứng hiện ra mà tiếp dẫn mình đi về Tây Phương. Lý đạo là như vậy. Hôm trước mình có nói, lực nhiếp thọ của A-Di-Đà Phật ví như một cục nam châm. Cục nam châm dù mạnh tới đâu đi nữa cũng chỉ hút được chủng loại nam châm mà thôi. Cùng chủng loại mới hút được, khác chủng loại không hút được. Lúc lâm chung mình cứ nghĩ đến làm thiện ư? Nghĩ đến làm thiện thì trong thiện đạo đó muốn đi sao đi, chứ làm sao trở về Tây Phương được? Chỉ có một chút lý đạo thế này mà nhiều người không hiểu! Muốn về Tây Phương thành đạo mà cứ chập chờn, chao đảo! Giảng nói tới cạn lời mà không chịu nghe!

Càng tạp loạn càng dễ bị mất phần vãng sanh! Càng tạp loạn càng dễ bị mất phần vãng sanh!...

Ví dụ như người thích tu pháp Sám Hối. Sám Hối có Lương-Hoàng-Sám Hối, có Từ-Bi-Thủy-Sám Hối, có Di-Đà Sám Hối, v.v... Mình tu Di-Đà tại sao không niệm Di-Đà để sám hối, mà lại đi sám hối những đường khác để bị lạc mất câu: Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh bỉ quốc! Đang đi đường hướng Tây, lại lo lắng chuyện trở ngại của đường hướng Bắc... Sai lầm vô cùng!

Vấn đề hộ niệm, khai thị nó còn rất nhiều. Mong chư vị nên nhớ. Xin nhắc lại, nhất định một đường đi thẳng, đó gọi là đi tắt, đó gọi là đi chánh.

Trụ Chánh-Định Tụ nhất định chứng ư A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề. Nhược Tà-Định Tụ cập Bất-Định Tụ bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố. Chánh-Định-Tụ là niệm câu A-Di-Đà Phật sẽ được chứng đắc Vô-Thượng Bồ-Đề. Nếu không niệm Phật hoặc tu xen tạp thì nhất định khó có khả năng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây là lời Phật dạy trong kinh Vô-Lượng-Thọ.

Tà-Định Tụ” là không chịu niệm câu A-Di-Đà Phật, đi xéo xéo. “Bất-Định Tụ” là cứ thấy cái gì hay hay cũng tụng hết, thấy cái nào hay hay cũng tu hết, tức là tu tạp.

Mong chư vị chộp lấy cơ hội này mà đi thẳng về Tây Phương Cực Lạc gặp A-Di-Đà Phật để thành đạo trong một báo thân này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 15

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong ngày hôm nay Diệu Âm có điện thoại qua bên Perth để hướng dẫn cho một người bị bệnh ung thư chắc cũng sắp sửa ra đi trong ngày một ngày hai. Đó gọi là “Khai Thị - Hướng Dẫn”. Trong mấy mươi phút nói chuyện cũng giải tỏa nhiều điều cho người bệnh. Người bệnh đã quyết lòng nguyện vãng sanh, chuẩn bị để đi về Tây Phương Cực Lạc, không có sợ chết!

Trong cuộc điều giải này đã giải tỏa được một vấn nạn mà người ta tưởng rằng không thể giải quyết được, đó là một sự xích mích rồi đưa đến tình trạng giận hờn với một người thân nào đó bên chồng và người bệnh đã thề lên thề xuống rằng nhất định suốt đời không thể tha thứ. Khi nói chuyện xong thì người đó đã quyết tâm tha thứ, quyết buông xả. Diệu Âm có nói:

- Bây giờ kêu người đó đến đây, chị quỳ xuống xin lỗi người đó. Không những là không trách người ta mà còn xin lỗi nữa. Chị chịu không?...

- Chịu!...

Rồi tôi nói với ông chồng:

- Bây giờ chị đã sắp chết rồi, anh đi kêu người đó tới đây, rồi bảo người đó rằng, vì một người sắp chết mà quỳ xuống trước mặt người bệnh, rồi cũng xin lỗi để hóa giải mọi sự giận hờn. Anh chịu không?...

- Chịu!...

Tôi nói, vậy là được rồi! Khai thị hộ niệm là vậy đó, không phải là giảng pháp, giảng kinh gì đâu. Mình nói hết sức là tình cảm, vui vẻ, không có gì phải lễ mễ hết. Cách nói cũng giống như đang trò chuyện với nhau, khuyên giải để xả bỏ cho được những gút mắt...

Chị đó là người sắp phải chết rồi. Trước khi đến, tôi đã được ban hộ niệm cho biết rằng chị vẫn còn chấp, vì một sự giận hờn nào đó mà không chịu buông tha. Đây là điểm cần phải chú ý. Để hóa giải vấn nạn này, khi nói chuyện tôi tìm cách khều chuyện này ra. Tôi nói:

- Bây giờ chị phải bỏ hết nghe không? Không lo lắng, không buồn phiền, không giận hờn ai, không thương nhớ ai hết nhé... Ông xã này cũng phải bỏ luôn nhé...

Tôi tìm cách khèo khèo cho ra chuyện này mà. Chị đó mới tự thú rằng:

- Nhưng có một người tôi ghét quá, không thể nào tha được!

Tôi nói:

- Nếu chị muốn đi về Tây Phương làm Bồ-Tát. Bồ-Tát thì phải có tâm đại từ đại bi, tâm quảng đại, không được ghét một người nào chứ. Muốn làm Bồ-Tát mà lại ghét người ta thì làm sao được!?... Chị căm ghét người ta, chị không tha thứ cho người ta, thì làm sao oan gia trái chủ có thể tha thứ cho chị?...

Chị nghĩ thử, người chị ghét đó dù có lỗi như thế nào đi nữa thì cũng chỉ nói sơ suất một chút xíu thôi, chưa động tới cái móng tay của chị, mà chị thề lên thề xuống giận hờn, căm ghét như vậy! Bây giờ những chúng sanh mà chị cắt cổ, mổ ruột, nhổ lông, xẻ thịt người ta ra để chị ăn... thì cái mối thù này làm sao người ta có thể tha cho chị?...

Cho nên, chị tha cho người ta thì oan gia trái chủ mới tha cho chị. Chị có tha cho người ta thì chị mới xứng đáng với cái tâm Bồ-Tát, chị mới có thể về Tây Phương thành Phật thành Bồ-Tát được chứ!...

Nghe nói thấm quá chị mới chịu tha. Sau đó, chị đó lại ngỏ ý tha thiết muốn tôi đến hộ niệm cho chị. Tôi nói rằng, ở bên đó có ban hộ niệm, cứ theo y hệt như vậy mà làm đâu cần phải có tôi? Chị đó nói:

- Nhưng mà tôi không an tâm!...

Vì lòng tha thiết của người bệnh và gia đình, cho nên có thể ngày mai hay ngày mốt Diệu Âm phải bay qua đó một chuyến, có thể khoảng hai, ba ngày gì đó để cho người ta an tâm...

Đây là vấn đề tâm lý mà thôi, chứ thật ra tôi không có năng lực đặc biệt gì đâu! Người lạ đôi khi dễ nói chuyện hơn. Vì người ta tin tưởng vào tôi thì tôi nên đến. Tôi đến cũng nói như bao nhiêu người khác vậy thôi, nhưng vì lòng tin của họ vào tôi mà tôi có thể dễ làm cho người bệnh an tâm. Nhờ một chút an tâm như vậy mà có thể người ta được vãng sanh...

Thưa với Sư Cô cùng chư vị, chương trình hướng dẫn hộ niệm cho người bệnh đến nay có thể tổng kết được rồi để bước qua phần khác. Những điểm mình cần chú ý trong cách “Khai Thị - Hướng Dẫnlà:

- Thứ nhất là người bệnh phải tỉnh táo. Ví dụ như bà chị đó còn tỉnh táo. Dù rằng mặt chị đã sưng lên rồi, đây là triệu chứng báo cho biết là chuẩn bị sắp chết rồi, nhưng vẫn còn tỉnh táo, vẫn còn nói chuyện được. Nếu người bệnh bị mê man bất tỉnh thì thôi chịu thua, không có cách nào có thể hướng dẫn được.

Hiểu được chỗ này, muốn được hộ niệm, gia đình người bệnh phải liên lạc với ban hộ niệm càng sớm càng tốt, phải mời ban hộ niệm trong lúc người bệnh còn khỏe, còn tỉnh. Còn tỉnh thì mình mới dễ hướng dẫn người ta được.

Nói đến đây cũng như để nhắc nhở chúng ta biết rằng, khai thị cho người bệnh chính là khai thị cho chính mình. Tất cả những gì cần thiết về hộ niệm mình biết hết, thì lúc đến phiên mình khỏi cần phải khai thị nữa.

- Một điểm cần phải chú ý nữa là làm sao cho người bệnh phát khởi niềm tin. Hãy vận dụng tất cả những gì khôn khéo của mình ra để giúp cho người bệnh tin tưởng. Có nhiều khi mình muốn khuyến tấn người bệnh, nhưng người bệnh không phát được lòng tin, nhưng khi nhờ đến người khác giúp đỡ, như nhờ một người chú, người bác, người anh, người em tới nói thì họ lại nghe. Đó là vì có duyên với nhau. Nhiều khi chính mình không có duyên nhưng những người khác lại có duyên. Cần nên chú ý điểm này.

Mấy hôm nay Diệu Âm thường hay nói rằng, chúng ta cần phổ biến phương pháp hộ niệm, vận động cho rộng ra. Vì nhiều khi trong gia đình chúng ta nói hoài mà người mẹ không nghe, nhưng biết chừng đâu khi ra ngoài chợ, đi ra ngoài đường gặp một người nào đó nói:

- Trời ơi! Bây giờ già rồi! Trước sau gì cũng phải ra đi, mình phải cần tới hộ niệm. Hộ niệm hay lắm!

Chỉ cần một người ở ngoài nói một lời như vậy mà làm người mẹ của mình giật mình, làm người cha của mình giật mình, làm người không tin đó giật mình... Nhờ duyên này mà người ta tin. Khi khởi phát niềm tin rồi thì tự nhiên thiện căn phước đức nảy nở lên, nhờ đó mình hộ niệm mới được.

Đi thuyết cho người ta tin, thì chính mình phải tin. Đã tin thì phải đi cho vững, đừng có đi chập choạng. Pháp môn niệm Phật rất tối kỵ chuyện tạp tu. Đó là sự thật. Ví dụ như chị đó ở Perth, thuộc một gia đình có chồng con theo Thiên Chúa Giáo, còn chị thì theo Phật Giáo. Thật ra thì lâu lắm mới tới chùa thăm một lần chứ đâu có tới chùa hoài. Như vậy thì đâu có tu hành gì! Nhưng cuối đời, nghe người hướng dẫn vãng sanh, tự nhiên phát lòng tin tưởng, quyết một đường mà đi, cứ câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Tôi hy vọng rất nhiều rằng chị sẽ ra đi để lại thoại tướng bất khả tư nghì cho chư vị coi...

Còn nếu chúng ta tu như thế này mà không vững lòng tin vào câu A-Di-Đà Phật, cứ tưởng rằng câu A-Di-Đà Phật là yếu, câu A-Di-Đà Phật là dở, nên thường vay cái này một chút, vay cái kia một chút! Không ngờ chuyện vay mượn này đã xác định rằng chính cái tâm của mình không vững vàng niềm tin. Không vững vàng niềm tin thì lực niệm Phật không mạnh, làm cho sau cùng chủng tử A-Di-Đà Phật không ứng hiện được. Đây là điều rất quan trọng, xin nhắc đi nhắc lại thật kỹ cho chúng ta nhớ, để khi chúng ta đi hộ niệm phải làm sao cho người bệnh thấy rằng một câu A-Di-Đà Phật là tất cả. Muốn được vậy, đầu tiên chính người hộ niệm phải vững cái tâm niệm này trước.

Một người tu càng tạp chừng nào thì chứng tỏ niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật của người đó càng yếu chừng đó!

Sẵn đây xin nói thêm một điều nữa. Một pháp môn có một tông yếu riêng, có một pháp hành trì riêng. Chúng ta không nên phạm đến quy luật của pháp môn đó, thì sự tu tập của mình sẽ được nhiều thiện lợi.

Ví dụ như tu theo một pháp môn về tự lực, thì chủ yếu của họ là phải diệt cho sạch nghiệp chướng. Vấn đề nghiệp chướng đối với họ lớn vô cùng, bắt buộc họ phải tìm cách diệt cho sạch. Vì vậy, tâm tâm nguyện nguyện của người tu tự lực là diệt nghiệp, gọi là “Đoạn Hoặc Chứng Chân”.

Còn pháp môn niệm Phật không phải lấy việc diệt nghiệp làm chính, mà lấyTín-Nguyện-Hạnhlàm chính.Từng câu A-Di-Đà Phật với Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ thì tự nó phá nghiệp, tự nó hóa giải chướng nạn. Giả như hóa giải chướng nạn không được, thì A-Di-Đà Phật cũng cho ta “Đới nghiệp vãng sanh”, nghĩa là mang nghiệp đi về Tây Phương.

Người tu pháp môn niệm Phật được thành tựu chính là nhờ sự tiếp độ của A-Di-Đà Phật. Còn đối với các pháp môn khác thành tựu chính là tự lực tu chứng,nghĩa là phải diệt cho hết nghiệp chướng. Nghiệp chưa sạch, tình chưa không thì nhất định không có phần thoát vòng sanh tử. Còn ở đây chúng ta nhờ lòng chân thành niệm Phật cầu vãng sanh mà được nguyện lực đức A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây Phương. Xin nhớ cho vững nguyên tắc này.

Khi vững nguyên tắc này rồi, thì ngày ngày đêm đêm lo chuyên tâm niệm Phật. Để chi vậy? Giả sử như một cái thùng lô-tô, chứa đựng rất nhiều con số, số này, số nọ, hàng trăm hàng ngàn con số, mình muốn được con số nào? A-Lại-Da thức của chúng ta giống như một cái thùng lô-tô vô đáy. Chủng tử ác, chủng tử thiện, chủng tử Phật, chủng tử Ma, chủng tử Quỷ,... đủ thứ chủng tử chứa đựng bên trong cái A-Lại-Da thức này. Có vô lượng vô biên chủng tử trong đó.

Đã biết rằng vô lượng vô biên chủng tử mình đã tạo ra từ trong vô lượng kiếp đều chứa trong đó rồi, mà bây giờ chúng ta còn sơ ý thì những chủng tử đó có thể nó ứng hiện ra, ứng hiện cái nào mình bị cái đó.

Như vậy bây giờ làm sao đây?... Bây giờ phải ngày ngày đêm đêm tranh thủ từng giờ từng phút mà tiêm chủng tử A-Di-Đà Phật vào trong A-Lại-Da thức, để chủng tử A-Di-Đà Phật càng ngày càng nhiều trong tâm, nó bao tất cả những chủng tử khác lại. Niệm Phật thì:

- Tâm của mình luôn luôn hướng về Tây Phương.

- Tâm của mình luôn luôn nghĩ tới Phật.

- Tâm của mình lúc nào cũng đắm trong câu A-Di-Đà Phật, gọi là “Tâm trú niệm Phật trung”.

Để chi vậy?... Để cho khi mình nằm xuống, tất cả những chủng tử dù cho vô lượng vô biên tràn ngập từ vô lượng kiếp vẫn còn nguyên đó, nhưng tâm chúng ta đang duyên đến chủng tử A-Di-Đà Phật, để sau cùng ta vẫn nhớ và niệm một câu A-Di-Đà Phật. Chính cái niệm cuối cùng này là cái duyên đưa chủng tử A-Di-Đà Phật của chúng ta xuất hiện ra, gọi là “Phật Tánh Lực” của ta ứng hiện lên, thì A-Di-Đà Phật phóng quang đến tiếp độ được chúng ta đi về Tây Phương.

Còn nếu những người cứ sợ nghiệp! Bây giờ sợ nghiệp thì khi nằm xuống chắc chắn họ cũng sợ tới nghiệp! Mà tâm sợ nghiệp thì tâm duyên tới nghiệp. Tâm duyên tới nghiệp thì hàng vạn cái nghiệp sẽ ứng hiện trong tâm, nó sẽ dìm chủng tử A-Di-Đà Phật xuống. Chịu thua rồi!...

A-Di-Đà Phật chỉ có tiếp độ Tự Tánh Di Đà, nghĩa là chỉ tiếp độ chủng tử A-Di-Đà của chúng ta, chứ A-Di-Đà Phật không tiếp độ cái nghiệp của chúng ta. Những người tu hành càng xen tạp chừng nào, thì sau cùng càng khó vãng sanh chừng đó, nguyên do chính là ở chỗ này.

Mong chư vị hiểu được lý đạo này, mới biết rằng những người nào tu xen tạp sẽ rất khó vãng sanh! Muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc mà tu xen tạp là một đại chướng ngại cho họ! Dù người đó tu hành có giỏi hơn cái bà ở trên thành phố Perth, nhưng chưa chắc đã hơn được bà! Chúng ta thấy rất rõ rằng bà ở thành phố Perth đâu có tu hành gì! Khi bà đó biết được niệm Phật là lúc đã bị ung thư sắp chết rồi. Gặp người hộ niệm nhắc nhở đường vãng sanh, bà mới phát lòng tin và chỉ cần từ đây niệm Phật. Họ nhắc rằng, bà phải nhớ Phật nghe, niệm Phật nghe, nghĩ tới Phật nghe, không sợ chết nữa nghe... Bà làm được như vậy thì tự nhiên Tự Tánh Di Đà ứng hiện, dù có thể bà niệm Phật một ngày thôi, chủng tử A-Di-Đà Phật chỉ thâm nhập có mười chủng tử thôi, nhưng mà bắt đầu từ lúc có cái chủng tử A-Di-Đà Phật đó, thì bà:

- Luôn luôn nhớ tới A-Di-Đà Phật.

- Luôn luôn nghĩ tới A-Di-Đà Phật.

- Luôn luôn nhớ về Tây Phương.

Thì cái niệm cuối cùng này nó duyên đến chủng tử A-Di-Đà Phật, vô tình chân tâm tự tánh của bà đó sẽ vẹt tất cả những nghiệp chướng, vẹt tất cả những đám mây mù mà ngoi lên. Được A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc.

Chính vì vậy chúng ta về Tây Phương là nhờ Phật tiếp độ chứ không phải là tự lực tu chứng. Xin chư vị nắm vững lý đạo này cho thật rõ ràng.

Ngài Ấn Quang Đại Sư nói Chí Thành - Chí Kính là đạo nhiệm mầu để ta về Tây Phương, chứ không phải là tự chứng đắc.

Mong cho chư vị hiểu được như vậy để chúng ta đi về Tây Phương không bị chướng ngại.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 16

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong mấy ngày hôm nay, chúng ta nói về Khai Thị - Hướng Dẫncho người vãng sanh trong phép hộ niệm, thì mai này Diệu Âm phải đi qua bên tây Úc, để làm công việc này. Thật ra thì vị này đã có duyên, cách đây hai tháng trong lúc đi qua bên tây Úc đã gặp được chị. Chị bị bệnh ung thư đang nằm chờ chết, thì duyên may gặp được những người hộ niệm hướng dẫn, khai thị và chị đã phát lòng tin tưởng để đi về Tây Phương. Bản thân là tu học Phật, nhưng gia đình thì Thiên Chúa giáo. Điều này cũng có một chút ít chướng ngại! Nhưng mấy ngày qua Diệu Âm có điện thoại tới khuyên bảo, thì tất cả gia đình đều đồng ý giúp cho chị này được vãng sanh.

Như vậy “Hướng Dẫn - Khai Thị”hộ niệm chúng ta đã làm. Khi một người còn tỉnh táo thì mới thực hiện được sự khuyên bảo này, chứ đến lúc hấp hối, lâm chung thì không còn cách nào hướng dẫn được nữa. Chính vì vậy, xin nhắc lại là nếu trong đồng tu chúng ta có bà con, thân nhân, anh em... muốn được hộ niệm thì phải thông báo trước, phải cho biết trước. Gia đình phải khuyên nhủ trước để cho người bệnh chấp nhận sự hộ niệm. Gia đình cũng phải thông hiểu việc hộ niệm và hỗ trợ tích cực vào việc này thì ban hộ niệm mới có thể hộ niệm được.

Ví dụ như cách đây hơn một tuần, có một người bệnh ở gần đây, nhưng chúng ta không cách nào nhận đến hộ niệm được! Tại vì trong lúc còn tỉnh táo thì không chịu kêu, khuyên tu thì người đó không chịu tu, đến lúc đã mê man bất tỉnh trong bệnh viện rồi người thân mới kêu. Đã quá trễ! Chúng ta có đến cũng như không!...

Hôm nay chúng ta tiến thêm một bước nữa, là đang hộ niệm mà người bệnh hấp hối thì khai thị làm sao? Ví dụ khi tôi đi qua bên tây Úc, nếu vị đó ra đi trong dịp này thì chắc chắn rằng Diệu Âm phải làm công chuyện đó. Tương tự như coi trong các cuộn phim, các video hộ niệm vãng sanh, quý vị thường thường thấy người trưởng ban hộ niệm đứng bên cạnh người hắt hơi sắp sửa ra đi, họ nói rất lớn lời này:

- Bác Trần văn X ơi! Giờ phút này Bác đã sắp sửa buông báo thân rồi. Mau mau nhiếp tâm lại niệm câu A-Di-Đà Phật để theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây là cái giây phút hết sức quan trọng, đừng phân tâm, đừng chao đảo, cố gắng niệm theo chúng tôi, chờ A-Di-Đà Phật đến, theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Thường thường nói câu đó. Xin nhắc lại, hãy nhắc nhở cho người bệnh biết rằng giờ phút xả bỏ báo thân đã đến.

- Bác Trần văn X ơi! Bao nhiêu năm qua Bác chờ đợi cái giờ phút này để theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây Phương thành đạo. Thì giờ phút này sắp đến rồi. Hãy vui vẻ lên! Nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật để cơ hội này mình được vãng sanh thành đạo. Nhất định đừng có phân tâm nhé.

Nói chậm rãi, rõ ràng...

- Trong giờ phút này tất cả mọi cảnh giới chỉ là huyễn mộng!... Là giả!... Xin bác Trần văn X cứ việc nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật. Tuyệt đối không theo một vị nào khác...

Quý vị hãy nghe thật kỹ những lời nói này. Mình phải nhắc hai-ba lần, chứ không phải chỉ nhắc một lần. Mỗi lần nhắc một chút thôi.

- Bác Trần văn X ơi! Một đời mình tu hành là chờ đến cái giây phút này để xả bỏ báo thân, xả bỏ những thứ vô thường của cuộc đời, đi về Tây Phương thành đạo. Thì đây là cơ hội thù thắng, Bác phải vui mừng lên, vững vàng, theo A-Di-Đà Phật. Nhớ niệm theo chúng con nhé...

Rồi bắt đầu niệm: “A-Di-Đà-Phật... A-Di-Đà Phật...”. Rõ ràng từng tiếng, từng tiếng. Lúc hấp hối có thể mình sẽ thấy người bệnh thở từng hơi một rất là khó khăn. Chúng ta có thể nương theo hơi thở của họ mà niệm: “A... Di... Đà... Phật...”. (Niệm theo hơi thở: Thở một hơi niệm A, thở một hơi nữa niệm Di, v.v...).

Sở dĩ những người sắp sửa xả bỏ báo thân thường hay há cái miệng ra thở và thở hắt hơi lên, vì lúc đó các cơ bắt đầu muốn ngừng rồi. Các cơ ngừng thì máu cũng theo đó mà chạy chậm lại, người bệnh cảm thấy ngộp, khó thở, cho nên phản ứng tự nhiên của họ là cố mở miệng cho thông cổ ra, mở cho thông đường khí quản ra, và họ chỉ còn thở được từng hơi thở một. Nếu họ thở từng hơi khá chậm, chúng ta cũng có thể nương theo từng hơi thở đó mà niệm: “A-Di-Đà Phật”. Thở một hơi nữa: “A-Di-Đà Phật”... Trong lúc người ta xả bỏ báo thân thì niệm một trong hai cách này là tốt nhất. Niệm như vậy để giúp cho người bệnh nghe tiếng niệm của mình mà niệm theo. Một lần người ta hít hơi vô thở ra một cái, thì nương theo tiếng của mình họ niệm một tiếng... Phải niệm thật rõ ràng.

Trong giờ phút này rất cần người trong gia đình, con cháu quỳ xuống trước bàn thờ Phật, lạy Phật, cầu Phật tiếp độ. Nếu gia đình thành tâm thì trong những lúc này hãy cố gắng lạy Phật, lạy đến đổ mồ hôi mới hay! Có lạy như vậy mới chứng tỏ sự thành tâm cầu Phật gia trì, thành tâm cầu viện chư vị pháp giới chúng sanh hộ niệm cho người đó, thì tự nhiên sẽ có cảm ứng rất là mạnh.

Trong những giây phút này rất là căng thẳng, không được để một người nào lạ không biết pháp hộ niệm đi vào trong phòng hộ niệm.

Tại vì nếu mà người ta sơ ý, nhất là những người bà con thân thuộc ở xa, nghe nói người bệnh sắp chết thì thường cứ điện thoại, nhắn tin trở về là điều không tốt! Tốt nhất mình cứ im lặng hộ niệm khi nào viên mãn xong rồi, tức là từ tám giờ đồng hồ mới bắt đầu điện thoại kêu. Nhờ vậy người ta muốn đi tới thăm thì ít nhất cũng hai hoặc ba tiếng đồng hồ nữa. Thời gian này đủ cho mình hộ niệm viên mãn...

Có nhiều người không biết hộ niệm, gần những lúc người bệnh sắp chết thì cứ kêu thân nhân về cho nhiều. Những người đang ở bên cạnh người bệnh thì đã biết về hộ niệm, đã từng học hỏi qua khai thị hướng dẫn, thì họ có thể giúp ích người bệnh niệm Phật. Còn những người thân khác ở từ xa bay về, thường người ta nhào vô quậy rối lên. Người ta ôm, nắm, níu, khóc... sẽ làm cho người bệnh bị trở ngại, không thể định tâm niệm Phật, nhất định khó được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Chính vì vậy, ở giây phút này ta phải hết sức chú trọng. Tất cả con cái nếu có thể mặc áo tràng để ngồi hộ niệm thì rất tốt. Nếu không có áo tràng cũng không sao. Cố gắng nhiếp tâm niệm đều đều câu A-Di-Đà Phật. Hãy phát tâm quỳ lạy Phật cho nhiều. Người trưởng ban hộ niệm lúc này luôn luôn phải ở tại hiện trường, lâu lâu thì nhắc nhở một lần:

- Bác Trần văn X ơi! Vững vàng, vui vẻ niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật. Nhất định trong cơ hội này vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nói ngắn gọn. Lúc hấp hối, có người khai thị cũng hơi giống như vậy, nhưng nói như thế này:

- Bác Trần văn X ơi! Niệm Phật đi theo Phật... Theo Phật nghe Bác.

Xin hỏi chư vị, câu này có gì sai không?...

- Ráng niệm Phật nghe Bác! Niệm Phật để đi về với Phật nghe Bác! Đừng đi theo ai hết.

Quý vị nghe thử câu này có gì sai không?...

- Có!... Phải nói là: “Đi theo A-Di-Đà Phật”. Không được nói “Đi theo Phật”. Không được nói “Đi theo Phật” một cách trổng trổng! “Một đời mình tu, bây giờ phải theo Phật, về với Phật nghe”!Nói trổng trổng như vậy rất dễ hướng dẫn người ta đi sai đường! Mà phải nói rõ ràng:

- Đi theo A-Di-Đà Phật, niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật để về Tây Phương với A-Di-Đà Phật.

Nhắc đi nhắc lại, nhắc lên nhắc xuống câu “A-Di-Đà Phật”, để tâm người bệnh xác định là chỉ được quyền đi theo “A-Di-Đà Phật”.

Có nhiều người hộ niệm, nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm, thường nói: “Đi theo Phật, không được đi theo ai hết”. Đây là những lời hướng dẫn vô cùng sơ ý, dễ làm cho người bệnh bị mất phần vãng sanh! Vì xin thưa rằng, trong pháp giới này có nhiều cảnh giới mà mình không thể lường trước được. Trong vấn đề nhân quả của chính mình, mình phải chịu lấy. Mình giết hại chúng sanh, mình gạt, mình đốt, mình bắt, mình làm gì đó,... tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp sát. Nghiệp sát thì tạo ra oán thân trái chủ. Oán thân trái chủ thường thường họ theo sát bên cạnh mình để chờ đến giờ phút gọi là buông xả báo thân, sẽ tìm mọi cách để trả thù. Người hộ niệm có điều giải, nhưng chưa chắc gì đã điều giải hết được.

Ví dụ như có một ngàn người, mình điều giải được bảy trăm người, nhưng còn đến ba trăm, người ta không chịu tha thứ... Bên cạnh đó cũng có thể có những chúng sanh khác, họ không muốn người bệnh này đi về Tây Phương. Nếu sơ ý mình nói: “Đi về với Phật, đi về với Phật”. Nghe nói vậy, họ có thể ứng ra hình tướng một vị Phật liền, họ giả dạng ra liền, cũng đỏ đỏ, xanh xanh, trắng trắng, hồng hồng... bay phất phới. Người bệnh thích quá, tưởng là Phật đi theo liền!...

Thành ra, vì sơ ý một chút như vậy mà làm cho người bệnh bị lạc đường. Xin nhắc lại, mình phải nói:

- Bác Trần văn X ơi! Phật tử Y... gì đó ơi! NiệmA-Di-Đà Phậtvới chúng con, đi theoA-Di-Đà Phật, nhất định không được đi theo một người nào hết. Có chúng con đang niệm Phật tại đây, quang minh của Phật đang phổ chiếu ở tại đây. Hãy nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật, chờ A-Di-Đà Phật đến, đi theo Ngài vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nhất định không thể lạc đường.

Nói rõ ràng!

Nói vậy thì người bệnh đó dễ xác định, còn mình phải nhắc nhở, luôn luôn phải nhắc nhở đến tiếng “A-Di-Đà Phật” để cho người bệnh vững tâm.

- Bác Trần văn X ơi! Tất cả mọi cảnh giới đều là huyễn! Là giả! Dù có thấy gì cũng không sao hết. Có chư vị Phật tử đang ở sát bên cạnh hộ niệm cho Bác đây. Có quang minh của Phật đang che chở cho Bác đây. Bác hãy yên chí, không sợ gì cả!

Nói rõ ràng! Nhất định ngoài những câu nói này không được làm gì khác hết. Không được tụng một câu Chú, không được tụng một câu Kinh, không được tụng một cái gì khác. Hãy nhắc nhở, rồi cứ niệm A..Di..Đà..Phậtđồng thanh niệm đều, niệm mạnh, niệm từng tiếng A..Di..Đà..Phật, A..Di..Đà..Phật. Có nhiều người thiếu kinh nghiệm hộ niệm, trong lúc này lại đọc Chú này, đọc Chú nọ, có thể làm họ mất phần vãng sanh!

Mong chư vị khi biết được những chuyện này, ví dụ sau này người nhà của mình ra đi, thì áp dụng vững vàng như vậy. Chắc chắn rồi sau khi đi bên tây Úc về chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề “Điều Giải - Khai Thị”oan gia trái chủ. Đây là những điểm hết sức quan trọng. Sau khi đã hướng dẫn người bệnh, chúng ta cần nói về oan gia trái chủ. Xin chư vị nên cố gắng lắng nghe, để chúng ta có thêm chút ít năng khiếu hướng dẫn một người biết đường đi thẳng về Tây Phương khỏi bị lạc...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 17

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong mấy ngày qua Diệu Âm đi qua tây Úc. Chuyến đi này có liên quan đến vấn đề “Khai Thị - Hướng Dẫn” hộ niệm. Hôm nay trở về đây xin báo cáo với chư vị tình hình ở bên tây Úc.

Trong ba ngày qua đó hộ niệm cho vị Phật tử này, dù rằng hiện tại bây giờ vị này chưa ra đi, tức là vẫn còn nằm trên giường bệnh, nhưng thật ra thì kết quả cũng bất khả tư nghì! Phải nói rằng, hộ niệm thật bất khả tư nghì! Khó có thể mà diễn tả nên lời!...

Trong ba ngày hướng dẫn cho vị đó, vô tình đã hướng dẫn cho cả gia đình vị đó luôn. Tại vì cả gia đình là một đại gia đình Thiên-Chúa giáo, hoàn toàn là Thiên-Chúa giáo, chỉ có một người bệnh đó là còn giữ được ít nét về đạo Phật mà thôi, chứ thật ra không có tu gì nhiều hết. Đến khi phát hiện bị ung thư thì hoảng kinh hồn vía, chạy tìm người cầu cứu, may mắn gặp được ban hộ niệm. Bây giờ thì đang trong giờ phút hơi nguy kịch, toàn thân thì đã phù lên rồi, nhưng riêng vị đó đã thật sự quyết tâm vãng sanh. Có nhiều lần giống như đang sắp sửa hấp hối, làm cho cả gia đình quýnh lên!... Nhưng sau ba ngày hướng dẫn khai giải, thì mọi người không còn luýnh quýnh nữa.

Tinh thần của vị đó khá vững và đã tin tưởng một cách mạnh mẽ, có thể nói là tin tưởng tới chín mươi chín chấm chín phần trăm (99.9%) và sự quyết lòng vãng sanh có thể lên tới chín mươi chín chấm chín phần trăm. Đầu tiên thì gia đình của vị đó không tin lắm. Người chồng trước đây có làm việc trong cộng đồng, nên quen thân rất rộng, toàn là bác sĩ, nhà văn, luật sư,... Con cái hầu hết cũng đều được đỗ đạt.

Sau ba ngày hộ niệm, trong những lúc gọi là “Khai Thị”đó thì Diệu Âm này có lẽ hơi lẻo mép, vừa khai cho người bệnh lại vừa khai cho gia đình luôn. Hướng dẫn ba ngày thì gia đình bắt đầu tin tưởng. Như ngày hôm qua đây mọi người đều bắt đầu phát tâm lạy Phật, có người lạy đến xỉu luôn! Ông chồng lạy Phật tới xỉu luôn. Một người Thiên-Chúa giáo mà lạy Phật! Ông phát nguyện và nói với người vợ như vầy:

- Ngày hôm nay anh sẽ lạy Phật cho em một trăm lạy...

Không biết ông lạy đã đủ chưa, mà giữa chừng thì thấy xỉu rồi! Còn các con cũng cùng nhau lạy, đứa nào đứa nấy cũng trầy trụa đầu gối hết trơn. Điều này chứng tỏ rằng họ đã phát tâm tin tưởng rồi đó...

Vấn đề những người quen thân tới thăm, ngày đầu thì vẫn còn vào nói chuyện lung tung!... Vì thân nhân, bạn bè quen biết nhiều quá, nào là bác sĩ, luật sư, nhà văn,... cứ tới thăm hoài. Một khi tới thăm thì đem toàn chuyện tình cảm của thế gian ra bàn tán. Đến ngày thứ hai, chính người bệnh đó đã nói như thế này:

- Quý vị tới đây niệm Phật, thì tôi cho vào. Còn tới đây hỏi han, thì thôi đừng hỏi nữa. Lo niệm Phật đi...

Vững vàng lắm rồi, phải không nào?... Rất là vững vàng! Nói chung, hầu hết những gút mắt của gia đình, của người bệnh hình như đã được hóa gỡ trọn vẹn. Gia đình của chị đó cũng có mấy người ở bên Mỹ qua, ở bên Việt-Nam qua. Bây giờ mấy vị đó cũng đã lạy Phật cả rồi, lạy suốt như vậy, nhất là những lúc người bệnh giống như sắp sửa ra đi. Nên nhớ, người Thiên-Chúa giáo làm sao họ biết lạy Phật, tôi mới mời các vị đồng tu của ban hộ niệm làm gương lạy trước. Lạy làm mẫu. Sau cùng có thể nói là cả một gia đình đều lạy hết. Khá hay!

Những người thân ở bên Mỹ thường gọi qua hỏi thăm, thì chính người bệnh “Khai Thị”cho những người ở bên Mỹ luôn. Hay không? Chị nói:

- Bây giờ tôi đã quyết lòng tôi về Tây Phương rồi. Nói “Hé-lô” một tiếng rồi niệm A-Di-Đà Phật đi. Niệm Phật trên máy. Niệm Phật đi thì tôi nói chuyện, không niệm thì tôi không nói chuyện...

Người bệnh nói ngon lành vậy đó! Thấy vậy, trước khi ra về tôi nói rằng, với tinh thần này mà giữ vững, đều đều như vậy đó, thì tôi có thể đoán tới chín mươi lăm phần trăm (95%) thành công. Tôi không dám nói tới một trăm phần trăm. Tôi cũng dặn dò hết mọi người trong gia đình phải cố gắng hộ niệm. Để động viên tinh thần mọi người, tôi nói, tôi đoán tới chín mươi lăm phần trăm khi chị ra đi sẽ có hiện tượng bất khả tư nghì, trước mặt chư vị để cho chư vị cùng thấy. Còn năm phần trăm nữa thì tôi phải chừa cái ngõ thoát!... Nghĩa là, lỡ có gì trở ngại thì tôi “Đổ Thừa!”... Chứ biết làm sao hơn?

Tôi dặn người nhà phải “Y giáo phụng hành”, nhất định đúng mực như vậy mà thi hành, không được làm điều gì khác hết. Toàn bộ ban hộ niệm cũng phải đúng mực như vậy mà hộ niệm, không được thêm bớt gì hết... Nếu được vậy, tôi nói, có thể bảo đảm được tới chín mươi lăm phần trăm thành công.

Ngày đầu tiên thì còn người này vô, người kia vô. Tôi nói với gia đình, vì ngày đầu tiên hoàn cảnh rất tốt, tinh thần vững vàng, nên tôi dám đoán sự thành công tới chín mươi phần trăm. Nhưng ngày thứ hai tôi thấy có sự lộn xộn, không hợp với việc hộ niệm, tôi xin đoán lại là xác suất được vãng sanh chỉ còn ba mươi phần trăm là cùng! Tại sao vậy? Vì người bệnh đã tiếp xúc quá nhiều người thân quen bên ngoài...

Mình thấy rõ rệt, vấn đề “Hướng dẫn” cho người bệnh vãng sanh quan trọng vô cùng, tinh tế vô cùng, chứ không phải hộ niệm là chỉ đến niệm: “A-Di-Đà Phật! A-Di-Đà Phật!...” Nếu giả sử như những lời khai thị cho vị đó mà không vững, thì cả gia đình đến hôm nay chưa chắc gì có một người nào cất lời niệm Phật đâu. Nhưng bây giờ thì người chồng ngồi suốt bên cạnh người vợ, niệm Phật ra tiếng đàng hoàng. Tất cả con cái đều niệm ra tiếng đàng hoàng. Mỗi người con đứng bên mẹ thỉnh thoảng dặn dò:

- Mẹ ơi! Mẹ quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật đi về Tây Phương nhé.

Tôi biết đây là một gia đình Thiên-Chúa giáo, nên khi khai thị cho người bệnh, tôi thường dùng những lời lẽ có tính hòa đồng tôn giáo mà nói. Tình thật tôi không có tâm phân biệt đạo giáo nào hết. Phải có tâm hòa đồng. Phải có thiện xảo phương tiện. Sau cùng mọi người nghe qua hình như thấy rằng A-Di-Đà Phật chính là Thượng-đế, Thượng-đế chính là A-Di-Đà Phật. Tôi nói với mọi người, bây giờ quý vị niệm A-Di-Đà Phật chính là niệm Thượng-đế. Khi vào nhà thờ tôi sẽ lạy Thượng-đế tức là tôi lạy A-Di-Đà Phật. Nói đến đây thì người chồng có lẽ ngộ ra và nói rằng, “Nay tôi mới hiểu được cái lý đạo này”. Các người con hình như cũng thông cảm ra được chỗ này. Tôi nói:

- Vậy thì, bây giờ chúng ta cứ thành tâm niệm A-Di-Đà Phật đi. A-Di-Đà Phật đã đưa ra quy luật niệm Phật để vãng sanh. Khi chị vãng sanh về Tây Phương rồi, lúc đó chị sẽ nói: “À! Thượng-đế cũng ở đó, Bồ-Tát cũng ở đó, mà Phật cũng ở đó luôn”.

Tôi nói tiếp:

- Nếu chị này đi về Tây Phương rồi, bây giờ muốn cứu độ chúng sanh. Giả sử như có một số thân nhân ở bên nước Nam Phi, thì chị sẽ ứng hiện về Nam Phi để cứu độ. Lúc đó có thể chị ứng ra không phải là A-Di-Đà Phật, không phải là Bồ-Tát, mà ứng hiện với một cái tên hay một hình tướng thích hợp nào đó... Chỉ vậy mà thôi.

Tôi nói đến đây thì tất cả các chư vị cảm thấy hoan hỷ, và kết quả là đến ngày thứ ba thì cả gia đình cùng nhau lạy Phật. Người chồng lạy đến nỗi muốn xỉu luôn. Đây là một thành quả rất là tốt.

Thưa chư vị, bắt đầu ngày mai thì mình tiếp tục chương trình: “Điều Giải Oan Gia”. Trong suốt ba ngày qua, tôi đã điều giải oan gia rất là nhiều. Trước khi đến thì bà chị đó đau dữ dội lắm! Chị đau đến nỗi có nhiều lúc quằn quại, méo miệng, méo mồm! Nhưng sau ba ngày thì tự nhiên chị niệm mạnh hơn. Chị niệm Phật luôn ba tiếng đồng hồ. Mình niệm mà thấy mệt, muốn xin nghỉ, còn chị đó thì nói, “Thôi nghỉ mười lăm phút rồi niệm tiếp”. Tức là người bệnh đó niệm mạnh hơn mình. Hình như có một sự gia trì nào đó. Mặc dù đôi lúc chị cũng bị đau, nhưng chị niệm Phật thật bất khả tư nghì! Phải nói rằng, đó là một người có nghị lực kiên cường. Đây quả là một sự khuyến tấn cho chúng ta. Hãy vững vàng lên! Hãy mạnh mẽ lên!...

Chị này đã không chịu dùng thuốc Morphine nữa. Quyết lòng! Vững vàng! Chị viết ra một tờ di chúc đàng hoàng, trong đó có dặn không đi vào bệnh viện nữa. Bệnh viện cho mượn cái giường đem về nhà để nằm. Chị niệm Phật suốt đêm. Mấy ngày tôi tới đó, không có đêm nào mà chị ngủ hết. Niệm Phật suốt đêm. Mình chỉ niệm có ba tiếng đồng hồ rồi về, còn chị thì niệm Phật suốt đêm như vậy. Những người con thì ngồi bên cạnh niệm Phật với mẹ. Chị niệm Phật liên tục mấy ngày nay rồi.

Đây là một cái gương về tinh thần quật khởi mạnh mẽ. Khuôn mặt của chị càng ngày càng sáng ra. Lạ lùng lắm! Cái môi của chị ửng hồng lên, dù rằng chị chưa ra đi, nhưng trông chị đẹp hơn lúc tôi gặp chị cách đây mấy tháng. Thật sự, chị rất kiên cường và rất sáng suốt. Tôi không biết tới lúc ra đi, chị còn giữ vững được sự sáng suốt này nữa hay không?...

Từ chuyện này, cũng là một tác động rất mạnh về vấn đề tâm lý. Khi mình đi hộ niệm, khai thị vững vàng cho người ta. Riêng tôi thì lúc nào tôi cũng nói những lời tích cực. Điểm này rất quan trọng. Trước đó các vị trong ban hộ niệm cũng có khai thị, nhưng vì gia đình quen biết lớn quá, toàn là bác sĩ, luật sư, những người tiếng tăm trong cộng đồng tới thăm không à, làm ban hộ niệm luýnh quýnh lên, không khai thị được. Quýnh quáng lên thì tinh thần bị chao đảo!...

Còn gặp tôi thì tôi cứng rắn hơn, gặp các vị bác sĩ đang đứng nhìn không niệm, thì tôi mời các vị bác sĩ đó hãy vì thương kính người bệnh mà chắp tay cùng niệm Phật. Tôi không có bỏ sót một người nào hết. Lời nói của tôi thành tâm, nhưng cũng rất vững vàng. Mình phải vững vàng như vậy đó thì người chồng mới vững vàng. Những người con của người này đang làm đến chức trưởng phòng trong những công ty rất lớn trên cả toàn thế giới nữa. Họ toàn là người học thức.

Vấn đề tâm lý hết sức quan trọng, cần nên chú ý. Cũng là câu nói: “Chị ơi! Chị niệm Phật đi”. Nhưng mình nói mập mờ! Mình nói “Xìu-xìu”! Thì tự nhiên tâm ý của chị cũng xìu xuống. Còn mình nói cho mạnh lên...

- Chị biết không? Chị đi về Tây phương được là chị thành đạo, thành đạo rồi chị giác ngộ cho chồng chị, chị giác ngộ cho con chị, chị giác ngộ cho những người chung quanh. Tại vì những người chung quanh đang cần sự chứng minh của chị. Chị phải ra đi an nhiên tự tại... Làm sao an nhiên tự tại?... Tín chị đã vững rồi. Nguyện chị đã vững rồi. Niệm chị vững vàng nữa thì...

- Nhất định chị cảm ứng với A-Di-Đà Phật.

- Nhất định chị phải để lại thoại tướng bất khả tư nghì...

- Thì những người còn hồ nghi nhất định họ sẽ không còn hồ nghi nữa...

-Những người chồng, người con, hổm nay tôi thấy không có chịu niệm Phật, thì chị phải vững vàng nhé. Trong những cơn đau chị vững vàng niệm Phật lên thì chị hết đau. Hết đau thì những người chung quanh này mới giật mình tỉnh ngộ, tự hỏi: Tại sao không dùng thuốc mà lại hết đau?...

Mình cần phải ủng hộ tinh thần cho người bệnh. Nhờ vậy tự nhiên chị đó niệm ào ào lên. Trong những ngày sau không cần dùng thuốc Morphine nữa. Hay vô cùng, phải không nào!

Chị đó cũng yêu cầu là không dùng thuốc dùng thang gì nữa hết trơn. Phải nói là một tinh thần kiên cường. Bất khả tư nghì!

Sau cùng rồi thì tất cả mọi người trong gia đình đều phát tâm niệm Phật và ngày đêm túc trực bên cạnh để niệm Phật. Họ đều thành khẩn chắp tay. Trước đó, mấy ngày đầu họ không bao giờ chắp tay, nhưng mà những ngày sau lúc nào hồi hướng công đức đều chắp tay đàng hoàng, lạy Phật đàng hoàng.

Đây là một nguồn vui sơ khởi. Dù rằng người bệnh chưa ra đi, nhưng thấy cái hy vọng của một hiện tượng vãng sanh tại đó có vẻ rõ rệt. Thấy vậy tôi đoán tới chín mươi lăm phần trăm thành công, còn năm phần trăm nữa thì không biết sao? Xin quý vị hãy chờ coi...

Xin báo cáo với chư vị về chương trình ở bên ấy là như vậy, chứ không phải hiện tại đã được vãng sanh.

A Di Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 18

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Đêm nay, sau khi cộng tu xong thì chúng ta sẽ đi thăm một người bệnh, chư vị nào có muốn đi thì đi, có liên quan đến vấn đề điều giải chư vị trong pháp giới chúng sanh. Nói chung là có trở ngại chút ít về vấn đề liên hệ với chư vị trong pháp giới. Sẵn đây Diệu Âm cũng xin thưa qua chuyện điều giải oan gia trái chủ, vì hai chuyện này có liên hệ với nhau.

Thành thật ra Diệu Âm không phải có nhiều kinh nghiệm lắm trong chuyện này đâu, nhưng khi đi hộ niệm thì thường xuyên trong cuộc hộ niệm nào chúng ta cũng phải lo điều giải chư vị hữu duyên trong pháp giới, duyên lành hay duyên chẳng lành hoặc là vô duyên không có liên hệ gì hết, chúng ta cũng đừng nên quên họ. Hãy cố gắng điều giải.

Không biết cái duyên như thế nào, trên Internet người ta thường email thổ lộ cho Diệu Âm những chuyện giống như liên quan đến vấn đề tâm linh, nhập thân,... nhiều lắm. Người ta thổ lộ nhiều nên mình biết nhiều. Biết được mới đem một chút kinh nghiệm này ra thưa thỉnh, chứ chưa chắc gì Diệu Âm đã lịch lãm chuyện này lắm đâu.

Đầu tiên để tránh vướng phải tình trạng này, xin chư vị cố gắng phòng bệnh hơn trị bệnh. Hầu hết những vấn đề có liên quan đến chuyện này, phải nói rằng, khởi đầu hơn chín mươi phần trăm là do chính người đang bị vướng đó làm sai lầm trước. Họ tự dẫn độ mình đến với trở ngại này.

Chúng ta nên biết, hàng ngàn người tu hành không phải người nào cũng bị như vậy đâu. Chỉ có một người, hoặc một vài người thôi. Không nhiều! Nhưng khi tìm hiểu kỹ, thì hầu hết vấn đề xảy ra có phần giống nhau. Có phần hơi giống nhau, chứ không phải là toàn bộ giống nhau.

Điểm thứ nhất cần nên chú ý là chính mỗi cá nhân chúng ta đều là phàm phu tục tử hết. Căn trí của chúng ta thật sự thấp lắm chư vị ơi! Không có cao đâu! Trí huệ của chúng ta không có bao giờ dễ dàng khai mở giống như người ta thường lý luận đâu.

Có câu nói như thế này: “Tam tâm bất khả đắc, vạn pháp nhân duyên sanh”. Câu này hay lắm! “Đắc” có nghĩa là chứng đắc. “Tam Tâm” là chân tâm của chúng ta trải qua trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Cái chân tâm của chúng ta không dễ gì tự chứng đắc được đâu! Khó lắm!... Chỉ có những vị đại Bồ-Tát, những vị đã “Minh Tâm - Kiến Tánh” mới được. Thật ra toàn bộ chư vị đều là Phật, Bồ-Tát tái lai không à, mới có thể đắc.

Còn chính chúng ta không đắc đâu! Không đắc mà chúng ta cầu cho đắc, thành rado “Duyên Khởi” mà sinh ra những chuyện này. “Vạn Pháp” là tất cả những hiện tượng mà mình gặp đến. Vạn sự vạn vật gọi là vạn pháp, trong đó có những hiện tượng của chính mình. Do bởi chính cái tâm của mình duyên đến mà sinh ra như vậy!

Có nhiều người hồi giờ chưa biết Phật pháp, khi có cơ duyên thọ tam quy, thì tự nhiên họ có cảm ứng này, có cảm ứng nọ. Sau một vài năm tu tập thì thấy hình như có đắc này, đắc nọ!... Vạn pháp do duyên khởi mà sanh ra hết, chứ không phải chứng đắc dễ dàng như vậy đâu! Hầu hết do cái tâm cầu chứng đắc của mình quá mạnh! Bên cạnh đó, chưa gặp ai khai giải giúp mình biết rằng trình độ hiểu biết, trí huệ của mình đã bị vùi lấp trong khối nghiệp chướng lớn lắm!

Nghiệp chướng có hai phần, trong đó có cái phần gọi là oan gia trái chủ. Đây là do sự liên hệ với chư vị chúng sanh trong pháp giới đã bị xấu đi, do trong lúc chúng ta tu hành hoặc không biết đạo đã sơ ý tạo ra cái duyên chẳng lành với họ. Cái mối bất lành nó âm thầm theo sát bên mình. Nếu cái tâm của mình vui vẻ,thoải mái,khiêm nhường,chí thành,... thì thường thường có chư Thiện-Thần làm bạn lữ. Nếu người niệm Phật mà có tâm chân thành, chí thành thì trong kinh Phật nói có hai mươi lăm vị Bồ-Tát gia trì cho chúng ta. Cho nên người hành giả niệm Phật thường thường ít bị trở ngại.

Tuy nhiên, vì có nhiều người không hiểu được đạo lý căn bản này: “Chí Thành - Chí Kính là đạo nhiệm mầu” đối với người phàm phu tục tử, nên thường hay móng tâm cầu chứng đắc. Móng tâm cầu là tạo “Duyên”, hay gọi là “Tâm Duyên”. Tự mình duyên lấy tất cả. Khi móng tâm cầu chứng đắc thì thường thường sự chứng đắc có thể đến liền! Lạ lắm!... Chẳng tin quý vị làm thử coi. Hãy nhắm mắt lại, rồi nghĩ tới... À! Ví dụ, nghĩ tới người Mẹ, nghĩ tới người Cha... Cứ làm thử đi, chú tâm nghĩ cỡ chừng năm phút, thì tự nhiên mình thấy hình như người Mẹ của mình đang chờn vờn, chờn vờn hiện ra trước mặt. Bây giờ mình nghĩ tới một con bướm chẳng hạn. Hãy nhắm mắt lại rồi nghĩ tới con bướm một phút... hai phút... ba phút sau, nhiều khi mình thấy có con bướm nó bay bay, bay bay... Nếu cái tâm của mình tiếp tục duyên theo nó, thì tự nhiên con bướm hiện ra càng rõ!... “Vạn Pháp Nhân Duyên Sanh” là như vậy. Bây giờ hãy mở mắt ra đi, hãy xoa xoa cái đầu đi... Hiện tượng trên liền biến mất.

Hay nói rõ hơn, tất cả đều do ý nghĩ của mình mà có. Khi mình tưởng đến, mình mơ đến một sự việc, thì tự nhiên sự việc đó nó sinh ra! Chắc chắn như vậy. Ví dụ, quý vị nằm ngủ, nếu mình nghĩ... À! Mình đang niệm Phật. Niệm Phật thì bên cạnh mình có những vị Bồ-Tát gia trì, thì những tiếng gió reo, những tiếng động bên ngoài không làm cho mình giật mình. Mình không sợ! Nhưng giả sử như những người sợ “Ma”, thường nghĩ tới “Ma”, khi nghe một tiếng gió reo thì họ giật mình sợ hãi, thấy rờn rợn tóc gáy liền! Họ cảm thấy hình như đang có một hiện tượng bất thường nào đó hiện ra làm cho họ sợ hãi, bất an! Tất cả đều do chính cái tâm của mình ứng hiện ra đó thôi!

Trở về vấn đề những người thường bị hiện tượng này. Nếu là những người không tu thì thường đó là những người xấc lấc, hoang đường, ngỗ nghịch, không có tính khiêm nhường! Nếu là người có tu hành, thì thường thường tại vì không có cái tâm khiêm hạ, hay cầu mong chứng đắc, ham thích những điều lạ... Đối với hạng người này, Hòa Thượng Tịnh-Không nói khéo lắm, “Trong thời mạt pháp này, đừng nên đóng cửa tự tu”.

Vì thế, khi tôi gặp một người nào cứ muốn đóng cửa tự tu, thì tôi luôn khuyên rằng: “Đừng nên đóng cửa tự tu một mình, nhất là người tu tinh tấn”.

Hòa Thượng nói rằng, khi đóng cửa tự tu, tức là tự kiết thất một mình chỉ dành cho những người gọi là đã “Khai Ngộ”. “Đại Khai Ngộ” rồi mới được quyền làm vậy. Chúng ta chưa khai ngộ gì cả thì chưa được quyền đóng cửa tự tu. Còn dạng thứ hai nữa, sở dĩ người ta phải đóng cửa là vì những người này có thể nổi tiếng quá, bao nhiêu người cứ tới làm phiền họ hoài, đành rằng người ta phải đóng cửa trốn đi. Còn những người bình thường, Ngài nói, “Thời mạt pháp này nên kết nhóm cộng tu với nhau, phải luôn luôn khiêm nhường, chí thành, chí kính...”

Nghe đến những lời khai thị của ngài Ấn-Quang Đại Sư, ta thấy Ngài nói rõ từng chút, từng chút. Không có một lời nào Ngài lý luận cao siêu bóng bẩy trong đó cả, nhưng thật sự đây là những lời pháp tối vi diệu, rất sắc bén, vô cùng quý giá cho những người phàm phu tục tử như chúng ta dùng làm kim chỉ nam tu hành.

Để bắt đầu mở ra chương trình nói về chuyện này, đầu tiên kính xin chư vị hãy tự xác nhận cho rõ ràng rằng mình là hàng phàm phu tục tử. Quý vị cứ để ý coi, những người tự nhận mình là hàng phàm phu tục tử thì không bao giờ, hoặc hình như chưa bao giờ nghe qua là bị phải tình trạng này. Còn những người mà cứ cho rằng mình đắc này, đắc nọ... Trong mười người tự khoe chứng đắc, hết chín người rưỡi bị nạn rồi! Sau hai tháng, ba tháng, nhiều lắm một năm sau là bị trở ngại liền!...

Thì người mà chúng ta sắp đi thăm đây, cách đây hơn một năm tôi đã khuyên rồi:

- Đừng nên đóng cửa tự tu nghen! Đừng nên hiếu kỳ nhé! Nên đến kết hợp với đạo tràng niệm Phật, từ tốn, vui vẻ,... cộng tu với người ta.

Nhưng vị này không chịu nghe!...

Xin thưa với chư vị, tôi cũng biết có những vị rất quen muốn tự tu chứng đắc gì đó, nhưng mình không dám khuyên nhiều! Hòa Thượng Tịnh không nói, “Không được quyền khuyên người ta tới ba lần”. Có một lần pháp sư Ngộ-Thắng nói, riêng Thầy không bao giờ khuyên ai quá hai lần. Nghĩa là, khuyên tới hai lần thì không dám khuyên nữa. Còn Diệu Âm thì mạnh dạn hơn một chút, sau khi khuyên tới hai lần rồi, mà còn nói lên nói xuống, nói xa nói gần, gặp nhau là nói, để cố gắng tỉnh ngộ nhau, chứ cũng không dám trực tiếp khuyên. Cố gắng làm vậy đó, nhưng nhiều lúc người ta không chịu nghe, nên cũng đành nhìn họ chịu đại nạn thôi! Đến lúc đó rồi, nhiều khi có thể cứu được, nhiều khi cũng đành chịu thua! Không còn cách nào có thể cứu được nữa!

Hiểu được như vậy, mong chư vị nhớ cho, những buổi cộng tu với nhau trong đạo tràng này vô cùng có giá trị. Ngay trong một đạo tràng, ta cũng không được quyền đóng cửa tự tu. Nghĩa là, những buổi cộng tu ta phải tu chung với đại chúng. Tuyệt đối đừng bao giờ sơ hở! Tại vì tâm cơ của chúng ta yếu vô cùng! Lực tu của chúng ta yếu vô cùng! Công đức của chúng ta chưa đủ để hóa giải tất cả mọi oán hờn của chư vị chúng sanh trong pháp giới nghịch duyên với chúng ta đâu!...

Chúng ta phải Thành Tâm,Chí Thành, Chí Kínhnương theo từ lực của Phật, của chư đại Bồ-Tát, của chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì cho mình. Càng được gia trì mình phải càng khiêm nhường. Càng gia trì thì mình càng có công đức. Ngày ngày hồi hướng công đức cho họ.

Chắc quý vị đã thấy rõ ràng, ở đây:

- Buổi sáng chúng ta hồi hướng công đức cho chư vị oan gia trái chủ.

- Buổi chiều chúng ta hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh.

Luôn luôn hồi hướng công đức, đó là con đường hóa giải, gọi là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Mong chư vị cố gắng kết hợp với đạo tràng để chúng ta yên ổn tu hành, được các Ngài thông cảm và chúng ta được an nhiên tự tại vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 19

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta đang tọa đàm nói về cách thức điều giải oan gia trái chủ, thì đêm hôm qua vô tình chúng ta đi điều giải chuyện này. Bây giờ ngồi đây kể lại thì cũng cảm thấy vui vui. Theo tôi nhận xét, thì hình như cuộc điều giải ngày hôm qua không phải là oan gia trái chủ, tại vì nếu thật là oan gia trái chủ thì họ dữ hơn chứ không phải hiền như vậy đâu. Hôm qua họ hiền lắm!

Những sự cố hơi bất ổn ban đầu chẳng qua là một thử thách nhỏ nhỏ mà thôi. Sau cùng thì mình phát hiện rằng vị đó hình như cũng biết tu, cũng đang muốn kiếm công đức, vì mình đã hồi hướng công đức cho họ rồi mà sau đó còn đòi thêm nữa, chứng tỏ rằng cũng biết tu.

Nhưng vị đó dù biết tu hay không thì cũng vậy thôi! Việc tu hành chúng ta đừng nên có tâm háo kỳ. Sự háo kỳ thường là điều sơ ý, mở cơ hội cho các vị đó mượn cớ đi vào. Một khi đi vào rồi, thì thường thường họ ở với mình vui hơn, ấm cúng hơn là ở cảnh giới của riêng họ.

Về chuyện điều giải, có người thì mình khuyên được, có người khuyên không được. Nhiều người mình khuyên giải thì họ bỏ đi, nhưng họ vẫn tiếc lắm! Ví dụ, ngày hôm qua mình thấy rõ ràng, họ đã hứa với mình rằng họ sẽ ra đi và không bao giờ trở lại nữa. Nhưng mới vừa bỏ đi, ít phút sau lại quay trở về nhập vào nữa rồi. Thì đây cũng là cái kinh nghiệm về điều giải oan gia trái chủ.

Trong pháp hộ niệm của Tịnh-Độ Tông, một nguyên tắc căn bản là chúng ta cố gắng dùng tình thương, tâm từ bi, khiêm nhường... mà năn nỉ họ. Cố gắng khuyên can họ xả bỏ cái chấp đi để cùng nhau niệm Phật hộ niệm. Khuyên các vị đó nên niệm Phật để cùng về Tây Phương thành đạo.

Trong pháp khai thị oan gia trái chủ của Tịnh-Độ Tông không bao giờ được quyền dung một năng lực gì của mình để đàn áp họ.

Quý vị thấy sự kiện xảy ngày hôm qua không? Lúc mới tới, vị đó làm dữ với mình! Nhưng họ làm gì làm, chúng ta cũng đứng chắp tay niệm Phật. Nhiều khi gặp những trường hợp người ta muốn lăn xả vô mình để sinh sự nữa là khác! Trước đây tôi đã gặp vài lần như vậy, thì mình hãy chắp tay niệm Phật lớn lên. Mình vững vàng nhìn họ, trong ánh mắt của mình chứng tỏ cho họ biết rằng:

- Tôi không chấp nhận anh hỗn với tôi... Tôi không hỗn với anh, nhưng anh cũng đừng hỗn với tôi!...

Mình không chấp nhận sự thách thức! Qua một cơn thử thách đầu tiên, thì có lẽ họ biết rồi, mình không phải là người cố tình đương đầu với họ. Cũng có đôi lúc, khi mình đến điều giải, mà họ xông xông vào tựa như muốn đánh mình vậy! Quý vị đừng có sợ! Không sao đâu! Chúng ta có hai ba người, người chụp tay, người chụp chân là xong, chứ không có gì đáng ngại đâu. Đừng có sợ! Những chuyện xảy ra hôm qua đây, theo tôi nghĩ rằng không phải là oan gia trái chủ, tại vì người đó hiền, biết tu, cũng biết nghe lời khuyên.

Thường thường muốn điều giải những chuyện này, chúng ta cần ít ra cũng phải hai đêm, ba đêm liền. Mỗi đêm khuyên giải họ sẽ giảm xuống một chút, một đêm họ giảm xuống một chút. Thường thường những người hiền hiền như vậy, có thể khuyên giải chừng hai-ba hôm thì bắt đầu họ vui vẻ. Khi họ vui vẻ chấp nhận rồi, ta mới bắt đầu tâm sự, mới khuyên can. Đem Phật pháp ra, lý luận ra, đem nhân quả ra khuyên can, khuyên dần, khuyên dần... Thì đến một lúc nào đó có thể họ sẽ chấp nhận...

Tại vì bấy lâu nay họ ở trong cảnh giới lạnh lẽo, cô đơn, khổ sở... Bây giờ mượn cái thân này họ cảm thấy ấm áp, sướng hơn, nên họ cứ bám theo hoài thôi. Họ nhập vào để sống, để hưởng lấy công đức của mình, chứ chưa chắc gì họ cố tình hại mình đâu.

Cho nên mình phải có tâm từ bi. Xin thưa với chư vị, mình nên lấy cái tâm từ bi, hỷ xả ra để cảm thông nỗi niềm khó khăn của họ, thì tự nhiên họ cũng dễ cảm thông với mình. Khi ra đi đôi lúc họ cũng buồn rướm nước mắt, vì hiện giờ đang an ổn quá, còn khi rời ra rồi thì họ không còn cách nào mượn được một cái thân an ổn nữa. Đang an ổn nhưng họ đành phải ra đi, vì họ đã hiểu được rằng, mượn thân của người khác để sống là họ tạo nghiệp!

Lấy ngay chuyện hôm qua ra để mình rút kinh nghiệm. Trong những cuộc điều giải, thường khi họ đang sử dụng cái thân hoặc là đang trả thù như vậy, tức là họ thỏa mãn lắm rồi, họ không muốn ai tới phá đám chuyện của họ. Thành ra, thường trong lần đầu tiên gặp phải, hầu hết là họ hay làm dữ với mình. Còn vị hôm qua không có gì là quá đáng, không có gì quá dữ hết! Tôi cũng cảm thấy an ổn. Đôi khi gặp phải những trường hợp họ dữ, mình cứ chắp tay lại, niệm Phật thật lớn lên. Nếu chung quanh mình có nhiều người cùng hộ niệm nữa, cùng niệm Phật nữa thì họ không làm được gì mình đâu.

Khi tôi điều giải oan gia của cô Trần Thị Kim Phượng, có trường hợp hơi giống như vầy. Nhưng cô Trần Thị Kim Phượng thì dữ hơn một chút. Cô xé áo, xé quần, liệng ném... dữ hơn chút, chứ không hiền như thế này đâu. Cô cũng muốn nhào nhào tới, nhưng tôi cũng cứ đứng im niệm A-Di-Đà Phật... A-Di-Đà Phật. Niệm thật lớn!... Khi họ xìu xuống một chút, thì mình khuyên liền, khuyên mạnh... vì lúc đó không còn nhiều thời giờ nữa. Sau khi họ đuối lý xong rồi, mình mới năn nỉ, khuyên họ nhưng vẫn thương họ. Mình thương hoàn cảnh của họ mà muốn rơi lệ vậy đó! Cái tình thương này sẽ bủa ra làm cho họ cảm động mà bỏ ra đi...

Cũng có những trường hợp mình điều giải, nhưng họ không bỏ, thì thôi, mình cũng đành chịu thua!

Có nhiều người đã có những ý nghĩ sai lầm trong cách điều giải với chư vị chúng sanh trong pháp giới! Ví dụ như dùng cái năng lực của mình, dùng chú, dùng bùa hoặc là vận công lực gì đó để quyết lòng trị tội chư vị oán thân trái chủ... Khi gặp những trường hợp này, thì Diệu Âm luôn luôn khuyên rằng không được làm như vậy. Chuyện Nhân-Quả của họ thì để họ tự giải quyết. Mình chỉ nên đem pháp Phật ra mà khuyên giải để họ ý thức rằng, nhân lành thì quả lành, làm điều thiện thì được hưởng phước, làm ác thì gặp nạn... Trong cái nhân quả đó thì niệm câu A-Di-Đà Phật là đại nhân thiện lành có thể giúp cho chư vị trở về Tây Phương hưởng cảnh cực lạc. Khuyên họ hãy nương theo cơ hội này để giải thoát. Có cơ duyên gặp được câu A-Di-Đà Phật thì khuyên họ cùng nhau buông xả oán thù ra để niệm Phật, thì công đức của họ sẽ rất lớn. Thành tâm khuyên họ mau mau hồi đầu niệm Phật tu hành.

Xin thưa với chư vị, nói vậy chứ khi đối diện với vấn đề đôi lúc cũng khó lắm! Muốn điều giải mà nói không quen, nhiều khi mình quên hết, nói không nên lời! Ngày hôm qua tôi khai thị rất nhiều trong đó mà có thể chư vị không hay, vì chư vị cứ lo niệm Phật, còn tôi thì đứng sát bên cạnh vị đó, tôi phải nói, tôi năn nỉ họ để cho họ hạ cơn giận xuống. Muốn điều giải, mình nên tập nói cho quen miệng, thuận lý, nói cho tha thiết thì dễ làm cho họ cảm thông.

Khi hộ niệm, thường thường trong lần hộ niệm đầu tiên, dù rằng không có hiện tượng oan gia trái chủ hay nhập thân, nhưng mình cũng nên có lời điều giải oan gia trái chủ, đừng nên sơ ý quên chuyện này, cũng đừng nên chờ đến hôm sau mới điều giải.

Tốt nhất là hãy điều giải oan gia trái chủ ngay trong lần hộ niệm đầu tiên.

Bình thường mình nên khuyên người bệnh trước, để cho người bệnh niệm Phật, rồi chúng ta cùng niệm Phật để tạo khung cảnh trang nghiêm, có lực niệm, có quang minh của Phật gia trì. Tiếp theo chúng ta có thể bắt đầu điều giải. Trong phần điều giải này, thường thường nên nhắc cho người bệnh ý thức về nghiệp chướng của mình. Ví dụ nói:

- Bác ơi! Chị ơi! Bây giờ chị đang bệnh! Bệnh này chính là do nghiệp chướng sinh ra. Vì nhiều đời nhiều kiếp, cũng như trước khi biết tu, biết niệm Phật mình đã sơ ý làm điều sai lầm. Có thể mình tạo ra chướng duyên, nghiệp ác với chư pháp giới chúng sanh... Vì thế, bây giờ chị, anh, bác hãy thành tâm sám hối nhé.

Phải khuyến cáo người bệnh nhận rõ rằng mình có lỗi.

Nếu người bệnh bướng bỉnh, nói rằng: Tôi không có làm điều gì có lỗi!... Thì nhất định cuộc điều giải không bao giờ thành công! Nhất định, người đó khó có thể tránh khỏi bị trở ngại! Cho nên, trước khi điều giải mình phải nói làm sao cho người bệnh nhận ra được lỗi lầm của mình...

- Chị phải thấy, là rõ ràng chị có làm sai, phải không? Vậy nay chị xin sám hối đi nhé. Hãychắp tay lại để sám hối.

Người đó nói:

- Dạ! Con xin sám hối...

Chỉ cần người bệnh thành tâm nói một câu như vậy là được rồi... Chư vị nên nhớ, pháp giới chúng sanh chung quanh đó người ta đều biết hết. Đừng nên nghĩ rằng, mình không thấy họ thì họ không có ở đó. Ví dụ hôm qua có quá nhiều biến cố xảy ra, nhưng mình có thấy các vị đó đâu? Vị đã nhập vào người đó, mình có thấy được đâu, phải không? Nhưng họ đã phản ứng khá mạnh khi biết mình đến vì họ...

Hình thức điều giải oan gia trái chủ khác với sự khuyến tấn người bệnh. Chúng ta phải luôn luôn chắp tay lại, thành khẩn...

- Chúng tôi đại diện cho gia đình, đại diện cho người bệnh, đại diện cho bạn đồng tu, hôm nay cúi đầu khấn nguyện, (Hoặc nói cúi đầu van xin chư vị, cúi đầu tha thiết...) ngưỡng mong chư vị suy xét. Bà Trần thị X dù thế nào cũng là một phàm phu tục tử, nên nhiều lúc mê muội đã tạo ra những nghiệp nhân chẳng lành với chư vị. Nhưng giờ đây bà Trần thị X đã thành tâm sám hối. Gia đình cũng thành tâm sám hối và chúng tôi cũng đang niệm Phật hộ niệm, bà cụ này cũng đang niệm Phật để cầu vãng sanh về Tây Phương. Khi về Tây Phương rồi thì bà cụ này mới có năng lực để về đây giúp đỡ chư vị, cứu chư vị để đền trả những gì sai lầm với chư vị. Nương theo cơ hội này xin chư vị buông xả oán thù cùng nhau niệm Phật đi về Tây Phương.

Mình nói những lời hết sức thành khẩn, hết sức khiêm nhường. Đừng bao giờ tỏ vẻ tự cao, tự đại. Nếu mình tự cao, tự đại dễ gây nên nghịch ý, oán thù... Không hay!

Thường thường chúng ta nói những nội dung tương tự như vậy. Ngày hôm qua tôi đã tha thiết nói những lời này:

- Chư vị ơi! Tôi biết chư vị là người hiền lành, nhưng đang khổ đau ở trong những cảnh giới rất lạnh lẽo! Rất thống khổ! Chư vị nương theo cái thân xác của anh này là chư vị có một chỗ nương tựa tốt hơn. Nhưng chư vị làm như vậy thì gia đình của anh này bất an! Anh này cũng bất an! Tội nghiệp cho họ. Thật sự thì sự nương nhờ này cũng không vững bền đâu!... Chư vị hãy buông ra đi để cùng với chúng tôi niệm Phật. Chư vị nhớ rằng, A-Di-Đà Phật có khả năng cứu được chư vị, còn chúng tôi thì không cứu được. Chúng tôi không dám xen vào chuyện Nhân-Quả của chư vị. Chúng tôi đến đây chỉ khuyên chư vị...

Mình nói những lời như vậy, cũng hơi giống như lời điều giải oan gia trái chủ, nhưng thật ra họ không phải là oan gia trái chủ của người bệnh đâu. Mình thấy rõ ràng, người hôm qua không phải là oan gia trái chủ, mà vấn đề là tại vì chính người bệnh luyện công một cách sai lầm! Tâm ý hiếu kỳ, thích thần thông, thích làm những điều lạ,... vô tình nó hợp duyên, đã mở cửa cho những vị đó đi vào giúp anh thỏa mãn mộng ý đó...

Ví dụ, như người bệnh thích luyện những thứ công năng lạ!... Muốn nhận được những năng lực phi thường... Vì tâm ý này mà hợp với những vị có năng lực đó, họ đến giúp cho anh được cái năng lực đó...

Có nhiều người tu hành mà không giữ tâm khiêm nhường, thanh tịnh... khi vừa tu thì tự nhiên thấy mình có năng lực này, có năng lực nọ, vui sướng quá! Mà thật ra vì hiếu kỳ mà bị dựa. Họ dựa vào để lấy đi công đức của mình. Người thích thần thông thì họ cho thần thông, năng lực họ tới đâu thì họ cho mình được chút đó. Đây cũng là một kinh nghiệm đáng giá giúp cho chúng ta hiểu thêm rằng, pháp giới chúng sanh cũng giống giống như chúng ta chứ không có gì khác lắm.

Chúng ta tu hành thì cứ lo tu hành, đừng nên quá háo kỳ! Đi qua các nơi họ đang thờ cúng gì đó, chúng ta cũng không nên nói những lời lỗ mãng. Cũng không nên thấy người kia tu luyện được “Chứng đắc” gì đó hay quá mà mong cầu làm theo. Thấy người kia thần thông hay quá, cũng thèm muốn có được chút thần thông...

Những điều này sẽ không tốt cho đường tu hành đâu!

Mong cho chư vị cố gắng quyết tâm Chí Thành - Chí Kínhniệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ và hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, thì tất cả chư vị đó sẽ cùng chúng ta trở thành bạn lữ trên đường siêu sanh Tịnh-Độ.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 20

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch Sư Cô cùng đại chúng. Điều giải oan gia trái chủ tức là ta hòa giải những chướng ngại vướng mắc giữa ta và pháp giới chúng sanh. Đi hộ niệm, sự điều giải oan gia trái chủ là hóa gỡ những mối thù hiềm, những sự trở ngại giữa chư vị trong pháp giới với người bệnh.

Vấn đề điều giải oan gia trái chủ có liên quan rất nhiều đến những sự nhập thân, những vị chúng sanh đến gây trở ngại cho mình. Đầu tiên mình phải nói rằng tất cả đều do chính cái tâm của mình tạo ra. Phật dạy là tất cả đều do tâm mình tạo ra hết.

- Khi tu hành, mình thật thà thì được chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì.

- Khi mình hung dữ thì bị Quỷ nhập.

- Khi mình khiêm nhường thì được chư Bồ-Tát gia trì.

- Khi mình cống cao ngã mạn thì bị Ma dựa.

- Mình tu hành nếu biết buông xả thì lục đạo luân hồi không vướng mắc.

- Nếu mình cố chấp hẹp hòi, cạnh tranh, ganh tỵ... thì tất cả những nghiệp tam đồ lục đạo sẽ bám sát theo mình... Bây giờ đây chưa thành Ma, thì khi chết đi mình cũng lang thang trong cảnh giới Ngạ Quỷ!

Điều tốt nhất, muốn điều giải oan gia trái chủ, trước tiên mình nên điều cái tâm của mình trước, tức là trị cái nguyên nhân trước. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó mới là điều hay! Chứ còn khi nằm xuống rồi, oan gia trái chủ trùng trùng, tam ác đạo trùng trùng bao vây mình thì nhiều khi điều giải cũng không thành công!

Chính vì vậy mà chúng ta nên “Khiêm Nhường”, nên “Thật Thà”, nên “Chí Thành - Chí Kính” để tu hành, thì tự nhiên đường ta đi êm xuôi phẳng lặng.

Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy: “Chí Thành - Chí Kính”. Ngài nói, mình về được Tây Phương là do lòng chí thành chí kính này mà cảm thông với chư Phật, với A-Di-Đà Phật tiếp độ về Tây Phương, chứ không phải ta được chứng đắc.

Ngài Tịnh Không dạy: Tu hành cần phải giữ tâm thanh tịnh mà tu, đừng nên khởi tâm ngạo mạn, cống cao. Ngài nói: Tu hành không lo gìn giữ cái tâm thanh tịnh của mình, mà cứ nghĩ tới chuyện chứng đắc. Khi đã nghĩ đến chứng đắc thì không thể nào thanh tịnh cái tâm được...Khi mà quý vị thấy mình chứng đắc một cái gì, thì lúc đó quý vị đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi!...

Nghe pháp của Ngài, mình phải cố gắng nắm bắt cho được những điểm quan trọng. Những cái điểm này chính các Ngài nói cho hàng căn cơ hạ liệt của mình. Thường thường Diệu Âm hay nói, khi nghe pháp chúng ta phải có tinh thần tuyển trạch. Nghĩa là không phải pháp nào cũng nghe. Nhiều khi chúng ta cứ muốn tiếp thu tất cả mọi pháp, nhưng những lời Ngài nhắc nhở cho chính hàng phàm phu thì mình lại không bắt giữ, mà cứ chạy bắt những lời mà các Ngài giảng cho hàng căn cơ cao thượng, thì coi chừng mình bị hỏng chân!... Không hỏng chân đi nữa, thì coi chừng cái tâm cao ngạo cũng dễ ứng lên. Một khi cái tâm cao ngạo ứng lên thì rất dễ tạo cơ hội cho “Ma” nhập vào, làm cho phát cuồng, thần kinh tê liệt! Hôm nay chúng ta đi điều giải một ách nạn nhập thân, đây là một sự chứng minh hết sức cụ thể.

Ngài Hạ-Liên-Cư thường dặn dò rằng: “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn”. Cầu nhất tâm bất loạn tức là cầu chứng đắc. Nếu ta sơ ý niệm Phật mà móng tâm cầu chứng đắc, thì nhất định cái tâm này không thể nào thuộc vào hàng thanh tịnh được. Tâm không thanh tịnh thì những vọng tưởng hão huyền mỗi ngày mỗi thâm nhập một chút, thâm nhập một chút... Đến một lúc nào đó nó vượt qua cái giới hạn kiểm soát của một phàm phu tục tử!... Nghĩa là hình như ta thấy chứng đắc thật... Nhưng mà “Thật trong Giả”!!!...

Theo ngài Tịnh-Không nói: Khi mà chư vị thấy mình chứng đắc điều gì, thì đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi! Nhưng thật sự, nhiều khi đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi mà không hay!...

Nếu tình trạng như vậy đưa vào trong bệnh viện thì tiêu đời rồi! Làm sao còn có cơ hội trở lại làm người bình thường nữa?!...

Cho nên, muốn điều giải oan gia trái chủ, thì bây giờ chúng ta hãy điều giải chính cái tâm của mình trước đi. Thường thường Diệu Âm hay nhắc lại lời nói của Hòa Thượng Tịnh-Không, “Tu hành cần phải giữ tâm thanh tịnh”.

- Nếu mà mình thường hay nổi giận, khi mình nổi giận tức là “Địa Ngục” đã nhập vào tâm của mình. Nếu hàng ngày ta thường nổi giận, thì “Địa Ngục” trong tâm của ta càng ngày càng lớn. Địa ngục trưởng dưỡng thì cái tâm Phật của chúng ta sẽ bị dìm xuống dưới ách nạn đó! Ta sẽ hưởng cảnh địa ngục trước!...

- Tu hành mà tâm tham lam, cứ tiếp tục tham lam... thì cảnh giới của “Ngạ Quỷ” cứ tiếp tục thâm nhập vào tâm chúng ta. Ta tưởng rằng đang tỉnh táo, nhưng “Ngạ Quỷ” đã nhập sâu vào tâm rồi mà không hay! Đến một lúc nào đó thân thì sống trong cảnh nhân gian, nhưng chính cái tâm của mình đang sống trong hàng Ngạ Quỷ! Thần kinh bị phân liệt là như vậy...

- Mình tu hành mà cứ cầu chứng đắc này, chứng đắc nọ, cầu những cái gì thần kỳ, diệu lý... Tự nhiên cái tâm hiếu kỳ này sẽ mở cửa cho những thứ thế lực gọi là “Oán Thân Trái Chủ” dựa vào. Họ dựa vào phá những người tu hành khác với cách dựa phá đối với những người không tu hành. Những người không tu hành dù có phá cũng uổng công! Tại vì sao?... Vì nhất định những người không tu hành thì “Thiết Sàng tinh Đồng Trụ” đã chuẩn bị sẵn rồi, đâu cần chi phải phá? Khi họ chết đi, họ tự nguyện chui vào đó rồi! Chỉ có những người tu hành mới có cái cơ duyên được thoát nạn. Muốn phá những người tu thì đâu phải dùng những đòn thế đơn giản có tính chất thô kệch như những người không tu được...

Khi chúng ta tu hành mà khởi cái tâm rằng mình đã chứng đắc, nghĩ rằng mình sẽ có một công năng hay thần thông gì đó... thì người ta sẽ đến giúp mình thỏa mãn những cái thứ đó. Đây chính là cách phá hại người tu!...

Ngài Tịnh-Không thường nhắc nhở rằng, trong thời mạt pháp này đừng nên đóng cửa tự kiết thất tu hành tinh tấn. Ngài thường nhắc nhở, mà nhiều người không chịu nghe nên đã bị nạn. Thì hôm nay chính chúng ta đã đến chứng kiến một cảnh trở ngại có liên quan đến vấn đề này. Thật sự đây là một bài pháp rất hay, là một bài khai thị rất tuyệt vời để cho chúng ta rút kinh nghiệm để tránh những ách nạn đó.

Có nhiều người Diệu Âm gặp qua, có quen biết, thấy họ có móng cái tâm đó mà khuyên không được! Thành thật nhiều khi mình tha thiết muốn cứu họ. Nhưng khổ một nỗi, “Nói nhiều sanh sự”! Hòa Thượng nói, sửa sai một người nào không được sửa quá ba lần. Còn các hàng đệ tử của Ngài nói rằng, không được sửa sai người ta quá hai lần. Nghĩa là nhiều lắm sửa tới hai lần thì ngừng, không được sửa nữa. Nếu sửa nữa, hướng dẫn nữa, thì chính mình tự gây ra nhiều khó khăn cho mình!...

Trên bước đường đi đây đi đó, Diệu Âm đã gặp quá nhiều, quá nhiều chuyện này. Quý vị có thể nghe lại những cuộc tọa đàm “Khế Cơ - Khế Lý”, “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”, hoặc là những lời tọa đàm khác, cứ hai-ba buổi tọa đàm thì Diệu Âm lại nhắc tới điểm này. Luôn luôn nhắc như vậy. Sở dĩ nhắc nhiều lần vì thấy sự trở ngại này đã xảy ra nhiều quá, muốn lợi dụng cơ hội tọa đàm này nhắc nhở người hữu duyên, chứ không có gì khác hơn!

Trong tuần qua vừa điều giải ở đây, mà phải vừa điều giải chỗ khác nữa, cũng trường hợp nhập thân tương tự như vậy. Thành thật xin thưa rằng, tại vì người ta bắt mình, nhờ mình điều giải những chuyện này, chứ lực của mình không đủ khả năng điều giải. Nhiều lúc Diệu Âm đành phải nói rằng, chư vị hãy nghe cho nhiều những lời giảng của Hòa Thượng Tịnh-Không đi, cũng có thể nghe những lúc Diệu Âm nhắc lại những lời giảng của các Ngài đi. Hãy tự ngộ ra, đừng tham đắm nữa, đừng hiếu kỳ nữa. Còn không nghe thì nhiều lúc đành chịu thua!...

- Thường thường những người tự tu “Tinh Tấn”.

- Thường thường những người chê bai sự sinh hoạt của các đạo tràng.

- Thường thường những người không chịu nổi những cảnh cộng tu quá đơn giản của các nhóm cộng tu Niệm Phật...mới tách rời ra về nhà đóng cửa tự lập công phu tu tập riêng.

Những ngày tháng đầu tiên thấy họ tu hành, mình cũng rất kính phục ý chí của họ. Nhưng thường thường cỡ chừng sáu tháng trở về sau, hãy đến thăm họ một lần nữa, mình thấy hình như sắc tướng của họ đã biến rồi! Xin thưa rằng, khoảng chừng nửa năm sau mới đến thăm họ, thì lúc đó nhiều khi chúng ta cũng không còn cách nào có thể khuyên giải gì được nữa rồi! Khổ nạn bắt đầu chính vì chỗ khó khăn này đây!...

Thưa với chư vị, Phật dạy, “Nhất Thiết Duy Tâm Tạo”. Tất cả đều do chính cái tâm của chúng ta tạo ra. Ma cũng tại tâm ta, Phật cũng tại tâm ta!Không phải ở ngoài.

- Khi ta chí thành niệm câu A-Di-Đà Phật, ta sẽ về Tây Phương thành Phật. A-Di-Đà Phật tiếp độ ta về đó để thành tựu.

- Khi ta cống cao ngã mạn niệm câu A-Di-Đà Phật. Câu A-Di-Đà Phật là Chánh Pháp, nhưng tâm ta là Tà, tâm Tà niệm câu A-Di-Đà Phật, thì niệm câu A-Di-Đà Phật cũng biến thành Tà Pháp luôn!

Chính vì vậy, Tà hay Chánh không phải là ở ngoài, mà chính là ở tại Tâm này. Hiểu được vậy, chúng ta phải nhớ tự tu sửa lấy. Ví dụ, nếu bây giờ chúng ta còn ghét một người nào, thì hãy mau mau bỏ cái ghét đi. Tại vì đố kỵ là Tà. Thương yêu mới là Chánh. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, còn đố kỵ một người nào thì mình không thể trở về Tây Phương được.

Mình bây giờ không nghĩ đến “Chí Thành - Chí Kính” để hội nhập với chư Thượng Thiện Nhân trên cõi Tây Phương, mà nghĩ rằng mình có khả năng chứng đắc, vô tình mình rời khỏi cái đại nguyện của đức A-Di-Đà. Niệm Phật là nhị lực, mình đã dùng câu Phật hiệu giống như một thứ “Thoại Đầu”. Đây là cách tự lực mà đi, bỏ đại nguyện của Ngài. Bỏ đại nguyện của Ngài thì không ở trong quang minh tiếp độ của Ngài.

Như hôm trước mình nói, chính cái tâm của mình là một cái tấm ngăn, cái tấm vách, cái tấm chắn... Mình không tin đại nguyện của Ngài thì tự nhiên cái tâm của mình đã chắn, đã ngăn tất cả quang minh của Phật. Mà ngăn cản quang minh của Phật thì quang minh của chư vị Ma Vương tự do phổ trùm kéo mình về con đường tà đó.

Phật dạy “Tất cả do tâm tạo”. Tà hay Chánh ở tại tâm mình. Mong chư vị hiểu chỗ này để chúng ta an nhiên thành tựu đạo quả...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 21

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua chúng ta nói đến khai thị oan gia trái chủ, điều hay nhất là chúng ta nên điều giải chính cái tâm của mình, vì tất cả đều do cái tâm của mình tạo ra. Cho nên thay vì đợi cho đến lúc sự việc đã xảy ra rồi mình tới điều giải, thì không hay bằng chính mình lo điều giải cái tâm của mình trước.

Rõ ràng pháp môn niệm Phật vãng sanh Tây Phương rất đơn giản, dễ dàng, chắc chắn... Nhưng ta cần phải chí thành chí kính tu hành thì đường vãng sanh mới an toàn vững vàng hơn.

- Ta khởi lên một tâm cao ngạo thì Ma nhập vào!...

- Ta nổi lên một cơn giận dữ thì Quỷ nhập vào!...

- Ta nổi lên một ý niệm tham lam thì Ngạ-Quỷ chen vô!...

Rõ ràng ba đường ác đạo vẫn kèm sát bên người tu hành mà nhiều khi chúng ta không hay. Chính vì vậy mà các vị Cao Tăng, Đại Đức, chư Tổ Sư luôn luôn nhắc nhở chúng ta cần phải giữ tâm thanh tịnh mới là điều tối ưu. Đừng nên để vấn đề quá trễ rồi nhờ đến sự điều giải. Cần thiết thì cần thiết đó, nhưng có nhiều lúc cũng trở thành quá trễ!

Hôm nay muốn đi sâu vào chuyện điều giải, thì xin được đọc lời điều giải oan gia trái chủ của Hòa Thượng Tịnh-Không, Ngài soạn ra để làm cái mẫu cho chúng ta thực hiện. Đây cũng là điều chứng tỏ rằng Hòa Thượng rất coi trọng việc hộ niệm vãng sanh. Chư vị cố gắng nương theo cái mẫu này để học tập lời điều giải oan gia trái chủ vậy.

Bài khai thị oan gia trái chủ của Hòa Thượng Tịnh-Không:

Phật nói, đời người ở thế gian, nhỏ là gia đình quyến thuộc, lớn là quốc gia dân tộc đều không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Do bốn thứ duyên này mà tương hợp, huống chi là tập khí và nghiệp chướng của chúng sanh sâu nặng. Sống thiếu ân thiếu nghĩa, bố thí đức huệ thì ít, kết oán thì nhiều, do đó mà luân hồi trong lục đạo từ vô lượng kiếp đến nay trong oan oan tương báo, khổ không kể xiết! Chúng ta nhờ nhiều đời vun trồng thiện căn, nên nay gặp được chánh pháp, cho nên phải một lòng quy y Tam Bảo, nghe lời Phật dạy đoạn ác tu thiện. Phật dạy:Tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Cho nên phải trừ hết tất cả những oán kết của những gì đã qua, nhất là đối với những kẻ oán thù của ta khi họ bị suy yếu bệnh khổ, chúng ta có thể xả bỏ thù xưa, giữ tâm ý tốt, hộ trì giúp đỡ họ, lấy ơn báo oán, biến oán thành thân, dù sống trong biển nghịch mênh mông chúng ta vẫn bước lên con đường quang minh rộng lớn để lìa khổ được vui.

Nguyện thường nghe kinh, niệm Phật không gián đoạn, nhất tâm cầu sanh Tịnh-Độ, tất sẽ được chư Phật hộ niệm, viên mãn Vô-Thượng Bồ-Đề. Duy nguyện chư nhân giả, y giáo phụng hành, hãy luôn nghĩ nhớ như vậy!

Hòa Thượng Tịnh-Không chứng minh.

Kính thưa chư vị, đây là cái lời điều giải của Hòa Thượng Tịnh-Không làm mẫu. Khi chư vị đứng trước một người bệnh nhân, nhiều khi chúng ta muốn mở ra một lời khấn nguyện để cầu xin chư vị trong pháp giới buông xả oán thù, cùng với chúng ta niệm Phật hộ niệm cho bệnh nhân, mà xin thưa thật rằng, nếu không quen hay chưa có kinh nghiệm lắm thì khi đối trước một sự việc cụ thể có thể tự nhiên chúng ta quên hết, trong tâm của ta tự nhiên trống rỗng, có nhiều lúc nó trống rỗng, ta muốn cất lên một lời năn nỉ cũng không biết lời nào để mà nói! Thì những bài mẫu này rất là quan trọng để cho chúng ta đọc lên. Chúng ta có thể cùng chắp tay lại khấn nguyện chư vị trong pháp giới, rồi mình giới thiệu cho họ: “Đây là lời dạy của Hòa Thượng Tịnh-Không”, rồi mình trang nghiêm cùng nhau chắp tay đọc rõ ràng từng chữ từng chữ để cho chư vị trong pháp giới có duyên nghe được. Khi họ biết rằng đây là lời của Hòa Thượng Tịnh-Không, là một vị có uy đức thì tự nhiên họ có cảm ứng rất tốt. Nhờ cái uy đức của Ngài mà các vị trong pháp giới có thể cảm động và họ giác ngộ ra đường tu hành. Đây cũng là cái lẽ tự nhiên.

Khi điều giải oan gia trái chủ, thường thường có những người điều giải rất hiệu quả, cũng có những người điều giải hoài mà oan gia trái chủ không nghe. Lạ lắm!... Ví dụ, cũng là một lời nói y hệt như vầy: “Chư vị ơi, xin chư vị hãy bỏ oán thù đi cùng nhau niệm Phật”, mà mình nói cả chục lần, nhưng các vị oan gia trái chủ không nghe theo. Ấy thế, mà một vị Cao Tăng có đức độ, Ngài nói: “Chư vị ơi hãy bỏ oán thù đi cùng nhau niệm Phật”. Ngài vừa nói dứt câu thì chư vị nhân giả trong pháp giới lại răm rắp nghe theo. Đây là sự thật chứ không phải là ngoa.

Chính vì vậy, khi đi hộ niệm, cái điểm quan trọng là chính người hộ niệm phải có tâm chí thành chí kính, phải có công phu tu học chánh pháp và cũng có cái tâm Bồ-Đề rộng lớn niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì lời nói của mình nói ra sẽ có một cái cảm ứng mạnh. Trong những lần trước Diệu Âm thường nói rằng, một người bệnh muốn được vãng sanh về Tây Phương thì phải có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, vì có Tín-Nguyện-Hạnh thì lúc đó họ mới có tâm thành sám hối tất cả những nghiệp nhân xấu ác của mình làm ra. Nếu một người không có đủ Tín-Nguyện-Hạnh, thì thường thường:

- Họ niệm Phật chỉ là niệm thử. Niệm thử thì không có công đức!...

- Họ nguyện là nguyện cho lấy có, chứ tâm không chí thành.

- Họ tin thì tin lấy lệ, nên thiện căn phước đức của họ không khởi lên được.

Tín-Nguyện-Hạnh không khởi lên được thì đối với oan gia trái chủ họ đều biết trước hết tất cả rồi, dù lúc đó người đó có chắp tay lại nói rằng,“Chư vị ơi! Xin tha cho tôi”, thì lời nói này thật ra là trống rỗng! Họ không có lòng thành sám hối! Không có lòng thành sám hối nên rất khó hóa giải! Bên cạnh đó những người hộ niệm cũng không đủ Tín-Hạnh-Nguyện nữa, thì việc điều giải cũng không có hiệu lực gì đâu!

Cho nên nếu mình thấy rằng chính mình không đủ đức độ nào để cảm hóa đến chư vị oan gia trái chủ, thì tốt nhất là mình cầm cái bài khai thị của Hòa Thượng lên rồi trang trọng giới thiệu cho chúng sanh biết: “Kính xin chư vị đây là lời nói của Hòa Thượng Tịnh-Không, đây là lời dạy của chư Tổ, đây là lời dạy của Phật, v.v...

Mình hãy lấy lời của các Ngài ra và trang nghiêm đọc cho chúng sanh nghe. Khi nghe đến, họ biết đây không phải là lời của ông Diệu Âm này nói đâu, mà lời này là của Hòa Thượng Tịnh-Không nói. Nghe tới danh của Hòa Thượng Tịnh-Không thì tự nhiên các ngài có thể rúng động liền, nhiều khi các ngài phải cúi đầu xuống đảnh lễ và nguyện y giáo phụng hành.

Cũng có nhiều khi mình muốn hóa giải oan gia trái chủ, nhưng không biết mình liệu có đủ đức độ để khai thị cho người ta nghe theo hay không, mà mình cũng không có một tài liệu nào bên cạnh hết, thì mình nên nói:

Chư vị ơi! A-Di-Đà Phật đã dạy như thế này, A-Di-Đà Phật đã phát thệ rằng...nếu chư vị nghe danh hiệu của Ngài, tức là A-Di-Đà Phật, mà quý vị thành tâm niệm danh hiệu Ngài, nguyện vãng sanh về nước Ngài, buông xả tất cả thế trần ra, cụ thể là buông xả oán hờn người khác rồi niệm danh hiệu Ngài để cầu vãng sanh về Tây-Phương-Cực-Lạc, thì chư vị sẽ được A-Di-Đà Phật tiếp độ về Tây Phương hưởng đời an vui cực lạc. Đây là lời Phật dạy!

Quý vị thấy đó, rõ ràng mình là một người thiếu đức, nhưng mà mình nói cho họ biết rằng đây là lời Phật dạy, thì lời họ nghe đó là lời của Phật dạy, làm cho họ có cảm ứng mạnh hơn, nhiều khi họ phải rúng động! Cái âm hưởng của lời Phật sẽ cảm động đến họ và từ đó họ dễ giác ngộ hơn.

Như vậy, để điều giải oan gia trái chủ, rất cần đến Tâm Chân Thành, Tâm Thành Kính, Tâm Khiêm Nhường... Có thế mới điều giải được.

Có nhiều người lý luận rằng, muốn điều giải oan gia trái chủ thì ta phải tu cho đến một lúc nào ta thật sự có năng lực rồi mới được, vì có năng lực rồi nên ta nói một câu thì các vị đó phải rúng động, phải sợ oai mà thi hành! Chuyện này hôm qua chúng ta đã có khuyến cáo qua rồi. Khuyến cáo như thế nào?...

Khi xác nhận ta có năng lực gì đó, thì coi chừng ta đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi!...

Có nhiều người nói rằng, cần phải có năng lực, giống như một vị tướng ra giữa chiến trường hét lên một tiếng làm quân địch phải khiếp sợ! Khi mà nghĩ rằng ta có năng lực như một vị tướng, còn coi oan gia trái chủ giống như hàng binh quân, thì nhất định chính ta đã bị nạn rồi!...

Mong chư vị hiểu được chỗ này. Trong pháp điều giải của Tịnh-Độ Tông là luôn luôn Khiêm Nhường -Kính Cẩn, tự nhận tất cả những lỗi lầm về phần mình. Phải thành tâm sám hối, năn nỉ, cúi xin chư vị trong pháp giới thương tình, tự họ tự nguyện buông xả oán thù ra thì chúng ta mới kết được duyên lành với tất cả pháp giới chúng sanh, với người bệnh và ngay với oan gia trái chủ nữa. Đó là điều mà chúng ta nên làm. Ngoài ra không nên đi con đường gọi là đấu tranh để dành thắng lợi.

Xin chư vị nhớ cho, chúng ta “Điều Giải” trong hòa bình, chứ không phải là “Đấu Tranh” để dành phần thắng lợi.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 22

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Khai Thị -Hướng Dẫn” điều giải oan gia trái chủ cho người bệnh là để cho người bệnh được lợi, mà chư vị oan gia trái chủ cũng được lợi luôn, chứ không phải điều giải oan gia trái chủ là để cho người bệnh được lợi mà các vị oan gia trái chủ bị lỗ. Không phải như vậy!...

Rất nhiều người đã có cái tâm ý không được công bằng. Khi đối trước một người bệnh bị ách nạn về nhập thân, về việc bị các vị thù hằn trong pháp giới đang xử lý vấn đề... Người hộ niệm thường nghĩ rằng là làm sao cho người bệnh thoát nạn là được, không để ý gì đến tình trạng của chư vị gọi là oan gia trái chủ. Điều này suy cho cùng lý thì không đúng với chánh pháp mấy! Vì thật sự như hồi sáng mình đọc lời khai thị mẫu của Hòa Thượng Tịnh-Không, Ngài nói là: “Tất cả đều không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”. Đó là bốn cái duyên tương hợp mà nó sinh ra hiện tượng này...

Mình nói nôm na cho dễ hiểu hơn thì tất cả đều có nhân có quả, chứ không thể đương nhiên mà sinh ra như vậy. Trước một vấn đề, nếu chỉ nghĩ có một chiều thì nhiều khi chúng ta tưởng rằng đang làm việc nghĩa, tưởng rằng có tâm từ bi, tưởng rằng giúp đỡ chúng sanh, nhưng coi chừng chúng ta đang làm những việc hình như bất nghĩa, mất sự công bằng, không có lòng từ bi!...

Ví dụ như một người bệnh đang bị chư vị oan gia trái chủ đánh phá. Truy nguyên ra thì họ đến để báo oán. Tại sao họ báo oán?... Là tại vì trong quá khứ chính người bệnh đã tạo ra oán nghiệp này, đã tạo ra cái nhân ác đối với họ, đã làm cho họ đau khổ!... Sự đau khổ của họ không phải là một năm, hai năm, một tháng, hai tháng. Nhưng nhiều khi đã trải qua từ đời này đến đời khác, nhiều khi họ chịu trong cảnh tam đồ ác đạo trải qua thời gian rất dài!

Mình sống trong nhân gian này thấy khổ, nhưng so với cái khổ của họ thì không thấm thía vào đâu hết. Như vậy thì người ta đến đòi nợ, báo oán đó là họ đòi lại cái quyền lợi của họ, nói về nhân gian tức họ lấy lại sự công bằng cho chính họ. Nguyên nhân vì người bệnh giết họ, hại họ, làm cho họ phải tan gia bại sản, mất cả sinh mạng, làm cho họ phải chịu đau khổ triền miên như vậy!

Bây giờ chúng ta đến điều giải mà cứ nghĩ chỉ làm sao cho người bệnh thoát khỏi cái ách nạn này, mà không chịu nghĩ là làm sao phải bồi đáp lại sự công bằng cho chính những vị oan gia trái chủ. Chính vì ý nghĩ thiên lệch, nên có nhiều người gọi là điều giải oan gia trái chủ, chứ thật ra họ lại dùng những thế lực mạnh để áp đảo chư vị thù nghịch.

Trong suốt thời gian nghiên cứu về pháp điều giải trong Tịnh-Độ Tông, Diệu Âm chưa bao giờ thấy cái vấn đề là dùng đến vũ lực để mà áp đảo hoặc bắt buộc những vị oan gia trái chủ phải cúi đầu. Không có như vậy. Chẳng tin bây giờ quý vị đọc lại những lời khai thị sẵn của Hòa Thượng Tịnh-Không trong các băng giảng hoặc là những bài mẫu của Ngài đưa ra coi. Từ trước tới nay Diệu Âm chưa thấy một nội dung là bắt buộc các vị đó phải cúi đầu. Không có!

Trong bài điều giải oan gia trái chủ của Hoà Thượng, sau cùng Ngài có nói một câu như thế này: “Duy nguyện chư nhân giả y giáophụng hành”. Đây là câu mình nên để ý. Ngài gọi các vị oan gia trái chủ là “Nhân Giả”, thì cũng giống như mình thường gọi là: Chưvị, các Ngài. Kính thưa các Ngài...Tôi xin các Ngài... Đây là cách nói có ý nghĩa tương tự.

Ngài không bao giờ nói là: Tôi muốn bắt buộc các ngươi phải bỏ hết chuyện này đi. Không bao giờ!... Mà gọi là “Duy nguyện”, là với lòng thành tôi thành khẩn, cúi xuống, cầu nguyện, xin chư vị nhân giả... Ngài tôn trọng người ta đến mức như vậy. Còn “Ygiáo phụng hành” là sao? “Y Giáo” là y theo lời Phật dạy, vì trước đó Ngài có nói Phật dạy rằng: “Đời người ở thế gian nhỏ là quốc gia, gia đình, quyến thuộc...”. Ngài nói đó là lời Phật dạy. Tức là rõ rệt rằng từng lời, từng lời Hòa Thượng dạy là lúc nào chúng ta cũng phải luôn luôn kính cẩn họ, khuyên răn họ, đem Phật pháp ra giảng cho họ biết, để họ hiểu mà quay đầu, bỏ đi oán thù trở về với Phật pháp, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ...

Chúng ta đi điều giải oan gia trái chủ phải lấy đúng tinh thần đó mà làm. Không bao giờ sơ ý gây oán nghiệp với chư vị oán thân trái chủ. Được vậy, chúng ta càng hộ niệm, càng điều giải, chúng ta càng có thêm âm đức, có thêm lòng từ bi, có thêm cảm tình đối với khắp pháp giới chúng sanh. Chúng ta khỏi sợ cái nạn gọi là oán thù riêng với cá nhân chúng ta. Về mặt từ bi thì chúng ta làm trọn vẹn, vì thật sự chúng ta muốn cứu người bệnh mà cũng thành tâm tha thiết muốn cứu được chư vị trong pháp giới đang khổ vì người bệnh này. Hai bên đều lưỡng lợi. Đó là tinh thần của Phật giáo!...

Chính vì vậy, trong mấy ngày hôm nay tôi có nghe chư vị đồng tu kể lại những chuyện Điều Giảioan gia trái chủ hơi lạ ở đâu đó! Nào là bắt vong linh nhốt, hay dùng hình thức cưỡng ép gì đó... Có người dùng những thần lực gì của họ tra tấn vong linh, họ ép buộc, họ nhốt vong linh! Thì xin thưa với chư vị, có thể các vị đó có đủ năng lực, có đủ uy đức hay sao mình không biết! Nhưng riêng chính chúng ta đang niệm Phật thì không thể làm vậy. Theo pháp nào phải theo một pháp. Chúng ta tu Tịnh-Độ, tinh thần của người Tịnh-Độ là luôn luôn sống trong an định, hòa hài, hòa bình, thân ái... Không bao giờ được quyền bỏ cái chữ thân ái, thanh tịnh để đi vào con đường gọi là đấu tranh kiên cố. Hai cái vấn đề này khác nhau.

Giả sử như khi chúng ta điều giải một chuyện oán thân mà các vị oán thân đó quyết lòng không tha, quyết lòng không bỏ thì đó:

- Một là do cái đức của chúng ta yếu quá, chúng ta không có đủ đức để làm cho họ tin tưởng vào lời nói của chúng ta. Như hồi sáng mình nói là vì công phu tu hành của mình còn quá yếu, lời nói của mình không đủ cho người ta tin tưởng...

- Thứ hai là do vì họ quá chấp, họ không kể gì đến chuyện đọa lạc, họ không kể gì hậu quả vì sự trả thù này. Đó cũng là Nhân-Quả của chính họ... Họ kẹttrong cái nhân quả đó thì chúng ta cũng đành phải thuận theo cái nghiệp nhân quả báo củahọ, chớ không thể nào cưỡng chế được.

Cho nên, xin thưa với chư vị, khai thị cho oan gia trái chủ đừng bao giờ để quá chậm, quá trễ. Thường thường những người mà để bệnh nhân đến cái lúc quá nguy kịch rồi, tức là mê man bất tỉnh trong bệnh viện, hoặc là sắp sửa hấp hối rồi mới kêu ban hộ niệm, mới nhờ tới sự điều giải... Thì nhiều khi một trăm phần mình tìm chưa ra được một phần thành công... Lúc đó tâm của người bệnh không còn nghe được nữa, người bệnh đó không biết làm sao để cất lên lời sám hối. Trong cảnh đấu tranh hận thù với nhau, chính người bệnh đang nằm trong đau khổ và cũng nằm trong sự thù hận luôn... Thù hận đang kèm theo thù hận! Thành ra chúng ta cũng đành chịu thua!...

Nói tóm lại, khi điều giảita không được quyềncó ý tưởngbắt buộc người bệnh phảiđược thuận lợi,bắt buộcoan gia trái chủ phảichịu thiệt hại!...

Nếu chúng ta làm vậy, nếu được thì có thể người bệnh được chút lợi gì đó! Nhưng coi chừng cái lợi này chỉ có một, còn cái hại có thể lên tới mười!... Nên nhớ, oan gia trái chủ mà đòi nợ người bệnh không được, sự oán thù có thể truyền qua người ép buộc họ phải bị thiệt hại, và sự oán thù có thể kéo luôn tới con cái về sau của người bệnh nữa... Điều này thật ra trước mắt thì mình thấy rằng là lợi, nhưng mà sau cùng hình như không được lợi lắm!

Cho nên, thành tâm thành kính điều giải, đem tất cả cái lòng từ bi của mình ra giảng giải, khuyến hóa, gỡ lần, gỡ lần... Tìm mọi cách hóa giải trong hòa bình, ví dụ cụ thể như: Phóng sanh, làm thiện, làm lành, bắt người bệnh phải sám hối, bắt gia đình phải sám hối, rồi chúng ta nương theo Phật pháp mà hóa giải mối oán thù của họ. Khi mà tất cả đều chấp nhận sự điều giải thì tất cả đều vui vẻ. Làm vậy chúng ta luôn luôn có công đức trong vấn đề điều giải này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 23

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta đang nói về cách khai thị, hóa giải oan gia trái chủ...

Khi đi hộ niệm cho bệnh nhân rồi gặp chuyện oan gia khuấy động, rất ít người chú ‎ý ‎phát tâm thương hại, cứu giúp, giải nạn cho oan gia trái chủ. Hầu hết là cứ tìm cách giải nạn cho người bệnh mà quên đi cái nạn của những vị mà bị người bệnh đó làm hại họ, tạo cho họ phải sống trong những cảnh giới rất là đau khổ! Có nhiều khi những vị đó trải qua nhiều đời nhiều kiếp khổ sở vì chính người bệnh này gieo cho họ.

Cho nên không phải chỉ cứu được người bệnh thoát được cái nạn oán thân trái chủ là chánh pháp đâu. Không phải! Mà ta phải có cái tâm vừa cứu được người bệnh, mà còn cứu được cái người đang hại người bệnh đó nữa. Tại vì oan gia trái chủ họ chỉ đến để đòi lại sự công bằng cho họ. Nguyên nhân vì sự sai lầm của người bệnh mà họ đã chịu qua nhiều đời nhiều kiếp trong những cảnh hết sức là khổ đau!...

Đạo Phật chúng ta có tâm đại từ đại bi, thương chúng sanh một cách bình đẳng. Ta học theo pháp của Phật thì ta cũng phải có cái tâm từ bi thương chúng sanh một cách bình đẳng. Chúng ta đang dựa theo lời khai thị oan gia trái chủ của Hòa Thượng Tịnh-Không để mình thấy rằng từng lời, từng ‎ý của các Ngài đều có mục đích rõ rệt và trong đó đã lộ ra đạo lý từ bi bình đẳng. Các Ngài không có ép buộc ai hết.

Ví dụ như trong lời khai thị oan gia trái chủ thì Hòa Thượng có nói một câu này: Phật dạy tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc. Ngài lấy câu này để dạy cho oan gia trái chủ. Câu này đạo l‎‎ý hay lắm! Cũng giống như hôm trước chúng ta có nói là: Tam tâm bất khả đắc, vạn pháp nhân duyên sanh. Những câu này có ‎ý nghĩa tương tự với nhau. Có câu khác như: Vạn pháp giai không, nhân quả bất không, cũng giống giống như vậy.

Tại vì trước khi mở đầu hóa giải cho oan gia trái chủ, Hòa Thượng có nói là: “Tất cả không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”. Nếu mà đem câu: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”, cộng với câu: “Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”, thì đúng là nội dung của câu: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

Ý nghĩa hàm chỉ rằng, bây giờ nếu mà quý‎ vị có trả thù, có quyết lòng hãm hại người bệnh thì thật sự chư vị cũng không được gì cả, gọi là “Tất cánh không”. Sau cùng rồi quý vị cũng không hưởng được một sự lợi lạc nào cho chính quý‎ vị, mà tiếp theo đó: “Nhân quả bất không”!... Cho nên Ngài mới nói là “Oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp không có thể thoát nạn được”. Dựa vào những lời của Ngài mà mình đi khai thị cho chư vị oan gia trái chủ.

Thường thường khi đến trước một bệnh nhân còn tỉnh táo, mình chưa thấy có một hiện tượng gì gọi là oan gia trái chủ báo hại, nhưng hôm trước mình cũng có đề nghị qua, là ngay trong buổi hộ niệm đầu tiên lúc nào ta cũng nên điều giải chư vị hữu duyên với người bệnh hết. Không nên quên chuyện này. Thì thường thường Diệu Âm mời tất cả chư vị đồng tu chắp tay lại, rồi thành khẩn thưa như vầy:

- Chúng tôi xin thành khẩn cúi đầu khấn nguyện chư vị, xin thưa chư vị là trong đời này chư vị có duyên với ông Trần Văn X, dù là lành hay là ác cũng là duyên. Nếu là lành thì xin chư vị tiếp tục hỗ trợ để cho ông Trần Văn X được thuận buồm xuôi gió vãng sanh. Nếu là duyên ác thì xin thưa với chư vị rằng, ông Trần Văn X dù thế nào cũng là phàm phu tục tử, đã là phàm phu tục tử thì ai cũng có lúc mê mờ làm điều sai trái, kết nên nhân chẳng lành với chư vị. Nhưng bây giờ ông Trần Văn X đã thành tâm sám hối, đang niệm Phật cầu về Tây Phương, ngưỡng mong chư vị tha thứ, buông xả oán thù để cho chúng ta cùng nhau kết thành bạn lữ đi về Tây Phương...

Đại khái như vậy...

Cái điểm quan trọng trong câu nói này là ông Trần Văn X đã phát lồ sám hối, đang thành tâm sám hối, đang kiệt thành sám hối và đang niệm Phật cầu về Tây Phương để thành đạo cứu độ chư vị... Nếu trường hợp mình đi hộ niệm cho một người đã bị mê man bất tỉnh thì mình nói câu này không được! Vì người ta mê man bất tỉnh làm sao biết ông đó có sám hối hay không? Mà chính sự sám hối của người bệnh là điểm quan trọng nhất để giúp cho ta điều giải được chuyện oán thân trái chủ.

Nếu người bệnh mà không có cái tâm sám hối, thì xin thưa thẳng thắn rằng, ta dùng cái tà pháp, ta dùng cái nội lực, ta dùng cái chưởng lực gì đó để đánh phá người ta, bắt họ phải bỏ đi thì được!... Chứ còn nói điều giải thì khó nói cho thuận lý! Mà một khi dùng đến cái lực gì của mình để đánh phá họ, bắt buộc họ phải ra khỏi cái vị trí này, thì sự ép buộc này không thể nói là chánh pháp, dễ gây oán thù truyền đời không tốt về sau!...

Cho nên quý vị cứ để ‎ý coi, những người có cái pháp thuật gì đó để Trừ Ma Yếm Quỷ, hay là có những đạo lực gì đó liên quan đến vấn đề này thì cuối đời thường thường bị nạn rất dễ sợ! Nghĩa là người ta bị phá không phải là đời này mà còn bị phá tới đời con, đời cháu, đời chít nữa... Nhiều khi bị diệt tộc luôn chứ không phải là chuyện thường!...

Vậy thì, là người học Phật tuyệt đối mình không nên có tâm ý dùng cái lực gì đó để đàn áp họ.

Những người hộ niệm mà học tập không kỹ thường thường cũng có thể vướng chuyện này. Tại vì một ban hộ niệm như vậy có thể đông đến một trăm người. Một trăm người đang ngồi trước bệnh nhân để niệm Phật. Nếu một trăm người đều phát cái lời nguyện lên “Quývị ơi, quý vị PHẢIra đi”, thì người oan gia trái chủ cũng phải chịu thua, cũng phải ra đi vì áp lực của những người hộ niệm mạnh quá. Vì lực của người hộ niệm mạnh quá nên không cần điều giải mà oan gia trái chủ đã chạy rồi!...

Có nhiều người không để ‎ý chỗ này, cứ tưởng như vậy là mình ngon, như vậy là mình có năng lực!... Có một lần Diệu Âm đi về Việt Nam, đến lắng nghe xem người ta hộ niệm như thế nào? Thì người hộ niệm đã điều giải mà nói dữ dằn quá!...

- Tôi nói một là một, hai là hai... Quý vị có nghe hay không?

Có một lần khác, một vị đó nói:

- Bây giờ tôi nói mà không ra hả? Nếu không ra thì chính trị không xong, tôi dùng đến quân sự, chứ tôi sợ à!...

Có những chuyện đã xảy ra như vậy! Diệu Âm cảnh cáo một cách thẳng thắn rằng, bây giờ chư vị có năng lực như thế nào đi nữa tôi không biết!... Nhưng làm như vậy thì đây không phải là cuộc điều giải, mà gọi là áp lực, bắt buộc, chỉ định, ra lệnh... thì đúng hơn, chứ không thể nói là điều giải được. Điều giải hay là hòa giải tức là làm cho hai bên đều thông cảm với nhau, đều tự nguyện buông xả thì mới gọi là điều giải.

Có một lần có một vị tới điều giải oan gia trái chủ đang nhập thân vào người bệnh đó, mà người bệnh đó cũng sắp chết rồi. Điều giải cả từ sáng đến chiều nhưng không thành công. Vị nhập thân đó có vẻ dữ quá, hỗn hào quá, không nể nang gì hết trơn. Người hộ niệm đó mới nói:

- Chính ta nói mà cũng không nghe nữa hả? Bây giờ có ra hay không?... Không ra thì đem tới chùa đó cho ta. Ta có cách trục ra!...

Cuộc hộ niệm này tôi không có chứng kiến tại chỗ, nhưng người ta kể lại rằng, khi nghe nói vậy, vị oan gia trái chủ đang nhập thân đã giận trợn con mắt lên!... Người hộ niệm đó nói:

- Được rồi bây giờ ta chuẩn bị trục...

Nói xong người đó ra về để chuẩn bị trục gì đó? Khi người hộ niệm đó vừa ra về, thì người bệnh đó chết!... Sau đó người ta cũng niệm Phật để hộ niệm, nhưng người chết không có một hiện tướng nào mà gọi là tốt đẹp hết!...

Người bệnh bị chết này trước đó chừng bốn năm tháng Diệu Âm có gặp qua, có nói chuyện khuyên nhắc và người bệnh đó đã bắt đầu phát tâm niệm Phật cũng khá tốt. Nhưng khi vị đó ra đi thì Diệu Âm đã về lại bên Úc rồi.

Hộ niệm mà điều giải như vậy là một điều hết sức sai lầm! Sau này, có lần chính Diệu Âm đi hộ niệm và cũng gặp một trường hợp rất giống như vậy, nghĩa là vị oan gia trái chủ nhập thân, cũng khá dữ dằn, cũng không chịu nghe lời, còn l‎‎ý luận, cãi lại nữa... Nhưng mà Diệu Âm cứ một lòng chắp tay thành khẩn năn nỉ, nghĩa là họ la gì la, mình cũng cứ thành tâm nói:

- A-Di-Đà Phật! Chúng tôi xin thành tâm ngưỡng cầu chư vị xét suy. Bà này đang thành tâm sám hối rõ rệt. Chúng tôi cũng không dám xen vào chuyện nhân quả của chư vị. Chúng tôi chỉ muốn thành tâm cứu giúp chư vị, nhưng mà thực lực của chúng tôi cứu không được. Xin chư vị nghe lời chúng tôi niệm A-Di-Đà Phật thì tự chư vị được quang minh của Phật cứu độ. Bây giờ chư vị hãy buông oán thù này xuống đi thì nhất định cái oán thù này biến thành phước đức, biến thành thiện lành, biến thành đại từ đại bi... Chư vị nương theo lòng đại từ đại bi của A-Di-Đà Phật mà trở về Tây Phương Cực lạc, liễu đoạn sanh tử hay hơn là trả thù nhau để đời đời tương oán, tương thù mà cùng chịu nạn...

Người ta làm gì làm mình cũng phải năn nỉ. Tôi nói tiếp:

- Nếu mà chư vị không tha thì đây là chuyện nhân quả của chư vị. Tôi đã hết lời, quyết không dám nói nữa. Nhất định tôi không ép buộc chư vị, nhưng chư vị hãy nghĩ coi, báo thù với nhau lợi ích gì?...

Nói theo Hòa Thượng Tịnh-Không là:

- Xin chư vị hãy nghe lời Phật dạy, quy y Tam Bảo, đoạn ác tu thiện....

Rõ ràng những lời nói của Ngài thấm thía lắm! Mình nên nương theo đó nói những lời có nội dung tương tự như vậy.

Tôi điều giải hơn một tiếng đồng hồ thì thành công. Các vị hộ niệm nói:

- Trời ơi! Hay quá!... Bây giờ xin Anh làm sao cho chúng tôi học nghề.

Tôi nói:

- Cứ nhìn đó mà làm theo đi.

Có nhiều người nói:

- Từ nay về sau tôi biết cách rồi, gặp trường hợp này tôi làm y hệt như vậy thì có thể thành công.

Tôi nói:

- Đúng đó!Phải thành khẩn, phải tha thiết, là phải cúi xuống mà lạy họ, chớ đừng có nghĩ là mình có cái năng lực nào đó mà đàn áp người ta.

Khi tôi nói đến chuyện này, thì có nhiều ban hộ niệm giật mình! Tại vì cũng có ban hộ niệm vướng phải sai lầm! Nhiều khi vì lực lượng của ban hộ niệm đó mạnh quá, bảy tám chục người, họ tỏ ra trấn áp... Đây là điều không hay! Thật ra, với oan gia trái chủ, thì hai người ba người là có thể kềm chế họ được rồi chứ cần gì tới bảy, tám chục người. Những vị oan gia trái chủ đó không phải mạnh lắm đâu. Chỉ vì họ quá khổ sở, họ quá căm thù, họ quá đau đớn mà họ phải làm như vậy. Họ lựa thế để trả thù, chứ thật ra là họ không có mạnh lắm.

Ta đã mạnh rồi, ta đã sung sướng rồi mà không thương hại họ lại còn chèn ép họ nữa, thì đây thật là điều không nên! Cho nên nếu ta sơ ‎ý trong việc khai thị, điều giải, dùng cái năng lực nào đó ép uổng họ, thì có thể gây ra những oán thù không hay!...

Hiểu được chỗ này rồi, mình hãy nghe lời các vị Đại Sư trong Tịnh-Tông, là luôn luôn lấy lòng chí thành, chí kính của mình mà năn nỉ họ. Muốn khuyên giải họ được thì người bệnh phải còn tỉnh táo và phải nói lên lời này:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật! Tôi xin thành tâm sám hối tất cả lỗi lầm của mình.

Lấy lời này, dựa vào cái cớ này, mình mới khuyên được oan gia trái chủ.

Cho nên khi muốn được hộ niệm, người bệnh không nên để đến lúc mê man bất tỉnh rồi mới mời ban hộ niệm. Trễ rồi! Trễ quá nhiều khi chúng ta có điều giải đi nữa cũng khó thành công! Điều giải oan gia trái chủ không được cảm thông, còn về phần người bệnh thì không còn nghe được nữa, thành ra cuộc hộ niệm coi như thất bại!...

Mong cho tất cả chư vị hiểu được chỗ này, chúng ta sẽ chuẩn bị phát tâm hộ niệm cho nhiều người được phước phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 24

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Niệm Phật Đường chúng ta đang nói về hộ niệm, thật sự là để nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc đời này quá sức vô thường. Vô thường đến nỗi mình chưa kịp nghĩ tới mà vô thường đã đến rồi!...

Ở bên tây Úc có một vị kia gia đình cũng rất là khá giả, mới có năm mươi mấy tuổi đang rất là khỏe mạnh, đùng một cái cảm thấy bệnh bệnh trong người, vào bệnh viện bác sĩ phát hiện ra ung thư không còn cứu được nữa. Thời gian chóng vánh mới đây thì hôm nay đã ra đi rồi. Quá sức là vô thường. Chị Chín mới tuần trước còn đi niệm Phật, thì ngày hôm nay cũng khá nặng trong bệnh viện rồi không biết là sẽ như thế nào?... Quá sức là vô thường. Ở bên Darra bà bác kia tám mươi mấy tuổi bệnh xuống, mình tới năn nỉ:

- Bác ơi, niệm Phật đi bác, niệm được bao nhiêu thì niệm.

Bà bác nói:

- Tôi bệnh ba mươi mấy năm nay chưa chết, bây giờ không sao đâu, thủng thẳng đã...

Hẹn!... Niệm Phật mà hẹn! Chúng ta chưa kịp đến thăm lần thứ hai thì bà đã vào nhà quàn nằm rồi. Quá sức vô thường!

Thấy như vậy mà khuyên người ta niệm Phật, nhiều người còn cứ nói: “Để coi đã?”. Không biết họ muốn để coi cái gì đây? Chẳng lẽ chờ coi nghiệp chướng nó ứng hiện như thế nào sao?... Chẳng lẽ để coi oan gia trái chủ hành động như thế nào sao?... Và lúc đó, khi vô trong bệnh viện nằm mê man bất tỉnh rồi, thì chúng ta tới đó cũng để coi thử cái xác đó chừng nào rã đây? Chứ còn biết cách nào khác hơn!...

Sau khi liệng báo thân nhất định không có con đường thoát nạn!... Ấy thế mà việc tu hành thì cứ hẹn “Để coi thử!”... Để coi thử một vài hôm rồi vạn kiếp sau:

- Ai coi cho mình?...

- Ai thử cho mình?...

- Ai than cho mình trong cái cảnh đọa lạc triền miên trong tam ác đạo?...

Ngài Ưu-Đàm Đại Sư nói rằng, niệm Phật phải miên mật, niệm Phật phải dính chặt với câu A-Di-Đà Phật. Nghĩa là:

-Lúc buồn phải niệm Phật.

-Lúc vui phải niệm Phật.

- Lúc ở nhà phải niệm Phật.

- Lúc đi đường phải niệm Phật.

- Lúc nhức đầu phải niệm Phật.

- Lúc bị người ta chửi phải niệm Phật.

- Lúc người ta khen phải niệm Phật...

Phải niệm Phật bất cứ giờ phút nào. Có như vậy mới mong cứu được cái huệ mạng của mình.

Cái cục thịt này là vô thường, thì nhất định phải trả về cho vô thường. Hòa Thượng Tịnh-Không khai thị cho oan gia trái chủ, Ngài nói câu này:

- Phật dạy nhất thiết pháp vô sở hữu!”.

Có nghĩa là mình không chiếm được một cái gì hết, ngay cái thân này mình chiếm hữu cũng không được luôn. Mình chỉ mượn tạm nó thôi, rồi đến lúc liệng phải liệng, giữ không được.

- Tất cánh không!”Nhất định nó sẽ là zero. Chạy theo zero làm chi?...

-Bất khả đắc!”Không có cái gì mà mình được hết, chỉ có một cái là cái nhân quả, là cái nghiệp chướng nó sẽ đi theo mình, nó đi theo đến cùng luôn, liệng không được!...

Ấy thế mà một câu A-Di-Đà Phật có thể khai trừ được, phá tan được trùng trùng nghiệp chướng từ trong vô lượng kiếp, để sau khi liệng cái báo thân tệ hại này mình về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng lận chư vị. Thế mà tại sao không ngộ ra?...

Hôm trước đi về Việt Nam có một vị vì cảm mến nên mời Diệu Âm lên làm đại biểu trong một cái khóa diễn đàn về Phật pháp. Khi gọi đến thì Thầy không có nói gì đến việc làm đại biểu hết. Mình vô tình đi đến mà bị “Vướng Nạn”, bị bắt phải ngồi hàng ghế đại biểu! Trong khi ngồi đó thì... Trời ơi! Các vị khác lên nói thao thao, diễn tả hết đề tài này đến đề tài nọ, còn Diệu Âm thì ngậm câm từ sáng cho đến chiều. Vị đó đến nói:

- Cư sĩ Diệu Âm nói đề tài gì?...

- Dạ bạch Thầy, con không có đề tài gì để nói hết.

Biết đề tài gì mà nói bây giờ? Đành phải làm thinh! Nhưng vô tình im lặng vậy cũng hay, chứ nói nhiều làm chi?... Cần niệm Phật miên mật:

- Lúc người ta nói mình niệm Phật.

- Lúc người ta chửi mình niệm Phật.

- Lúc người ta khen mình niệm Phật.

- Lúc nhức đầu mình niệm Phật.

- Lúc vui vẻ mình niệm Phật...

Lo niệm Phật không kịp thì làm sao mà nói? Nếu mình nói lên thì làm sao mình niệm Phật? Nếu mình suy nghĩ chuyện này, suy nghĩ chuyện nọ thì làm sao niệm Phật?... Tại vì vô thường quá chóng vánh! Chóng vánh đến nỗi mà bà bác kia nói:

- Tu hành, tôi biết chứ! Một trái cà tôi không lấy, một trái ớt tôi không lấy, đó không phải là tu rồi hay sao?

Vô cùng sai lầm! Tu cái kiểu gì lạ vậy!... Trái cà mình không lấy, trái ớt mình không lấy, nhưng mà cái sinh mạng người ta mình lấy. Mình không nghĩ chuyện đó sao?... Xẻ bụng người ta ra để ăn thịt trong khi người ta đang sống. Như vậy mà mình không nghĩ đến sao?...

Cho nên, “Để coi đã!”... Phải chăng oan gia trái chủ khuyên mình “Để coi đã”đó! “Để chờ một chút”... Oan gia trái chủ dạy cho mình chờ một chút đó. Để chi?... Một sớm một chiều khi nằm xuống rồi thì sẽ thấy, bạn sẽ chờ tới vô lượng kiếp nữa chưa chắc gì thoát khỏi địa ngục! Kinh khủng vô cùng!...

Chúng ta đang nói về hộ niệm, thật ra là để chúng ta biết cách làm sao cứu cho kịp một người sắp sửa xuống địa ngục được về Tây Phương Cực Lạc. Biết được hộ niệm trước một ngày là ta lo một ngày niệm Phật. Ta biết được phương pháp điều giải một ngày, là ta có thể cứu được biết bao nhiêu chúng sanh có duyên với ta từ ngày đó. Cho nên cứu người là cứu ta. Không phải học hộ niệm là chỉ để đi cứu người khác, mà thật sự chính là để tự cứu lấy mình.

Hôm trước Diệu Âm nói rằng, điều giải oan gia trái chủ, điều giải ma chướng, điều giải vong linh nhập thân... Nhưng thật ra tất cả đều ở chính tại tâm mình chứ không phải ở ngoài. Thành ra, muốn điều giải họ thì phải điều giải cái tâm mình trước.

- Cái tâm mình giải đãi! Điều giải chưa?Chưa điều giải thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện thoát nạn.

- Mình cạnh tranh ganh tỵ người ta! Điều giải chưa?Chưa điều giải thì ngày ngày có tu hành, nhưng Ma chướng vẫn cứ nhập vào trong tâm mình. Rõ ràng Ma tại tâm chứ đâu phải Ma ở ngoài.

Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc.

Đã biết không có đắc gì hết! Mà cứ móng tâm cầu đắc cái này, đắc cái nọ... Đắc riết đến nỗi “Ma” nhập luôn! Thật sự Phật dạy chúng ta không có đắc được gì hết, tại vì tất cả đều ở tại trong tâm chúng ta thôi. Chúng ta mà trở về được với chân tâm tự tánh của chúng ta là chúng ta được tất cả. Như vậy được tất cả tức là được cái chân tâm của chính ta. Chân tâm ở tại nơi ta chứ đâu phải ở ngoài mà cứ chạy tìm “Chứng Đắc”?...

Trong pháp niệm Phật, Phật dạy khuyên chúng ta là “Nguyện vãng sanh” về Tây Phương Cực Lạc chứ không phải nguyện chứng đắc, tại vì ở tại Tây Phương Cực Lạc là pháp tánh độ, là nơi A-Di-Đà Phật đã ứng hóa ra, để cho chân tâm chúng ta ứng hiện ra. Ta cứ về đó đi, tự nhiên không đắc cũng đắc. Còn ở đây mà cứ chờ đắc cái này đắc cái nọ, đắc cái này đắc cái nọ... Thì rõ ràng là “Vô khả đắc”, nghĩa là không thể đắc được gì cả! “Tất cánh không” là không có gì cả! Nếu cứ chạy tìm những cái hão huyền, để sau cùng bị đọa lạc! Đọa lạc một cách trắng trợn trước mắt mà không chịu lo, không chịu tu!...

Lời ngài Ưu-Đàm Đại Sư nói có ý nghĩa rằng:

- Con cái hỗn hào!... Ta niệm Phật...

- Chồng ta la rầy!... Ta niệm Phật...

- Vợ ta kình cãi!...Ta niệm Phật...

- Ta bị mất việc!... Ta niệm Phật...

- Ta được việc làm!... Ta niệm Phật...

Ngài nói không biết bao nhiêu thứ để cho chúng ta niệm Phật... Cứ một vế phía trước đưa ra, phía sau Ngài nói: Ta niệm Phật.

- Ta giàu có!... Ta niệm Phật...

- Ta nghèo nàn!... Ta niệm Phật...

Quý vị triển khai tiếp đi... triển khai cho đến bao nhiêu cũng được hết. Đó là lời dạy của ngài Ưu-Đàm. Ngài nói rằng:

Tại vì nếu mà không dính chặt vào câu A-Di-Đà Phật thì nhất định lục đạo luân hồi nó sẽ tiêm vào trong tâm chúng ta.

Chứ đâu phải tìm vài phút rảnh rỗi để niệm vài câu Phật hiệu gọi là tu!... Tu kiểu gì lạ lùng vậy?...

Cho nên mình nói về hộ niệm, nói về điều giải oan gia trái chủ, chứ thật ra thì oan gia trái chủ không phải chỉ là những người vô hình đâu à, mà là những người hữu hình nữa. Khổ vậy đó!

- Mình ra ngoài shop, ở đó người ta nói: Trời ơi!... Đời này mà tu làm chi? Thế là mình bỏ tu luôn. Đây là oan gia trái chủ!

- Mình có đứa con, đứa con nói: Trời ơi!... Con học, con biết được bây giờ người ta lên đến cung trăng rồi, má tu làm chi? Nghe con mình nói có lý, mình bỏ tu. Con mình là oan gia trái chủ!

- Mình đang tu, ông chồng mình la một tiếng: Tại sao không nấu cơm? Tu cái gì mà tu? Mình sợ làm buồn ông xã, thôi bỏ tu để theo ông xã đánh Casino. Ông xã mình là oan gia trái chủ!...

Trùng trùng điệp điệp những cái chướng ngại nó ngăn cản chúng ta mà không hay. Chính vì vậy mà chư vị Tổ Sư cứ nói rằng, Ma chính tại tâm này chứ không phải Ma ở ngoài đâu à!...

- Giải đãi là Ma!

- Giận dữ là Ma!

- Đố kỵ là Ma!

- Buồn rầu là Ma!

- ....

Khi biết được như vậy rồi, xin chư vị hãy ráng tập buông cho nhiều. Hòa Thượng dạy ta là buông cho nhiều, cứ tập buông, tập buông, tập buông đi...

Mỗi lần có điều gì khó chịu một chút là mau mau tìm cách bỏ liền, mau mau học theo ngài Ưu-Đàm Đại Sư niệm Phật liền.

- Lúc buồn niệm Phật,

- Lúc giận niệm Phật,

- Lúc vui niệm Phật,

- Lúc sướng niệm Phật,

- Lúc khổ niệm Phật,

- Lúc tắm niệm Phật,

- Lúc ngủ niệm Phật...

Thì tự nhiên câu A-Di-Đà Phật ứng hiện trong tâm chúng ta, ta sẽ về Tây Phương thành đạo Vô Thượng.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2015(Xem: 5372)
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội bồ đề, thời gian đầu Ngài chần chờ không muốn truyền bá giáo pháp. Đến khi chư Thiên xuống đảnh lễ, cầu xin Ngài nên vì chúng sanh mà lập bày phương tiện giáo hóa. Lúc trước đọc sử tới đoạn này tôi hơi ngạc nhiên. Vì Đức Phật phát thệ nguyện lớn, thị hiện nơi đời để độ chúng sanh, sao bây giờ thành Phật rồi, Ngài không chịu đi truyền bá Chánh pháp, đợi năn nỉ mới chịu thuyết pháp.
15/01/2015(Xem: 12948)
Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân: -Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.
05/01/2015(Xem: 18912)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
22/11/2014(Xem: 28108)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
20/10/2014(Xem: 33017)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 58364)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
16/06/2014(Xem: 15849)
Tam quy và Ngũ giới là nền tảng xây dựng đạo đức nhân bản vững chắc trong tiến trình tu tập tiến đến Phật quả của người Phật tử. Bất cứ ai muốn trở thành một người Phật tử chơn chánh, điều kiện trước tiên là phải quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm. Đây là cánh cửa khai thông đầu tiên để người Phật tử bước chân vào đạo Phật. Muốn thực tập con đường "Hiểu" và "Thương" cho có hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ, ngoài con đường "Tam quy và Ngũ giới" ra, hẳn là không có con đường nào khác để chúng ta chọn lựa. Có hiểu và thương thì chúng ta mới có thể tiến đến xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Là con người không ai lại không muốn đời mình luôn được an vui và hạnh phúc. Không ai muốn đời mình phải chịu nhiều đắng cay hệ lụy đau khổ bao giờ. Sự chọn lựa một lối đi cho thích hợp với đời sống tâm linh của mình thật hết sức quan trọng.
21/01/2014(Xem: 22181)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
21/12/2013(Xem: 7076)
Đây là danh từ Phật học nên không thể tìm thấy trong những từ điển thông thường thuộc các ngành khoa học tự nhiên hay cũng không thể tìm thấy trong các từ điển thuộc về khoa học xã hội, Kinh tế , văn học, triết học, tôn giáo học… Trong tự điển tiếng Việt của Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam vẫn không tìm thấy từ nầy.
20/12/2013(Xem: 36372)
THIỀN, được định nghĩa, là sự tập-trung Tâm, chú ý vào một đối tượng mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Tôi chia THIỀN làm hai loại, Thiền giác ngộ (Meditation for Enlightenment) và Thiền sức khỏe (Meditation for Health). Tập sách nầy chỉ bàn về Thiền sức khỏe mà thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]