Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Ngày thứ bảy

13/10/201203:27(Xem: 5968)
07. Ngày thứ bảy

TỨ NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI

Tác giả: Goenka
Dịch giả: Pháp Thông

 

NGÀY THỨ BẢY

 

Ngày thứ bảy của khóa thiền Tứ Niệm Xứ đã qua. Chúng ta đi đến phần cuối của bài kinh Đại Niệm Xứ - Mahāsatipaṭṭhāna Sutta.

Catusaccapabbaṃ - Tứ Thánh Đế

dhammesu dhammānupassī viharati catūsu ariyassaccesu

Sống quán pháp trong pháp dưới hình thức Tứ Thánh Đế. Quán pháp được thực hành đối với Tứ Thánh Đế như thế nào?

'idaṃ dukkhaṃ’ti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ dukkhasamudayo’ti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ dukkhanirodho’ti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ dukkhanirodhagaminī paṭipadā’ti yathā bhūtaṃ pajānāti.

"Đây là khổ". "Đây là sự sanh khởi của khổ". "Đây là sự đoạn diệt của khổ". "Đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt khổ". Mỗi đế được tuệ tri đúng như nó là (như thực tuệ tri).

Pajānāticó nghĩa là hiểu biết bằng trí tuệ hay tuệ tri. Yathābhūtaṃ- đúng như nó là hay như nó thực sự xảy ra - có nghĩa là sự kinh nghiệm và hiểu biết trực tiếp, như trong bài pháp đầu tiên Đức Phật đã dạy. Sự kiện khổ xuất phát từ tham ái mọi người đều đã biết. Rằng tham ái phải được đoạn trừ cũng không mới mẻ gì. Mọi người đều khổ, nhưng sự thực đó tự thân nó không làm cho người nào trở thành một bậc thánh được. Khám phá của Đức Phật là làm thế nào để biến nó thành một thánh đế (ariyasacca), một sự thực cao quý, để cho bất kỳ ai kinh nghiệm nó đều trở thành một bậc thánh, một con người thánh thiện, đạt đến ít nhất cũng kinh nghiệm đầu tiên về Niết Bàn, giai đoạn giải thoát thứ nhất - Tuđàhoàn.

Đối với mỗi (đế) trong Tứ Thánh Đế có ba phần cần phải làm, tổng cộng có cả thảy mười hai (4 x 3 = 12). Phần thứ nhất của Thánh Đế Thứ nhất - "Đây là khổ" - mọi người ai cũng hiểu. Phần thứ hai, pariññeyya- sở biến tri, có nghĩa mọi phương diện của khổ phải được tuệ tri bằng bất cứ cách nào, tức tuệ tri toàn bộ lĩnh vực của khổ. Chữ parijānāticũng là biến tri hay sự hiểu biết tận tường, ở đây parijānātiđược dùng để chỉ sự hiểu biết toàn diện về thọ (vedanā), với trí tuệ tỉnh giác (sampajañña). Parijānātihay sự hiểu biết tận tường, chỉ đến khi thọ (vedanā) đã được vượt qua. Nếu không, một phần nào đó của lĩnh vực cảm thọ có thể vẫn chưa được khảo sát tỉ mỉ. Tương tự, toàn bộ lĩnh vực của khổ (dukkha) phải được khảo sát tỉ mỉ, cho đến giới hạn của nó. Lúc đó phần thứ ba đến: pariññātahay liễu tri (sự hiểu biết rốt ráo). "Toàn bộ lĩnh vực của khổ đã được khảo sát rốt ráo". Điều này có nghĩa rằng khổ đã được vượt qua: khổ trở thành một thánh đế - ariyasacca. Việc tuyên bố đã thấu triệt toàn bộ lĩnh vực của khổ chỉ có thể được thực hiện khi đã vượt qua khổ.

Trên bề mặt thì có bốn Thánh Đế như vậy, nhưng khi bạn đi vào sâu hơn chúng rút lại chỉ có một, giống như bốn Niệm Xứ - satipaṭṭhānavậy.

Dukkhasamudaya, tập khởi hay nhân sanh của khổ - đó là, tham ái - Thánh Đế Thứ hai. Một lần nữa, sự chấp nhận trên phương diện tri thức và sự hiểu biết trên bề mặt về nguyên tắc cơ bản này sống lại từ những lời dạy của các vị Phật trước. Tuy nhiên phần thứ hai của nó là pahātabhaṃ: ái phải được đoạn trừ. Lúc đó đến phần thứ ba, pahīnaṃ: ái đã được đoạn trừ; giai đoạn giải thoát cuối cùng đã được đạt đến. Sự đóng góp của Đức Phật chính là tái lập lại phương diện sâu xa, mà từ lâu nó đã bị biến mất này.

Tương tự, sự chấp nhận đơn thuần Thánh Đế Thứ ba - sự diệt khổ (dukkha nirodha) - do lòng sùng đạo, hay do tính logic là không dủ. Phần thứ hai của nó là sacchikātabbaṃ(tác chứng): sự diệt khổ cần phải được tác chứng hay thực hiện. Giai đoạn thứ ba là sacchikataṃ: sự diệt khổ đã được tác chứng, đã được thực hiện, và vì thế đã hoàn tất.

Thánh Đế thứ tư về Đạo lộ - Đạo Diệt Khổ Thánh Đế - cũng sẽ là vô nghĩa nếu nó chỉ được chấp nhận trên phương diện thuần tri thức. Phần thứ hai của nó là bhāvetabbam: đạo diệt khổ phải được tu tập hay thực hành liên tục cho đến khi hoàn mãn - bhāvitaṃ. Chỉ khi Ngài đã đi trọn con đường (đạo lộ), chỉ khi Ngài đã hoàn thành cả Bốn Thánh Đế, mỗi Đế theo ba cách vừa kể, Bồtát Gotama (Cồđàm) mới tự gọi mình là một vị Phật.

Lúc đầu năm người bạn (chỉ nhóm Kiều Trần Như, cùng tu khổ hạnh với Đức Phật) mà Ngài thuyết Pháp (Dhamma) thậm chí không thèm nghe Đức Phật. Họ tin rằng sự giải thoát là bất khả nếu không thực hành khổ hạnh (tự hành hạ thân xác đến cực độ). Đức Phật đã trải qua điều này. Ngài đã bỏ đói tấm thân Ngài cho đến khi nó chỉ còn là một bộ xương, yếu đến nỗi không bước nổi đến hai bước. Tuy thế, với việc thực hành tám thiền chứng trước đó của Ngài, Đức Phật thấy rằng những bất tịnh sâu kín trong tâm vẫn còn. Bỏ đói thân xác là một cách luyện tập vô ích, vì thế Ngài từ bỏ nó và bắt đầu thọ dụng trở lại.

Để thuyết phục nhóm năm vị Kiều Trần Như Ngài phải nói với họ rằng Ngài đã như thực tuệ tri Tứ Thánh Đế - yathābhūtaṃ pajānāti: với trí tuệ kinh nghiệm đúng như chúng thực sự xảy ra, chứ không chỉ trên phương diện tri thức hay do lòng sùng đạo. Chỉ lúc đó họ mới bắt đầu lắng nghe Ngài thuyết Pháp.

Dukkhasaccam - Khổ Đế hay sự thực về khổ

dukkhaṃ ariyasaccaṃ

Khổ Thánh Đế bây giờ được mô tả, từ thô đến tế.

Jāti pi dukkā, jarāpi dukkhā, (byādhi pi dukkhā,) maraṇaṃ pi dukkhaṃ, sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā pi dukkhā, appiyehi sampayogo pi dukkho, piyehi vippayogo pi dukkho, yampicchaṃ na labhati taṃ pi dukkhaṃ, saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.

Ở đây, mỗi sự hiểu biết của khổ (dukkha) được giải thích bằng cách dùng những từ đồng nghĩa.

Jātilà sanh (trong bất kỳ cõi nào). Jarālà già, yếu đuối, các căn (mắt, tai,…) kém đi. Byādhi là bệnh hay đau ốm. Maraṇalà chết (từ bất cứ cảnh giới nào), và sự tan rã của các uẩn. Sokalà sầu, nỗi u buồn do mất một cái gì đó rất thân, và paridevalà bị khấp hay than khóc. Dukkhalà sự đau đớn về thể xác và cảm thọ khổ hay khó chịu. Domanassalà ưu hay sự khó chịu trong tâm. Upāyāsalà não hay tuyệt vọng, trạng thái tâm đau khổ theo sau sự mất mát hay bất hạnh. Tất cả những điều này đều là khổ - dukkha.

Ở đây cũng như trong những giải thích ở chỗ khác, chữ dukkhađược dùng để chỉ cảm thọ khó chịu hay đau đớn về thân, còn domanassa(xuất phát từ mana- tâm hay ý) chỉ sự khó chịu về tâm. Nó có thể là một ý nghĩ, một ký ức, hay sự sợ hãi. Tương tự, sukhađược dùng để trỏ cảm thọ lạc về thân và somanassatrỏ cảm thọ lạc ở tâm. Trong vedanānupassanā- thọ quán niệm xứ, các chữ dukkha vedanā, thọ khổ và sukkha vedanā: thọ lạc được dùng, đó là lí do tại sao truyền thống này chú trọng đến các cảm thọ thuộc thân kể như đối tượng thiền.

Ở một mức độ vi tế hơn "appiyehi sampayogo" - gần vật khó ưa - như rūpa: một cảnh sắc, màu hay ánh sáng; sadda: âm thanh; gandha: mùi; rasa: vị; phoṭṭhabba: xúc chạm; hoặc dhamma: một ý nghĩ. "piyehi vippayogo"[1]- xa lìa bất cứ điều gì khả lạc. Chẳng hạn xa lìa những người thân yêu, như bạn bè, và những người trong gia đình, là khổ - dukkha.

Vi tế hơn nữa là "icchaṃ na labhati": không được những gì mình mong ước (cầu bất đắc khổ). Nếu một người nào đó muốn thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi, nhưng không đạt đến giai đoạn này, đó là "na pattabbaṃ", không hoàn thành. Đây là khổ. Tương tự, khởi lên ước muốn thoát khỏi già, đau, chết, và muốn thoát khỏi tất cả những ưu sầu trong tâm, đau đớn trong thân, và điều đó đã không hoàn thành, cũng là khổ.

Tóm lại (saṅkhittena), ở một mức độ còn vi tế hơn nữa, pañcupādānakkhandha- chấp thủ năm uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức - là khổ.

Sự chấp nhận Thánh Đế Thứ Nhất (Khổ Đế) do lòng mộ đạo và do tính hợp lý sẽ không giúp ích gì cho bạn: Khổ phải được kinh nghiệm hay tuệ tri đúng như thực (yathābhūtaṃ pajānāti) cho đến giới hạn cuối cùng của nó. Điều này được thực hiện bằng cách hành giới (sīla) và định (samādhi), và với một tâm đã an định bạn quan sát thực tại vi tế - những vận hành của năm uẩn và sáu căn môn. Đây là toàn bộ tiến trình thực hành Bát Chánh Đạo.

Những cảm thọ đau đớn, kiên cứng và căng thẳng ban đầu hiển nhiên là khổ - dukkha, nhưng chúng phải được quan sát với thái độ xả, bởi vì một sự phản ứng với chúng sẽ làm tăng thêm khổ đau. Nhờ giữ thái độ xả những cảm thọ khổ này được chia chẻ ra, mổ xẻ ra, làm rời ra và tan ra, và cho dù cái đau vẫn còn, một dòng ngầm của những rung động sẽ được cảm giác cùng với nó. Khi bị những sóng lăn tăn này làm cho vỡ tan ra nó dường như không còn là khổ nữa. Ngay cả khi cái khổ này biến đi, chỉ còn lại một dòng chảy của những rung động rất vi tế, làm phát sinh hỷ lạc (pīti), thì điều này vẫn còn trong lĩnh vực của khổ, (dukkha), không có chút lạc nào thực thụ, vì nó là vô thường (anicca), sanh và diệt. Kinh nghiệm đầu tiên về sự hoại diệt - bhaṅga- này rất là quan trọng, vì nó giúp bạn hiểu ra sự thực rằng toàn bộ cấu trúc vật chất chỉ là những hạt hạ nguyên tử hay các tổng hợp sắc (kalāpa). Tuy nhiên, nếu nó được xem như sự giải thoát khỏi khổ, thời lãnh vực khổ (dukkha) vẫn chưa được bao quát đầy đủ. Những cảm thọ khó chịu (thọ khổ) sẽ đến trở lại: một phần do bề mặt của các hành (saṅkhāra) quá khứ sâu xa, một phần do oai nghi (tư thế) ngồi, do bệnh hoạn, và những trở ngại khác tương tự như vậy. Mỗi kinh nghiệm khả lạc, vì nó là vô thường, nên có khổ (dukkha) như bản chất cố hữu của nó.

Giai đoạn kế, passaddhihay an tịnh, không chứa đựng sự khó chịu và có vẻ như không có khổ (dukkha), song vẫn có sự sanh - diệt (samudaya - vaya) hiện diện ở đó. Tuy nhiên, sabbe saṅkhārā aniccā(các pháp hữu vi đều vô thường) - bất cứ pháp nào do điều kiện cấu thành sớm muộn gì cũng phải hoại diệt. Những kinh nghiệm thô vẫn sẽ đến, bởi vì sự an tịnh (passaddhi) này vẫn là một kinh nghiệm thóang qua, còn nằm trong lĩnh vực của tâm và vật chất hay danh và sắc. Toàn bộ lĩnh vực của khổ đều không hoàn toàn. Chỉ khi đã vượt qua đến một giai đoạn bất khả tư nghì, ở đây không có gì sanh hay được tạo ra, mới có thể nói là khổ đã được khám phá.

Như vậy sự hiểu biết về khổ ở mức thô không thể nói đã là một Thánh Đế. Pajānāti(biến tri hay sự hiểu biết tận tường) có nghĩa là đang khám phá toàn bộ lĩnh vực khổ với kinh nghiệm trực tiếp. Chỉ khi sự hiểu biết ấy là pariññātaṃ, liễu tri hay sự hiểu biết rốt ráo nó mới thực sự trở thành một Thánh Đế.

Samudayasaccaṃ - Tập Đế hay sự thực về sự sanh khởi của khổ

dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ

Thánh Đế thứ hai là tập khởi của khổ.

Yāyaṃ taṇhā ponobbhavikā nandīrāgasahagatā tatratatrābhinandinī, seyyathidaṃ, kāmataṇhā bhavataṇhā vibhavataṇhā.

Đây là ái (taṇhā); ponobbhavikā, đưa đến (tái sinh) hết đời này sang đời khác; nandī-rāga-saha-gatā, gắn bó với ước muốn dục lạc; tatratatrābhinandinī, đi tìm lạc thú chỗ này, chỗ kia; seyyathīdaṃ, đó là: kāma-taṇhā, dục ái; bhavataṇha: hữu ái và vibhava-taṇhā: phi hữu ái.

Kāma-taṇhā(dục ái) là ham muốn dục lạc. Bất kỳ một ham muốn nhỏ nhoi nào cũng nhanh chóng biến thành ái, và nổi bật nhất là ham muốn về nhục dục.

Bhava-taṇhā(hữu ái) là ham muốn sống còn, cho dù thân xác này và toàn thể vũ trụ có luôn luôn bị hoại diệt. Do cái tôi này, do tham ái đối với việc trở thành (hữu) này, các triết lý vốn tán thành sự vĩnh cửu dường như rất hấp dẫn (đối với con người).

Vibhava-taṇhā(phi hữu ái) là sự đối nghịch theo hai cách. Một là muốn cho vòng tử sanh luân hồi này dừng lại, một giai đoạn vốn không thể đạt đến được bởi lòng khao khát hay tham ái bất thường như vậy. Hai là từ chối chấp nhận sự tiếp tục của khổ sau khi chết, trong khi vẫn còn các hành - saṅkhāra, do sợ hãi quả báo của những nghiệp bất thiện trong đời này. Thực ra triết lý cho rằng: "Đây là kiếp sống duy nhất" vẫn có một sự tham ái và chấp thủ không bình thường trong đó.

Ba ái (taṇhā) này - dục aí, hữu ái và phi hữu ái đều đưa đến khổ đau.

Vậy thì ái này sanh khởi ở đâu và trú ở đâu?

Yaṃ loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ etthesā taṇhā uppajjamānā uppajjati, ettha nivisamānā nivisati.

Ái sanh khởi (uppajjati) và trú (nivisati) bất cứ chỗ nào có lạc trong thế gian này (loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ). Cả piya(khả ái) và sāta(khả ý) đều có nghĩa là "thích thú", "vừa lòng". Một ý nghĩa của loka là "thế gian hay cảnh giới sinh tồn", song ở đây nó có nghĩa là "trong cơ cấu của thân". Một vị chư thiên tên gọi Rohita có lần đi qua trước cửa tịnh xá nơi Đức Phật đang trú ngụ, và vị này vừa đi vừa hát: Caraiveti, caraiveti, "Cứ tiếp tục đi, tiếp tục đi". Khi được Đức Phật hỏi, Rohita nói ông ta đang đi để khám phá toàn thể thế gian này và rồi sẽ khám phá những gì nằm ngoài thế gian. Đức Phật mỉm cười và giải thích rằng toàn thế gian, nhân (sanh) của thế gian, sự diệt của thế gian và con đường đưa đến sự diệt của thế gian nằm ngay trong tấm thân này.

Theo nghĩa đen, luñjati paluñjatīti loko- thế gian (loka) không ngừng bị hủy diệt. Nó cứ sinh và diệt, sinh và diệt. Đó là toàn bộ lĩnh vực của tâm và vật chất (danh - sắc), và phải được hiểu trong cơ cấu của thân. Khi bạn trồng hạt giống của một cảnh giới đặc biệt nào đó, bạn sẽ kinh nghiệm nó. Một hành (saṅkhāra) cực bất thiện sẽ đưa đến hoả ngục bên trong, cả đời này lẫn đời sau, khi quả trổ. Trồng hạt giống của cõi trời, bạn cảm thấy hoan lạc; trồng hạt giống của cõi phạm thiên (brāhmic), bạn cảm thấy an tịnh, cả đời này lẫn đời sau. Giai đoạn Niết Bàn, ở đây không có sanh và diệt, cũng phải được kinh nghiệm trong chính thân này.

Do đó tham ái sanh khởi ở bất cứ nơi đâu lạc được cảm nhận, trong cơ cấu của thân. Bây giờ, chi tiết về nơi ái khởi sanh được (Đức Phật) đưa ra:

Cakkhu loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ, etthesā taṇhā uppajjamānā uppajjati, ettha nivisamānā nivisati … sotaṃ …Ghānaṃ … jivhā … Mano loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ, etthesā taṇhā uppajjamānā upajjati, ettha nivisamānā nivisati.

Ái khởi sanh và trú tại con mắt (cakkhu) - được xem là khả lạc và khả ý. Tiến trình như vậy cũng sẽ xảy ra với tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Rūpa … saddā… gandhā… rasā… phoṭṭhabbā… dhammā… nivisati.

Bất cứ ở đâu lạc được cảm nhận trong đối tượng, như một cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc hoặc pháp, ái khởi sanh và trú ở đó.

Cakkhu-viññānaṃ… sota viññānaṃ… Ghānaviññānaṃ… Jivhā-viññānaṃ… kāya-viññānaṃ… Mano viññānaṃ… nivisati.

Ái khởi lên ở bất kỳ thức căn nào trong sáu thức căn - nhãn thức, nhĩ thức, … hoặc ý thức. Khi mô tả về tâm, thường thì danh uẩn - thức (viññāṇa), tưởng (saññā), thọ (vedanā) và hành (saṅkhāra) là đủ. Minh sát sâu hơn sẽ tách chúng ra. Tuy nhiên, trước khi đạt đến giai đoạn đó, các hệ thống tư tưởng hay triết lý bắt đầu (nảy sanh) vì, mặc dù việc kinh nghiệm tính chất sanh và diệt là như thế, song người quan sát - ở đây là thức (viññāṇa) - dường như vẫn còn, chưa được chia tách hay mổ xẻ ra. Nó được quan niệm như linh hồn thường hằng: je viññāya te āya te viññāya[phàm cái gì là thức (viññāṇa) tức là linh hồn và cái gì là linh hồn tức là thức (viññāṇa)]. Tuy nhiên ở một mức độ thâm sâu hơn nó được tách bạch ra: nhãn thức (cakkhu viññāṇa) không thể nghe được, nhĩ thức (sota viññāṇa) không thể thấy được, bất kỳ thức nào hay tất cả thức đều có thể dừng lại, và khi ý thức (mano-viññāṇa) dừng lại, Niết Bàn được đạt đến.

Đức Phật đưa ra thêm những chi tiết

Cakkhu-samphaso …

Cakkhu-samphassajā vedanā…

Rūpa-sañcetanā…

Rūpa-taṇhā…

Rūpa-vitakko…

Rūpa-vicāro … nivisati

Do xúc (samphaso) ở bất kỳ căn môn nào (mắt, tai,…) tham ái cũng sanh khởi và an trú. Do xúc này có thọ (samphassajā vedanā) và ái cũng lại khởi lên và an trú. Tiếp theo sau sự đánh giá của tưởng (saññā) về đối tượng của giác quan hay căn môn, ái khởi lên và an trú. Sañcetanā(ý hành hay phản ứng của tâm) đối với đối tượng là một từ đồng nghĩa của saṅkhāra: ở đây một lần nữa ái khởi sanh và an trú. Như vậy ái khởi sanh và an trú trong mối tương quan với bất kỳ trần cảnh hay đối tượng giác quan nào. Sự dán áp ban đầu của tâm trên đối tượng (vitakko- tầm) sẽ theo sau. Cuối cùng là tứ (vicāro) hay sự xoay quanh của tư duy trên đối tượng. Trong mỗi trường hợp toàn bộ tiến trình xảy ra ở mỗi trong sáu căn môn đều như vậy.

Thánh Đế Thứ hai này được gọi là dukkha-samudaya: tập khởi của khổ. Trong cách hiểu thông thường, thực sự rằng ái (taṇhā) là nhân của khổ. Tuy nhiên, samudayacó nghĩa là "tập khởi" hay "khởi sanh", bởi vì khổ (dukkha) khởi sanh cùng một lúc với ái, không có khe hở.

Nirodhasaccaṃ - Diệt đế hay Sự thực về sự diệt khổ

dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ

Thánh Đế Thứ ba là sự đoạn diệt ái để cho nó hoàn toàn không khởi sanh được nữa. "Đó là sự suy tàn và đoạn diệt hoàn toàn của chính khát ái này, là sự từ bỏ nó và khước từ nó; sự giải thoát khỏi nó, không còn chỗ nào cho nó.

Yo tassāyesa taṇhāya asesavirāganirodho cāgo paṭinissaggo mutti anālayo.

Công việc này được làm ở đâu?

Yaṃ loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ, etthesā taṇhā pahīyamānā pahīyati, ettha nirujjhati.

Ái sanh khởi và an trú ở đâu trong thế gian (loke) - lãnh vực của tâm và vật chất hay danh và sắc - ở đó nó phải được đoạn trừ (pahīyamānā pahīyati) và đoạn diệt (niujjhamānā nirujjhāti). Như vậy, ái phải được giải quyết và đoạn trừ ở các cửa giác quan - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Bây giờ, chi tiết được (Đức Phật) đưa ra thêm.

Cakkhu …sotaṃ… ghānaṃ… jivhā…kāyo… Mano loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ, etthesā taṇhā pahīyamānā pahīyati, ettha nirujjhamānā nirujjhati.

Rūpa… saddā… gandhā… rāsā… phoṭṭhabbā… dhammā… nirujjhati.

Cakkhu-viññānaṃ…

Cakkhu-samphaso…

Cakkhu-samphassajā vedanā…

Rūpa-saññā…

Rūpa-sañcetanā…

Rūpa-taṇhā…

Rūpa-vitakko…

Rūpa-vicāro… nirujjhati.

Sự diệt phải là hoàn toàn, cả trong các căn môn lẫn những đối tượng liên hệ của chúng. Ở đây cũng vậy, sáu thức (viññāṇa) đi trước xúc và thọ kể như quả của nó. Tiếp theo sau đó là sáu tưởng (saññā), đánh giá cảm thọ. Rồi đến sáu ý hành (sañcetanā), cũng được gọi là saṅkhāra(hành). Ái (taṇhā) tiếp nối theo sau. Vitakko(tầm) là khởi đầu của tư duy trong sự phản ứng với xúc (giữa đối tượng và căn môn), hoặc sự khởi đầu của việc nhớ lại hay suy nghĩ về tương lai, trong quan hệ với xúc. Vitakka(tầm) được theo sau bởi vicāra(tứ), là sự suy nghĩ liên tục, trong quan hệ với đối tượng.

Đây là Thánh Đế về sự diệt của khổ (Diệt khổ Thánh Đế). Trong khóa thiền này những phân tích chi tiết, nhỏ nhiệm như vậy ở mức kinh nghiệm là hoàn toàn không thể (thực hiện được), song kinh (sutta) là một lời dạy hoàn chỉnh. Thính chúng nghe kinh hẳn phải là những người đang thực hành trên giai đoạn thứ ba hoặc thứ tư của Niết Bàn, tức từ bậc thánh anahàm (anāgāmī) đến bậc thánh Alahán (Arahant). Ở những giai đoạn rất cao này mỗi chi tiết được tách bạch ra, được phơi bày ra. Bạn hiểu biết từng cảm thọ nhỏ nhiệm khởi lên, nó liên hệ đến một căn môn đặc biệt như thế nào, và với đối tượng của căn môn ấy ra sao. Bạn cũng hiểu được thọ khởi sanh liên hệ đến tưởng (saññā), đến ý hành (sañcetanā) và đến các hành (saṅkhāra) ra sao, và hiểu thọ diệt, liên hệ với pháp này hay pháp khác như thế nào. Ở một giai đoạn rất cao như vậy, mỗi pháp có thể được chia tách ra, và mổ xẻ ra thành từng chi tiết nhỏ nhặt. Bây giờ, và ngay cả ở giai đoạn tuđàhoàn - sotāpanna, thực tại, dù sâu, cũng không sâu đến mức đó; bởi thế chỉ cần hiểu được ái hay sân có mặt hay không có mặt như kết quả của một cảm thọ nào đó - cùng với sự hiểu biết tính chất vô thường của nó - là đủ.

Maggasaccaṃ - Đạo Đế

dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ

Thánh Đế Thứ tư là Con Đường (Đạo) nhằm diệt trừ khổ.

Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, seyyathidaṃ, sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo, sammāvācā, sammākammanto, sammāājīvo, sammāvāyāmo, sammāsati, sammāsamādhi.

Đạo có tám phần. Mỗi phần sau đó lại được giải thích.

Chánh kiến (sammādiṭṭhi) là:

Dukkhe ñāṇaṃ, dukkhasamudaye ñāṇaṃ, dukkhanirodhe ñāṇaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya ñāṇaṃ.

Đó là trí tuệ hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm về khổ, sự khởi sanh của khổ, sự diệt khổ, và đạo lộ hay con đường: yathā-bhūtaṃ pajānāti, như thực tuệ tri hay sự hiểu biết đúng đắn về thực tại như nó thực sự là.

Chánh tư duy (sammāsaṅkappo) là:

Nekkhammasaṅkappo, abyāpādasaṅkappo, avihiṃsāsaṅkappo.

Đó là những tư duy hay suy nghĩ về sự xuất ly, những tư duy vô sân, và những tư duy vô hại.

Chánh ngữ (sammāvācā) là:

Musāvādā veramanī, pisuṇāya vācāya veramanī, pharusāya vācāya veramanī, samphappalāpa veramanī.

Đó là không nói dối hay nói lời thô ác. Đó là không nói lời vu khống hay chia rẽ. Ở đây cũng cần hiểu rằng điều này phải được như thực tuệ tri - yathābhūtaṃ pajānāti. Nó phải xảy ra trong cuộc sống của bạn. Nó phải được kinh nghiệm, cùng với sự hiểu biết rằng bạn đang sống một cuộc sống tránh xa sự nói dối, nói thô ác, nói chia rẽ hay nói vu khống. Trừ phi bạn đang hành như vậy, trừ phi điều đó được kinh nghiệm, trừ phi điều đó đang xảy ra trong đời bạn, bằng không nó chẳng phải là chánh (sammā) mà là tà (micchā), chỉ là một trò chơi thuần tri thức hoặc cảm xúc. Tóm lại, chánh ngữ phải là yathābhūta- như thực.

Chánh nghiệp (sammākammanto) là:

Pānātipātā veramanī, adinnādānā veramanī, kāmesumicchācāra veramanī. (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm).

Đó là tiết chế ở mức thân hành (veramanī) không sát sanh (pānātipātā), trộm cắp (adinnādānā) hoặc tà dâm (kāmesumicchācārā). Điều này cũng phải được kinh nghiệm; nghĩa là nó phải xảy ra trong cuộc sống. Chỉ khi bạn có thể nói rằng bạn đang sống một cuộc sống tránh xa việc sát sanh, trộm cắp và tà dâm, thì đó mới là tuệ tri - pajānāti, mới là kinh nghiệm đúng như nó thực sự là.

Chánh mạng (sammā-ājīvo) là:

Ariyasāvako micchā-ājīvaṃ pahāya sammā-ājīvena jīvitaṃ kappeti.

Đó là ở đâu tà mạng (micchā-ājīvaṃ) được từ bỏ (pahāya), và áp dụng lại cách thức trên: việc kiếm sống bằng những phương tiện lương thiện hay chân chánh phải được kinh nghiệm trong cuộc sống. (Phải hiểu chữ kinh nghiệm ở đây theo nghĩa thực sự xảy ra trong cuộc sống).

Chánh tinh tấn (sammāvāyāmo) có bốn:

anuppannānaṃ pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya…

uppannānaṃ pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ pahānāya…

anuppannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ uppādāya…

uppannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ ṭhitiyā asammosāya bhiyyobhāvāya vepullāya bhāvanāya pāripūriyā…

…chandaṃ janeti vāyamati vīriyaṃ ārabhati cittaṃ paggaṇhāti padahati.

Đó là để ngăn ngừa những ô nhiễm bất thiện (pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ- ác bất thiện pháp) chưa khởi sinh (anuppannānaṃ). Đó là để loại trừ những ô nhiễm đã khởi (uppannānaṃ). Đó là để khơi dậy những thiện pháp (kusalānaṃ dhammānaṃ) chưa sanh. Đó là để duy trì, không để cho tàn lụi đi, và để tăng trưởng những thiện pháp đã sanh khởi, cho đạt đến sự sung mãn của nó (bhāvanāya pāripūriyā).

Trong mỗi trường hợp, người hành thiền "ra sức nỗ lực (chandaṃ janeti vāyamati), phát khởi nghị lực (viriyaṃ ārabhati), chuyên tâm (cittaṃ paggaṇhāti) và phấn đấu (padahati)".

Chánh niệm (sammāsati) là:

kāye kāyānupassī viharati… vedanāsu vedanānupassī viharati… citte cittānupassī viharati… dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ.

Sống quán thân trong thân … quán thọ trong thọ… quán tâm trong tâm … quán pháp trong pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm để viễn ly tham ưu đối với thế gian (năm uẩn).

Bất cứ ở đâu Đức Phật mô tả chánh niệm (sati), Ngài luôn luôn lập lại bốn lĩnh vực thiết lập niệm - satipaṭṭhānanày. Trong đó yếu tố sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) kinh nghiệm các cảm thọ đang sanh và diệt, phải có mặt. Nếu không thì những gì đang được thực hành không phải là chánh niệm - sammasati, mà đúng hơn đó chỉ là niệm thông thường của một người hát xiếc.

Chánh định (sammāsamādhi) là việc thực hành bốn bậc thiền:

vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukham.

vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ…

pītiyā ca virāgā upekkhako ca viharati sato ca sampajāno sukhañca kāyena paṭisaṃvedi yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti 'upekkhako satimā sukhavihārī’ti… sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubbeva somanassa domanassānaṃ atthaṅgamā adukkhamasukhaṃ upekkhāsati pārisuddhim…

[Ly dục (kāmehi), ly bất thiện pháp (akusalehi dhammehi) (chứng và trú thiền thứ nhất) một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm, không tứ, nội tịnh nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc thánh gọi là 'xả niệm lạc trú'. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh].

Trong thiền thứ nhất có sự viễn ly các dục (kāmehi) và những ô nhiễm trong tâm (chủ yếu là năm triền cái). Nó có tầm và tứ (savitakkaṃ savicāraṃ): có sự chú tâm (tầm) vào đối tượng thiền cùng với sự nhận biết liên tục về đối tượng ấy (tứ). Có sự viễn ly (vivekajaṃ) và hỷ lạc (pītisukhaṃ) - tức là có nhiều sự dễ chịu trong tâm (hỷ) và cảm thọ lạc trên thân. Tâm được định. Trong thiền thứ hai, vitakka-vicārānaṃ vūpassamā(diệt tầm và tứ): đối tượng thiền rút dần, và có sự dễ chịu (hay cảm giác lạc) trong tâm và thân. Trong thiền thứ ba, sự dễ chịu trong tâm hay hỷ (pīti) rút xuống; chỉ còn lạc (sukha), một cảm thọ dễ chịu ở thân phát sinh do tâm định. Tuy nhiên, bây giờ sampajāna(trí tuệ tỉnh giác) về thực tại đang sanh và diệt được thêm vào.

Cần phải hiểu rằng ngay cả trước khi Đức Phật xuất hiện các thiền chứng này đã có mặt ở Ấn Độ. Ngài đã học các thiền thứ bảy (vô sở hữu xứ thiền) và thiền thứ tám (phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền) từ hai vị thầy trước đó của Ngài. Tuy vậy, ở đây chỉ có bốn thiền (sắc giới) được Đức Phật dạy. Lý do là vì trong các bậc thiền (vô sắc) mà Ngài đã học trước đó, yếu tố sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) đã bị bỏ quên. Kết quả là, họ chỉ có thể loại trừ những bất tịnh ở sâu hơn một chút nhưng vẫn trên bề mặt. Không có sampajañña, họ không thể đi vào chiều sâu (của tâm) và nhổ những bất tịnh đã ăn rễ sâu xa ở đó ra được. Những bất tịnh này vẫn còn, do những bất tịnh này còn nên dòng hữu phần (dòng duy trì tính liên tục của sự sống) vẫn tiếp tục. Bây giờ, với việc thực hành chỉ bốn bậc thiền (sắc giới), sự sanh và diệt được quan sát trong tam thiền. Sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) có mặt.

Trong thiền thứ tư, không còn lạc (sukha) hoặc khổ (dukkha). Hỷ (somanassa) và ưu (domanassa) cũng đã ra đi. Không còn cảm giác dễ chịu (lạc) cũng như khó chịu (khổ) trong tâm. Chỉ có adukkhaṃasukham- không khổ không lạc hay sự vắng lặng - còn lại, cùng với upekkhā-sati-pāsisuddhim(xả, niệm và sự thanh tịnh hoàn toàn). Sampajāno(trí tuệ tỉnh giác) bây giờ không được dùng nữa vì đây là giai đoạn Niết Bàn [2]. Sampajañña- trí tuệ tỉnh giác là đóng góp của Đức Phật cho việc hành thiền thời bấy giờ, có thể nói đó là phương tiện nhờ nó người hành thiền vượt qua toàn bộ lĩnh vực của thân và vật chất hay danh và sắc.

Đây là Thánh Đế Thứ tư.

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassī viharati… 'atthi dhamma’ti… na ca kiñci loke upādiyati.

Những trạm tương tự tiếp tục tái diễn: chánh niệm được thiết lập trong sự thực (rằng) không có gì ngoài pháp (dhamma) và lúc đó cũng không có gì để chấp thủ.

Tất nhiên sự giải thích này phải được kinh nghiệm và tuệ tri. Chúng ta có thể đọc nó, nhưng chỉ với kinh nghiệm thâm sâu, ý nghĩa của những lời Đức Phật dạy, mới trở nên rõ ràng. Ở giai đoạn Alahán mọi việc sẽ rõ ràng nhờ kinh nghiệm.

Satipaṭṭhānabhāvanānisaṃso -Những kết quả của việc thực hành Niệm xứ

Thực hành theo cách này, một trong hai quả sẽ đạt đến: diṭṭheva dhamme aññā, sati va upādisese anāgāmitāhoặc diṭṭheva dhamme aññā- đắc sự hiểu biết hay trí tuệ toàn diện của bậc Alahán (thường dịch là chánh trí), hoặc đắc giai đoạn thứ ba của bậc bất lai - ānāgāmī- anahàmvà điều đó phải mất bảy năm.

Có người đã thực hành hơn bảy năm hỏi tại sao họ không thành một bậc Alahán. Tuy nhiên, phải nhớ rằng điều kiện cần thiết là evaṃ bhāveyya, tức phải thực hành đích xác như đã mô tả. Đó là sampajaññaṃ na riñcati- không xao lãng một sát-na tỉnh giác (sampajañña) trong cuộc sống. Giờ đây, bạn đang chuẩn bị cho giai đoạn này, đang tập cảm giác những cảm thọ trong mọi phần ở mức thể chất, và hiểu rõ sự sanh diệt của nó. Khi bạn có thể hành theo cách này, bạn đã được Đức Phật bảo đảm về những kết quả (sẽ gặp).

Hơn nữa, Đức Phật còn nói, không cần đến bảy năm, sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, và thậm chí xuống còn một năm; rồi bảy tháng, sáu tháng, năm tháng, bốn tháng… và xuống còn một tháng, nửa tháng, hoặc ngay cả bảy ngày, cũng đủ. Thời gian khác nhau là tuỳ vào sự tích luỹ ở quá khứ, cho dù trí tuệ tỉnh giác (sampajañña) được thực hành trong từng sát-na. Nó có thể là bảy năm, thế nhưng có những trường hợp, hành cùng một kỹ thuật, có người đã kinh nghiệm Niết Bàn sau chỉ một vài phút, giống như vị đạo sĩ từ Bombay đến Savatthi và được Đức Phật dạy chỉ vài lời - diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati- trong cái thấy chỉ có cái thấy.

Một số người hành thiền khởi sự với việc đi (kinh hành) thậm chí còn niệm thầm "đi", "ngứa", hay bất cứ hoạt động nào họ đang làm. Không có trí tuệ (pañña) nhưng ít ra việc thực hành cũng tập trung được tâm. Những người nặng về tham dục, phải đi vào nghĩa địa - hoặc ngày nay một phòng mổ xác thí nghiệm - để quân bình lại tâm trí của họ đến một mức độ nào đó trước khi hành minh sát. Dù điểm khởi đầu là gì, người hành thiền cũng phải kinh nghiệm các cảm thọ đang sanh và diệt. Hiện nay trí tuệ tỉnh giác (sampajañña) của bạn có thể chỉ mới được một vài giây, và rồi quên cả vài phút hoặc thậm chí cả giờ liền. Với việc thực hành liên tục, sau đó bạn sẽ quên tỉnh giác chỉ một thời gian ngắn, không đến một vài sát-na. Giai đoạn tỉnh giác ấy có thể phải mất một thời gian dài, nhưng sau đó giới hạn (thành tựu kết quả) là bảy năm.

Bài kinh kết thúc với những chữ:

'Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya, dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya, ñāyassa adhigamāya, nibbāmassa sacchikiriyāya yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā’ti. Iti yaṃ taṃ vuttaṃ, idametaṃ paṭicca vuttaṃ ti.

"Chính vì lý do này ta mới nói: "Đây là con đường độc nhất, này các Tỳ khưu, để tịnh hóa các chúng sinh, (để) vượt qua sầu, bi: diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh đạo (bước đi trên đạo lộ của chân lý), để chứng đắc Niết Bàn: đó là, bốn niệm xứ".

Ekāyano maggo(con đường độc nhất) không phải là một lời tuyên bố của bộ phái, mà là một quy luật của tự nhiên. Đạo lộ không chỉ giúp những người tự gọi mình là Phật tử hoặc những người có niềm tin minh xác: nó phải được kinh nghiệm bởi mọi người, thực hành và vượt qua cảm thọ. Dù Đức Phật có xuất hiện hay không, quy luật tự nhiên của vũ trụ vẫn hiện hữu. Trái đất mãi cứ tròn; định luật hấp dẫn luôn có mặt dù Galileo hoặc Newton có khám phá ra nó hay không. Tương tự, sự sanh khởi và sự đoạn trừ của khổ là một quy luật. Cũng như hai phần hydrogen và một phần oxygen sẽ tạo thành nước như thế nào, thì khi chìm đắm trong vô minh, phản ứng lại với tham hoặc sân, khổ đau cũng phát sinh như vậy. Đây không phải là quy luật của đạo Hindu (Ấn giáo), Phật giáo hay Thiên chúa giáo, mà chỉ đơn giản là quy luật (tự nhiên). Tương tự, nếu có chánh niệm và tỉnh giác (sampajañña), hiểu biết toàn bộ sự thực, sẽ có giải thoát, vậy thôi. Sự hiểu biết trên phương diện tri thức chỉ có thể cho bạn niềm cảm hứng và sự hướng dẫn. Tuy nhiên, không có những hiểu biết này, những người thuộc tri kiến khác không thể khám phá và kinh nghiệm được sự thực. Ai đó có thể quả quyết rằng quả đất bằng, hoặc định luật hấp dẫn không hiện hữu, nhưng không có gì có thể thay đổi được điều đó.

Lửa sẽ đốt cháy tay bạn. Sự thực này ai cũng có thể kinh nghiệm. Để tránh nó, hãy giữ tay bạn xa khỏi lửa. Theo cách đích xác như vậy, phản ứng lại các cảm thọ sẽ gây ra khổ đau. Nếu bạn dừng lại việc phản ứng và chỉ quan sát sự sanh và diệt của chúng (cảm thọ), đương nhiên việc thực hành của bạn sẽ dập tắt khổ đau, dập tắt ngọn lửa tham và sân, cũng như nước dập tắt lửa vậy. Đây là Ekāyano maggo- (con đường độc nhất) - là quy luật tự nhiên, hay sự thực cho tất cả mọi người.


Hỏi và đáp

Mỗi lời kinh sẽ trở nên rõ ràng khi bạn thực hành và đạt đến mục tiêu cuối cùng. Ở giai đoạn này, nhiều câu hỏi cứ tiếp tục đổ tới. Cho dù những câu trả lời của bậc Đạo sư có thỏa mãn được bạn trên phương diện tri thức, song hoài nghi có thể sẽ xói mòn chúng. Bạn chỉ có tưởng tượng, chứ không thấy. Hãy thực hành. Trong mỗi khóa thiền, nếu bạn cứ duy trì việc hành pháp - dhamma, bạn nghe cũng những bài kinh ấy, cũng những lời kinh ấy, nhưng mỗi lần bạn lại khám phá ra một điều gì đó mới mẻ. Sự hiểu biết đích thực, rõ ràng và không một chút hoài nghi hay lấn cấn, sẽ đến cùng với kinh nghiệm riêng của bạn.

H: Ngài đã đề cập đến việc ghi nhận những trạng thái tâm khác nhau đang sanh khởi. Ngài sẽ đối phó với, chẳng hạn như sân hận hay tưởng tượng như thế nào?

Đ: Ghi nhận sân hận, sợ hãi, tham dục, cái tôi hay bất kỳ loại bất tịnh nào khác không có nghĩa là đọc thầm chúng. Việc ghi nhận có thể giúp bạn tập trung và hiểu biết được đôi chút, nhưng sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) bị bỏ quên. Chỉ cần chấp nhận nội dung tâm trí, rằng tâm bạn hiện đang có sân, chẳng hạn - sadosaṃ vā cittaṃ… pajānāti(tâm có sân tuệ tri có sân) - và quan sát bất kỳ cảm thọ nổi bật nào, với sự hiểu biết về sự sanh và diệt của nó. Bất kỳ cảm thọ nào có mặt lúc đó cũng sẽ liên hệ với sân.

H: Các kalāpas- tổng hợp sắc hay những hạt hạ nguyên tử - sanh khởi từ đâu và chúng diệt rồi về đâu? Vì không thể có gì từ không mà có.

Đ: Vũ trụ bắt đầu từ đâu, và nó được tạo ra như thế nào? Đây là sự suy đoán, là cách các triết thuyết nảy sanh. Đức Phật gọi chúng là những câu hỏi không thích đáng. Chúng không liên hệ đến khổ, tập khởi của khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ. Sự sáng tạo cứ tiếp diễn trong từng sát-na: Các kalāpađược tạo ra, chúng lúc nào cũng sanh và diệt, sanh và diệt, không biết đến sự sanh - diệt này sẽ dẫn đến khổ đau. Những gì khác ngoài ra là vô nghĩa. Đời người ngắn ngủi và bạn có một công việc lớn lao phải làm là thay đổi lề thói quen của tâm ở mức sâu xa nhất và đạt đến sự giải thoát viên mãn. Đừng phí thời gian của bạn: hãy làm việc, và thực tại do bạn kinh nghiệm sau đó sẽ tiết lộ mọi chuyện.

H: Nhân nằm đằng sau sự hiện hữu của thế gian của tâm và vật chất (danh - sắc) này là gì?

Đ: Vô minh sanh ra các hành (saṅkhāra), và các hành làm tăng trưởng vô minh. Toàn thế gian được tạo ra bởi sự nuôi dưỡng hỗ tương này, chứ không có gì khác.

H: Vậy thì vô minh bắt đầu như thế nào? Nó không thể cùng hiện hữu với tâm từ, trí tuệ và tri kiến chứ.

Đ: Tất nhiên rồi, nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là thấu hiểu được vô minh của sát-na này và để cho sự thanh tịnh đến. Nếu không thì nó sẽ trở thành một vấn đề thuộc phạm vi triết lý, không giúp ích được gì cả.

H: Đức Phật có đi thuyết giảng ở ngoài Ấn Độ không, như Miến (Myanmar) chẳng hạn?

Đ: Không có chứng cứ rõ ràng nào cho thấy rằng Đức Phật đã đi thuyết giảng ngoài vùng Ganga-Jamuna của bắc Ấn Độ.

H: Với lòng tôn kính, thưa Ngài, làm sao chúng ta có thể nói được rằng Đức Phật đã tìm ra lại kỹ thuật bị thất truyền này khi bản thân Ngài đã được dạy nó và phát nguyện trước một vị Phật quá khứ?

Đ: Rất nhiều người đã gặp được một vị Phật, phát khởi tín tâm và ước nguyện không chỉ giải thoát tự thân, mà còn mong muốn trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác (sammā-sambuddha) để giúp giải thoát cho nhiều người khác. Trong khi bày tỏ ước nguyện này vị Phật Chánh Đẳng Giác lúc đó có thể xem xét khả năng tâm linh của họ: hoặc họ đã từng hành trong vô lượng kiếp quá khứ, nếu bây giờ được cho một đề tài Minh sát (vipassanā), chẳng mấy chốc họ sẽ trở thành bậc Alahán; hoặc dù biết rõ điều này (sẽ đắc Alahán) họ vẫn ước nguyện tu tập các pháp balamật (pāramis) của mình cho đến một mức độ cần thiết qua vô lượng kiếp thêm nữa. Nếu sự tình như vậy, họ không chỉ nhận được lời phú chúc mà còn nhận được cả lời tiên đoán về thời gian (sẽ thành Phật) nữa. Vị đạo sĩ, người mà về sau đã tái sinh làm bồtát Gotama (Cồđàm), có khả năng đạt đến giai đoạn của một bậc Alahán lúc đó, nhưng không hành thiền Minh sát.

Trong kiếp cuối cùng của mình, với tăm tối vây quanh, những lời ca tụng rất mực về Vipassanā(Minh sát) vẫn hiện hữu trong Rigveda [3] cổ xưa, nhưng chỉ là những lời đọc tụng suông. Việc thực hành đã thất truyền. Nhờ các balamật quá khứ của mình, Đức Bồtát (Gotama) đã đi vào chiều sâu và khám phá ra nó. Ngài nói: "pubbe ananusutesu dhammesu cakkhuṃ upadādi" - Mắt ta đã mở đối với Pháp mà trước đây ta chưa từng được nghe - (nhãn sanh). Sau đó Ngài gọi Pháp ấy là purāṇo maggo- Con đường cổ xưa. Ngài tìm lại được con đường từ lâu đã bị vùi lấp, lãng quên và ban bố nó cho thế gian.

H: Liệu một thực thể với các hành - saṅkhāras- làm nhân cho tái sinh có được sự chọn lựa nào không về hoàn cảnh (nơi tái sanh), hay điều đó thực sự được quyết định bởi các hành quá khứ?

Đ: Các hành - saṅkhāra- quá khứ trách nhiệm cho tái sinh trong những lĩnh vực thấp kém mạnh đến nỗi mà vào thời điểm chết một trong những hành này sẽ khởi lên và tạo ra một sự rung động hòa điệu với sự rung động của một cảnh giới đặc biệt nào đó; theo cách ấy bạn bị hút vào những mức độ khổ sâu hơn. Tuy nhiên, nếu thiền minh sát được thực hành một cách đúng đắn, ngay cả với những hành như vậy sự rung động của vipassanācũng vẫn mạnh đến độ vào sát-na tâm cuối cùng nó khởi lên và liên kết với một cảnh giới, ở đây thiền minh sát có thể được thực hành, thay vì bị cuốn vào một lĩnh vực thấp kém. Vì thế, theo một cách khác bạn có thể chọn không để rơi xuống (cảnh giới thấp kém).

H: Nếu cái "tôi" là phi hữu, cái "tôi" là một ảo tưởng, vậy "tôi" có thể tái sinh như thế nào?

Đ: Không có gì (đi) tái sinh. chỉ có một dòng tương tục của tâm và vật chất (danh và sắc): mỗi sát-na "saṅkhāra paccayā viññānaṃ" (hành duyên cho thức). Vào lúc chết lực đẩy của một hành sâu xa đó khiến cho thức - viññāna- khởi lên với một thân khác, vậy thôi.

H: Nếu phần thưởng dành cho sự thành tựu Niết Bàn là cái chết thể xác, tại sao lại phải thực hành để chết?

Đ: Đó không phải là sự hủy diệt, mà là một nghệ thuật chết kỳ diệu. Đó cũng là một nghệ thuật sống, thoát ra khỏi mọi bất tịnh để sống một đời sống lành mạnh. Khi bạn kinh nghiệm Niết Bàn, đó là một trạng thái giống như chết: các căn không làm việc, nhưng hoàn toàn tỉnh thức bên trong. Hãy kinh nghiệm nó. Tự động câu hỏi được trả lời.

H: Người đã giải thoát sẽ sống ở đâu nếu không tái sinh?

Đ: Rất nhiều câu hỏi đại loại như vậy đã được người ta đặt ra với Đức Phật. Điều gì xảy ra với một vị Alahán sau khi chết là điều đã được vị ấy kinh nghiệm trong cuộc sống (vì ngay cả khi còn sống vị Alahán cũng đã thọ hưởng hữu dư Niết Bàn). Kinh nghiệm giai đoạn thứ tư của Niết Bàn (Niết Bàn của bậc Alahán) các vị hiểu được rằng đây là giai đoạn cùng tột, giai đoạn ấy cũng sẽ xảy ra sau khi chết. Điều đó không thể nào giải thích được bằng lời vì nó vượt ngoài tâm và vật chất (danh - sắc). Một điều gì đó vượt ngoài lĩnh vực cảm quan không thể nào diễn đạt được bằng các giác quan. Một kinh nghiệm thuộc chiều thứ tư làm sao có thể thể hiện trong (không gian) ba chiều được. Có thử mới biết (The proof is in eating the cake).

H: Liệu một người giác ngộ có gia đình vẫn có thể có con chứ?

Đ: Dục (nhục dục) đương nhiên sẽ trở nên yếu đi khi bạn thăng tiến, tuy thế bạn vẫn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc. Sao lại phải lo về chuyện đó? Cứ đến giai đoạn (giác ngộ) đó đi và câu hỏi sẽ được trả lời.

H: Có một thứ tự ưu tiên để liệt kê mười pháp balamật (pāramīs) không?

Đ: Tu tập các balamật ấy là chuyện quan trọng hơn, thứ tự không thành vấn đề.

H: Bởi lẽ thiền Minh sát đã được truyền bá rộng khắp, như vậy các vị Tuđàhoàn (sotāpannā), Anahàm (anāgāmī) và Alahán (Arahant) ngày nay có nhiều không?

Đ: Con số những người hành thiền ngày nay chỉ như một giọt nước trong đại dương của hàng tỷ người, và hầu hết còn ở giai đoạn mẫu giáo; cũng có những trường hợp người hành thiền đã kinh nghiệm Niết Bàn, nhưng rất ít.

H: Không có ý xúc phạm, thưa Ngài Goenka, Ngài đã giác ngộ viên mãn?

Đ: Tôi không phải là một bậc Alahán, nhưng không hoài nghi chuyện đang trên đạo lộ để trở thành một vị Alahán. Tôi đã bước được nhiều bước hơn tất cả các bạn trên đạo lộ, tôi có đủ khả năng để dạy các bạn. Hãy bước đi trên đạo lộ để đạt đến mục tiêu cuối cùng: điều đó quan trọng hơn là dò xét thầy của bạn!

H: Ai là thầy của Ngài Ledi Sayadaw [4]? Ngài thường đề cập đến truyền thống lấy thọ - vedanā- làm căn bản, vậy tên của truyền thống này là gì?

Đ: Không có sử liệu ghi chép, nhưng Ledi Sayadaw nói rằng Ngài học kỹ thuật này từ một vị sư ở Mandalay (cố đô Miến Điện). Như vậy, truyền thống (niệm thọ) này tồn tại ngay cả trước thời Ngài Ledi. Trong số rất nhiều những học trò của Ngài, một số cũng đã bắt đầu đi dạy, và xem niệm thọ (vedanā) là quan trọng. Sayet Thet đã dạy cho Sayagyi U Ba Khin, một trong số những vị thiền sư khác, và Sayagyi U Ba Khin cũng có một số học trò hiện đang dạy thiền. Tôi là học trò của Ngài và cũng xem thọ là quan trọng. Truyền thống này chú trọng đến niệm thọ - vedanā.

H: Về vấn đề tụng kinh…

Đ: Tụng kinh là một phần phận sự của vị thiền sư, để tạo ra những rung động tốt, để bảo vệ công việc (thực hành) của các thiền sinh khỏi những rung động xấu từ bên ngoài. Công việc của thiền sinh là thực hành và quan sát, đó là lý do vì sao họ không được yêu cầu phải tụng kinh. Ở một giai đoạn nào đó chúng tôi cũng dạy: giữa mỗi lời (kinh) bạn chánh niệm các cảm thọ với tính chất vô thường - aniccacủa nó, và với trí tuệ tỉnh giác - sampajaññārất rõ rệt ở mỗi lúc ngưng lại. Đây không phải tụng đọc suông, mà là để tạo ra sự rung động của Pháp (dhamma). Tụng kinh trở thành một phần của việc thiền tỉnh giác (sampajañña) thường xuyên. Nếu không thì, tụng đọc suông, xem ra rất dễ, cũng chỉ là một lễ nghi tôn giáo hay nghi thức tôn giáo.

H: Nếu không có cái tôi, phần nào của con người có thể cho ra hay tiếp nhận tâm từ (mettā).

Đ: Vipassanāđưa bạn đến sự thực cùng tột, nhưng Đức Phật muốn bạn phải biết rõ cả hai sự thực - cùng tột và bề ngoài. Chẳng hạn như trên phương diện cùng tột cả bức tường này lẫn đầu của tôi đều là những rung động, song ở phương diện bề ngoài chúng là những vật thể cứng. Nếu va chạm, bức tường vẫn sẽ làm bể đầu tôi như thường! Trên phương diện cùng tột hay chân lý tuyệt đối, không có chúng sinh, nhưng bạn vẫn phải từ bỏ những hành động bất thiện - như sân hận, nóng giận, ác ý và thù nghịch - bởi vì chúng làm hại bạn. Phát ra từ bi và thiện chí, làm cho tâm bạn tốt hơn, và nó còn giúp cho bạn đạt đến mục tiêu cuối cùng.

H: Sự giải thích của Ngài về kinh có vẻ như không đúng hoàn toàn theo nguyên văn. Làm thế nào Ngài biết được sự giải thích của Ngài là đúng với những gì Đức Phật muốn nói?

Đ: Ngôn ngữ đã qua hai mươi lăm thế kỷ, và ý nghĩa của nó cũng thay đổi. Cho dù chúng không đổi chăng nữa, những gì Đức Phật nói bằng kinh nghiệm của Ngài cũng không thể nào hiểu được nếu không có kinh nghiệm đó. Nhiều nhà dịch thuật chưa bao giờ thực hành. Ở đây, chúng ta không chê trách hay chỉ trích những giải thích khác về lời dạy của Đức Phật. Khi bạn thực hành, bạn sẽ hiểu được những gì Đức Phật có ý định muốn nói; và cho đến lúc này bạn phải chấp nhận bất cứ điều gì bạn kinh nghiệm.

Các bản chú giải được viết khoảng hơn một ngàn năm sau Đức Phật nhập diệt, mặc dù sự khảo cứu của chúng ta phát hiện ra rằng thiền minh sát (vipassanā) trong hình thức thuần khiết của nó đã thất truyền năm trăm năm sau sự nhập diệt của Đức Phật. Các bản chú giải khác được viết trong thời gian 500 năm ấy, nhưng đã bị thất lạc ngoại trừ bản ở Sri Lanka (Tích Lan): các bản chú đó lại được dịch sang Pāḷi, nhưng với sự giải thích riêng của người dịch. Tất nhiên những bản dịch ấy cho chúng ta một bức tranh khá rõ ràng về xã hội Ấn Độ trong thời Đức Phật: bao quát toàn bộ phạm vi bối cảnh xã hội, chính trị, giáo dục, văn hóa, tôn giáo và triết thuyết của nó. Các bản chú giải này luôn luôn làm sáng tỏ những chữ khó hiểu bằng cách đưa ra nhiều từ đồng nghĩa. Tuy thế, trong khi chúng rất ích lợi, song nếu những từ chú giải đưa ra có khác với kinh nghiệm của chúng ta, và nếu trong những lời dạy của Đức Phật chúng ta tìm thấy một sự giải thích rõ ràng, trực tiếp, lúc đó, không chỉ trích các bản chú giải, chúng ta phải chấp nhận sự giải thích của Đức Phật về kinh nghiệm của chúng ta.

Chẳng hạn, có truyền thống xem vedanā(thọ) chỉ là tâm (danh). Thực sự rằng thọ là một danh uẩn và vedanānupassanā- quán thọ hay niệm thọ - phải thuộc về tâm. Nhưng trong một vài nơi khác Đức Phật nói về thọ lạc (sukha vedanā) thọ khổ (dukkha vedanā) trên thân, như trong Kinh Niệm Xứ - Satipaṭṭhāna Sutta, trong khi somanassa vedanā(thọ hỷ) và domanassa vedanā(thọ ưu) được dùng để chỉ tâm.

Một số bản dịch tiếng Anh về từ sampajaññathường là "sự hiểu rõ" (clear comprehension) đã tạo ra rất nhiều lầm lẫn. Cách dịch này ám chỉ niệm (sati) không có trí tuệ tỉnh giác (sampajañña), tức không có sự hiểu biết với trí tuệ (paññā) hoàn hảo. Trong những lời dạy của Đức Phật, có đoạn "viditā vedanā uppajjati" cảm giác cảm thọ đang sanh lên. Niệm đơn thuần như vậy là vừa đủ như một bước khởi đầu: chẳng hạn, một cảm giác ngứa được cảm nhận và người hành thiền gán nhãn (hay niệm ngứa, ngứa), không cần có sự hiểu biết về tính chất vô thường - anicca- nhưng đây không phải là sampajañña(trí tuệ tỉnh giác).

Tương tự, sati parimukkhaṃđã được dịch "giữ niệm trước (mặt)". Thế là người ta bắt đầu tưởng tượng niệm hay sự chú ý của họ ở trước mặt, ngoài thân, và kỹ thuật quán thân trong thân (kāye kāyānupassī), quán thọ trong thọ (vedanāsu vedanānupassī) - đã mất đi. Do đó, khi kinh nghiệm của chúng ta khác với niềm tin của các truyền thống khác chúng ta sẽ tìm sự che chở nơi những lời dạy của Đức Phật.

"Học viện nghiên cứu Thiền Minh sát" đã được thành lập để nghiên cứu tỉ mỉ tất cả những lời dạy của Đức Phật bằng máy tính; khối lượng kinh điển thật khổng lồ. Thay vì nhớ những trường hợp, chẳng hạn như cách dùng vedanā(thọ) hay sampajāno(trí tuệ tỉnh giác) trong bốn mươi đến năm mươi quyển kinh dày ba, bốn trăm trang mỗi cuốn, các máy đã được dùng để tra tìm cách dùng từ tiện cho việc khảo sát. Nếu những khác nhau là kết quả, chúng ta đành phải chấp nhận, nhưng chúng ta cũng không khăng khăng rằng "chỉ đây là sự thực" - idaṃ saccaṃ. Không có sự chấp thủ ở đây. Từ kinh nghiệm trực tiếp của tôi về những lời dạy của Đức Phật, và từ dòng truyền thừa của các bậc thiền sư này, kể cả những vị đã đạt đến những giai đoạn rất cao, Tôi hiểu kinh nghiệm của họ là giống nhau. Tương tự, hàng ngàn người hành thiền trên thế giới đều có cùng kinh nghiệm như vậy. Do đó, Tôi tin rằng lời dạy này là chính xác và là đường lối của Đức Phật. Nếu còn hoài nghi, hãy thực hành: chỉ có thực hành mới loại trừ được những hoài nghi. Nếu kỹ thuật này không thích hợp với bạn trên phương diện tri kiến, hãy thực hành với kỹ thuật khác, nhưng đừng có pha trộn (kỹ thuật này với kỹ thuật khác), hoặc chạy động chạy tây phí hết thì giờ. Nếu bạn tìm được những kết quả với kỹ thuật này, hãy đi vào sâu hơn và mọi câu hỏi của bạn sẽ được trả lời. Ngay cả khi bạn chỉ học được một ít Pāḷi(ngôn ngữ Đức Phật dùng thuyết giảng kinh), những lời của Đức Phật cũng sẽ trở nên sáng tỏ đúng lúc. Bạn cảm thấy như Ngài đang hướng dẫn bạn. Thay vì những hoạt động tri thức không cần thiết, hay những lý sự và tranh luận, sự kinh nghiệm sẽ làm sáng tỏ hơn.

Bạn đã đến với một khóa thiền Tứ Niệm Xứ để kinh nghiệm, chứ không phải chỉ để nghe những lời của Đức Phật hay sự giải thích của một vị thầy cá biệt nào. Trước khi tham dự khóa thiền Tứ Niệm Xứ này, các bạn đã dự ba khóa hoặc nhiều hơn rồi; giờ đây hãy tiếp tục đi vào sâu hơn để cho những lời dạy của Đức Phật trở nên sáng tỏ hơn bằng chính kinh nghiệm của bạn. Hãy tự giải thoát mình khỏi các hành (saṅkhāra) và kinh nghiệm sự giải thoát chơn thực. Cầu mong tất cả các bạn cùng đạt đến mục tiêu cuối cùng của sự giải thoát viên mãn.

Bạn đang bước những bước đi đúng trên chánh đạo: dù dài, điều đó không quan trọng. Bước thứ nhất, thứ hai, và bằng cách ấy từng bước một bạn chắc chắn sẽ đạt đến mục tiêu cuối cùng. Cầu mong các bạn hưởng được hạnh phúc chơn thực và sự bình yên của giải thoát.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

--ooOoo--

[1] Appiyehi sampayogo và piyehi vippayogothường được dịch là oán tắng hội khổ và ái biệt ly khổ.

[2] Chi tiết về vấn đề đạo quả và thiền, xem trong "Con đường thiền chỉ và thiền quán" để biết rõ hơn. Ở đây, do lối giải thích tóm tắt về bài kinh rất dễ gây hiểu lầm giữa thiền định và sự chứng đắc đạo quả. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng khi giải thích chánh định (sammā samādhi) Đức Phật muốn nói tới thiền siêu thế sanh cùng với đạo quả (Niết Bàn).

[3] Rigveda - là một trong ba bộ Vêđà (Rigveda, Yajarveda vā samaveda) gồm những thánh ca dâng thần thánh. ND

[4] Ledi Sayadaw (1846 - 1923) một bậc Đại Hiền Trí của Miến Điện. Ngài được xem là người có công trong việc duy trì pháp học lẫn pháp hành đúng theo truyền thống nguyên thủy. Pháp môn niệm thọ mà T.S Goenka hiện đang dạy, nếu truy nguyên ra, chính Ledi Sayadaw là tổ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2015(Xem: 5372)
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội bồ đề, thời gian đầu Ngài chần chờ không muốn truyền bá giáo pháp. Đến khi chư Thiên xuống đảnh lễ, cầu xin Ngài nên vì chúng sanh mà lập bày phương tiện giáo hóa. Lúc trước đọc sử tới đoạn này tôi hơi ngạc nhiên. Vì Đức Phật phát thệ nguyện lớn, thị hiện nơi đời để độ chúng sanh, sao bây giờ thành Phật rồi, Ngài không chịu đi truyền bá Chánh pháp, đợi năn nỉ mới chịu thuyết pháp.
15/01/2015(Xem: 12944)
Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân: -Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.
05/01/2015(Xem: 18908)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
22/11/2014(Xem: 28105)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
20/10/2014(Xem: 33015)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 58363)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
16/06/2014(Xem: 15847)
Tam quy và Ngũ giới là nền tảng xây dựng đạo đức nhân bản vững chắc trong tiến trình tu tập tiến đến Phật quả của người Phật tử. Bất cứ ai muốn trở thành một người Phật tử chơn chánh, điều kiện trước tiên là phải quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm. Đây là cánh cửa khai thông đầu tiên để người Phật tử bước chân vào đạo Phật. Muốn thực tập con đường "Hiểu" và "Thương" cho có hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ, ngoài con đường "Tam quy và Ngũ giới" ra, hẳn là không có con đường nào khác để chúng ta chọn lựa. Có hiểu và thương thì chúng ta mới có thể tiến đến xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Là con người không ai lại không muốn đời mình luôn được an vui và hạnh phúc. Không ai muốn đời mình phải chịu nhiều đắng cay hệ lụy đau khổ bao giờ. Sự chọn lựa một lối đi cho thích hợp với đời sống tâm linh của mình thật hết sức quan trọng.
21/01/2014(Xem: 22179)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
21/12/2013(Xem: 7076)
Đây là danh từ Phật học nên không thể tìm thấy trong những từ điển thông thường thuộc các ngành khoa học tự nhiên hay cũng không thể tìm thấy trong các từ điển thuộc về khoa học xã hội, Kinh tế , văn học, triết học, tôn giáo học… Trong tự điển tiếng Việt của Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam vẫn không tìm thấy từ nầy.
20/12/2013(Xem: 36367)
THIỀN, được định nghĩa, là sự tập-trung Tâm, chú ý vào một đối tượng mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Tôi chia THIỀN làm hai loại, Thiền giác ngộ (Meditation for Enlightenment) và Thiền sức khỏe (Meditation for Health). Tập sách nầy chỉ bàn về Thiền sức khỏe mà thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]