Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Phụ lục thẩm vấn thiền sinh

18/08/201202:37(Xem: 7645)
02. Phụ lục thẩm vấn thiền sinh
MINH SÁT TU TẬP

Tác giả: Achaan Naeb Mahàniranonda

Thiền viện Boonkanjanaram

Dịch giả: Pháp Thông

 

PHẦN IV:

KẾT LUẬN CHUNG

II. PHỤ LỤC THẨM VẤN THIỀN SINH

(Phần thẩm vấn ghi băng này phần lớn rút ra từ những cuộc gặp riêng các vị sư hoặc cư sĩ đến hành thiền tại Thiền Viện Boonkanjanaram).

NỘI DUNG:

A: Achaan Naeb; T:Thiền sinh.

(Thiền sinh thứ nhất là một vị sư đã hành thiền ở đây được khoảng một tháng)

A: - Sư biết sắc ngồi, sắc đi bằng cách nào?

T: - Tôi biết bằng tâm.

A: - Sư nói bằng tâm nghĩa là thế nào?

T: - Dáng tôi ngồi, là sắc ngồi. Dáng tôi đi, là sắc đi.

A: - Sắc ngồi, sắc đi - có phải bằng mắt thấy không?

T: - Mắt chỉ nhìn thấy màu sắc hay hình dáng. Mắt không thể thấy sắc ngồi,... Chỉ có tâm mới biết sắc ngồi, sắc đứng,... thôi.

A: - Khi sư biết sắc ngồi, là sư suy nghĩ hay sư biết bằng cách nào khác?

T: - Tôi biết bằng sự tỉnh thức (chánh niệm - tỉnh giác) rằng đó là sắc ngồi.

A: - Suy nghĩ và tỉnh thức khác nhau hay giống nhau?

T: - Suy nghĩ có nghĩa là nghĩ đi nghĩ lại mãi sắc ngồi ở trong tâm. Còn tỉnh thức nghĩa là biết cái dáng ta đang ngồi - và dáng đó là sắc ngồi.

A: - Phải rồi.

(Ngày hôm sau)

A: - Từ khi đến đây thực hành, sư cảm thấy thế nào?

T: - Dường như tôi không ý thức được Danh và Sắc thường xuyên lắm.

A: - Nhận biết Danh-Sắc liên tục không phải là việc quan trọng. Điều quan trọng là lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng sư đang thực hành đúng phương pháp. Đừng nghĩ đến kết quả. Nếu sư gieo nhân đúng, sư sẽ gặt quả đúng. Thực hành đúng hay sai tuỳ thuộc vào sự hiểu biết đúng về pháp hành. Nếu sư hiểu đúng, sư sẽ biết tỉnh thức là gì. Nếu sư không hiểu về pháp hành sư sẽ không biết tỉnh thức là thế nào. Nếu sư hiểu thông pháp hành là sư có tác ý chân chánh (yoniso), còn nếu sư không biết làm thế nào để ngăn ngừa phiền não, là sư đã có tác ý không chân chánh (ayoniso). Trong lúc thực hành, sư quán sát cái nào nhiều hơn - Danh (nāma) hay Sắc (rūpa)?

T: - Tôi quán Sắc - Sắc đi.

A: - Tại sao?

T: - Bởi vì sắc đi dễ thấy hơn. Sắc đi "lớn" hơn nên dễ nắm bắt hơn các sắc khác.

A: - Sư muốn đi, bởi vì đối với sư, đi dễ thấy hơn chứ gì?

T: - Có lúc thế, có lúc không.

A: - Nếu sư quyết định đi vì một lý do nào khác (hơn là để chữa khổ), điều đó có nghĩa là sư thích sắc đi, và như vậy sư đã không còn thực hành minh sát (vipassanā)nữa. Sư có biết là tại sao sư được bảo là phải quán sắc trong bốn oai nghi không?

T: - Để biết rõ bốn oai nghi và khổ buộc chúng phải thay đổi.

A: - Khi sư thay đổi oai nghi, làm thế nào để sư yoniso(tác ý chân chánh) một cách chính xác?

T: - Ta phải biết oai nghi cũ là khổ (dukkha) và cái khổ này buộc oai nghi phải thay đổi.

A: - Khi đi hay ngồi, sư có biết tại sao sư đi hay sư ngồi không?

T: - Để chữa khổ từ oai nghi cũ.

A: - Đúng rồi. Sư biết như thế là đúng. Đi không phải để cho thoải mái hay để thấy Pháp, hoặc chỉ vì sắc đi dễ thấy hơn. Đi như thế là sai. Khi sư hành sai, sư không thể nào đạt đến sự thực (thực tánh pháp). Với pháp hành sai như vậy, sư không thể nào có kết quả đúng được.

Vấn đề quan trọng là sư phải biết rõ mỗi khi thay đổi oai nghi. Sư phải biết lý do thay đổi oai nghi là để chữa khổ. Sư càng biết nhiều về lý do thay đổi oai nghi này, sư sẽ càng tiến bộ hơn trong thiền minh sát. Việc biết lý do phải thay đổi oai nghi sẽ giúp cho sư nhận ra khổ, và sư càng nhận rõ khổ, sư sẽ càng nhàm chán (yếm ly) đối với khổ -- điều này dẫn đến sự xả ly đối với Danh-Sắc (năm uẩn). Sư có muốn thấy pháp từ việc đi không?

T: - Có.

A: - Sư muốn thấy pháp nào từ việc đi này?

T: - Khi tôi đi, tôi cảm thấy rằng tôi thấy sắc đi rõ hơn ở các oai nghi khác. Tôi biết rằng khổ buộc tôi phải đi, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng mình muốn đi nữa.

A: - Đi với ước muốn như vậy không thể ngăn được phiền não (kilesa), vì thế mà phiền não sẽ theo sư trong từng bước chân. Nếu sư nghĩ đi sẽ đem lại lợi ích cho sư, sư không thể nào thấy pháp. Lý do tôi nói như vậy là, để thấy được Pháp (Dhamma) trong khi đi, sư phải biết sắc đi là khổ, sắc đi là vô thường, sắc đi là vô ngã, không thể kiểm soát được. Trước khi đi, sư đã tác ý không đúng (ayoniso), vì thế mà sư nghĩ đi là tốt, đi là quan trọng, do đó phiền não xen vào trong cái đi và che khuất thực tánh. Bởi lẽ đó, yonisorất quan trọng trong thiền minh sát.

(Ngày hôm sau)

A: - Bây giờ sư đã hiểu rõ pháp hành. Sư có tin là bốn oai nghi sẽ chỉ cho sư thấy sự thực (thực tánh) và sự thực ấy là khổ không?

T: - Có. Bởi vì có khổ thọ trong mỗi oai nghi, và nó luôn luôn sanh, khi cái đau phát sanh thì sắc phải thay đổi.

(Một ngày khác)

A: - Sư có bị phóng tâm không?

T: - Rất thường. Có những ngày phóng tâm quá nhiều, nhưng cũng có những ngày không nhiều lắm.

A: - Sư có biết tại sao sư có phóng tâm không?

T: - Không.

A: - Bởi vì vào lúc ấy (phóng tâm), sư không còn ở trong sát-na hiện tại. Chánh niệm -- tỉnh giác của sư đã rời khỏi Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Vì thế phóng tâm (là một loại phiền não) nảy sanh.

T: - Khi phóng tâm xảy ra, làm thế nào để tôi có thể trở lại sát-na hiện tại?

A: - Sư biết phóng tâm là Danh. Nó không phải là sư phóng tâm. Phóng tâm là pháp. Sư không thích phóng tâm, có phải không?

T: - Vâng, đúng vậy.

A: - Sư đã hiểu sai rồi, bởi vì nếu sư biết phóng tâm cũng có lợi, thì khi sư nhận ra phóng tâm, sư biết mình không còn ở trong sát-na hiện tại và như vậy sư có thể trở lại với Danh và Sắc. Sư muốn tâm trú trong sắc ngồi lâu hơn, đúng không?

T: - Vâng, đúng vậy.

A: - Phóng tâm là Danh hay Sắc?

T: - Phóng tâm là Danh.

A: - Nếu sư biết phóng tâm là Danh, sư không nên quán Danh phóng tâm, bởi vì Danh rất vi tế. Nó không hợp với hành giả sơ cơ. Khi sư nhận ra phóng tâm, sư đừng ngưng lại và phân tích nó. Sư chỉ việc trở lại với sát-na hiện tại của Sắc ngồi thôi - hoặc nếu phóng tâm trở nên quá mạnh, hãy thay đổi oai nghi. Sư có muốn phóng tâm biến mất không?

T: - Có chứ. Bởi vì phóng tâm rất khó quán. Nó không giống như bốn oai nghi.

A: - Đúng vậy. Danh rất là vi tế. Đối với hành giả sơ cơ, quán danh là điều rất khó. Hành giả thường hay bị phóng tâm, vì chánh niệm -- tỉnh giác còn yếu. Nếu như có chánh niệm -- tỉnh giác trong sát-na hiện tại, sư sẽ không có phóng tâm. Do đó sư phải cố gắng duy trì sự tỉnh thức đối với Danh-Sắc trong sát-na hiện tại nhiều hơn nữa. Và sư cũng cần phải biết những đặc tánh của chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajañña) nữa (đặc tánh của sati là biết oai nghi và sampajañña biết oai nghi đó là sắc ngồi ). Nhờ vậy, khi sư rời khỏi sát-na hiện tại, sư sẽ nhận ra ngay và trở lại. Nếu sư có phóng tâm thường xuyên và sư cảm thấy khó chịu, sư sẽ càng phóng tâm hơn. Sư không thích phóng tâm, muốn phóng tâm biến mất đi, nhưng không được. Phóng tâm ấy có sân (dosa) làm duyên (paccaya) cho phóng tâm khác khởi lên. Không biết rằng phóng tâm chỉ là danh sẽ tạo ra sân và sân này sẽ ngăn không cho chúng ta quay về với sát-na hiện tại.

(Hôm khác. Một nam cư sĩ mới bước vào hành thiền minh sát).

A: - Ông quán sắc ngồi như thế nào?

T: - Tôi quán từ đầu đến chân, và từ chân lên đầu.

A: - Ông đã làm như vậy mấy ngày rồi?

T: - Sáu ngày.

A: - Ai dạy ông thực hành theo lối này? Ông có biết đó có phải là minh sát (vipassanā) hay không?

T: - Tôi đã thực hành ở nơi khác và người ta dạy quán như vậy. Vị thiền sư ở đó nói là vì tôi chỉ hành ở đó mười ngày nên quán như thế là đủ.

A: - Hành như vậy là sai. Ông đang quán sắc ngồi sai, ông có biết không? Bởi vì cái cách ông ngồi mới là sắc ngồi. Cách ông ngồi, dù trong bất kỳ tư thế nào, mới là cái ông phải quán. Khi đứng, ông biết cái cách ông đang đứng; khi đi, ông biết cái cách ông đang đi; khi nằm, ông biết cái cách ông đang nằm;... Điều quan trọng là ông phải có sự tỉnh thức để biết mình đang quán sắc nào. Điều này sẽ thay đổi cái "ta ngồi" thành sắc ngồi, nghĩa là nó sẽ thay đổi tà kiến cho rằng ông có cái "ta ngồi" đó. Do đó, bất cứ ông ngồi cách nào, chỉ việc quán cách ngồi đó là sắc ngồi. Đừng đi và đừng ngồi theo những cách không bình thường. Nếu ông làm theo lối không bình thường như vậy, tâm ông sẽ không còn Trung đạo, bởi vì nó đang cố gắng làm một cái gì đó theo ước muốn (tham).

(Một nam cư sĩ khác).

A: - Việc thực hành của ông như thế nào?

T: - Khi quán sắc ngồi, tôi thấy hình ảnh Đức Phật rất sáng. Ngay cả bây giờ, hình ảnh ấy vẫn in rõ trong tâm tôi.

A: - Ông đến đây để thực hành minh sát. Ông có biết minh sát là gì không?

T: - Minh sát (vipassanā)là thấy Danh-Sắc như vô thường, khổ và vô ngã.

A: - Khi ông thấy hình ảnh Đức Phật như vậy, đó có phải là minh sát hay không?

T: - Không phải.

A: - Ông có thích được thấy hình ảnh Đức Phật như thế không?

T: - Thưa, có chứ. Tôi cảm thấy hỷ lạc (pīti). Tôi chưa bao giờ thấy được điều gì như thế này.

A: - Cái mà ông thấy là ấn chứng hay tướng (nimitta). Nó phát xuất từ định (samādhi). Khi tâm bỏ Danh-Sắc và không có sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại, định sẽ phát sanh. Khi ấy, ông có thể thấy cõi trời, thấy địa ngục, v.v... Khi ông thấy nimitta, ông không có sự tỉnh thức, hay chánh niệm tỉnh giác trong sát-na hiện tại. Ông cần phải thay đổi đối tượng khi điều này xảy ra để làm giảm định, có thể từ oai nghi ngồi chuyển sang đi, hoặc danh nghe, lúc ấy định sẽ giảm. Ông cũng cần phải có sikkhāti(quán sát pháp hành) để ghi nhận tại sao ông lại không còn trong sát-na hiện tại. Nếu ông biết rõ nhân (định), ông có thể trở lại sát-na hiện tại dễ dàng.

(Một cư sĩ khác)

A: - Việc thực hành của ông thế nào rồi?

T: - Lúc này, việc thực hành đã khá hơn lần vừa rồi, nhưng tôi cảm thấy chán ngán và cũng gặp một vài chướng ngại (nivarāna), đó là bị phóng tâm.

A: - Ông có nghĩ chướng ngại là kẻ thù của ông không? Và chướng ngại ngăn không cho tâm được an lạc không ?

T: - Vâng, tôi nghĩ như vậy.

A: - Ông có muốn tâm mình được an lạc không?

T: - Thưa, có chứ.

A: - Ông muốn tâm được an lạc. Vậy ông có biết điều ấy là đúng hay sai không?

T: - Không.

A: - Sự hiểu biết của ông lầm lẫn quá. Ông đến đây hành vipassanā. Ông muốn định (samādhi) hay ông muốn trí tuệ (pañña)?

T: - Tôi muốn có trí tuệ.

A: - Thế thì tại sao ông lại muốn tâm an lạc?

T: - Bây giờ thì tôi đã hiểu. Tôi sai.

A: - Nếu ông biết mình sai, điều đó là tốt. Nhận ra cái sai của mình là điều lợi ích cho việc phát triển trí tuệ vì ông có thể thay đổi được. Nếu ông không biết mình sai, ông sẽ không có cơ hội để hiểu rõ pháp hành. Ông có biết lý do tại sao ông sai khi muốn có định không?

T: - Không.

A: - Bởi vì các pháp vốn vô thường. Các pháp là vô thường -- ông có thích vô thường hay không?

T: - Thưa không, tôi không thích tí nào cả.

A: - Định mà ông muốn -- nó có vô thường không?

T: - Vô thường.

A: - Như vậy, nếu ông muốn định, tức là ông muốn cái gì đó là vô thường, phải vậy không?

T: - Đúng vậy.

A: - Thoả mãn với cái gì đó là vô thường, nghĩa là ông đã thoả mãn với danh và sắc là vô thường. Điều này chúng ta gọi là Điên đảo tưởng (vipallāsa). Điên đảo tưởng làm cho ông thoả mãn với định. Song, trong thiền vipassanā, chúng ta cần trí tuệ biết rõ Danh-Sắc để thay đổi tà kiến cho đó là "Ta", và để thấy Danh-Sắc là vô thường, khổ và vô ngã.

Sự thực thì các pháp chỉ là danh và sắc, và chúng có ba đặc tánh (Tam tướng: - vô thường, khổ, vô ngã). Vì thế, ông cần phải có tác ý chân chánh (yoniso) trong tâm dể tránh tham đắm -- chẳng hạn như muốn có định hay muốn an lạc. Khi một điều gì đó xuất hiện đến cho ông, điều ấy sẽ mang lại trí tuệ cho ông -- minh sát là vậy. Ông cứ thực hành tự nhiên như đang xem một vở kịch. Khi ông muốn tâm mình an lạc tức là ông không đang xem vở kịch nữa rồi. Lúc đó ông đang cố gắng đạo diễn vở kịch và điều đó là sai. Khi ông biết mình sai, là tốt cho ông, bởi vì lần sau khi ông muốn tâm an lạc ông có thể thay đổi đối tượng, chẳng hạn như thay đổi sang một oai nghi khác.

Khi chúng ta nói về Trung đạo (Majjhimā - patipadā) thì thực dễ nói, nhưng hành lại rất khó. Ông có biết tại sao ông không hành trong Trung đạo được không? Bởi vì tâm lúc nào cũng muốn cái này, ghét cái kia. Thí dụ như ông thích tâm an lạc và không thích phóng tâm chẳng hạn.

T: - Vâng, tôi hiểu.

A: - Muốn tâm an lạc là tham, còn không thích phóng tâm là sân. Như vậy phiền não sẽ luôn luôn theo ông. Làm thế nào để thoát khỏi phiền não? Nếu tâm ông ở trong Trung Đạo, thích và ghét hay tham và sân có thể bị tiêu diệt.

(Một thiền sinh khác)

A: - Việc thực hành của ông như thế nào? Ông có hoài nghi gì về pháp hành không?

T: - Khi tôi hành theo Tứ oai nghi, tôi có khuynh hướng thấy một oai nghi nào đó dễ hơn là nắm bắt sắc (rūpa). Tôi có khuynh hướng sử dụng oai nghi đó, như đi chẳng hạn. Hành như vậy có đúng không, thưa thiền sư?

A: - Đúng rồi, nhưng ông phải cẩn thận. Nếu ông nghĩ sắc đi sẽ có lợi, tham ái (tanhā)có thể xen vào. Vì thế, ông phải có tác ý chân chánh để thấy rằng việc thay đổi oai nghi là để chữa khổ -- lúc ấy tham ái sẽ không thể xen vào.

T: - Khi quán sát Tứ oai nghi -- tuy không phải vì thấy khổ ở sắc mà chỉ ở tâm -- tôi cảm thấy khó chịu. Vì thế tôi thay đổi oai nghi.

A: - Điều đó không đúng. Ông đã thay đổi oai nghi vì phiền não chứ không có tác ý đúng để thấy rằng việc thay đổi oai nghi là để chữa khổ. Ông có biết vì sao tâm ông khó chịu không? Bởi vì ông đã không thấy sắc ngồi, nên tâm dao động. Khi tâm dao động, phiền não sẽ lẻn vào. Ông trở nên dễ duôi và thiếu tác ý -- do đó phiền não có mặt. Vì thế, ông muốn thay đổi oai nghi để tìm một đối tượng mới. Nếu ông thay đổi oai nghi vì muốn (thay đổi), phiền não đã có mặt và che khuất sự thực. Ông thực hành với tâm tham vì muốn có kết quả nhanh chóng. Ông cần chú ý mỗi khi thay đổi oai nghi, dù cho phiền não có mặt hay không cũng vậy.

(Ngày khác, một thiền sinh khác)

A: - Pháp hành của ông thế nào rồi?

T: - Buổi sáng, khi tôi thức dậy và quán sắc ngồi, tôi cảm thấy rất nhẹ. Khi ngồi, tôi cảm thấy mình giống như một cục bông vậy. Tôi biết điều này là do có quá nhiều định. Vì thế tôi thay đổi oai nghi. Nhưng định vẫn cứ theo tôi.

A: - Cố gắng giảm định bằng cách không thay đổi đối tượng. Ông có thể làm điều này được không? Chỉ cần làm với nhiều chánh niệm tỉnh giác hơn thôi. Ông thử làm như thế xem sao.

T: - Tôi đã thử làm như vậy nhưng không thành công. Thân tôi vẫn có cảm giác như đang nổi bềnh bồng vậy

A: - Ông có biết do nguyên nhân gì không?

T: - Bởi vì tôi yếu sampajañña(tỉnh giác).

A: - Chánh niệm và tỉnh giác cần phải được quân bình. Với một thiền sinh mới, tỉnh giác thường yếu và chánh niệm lại có quá nhiều -- điều đó ngăn không cho tỉnh giác mạnh lên. Vì vậy, ông phải có chánh niệm tỉnh giác nhiều hơn nữa thì định mới không thể đẩy tỉnh giác ra ngoài được. Chánh niệm và tỉnh giác làm việc chung với nhau trên cùng một đối tượng. Nếu có chánh niệm nhiều hơn, nó sẽ đẩy tỉnh giác ra khỏi. Do đó ông cần phải lưu ý điều này. Cố gắng có tỉnh thức nhiều hơn và quân bình chánh niệm - tỉnh giác.

(Ngày khác, thiền sinh khác)

A: - Kể từ khi tôi khuyên ông quán danh nghe, việc thực hành của ông thế nào rồi?

T: - Đã khá hơn. Âm thanh không còn làm phiền tôi như trước đây nữa.

A: - Ông có biết tại sao ông nghe được không?

T: - Bởi vì có âm thanh, và do đó tôi nghe nó.

A: - Nghe là danh hay sắc?

T: - Danh.

A: - Danh gì? Khi ông nghe, ông có để ý danh ấy là gì không?

T: - Danh nghe. Và chánh niệm tỉnh giác quán danh nghe.

A: - Thực vậy. Như chúng ta đã học trước đây rằng có âm thanh và âm thanh đó gây ra cái nghe. Tôi khuyên ông quán danh nghe, nhờ thế ông sẽ thấy ra là danh nghe phát sanh do duyên. Âm thanh và tai là những duyên cho sự nghe. Nghe tự nó nảy sanh. Nghe là thuần tịnh. Nó không có phiền não, không có thích hay không thích ở trong đó. Nếu chúng ta thấy được điều này thường xuyên thì rất có lợi, bởi vì ông sẽ không ghét cái nghe hay những âm thanh mà chúng ta nghe, và nhất là không nghĩ nó quấy rầy việc thực hành minh sát của ông nữa. Lúc đó, ông có thể thấy sabhāva(thực tánh pháp), bởi vì danh nghe là sabhāva, đồng thời ông cũng có thể thấy được nhân duyên sanh của nó -- vì không có ai tạo ra sabhāvacả.

(Ngày khác, thiền sinh khác)

A: - Việc thực hành của ông thế nào? Ông có hiểu rõ pháp hành không?

T: - Đã khá hơn, thưa thiền sư, nhưng Danh-Sắc vẫn chưa khởi lên.

A: - Ông nói Danh-Sắc vẫn chưa khởi nghĩa là gì?

T: - Tôi thực sự chưa thấy được Danh-Sắc. Tôi chỉ biết về nó từ việc nghiên cứu qua sách vở, nhưng thực sự thấy thì vẫn chưa.

A: - Ông vẫn chưa có đủ kinh nghiệm trong việc thực hành. Ông không biết làm cách nào để nắm bắt sát-na hiện tại. Vipassanā không phải dễ. Ông cần có sự kiên trì và học hỏi dần dần. Cũng như ông đi trên một sợi dây và té xuống, rồi ông phải leo trở lên vậy. Đừng vội. Đừng nôn nóng muốn thấy Danh-Sắc. Chỉ việc thực hành. Hãy ghi nhớ trong tâm là phải thực hành theo cách bình thường và không muốn thấy Danh-Sắc gì cả -- thì dù ông có thấy nó hay không cũng được. Chỉ cần hành đúng. Nếu ông muốn thấy sắc, đó là tham ái. Khi tham ái có mặt, ông không thể thấy pháp, bởi vì tâm ông đã sai rồi. Ông cần phải có tác ý đúng trong tâm, như thể đang xem một vở kịch vậy. Vở kịch chỉ có bốn phần -- đi, đứng, ngồi, nằm. Đó là tất cả. Mặc dù chỉ có bốn phần, nhưng nó rất khó thấy. Ông phải hiểu cách làm thế nào để thấy nó.

(Ngày khác, vị sư thứ hai)

A: - Pháp hành của sư thế nào rồi?

T: - Khuya đêm qua tôi có quá nhiều định và cảm thấy rất dễ bị hoảng sợ.

A: - Quá nhiều định và dễ bị hoảng sợ là chuyện bình thường, và sau đó sư sẽ còn sợ hãi nữa. Nhưng không phải như sợ ma. Chỉ là sợ hãi vậy thôi. Vào lúc đó, sư không có sự tỉnh thức mà chỉ có niệm. Nếu tâm có chánh niệm tỉnh giác hay sự tỉnh thức trong Danh-Sắc sư sẽ không cảm thấy hoảng sợ. Nếu như sư lơ đãng, không có tác ý đúng, sư sẽ cảm thấy hoảng sợ khi nghe một tiếng gì đó. Còn nếu sư có sự tỉnh thức thì khi cái nghe khởi, danh nghe theo liền trong tâm sư và điều đó có nghĩa là sư nắm bắt được sát-na hiện tại, và nó cũng cho thấy sư là người có kinh nghiệm trong pháp hành, có chánh niệm tỉnh giác.

T: - Khi nghe thiền sư hướng dẫn thì thấy rất dễ, nhưng khi thực hành thì thiên nan vạn giải.

A: - Chánh niệm -- tỉnh giác nghĩa là sư phải có sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại. Nhưng điều này rất khó giải thích. Thiền sinh phải cố gắng và thực hành. Nếu khi phóng tâm mà sư biết "câu chuyện" phóng tâm là sư đã không có sự tỉnh thức. Nếu sư có sự tỉnh thức sư sẽ không biết. Tỉnh thức có nghĩa là ở trong sát-na hiện tại với Danh-Sắc vậy.

T: - Tôi biết oai nghi ngồi, hiện tại tôi đang quán sắc ngồi.

A: - Mặc dù sư tỉnh thức với chánh niệm - tỉnh giác nhưng không được rõ ràng lắm, nếu sư chỉ biết bằng văn tuệ (sutta paññā), sư sẽ không biết những đặc tánh của chánh niệm -- tỉnh giác. Hành giả sơ cơ khi đến đây thực hành phần lớn đều biết "câu chuyện" (tức rơi vào phóng tâm), bởi vì kinh nghiệm của họ không có đủ để quán Tứ oai nghi; vì thế, họ không biết phải quán cái gì trong lúc thực hành, tức là khi Danh hay Sắc phát sanh ở các căn khác, họ không biết phải quán loại nào. Dó đó, có lúc họ hành đúng, có lúc hành sai.

Khi họ có định, sự tỉnh thức không có, và họ không biết điều đó. Vì thế, hành giả phải có sikkhātiđể ghi nhận kịp thời sự việc này. Nếu một người thiếu sự ghi nhận pháp hành của mình, người ấy thiếu kiến thức về pháp hành.

Lý thuyết và thực hành khác nhau. Lý thuyết (pariyatti) chỉ có trong sách vở. Lý thuyết nói cho ta biết về những đặc tánh của Danh và Sắc, nhưng sự thực hay thực tánh của Danh và Sắc thì sư chưa từng thấy trước đây. Khi sư không hiểu thực tánh của Danh-Sắc thì hành đúng là điều rất khó.

(Ngày hôm khác. Một vị sư đang dạy thiền Vipassanā)

A: - Sau một tuần lễ thực hành, pháp hành của sư thế nào rồi?

T: - Lần này thì khác hơn lần vừa rồi. Lần rồi tôi không cảm thấy mệt, nhưng lần này tôi thấy mệt. Tôi không cảm thấy phấn chấn như lần trước, và không biết lý do tại sao.

A: - Điều này là do những lần trước sư thực hành, định là trợ duyên cho phiền não phát sanh, và điều ấy làm cho sư cảm thấy phấn chấn cùng với hỷ (pīti).Nhưng lần này định của sư đã giảm, tâm khô khan và sư không cảm thấy phấn chấn nữa. Hành minh sát, nếu phiền não giảm, sẽ làm cho tâm cảm thấy kém hưng phấn. Điều này khiến cho sư mất đi sự ham muốn, không muốn thấy bất cứ một thứ gì nữa. Còn về vấn đề mệt mỏi là do quá tinh tấn gây ra. Và tinh tấn ấy đi kèm với tham ái -- tham ái muốn thấy Pháp.

Vấn đề quan trọng là phải biết cái gì sẽ đem lại cho sư một kết quả mỹ mãn.

1. Sư phải biết sư nên quán sát cái gì, Danh hay Sắc, và làm thế nào để quán chúng.

2. Sư phải nhận ra oai nghi nào sư quán nhiều hơn, tại sao.

3. Khi sư thay đổi oai nghi, sư phải biết là mình có yoniso hay không, và yoniso ấy có phải là yonisochân chánh hay không. Điều này rất quan trọng bởi vì nó sẽ tiêu diệt những pháp che khuất sự thực của khổ (thực tánh khổ). Khi thay đổi oai nghi, sư phải có yonisođúng, tức là khi oai nghi cũ khổ, điều này ngăn tâm sân khởi lên đối với oai nghi cũ và tham đối với oai nghi mới. Như vậy tác ý chân chánh sẽ tiêu diệt tham và sân hay thích và ghét.

4. Khi sư đang phóng tâm, sư có quán "câu chuyện" (phóng tâm) ấy không hay phóng tâm chỉ là danh? Điều này rất quan trọng. Ai là chủ nhân của danh phóng tâm đó?

T: - Không ai cả.

A: - Phải rồi. Danh phóng là thực tánh (sabhāva),không đàn ông, không đàn bà, không tự ngã.

T: - Từ khi tôi đến đây thực hành, cho đến lúc này, tôi vẫn chưa thấy danh hay sắc gì cả.

A: - Sư không thấy Danh-Sắc và sư cảm thấy mệt bởi lẽ sư có tham muốn thấy. Tham muốn đó là tanhā(ái), chính nó làm cho sư muốn thấy sự sanh diệt của Danh-Sắc, và vì thế mà pháp hành của sư không tiến bộ. Và sư lại tinh tấn (ātāpī)quá nhiều. Tinh tấn và tham ái làm cho sư mệt. Sư thực hành chưa đầy một tháng và sư lại muốn thấy điều này điều kia, khi sư không thể thoả mãn, sư cảm thấy thất vọng. Như vậy là sai. Bởi vì khi sư có tham muốn thì lúc đó không còn là Trung đạo và trí tuệ không thể khởi lên được.

Hơn nữa, làm thế nào sư biết được Danh-Sắc vẫn chưa khởi lên chứ ? Đây là Danh và Sắc. Ngay lúc này sư đang quán Danh-Sắc, nhưng đó là cintāpañña(tuệ thẩm nghiệm).

Hành vipassanā, nếu sư muốn cảm giác thoải mái, đó không phải là vipassanā. Trong pháp hành đúng, không có sự thoải mái. Nếu sư thấy khổ (dukkha) nhiều thì tâm sư sẽ trở nên khô khan hơn (tức có trí tuệ hơn) và phiền não giảm bớt. Tôi có thể hỏi sư, sư có quán Danh-Sắc liên tục hay không?

T: - Có. Nhưng tôi không thể quán đúng trong sát-na hiện tại

A: - Danh-Sắc mà sư đang quán đó, sư quán bằng tư duy hay bằng sự tỉnh thức?

T: - Bằng tư duy hơn là bằng tỉnh thức.

A: - Có phải sư vẫn nghĩ ngồi và đi là để thấy sắc hơn là để chữa khổ không? Khi sư đi, sư có yoniso lý do tại sao sư đi không?

T: - Có, nhưng tôi thường hay quên.

A: - Đúng rồi. Quên là đúng. Khi sư có nhiều kinh nghiệm hơn trong pháp hành, cái quên này sẽ giảm. Vấn đề quan trọng là đừng mong muốn thấy Danh-Sắc hay thấy sự sanh diệt của Danh-Sắc. Sư phải dừng lại những cảm giác như thế. Thậm chí sư cũng đừng có cảm giác là mình đang hành vipassanā. Bởi vì cảm giác đó là ước muốn thấy thực tánh và đó là phiền não. Sư phải có cảm giác rằng sư phải ngồi hay nằm là để chữa khổ. Chính cảm giác đó sẽ làm duyên cho trí tuệ.

(Ngày khác. Một vị sư khác)

A: - Pháp hành của sư như thế nào?

T: - Khá tốt. Tôi đang hành như lời khuyên của thiền sư. Tôi cảm thấy bình thường và thoải mái.

A: - Sư nói "thoải mái". Ai thoải mái?

T: - Khi tôi thay đổi oai nghi, tôi cảm thấy thoải mái và cái đau biến mất.

A: - Thân thoải mái hay tâm thoải mái?

T: - Thân thoải mái và cả tâm nữa.

A: - Khi sư nói thoải mái, sư cảm thấy thoải mái ở chỗ nào? Sư muốn thay đổi oai nghi hay sư phải thay đổi oai nghi?

T: - Tôi phải thay đổi.

A: - Phải thay đổi nghĩa là sư bị buộc phải thay đổi. Làm thế nào sư có thể nói là sư thoải mái được?

T: - Một tí thoải mái sau khi thay đổi oai nghi thôi.

A: - Một tí thoải mái à? Ngay cả một tí thoải mái cũng là phiền não. Đó là tham ái (tanhā). Sư phải thực hành cho đến khi sư nhận ra không có gì là thoải mái cả. Lúc ấy lạc tưởng -- sukha vipalāsa(nghĩ rằng thân là lạc) mới có thể giảm. Sư đang hành để thấy khổ (dukkha) hay lạc (sukha)? Nếu hành để thấy lạc là sai. Đức Phật nói chỉ có khổ (dukkha) trên thế gian này.

T: - Có lần khi đang quán tôi thấy toàn là khổ trong danh và sắc -- và tôi cảm thấy sợ chết.

A: - Sư đã thấy thân là khổ, tại sao sư vẫn sợ chết? Sư sợ chết là vì sư vẫn thấy thân là khả ải. Tham ái (tanhā) trong sư còn quá mạnh bởi thế sư mới sợ mất năm uẩn. Lần tới khi thực hành sư có nghĩ mình sẽ thấy khổ nữa hay không ?

T: - Tôi không biết nữa.

A: - Sư phải ghi nhận danh nào và sắc nào sư đang quán, và sư đang ở trong oai nghi nào vào lúc sư thấy khổ. Cách sư thấy được khổ như vậy là pháp hành đúng. Đó chính là nhân làm phát sanh tuệ minh sát (vipassanā paññā).

Khi thay đổi oai nghi sư phải biết lý do tại sao sư thay đổi. Và biết rằng khổ buộc sư phải thay đổi oai nghi. Đừng cảm giác rằng sư muốn thay đổi, mà phải nhận ra rằng khổ buộc sư phải thay đổi. Nếu như sư dự định để trở thành một bậc thầy dạy thiền, sư phải biết nhân và quả. Chẳng hạn, khi sư đang quán, sư phải luôn luôn có sự tỉnh thức đối với danh và sắc. Tại sao? Bởi vì các pháp chỉ là Danh-Sắc, không có gì khác ngoài chúng. Điều này sẽ thay đổi tà kiến nghĩ rằng có một tự ngã. Lúc ấy Tuệ phân biệt danh sắc (Nāma-rūpa pariccheda-ñāṇa) sẽ theo sau. Đây là Tuệ thứ nhất trong 16 tuệ minh sát khởi lên, Tuệ này được gọi là Kiến tịnh (diṭṭhi visuddhi).

Sư cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa việc biết Danh-Sắc bằng lý thuyết và biết bằng thực hành. Cũng như sư phải biết danh nào và sắc nào sư đang quán, chẳng hạn như sắc ngồi, danh nghe v.v... Bởi vì nếu sư chỉ quán Danh-Sắc suông thì không thể nào diệt được nguyên khối tưởng -- ghanasaññā-- che án vô ngã tính (anatta).

Ngoài việc biết danh nào, sắc nào ra, sư còn phải biết chúng trong sát-na hiện tại nữa. Sư phải ghi nhận lý do tại sao mỗi khi cần làm một điều gì và làm vì mục đích gì.

Tâm được xem là rất thú vị, điều đó hợp với người còn muốn phiền não, nhưng nó không ích gì đối với người đang mong muốn giải thoát khỏi phiền não. Sư nghiên cứu lý thuyết, song chỉ biết những tên gọi suông như sắc nào, danh nào hoặc phiền não loại gì v.v... Đến khi thực hành sư đã thấy nó nhưng vẫn không biết. Đức Phật dạy, "Sabhāva dhamma(thực tánh pháp) lúc nào cũng hiện hữu, nhưng nó thật khó thấy."

(Ngày khác. Vị sư đầu tiên)

A: - Pháp hành của sư tiến triển ra sao rồi?

T: - Pháp hành của tôi đã khá hơn. Tâm hoàn toàn sáng suốt, phóng tâm (mộng tưởng hão huyền) rất ít. Tôi có thể trở lại với sát-na hiện tại được liền, và cũng rất ít định.

A: - Sư nói là tâm hoàn toàn sáng suốt. Ý nghĩa điều sư muốn nói là gì?

T: - Tôi không còn cảm thấy mệt như trước đây nữa.

A: - Sư hiểu Danh-Sắc bằng pháp học và bằng thực hành. Sư có biết sự khác nhau giữa hai thứ không? Và sư biết nó vào lúc nào? Biết bằng pháp học là biết do nghiên cứu học hỏi trước, nghĩa là biết danh nào, sắc nào. Nhưng biết bằng thực hành thì sư phải nhận ra tà kiến làm cho sư nghĩ chúng là tự ngã. Khi nào thì tà kiến này khởi lên? Nó khởi lên khi sư bỏ qua Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Khi sư có sự tỉnh thức với chánh niệm tỉnh giác, đó là có sát-na hiện tại, tà kiến nghĩ rằng Danh-Sắc là tự ngã không thể nảy sanh. Nhưng nó vẫn chưa biến mất, bởi vì sư chỉ quán được Danh-Sắc khi sư ở trong sát-na hiện tại, chứ sư chưa biết Danh-Sắc một cách rõ ràng. Phiền não chỉ được ngăn ngừa vào lúc sư đang trong sát-na hiện tại thôi.

Sư có biết là sẽ được lợi ích gì khi hiểu Danh-Sắc bằng lý thuyết (pháp học) không? Lợi ích đó là sư có thể quán Danh-Sắc trong sát-na hiện tại đúng cách.

Sư biết tại sao sư phải thay đổi oai nghi không?

T: - Bởi vì khổ buộc phải thay đổi.

A: - Sư cũng phải biết sắc nào đang khổ nữa. Chẳng hạn, sắc ngồi khổ, sắc đứng khổ, v.v... Nếu như sư không ở trong sát-na hiện tại, sư sẽ có phóng tâm về tương lai hay quá khứ, nghĩa là nghĩ đến những chuyện đã qua hay sắp tới.

Khổ ai cũng nhận ra, nhưng họ không biết cái gì khổ. Sư biết vì sao không? Bởi vì họ không quán Danh-Sắc vào lúc đó, tức trong sát-na hiện tại.

Sư nói rằng tâm sư hoàn toàn sáng suốt. Thế còn khổ thì sao? Sư có khổ không? Không đau nhức khi ngồi sao? Hoặc khi đi, sư không mệt sao? Khi nằm, sư không thấy đau sao? Sắc nào sư nghĩ là khổ? Sư nói rằng pháp hành của sư đã khá hơn, rằng sư có ít phóng tâm và tâm rất sáng suốt. Như vậy có nghĩa rằng sư đã có lạc.

T: - Khi phóng tâm khởi lên, tôi biết đó là danh phóng tâm và phóng tâm biến mất. Vì thế, tâm trong sáng và tôi trở về với việc quán tứ oai nghi.

A: - Tuy nhiên, nếu sư đang quán thọ khổ (dukkha-vedanā)và thọ ấy tan biến đồng thời với sự cảm thấy lạc, thì đó là sai. Sư phải thấy khổ. Nhiệm vụ của Tứ đế là quán khổ. Sư càng thấy khổ thì tham ái càng bị tẩy trừ. Đừng quán suông -- sư phải có tác ý đúng, lúc nào sư cũng phải có Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Sư cảm thấy khổ cho đến khi nào không còn lạc nữa mới thôi. Sư càng thấy khổ nhiều bao nhiêu thì lạc sẽ giảm đi bấy nhiêu. Khổ sẽ thiêu đốt lạc. Cuối cùng, khi ái bị dập tắt, sư sẽ đạt đến đoạn diệt (nirodha). Khi sư đến nirodha thì Bát thánh đạo được hoàn tất.

Khi thọ dụng thuốc men trị bệnh, sư có yonisohay không? Tức là sư có tác ý đúng tại sao sư phải uống thuốc không? Sư phải biết mình uống thuốc là để chữa khổ. Nếu như sư không có tác ý chân chánh, pháp hành của sư sẽ đi ra khỏi con đường minh sát. Hoặc khi sư thay đổi oai nghi, mỗi lần như vậy, sư phải biết là để chữa khổ. Cho đến khi nào sư cảm thấy nó thực sự là khổ. Nhờ trí tuệ thấy khổ như vậy, sư sẽ đuổi được tham ái (tanhā)và tà kiến (diṭṭhi).Vì thế, yonisorất là quan trọng đối với pháp hành vipassanā. Chỉ lúc đó sư mới không thấy chút lạc nào trong bất kỳ sắc nào, bởi vì khi sư thay đổi oai nghi, đó là để chữa khổ vậy.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhì)

A: - Việc thực hành của sư thế nào rồi?

T: - Chánh niệm - tỉnh giác khá hơn.

A: - Sư nói chánh niệm tỉnh giác của sư khá hơn. Cái gì là chánh niệm tỉnh giác? Và sư đang quán danh gì hay sắc gì?

T: - Có lúc tôi nhận ra rằng vì có sắc nên mới có sắc đi, sắc đứng, sắc nằm, sắc ngồi, v.v... Và tôi thấy rằng, sắc mà tôi đang quán chẳng khác nào một con búp bê vậy -- rồi tôi đâm ra sợ hãi và không có gì thú vị cả.

A: - Sợ sắc đó không có thực thể, là vô ngã, điều đó có nghĩa là sư đang hành tốt hơn. Ái là cái rất quan trọng phải ngăn ngừa. Tham ái có thể có mặt trong mọi đối tượng, nó rất là vi tế, nhanh nhẹn và khôn ngoan. Nếu sư không biết điều gì về nó, nó sẽ lẻn vào lúc nào không biết. Vấn đề quan trọng là đừng bao giờ muốn thấy cái này hay cái nọ -- bổn phận của sư chỉ có việc quán sát. Nếu Danh-Sắc vẫn chưa khởi lên, song chúng ta muốn nó phải khởi, hoặc nếu sư cố gắng làm cho nó khởi lên, chẳng hạn khi sư ngồi, sư đưa tay lên chậm chậm để mong thấy sắc sanh và diệt -- điều này được làm với tham ái.

Khi sư đang quán, hãy thận trọng đừng mong đợi một cái gì đó xảy ra, vì như vậy là mong muốn. Khổ phải nảy sanh trước, và sư phải quán cái khổ ấy -- đó là sát-na hiện tại. Tất cả mọi người đều không muốn khổ, nhưng cái khổ vẫn cứ khởi lên, sư không thể kiểm soát nó. Tham ái bao giờ cũng muốn thọ khổ chấm dứt. Nếu sư không có tác ý đúng, trí tuệ không thể phát sanh. Nếu sư quán với ước muốn cho thọ khổ biến mất như trước đây sư làm, sư sẽ rơi khỏi sát-na hiện tại. Muốn được ở trong sát-na hiện tại, sư phải có tác ý đúng. Khi sư cảm thấy rằng sư phải thay đổi oai nghi vì khổ bức bách, sư thay đổi và tham ái không thể xen vào được.

(Ngày khác. Vị sư đầu tiên)

A: - Sư cảm nhận như thế nào về pháp hành của sư?

T: - Việc thực hành trước đây chỉ là lý thuyết.

A: - Làm sao sư biết được đó là lý thuyết hay không phải lý thuyết?

T: - Giờ đây tôi biết bằng trí tuệ minh sát (bhāvanāpaññā, khác vipassanāpaññālà tuệ minh sát - (xem lại phần 1.5.1 nói về ba loại tuệ thựchành), tuy thế vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

A: - Sư nhận ra văn tuệ (suta paññā), thẩm nghiệm tuệ (cintā paññā) và tu tuệ hay minh sát tuệ (bhāvanā paññā) bằng cách nào?

T: - Đêm qua khi nằm xuống, tôi thấy sắc nằm chứ không phải tôi nằm. Chỉ một chút thôi nhưng không rõ lắm. Rồi nó biến mất. Do đó, tôi biết việc thực hành của tôi trước đây chỉ là lý thuyết.

A: - Minh sát tuệ nhận ra thực tánh rằng sắc nằm đang hiển bày, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng thấy. Có thể chợt thấy, và nó liền biến mất. Mặc dù chúng ta thấy nó chỉ một thoáng như vậy, song chúng ta biết nó hoàn toàn khác. Rồi tuệ thực hành lại tiếp tục. Và sát-na hiện tại vuột mất. Nhưng điều đó không sao. Chỉ tại minh sát tuệ không nảy sanh thôi.

Ngay lúc này, sư có cảm giác là sư đang thực hành hay không? Nếu sư cảm thấy mình đang hành, cảm giác ấy là sai. Cảm giác đó đã che án trí tuệ. Sư phải ngồi trước đã, và sau đó sư mới quán sắc ngồi. Rồi khổ sanh lên và sư phải thay đổi oai nghi để chữa khổ. Không phải ngồi để thấy sắc, mà là để thấy khổ.

T: - Làm thế nào chúng ta có thể ngăn ngừa được ý nghĩ rằng chúng ta đang hành thiền?

A: - Sư phải có tác ý đúng. Sư phải thay đổi oai nghi bởi khổ buộc sư phải thay đổi. Cũng như sư phải nhận ra rằng sư phải ngồi, nằm, đi, đứng... mặc dù sư không muốn như vậy. Sư cần phải yoniso thường xuyên. Nhờ đó, có thể ngăn tham ái không lẻn vào. Lúc nào sư cũng phải cố gắng loại trừ tham ái cho đến khi sư đạt đến sự thanh tịnh, như vậy sư có thể có được kết quả đúng. Giới phòng hộ các căn (indriyasaṃ-varasīla) của sư như thế nào? Có giữ gìn tốt không?

T: - Có. Tôi luôn luôn áp dụng giới chế ngự các căn này.

A: - Nếu sư không có "lục căn thu thúc giới" thì thật là tai hại. Nó cũng giống như uống thuốc mà không theo lời chỉ dẫn vậy. Nếu sư uống thuốc theo cách đó, bệnh sẽ không đỡ hơn. Cũng thế, nếu sư chỉ có thực hành mà không phòng hộ các căn thì thật là vô ích. Vì vậy, sư phải có giới thu thúc lục căn đó để việc thực hành tốt hơn. Chẳng hạn, "danh nghe" hay "danh thấy" là phòng hộ các căn, bởi vì "sư" không đang nghe và "sư" không đang thấy.

(Ngày khác, vị sư thứ hai)

A: - Sư nói pháp hành của sư khá hơn, ý sư muốn nói gì?

T: - Ý tôi muốn nói là tôi đang thực hành việc quán Danh - Sắc trong sát-na hiện tại rất liên tục, nhưng có lúc đó chỉ là tuệ thẩm nghiệm (cintā paññā).

A: - Sao sư biết được đó là cintāpaññāhay là bhāvanāpaññā? Cintāpaññānghĩa là sư đang thực hành, nhưng theo cách sư được thiền sư chỉ bảo. Bhāvanāpaññālà sư tự mình biết. Bhāvanāpañña(minh sát tuệ) là kết quả phát sanh khi sư quán Danh - Sắc trong sát-na hiện tại. Danh - Sắc ấy đang dạy cho sư đi đúng hướng. Nhờ vậy, sư biết được kết quả sẽ là đúng.

T: - Hai ba hôm vừa rồi tôi cảm thấy mệt.

A: - Mệt có phải là Pháp hay không?

T: - Phải.

A: - Sư nghĩ đó là Pháp như thế nào? Mệt mỏi là thực tánh Pháp, bởi vì khổ là đối tượng của Pháp. Sư đến đây thực hành để thấy khổ. Sư càng thấy khổ, sư sẽ càng nhàm chán (yếm ly) đối với khổ. Khi sư thấy ít khổ sư sẽ không nhận chân được nó. Chẳng hạn, thọ khổ trong tứ oai nghi. Khi sư bị khổ nhiều, sư không còn muốn nhìn vào nó nữa. Chẳng hạn như khi sư bị bệnh. Phớt lờ khổ làm cho sư thoải mái, nhưng sư không thể đoạn tận khổ theo cách đó. Thực sự mà nói thì ai cũng có khổ, nhưng họ không thực chứng Thánh đế này. Tại sao? Bởi vì họ muốn cứu chữa cái khổ đó, hoặc làm cho nó biến mất. Khổ thì có rất nhiều, nhưng họ nghĩ rằng nó vô ích, bởi vì khổ chỉ làm cho họ khó chịu, làm cho họ yếu đuối, mệt mỏi. Nếu họ không quán sát cái khổ ấy, làm sao họ có thể đạt đến Thánh đế được, bởi vì khổ là Ariyasacca(Thánh đế).

Khi khổ khởi lên, thường sẽ có hai loại - khổ thọ (dukkha vedanā) hoặc hành khổ (sankhāradukkha). Nhưng hành giả rất khó thấy, khó nhận ra. Điều này có nghĩa là ngay cả khi thay đổi oai nghi cũng có khổ. Khổ tướng (dukha lakkhana) - tức Tam tướng và Khổ Thánh đế (Dukkha Ariyasacca) thậm chí còn khó hơn nữa. Khổ thọ (cái đau thông thường nơi các oai nghi) rất dễ thấy, và hành giả có thể giác ngộ nhờ quán nó.

Điều quan trọng ở đây, nếu không muốn nói là tất yếu, là đừng bao giờ thay đổi oai nghi bởi vì sư nghĩ là sẽ được ngồi để thực hành, hay đi để thấy sắc đi, thay vì oai nghi phải thay đổi đơn giản là vì khổ cần được chữa, thế thôi.

(Vị sư đầu tiên)

T: - Hai ba hôm rồi tôi không thể chú tâm trong sát-na hiện tại

A: - Bởi vì sư có quá nhiều định nên sư buông mất sát-na hiện tại. Sư cần phải có sự tỉnh thức hơn nữa, cố gắng tỉnh thức hơn nữa. Còn điều khác, là sư quán khổ quá ít, vì thế mà khổ qua mặt sư. Sư phải nhận ra sự thực của sabhāva(thực tánh). Khổ là sự thực (chân lý). Danh và Sắc là sự thực. Tại sao nó là sự thực? Bởi vì nó không nằm trong sự kiểm soát của sư. Và sự thực (chân lý) chúng ta không thể thay đổi được. Chẳng hạn, sắc không thể đổi thành danh và danh cũng không thể đổi thành sắc được. Tứ oai nghi là sắc, và nó là sự thực. Phóng tâm cũng là sự thực nữa.

Khi sư thay đổi oai nghi, sư yoniso(tác ý) như tbế nào?

T: - Vì khổ buộc phải thay đổi.

A: - Sư thay đổi oai nghi bao nhiêu lần trong một ngày?

T: - Rất nhiều.

A: - Như vậy, ý sư muốn nói rằng khổ phát sanh quá nhiều lần đến độ sư không thể nhớ nổi. Thế thì tại sao sư có thể nghĩ là sư thoải mái? Sư không thấy khổ, bởi vì sư ít quán sát khổ. Trước tiên khổ phải nảy sanh đã, rồi sư mới thay đổi oai nghi. Sư cần phải theo dõi điều này. Khi thay đổi oai nghi, sư phải ghi nhận xem phiền não có mặt hay không. Bởi vì phiền não làm cho sư có tác ý không chân chánh. Sư phải biết là sắc ngồi khổ chứ không phải sư khổ, và tác ý chân chánh này sẽ ngăn không cho phiền não (sân) lẻn vào. Hơn nữa, sư cũng phải biết là sư buộc phải thay đổi sang oai nghi mới và điều đó sẽ ngăn không cho tham khởi lên. Khi sư không có khổ, nhưng sư muốn thấy khổ và mong cho khổ phát sanh. Sư không nên làm như vậy, bởi vì đó là tham. Phiền não rất là vi tế. Nếu như sư không biết nó vi tế như thế nào, sư có thể không để ý tới nó, và nó sẽ lẻn vào khi sư đang quán sát mà không chân chánh tác ý. Do đó, sư phải chú ý khi sư thực hành để xem coi phiền não có lẻn vào hay không. Sự chú ý này chúng ta gọi là sikkhati(quán sát pháp hành). Pháp hành minh sát cũng giống như việc nghiên cứu bất cứ một môn học nào, sư phải biết cả lý thuyết lẫn thực hành. Khi thực hành cũng như giờ làm thí nghiệm, ở đây, sư áp dụng cái lý thuyết mà sư đã học. Nếu sư có sự quán sát tốt trong lúc thực hành thì khi phiền não xâm nhập, sư sẽ biết kịp thời.

Điều quan trọng là sư phải luôn luôn có Danh - Sắc làm đối tượng một cách liên tục. Đừng tập trung vào một phần nào của sắc - hãy thấy toàn thể sắc. Khổ phải khởi lên trước rồi sau đó sư mới nhận ra nó. Đừng cố gắng dự đoán trước. Nếu như sư đang chờ đợi khổ, sư sẽ mất sát-na hiện tại. Cũng giống như mở một cánh cửa. Sư mở hé thì phiền não nhỏ chui vào. Còn mở lớn thì phiền não lớn đi vào vậy. Nếu sư ở trong sát-na hiện tại thì tựa như sư đã đóng cánh cửa lại, phiền não không thể lẻn vào được.

T: - Có lúc tôi quên và không quán Danh - Sắc, vì thế tôi cảm thấy có tội là mình đã đãng trí.

A: - Khi sư quên và cảm thấy hối hận, điều đó có nghĩa là sư đã buông mất sát-na hiện tại. Hối hận là tâm sân và nó cũng là phiền não. Vì thế, phiền não đã có mặt. Phiền não rất là vi tế, nó có thể lẻn vào bất cứ lúc nào. Nếu như sư không có tác ý chân chánh sư không thể thực hành được, sư sẽ không hiểu được rằng cảm giác (tội lỗi) ấy là phiền não.

Dukkha (khổ), cho dù sư chỉ thấy một chút ít, điều đó cũng tốt. Song nếu sư thấy nhiều dukkhahơn, sư sẽ nhận ra rằng Khổ là chân lý.

(Ngày khác. Vị sư thứ hai)

A: - Sư nói "thoải mái", ai là người thoải mái? Có phải năm uẩn thoải mái không? Chỉ có một uẩn có thể xem là danh thoải mái. Điều này có nghĩa là sư có lạc điên đảo (sukkha-vipallāsa)về tâm. Nếu sư hành đúng cách sư sẽ không cảm thấy thoải mái. Bởi lẽ người hành thiền không bao giờ nghĩ là mình thoải mái cả; nghĩ như vậy là không hợp với những nguyên tắc của Đức Phật. Hành giả không nên nghĩ là ta thoải mái, bởi vì điều đó không đúng. Hành giả phải nhận ra khổ. Khi sư nhận ra khổ, sư sẽ thấy không có thoải mái.

Sư đã thấy dukkha(khổ) chưa? Sư không thấy khổ bởi vì sư không quán, hay bởi vì không có khổ?

T: - Tôi cảm thấy khổ nhưng không nhiều lắm. Nếu tôi ngồi lâu hơn nữa cho đến khi bị đau nhức nhiều để thấy khổ, rồi tôi có thể thay đổi oai nghi và thấy khổ hơn nữa, như thế có đúng không?

A: - Không, hành như vậy không đúng. Tại sao sư lại muốn thấy khổ, điều đó có nghĩa là phiền não đã có mặt. Khi sư không muốn thay đổi oai nghi là tham ái đã xen vào, bởi vì tham ái muốn thấy khổ.

T: - Khi tôi thực hành, tôi rất dễ bị hoảng sợ.

A: - Người nào có định sẽ rất dễ hoảng sợ. Định là vậy. Khi sư đang hành và khi sư không thực hành, sư có nhận ra sự khác biệt gì không?

T: - Khi tôi tập trung vào hành xứ (kammaṭṭhāna: - đề mục tham thiền), tôi cảm thấy buồn ngủ.

A: - Sư cảm thấy buồn ngủ là vì định. Đừng tập trung vào kammaṭṭhāna. Nếu sư làm như vậy, định sẽ sanh. Khi thọ khổ khởi lên nếu sư cố tình không thay đổi oai nghi thì điều đó có nghĩa là sư đang tập trung vào hành xứ. Theo cách bình thường, khi thọ khổ khởi sư phải thay đổi oai nghi. Nếu sư không thay đổi là sư đang tập trung vào kammaṭṭhānavà định sẽ theo sư.

Vì vậy, đừng có làm điều gì bất thường. Nếu sư cảm thấy là mình đang tập trung vào hành xứ, chỉ cần dừng lại.

(Ngày khác, vị sư đầu tiên)

A: - Sư hành ra sao rồi? Có khả quan không?

T: - Có, rất khả quan, nhưng Danh - Sắc vẫn chưa hiện khởi rõ ràng.

A: - Trong pháp hành vipassanā, Danh - Sắc rất quan trọng. Trước tiên, sư phải có Danh - Sắc trong sát-na hiện tại đã, rồi sau đó Danh - Sắc sẽ hiện khởi thường xuyên, và sư sẽ nhận ra thực tánh - cái chúng ta gọi là Danh - Sắc ấy.

Tôi cảm thấy rằng việc thực hành của sư vẫn còn xen lẫn với tâm mong muốn. Sư phải loại trừ cái tâm mong muốn đó. Đừng muốn thấy sự sanh diệt của Danh - Sắc và cũng đừng muốn thấy tam tướng. Đừng có bất kỳ một ước muốn nào cả. Bởi vì ước muốn đó là tham ái. Phận sự của sư là chỉ việc thấy Danh - Sắc khi chúng khởi lên hay phát sanh. Sư phải nhớ là việc thấy ấy cũng giống như đang xem một vở kịch. Trước tiên sư phải có trí tuệ biết được Danh - Sắc khi chúng hiện khởi, sau đó sự thực của Danh - Sắc là tam tướng sẽ theo sau. Trí tuệ không thể khởi nếu không có Danh - Sắc trong sát-na hiện tại. Đầu tiên sư biết Danh - Sắc bằng pháp học hay lý thuyết, sự hiểu biết ấy sẽ giúp sư nhận ra Danh - Sắc trong khi thực hành. Khi Danh - Sắc hiện khởi trong pháp hành với tuệ minh sát, chúng ta gọi là Tuệ Phân Tích Danh - Sắc (Nāma-rūpa-paricchedañāṇa) - Tuệ thứ nhất. Từ đó sư sẽ chứng nghiệm Danh - Sắc trong 16 Tuệ minh sát.

Sư thực hành theo nguyên tắc nào để nhận ra Danh - Sắc?

T: - Tôi phải có yoniso(tác ý chân chánh).

A: - Chẳng hạn, khi thấy, sư yonisonhư thế nào?

T: - Khi thấy, tôi yonisorằng đó là danh thấy.

A: - Cách sư yonisonhư vậy sẽ tạo cho sư có chánh niệm tỉnh giác. Cách sư có sự tỉnh thức rất quan trọng trong việc làm cho Danh - Sắc hiện khởi. Nếu sư tỉnh thức liên tục trong suốt bảy ngày, Danh - Sắc chắc chắn sẽ hiện khởi - điều đó không có gì phải nghi ngờ nữa. Chánh niệm - tỉnh giác nghĩa là sự tỉnh thức trong đối tượng Danh - Sắc ở sát-na hiện tại. Nếu sư chỉ có chánh niệm, định sẽ xen vào. Sư thấy sắc nhưng không biết sắc gì hay danh gì, tức là sư không biết đó là sắc đi hay sắc ngồi, v.v... Như thế là sai. Nếu sư có sự tỉnh thức đúng cách, định mạnh không thể xen vào. Sư nên nhớ, định được dùng làm căn bản cho tuệ minh sát là sát-na định (khanikasamādhi), có sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại và chỉ đủ để ngăn phiền não (các triền cái) không cho xen vào và để cho tuệ minh sát khởi sanh.

Sư sẽ là một vị thầy hướng dẫn thiền, vì thế sư phải biết pháp hành của hành giả mà sư dạy dó đúng hay sai, tại sao. Sư cũng phải biết những gì mà người ấy đang làm là đúng hay sai nữa. Nếu họ làm sai, sư phải biết lý do tại sao và sửa lại cho họ.

(Ngày khác, vị sư thứ hai).

A: - Việc hành của sư thế nào rồi?

T: - Niệm của tôi đã khá hơn trước.

A: - Chỉ có satikhá hơn, còn sự tỉnh thức không khá được, như vậy thì định có thể xen vào. Nếu sư chỉ thuần quán oai nghi ngồi, đó không phải là sự tỉnh thức, không phải là vipassanā. Sư phải biết rằng đó là sắc ngồi (tỉnh giác). Người nào quán sắc ngồi, thì trí tuệ quán đó là tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác (ātāpi - sati - sampajañña). Nếu sư chỉ có niệm và chỉ biết oai nghi ngồi thôi thì không thể thay đổi được tà kiến nghĩ rằng chính tự ngã của ta đang ngồi. Vì thế, đó không phải là pháp hành minh sát, mà là định.

Khi sư có sự tỉnh thức đúng thì Danh - Sắc sẽ hiện khởi. Trước khi đi đến giai đoạn thực hành sư đã học hỏi để biết cái gì là sắc, cái gì là danh. Sư chỉ biết các tên gọi và những định nghĩa của nó, mà chưa biết được bản chất thực của chúng. Khi sư thực hành, lúc ấy sư sẽ thấy được thực chất của chúng, tức là sư sẽ biết những đặc tánh của sắc ngồi, biết khi nào và chỗ nào sắc ngồi hiện khởi. Chẳng hạn như khi sư đi học, sư đọc "a", "b", "c",... nhưng sư không biết hình dáng chữ mà chỉ biết âm thanh, nên khi thấy mặt chữ, sư không thể đọc được cho đến khi sư học được cách nhận dạng mặt chữ. Đối với pháp hành cũng thế, sư phải biết cả lý thuyết lẫn thực hành - hình dáng và âm thanh. Khi Danh - Sắc hiện khởi trong tuệ minh sát, sư biết được ngay những đặc tánh của Danh - Sắc ấy. Khi thay đổi oai nghi, sư có quán sát hay không?

T: - Có, nhưng đa phần là tôi không thể theo dõi được.

A: - Khi cái đau phát sanh, sư thay đổi oai nghi mà không yoniso. Sư thay đổi oai nghi mà không biết nguyên nhân. Như vậy có nghĩa là chánh niệm - tỉnh giác không hoàn hảo. Khi đau nhức sanh, dục muốn thay đổi oai nghi, ái muốn một sắc mới. Do đó, sư phải cố gắng có yonisođể bảo cho sư biết rằng sư phải thay đổi oai nghi.

T: - Mỗi sáng sớm chuông chùa đổ quá lớn làm tôi không thể hành được.

A: - Sư không muốn nghe tiếng ồn của chuông à? Nhưng chánh kiến thiền tuệ buộc chúng ta phải nghe. Khi có đủ duyên (âm thanh và tai), cái nghe phải phát sanh, chúng ta không thể kiểm soát nó được. Tâm nghe là vô ngã. Đừng cảm thấy khó chịu. Chỉ việc quán danh nghe, và sư sẽ thấy không có người nào nghe, không phải sư nghe.

Danh - Sắc hiện khởi, bất luận đó là Danh - Sắc gì cũng đều có lợi cho trí tuệ minh sát. Tuy nhiên, đa số thiền sinh chỉ muốn chọn Danh - Sắc nào mà họ thích, và vì thế mà phiền não mới có cơ hội xen vào. Do đó, sư phải có tác ý chân chánh.

T: - Có nhiều lúc tôi không thể ngủ được, không hiểu tại sao?

A: - Bởi vì sự tỉnh thức đã khá hơn nên đôi lúc sư không thể ngủ được. Điều ấy có nghĩa là việc quán chiếu của sư đã tiến bộ hơn. Sư cần ít ngủ lại. Nếu sư không có sự tỉnh thức (chánh niệm -tỉnh giác), si mê (moha) có thể xen vào và làm cho sư cảm thấy buồn ngủ. Nếu sư có tỉnh thức, ngay cả khi đang ăn sư cũng không thưởng thức hương vị món ăn, song sư vẫn ăn no đủ. Điều đó có nghĩa là phiền não đã giảm rất nhiều, bởi vì sư biết là sư phải ăn (chứ không phải vì muốn ăn). Sư biết vị, nhưng không có sự khoái khẩu. Sư phải ăn bởi vì sư biết mình buộc phải ăn chứ không phải vì muốn ăn. Nếu sư có thể ngăn ngừa phiền não như vậy một cách thường xuyên, chắc chắn trí tuệ sẽ sơm phát sanh vậy.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất và thứ nhì)

A: - Quý sư hiểu như thế nào về pháp hành?

T: - Tôi cảm thấy việc thực hành của mình đã tiến bộ hơn. Tôi biết nhân quả và khi những chướng ngại phát sanh, tôi biết cách làm thế nào để chữa nó.

A: - Sư chữa những chướng ngại bằng cách nào, hay là những chướng ngại ấy tự diệt đi?

T: - Chẳng hạn khi đang quán sắc ngồi và định phát sanh, tôi biết nó và liền thay đổi sang oai nghi khác.

A: - Nếu sư không đổi oai nghi, liệu định có biến không?

T: - Cũng có khi nó tự biến, dù tôi không đổi oai nghi.

A: - Danh - Sắc đã khởi lên chưa?

T: - Thỉnh thoảng tôi có thấy nó.

A: - Sư thấy Danh - Sắc bằng pháp học hay bằng thực hành? Chúng giống hay khác nhau?

T: - Tôi đã thấy được bằng pháp hành. Biết bằng pháp học và biết bằng pháp hành khác nhau.

A: - Sư nói thấy bằng pháp học và thấy bằng pháp hành khác nhau. Cái khác ấy là gì?

T: - Nó khác với pháp học bởi vì nó được cảm nhận, chứ không phải bằng tư duy.

A: - Sắc nào sư đã thấy nhiều hơn?

T: - Tôi thấy sắc trong mọi oai nghi. Còn danh, tôi thấy danh nghe và danh thấy nhiều hơn, nhưng không được rõ lắm.

A: - Sư biết bằng pháp hành, sư dùng phương pháp nào?

T: - Tôi phải tỉnh thức (thấy với sự tỉnh thức) đối với bất cứ danh hay sắc nào tôi đang quán.

A: - Đúng. Đó là phương pháp đúng nhằm làm cho Danh - Sắc hiện khởi. Và sư cần phải có sự tỉnh thức liên tục cho đến khi có kinh nghiệm nhiều hơn. Nếu sư chỉ quán mà không biết sắc gì (sắc ngồi hay sắc đi v.v...) hoặc không biết các danh khác nhau thì sư sẽ thấy danh và sắc chỉ là một thứ, là "Sư" - và nguyên khối tưởng (ghanasaññā)che án sự thực này sẽ không được tách bạch ra.

Sự tỉnh thức là cái làm việc quán sát, còn Danh - Sắc là những đối tượng. Vì vậy sư phải tỉnh thức đối với danh gì và sắc gì sư đang quán thường xuyên. Nếu sư không làm như vậy, Danh - Sắc sẽ không hiện khởi. Nếu sư làm đúng, chắc chắn Danh - Sắc sẽ hiện khởi và sư sẽ thấy mỗi danh, mỗi sắc như chúng thực sự là. Nếu sư luôn có tỉnh thức như thế này, các đối tượng khác (như phóng tâm) không thể xen vào được. Nếu sư chỉ quán danh và sắc suông (mà không biết danh gì sắc gì) thì sự tỉnh thức sẽ dần dần yếu đi và dĩ nhiên không thể nào ngăn được lòng tham muốn. Khi đi, sư quán như thế nào?

T: - Khi đi, tôi quán sắc đi và tôi cũng quán bàn chân khi nó chạm sàn nữa.

A: - Sư quán sắc đi và sư quán cả sắc chạm (xúc). Thế là sai. Sư đang sử dụng tới hai đối tượng một lúc. Sắc đi là ở thân (kāya), còn xúc chạm thì nằm trong các đối tượng của Pháp quán niệm xứ (Dhammānupassanā-satipaṭṭhāna).Nếu sư quán như vậy sư không thể nào theo dõi được sắc đi và rồi sư sẽ trở nên đãng trí và định sẽ xen vào. Sư phải quán sắc đi mà thôi.

Sư quán sắc đi như thế nào? Sư nói là sư quán bước chân đi, nhưng quán như vậy là sai. Phận sự của vipassanālà nhằm tiêu diệt tà kiến nghĩ rằng "Sư" đi. Do đó, sư phải quán toàn bộ sắc đi để diệt tà kiến ấy.

T: - Có lúc tôi muốn nghiêng về định nhiều hơn, bởi vì định phát sanh rất thường - nhưng có lúc tôi lại không thể làm được như vậy. Định giúp tôi tập trung dễ hơn.

A: - Vì sao sư lại muốn định?

T: - Tôi muốn thử xem sao.

A: - Mỗi sát-na khi mà sư quán sát sư đã có định trong minh sát rồi. Khi phóng tâm nảy sanh, sư quán cái gì?

T: - Tôi quán danh phóng tâm.

A: - Phải. Sư quán như vậy rất đúng. Tuy nhiên, khi đã biết phóng tâm nảy sanh rồi thì sư phải trở lại quán sắc ngồi, hay một sắc nào khác mà sư đang quán. Đừng để cho đến khi phóng tâm biến mất mới trở lại quán sắc và cũng đừng tác ý đến câu chuyện phóng tâm. Sư phải thấy đó như là danh phóng tâm (chứ không phải sư). Câu chuyện phóng tâm thuộc về sự thực chế định (paññatti),không phải sự thực tối hậu hay thực tánh (paramattha hay sabhāva).Còn phóng tâm tự nó là sự thực tối hậu (thực tánh). Phóng tâm rất dễ thấy. Nếu biết điều này, sẽ rất có lợi cho sư trong việc phát triển trí tuệ. Bởi vì phóng tâm là danh, phóng tâm nằm ngoài sự kiểm soát của sư, nó không phải là "Ta".

Quý sư đến thực hành thiền minh sát, nhờ vậy quý sư có thể thấy bản chất của Danh - Sắc theo những cách khác. Tam Tạng Kinh Điển (Tipitaka) không phải ở đâu khác, nó ở chính trong quý sư. Chúng ta đến đây thực hành minh sát, các phận sự khác không phải là chuyện quan tâm của quý sư. Phận sự của quý sư là thực hành làm sao để tam tướng trong Danh - Sắc được hiển lộ. Tuy nhiên, dù cho trí tuệ có sanh hay không cũng đừng bận tâm. Phương pháp mà quý sư sử dụng để làm hiển lộ tam tướng phải bao gồm luôn cả yoniso(tác ý chân chánh). Đây là điều hết sức quan trọng.

Tôi mong quý sư sẽ hiểu được sự khác biệt giữa cái biết nảy sinh từ định và cái biết nảy sanh từ tuệ. Nếu cái biết đó không phải là thực tánh như nó thực sự là, thì cái biết đó chỉ là định. Khi sư quán cái thấy, sư phải biết rằng cái thấy ấy là định; biết "danh" thấy là tỉnh giác (sampajañña),hay trí tuệ. Nếu quý sư nhận ra thực tánh như chúng thực sự là, đó là chân lý và cũng là trí tuệ.

Cả hai quý sư đều đã hiểu pháp hành và việc thực hành của quý sư cũng khả quan hơn. Hai sư đều ở trong sát-na hiện tại được thường xuyên như vậy là rất tốt.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

A: - Sư có chướng ngại gì trong việc thực hành không?

T: - Không nhiều lắm, chỉ một ít thôi.

A: - Đó là gì?

T: - Khi định xen vào, tôi cảm thấy rỗng không, không có gì cả.

A: - Định xen vào ở oai nghi nào?

T: - Một vài oai nghi.

A: - Nếu sư biết oai nghi nào có nhiều định, đừng quán oai nghi đó. Chẳng hạn khi quán sắc ngồi, nếu sư trượt khỏi sắc ngồi, tức là chỉ biết có ngồi mà không biết cái gì đang ngồi, sư phải theo dõi xem tâm sư ở đâu. Tâm sư ở trong định và định là danh, hay tâm sư rỗng không (không danh hay sắc gì cả). Hoặc nó đang trú vào một đối tượng khác. Khi sư biết được tâm sư ở đâu, cái rỗng không đó sẽ biến mất.

Khi sư đến đây thực hành, sư có biết tại sao sư đến thực hành không?

T: - Tôi đến thực hành để thấy Danh - Sắc.

A: - Đúng vậy. Do đó, sư không phải làm điều gì cả. Sư chỉ việc quán danh và sắc. Ví như có người đưa cho sư một "bạt" (baht - đơn vị tiền tệ Thái) và nhờ sư xem kỹ coi nó có đúng là tiền không. Đối với Danh - Sắc cũng vậy. Sư nhìn vào nó để thấy xem nó có phải là "ta", hay là một con thú, tự ngã; hoặc Danh - Sắc mà sư lầm tưởng là tự ngã của mình. Nếu sư hiểu được điều này, lúc đó sư mới biết được lý do tại sao sư đến đây thực hành.

(Ngày khác. Vị sư thứ hai)

A: - Khi sư có phóng tâm, sư quán như thế nào?

T: - Tôi cảm thấy không thoải mái.

A: - Sư cảm thấy không thoải mái, bởi vì sư không muốn tâm sư có phóng tâm, phải không? Thực ra, danh phóng tâm cho thấy ba đặc tánh (tam tướng) rõ hơn bất kỳ danh nào khác, ngay cả với danh nghe và danh thấy cũng vậy. Phóng tâm là paramatthaNhưng sư không muốn thấy nó, đúng không?

T: - Đúng vậy.

A: - Sư không thích cái gì là paramatthasao? Như vậy là không đúng. Sư thích sự an lạc. An lạc ấy, cũng giống như phóng tâm, nghĩa là phải sanh diệt vậy. Thế thì tại sao sư lại thích an lạc hơn phóng tâm?

Phóng tâm và định, dù đối nghịch nhau, nhưng có cùng hiệu quả là làm đối tượng (cho việc quán sát). Sư không thích phóng tâm bởi vì nó làm cho sư không được thoải mái, và vì sư thích cảm thọ lạc hơn.

Phóng tâm có phải là Thánh đế hay không?

T: - Phải, nó là Thánh đế (Ariyasacca).

A: - Thánh đế khởi lên, sư biết, nhưng lại không muốn thấy nó. Sư đến đây hành thiền minh sát để thấy Thánh đế, nhưng sư lại có cảm giác rằng sư không thích phóng tâm.

Khi ăn, sư phải biết lý do chánh đáng và lý do không chánh đáng của việc ăn. Lý do chánh đáng là để chữa khổ - không phải để vui thích. Người dạy thiền vipassanāphải biết thiền sinh của mình hành đúng hay sai. Chẳng hạn, khi một thiền sinh có quá nhiều định, có thể tạo ra một sự căng thẳng trên tâm, vị thầy lúc ấy phải bảo thiền sinh ngưng hành trong một lúc, làm một ít công việc gì đó để trở lại bình thường.

Tâm của người hành thiền rất quan trọng. Nếu người ấy hơi mất quân bình, họ sẽ rất dễ mất sự tiếp xúc với thực tại hoặc khổ do ảo giác. Do đó, khi một thiền sinh đến đây hành thiền, vị thầy phải yêu cầu họ cho biết là họ đã hành thiền ở đâu trước đây và có kinh nghiệm gì về những chướng ngại tinh thần không.

Nếu đối tượng nào khiến cho định sanh thái quá thì không nên dùng đối tượng ấy. Chẳng hạn, nếu oai nghi ngồi dẫn đến quá nhiều định, hãy đổi sang oai nghi khác một lát. Sư phải chọn một đối tượng mà sư ít quen thuộc nhất, bởi vì những đối tượng sư dùng quá quen (như sắc ngồi chẳng hạn) có khuynh hướng tạo ra định thái quá.

(Ngày khác. Một vị sư người Hoa)

A: - Việc thực hành của sư thế nào rồi?

T: - Khi thời tiết nóng bức nó làm cho tôi bị phóng tâm. Nhưng nếu trời mát, tôi lại không bị phóng tâm nhiều.

A: - Thời tiết có thể làm duyên cho phiền não. Tuy nhiên, trời nóng hay lạnh đều là sự thực. Sư có biết cái gì khiến cho sư phải khổ không? Bởi vì sư có ngũ uẩn, chính ngũ uẩn là cái gây ra khổ, chứ không phải thời tiết. Nếu sư yoniso(tác ý) chân chánh, sư sẽ hiểu được nóng chỉ là sắc (rūpa), và nóng là thực tại tuyệt đối (paramattha). Nếu như sư cố gắng làm cho cái nóng biến mất - đó là điều mà sư không thể làm được - sư sẽ cảm thấy khó chịu, vì sư đã tác ý không đúng. Sư nghĩ "sư" đang nóng, chứ không phải sắc nóng. Đức Phật nói năm uẩn là khổ và vô ngã. Nếu sư biết điều đó, sư sẽ không cảm thấy khó chịu, và dĩ nhiên lúc ấy, thích và không thích không thể nào phát sanh được và cả phiền não cũng không xen vào được.

Thường thường, nếu sư không có sát-na hiện tại, phóng tâm sẽ nảy sanh, nhưng nếu sư biết đó là danh phóng tâm thì cái biết ấy là sát-na hiện tại, phóng tâm lúc đó sẽ dừng lại. Nhưng nếu sư quán để làm cho phóng tâm biến đi, thì điều đó không đúng. Sư phải biết là trong sát-na hiện tại vẫn có định (sát-na định hay thời khắc định), và đó là lý do tại sao phóng tâm không thể khởi lên. Tuy nhiên, nếu sư trú trong sát-na hiện tại chỉ được một chút thì sư sẽ có nhiều phóng tâm.

Tôi muốn sư lưu ý rằng tâm trú trong sát-na hiện tại và tâm không trú trong sát-na hiện tại khác nhau, và vì sao chúng khác nhau. Nếu sư biết khi nào thì tâm không trú trong sát-na hiện tại, lúc ấy sư có thể trở lại với sát-na hiện tại được liền.

Điều quan trọng là, khi phóng tâm khởi lên, đừng quên rằng đó là danh phóng tâm. Trong mọi oai nghi đều có sự phóng tâm này. Khi phóng tâm sanh trong lúc đi, với tâm tỉnh thức, sư hãy trở lại với sắc đi. Lúc này, sư chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó sư phải hành cho đến khi có nhiều kinh nghiệm hơn. Mặc dù sư hiểu pháp hành, nhưng sư vẫn phải thực hành thường xuyên. Về các ấn chứng thì sao? Sư vẫn có những ấn chứng chứ?

T: - Không có ấn chứng. Nhưng tôi bị phóng tâm nhiều hơn.

A: - Sư có nhiều phóng tâm, bởi vì sư chỉ có một chút sát-na hiện tại. Nếu sư có sát-na hiện tại nhiều hơn, sư sẽ ít phóng tâm. Nếu sư phóng tâm nhiều quá, sư sẽ không có ấn chứng. Nếu sư có ấn chứng, sư sẽ không phóng tâm.

Như một đối tượng trong thiền minh sát (vipassanā kammaṭṭhāna), phóng tâm cũng có những lợi ích của nó, bởi vì nó là Pháp quán niệm xứ (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna). Tuy nhiên, nó không phải là Thân quán niệm xứ (Kāyānupassanā satipaṭṭhāna) mà ở đây chúng ta đang hành. Nimitta(ấn chứng) không thể được sử dụng như một đối tượng trong thiền minh sát, mà nó chỉ có thể được dùng cho thiền chỉ (samattha). Do đó, cả hai có những lợi ích khác nhau.

T: - Khi phóng tâm phát sanh, tôi cố gắng kéo nó trở lại việc quán sắc ngồi, nhưng nó vẫn không chịu trở lại. Có lúc tôi bị phóng tâm rất lâu.

A: - Đừng chiến đấu với phóng tâm như vậy - bởi vì phóng tâm là thực tánh pháp, và đây là chuyện tự nhiên. Sư không thể nào kiểm soát được nó. Sư có ý niệm sai lầm cho rằng phóng tâm không phải là pháp, vì thế sư mới không thích phóng tâm. Khi sư nhận ra phóng tâm, điều ấy có nghĩa là sư đã thấy pháp (Dhamma), và sư cũng biết luôn rằng phóng tâm là "Danh" chứ không phải "Sư".

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

T: - Hai ba ngày qua, tôi nghĩ là tôi đã quán Danh - Sắc tốt hơn.

A: - Sư nói là sư đã quán Danh - Sắc tốt hơn. Đối tượng nào sư thường có trong sát-na hiện tại?

T: - Phóng tâm đã giảm, và tôi quán sắc hiều hơn danh. Không phải là suy nghĩ, mà tôi thực sự cảm nhận đó là sắc ngồi, sắc nằm. Khi tôi ở trong oai nghi nào, tôi biết đó chỉ là sắc. Cảm giác ấy khác với những gì trước đây.

A: - Đây là sự thiện xảo. Vì thế, sư nên cố gắng và duy trì kinh nghiệm này. Chánh tinh tấn - pháp thứ hai trong Ba mươi bảy Trợ Đạo Pháp (Bodhipakkhiyadhamma) - sẽ giúp cho sư đạt đến Tâm đạo (Maggacitta) và Tâm quả (Phalacitta), chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Nếu sư đang quán sắc ngồi và sắc nằm, có lúc nào đó chúng trở nên ít rõ hơn thì sư phải ngưng quán một lát. Sau đó mới bắt đầu quán trở lại.

T: - Đôi lúc đang quán, có cái gì đó làm cho tôi cảm thấy sợ hãi. Thế là tôi không thể thấy Danh và Sắc rõ ràng nữa.

A: - Sư cảm thấy hoảng sợ hay sư cảm thấy sợ hãi, rồi sư không thể thấy Danh - Sắc một cách rõ ràng, là bởi vì sư có ít sự tỉnh thức. Vì vậy, hãy cố gắng có sự tỉnh thức thêm nữa, rồi sư sẽ ít sợ hãi. Nếu sư thấy Danh - Sắc rõ ràng với sự tỉnh thức trọn vẹn, sư sẽ không cảm thấy sợ hãi.

(Hai vị sư thứ nhất và thứ hai)

A: - Pháp hành của sư thế nào rồi?

T: - Trước đây, tôi hay phóng tâm, nhưng bây giờ tôi đã hiểu được pháp hành rõ hơn. Vì thế, tôi mơ đến việc đi dạy thiền cho những người bà con của tôi hay cho mọi người.

A: - Sư có phóng tâm bởi vì sư đã rơi khỏi sát-na hiện tại. Sư có biết tại sao sư rơi khỏi sát-na hiện tại không? Bởi vì sư đang nghĩ đến việc sẽ làm một thiện sự (kusala)nào đó, chẳng hạn như nói đạo hay dạy thiền... Và sư đã làm gì để cho phóng tâm biến mất?

T: - Phóng tâm tự nó biến mất, lúc đó, tôi đang quán sắc nằm.

A: - Nếu sư quán sắc ấy lâu hơn, sư sẽ thấy được thực tánh của sắc đó một cách rõ ràng. Nếu sư chỉ quán được một chút, sư cũng sẽ chỉ thấy được một chút sự thật của nó thôi vậy. Sư càng quán sắc được nhiều, sư sẽ càng thấy sắc nhiều hơn và rõ hơn. Song nếu sư quán quá lâu, nó sẽ khiến cho sư có ít tỉnh thức lại. Khi sư bị như vậy, sư ngưng lại một lát rồi bắt đầu khởi quán trở lại với nhiều tỉnh thức hơn.

T: - Đôi khi đang quán sắc tôi lại cảm thấy như mình muốn khóc lên vậy.

A: - Sư có biết vì sao sư cảm nhận như vậy không? Sư phải biết lý do tại sao sư cảm thấy như vậy. Chẳng hạn, khi sư thấy một tử thi, sư có một cảm giác nào đó. Tương tự như vậy nếu sư thấy một người đẹp,... Sư phải cố gắng tìm hiểu xem tại sao cảm giác ấy khởi lên. Nhưng thường thì sư không biết tại sao. Giải pháp ở đây là sư phải có sự tỉnh thức thật rõ ràng, tức là tỉnh thức về những gì sư đang làm, biết lý do tại sao hành động (khóc) ấy xảy ra, và vì sao nó biến mất. Nó xuất hiện bởi vì đối tượng đã thay đổi từ sắc ngồi sang cái khóc, chẳng hạn, mà cái khóc ấy là buông khỏi sát-na hiện tại. Vậy lý do sư khóc chính là vì sư buông khỏi sát-na hiện tại. Cả hai vị đều có những vấn đề tương tự, nhưng cùng một nguyên nhân (yếu tỉnh thức). Quý sư đã thấy Danh - Sắc là không có thực thể (vô ngã), một người thì sợ, còn người kia thì muốn khóc. Tuy nhiên, việc thực hành của hai vị dù sao cũng đã tiến bộ hơn.

Pháp nào không Danh - Sắc là rỗng không. Khi sư thực hành, chính là để thấy pháp, đó không phải là ta, không phải ta ngồi. Cách chúng ta thực hành ở đây là để quán sắc ngồi,... nên nếu sư chỉ quán oai nghi ngồi mà không biết được cái gì đang ngồi, có nghĩa là sư đã không thấy được pháp, và không nhận ra pháp. Khi sư nhận ra pháp, điều đó có nghĩa là sư đã thấy cái gì là sắc, cái gì là danh. Có rất nhiều pháp, và chúng đều xuất phát từ danh và sắc. Nếu sư không quán Danh - Sắc, nghĩa là tâm sư không ở trong niệm xứ (satipaṭṭhāna).

T: - Tôi có thể ngăn ngừa tham ái không cho xen vào lúc đang hành bằng cách nào?

A: - Danh - Sắc không nảy sanh từ tham muốn. Danh - Sắc phải khởi lên một cách tự nhiên, không có sự sáng tạo của chúng ta. Thí dụ, khi cái nghe xảy ra, đó không phải là do ước muốn của chúng ta. Bởi thế, chúng ta dùng cái nghe ấy để làm cho tuệ nảy sanh. Tuệ ở đây chính là khi sư biết cái nghe đó là danh nghe. Trường hợp Danh - Sắc nảy sanh do ước muốn, tức là do sư cố tình làm cho nó hiện khởi, đó không phải là Danh - Sắc. Vì vậy, khi thay đổi oai nghi, sư phải biết lý do. Mặc dù sư không muốn thay đổi, sư cũng phải thay đổi, như vậy mới ngăn được tâm tham muốn. Khi không có phiền não, trí tuệ sẽ hiện ra.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

A: - Kể từ buổi nói chuyện vừa rồi, pháp hành của sư tiến triển ra sao?

T: - Trong hai ba ngày liên tiếp tôi bị sốt và đau bao tử. Vì thế, việc thực hành của tôi không được liên tục.

A: - Sư có được khổ thọ nhiều hơn, nào là sốt, nào là đau bao tử,... Đau bao tử có phải là pháp hay không?

T: - Đó là khổ thọ.

A: - Sư đã biết cái gì là pháp, nhưng sư lại không có tác ý chân chánh để cho sư biết sắc là khổ, vì thế mà sư không thấy pháp. Pháp lúc nào cũng hiện khởi, pháp lúc nào cũng đang hiển bày đặc tính vô ngã, không kiểm soát được, bởi vì nó không phải là "Ta". Nếu nó là "Ta", chúng ta có thể kiểm soát và không phải bệnh hoạn. Có năm uẩn là phải có bệnh hoạn, nhưng nếu sư có tác ý đúng sư sẽ hiểu rằng mọi người ai cũng có thể mắc bệnh cả, ngay cả Đức Phật. Đức Phật đã tỏ ngộ pháp, chính là thấy ra năm uẩn phải chịu sanh, già, bệnh, chết, và từ điều này đã cho Ngài trí tuệ thấy Khổ, nhờ vậy, Ngài có thể đoạn tận nó.

(Sư thứ hai)

A: - Còn pháp hành của sư thì sao?

T: - Pháp hành của tôi đã khá hơn.

A: - Sư nói việc thực hành đã khá hơn, vậy sư có sợ bị vuột khỏi sát-na hiện tại không?

T: - Tôi không muốn bị mất sát-na hiện tại.

A: - Điều đó không đúng. Sợ bỏ mất sát-na hiện tại là không đúng. Cũng như muốn thấy danh và sắc hơn là không đúng. Sư phải làm sao có thái độ giống như người đang xem một vở kịch vậy - đừng cố gắng đạo diễn nó. Nếu như sư sợ buông khỏi sát-na hiện tại, phiền não là tự ngã sẽ xen vào, bởi vì sư nghĩ mình đang kiểm soát nó.

Pháp hành Trung đạo không phải là dễ dàng theo đuổi khi thực hành. Nếu pháp hành của sư không đúng, thích và ghét hay tham và sân sẽ phát sanh, sư sẽ không còn ở trong sát-na hiện tại, và trong tâm sư sẽ luôn luôn có phiền não. Khi sư ăn, sư phải ăn với trí tuệ - trí tuệ đó nhắc sư ăn là để chữa khổ, cái khổ đó tức là đói, và giữ cho thân thể được sống còn, nhờ đó sư có thể hành đạo để đoạn dứt khổ. Cho dù sư không muốn ăn, sư cũng phải ăn (bởi vì ở đây, vị ấy là một tỳ kheo chỉ ăn trước giờ ngọ).

Một phần rất quan trọng của pháp hành minh sát này là yoniso- tác ý chân chánh. Nếu sư có tác ý chân chánh là sư có trí tuệ. Sư đến đây hành thiền chỉ là để đoạn tận khổ. Nếu sư ăn với phiền não, là sư ăn để ở trong vòng luân hồi. Vì vậy, sư phải ăn để đoạn khổ, đi để đoạn khổ, ngồi để đoạn khổ, nằm để đoạn khổ - tất cả đều là để đoạn khổ. Chúng ta đã bị giam giữ trong gọng kìm của phiền não trong một thời gian quá lâu. Phiền não buộc chúng ta phải làm điều này điều nọ. Bất kỳ đối tượng nào nảy sanh đều luôn luôn có phiền não - "chúng ta" thấy, "chúng ta" nghe, "chúng ta" đói,... Bởi vậy, cho dù sư đến đây để hành thiền minh sát, sư cũng không thoát khỏi phiền não. Phiền não theo sư đi khắp mọi nơi. Chỉ khi sư có chân chánh tác ý, phiền não mới có thể được ngăn ngừa. Như vậy, phiền não sẽ muội lược khi chúng ta có tác ý chân chánh. Khi phiền não suy yếu, trí tuệ có thể rất mạnh, và tuệ ấy sẽ tiêu diệt phiền não. Do đó, khi làm bất luận điều gì, ngay cả việc thay đổi oai nghi, sư cũng phải biết nguyên nhân chiùnh đáng là để chữa khổ. Khi sư biết rõ nhân thường xuyên như vậy, cái biết ấy sẽ đưa đến trí tuệ minh sát.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

A: - Việc thực hành của sư thế nào rồi?

T: - Lần này tôi không cảm thấy vui.

A: - Khi chánh niệm - tỉnh giác phát triển tốt hơn, chỉ có một chút phiền não xen vào và điều đó làm cho tâm không vui. Không vui là bằng chứng cho thấy pháp hành minh sát của sư đang tiến triển. Giống như cá trong nước, chúng cảm thấy vui khi sống trong nước, nhưng khi bị bỏ lên bờ, chúng sẽ khổ. Tâm con người cũng tựa như vậy. Khi tâm không có phiền não để che đậy khổ, nó sẽ không vui.

Sư nói rằng việc thực hành của sư khá hơn. Thế còn khổ thì sao? Sư vẫn có khổ chứ?

T: - Có, tôi luôn có thọ khổ trong mỗi oai nghi. Nhưng nó cũng không rõ lắm.

A: - Sư luôn luôn phải thay đổi oai nghi, nhưng vẫn không thấy khổ, bởi vì sư không thường xuyên quán sát. Mọi người đều biết khổ hiện hữu nhưng không phải lúc nào cũng thấy nó. Đối với các oai nghi phụ, sư có quán chúng không?

T: - Có, thỉnh thoảng.

A: - Sư phải ghi nhận mỗi khi đưa tay lên, co tay lại và duỗi tay ra. Hoặc mỗi lúc đi tắm rửa, vệ sinh, sư cũng phải biết lý do tại sao sư làm điều này. Dĩ nhiên đây không phải là để chữa khổ trong các oai nghi, mà là để chữa các loại khổ khác - chẳng hạn như đói bụng, đau bụng,...

(Vị sư thứ hai)

A: - Còn sư thì thế nào? Pháp hành của sư ra sao rồi?

T: - Pháp hành của tôi tốt hơn trước.

A: - Tốt hơn, ý sư muốn nói gì?

T: - Nghĩa là tôi có thể theo dõi Danh - Sắc và nó rõ hơn trước đây.

A: - Sư muốn nói là sư ở trong sát-na hiện tại, sư có được nhiều sát-na hiện tại hơn, đúng không? Như vậy sư mới thấy được rằng việc thực hành vipassanā là rất khó. Có khi sư phải mất một thời gian dài, có thể là nhiều ngày để trú trong sát-na hiện tại, cho đến khi tâm giữ được mức trung đạo, không thích - ghét hay tham - sân nữa. Nếu sư hành thiền chỉ, sư phải quán một đối tượng duy nhất trong một thời gian rất lâu. Hơn nữa, đối tượng ấy lại nằm ngoài sư và thuộc về thực tại chế định (không phải Danh - Sắc). Tâm phải có một năng lực tập trung rất mạnh, nhưng hành vipassanā và trú được ở trong sát-na hiện tại mà không có phiền não là điều không phải dễ. Phiền não chi phối chúng ta quá mạnh, đến độ chúng ta chẳng khác gì món dưa cải quá chua vì bị ngâm lâu ngày. Do đó, ngăn phiền não không cho xen vào các cảm giác không phải là chuyện dễ. Sư phải hiểu và có yonisochân chánh. Tôi muốn sư lưu ý đến lý do sư có được cảm giác này (tức cảm giác trú trong sát-na hiện tại), và làm thế nào sư có thể giữ cho tâm không có phiền não. Nếu sư biết điều này, lúc đó sư mới có thể ngăn được phiền não và trú trong sát-na hiện tại lâu hơn. Cuối cùng, sư sẽ đoạn tận được khổ.

Vào thời Đức Phật, Ngài dạy Pháp, chư Tăng lắng nghe, hiểu được lý do Ngài thuyết kinh, và họ có thể hướng tâm mình đúng cách. Khi Đức Phật dứt thời Pháp, các vị cũng giác ngộ - họ hiểu những điều Ngài nói.

Hành thiền minh sát rất khó. Thoạt tiên, khi mới giác ngộ, Đức Phật cảm thấy ngại ngùng không muốn thuyết giảng những gì mình biết cho ai cả, bởi vì nó quá khó. Có thể nói là khó hơn bất kỳ một công việc nào khác. Tất cả chúng ta đều nằm trong gọng kềm siết chặt của si mê; mọi chuyện chúng ta làm, tà kiến chấp đó là "chúng ta làm" đã chi phối. Sư si mê đó là tà kiến chấp rằng Danh - Sắc là "Ta" hay "Tự ngã của ta".

Sư đến đây thực hành gần ba tháng, sư hiểu pháp hành rõ hơn. Điều đó có nghĩa là sư đã biết làm thế nào để tu tập tâm đúng pháp. Tuy nhiên, cũng có lúc sư lạc ra khỏi con đường chân chánh ấy.

T: - Vâng, đôi khi tâm tôi đi sai hướng.

A: - Sư phải thận trong. Đừng bao giờ để cho tâm sư trở thành trợ duyên cho phiền não và làm suy yếu trí tuệ. Chánh niệm - tỉnh giác của sư không được mạnh lắm. Khi sư quán, chánh niệm - tỉnh giác hoạt động yếu, và khi mà sự tỉnh thức yếu như vậy, định có thể xen vào và làm cho sự tỉnh thức càng yếu thêm. Khi phiền não xen vào, sư có kịp nhận ra nó không?

T: - Có.

A: - Khi phiền não không có mặt, trí tuệ có thể nhận ra chân lý. Đừng chú ý đến tuệ. Phận sự của sư chỉ là ngăn không cho phiền não xen vào. Tóm lại, sư chỉ có phận sự nghiên cứu để hiểu rõ pháp hành và có yonisochân chánh để ngăn chặn phiền não. Tuy nhiên, dù cho tuệ có nảy sanh hay không, đó không phải là phận sự của sư. Điều nên nhớ là phải luôn luôn tỉnh thức đối với danh hay sắc nào mà sư đang quán.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

A: - Sư đã thấy Pháp chưa?

T: - Có, tôi đã thấy Pháp.

A: - Sư thấy Pháp gì?

T: - Tôi thấy thọ khổ.

A: - Khi phóng tâm khởi lên, sư có biết đó là pháp không?

T: - Có, phóng tâm là pháp.

A: - Pháp hiện khởi suốt ngày suốt đêm. Nếu sư biết pháp, sư sẽ thấy pháp cả ngày lẫn đêm vậy. Song nếu sư muốn đi tìm pháp, sư không thể nào thấy nó được, bởi vì phiền não - tham muốn thấy pháp - đã che án trí tuệ. Nếu sư không muốn thấy nó, sư có thể sẽ thấy nó. Muốn thấy pháp, sư phải trú trong sát-na hiện tại. Pháp hiện hữu trong từng khoảnh khắc, trong từng hơi thở. Sư nói rằng sư đã thấy khổ thọ. Ýù sư muốn nói gì khi cho rằng thọ khổ là pháp?

T: - Tôi muốn nói thọ khổ là Danh (nāma)

(Trong Tứ Niệm Xứ, Thọ (vedanā) nằm trong Danh pháp niệm xứ. Tuy nhiên, trong pháp hành, chúng ta thấy khổ ở sắc để chứng minh rằng bốn oai nghi đều che án khổ) .

A: - Danh - Sắc mà sư đã thấy đó, có rõ rệt không?

T: - Có lúc rất rõ.

A: - Sắc rõ hơn hay danh rõ hơn?

T: - Danh phóng tâm rõ hơn. Tứ oai nghi (sắc) đôi khi cũng rõ.

A: - Sắc nào sư thấy rõ nhất?

T: - Sắc ngồi và sắc đi.

A: - Sư có quán danh thấy, danh nghe không?

T: - Không.

A: - Vì sao sư không quán danh nghe? Khi tiếng ồn xảy ra, sư có khó chịu không?

T: - Không, nhưng trước đây tôi rất khó chịu.

A: - Khi sư nghe, có phải là nghe với paññatti(sự thực chế định) không? Tức là sư nghe âm thanh và liên tưởng tới âm thanh đó?

T: - Có khi như vậy.

A: - Sư nghe với sự thực chế định, sư có biết nó hay không?

T: - Đôi lúc tôi biết câu chuyện (liên tưởng tới âm thanh thay vì danh nghe).

A: - Khi paññattixen vào, sư có biết tại sao nó xen vào không? Bởi vì sư không quán danh nghe. Nếu paññatticó mặt, sư sẽ mất sát-na hiện tại. Paññattilà pháp không có tam tướng. Sư cảm thấy thế nào về pháp hành của mình? Có khá hơn không?

T: - Có, pháp hành của tôi đã khá hơn.

A: - Sư có còn ưa - ghét không?

T: - Có, nhưng thỉnh thoảng thôi.

A: - Căn nào sư không thích?

T: - Nhĩ căn.

A: - Sư không thích tiếng ồn lớn? Sư không thể quán sát nó sao?

T: - Tôi có quán nhưng không theo dõi kịp nó. Tôi chỉ biết bằng paññatti(chế định).

A: - Thực ra, sư có thể quán với hết khả năng của mình, bao lâu mà chánh niệm tỉnh giác của sư còn có thể duy trì. Sư muốn một đối tượng khác (ngoài danh nghe), bởi thế nên khi có tiếng ồn lớn phát sanh, sư cảm thấy khó chịu.

T: - Trong tứ oai nghi, đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn, khi đang nằm, tôi trở người qua bên khác và quên không yoniso. Điều này khiến tôi khó chịu.

A: - Sư cảm thấy khó chịu bởi vì sư phải thay đổi oai nghi nằm thường xuyên, do đó thọ khổ mới trở thành duyên cho sân tâm. Nếu sư có tác ý chân chánh, sư sẽ không bị khó chịu.

T: - Đôi khi tôi cảm thấy chán nản, không hiểu vì sao.

A: - Có hai loại chán nản, một loại do sân và một loại do tuệ (paññā).Sân đưa đến chán nản bởi vì sư thực hành đã lâu mà vẫn chưa thấy sắc không phải là sư. Còn tuệ đưa đến chán nản bởi vì sư thấy Danh - Sắc là không có thực thể - vô thường, khổ, vô ngã. Đôi lúc sư đang quán phóng tâm và sư biết đó là danh phóng tâm, rồi phóng tâm trở lại và sư lập lại "danh phóng tâm" nữa, nó cứ trở đi trở lại như vậy. Cũng giống như cố gắng bảo đứa trẻ phải làm gì nhưng nó không tin ta, phóng tâm cũng vậy. Sư không kiểm soát được nó, và biết được điều này sẽ đem lại trí tuệ.

(Sư thứ hai)

T: - Mới đầu, khi đến đây thực hành, tôi hiểu được pháp hành và có rất nhiều hy vọng cũng như dự định (cho tương lai), nhưng giờ đây, tôi cảm thấy thất bại.

A: - Dự định gì?

T: - Tôi nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách dạy thiền minh sát, thuyết giảng cho mọi người biết về pháp hành đúng đắn này v.v...

A: - Nghĩ đến việc thuyết giảng và không nghĩ đến nó - cái nào tốt hơn?

T: - Không nghĩ là tốt hơn.

A: - Cách sư nghĩ như thế là đã không đúng với tinh thần Tứ Niệm Xứ rồi. Tâm sư không ở trong đối tượng thực sự của Niệm Xứ - mặc dù những dự định của sư là thiện. Phóng tâm là phiền não - nó đưa sư ra khỏi sát-na hiện tại. Sư có cảm thấy chán đối với pháp hành minh sát này không?

T: - Tuần rồi tôi cảm thấy mất hết hy vọng. Nhưng giờ đây tôi không cảm thấy gì hết. Và đôi lúc tôi cảm thấy thất vọng.

A: - Sư thất vọng về điều gì?

T: - Tôi thất vọng về việc thực hành của mình. Vipassanāquá khó.

A: - Sư cảm thấy thất vọng, bởi vì sư không hiểu rõ pháp hành. Nhưng điều đó không nằm ngoài khả năng của sư. Đó là lý do vì sao Đức Phật phải trau dồi các pháp ba-la-mật (pāramī) trong nhiều kiếp sống. Pháp hành quả thực rất khó, bởi thế nó mới được xem là đặc biệt. Cho dù sư không đạt đến giác ngộ trong kiếp này, sư cũng sẽ tạo duyên (những trợ duyên làm phát sanh trí tuệ) cho kiếp kế. Ngay cả một vấn đề thuộc lĩnh vực thế học, được xem là dễ hơn vipassanā, sư cũng phải nghiên cứu suốt nhiều năm. Cho nên, sư phải tiếp tục thực hành. Dù không đạt được những gì sư mong muốn, sư cũng sẽ trau dồi được ba-la-mật. Đó là phận sự (dhura) của sư - một vị tỳ kheo - phận sự hành thiền minh sát. Đức Phật đã bỏ hết mọi thứ để có Trí tuệ giác ngộ (Bodhi-ñāṇa), và khi giác ngộ rồi, Ngài dạy lại cho chúng ta. Ngài phải khó khăn lắm mới đạt đến sự giác ngộ. Còn chúng ta không đến nỗi vất vả như vậy bởi vì Ngài đã dạy hết những gì cần thiết cho chúng ta rồi. Chúng ta chỉ việc đi theo pháp hành của Ngài. Khi sư thực hành, sư sẽ có được những lợi ích của Giới - Định - Tuệ. Khi sư ở đây, sư bị phóng tâm. Song điều đó không mất mát gì, vì khi ở nhà sư cũng vậy. Nhưng nếu ở nhà, sư sẽ không có Giới - Định - Tuệ trong Bát Chánh Đạo mà sư đạt được do thực hành, dù chỉ là chút ít. Sư có thể thấy Pháp hay không, điều đó không quan trọng - hãy xem việc thực hành là để kiến tạo ba-la-mật cho bản thân sư là đủ. Sư nói việc thực hành minh sát quá khó. Đúng thế. Cái khó sẽ làm cho sư phải có sự nhiệt tâm hơn nữa.

Đức Phật nói rằng, muốn cho hành giả hiểu đúng pháp hành, cần phải có một vị Thầy thông hiểu pháp hành, đã thấy thực tánh pháp (sabhāva dhamma) và dạy đúng cách. Đồng thời người hành thiền cũng phải có khả năng tiếp thu những gì vị thầy dạy nữa. Việc thực hành giúp sư hiểu được những lời Đức Phật dạy và biết thực tánh pháp thấu đáo hơn.

(Ngày khác. Vị sư người Hoa)

A: - Pháp hành của sư ra sao rồi?

T: - Tôi đang cố gắng đưa tâm mình vào Trung Đạo.

A: - Sư làm điều đó như thế nào?

T: - Khi tâm sân hay không thích khởi lên, tôi cố gắng thấy địa đại.

A: - Sư thấy địa đại? Sư thấy bằng cách nào và thấy để làm gì?

T: - Tôi chỉ cần nghĩ "địa đại, địa đại,..." và sân biến mất.

A: - Nếu sư suy nghĩ, sư sẽ mất sát-na hiện tại. Chẳng hạn, khi cái nghe nảy sanh, chánh niệm - tỉnh giác quán đó là danh đang nghe, nhờ vậy, ưa - ghét không thể xảy ra. Do đó, tâm sư tự động ở trong Trung Đạo. Sư không cần phải làm một điều gì khác cả.

T: - Có lúc tôi cảm thấy tâm mình rất trong sáng, nhưng tại sao tôi không biết gì cả - tôi chỉ thấy một bộ xương.

A: - Sư cảm giác như thế nào về hiện tượng này?

T: - Tôi kinh ngạc không biết tại sao bộ xương lại giống như thế này, và sau một lát, tâm biến thành một chiếc quan tài. Rồi một xác chết thối rữa. Sau đó tôi ngửi thấy mùi hôi và ói mửa.

A: - Sư có biết cách sư hành như vậy là không đúng không?

T: - Tôi không biết tại sao tôi bị như vậy.

A: - Sư ói bao lâu?

T: - Khoảng nửa buổi. Sau bữa ăn trưa cho đến 6 giờ chiều.

A: - Suốt thời gian ấy, sư vẫn ngửi thấy mùi hôi à?

T: - Vâng.

A: - Cái sư thấy có phải là thực hay không? Đó là ấn chứng (nimitta).Năng lực định làm cho sư thấy hiện tượng này. NimittaDhamma (Pháp). Nó phát sanh do định thái quá. Hiện tượng này khiến cho sư có thể có những lầm lẫn trong tâm. Nó sẽ đưa sư ra khỏi thực tại. Khi sư dứt ói, sư có thấy rằng hiện tượng đó là không đúng không?

T: - Tôi biết điều này là vô ích.

A: - Sư đã hành thiền minh sát trong nhiều ngày. Sư không nên để cho tâm mình rơi vào những trường hợp này nữa. Sư làm cách nào khiến cho xác chết (nimitta)ấy biến đi?

T: - Nó tự biến. Nó kéo dài một lúc rồi tự mất đi.

A: - Định có năng lực mạnh hơn tâm, nó có thể đưa sư ra khỏi pháp hành minh sát.

T: - Vâng, đúng vậy. Tôi không muốn có định.

A: - Khi hành thiền định, dù sư có nhiệt tâm cách mấy, sư cũng rất khó đắc định. Nhưng nếu sư hành thiền minh sát, định sẽ lẻn vào và làm cho sư mất tuệ minh sát. Sư có muốn thấy nimitta đó lại không?

T: - Không, mùi nó hôi lắm. Tuy nhiên tôi cũng không biết tại sao mình lại thấy nó. Tâm tôi rất trong sáng mà.

A: - Tâm sư rất trong sáng, đó là định. Định làm cho sư cảm thấy thỏa mãn, làm cho sư cảm thấy lạc. Đó là điên đảo tưởng (vipallāsa). Nếu tâm trong sáng và không có phiền não, tham và sân không thể hiện khởi.

(Vị sư thứ nhất và thứ hai)

A: - Sư có một số khách đến thăm thường xuyên quá. Trong thời gian này, sư không nên để cho nhiều người đến thăm sư như vậy, bởi vì sự viếng thăm của họ sẽ làm suy yếu lục căn thu thúc giới (indriyasamvarasīla) của sư. Nếu lục căn thu thúc giới không hoàn mãn, định không thể phát sanh; và không có định, dĩ nhiên tuệ không thể sanh. Tất cả ba yếu tố này phải khởi sanh cùng nhau trong sát-na hiện tại. Nếu có khách, dù sư không muốn nói, sư cũng phải nói.

Cách thực hành là sư phải quán Danh - Sắc nào khởi lên vào lúc đó. Nếu Danh - Sắc không khởi, tà kiến cho rằng đó là "Ta" vẫn còn, và sư không thể tách tà kiến cho đó là "Ta" ra khỏi.

Thương và ghét khởi lên và diệt. Nhưng sư không biết cái gì thương, cái gì ghét cả. Thương là danh hợp với tham; ghét là danh phối hợp với sân. Nếu sư không biết, sư sẽ nghĩ là "sư thương", "sư ghét", thế là sư không thể tách "sư" ra khỏi cái thương ghét ấy được. Vì vậy, khi sư thực hành, sư phải luôn luôn thấy mọi thứ chỉ là danh hoặc sắc; và sư cũng phải biết đó là danh gì, sắc gì, chẳng hạn như sắc ngồi, danh nghe,... Sư nói rằng sư đã thấy khổ, điều đó đúng. Nhưng tà kiến nghĩ rằng "Sư" cảm thấy khổ vẫn hiện hữu. Sư biết tại sao không? Bởi vì sư không yoniso(tác ý chân chánh). Sư phải thấy rằng sắc ngồi khổ, chứ không phải sư. Sư không quán sắc đúng, bởi vì sư đã quên đi điều quan trọng này (yoniso).

Cảm nhận và suy nghĩ khác nhau. Sư đã biết điều này. Do vậy, đừng lầm lẫn chúng.

Điều quan trọng là sư phải biết rõ lý do. Sư phải làm điều này với tác ý chân chánh. Chẳng hạn, trong kinh Anuruddha(Anuruddha-sutta), Ngài A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta)lý do tại sao, mặc dù vị ấy có thiên nhãn có thể thấy được tất cả vũ trụ, có nhiệt tâm tinh tấn, có chánh niệm vững chắc, nhưng vẫn không thể doạn trừ được các lậu hoặc. Ngài Xá-lợi-phất giải thích rằng, cách thấy tất cả vũ trụ của Anuruddhaấy là mạn (maṇa) và mạn này là đối tượng của phiền não, do vậy phiền não có thể xen vào. Cách nghĩ rằng ta nhiệt tâm tinh tấn và chánh niệm vững chắc, là trạo cử (uddhacca). Và cách vị ấy quan tâm đến việc chưa đoạn trừ được các lậu hoặc như vậy là hối quá (kukkucca). Vì thế, Ngài Xá-lợi-phất mới bảo vị ấy cần phải loại bỏ những cảm giác này.

Phiền não vi tế như vậy đấy. Sư phải có yonisomanasikāra(tác ý chân chánh) mới có thể thấy được. Vì thế, phận sự của sư là thực hành liên tục. Dù sư có thành công hay không, điều ấy không quan trọng. Sư đến đây thực hành là để tiêu diệt những gì che án sự thực (chân lý). Ngay như Ngài Anuruddhavới thắng trí như vậy mà vẫn còn phiền não nữa huống chi chúng ta. Ngày nay chúng ta được may mắn hơn, bởi vì không phải hành thiền định trước hoặc phải đạt đến các thắng trí trước khi hành minh sát. Chúng ta có thể lấy tham, sân, si làm đối tượng để hành vipassanā(cittanupassanā: - niệm tâm). Nếu sư phải hành thiền định trước, ắt hẳn rất khó, bởi vì sư phải hành qua hai giai đoạn (chứng thiền trước, rồi mới chuyển sang vipassanā),như vậy phải tốn nhiều thời gian. Bây giờ sư có thể hành chỉ một giai đoạn thôi mà vẫn loại trừ được phiền não.

(Vị sư người Hoa)

A: - Sư có hiểu sự khác nhau giữa đối tượng thiền định và thiền minh sát không? Chúng khác hay giống?

T: - Khác. Các đối tượng không giống nhau.

A: - Tại sao chúng không giống nhau? Sư nghĩ đối tượng của thiền minh sát và đối tượng của thiền định khác nhau như thế nào?

T: - Thiền định làm cho tâm vắng lặng.

A: - Điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là những đối tượng mà sư quán, chúng giống hay khác, vậy thôi?

T: - Tôi không quán như vậy.

A: - Sư không quán như thế à? Thế sư làm như thế nào? Chỉ và quán không giống nhau. Thiền minh sát phải lấy Danh - Sắc làm đối tượng. Nó không giống như sư niệm "Buddho"(Phật) hay "Arahant"(A-la-hán) liên tục đâu.

T: - Tôi hiểu rồi. Hành vipassanākhông niệm thầm mãi như thế.

A: - Nếu sư niệm như vậy, sư sẽ không có cơ hội thấy được thực tánh, bởi vì niệm ấy không lấy Danh - Sắc làm đối tượng. Thiền minh sát phải lấy một điều gì đó thực sự hiện hữu làm đối tượng, để thấy thực tánh của nó.

T: - Khi tôi quán sắc ngồi, sắc nằm, tâm cứ phóng đi rồi trở lại rất nhanh. Nó không chịu trú trên sắc ngồi hay sắc nằm ấy.

A: - Khi điều đó xảy ra, sư có cảm nhận được đó là pháp hành sai không?

T: - Có.

A: - Sư nghĩ pháp hành sai bởi vì sư không muốn tâm sư phóng tới phóng lui à?

T: - Vâng. Khi tôi quán, tâm cứ đi lối này, lối nọ. Tôi cố gắng kéo nó trở lại với sắc ngồi, sắc nằm, nhưng nó vẫn không ở yên. Nó đi đi về về rất nhanh.

A: - Tại sao sư phải kéo nó lại?

T: - Nếu tôi không kéo lại, nó sẽ phóng đi rất lâu.

A: - Sư muốn trở thành người kiểm soát để kéo tâm lại, không cho nó đi tới đi lui sao? Cách sư cố giữ tâm không cho nó phóng đi như vậy là sai, và pháp hành của sư cũng sai nốt. Sư phải biết phóng tâm là một sự thực, đó là thực tánh pháp. Bởi vì tâm luôn luôn phóng tới phóng lui rất lẹ. Sư muốn ở yên một chỗ, nhưng nó không nằm trong quyền kiểm soát của sư. Đây là thực tánh của tâm. Không người nào có thể kiểm soát được tâm cả. Nó không nằm trong quyền hạn của bất cứ ai, bởi vì nó vô ngã.

Phóng tâm là pháp, thế nhưng sư lại không thích pháp. Sư đến đây để thực hành nhưng khi pháp hiện khởi, sư lại không thích nó. Sư đã thấy pháp nhưng sư không thích pháp. Sư chỉ việc quán cái tâm ấy phóng đi phóng về là đủ. Đừng cố gắng kiểm soát nó hay muốn nó ở yên một chỗ, chỉ việc quán nó. Tuy nhiên, sư phải biết rằng phóng tâm là danh. Nếu sư không biết rằng đó là danh phóng tâm, sư sẽ ghét nó.

Mọi người đều cần phải có lục căn thu thúc giới (indriya-samvara-sīla). Cũng như trồng một cái cây, sư phải dọn sạch cỏ, nếu không, cỏ mọc sẽ không cho cây con phát triển. Giới thu thúc lục căn cũng như làm đất trước khi trồng vậy, nó sẽ giúp sư thực hành tốt hơn. Nói chuyện khiến cho sư không thu thúc lục căn được. Khi thực hành minh sát, nếu sư nói chuyện, nó sẽ đưa sư ra khỏi sát-na hiện tại.

(Một ngày khác. Nữ cư sĩ.)

A: - Cô đã hành được gần một tháng rồi. Pháp hành của cô tiến triển ra sao? Mấy ngày nữa thì cô về?

T: - Vài hôm nữa, khoảng cuối tháng, thưa thiền sư.

A: - Như vậy là cô không thể ở lại lâu hơn được nữa sao?

T: - Thưa không, con phải trở về nhà.

A: - Nếu thế thì cô không thể ở lại được rồi. Kể từ buổi nói chuyện vừa rồi, pháp hành của cô ra sao?

T: - Hôm qua, con thấy mọi thứ đều là khổ.

A: - Cô đã thấy cái khổ gì?

T: - Khi con quán sắc nằm, sắc đó trông giống như một người chết vậy. Con rất sợ. Vì thế, con đi ra ngoài một lát rồi vào ngồi lại. Con thấy mọi thứ là khổ. Ngay cả nháy mắt, nuốt nước miếng, con cũng cảm thấy khổ. Thế là con lại đi ra ngoài nữa. Giờ thì con đã hiểu pháp hành, vì thế con muốn đi đến một nơi khác để hành tiếp. Con không muốn nương nhờ ai dạy nữa. Con nghĩ mình thật may mắn biết bao khi gặp được Achaan, vì nhờ Achaanmà con đã thấy Pháp. Nghĩ vậy nên con khóc.

A: - Còn hôm nay thì sao? Cô có thấy khổ như hôm qua không?

T: - Hôm nay thì bình thường. Khổ đó đã biến mất rồi.

A: - Cô có biết tại sao khổ ấy biến mất không?

T: - Hồi chiều, con có khách đến thăm, chúng con nói chuyện với nhau về khổ mà con đã thấy và về pháp hành này.

A: - Điều này dẫn đến phóng tâm. Phóng tâm khiến cho cô không quán được Danh - Sắc nữa. Cô đã buông mất vipassanā.Hôm nay cô cảm thấy bình thường bởi vì cô thiếu sự tỉnh thức. Khổ mà cô thấy đã mất dấu. Điều này là do cô thiếu sự tỉnh thức và không có Danh - Sắc làm đối tượng. Cô biết như thế là hành sai không?

T: - Thưa, có.

(Vị sư thứ nhất)

A: - Sư nói rằng pháp hành của sư đã khá hơn, khá hơn như thế nào?

T: - Tôi không bị phóng tâm nhiều nữa, và có thể theo dõi sát-na hiện tại.

A: - Sát-na hiện tại là gì?

T: - Danh phóng là sát-na hiện tại. Còn "câu chuyện" phóng tâm ấy là thực tại chế định (paññatti).

A: - Nếu sư biết "câu chuyện" - câu chuyện phóng tâm đó - sư sẽ mất sát-na hiện tại. Nếu sư phóng tâm thường xuyên, sát-na hiện tại sẽ không liên tục, sư không thể quán Danh - Sắc khi nó hiện khởi. Vì thế, sư nên cố gắng để có được sát-na hiện tại nhiều hơn nữa. Song, cũng đừng nên sợ mất sát-na hiện tại. Cũng giống như việc đi qua một con suối trên một cây tre, nếu sư cảm thấy sợ, sư có thể mất thăng bằng và rơi xuống.

Phần đông mọi người, từ khi sanh ra đến giờ, chưa từng thấy sát-na hiện tại. Bởi vì tâm họ luôn luôn tìm phiền não làm đối tượng. Tâm thấy mọi thứ thông qua tự ngã. Khi thực hành, sư phải ngăn chặn phiền não thì mới có thể thấy được sát-na hiện tại.

(Sư thứ hai)

A: - Khi sư thực hành tiến bộ hơn, sư có cảm thấy "thích" không? Khi sư hành không tiến, sư có cảm thấy "không thích" không? Cảm giác như vậy là sai. Sư nói pháp hành của sư đã tiến bộ hơn, nó tiến bộ như thế rồi?

T: - Tôi có thể theo dõi sát-na hiện tại dễ hơn trước.

A: - Sư phải biết lý do tại sao có ngày sư lại theo dõi sát-na hiện tại được, và tại sao có ngày không. Sư phải tìm ra nguyên nhân của nó. Nếu không, việc thực hành của sư sẽ phải mất một thời gian rất lâu. Nếu sư biết được nguyên nhân, cho dù sư buông khỏi sát-na hiện tại, sư cũng sẽ trở lại dễ dàng. Sư phải cố gắng ghi nhớ điều này. Sư cũng nên quán các oai nghi phụ nữa. Có bảy nhóm oai nghi phụ là: -

Bước lui.
Xoay đầu sang trái hoặc phải.
Co tay, duỗi tay.
Mặc y vai trái (cīvara), y tăng-già-lê (sanghati)và mang bát.
Ăn, uống, nhai, liếm (các ngón tay).
Đi đại và tiểu tiện.
Đi, đứng, nằm, ngồi (để làm các công việc), ngủ, thức, nói,...

Oai nghi phụ có nhiều hơn oai nghi chính, do đó biết được nhân sanh của chúng khó hơn là thấy bốn oai nghi chính. Khi sư thực hành lâu ngày, đủ để hiểu rõ bốn oai nghi chính rồi, lúc đó mới nên thêm vào các oai nghi phụ.

Dhamma (Pháp) không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải tự ngã - nó là sự thực (chân lý). Tất cả mọi thứ hiện khởi đều là Dhamma. Chẳng hạn, ngồi, đứng, phóng tâm, buồn ngủ, nghe, sân hận, thoải mái, đau nhức, mong muốn, tham lam, v.v... Những gì thuộc về danh hay sắc đều là pháp cả - và mọi thứ đều là danh và sắc. Mọi thứ khởi lên đều có thể dẫn đến trí tuệ thực hành. Nếu sư không hiểu điều này, tâm sư sẽ đi tìm pháp nào khác ở bên ngoài sư. Pháp không phải tìm ở nơi nào khác, pháp ở ngay trong chính bản thân sư. Sư phải quán Danh - Sắc nào hiện khởi vào lúc đó, dù sư đang đi đại, tiểu tiện hay tắm rửa,... Tất cả những cái đó đều là pháp. Và pháp đó là để chữa khổ.

Nếu sư không ở trong sát-na hiện tại, phiền não sẽ xen vào.

Không có pháp nào nằm trong quyền kiểm soát của bất cứ ai, bởi nó là vô ngã (anatta). Do đó, sư phải có tác ý chân chánh thì sư mới thấy được pháp. Ngay như phóng tâm, nếu sư biết nó là danh phóng tâm - sư sẽ thấy phóng tâm nằm ngoài sự kiểm soát của sư. Phóng tâm là vô thường, phóng tâm là khổ đế (dukkhasacca), phóng tâm là Thánh đế (Ariyasacca).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2015(Xem: 5396)
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội bồ đề, thời gian đầu Ngài chần chờ không muốn truyền bá giáo pháp. Đến khi chư Thiên xuống đảnh lễ, cầu xin Ngài nên vì chúng sanh mà lập bày phương tiện giáo hóa. Lúc trước đọc sử tới đoạn này tôi hơi ngạc nhiên. Vì Đức Phật phát thệ nguyện lớn, thị hiện nơi đời để độ chúng sanh, sao bây giờ thành Phật rồi, Ngài không chịu đi truyền bá Chánh pháp, đợi năn nỉ mới chịu thuyết pháp.
15/01/2015(Xem: 13103)
Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân: -Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.
05/01/2015(Xem: 19082)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
22/11/2014(Xem: 28741)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
20/10/2014(Xem: 33914)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 59288)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
16/06/2014(Xem: 15930)
Tam quy và Ngũ giới là nền tảng xây dựng đạo đức nhân bản vững chắc trong tiến trình tu tập tiến đến Phật quả của người Phật tử. Bất cứ ai muốn trở thành một người Phật tử chơn chánh, điều kiện trước tiên là phải quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm. Đây là cánh cửa khai thông đầu tiên để người Phật tử bước chân vào đạo Phật. Muốn thực tập con đường "Hiểu" và "Thương" cho có hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ, ngoài con đường "Tam quy và Ngũ giới" ra, hẳn là không có con đường nào khác để chúng ta chọn lựa. Có hiểu và thương thì chúng ta mới có thể tiến đến xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Là con người không ai lại không muốn đời mình luôn được an vui và hạnh phúc. Không ai muốn đời mình phải chịu nhiều đắng cay hệ lụy đau khổ bao giờ. Sự chọn lựa một lối đi cho thích hợp với đời sống tâm linh của mình thật hết sức quan trọng.
21/01/2014(Xem: 22518)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
21/12/2013(Xem: 7125)
Đây là danh từ Phật học nên không thể tìm thấy trong những từ điển thông thường thuộc các ngành khoa học tự nhiên hay cũng không thể tìm thấy trong các từ điển thuộc về khoa học xã hội, Kinh tế , văn học, triết học, tôn giáo học… Trong tự điển tiếng Việt của Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam vẫn không tìm thấy từ nầy.
20/12/2013(Xem: 37267)
THIỀN, được định nghĩa, là sự tập-trung Tâm, chú ý vào một đối tượng mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Tôi chia THIỀN làm hai loại, Thiền giác ngộ (Meditation for Enlightenment) và Thiền sức khỏe (Meditation for Health). Tập sách nầy chỉ bàn về Thiền sức khỏe mà thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]