Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Na-lan-đà, đại học Phật giáo đầu tiên

12/02/201216:01(Xem: 6621)
04. Na-lan-đà, đại học Phật giáo đầu tiên
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

NA-LAN-ĐÀ, ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN

Na-lan-đà cách Patna 70 cây số về hướng đông nam. Tôi từ Hoa Thị Thành, còn mang nặng ấn tượng của thành phố đó, đến Na-lan-đà một buổi sáng trời đẹp và bất ngờ thay, đây là một vùng đất xinh đẹp, cỏ cây tươi nhuận. Tại cổng vào Na-lan-đà có một biển đá đen trình bày tổng thể khu vực và viện đại học Phật giáo đầu tiên này được gọi là “phế tích” vì ngày nay tất cả hầu như chỉ còn nền đá.

Đây là viện Phật học đầu tiên của thế giới được xây dựng trong thế kỷ thứ hai sau công nguyên. Dưới triều đại Gupta thế kỷ thứ tư, Na-lan-đà trở thành một viện đại học thật sự. Liên tục 700 năm nơi đây được mở rộng và tu bổ mà mạnh nhất là trong thời nhà vua Harsa (606-647) và triều đại Pala (từ 750). Suốt một thời kỳ khoảng 1000 năm, đây là nơi sản sinh hàng trăm luận sư danh tiếng nhất của Phật giáo. Trong thời kỳ cực thịnh có đến 10.000 tỉ-kheo tu học tại đây. Khoảng cuối thế kỷ thứ 12 Na-lan-đà bắt đầu bị tín đồ Hồi giáo tàn phá và năm 1235 hai tu viện cuối cùng bị hủy diệt và đó cũng là thời kỳ Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ.

Lòng tôi hân hoan không tả được khi thăm viếng phế tích này. Đó là một tổng thể những công trình xây dựng dài khoảng 500 mét theo trục nam-bắc. Bên mặt của trục chính là khoảng 10 tinh xá, ngày xưa đó là giảng đường và cũng là cư xá của các giảng sư hay lưu học sinh. Trong các giảng đường ta còn có thể nhận ra được bục giảng của giảng sư, sinh viên ngồi xung quanh dưới đất. Bên trái trục chính là nền đá của bốn ngôi đền lớn, ngày xưa được dùng làm thư viện và tháp thờ. Ngày nay tất cả đều chỉ là nền đá trơ trọi thế nhưng chúng gây biết bao lòng cảm khái và khâm phục cho người thăm. Bất ngờ và cũng đáng trân trọng thay, một xứ nghèo như Ấn Độ, nơi mà đạo Phật đã suy tàn gần mười thế kỷ mà một phế tích như Na-lan-đà lại được chăm sóc chu đáo. Ngày tôi đến, ở đây có một màu nắng êm dịu và và màu cỏ xanh nhắc tôi dường như đây vẫn còn sức sống.

Nói Na-lan-đà được xây dựng trong thế kỷ thứ hai là nói viện Phật học chứ thực ra trong thời Phật tại thế khu vực này đã là vùng đất thiêng. Nó chỉ cách Vương Xá 11 cây số về phía bắc và mỗi lần Phật rời kinh thành này của vua Tần-bà-sa-la đi lên miền bắc, Ngài thường nghỉ trong vườn xoài Pavarika ở đây. Đây cũng là quê hương của Xá-lợi-phất, vị đệ tử có “đại trí tuệ” và cũng là nơi ông chết. Đến thời A-dục vương, nhà vua đã cho xây một ngôi chùa tại đó và ba trăm năm sau, một nhà vua nước Ma-kiệt-đà tên là Sankraditya mới thành lập nơi đây viện Phật học.

Viện này không phải đợi lâu vì cũng trong thế kỷ thứ hai đó đã có một nhân vật kiệt xuất tên là Long Thụ [15] ra đời, đến Na-lan-đà tu học và về sau trở thành viện trưởng. Long Thụ là một trong những luận sư xuất chúng nhất của Phật giáo, Ngài được xem là đức Phật thứ hai, sự xuất hiện của Ngài là lần chuyển pháp luân thứ hai. Ngài là người chịu suy luận nhất của lịch sử Phật giáo, là người sáng lập Trung quán tông [16], đồng thời lại là vị tổ thiền thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ truyền từ đức Thích-ca xuống.

Tiếp nối truyền thống, sau Long Thụ là những thế hệ của giảng sư và luận sư danh tiếng như Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Trần Na, Giới Hiền giảng dạy. Thời đó Na-lan-đà đã là mẫu mực của tính khoa học cầu thị. Nơi đây 18 trường phái Phật giáo của thời kỳ đó đều được giảng dạy, từ vệ-đà, tiểu thừa, Duy thức, nhân minh cho đến các ngành khác như toán học, y học. Cả “giáo sư nước ngoài” cũng được mời dạy mà người nổi tiếng nhất lại là Huyền Trang. Ông tới đây học Duy thức với Giới Hiền [17], lúc đó vị thầy viện trưởng này đã 106 tuổi. Kẻ hành hương Trung Quốc này mô tả kiến trúc của các tinh xá và giảng đường với một lòng yêu mến và sự chính xác mà về sau các nhà khảo cổ phải thừa nhận là hoàn hảo [18].

Đó là năm 637, khi Huyền Trang đến Na-lan-đà và thưa với Giới Hiền: “Con từ Trung Quốc đến và xin Ngài chỉ dạy triết lý Duy thức”. Giới Hiền khóc vì mừng rỡ và kể Huyền Trang nghe cách đây không lâu ông đã bị bệnh tưởng mình sắp chết. Đêm nọ ông nằm mơ thấy ba vị bồ-tát hiện đến, mặc ba màu áo khác nhau, vị mặc áo vàng, vị áo xanh thẩm, vị kia áo trắng. Đó là ba vị Văn-thù, Quán Thế Âm và Di-lặc và chỉ thị cho Giới Hiền phải sống tiếp và đợi một người từ Trung Quốc tới mà giảng dạy. Nơi đây Huyền Trang đã được truyền thừa trực tiếp triết học Duy thức, đã truyền từ Vô Trước, Thế Thân đến cho Trần Na [19], Hộ Pháp [20] và học trò của Hộ Pháp chính là Giới Hiền. Huyền Trang ở lại đây 15 tháng để học tập và hoàn thành bộ Thành duy thức luận [21], tổng kết mười vị đại luận sư [22] của Duy thức tông mà nói như Grousset là “tổng kết 700 năm tư tưởng Ấn Độ”.

Ôi, thì ra Na-lan-đà là quê hương của hai trường phái vĩ đại của Phật giáo là Trung quán tông và Duy thức tông, một nói về tánh, một về tướng. Chẳng đâu khác, đó chính là nguồn gốc của triết học Phật giáo đại thừa mà ngày nay nó đã lan tỏa khắp thế giới, mà Việt Nam cũng đã tiếp thu.

Tôi nhìn quanh một vùng đất vắng vẻ, hôm nay không ai đến tham quan. Cảm động thay được đến nơi đây. Đây là nơi hàng chục ngàn người đã cầu nguyện và học tập, hàng chục thế hệ của thánh nhân đã giáo hóa, ánh sáng minh triết Phật giáo đã từ đây chiếu khắp bốn phương. Biết bao phép lạ đã xảy ra nơi đây, hỡi các cành cây ngọn cỏ đang rung rinh trong gió.

Tôi bỗng nhớ tới Tịch Thiên [23]. Ông là một cao tăng thuộc phái Trung Luận sống khoảng thế kỷ thứ 7, 8. Tương truyền ông là một vương tử nhưng thụ giới tỉ-kheo và đến Na-lan-đà học tập. Thế nhưng khi đồng môn chăm chỉ học hành thì ông chỉ biết ngủ. Na-lan-đà hồi đó là một học viện rất nghiêm khắc, đúng như Huyền trang kể: “…cả ngày các vị đều luôn luôn biện luận. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẫn tránh vì xấu hổ…”.

Thế nhưng Tịch Thiên cũng chẳng chịu lẫn tránh và đồng môn dự định sẽ bêu xấu ông là “lười biếng” để ông phải bỏ viện ra đi. Tới ngày bị thử thách, ông lên giảng đường, tuyên bố sẽ giảng một bộ luận mới và sau đó tụng đọc tập Nhập bồ-đề hành luận [24]. Đến chương thứ chín, người ông bắt đầu bay lên khỏi ghế, lơ lửng trên không và qua chương cuối thì đồng môn chỉ còn nghe tiếng ông nói, thân ông biến mất. Về sau Tịch Thiên từ chối chức viện trưởng để vào rừng làm thợ săn. Bị chê trách phạm lỗi sát sanh, ông dùng thần thông cho thú vật sống lại và nói bài kệ:

Con nai trên bàn ăn,
chưa hề sống hề chết,
chẳng bao giờ vắng bóng.
Đã không gì là Ngã,
sao lại có thợ săn,
hay thịt của thú rừng?
Ôi người đời đáng thương,
mà các ngươi lại gọi,
ta là kẻ “lười biếng”.

Ngày nay, Nhập bồ-đề hành luận là kinh sách giáo khoa của Phật giáo Tây Tạng và cách hành xử của Tịch Thiên được dân chúng nơi đó yêu thích truyền tụng.

Sau Tịch Thiên vài trăm năm, cuối thế kỷ thứ 12, Na-lan-đà bị xóa tên trên xứ Ấn Độ. Có một đạo quân mang tên một giáo phái đã đến đây hủy diệt Na-lan-đà và cả xứ Ma-kiệt-đà. Mọi sự vật khi lên đến đỉnh cao của nó đều trở về với sự suy tận, đó là qui luật bất di bất dịch, Na-lan-đà cũng không tránh khỏi. Thế nhưng nơi đây ta có thể tự hỏi phải chăng một trong những nguyên nhân của sự suy tàn quá sớm của đạo Phật tại Ấn Độ là sự tập trung cao độ tại Na-lan-đà, sự tập hợp có tổ chức của tôn giáo thành những định chế có tính cách tăng lữ, nhất là lại được các vương triều ra sức hỗ trợ.

Đó là những nhân tố làm Phật giáo vướng vào quyền lực và chính trị, chúng là mầm mống của mọi tranh chấp và thảm họa. Tôi nhớ đến lịch sử Phật giáo Trung Quốc hay Tây Tạng thường bị bức hại sau một thời kỳ được các vương triều biệt đãi. Và trong thời đại ngày nay chế độ tăng lữ của Phật giáo Tây Tạng đang lâm tai họa lại thêm một lần nữa minh chứng cho suy nghĩ này. Hãy làm theo Tịch Thiên vào rừng làm thợ săn hay như Gampopa, bỏ tu viện cao quí đi tìm Milarepa nơi chỗ độc cư hẻo lánh. Lời Lão Tử vang vọng lại với tôi ngày hôm đó tại Na-lan-đà “Vật mạnh lớn ắt già, Ấy là trái Đạo, Trái Đạo mất sớm” [25].

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2016(Xem: 5489)
Nói đến cảnh đẹp của Nhật Bản, không ai không nhắc đến cảm giác đi thưởng ngoạn cảnh sắc mùa lá Phong đỏ ở đây. Mỗi năm cứ đến tháng 10 lá phong bắt đầu đổi màu, mọi người lại cùng nhau đi xem mùa lá đỏ. Đã từ lâu lối đi hân thưởng cảnh đẹp của lá Phong ở kinh đô Nhật Bản dường như đã định, không ai bảo ai cứ đi xem là phải từ chùa Đông Phước đi ngang qua Khai Sơn Đường lên Thông Thiên Kiều đến khe Tẩy Ngọc rồi đến trước chùa Thanh Thuỷ, hai bên đường “ ngàn gốc Chu Hồng như hiện thành cổ kính, muôn lá Phong vàng như đỏ thắm đế đô” vẻ đẹp khó nơi nào có được…. NGÀY 01/10/2016: FRANKFURT/LAX/AUS - OSAKA Khởi hành từ Frankfurt/Lax đi Osaka bằng máy bay. Nghỉ đêm trên máy bay. NGÀY 02/10: OSAKA ( ĂN -/-/T ) Đến Osaka. Xe đón Quý Phật tử đưa về khách sạn. Ngoạn cảnh thành phố Osaka. Ăn tối. Nghỉ đêm tại khách sạn ở Osaka. NGÀY 03/10/: OSAKA – FUCHU – HIROSHIMA ( ĂN S/T/T ) Sau khi ăn sáng tại khách sạn, Đoàn khởi hành đi Fuchu, một thành phố thuộc Hiroshima. Đoàn c
12/09/2016(Xem: 8742)
Chùa Pháp Tánh ( nay gọi là Chùa Quang Hiếu) nơi Lục Tổ Xuất Gia tại Quảng Châu, Trung Quốc, chùa nằm trên đường Quang Hiếu là một trong những đền thờ Phật cổ nhất ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây từng là nơi đặt tư dinh của Vương tử Triệu Kiến Đức thời nhà Triệu nước Nam Việt trong lịch sử Việt Nam. Chùa Quang Hiếu cũng là nơi xuất gia của Lục Tổ Huệ Năng.
01/08/2016(Xem: 3164)
Nói đến thánh tích Phật giáo và với lòng khát ngưỡng của một người phật tử thì việc có được một duyên lành để tháp tùng một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì quả là một trong những điều nguyện ước đã được mãn nguyện trong đời. Đọc lịch sử Đức Phật, được nghe, được biết đến những địa danh, những thánh tích, kể cả được nhìn thấy những hình ảnh về thánh tích trên các phương tiện thời đại như sách báo, phim ảnh, truyền hình, internet v.v…thì cũng chỉ là để hiểu biết,và có thêm một chút kiến thức về những thánh tích thế thôi, nhưng được tham dự một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì không phải là như thế, không phải chỉ đi và đến để được thấy, được ngắm nhìn, để thỏa mản rằng chính mình đã được ”mắt thấy, tai nghe” về những thánh tích, mà chính thật ra là để cho chúng ta có được một cảm nhận rằng mình đã được" tìm về."
01/08/2016(Xem: 8050)
Từ chân núi đến tượng đài ta có thể đi bằng hai con đường, một bên là đường dốc bằng uốn lượn dựng đứng, một bên là đường dốc với hàng trăm bậc thang đá ghập ghềnh, nằm lọt thỏm giữa đồi thông vi vu xanh ngắt. Từ dưới chân cho đến đỉnh của con đường dốc đá có hơn 20 tấm bia đá ghi chép 12 lời nguyện ước của chúng sanh đến Quán Thế Âm Như Lai, cầu mong sự bình thành an lạc và bia đá các lời dạy của Phật, như mỗi bước đi đều nhắc ta nhớ đến điều lành, từ bi, hướng đến chân-thiện-mỹ. Trên triền dốc đến với tượng đài Quán Thế Âm là bức tượng đá Thiện Tài Đồng Tử đang chắp tay hướng về Mẹ từ bi. Phía dưới bức tượng có bia đề chữ: "Bậc trí như vách đá Gió cuồng nộ chẳng lay Lời tán dương phỉ báng Không xao gợn đôi mày" Tiến thẳng lên phía trên là lầu chuông nằm uy nghiêm như đón bước chân Thiền giữa rừng thông âm u hoang vắng.
20/06/2016(Xem: 4429)
Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việt Nam Hải Ngoại Quốc gia tại BIỆT ĐIỆN của Ngài Tu viện Namgyal là tu viện riêng, chính danh của Đức Dalai Lama, sẽ tổ chức một chuyến hành hương thăm Dharamsala, thủ đô của người Tây Tạng Lưu Vong – trú xứ của Đức Dalai Lama đời thứ 14 đang sống tỵ nạn 57 năm. Đức Dalai Lama được người Tây Tạng tôn kính và xem Ngài là vị Phật sống, là hiện thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Người Tây Phương xem Ngài là một thể hiện cho sự kêu gọi hòa bình của nhân loại. Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việtnam Hải ngoại Quốc gia ngay tại Biệt Điện của Ngài trong chuyến hành hương này. Kính mời quý Phật tử Việtnam cùng tham gia. • Thời gian 10 ngày - bắt đầu từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016. • Khởi hành từ phi trường San Francisco bằng Cathay Pacific Airlines đến New Delhi, India. • Những nơi thăm viếng tại Dharamsala:
08/06/2016(Xem: 5550)
Chuyến đi Việt Nam lần này, ngoài việc làm lễ giỗ cho Mẹ, chúng tôi về Tổ Đình Long Tuyền đảnh lễ Sư Phụ, lễ Giác Linh sư huynh Giải Trọng và thăm quý thầy, ghé Tổ Đình Phước Lâm lễ Phật, đến chùa Bảo Thắng thăm chư Tôn Đức Ni, cũng như đi thăm một vài ngôi chùa quen biết. Như đã dự trù, tôi còn đi miền Bắc để thăm viếng ngôi chùa mà vị Thầy thân quen của tôi T.T Hạnh Bình mới vừa nhận chức Trụ Trì. Khi nghe Thầy báo tin nhận chùa ở ngoài Bắc, tôi có nói: Thầy nhận chi mà xa xôi thế? Nói thì nói vậy, chứ thật ra tôi rất mừng cho Thầy, ngoài tâm nguyện hoằng pháp độ sanh mà hàng trưởng tử Như Lai phải lo chu toàn, Thầy còn có nỗi thao thức đào tạo những lớp phiên dịch cho chư vị Tăng Ni từ Hán ngữ sang Việt Ngữ.
27/05/2016(Xem: 5380)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
12/01/2016(Xem: 11453)
Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến !!! Một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây.
11/10/2015(Xem: 4679)
Đầm sen rộng hơn 5.000 m2 của anh Hạnh ở Thường Tín (Hà Nội) đang lai tạo nhân giống được 12 loài, thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng.
10/10/2015(Xem: 6138)
Ấn Độ : Lên Kế Hoạch Xây Dựng Tượng Phật Ngồi Cao Nhất Thế Giới Chính quyền bang Gujarat miền Tây Ấn Độ vừa thông qua kế hoạch xây dựng một tượng Phật ngồi cao 108 m. Dự kiến sau khi hoàn thành đây sẽ là pho tượng cao thứ hai thế giới sau pho tượng đứng Trung Nguyên Đại Phật tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và vượt qua tượng Phật ngồi cao 92 m tại Thái Lan trở thành tượng Phật ngồi cao nhất thế giới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567