Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giải thoát trong lòng tay

09/04/201311:39(Xem: 18089)
Giải thoát trong lòng tay

134giaithoat-cover

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

A concise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards
Thích Nữ Trí Hải 
dịch

Lời giới thiệu

Năm 1921, khoảng bẩy trăm tăng ni cư sĩ tụ họp tại am thất Chuzang gần Lhasa để nghe pháp tu Lam-rim do bậc thầy Kyabie Pabongka Rinpoche giảng. Suốt ba tuần lễ kế tiếp họ được hấp thụ những thời pháp nổi tiếng nhất đã từng được giảng ở Tây Tạng.

Từ ngữ “Lam-rim” có nghĩa là những bước tiến đến giác ngộ. Nó ám chỉ một số giáo lý đã được phát huy tại Tây Tạng trong một ngàn năm qua, dựa trên tác phẩm cô đọng khúc chiết của bậc thầy Atisha người Ấn, nhan đề Dipankàra Shrijnàna (Ngọn Đèn Soi Đường) soạn vào khoảng năm 982-1054. Tác phẩm Giải Thoát Thoát Trong Lòng Tay này là tinh túy truyền thống Lam-rim Tây Tạng. Đối với người Tây phương, sách này đã thành một trong những giáo lý ý nghĩa nhất về Lam-rim.

Trên hai ngàn năm trăm năm trước, Phật Thích Ca đã trải qua bốn mươi lăm năm giảng dạy giáo lý một cách rộng rãi cho vô số người thuộc nhiều hạng khác nhau. Ngài không thiết kế sẵn những bài giảng, mà tùy theo nhu cầu tâm linh của thính giả. Bởi thế, bất cứ ai khảo cứu toàn bộ tác phẩm của Đức Phật cũng thấy thực khó tìm cho ra một con đường rõ rệt để áp dụng thực hành. Tầm quan trọng của pháp Lam-rim do Atisha kết tập là, ngài đã sắp xếp lại những lời giảng dạy của đức Phật theo một trât tự hợp lý, vẽ ra một đường lối từng bước một để bất cứ ai muốn theo cũng có thể hiểu và thực hành được, dù người ấy thuộc trình độ nào.

Không những luận sư Atisha y cứ vào những gì Phật thuyết, mà ngài còn mang theo đến Tây Tạng những giáo lý truyền khẩu còn lưu hành qua một hệ truyền thừa không gián đoạn, cả về lý thuyết (tuệ giác) lẫn thực hành (pháp tu để đạt tuệ giác ấy), truyền từ đức Phật đến hai ngài Di Lặc (Maitreya) và Văn Thù (Manjusri) xuống đến Vô Trước và Long Thụ (Nagarjuna) và nhiều luận sư vĩ đại khác của xứ Ấn cho đến những bậc thầy của luận sư Atisha. Như vậy, không những Atisha đã viết những van bản Lam-rim đầu tiên, mà ngài còn thu thập những giáo lý khẩu truyền vô cùng quan trọng tồn tại đến ngày nay, được giảng dạy cho người tây phương nhờ những vị tu sĩ vĩ đại đương thời như đức Dalai Lama thứ mười bốn.

Đồ đệ của Atisha lập thành một tông phái lấy tên là Kadam, phần lớn những truyền thống của phái này được phái Gelug (mũ vàng hay Hoàng mạo) của Phật giáo Tây Tạng hấp thụ. Phái Gelug do Tsongkapa (1357-1419) sáng lập. Nhiều tu sĩ phái Kadam và Gelug viết những luận giải Lam-rim, nổi tiếng là kiệt tác của Tsongkapa nhan đề Những giai đoạn chính của Con đường tu tập(Lam-rim Chen-mo): năm 1921 Pabongka Rinpoche đã giảng dạy dựa trên cơ cấu của tác phẩm này, những bài pháp mà về sau đã được tập hợp thành tác phẩm GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY. Tuy nhiên, trong khi tác phẩm của Tsongkapa có tính bác học thì tác phẩm của Pabongka lại tập trung nhiều hơn vào việc đáp ứng nhu cầu thực hành cho những hành giả. Tác phẩm này đi vào chi tiết khi bàn các vấn đề như làm thế nào để chuẩn bị cho thiền, pháp Đạo sư Du già và sự phát bồ đề tâm. Bởi thế sáchGiải thoát này là một tác phẩm đặt trọng tâm ở thực hành, phù hợp với những hành giả phương tây trong thời đại này cũng như với Phật tử Tây Tạng sống ở tây phương.

Trong số những người có mặt tại pháp hội vào năm 1921là Kyabje Trijang Dorje Chang (1901-1981) một trong những đệ tử thân cận Pabongka Rinpoche, về sau là thầy giáo đạo cho đức Dalai Lama thứ 14 và là bổn sư của nhiều lạt ma thuộc phái mũ vàng (Gelug) đào thoát khỏi Tây Tạng vào năm 1959. Trijang Rinpoche ghi chú những lời giảng dạy của thầy mình, và suốt 37 năm sau đó đã khổ công duyệt lại những ghi chú ấy cho đến khi tác phẩm sẵn sàng để được ấn loát thành tác phẩm Giải thoát trong lòng tay, bằng Tạng ngữ.

Pabongka Rinpoche có lẽ là vị lạt ma mũ vàng có nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỷ này. Ngài nắm giữ tất cả những trường phái quan trọng về kinh giáo và mật điển, và truyền lại cho hầu hết những tu sĩ xuất sắc nhất của Hoàng mạo phái trong hai thế hệ kế tiếp. Bảng kê những bài thuyết giảng khẩu truyền của ngài thật vĩ đại cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Ngài cũng là bổn sư của Kyabje ling Rinpoche (1903-1983), vị phó đạo của đức Dalai Lama thứ 14, và của nhiều bậc tôn sư khác rất được kính nể. Toàn bộ tác phẩm của ngài chiếm mười lăm pho sách lớn, bao gồm mọi khía cạnh giáo lý Phật. Ai đã từng thụ giáo với một vị tu sĩ thuộc Hoàng mạo phái, đều chịu ảnh hưởng của Pabongka Rinpoche. Một tác phẩm tương tự quyển sách này có lẽ sẽ không bao giờ được viết trở lại, vì lẽ đó mà tôi nói sách này là cao điểm của giáo lý thuộc truyền thống Lam-rim.

Có bốn trường phái chính trong Phật giáo Tây Tạng, trường phái nào cũng có giáo lý Lam-rim riêng, nhưng phái Nyingma, Sakya và Kagyn không nhấn mạnh nhiều đến Lam-rim như phái Gelug. Mặc dù thông thường, trong chương giảng dạy ở các tu viện Hoàng mạo pháp, pháp Lam-rim chỉ được giảng dạy cho các tu sĩ vào giai đoạn thuần thục của họ trên đường tu tập, song với người tây phương, pháp này lại thường được giảng dạy trước tiên. Và đấy là giáo lý mà những bậc thầy thuộc Hoàng mạo phải thường giảng dạy nhiều nhất; nó là sở trường của đức Dalai Lama, của hai vị giáo đạo ngài Serkong Rinpoche, Song Rinpoche, và những vị pháp sư uyên bác như geshe Ngawang Dhargyey, geshe Rabten, geshe Sopa, Lama Thubten Teshe và Lama Thubten Zopa Rinpoche.

Trong lời Dẫn nhập ngắn gọn của ngài, Kyabje Trijang Rinpoche cho độc giả thấy thực diễm phúc như thế nào để được dự pháp hội năm ấy. Quả thế, sách này là tác phẩm rất hiếm có trong số những kinh sách Tây Tạng, ở chỗ nó là bút ký của một nền giáo lý khẩu truyền chứ không phải là một luận văn. Do vậy, không những chúng ta nhận được một số lời dạy rất quý báu, nghĩa là tinh yếu của tám Lam-rim nòng cốt, mà chúng ta còn thấy được bằng cách nào những lời giảng ấy đã được giảng dạy ở Tây Tạng. Những điểm chi tiết về những nét đặc sắc của giáo lý này có thể tìm thấy trong phần giới thiệu của Trijang Rinpoche vào cuối Ngày thứ Nhất.

Mỗi chương tương ứng với một ngày giảng dạy, thường khởi đầu bằng một mẫu chuyện ngắn để khơi dậy nơi người nghe một động lực tốt. (Muốn biết qua chi tiết toàn thể tiến trình đưa đến giác ngộ theo cách trình bày trong sách này, xin xem dàn bài trang 5). Trong đây, phần động lực tu tập đã được giản lược, những chương đầu, Ngày thứ Nhất, nói đầy đủ về động cơ và trình bày một cách tuyệt hảo toàn thể pháp Lam-rim. Có thể nói toàn bộ tác phẩm chỉ là một bình giảng về chương này. Pabongka Rinpoche luôn luôn khai thị sự phát bồ đề tâm là cách ý nghĩa nhất để lèo lái cuộc đời ta, và những nhận thức tuần tự được đúc kết trong Ngày thứ Nhất đưa ta đến mục đích ấy. Ở phần cuối sách, ngài nói, “Hãy làm bất cứ gì bạn có thể làm, để chứng tỏ sự giảng dạy của tôi không là công uổng... Nhưng trên hết, hãy làm sao để việc phát bồ đề tâm là pháp tu chính yếu của bạn.

Những giáo lý này chứa đựng nhiều điều mới mẻ xa lạ, nhất là đối với người tây phương, nhưng nếu kiên trì học hỏi và tư duy, hành giả sẽ được sáng tỏ.

Ghi chú về bản dịch Anh ngữ:

Tôi (Michael Richards) đã cố làm cho bản dịch càng dễ đọc càng hay, mà không mất sự chính xác. Tuy nhiên, vì tác giả Trijang Rinpoche vốn là một thi sĩ nổi tiếng, chắc chắn bản dịch này đã mất đi một phần vẻ đẹp của bản văn Tạng ngữ. Dù sao tôi nghĩ tôi cũng đã duy trì được bản chất bình dị tự nhiên của những bài giảng của Pabongka Rinpoche, và đem lại cho bản dịch tính chất trực chỉ đầy năng lực của nguyên tác.

Để giúp độc giả tây phương dễ hiểu, tôi đã trình bày tài liệu này theo một cơ cấu có hệ thống mà bản Tạng ngữ không có. Có tất cả mười một phân đoạn mà nguyên bản không phân chia. Những tiêu đề tóm tắt đại ý được trình bày trong phần Phụ lục 1, có thể xem như một bảng mục lục chi tiết.

Tôi không dịch tất cả những tiếng Phạn, mà để nguyên từ nào không có tương đương Anh ngữ. Chẳng thà như vậy còn hơn là đặt ra một từ Anh mà có lẽ đối với độc giả còn xa lạ hơn danh từ tiếng Phạn. Vả lại càng ngày càng có nhiều từ Phạn ngữ về Phật học trong các từ điển Anh ngữ.

Xin chân thành tri ân Bổn sư Gen Rinpoche Geshe Ngawang Dhargyey người đã giảng dạy bản văn này tại Thư viện tàng trữ những tác phẩm và văn khố của Tây Tạng, và đã khẩu truyền cho tôi toàn bộ tác phẩm vào năm 1979. Tôi cũng rất tri ân Amchok Rinpoche, người đã nổ lực làm việc suốt năm năm để duyệt lại toàn bộ tác phẩm, cải thiện bản dịch này với những đề nghị tuyệt hảo. Gala Rinpoche cũng đã giúp tôi khi dịch Ngày thứ 11 và 12 tại Úc vào năm 1980-1981, và Rilbur Rinpoche, một trong số ít những đệ tử còn sống sót của Pabongka Rinpoche, đã cho tôi những hồi ức về bậc thầy của mình; đối với cả hai vị, tôi đều chân thành ghi ân.

Tôi cũng cảm ơn nhiều bằng hữu và cọng sự ở Dharamsala về sự trợ giúp, khuyến khích và nâng đỡ của họ: Losang Gyatso, lúc bấy giờ là người thông dịch cho Geshe Dhargyey, đã đề nghị tôi dịch sách này; Gyatsho Tshering và các cọng sự tại thư viện Tây Tạng; Jean Pierre Urolixes, Mervyn Stringer cùng tất cả mọi người ở bệnh viện Delek về sự giúp đỡ của họ trong thời gian tôi bị tai nạn giao thông vào năm 1983; cám ơn David Stuart đã lấy lại bản dịch thảo Ngày Chín và Mười từ Jammu, ở đấy bản dịch được hoàn tất sau tại nạn; cảm ơn Cathy Graham và Jeremy Russell đã có những gợi ý quý giá để cải thiện bản thảo; cảm ơn mẹ tôi và cha đã quá cố, những người luôn nâng đỡ tôi: cảm ơn Alan Hanlay, Lisa Heatdh và Michael Perrott; cảm ơn các bạn Keith Kevan và Andy Brennand; và Angela người vợ thân yêu đã san sẻ tất cả những khó nhọc mà công việc lâu dài đem lại. Nàng luôn luôn kiên nhẫn và hy vọng; sự khuyến khích và hy sinh của nàng là vô bờ bến.

Cuối cùng, tôi xin ghi ơn Eva Van Dam và Robert Beer về những minh họa tuyệt hảo của họ, Gareth Sparham và Trisha Donnelly về cuộc phỏng vấn Rilbur Rinpoche, ghi ơn thầy Sonam Jampa đã viết chỉ mục (Index) và những vị trong nhà xuất bản Widom về ian ấn sách này: Nick Ribush, Robina Courtin, Sarah Thresher, Lydia Muellbaauer và Maurice Walshe.

Pabongka Rinpoche

Do Rilbur Rinpoche ghi lại

Thầy tôi, người tử tế trong ba cách, người đã giáp mặt thần Heruka, người mà tôi cảm thấy khó nỗi thốt lên danh hiệu Lord Pabongka Vajradhra Dechen Nyingpa Pael Zango, sinh ở miền Bắc Lhasa vào năm 1878. Thân phụ ngài là một quan chức nhỏ nhưng gia đình ngài không giàu lắm.

Lúc ngài ra chào đời, có ánh sáng chiếu khắp phòng, mặc dù đang đêm tối mịt, và bên ngoài, người ta trông thấy một vị thần hộ mạng đứng trên mái nhà.

Pabongka Rinpoche là một hóa thân của học gia vĩ đại Jangkya Rolpao Dorje (1717-1786), trong khi trước đấy ngài là tái sinh của một vị geshe uyên bác ở tu viện Sera-mae. Ngài nhập viện vào năm lên bảy, theo học chương trình thông thường của tu sĩ, lấy bằng geshe (tiến sĩ Phật học) và theo học hai năm ở Đại học Mật giáo Gyutoe. Bổn sư của ngài là Dagpo Lama Rinpoche Jampeal Lhuendrub Gyatso, ở Lhoka. Ngài hẳn là một vị bồ tát hóa thân, và Pabongka Rinpoche là đệ tử đầu của ngài. Ngài sống trong một hang động ở Pasang và việc hành trì chính yếu của ngài là bồ đề tâm; thần hộ mạng của ngài là Quán Tự Tại (Avalokitesvara). Ngài thường niệm câu thần chú OM MANI PADME HUM mỗi đêm năm vạn lần. Khi lần đầu gặp Dagpo Rinpoche tại một lễ tsog ở Lhasa, Kyabje Pabongka đã xúc động đến rơi lụy vì niềm kính ngưỡng.

Xong khóa học, Pabongka Rinpoche viếng thăm Dagpo Lama Rinpoche trong động của ngài, và được đưa đến một nơi nhập thất tu Lam-rim gần đấy. Dagpo Lama Rinpoche cho một đề mục Lam-rim để Pabongka Rinpoche về thiền quán, rồi sau đó trở lại trình bày chỗ mình đã ngộ. Dagpo lại dạy một pháp khác để thiền quán, cứ thế tiếp tục trong mười hai năm (hỏi còn chuyện gì lạ lùng hơn thế!)

Pabongka có bốn đại đệ tử là Kyabje Ling Rinpoche, Kyabje Trijang Rinpoche, Khangsar Rinpoche và Tathag Ringpoche, một vị nhiếp chính của Tây Tạng. Vị này là thấy giáo đạo chính của đức Dalai Lama khi ngài còn thơ ấu và là người đã thế phát quy y cho ngài

Tôi sinh ở tỉnh Kham về phía đông Tây Tạng, trong số những vị thầy đầu tiên của tôi có hai vị là đệ tử của Pabongka Rinpoche. Bởi thế tôi lớn lên trong bầu không khí tin tưởng tuyệt đối vào Pabonka như là tin chính đức Phật. Một trong hai vị thầy của tôi có một tấm ảnh của Pabongka Rinpoche đang nhỏ những giọt cam lộ từ giữa hai lông mày. Chính mắt tôi trông thấy chúng, bởi thế, các bạn có thể tưởng tượng tôi sung sướng xiết bao khi cuối cùng tôi được diện kiến ngài.

Nhưng còn lý do riêng tư khiến tôi đặt hết tin tưởng vào Pabongka Rinpoche. Tôi là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả, và mặc dù đức Dalai Lama thứ 13 đã công nhận tôi là một vị lama tái sinh, và Pabongka Rinpoche bảo tôi nên vào tu viện Sera ở Lhasa, cha mẹ tôi không mấy hoan nghênh việc này. Nhưng không bao lâu thì ông chết, và tôi có thể khởi hành đi Lhasa. Bạn không thể nào tưởng tượng nổi sự sung sướng của tôi khi khởi sự cuộc du hành suốt hai tháng trường trên lưng ngựa ấy. Lúc ấy tôi mới mười bốn tuổi, và đi tu quả là chuyện mà một bé trai ở tuổi ấy nên làm. Tôi có cảm tưởng rằng cơ hội đi Lhasa để thụ giới và sống cuộc đời của một bậc chân tu như lời đức Dalai Lama phán dạy, tất cả chuyện đó đều là một phép lạ của Pabongka Rinpoche.

Khi tôi mới đến Lhasa, Pabongka Rinpoche đang ở Tashi Choeling, một hang động phía trên tu viện Sera. Tôi xin một buổi gặp và ít hôm sau, tôi cùng mẹ tôi và người gia nhân cưỡi ngựa lên núi. Chúng tôi không định trước giờ gặp, nhưng khi chúng tôi vừa lên đến, thì Pabongka đã cho người hầu dọn thức ăn và trà bánh mới làm xong. Điều này làm tôi tin chắc Pabongka có thiên nhãn thông, vì ngài cũng là một hiện thân của đấng Kim cương trí (Vajradhara).

Sau khi ăn xong, tôi đến ra mắt Rinpoche. Tôi nhớ rõ việc này như mới hôm qua. Một cầu thang hẹp dẫn lên căn phòng nhỏ của ngài, ở đấy ngài đang ngồi trên giường. Ngài trông giống như bức ảnh của ngài - mập, thấp người. Ngài bảo, “Ta biết con sẽ đến, và bây giờ chúng ta đã gặp nhau.”Ngài vuốt hai bên má tôi. Khi tôi đang ngồi đấy, thì có một vị tân tiến sĩ (geshe) từ tu viện Sera đi vào dâng cho Rinpoche một đĩa tsampa đặc biệt vốn chỉ làm vào dịp có người lãnh bằng tiến sĩ. Rinpoche nhận xét thật là một điềm lành, khi vị tân tiến sĩ này đến mà có tôi hiện diện ở đấy, và ngài bảo ông ta hãy đổ đầy bát của tôi như đã đổ cho ngài... Bạn cũng có thể tưởng tượng điều ấy làm tôi xúc động đến mức nào.

Căn phòng hầu như trống trơn. Cái vật lạ lùng nhất là một pho tượng hai tấc Anh bằng vàng ròng của Dagpo Lama Rinpoche, bổn sư Pabongka Rinpoche. Pho tượng được vây quanh bằng nhiều vật cúng dường nhỏ bé. Sau lưng tượng là năm bức tranh (thangka) trình bày linh kiến của Khaedrubje về Tsongkapa sau khi vị này đã viên tịch. Ngoài ra trong phòng chỉ có một chỗ để ngồi uống trà. Tôi cũng có thể nhìn thấy trong góc có một gian phòng nhỏ để thiền, và tôi không ngừng trộm nhìn về phía ấy (tôi chỉ mới là bé trai 14 tuổi, rất tò mò) Rinpoche bảo tôi cứ việc vào nhà xem cho biết. Nó chỉ gồm một tọa cụ và một bàn thờ nhỏ. Rinpoche gọi tên tất cả những tượng trên bàn thờ: từ trái sang phải có thầy Tsongkapa, Heruka, Yamantaka và Paelgon Dramze, một vị hóa thân của thần Mahakala. Dưới những pho tượng ấy bày những đồ cúng.

Tôi chưa thành tu sĩ, nên Jamyang, người thị giả lâu năm của Rinpoche được sai đi lấy một quyển lịch để định ngày cho tôi xuống tóc, mặc dù tôi chưa mở miệng xin xuất gia gì cả. Rinpoche quả đang cho tôi mọi sự tôi hằng khao khát, và tôi cảm thấy ngài thật quá từ bi. Khi từ giả ngài, lòng tôi sung sướng như bay bổng tận mây xanh.

Người hầu của Rinpoche là một người có vẻ hung hãn, người ta bảo ông ấy là hóa thân của một vị thần hộ pháp. Một lần, vào dịp Rinpoche du hành xa, ông ta đã phá cái nhà cũ kỹ của thầy mình để xây lại một tư dinh rộng lớn gần bằng tư dinh của đức Dalai Lama. Khi Rinpoche trở về ngài hoàn toàn không hài lòng, bảo: “Tôi chỉ là một ẩn sĩ quèn, đáng lẽ ông không nên xây cho tôi một ngôi nhà như thế này. Tôi không có tiếng tăm, và cốt tủy những gì tôi dạy là sự từ bỏ đời sống xa hoa thế tục. Bởi thế tôi rất lúng túng vì những căn phòng sang trọng này.”

Tôi thụ giáo Lam-rim với Pabongka Rinpoche nhiều lần. Những người Trung Quốc đã tịch thu hết mọi sổ ghi chú của tôi, nhưng kết quả của lời dạy ấy tôi vẫn còn đeo mang trong mình, một cái gì rất đặc biệt. Mỗi khi nghe ngài dạy tôi lại mong muốn trở thành một thiền sư thực thụ, rút vào một am ẩn cư, bôi tro đầy mặt mà ngồi thiền. Càng lớn cảm giác này càng phai dần trong tôi, và bây giờ thì tôi hoàn toàn không nghĩ gì tới chuyện ấy, nhưng tôi thực tình muốn trở thành một thiền gia chân chính như thầy tôi.

Thầy làm nhiều pháp quán đảnh như pháp quán đảnh Yamantaka, Heruka và Guhyasamàja. Chính tôi cũng nhận những pháp ấy từ nơi thầy. Tôi thường vào tư thất của thầy để làm những lễ khai đạo quan trọng trong mật giáo, còn thầy thì thường xuống tu viện để giảng dạy cho tất cả mọi người. Thỉnh thoảng thầy lại đi chiêm bái các tu viện. Viếng thăm Pabongka Rinpoche có lẽ cũng giống như thăm viếng Lama Tsongkapa lúc sinh tiền.

Mỗi khi dạy, ngài thường ngồi suốt tám tiếng đồng hồ không cử động. Khoảng chừng hai ngàn con người tới đó nghe pháp và nhận lễ quán đảnh, với những giáo lý đặc biệt thì số người theo học ít hơn, nhưng khi ngài truyền bồ đề tâm giới thì có tới mười ngàn người hiện diện. Khi ngài làm phép quán đảnh của thần Heruka ngài thường có một vẻ rất lạ lùng. Đôi mắt ngài mở lớn, long lanh, khiến tôi tưởng như ngài là thần Heruka, một chân dạng ra một chân co lại. Tôi bị kích động mãnh liệt tới nỗi òa khóc như thể đã thấy chính vị thàn Heruka. Thật là chuyện đặc biệt lạ lùng.

Với tôi, ngài là vị lạt ma quan trọng nhất của Tây Tạng. Ai cũng biết bốn đệ tử chính của ngài vĩ đại tới mức nào. Thế mà ngài lại là thầy của họ. Ngài bỏ nhiều thì giờ nghĩ về ý nghĩa thực tiễn của giáo lý, và thực chứng những giáo lý ấy bằng tim của ngài. Ngài đã thực hành tất cả những gì ngài học gần đến mức dộ viên mãn. Ngài không chỉ nói suông mà cố thực chứng mọi sự. Lại nữa, không bao giờ ngài nổi giận; bất cứ sự giận dữ nào cũng hoàn toàn bị dập tắt bởi bồ đề tâm nơi ngài. Nhiều khi có những hàng dài người đứng chờ ngài ban phép lanh, thế mà Rinpoche vẫn hỏi thăm từng người một, vỗ đầu họ. Đôi khi ngài cho thuốc. Ngài luôn luôn từ hòa. Tất cả điều này làm cho ngài thật đặc biệt.

Theo tôi, ngài có hai đức chính yếu; về phương diện mật tông, ngài đã thực chứng và có khả năng hóa hiện là thần Heruka, còn về phương diện kinh điển thì ngài có khả năng giảng Lam-rim.

Ngay trước khi viên tịch, ngài được mời giảng vắn tắt về Lam-rim ở ngôi chùa của bổn sư ngài, tu viện Dagpo Shidag Ling ở Lhoka. Ngài đã chọn một bản văn ngắn nhan đề “Con đường nhanh” của Panchen Lama thứ hai. Đấy là bài Lam-rim đầu tiên mà Dagpo Lama Rinpoche đã dạy cho ngài, và ngài nói nó sẽ là bài pháp cuối cùng ngài giảng dạy. Mỗi khi viếng thăm tu viện của bổn sư, Pabongka Rinpoche thường xuống ngựa mỗi khi vừa thấy tòa nhà xuất hiện. Và từ chỗ xuống ngựa, ngài lạy dài cho đến khi tới cổng. Khi rời tu viện thì ngài đi lùi cho tới khi không còn trông thấy bóng. Lần này khi rời tu viện, ngài lạy thêm lần nữa khi ngôi chùa đã khuất dạng, và đến ở lại trong một ngôi nhà lân cận. Hơi đau bụng, ngài lui vào nghỉ đêm. Ngài bảo thị giả đi ra trong khi ngài tụng kinh cầu nguyện, và ngài tụng lớn tiếng hơn lệ thường. Lúc ấy nghe dường như ngài đang giảng về Lam-rim. Khi ngài tụng xong, các người hầu đi vào phòng thì thấy ngài đã chết. Mặc dù rất đỗi bối rối. Thatag Rinpoche cũng sao bảo được chúng tôi phải làm gì. Tất cả chúng tôi đều đau buồn. Di hài của Pabongka Rinpoche được bọc trong lụa thêu và hỏa táng theo nghi thức cổ truyền. Có một bảo tháp thực đẹp được xây lên nhưng người Trung Quốc đã phá hủy. Tuy thế tôi cũng lấy lại được vài xá lợi của ngài, và đã hiến tặng cho tu viện Sera-mae. Ngày nay các bạn có thể đến đấy chiêm ngưỡng xá lợi.

Ngày nay tôi có thành công phần nào về phương diện học giả, và về phương diện hành giả, tôi cũng là một lama có hạng, song những điều ấy không có gì là quan trọng. Điều duy nhất có ý nghĩa đối với tôi, ấy là được làm đệ tử của Pabongka Rinpoche.

(Rilbur Rinpoche, người ghi lại tiểu sử trên đây, sinh tại miền đông Tây Tạng vào năm 1923. Lúc lên năm, ông được đức Dalai Lama 13 nhận ra là hóa thân thứ sáu của Ser-mae Rilbur Rinpoche. Ông vào Đại học tu viện Sera ở Lhasa năm 14 tuổi, đỗ tiến sĩ Phật học năm 24 tuổi. Ông thiền định, giảng dạy cho đến năm 1959, sau đó chịu áp bức tàn khốc của Trung Quốc trong 21 năm. Năm 1980 ông được phép làm vài hoạt động tôn giáo, và ông đã giúp xây một tháp mới để thờ Pabongka Rinpoche tại Sera, vì Trung Quốc đã phá hủy cái tháp đầu tiên. Sau đó ông sang Ấn sống ở tu viện Namgyal tại Dharamsala.)

Lam Rim

Một Chỉ dẫn Sâu sắc, Hoàn toàn Chính xác để Trao truyền Pháp Giải thoát vào Lòng Tay của Bạn,

Tinh hoa Tư Tưởng của Tsongkapa, bậc

Tướng quân Chánh Pháp Vô song

Văn tự ghi lại Một Bài Giảng Khúc Chiết về các Giai Đoạn Trên Con Đường đến Giác Ngộ.

Tinh túy của mọi Kinh điển

Cô đọng Pháp vũ Cam lồ

Lời dẫn nhập của Trijang Rinpoche

Hỡi Lama Lozang Dragpa

Ngài là một với Thích ca mâu ni và Kim cương trí,

Tổng thể của mọi nơi nương tựa tuyệt hảo,

Một mandala toàn vẹn với ba đức nhiệm mầu của Giác ngộ

Hãy mưa xuống cho chúng con mười triệu

điều lành

Ôi hỡi đấng đạo sư của con, Người che chở

cho con.

Người với Cỗ xe tối thượng,

đã chiến thắng cực đoan tìm bình an vị kỷ,

Người không màng tiện nghi thế tục

Đã đề cao Ba vô lậu học

Và giáo lý của Đấng Chiến Thắng

Người mà những thiện sư cao cả không bị hoen ố vì tám chuyện bận tâm của

thế gian

(lợi, hại, khen, chê, vinh, nhục, được, thua)

Ngài chính là suối nguồn của mọi điều lành.

Mọi lời Thầy nói ra đều là thuốc hay

Để xua tan hàng trăm chứng bệnh;

Tâm non dại của chúng con thật là những bình chứa nhỏ nhoi

Đối với giáo lý bao la của Thầy

Một nguồn suối diệu pháp ngọt ngào như thế

Giáo lý vi diệu này mà bị quên lãng

Thì thực đáng buồn xiết bao

Ở đây con chỉ ghi lại được một phần nhỏ.

Trong quá khứ có vô lượng vi Phật đã xuất hiện, nhưng những chúng sinh vô phúc như tôi đã không đủ xứng đáng để làm đệ tử trực tiếp của đức Thích ca mâu ni, người Che chở tốt nhất, Người nổi bật như một đóa sen trắng muốt trong số ngàn đức Phật vĩ đại những bậc cứu tinh của thời kiếp may mắn này. Trước hết trong quá khứ chúng ta đã phải cố gắng phát khởi thiện tâm dù trong một giây lát, nhờ thế mà ta mới được tái sinh làm một con người. Rồi chúng ta lại được chỉ dạy con đường chân chính không chút lỗi lầm này, con đường sẽ dẫn ta đến trình độ toàn trí, lúc đó ta sẽ đạt giải thoát.

Nhưng nói tóm lại, tôi đã được cứu vớt nhiều lần thoát khỏi vô số điều xấu ác đủ loại khác nhau, và được đưa tiến đến càng ngày càng vần vô lượng điều vi diệu. Chính bậc đạo sư thánh thiện quang vinh của tôi đã làm việc này. Lòng từ bi của ngài thật là vô bờ bến. Danh hiệu của ngài tôi xin trân trọng nhắc lại vì một mục đích tốt lành - là JetsunJampa Taenzin Trinlae Gyatso Paelzangpo. Mặc dù những người như tôi rất thiếu trưởng thành, thiếu văn hóa và thiếu tính sáng tạo, có một thời tại nơi ẩn cư Chuzang, tôi đã được thưởng thức những giáo lý khẩu truyền của ngài khai thị vào diệu pháp Tối thượng thừa. Đấy là một thánh địa đã trở nên thiêng liêng nhờ sự hiện diện của nhiều thiền gia vĩ đại.

Ngài đã khai giảng khóa học khẩu truyền này vào ngày ba mươi tháng bảy năm Con Chim Sắt, 1921 (tức năm Dậu, thuộc hành Kim, theo âm lịch), và kéo dài trong 24 ngày. Mọi người đã phải vất vả lắm mới đến được đấy. Họ đến từ ba tu viện chính ở Lhasa, từ miền Trung Tây Tạng, từ tỉnh Tsang, Amdo và Kham, để thưởng thức vị cam lồ của giáo lý khẩu truyền từ nơi ngài, như những người khát cháy cổ khá khao được nước uống. Có khoảng ba mươi vị lamas và tái sinh lamas, và nhiều vị tinh thông ba tạng giáo điển, tất cả gồm trên bảy trăm người. Giáo lý ngài giảng dạy phối hơp nhiều truyền thống Lam-rim khác nhau - những chặng đường đến giác ngộ. Có hai truyền thống khẩu quyết liên hệ đến bản kinh Ngôn thuyết của đức Văn Thù. Một trong những truyền thống này rất chi li, đã phát triển ở tỉnh miền Trung Tây Tạng; một truyền thống khác thịnh hành ở miền nam. Ngài còn giảng dạy một giáo lý cô đọng, Lam-rim Con Đường Nhanh; và trong phần Phạm Vi Rộng Lớn nói đến sự đổi địa vị mình với người, ngài dạy cách luyện tâm gồm bảy điểm.

Mỗi phần của giáo lý được làm cho phong phú thêm bằng những lời chỉ dạy rút từ những giáo lý khẩu truyền bí mật. Mỗi phần đều được minh họa bằng những ẩn dụ, luận lý hình thức, những mẫu chuyện, và những trích dẫn đáng tin cậy. Sự giảng dạy này người sơ học cũng có thể hiểu được một cách dễ dàng, nhưng sự thực hành thì lại dành cho mọi tình độ trí thức và tâm linh. Giáo lý này thật bổ ích vì nó gợi nhiều cảm hứng tốt. Đôi khi chúng ta phải phì cười đâm ra tỉnh táo hẳn lên, và bừng sống dậy. Đôi lúc chúng ta phải rơi lụy, khóc ròng. Lại có những lúc ta đâm ra hãi sợ, và cảm thấy muốn hăng hái từ nỏ mọi sự để hoàn toàn dấn mình vào việc thực hành giáo lý. Cái cảm giác muốn từ bỏ này trào dâng mãnh liệt.

Đấy những lời giảng dạy của ngài kỳ diệu như thế đấy, phát sinh những cảm xúc tương tự như trên. Làm sao tôi có thể ghi hết lại giấy được! Tuy nhiên thật đáng tiếc biết bao nếu những điểm then chốt trong những lời giảng dạy đầy cảm hứng này phải bị mai một. Ý nghĩ ấy khiến tôi mạnh dạn viết ra quyển sách này. Bậc tôn sư đã khuyên tôi: “Một số những người hiện diện không thể theo dõi hết những lời giảng. Tôi e rằng tôi không tin cậy nổi những lời ghi chú mà mọi người ghi trong lúc nghe. Bởi thế yêu cầu ông hãy ấn hành một quyển sách, để vào trong ấy bất cứ gì ông cảm thấy chắc chắn.”

Trong tác phẩm này tôi đã ghi lại một cách chân xác những lời dạy của thầy tôi, với hi vọng làm lợi lạc cho những ai muốn tu tập thành công.

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567