Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Ngày thứ tám

07/05/201311:42(Xem: 8129)
08. Ngày thứ tám

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

Aconcise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards

Thích Nữ Trí Hảidịch

--- o0o ---

PHẦN BA

NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ

NGÀY THỨ TÁM

Kyabje Pabongka Rinpoche trích dẫn câu của Tsongkapa:

Người nào không màng hạnh phúc thế gian

Muốn cho sự tái sinh may mắn của mình có ý nghĩa

Sẽ theo một con đường khiến chư Phật hài lòng

Hỡi những kẻ may mắn! Hãy tịnh tâm lắng nghe.

Dòng thứ nhất ám chỉ chánh kiến phù hợp với Phạm Vi Trung Bình; dòng thứa hai ám chỉ Phạm Vi Nhỏ của Con Đường. Dòng thứ ba nói đến bồ đề tâm và Phạm Vi Lớn.

(Sau khi nhập đề như vậy để chúng tôi khởi động lực tốt, ngài nhắc lại những tiêu đề đã giảng, và ôn lại hai tiêu đề chính đầu tiên của thân bài chính thức của bài giảng Lam-rim. Những tiêu đề này bàn đến sự phục vụ bậc thầy. Rồi ngài tiếp tục:)

Những tiêu đề đặc biệt này chỉ đề cập đề tài như một đề mục thiền. Con Đường Nhanh và Con Đường Dễ không nói rõ làm cách nào người ta nên tra tầm một bậc thầy hướng đạo tâm linh có khả năng; bởi thế bây giờ tôi sẽ bàn đến điều này dựa trên tác phẩm Lời Đức Văn Thù.

Nếu như trên đã nói, nương tựa một bậc thầy là có lợi lạc như vậy, và không nương tựa có những khuyết điểm như kia, thì làm thế nào ta nên nương tựa bậc thầy?

Nương tựa vào bậc thầy không mà thôi chưa đủ, bạn phải nương một bậc thầy có thể giảng dạy con đường toàn diện. Một người chỉ có vài đức tính - như có lòng tốt, chẳng hạn - đôi khi lại không có khả năng giảng dạy con đường toàn diện. Dù người đệ tử có thể có tín tâm, trí tuệ và kiên trì, nhưng nếu bậc thầy không làm chủ hoàn toàn kinh điển và mật điển, thì những môn đệ sẽ đành trọn đời để tu chỉ một vài pháp như quy y, vài pháp quán chư thiên, thiền định về khí lực và huyệt đạo, vân vân. Sự tái sinh may mắn của người môn đệ như vậy không trở thành có ý nghĩacho lắm. Bởi thế bạn phải nương tựa một bậc hướng đạo tâm linh có khả năng toàn diện.

Có nhiều khả năng khác nhau: truyền giới Biệt Giải Thoát, giới mật tông và Bồ đề tâm giới v.v.. Đây tôi sẽ nói đến những khả năng của một bậc thầy có thể giảng dạy Lam-rim toàn diện. Bạn phải tra tầm xem một vị thầy có đủ những khả năng như vậy hay không, trước khi tìm đến nương tựa. Không những bạn cần xem xét khả năng bậc thầy nào bạn muốn nương, mà bất cứ người nào muốn hướng dẫn người khác về Luật tạng, Kinh tạng hay Mật tạng, đều phải tự xét mình có đủ khả năng trong lĩnh vực ấy hay không. Nếu chưa đủ khả năng, thì phải làm sao cho đủ khả năng cái đã. Không phải chỉ cần có đủ bộ sậu đồ lề của mật tông như bình cam lồ cho thọ mạng hoặc dụng cụ làm lễ tắm chư thiên (xem Ngày Thứ Năm), hay thuộc lòng những nghi thức ấy mà đã là đủ tư cách để làm thầy.

Có những loạt điều kiện khác nhau: một loạt điều kiện để làm tu viện trưởng và thầy truyền giới có thể dạy giới luật; một loạt để làm thầy về pháp Đại thừa nói chung, một loạt để làm thầy về các mật điển. Tôi sẽ mô tả những tư cách của bậc thầy thuộc pháp Đại thừa nói chung. Quyển Trang Nghiêm Kinhcủa đức Di Lặc nói:

Hãy nương một bậc thầy

Đã được điều phục, rất an, rất tịnh,

Người có nhiều đức tính hơn mình,

Kiên trì, một kho tàng kinh điển,

Thực chứng chân như

Có tài biện thuyết, có từ bi,

Đã từ bỏ sự thất vọng.

(Về cung cách của đệ tử).

Như vậy có mười đức tất cả: dòng tâm thức của bậc thầy phải được điều phục nhờ giới. Tâm tán loạn của bậc thầy phải được rất an nhờ định chỉ nhất tâm. Sự chấp thủ bản ngã nơi bậc thầy phải rất tịnh nhờ trí tuệ. Khi một cây hương trầm được đặt giữa những que cũi khác, thì cũi cũng thơm lây, cũng thế bạn sẽ có những đức tính và khuyết điểm của vị thầy. Bởi thế thầy phải có nhiều đức tính hơn bạn. Thực chứng chân như là như vầy. Thầy đã khám phá tri kiến nhờ trí tuệ do học hỏi (văn tuệ). Kiến là tri kiến theo bộ phái Pràsangka. Đây là tăng thượng tuệ; tôi không nói đến trí tuệ có được khi ngài ta khám phá ra tri kiến theo bộ phía Svàtantrika (Kinh Lượng bộ) và dưới đó (xem Ngày Thứ Hai Mươi Hai, trang…) Phần còn lại đã dễ hiểu.

Những bậc thầy cần có đủ những đức nói trên, và chắc chắn có ít nhất năm điều này: một dòng tâm thức đã điều phục nhờ một trong ba môn học tăng thượng là giới,v.v…, từ và bi, và thực chứng chân như, Geshe Potowa nói:

“Mọi người trong gia đình thầy Yerpa tôi tin rằng thầy chưa từng học nhiều, lại không kiên nhẫn khi bị trái ý, cho nên chẳng được cái gì. Nhưng Yerpa có năm đức tính này và bất cứ ai gặp thầy cũng được lợi lạc.”

Nyaentoenpa tuyệt đối không có tài giảng dạy, nhưng có thể thảo luận tất cả những vấn đề người ta hỏi. Người ta tưởng rằng không ai hiểu được khi nghe Nyaentoenpa giảng, nhưng không phải thế. Ông có năm đức tính, và ai ở gần ông cũng được lợi lạc.

Mặc dù những bậc thầy lý tưởng luôn luôn hiếm hoi, song điều cốt yếu là bạn phải nương một vị nào có nhiều đức tính hơn lỗi lầm, người đặt nặng về đời sau hơn đời này, và nghĩ đến người khác hơn bản thân. Nếu bạn không làm vậy, mà lại đi theo một vị thầy bất chính, bạn có thể trở thành như Chuỗi Ngón Tay (Vô Não) người đã gặp tà sư dạy cho con đường quái đản để gây những tội lỗi kinh hoàng. Bởi thế trước hết phải tra tầm thật kỹ bậc thầy, rồi chỉ nương tựa nơi ông nếu thấy ông xứng đáng.

Môn đệ cũng phải có năm đức tính: phải thật thà không có óc bè phái, phải có trí tuệ phân biệt phải quấy; phải khát khao giáo lý, phải tôn kính bậc thầy; và phải nghe giảng với sự hướng tâm thích đáng (nghĩa là có động lực tốt). Nếu có năm đức này, họ sẽ tiến bộ trong Phật pháp. Vậy, làm thế nào để thờ kính một bậc thầy?

1.2.3. TẬN TỤY VỚI THẦY TRONG Ý NGHĨ

Có hai tiêu đề phụ: (1) Căn bản: Luyện tập cho mình có đức tin nơi thầy; (2) Nhớ lại lòng tử tế của thầy và phát sinh tâm kính trọng thầy.

Hai tiêu đền này dùng cả kinh điển và luận lý, nên lập thành một tòa nhà vững chãi. Nếu thiền quán về đề tài này, bạn sẽ sung sướng thờ thầy hết mình đúng cách. Nếu không suy tư về những điều này, thì bạn chỉ muốn xin thầy giảng dạy, mà ngoài ra không có sự liên hệ nào khác.

a. Căn bản: Luyện cho mình có đức tin nơi Thầy.

Có ba tiêu đề phụ.

Ở đây đức tin là có thái độ xem thầy như Phật. Điều này, và tri kiến xem tất cả hữu tình đã từng làm mẹ mình, là hai đề mục Lam-rim khó triển khai nhất. Mặc dù khó, song nếu bạn không nỗ lực quán hai mục này thì bạn sẽ không triển khai được những đạo lộ khác trong dòng tâm thức.

Đức tin là căn bản để phát triển mọi sự tốt lành. Kinh Ngọn Đèn Ba Ngôi Báunói:

Đức tin là sự chuẩn bị, nó sinh sản như bà mẹ:

Đức tin nuôi dưỡng và tăng trưởng mọi đức tính khác.

Một lần có người xin Atìsha hai lần: “Atìsha, xin ngài giảng cho tôi.” Atìsha không nói gì cả, và người kia lập lại lời yêu cầu bằng cách la lớn, Atìsha nói: “Nào nào! Tôi không điếc đâu. Đây là lời chỉ giáo của tôi: Hãy có lòng tin! Tin! Tin!”

Gyaelwa Ensapa nói:

Tóm lại, những kinh nghiệm và thực chứng của bạn lớn hay nhỏ

Là do đức tin của bạn lớn hay nhỏ

Bậc thầy từ bi của bạn là nguồn suối của mọi thành công.

Hãy quán sát đức tính của thầy mà bỏ qua những khuyết điểm.

Nắm trong tay những chỉ giáo của thầy

Và hứa tuân hành trọn vẹn.

Nói cách khác, thực chứng của bạn tùy thuộc bạn có lòng tin hay không, và lòng tin ấy lớn hay nhỏ. Bạn phải có lòng tin xem thầy mình như chính đức Phật, nếu bạn muốn đạt thành vô thượng bồ đề; bởi thế bạn nhất thiết không được nhầm lẫn về chỉ giáo mà bạn nhận được.

Dù bạn nhận chỉ giáo sai, bạn vẫn có thể đạt những thành tựu thấp nếu bạn tin tưởng vào đấy. Ở Ấn, có người xin một bậc thầy chỉ giáo. Bậc thầy nói: “Marileja,” có nghĩa là “đi cho khuất.” Người kia không hiểu, lại tưởng đầy là một lời chỉ giáo, và cố chữa bệnh cho mình và người khác bằng cách nhẩm đọc số lần câu “thần chú” ấy.

Một khác hiểu nhầm om vale vule vunde svàhà là thần chú của nữ thần Chunda (Chuẩn Đề). Những chữ “V” trong câu chú đáng lẽ phải là “ch”. Ông ta niệm chú này nhiều lần, và trong một mùa đói kém không thể nấu đá để ăn thay cơm.

Nếu bạn thiếu niềm tin, thì bạn sẽ không được cái gì từ nơi trí tuệ của mình cả. Có ba loại đức tin; đức tin mà bạn cần luyện trong phần này cả Lam-rim là “đức tin thanh lọc.” Đó là đức tin xem thầy như Phật thật.

Kỹ thuật đào luyện đức tin này, theo hệ phái bắt nguồn từ Ketsang Jamyang và môn đệ, có ba phần là:

a-1. Lý do vì sao bạn phải xem Thầy như Phật

Bạn phải xem thầy như Phật vì bạn muốn lợi lạc, không muốn mất mát. Bạn xem thầy như Phật thì bạn sẽ thành đạt không khó khăn tất cả những ước nguyện trong đời này và những đời sau - quả là một lợi ích lớn lao. Ví dụ: một bà già tin vào một cái răng chó (tưởng là xá lợi); khi ấy cái răng phát xuất những viên xá lợi. Quyển Sách Xanh Bùa Chú nói:

Những gia trì của bậc thầy thực sự không có lớn hay nhỏ: Điều ấy hoàn toàn tùy thuộc nơi môn đệ.

Nghĩa là sự gia trì của bậc thầy tự nó không có lớn nhỏ, nhưng bạn nhận được sự gia trì lớn hay nhỏ là do bạn có đức tin nhiều hay ít nơi bậc thầy như Phật hay như Bồ tát vân vân. Bạn có thành tựu được những thần thông hay không là do lòng bạn kính trọng tầy nhiều hay ít. Atìsha nói rằng Tây Tạng không có những hành giả vĩ đại bởi vì người Tây Tạng chỉ xem thầy như người thường.

Bậc thầy có thể là Phật thật, song nếu bạn không đào luyện đức tin thì bạn sẽ không thấy được những đức tính của thầy; ngược lại bạn chỉ chịu một sự mất mát - những loại khổ khác nhau. Đức Phật có vô lượng thiện đức, nhưng Devadatta và Upadhàna chỉ có thể trông thấy hào quang tỏa ra bề rộng khoảng chừng một cánh tay từ thân ngài; họ không thấy được những đức khác của Phật. Bởi thế họ bị mất mát lớn lao. Geshe Potowa nói:

Nếu bạn không kính trọng bậc thầy

Thì dù nương tựa Phật cũng vô ích,

Như trường hợp Upadhàna.

a-2. Lý do tại sao bạn có thể xem Thầy như Phật.

Không những bạn phải xem thầy như Phật mà thực sự bạn có thể làm việc ấy. Có 2 cách: dù bạn tán thán chỉ một phần những đức tính của thầy, bạn cũng đã có thể chấm dứt sự thiếu niềm tin; và lòng tin khi ấy sẽ thắng lướt những lỗi lầm vụn vặt có thể thấy nơi bậc thầy. Bạn cần sử dụng 2 điều này để làm cho những lỗi lầm mà bạn thấy nơi thầy chống đỡ niềm tin của bạn. Hãy nghĩ về 2 điều ấy.

Trong Mật điển Quán Đảnh Kim Cương Thủ có câu:

Hãy thấy những đức tính của bậc thầy,

Không bao giờ nắm lấy lỗi lầm của ông.

Bạn sẽ đạt được thần thông

Khi bạn thấy đức tính của thầy

Bạn sẽ không được thần thông

Khi bạn nắm lấy lỗi của thầy.

Nói cách khác, vì những thói quen ác nghiệp của ta, mà ta thường chỉ để ý đến những lỗi lầm của bậc thầy, và điều này tự nhiên sẽ chấm dứt bất cứ ý nghĩ nào muốn nhìn lỗi của thầy, cũng như mặt trời che khuất ánh sáng mặt trăng ở trên bầu trời. Điều này được sáng tỏ bởi sự kiện rằng, vì bạn không nghĩ về những lỗi lầm của chính mình nên cũng không thể không thấy chúng. Bạn có thể thấy vài lỗi nhỏ nơi bậc thầy, nhưng không nghĩ đến những phương tiện khéo léo của thầy để điều phục môn đệ, bạn cũng đủ giữ niềm tin nơi ông.

Hơn nữa, trong lúc chúng ta là những người sơ cơ, thì bậc thầy đối với chúng ta là những người phàm. Khi chúng ta đạt được dòng định nhất tâm gọi là “dòng pháp tương tục,” thì ta sẽ gặp được những ứng thân tối thượng, và vào sơ địa Bồ tát chúng ta sẽ gặp những báo thân vân vân… Một ngày kia cả đến toàn thể vũ trụ đối với ta cũng sẽ hiện ra tướng hoàn toàn thanh tịnh.

a-3 Làm thế nào để nhìn bậc Thầy cho thích đáng.

Ở đây, muốn xem thầy là Phật ta phải sử dụng vừa kinh luận để đạt đến niềm tin chuyển không lay chuyển.

Có 4 tiêu đề phụ.

a-3.1 Đức Kim Cương Trì cho bậc Thầy là Phật

Có nguy cơ cho rằng một số người nghĩ “những bậc thầy không phải là Phật thật, ta phải xét lại đoạn này của Lam-rim về chuyện thờ kính thầy .” Nhưng tiêu đề này cốt yếu khuyên ta không nên có những tà kiến như vậy trong phần sâu xa nhất của tâm ta.

Bạn nên nghĩ như sau, Thầy là Phật, nhưng ta không thầy được điều ấy. Lý do là, đức Kim Cương Trì hiện tại đang ở giữa chúng ta, dưới hình dạng những bậc thầy. Vua Mật điển Hevajra nói:

Trong thời vị lai, hình dạng vật lý của ta

Sẽ là thân tướng những bậc thầy…

Trong năm ngàn năm ta sẽ mang

Hình dạng những bậc đạo sư.

Hãy nghĩ họ là ta và phát sinh lòng kính ngưỡng

Trong thời gian ấy…

Vào thời đại suy đồi tương lai

Thân tướng ta sẽ là thân tướng những kẻ tiện dân;

Đây là những phương tiện khác nhau mà ta sử dụng,

Ta sẽ hiện hình theo cách ấy.

Một quyển kinhnói với chúng ta:

Thật đầy ý nghĩa nếu nhìn thấy ta!

Trong đời vị lai, ta sẽ thị hiện

Thân tướng những vị trú trì.

Ta sẽ trú trong hình dáng những bậc thầy.

Nhiều Kinh tạng và Mật tạng bảo rằng trong đời mạt pháp, chính đức Kim Cương Trì sẽ hiện hình làm một bậc thầy. Vì lòng từ bi Ngài dạy, “Các con sẽ gặp ta… đừng tuyệt vọng, các con sẽ nhận ra ta.” Điều này rõ ràng có nghĩa như Kinh và Mật nói, và bạn nên xem thời nay như là thời đại suy đồi. Đức Kim Cương Trì với lòng từ bi nhìn thấy chúng ta và biết chúng ta đã trở nên thê thảm như thế nào do nghiệp và vọng tưởng, nên ngài đã hóa hiện làm những bậc thầy của chúng ta. Trong thân tái sinh hiện tại của ta, chúng ta có thể biết được làm thế nào để thay đổi cách hành xử của mình, để thực hành những lời chỉ giáo, vân vân. Bởi thế Ngài biết rõ không có thời gian nào tốt hơn để làm việc lợi ích cho chúng ta.

Nếu bạn nghĩ sự thật không phải như vậy, và đưa ra những lý luận để nói bậc thầy này bậc thầy nọ không phải là hóa thần của Kim Cương Trì, thì tiến trình loại trừ của bạn sẽ không còn sót lại người nào là hóa thân của Kim Cương Trì hết trọi. Điều này mâu thuẩn vói lời trích dẫn ở trên là, ít nhất trong số các bậc thầy cũng phải có một hóa thân của Phật. Hãy nghĩ lại điều này. Nếu bạn chỉ áp dụng những lý lẽ để chứng minh họ không phải là Phật, thì bạn sẽ không tìm ra hóa thân, vậy lỗi là ở sự tư duy của bạn. Thay vì thế bạn nên nghĩ: “Tất cả những bậc thầy của tôi đều là hóa thân của Phật.”

Những trích dẫn này cũng đủ cho hạng người dễ dàng tin tưởng. Tuy nhiên nếu ta chứng minh bằng lý luận thì càng thuyết phục hơn nữa.

a-3.2. Chứng cứ bậc thầy là tác nhân để làm việc chư Phật.

Như tôi đã nói ở đoạn trên về ruộng phước, vầng trăng duy nhất trong bầu trời hiện ra nhiều phản ảnh tách biệt trên mặt nước, ở trong nhiều bình chứa khác nhau. Cũng tương tự như thế, căn bản trí của tất cả chư Phật - nghĩa là phối hợp giữa đại lạc và tánh không - Căn bản trí của tất cả chư Phật cùng với một vị với tất cả pháp giới, và xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau đối với người đệ tử: làm Thanh Văn đối với những môn đệ đáng được điều phục bằng Thanh Văn, làm Độc giác đối với môn đệ đáng điều phục bởi Độc Giác, làm Bồ tát hay Phật đối với những môn đệ đáng được điều phục bởi Bồ tát hay Phật. Trong kinh Cha Con Gặp Gỡchúng ta đọc:

Vì lợi lạc cho hữu tình,

Chư Phật hiện thân làm Đế Thích, Phạm Thiên;

Với một số người, Ngài hóa thân làm quỷ sứ.

Người thế gian không thể nhận điều này.

Nói cách khác đức Phật hiện hình nhiều cách: làm quỷ hay làm trời cho những người đáng được quỷ hay trời hàng phục, Ngài còn hiện chim chóc hay thú rừng, v.v… cho những người đáng được hàng phục bằng những hình dạng ấy. Các Ngài hiện thân cho chúng ta như những bậc thầy phàm phu tùy theo giới hạn của phước báo chúng ta; các Ngài cũng có thể thị hiện những phương tiện thù htắng hơn một vị thầy tầm thường, như là hiện ra Báo Thân vân vân, nhưng chúng ta không thể thấy được thân ấy. Và nếu các ngài hiện hình thành những dạng thấp hơn chúng ta như chim thú, vân vân, thì cũng không ích gì, vì chúng ta không tin những loài ấy.

Trong quyển Cúng Dường Đạo Sư có nói:

Con khẩn cầu Ngài chỗ quy y đầy từ mẫn, người bảo hộ cho con:

Ngài Mandala của ba thân quý báu của chư Phật;

Nhưng với phương tiện thiện xảo

Ngài chỉ làm một phàm phu để hướng dẫn hữu tình,

Như một cái lưới huyễn thuật để cứu vớt chúng con.

Ba thân của chư Phật được chứa đựng trong ba sự huyền bí của bậc thầy (xem Ngày Mười Hai, trang…). Bậc thầy là một hóa thân của chư Phật được tạo ra để làm các thiện sự. Giả sử một vũ công trong một điệu múa lễ ở tu viện khoắc vào y phục của giáo thọ sư để vũ trong vai ấy. Rồi ông lại mặc y phuc của một pháp vương để vũ trong vai này. Ông chỉ có thay đổi phục trang; còn vũ công chỉ là một người ấy. Hoặc, bạn có thể viết nhiều chuyện khác nhau với cùng một thứ mực đỏ. Bởi vậy hãy nghĩ: “Những bậc thầy của chúng ta không ai khác hơn là hóa thân của đấng Kim Cương Trì, đấy là những phương tiện khéo của ngài để điều phục chúng ta.”

Củi không bắt lửa nếu bạn không dùng một cái gương hội tụ để bắt lửa mặt trời; bạn có thể có nhiều thức ăn khác nhau, như chúng không đi vào bụng được nếu không qua cửa miệng. Cũng thế sở dĩ bạn nhận những sự gia trì và bạch tịnh nghiệp của chư Phật, là nhờ nương tựa vào bậc thầy. Bậc thầy là tác nhân của tất cả thiện hành của chư Phật, vì thầy giúp cho bạn thực hiện tất cả những thiện nghiệp.

Nếu vậy thì đừng nghi ngờ gì nữa thầy là một vị Phật. Thiện hành của chư Phật là những sự gia trì mà các ngài ban phát trong lúc hoạt động vì lợi lạc cho hữu tình. Bạn phải nhận những sự gia trì này tùy thuộc vào bậc thầy. Nếu sự cần thiết là phải như vậy, thì không thể nào bậc thầy lại là phàm phu: họ phải là những vị Phật. Nếu họ là phàm phu thì hóa ra trung gian cho những thiện hành chư Phật chỉ là phàm phu. Như thế có nghĩa là chư Phật cần có sự giúp đỡ của phàm phu. Nhưng chư Phật không cần giúp đỡ như thế. Khi chư Phật làm việc lợi lạc hữu tình, các ngài còn không cần đến sự giúp đỡ của Thanh Văn, Duyên Giác hay Đại Bồ tát, thì làm sao ta có thể nói các ngài cần đến sự giúp đỡ của người phàm?

Bởi thế chư Phật hóa thân làm những người thường để hữu tình có đủ phước duyên trông thấy được. Các ngài còn hóa hiện thuyền, cầu vân vân, nhưng những vật này đối với ta như chỉ là công việc của những người thợ mộc, chúng ta không tìm ra được cái gì khác về chúng.

Sakya Pandit trích dẫn thí dụ về kính hội tụ:

Mặt dù những tia mặt trời nóng,

Không thể có lửa nếu không có kính hội tụ;

Cũng thé nếu không có bậc thầy

Thì ta không thể nhận được ân phước của chư Phật.

Và Da Oe Rinchen, vị lama Kagyu trích dẫn cùng một ví dụ ấy:

Hãy xem giữa những tia sáng mặt trời

Một tấm gương trong suốt

Rồi tập trung tia sáng vào bùi nhùi…

Những môn đệ nhận được những thiện sự chư Phật nhờ nương một bậc thầy. Nếu thầy không phải Phật, thì Phật sẽ không cần đến sự phụ tá của ông ta, cũng như người giàu không nhờ kẻ ăn xin giúp đỡ. Bạn phải xét kỹ điều này: thầy và Phật là một, bởi vì nếu không thế, thì hóa ra Phật lại tùy thuộc vào thầy.

a-3.3. Chư Phật Bồ tát vẫn đang làm việc cho hữu tình.

Đấng Kim Cương Trì hiện đang hóa thân để làm việc lợi lạc cho tất cả hữu tình. Chư Phật biết một cách không lầm hoàn cảnh của tất cả chúng sinh, thương chúng hơn bà mẹ thương con một, và luôn luôn cố hết sức để thi hành những thiện sự. Làm sao các ngài lại không làm việc vì chúng ta trong thời đại thống khổ hiện này?

Khi chư Phật mới phát bồ đề tâm lần đầu, các ngài đã vì tất cả chúng ta mà phát. Các ngài cũng vì chúng ta mà tích lũy phước đức và trí tuệ. Cá ngài cũng đã đạt vô thượng bồ đề vì lợi ích cho tất cả hữu tình. Bây giờ khi các ngài đã đạt kết quả, thì không thể nào các ngài lại không tiếp tục giúp ích chúng ta. Tất cả chư Phật không nỡ lòng nào bỏ mặc chúng ta mà không làm việc để cứu vớt… Chắc chắn các ngài phải làm.

Nếu tất cả chư Phật quyết định làm lợi lạc cho chúng ta, thì các ngài không có cách nào khác hơn cách sau đây.

Chư Phật không lấy nước rửa sạch tội lỗi;

Không lấy tay ban phép

Làm cho hữu tình hết khổ đau;

Các ngài không chuyển di thực chứng của mình

Về chân chư cho kẻ khác.

Các ngài giải thoát hữu tình

Bằng cách giảng dạy giáo lý chân như.

Những hóa thân của chư Phật đang làm việc này; không có ai khác dạy những phương pháp để tái sinh lên thượng giới và để được sự hù hắng quyết dịnh, những lợi lạc tối thượng.

Trong Bài Cầu Nguyện Của Ketsang Jamyang chúng ta đọc:

Chư Phật Bồ tát quá khứ

Vẫn còn làm việc vì các hữu tình.

Hãy biết đây không chỉ là một lời xác định suông

Nói đúng thật với những bậc thầy đủ tư cách.

Bậc tôn sư tôi bảo,

“Có một vị Phật gia trì ngồi trên đầu mỗi hữu tình.”

a-3.4. Bạn không thể chắn chắn về tướng bề ngoài.

Bạn phải cả quyết rằng những bậc thầy hiện tại của bạn là Phật thật, là những tác nhân thi hành thiện sự của chư Phật. Nhưng bạn vẫn không thấy thầy mình là Phật được. Bạn nói, “Tôi chỉ thấy họ như người thường, vì tôi thấy nơi họ có những lỗi này lỗi kia.” Ta hãy phân tích điều này.

Những gì ta trông thấy thì không đáng tin cậy, không chắc chắn. Cái nhìn của chúng ta do nghiệp của ta mà có. Chúng ta đã tạo một vài loại nghiệp này mà không tạo những nghiệp khác, nhưng ta không thể bảo mình có nghiệp này, không nghiệp kia. Chandrakìrti nói trong tác phẩm Thực Hành Trung Đạo rằng: “Một quỷ đói thấy dòng sông là mủ chảy…” Khi ba loại chúng sinh có nghiệp khác nhau - một vị trời - một con người và một ngạ quỷ - nhìn một bát nước giải khát, thì một chúng sinh thấy ra là cam lồ, một thấy là nước một thấy là mủ máu. Đối với quỷ đói thì mặt trăng mùa hạ có vẻ nóng và mặt trời mùa đông có vẻ lạnh. Mật điển Bánh Xe Thời Gian và luận Abhidharma (Thắng pháp) được lập cho hai hạng đệ tử; trong một bài giảng núi Tu Di được mô tả là tròn, trong bài khác lại nói vuông. Bậc thầy Vô Trước trông thấy bồ tát Di Lặc dưới hình dạng hai con chó què hai chân sau, đầy dòi bọ hôi thối. Buddhajnàna trông thấy Đức Văn Thù dưới dạng một thầy tu ăn ở với một phụ nữ, cày ruộng, và ăn cháo nấu bằng dòi. Tất cả người địa phương chỉ thấy Tilopa là một ông chài điên khùng mà không bao giờ ngờ ngài là một hành giả vĩ đại, và ngay cả Naropa cũng thấy ông ta đang nướng một con cá sống. Krshnàcharya trông thấy Vajravaràhi như một phụ nữ bị phong cùi. Bởi thế chúng ta phải mừng những vị thầy hướng đạo tâm linh cho ta không hiện tướng một con ngựa, con chó hay con lừa - mà ta thấy thầy là một con người. Chaen Ngawa Lodroc Gyaelsaen nói:

Xét số lượng ác nghiệp của chúng ta

Và những chướng ngại do nghiệp

Thì ta có thể cho mình may phước

Vì được trông thấy thầy như một con người.

Chúng ta có phước lớn

Đã không thấy thầy ra con chó hay con lừa.

Bởi thế hãy kính lễ bậc thầy từ đáy lòng ngài,

Hỡi người con của đấng Thích Ca.

Lại nữa, tướng bên ngoài là không đáng tin cậy: vì mọi sự có vẻ như thật có, nên ta có thể rút ra kết luận sai lầm rằng nó có thật.

Một lần có vị tỳ kheo khá nước đi tìm nước uống và thấy một ngạ quỷ. Con quỷ không trông thấy sông Hằng mặc dù thực sự nó đang bước trên ấy.

Lại nữa, không phải chỉ vì bạn không thể thấy bậc thầy như Phật thật, bởi vì bạn không có dòng tâm thức của một người có đủ phước đức để thấy như vậy. Nghĩa là bạn không có nhận thức đặc biệt giúp bạn trông thấy thầy theo cách ấy.

Điều ấy hoàn tất sự phân tích của chúng ta.

Ngay cả khi một người nào không có vẻ gì là Phật, thì cũng không có nghĩa rằng vị ấy không phải là Phật. Và dù cho người ấy có vẻ như Phật thật, thì bạn cũng không thể bảo đảm ông ta thật là Phật. Một hôm A la hán Ưu bà cúc đa (Upagupta), vị tổ thứ tư trong Phật giáo, đang giảng Pháp, có con quỷ Kàmadeva quấy rối. Ngài hàng phục được con quỷ và bảo, “Ta chưa hề gặp Phật, vậy ngươi làm ơn biến hóa ra giống hệt ngài cho ta xem.” Quỷ liền hiện hình Phật đủ tướng hỏa tướng phụ, vân vân, không thêm bớt. Tôn giả Ưu ba cúc đa suýt sụp lạy vì được diện kiến đức Thế tôn, nhưng quỷ liền biến mất không để cho ngài kịp đảnh lễ.

Trong quá khứ, những hành giả vĩ đại như Long Thụ hiện tướng những thầy tỳ kheo thường, nhưng kỳ thực các vị vấy đều là Phật.

Lại nữa, nếu những tà kiến về lỗi của thầy sanh khởi, thì bạn không nên chấm dứt chúng ngay. Ví dụ, trước khi giặt áo dơ bạn phải xem kỹ từng vết bẩn. Cũng thế, bạn nên để cho những tà kiến ấy (về lỗi lầm của thầy) sanh khởi. Tại sao? Vì bạn không biếc bậc thầy có những lỗi lầm dường như ấy hay không. Như tôi đã vạch ra, tại sao những tướng do nghiệp thấy lại không thể sai lầm? Người có bệnh về mật sẽ thấy một võ ốc trắng thành ra vàng; một người bệnh phong sẽ thấy núi tuyết hơi xanh; người ngồi trên thuyền đang đi thì thấy cây trên bờ như chuyển động; người mắt bị vảy cá thì có ảo giác trông thấy tóc rụng, vân vân.

Nếu những nguyên nhân sai lầm tạm thời nhỏ nhặt ấy có thể che mờ chúng ta dến thế, thì làm sao chúng ta không thể sai lầm vè những vật đang hiện hữu, khi chúng ta có vô số nguyên nhân để lầm lạc - nghiệp và những vọng tưởng vô minh.

Tôi biết có một lạt ma tái sinh bị bênh mật trong khi di hành hương. Ông trông thấy ba hộp bạc đựng xá lợi trong nhà ông trọ thành ra vàng, nhưng về sau, khi hết bệnh, những hộp ấy lại thành màu bạc trở lại.

Khi Gyaelwa Ensapa viếng thăm tượng Di Lặc ở Rong, ông tranh luận với một vài học giả Sakya ở đấy, nhưng họ không hiểu một điểm khó liên hệ đến thuật ngữ Phật giáo. Ensapa trích từ Bát Nhã Bát Thiên Tụng bằng Phạn ngữ để làm sáng tỏ ý nghĩa những từ ngữ ấy, nhưng những người phái Sakya không tin ông. Họ nói ông là một ác ma, không phải là người của tông phái Gelug. Vậy, bạn không nên nhìn bề ngoài, mà hãy tìm những đức tính của người, những thực chứng và sự từ bỏ của họ.

Chỉ như Phật mới thấy được pháp thân, thân của chân lý. Chư Bồ tát cũng còn không thấy được pháp thân, tuy nhiên có thể thấy được báo thân. Và ngay cả muốn thấy được ứng thân, thì bạn phải là người phàm có nghiệp thanh tịnh. Lam-rim Tinh Túy của Cam Lồ nói:

Bao lâu bạn chưa thoát khỏi

Tấm màn che của nghiệp và chướng ngại do nghiệp

Thì dù cho tất cả chư Phật hiện ra thực sự trước bạn

Bạn cũng không đủ phước đức để trông thấy

Thân tướng tối thượng của các ngài

Trang hoàng với các tướng hảo và tướng phụ

Bạn chỉ có đủ phước đức để thấy

Cái gì hiện ra trước bạn ngay bây giờ.

Ngay cả trong thời Phật tại thế, có một kẻ ngoại đạo không thể thấy được các tướng hảo và vẻ đẹp của Phật, mà chỉ có thể thấy một khối lỗi lầm nơi ngài. Devadatta xem những việc Phật làm chỉ là lừa bịp.

Cách nhìn đúng là thấy bậc thầy là thước đo giá trị của một tướng cướp từ miền thượng Golog Arig du hành đến Lhasa để xem pho tượng đức Thích Ca giống ngôi chùa chính, nhưng cả đến những ngọn đèn thắp bằng bơ y cũng không thể trông thấy, nói gì đến pho tượng. Tiền thân của Oen Gyarlsae Rinpoche bảo y thanh lọc nghiệp chướng; tên cướp bèn làm một lễ dâng cúng ngàn lần và đi nhiễu quanh chùa, nhưng vẫn không trông thấy tượng. Nhưng bấy giờ y có thể trông thấy những ngọn đèn bơ.

Khi Lozang Droendaen Rinpoche ở đại học Gomang (một chi nhánh của tu viện Drepung) đang giảng thời pháp truyền khẩu về Kinh Pháp Cú, có một tỷ kheo trong thính chúng không thể nghe lời giảng cũng không trông thấy quyển sách; ngược lại ông thấy thịt phay đặt trước mặt giảng sư. Khi giảng sư đang thuyết pháp, vị tỷ kheo ấy tưởng tượng ra ngài đang ăn thịt, và cuối ngày ấy, ông tưởng tượng mình trông thấy mọi người gom thịt lại.

Bất cứ gì cũng có thể xảy đến, khi nhãn quan ta chỉ là hiện tướng của nghiệp lực. Tầng mức của hiện tướng hiện ra cho bạn là tùy thuộc vào mức độ thanh lọc nghiệp chướng của bạn.

Cái thấy của bạn không đáng tin cậy; bởi thế, không những bạn tuyệt đối không thể lượng giá bậc thầy, mà bạn còn không thể lượng giá bất cứ ai - người cọng sự, bạn bè, chó giữ nhà, chư thiên, quỷ thần vân vân. Bạn chỉ có thể lượng giá chính mình. Vượt khỏi giới hạn ấy một bước là bạn rơi vào ngay vào hoài nghi.

Khi Gyaelwa Ensa sắp đạt đến sự hợp nhất (giữa đại lạc và Tánh không), có những người gọi ông là Ensa khùng. Ông vua Pháp Karmayama giả trang làm một đệ tử của Tsongkapa. Một lần Tsongkapa sắp tiết lộ một vài điều sâu xa khó hiểu liên hệ đế mật điển. Karmayama đã ngăn ngài lại. Điều ấy làm cho Gyaeltsaen Zangpo nổi tức, khiến Kaedrub Rinpoche phải bảo ông ta đừng có làm ồn náo lên.

Đức Phật Thế Tôn dạy, “Chỉ có Như Lai mới có thể lượng giá một con người.”

Ở Ấn, có một tu sĩ tập sự đi đến đảo Vachigira để xác minh lời đồn đãi rằng tất cả đàn ông ở đấy đều là nam thần Dakas và tất cả phụ nữ ở đấy là nữ thần Dakinis. Nhưng khi đi đấy, ông không thể thấy được đức tính nơi người nào cả, mà lại phát sinh lòng tin đối với một kẻ lừa bịp.

Nàvo Boenchung nói như sau về Milarepa:

Những người chưa trông thấy Milarepa nổi tiếng

Nói những điều lớn lối về ông ta:

“Ông ấy như những hành giả Ấn vĩ đại!”

Nhưng khi đã đi đến nơi

Thì chỉ thấy một ông già lõa thể đang ngủ…

Những câu chuyện như thế nhạo báng tất cả những gì ta đang thấy. Bởi thế chúng ta không biết gì ngay cả về những người bạn thân nhất của mình. Vậy, để chắc ăn, ta hãy tập luyện để nhìn thấy mọi sự vật là trong sạch. Nhiều học giả cứ tưởng rằng Shàntideva vĩ đại, một vị chân Pháp vương tử, chỉ sống vì ba chuyện: ăn, ngủ và thư dãn. Họ không thể thấy những thiện đức nơi ngài. Nhãn quan của chúng ta cũng không đáng tin cậy tương tự như thế.

Bạn không thể chắc rằng điều gì mình là lỗi lầm thì thực sự lỗi lầm. Bạn thấy sự vật cách nào thì bạn nhận thức sự vật cách ấy. Upadhàna, một vị sư thông ba tạng vẫn giữ ý tưởng và quan niệm sai lầm (tà kiến), vì ông nghĩ, “Tôi thấy Phật đúng như thật: những lời dạy của ngài và những nguyên nhân của nghiệp đều là những trò bịp để tư phụng bản ngã. Nói rằng ngài không còn lậu hoặc là không đúng.” Upadhàna mà còn có thể sai lầm, huống gì chúng ta!

Khi một vị thầy không ngủ mà tụng đọc suốt đêm ngày, thì những học trò rất ưa ngủ sẽ thấy tự thâm tâm họ rằng đấy là một lỗi lầm. Nếu học trò uống rượu, họ sẽ tự cho mình may mắn nếu gặp ông thầy uống rượu; họ sẽ xem uống rượu là một đức tính. Vậy thì, không những điều bạn cho là lỗi có thể là không lỗi, mà bạn còn không chắn điều gì là đức hạnh nữa. Họ không thể biết bậc thầy lỗi lầm để giáo hóa bạn hay không. Kinh Cha Con Gặp Gỡ và kinh Đại Bát Niết Bàn nói nhiều về chuyện những đức Như Lai thị hiện làm những người thù địch, hà tiện, què quặt, điên cuồng, vô luân, vân vân, khi nào thấy cần thiết làm như vậy.

Nói chung kinh điển và mật điển có thể có tính cách quyết định hoặc cần giải thích; có nhiều cách giải thích khác nhau về sự việc một quyển kinh nào đó có nêu được hiểu theo nghĩa đen hay không. Nhưng khi đấng Chiến thắng Kim Cương Trì nói rằng trong tương lai ngài sẽ xuất hiện dưới hình thức những bậc thầy, thì đấy là một lời nói có tính quyết định, theo nghĩa đen, một lời nói mà chúng ta cũng có thể xác nhận. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng ngoài bậc thầy, không ai dạy cho ta đạo lộ đưa đến giải thoát và toàn trí. Vậy thì thật phi lý, mâu thuẫn, nếu ta có ý nghĩ: “Thầy tôi, mà theo đức Kim Cương Trì nói là một vị Phật, thật sự không phải là Phật vì ông có những lỗi lầm này nọ.”

Trên đây là bằng chứng quyết định; bạn có thể hiểu rằng vị thầy là một vị Phật ngay từ đầu. Khi bạn tin chắc rằng lý luận và tham chiếu kinh điển trên đây đã chứng minh thầy là một vị Phật, là bạn đã khai triển một nhận thức để đi sâu vào vấn đề làm thế nào để tận tụy với bậc thầy, làm thế nào để có được kinh nghiệm hợp nhất bậc thầy với tất cả chư Phật.

Về sự hòa lẫn tâm bạn với tâm bậc thầy: khi bạn đạt toàn giác, tâm bạn và tâm thầy vốn dĩ vừa là đại lạc vừa là Pháp thân - hòa lẫn và trở thành một vị duy nhất. Ở điểm này bạn đạt giác ngộ, tự bản chất bạn trở thành một bậc thầy: bạn thành tựu ư cách bậc thầy. Thân lời ý của bạn hòa lẫn một cách chặt chẽ với thân lời ý của thầy. Đây là lý do bạn phải có liên lạc chặt chẽ với thầy: tâm bạn phải luôn luôn tiến gần hơn đến sự phù hợp với tâm thầy.

b. Phát khởi niềm kính trọng Thầy bằng cách nhớ lại sự tử tế của Thầy.

Theo Ketsang Jamyang và môn đệ, đây có bốn tiêu đề: (1) bậc thầy tử tế hơn chư Phật rất nhiều; (2) tử tế ở chỗ giảng dạy Pháp; (3) tử tế cho chỗ gia trì cho dòng tâm thức bạn; (4) ở chỗ lôi cuốn bạn vào vòng của ông bằng những quà tặng vật chất.

b-1. thầy tử tế hơn chư Phật nhìeu

Điều này có hai phần.

b-1.1. Thầy tốt hơn chư Phật nói chung.

Bậc thầy, về phương diện đức hạnh, thì ngang với chư Phật. Nhưng sự tử tế của thầy thì thường lớn hơn của chư Phật. Từ vô lượng kiếp quá khứ, vô số Phật đã dẫn dắt vô biên hữu tình, nhưng ta lại không có trong số ấy.

Cúng Dường Đạo Sư nói:

Con khẩn cầu thầy, chỗ nương đầy từ bi, người che chở con:

Ngài dạy một cách chân xác thánh đạo của đấng Thiện Thệ

Cho những hữu tình khó điều phục trong thời mạt pháp này,

Những kẻ không kham giáo hóa bởi vô lượng Phật quá khứ.

Nói cách khác, 75 ngàn vị Phật, rồi 76 ngàn vị nữa, và 77 ngàn vị,v.v… xuất hiện ra đời chỉ để làm mục tiêu cho đức Phật đấng đạo sư chúng ta xây dựng kho công đức. Hơn nữa, chỉ trong kiếp này mà thôi, đức Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp, vân vân, đã hướng dẫn vô số đệ tử, mà các ngài vẫn không thể làm cho chúng ta quy phục. Bây giờ bậc thầy đang dạy cho chúng ta con đường toàn diện không lỗi lầm này, mà ngay cả chư Phật xuất hiện trước đây cũng không thể nào làm tốt hơn. Vậy, mặc dù về phương diện đức tính, thầy ngang với chư Phật, song về lòng tử tế thì thầy vượt hơn cả chư Phật.

Geshe Potowa nói rằng thầy cũng giống như người cho kẻ sắp chết ăn vào thời đói kém, trong khi chư Phật giống như những người cho ăn thịt vào thời no đủ. Giả sử chúng ta đã thoát khỏi cơn nghèo khó, đã làm ăn khá giả, mà có người cho chúng ta thực phẩm và tài sản. Cũng thế, ta sẽ thấy nhiều Phật, nhận được cảm hứng từ các ngài, vân vân, khi chúng ta đã đạt đến những đạo lộ cao siêu, nhưng chư Phật không ích gì cho ta khi ta đang ở trong tình trạng thảm hại như bây giờ. Bậc thầy giống như người cho ăn khi đói khổ, dạy cho ta trong lúc ta sắp rớt vào hố thẳm của các đọa xứ. Đây là một phương tiện để dẫn dắt chúng ta, để ta có một vài hy vọng đạt thành Phật quả. Đây là lòng từ bi của bậc thầy. Kaedrub Rinpoche nói: “Hỡi bậc thầy tối thượng vô tỉ, người tử tế hơn tất cả chư Phật…” Nghĩa là, chúng ta có thể có lòng tin ở chư Phật Bồ tát đấy, nhưng chúng ta chưa từng gặp các ngài. Bây giờ ngay lúc ta đang thiếu vốn Pháp, thì bậc thầy dạy cho ta, như vậy thầy còn từ mẫn hơn cả Phật.

b-1.2. Thầy còn tốt hơn cả Đức Thích Ca Mâu Ni

Ngày xưa vua Chuyển luân Aranemi có một ngàn con trai người nào cũng phát tâm bồ đề, hứa sẽ săn sóc một nhóm đệ tử. Nhưng họ thấy rằng những đệ tử sẽ khó điều phục vào thời đại hỗn mang khi mà thọ mạng con người chỉ còn một trăm năm, bởi thế họ đều tảng lờ những đệ tử này. Thầy chúng ta, khi ấy là bà la môn Samandraràja (Phổ Hiền Vương), cũng phát tâm bồ đề nguyện sẽ hàng phục hữu tình trong thời kỳ hỗn độn ấy. Bởi vậy đức Thích Ca đạo sư chúng ta tốt hơn đối với những đệ tử thời kỳ đầu tiên, nhưng với những phàm phu như chúng ta, thì bậc thầy còn tốt hơn cả Thích Ca Mâu Ni nữa.

Sau đức Phật, còn có nhiều học giả và hành giả ở Ấn, như bảy vị tổ trong giáo lý, tám mươi vị đại lực thần thông, sáu viên bảo châu của đất Ấn, và hai viên tối thượng. Và Tây Tạng có biết bao bậc thánh: trong thời kỳ truyền Pháp đầu tiên có Padmasambhàva, vua Trisong Detsean, Shàntirakshita, và những người còn lại của 25 đệ tử Padmasambhàva; trong kỳ truyền bá lần hai có năm vị chúa tể là Sakya, Marpa, Milarepa, Atìsha và đệ tử ngài là Tsongkapa và đồ đệ vân vân. Nhưng không vị nào trong số ấy giảng dạy cho ta cam lồ diệu pháp, phương pháp cứu ta ra khỏi biển lớn khổ đau.

(CT. Trong đoạn này, Pabongka kể ra nhiều nhân vật có công truyền thừa giáo lý Phật ở Ấn và Tây Tạng. Bảy vị tổ của nền giáo lý là những vị tiếp theo sau đức Thích Ca Mâu Ni, được ngài giao trách nhiệm duy trì và quảng bá nền giáo lý. Tám mươi bậc đại thần thông là những hành giả đã thành tựu về mật điển trong hệ phái Những Hành Động Dâng Hiến. Sáu viên bảo châu Ấn Độ là những vị đại sĩ Long Thụ (Nagarjuna), Thiên Thân (Vasubandhu), Trần Na (Dignaga) và Pháp Xứng (Dharmakirti). Hai viên tối thượng là hai bậc thầy về luật tạng Gunaprabha và Shàkyaprabha.

Ở Tây Tạng, Padmasambhava là bậc thánh vĩ đại xuất phát từ vùng đất Oddiyana huyền bí đến để dẹp tan những chướng ngại cho việc hoằng truyền Chánh pháp dưới triều vua Trisong Detsaen và bậc thầy Ấn Shantarakshita - tổ sư của phái Nyingma trong Phật giáo Tây Tạng. Năm vị chúa tể của phái Sakya là năm bậc thầy đầu tiên đã sáng lập ra trường phái Sakya. Marpa và đệ tử ngài là Milarepa là những vị tổ sáng lập ra phái Kagyu. Atìsha và các đệ tử ngài mở đầu những hệ phái Kadampa. Je Tsongkapa phối hợp cả ba dòng Kadampa cùng với những pháp hành trì của ba trường phái Gelug (Hoàng mạo).

Tóm lại, như Shàntideva đã nói trong quyển Hành Hạnh Bồ Tát:

Vô số chư Phật làm việc

Cho lợi ích của tất cả hữu tình

Đã tịch diệt, và do những ác nghiệp của tôi

Tôi không ở trong số chúng được các ngài chữa lành.

Nói khác đi, chúng ta nên nghĩ như sau, “Chúng ta đầu thai không nhằm chỗ, cũng không đến được những nơi các ngài viếng thăm. Lại nữa, mọi bậc thánh quá khứ người thì không dẫn dắt ta được, người thì bỏ rơi ta. Chúng ta là những cặn bã của cặn bã. Quả thực thầy ta có lòng bi mẫn lớn xiết bao khi cứu vớt chúng ta.”

b-2. Sự tử tế của Thầy trong việc giảng Pháp

Những đại Bồ tát ngày xưa đã tự hiến mình, hiến con trai con gái quyến thuộc… cho những quỷ Dạ xoa ăn thịt, chỉ để nghe một bài kệ về Pháp. Khi đức Đạo sư chúng ta tái sinh làm Vyilingalita, ngài đã đâm vào cơ thể mình ngàn cọc nhọn để được dạy Pháp. Khi tái sanh làm vua Gnashava ngài đốt thịt mình bằng một ngàn đèn dầu và nhảy vào hố lửa; làm vua Paramavarna ngài sử dụng da mình làm giấy và xương sườn làm bút. Đức Atìsha vĩ đại chịu đựng gian khổ lớn lao vượt biển trong mười ba tháng để thụ giáo Lam-rim, bất kể hiểm nguy về bảo tố, thủy quái vân vân. Những người như Marpa và Milarepa đã trải nhiều gian khổ để thụ giáo. Ngay cả ngày nay việc du hành đến Ấn cũng không dễ, thế mà những dịch gia ngày xưa đã liều thân mạng để đi đến đấy thụ giáo; còn dâng lên những bậc thầy những mandalas bằng vàng để đền ơn giảng dạy. Ngay đến nhớ lại những gian nguy mình đã trải cũng đủ làm họ rùng mình. Vậy bậc thầy của bạn thật tử tế xiết bao, khi dạy cho bạn toàn thể đạo lộ - ngay cả Phật cũng không cho bạn một giáo hóa nào tốt hơn - mà không đòi hỏi bạn phải chịu chỉ một gian nan nhỏ nhất. Atìsha nói: “Bạn phải có công đức lớn lắm mới có thể nhận được nền Giáo Pháp sâu xa như thế mà không chút nhọc công. Hãy nghiêm túc và khéo thực hành.”

Giả sử có người sắp chết vì đã ăn vào một lúc ba thứ: thuốc bổ, thực phẩm và độc dược. Một y sĩ đầy từ bi là người giúp anh ta nôn độc tố ra, chuyển thực phẩm đã nuốt vào thành thuốc, và chuyển thuốc đã nuốt vào thành cam lồ bất tử. Chúng ta cũng đã làm những nghiệp bất thiện sẽ đưa ta xuống các đạo xứ - điều này như ăn phải chất độc. Bậc thầy làm cho chúng ta tịnh hóa những nghiệp ấy. Bình thường chúng ta sẽ tích lũy những đức hạnh để có được những thứ trên thế gian này như sức khỏe, tặng phẩm, danh tiếng. Bậc thầy khiến ta đổi hướng, có một động lực lành mạnh, làm cho những cầu nguyện thanh tịnh, và hồi hướng công đức. Đức hạnh của ta đã được chuyển thành một cái gì lợi lạc cho những đời sau. Thầy cũng khiến cho ta chuyển hóa thiện hành ta đã tích lũy để được tái sinh tốt đẹp và thành đạt vô thượng bồ đề. Còn ai có thể tốt hơn thế nữa? Lam-rim Tính Túy Của Cam Lồinói:

Nếu người ta bảo chúng ta không thể đền ơn

Người đã dạy cho ta một bài kệ,

Dù có cúng dường vị ấy nhiều kiếp

Bằng số lượng chữ cái trong bài,

Thì làm sao đến đáp được ơn lớn

Vì đã được cho toàn thể đạo lộ?

Một người được xem là tử tế xiết bao

Khi đã đưa người khỏi vòng lao ngục

Lại còn cất nhắc trở thành giàu sang.

Bậc thầy dạy cho ta phương tiện

Thoát khỏi ba đường ác

Cũng đã là tử tế, vì chúng ta

Sẽ giàu sang toại ý khi làm trời, người.

Thầy còn dạy con đường tối thượng

Để làm lắng dịu mọi nỗi bất hạnh của sinh tử Niết bàn.

Thầy dẫn ta đến trạng thái Ba Thân vi diệu:

Còn có sự tử tế nào hơn thế nữa chăng?

b-3. Sự tử tế của Thầy đã gia trì cho tâm và dòng thức của bạn.

Tất cả thực chứng mà bạn triển khai được trong dòng thức đều nhờ sự gia trì của bậc thầy. Nếu bạn dùng pháp đạo sư du già như nguồn sinh lực của đạo lộ, bạn sẽ làm những tiến bộ nhanh trên đường tu: đây là điểm then chốt trong năng lực gia trì của bậc thầy. Khi Tilopa đánh vào mặt Nàropa bằng một mandala bằng bùn, Nàropa liền có khả năng duy trì định chứng nhất tâm kéo dài trong bảy ngày. Ngay cả sự việc ta có thể nhớ được những giáo lý khác nhau mà trước đây ta không thể nhớ chẳng hạn, cũng là nhờ lực gia trì của thầy.

Năm nay, ngày 24 tháng tư, tôi nhận được một dấu hiệu rõ ràng về lực gia trì của bậc tôn sư tôi, người che chở cho tôi, nơi tôi nương tựa. Sự gia trì ấy làm chìa khóa giảng Lam-rim hiện tại tiến hành tốt đẹp. Một lần tôn sư tôi, Người che chở cho tôi, nơi tôi nương tựa, đang làm một lễ dâng cúng tại Dagpo với chừng 25 geshe tham dự. Tôi cũng có ở đấy, song tôi quá xúc động đến nỗi mắt tôi đẫm lệ suốt cả thời lễ “Cúng dường Đạo sư, Bất khả phân giữa Đại lạc và Không tánh” một bản văn về triển khai về pháp Cúng dường Đạo sư. Ngay cả việc ấy cũng là năng lực gia trì của bậc thầy.

Khi bạn khẩn cầu bậc thầy, thì bạn sẽ thành tựu tất cả thiện sự và mọi điều bạn mong muốn trong đời này và những đời sau. Bậc đại thần thông Tilopa nói: “Này Nàropa, điều lợi ích nhất tất cả là bậc thầy. “Và Gyaelwa Goetsang nói:

Nhiều người thiền quán về giai đoạn tu tập

Nhưng thiền quán về đạo sư là pháp thiền cao nhất.

Nhiều người thực hành pháp tụng đọc

Nhưng khẩn cầu đạo sư là pháp tụng đọc cao nhất

Nếu bạn luôn luôn khẩn cầu bậc thầy

Thì bảo đảm bạn sẽ thực chứng được

Trạng thái bất khả phân ly với bậc thầy.

Kyabje Pabongka kể vài mẫu chuyện: chuyện một người ở Retreng cúng đèn bơ cho một bức tượng của Drom Toenpa nên những ước nguyện của ông được thành tựu; chuyện Atìsha được Dombhìpa gia hộ như thế nào; chuyện Drubkang Geleg Gyatso gia hộ Purchog Ngagwang Jampa, vân vân.

b-4. Sự tử tế của bậc thầy là lôi cuốn bạn vào vòng đệ tử bằng tài thí.

Người ngày nay chờ đợi tài thí, do vậy bậc thầy loi cuốn vào vòng ông bằng tài vật, rồi đưa ông vào chánh pháp.

Khi tôn sư tôi, người che chở tôi, chỗ nương cậy của tôi, đang ở trong một am ẩn cư, có người tôi tớ trong gia đình Drimé Tengka, một người vùng thượng Kongpo, được phái đến để xin ngài bói xúc xắc; ông ta mang theo bọc đầy da đầy bơ để cúng dường. Thầy tôi đang ở tuốt trên một ngọn núi cao, nên khi lên tới, người kia rất mệt. Y đến trước mặt thầy tôi mà nói: “Cái ông lama này chắc phải là một con thú hoang mới ưa sống trên chót núi như thế này.” Thầy tôi cho y uống trà, thực phẩm ngon, và những quà tặng; người kia phát sinh tịnh tín và về sau phải công nhận: “Nhưng vị lama đã ban phúc lớn cho tôi. Những gì ngài cho tôi ăn thật tuyệt.” Thế là y đã bị đưa vào tròng bậc thầy và đã phát sinh tịnh tín.

Nói đến “tài vật” thì không có một giới hạn nào về những gì mà bậc thầy cho ta: chẳng hạn đấy có thể là sự săn sóc của thầy đối với đệ tử.

Atìsha bảo rằng bất cứ đức tính gì ngài có được đều nhờ những bậc thầy. Ngài muốn nói nhờ sự tử tế từ bi của thầy mà ta có được mọi đức tốt lành. Chúng ta không phân tích sự việc cho kỹ, và cứ tưởng hạnh phúc hiện tại của ta, tiện nghi tiếng tăm ta có được, đều do nỗ lực của riêng ta, song không phải vậy. Hãy lấy ví dụ hai người anh em: người thì được đưa vào tu viện trở thành một phần tử của Tăng đoàn, nghĩa là một đối tượng cho người kia làm chỗ quy y. Khi vị tu sĩ tình cờ gặp em trong một ngôi chùa, thì họ hành xử theo số phần khác nhau của họ: một người theo Pháp, một người theo tài vật.

Bạn có thể là một tỳ kheo có ít trách nhiệm, đầy là nhờ lòng tử tế của tu viện trưởng và vị thầy truyền giới cho bạn, vì bạn giống như đấng Đạo sư của chúng ta mà giới thể tự nhiên đầy đủ không cần sự can thiệp của một tu viện trưởng. Bây giờ, bạn có thể đọc nhiều ngàn trang sách mỗi ngày và phân tích ý nghĩa: đây là nhờ sự tử tế của bậc thầy đã dạy cho bạn học vỡ lòng. Nếu bạn chưa được phép quán đảnh nào để làm cho bạn thuần thục hay để chuẩn bị cho bạn, thì bạn không được đọc ngay cả những sách về mật giáo. Người có được quán đảnh là đã đi vào ngưỡng cửa những mật điển, một điều hi hữu hơn cả sự xuất hiện của chư Phật. Chính do lòng từ bi mà bậc thầy Kim cang thừa đặt vào dòng tâm thức của bạn những hạt giống chắc chắn sẽ chín thành kết quả là bốn thân, chỉ trong vòng mười sáu đời nếu bạn không phạm giới. Bạn phải tính những sự tử tế của bậc thầy và nghĩ, “Ngài đã cho ta cái này, cái này, cái này…” Nhưng chưa hết đâu. Bạn đã có được một thân người, bạn có thể hạnh phúc trong đời này, có tài sản, vân vân. Đấy là tất cả những hậu quả của sự giữ giới và hành hạnh bố thí trong những đời trước, và đấy là nhờ lòng tử tế của những bậc thầy đã khiến cho bạn thực hành những pháp ấy.

Bạn có thể nghĩ, “Không phải luôn luôn là một bậc thầy ấy: nhiều thầy khác nhau trong nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi người đã đóng góp những sự tử tế của riêng họ.” Nhưng những bậc thầy ấy xuất phát từ một căn bản duy nhất là tâm chư Phật, cái trí căn bản của phối hợp đại lạc và tánh không, cùng một vị với pháp giới. Tất cả những bậc thầy đều là đấng Kim Cương Trì thị hiện nhiều hình dạng khác nhau. Ở Tây Tạng chẳng hạn có chúng sinh là cha để của giống nòi;

(CT: Theo huyền thoại Tây Tạng, giống nòi phát xuất từ một nữ yêu quái mặt khỉ với một con vượn trắng lớn. Con vượn này là một hóa thân của bồ tát Quán Thế Âm, đã tu khổ hạnh thiền định nhiều năm trong lúc nữ yêu quái cứ đứng ngòai của động mà rên rỉ, muốn cặp bồ với vượn. Cuối cùng vượn phải đầu hàng, và hậu quả là giống nòi Tây Tạng; nên họ ảnh hưởng của vượn tâm từ bi, và từ nữ yêu quái họ ảnh hưởng tính đa nghi, ươn ngạnh, hà tiện và ưa nhục dục.). Có những người thiết lập nền luật; những nhà dịch kinh những ông vua và đình thần chuyên quảng bá và duy trì nền giáo lý; những bậc thầy dịch thuật và những bậc hiền trí; những tái sinh của đức Đức Dalai Lama; vân vân. Tất cả những vị này đều là những hiện thân khác nhau của một bồ tát Thánh Quan Tự Tại, Người Cầm Sen Trắng. Những bậc thầy chúng ta cũng thế, chỉ là một thực thể duy nhất.

Đức Je Rinpoche nói: “Người ta cần hiểu rằng những gì nói trên đều là chỉ giáo nổi tiếng về pháp Đạo Sư Du già. Nhưng sẽ không ăn thua gì nếu người ta chỉ thiền quán về đề tài ấy vài lần mà thôi.”

Nghĩa là, muốn thấu hiểu rằng bậc thầy là hiện thân của tất cả chư Phật, rằng vị ấy “là” cái trang, thì bạn phải thực hành pháp Cúng Dường Đạo Sư, vân vân. Nhưng nếu bạn không hiểu rõ ý nghĩa mà chỉ tụng đọc những lời văn thì không được cái gì.

Vậy, khi bạn hiểu rằng tâm của tất cả chư Phật là đồng một vị với tinh túy của pháp thân, đại lạc và tánh không, và từ tính chất này chư Phật thị hiện dưới dạng bậc thầy trong nhiều hóa thân khác nhau. Nếu bạn không hiểu điều này, bạn sẽ nghi ngờ ngay cả khi đảnh lễ những bậc thầy danh tiếng ngồi giảng trên tòa cao; bạn lại còn dễ coi thường ông thầy hèn mọn trong tu viện của bạn, người dạy cho bạn tập đọc. Khi bạn có được hiểu biết này, để tập cho mình một nhìn một vị thầy với tâm kính trọng như nhìn Phật, thì bạn cũng có thể luyện tập để xem tất cả những bậc thầy như Phật; khi ấy làm hài lòng một vị thầy cũng là làm hài lòng tất cả những bậc thầy. Bạn phải xem tất cả thầy đều tử tế như nhau, không thiên vị trong cách phụng sự của bạn.

Người ta bảo ta nên tụng đọc những bài kệ về lòng tử tế của bậc thầy khi ta quán về đề mục ấy. Những bài kệ sau đây được thốt lên bởi đồng tử Manibhadra (Bảo Hiền) trong chương nói về sự tử tế của bậc thầy:

Những hướng đạo tâm linh cho con, người giảng dạy Pháp,

Đủ tư cách dạy con tất cả pháp;

Các vị ấy xuất hiện với ý định duy nhất: dạy cho con

Những phận sự trước mắt của bồ tát.

Các thầy giống như mẹ con trên đường tu tập.

Như nhũ mẫu cho con bầu sữa của thiện đức;

Thầy thiện xảo trong từng ngành đưa đến giác ngộ

Thầy chấm dứt cho con những nẻo đường hiểm nguy.

Như lương y giải cứu con khỏi già chết

Như vị trời Đế Thích mưa xuống những giọt Cam lồ;

Làm tăng trưởng bạch pháp như vầng trăng đang lên.

Và như ánh dương soi đường đến an lạc.

Thầy như núi bất động trước thân thù

Tâm thầy không đầy vơi như biển lớn

Thầy là người thân che chở con một cách toàn vẹn -

Đấy là những ý tưởng đưa con đến với bậc thầy.

Chư Bồ tát những người đang khai hóa tâm con

Những người Con Phật đưa con đến giác ngộ

Họ hướng dẫn con; chư Phật ca ngợi họ-

Con đến với họ bằng tâm tưởng tốt lành.

Thầy như những anh hùng bảo vệ con khỏi thế gian;

Là thuyền trưởng, chỗ nương và sự che chở;

Thầy là mắt, là nguồn an ủi-

Bằng tư tưởng ấy, hãy kính trọng những bậc thầy.

Từ bản Lam-rim Tinh Chất Cam Lồ:

Con đã từ bỏ đời sống tại gia: một hầm lửa rực

Trong cô tịch con thực hành những công việc của hiền nhân;

Con được nếm vị ngọt của diệu Pháp

Đấy là nhờ lòng tử tế của các bậc tôn sư.

Con đã gặp giáo lý của đức Tsongkapa vĩ đại

Trong muôn ngàn kiếp khó mà tìm được

Đây là lòng tử tế của những bậc thầy thánh thiện.

Thầy là người che chở con khỏi các đạo xứ,

Là thuyền trưởng giải thoát con ra khỏi biển luân hồi,

Là hướng đạo đưa con lên tái sinh cao và giải thoát.

Là lương y chữa lành bệnh vọng tưởng kinh niên,

Là dòng sông dập tắt ngọn lửa thống khổ lớn

Là mặt trời soi sáng con đường giải thoát.

Là người giải cứu con ra khỏi ngục tù sinh tử

Là vầng mây mưa xuống Diệu pháp nhiệm mầu;

Là bạn lành giúp con xua tan những điều tai hại

Là cha mẹ nhân từ luôn luôn yêu thương…

Hãy quán những điều ấy khi bạn tụng đọc, và nhớ lại sự tử tế của bậc thầy.

Sự tận tụy bằng việc làm sẽ được bàn theo quyển Lời Đức Văn Thù. Bạn không nên lẫn lộn phần này với ba nghi thức chuẩn bị cuối.

Khi ấy Kyabje Pabongka Rinpoche trở lại nói về mỗi đề tài thiền quán, và trước mỗi đề tài ngài đều làm lễ khẩn cầu, và quán tưởng cam lồ tịnh hóa đang tuôn xuống.

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]