Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 573: Phẩm Khuyên Răn 02, Phẩm Nhị Hạnh, Phẩm Tán Thán, Phẩm Phó Chúc

21/07/201520:06(Xem: 13815)
Quyển 573: Phẩm Khuyên Răn 02, Phẩm Nhị Hạnh, Phẩm Tán Thán, Phẩm Phó Chúc

Tập 11

 Quyển 573

Phẩm Khuyên Răn 02
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí




 

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Giả sử nghiền nát ba ngàn đại thiên thế giới Kham Nhẫn này thành cực vi, mỗi cực vi là một Thánh giả, có những thiện nam, thiện nữ v.v… với tâm thanh tịnh đem các thứ thượng diệu ở thế gian: Đồ ăn, nước uống, y phục, giường nằm, thuốc thang v.v... bố thí cúng dường cho suốt cả cuộc đời dài ngắn của Thánh chúng kia; sau khi Thánh chúng nhập Niết-bàn, những thiện nam, thiện nữ ấy thâu hết xá-lợi, xây dựng bảo tháp, trang trí cúng dường, hoặc đem bảy báu đầy như số cực vi trong ba ngàn đại thiên thế giới đã nói ở trước, chứa đến trời Sắc cứu cánh, rồi đem hết bảy báu đó dâng cúng từng vị Thánh giả kia, suốt cả ngày đêm cúng dường liên tục không gián đoạn, cho đến hết tuổi thọ của mình.

Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do nhân duyên này mà các thiện nam, thiện nữ v.v… đó được phước nhiều chăng?

Mạn-thù-thất-lợi bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Phước bố thí nói trước còn khó nghĩ bàn, huống gì số phước ở đây đạt được.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Thiện nam, thiện nữ v.v… nào thọ trì kinh này, rồi giảng nói truyền bá sẽ được phước hơn phước bố thí trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.

Mạn-thù-thất-lợi! Đối với công đức này, nếu không hồi hướng cầu quả Bồ-đề của Phật thì phải trải qua nhiều kiếp như vi trần làm vua trời Tha hóa tự tại. Lại trải qua rất nhiều số kiếp như vi trần làm vua trời Lạc biến hóa. Lại trải qua rất nhiều kiếp như vi trần làm vua trời Đổ-sử-đa. Lại trải qua rất nhiều kiếp như vi trần làm vua trời Dạ-ma. Lại trải qua rất nhiều kiếp như vi trần làm vua trời Đế Thích, huống là vua Chuyển luân. Nếu đem sự hồi hướng ấy cầu trí nhất thiết, thì có thể thành tựu phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa, sẽ chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Mạn-thù-thất-lợi! Giả sử người khắp châu Thiệm-bộ này toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v… không còn chỗ trống; có người hung ác nổi lên giận dữ giết hại toàn bộ Thánh giả ấy. Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do việc này, người kia mắc tội nhiều không?

Mạn-thù-thất-lợi bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Giết một vị Thánh còn đọa vào đại địa ngục Vô gián, chịu khổ một kiếp, huống chi giết hại chừng ấy Thánh giả. Người ấy mắc tội không thể kể hết.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Người nào hủy báng kinh điển này, tội ấy còn nặng hơn trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.

Mạn-thù-thất-lợi! Giả sử người khắp châu Đông Thắng Thân toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v… không còn chỗ trống; có người hung bạo nổi lên giận dữ giết hại toàn bộ Thánh giả ấy. Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do việc này, người kia mắc tội nhiều không?

Mạn-thù-thất-lợi bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Giết một vị Thánh còn đọa vào đại địa ngục Vô gián, chịu khổ suốt một kiếp, huống chi giết hại chừng ấy Thánh giả. Người kia mắc tội không thể kể hết.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Người nào hủy báng kinh điển này, tội ấy nặng hơn trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.

Mạn-thù-thất-lợi! Giả sử người khắp châu Tây Ngưu Hóa toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v… không còn chỗ trống; có người hung bạo nổi lên giận dữ giết hại toàn bộ Thánh giả ấy. Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do việc này, người kia mắc tội nhiều không?

Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Giết một vị Thánh còn đọa vào đại địa ngục Vô gián, chịu khổ suốt một kiếp, huống chi giết hại chừng ấy Thánh giả. Người kia mắc tội không thể kể hết.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Người nào hủy báng kinh điển này, tội ấy còn nặng hơn trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.

Mạn-thù-thất-lợi! Giả sử người khắp châu Bắc Câu-lô toàn là bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc-giác, đông như thóc, lúa, gai, trúc, cỏ, sậy, lau, mía, rừng v.v… không còn chỗ trống; có người hung ác nổi lên giận dữ giết hại toàn bộ Thánh giả ấy. Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Do việc này, người kia mắc tội nhiều không?

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Giết một vị Thánh còn đọa vào đại đại ngục Vô gián, chịu khổ suốt một kiếp, huống chi giết hại chừng ấy Thánh giả. Người kia mắc tội không thể kể hết.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Người nào hủy báng kinh điển này, tội ấy còn nặng hơn trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.

Mạn-thù-thất-lợi! Giả sử nghiền nát bốn đại châu này thành cực vi, mỗi cực vi là một đức Phật; có một chúng sanh tà kiến độc ác, khởi tâm hung ác muốn giết hết số đức Phật ấy, cướp đoạt tất cả của cải pháp tài, phá diệt vua pháp và thuốc pháp của thế gian. Mạn-thù-thất-lợi! Ý ông thế nào? Chúng sanh hung ác kia mắc tội có nhiều không?

Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Chúng sanh kia mắc tội vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, không thể kể hết. Đối với việc đó con còn chẳng muốn nghe huống hồ có thể nói về tội lỗi đó nhiều hay ít. Nếu hại một đức Phật còn đọa vào đại địa ngục Vô gián, chịu khổ nhiều kiếp, huống chi giết nhiều chư Phật Thế Tôn như vậy. Chúng sanh này chắc chắn phải chịu khổ trong đại địa ngục Vô gián không hẹn ngày ra.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Nếu có người hủy báng, cản trở kinh này, không cho truyền bá rộng rãi, không cho cúng dường, tội này nặng hơn tội trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.

Mạn-thù-thất-lợi! Giả sử tất cả hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới đều trải qua trăm ngàn vô số đại kiếp, tu đủ tất cả hạnh của các Bồ-tát, đều chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì chúng sanh ác kia vì nghiệp ác nặng nề nên vẫn chưa thoát khỏi khổ trong đại địa ngục.

Mạn-thù-thất-lợi! Đối với địa ngục Vô gián ở khắp mười phương cõi, không có địa ngục nào mà chúng sanh ác kia không trải qua nhiều kiếp chịu khổ, huống hồ các địa ngục, bàng sanh, cõi quỉ. Vì sao? Vì kẻ ngu si hủy hoại mẹ pháp thân của chư Phật trong mười phương ba đời. Nếu kẻ kia chịu khổ nặng nề trải qua nhiều kiếp như vi trần như nói ở trước, sau ra khỏi ba cảnh giới ác, sanh vào trong loài người mắc bệnh ngặt nghèo, không có thuốc thang nào chữa khỏi. Lại phải trải qua nhiều kiếp như vi trần, vừa ra đời thì không có lưỡi hoặc không có tay v.v... trải qua số kiếp như vi trần này.

Mạn-thù-thất-lợi! Ta dùng thần lực trụ đời một kiếp hay hơn một kiếp nói về tội báo của chúng sanh hủy báng, cản trở kinh này cũng không thể hết. Mạn-thù-thất-lợi! Những người có trí muốn được an lạc ngay trong đời hiện tại và vị lai thì chớ nên hủy báng và ngăn cản kinh này.

 

Tập 11

Quyển 573

Phẩm Nhị Hạnh

 

Bấy giờ, Phật bảo Mạn-thù-thất-lợi:

- Thiện nam tử! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thì phải thành toàn diện Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát có hai loại hạnh:

1- Thành tựu Bát-nhã.

2- Giáo hóa hữu tình.

Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát thành tựu Bát-nhã, giáo hóa hữu tình?

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Thiện nam tử! Đại Bồ-tát từ khi mới hành Bát-nhã cho đến cuối cùng đều lìa tâm dụng công, thuyết pháp không cùng tận, không gián đoạn, làm cho hữu tình thoát khỏi cảnh giới ác của ba cõi, để họ an trú cảnh giới lành, hoặc giúp họ chứng được Thánh quả Tam thừa.

Mạn-thù-thất-lợi! Đây gọi là các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, giáo hóa hữu tình. Mạn-thù-thất-lợi! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thành tựu vô biên, vô vi Bát-nhã. Đây gọi là các Đại Bồ-tát tự hành Bát-nhã. Vì sao? Vì hành như vậy có thể viên mãn tất cả công đức.

Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu hành pháp nào đề tương ứng với trí nhất thiết?

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Thiện nam tử! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tu pháp chân thật của trí nhất thiết, thì xa lìa sự nghĩ bàn, vô tướng nhiệm mầu, nghĩa lý thâm sâu không thể quán sát, rất khó thông đạt; thường trụ sự tịch tĩnh vắng lặng, mát mẻ biến khắp, không có phân biệt, không vướng mắc, không ngăn ngại, tùy thuận đúng lý, không chấp thủ, đạt được tịch tĩnh trong các pháp là vô thượng, vô đẳng đẳng.

Mạn-thù-thất-lợi! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát tu pháp hành này thì tương ứng với trí nhất thiết.

Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đối với cảnh giới nào?

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Thiện nam tử! Các Đại Bồ-tát quyết định hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu với cảnh giới thâm sâu, cảnh giới rộng lớn, cảnh giới công đức.

Mạn-thù-thất-lợi! Cảnh giới thâm sâu là bản thể vô vi, không vướng hai bên cũng chẳng lìa nhau; tự tánh thanh tịnh giải thoát các sự chướng ngại, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể, chẳng cùng với tất cả Thanh văn và Độc giác.

Mạn-thù-thất-lợi! Cảnh rộng lớn là tất cả công đức của chư Phật Như Lai, hai pháp đại bi, Bát-nhã làm tánh, lìa tướng phân biệt, không có tâm dụng công, làm lợi lạc cho hữu tình không lúc nào tạm bỏ. Các pháp nói ra đều vừa ý người nghe.

Mạn-thù-thất-lợi! Cảnh giới công đức là các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tương ứng với tất cả công đức: ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tùy theo căn cơ các hữu tình ưa muốn tánh hành và các hình tướng khác nhau thế nào thì năng lực oai thần của Phật đều thị hiện như vậy. Nghĩa là thị hiện lên trời Đổ-sử-đa, hoặc thị hiện từ cõi trời hạ sanh xuống châu Thiệm-bộ, hoặc thị hiện ở trong thai, hoặc thị hiện lúc sơ sinh, hoặc thị hiện đồng tử, hoặc thị hiện cảnh đi dạo, hoặc thị hiện xuất gia, hoặc thị hiện tu khổ hạnh, hoặc thị hiện đến ngồi dưới cội Bồ-đề, hoặc thị hiện sự chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hoặc thị hiện chuyển xe pháp, hoặc thị hiện nhập Niết-bàn. Thị hiện các tướng khác nhau như vậy đều vì sự giải thoát sanh tử của hữu tình. Mạn-thù-thất-lợi! Đó gọi là các Đại Bồ-tát đã tu hành cảnh giới của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Mạn-thù-thất-lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật hy hữu. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này của Bồ-tát là cảnh giới không thể nghĩ bàn của đức Phật.

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nói. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là pháp bất cộng, không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả phàm phu, Thanh văn, Độc giác không thể thông suốt, chẳng phải cảnh giới của họ; ngoài đức Phật Thế Tôn không ai có thể đạt được. Vì sao? Vì nghĩa chơn như các pháp rất thậm thâm, tự tại, chẳng dao động, thâu nhiếp cả cõi vô lậu, làm cho các loài hữu tình được trọn vẹn sự lợi lạc. Cho nên gọi là cảnh giới của chư Phật, vượt qua đường ngôn ngữ, thâu nhiếp thắng nghĩa đế, xa lìa sự tìm tòi, phân biệt, nghĩ bàn, pháp thế gian chẳng thể nào so sánh, ví dụ kịp, là thượng phẩm trong tất cả các pháp, không ở trong sanh tử cũng chẳng trụ Niết-bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát có năm việc không thể nghĩ bàn:

1. Là tự tánh.

2. Là phương xứ.

3. Là các trụ.

4. Là nhất dị.

5. Là lợi lạc.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào là tự tánh không thể nghĩ bàn?

Tức là chơn như của sắc cầu không thể được, lìa chơn như của sắc cầu cũng không thể được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Chơn như của nhãn cầu không thể được, lìa chơn như của nhãn cầu không thể được. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy.

Chơn như của sắc cầu không thể được, lìa chơn như của sắc cầu không thể được. Thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy.

Chơn như của nhãn thức cầu không thể được, lìa chơn như nhãn thức cầu không thể được. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức cũng như vậy.

Chơn như địa giới cầu không thể được, lìa chơn như địa giới cầu không thể được. Thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng như vậy.

Chơn như của pháp hữu cầu không thể được, chơn như của pháp vô cầu không thể được. Nên nói tự tánh không thể nghĩ bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào là phương xứ không thể nghĩ bàn?

Chơn như này nếu trụ cõi Dục thì không thể nghĩ bàn, nếu lìa cõi Dục cũng không thể nghĩ bàn. Đối với cõi Sắc và cõi Vô sắc cũng như vậy. Hoặc trụ phương Đông không thể nghĩ bàn, hoặc lìa phương Đông không thể nghĩ bàn. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc và phương trên, phương dưới cũng như vậy. Nên nói phương xứ không thể nghĩ bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào là các trụ không thể nghĩ bàn?

Hoặc trụ an lạc không thể nghĩ bàn, hoặc trụ vắng lặng không thể nghĩ bàn, hoặc trụ có tâm không thể nghĩ bàn, hoặc trụ vô tâm không thể nghĩ bàn. Nên nói các trụ không thể nghĩ bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào gọi là nhất dị không thể nghĩ bàn? Ba đời Như Lai đồng ở một chỗ, tự tánh thanh tịnh, thâu nhiếp cõi vô lậu, hoặc là một, hoặc sai khác đều không thể nghĩ bàn. Nên nói nhất dị không thể nghĩ bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào là lợi lạc không thể nghĩ bàn?

Thần lực trí tuệ đồng một pháp giới. Bát-nhã và phương tiện hai tướng bình đẳng, có thể làm cho hữu tình được vô lượng lợi lạc, không thể nói được, vượt qua cảnh giới ngôn ngữ nhưng thuận theo căn tánh khác nhau của chúng sanh, tạo ra nhiều cách nói và nhiều kiểu thị hiện: ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tùy theo tâm hữu tình mà thị hiện.

Mạn-thù-thất-lợi thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?

Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

- Thiện nam tử! Tướng tốt của Như Lai vô lượng, vô biên, nếu Ta nói rộng ra không thể hết được, nhưng theo sở thích của thế gian chỉ nói gồm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào gọi là ba mươi hai tướng?

1. Dưới bàn chân Như Lai đầy đặn, vững chải khéo đẹp giống như đáy hộp. Đất dù cao hay thấp nhưng khi chân Ngài đạp lên thảy đều bằng phẳng và đều tiếp xúc chân Ngài.

2. Dưới bàn chân Như Lai có vằn nghìn căm xe và hình vành trục xe tròn trịa.

3. Tay chân Như Lai đều mềm mại như bông vải, hơn tất cả.

4. Ngón tay, chân Như Lai đều thon dài tròn đẹp hơn người, biểu lộ sự trường thọ.

5. Giữa kẻ mỗi ngón tay, chân của Như Lai có màng lưới da dính nhau, có đường vân như bức thêu màu vàng ròng, giống chim nhạn chúa.

6. Gót chân Như Lai rộng dài tròn đầy tương xứng với mu chân, khác hơn các hữu tình.

7. Mu chân Như Lai nổi cao đầy đặn, xinh đẹp mềm mại tương xứng với gót chân.

8. Hai bắp chân Như Lai thon tròn như bắp đùi nai chúa.

9. Hai cánh tay Như Lai dài thẳng tròn đầy như vòi voi chúa. Nếu đứng thẳng thì tay rờ tới đầu gối.

10. Âm tàng của Như Lai ẩn kín như ngựa, rồng, voi chúa.

11. Mỗi lỗ chân lông có một sợi lông mềm nhuận xanh biếc và xoay vòng bên phải.

12. Lông, tóc Như Lai mướt đều, uốn lên và xoay về bên phải, mềm nhuận xanh biếc, thân thể vàng rực, trang nghiêm rất khả ái.

13. Da thân Như Lai mỏng láng mịn trơn, đất bụi nước đều không bám vào được.

14.  Da thân Như Lai đều màu vàng ròng, chói sáng như đài Diệu Kim, trang nghiêm bằng các thứ báu. Mọi người đều ưa nhìn.

15. Bảy chỗ: hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân, hai vai và đỉnh đầu của Như Lai đều đầy đặn, sáng láng mềm mại rất dễ ưa thích.

16. Cổ vai Như Lai tròn đầy đẹp lạ.

17. Vai nách Như Lai đều đầy đặn, chắc nịch.

18. Dung nghi Như Lai ngay ngắn hùng dũng.

19. Thân tướng Như Lai cao rộng đoan nghiêm.

20. Thể tướng Như Lai ngang rộng tương xứng, tròn đầy như cây Nặc-cù-đà.

21. Cằm, ngực và thân trên của Như Lai bằng phẳng, oai dung rộng lớn như sư tử chúa.

22. Ánh sáng từ thân Như Lai phát ra xung quanh một tầm.

23. Như Lai đủ bốn mươi chiếc răng đều nhau, khít, trắng hơn ngọc kha tuyết.

24. Bốn răng cửa của Như Lai trắng trong bén sắc.

25. Như Lai thường được thượng vị trong các mùi vị, vì mạch yết hầu thẳng nên có thể dẫn thượng vị vào nghìn gân mạch chi tiết trong thân.

26. Tướng lưỡi Như Lai rộng dài, mỏng sạch, phủ tới mặt cho đến mé tai.

27. Giọng nói Như Lai có âm vang to lớn thanh nhã, dù chúng nhiều hay ít đều được nghe. Phát âm vang rền giống như tiếng trống trời, lời nói diệu dàng trong trẻo như chim Tần-ca.

28. Lông mi Như Lai như trâu chúa, xanh biếc ngang đều chẳng rối.

29. Mắt Như Lai xanh biếc, trong sáng phân minh.

30. Khuôn mặt Như Lai tròn đầy như trăng, tướng lông mày sáng xanh, cong như cung Thiên đế.

31. Giữa mày Như Lai có tướng lông trắng xoáy quanh theo chiều bên phải, mềm mại như bông vải trắng, đẹp như ngọc kha tuyết.

32. Trên đỉnh đầu Như Lai có cục thịt tròn nổi cao như búi tóc.

Đây gọi là ba mươi hai tướng của Như Lai.

Mạn-thù-thất-lợi! Thế nào là tám mươi vẻ đẹp?

1. Móng tay Như Lai hẹp dài, mỏng và láng bóng như hoa đồng đỏ.

2. Ngón tay, chân Như Lai tròn, thon dài, ngay thẳng, mềm mại, đốt xương không lộ.

3. Ngón tay, chân Như Lai đều ngang bằng không so le, ở các kẽ ngón đều đầy đặn.

4. Tay chân Như Lai tròn đầy như ý, mềm sạch sáng láng như hoa sen.

5. Gân mạch Như Lai kết lại bền chắc nhưng ẩn kín không lộ ra.

6. Mắt cá Như Lai ẩn kín.

7. Như Lai bước đi vững chãi, dáng vẻ ung dung như voi chúa.

8. Như Lai bước đi nghi ung nghiêm trang như sư tử chúa.

9. Như Lai bước đi bình an chừng mực, không dài không ngắn, giống như trâu chúa.

10. Như Lai bước đi oai nghi, tiến dừng như con thiên nga chúa.

11. Khi ngó lại, Như Lai đều quay về bên hữu chuyển cả toàn thân như voi chúa, như rồng.

12. Lóng đốt Như Lai lần lượt tròn đều, một sự sắp xếp khéo léo tuyệt hảo.

13. Đốt xương Như Lai kết khít không hở như rồng cuộn.

14. Đầu gối Như Lai rắn chắc tròn đẹp.

15. Chỗ kín của Như Lai có văn rất đẹp, đầy đủ uy thế, hoàn toàn sạch sẽ.

16. Thân Như Lai nhuận trơn, mềm mại, bóng bảy, sạch đẹp, bụi đất chẳng dính.

17. Nghi dung Như Lai oai nghiêm, không sợ sệt, cũng chẳng khiếp nhược.

18. Các phần của Như Lai đều rắn chắc, dày dặn, ăn khớp với nhau.

19. Thân thể Như Lai an định viên mãn, chẳng khuynh động, trọn vẹn không hư hoại.

20. Thân tướng Như Lai như Tiên vương, đoan nghiêm, sáng rực chẳng mờ.

21. Thân Như Lai có hào quang xung quanh, khi đi v.v… thân Như Lai luôn toả sáng.

22. Bụng Như Lai vuông thẳng không khuyết, mềm mại, chẳng lộ, các tướng trang nghiêm.

23. Rốn Như Lai sâu tròn, xoay quanh bên phải, thanh tịnh sáng rỡ.

24. Rốn Như Lai sâu, chẳng lồi, chẳng lõm, chung quanh đẹp đẽ.

25. Da của Như Lai hoàn toàn không có bệnh ghẻ lở, cũng không có nét xấu như nốt ruồi, tàn nhan, bướu v.v...

26. Lòng bàn tay Như Lai đầy đặn mềm mại, dưới lòng bàn chân bằng thẳng.

27. Vân tay Như Lai sâu dài rõ thẳng, nhuận trơn không đứt đoạn.

28. Môi Như Lai đỏ như quả Tần-bà, hai vành môi cân xứng.

29. Khuôn mặt Như Lai chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn, chẳng nhỏ, đầy đặn trang nghiêm.

30. Lưỡi Như Lai mềm mỏng, rộng, dài, màu như đồng đỏ.

31. Âm thanh Như Lai vang trầm như voi chúa rống, oai chấn tất cả.

32. Âm vận Như Lai mỹ diệu đầy đủ, như tiếng vang trong hang sâu.

33. Mũi Như Lai cao dài, ngay thẳng, lỗ mũi không lộ.

34. Răng Như Lai vuông, ngay thẳng, trắng đẹp.

35. Các răng Như Lai tròn trắng, sáng sạch, bén sắc.

36. Mắt Như Lai trong, xanh, và trắng phân minh.

37. Mắt Như Lai rộng dài như lá hoa sen xanh, rất đẹp khả ái.

38. Lông mi Như Lai trên dưới ngang thẳng, dày dặn, không trắng.

39. Đôi mày Như Lai dài, rậm, nhỏ, mềm mại, không trắng.

40. Đôi mày Như Lai mịn màng thứ tự, xanh biếc như lưu ly.

41. Đôi mày Như Lai cao, sáng như hình trăng non.

42. Tai Như Lai dày, rộng, lớn dài, hai trái tai tròn rủ xuống.

43. Hai tai Như Lai ngang bằng đẹp lạ, tránh xa lỗi lầm.

44. Dung nghi Như Lai có thể khiến mọi người thấy đều ái kính, không có sự tổn hại, không có sự ô nhiễm.

45. Trán Như Lai rộng, tròn đầy, bằng phẳng, hình tướng đẹp lạ.

46. Thân trên của thân Như Lai viên mãn như như sư tử chúa, oai nghiêm đầy đủ.

47. Tóc đầu Như Lai dài, dày dặn, xanh biếc không trắng.

48. Tóc Như Lai thơm, sạch, nhỏ, mềm, trơn, xoắn tròn.

49. Tóc Như Lai dài đều, không rối cũng chẳng kết đùm.

50. Tóc Như Lai bền chắc, chẳng đứt, hoàn toàn không rụng.

51. Tóc Như Lai trơn láng, sáng rực đẹp lạ, chẳng dính bụi bẩn.

52. Thân Như Lai vững vàng, rắn chắc như thân Na-la-diên.

53. Thân thể Như Lai cao lớn ngay thẳng.

54. Các lỗ trên thân Như Lai thanh tịnh tròn đẹp.

55. Thân Như Lai có năng lực thù thắng không ai sánh bằng.

56. Thân tướng Như Lai ngắm hoài không chán.

57. Khuôn mặt Như Lai tròn đầy dài rộng đúng cỡ, sáng trong rực rỡ như trăng rằm mùa thu.

58. Nhan sắc Như Lai thư thái sáng rỡ, tươi nhuận, luôn mỉm cười trước khi nói, chỉ có thuận không có trái.

59. Diện mạo Như Lai rực sáng vui tươi, không bao giờ nhăn nhó, cáu gắt v.v...

60. Thân Như Lai trong sạch không bẩn, không hôi dơ.

61. Các lỗ chân lông của Như Lai thường tỏa ra mùi thơm vi diệu.

62. Miệng Như Lai luôn tỏa ra mùi hương thơm ngát tối thượng.

63. Tướng đầu Như Lai tròn đẹp như quả Mạt-đạt-na, cũng giống như cái lọng trời.

64. Lông thân Như Lai xanh biếc, sáng sạch như lông cổ chim công, như trang sức lụa màu đồng đỏ.

65. Âm thanh thuyết pháp của Như Lai tùy theo chúng sanh lớn nhỏ nhưng chẳng tăng, chẳng giảm, đúng lý không chấp trước.

66. Tướng đỉnh đầu Như Lai không ai thấy được.

67. Ngón tay, ngón chân của Như Lai thon, phân minh, trang nghiêm đẹp đẽ như màu đồng đỏ.

68. Khi đi, chân Như Lai cách đất bốn tấc nhưng có hiện ấn văn trên đất.

69. Thân Như Lai rắn chắc, chẳng dựa vào người khác, thân không khinh động cũng không uốn éo.

70. Oai đức Như Lai vang xa chấn động tất cả, kẻ ác tâm nghe thì vui mừng, người sợ hãi thấy được yên.

71. Âm thanh của Như Lai tùy theo ý chúng sanh mà ban lời hòa nhã vui vẻ, chẳng cao, chẳng thấp.

72. Như Lai thường tùy theo ngôn ngữ và ý muốn của chúng sanh mà thuyết pháp.

73. Như Lai thuyết pháp cùng một âm thanh nhưng tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sanh đều hiểu được cả.

74. Như Lai thuyết pháp theo thứ tự, tất cả đều có nhân duyên, không lời nào không hoàn hảo.

75. Như Lai coi chúng sanh bình đẳng như nhau: gặp thiện thì khen, gặp ác thì chê nhưng không có sự ưa ghét.

76. Phàm làm việc gì, Như Lai đều xem xét trước rồi làm sau, đúng theo qui tắc để người phân biệt một cách thanh tịnh hoàn toàn.

77. Tướng hảo của Như Lai, tất cả hữu tình ngắm không cùng tận.

78. Xương đỉnh đầu Như Lai cứng chắc tròn đầy.

79. Dung nhan Như Lai trẻ mãi không già, lớp mới luôn thay lớp cũ.

80. Tay chân và trước ngực Như Lai đều là tướng đức cát tường xoay tròn (chữ Vạn), đường vân như bức lụa thêu, màu ngọc châu đỏ.

Đây gọi là tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.

 

Tập 11

 Quyển 573

 Phẩm Tán Thán

 

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:

- Công đức của Như Lai thật là hiếm có, không gì sánh bằng, không thể nghĩ bàn. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có gì khác. Nếu được thấy Như Lai hoặc nghe công đức của Ngài thì loài hữu tình này cũng khó nghĩ bàn. Lại một lần nữa, hôm nay con được thấy Phật chuyển xe pháp lớn, thật là điều chưa từng có, nên hân hoan vui mừng.

Nói lời này rồi, Đại Bồ-tát liền bay lên hư không cao bảy cây Đa-la, chấp tay khen:

Tất cả loài hữu tình,

Chỉ Phật là tối tôn.

Không có ai sánh bằng,

Huống lại có người hơn.

Ngã và pháp đều Không,

Diệu lý Vô đẳng đẳng.

Chỉ Phật Thế Tôn ta,

Sánh bằng Vô đẳng đẳng.

Phiền não và tập khí

Đều hết hẳn không còn,

Biết được tất cả pháp

Đều hoàn toàn rõ ràng,

Hoặc trí hoặc thuyết pháp

Không ai sánh bằng Phật.

Cõi Tam thiên đại thiên,

Chỉ Phật là tối tôn.

Mười lực, vô úy thảy,

Thật có chẳng hư dối.

Đế thích cùng Phạm vương,

Thảy đều không thể bằng.

Đại ân đức Thế Tôn,

Thấm khắp các hữu tình.

Việc này khó nghĩ bàn,

Nhất định không ai bằng

Thường đem tuệ vi diệu

Và phương tiện thiện xảo,

Giáo hóa các hữu tình,

Khiến đều được lợi vui.

Khi ấy, trong hội có một Thiên tử tên là Diệu Sắc, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng Phật, dùng kệ khen:

Có kẻ nói thế gian ngang Phật,

Lời ấy là hư dối chẳng thật.

Nếu nói Pháp vương rất tối tôn,

Lời này là chắc thật chẳng dối.

Những hàng trời người đang vấn nạn,

Không ai bẻ được Đại sư ta.

Thiện Thệ hàng ma dẹp ngoại đạo,

Dẫn dắt thế gian đến giải thoát.

Bốn biện thanh tịnh nói không cùng,

Thuốc diệu cam lồ ban hữu tình.

Quán khắp các pháp trí vô ngại,

Tất cả sát-na chẳng giảm mất.

Bình đẳng đại bi xem hữu tình,

Tâm luôn thanh tịnh, đời chẳng nhiễm.

Biết rõ hoàn toàn căn, dục, tánh,

Tùy sự thích nghe mà ứng nói.

Phiền não khác nhau chẳng phải một,

Chỉ bày vô lượng môn đối trị.

Duy Phật khéo nói nhân duyên kia,

Luôn vì lợi lạc chúng hữu tình.

Gặp Phật nghe pháp chẳng chứng Thánh,

Hữu tình như thế thật khó độ.

Đại danh Như Lai phải khát ngưỡng,

Kẻ nào được thấy lợi vô hạn.

Phật trí luôn làm tâm thanh tịnh,

Được nghe chánh pháp khỏi sanh tử.

Nghe danh hiệu Phật điềm lành lớn,

Thường niệm Thế Tôn luôn hỷ lạc.

Phát tâm hướng Phật sanh trí tuệ,

Như lời dạy tu thành chủng trí.

Giới phẩm thanh tịnh không bẩn đục.

Tĩnh lự đệ nhất, tâm bừng sáng.

Trí tuệ tối thắng khó khuynh động,

Biển pháp thanh tịnh như cam lồ.

Tất cả hữu tình ưa buông lung.

Chư Phật chuyên tinh, lìa thế gian.

Thương yêu hữu tình như con một,

Ơn đức sâu dày không đền được.

Trước nói pháp phá giặc phiền não,

Sau dẹp thiên ma quân huyễn hóa.

Thế Tôn đã nói lỗi ba cõi,

Rộng bày vô lượng đức Niết-bàn,

Trăm ngàn đại kiếp khó được nghe,

Nên nay con chí thành tán lễ.

Bấy giờ, trong hội có một vị Thiên tử tên là Thiện Danh, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng về Phật dùng kệ khen:

Như Lai bình đẳng hành đại từ,

Nếu có thể dùng trí độ người.

Đề-bà-đạt-đa được độ trước,

Huống gì đối với hữu tình khác.

Nay tôi chẳng muốn để luống qua,

Tu trì đại hạnh đền ơn Phật.

Nếu chỉ tự chứng Diệt vô lậu,

Đối ơn Phật kia chưa đền được.

Nếu có tu hành như Phật dạy,

Mới được gọi là chơn Phật tử.

Phật chịu khổ lâu vì hữu tình.

Ơn lớn vô thượng khó trả được.

Đại từ khai rõ chơn diệu pháp,

Khiến chúng tự tu và độ người.

Nếu Phật chẳng hiện ở thế gian,

Tất cả hữu tình chịu khổ lớn,

Chỉ có ác thú không trời, người,

Nghe toàn các thứ âm thanh khổ.

Chịu khổ các cõi không ai khỏi,

Do vì phiền não buộc hữu tình.

Phật muốn cởi bỏ các gút độc,

Ngược lại buộc bằng dây đại bi.

Như Lai ruộng phước lớn của đời,

Nương pháp chánh tu lìa ác thú.

Nếu trái lời Phật chẳng tu hành,

Nhất định chẳng được sanh trời, người.

Nếu ai ác tâm với đức Phật,

Hoặc chẳng ưa nghe pháp thâm sâu,

Thì hữu tình này thật đáng thương,

Quyết định ở mãi chỗ tối tăm.

Như Phật Thế Tôn trí tự biết,

Loài kia Như Lai mới hiểu rõ.

Trí Phật chẳng phải để so lường,

Cúi đầu đảnh lễ mười phương Phật,

Vô úy, trí, lực, pháp bất cộng,

Chỉ Phật Thế Tôn có đầy đủ.

Tướng hảo trang nghiêm, hương vi diệu,

Người xem không chán, vượt các sắc.

Ba môn khai mở chẳng tạm dứt.

Hoa Phật thanh tịnh, nay tôi lễ.

Duy Phật hiểu đúng Vô thượng giác,

Vĩnh viễn ra khỏi các hiểm nạn.

Phật là đệ nhất bậc Vô thượng,

Cúi đầu quy mạng đấng Lưỡng túc.

Phật đem công đức nước chánh pháp,

Rửa trừ sạch hết các uế bẩn.

Thế Tôn xưa nay sạch trong ngoài,

Tôi nay đảnh lễ thân chơn tịnh.

Lúc này, đại Phạm vương chủ cõi Kham Nhẫn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng Phật, dùng kệ khen:

Như Lai đầy đủ thắng phước tuệ,

Lợi lạc hữu tình chẳng tạm ngưng,

Thường rưới cam lồ cứu đói khát.

Tôi nay cúi đầu làm lợi người.

Thế gian Người khả kính hơn hết.

Tất cả loài kia đến cúng Phật,

Đầy đủ các thiện, hết các ác.

Tôi nay kính lạy bậc Vô đẳng.

Vì muốn cứu vớt các hữu tình,

Chẳng còn hạnh nào không tu học.

Vượt khỏi sanh tử được an vui.

Ta nay đảnh lễ đấng cứu thế,

Lễ lạy thân sắc vàng vi diệu,

Lễ lạy bậc thuyết pháp cam lồ,

Lễ lạy trí thanh tịnh không bẩn,

Lễ lạy tất cả rừng công đức.

Bấy giờ, Phật bảo đại Phạm thiên vương:

- Lành thay! Lành thay! Như điều ông khen Như Lai là thật chẳng phải hư dối. Vì sao? Vì trong vô lượng kiếp, chư Phật Thế Tôn đã tu tập nhiều loại phước đức trí tuệ, do đó quả vị hoàn toàn đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ba nghiệp thân, ngữ, ý đều thanh tịnh, nên thông suốt được chơn như thật tế, vì trụ thật tế nên nói ra điều gì chẳng hư dối.

Khi ấy, đại Phạm thiên vương đảnh lễ chân Phật, chấp tay cung kính, bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn dùng năng lực thần thông làm cho Bát-nhã ba-la-mật-đa này trụ lâu ở thế gian để làm lợi lạc cho tất cả.

Phật bảo đại Phạm thiên vương:

- Tất cả Như Lai trong mười phương ba đời đều dùng đại thần thông, cùng chung hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu để trụ lâu ở thế gian, làm lợi lạc cho tất cả. Thiên ma, Phạm chí, ngoại đạo, Sa-môn đều không thể phá diệt và gây trở ngại. Vì sao? Vì Ta nhớ quá khứ có Phật tên là Bảo Nguyệt Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Nước tên Vô Hủy, kiếp tên Hỷ Tán. Phật kia có hai đệ tử Bí-sô làm đại pháp sư, khéo thuyết giáo pháp thâm sâu. Một tên là Trí Thịnh, hai tên là Đế Thọ, thường theo Phật kia chuyển xe chánh pháp. Trải qua một kiếp tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, có trăm ngàn ức chúng ma cõi Tam thiên đại thiên đều được giáo hóa phát tâm Bồ-đề. Vì thế nên các Thiên ma không có sức phá diệt và cản trở.

Đại Bồ-tát Tịch Tĩnh Tuệ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bảo Nguyệt Như Lai trụ ở chỗ nào? Vẫn còn trụ ở đời hay đã nhập Niết-bàn rồi?

Thế Tôn bảo Tịch Tĩnh Tuệ:

- Thiện nam tử! Cách phương Đông hơn mười ngàn ức thế giới chư Phật, đã từng có thế giới tên là Vô Hủy. Trong thế giới ấy, Như Lai thọ một vạn kiếp. Ở thế giới ấy, Phật thường thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Các Thiên ma và ngoại đạo v.v... không thể làm chướng ngại kinh điển này và đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Bí-sô Trí Thịnh nay chính là Mạn-thù-thất-lợi. Bí-sô Đế Thọ nay là Thiên vương Tối Thắng. Hai vị Bồ-tát này đã dùng các phương tiện thiện xảo ủng hộ Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, làm cho trụ lâu ở đời. Mười phương cõi Phật nếu có thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này thì hai vị Bồ-tát ấy liền đến nghe nhận. Như ngày nay, Ta thuyết pháp môn này, phóng đại quang minh, tìm theo ánh quang minh đến đây vân tập.

 

Tập 11

 Quyển 573

 Phẩm Phó Chúc

 

Bấy giờ, Phật bảo A-nan-đà:

- Ông nên thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, chớ để quên mất.

A-nan-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thọ trì kinh điển này như thế nào?

Phật bảo A-nan-đà:

- Thọ trì kinh này có mười phương pháp:

1. Biên chép.

2. Cúng dường.

3. Dạy cho người khác.

4. Lắng nghe.

5. Tìm đọc.

6. Thọ trì.

7. Giảng rộng.

8. Phúng tụng.

9. Suy nghĩ.

10. Tu tập.

Dựa vào mười pháp đó mà thọ trì kinh này. Thí như ở thế gian, tất cả cỏ cây, hoa, quả, thuốc v.v... đều nương vào đại địa. Cũng vậy tất cả pháp lành thù thắng đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vua Chuyển luân nếu trụ ở đời thì bảy báu luôn xuất hiện. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng lại như thế, nếu trụ ở đời thì Tam bảo không bị diệt.

Khi ấy, đại chúng chiêm ngưỡng tôn nhan Thế Tôn, rồi khóc than:

- Sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể gánh vác trọng trách đại pháp của Thế Tôn? Nghĩa là vị ấy phải trải qua vô lượng, vô biên đại kiếp tu tập mới được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Trong chúng có một vạn hai ngàn Bồ-tát vì hộ pháp này liền đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính, nói kệ:

Chúng tôi bỏ thân mạng,

Chẳng cầu phước đời sau,

Hộ trì lời Phật dạy,

Chánh pháp thâm sâu này.

Trong chúng có năm trăm Thiên tử do Hiền Vương dẫn đầu, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính, nói kệ:

Vì độ các hữu tình,

Thành tựu nguyện đại bi.

Hộ trì lời Phật dạy,

Chánh pháp thâm sâu này.

Lúc ấy, Trời Đế Thích, Phạm vương Trì Kế, Tỳ-sa-môn vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính, nói kệ:

Thuốc Bát-nhã nhiệm mầu,

Trị được tất cả bệnh.

Thế Tôn nay đã nói,

Chúng con xin thọ trì.

Thần cầm chày Kim cang cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệc y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính nói kệ:

Pháp vốn không danh tự,

Phật dùng danh tự nói.

Đại bi chơn giáo pháp,

Tôi nay xin thọ trì.

Bấy giờ, Phật bảo Phạm vương Trì Kế:

- Phạm thiên nên biết! Phật khen ba việc rất là vô thượng. Những gì là ba?

1. Phát tâm Bồ-đề.

2. Hộ trì chánh pháp.

3. Như giáo pháp tu hành.

Ba pháp này thật là vô thượng. Người nào tu hành được mới là chơn cúng dường Phật. Nếu Ta trụ ở đời một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nói công đức ấy cũng không thể hết. Hộ trì Như Lai bằng một bài kệ bốn câu, công đức ấy nói còn không hết, huống gì hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, là mẹ ba đời chư Phật. Vì sao? Vì chư Phật ba đời đều từ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà sanh ra, dùng pháp cúng dường là chơn cúng dường Phật. Nếu dùng tiền của thì chẳng phải chơn cúng dường. Nên cúng dường pháp là cúng dường tối thượng nhất. Nếu người nào hộ trì chánh pháp của Phật, phải biết người ấy an lạc ba đời.

Thế nên, Phạm thiên! Phải thường ủng hộ Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Sau khi nhờ hộ trì pháp, ông sẽ được gặp ngàn đức Phật trong Hiền kiếp và được thỉnh làm chủ. Phạm thiên nên biết! Ở cõi uế trược này, hộ trì chánh pháp trong giây lát, công đức đạt được còn hơn ở cõi Tịnh, hoặc một kiếp hay hơn một kiếp. Thế nên ông phải siêng năng hộ trì chánh pháp.

Thế Tôn lại bảo trời Đế Thích:

- Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu ở chỗ nào thì biết là Như Lai đã sanh chỗ đó và chứng quả Bồ-đề ở chỗ đó, chuyển pháp luân ở đó và nhập Niết-bàn cũng ở đó. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì tất cả Bồ-tát, tất cả pháp lành, tất cả Như Lai đều từ đây mà sanh. Nếu có pháp sư nào tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này thì chỗ ấy chính là chỗ Phật đã đi. Ở chỗ pháp sư, các loài hữu tình phải sanh tâm tôn trọng và gần gũi như Phật, vui mừng, cung kính, cúng dường, ngợi khen. Nếu Ta trụ ở đời một kiếp hay hơn một kiếp, nói về công đức mà pháp sư đây đã truyền bá kinh này cũng không thể hết.

Kiều-thi-ca! Khi pháp sư này đi đến chỗ nào, có thiện nam tử v.v… chích máu nhỏ xuống đất cúng dường, vẫn chưa gọi là nhiều. Vì sao? Vì pháp luân vô thượng khó thọ trì vậy.

Trời Đế Thích thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, chỗ nào thuyết kinh này, con và quyến thuộc đều ủng hộ vị pháp sư và bảo vệ địa phương ấy. Nếu thấy kinh này để ở chỗ nào liền sanh tâm như bốn chỗ đã nói ở trước.

Bấy giờ, Thế Tôn khen trời Đế Thích:

- Ông làm được như vậy thật quí hoá thay, quí hoá thay! Ta đem kinh này giao phó và dặn dò ông. Đời sau, ông phải ủng hộ lưu truyền.

Trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chư thiên chúng con được sanh vào cảnh giới an lành đều nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa; phát tâm Bồ-đề cũng nhờ vào đây. Thế nên chúng con chẳng tiếc thân mạng, ủng hộ giáo pháp thâm sâu của Thế Tôn.

Phật lại khen trời Đế Thích:

- Hay thay! Hay thay! Hãy làm như đã nói.

Khi đức Thế Tôn thuyết kinh này rồi, Thiên vương Tối Thắng và các Đại Bồ-tát trong mười phương cõi, tất cả Thanh văn, trời, rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạt-hô-lạc-già, người chẳng phải người v.v... nghe Phật thuyết đều rất vui mừng, tin nhận phụng hành.

 

 

   Quyển thứ 573

Hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/09/2018(Xem: 17266)
Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng. Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế. Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế. Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua cái được thấy và cái được nghe. Bùi Giáng đi đứng nằm ngồi giữa phố như không một nơi để tới chính là diệu chỉ sống với cái Như Thị của Kinh Pháp Hoa, hiển lộ qua cách thõng tay vào chợ. Bùi Giáng viết xuống chữ nghĩa xa lìa có/không, dứt bặt đúng/sai, hễ viết xuống là gửi vào tịch lặng bờ kia chính là diệu chỉ gương tâm rỗng rang của Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng trong tâm tôi nhiều thập niên qua.
23/08/2018(Xem: 6193)
Tôi thật may mắn được biết đến và là học trò của Hòa thượng Thích Minh Châu. Tôi có may mắn lớn này là nhờ bác Vũ Chầm, Chủ tịch VinaGiày, một tấm gương sáng về tu tập và phụng sự. Thế rồi mỗi lần từ Hà Nội vào Sài Gòn là tôi thường tìm mọi cách đến thăm Thầy. Mỗi lần được bên Thầy là một cơ hội được học hỏi, được dạy dỗ và chỉ bảo, được nhận năng lượng và bình an.
23/08/2018(Xem: 8320)
Thường trực BTS GHPFVN tỉnh Khánh Hòa vừa ký Cáo phó kính tiếc báo tin HT.Thích Đức Lưu, Ủy viên Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng BTS GHPGVN huyện Cam Lâm, Ủy viên Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh, trụ trì chùa Pháp Vân tân viên tịch. Theo cáo phó, HT.Thích Đức Lưu do bệnh duyên.đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 18 giờ, ngày 21-8-2018 (11-7-Mậu Tuất) tại chùa Pháp Vân, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa . Trụ thế 64 năm, hạ lạp 42 năm. Lễ nhập kim quan lúc 15g, ngày 22-8-2018 ( 12-7-Mậu Tuất), kim quan được tôn trí tại chùa Pháp Vân Lễ viếng bắt đầu từ 8 g, ngày 23-8-2018. Lễ tưởng niệm vào lúc 14g, ngày 25-8-2018 (nhằm 15-7-Mậu Tuất), sau đó 15g phụng tống kim quan nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Pháp Vân, Cam Lâm.
23/08/2018(Xem: 11680)
Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn tiếng anh chia sẻ với Phật tử thế giới
18/08/2018(Xem: 5733)
Lễ Huý Nhật Lần thứ 1 Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu tại Chùa Phật Quang, Victoria, Úc Châu. Thứ Bảy, 18-8-2018 Chương Trình Lễ Huý Nhật: - Cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni quang lâm - Cung An Chức Sự (NS Thích Nữ Chân Kim) - Nghi cúng tiến Giác Linh Đức Trưởng lão Hòa Thượng - Lễ Chào Phật Giáo Kỳ và một phút nhập Từ Bi Quán - Tuyên bố lý do và giới thiệu chư Tôn Đức tham dự ( MC TT Thích Nguyên Tạng) - Cung tuyên Tiểu Sử Cố Trưởng Lão Hòa Thượng ( TT Thích Tâm Phương - Lời Đạo Tình của Trưởng Lão HT Thích Huyền Tôn, Phó Thượng Thủ GHPGVNTTG, Tăng Giáo Trưởng GHPGTNHNUĐLTTL Viện Chủ Chùa Bảo Vương - Lời tưởng niệm về Đức Trưởng Lão HT Thích Tâm Châu ( HT Thích Tịnh Đạo) - Dâng hoa cúng dường Giác Linh Đức Trưởng Lão Hòa Thượng - Ngâm thơ của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Truy niệm Giác Linh. (Phật tử Tuệ Minh) - Cảm Tạ của ban tổ chức. (ĐĐ Thích Chân Phong) - Cúng Dường Trai Tăng và hoàn mãn.
15/08/2018(Xem: 7687)
Nếu chúng ta từ phương diện thư tịch nhìn về quá trình du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam, cho thấy số lượng kinh sách trước tác hay dịch thuật của người Việtquá ư khiêm tốn,nội dung lại thiên về thiền họcmang đậm nét cách lý giải của người Hoa về Phật học Ấn Độ, như “Khóa Hư Lục”, “Thiền Uyển Tập Anh” (禪苑集英), “Thiền Tông Chỉ Nam”, “Thiền Tông Bản hạnh”…Điều đó minh chứng rằng, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu nặng cách lý giải Phật học của người Hoa. Nguyên nhân nào dẫn đến sự ảnh hưởng này, theo tôi ngoài yếu tố chính trị còn có yếu tố Phật giáo Việt Nam không có bộ Đại tạng kinh bằng Việt ngữ mang tính độc lập, để người Việt đọc hiểu, từ đó phải dựa vào sách của người Hoa, dẫn đến hiểu theo cách của người Hoa là điều không thể tránh. Nếu thế thìchúng ta nghĩ như thế nào về quan điểm độc lập của dân tộc?Tôi có cảm giác như chúng ta đang lúng túng thậm chí mâu thuẫngiữa một thực tại của Phật giáo và tư tưởng độc lập của dân tộc.
13/08/2018(Xem: 6803)
Cách đây hơn một tuần, trong khi tìm kiếm tài liệu để viết lại tiểu sử tóm tắt của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương với các chi tiết chọn lọc, cần thiết, đã được cập nhật,theo ý của chúng tôi. Chúng tôi mới bỗng nhớ ra rằng: Năm 1978, lúc Ni Sư mới 15 tuổi, Ni Sư xuất gia với Sư Bà Hải Triều Âm (Đại Ninh - Việt Nam). Như vậy, tính đến năm 2018 này, là năm kỷ niệm 40 NĂM XUẤT GIA CỦA NI SƯ THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG. Tuy mới biết và được hầu chuyện Ni Sư chỉ năm mười phút ngắn ngủi tại Chùa Hương Sen, rồi sau đó đọc một số tác phẩm, những bài pháp luận, thuyết trình… của Ni Sư. Chỉ ngần ấy thôi, nhưng chúng tôi vẫn luôn lưu giữ cái cảm nhận rất chân thành và nghiêm túc này: Rằng Ni Sư Thích Nữ Giới Hương là người rất mực khiêm cung, suy nghĩ cẩn mật. Rằng Ni Sư là người kiên tâm trì chí tu học và hành Đạo suốt 40 năm ấy; Rằng Ni Sư Thích Nữ Giới Hương là “Người gieo duyên Phật pháp, gieo duyên Đạo”* không ngừng nghỉ và không biết mỏi mệt. Và rất nhiều đức khác mà chúng tôi kính trọng, ngưỡng vọng
11/08/2018(Xem: 7740)
Hòa Thượng Thích Huyền Tôn: Chúc thọ Đức Đại Thụ Tăng Thống Thích Quảng Độ. Cung Kính Chúc Thọ Đại Thụ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ Trí Lực câu viên Đạo Lực Tu Di ! Úc Châu Tiểu đệ HT Thích Huyền Tôn (91 tuổi).
03/08/2018(Xem: 24829)
Hòa Thượng Thích Minh Tuyền vừa viên tịch tại Nhật Bản, Hòa Thượng THÍCH MINH TUYỀN thế danh LÊ MINH TUYỀN sanh ngày 08 tháng 09 năm 1938 (Mậu Dần), tại thôn Bình Hội, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Xuất gia năm 7 tuổi (Năm Ất Dậu (1945) tại Chùa Bửu Tích thuộc thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Năm 1970, HT đến du học tại Nhật Bản và lưu trú đến ngày nay. Vì tuổi cao sức yếu, Nài đã thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 3giờ 35 phút sáng ngày 22 tháng 08 năm 2017 (nhằm ngày 01 tháng 07 nhuần năm Đinh Dậu), trụ thế 80 năm, 60 hạ lạp. Chương trình Tang Lễ của Hòa Thượng Tân Viên Tịch sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Ngưỡng mong Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và Quý Đồng Hương Phật Tử gần xa nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Tân Viên Tịch Thích Minh Tuyền Cao Đăng Phật Quốc.
01/08/2018(Xem: 10265)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cùng Môn Đồ Pháp Quyến thành kính báo tin: Tỳ Kheo Thích Nguyên Kim, Pháp tự Toàn Hiệp, Pháp hiệu Tâm Không, Nguyên Thành viên GHPGVNTNHK, Giáo Thọ Sư Chùa Cổ Lâm, Seattle, WA, Hoa Kỳ, và Chứng minh Đạo Sư Đạo Tràng Nhân Quả, Garden Grove do tuổi già sức yếu đã thuận thế vô thường viên tịch lúc 10:30 sáng Thứ Hai, ngày 30 tháng 7 năm 2018 tại bệnh viện Tri - City Medical Center Thành Phố Oceanside. Chương Trình Lễ Tang sẽ được tổ chức lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy ngày 4 tháng 8 năm 2018 và Chủ Nhật ngày 5 tháng 8 năm 2018, tại Đạo Tràng Nhân Quả, 10801 Trask Ave, Garden Grove, CA 92843; Phone: (714) 251-9067. Lễ Tưởng Niệm sẽ được cử hành vào lúc 6:30 sáng Chủ Nhật, ngày 5 tháng 8 tại Chùa Bát Nhã, 4717 W. First St., Santa Ana, CA 92703, Tel. (714) 571-0473. Kính mong chư Tôn Đức Tăng Ni cùng quý Đồng Hương Phật Tử nhất tâm hộ niệm Giác Linh Tỳ Kheo tân viên tịch Thích Nguyên Kim cao đăng Phật Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]