Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuộc đời và hành trạng của Lạt Ma Zopa Rinpoche (1945-2023)

17/09/202320:30(Xem: 3140)
Cuộc đời và hành trạng của Lạt Ma Zopa Rinpoche (1945-2023)

Lama_Zopa (207 of 288)
Cuộc đời và hành trạng

của Lạt Ma Zopa Rinpoche (1945-2023)




DẪN NHẬP

Rinpoche ra đời ở Thangme, Nepal, năm 1945. Lúc ba tuổi, ngài được công nhận là vị tái sanh của hành giả du già Sherpa Nyingma, Kunsang Yeshe, Lawudo Lama. Ngôi nhà của Rinpoche ở Thangme không cách xa hang động Lawudo, ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn của Nepal, nơi mà vị tiền nhiệm của ngài đã hành thiền trong 20 năm cuối đời. Bài mô tả của Rinpoche về những năm đầu đời của ngài có thể được tìm thấy trong sách của ngài, Cánh Cửa Mãn Nguyện, (Nhà Xuất Bản Trí Tuệ). Lúc mười tuổi, Rinpoche đến Tây Tạng và đã tu học, hành thiền tại tu viện của Domo Geshe Rinpoche gần Pagri, cho đến khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng vào năm 1959, khiến ngài phải rời khỏi Tây Tạng, để được an toàn ở Bhutan.

Rồi Rinpoche đến trại tỵ nạn của người Tây Tạng ở Buxa Duar, miền Tây Bengal, Ấn Độ, nơi mà ngài đã gặp Lama Yeshe, người trở thành vị thầy gần gũi nhất của ngài. Hai vị Lạt ma đến Nepal năm 1967, và trong vòng hai năm sau đó, đã xây dựng Tu Viện Kopan và Tu Viện Lawudo. Năm 1971, Lama Zopa Rinpoche mở khóa nhập thất Lamrim thường niên lừng danh đầu tiên, và đến ngày nay, khóa nhập thất này cứ tiếp tục ở Kopan.

Năm 1974, Rinpoche bắt đầu du hành khắp thế giới với Lama Yeshe để thuyết Pháp và thành lập các trung tâm Phật giáo. Khi Lama Yeshe viên tịch năm 1984, Rinpoche đã đảm nhận chức giám đốc tâm linh của Hội Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa (FPMT), và cơ quan này đã tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo vô song của ngài. Là giám đốc tinh thần của các trung tâm Phật giáo, dự án và dịch vụ rộng lớn của FPMT gần bốn mươi năm, công hạnh từ thiện của Rinpoche đã chứng kiến sự tăng trưởng của các dự án từ thiện và hoạt động lợi lạc trên toàn thế giới. Bạn có thể tìm thêm thông tin chi tiết về cuộc đời và công hạnh của Rinpoche trên trang mạng FPMT.

Hàng ngàn trang giáo pháp của Rinpoche đã được Viện Lưu Trữ Trí Tuệ Lama Yeshe (Lama Yeshe Wisdom Archive) đăng tải trong dạng bản sao chép, sách và Pháp âm, hầu hết đều là giáo pháp miễn phí trên trang mạng của Viện Lưu Trữ này. Các bài Pháp khác của Rinpoche đã được ấn tống bao gồm Năng Lượng Trí Tuệ (đồng sáng tác với Lama Yeshe), Chuyển Hóa Vấn Đề Thành Hạnh Phúc, Lama Zopa Kính Mến và những bài khác do Nhà Xuất Bản Trí Tuệ (Wisdom Publications) ấn tống, cùng nhiều tập sách cầu nguyện và hành trì được FPMT Foundation Store đăng tải.

Ngày 13 tháng 4 năm 2023, lúc 9 giờ 30 sáng theo giờ Nepal, Lama Zopa Rinpoche đã thị hiện việc viên tịch. Rinpoche đã đến vùng núi trong thung lũng Tsum và phải trở về Kathmandu khẩn cấp vì bị say độ cao. Khi trở lại Kathmandu thì Rinpoche đã tắt thở và nhập định lần sau cùng (tukdam). Rinpoche được đưa trở về phòng của ngài tại Tu Viện Kopan, nơi ngài tiếp tục thời thiền trong thanh quang đến 10 giờ tối ngày 14 tháng 4. Khi Rinpoche chấm dứt thời thiền thì quá trình ướp thánh thể bắt đầu.

Thỉnh thoảng, trong khi thuyết Pháp tại nhiều trung tâm trên khắp thế giới, Rinpoche đã kể về thời thơ ấu của mình: ở Thangme, rồi ở Tây Tạng, nơi ngài đã đến khi lên mười, và cuối cùng là Ấn Độ, nơi ngài gặp Lama Thubten Yeshe lần đầu tiên, đó là sư phụ của ngài, và ngài đã trở thành đại đệ tử của Lama Yeshe, cho đến khi Lama viên tịch năm 1984. Ni Sư Ailsa Cameron biên soạn và hiệu đính.


lama zopa-2
Losang Gyatso
và Lama Zopa Rinpoche trẻ tuổi




Tôi không nhớ cha tôi trông ra sao. Tôi nghĩ rằng ông đã qua đời khi mẹ tôi đang mang thai em trai tôi, Sangye, và tôi còn là một đứa bé. Mọi người nói rằng ông có râu và không nói nhiều; họ mô tả ông là người điềm tĩnh và không dễ nổi cáu. Tôi không biết liệu ông có từng là một nhà sư hay không, nhưng tôi nghe nói là ông đọc kinh sách và làm lễ cúng dường (puja) cho người khác rất giỏi.

Cha tôi bị bệnh một thời gian trước khi qua đời. Một hôm, khi trở về nhà sau khi làm việc ở ngoài đồng, mẹ tôi thấy cha tôi ngồi im bên lò sưởi. Bà đã gọi ông: “Ba nó ơi, ông có muốn gì không?” nhưng ông không trả lời. Thân ông thẳng thóm; có thể ông đang ngồi thiền, nhưng tôi nghĩ mẹ tôi không nhận ra điều này. Bà đã kể chuyện này với bạn bè, nhưng họ không biết phải làm gì. Lẽ ra bà nên hỏi một vị lạt ma, nhưng tôi nghĩ sự hiểu biết của bà khá hạn hẹp. Bạn bè của bà chắc đã nghĩ rằng ông đã chết, nên bảo bà mang xác ông ra ngoài để hỏa thiêu.

Mẹ tôi đã không đến nhà hỏa táng, vì đó không phải là phong tục của người Sherpa. Tôi nghĩ rằng có thể cha tôi chưa thật sự chết khi ông được hỏa táng, rằng thần thức của ông vẫn chưa rời khỏi thân thể. Những người hỏa thiêu xác nói với mẹ tôi rằng "Ông ấy có vẻ như còn sống. Trông ông ấy không có vẻ như đã chết.".

Tất cả những điều tôi nhớ về cha tôi là những bộ quần áo mà ông để lại trong nhà. Khi còn rất nhỏ, vào buổi tối thì chị tôi, em trai tôi và tôi thường ngủ chung trong áo chuba của cha tôi, được lót bằng lông thú. Đôi khi chúng tôi nói với nhau: “Cái này là của cha.”.
Khi cha tôi còn sống, gia đình chúng tôi khá giả hơn những gia đình khác một chút. Chúng tôi có nhiều tài sản, dù theo tiêu chuẩn sống của phương Tây thì có lẽ chúng tôi chỉ giàu về rác rưởi. Tuy nhiên, sau khi cha tôi qua đời, vì mẹ tôi mắc nợ nên tài sản của chúng tôi bị cưỡng đoạt. Mẹ tôi đã trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi tôi được sinh ra, khi nhiều thú vật của chúng tôi như bò cái Tây Tạng (dri), dê và trừu đã chết.

Mẹ tôi phải lo hết việc đồng áng, rồi vào rừng lấy củi, mất nhiều tiếng đồng hồ. Chỉ có chị tôi mới có thể giúp bà. Tôi và em tôi chỉ chơi với đá và gỗ ở ngoài đồng cả ngày, chỉ về nhà khi mẹ tôi gọi qua cửa sổ rằng đã có thức ăn.

Khi tôi còn rất nhỏ, người bạn thân nhất của tôi là một cậu bé không biết nói. Ngày nào chúng tôi cũng chơi với nhau. Cậu ta và tôi thích chơi những trò chơi có nghi lễ. Gần nhà chúng tôi có một tảng đá lớn, có các minh chú được khắc trên đó. Tôi sẽ ngồi cách tảng đá một chút và giả vờ đang ban lễ điểm đạo, trong khi những cậu bé khác phải cố gắng nhận lễ điểm đạo. Vì không biết bài cầu nguyện nào, nên tôi chỉ làm ồn và giả vờ như mình đang cầu nguyện. (Thật ra tôi nghĩ hiện nay tôi vẫn đang chơi như vậy.) Chúng tôi cũng giả vờ làm lễ cúng dường (puja). Một số cậu bé sẽ bắt chước âm thanh của chập chõa, trong khi những cậu bé khác sẽ làm thí chủ. Chúng tôi sẽ trộn đất và nước trên những viên đá nhỏ bằng phẳng, và các thí chủ sẽ dọn món này như thức ăn cho những cậu bé khác.

Vì có một vài tin đồn lan truyền về tiền kiếp của tôi, và vì tôi có ước nguyện mãnh liệt muốn trở thành nhà sư, nên khi mới ba hay bốn tuổi, mẹ tôi đã gởi tôi cho một trong những người chú của tôi, một nhà sư ở Tu Viện Thangme địa phương, để học chữ cái. Tôi đã được người nào cõng đến đó.

Lúc đó, tôi rất nghịch ngợm và chỉ muốn chơi đùa, nên không ở trong tu viện. Chú tôi thường dạy tôi chữ cái ngoài sân, dưới mặt trời, và khi chú vào bếp nấu thức ăn cho chúng tôi, thì tôi chạy về nhà mẹ tôi, rất gần tu viện. Tôi rất nhỏ bé và đơn độc. Cũng như bao đứa trẻ miền núi khác, tôi không đi chậm, mà đi như nước đổ, chạy ào xuống nhà mẹ tôi, dọc đường chẳng bao giờ ngừng lại để nghỉ mệt. Sau đó, tôi bị mẹ mắng và đuổi về tu viện. Tôi trốn về nhà khá nhiều lần.

Vì vậy nên mẹ tôi đã gởi tôi cho một người chú khác để đến Rolwaling, một khu hẻo lánh hơn nhiều, thuộc về Solu Khumbu. Tôi được đưa đến đó, trên mớ hành lý. Không có cách nào trốn khỏi Rolwaling để về nhà, vì bạn phải vượt qua những ngọn núi tuyết có dốc rất cao và nguy hiểm trong hai ngày. Đôi khi, khi người ta băng qua những con dốc dựng đứng phủ tuyết, thì sẽ có một trận tuyết lở, và tất cả mọi người sẽ biến mất.

Ở một thời điểm, khi có thể tự viết chữ cái Tây Tạng (chúng tôi không có viết, nên đã dùng than để viết trên mảnh giấy), tôi đã viết thơ cho mẹ tôi, mà chú tôi không hay biết. Tôi có ý lén lút, vì muốn về nhà, nên nói với mẹ rằng mẹ phải viết thơ nói rằng tôi nên trở về nhà. Tôi đã đưa bức thơ cho một người đang đi du lịch đến Thangme, nhưng một điều buồn cười đã xảy ra. Khi đến chỗ mẹ tôi, thì ông không tìm thấy lá thơ. Ông đã để nó trong đôi giày da của mình, và chắc hẳn đã đánh rơi nó khi dừng lại dọc đường để giũ tuyết trong giày ra.

Tôi đã đi lại giữa Thangme và Rolwaling ba hay bốn lần với thầy của chú tôi. Ông đã cõng tôi và cho tôi thức ăn mà ông đã chuẩn bị, trước khi chúng tôi rời khỏi nhà. Chúng tôi vừa đi và ông vừa đưa thịt đã nấu chín và các thức ăn khác cho tôi. Chỉ có tuyết lở một lần, một trận nhỏ thôi. Hành lý văng khắp nơi, người ta thì té xuống dốc, nhưng họ không lo lắng. Họ hát những bài hát, khi lượm đồ đạc của mình.
Có một ngọn núi rất nguy hiểm, nước chảy xuống từ trên núi và đá lớn nhỏ liên tục rơi xuống. Các tảng đá khổng lồ sẽ lăn xuống wooroodoo, và các tảng đá nhỏ sẽ rơi xuống tiiing như thế! Có rất nhiều tiếng ồn khác nhau. Thật đáng sợ. Tôi không biết tại sao, nhưng mỗi khi chúng tôi dừng lại thì mọi người sẽ uống rượu, loại mạnh nhất làm từ khoai tây. Người Sherpa chế biến khoảng mười ba loại thực phẩm khác nhau từ khoai tây, đây là thực phẩm chính của họ, và một trong những thứ họ làm là rượu rất mạnh. Ở Solu Khumbu, theo phong tục thì hầu hết mọi người, kể cả nhiều nhà sư cũng uống rượu, dù có một số người không uống.

Thế là mọi người sẽ uống một chút rượu, sau đó làm ấm bằng cách xoa tay. Rồi thì họ có thể khiêng mớ hành lý khổng lồ, thường là hai hoặc ba hộp bơ hình vuông, cùng với thức ăn, mền và những thứ để bán. Họ đã vượt qua những nơi có nước và leo lên những tảng đá để lên trên đỉnh núi, chỉ hy vọng là mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Chúng tôi đi đi lại lại vài lần, và làm sao mà không có tảng đá nào rơi xuống khi chúng tôi băng qua. Tuy nhiên, mỗi khi chúng tôi nghỉ ngơi và uống rượu sau khi lên đến đỉnh núi ở phía bên kia, thì những tảng đá sẽ rơi xuống woorooroo! Nhiều lần tôi nghĩ, "Ồ, ai đó sẽ thiệt mạng.". Nhưng lần nào đá cũng rơi xuống ngay sau khi người cuối cùng đã băng qua. Suốt quãng đường đi, mọi người đều trì tụng bất cứ mật chú nào mà họ biết. Trường phái chính ở Solu Khumbu là Nyingma, nên hầu hết mọi người đều định tâm trì tụng mật chú Đức Liên Hoa Sanh.

Tôi không nhớ mình đã làm gì trong thời gian đó, có trì chú hay không, nhưng nhớ là đã được chú tôi cõng. Tất nhiên, ngay khi mọi người đến bờ bên kia, nơi không còn nguy hiểm, thì mọi lời cầu nguyện đều chấm dứt.

Tôi đã sống bảy năm ở Rolwaling. Thung lũng Rolwaling có dòng sông chảy ngang qua đó và những ngọn núi bao quanh. Ở một bên bờ sông là một tu viện, với một chánh điện (gompa) có những ngôi nhà khác bao quanh, nơi chú tôi, khi đó đã là một Tỳ kheo, và những vị lạt ma khác đã kết hôn, các hành giả đã nhập thất nhiều lần, nhưng không phải là nhà sư, và họ đã sống ở đó. Ngoài ra còn có một bảo tháp lớn trên đất bằng, với một con đường chạy qua ở giữa.

Ở bên kia sông là một bãi cỏ rất đẹp, nơi mà những người Tây phương đi bộ thường cắm trại. Vào mùa hè và mùa thu, khách du lịch sẽ đến Rolwaling - không phải lúc nào cũng vậy, mà chỉ đôi khi thôi. Những người Sherpa khuân vác sẽ hướng dẫn họ đến đó, và đôi khi đưa họ đến nhà thầy tôi, hoặc đôi khi chúng tôi sẽ đi xuống để gặp họ trong lều của họ. Tôi đã đến đó để gặp họ một hay hai lần.

Cây cầu bắc qua sông để đến đó chỉ là hai thân cây cột vào nhau. Bạn phải đi bộ trên đó, và nó không rộng lắm. Một hôm, tôi đi tặng khoai tây cho những người Tây phương trong trại — tôi không nhớ họ là ai. Thầy tôi bảo đừng đi, nhưng tôi nghĩ là tôi đã năn nỉ Thầy; dù sao thì tôi thật sự muốn đi để tặng khoai tây cho người Tây phương. Vì vậy nên thầy tôi để một số khoai tây trong cái hộp bằng đồng, dùng để ăn cơm hoặc uống chang, bia địa phương, và tôi đã đi một mình.

Tôi bước lên cầu. Con sông khá rộng, và khi đến giữa sông, theo tầm nhìn của tôi thì cây cầu bị nghiêng và tôi đã rơi xuống sông. Đầu tôi ngoi lên rồi lại hụp xuống. Sau này, theo lời thầy tôi kể lại thì lúc đầu, tôi đã trôi về phía thượng nguồn, sau đó trôi xuôi dòng. Tôi bị giòng sông cuốn trôi, thỉnh thoảng lại ngoi đầu lên. Lúc nào tôi cũng càng gần kề nguy hiểm hơn, đến chỗ dòng sông rất sâu, rất là sâu.
Một lần, khi đầu tôi ngoi lên mặt nước, tôi thấy thầy tôi từ tu viện chạy về phía dòng sông, khá xa tu viện. Có một vùng đồng bằng, rồi đến một ngọn núi khổng lồ, và tu viện trên sườn núi. Tôi thấy thầy mình chạy xuống núi, hướng về phía đồng bằng, vừa chạy vừa kéo chiếc quần may bằng vải đơn sơ mà thầy đang mặc.

Lúc đó, một ý tưởng phát sinh trong đầu tôi, rằng “Bây giờ thì người mà người ta gọi là “Lạt ma Lawudo” sẽ chết. Đây là kết cuộc”. Tôi không hiểu nhiều về giáo pháp và không có ý niệm gì về tánh Không, nhưng ý nghĩ này chỉ phát sinh mà không có sự sợ hãi. Nếu cái chết đến lúc này, thì tôi sẽ gặp khó khăn, nhưng lúc đó, tâm tôi hoàn toàn thoải mái. Không hề có sự sợ hãi, chỉ có ý tưởng là “Người mà người ta gọi là 'Lạt ma Lawudo' sẽ chết.”.

Khi vừa trôi đến vùng nước rất sâu, nơi rất khó để thầy tôi vớt tôi lên, thì cuối cùng thầy lại chụp được tôi và kéo tôi lên. Người tôi ướt sũng. Lúc đó tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ thầy đã nói rằng: “Ta đã bảo con đừng đi!”. Tôi nghĩ sự kiện tôi rơi xuống sông và đánh rơi tất cả mọi thứ, cái hộp và khoai tây, phải là một khuyết điểm, vì không nghe lời thầy. Về sau, tôi nghe người khác, những người đứng nhìn sự việc xảy ra, nói rằng một trong những người Tây phương đi du lịch đã chạy đến đó với máy chụp hình, và chụp cảnh tôi được vớt ra khỏi nước.
Tôi đã sống ở Rolwalking bảy năm, học thuộc lòng các bài cầu nguyện và đọc kinh sách, kể cả toàn bộ hàng trăm bộ giáo lý của Đức Phật, Kangyur, và luận giải của các học giả Ấn Độ, Tengyur. Giới cư sĩ sẽ thỉnh chúng tôi tụng đọc những kinh sách này như lễ cúng dường (puja), nên thầy tôi phải đọc suốt ngày. Tôi không biết phải đọc bao lâu mới xong, tôi nghĩ chắc phải mất nhiều tháng. Đôi khi, tôi đã ra ngoài để đi vệ sinh, và đã ở đó rất lâu, chỉ ngồi chơi, chứ không mau trở lại thời khóa tụng đọc

Sau bảy năm, khi khoảng mười tuổi thì tôi và các chú của tôi đến Tây Tạng. Lý do mà chúng tôi đến đó là để thăm một người chú khác, đang sống tại Pagri, một khu thương mãi lớn. Trước tiên, chúng tôi đi bộ từ Rolwaling đến Thangme, rồi từ Thangme đến Tu Viện Tashi Lhunpo, và cuối cùng đến Pagri. Tôi có ý tưởng là chuyến đi mất sáu tháng, đi bộ mỗi ngày. Vì tôi còn rất nhỏ, nên không phải xách thứ gì, mà các chú của tôi đã xách toàn bộ hành lý.
Tôi đã ở Tashi Lhunpo, tu viện của Panchen Lama bảy ngày, nhưng từ lúc chúng tôi rời Solu Khumbu, lòng tôi đã quyết sẽ tu học ở Mindroling, tu viện Nyingma lớn nhất ở Tây Tạng, vì tất cả các tu viện Sherpa đều thuộc về phái Nyingma. Kế hoạch của tôi là đến tu viện này để tu tập. Có nhiều tu viện khác trên đường đi, nhưng tôi lại không muốn sống ở đó.
Trước đó, lúc bảy hay tám tuổi, tôi đã đọc tiểu sử ngài Milarepa ba hay bốn lần, chủ yếu là để tập đọc chữ cái Tây Tạng. Không hiểu sao vào lúc đó, tâm tôi rất sáng suốt và có ước muốn mãnh liệt sẽ trở thành một hành giả thật tốt, bằng cách tìm ra một vị đạo sư không sai lầm như Marpa, y như vị đạo sư mà Milarepa đã có.
Ở Tu Viện Tashi Lhunpo, tôi gặp Gyaltsen, một nhà sư người Sherpa giống như một vị dobdob (sư quản giáo kỷ luật); ông có một chiếc shemtab (y áo) dính đầy bơ và luôn mang theo một chiếc chìa khóa dài. Dường như ông không tu học hay tham dự các lễ cúng dường (puja), mà chủ yếu đi lại giữa tu viện và thành phố. Hai người chú của tôi cũng ở đó với tôi, và một người đàn ông Sherpa khác.
Chúng tôi không tham dự các puja, nhưng lại xếp hàng với chư Tăng để nhận tiền, khi puja kết thúc. Tôi nghĩ có lẽ Gyaltsen đã hướng dẫn chúng tôi. Đêm cuối cùng trước khi chúng tôi ra đi, Gyaltsen nhất quyết yêu cầu tôi ở lại và trở thành đệ tử của ông. Suốt đêm đó, tôi không nghĩ mình đã ngủ được! Tôi đang tự hỏi làm sao mình có thể thoát khỏi điều này, vì cả hai người chú của tôi đều đồng ý, rằng tôi nên ở lại đó và trở thành đệ tử của ông. Nhưng tôi không hề mong muốn trở thành đệ tử của ông chút nào, không nghĩ ra cách nào để trốn thoát, không biết mình có thể làm gì ngày hôm sau. Sáng hôm sau, may mắn thay, cuối cùng thì các chú của tôi cũng đồng ý cho tôi đi cùng họ đến Pagri.

Hai người chú của tôi, người chú đã sống ở Pagri, và một người họ hàng của chú là một ni cô, tất cả đều đến Lhasa để viếng thăm các tu viện và cúng dường. Khi họ đi vắng, tôi chỉ đi loanh quanh ở Pagri, mặc chiếc chuba cũ màu đỏ và đội một chiếc nón cũ. Không hiểu sao tôi đã có nghiệp để trở thành một nhà sư, bởi vì một ngày nọ, khi ra khỏi nhà của chú tôi, tôi đã gặp một nhà sư cao lớn, sư quản lý một trong những tu viện của Domo Geshe. Chắc hẳn do duyên nghiệp nào đó trong quá khứ mà ông liền hỏi tôi: “Con có muốn làm đệ tử của ta không?” và tôi nói, "Dạ muốn". Tôi hỏi ông: “Ngài có thể giống như Marpa không?” và ông nói, "Được chứ.".

Vì chú tôi đi vắng, nên ông đã nói chuyện với vợ của chú tôi, và bà đã chấp nhận lời đề nghị của ông. Ngày hôm sau, bà pha một bình trà, để đầy những ổ bánh mì tròn (bà làm bánh mì Tây Tạng rất ngon, ăn kèm với rất nhiều bơ) trong cái hộp của người Bhutan, được đan bằng tre và dẫn tôi đến tu viện, nơi mà sư quản lý ở, chỉ một vài phút đi bộ từ nơi chúng tôi đang sống.

Lúc đầu, sư quản lý không biết chuyện tôi được cho là một hóa thân, nhưng không hiểu sao ông lại nghe được chuyện đó. Để chắc chắn, ông đã phối kiểm vấn đề với một vị vấn linh. Vị vấn linh đã triệu thỉnh vị Hộ Pháp chính, liên hệ với tu viện, và sau đó sư quản lý hỏi vị Hộ Pháp chuyện này có thật hay không. Tôi có thể nhớ lời tiên tri được vị Hộ Pháp ban cho một cách rất mạnh mẽ rằng tôi là một lạt ma tái sinh.

Khi các chú của tôi trở về từ Lhasa, thì lại muốn tôi cùng họ quay lại Solu Khumbu. Tôi nói rằng tôi sẽ không trở lại nơi đó. Chú thứ hai của tôi, người mà tôi đã chung sống bảy năm trời, rất tốt bụng – dù vào lúc đó, tôi không biết chú tốt bụng như vậy. Chú đã đánh tôi.

Khi tôi bác bỏ ý định quay trở lại thì người chú khác của tôi - người đã sống ở Tây Tạng và là một doanh nhân - đã mang ra một bộ y mới bằng gấm mà chú đã mua ở Lhasa, đồ trang trí cho ngựa, tất cả mọi thứ! Chú chất đống tất cả mọi thứ và nói rằng: "Nếu con quay lại Solu Khumbu thì ta sẽ cho con tất cả những thứ này; nếu không thì con sẽ không được gì hết.". Không hiểu sao lúc đó tôi không thích thú gì mấy với những thứ này. Tôi không nhớ là mình đã cảm thấy một sự lôi cuốn mạnh mẽ nào đối với những thứ mà chú sẽ cho tôi, nếu tôi đồng ý đến Solu Khumbu.

Vì tôi đã bác bỏ ý định trở lại Solu Khumbu, nên nhà sư quản lý của tôi đã đến phối kiểm với một trong những người đàn ông quyền lực nhất vùng đó, thơ ký của một gia đình rất giàu có và nổi tiếng, thí chủ lớn đối với tu viện của Domo Geshe Rinpoche. Khi sư quản lý hỏi ý của ông này, thì người thơ ký nói rằng tôi nên được đưa trở về Solu Khumbu.

Rồi tôi phải đến gặp vị thẩm phán trong quận. Trước khi ra tòa, tôi bị nhốt trong một phòng thờ rất tối tăm. Đúng ra thì các thí chủ địa phương nghĩ rằng tôi bị nhốt trong chuồng bò; những người phụ nữ quen biết tôi thường đến thăm tôi và nhét đồ ngọt và những thứ khác vào trong phòng, qua một cái lỗ nhỏ để cho tôi ăn.

Vị thẩm phán quận đến nơi và tôi được gọi đến trước mặt ông, không mặc quần áo (tôi không biết tại sao mình lại khỏa thân - tôi đã quên phần đó trong câu chuyện), và bởi vì phòng thờ, nơi tôi bị giam giữ rất tối và rất lạnh lẽo, nên toàn thân tôi run rẩy. Vị thẩm phán nói rằng tôi có quyền tự quyết định việc ở lại hay ra đi.

Vì vậy, tôi đã sống ba năm ở Pagri, thực hiện các puja tại nhà của người dân mỗi ngày, và đã thọ giới xuất gia getsul ở đó, tại tu viện của Domo Geshe Rinpoche, người được xem là hiện thân của Lama Tsongkhapa. Trước đó thì tôi không phải là nhà sư. Tôi đã thấy nhiều tu viện, nhưng không hiểu sao vì duyên nghiệp mà tôi chỉ trở thành tăng sĩ ở tu viện này trong phái Gelug. Tháng 3 năm 1959, người Trung Quốc chiếm Tây Tạng, nhưng vì khu vực đó gần Ấn Độ, nên không gặp nguy hiểm ngay trước mắt. Cuối năm đó, tôi được hướng dẫn để hành trì khóa nhập thất đầu tiên về Lama Tsongkhapa Guru Yoga, tại một tu viện gần đó tên là Pema Chöling, một chi nhánh thuộc về tu viện của Domo Geshe. Tôi không biết gì về thiền cả; tôi chỉ tụng bài cầu nguyện và một số migtsema. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành khóa nhập thất, nhưng không biết mình đã thực hiện nó như thế nào, hay đã đếm những mật chú nào.

Cuối năm 1959, khi mối đe dọa bị tra tấn sắp xảy ra thì chúng tôi quyết định trốn sang Ấn Độ. Một ngày nọ, chúng tôi nghe nói người Trung Quốc sẽ đến Pema Choling trong hai ngày nữa. Cũng trong đêm đó, chúng tôi đã ra đi trong bí mật. Chúng tôi chỉ phải vượt qua một ngọn núi để đến Bhutan. Một đêm nọ, vì trời rất ẩm ướt và không thể nhìn rõ đường, nên chúng tôi gặp chút rắc rối, lún xuống bùn và bị trượt chân. Có những người du mục ở biên giới. Nếu họ nhìn thấy chúng tôi thì khó mà trốn thoát, vì nghe nói một số trong đám người du mục là gián điệp, nhưng dù chó của họ có sủa, họ đã không ra khỏi lều.

Cuối cùng, chúng tôi đã đến Ấn Độ. Chúng tôi đến Buxa Duar ở phía Bắc, nơi chánh phủ Ấn Độ cung cấp nơi trú ngụ cho chư Tăng từ các Tu Viện Sera, Ganden và Drepung, những người muốn tiếp tục tu học, cùng với chư Tăng từ các trường phái khác. Tất cả bốn trường phái đều được tập họp ở một nơi. Vào thời của người Anh, Buxa được sử dụng làm trại tập trung, nơi mà cả Mahatma Gandhi và Nehru đều bị giam ở đó. Nơi Mahatma Gandhi bị giam đã trở thành ni viện, và nơi Nehru bị giam trở thành chánh điện cầu nguyện của Tu Viện Sera.
Vì có một chi nhánh thuộc tu viện của Domo Geshe ở Darjeeling, nên dự tính của tôi là đến đó. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng ở Buxa đã gởi tất cả các nhà sư khác trong nhóm của tôi đến Darjeeling, nhưng vì lý do nào đó, đã không cho tôi đến đó. Ông ấy nói một nhà sư khác nên ở lại với tôi ở Buxa. Chính vì viên cảnh sát này không cho phép tôi đến Darjeeling, nên tôi đã tu học ở Buxa. Tôi không biết tại sao ông ấy lại không cho tôi đến Darjeeling - không phải vì ông ấy đã ăn hối lộ.

lama zopa-3
Lama Zopa Rinpoche



Ở Buxa, cũng như nhiều nhà sư khác, tôi đã mắc bệnh lao vì khí hậu và điều kiện nghèo nàn. Tôi được một nữ tu người Anh thứ hai tên là Freda Bedi (nữ tu người Anh đầu tiên đã qua đời ở Darjeeling) mời đến Delhi. Cô đến thăm Buxa, nơi tất cả các nhà sư chung sống với nhau, và đặc biệt đến thăm tất cả các vị lạt ma tái sinh. Cô đã mời nhiều vị lạt ma tái sinh đến một ngôi trường mà cô đã bắt đầu dạy tiếng Anh cho họ. Tiếng Hindi cũng được dạy, nhưng tôi nghĩ mục đích chánh của cô là dạy tiếng Anh.


lama zopa 1970
Lama Zopa Rinpoche
at Lawudo Retreat Centre, Nepal, 1970.




Tôi đã ở Delhi sáu tháng và đó là thời điểm tôi mắc bệnh lao. Đầu tiên, tôi mắc bệnh đậu mùa và phải ở lại bệnh viện đậu mùa mười lăm ngày, rất xa trường học. Khi trở về trường thì tôi bị bệnh lao, rồi vào bệnh viện lao. Tôi đã khóc ba ngày ở bệnh viện đó. Lý do tôi khóc là vì không có cơ hội học tiếng Anh. Lúc đó, không hiểu sao tôi lại có tham vọng học tiếng Anh rất lớn, nên đã khóc suốt ba ngày và không nói chuyện với ai, kể cả những cậu bé Ấn Độ trong cùng khoa ở bệnh viện.

Khi vào bệnh viện thì tôi phải mặc đồ của bệnh viện, quần và áo sơ mi. Vào giờ giải lao, tôi sẽ đi ra ngoài, nơi mà tôi có thể thấy xe cộ chạy ngang qua hàng rào. Tôi duỗi chân về phía hàng rào, kẹp cuốn sách tiếng Anh vào giữa hai chân rồi khóc. Những cậu bé Ấn Độ thường tụ tập quanh tôi và nói với tôi rằng: “Lama, đừng khóc. Đừng buồn!”. Nhưng tôi không nói chuyện với họ cả ba ngày.

Ở khoa dành cho đàn ông cao niên, tôi gặp một người đàn ông Ấn Độ rất tử tế, người đã đồng ý dạy tôi tiếng Anh. Tôi có một cuốn sách về tiếng Anh đàm thoại thông thường, do Thubten Tsering, thơ ký của Ling Rinpoche tặng cho tôi. Tôi thích cuốn sách này, và thường đến gặp người đàn ông Ấn Độ này trong phòng ngủ của ông, và học một số từ. Rồi thì tôi đã khỏe hơn.

Tôi đã ở lại Delhi sáu tháng, rồi cuối cùng phải làm bài thi Anh văn. Họ cũng sắp xếp để chúng tôi có một cuộc phỏng vấn với Thủ Tướng Jawaharlal Nehru. Ông rất già và da ông hơi xanh. Ông đang nằm, nhưng trên một loại ghế, chứ không phải giường.

Rồi thì tôi trở lại Buxa để tiếp tục học. Tôi đã học tranh luận một chút, nhưng giống như chơi hơn. Thật không may, tôi không nghĩ mình đã tạo nhiều nghiệp để nghiên cứu toàn bộ kinh sách. Tôi đã thọ giáo một số sách triết học, nên một vài dấu ấn đã lưu lại trong tâm.

Lúc đó, tôi nghĩ mình đã dành nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Anh, nhưng là cách vô ích, vì tôi đã cố gắng thu thập và ghi nhớ từ ngữ tiếng Anh như cách chúng tôi học kinh sách Tây Tạng. Tôi đã từng nghĩ đến việc học thuộc lòng cả cuốn từ điển. Cách học của người Tây Tạng đòi hỏi việc học thuộc lòng nhiều, nên tôi tin rằng nếu tôi học thuộc lòng nhiều từ vựng, thì sẽ ổn thôi. Tôi không biết là mình phải chú trọng vào giọng nói và luyện cách nói. Dù sao đi nữa thì cũng không có cơ hội thực hành ở Buxa, ngoài việc nói vài câu, khi gặp một vài quan chức Ấn Độ. Tôi đã học thuộc lòng rất nhiều từ trong những cuốn sách khác nhau và tất cả các tạp chí Time. Tôi sẽ quên rồi lại học thuộc lòng, quên rồi học thuộc lòng lại, quên rồi học thuộc lòng lại, giống như với kinh sách Tây Tạng. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để làm việc này, nhưng vô ích, vì đó không phải là cách để học tiếng Anh.

Ở Buxa, tôi được Geshe Rabten Rinpoche giảng dạy, và lòng tốt của ngài đã khơi dậy bất cứ sự thích thú nào đối với việc hành thiền mà tôi hiện có. Và chính nhờ lòng tốt của Geshe Rabten mà tôi đã nhận ra vị thầy chánh của mình [Kyabje Trijang Rinpoche].


lama yeshe-lama zopa-1970
 Lama Zopa Rinpoche and Lama Yeshe near Lawudo Retreat Center, 1970



Geshe Rabten dạy về tánh Không và thiền shamatha, tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi rất thích thú. Tôi cố gắng hành thiền trong khi ngồi trên giường, sau khi màn đuổi muỗi đã được phủ xuống. Tôi đã từng hành thiền về cái nắp bạc trên chén trà Tây Tạng của mình, dù không biết làm sao. Tôi cố gắng nhất tâm hành thiền, nhưng đã bị té! Không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng toàn bộ thân tôi đã rớt xuống đất. Chuyện này đã xảy ra nhiều lần, và cuối cùng, tôi đã bỏ cuộc. Dù sao thì trong ngôi nhà đó, có lẽ đã có một ấn tượng nhỏ nào đó từ kiếp trước. Đây là lý do mà tôi có chút hứng thú với lamrim hơn là hành thiền.


Lama_Zopa (276 of 288)lama zopalama zopa 2lama zopalama zopa



Dù sao đi nữa, sau đó thì Geshe Rabten rất bận rộn và đã gởi tôi đến một vị thầy khác từ Kham, tên là Yeshe. Từ vị thầy này mà tôi đã thọ nhận pháp thiền và quán tưởng về Ganden Lha Gyäma, và lòng tốt của các bà mẹ hữu tình trong phần kinh điển Bát nhã ba la mật đa (Prajnaparamita) nói về chủ đề đó. Vì không có sách, nên thầy Yeshe phải tụng thuộc lòng cả bài. Ở Tây Tạng, tôi chưa từng học chữ viết tiếng Tạng, mà chỉ tự mình học để có thể đọc sách, nên đã sao chép lại mọi thứ. Rồi vị thầy này, Yeshe, đến với Kyabje Trijang Rinpoche; sự sắp xếp này đã được quyết định, và chúng tôi đã ở bên nhau cho đến khi Lama viên tịch năm 1984.


Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ;
Võ Thư Ngân hiệu đính.

Bản Anh ngữ:
https://www.lamayeshe.com/teacher/kyabje-lama-zopa-rinpoche





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]