Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên vị Đại đức Thiền tông Trung Hoa Cận đại

16/11/202110:48(Xem: 3521)
Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên vị Đại đức Thiền tông Trung Hoa Cận đại

Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên vị Đại đức Thiền tông Trung Hoa Cận đại 2
Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên vị Đại đức Thiền tông Trung Hoa Cận đại 
(近代禅宗大德袁焕仙長老居士) 

 

Viên Hoán Tiên (1887-1966), chính trị gia, nhà quân sự, vị Trưởng lão Cư sĩ Thiền Tông ngộ đạo nổi danh một thời ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa, ông đã kiến lập "Tịnh xá Duy Ma" (维摩精舍) ở Thành Đô, nơi ông tụ chúng giảng dạy Phật học và dạy thực hành thiền định, hóa độ một phương, tứ chúng đều ngưỡng mộ. Ông là vị Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ nổi tiếng được coi là một nhân tố chính trong công cuộc phục hưng Phật giáo Trung Hoa. Những tác phẩm của ông được biên soạn, hiệu đính bởi đồ đệ thượng thủ xuất sắc Nam Hoài Cẩn như tác phẩm "Duy Ma Tinh Xá Tùng Thư" (維摩精舍叢書), "Viên Hoán Tiên Trước Thuật Tập" (袁煥仙著述集), "Linh Nham Ngữ Tiết" (靈巖語屑).

 

Môn hạ của Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên rất đông, chúng đệ tử đều thành tựu đạo nghiệp.

 

Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên hiệu Thế Kiệt, sinh năm 1987 (niên hiệu Quang tự thứ 13), tại huyện Diêm Đình, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Tuổi thiếu niên, ông đã tỏ ra thông minh đỉnh đạt, giỏi đàm luận, từ nhỏ đã đọc sách Nho giáo, học nghệ thuật, 13 tuổi đã ứng thí thuộc hàng xuất sắc.

 

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ nhất (1912), ông tốt nghiệp trường Chính trị và Pháp lý, tỉnh Tứ Xuyên, và đảm nhiệm chức Tri sự huyện Việt Tuấn (nay là huyện Việt Tây), Giám đốc Lộ Quân số 20 (第二十路軍) và Trưởng bộ ban Pháp chế.

 

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 15 (1926), ở tuổi tứ thập bất hoặc (40), ông cảm sự các cứ của thời kỳ quân phiệt, thế cuộc hỗn loạn, ông cởi bỏ áo mão cân đai từ quan và tập trung vào việc nghiên cứu Thánh điển Phật học và chuyên tu thiền định. Ông tham vấn tâm yếu với Tiên sinh Mộng Linh Ngô Hưng Ngô (吳興吳夢齡先生). Đặc biệt hơn mươi năm đó đây hành cước tha phương cầu học,  ông đến Tô Châu tham lễ Hòa thượng Đạo Kiên (道堅和尚), được Ngài dạy cho ông tham một câu Thoại đầu. Ông tham duyệt công án của Thiền sư Từ Minh Sở Viên, vị cao tăng triều đại nhà Tống, và phát khởi nghi tình, và đó đây tham vấn các bậc Trưởng lão Thiền gia khắp chốn thiền lâm, nhưng vẫn không thể giải quyết khối nghi.

 

Vào tháng 2 năm 1935, tại Tổ đình Quy Nguyên Tự ở Hán Khẩu, ông đến đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Tú Không, một vị cao tăng chốn thiền môn tại Hồ Bắc; vào tháng 4 cùng năm, ông và Tiên sinh Lý Ấn Tuyền tại Tô Châu đến tham yết Trưởng lão Hòa thượng Đạo Kiên (華巖寺的修行僧) ở Khung Lung sơn, ngọn núi cao nhất của Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Sau khi trở về Thành Đô, mọi người đều gọi rằng Cư sĩ Viên Hoán Tiên đã đại triệt ngộ, nhưng ông đã trở nên tinh cần hơn, miên mật hơn trong việc công phu tham cứu công án.

 

Qua cuộc vãn thoại tại Thập Phương Đường, ông tham cứu câu thoại đầu "德山晚參不答話, Đức Sơn vãn tham bất đáp thoại". Ông miệt mài công phu tu tập tham cứu, nghi tình thành khối, một hôm đang tĩnh tọa nghe âm thanh trên khung cửa, bỗng hốt nhiên khối nghi tình bùng vỡ, minh tâm kiến tính, từ đây, ông vô ngại biện tài, tự tại vô quái ngại. Đó là thời Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 29 (1940).

 

Vào mùa xuân và mùa hè năm 1942, Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên đã phát nguyện nhập thất ba tháng tại Chùa Linh Nham, và sau đó chủ trì Pháp hội Thiền thất tại chùa này. Đây là lần đầu tiên hoằng dương Thiền pháp đại quy mô, ngay khi ông xuất hiện đã làm chấn động Thiền lâm Tứ Xuyên.

 

Lần đầu tiên Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên bế quan nhập thất và chủ trì Pháp hội Thiền thất, môn hạ của Tinh Xá Duy Ma đã có ba vị cao túc khai ngộ, đầu danh Trạng nguyên là Nam Hoài Cẩn, Bảng nhãn Quách Chính Bình, Thám hoa Dương Quang Đại; ngoài ra còn có các môn đệ Chu Thúc Si, Mã Bạch My, Quả Chu đạo sĩ. . . đều có sở ngộ nhập Thiền đạo. Trong số chúng Thiền sinh đệ tử của Trưởng lão Cư sĩ Viên Hoán Tiên, Quốc học Đại sư, Thiền giả Nam Hoài Cẩn thành tựu tối đại, và đạo đức học vấn của ông được thế nhân tôn xưng "上下五千言, 縱橫十萬里, 經綸三大教, 出入百家言, Thượng hạ ngũ thiên ngôn, tung hoành thập vạn lý, kinh luân tam đại giáo, xuất nhập bách gia ngôn", bây giờ, danh tiếng của Quốc học Đại sư, Thiền giả Nam Hoài Cẩn đã ảnh hưởng khắp Trung Hoa và quốc tế, vị lãnh tụ Thiền lâm Thạch trụ của hàng Bạch y  Cư sĩ, và các vị Thiền sinh khác sau này đều là những vị tôn túc Đại đức, mỗi vị một phương hoằng dương Thiền pháp.

 

Năm 1943, ông kiến tạo "Tịnh xá Duy Ma" (维摩精舍) ở Thành Đô, Đạo tràng chuyên tu thiền định, tập chúng tu hành. Cư sĩ Nam Hoài Cẩn là đệ tử thượng thủ của ông.

 

Sự truyền thừa của Thiền tông, chú trọng ở người xuất gia, nam nữ cư sĩ Phật tử tham thiền chứng ngộ, từ các triều đại Đường, Tống, vào đầu thế kỷ 20, Cư sĩ sáng lập các Trung tâm Thiền kết xã. "Tịnh xá Duy Ma" (维摩精舍) ở Thành Đô do Cư sĩ Viên Hoán Tiên kiến lập và Trụ trì. Ngày nay, Trụ trì Tịnh xá Duy Ma đời thứ hai là Cư sĩ Nam Hoài Cẩn. Do sự nỗ lực của hai đời trụ trì và các đệ tử tiếp nối hoằng dương chính pháp Phật đà, tinh thần Duy Ma Cật và lý tưởng người Cư sĩ đã được tiếp nối lan rộng trên toàn thế giới.  

 

Một ngày giữa mùa xuân và mùa hạ năm 1943, tại Miếu Tam Nghĩa, Thành Đô đông nghẹt người. Ý nghĩa của ngày này trong lịch sử văn hóa Trung Hoa cận đại, đã dần dần xuất hiện cho đến nửa thế kỷ sau bởi Tịnh xá Duy Ma chính thức thành lập, từ đó được ca ngợi  "một trong hai đoàn thể Cư sĩ Phật tử lớn nhất có ảnh hưởng đến Trung Hoa cận đại". Một đoàn thể Cư sĩ Phật tử khác có ảnh hưởng rất lớn vào thời đó là Tiên sinh Âu Dương Cánh Vô (1871-1943), nhà Phật học nổi tiếng ở Trung Hoa cận đại, góp phần phục hưng Phật giáo và giáo dục hiện đại Phật giáo Trung Hoa, người sáng lập Chi Na Nội Học viện tại Nam Kinh, bậc thầy về Duy Thức học Phật giáo.

 

Vào thời điểm đó, người xưng "đại Thiền sư", "đại Cư sĩ", và Trưởng lão Cư sĩ Viên Hoán Tiên cùng với các vị danh sĩ, Tiên sinh Phó Chân Ngô (傅真吾先生, 1887--1947),  Tiên sinh Tiêu Tĩnh Hiên (蕭靜軒先生, 1880-1946), Tiên sinh Chu Thúc Si (朱叔痴先生, 1871-1951), Tiên sinh Đãn Mậu Tân (但懋辛先生, 1884—1965), Tiên sinh Giả Đề Thao (賈題韜先生, 1909-1995) và những Cư sĩ Phật tử khác đã chính thức kiến tạo "Tinh xá Duy Ma". 

 

Đạo tràng Thiền tông "Tinh xá Duy Ma" với tông chỉ có ba, thứ nhất, "Chỉnh lý các nguyên tắc và phương pháp của thiền tông thành một hệ thống", thứ hai "So sánh sự dị biệt của các tông phái khác nhau, làm sáng tỏ thiền tông giáo ngoại biệt truyền", thứ ba "Kết hợp các tư tưởng học thuật Trung Hoa và phương Tây để nâng cao vị thế học thuật và giá trị thực tiễn của Thiền tông".

 

Kể từ khi thành lập "Tinh Xá Duy Ma", các danh nhân Cư sĩ Phật tử của Xuyên Trung Nhã Thiền học ở Tứ Xuyên đã vân tập tại Tinh Xá, y chỉ cầu học thiền với Trưởng lão Cư sĩ Thiền sư Viên Hoán Tiên. Một thời chốn Thiền môn ở Thục Trung, Tứ Xuyên hưng thịnh, sản sinh nhiều nhân tài, thiền phái thịnh vượng. 

 

Trong số các đệ tử của Tinh Xá Duy Ma, ngoài đương kim danh chấn trong và ngoại quốc, bậc thầy về thiền Phật giáo và Quốc học Trung Hoa, Quốc học Đại sư, Giáo sư Thiền giả Nam Hoài Cẩn là đệ tử thượng thủ của Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên, còn có các vị thủ tọa đại đệ tử khác như Cư sĩ Quách Chính Bình (郭正平), Cư sĩ Dương Quang Đại (楊光代), Từ Kiếm Thu (徐劍秋),  Cư sĩ Ngũ Sở Nam (伍所南), Cư sĩ Lã Hàn Đàm (呂寒潭), Cư sĩ Đặng Nhạc Cao (鄧岳高). . .  Ngoài ra, còn có các vị tăng sĩ như Thích Thông Khoan, Thích Thông Vĩnh, Thích Diễn Quang, Thích Mạn Đạt.v. v là những Thiền sinh tuấn kiệt được bồi dưỡng, xuất thân từ Tinh Xá Duy Ma. Tinh Xá Duy Ma tiêu biểu cho Thiền phái Cư sĩ của Phật giáo Trung Hoa.

 

Thời gian này, Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên được cộng đồng Phật giáo Thành Đô giao phó đã dẫn đại đệ tử của ông là Thiền giả Nam Hoài Cẩn đến Trùng Khánh thành tâm cung thỉnh vị Thạch trụ Tòng lâm Phật giáo Trung Hoa đương thời, Đại Trưởng lão Thánh tăng Thiền sư Hư Vân quang lâm Trùng Khánh để để chủ trì Pháp hội Đại Bi Hộ Quốc Tiêu Tai và truyền trao Chính Pháp Nhãn Tạng. Tại Thành Đô, nhân duyên hội ngộ giữa Đại Trưởng lão Thánh tăng Thiền sư Hư Vân và Trưởng lão Cư sĩ Viên Hoán Tiên đã trở thành một giai thoại lớn trong chốn Thiền lâm lúc bấy giờ.

 

Năm 1946, với tâm nguyện hoằng dương Phật pháp sâu rộng, Trưởng lão Cư sĩ Viên Hoán Tiên kiên quyết đến Nam Kinh với tư cách là đại biểu Quốc dân và đã thành lập "Thủ đô Tinh Xá Duy Ma" (首都维摩精舍) tại đây.

 

Vào thời điểm đó, các nhân vật chính trị gia như Trần Thành, Trần Lập Phu, Chu Tông Nhạc v. v đều phụ trách các nghi lễ. Là đệ tử của đạo tràng Thiền tông "Thủ đô Tinh Xá Duy Ma", bất kể thời gian, họ thường xuyên đến đây để học hỏi Phật pháp và tu tập thiền định. Tuy nhiên, để đối phó với tình hình lúc bấy giờ bởi việc thu hút ảnh hưởng đến nhiều nhân vật chính trị gia, Trưởng lão Cư sĩ Viên Hoán Tiên đã hạ bút viết bài văn "我之国是" (Ngã Chi Quốc Thị), công khai tuyên bố toàn quốc rằng "團結以御外侮, 安息以厚民生" (Đoàn Kết Dĩ Ngự Ngoại Vũ, An Tức Dĩ Hậu Dân Sinh).

 

Năm 1947, Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ Viên Hoán Tiên được mời đến Đài Loan để giảng Phật pháp, chuyến hoằng pháp này đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giới Phật giáo Đài Loan đương thời. Sau khi trở về Tứ Xuyên từ Đài Loan vào năm thứ hai, như thường lệ, ông chủ đạo Tinh Xá Duy Ma, và thường đến các nơi Nội Giang, Trùng Khánh, Đồng Nam, Diêm Đình, Trung Giang để giảng kinh thuyết pháp, ông thường tổ chức các Pháp hội Thiền thất tại các địa phương khác nhau.

 

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 38 (1949), sau khi Chính phủ Quốc Dân Đảng chuyển đến Đài Loan, tại đây ông tụ chúng giảng giải Phật học, hoằng dương chính pháp Phật đà, lần đầu tiên ông giảng giải "Kinh Lăng Nghiêm" (楞嚴經), ông sáng lập Công ty Cổ Văn hóa (古文化公司) và xuất bản kinh điển Phật giáo.

 

Ta bà là cõi tạm, Bản thể Tuyệt đối là nơi chứng nhập, hóa duyên ký tất, biết thân giả huyễn sắp tàn, ông an nhiên xả báo thân, nhập Tỳ Lô Tính Hải năm Bính Ngọ (1966), hưởng thọ 80 Xuân.

 

Thích Vân Phong biên dịch

(Nguồn:  百度百科)


***  
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]