Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niềm Hãnh Diện Về Con Trai Tôi - Những Lời Chân Thành Của Thân Mẫu Một Vị Tỳ Kheo

21/08/201406:26(Xem: 5712)
Niềm Hãnh Diện Về Con Trai Tôi - Những Lời Chân Thành Của Thân Mẫu Một Vị Tỳ Kheo
Niềm Hãnh Diện Về Con Trai Tôi
Những Lời Chân Thành Của Thân Mẫu Một Vị Tỳ Kheo



Thich Hang That

Con trai tôi là Christopher Clowery [Ghi chú của Chủ bút: Tên lúc còn tại gia của Thầy Hằng Thật], trở thành một Phật tử sau khi học tiếng Trung Hoa, đầu tiên là tại trường Trung Học DeVilbiss, sau đó tại Đại Học Oakland, nơi anh nhận văn bằng Cử Nhân, và tại Đại Học Berkeley nơi được học bổng Danforth. Sau đó, anh phiên dịch bản Kinh Phật Giáo để làm luận án Cao Học tại Đại Học Berkeley và thấy rằng bản kinh đã cho anh câu trả lời cho việc tìm kiếm niềm tin (1).

Vào thời điểm đó, anh gặp Hòa Thượng Tuyên Hóa, một tu sĩ Phật Giáo từ miền Bắc Trung Hoa đến California để làm cho Phật Giáo Đại Thừa trở thành một tôn giáo tích cực tại Hoa Kỳ. Hòa Thượng quy tụ quanh ngài những người tốt nghiệp từ các trường Đaị Học Harvard, Columbia và Berkeley. Lúc đó chiến tranh Việt Nam đang diễn tiến và những thanh niên nam nữ ưu tú này đang tìm câu trả lời cho những thắc mắc về tâm linh mà lời dạy của tôn giáo họ đã không thỏa mãn được.

Hòa Thượng và những người theo ngài đã mua một tòa nhà vốn là cơ xưởng cũ ở vùng Mission thuộc thành phố San Francisco và thiết lập Kim Sơn Thánh Tự, ngôi chùa đầu tiên của một hệ thống gồm hơn hai mươi tu viện hay đạo tràng hiện nay đang phát triển từ Los Angeles đến Calgary, Alberta và tại Mã Lai, Úc Đại Lợi và Đài Loan.

Tôi được học hỏi thêm về Phật Giáo vào năm 1985, khi Hòa Thượng (trong bài này, Hòa Thượng Tuyên Hoá được đề cập là Hòa Thượng) mời tôi đến Vạn Phật Thánh Thành để cùng với Thầy Hằng Thật mừng sinh nhật 61 tuổi của tôi.

Sau khi Thầy Hằng Thật thọ giới cụ túc, Thầy và một tu sĩ đồng tu khác đã làm một chuyến hành hương Ba Bước Một Lạy dọc theo xa lộ ven biển tiểu bang California, từ Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành ở phía bắc San Francisco, để xiển dương hòa bình thế giới. Cứ mỗi ba bước họ lại lạy rạp xuống đất một lạy. Cuộc hành hương tâm linh này kéo dài đến hai năm chín tháng mới hoàn tất (2). Thầy Hằng Thật đã phát nguyên tịnh khẩu trong những năm đó và thêm ba năm sau đó nữa; Thầy chỉ nói Phật Pháp hay giảng kinh điển mà thôi. Tôi không nhận được thư nào của Thầy trong suốt năm năm trời vì hạnh nguyện tịnh khẩu của Thầy bao gồm luôn cả việc viết thư (3)

Với nhiều mong đợi, tôi đáp máy bay từ tiểu bang Ohio đến California. Một cư sĩ thiện nguyện ở Tu viện đón tôi tại phi trường San Francisco và lái xe đưa tôi đến Vạn Phật Thánh Thành. Khuôn viên chùa gồm 75 tòa nhà tọa lạc trên vùng đất rộng 488 mẫu tây, trước đây vốn là một bệnh viện (tâm thần) tiểu bang cho đến khi ông Reagan trở thành Thống Đốc của Tiểu bang California. Những đạo luật mới kiểm soát quyền của bệnh nhân ngăn cấm việc người bệnh tự chăm sóc chính mình bằng cách tự trồng thực phẩm và bảo trì bệnh viện. Do đó, họ bị cột lại trong phòng của mình, chịu đựng thêm các bệnh tâm thần và cần được điều trị thêm nữa. Bệnh viện lại phải mướn thêm nhân viên để chăm sóc mọi thứ, và cả hệ thống trở thành một gánh nặng về tài chánh cho tiểu bang; và do đó bệnh viện phải bị đóng cửa. Tiểu bang bắt đầu một chương trình mới Chăm Sóc Tại Nhà (Home Care), có nghĩa là bệnh nhân được đưa về gia đình của họ. Nhiều bệnh nhân rốt cuộc đã sống lê la ngoài đường, tạo nên một vấn đề nghiêm trọng về người vô gia cư.

Sau khi những người Phật Giáo mua lại khuôn viên này, họ thành lập tu viện, trường học cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 12, nhà dưỡng lão, trường Đại Học và cả trung tâm phiên dịch nữa. Một trong những hoạt động chính của các người theo Hòa Thượng tại Hoa Kỳ là phiên dịch kinh điển Phật Giáo. Các kinh điển này đã được dịch từ Phạn Ngữ [Bắc Phạn] (Sanskrit) sang Hoa Ngữ trong những thế kỷ khởi đầu của Phật Giáo. Các tăng ni, một số có văn bằng Tiến Sĩ về Phạn Ngữ, nay đã nới rộng công trình phiên dịch của họ sang đến 14 ngôn ngữ, cùng nhiều trung tâm phiên dịch (4)
Tôi suốt đời là một tín đồ Tin Lành, nhưng tôi nóng lòng muốn học tất cả những gì tôi có thể học được về một tôn giáo đã thu hút trọn vẹn niềm thích thú của con trai tôi đến nỗi anh đã cống hiến cuộc đời của mình cho tôn giáo đó. Thầy Hằng Thật trước đây cũng đã từng là một người Tin Lành tích cực tại Epworth.

Khi chúng tôi lái xe qua cổng Tam Quan có lợp mái rất uy nghi của Vạn Phật Thánh Thành, tôi có cảm tưởng mình đang đến một quốc gia xa lạ. Tôi biết tôi sẽ không hiểu tất cả những gì người ta nói hay làm tại đây, và tôi cũng không biết những gì đang chờ đợi tôi. Từ cổng sơn môn nhìn lên phía đồi, tôi có thể thấy một tượng Phật bằng đồng to lớn dưới một cái mái cao, và bên cạnh đó là một cái chuông đồng khổng lồ.
Tôi trông gặp lại những tăng ni mà tôi đã gặp trong lần viếng thăm đầu tiên. Các ni cô là những phụ nữ thông minh, có học vấn đã phát nguyện tuyệt dục, cũng như các tăng sĩ. Họ đều mặc những tấm y màu nâu giống như những vị tăng và đầu cũng cạo trọc. Lúc đó là vào tháng Mười Một và trong khí hậu mát lạnh của vùng Bắc California, họ đội nón len màu xanh thẫm, nhưng những nón len này không làm giảm đi vẻ nghiêm nghị của họ. Lúc đầu, tôi thấy rằng đó là một vấn đề vì người phụ nữ như vậy hoàn toàn chối bỏ nữ tánh của mình. Về sau, khi tôi bắt đầu biết thêm về họ, tôi đã thấy sâu hơn về sự giản dị, và đối với những phụ nữ có những sứ mạng như vậy trong cuộc đời, thì hình thức bên ngoài không còn là vấn đề nữa.

Bà Quả Ngộ (5), một phụ nữ cao niên người Việt, người đã giúp tôi làm quen với môi trường mới, luôn theo tôi như một hướng dẫn viên. Bà giúp tôi ổn định chỗ ở tại một trong những căn nhà nhỏ, trước đây dành cho nhân viên bệnh viện và bây giờ thì được dùng làm nhà khách. Hàng năm, có rất nhiều vị khách Á Châu đến Vạn Phật Thánh Thành để dự khóa tu và nhiều vị khách cao niên đến đây để học hỏi về Phật Giáo.

Mỗi ngày lúc 11 giờ sáng, bà Quả Ngộ đưa tôi đến Vạn Phật Điện; ở đó, các vị tăng tập trung về một phía, các vị ni ở một phía khác, để cùng tụng kinh cầu nguyện trước bữa ăn độc nhất trong ngày. Những người khách thì có thể đến trai đường để ăn sáng và ăn tối nếu muốn.

Quả Ngộ đưa cho tôi một quyển kinh cầu nguyện có tiếng Anh và phiên âm tiếng Phổ Thông để đọc theo. Khi chuyển từ tên vị thần này sang tên vị thần khác trong lễ cầu nguyện của họ, người dẫn lễ đánh một tiếng chuông. Nếu tôi bị lạc trong phần đọc kinh, luôn luôn có người nào đó nhẹ nhàng chỉ cho tôi. Sự quan tâm đến người khác trong thầm lặng của họ thật cảm động. Tôi thấy được rằng vì là mẹ của một trong những hành giả đã đi Ba Bước Một Lạy hay Tam Bộ Nhất Bái, tôi được đón nhận sự tôn kính hoàn toàn không ngờ đến.

Vào cuối buổi lễ dài hai mươi phút, chúng tôi đi thành hàng theo sau các vị tăng, vừa xướng niệm vừa đi về phía trai đường. Tại trai đường, Hòa Thượng ngồi trên bục cao chính giữa, với khoảng hai mươi lăm vị tăng cùng các nam cư sĩ ngồi phía bên trái, và khoảng năm mươi vị ni cùng các nữ cư sĩ ngồi phía bên phải của ngài. Hòa Thượng là một người rắn chắc, mặc y màu vàng. Khuôn mặt ngài không giống bất cứ người nào tôi đã từng gặp. Gương mặt ngài biểu lộ lòng từ bi, ngay thẳng, và sự thông thái. Sau khi quen biết ngài, tôi có cảm giác kỳ lạ là ngài biết tôi đang nghĩ gì. Một người tại gia mang thức ăn đến cho Hòa Thượng trước, sau đó các vị tăng và nam cư sĩ sắp hàng tự lấy thức ăn. Rồi các vị ni và nữ cư sĩ theo sau.
Trong bữa ăn tối đầu tiên, tôi thấy vật liệu trong những món ăn đều lạ mắt, chỉ nhận ra cải trắng, cơm và tàu hủ làm giả thịt bê, thịt gà và các loại thịt khác. Giới luật đạo Phật ngăn cấm sự giết hại, áp dụng cho cả việc giết súc vật cũng như con người, do đó các tăng ni đều là những người ăn chay nghiêm ngặt. Với mỗi đĩa thức ăn chay, Quả Ngộ giải thích thành phần trong đĩa, yêu cầu tôi lấy một số món và đừng lấy những món quá xa lạ với khẩu vị của người Tây phương. Nếu tôi tỏ vẻ ưa thích món ăn nào đó, là liền có người mang đến thêm cho tôi. Tôi thử qua các món ăn, nhưng tới cuối bữa tôi vẫn còn dư lại một ít thức ăn trong đĩa của mình. Tôi không biết rằng đây là một sai lầm trong phép lịch sự cho đến khi tôi theo Quả Ngộ đến sắp hàng trước hai nồi rửa chén lớn. Chúng tôi nhúng đĩa của mình vào nước xà bông trước, rồi sau đó mới nhúng vào nước sạch. Một người nào đó đã phải vét sạch đĩa của tôi trước khi tôi có thể rửa theo thông lệ. Dĩ nhiên người Phật giáo không phí phạm thức ăn.

Chúng tôi ăn trong yên lặng. Tôi khám phá ra rằng việc này giúp tôi chú tâm vào thức ăn trước mặt mà nếu nói chuyện thì tôi không thể chú tâm như vậy được. Các Phật tử không những ý thức từng mùi vị vi tế, họ còn quán tưởng về công việc người khác phải làm để đưa được thức ăn đến bàn. Họ tự xét mình có công đức để xứng đáng thọ nhận bữa ăn hay không, và xem tham lam là chất độc của tâm. Họ nghĩ rằng thức ăn chỉ là thuốc để trị bệnh đói. Họ ăn thức ăn để giúp họ tu Đạo ngõ hầu mang lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Một ngày nọ khi chúng tôi vừa ăn xong, Hòa Thượng bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại (Phổ Thông) và một trong các vị ni dịch sang Anh ngữ. Ngài tuyên bố, "Thân mẫu của Thầy Hằng Thật có mặt với chúng ta hôm nay để cùng mừng sinh nhật của Bà". Đó là dấu hiệu để cho một vị ni sư mang bánh ra cho chúng tôi cùng thưởng thức (6). Tôi không ngờ là Hòa Thượng cũng theo truyền thống Tây Phương. Điều đó xác nhận với tôi rằng ngài sẵn sàng tiếp nhận phong tục Hoa Kỳ.

Những lời trao đổi sau đó đã gây xúc động sâu xa cho tôi. Một trong các vị ni sư người Hoa Kỳ, một người khách Á Đông và tôi được mời nói về con trai của chúng tôi. Trước khi xuất gia, vị nữ tu người Hoa Kỳ này đã có một người con trai. Bà mẹ từ Mã Lai và tôi đều có con trai xuất gia trở thành Tăng sĩ. Chúng tôi khác nhau về tuổi tác và đến từ những nền văn hóa khác biệt, nhưng chúng tôi lại có chung sợi dây gắn bó của tình mẹ dành cho con mình và chia sẻ cùng một cảm giác mất mát như nhau.

Bà mẹ từ Mã Lai cũng có mối quan tâm giống tôi là lo con mình bị lôi kéo vào những tín điều mà chúng tôi nghĩ có thể nhằm khai thác nhiệt tâm tuổi trẻ của chúng. Tôi không bao giờ hoài nghi sự thành tâm của Thầy Hằng Thật, nhưng trong thời đại của nhiều giáo phái huyễn hoặc, người mẹ kia và tôi đã từng hoài nghi về động cơ của Hòa Thượng có phải là vị tha hay không. Thời gian lưu trú tại tu viện đã thuyết phục tôi rằng sự thiếu tin cậy và hoài nghi của tôi về Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới là do chính tôi tự tạo ra, hơn là dựa vào thực tế. Tôi nhận thức được, sau khi biết rõ về Hòa Thượng, là tôi đã phán đoán sai về mục đích của ngài cũng như về sự phán xét của Thầy Hằng Thật. Tôi đồng ý với vị ni cô nói với tôi rằng, "Bây giờ là lúc để bà học hỏi từ con trai của bà."

Khi Hòa Thượng hỏi tôi có gì muốn nói với đại chúng, đây là cơ hội cho tôi gởi đến các Tăng Ni thông điệp từ các người mẹ của họ. Tôi nói, "Trong khi quý vị nhiệt tâm và hăng hái theo đuổi cách sống mới của quý vị, hãy nhớ rằng cha mẹ của quý vị tại nhà đều muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của quý vị, cũng giống như họ đã từng chia sẻ tất cả các giai đoạn khác trong cuộc đời của quý vị." Tôi hy vọng thông điệp "hãy viết thư cho mẹ" sẽ đi vào tâm khảm họ cũng như vào tai họ.

Sau lời nhắn nhủ trong ngày của Hòa Thượng, bữa ăn chấm dứt và chúng tôi một lần nữa đi thành hàng một vào Phật Điện để đọc lên những lời câu nguyện khác. Chúng tôi lạy rạp xuống, tay và trán chạm sàn nhà, nhiều lần. Tôi thấy rằng đây là môn thể dục lý tưởng sau khi ăn một bữa ăn lớn.

Có một nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo hỏi Hòa Thượng Tuyên Hoá hãy cho ông ta biết về ích lợi của sự lễ lạy. Hòa Thượng giải thích, "Lễ lạy cũng giống như hứa trung thành với lá cờ. Lá cờ là … một miếng vải biểu trưng cho quốc gia. Là một công dân, ông biểu lộ sự tôn kính và hiểu biết về tính cách công dân của mình bằng cách hứa trung thành. Tượng Phật trên bàn thờ rõ ràng không phải là thần hay Thánh. Đó là sự biểu tượng, một hình ảnh nghệ thuật chỉ trở về lại một con người đã chứng đắc được trí tuệ tối cao. Đức Phật đã tu tập tự tánh của mình đến cảnh giới giác ngộ. Hình ảnh này biểu trưng sự nhận thức của ngài về tiềm năng của nhân loại và là niềm hứng khởi đưa đến thiện tánh và từ bi cao nhất. Khi ông cúi lạy, một cách biểu tượng là ông tôn kính tiềm năng giác ngộ đại trí của chính mình. Hơn thế nữa, lễ lạy là một môn thể dục tốt đẹp. Đây không phải là thờ ngẫu tượng một hình thức mê tín và thụ động. Lạy Phật là sự thực hành đạo lý - rất năng động và tích cực."

Một ngày nọ các vị tăng sắp xếp một buổi lễ phóng sanh, được hoạch định nhằm làm vinh hạnh cuộc thăm viếng của tôi. Các Phật tử tại San Francisco đã mua những con rùa sắp bị làm thịt tại các tiệm ăn trong thành phố và mang đến Chùa trong những thùng gỗ. Những con rùa này được mang vào Phật Điện và đặt trước bàn thờ, chúng cào cấu trong thùng gỗ một cách kinh hoàng. Khi tiếng chuông cho buổi cầu nguyện vang lên và các lời tụng niệm bắt đầu cất lên, các con rùa trở nên yên lặng, dường như chúng được xoa dịu bởi những âm thanh này. Các lời cầu nguyện nhằm chúc lành cho chúng vì người Phật tử tin rằng bằng cách không kết liễu sanh mạng của chúng, những con rùa này có thể tiếp tục vươn lên cao hơn, thay vì phải bắt đầu trở lại một lần nữa trong chu kỳ sanh tử vô tận.

Sau buổi lễ, Quả Ngộ lái xe đưa tôi đến một cái hồ gần đó để thả rùa. Tôi trước đây chưa bao giờ cầm con rùa nào lớn hơn đồng đô-la bằng bạc, còn những con rùa này thì lớn bằng đĩa ăn, nhưng mọi người hiện diện tại đây đều được mong là phải cầm lên một con và mang đến hồ. Tôi chọn một con trông có vẻ hiền lành, nhưng khi tôi cầm giữa mình nó và nhấc lên, mấy cái chân nhỏ của nó cứ ngọ ngoay như bốn máy quay nên tôi phải giữ không cho chân nó bám vào áo hay váy của tôi. Chú rùa này rất nôn nóng muốn được thả xuống nước cũng y như tôi nôn nóng muốn buông nó xuống, do đó tôi đi rất nhanh. Khi tôi thả nó xuống nước, nó biến mất ngay dưới lớp nước bùn, và tôi tưởng buổi lễ như vậy là chấm dứt.

Quả Ngộ nói, "Hãy chờ xem. Chúng sẽ cảm ơn chúng ta."

Tôi nghĩ là bà ta nói đùa, nhưng ngoài hồ cách chừng năm mươi bộ (chừng 16 thước), những cái đầu nho nhỏ bắt đầu trồi lên. Mấy con rùa quay đầu lại, nhìn chúng tôi, và biến mất lần nữa.

Quả Ngộ nói, "Cứ tiếp tục nhìn xem."

Trong một hoặc hai phút, phía xa hơn nữa trên mặt hồ, đầu mấy con rùa lại xuất hiện lần nữa, quay và nhìn lui lại. Tôi không thể nào tin được!

Quả Ngộ bảo: "Chúng sẽ cảm ơn chúng ta ba lần"; và quả thật như thế!

Tôi không thể nào giải thích được; tôi chỉ biết là sự việc đã xảy ra, và đó là một việc thiện đem lại sự thuyết phục mà tôi rất thích nhớ đến khi tôi thấy món súp rùa trong thực đơn.

Trong chuyến thăm viếng ba ngày tại tu viện, tôi ngạc nhiên nhận thức rằng tôi không còn thích các áo quần và nữ trang mà tôi thường mặc hoặc đeo nữa. Tôi thường ưa thích màu sắc và kiểu phục sức, nhưng trong khung cảnh tĩnh mặc nầy, điều đó không còn quan trọng đối với tôi như trước nữa . Lần đầu tiên những y phục màu nâu bình dị của các Phật tử trở nên hợp lý. Trước khi tôi trở về nhà, Hòa Thượng và tôi đã có buổi nói chuyện qua người thông dịch. Cuộc nói chuyện này cho thấy thêm một khía cạnh nữa của tôn giáo ngài.

Ngài nói với tôi, "Chúa của con là một vị Chúa ganh tỵ khi nói rằng 'Con không nên có Thượng Đế nào khác ngoài ta. Đức Phật nói rằng con có thể tin Chúa của con và cũng tin Phật nữa. Chúa của con thì giống như cha mẹ , con là con của Chúa. Nếu con làm điều gì sai, Chúa tha thứ cho con. Đức Phật đối với con thì có mối quan hệ như giữa người lớn với người lớn. Nếu con làm gì sai trái, con phải là người chịu trách nhiệm về hành động của mình."
Những sự tử tế của các Phật tử đã để lại một ấn tượng sâu đậm còn lưu mãi trong tôi. Cách họ sống theo tôn giáo của họ làm tôi ngưỡng mộ.

Thầy Hằng Thật đã tìm ra cách sống vừa được đóng góp vừa được tưởng thưởng. Năm ngoái Thầy nhận văn bằng Tiến Sĩ Phật Học tại trường Đại Học Tiểu Bang California. Thầy bây giờ là Giám Đốc Tu Viện Phật Giáo Berkeley và giảng dạy tại Học Viện Tôn Giáo Thế Giới. Thầy cũng là một Giám Đốc trong Liên Hiệp Tôn Giáo Thế Giới (7). Ngoài ra, Thầy còn là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về Phật Giáo đã được xuất bản; và Thầy hiện đang dạy nhiều lớp về Khổng Tử và Đạo Đức Phật Giáo tại Đaị Học Thần Học ở Berkeley. Thầy từng diễn giảng tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia Á châu.

Tôi biết Thầy sẽ không bao giờ kết hôn hay cho tôi những đứa cháu nội, đó là điều hơi buồn, nhưng Thầy đang ảnh hưởng đến nhiều trẻ em hơn so với nếu Thầy là một người cha. Điều nầy làm Thầy hạnh phúc hơn bất cứ người nào mà tôi biết, và tôi có thể thành thật nói rằng tôi hãnh diện về việc con trai tôi là một người Phật tử.


Dịch từ bản Anh ngữ đăng trên Nguyệt san Vajra Bodhi Sea, issue 417, Febuary 2005, pp 36-41
Ghi Chú của Ban Việt Dịch:
1. Thời gian này Thầy Hằng Thật được gặp bản Kinh Pháp Bảo Đàn và nghiên cứu một cách thích thú . Sau khi xuất gia Thầy đã phát tâm lạy từng chữ trong Kinh này (lạy từng chữ trong các Kinh Đại thừa là một trong những pháp môn vi diệu được nhiều tăng ni cũng như cư sĩ hành trì từ xưa. Tại Vạn Phật Thánh Thành, bên cạnh các pháp môn khác, pháp môn lạy Kinh cũng được hành trì, nhiều tăng ni và cư sĩ đã phát tâm lạy từng chữ trong các bộ Kinh Đại Thừa như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Kim Cang ...).
2. Cuộc Hành Trình Ba Bước Một Lạy - Tam Bộ Nhất Bái - của Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều từ Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành, kéo dài trong hai năm và sáu tháng - Xin xem News From True Cultivators (Bản Việt dịch: Thư Chân Hành Giả),With One Heart, Bowing to the City of 10,000 Buddhas. Sau đó hai Thầy lại tiếp tục hạnh nguyện Ba Bước Một Lạy quanh khuôn viên Vạn Phật Thánh Thành thêm sáu tháng nữa.
3. Thầy Hằng Thật giữ hạnh tịnh khẩu trong sáu năm, trong suốt thời gian này Thầy chỉ giảng kinh, tuyệt đối không nói chuyện, và không thư từ với gia đình.
4. Nhiều bản dịch đã được xuất bản http://www.bttsonline.org
5. Bà Phương Quả Ngộ được Hòa Thượng đánh điện bảo phải thu xếp rời khỏi nước Việt Nam vào tháng 1 năm 1975 (Bài Khai Thị Biện Pháp Chấm Dứt Chiến Tranh Hay Nhất, BĐH số 62).
6 . Vì trong thời gian này (trong 10 năm) Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều chỉ dùng thức ăn luộc rất thanh đạm, không nêm đồ gia vị - không dầu, không đường, không muối ... nên các cư sĩ tại Vạn Phật Thánh Thành đã dùng khoai lang và bí đỏ để làm bánh sinh nhật không cần đường.
7. Liên Hiệp Tôn Giáo Thế Giới (United Religions Initiative gọi tắt URI): http://www.uri.org tạo điều kiện để các tôn giáo tìm hiểu lẫn nhau, nhằm tạo sự cảm thông và chấm dứt những xung đột ngấm ngầm giữa các tôn giáo, đồng thời đem lại hòa bình, công lý và an lạc cho tất cả chúng sanh. Nhiều buổi gặp gỡ giữa các tôn giáo đã được tổ chức tại Chùa Berkeley và Vạn Phật Thánh Thành.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]