Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm Hiếu Của Thiền Sư Tông Diễn

16/08/201219:56(Xem: 7139)
Tâm Hiếu Của Thiền Sư Tông Diễn

vu-lan-hieu
TÂM HIẾU CỦA THIỀN SƯ TÔNG DIỄN

Như Hùng

Mỗi năm vào rằm tháng bảy mùa Vu Lan Hiếu Hạnh lại trở về, mùa của những con tim rộn ràng thổn thức, hy vọng đợi mong nhớ thương cha mẹ người thân tìm về ngự trị. Cũng là dịp để chúng ta tri ơn, nhớ ơn, báo ơn, đền ơn đến với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, người còn kẻ mất, những anh hùng liệt nữ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn, đã hy sinh cho sự sống còn của Dân Tộc, cho đến muôn loài chúng sanh. Mấy ngàn năm có mặt Đạo Phật Việt luôn đồng hành với Dân Việt, từng bước vươn lên, từng chặng đường đi tới, có lúc trôi nỗi điêu linh có khi huy hoàng rực rỡ, đều cận kề sát cánh bên nhau, hòa quyện với nhau như bóng với hình, như hoa với hương. Hiếu đạo vốn có trong nếp sống văn hoá từ lâu của người dân Việt. " Thờ cha kính mẹ mới là đạo con " là điểm son nổi bật và niềm tự hào trong mỗi chúng ta. Khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam đạo hiếu được nâng cấp trở thành lý tưởng sống cao đẹp, bằng tất cả tâm, hạnh, và trí tuệ. Phụng sự cha mẹ bằng vật chất chưa đủ mà còn về mặt tinh thần, tạo duyên lành để cùng nhau thực hành chánh pháp, thoát khỏi khổ đau tìm đến giải thoát, đó là phương cách báo hiếu trọn vẹn nhứt. Vu Lan về, đóa hoa màu hồng cài trên áo, diễm phúc cho những ai còn mẹ, còn có dịp gọi hai tiếng " mẹ ơi " nghe thân thương ngọt ngào, được che chở trong vòng tay yêu thương trìu mến. Đóa hồng trắng cài trên ngực áo, bất hạnh cho những ai không còn có mẹ, " mất mẹ như mất cả bầu trời " nổi đớn đau hụt hẩng, mẹ ra đi bỏ ta côi cút ở lại thế gian nầy. Báo Hiếu là đền đáp thâm ân không những cho một đời mà nhiều đời, không những chỉ có song thân phụ mẫu, mà là tứ thân phụ mẫu, cửu huyền thất tổ nội ngoại. Tâm nguyện cùng hạnh nguyện độ sanh, vẫn ngày đêm vang vọng, tâm hiếu cùng hạnh hiếu, vẫn luôn tỏa sáng làm chổ dựa mong tìm về bến bờ an lạc.

Trong Đạo Phật có bốn ân đức cao cả, chúng ta luôn khắc dạ ghi tâm, ngày đêm hướng nguyện: ÂN CHA MẸ, ÂN THẦY TỔ BẠN HỮU TRI THỨC, ÂN QUỐC GIA XÃ HỘI CHÚNG SANH, ÂN TAM BẢO. Ngoài ơn cha mẹ cho ta hình hài, nuôi ta khôn lớn, ơn thầy tổ bạn lành mở mang trí tuệ, dạy dỗ nên người, còn có ơn trọng đối với gia đình, xã hội, con người, chúng sanh, và thâm ơn ba ngôi báu hướng dẫn ta từ bến mê tìm về giác ngộ, trong sự tương quan, tương duyên, tương hợp. Hiếu đạo không những là bổn phận thiêng liêng, mà là nền tảng tâm linh cao tột, ta phải tôn thờ, bằng tất cả cõi lòng và công hạnh, quyết tâm phụng sự và hoàn thành sứ mạng cứu độ, tự độ, độ tha. Cũng chính từ trong tâm hiếu, hạnh hiếu ấy Đạo Phật Việt đã sản sinh ra một vị thiền sư mà công hạnh và tấm lòng hiếu đạo của ngài mãi ngát hương thơm, soi đường dẫn lối cho chúng ta trên con đường hoàn thiện nhân cách, và đi đến giải thoát. Đó là thiền sư Tông Diễn hiệu Chơn Dung (1640 - 1711). Đời thứ 37 dòng Tào Động. ( Những trích đoạn về ngài dưới đây từ sách: Thiền Sư Việt Nam, của Thiền Sư Thích Thanh Từ, từ trang 374- 382, người viết tạm chia ra làm bốn phân đoạn) chuyện kể rằng:

" Khi còn bé cha mất sớm, mẹ tảo tần buôn gánh bán bưng để nuôi con. Khi Sư được 12 tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: “Mẹ có mua sẵn một giỏ cua để ở ao, con giã cua nấu canh, trưa về mẹ con mình cùng ăn ". Vâng lời mẹ gần trưa Sư ra ao xách giỏ cua lên định đem giã nấu canh, khi nhìn thấy mấy con cua tuôn những hạt bọt ra, như khóc rơi từng giọt nước mắt. Sư xót thương quá, không đành đem giã, bèn đem thả hết. Trưa mẹ đi bán về, hai mẹ con cùng ngồi ăn, bà không thấy món canh cua liền hỏi nguyên do. Sư thưa: “Con định đem đi giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết.” Mẹ nổi trận lôi đình, buông đũa xuống, lấy roi đánh, Sư sợ quá chạy một mạch không dám ngó lại, bỏ nhà ra đi biền biệt từ đó ".

Ngay từ tuổi thơ, lòng từ bi thương xót chúng sanh đã thể hiện nơi ngài, sợ mẹ đánh để phải bỏ nhà ra đi thì ít mà thương chúng sanh không nở giết hại thì nhiều. Bỏ nhà ra đi, bỏ mẹ ở lại một mình, thoạt nghe có vẻ như ngài bất hiếu, nhưng âu đó cũng là nhân duyên, chủng tử lành nhiều kiếp khiến ngài tìm đến với đạo. Đi tu là đi trên con đường nghịch dòng, con đường gian khổ, nhưng đó là con đường cao cả, con đường cứu độ, độ mình và độ chúng sanh.

1, ÂN CHA MẸ

 

Ai trong chúng ta từng làm cha mẹ, đã đi qua chặng đường nuôi con khôn lớn, mới thấm thía được câu " công cha nghĩa mẹ " mới thấy được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ to lớn như thế nào. Quả thật " cao lớn như núi, rộng sâu như biển ", từ ẳm bồng bú mớm "chổ ráo con nằm chổ ướt mẹ lăn " cho đến mọi thứ đều đưa tận miệng trao tận tay, không nề gian khổ, không biết mõi mệt từ nan. Khi bé thơ đi đứng nói cười cho đến khi trưởng thành, ta luôn sống trong sự yêu thương che chở của đấng sinh thành, cha mẹ dù vất vả khổ cực cũng ráng lo cho con, có ăn có mặc, bằng bạn bằng người. Khi khôn lớn bước chân vào đời, dù cảnh sống của ta có được sung sướng hay khổ đau, có thành công hay thất bại, dòng đời có phong ba bảo tố, lòng người có hất hủi ngã nghiêng, hoặc khi lầm lỡ mất phương hướng, thì bóng hình của cha mẹ và những lời dạy bảo của người, vẫn mãi bám theo an ủi vỗ về, trở thành điểm tựa vững chắc cho ta ở cuộc đời nầy. Dù học hành đến nơi đến chốn, công danh đổ đạt, sự nghiệp hơn người, hoặc chẳng may ốm đau tật bệnh, ngang trái phủ phàng đớn đau phủ ngập, thì tấm lòng yêu thương của cha mẹ dành cho con cái vẫn không hề phai nhạt, vẫn cuồn cuộn dâng trào, vẫn là con bé bỏng của cha mẹ như lúc còn ẩm bồng. Tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái, là thứ tình yêu thương cao cả không bến bờ, không gì có thể ngăn chia thay thế hoặc đổi chác được. Chính nhờ vào tấm lòng yêu thương không giới hạn, không cần đáp trả, và cũng nhờ vào bài học yêu thương đầu đời đến từ cha mẹ đó, mới đọng lại trong ta một thứ tình yêu thương, để mai sau ta biết đem dâng hiến đến cho đời, cho tha nhân, đồng loại, chúng sanh.

Hạnh phúc cho những ai còn cha mẹ, bất hạnh cho những ai không còn cha mẹ, đau khổ cho những ai không có dịp gọi được hai tiếng mẹ cha từ thuở lọt lòng. Điều bất hạnh ăn năn, ray rức nhất, là khi cha mẹ còn sống ta đã không làm tròn hiếu đạo, không hết lòng phụng dưỡng. Vì tha phương cầu thực, công ăn việc làm, lợi danh tiền bạc, cơm áo vợ con, tất tả ngược xuôi, nợ nần chồng chất, việc nầy đè lên việc kia, cái nọ vừa đi cái khác lại đến, khiến ta không kịp thở, mà ta quên mẹ quên cha, quên ông quên bà? Hoặc mãi vui, mãi buồn, mãi cô đơn, mãi lận đận, mãi lặn hụp, mãi nỗi chìm, khiến ta quên cha quên mẹ? Ta quên mất mẹ, ngày ngày dựa cửa ngóng trông, đêm đêm giấc ngũ không trọn vì nhớ thương đợi chờ. Ta quên mất cha, ngược xuôi lo lắng từng miếng cơm manh áo, hai vai trĩu nặng vì con cái, vì nợ nhà, nợ nước. Cứ thế tháng ngày trôi qua, mà " Ơn nghĩa sinh thành chưa trả xong ". Đến khi cha mẹ tuổi già sức yếu, bệnh tật ốm đau, hoặc khi vô thường sanh tử đến, một hôm ta bàng hoàng nhận được hung tin, thì đã nghìn trùng xa cách. Lúc đó, cho dù ta có tất cả, đánh đổi tất cả, thì tất cả đều trở nên vô nghĩa, chẳng bao giờ tìm lại, có lại, thấy lại, được lại. Hởi những người con của cha của mẹ, đừng để mình phải rơi vào sự hối hận, dày vò, ăn năn, khi mọi thứ trở nên muộn màng.

Ở đời, không phải người con nào cũng có hiếu, và cha mẹ nào cũng thương yêu con cái đúng nghĩa. Có những mảnh đời bị bỏ rơi, mồ côi bất hạnh, hận cha oán mẹ, hoặc cha mẹ thương không đồng đều, chia năm xẻ bảy, thương theo bản năng, trọng nam khinh nữ, thương những đứa con biết vâng lời, thành đạt, đứa ngỗ nghịch hư hỏng bỏ bê không màng tới. Tình yêu thương thật sự, không phải ta cung cấp vật chất cho con cái đến độ dư thừa phủ phê, mới gọi là thương, không phải ta thỏa mãn tất cả yêu cầu mới gọi là yêu. Yêu thương thì lúc nào cũng trọn vẹn, nhưng vật chất chỉ cho lúc cần thiết, biết vừa biết đủ, người cho và kẻ nhận luôn sống trong sự tỉnh thức, không nhằm thoả mãn bản năng, chạy theo cảnh theo người. Ta hướng dẫn con cái thực hành nếp sống cao cả, phù hợp với chánh pháp, bằng chính lối sống và cách sống của ta, mang lại lợi ích thiết thực cho mình và tha nhân, rộng mở cõi lòng, dùng trí tuệ sáng soi ngôn hành và tư tưởng, biết cư xử lắng nghe, cùng nhau tu tập và phụng sự. Nhờ vào chất liệu sống cao đẹp của cha mẹ, nhờ vào thành quả thường xuyên tu tập, con cái lấy đó làm tấm gương noi theo, làm hành trang mai sau bước vào đời. Người con nào may mắn được huân tập giáo dưỡng trong môi trường tốt và lành mạnh, thì mới đem lại lợi lạc cho chính bản thân, gia đình và thành người hữu dụng cho xã hội. Sự có mặt của chúng ta ở cuộc đời nầy, đều do nhân duyên, nghiệp quả, mới thành người thân, mới gặp nhau, cùng chung sống dưới một bầu trời, khi hoạn nạn còn có nhau. Nhưng không phải vì không bằng lòng vừa ý, bất đồng quan điểm, ta vội đổ lỗi cho nghiệp, lấy nghiệp làm bình phong chắn lối. Đã là nghiệp thì đương nhiên ta phải nhận lãnh, chịu phần trách nhiệm, vì ta tác nghiệp, nhưng đừng phó mặc đổ thừa, cố chấp, chạy trốn. Chỉ có đương đầu trực diện, chuyển đổi, hoá giải nghiệp, thì ta mới thảnh thơi nhẹ bước, còn không thì nghiệp mãi theo ta đến muôn kiếp. Ta không chịu, không hết lòng hoán chuyển, thì mọi ngăn ngại cứ thế đong đầy dâng cao. Hiếu đạo không phải là sự đòi hỏi mà là bổn phận, không phải là sự ban phát đến từ một phía, mà phải công bình sòng phẳng với người cho và kẻ nhận. Bởi lẽ nó vốn xuất phát từ tấm lòng thủy chung, tấm lòng nói lên tất cả, làm được tất cả.

" Khoảng hơn ba mươi năm sau, sư về quê cũ tìm kiếm mẹ, đến một cái quán bán nước trà, có một bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách. Sư vào quán ngồi, chờ bà lão rảnh, hỏi thăm lai lịch, bà thở dài than:

- Tôi chồng mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không ai săn sóc, tôi phải lập quán bán nước trà, kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày.

Sư hỏi:

- Bà lão có ưng ở chùa không? Chúng tôi thỉnh bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu bệnh hoạn.

Bà nói:

- Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.

Sư nói:

- Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi, nấu cơm, người yếu quét sân, nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, thì giờ còn lại thì tụng kinh niệm Phật là tốt.

Bà lão bèn nói:

- Nếu Thầy thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.

Sư cho cất am tranh gần chùa, thường ngày Sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy vào sức khỏe của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở Bà tu hành. Thời gian sau, bà lão bệnh, Sư cảm biết bà không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng vài hôm. Trước khi đi, Sư dặn dò trong chúng: “Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau.” Đúng như lời Sư dặn, vài hôm sau bà mất, Tăng chúng làm đúng như lời Sư bảo, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Khi Sư trở về, nghe bà lão mất còn để trong áo quan. Sư nhìn mặt lần chót rồi đậy nắp quan lại. Sư nói to:

- Như lời Phật dạy: " Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật ".

Sư liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ xuống. Ngang đây mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư."

Về sau chỗ quán bán trà của mẹ, Sư lập một ngôi chùa tên “ Mại Trà Lai Tự ” ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Và Am bà đã ở để tên là “Dưỡng Mẫu Đường” .

Nhớ mẹ mà tìm về, đền đáp thâm ân cưu mang nuôi dưỡng, ngài không tỏ thân phận mình là con vì không muốn mẹ rơi vào sự ỷ lại, và cũng không dám cho đại chúng biết đó là mẹ mình, khiến sinh lòng lo lắng không cần thiết. Ngài khuyến khích mẹ làm công quả trong điều kiện sức khoẻ cho phép, để không mang nợ của đàn na tín thí, nhắc nhở mẹ thường xuyên niệm Phật để có được sự an lạc. Ngài làm tròn hiếu đạo bằng sự nổ lực tu tập giác ngộ của mình, gây cảm động đến nhân thiên. Tâm hiếu và hạnh hiếu, cũng chính là tâm Phật và hạnh Phật, vừa là lý tưởng và là con đường để hoàn thành đạo nghiệp giải thoát, cứu độ quần sanh. Đó cũng là phương cách báo đáp công ơn của cha mẹ một cách hoan hỷ và trọn vẹn.

Ta cúi đầu lạy tạ công ơn cao dày nhiều đời nhiều kiếp của cha mẹ, nguyện hết lòng báo đáp bằng sự tu tập như chánh pháp, nguyện đem lòng từ bi yêu thương chia xẻ đến muôn loài, đem trí tuệ sớt chia đến muôn phương, hồi hướng cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau, tìm về bờ giác.

2, ÂN THẦY TỔ BẠN HỮU TRI THỨC

Khi rời khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ bước vào đời, mọi thứ đều trở nên xa lạ hụt hẩng, khổ đau lúc nào cũng rình rập, hạnh phúc không chờ đón, miếng cơm manh áo không ai dâng tặng miễn phí, phải bương chải, đấu tranh giành giật để sống còn. Ta mới chợt hiểu ra, không có sự bình yên nào ở cuộc đời bằng sự bình yên trong vòng tay che chở của cha mẹ. Con đường ta đi đầy chông gai trắc trở, sóng gió cuồn cuộn phủ vây, bên ngoài đem đến thì ít, do ta chủ động thì nhiều. Ta đạp kẻ khác xuống, không từ mọi thủ đoạn, bước lên ngẩng cao tự đắc, bất chấp tất cả, miễn sao chiến thắng cùng chiến lợi thuộc về mình. Nổ lực để có, bằng và hơn cho dù ta sống trong sự khổ đau và gây tổn hại đến kẻ khác. Dòng đời có thật sự nghiệt ngã như thế, hay vì bản năng tham sân si cố hữu ở trong ta khiến mình bị quật ngã? Cảnh đời có khi không do ta định đoạt, nhưng biết sống cho được vui tươi, không hại mình hại người, an lạc hạnh phúc thì lại do chính mình quyết định chọn lựa.

Trong tất cả những sự may mắn thì sự may mắn lớn nhất của ta trong cuộc đời nầy là gặp được chánh pháp, gặp được thầy tổ ân sư, những người bạn lành hiểu biết, đem đến cho ta món ăn tinh thần, hướng dẫn ta thấy được chân lý cao tột, khuyến khích ta hết lòng tu tập noi theo. Cha mẹ dù có yêu thương lo lắng, nhưng không thể ở đời mãi với ta, thầy tổ dù cho ta món ăn tinh thần lý tưởng, nhưng ta phải tự mình đứng dậy đi bằng đôi chân của chính mình, hết lòng nổ lực tu tập, mới không cô phụ tấm lòng từ bi yêu thương. Đường đi điểm đến đã được thầy tổ ân sư, thiện hữu tri thức chỉ lối. Tự mình đốt đuốc soi sáng nẽo vô minh, tìm đến chân trời cao rộng giải thoát.

" Sư đang trụ trì ở Đông Sơn khi nghe Thiền sư Thông Giác từ Trung Quốc đắc đạo trở về ở chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, liền tìm đến yết kiến. Thiền sư Thông Giác hỏi:

- Như khi ta đang nghỉ, đợi đến bao giờ có tin tức?

Sư đáp: - Đúng ngọ thấy bóng tròn, giờ dần mặt trời mọc.

Thông Giác hỏi: - Bảo nhậm thế nào?

Sư bạch bằng kệ:

"Cần có muôn duyên có

Ưng không tất cả không

Có không hai chẳng lập

Ánh nhật hiện lên cao ".

(Ưng hữu vạn duyên hữu

Tùy vô nhất thiết vô

Hữu vô câu bất lập

Nhật cảnh bổn đương bô.)

Thông Giác bước xuống bảo:

Tào Động hợp quần thần, tiếp nối dòng của ta, nên cho ngươi pháp danh Tông Diễn. Bèn nói kệ trao pháp:

" Tất cả pháp chẳng sanh

Tất cả pháp chẳng diệt

Phật Phật, Tổ Tổ truyền

Uẩn không sen đầu lưỡi ".

(Nhất thiết pháp bất sanh

Nhất thiết pháp bất diệt

Phật Phật, Tổ Tổ truyền

Uẩn không liên đầu thiệt.)

Từ đây Sư luôn theo hầu dưới gối, cho đến khi Thiền Sư Thông Giác về trụ trì chùa Hạ Long. Nơi đây Sư cũng sớm hôm không rời tả hữu. Ban ngày Sư đi khuyến hoá cúng dường chúng tăng, ban đêm thì thưa hỏi diệu nghĩa thâm huyền, có khi suốt đêm ngồi thiền không đặt lưng xuống chiếu. Sư chịu vất vả nhọc nhằn không tiếc thân mạng."

Ngài đắc pháp với Thiền Sư Thông Giác qua bài kệ " có không cả hai chẳng lập " Trong sự tương duyên, bất nhị, cái nầy sinh cái khác cũng sinh, cái nầy diệt cái khác cũng diệt, cái nầy sinh cái khác diệt, cái nầy diệt cái khác sinh. Cả hai sinh và diệt, là lẽ thường. Cái có với cái không, cái không với cái có, không không có có, đều không có tự tính vì vốn không thật tính. Khi mặt trời lên cao, khi trí tuệ tỏ rạng, khi mọi biên kiến nhị nguyên vở tung, khi giai tầng cấu trúc đổ nhào ngã qụy, thì ánh dương quang của vô sinh bất diệt, chơn không diệu hữu, tự nhiên tròn đầy toả chiếu.

Lạy tạ thâm ân thầy tổ và những người bạn lành hiểu biết, nguyện hết lòng phụng sự chúng sinh, đền đáp ân đức cao dày trong muôn một. Lạy tạ ân sư, bạn lành vì ta mà kiếp nầy ra tay tế độ, hướng dẫn cho ta biết đường ngay lẽ phải để quay về, đem tất cả tâm thành cùng nhau hướng về giác ngộ. Kính lễ dốc lòng lễ kính.

3, ÂN QUỐC GIA XÃ HỘI CHÚNG SANH

Giáo lý mà Đạo Phật đóng góp vào truyền thống văn hoá của Dân tộc, không những thiết dụng về mặt tinh thần, mà còn hoàn thiện lý tưởng sống cao đẹp cho cá nhân và xã hội. Trong tinh thần từ bi, ban vui cứu khổ, trong sự hợp nhất của tri hành, trãi lòng từ bi hướng nguyện đến muôn loài chúng sanh, chuyển hoá khổ đau tìm đến giải thoát. Có như thế ta mới hoàn thành sứ mạng cứu mình, độ người và độ chúng sanh. Chúng ta truy niệm ân đức, lạy tạ công ơn những người xả thân hy hiến đời mình cho Dân Tộc, những bậc anh hùng cứu quốc, những chiến sỹ trận vong, những anh linh đồng bào tử nạn, vì sự sống còn của chúng ta, sự vươn lên đi tới của Dân Tộc, đã và đang dấn than, hy sinh thân mạng. Giá trị đích thực của Đạo Phật Việt là đứng trong lòng Dân Việt, vì Dân Việt và cho dân Việt, kề vai sát cánh bất khả phân ly, dựng xây một xã hội lấy từ bi nhân bản và trí tuệ giải thoát làm sự nghiệp. Lý tưởng cao đẹp là lý tưởng đó phải được thành tựu trong sự cho và vì tha nhân, đồng loại, chúng sanh. Nó sẽ không còn cao đẹp nếu vì ý thức hệ, tôn giáo, chủ nghĩa cá nhân, bản ngã, lòng tham sân si mà hành động. Những gì phi Dân Tộc phản Dân Tộc, đứng ngoài Dân Tộc thì chắc chắn sẽ bị bánh xe lịch sử của Dân Tộc nghiền nát.

Ta làm đổi thay chính ta, con người, xã hội không phải bằng sự kêu gào, cố chấp, đổ tội, phê phán, mà bằng tấm chân tình không vị kỷ, bằng năng lực tu tập tỉnh thức, nhân cách làm người cao cả. Tâm hành của chúng ta là phụng sự cho chúng sanh bằng mọi cách để đi đến giải thoát. Lý tưởng của chúng ta là ban vui cứu khổ, giải phóng con người ra khỏi khổ đau. Đấu tranh là tranh đấu với chính ta, với bản ngã cố chấp, với phiền não vô minh, thiện, ác, tham sân si. Ta không thể thay đổi kẻ khác khi trong ta không tự mình thay đổi. Lối sống và cách sống của ta có đượcchuyển hoá, toát ra sự an lành khiến cho kẻ khác vững tin tìm về, từ bi trong ta có dâng trào, trí tuệ trong ta có thắp sáng? Chân lý hay phi chân lý, lý tưởng hay tham vọng, cá nhân hay tha nhân, nhập nhằng lẫn lộn, đánh đồng tráo đổi? Giáo lý tuyệt vời của Đạo Phật luôn tỏa sáng trong từng tâm thức, làm chổ dựa mong vững chải trong thế giới thống khổ phủ vây. Cái nào đáng để ta gánh trọn lên đôi vai, cái nào đáng để ta buông bỏ? Buông cái gì, bỏ cái gì, hay tất cả, do chính ta chọn lựa.

" Niên hiệu Vĩnh Trị năm 1678 vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đâu Tăng Ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi. Sư biết được tin này rất đau lòng, tự nghĩ: “Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại cho là vô dụng? Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi loạn, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh. Nếu không hoằng dương được chánh pháp thì làm sao đáng đền ơn Phật Tổ! Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời.” Sư bèn quyết tâm rời chốn sơn dã về đất thần kinh, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp trong khi tai nạn. Sư trở về trình thầy để xin phép đến kinh đô, Thiền sư Thông Giác hoan hỉ. Sư đi mấy hôm đến chùa Cổ Pháp, xin phép nghỉ lại trong chùa, vị Trụ trì ở đây tiếp đãi rất ân cần. Suốt đêm, Sư tọa thiền đến khi nghe tiếng chuông sáng mới xả thiền, lên điện lễ Phật. Khi lễ, Sư nhìn lên thấy tượng đức Điều Ngự, Sư liền viết bài thơ dâng lên như sau:

" Trước là vua sau cũng là vua

Xưa sao kính mộ nay chẳng ưa?

Có linh xin nguyện phen này đến

Cửa khuyết ra vào được tự do."

( Tiền Quốc vương hề hậu Quốc vương

Tiền hà kỉnh mộ hậu hà mang

Hữu linh tương nguyện kim phiên xuất

Ư cửu trùng môn nhập bất phương.)

Ba hôm sau, Sư đến kinh đô vào cửa Đông thì trời đã tối, nghe có tiếng mõ ở gần khám đường, ngỡ đây là nhà Phật tử, bèn gõ cửa. Chủ nhân mở cửa trông thấy Sư liền thỉnh vào nhà. Vào nhà, Sư thấy trên bàn thờ Phật hương đèn trang nghiêm, bèn hỏi:

- Tượng Phật thờ là từ đâu có ?

Chủ nhà đáp:

- Tôi là cai ngục, nhân đào đất được tượng đồng nên đem về thờ.

Sư bảo chủ nhà:

- Tượng Phật quí như thế lẽ nào lại thờ nơi thấp bé thế này, tôi muốn cùng anh mai ra thành phố quyên tải những nhà hảo tâm để mua cây gỗ cất một ngôi chùa nhỏ thờ Phật mới xứng đáng. Chủ nhà liền bằng lòng.

Sáng hôm sau, Sư ra phố phường quyên tiền, gặp quan Đề Lĩnh bắt đem về dinh chất vấn:

- Hiện nay lệnh vua truyền khắp nước, tất cả Tăng Ni già trẻ đều phải vào ở trong rừng núi. Ông là người thế nào dám bỏ núi rừng về kinh kỳ đi lại tự nhiên như thế này ? Có phải khinh thường pháp luật của vua không ?

Sư trả lời:

- Mệnh lệnh của vua mà có ai dám trái phạm, chỉ vì kẻ tăng quê mùa này ở trong núi sâu được một viên ngọc quí, mang đến đây để dâng hiến nhà vua, xin ông đạo đạt lên vua cho tôi dâng ngọc, dâng xong tôi sẽ trở về núi.

Quan Đề Lĩnh nghe xong liền vào triều tâu lên vua. Vua sai quan Đề Lĩnh ra nhận ngọc đem vào vua xem. Đề Lĩnh về thuật lại Sư nghe,Sư nói:

- Viên ngọc quí rất thiêng liêng vô giá, người ăn cá thịt hôi tanh không thể cầm giữ được, dám phiền ông trình lên nhà vua cho tự tay kẻ hèn này dâng lên nhà vua, cho mãn nguyện của kẻ trung thành ở nơi hoang vắng.

Quan Đề Lĩnh vào tâu lại, nhà vua không bằng lòng. Sư than: “Mặt trời tuy sáng tỏ, không khỏi bị mây che. Mặt trăng dù rạng ngời, khó khỏi đám mây phủ, việc này như thế ta biết làm sao?” Sư ở đây ba tháng mà không vào được triều đình, bèn suy nghĩ viết một tờ biểu, nói rõ việc tu hành cách thức làm yên nhà lợi nước một cách rành mạch rõ ràng. Thí dụ đạo Phật như là hòn ngọc quí soi sáng mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối. Viết xong, Sư để trong cái hộp đem dán kín cẩn mật, xin cầu quan Đề Lĩnh vào triều tâu lên Thánh thượng một lần nữa rằng: “Xin nhà vua chọn lấy một ông quan văn trung trực thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày, sẽ ra nhận ngọc quí dâng lên vua.” Vua nghe xong liền phán cho viện Hàn lâm chọn một người rất tín cẩn, thành tâm trai giới ba ngày rồi đến chỗ vị tăng quê nhận lấy hòn ngọc dâng lên vua. Vị quan văn được đề cử giữ đúng trai giới ba ngày xong, liền đến dinh quan Đề Lĩnh hỏi vị tăng để nhận ngọc. Sư trao cái hộp, dặn dò cẩn thận dâng lên tận tay vua. Vị quan văn bưng hộp ngọc đến trước triều dâng lên vua, khi mở ra xem chỉ là một tờ biểu, chớ không có hòn ngọc nào. Vua phán vị quan văn đọc tờ biểu cho vua nghe. Vị quan quì đọc xong, vua nghe qua thấy lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, lời văn sáng suốt, ý tứ thâm trầm, bèn ra lệnh quan Đề Lĩnh dẫn vị tăng này vào triều.

Khi vào triều, vua cho Sư ngồi một bên trước mặt vua. Vua hỏi những sách lược trị dân, Sư ứng đối sự lý rất dung thông. Khi ấy, vua phán: “Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân.” Vua liền mời Sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng hoàng nghe tiếng sai Trung sứ đến nói với vua thỉnh Sư vào cung diễn giảng kinh pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, liền ban cho Sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh trước, để Tăng Ni tự ý trở về chùa mình ở đâu tùy duyên giáo hóa.

Vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên tạc hình vua quì mọp để tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối. Tượng này hiện còn thờ ở chùa Hồng Phúc.

Đã giải được ách nạn của Tăng Ni (Phật pháp) và giáo hóa được vua chúa trong triều, Sư nghỉ việc xin vua về núi thăm thầy. Vua bằng lòng liền ban áo gấm cho Hòa thượng ở núi để an ủy, tặng tiền bạc để Sư làm lộ phí, hẹn thời gian ngắn gặp lại.

Hôm ấy, Sư lên đường khi đến bến đò Bồ-đề, thấy nước sông Nhị trong veo thuyền lớn nhỏ qua lại tự do, liền cảm hứng làm bài thơ:

" Ngàn tầm sông Nhị đục rồi trong

Qua lại thuyền bè rất thong dong

Mừng gặp Bồ-đề đồng đến bến

Toại lòng ta nguyện độ quần sanh ".

(Thiên tầm Nhị thủy trọc hoàn thanh

Phao quá đông tây vãng phục hành

Hỉ đáo Bồ-đề đồng đáo ngạn

Toại dư xuất thế độ quần sanh.)

Sau đó, về đến Đông Triều, rồi tới Hạ Long, Sư lên điện lễ Phật, vào phương trượng lễ thầy, mọi người gặp lại trong niềm hoan hỉ. Ở lại thời gian, Sư từ giã trở lại kinh đô. Về đến kinh vua chúa đều mừng rỡ. Vua ban cho Sư chức Ngự Tiền Chi Quân (ngồi ở trước vua) và áo gấm. Sư từ chối chức tước, chỉ nhận áo gấm cho vui lòng vua. Sư tổ chức khắc bản in kinh Hoa Nghiêm để ở chùa Báo Thiên, khắc bản kinh Pháp Hoa in để ở chùa Khán Sơn. Bấy giờ bà Quốc nhũ (mẹ vú của vua) quê ở Hòe Nhai mời cậu vua phát tâm cúng dường cho Sư tu sửa chùa Hồng Phúc. Sư nhận lời khởi công xây dựng không bao lâu thì được hoàn thành. Làm chùa xong còn dư tiền, Sư sáng lập chùa Cầu Đông, xong xuôi Sư xin vua cho người cai ngục lúc trước làm tăng gìn giữ chùa Cầu Đông."

Đường đạo hay đưòng đời không phải lúc nào cũng bình yên, kẻ khác mang đến thì ít mà do ta khuấy động thì nhiều. Dù tâm hay cảnh, nội giới hay ngoại giới, thì tự mình quán chiếu tìm phương vượt thoát. Không có điều gì tự nhiên đến mà không có nguyên nhân, tất cả đều do nhân quả nghiệp duyên. Ta tỉnh thức tu tập, bằng lòng đón nhận tất cả trong sự hoan hỷ tuyệt cùng, thì cảnh cùng tâm mới không gây đau khổ, ta mới được nhẹ nhàng an lạc.

Ai trong chúng ta không từng thọ ơn của muôn loài chúng sanh, từ thiên nhiên đến con người, từ chuyện lớn đến vật nhỏ, chén cơm ta ăn, cái áo ta mặc, công sức mồ hôi nước mắt của biết bao con người. Tiếng chim hót líu lo trên cành, hoa trong vườn nở rộ, đem đến cho ta hương vị sắc màu, những phút giây thả hồn lắng đọng, một chút hoan hỷ có dịp ghé lại nơi tâm hồn. Chiếc lá vàng rơi trong chơ vơ lạc lõng, cơn gió vô tình cuốn đi những tàn hoa rơi rụng, tiếng kêu não nề trong đêm trường cô tịch, nhắc nhở cho ta sự có mặt của vô thường lẫn khuất đâu đây, ta phải ra công gắng sức tìm phương vượt thoát. Dù lặng lẽ sớt chia hay âm thầm nhắc nhở, tất cả đều là ơn.

Ta lạy tạ ơn đờì, ơn người, ơn tất cả chúng sanh, cho và vì sự có mặt của ta trong cuộc đời nầy. Dù cuộc sống của ta khổ đau hay hạnh phúc, nụ cười hay nước mắt, ta vẫn phải tạ ơn đời sống vừa khổ vừa vui, vừa được vừa mất nầy. Lạy tạ những người đem niềm vui và nỗi khổ đến, để ta còn dịp trả hết nghiệp một lần cho trọn. Tạ ơn một lòng tạ ơn.

4, ÂN TAM BẢO

Trong bốn ân đức mà Thiền Sư hết lòng báo đáp, thì ân Tam Bảo là khó lòng đền đáp nhất, cho dù trưởng tử hay trưởng nữ của đức Như Lai, tất cả đều là con Phật, đều mang trong mình lý tưởng cao cả " Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh " .Nếu không làm đưọc điều đó, không ra sức gắng lòng tu tập, không phát khởi bi nguyện dấn thân phụng sự, không đem thân mạng nổ lực tu tập đi đến giải thoát, thì muôn kiếp vẫn không đáp trả được ơn nầy. Trong ý nghĩa " Phụng sự cho chúng sanh là cúng dường chư Phật ". Bằng vào cách đó, mỗi một cách đó, chỉ có cách đó, mới phần nào chúng ta trả ơn Tam Bảo.

" Sau Sư trụ trì ở chùa Hồng Phúc, thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe. Ngày tháng trôi qua, thấy tuổi già sức yếu sắp đến ngày viên tịch, bèn gọi đệ tử là Thiền sư Tĩnh Giác hiệu Hạnh Nhất đến dạy: “Gió từ thổi mạnh cuốn sạch mây mù, vầng mặt trời trí tuệ sáng ngời, gió lành thổi mát trong triều ngoài nội, nhưng không hề trụ trước, vì không cũng hoàn không. Trước sau như một cho ngươi hiểu rõ ba điểm hiển mật, cho ngươi giữ lấy trung đạo, ra đời độ người nay cũng như xưa, trời Tây, cõi Đông đạo vốn như nhau.” Dặn dò xong Sư nói kệ:

" Xuân đến hoa chớm nở

Thu về lá vàng rơi

Đầu cành sương lóng lánh

Cánh hoa tuyết rạng ngời.

Buổi sáng trời trong rồng bày vảy

Ngày trưa mây sáng voi hiện hình

Vằn cọp tuy thấy một

Bầy phụng thể toàn đồng.

Đạt-ma Tây sang truyền pháp gì?

Cành lau qua biển nổi phau phau ".

(Hoa khai xuân phương đáo

Diệp lạc tiện tri thu

Chi đầu sương oánh ngọc

Ngạc thượng tuyết liên châu.

Thanh thần vân tán sản long giáp

Bạch nhật hà quang lỏa tượng khu

Báo văn tuy kiến nhất

Phụng chúng thể toàn câu.

Đạt-ma Tây lai truyền hà pháp ?

Lô hoa thiệp hải thủy phù phù.)

Truyền pháp xong, Sư bảo: “Báo thân của ta đến đây đã hết.” Nói rồi, Sư ngồi trên giường thiền yên lặng thị tịch. Bấy giờ là ngày 16 tháng 7 năm Tân Sửu nhằm niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1711) triều Lê Dụ Tông, Sư thọ 72 tuổi. Đệ tử làm lễ hỏa táng xong, thu xá-lợi xây tháp ở Đông Sơn để thờ ".

Bài thi kệ và những lời dạy bảo của ngài trước khi xả bỏ tấm thân tứ đại, nói lên vấn đề chung quyết của mỗi chúng ta. Ở đó sự rộng mở tuyệt vời của giác ngộ về nguyên lý vô thường sanh diệt, " không hề trụ trước " hiển lộ nên chân tính của bất sinh bất diệt, " không cũng hoàn không". " Nở " và " rơi ", sanh và diệt là một ý thức thường trực về vô thường, về thân phận mong manh của kiếp người, thoạt có rồi không, sớm nở tối tàn, biến động nổi trôi, từ đó nổ lực quán chiếu, tìm phương vượt thoát tử sinh. " Một " và " đồng ", đồng một thể vô phân nguyên vị, thể tánh thường hằng bất biến, sẵn có trong mỗi chúng ta. Giác ngộ là sự thể nhập, tỉnh thức, bùng vỡ, vượt qua, thẳng tiến trong sự hợp nhất của tri hành.

Ngài nằm xuống cách đây mấy thế kỷ, tấm lòng hiếu đạo cùng nguyện lực cao cả, và công hạnh sâu dày của ngài, vẫn mãi lớn dần theo nhịp thời gian, đượm ngát cả không gian, lưu lại trong lòng mỗi người. Lòng từ bi và tấm gương hiếu hạnh của ngài vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta đi, tỏ rọi bến mê tìm về bờ giác. Chúng ta nguyện hết lòng báo đáp, hết lòng trân trọng kính lễ ân đức sâu dày cao cả, bằng vào sự tu tập giải thoát của chính mình, để phụng sự chúng sanh. Có như thế mới không cô phụ, mới đền đáp thâm ân cho được muôn phần trọn vẹn.

Ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu không còn riêng của Đạo Phật mà trở thành chung cho mọi người Dân Việt, chúng ta duy trì và phát huy truyền thống đó, để làm rạng ngời cho chính ta và cũng là vẽ vang cho dân tộc. Để yêu thương lắng đọng trùng khắp, hương thơm hiếu hạnh lan tỏa muôn phương. Trong niềm hiếu kính vô biên, trong sự rạng ngời của tâm thức, tâm hiếu và hạnh hiếu đong đầy lên mãi, tâm Phật và hạnh Phật sáng tỏ trong lòng mọi người bất diệt.

Ta hết lòng đãnh lễ mười phương Tam Bảo gia hộ cho ta vững tiến trên con đường đạo. " Con về nương tựa Phật người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời nầy. Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức ". Nương tựa vào ba ngôi báu, phát nguyện tu tập, gắng lòng bền chí. " Dù cho thế giới không còn, lòng con cũng vẫn sắc son lời nguyền ".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]