Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Giáo dục

06/01/201206:49(Xem: 6208)
2. Giáo dục

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG VII

VĂN HỌC ẤN ĐỘ

II. GIÁO DỤC

Các trường học – Các phương pháp dạy học – Các đại học – Sự giáo dục của người Hồi – Quan niệm của một hoàng đế về giáo dục.

Cho tới thế kỉ XIX, chữ viết đóng một vai trò rất nhỏ nhoi, vô nghĩa. Có lẽ các tu sĩ nghĩ rằng để cho đại đa số tín đồ đọc được các Thánh kinh, là điều không có lợi cho họ [tức các tu sĩ]. Đọc sử Ấn Độ, đi ngược thời gian, chúng ta thấy từ hồi nào, sự giáo dục luôn luôn do các tu sĩ đảm nhiệm. Mới đầu trường chỉ mở để dạy con trai các Bà La Môn, lần lần cho thêm trẻ các tập cấp khác vô học, tập cấp cao được thu nhận trước, và hiện nay tập cấp “tiện dân” vẫn chưa được thu nhận. Mỗi làng có một ông thầy do quĩ công đài thọ; trước khi người Anh tới, riêng miền Bengale có khoảng 80.000 trường “bản xứ” như vậy, tính ra trung bình cứ bốn trăm người dân thì có một trường[11]. Hình như dưới triều đại Açoka, tỉ số người mù chữ thấp hơn ngày nay.



103lichsuvanminhando-07


Sách lá cọ


(http://www.columbia.edu/cu/lweb/indiv/southasia/cuvl/indicmss/palm.html)

Trẻ em từ năm tới tám tuổi tới học trường làng, học từ tháng chín tới tháng hai. Bất kì môn gì cũng thấm nhuần giáo lí; nhiều khi người ta chỉ cho học sinh học thuộc lòng, các bài học thuộc lòng đều lấy trong các kinh Veda; tư cách con người quan trọng hơn là trí tuệ và giáo dục chú trọng nhất tới kỉ luật[12]. Hình như các ông giáo không dùng đến roi hoặc một thể hình nào khác, họ rán tập cho trẻ có những thói tốt về phép cư xử, cách sống, cách giữ gìn thân thể cho sạch sẽ. Tám tuổi, người ta giao trẻ cho một guru, một giáo sư riêng tựa như sư phó; trẻ sống với guru nếu có thể được cho tới hồi hai mươi tuổi, có bổn phận giúp đỡ thầy trong mọi việc lặt vặt, phải tiết dục, từ tốn, giữ mình cho sạch sẽ, cữ ăn thịt. Lúc đó mới bắt đầu học năm môn: ngữ pháp, nghệ thuật và nghề nghiệp, y học, luận lí học và triết học. Sau cùng thanh niên rời thầy ra đời, nhớ kĩ lời thầy dạy rằng sự giáo dục, một phần tư là công của thầy, một phần tư là công của chính mình, một phần tư nữa là nhờ bạn, và phần tư cuối cùng là do kinh nghiệm trong đời.

Nhiều khi, vào hồi mười sáu tuổi, thanh niên rời thầy để lại học trong một trường đại học. Những trường đại học này làm vẻ vang cho Ấn Độ thời Thượng cổ và thời Trung cổ, như các trường Bénarès, Taxila, Vidarbha, Ajanta, Ujjain, Nalanda. Thời Phật Tổ, Bénarès là đồn luỹ của chính giáo Bà La Môn mà nay cũng vậy. Khi vua Hi Lạp Alexandre xâm chiếm Ấn, Taxila nổi tiếng khắp châu Á là nơi có nhiều nhà bác học nhất của Ấn, trường Y khoa ở đó rất danh tiếng; Ujjain thì nổi tiếng về các nhà thiên văn; Ajanta nổi tiếng về các giáo sư dạy nghệ thuật. Ngày nay nhìn mặt tiền một toà nhà đã điêu tàn của trường Ajanta, chúng ta cũng tưởng tượng được thời xưa các trường đại học đó tráng lệ ra sao. Nalanda, học viện nổi danh nhất của Phật giáo được thành lập ít lâu sau khi Phật Tổ tịch, và triều đình cho viện thu thuế một trăm làng để chi tiêu. Hồi xưa, viện gồm mười ngàn sinh viên, một trăm giảng đường, có những kho sách lớn và sáu dãy mênh mông cao bốn từng dùng làm phòng ngủ. Huyền Trang bảo đài thiên văn của viện “khuất trong mây mù buổi sáng, những tầng lầu cao vượt lên khỏi mây”. Nhà sư Trung Hoa đó mến các tu sĩ bác học và cảnh âm u của viện tới nỗi ở lại Nalanda năm năm. Ông bảo: “Trong số các người ngoại quốc ước ao được lại học ở Nalanda, già nửa thấy môn học khó quá, theo không nổi, bỏ về liền; chỉ những người rất thông các môn học cổ, kim là theo nổi, mà tỉ số cũng rất nhỏ: mười người mới được hai, ba. Thí sinh được nhận vô học đã khỏi phải trả tiền học, lại còn được nuôi không nữa, nhưng phải tuân một kỉ luật nghiêm khắc gần như vào nhà tu kín. Họ không được nói chuyện với bất kì một người đàn bà nào; không được nhìn một người đàn bà nào; nội cái ý muốn được nhìn đàn bà cũng đủ là một tội nặng rồi; thật là nghiêm khắc y như các giới luật trong Tân Ước. Sinh viên nào mắc tội ái ân với đàn bà, thì phải khoác suốt một năm một tấm da lừa đuôi ngóc lên, và phải đi hành khất mà thú tội của mình với người bố thí. Mỗi buổi sáng, số sinh viên vĩ đại đó tắm trong mười cái hồ tắm lớn của viện. Chương trình học kéo dài mười hai năm và một số sinh viên ở lại viện tới ba mươi tuổi, có người ở suốt đời.

Người Hồi tàn phá gần hết các tu viện đạo Phật cũng như đạo Bà La Môn ở Bắc Ấn Độ. Học viện Nalanda bị san phẳng năm 1197 và bao nhiêu tu sĩ đều bị giết hết; nhìn những di tích còn lại chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi thời xưa đời sống ở Ấn Độ phong phú ra sao. Mà những kẻ tàn phá đó đâu phải là một dân tộc hoàn toàn dã man; họ cũng đã biết yêu những cái đẹp và biết tạ khẩu những cớ này cớ khác về tôn giáo ra vẻ thành kính lắm để biện hộ cho những cuộc cướp bóc của họ chứ. Khi người Mông Cổ thống trị Ấn, cũng đem vô Ấn một nền văn minh tấn bộ lắm, nhưng quan niệm hẹp hòi; họ yêu văn thơ cũng ngang với võ bị và có tài tấn công một thành cũng như có tài gieo vần. Người Hồi cho giáo dục một tính cách hoàn toàn cá nhân; gia đình nào giàu có thì đón một thầy dạy riêng cho con cái; đúng là một quan niệm quí phái. Họ cho giáo dục là một xa xí phẩm, đôi khi rất có ích cho một chính khách hay một con buôn, một nhà kinh doanh, nhưng có thể nguy hại cho quốc gia, gây rắc rối cho xã hội nếu truyền bá cho kẻ nghèo, những kẻ phải suốt đời chịu cái thân phận hèn mọn. Một trong những thầy học cũ của vua Aureng-Zeb có lần xin ông phong cho một chức quan nhàn hạ, lời đáp của ông đủ cho ta thấy lối dạy học thời đó ra sao. Bernier nghe người ta kể lại câu chuyện đó, rồi chép lại như sau:

Nhà thông thái Mullah-Gy[13], ông tới cầu ta điều chi đây? Cầu ta phong cho ông chức đại thần ở triều ư? Nếu trước kia ông dạy cho ta một cách đàng hoàng thì điều thỉnh nguyện đó rất hợp lí vì ta có tấm lòng của một đứa trẻ ngoan ngoãn, mang ơn thầy học cũng bằng hay hơn là mang ơn cha; nhưng ông có dạy bảo cho ta được điều gì quí báu không? Trước hết ông bảo ta rằng tất cả cái châu Frangistan (châu Âu) đó chỉ là một đảo nhỏ mà quốc vương lớn nhất xưa kia là vua Bồ Đào Nha, rồi sau tới vua Hoà Lan, rồi sau tới vua Anh; còn những vua khác như vua Franca (Pháp), vua Andalous[14], ông cho chỉ như bọn rajah nhỏ của mình, như vậy ông muốn cho ta hiểu rằng các vua Houmayou, Ekbar, Jehan Guyre, Shah Jehan[15], giàu có, uy quyền nhất thế giới, làm chủ thế giới; rằng Ba Tư, Usbec, Kach-guer, Tatar và Catay-Pégu (tức Thái Lan), Tchine và Machine[16]chỉ nghe thấy nói tới tên các vua Indoustan cũng run lên cầm cập rồi; cái môn địa lí của ông thật tuyệt! Đáng lí ra ông phải dạy cho ta phân biệt được đúng các quốc gia trên thế giới đó, cho ta biết rõ sức mạnh của họ ra sao, thắng được họ cách nào, phong tục, tôn giáo, chính trị của họ ra sao, họ mưu tính những gì; và dạy cho ta đọc kĩ lịch sử để biết các nước đó lập quốc gia ra sao, thịnh vượng rồi suy vi ra sao; do những biến cố, lỗi lầm nào của họ mà xảy ra những cuộc đại biến, những cuộc cách mạng đó. Ông chỉ dạy qua loa cho ta tên của các tiên vương, những đấng sáng lập ra đế quốc này, mà không cho ta biết đời các đấng đó, công lao lập quốc vẻ vang của các đấng đó. Ông đã dạy ta biết đọc và biết viết tiếng Ả Rập; ta mang ơn ông lắm, đã làm cho ta mất bao nhiêu ngày giờ học một ngôn ngữ cần mười, mười hai năm đèn sách mới thông thạo được, như thể ông nghĩ rằng một hoàng tử thì phải là một nhà ngữ pháp học hoặc một nhà luật học, rồi lại phải học thêm những ngôn ngữ khác ngoài những ngôn ngữ của các lân bang; mà thì giờ của một hoàng tử quí báu quá, có biết bao điều khác rất quan trọng phải học cho sớm. Cái lối học từ ngữ đó buồn tẻ, khô khan, tốn công mà lại không thích hợp, làm cho bộ óc nào mà chẳng chán ngấy rồi hoá mụ đi!

Bernier bảo: “Đấy, Aureng-Zeb có giọng bực tức như vậy đấy, nhưng vài nhà thông thái, hoặc vì muốn nịnh ông, hoặc vì ghen ghét Mullah-Gy, hoặc vì một lí do nào khác, loan truyền tin rằng nhà vua đã chịu ngưng cho đâu, nói lãng qua nhiều chuyện khác để cười cợt, rồi lại mắng tiếp Mullah”.

Ông không biết rằng tuổi thơ, kí tính thường rất mạnh, nếu khéo dạy dỗ thì có thể thu nhập được cả ngàn phép tắc tốt đẹp, cả ngàn tri thức ích lợi, nó khắc sâu vào trí óc suốt đời, làm cho tinh thần cởi mở, cao thượng để sau này thi hành những việc lớn, ông không biết vậy ư? Luật pháp, kinh kệ và khoa học, học bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta chẳng dễ dàng hơn, hiểu kĩ hơn là học bằng tiếng Ả Rập ư? Ông bảo với phụ vương Shah Jehan rằng ông dạy triết học cho ta; chắc phụ vương còn nhớ trong mấy năm ông giảng cho ta về những chuyện trên trời, những chuyện chẳng thoả mãn trí óc con người chút nào, mà cũng chẳng dùng được gì trong đời sống, toàn là những chuyện hão huyền, khô khan chỉ được mỗi cái điểm quí này là rất khó hiểu mà lại rất mau quên, làm cho phát ngấy lên, óc mụ đi, thành con người cố chấp không ai chịu nổi. Ta còn nhớ rõ sau khi ông đem cái môn triết đẹp đẽ của ông đó giảng cho ta không biết mấy năm trời, ta chỉ còn nhớ được vô số những triết ngữ dã man, tối tăm, làm cho những óc thông minh nhất cũng phải sợ, rối trí và chán ngắt; những triết ngữ mà những kẻ nào tạo ra đó chỉ để che dấu cái tự cao tự đại, cái ngu xuẩn của những con người như ông, những người muốn loè đời rằng cái gì mình cũng biết, rằng những từ ngữ tối tăm, hàm hồ đó, chứa những tư tưởng vĩ đại, những huyền bí lớn lao mà chỉ bọn họ hiểu nổi. Giá ông [đừng dạy những cái hão huyền đó mà] dạy cho ta cách lí luận để ta lần lần quen đưa ra những lí lẽ vững vàng; giá ông chỉ cho ta những phép tắc, những lời giáo huấn đẹp đẽ để nó nâng cao tâm hồn lên khỏi những chìm nổi của đời người, lúc nào cũng bình thản, không gì lay chuyển nổi, khi lên thì không vênh vênh tự đắc, lúc xuống thì không rầu rĩ, hèn nhát; giá ông khéo dạy cho ta biết bản thân chúng ta ra sao, phép tắc chính của vạn vật là gì, và giúp ta nhận định được sự vĩ đại của vũ trụ, sự biến chuyển và trật tự huyền nhiệm của các thành phần vũ trụ; giá ông dạy cho ta cái triết lí đó thì có phải là ta mang ơn ông vô cùng không, hơn vua Alexandre mang ơn Aristote, và bổn phận của ta là tạ ơn ông hơn Alexandre tạ ơn Aristote nữa. Con người nịnh bợ kia, sao không dạy cho ta một chút gì thật là cần thiết cho một ông vua như vậy, cho ta biết bổn phận vua tôi đối với nhau ra sao? Ít nhất thì ông cũng phải nghĩ rằng một ngày nào đó ta phải dùng đường gươm lưỡi kiếm để bảo vệ cái mạng ta và tranh ngai vàng với anh em ta chứ? Đó chẳng phải là số phận của hết thảy các con vua ở xứ Indoustan này ư? Vậy mà có bao giờ ông chịu khó dạy cho ta thuật tấn công một thành, thuật đem quân nghênh chiến? Và ta đã phải mất công học hỏi những người khác! Thôi, về vườn đi, mai danh ẩn tích ở quê hương ông đi, đừng cho thiên hạ biết ông bây giờ là ai, sau này là ai nữa[17].

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]