Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Hoàng kim thời đại

06/01/201206:49(Xem: 6435)
3. Hoàng kim thời đại

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG III -
TỪ ALEXANDRE TỚI AURENG-ZEB

III. HOÀNG KIM THỜI ĐẠI

Các cuộc xâm lăng – Các vua Kushan – Đế quốc Gupta – Pháp Hiển qua Ấn Độ - Văn học phục hưng – Hung Nô vô Ấn Độ - Harsha đại độ - Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh

Suốt một thời gian gần sáu trăm năm từ khi vua Açoka băng cho tới khi Đế quốc Gupta thành lập, các kí tái và tài liệu Ấn Độ rất hiếm, thành thử cả một đoạn sử còn chìm trong bóng tối. Như vậy không có nghĩa rằng thời đó là thời các nhà cầm quyền theo chính sách ngu dân; nhiều trường Đại học như trường Taxila vẫn tiếp tục hoạt động, trong khi ở Tây Bắc Ấn Độ, ảnh hưởng của Ba Tư về kiến trúc, của Hi Lạp về điêu khắc, gây nên được một nền văn minh phồn thịnh theo dấu vết của vua Alexandre. Hai thế kỉ thứ II và thứ I trước Công nguyên, các dân tộc Syrie, Hi Lạp, Scythe tràn vào miền Pendjab, làm chủ miền này và tạo nên nền văn minh Hi Lạp – Bactriane[8] tồn tại ba trăm năm. Ở thế kỉ thứ I kỉ nguyên mà chúng ta có óc hẹp hòi gọi là kỉ nguyên Ki Tô, một bộ lạc ở Trung Á, bộ lạc Kushan, cùng một huyết thống với dân tộc Thổ (Turc), xâm chiếm Kaboul, rồi từ đô thị đó, thống ngự lần lần tất cả miền Tây Bắc Ấn Độ và một phần lớn Trung Á. Dưới triều vua Kanishka, ông vua hùng cường nhất của họ, nghệ thuật và khoa học rất tấn bộ, ngành điêu khắc Hi lạp – Phật giáo sản xuất được vài công trình đẹp nhất; ngành kiến trúc cũng tạo được những đền đài rực rỡ ở Peshawar, Talixa và Mathura. Charaka có công lớn với Y khoa, còn Nagarjuna và Ashvaghosha đặt cơ sở cho phái Mahayama(Đại thặng hoặc Đại thừa), nhờ đó mà đạo Phật truyền bá mạnh ở Trung Hoa và Nhật Bản. Kanishka chấp nhận mọi tôn giáo, mới đầu thờ đủ các thứ thần, sau cùng theo một phái Tân Phật giáo có tính cách thần thoại, thờ Thích Ca như một vị thần tối cao, dưới Ngài có vô số Bodhisattwa(Phật Bồ Tát) và Arhat(La Hán); ông ta lập một đại hội nghị Phật giáo, triệu tập các nhà thần học Phật giáo tới để thảo luận và định những tín điều cho tân tín ngưỡng, rồi ông cho truyền bá tín ngưỡng này; có thể coi ông là Açoka thứ nhì của Ấn Độ. Hội soạn 300.000 sutra (cách ngôn, lời kinh), hạ thấp triết lí Phật xuống cho bình dân hiểu được và tôn Đức Phật thành một vị thần.

Trong khoảng thời gian đó, Chandragupta I (không nên lộn với Chadragupta Maurya, cũng gọi là Chandragupta I) đã sáng lập triều đại các vua bản thổ Gupta. Người kế vị ông, Samudragupta, trị vì năm chục năm, nổi danh là một trong những minh quân bậc nhất suốt trong mấy ngàn năm lịch sử Ấn Độ. Ông thiên đô từ Pataliputra tới Ayodhya, chỗ xưa kia của Rama[9] trong thần thoại; xua quân và phái các quan thu thuế vô miền Bengale, miền Assam, miền Népal và miền Nam Ấn, ông dùng số tiền các nước chư hầu nộp cống để phát triển văn học, tôn giáo, khoa học và nghệ thuật. Chính ông, khi nào không cầm quân thì làm thơ và chơi đàn, vào hạng có tài. Con trai ông, Vikamaditya (Mặt trời của Uy quyền) tiến xa hơn nữa về võ bị cũng như về văn hóa, nâng đỡ kịch tác gia danh tiếng Kalidasa và qui tụ được ở kinh đô Ujjaïn một đám đông thi sĩ, triết gia, nghệ sĩ, bác học, học giả ưu tú. Dưới hai triều vua đó, Ấn Độ đạt tới một trình độ văn minh chưa hề có từ thời Phật Thích Ca và một sự thống nhất chính trị ngang với các triều đại Açoka và Akbar.

Trong tập kí sự về lần qua Ấn thỉnh kinh ở đầu thế kỉ thứ V sau Công nguyên, nhà sư Pháp Hiển đã ghi lại ít nét về văn minh Gupta. Ông là một trong số nhiều nhà sư Trung Hoa qua Ấn Độ trong thời đại hoàng kim đó, mà số người hành hương đó còn ít hơn số các thương nhân, sứ thần từ đông hoặc từ tây vượt các dãy núi cao để vô Ấn Độ, có người từ La Mã tới, làm cho Ấn được cái lợi tiếp xúc với các phong tục và tư tưởng ngoại quốc. Sau khi liều mạng vượt qua được các tỉnh phía Tây Trung Hoa, nhà sư Pháp Hiển ngạc nhiên rằng ở Ấn Độ, người ta yên ổn đi khắp nơi được, không gặp một tên trộm cướp, không bị ngăn cản, ức hiếp. Ông cho chép trong tập nhật kí rằng ông mất sáu năm mới tới Ấn Độ, ở Ấn sáu năm nữa, rồi mất ba năm nữa để trở về Trung Hoa theo đường biển, đi ngang qua Tích Lan và Java. Ông thán phục sự giàu có, thịnh vượng, đức hạnh và hạnh phúc của dân Ấn, thán phục sự tự do mà họ được hưởng về phương diện xã hội và tôn giáo. Ông ngạc nhiên về sự rộng lớn, đông đúc của các đô thị, nhất là đâu đâu cũng có những nhà thương thí và mọi cơ quan từ thiện[10].[11] Bức tranh ông lưu lại về Ấn Độ thực là nên thơ, trừ chuyện chặt bàn tay mặt:

Dân trong xứ đông mà sung sướng, không phải theo một nghi thức hành chánh nào cả mà cũng chẳng phải tuân một vị phán quan nào; chỉ những người cày cấy đất của nhà vua là phải nộp cho Quốc gia một phần lợi tức thôi. Muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Nhà vua trị dân mà không bao giờ xử trảm ai, cũng không phải dùng đến thể hình. Tội nhân chỉ phải đóng một số tiền phạt, ngay như tái phạm tội phản nghịch mà cũng chỉ bị chặt bàn tay mặt thôi… Trong khắp nước, không một người nào giết một sinh vật nào, và họ không ăn tỏi, ăn hành. Chỉ trừ những người Chadala… Xứ đó không nuôi heo, gà mái, cũng không bán gia súc, ở chợ không thấy bán thịt, quầy rượu.

Pháp Hiển còn nhận thấy rằng các tu sĩ Bà La Môn, từ thời Açoka không còn các vua triều đại Maurya hậu đãi nữa, lại bắt đầu giàu có, hống hách trở lại dưới triều đại Gupta. Họ phục hồi lại truyền thống văn học thời tiền - Thích Ca và đương làm cho tiếng Sanscrit thành một thứ “thế giới ngữ” cho khắp các nhà trí thức Ấn Độ. Nhờ ảnh hưởng của họ và nhờ sự khuyến khích, bảo trợ của Triều đình, mà các anh hùng ca MahabharataRamayanađược viết thành hình thức lưu lại hiện nay. Cũng ở dưới triều đại đó, nghệ thuật Phật giáo đạt tới mức cao nhất nhờ các bích hoạ trong các hang Ajanta. Theo ý kiến một học giả Ấn hiện đại thì “nội những tên Kalidasa và Varahamihira, Gunavarman và Vashubandu cũng đủ làm cho thời đại đó thành hoàng kim thời đại của văn minh Ấn Độ rồi”. Havell bảo: “Một sử gia vô tư, không thể nào không nghĩ rằng sự cai trị của người Anh nếu làm cho Ấn Độ được hưởng lại những lợi ích tổ tiên họ đã hưởng ở thế kỉ thứ V sau Công nguyên, chỉ làm được bấy nhiêu thôi thì cũng là thành công nhất rồi”.

Kỉ nguyên rực rỡ của văn hóa Ấn Độ đó bị cuộc xâm lăng của Hung Nô làm gián đoạn, dân tộc này thời đó tàn phá châu Á và châu Âu, diệt trong một thời gian Đế quốc Ấn Độ và Đế quốc La Mã. Trong khi Attila (A-Đề-Lạp) tàn phá châu Âu thì Toramana chiếm Malwa, và Mihiragula tàn nhẫn kinh khủng, cướp ngôi của các vua Gupta. Ấn Độ phải chịu cảnh nô lệ và hỗn loạn trong một thế kỉ. Rồi một hậu vệ của giòng Gupta, vua Harsha-Vardhana giành lại được Bắc Ấn, dựng kinh đô ở Kanauj và trong bốn mươi hai năm, lặp lại được cảnh thanh bình trong một vương quốc rộng lớn, văn học và nghệ thuật lại bắt đầu đâm bông. Theo truyền thuyết thì khi bọn xâm lăng Hồi giáo chiếm Ấn Độ vào năm 1018 sau Công nguyên, chúng tàn phá một vạn ngôi đền ở Kanauj, như vậy thì kinh đô Kanauj rộng rãi, thịnh vượng và rực rỡ biết bao – nhưng truyền thuyết đó khó tin được. Những công viên đẹp đẽ, những hồ tắm miễn phí chỉ là một phần những ân huệ của triều đại mới. Chính Harsha là một trong số rất hiếm minh quân làm cho người ta nghĩ rằng chế độ quân chủ là chế độ hoàn hảo nhất – trong một thời gian. Ông là một người đủ tài đức, đẹp trai, làm những bài thơ, soạn những vở kịch mà hiện nay người Ấn còn đọc. Nhưng tài văn thơ đó không làm hại tài trị nước của ông. Huyền Trang bảo: “Ngài làm việc không biết mệt, thấy ngày ngắn quá, Ngài tận tuỵ với việc nước tới nỗi quên ngủ”. Mới đầu ông theo giáo phái Shiva, sau cải giáo, theo đạo Phật, thành một Açoka, cũng mộ đạo và có công với đạo như Açoka. Ông cấm dân chúng ăn thịt, dựng trong lãnh thổ của ông những tha-la cho khách bộ hành nghỉ chân, và cất trên bờ sông Gange mấy ngàn điện Phật nhỏ gọi là “tope”.

Huyền Trang, nhà sư đi thỉnh kinh nổi tiếng nhất của Trung Hoa, bảo rằng Harsha cứ năm năm lại tổ chức một đại lễ để bố thí. Ông mời đại diện tất cả các tôn giáo, gọi tất cả những người nghèo khổ trong nước lại. Ông có thói quen, trong quốc khố còn chứa bao nhiêu tiền thuế dành dụm từ đại lễ lần trước (nghĩa là năm năm trước), lần này đem ra bố thí hết. Huyền Trang ngạc nhiên thấy biết bao nhiêu vàng bạc, tiền và nữ trang, tơ lụa gấm vóc chất đống trong một khoảng rộng, chung quanh có cả trăm cái lều chứa cả ngàn người. Ba ngày đầu cúng bái, tụng kinh, ngày thứ tư bắt đầu bố thí. Theo lời vị cao tăng đó – có vẻ không tưởng tượng nổi – hàng vạn tăng được cấp thức ăn thức uống, rồi được tặng mỗi người một viên ngọc trai, y phục, hoa, dầu thơm và trăm đồng tiền. Các tu sĩ Bà La Môn cũng được hậu tặng gần như vậy, rồi tới các tu sĩ Jaïn, rồi tới các tu sĩ khác, sau cùng tới lượt các người nghèo không theo một tôn giáo nào, những trẻ mồ côi trong nước. Có khi bố thí tới ba bốn tháng mới hết. Sau cùng chính nhà vua Harsha cởi hết y phục rực rỡ, lột hết vàng bạc châu báo đeo trong mình để phân phát.

Theo kí sự của Huyền Trang thì dân Ấn thời đó mộ đạo một cách hoan hỉ, ai thấy cũng thích. Danh tiếng Ấn Độ thời đó vang lừng ở ngoại quốc, chẳng vậy mà một nhà vọng tộc Trung Hoa từ bỏ cảnh phú quí, mạo hiểm qua các tỉnh miền Tây Trung Hoa, thời đó còn bán khai, qua Tachkent và Samarcande (một thành phố rất phồn thịnh), vượt dãy núi Hymalaya để tới Ấn Độ siêng năng học trong ba năm ở tu viện Nalanda (Na-Lan-Đà). Ông vừa là một nhà quí phái, vừa nổi danh học rộng biết nhiều, nên tới đâu cũng được các vua chúa tiếp rước long trọng.

Khi Harsha hay tin Huyền Trang đương ở triều đình Kumara, quốc vương xứ Assam, ông ra lệnh cho Kumara cùng với Huyền Trang lại yết kiến ông ở Kanauj. Mới đầu Kamura từ chối, bảo Harsha có thể chặt đầu mình chứ không thể cướp vị quốc khách của mình được. Harsha đáp: “Ta muốn cái thủ cấp của nhà vua đấy”. Thế là Kamura phải tới. Thấy cử chỉ, ngôn ngữ cao nhã, sức hiểu biết siêu quần của Huyền Trang, Harsha kính trọng liền, tập hợp một đám cao tăng Ấn để nghe Huyền Trang thuyết pháp về Đại thặng. Huyền Trang viết luận đề rồi treo ở cửa đền, chỗ sẽ có cuộc tranh biện, và theo thói thời đó, thêm một câu rằng: “Ai thấy trong luận đề có chỗ nào không vững, và bác được thì tôi xin đưa đầu cho mà chặt”. Cuộc tranh biện kéo dài mười tám ngày, và theo lời Huyền Trang, ông thắng được mọi người, làm cho những kẻ theo tà giáo phải luống cuống. (Theo một thuyết khác thì các người tranh biện với ông thấy thắng không được, nổi lửa đốt ngôi đền). Sau biết bao gian nan nữa, ông trở về tới Trung Hoa[12], được một minh quân Trung Hoa [vua Đường Thái Tôn] tiếp đón long trọng, các kinh Phật mà vị thánh kiêm Marco Polo đó thỉnh ở Ấn Độ về, được chứa trong một ngôi chùa đẹp đẽ và ngày đêm, một nhóm Cao tăng bác học được nhà vua phái tới, giúp ông cùng dịch[13].

Nhưng danh vọng của triều đại Harsha phù du và giả tạo vì chỉ dựa vào sự khôn khéo và đức độ của một ông vua, mà vua chẳng phải chết? Harsha băng rồi, một kẻ tiếm ngôi, và cái bề trái của chế độ quân chủ lại hiện rõ. Ấn Độ phải trải qua gần một ngàn năm hỗn loạn. Ấn Độ cũng có thời Trung cổ suy đồi như châu Âu, cũng bị các rợ xâm lăng, chia cắt, tàn phá. Phải đợi tới khi đại vương Akbar xuất hiện, cảnh thái bình và thống nhất mới được phục hồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]