Ngũ Kinh (năm quyển sách) cũng như Tứ Thư là những sách làm nền tảng của Nho giáo. Nguyên trước có sáu kinh nhưng vì sự đốt sách của Tần Thủy Hoàng (246-209 trước D.L.), một kinh là kinh Nhạc (âm nhạc) bị mất đi. Kinh này chỉ còn lại một thiên, sau đem vào sách Lễ ký (kinh Lễ), đặt là thiên Nhạc ký.
Ngũ Kinh là:
1/ Thi (thơ), do đức Khổng Tử sưu tập và lựa chọn. Kinh này vốn là những bài ca dao ở nơi thôn quê và nhạc chương nơi triều miếu của nước Tàu về thời thượng cổ.
Nguyên trước có đến ba ngàn thiên. Sau, đức Khổng Tử san định lại hơn ba trăm chương và theo ý nghĩa các thiên, sắp đặt thành bốn phần. Đến đời Tần Thủy Hoàng, kinh Thi cũng như các kinh khác, bị đốt nhưng có nhiều nhà nho còn nhớ. Đến thế kỷ thứ hai trước Dương lịch, về đời nhà Hán có bản kinh Thi xuất hiện, đại thể giống nhau, duy chữ viết có khác. Truyền lại đến nay là bản của Mao Công (tức Mao Trường).
Kinh Thi có bốn phần gồm 305 thiên (bài thơ). Trong đó có 6 thiên chỉ truyền lại đề mục mà không còn bài. Mỗi thiên lấy vài chữ chính trong thiên làm đề mục và chia làm nhiều chương. Bốn phần trong kinh Thi là: Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã và Tụng.
Quốc phong là những bài ca dao của dân các nước chư hầu đã được nhạc quan của nhà vua sưu tập lại: Quốc là nước (đây là các nước chư hầu về đời nhà Chu); phong nghĩa đen là gió, ý nói các bài hát có thể gợi cảm con người như gió làm rung động các vật.
Quốc phong gồm có Chính phong và Biến phong. Chính phong phân làm 2 quyển Chu Nam và Thiệu Nam, gồm những bài hát từ trong cung điện nhà vua truyền ra khắp dân quân. Biến phong gồm những bài hát của 13 nước chư hầu khác.
Tiểu nhã gồm những bài hát dùng ở nơi triều đình, nhưng chỉ dùng trong những trường hợp thường như khi có yến tiệc.
Đại nhã chỉ những bài hát dùng trong những trường hợp quan trọng như thiên tử họp các vua chư hầu hoặc tế ở miếu đường.
Tụng nghĩa là khen, gồm những bài ngợi khen các vua đời trước và dùng để hát ở nơi miếu đường.
Các bài trong Kinh Thi thường viết theo thể thơ 4 chữ (thỉnh thoảng có câu 3 chữ hoặc 5 chữ). Cách kết cấu các bài làm theo ba thể: phú, tỉ, hứng.
Đọc Kinh Thi, ta biết được tính tình, phong tục của người dân và chính trị các đời vua cùng các nước chư hầu ở nước Tàu về đời thượng cổ. Đọc Mân phong, ta biết được tính đức cần kiệm người dân đất Mân. Đọc Vệ phong, ta biết được thói dâm bôn của người dân nước Vệ. Đọc Tần phong, ta biết được sự hối quá của người dân nước Tần. Đọc Đại nhã, Tiểu nhã, ta biết được chính trị của nhà Chu thịnh suy thế nào.
Kinh Thi là một nguồn thi hứng: các thi sĩ thường mượn đề mục. Kinh Thi còn là một kho điển tích. Các nhà làm văn thường lấy điển hoặc lấy chữ ở đây. Cũng như ca dao của Việt Nam, Kinh Thi là nền tảng thơ tối cổ của Trung Hoa. Trong đó có nhiều bài mô tả tính tình, phong tục dân Tàu một cách chất phác, hồn nhiên.
2/ Thư (nghĩa đen là ghi chép), do đức Khổng Tử sưu tập. Kinh này chép những điển (phép tắc), mô (mưu mẹo, kế sách), huấn (lời dạy dỗ), cáo (lời truyền bảo), thệ (lời răn bảo tướng sĩ), mệnh (mạng lịnh) của các vua tôi bên Trung Hoa từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông Chu (từ năm 2357 đến năm 771 trước D.L.)
3/ Dịch (nghĩa đen là thay đổi) là bộ sách tượng số dùng về việc bói toán và sách lý học cốt giải thích lẽ biến hóa của trời đất và sự hành động của muôn vật. Nguyên vua Phục Hi (4480-4365 trước D.L.) đặt ra bát quái (tám quẻ, tức là 8 hình vẽ); tám quẻ ấy lại đặt lần lượt chồng lên nhau thành ra 64 trùng quái (quẻ kép). Mỗi trùng quái có 6 nét vạch (hoặc vạch liền biểu thị lẽ "dương", hoặc vạch đứt biểu thị lẽ "âm") gọi là hào, thành ra 384 hào. Đức Khổng Tử nhân đó mà giải nghĩa các quái, các trùng quái và các hào.
4/ Lễ Ký (chép về lễ) là sách chép các nghi lễ trong gia đình, hương đảng và triều đình. Hiện Kinh Lễ (Lễ Ký) còn truyền lại đến giờ phần nhiều là văn của Hán nho, chớ chính văn do đức Khổng Tử san định về đời Xuân Thu không còn mấy.
5/ Xuân Thu (mùa xuân và mùa thu) nguyên là sử ký nước Lỗ, do đức Khổng Tử san định lại, chép công việc theo lối biên niên từ năm đầu đời Lỗ Ẩn công đến năm thứ 15 đời Lỗ Ai công (từ năm 722 đến năm 481 trước D.L.). Kinh Xuân Thu cũng gọi là Kinh Lân, vì đức Khổng Tử chép lúc nước Lỗ săn được con lân què thì ngài dừng bút. (Loan rằng: "Sữ Mã kinh Lân" - cụ Nguyễn Đình Chiểu).
Gửi ý kiến của bạn