Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc.
Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
Và lịch sử cũng cho thấy khi một chế độ, một chính phủ thua trận trước quân ngoại bang, thường bị lật đổ, thay thế bởi một chính phủ khác hay một thể chế khác ngoại trừ trường hợp duy nhất là Nhật Bản. Trong cuộc tranh chấp thành lập một chính quyền mới hay một thể chế mới, nếu một phe nào đó không đủ mạnh, đất nước sẽ lao vào một cuộc nội chiến thảm khốc và có thể chia cắt lãnh thổ. Chẳng hạn như sau khi Nga Hoàng thua trận, chế độ quân chủ bị lật đổ và đưa tới cuộc nội chiến giữa Hồng Quân và Bạch Quân khiến từ 7-12 triệu người chết. Trường hợp của Đức cũng vậy.
Tổng kết của Thế Kỷ 20: Thế Chiến I mười triệu người chết, Thế Chiến II 55 triệu người chết! Chiến thuật được các vị tướng của cả hai bên ưa chuộng là “chiến thuật biển người” tràn lên với quân số áp đảo, cho nên số thương vong của cả hai bên rất cao.
Lịch sử cũng cho thấy chiến thuật đánh bom khủng bố do người Ái Nhĩ Lan sáng tạo ra rồi người Do Thái bắt chước để chống lại người Anh sau Đệ II Thế Chiến, rồi người Hồi Giáo bắt chước.
Có hai thời điểm cần ghi nhớ liên quan đến vận mệnh Đông Dương: Ngày 22/6/1940 Pháp ký thỏa ước đầu hàng Đức, cho nên ngày 27/7/1941 khi cả chục ngàn quân Nhật đổ bộ lên Sài Gòn mà Pháp không dám đề kháng. Vậy thì kể từ ngày này (27/7/1941) Pháp không còn làm chủ các thuộc địa Việt-Mên-Lào nữa mà đặt dưới quyền cai trị của Quân Phiệt Nhật.
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, tinh thần chống Cộng và chụp mũ Cộng Sản cuồng nhiệt ở nước Mỹ. Vào ngày 9/2/1950: Thượng Nghĩ Sĩ McCathy tung chiến dịch gọi là cộng sản xâm nhập vào chính quyền liên bang. McCathy nói rằng ông có trong tay danh sách 205 đảng viên Đảng Cộng Sản đang làm việc tại Bộ Ngoại Giao để nhào nặn chính sách của Hoa Kỳ nhưng không đưa ra được bằng chứng và cũng không công bố tên những ai trong danh sách. Từ đó chủ nghĩa chống Cộng và chụp mũ Cộng Sản ở Mỹ còn được gọi là Chủ Nghĩa McCathy. Thậm chí tài tử kiêm đạo diễn lừng danh thế giới Charlie Chaplin (Việt Nam quen gọi là Charlot) cũng bị coi là người ngoại quốc nguy hiểm vì nghi ngờ là Cộng Sản và bị trục xuất. Thế mới hay khi chiến tranh hay thù hận nổ ra, rất nhiều tư tưởng, hành động cực đoan, quá khích ra đời và thường được chấp nhận chẳng hạn như Đức Quốc Xã, Fascist Ý và Quân Phiệt Nhật.
Để cứu nước Anh trước nguy cơ tan rã trước sức tấn công của Đức Quốc Xã, Thủ Tướng Churchill đã đề nghị Anh-Mỹ thống nhất thành một quốc gia với một quốc tịch duy nhất. Rất may Hoa Kỳ không đồng ý. Nếu đồng ý, có thể bây giờ Anh chỉ còn là một tiểu bang của Hợp Chủng Quốc Anh-Hoa Kỳ. Tại sao dân Anh không lên án Churchill là bán nước?
Cuộc chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War) đã được các sử gia biên soạn cuốn Biên Niên Sử chú ý vì siêu cường Hoa Kỳ đã gián tiếp lãnh đạo cuộc chiến từ năm 1950 (công nhận chính phủ Bảo Đại, viện trợ 80% chiến phí cho quân đội Pháp) và trực tiếp lãnh đạo từ năm 1954 (Viện trợ ồ ạt cho chính phủ Ngô Đình Diệm để xây dựng một tiền đồn chống Cộng) trong bối cảnh “Chiến Tranh Lạnh” khiến gây ảnh hưởng toàn cầu. Sau khi tổng kết vào năm 1988, số binh sĩ Mỹ chết tại Việt Nam còn lớn hơn số chết trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (54,000 so với 58,000).
Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và Đệ II Thế Chiến không tạo một ảnh hưởng gì trên lịch sử và tâm lý nước Mỹ. Còn hệ quả và tranh luận về cuộc Chiến Tranh Việt Nam vẫn còn theo đuổi nước Mỹ cho tới ngày hôm nay và có lẽ mãi mãi sau này. Câu hỏi ray rứt và không có lời giải đáp là “Tại sao chúng ta (người Mỹ) thua?” Lỗi tại phản chiến Mỹ? Truyền thông bất công? Hay chiến lược sai lầm? Hay bản chất của cuộc chiến là sai lầm? Cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp hoàn hảo.
Ngoài ra vai trò của lính Nam Hàn và Thái Lan cũng rất quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam mà ngày nay mới được bạch hóa. Tháng 9/1965, Tổng Thống Phác Chánh Hy của Nam Hàn gửi cả chục ngàn quân tham chiến tại Việt Nam. Tổng số quân Nam Hàn luân phiên chiến đấu tại Việt Nam lên tới 320,000, cao điểm đã có tới 50,000 lính Nam Hàn hiện diện trên chiến trường. Theo sử gia Kil J Yi (tốt nghiệp Tiến Sĩ State University of New Jersey), việc gửi quân như thế là để Hoa Thịnh Đốn tiếp tục duy trì số viện trợ khổng lồ đổ vào Nam Hàn.
Còn Thái Lan vào năm 1969 đã gửi 12,000 binh sĩ thuộc hai Sư Đoàn Queen’s Cobra và Black Panther tham chiến tại Việt Nam. Trước đó, Thái Lan đã cho Mỹ thiết lập 7 căn cứ không quân để yểm trợ cho cuộc chiến ở Lào và Việt Nam bao gồm Korat, Udon, Nakon Phanom, Ubbon, Khon Kaen, Utapao và Bangkok,
Cuối cùng, một câu nói thời danh của các nhà đạo đức ngày 15/5/1921 mà chúng ta cần ghi nhớ và suy nghĩ, “Váy đàn bà càng ngắn, luân lý càng suy đồi” (Concern as skirt rise and moral decline).
Cuốn Chronicle of the 20th Century dày 1375 trang, khổ 23cm x 30cm do Longman, Anh Quốc xuất bản năm 1988 .
* * *
-4/1/1960: Triết gia hiện sinh Albert Camus qua đời.
-24/1/1960: Giáo Hội Ca-tô Giáo La Mã cấm tín đồ coi những phim gọi là “không an toàn” như đàn bà để tay trần, mặc quần áo đàn ông và sẽ không được dự thánh lễ.
-2/4/1960: Lần đầu tiên trạm nghiên cứu thời tiết được Mỹ đưa vào không gian.
-5/5/1960: Nga bắn rơi máy bay do thám U-2 của Hoa Kỳ.
-17/5/1960: Cuộc họp thượng đỉnh Anh, Pháp, Mỹ, Nga tan vỡ vì vụ máy bay do thám U-2.
-31/5/1960: Boris Pasternak- tác giả cuốn tiểu thuyết Doctor Zhivago qua đời ở ngoại ô Mạc Tư Khoa.
-22/6/1960: Liên Minh Nga-Hoa rạn nứt. Hoa Lục tố cáo Khruschev thuộc thành phần “xét lại”.
-30/6/1960: Sau 80 năm cai trị bởi Thực Dân Bỉ, nước Congo độc lập ra đời trong đau khổ.
-19/8/1960: Tòa án Liên-sô xét xử viên phi công U-2 tội gián điệp.
-9/8/1960: Hoàng Thân Souvanna Phouma- cựu thủ tướng Lào nay lại đảm nhiệm chức vụ thủ tướng sau cuộc đảo chính của Đại Úy Kong Le.
-14/9/1960: Mobutu đảo chính và nắm quyền ở Congo.
-Hình cho thấy Khrushchev và Fidel Castro ôm nhau tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
-1/10/1960: “Nigeria độc lập từ Thực Dân Anh, nhưng nằm trong Khối Thịnh Vượng Chung.
-12/10/1960: Tại Liên Hiệp Quốc, khi phái đoàn Phi Luật Tân nói Liên Bang Sô-viết là đế quốc ở Đông Âu, Nikita Khrushchev rút giày quơ lên rồi đập xuống bàn, nói Phi Luật Tân là, “xuẩn ngốc, bù nhìn của Mỹ”.
-30/1/1961: Thuốc ngừa thai cho phụ nữ lần đầu tiên được bán ở Anh.
-Chú khỉ dã nhân Ham sau khi trở về an toàn sau chuyến du hành không gian và được thưởng một quả táo.
-1/3/1961: Tổng Thống Kennedy thành lập Peace Corp gồm thanh niên, thiếu nữ làm việc thiện nguyện cho việc phát triển thế giới, ở chung, nói tiếng người bản xứ và dạy học cho người bản xứ.
-15/3/1961: Nam Phi sẽ ra khỏi Khối Thịnh Vượng Chung của Anh.
-21/3/1961: Tổng Thống Kennedy tăng cường viện trợ quân sự, tài chính cho Lào để đối phó với Pathet Lào.
-12/4/1961: Sô-viết lần đầu tiên đưa người vào không gian.
-19/4/1961: Được CIA huấn luyện, những người Cuba lưu vong thực hiện cuộc đổ bộ ở Vịnh Con Heo để lật đổ chế độ của Fidel Castro. 27 bị bắt, 8 bị hành quyết, căng thẳng Nga và Mỹ.
-5/5/1961: Mỹ mau chóng đưa người vào không gian để chạy đua với Nga.
-4/6/1961: Kennedy và Khrushchev gặp nhau ở Vienna.
-17/7/1961: Lo sợ đường liên lạc Đông-Tây Bá Linh bị ngăn chặn, trong 24 giờ, 1800 người dân Đông Đức tràn vào Tây Bá Linh.
-2/7/1961: Theo người vợ thứ tư, nhà văn Hemingway đã chết vì súng cướp cò trong khi lau chùi súng ở Idaho.
-31/8/1961: Sô-viết xây bức tường phân chia Đông-Tây Bá Linh ra làm hai. Hình cho thấy một lính Đông Đức nhảy qua hàng rào kẽm gai tìm tự do.
-7/8/1961: Phi hành gia người Nga thứ hai bay quanh Trái Đất 17 lần trong 25 giờ.
-8/9/1961: Tướng Raoul Salan bị cất chức sau âm mưu bất thành để ám sát De Gaulle.
-30/10/1961: Xác Stalin, nằm cạnh Lenin được âm thầm di chuyển ra khỏi lăng mộ ở Quảng Trường Đỏ.
-3/11/1961: Ô. Uthant, 52 tuổi- một nhà ngoại giao Miến Điện được bầu làm Tổng Thư Ký LHQ.
-14/11/1961: Hoa Kỳ tuyên bố gia tăng số cố vấn quân sự cho Nam Việt Nam lên tới 16,000. Viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam dưới thời Kennedy (Dân Chủ) bao gồm máy bay ném bom, phi cơ chiến đấu, trực thăng, ra-da, quân xa và máy phát điện. Công binh Hoa Kỳ sẽ xây dựng Phi Trường Biên Hòa. Đợt đầu gửi ngay 200 huấn luyện viên không quân sẽ cùng 700 sĩ quan huấn luyện đã có mặt ở Việt Nam.
-15/12/1961: Eichmann bị kết án tử hình và bị treo cổ vì đã tàn sát người Do Thái.
-29/12/1961: De Gaulle nói rằng hầu hết lính Pháp sẽ rút khỏi Algerie vào năm 1962.
-24/1/1962: Vấn đề Algerie nổ tung trên đường phố Paris.
-4/1/1962: Tổng Thống Kennedy ban hành biện pháp mới để đối phó với những cuộc tấn công của du kích cộng sản ở Nam Việt Nam. Ngoài số viện trợ quân sự thật đáng kể, hai sư đoàn bộ binh Hoa Kỳ đã được thành lập “để cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ chống lại sự xâm lăng của người Cộng Sản”. Cộng thêm vào đó là một chương trình viện trợ rộng rãi để nâng cao đời sống của người dân mà khi Nhật chiếm đóng Việt Nam cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Số viện trợ cao hơn năm ngoái là 136 triệu Mỹ Kim.
-10/2/1962: Phi công lái máy bay do thám U-2 được phóng thích để trao đổi tù binh.
-6/5/1962: Pathet Lào đánh chiếm cứ địa của chính phủ tại Nậm Thà.
-10/5/1962: Kennedy gửi 5000 bộ binh và thủy quân lục chiến từ Hạm Đội 7 tới Lào để đối phó với du kích quân cộng sản. Hoa Kỳ cũng đang làm việc với các thành viên của Khối Liên Phòng Đông Nam Á để yêu cầu gửi quân tham chiến cùng lính Mỹ. Kennedy tuyên bố ngăn chặn Cộng Sản chiếm Đông Nam Á là quyền lợi sống còn của Hoa Kỳ.
16/5/1962: Chính phủ Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam ra lệnh cấm tất cả những cuộc tụ họp nơi công cộng.
-25/6/1962: Cô đào Sophia Loren và chồng là Carlo Ponti có thể bị tội song hôn cho dù Carlo Ponti đã ly dị và hai người làm đám cưới ở Mễ Tây Cơ. Thế nhưng luật của Ý không cho phép ly dị.
3/7/1962: Hoàng Thân Souvanna Phouma bay qua Hoa Thịnh Đốn cho một chính phủ liên hiệp gồm hai phe tả hữu.
-27/7/1962: Mục Sư Martin Luther King bị bắt vì tổ chức cầu nguyện tại bậc thềm của tòa thị chính Albany.
-5/8/1962: Cô đào điển hình cho nhục dục Marilyn Monroe nằm chết trên giường, thân thể trần truồng tại một căn nhà nhỏ ở gần Hollywood, bên cạnh xác nàng là một chai thuốc ngủ không còn thuốc. Arthur Miller- chồng cũ của Marilyn Monroe nói rằng kẻ thù ghê gớm nhất của nàng là bệnh mất ngủ. (Đa số các tài tử điện ảnh, ca sĩ, người mẫu Hoa Kỳ đều chết vì bệnh mất ngủ.Vì mất ngủ cho nên phải uống nhiều thuốc ngủ. Uống nhiều thuốc thì trụy tim mà chết! Ôi cái kiếp cầm ca, tài tử, đào hát….sinh nghề tử nghiệp.)
-1/9/1962: Một báo cáo cho biết dân số thế giới bây giờ đã hơn 3 tỉ người.
-24/9/1962: Quốc Hội cho phép Tổng Thống Kennedy có thể động viên 150,000 quân trừ bị để đối phó với cuộc khủng hoảng Cuba. Ô. Khruschev đe dọa rằng một cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Cuba sẽ là chiến tranh nguyên tử.
-26/10/1962: Cuộc chiến biên giới Hoa-Ấn bùng phát. Bộ trưởng thương mại Ấn kêu gọi dân chúng đóng góp vàng bạc, nữ trang để có tiền mua vũ khí và trang bị quá yếu kém vì chính sách thắt lưng buộc bụng.
-7/11/1962: Nelson Mandela bị tù 5 năm vì tội xúi giục và lén rời khỏi Nam Phi để tham dự hội nghị Châu Phi Tự Do.
-21/11/1962: Hoa Lục thắng trong cuộc chiến biên giới với Ấn Độ.
-21/12/1962: Hoa Kỳ bán hỏa tiễn Polaris cho Anh và Pháp để trang bị cho tàu ngầm.
-24/12/1962: Cuba đòi tiền chuộc 53 triệu Mỹ Kim cho 1,113 người Cuba lưu vong bị bắt giữ trong cuộc đổ bộ Vịnh Con Heo.
-29/1/1963: Robert Frost – nhà thơ lớn của Hoa Kỳ được Tổng Thống Kennedy mời đọc thơ trong buổi lễ nhậm chức, qua đời, thọ 88 tuổi.
-Phim “The Birds” thuộc loại kinh dị của Hitchcock được trình chiếu.
-13/6/1963: Cuộc biểu tình của Phật Giáo lên tới điểm đáng sợ khi cách đây ba hôm một vị sư châm lửa tự thiêu. Sự tự sát đầy đau đớn theo lễ nghi tôn giáo là để phản đối sự đối xử bất công mà Phật Giáo cho rằng họ phải chịu đựng dưới chính quyền đương thời. Sự thuyết phục rộng rãi về chính nghĩa của cuộc tự thiêu của nhà sư mà phần lớn Nam Việt Nam là tín đồ Phật Giáo lại bị đối xử bất công, khiến Hoa Kỳ đã cảnh báo Tổng Thống Diệm họ sẽ chính thức lên án hành vi của chế độ trừ phi ông ta đền bù cho những lời khiếu nại. Diệm là một người Thiên Chúa Giáo đứng đầu một chế độ khống chế bởi Thiên Chúa Giáo. Những đụng chạm với tín đồ Phật Giáo chỉ lan rộng ra thế giới khi binh sĩ Việt Nam bắn vào đám biểu tình ở Huế, giết chết 9 người. (Hình nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu (self-immolation) tại ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt, Sài Gòn)
-16/6/1963: Nga đưa nữ phi hành gia đầu tiên vào không gian.
-21/8/1963: Quân đội bắt giam 100 nhà sư ở Sài Gòn.
-25/8/1963: 600 sinh viên bị bắt giam vì biểu tình chống đối chính phủ tại Sài Gòn.
-28/8/1963: 200, 000 người tuần hành ở Hoa Thịnh Đốn, Mục Sư King đọc bài diễn văn có một đoạn để đời, “Tôi có một giấc mơ mà con cái của những người nô lệ xưa và con cái của những chủ nô cũ ngồi chung với nhau trong tình huynh đệ.”
-30/8/1963: Đường dây thông báo khẩn cấp/điện thoại đỏ được thiết lập giữa Hoa Thịnh Đốn và Mạc Tư Khoa.
-14/9/1963: Chính quyền Nam Việt Nam bắt đầu giam giữ những nhà lãnh đạo dân sự.
-21/9/1963: Chính phủ Hoa Kỳ vừa đề nghị Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam hãy loại bỏ Ngô Đình Nhu. Là người đứng đầu cơ quan mật vụ, Nhu chịu trách nhiệm về những cuộc đàn áp Phật Giáo mới đây. Quốc Hội Hoa Kỳ gia tăng chỉ trích những biện pháp đàn áp được Diệm chấp thuận có thể đưa tới cắt giảm viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Phản ảnh sự lo lắng gia tăng, Tổng Thồng Kennedy đã phái Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và Tướng Maxwell Taylor tới Việt Nam duyệt lại những nỗ lực quân sự.
2/11/1963: Đêm qua, Ngô Đình Diệm- một tổng thống không được lòng dân đã bị binh sĩ lật đổ bằng cuộc đảo chính. Cả Diệm và người em đầy quyền lực Ngô Đình Nhu tin rằng đã bị giết khi quân đội chiếm giữ những điểm trọng yếu ở Sài Gòn. Bản tin đầu tiên từ Sài Gòn nói rằng hai anh em đã tự sát nhưng người ta hoài nghi tin này. Có một sự bất mãn lớn về phương thức mà hai anh em cai trị Miền Nam và người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ không có lỗi trong việc lật đổ Diệm, nhưng rất tiếc về cái chết của họ.
-22/11/1963: Tổng Thống Kennedy bị bắn chết ở Dallas, Texas. Oswald- nguyên binh sĩ thủy quân lục chiến, đào thoát sang Nga năm 1959, quay trở lại Hoa Kỳ với người vợ Nga năm ngoái, là nghi can chính, nhưng phủ nhận việc ám sát Kennedy.
-22/11/1963: Phó Tổng Thống Lydon Johson tuyên thệ nhậm chức thay thế Tổng Thống Kennedy.
-24/11/1963: Oswald- nghi can ám sát Tổng Thống Kennedy bị giết chết trước sự chứng kiến của cả triệu khán giả truyền hình.
-12/12/1963: Kenya hôm nay trở thành nước thứ 34 ở Phi Châu giành được độc lập và thổi ngọn gió mới vào lục địa này.
-Phim Cleopatra với hai tài tử Liz Taylor và Rex Harrison được trình chiếu.
-29/1/1964: Một cuộc đảo chính lật đổ Tướng Dương Văn Minh ở Nam Việt Nam.
-8/2/1964: Cả ngàn cô gái trẻ bu kín Phi Trường Nữu Ước, la hét, tràn qua hàng rào cảnh sát, rồi làm thành đoàn hộ tống Ban Nhạc The Beatttle tới tận Khách Sạn Plaza. Bản nhạc gây cuồng loạn trong giới trẻ Hoa Kỳ, nhất là các cô gái lúc bấy giờ là “Anh muốn nắm tay em” (I Want To Hold Your Hand). (Bây giờ nghe lại bản nhạc ấy chúng ta thấy nó rất tầm thường. Nhưng vào lúc bấy giờ nó giống như thứ “thánh nhạc”, một thứ nhạc ma quái khiến giới trẻ trẻ, nhất là các cô gái mê mẩn cả tâm thần. Lịch sử chứng tỏ rằng âm nhạc là một thứ dễ khích động người ta nhất. Nghe một bản nhạc buồn, người ta rũ liệt cả chân tay, không muốn làm gì cả và có khi tự tử chết. Nghe một bản nhạc hùng người ta thấy hào khí dâng lên . Nghe một bản nhạc khích động người ta cuồng nhiệt gào thét. Nghe một bản nhạc êm dịu tâm, hồn người ta lắng đọng, cảm thấy thư thái nhẹ nhàng bây giờ gọi là “Serenity Music” tức Nhạc Êm Đềm, Nhạc Thiền như tiếng sóng biển, tiếng thông reo, tiếng chim hót.)
-3/4/1964: Nikita Khrushchev công kích Mao Trạch Đông là chia rẽ giới lao động trên toàn thế giới vì dựa trên màu da và chủng tộc.
-3/4/1964: Molotov- cựu bộ trưởng ngoại giao Nga bị khai trừ khỏi đảng.
-28/5/1964: Thủ Tướng Nehru của Ấn Độ qua đời.
-3/6/1964: Nam Triều Tiên ban hành lệnh thiết quân luật sau cuộc bạo động của 20,000 người.
-14/6/1964: Nelson Mandela bị kết án tù chung thân vì tội phản quốc.
-2/7/1964: Tổng Thống Johnson ban hành Luật Nhân Quyền, chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc.
-2/8/1964: Khu trục hạm Maddock của Mỹ bị bắn tại Vịnh Bắc Việt (Sau này mới biết đó chỉ là sự giàn dựng để lấy cớ oanh tạc Bắc Việt)
-7/8/1964: Hoa Kỳ leo thang chiến tranh Việt Nam. Tổng Thống Johnson được Quốc Hội cho phép làm tất cả những gì cần thiết để chống lại chế độ cộng sản ở Việt Nam. Bản đồ cho thấy những căn cứ phát xuất siêu pháo đài bay B-52 được thiết lập tại Okinawa (Nhật Bản), Clark và Subic (Phi Luật Tân) và Utapao, Udon (Thái Lan). Mỹ gửi hai HKMH Constellation và Ticonderoga thường trực tại Biển Đông để ném bom và yểm trợ cho bộ binh. Ngày 5/8/1964 không quân Mỹ oanh tạc các bến cảng Miền Bắc như Quảng Khê, Vinh, Phúc Lợi, Lộc Châu và Hòn Gai.
-14/9/1964: Tướng Lâm Văn Phát làm cuộc đảo chính ở Sài Gòn.
-15/10/1964: Khrushchev bị hạ bệ trong lúc đang nghỉ mát tại Hắc Hải, Brezhnev thay thế.
-16/10/1964: Trung Hoa gia nhập hàng ngũ các quốc gia có bom nguyên tử sau khi thử nghiệm thành công quả Bom A đầu tiên.
-24/10/1964: Martin Luther King được giải thưởng Nobel Hòa Bình.
-1/11/1964: Việt Cộng tấn công Phi Trường Biên Hòa, phá hủy 6 máy bay Mỹ.
-19/11/1964: Nam Việt Nam mở cuộc hành quân lớn vào vị trí quân du kích Cộng Sản cách Sài Gòn 40 dặm về phía tây bắc. Hỗ trợ bởi 105 trực thăng Hoa Kỳ, 7000 lính đã được đổ vào mật khu gần Thủ Dầu Một nhưng quân du kích đã rút đi.
-30/1/1965: Winston Churchill qua đời.
-8/2/1965: Quảng cáo thuốc lá trên truyền hình bị cấm ở Anh.
-11/2/1965: Phi cơ Hoa Kỳ và Nam Việt Nam phối hợp bỏ bom và oanh kích Bắc Việt ngày hôm nay. 100 mục tiêu bị bắn phá, hai phi cơ rớt xuống biển, một chiếc vỡ tung khi đáp xuống Phi Trường Đà Nẵng. (Hình oanh tạc cơ B-57 bay trên bầu trời Bắc Việt Nam)
-31/3/1965: Cuộc chiến tại Việt Nam tiếp tục leo thang tới mức báo động. Tổng Thống Johnson ra lệnh 3500 thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng để bảo vệ sân bay khổng lồ tại đây. Ngày hôm qua, một xe chứa chất nổ của Việt Cộng đánh vào hàng rào của Tòa Đại Sứ Mỹ khiến 21 người chết trong đó có hai người Hoa Kỳ, 156 bị thương.
-27/4/1965: Phản đối gia tăng tại Âu Châu, vừa ở nghị trường vừa trên đường phố về việc Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Đã có một số vụ bạo động ở Paris. Những người biểu tình diễu qua Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ hô khẩu hiệu: “Hoa Kỳ là kẻ ám sát”, “Hòa Bình Cho Việt Nam”. (US Assassins & Peace in Vietnam). Tổng Thống De Gaulle lên án việc can thiệp của nước ngoài vào cuộc chiến. Thủ Tướng Anh bực bội vì Hoa Kỳ đã không thông báo cho Anh biết việc đánh bom tòa đại sứ. Giáo Hoàng nói rằng, “Một lần nữa nhân loại phải run sợ vì số phận của hòa bình. Thời gian bây giờ là nghiêm trọng” (Once again, humanity must tremble for the fate of peace. The hour is grave.”
-16/5/1965: Hoa Lục cho nổ thử một quả bom nguyên tử thứ hai ở Tân Cương.
-3/6/1965: Phi hành gia Hoa Kỳ lần đầu tiên bước ra ngoài không gian.
-19/6/1965: Ngày hôm nay Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đươc bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo còn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp (Thủ Tướng).
-29/6/1965: Lính Mỹ lần đầu tiên trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Trong một cuộc hành quân phối hợp với binh sĩ Nam Việt Nam, lực lượng hai bên đã tấn công vào một mật khu Việt Cộng cách Sài Gòn 30 dặm về phía đông nhưng chỉ chạm súng nhẹ vì quân du kích đã lủi vào trong rừng. Hầu hết binh sĩ của Trung Đoàn Không Kỵ 173 của Hoa Kỳ đã được 130 trực thăng ném xuống đây.
-23/6/1965: Hy vọng hòa bình cho Việt Nam của Thủ Tướng Anh Wilson tan vỡ. Wilson dự định thành lập một phái đoàn đi Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn để tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh . Ngoại Trưởng Kosygin nói rằng Nga không có thẩm quyền tiến hành một hội nghị về hòa bình cho Việt Nam vì lập trường của Anh đã tích cực ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến.
-9/7/1965: Tổng Thống Johnson tiên đoán tình hình Việt Nam sẽ trở nên tồi tệ hơn.
-13/7/1965: Tổng Thống Johnson ra lệnh đổ thêm quân Mỹ vào Việt Nam.
-28/7/1965: Thêm 50,000 quân Mỹ đổ vào Việt Nam nâng tổng số lên 125,000 với con số tổng động viên lên tới 35,000 mỗi tháng.
-9/8/1965: Tân Gia Ba cắt đứt liên lạc với Mã Lai.
-Tháng 9/1965: Tổng Thống Phác Chánh Hy của Nam Hàn gửi cả chục ngàn quân tham chiến tại Việt Nam. Tổng số quân Nam Hàn luân phiên chiến đấu tại Việt Nam lên tới 320,000, cao điểm đã có tới 50,000 lính Nam Hàn hiện diện trên chiến trường. Theo sử gia Kil J Yi (tốt nghiệp Tiến Sĩ State University of New Jersey), việc gửi quân như thế là để Hoa Thịnh Đốn tiếp tục duy trì số viện trợ khổng lồ đổ vào Nam Hàn.
-22/9/1965: Ấn Độ và Hồi Quốc xung đột vì vùng Kashmir.
-3/10/1965: Tổng Thống Johson hoan nghênh tất cả dân tỵ nạn Cuba vào Mỹ.
-30/10/1965: Máy bay Mỹ bỏ bom lầm vào một ngôi làng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Miền Nam khiến 48 người chết, 55 bị thương.
-Hình ảnh một bà mẹ Việt Nam cùng bốn con nhỏ vượt sông để tránh máy bay Mỹ mưa bom (boms raining). Không rõ ở nơi nào.
-Hình ảnh một chuỗi tù binh Việt Cộng bị bắt ở Đà Nẵng, tay bị trói bởi một miếng vải, cổ bị cột bằng một sợi dây, đang bị lính Mỹ lôi đi.
-8/1/1966: Hoa Kỳ tung ra một cuộc hành quân lớn vào khu Tam Giác Sắt. Khu vực chằng chịt với địa đạo này đã bị B-52 và pháo binh san bằng trước khi 8000 quân Mỹ đổ vào đây. Mỹ dấu nhẹm cuộc hành quân, không cho chính phủ Miền Nam biết vì sợ tin tức lọt ra ngoài.
-19/1/1966: Con gái Thủ Tướng Nehru trở thành thủ tướng sau khi Thủ Tướng Shastri qua đời vì bệnh tim.
-7/2/1966: Tướng Nguyễn Cao Kỳ họp với Johnson ở Honolulu, Hawaii.
-8/4/1966: Quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Đà Nẵng.
-19/4/1966: Hôm nay 4500 quân Úc được gửi tới chiến đấu bên cạnh quân Mỹ tại Việt Nam.
-15/5/1966: 8000 người biểu tình đi vòng quanh Tòa Bạch Ốc trong hai giờ để phản đối Chiến Tranh Việt Nam.
-14/6/1966: Một phi công Hoa Kỳ thú nhận đã bắn hạ hai phi cơ của quân đội Miền Nam trong lúc đang còn say ma túy.
-30/6/1966: Lần đầu tiên không quân Mỹ bỏ bom Hà Nội và Hải Phòng, phá hủy phân nửa số lượng dầu hỏa dự trữ. Mặc dù đây là những mục tiêu quân sự, nhưng đã tạo ra một cuộc phản đối lớn của Đảng Lao Động khuynh tả yêu cầu Thủ Tướng Wilson không ủng hộ chính sách của Mỹ ở Việt Nam.
-3/7/1966: 31 người bị bắt trong cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Anh.
-7/7/1966: Khối Varsovie đề nghị đưa chí nguyện quân tới Miền Bắc nếu Hà Nội yêu cầu.
-30/7/1966: Máy bay Mỹ oanh tạc Vùng Phi Quân Sự.
-13/8/1966: Mao tuyên bố tiến hành cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
-26/8/1966: 20 lính Mỹ chết vì bom cháy (bom napal) của phi công Mỹ tại Việt Nam.
-30/8/1966: Mao Trạch Đông cam kết viện trợ thêm cho chính phủ Hồ Chí Minh.
-5/9/1966: Johnson đề nghị thời biểu quân Mỹ rút khỏi Việt Nam nếu quân Bắc Việt cũng rút về Bắc.
-29/9/1966: Á Căn Đình mở cuộc tấn công vào Đảo Malvinas/Falkland.
-24/10/1966: Bà Gandhi, Nasser và Tito chủ tọa hội nghị các quốc gia Phi Liên Kết.
-26/10/1966: NATO quyết định dời bộ chỉ huy từ Paris sang Brussels, Bỉ.
-26/10/1966: Tổng Thống Johnson bất ngờ làm cuộc viếng thăm quân Mỹ tại Vịnh Cam Ranh, sau đó lên máy bay đi Bangkok để thực hiện chuyến viếng thăm Nam Thái Bình Dương kéo dài 17 ngày.
-1/11/1966: Việt Cộng pháo kích Sài Gòn bằng hỏa tiễn Katyusha do Nga cung cấp.
-19/1/1967: Số thương vong của binh sĩ Hoa Kỳ trong tuần qua cao hơn bất kỳ tuần lễ nào khác trong cuộc chiến: 144 chết,1044 bị thương và 6 mất tích.
14/2/1967: 100 nghị sĩ Đảng Lao Động Anh nổi loạn, bỏ phiếu lên án cuộc tái oanh tạc Bắc Việt của Mỹ.
-22/2/1967: Tổng Thống Nam Dương Sukarno trao quyền cho Suharto nhưng vẫn giữ ngôi vị tổng thống.
-26/2/1967: Ngày hôm nay Hoa Kỳ mở chiến dịch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh với 25,000 quân đánh vào Chiến Khu C kéo dài tới tận biên giới Căm Bốt. Đây là bản doanh của Nguyễn Hữu Thọ- Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và là chặng cuối cùa Đường Mòn Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên lính nhảy dù Mỹ được sử dụng trong trận này.
-9/3/1967: Con gái Stalin đào thoát sang Tây Phương.
-10/3/1967: Hoa Kỳ lần đầu tiên ném bom khu vực kỹ nghệ của Miền Bắc.
-1/4/1967: Tổng Thư Ký LHQ. U Thant lại kêu gọi chấm dứt Chiến Tranh Việt Nam.
-7/4/1967: 129 người bị bắt ở Pháp vì biểu tình chống chiến tranh Việt Nam nhân cuộc viếng thăm của Phó Tổng Thống Humphrey.
-15/4/1967: Hơn 200,000 người biểu tình ở Nữu Ước và Cựu Kim Sơn chống Chiến Tranh Việt Nam.
-26/4/1967: Piccaso bán một bức tranh 532,000 Mỹ Kim, một giá quá cao cho một họa sĩ vẫn còn sống.
-6/5/1967: Ba phi công Hoa Kỳ bị bắt được đem ra trình diện báo chí ở Hà Nội.
-22/5/1967: Bắc Kinh trục xuất các nhà ngoại giao Anh và đóng cửa Tòa Lãnh Sự Anh ở Thượng Hải trong cuộc chiến tranh cân não đòi chủ quyền Hongkong.
-5/6/1967: Với chiến thuật thần tốc, bất ngờ và vũ khí áp đảo Do Thái chiến thắng vang dội bất ngờ trong “Cuộc Chiến Sáu Ngày” trước quân Jordanie và Ai Cập ở Bán Đảo Sinai đồng thời thôn tính Gaza.
-8/7/1967: Nữ tài tử điện ảnh Vivien Leigh có vẻ đẹp như một con mèo (cat-like beauty) qua đời ở tuổi 53.
-27/7/1967: Bạo loạn bùng phát khắp nước Mỹ vì vấn đề chủng tộc.
-3/9/1967: Tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống. Tướng Nguyễn Cao Kỳ- phó tổng thống.
-23/9/1967: Nga ký thỏa hiệp viện trợ cho Bắc Việt Nam.
-21/19/1967: Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tập họp từ Lincoln Memorial, vượt Sông Potomac rồi kéo tới Bộ Quốc Phòng, cờ Mặt Trận GPMN được trương lên nhưng trong vòng trật tự. Riêng tại Bộ Quốc Phòng, người biểu tình định vượt qua hàng rào binh sĩ trang vị vũ khí, binh sĩ không nổ súng nhưng người biểu tình bị đánh bằng dùi cui và báng súng, 250 người bị bắt.
-14/11/1967: Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk nói rằng việc leo thang chiến tranh ở Việt Nam không thể tránh khỏi.
-21/11/1967: Mỹ leo thang ném bom Bắc Việt. Máy bay B-52 cất cánh từ Thái Lan oanh tạc các cơ sở tiếp vận cách Hà Nội ba dặm và xưởng đóng tàu ở Hải Phòng. Hoa Kỳ xác nhận cuộc oanh tạc gây thương vong cho thường dân. (Hình một người đàn ông nhô đầu khỏi một hố tránh bom ở Hà Nội trong lúc bom Mỹ vẫn tiếp tục rơi xuống.)
-3/12/1967: Lần đầu tiên ghép tim thành công tại một bệnh viện ở Cape Town, Nam Phi.
-26/12/1967: Quân Bắc Việt mở cuộc tấn công ở Lào.
-30/12/1967: Ô. Hồ Chí Minh gửi tiệp chúc năm mới tới những người biểu tình Mỹ chống chiến tranh Việt Nam.
-Hình Ô. Johnson thăm binh sĩ Mỹ ở Cam Ranh và gọi họ là “Những cậu con trai của tôi” (my boys).
-31/1/1968: Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân tại trung tâm Sải Gòn, Tòa Đại Sứ Mỹ là mục tiêu chính.
-24/2/1968: Hoa Kỳ phản công khắp nơi. Hình Tướng Loan bắn vào đầu Bảy Lốp/Nguyễn Văn Lém giữa đường phố.
-17/3/1968: Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam biến thành bạo động chưa từng thấy ở Anh, người biểu tình định tràn vào Tòa Đại Sử Mỹ ở Luân Đôn.
-31/3/1968: Tổng Thống Johnson loan báo không tái tranh cử với lý do “tạo đoàn kết quốc gia” gây bàng hoàng cho cả nước Mỹ.
-9/4/1968: Mục Sư Martin Luther King bị bắn chết Thứ Năm tuần rồi ở Memphis, Tennessee.
-11/4/1968: Cái chết của Mục Sư King tạo bạo loạn tại những thành phố lớn ở Mỹ.
-13/5/1968: Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam gặp nhau tại Paris để tiến hành những cuộc thảo luận chấm dứt chiến tranh. Xuân Thủy - Trưởng phái đoàn Bắc Việt kết án Hoa Kỳ phạm “tội ác ghê tởm” (monstrous crimes). Nam Việt Nam không có mặt trong cuộc thảo luận này. Phái đoàn Bắc Việt giữ lập trường sẽ không bàn luận gì hết cho đến khi nào Hoa Kỳ ngưng các cuộc ném bom vô điều kiện.
-9/5/1968: Binh sĩ Sô-viết di chuyển tới sát biên giới Tiệp Khắc.
-6/6/1968: TNS Robert Kennedy- em trai cố Tổng Thống Kennedy bị ám sát.
-1/8/1968: Nixon kêu gọi giảm bớt vai trò của Mỹ ở Việt Nam (tiếng chuông báo động Mỹ sẽ từ từ rút lui khỏi Việt Nam).
-22/8/1968: Xe tăng Liên Xô nghiền nát cuộc nổi dậy ở Tiệp Khắc.
-31/10/1986: Johnson nói rằng ông vừa ra lệnh ngưng ném bom Bắc Việt. Đổi lại, Bắc Việt Nam đồng ý để Nam Việt Nam cùng tham dự Hội Nghị Paris.
6/11/1968: Nixon đắc cử tổng thống.
-3/2/1969: Yassir Arafat là lãnh đạo mới của Tổ Chức Giải Phóng Palestines (PLO).
-Thái Lan gửi 12,000 binh sĩ thuộc hai Sư Đoàn Queen’s Cobra và Black Panther tham chiến tại Việt Nam. Thái Lan trước đó đã cho Mỹ thiết lập 7 căn cứ không quân để yểm trợ cho cuộc chiến ở Lào và Việt Nam bao gồm Korat, Udon, Nakon Phanom, Ubbon, Khon Kaen, Utapao và Bangkok
-2/3/1969: Nga và Hoa Lục đụng nhau ở biên giới. 31 lính Nga chết, còn về phía Hoa Lục thì không rõ.
-7/3/1969: Bà Golda Meir được bầu làm thủ tướng Do Thái.
-1/4/1969: Trung Ương Đảng Trung Hoa chọn Lâm Bưu -Bộ Trưởng Quốc Phòng là người kế vị Mao Trạch Đông.
-9/4/1969: Máy bay Concord -002 vút lên bầu trời ngày hôm nay.
-23/4/1969: Kẻ ám sát TNS Robert Kennedy bị đưa vào phòng hơi ngạt.
-24/4/1969: Số thương vong của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu lớn hơn số thương vong trong Chiến Tranh Triều Tiên.
-28/4/1969: Trưng cầu dân ý tại Pháp không đồng ý với De Gaulle khiến De Gaulle phải từ chức.
-15/6/1969: George Pompidou được bầu làm tổng thống Pháp.
-21/7/1969: Phi hành gia Mỹ Neil Amstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
-2/8/1969: Nixon là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên viếng thăm Burarest, Lỗ Ma Ni.
-1/9/1969: Gaddafi lật đổ nhà vua, thành lập nền Cộng Hòa. Hoa Kỳ công nhận chế độ của Gaddafi.
-3/9/1969: Ô. Hồ qua đời ngày hôm nay, thọ 79 tuổi. Miền Bắc kêu gọi ngưng bắn ba ngày.
Gửi ý kiến của bạn