Ba năm, sau khi Pháp lập Đồng Khánh lên ngôi, thực hiện ý định giành dân, lấn đất của nhà cầm quyền thuộc địa, ngày 19-7-1888, tại Paris, Tổng thống Pháp đã ký một sắc lệnh thiết lập ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Dưới sức ép của Pháp, ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý (3-10-1888) vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản, nhượng chủ quyền ba thành phố ấy cho Pháp.
Thành phố Đà Nẵng được ra đời, mang tên chính thức là Tourane suốt 62 năm Pháp thuộc từ năm 1888 đến năm 1950 là năm Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.
Sách Đại Nam thực lục ghi :
“Mậu Tý , Đồng Khánh năm thứ 3 (1888), mùa thu tháng 8
Lấy đất thuộc Đà Nẵng (bờ biển ở Quảng Nam) làm nhượng địa của người Pháp”. ((ĐNTL, T9, tr 429).
Người đại diện Nam triều ký vào bản đồ vẽ phần đất của Đà Nẵng được trích ra làm nhượng địa của Pháp là Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam Thái Văn Trung.
Thái Văn Trung người xã Long Ốc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là
xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh)
Tổ tiên của ông vốn họ Mạc ở Hải Dương. Vào khoảng thế kỷ XVI, họ Mạc suy vi, bị truy lùng gắt gao nên Mạc Đăng Bình, Hoàng tử thứ 16 của Mạc Phúc Nguyên, dẫn một đoàn con cháu chạy về tổng Thái Xá, tỉnh Nghệ An đổi thành họ Thái để giấu tông tích, tránh thảm họa diệt vong. Họ định cư lập nghiệp rồi phát triển dần ra các vùng phụ cận. Một nhánh đến khai phá vùng Long Ốc- Hà Tĩnh lập thành chi họ Thái tại đây.
Thái Văn Trung sinh năm Canh Tuất (1850), tên là Bá Viên, hiệu là Tiến Tự, lại có hiệu Long Xuyên.
Năm 26 tuổi, ông thi Hương khoa Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876) tại trường Nghệ An, đậu Cử nhân. Ông được bổ làm Tri huyện Bình Sơn, Tri huyện Mộ Đức tại Quảng Ngãi, rồi thăng Chánh sứ Nha Hải phòng tỉnh Quảng Nam. Hải phòng sứ là chức quan đứng đầu Nha Hải phòng. Đó là một cơ quan đặt tại các tỉnh có cửa biển quan trọng để lo việc phòng thủ mặt biển. Cơ quan này mới ra đời từ thời Tự Đức sau khi Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858.
Nha Hải phòng Quảng Nam đóng tại xã Nam Dương, huyện Hòa Vang, được đặt ra từ năm Tự Đức thứ 27 (1874), sau bãi bỏ. Đến năm Ất Dậu (1885) niên hiệu Đồng Khánh, thiết lập lại, có đặt 1 Chánh phòng sứ, 1 Phó phòng sứ. Năm Thành Thái thứ 4 (1892) dời qua thôn Bình Thuận, năm thứ 10 giảm bỏ.
Năm 1888, ông đã ký bản đồ cắt năm xã của huyện Hòa Vang nhượng cho Pháp để lập thành phố Đà Nẵng.
Về sự kiện này, sách Đại Nam Thực Lục ghi : “ Khi trước, viên Khâm sứ Hách –tô tới sơn phòng ấy, lấy các xứ thuộc địa phận Đà Nẵng (từ cầu Thương chính đến trụ sở viên Châu sứ (địa phận thôn Thạch Thang), lại định đặt sở Dây thép ở xã Hải Châu chính); trích ra làm đất nhượng địa, vẽ thành đồ bản, yêu cầu Phòng sứ là Thái Văn Trung đóng dấu và ký để làm bằng; viên Phòng sứ ấy tạm ký xong, rồi đem việc tư đi để xét” (ĐNTL, T9, tr 429).
Theo phụ đính của đạo dụ năm Mậu Tý ( 03-10-1888), năm xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập “nhượng địa” Tourane với diện tích 10.000 ha.
Ngày 24 tháng 5 năm 1889, Toàn quyền Đông Dương Étienne Richaud ra nghị định thành lập thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc tỉnh Quảng Nam. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương, đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý do Khâm sứ đề nghị và Toàn quyền bổ nhiệm.
Sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp, ông được chuyển về làm Thương Tá Tỉnh vụ Hà Tĩnh, được cử làm Tán Tương quân vụ, rồi thăng Bố Chánh Quảng Bình.
Khi làm quan tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có lần ông đã chống lại viên Công sứ Pháp tên là “Xét- Chê”:
Trong tập tự truyện của ông Thái Văn Chánh, Án sát Quảng Nam, con trai của ông Thái Văn Trung, có ghi: “ Trong một buổi hội thương giữa tòa Công sứ, cụ cãi lại viên Công sứ, không khí rất căng thẳng khiến hai bên vừa đứng dậy thì cụ Hồ Văn Thức chạy lại bồng cụ ta chạy ra xe ngựa về tỉnh. Cụ trình sự việc về triều đình và viên Công sứ cũng làm báo cáo về tòa Khâm sứ. Sau cuộc thanh tra của cấp trên, cụ không có lỗi … được giữ nguyên hàm”.
Sau sự việc này, ông xin chuyển về làm Đốc học Nghệ An để được gần gũi phụng dưỡng mẹ già.
Khi làm Đốc học Nghệ An, mỗi buổi sáng ông ra công đường giảng sách cho học trò. Hằng tháng vào ngày rằm và mồng một thì tổ chức bình văn, các quan Huấn đạo, Giáo thọ ở các phủ huyện thường có mặt. Đôi khi các quan đầu tỉnh như Bố chánh, Án sát cũng tham gia. Trong những buổi sinh hoạt này, thầy trò bàn bạc, trao đổi nghĩa lý với nhau thân mật, vui vẻ, sĩ tử về dự rất đông.
Hồi đó Đào Tấn làm Tổng Đốc Nghệ An- Hà Tĩnh thường hay qua lại thân tình với Thái Văn Trung vì cả hai đều say mê văn chương và nghệ thuật Hát Tuồng. Đào Tấn đã cho 2 người con trai của mình là Đào Như Thạch và Đào Như Tuyên trú học tại nhà của Đốc học Thái Văn Trung, cả hai đều thi đỗ Cử nhân.
Còn Bố chánh Tôn Thất Niêm, Đốc học Thái Văn Trung và Lãnh binh Dương Biểu thì đối với nhau như ba anh em kết nghĩa Đào viên.
Khoa thi năm Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903) ông được cử làm Giám khảo, sung chức Khâm sai trường thi Hương Thừa Thiên, Phó chủ khảo. Sau kỳ thi, đình thần tiến cử ông làm Tham biện nội các nhưng Tòa Khâm không chấp thuận. Có người khuyên ông nên qua yết kiến Khâm sứ, nhưng ông nhất định không đi.
Khoa Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909), ông được cử làm Khâm sai trường thi Thừa Thiên, Chánh chủ khảo. Ông nổi tiếng là công bình.
Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục, là bạn đồng niên và bạn thân với ông, quý mến tài đức của ông đã nhiều lần thương thuyết để cho ông giữ các chức: lần thứ nhất đề nghị cho ông làm Thị Lang Bộ học, lần thứ hai đề nghị để ông làm Thị Lang Bộ Lễ và lần sau cùng các ông: Lại bộ Thượng thư Trương Như Cương, Hộ Bộ Thượng thư Trần Đình Phác, Lễ bộ Thượng thư Huỳnh Côn, Binh Bộ thượng thư Lê Trinh, Hình bộ Thượng thư Tôn Thất Hân, Công Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài và Học bộ Thượng thư Cao Xuân Dục, đề nghị cho ông giữ chức Tham tá các vụ. Nhưng viên Quyền Khâm sứ lúc đó là “Xét Chê”, người từng chống đối ông tại Quảng Bình những năm về trước đã bác bỏ đề xuất của 7 vị đình thần.
Trong bữa tiệc tiễn biệt ông trở về quê hương, ông có bài thơ lưu giản :
“Các cụ thương ta đã hết lòng.
Thương đi, thương lại vẫn không xong,
Tài hèn, sức mọn, âu đành phận,
Tháng đợi, năm chờ, những luống công.
Thánh đế linh xăm chưa thấy nghiệp,
Quân vương điềm mộng vẫn còn mong,
Cho hay vận có khuôn hồng tạo,
Bay nhảy nào ai thoát khỏi vòng.”
Ông được thăng hàm “Thái Thường Tự khanh”( Chánh tam phẩm) và về hưu trí sau 18 năm làm quan. Ông không được lãnh lương hưu vì còn thiếu 2 năm công vụ.
Khi làm quan, ông Thái Văn Trung rất thanh liêm nên đến tuổi già đời sống có phần khó khăn, chật vật.
Ông mất ngày 1 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1922), thọ 73 tuổi. An táng tại nghĩa trang Khe Mây, núi Mồng Gà, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Đời Thành Thái, ngày 25 tháng 2 năm Canh Tý (15-01-1901), vua bị ép ký một đạo dụ nữa, nới rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã:
“ Vào ngày 27 tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 3, đức Tiên Đế đã chuyển nhượng lãnh thổ của thành phố Đà Nẵng làm nhượng địa Pháp và đã nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp.
Hôm nay, Hội Đồng Cơ Mật đã trình cho Trẫm về các đại công trình sắp được chính phủ Bảo hộ thực hiện tại Đà Nẵng, như đào một hải cảng lớn, xây các kho hàng và lập các đường hỏa xa, sẽ đem lại cho nền thương mãi một sự mở mang rộng lớn. Vậy cần phải hổ trợ cho công trình lớn lao và làm đẹp thành phố này.
Tuy nhiên, Trẫm xét thấy trong hiện trạng, các cơ sở dự tính sẽ được thực hiện đều nằm ngoài phạm vi nhượng địa.
Vì các lẽ đó, Trẫm phê chuẩn nới rộng lãnh thổ đã nhượng và phê định giới hạn mới cho nhượng địa Pháp ở Đà Nẵng theo bản đồ đính hậu.
Việc di nhượng này được thực hiện trong những điều khoản đã ghi của dụ ngày 3-10- 1888 (khoản 2) và dụ ngày 27-9-1897
Đà Nẵng ngày nay (http://www.danangtourism.gov.vn/portal/page/portal/dulich)
Theo đạo dụ này 8 xã thuộc huyện Hòa Vang nằm bên tả ngạn sông Hàn là Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê Đông, Hà Khê, Yên Khê và và 6 xã thuộc huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn là Mỹ Khê, An Hải, Tân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quan, Vĩnh Yên đều sáp nhập vào nhượng địa.
Ngày 19 tháng 9 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chính độc lập gồm 19 xã. Lãnh thổ của thành phố được nới rộng về phía Tây và Tây Bắc, còn phía Đông thì đã vượt sang hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà và dải đất nối bán đảo này với đất liền.
Hình thành từ năm 1888 đến nay, trải qua hơn 100 năm, thành phố Đà Nẵng không ngừng phát triển đi lên về mọi mặt. Ngày nay Đà Nẵng trở thành đô thị loại một đứng thứ 3 của tổ quốc sau thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Châu Yến Loan
Tham khảo:
- Đại Nam thực lục (ĐNTL),T 9, Quốc sử quán triều Nguyễn, nxb Giáo Dục
- Đại Nam nhất thống chí, quyển thứ 5, Tỉnh Quảng Nam
- Gia phả họ Thái xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
- Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, Võ văn Dật