Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Các vũ kỳ an cư tại Ràjagaha và Vesàli

20/04/201100:32(Xem: 4362)
8. Các vũ kỳ an cư tại Ràjagaha và Vesàli

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 03
Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)

CÁC VŨ KỲ AN CƯ TẠI RÀJAGAHA VÀ VESÀLI

Việc đơn giản nhất đối với đức Phật có lẽ là an cư mùa mưa 525 trước CN tại Sàvatthi, nơi ấy Kỳ Viên của ông Cấp Cô Độc hẳn đã sẵn sàng để cho ngài sử dụng. Tuy nhiên, hoặc là vấn đề nhà cửa tại Kỳ Viên hình như còn quá sơ sài tạm bợ đối với ngài, hoặc là vì ngài đã hứa với Đại Vương Bimbisàra đến an cư thời kỳ gió mùa năm ấy tại Ràjagaha, dầu trong trường hợp nào, mọi nguồn kinh điển đều đồng ý rằng ngài đã trải qua những tháng mưa năm 525 tại Ràjagaha thêm một lần nữa. Đây là mùa mưa gió thứ ba ngài an cư ở kinh đô nước Magadha.

Đức Phật lại sống qua thời kỳ gió mùa năm sau tại Ràjagaha, mặc dù ngài gặp nhiều hoàn cảnh bất ngờ làm xáo trộn. Năm ấy, 524 trước CN, những cơn mưa lớn đã đổ xuống phía nam sông Hằng, và đức Phật đang chuẩn bị sống ba tháng an tịnh tại Veluvana để hành thiền và giáo giới chư Tăng, thì có một sứ thần đến Ràjagaha từ Vesàli, thủ đô cộng hòa Licchavi. Đó là Mahàli, một thân hữu của Đại Vương Bimbisàra, ông trình tấu rằng đang có đại nạn ở Vesàli (Vaisàli ngày nay): hiện vẫn chưa có dấu hiệu mưa đến và người ta sợ rằng mưa sẽ bỏ mặc làm ngơ nước cộng hòa Licchavi. Nạn đói kém đã bùng ra, nhiều người đã chết, và thêm vào đó, hiện đang có bệnh bao tử và đường ruột hoành hành (dịch tả do các giếng nước bị ô nhiễm) đòi mạng thêm nhiều nạn nhân nữa. Do vậy sứ thần Mahàli xin vua Bimbisàra thuyết phục đức Phật đến Vesàli cứu khổ cho kinh thành và cả nước cộng hòa này.

Nếu bản tường trình (ghi trong Luận tạng) nêu ra chính xác các lý luận của Mahàli, thì nó trình bày một cách nhìn mới về đức Phật. Ơû đây ngài không được nhìn theo vị trí một bậc Đạo Sư thuyết giảng con đường giải thoát vòng sinh tử luân hồi, mà như một người có khả năng gây ảnh hưởng đến thiên nhiên khiến cho mưa rơi xuống. Năm năm sau ngày thành Đạo, đức Phật đã trở thành một vị Đại Siêu Nhân (Mahàpurisa) trong mắt quần chúng.

Kinh điển không nói rõ đức Phật Gotama có khoan dung chấp nhận hay bài bác quan điểm này về ngài. Ngài đã đồng ý với lời thỉnh cầu của sứ thần Mahàli theo đề nghị của vua Bimbisàra, ra đi cùng vài đệ tử đến thành Vesàli, và vượt qua sông Hằng năm ngày sau. Ngay khi ngài đặt chân lên bờ phía bắc trong cộng hòa Licchavì thì nguồn nước lũ từ cổng trời mở ra, trận mưa được chờ đợi từ lâu cũng đổ xuống khắp xứ sở này!

Đức Phật giao nhiệm vụ chống bệnh dịch tả cho đệ tử ngài, tôn giả Ànanda, người mà theo chuyện kể lại, đã được ngài dạy kinh Bảo Châu (Ratana Sutta) vì mục đích này. Nhiều nhà Ấn Độ học có thể không tin rằng kinh này (SNip 222-38) thực sự của chính đức Phật, nhưng điều quan trọng là chính kinh này được gán cho tác dụng chữa bệnh. Đó là một trong những kinh Phật dựa trên một tư tưởng tiền Phật giáo đã được đề cập ở phần trước, tức là mỗi sự thật dù có tầm quan trọng về nội dung tư tưởng ra sao đi nữa, cũng chứa đựng thần lực, và qua lời phát biểu sự thật ấy, do "tác động của chân lý" (saccakiriyà) ấy, ta có thể đạt được bất kỳ một kết quả nào mong muốn -- thậm chí sự thật, "chân lý" được nói đến chỉ là một niềm tin:

Dẫu châu báu đời này hay đời kế,
Bảo vật nào trên thiên giới huy hoàng,
Không một thứ gì có thể sánh ngang
Với tối thượng bảo châu là đức Phật,
Đức Như Lai là bảo châu đệ nhất,
Nhờ Chân lý này hạnh phúc ngập tràn!
(Kinh Bảo Châu, kệ 224)

Chỉ trong một thời gian ngắn, tôn giả Ànanda đã trấn áp thành công bệnh dịch tả nhờ thần chú nói lên chân lý này. Các nhà bình giải ngày nay dĩ nhiên sẽ gán sự thành công này cho số lượng nước mát tràn đầy đã lại sẵn sàng để sử dụng nhờ thời kỳ gió mùa đến.

Cộng hòa Licchavi (với Vesàli là thủ đô) đã kết hợp với cộng hòa Videha (thủ đô là Mithilà) cùng một số bộ tộc được gọi là Liên bang Vajji vẫn được miêu tả với nhiều thiện cảm trong Kinh Tạng Pàli. Số quý tộc võ tướng khoảng 14.000 người Licchavi điều hành công việc của chừng 250.000 cư dân của nước này, và đề cử các quốc vương, đã nhiều lần được tán dương về ý thức trách nhiệm trị nước. Các kỳ họp hội đồng nhân dân ở Vesàli được triệu tập bằng một hồi trống, được một trong ba quốc vương Licchavi chủ tọa và tổ chức chu đáo, còn các biện pháp được chấp thuận thông qua đều được hội nghị cương quyết biến thành hành động. Công lý được thực hiện nhanh chóng và khách quan.

Mặc dù đất nước tương đối phồn thịnh, các vị quý tộc Licchavi vẫn sống khiêm tốn. Nhiều vị võ tướng trẻ tuổi chỉ ngủ trên nệm rơm và thực hành nhiều kỹ năng quân sự (SN 20.8) . Họ cũng luyện chó dữ để đánh trận và được kiêng nể về tài thiện xạ. Tuy nhiên thỉnh thoảng cao hứng quá độ, họ ẩu đả và giành giật các thức ăn như mía, kẹo, bánh, mứt từ đám hàng hóa cung cấp cho thành phố. Đôi khi -- có lẽ để thử lòng can đảm -- họ còn đánh vào mông đàn bà con gái. (AN 5.58)

Mặc dù dân chúng Vesàli nỗ lực làm nhà thật khang trang dành cho đức Phật ở trong kinh thành và mặc dù ngài được cung cấp đầy đủ tiện nghi tại Sảnh Đường Có Nóc Nhọn ở Đại Lâm (Mahàvana), ngài cũng không cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong chuyến du hành đến Vesàli này. Chúng ta không hiểu rõ lý do, song chúng ta được biết là, mặc dù ngài đã được thỉnh cầu và nghênh tiếp như một vị cứu khổ cứu nạn, ngài vẫn rời kinh thành này bảy ngày sau đó (hoặc theo một bản sớ giải khác thì nửa tháng sau) và trở về Ràjagaha, nơi ngài an cư phần mùa mưa còn lại.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]