- Lời Giới Thiệu
- Chương 01: Thời niên thiếu - Cuộc tầm cầu - Giác ngộ (563-528 TCN)
- Chương 02: Thành lập Giáo hội và khởi đầu Hoằng pháp (528 TCN)
- Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)
- Chương 04: Giáo lý, Tăng chúng, và giới cư sĩ
- Chương 05: Ðức Phật Gotama và các phương diện tâm lý
- Chương 06: Các năm sau
- Chương 07: Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
- Chương 08: Phần cuối - Thư mục Tham khảo
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản
Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)
ĐỨC PHẬT VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG
Giữ đúng lời hứa với tôn giả Kàludàyin, đức Phật khởi hành trở về Kapilavatthu ngay khi mùa mưa gió chấm dứt. Ngài không du hành một mình: tôn giả Sàriputta và một số Tỳ-kheo khác theo hầu ngài. Lộ trình dài 60 do-tuần. Một do-tuần (yojana): là một đoạn đường mà một con bò kéo cày có thể đi được, độ chừng 10 km. Đức Phật Gotama phải dành sáu mươi ngày để đi khoảng đường 600 km giữa Ràjagaha và Kapilavatthu. Sau khi đi được một phần tư lộ trình lên phía tây bắc, ngài phải vượt qua sông Hằng.
Ngày nay ta có thể tìm ra vài khái niệm về các cuộc hành trình ấy như thế nào nếu ta nghĩ đến những cuộc trường chinh do nhà lãnh tụ vĩ đại Gàndhi và Vinobha Bhàve thực hiện. Theo lệ thường bậc Đạo Sư cứ tiếp tục độc hành hoặc thỉnh thoảng đàm đạo với một vài đệ tử. Cách ngài năm bảy bước phía trước là một số môn đồ trung kiên tiên phong mở đường và bảo vệ ngài khỏi bị đám người bàng quan quấy nhiễu, và phía sau ngài là đám Tỳ-kheo còn lại, một số với dáng điệu chuyên chú giữ chánh niệm và tâm thiền định, một số khác mệt mỏi bèn rút lui bỏ cuộc. Chỉ có ba dấu hiệu bên ngoài phân biệt đức Phật với bậc Đại Hiền Trí (Mahàtma: danh hiệu của Gàndhi) và Vinobha: y phục của ngài không phải màu trắng mà là màu vàng nâu pha đất sét đỏ (kàsàya), ngài đi chân trần và không chống gậy. Ở cổ Ấn Độ, gậy được xem là khí giới nên đức Phật không dùng chúng.
Các diễn biến tiếp theo sau thời gian ngài đến thành Kapilavatthu chỉ được ghi lại từng đoạn rời rạc trong Kinh Tạng Pàli theo thứ tự niên đại và nhiều chỗ thiếu đồng nhất, tuy thế, chúng ta cũng có thể hình dung được những chuyện đã xảy ra.
Theo phong tục, đức Phật nay đã là một Sa-môn khất sĩ nên không thể đến viếng Quốc Vương Suddhodana nếu chưa được thỉnh cầu. Ngài liền tạm trú tại Nigrodhàràma (Ni-câu-luật Viên: Rừng Cây Đa), một nơi ở phía trước kinh thành thường được các Sa-môn khổ hạnh vãng lai, vốn có nhiều gốc đa cổ thụ (nigrodha: Ficus Bengalensis) với những chòm rễ dài lủng lẳng trên không tạo thành một khu rừng nhiều cây cao bóng mát đón mời du khách. Ngay lúc ấy quốc vương chưa được tâu trình việc hoàng tử của ngài vừa đến nơi. Chỉ vừa tảng sáng hôm sau, khi dân chúng đã thấy vị thái tử Siddattha trước kia mang bình bát đi khất thực trên các đường phố trong kinh thành, Quốc Vương Tịnh Phạn mới được cấp báo việc này.
Cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai cha con không diễn ra êm thắm mấy. Vua Suddhodana khiển trách con mình đã tự làm mất danh giá khi đi khất thực trong quê hương mình trước mắt mọi người. Vương tử Siddhattha nay đã là bậc Giác Ngộ, lại bị quở mắng như một trẻ thơ, liền tự biện hộ bằng cách bảo rằng truyền thống Sa-môn là sống nhờ khất thực và chư Phật quá khứ cũng đã làm như vậy. Phần Bhaddakaccànà tức Yasodharà, bà vợ trước kia của đức Phật, người đã sống đời "sương phụ của Tỳ-kheo" suốt tám năm ròng, vẫn còn đau xót về việc này nên tìm cách bày tỏ nỗi hờn giận của bà. Khi đức Phật đến thăm hoàng cung của vua cha lần thứ hai, bà truyền đưa con trai của hai vị là Ràhula (La-hầu-la) bấy giờ đã lên tám, đến và dặn: "Này Ràhula, ngài là cha của con đấy. Con hãy đến xin ngài cho con phần tài sản của con". Cậu bé Ràhula làm theo lời mẹ dạy. Cậu đến cung kính đảnh lễ đức Phật và đợi cho đến khi ngài rời cung. Rồi cậu đi theo ngài và thưa: "Bạch Sa-môn, xin cho con phần tài sản của con". Phản ứng của đức Phật vừa uy nghiêm cao thượng vừa công hiệu biết bao. Ngài ra lệnh cho tôn giả Sàriputta nhận cậu bé làm Sa-di ngay lập tức tại chỗ. Như vậy tôn giả Sàriputta trở thành vị giáo thọ của vương tôn Ràhula.
Quốc Vương Suddhodana không thể nào nguôi lòng khi nghe tin nay vương tôn của ngài cũng đã bị đưa ra khỏi gia đình, vội van xin bậc Đạo Sư đừng bao giờ truyền cho ai giới xuất gia làm Sa-di (pabbajà) mà không được cha mẹ chấp thuận. Ví thử lúc ấy quốc vương hy vọng đức Phật sẽ hủy bỏ giới Sa-di của vương tôn Ràhula thì ngài chuốc lấy thất vọng mà thôi. Bậc Đạo Sư chỉ hứa làm theo lời thỉnh cầu ấy trong các trường hợp về sau! (Mv 1. 54)
Mặc dù Kinh Điển nỗ lực trình bày cuộc viếng thăm thành Kapilavatthu lần đầu của đức Phật như một chuyến hoằng Pháp thành công, rõ ràng sự thành công ấy cũng là hạn hẹp. Chỉ một số ít người tin theo Giáo Pháp ngài. Dân chúng thành Kapilavatthu vẫn còn ghi trong trí những hình ảnh quá sinh động của vị vương tử được nuông chiều thuở trước nên không thể nào tin tưởng vào vị trí của đức Phật, một bậc "Giác Ngộ" ngày nay. Họ lại cần có một sự thận trọng về chính trị đối ngoại nữa. Lúc ấy họ vẫn chưa biết chắc Đại Vương Pasenadi nước Kosala ngự tại thành Sàvatthi vừa là chúa tể tối cao của cộng hòa Sakiya, sẽ nhìn giáo phái mới này ra sao.
Một vị trong dòng Sakiya được thọ giới Tỳ-kheo có lẽ còn trước cả việc vương tôn Ràhula thọ Sa-di giới, là Nanda Gotama (Nan-đà), em khác mẹ của thái tử Siddhattha, tức con trai vua Suddhodana và bà kế mẫu Mahàpajàpatì. Theo Kinh Điển, thái tử đã thuyết phục hoàng đệ Nanda trở thành Tỳ-kheo và vị này miễn cưỡng nhận lời do lòng kính trọng vị hoàng huynh chỉ lớn hơn mình chừng vài ngày!
Hiển nhiên (theo Jataka 182) vương tử Nanda, ít ra là thời gian đầu, không hoàn toàn phù hợp với đời khất sĩ. Có lẽ để đối trị với những mối hoài nghi do các vị đồng Phạm hạnh thường bày tỏ về quyết tâm sống đời độc cư của tôn giả Nanda, nên khi đức Phật đã ca ngợi các đức tính của tôn giả, nhưng lại theo một phương thức ngoại giao khéo léo là trong lúc vừa tán thán, ngài vừa vạch ra một đường lối tu tập cho tôn giả Nanda: như phòng hộ các căn (giác quan), tiết độ trong ẩm thực, chú tâm cảnh giác đối với thân tâm và từ bỏ mọi xúc động trong tâm tư tình cảm (A.N 8.9). Sự giáo giới ấy thật cần thiết vì tôn giả Nanda có diện mạo khôi ngô tuấn tú, lại thường mang nặng những mơ tưởng ái tình và còn toan tính chuyện cởi bỏ y vàng rồi hoàn tục nữa. Mãi đến khi bậc Đạo Sư chỉ rõ cho tôn giả thấy dung sắc xoàng xĩnh của cô vợ cũ yêu quý là Janapadakalyànì, tôn giả mới bắt đầu nghiêm chỉnh tu tập bản thân theo luật Sa-môn. Ngay cả vị này về sau cũng đắc quả A-la-hán. (Ud 3.2)
Đức Phật còn truyền giới thêm bảy vị Thích-ca nữa, không phải ở quê nhà Kapilavatthu mà ở Anupiyà, một nơi trong cộng hòa Malla, đất nước ngài ghé ngang qua trên đường về từ Kapilavatthu. Bảy vị này trước kia đã rời kinh đô của bộ tộc Thích-ca để trở thành nhóm Sa-môn khất sĩ sống riêng lẻ. Nhưng khi chư vị gặp đức Phật ở Anupiyà, chư vị cảm thấy chấp nhận sự hướng dẫn của ngài thì hợp lý hơn là tự mình đi tìm chân lý cho mình.
Người đầu tiên trong nhóm này được đức Phật thu nhận là Upàli (Ưu-ba-li), trước đây làm nghề cắt tóc (Cv.7.1.1-4), một người tầm thường ở địa vị thấp kém mà không ai ngờ lại có thể trở thành một chuyên gia xuất sắc về giới luật và qui tắc xử sự trong Tăng chúng. Hai vị nữa là Anuruddha (A-na-luật) và Ànanda (A-nan), em họ của đức Phật, các nam tử cùng cha khác mẹ của hoàng thân Amitodana, em trai phụ vương ngài. Cả hai vị đều nổi tiếng về lòng tận tụy trung thành đặc biệt đối với đức Phật. Các vị còn lại là Bhagu (Bạt-cù), Kimbila (Kim-tỳ-la) và Devadatta (Đề-bà-đạt-đa). Vị sau cùng cũng là em họ của đức Phật, hoàng tử của vua Suppabuddha (Thiện Giác), em trai mẫu hậu ngài và là anh của công chúa Bhaddakaccànà tức bà vợ cũ của ngài.
Nhân vật danh tiếng nhất trong bảy vị này là Bhaddiya, con trai của bà Kàligodhà, "Hắc nữ Godhà", vị nữ tộc trưởng của các phu nhân dòng Thích-ca giữ địa vị quả phụ thừa kế. Có lẽ bà là quả phụ của một quốc vương đã một thời cai trị cộng hòa Sakiya trước vua Suddhodana, hoặc làm vị nhiếp chính của ngài. Điều này giải thích lý do tôn giả Bhaddhiya được miêu tả là quốc vương cai trị dòng Thích-ca (Cv 7.1.3) do nhầm lẫn với thân phụ tôn giả.
Từ Anupiyà, chuyện kể rằng cuộc hành trình tiếp tục đến Kosambì, thủ đô nước Vamsà (Cv 7.2.1), nơi đó bậc Đạo Sư cùng chư vị hộ tống cư trú tại vườn của triệu phú thương Ghosita (Cù-sư-la). Khu vườn này mở rộng đón các du sĩ của mọi tông phái. Một thời gian sau, vị này cung tặng ngài khu vườn ấy, vào dịp đến thành Sàvatthi để buôn bán cùng nghe đức Phật thuyết Pháp và trở thành đệ tử ngài.