Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

V

21/11/201204:55(Xem: 2571)
V

TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC

Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

V

Văn Yển (864-949): là vị tổ sư của tông Vân Môn, sống vào cuối đời Đường sang đời Ngũ-đại (907-960). Ngài họ Trương, người huyện Gia-hưng, tỉnh Triết-giang, từ thuở nhỏ đã ôm chí xuất trần, nên đã xin xuất gia ở chùa Không-vương, ngay trong huyện Gia-hưng; chẳng bao lâu thì được thọ giới cụ túc, học khắp các kinh, đặc biệt chú tâm suy cứu bộ Luật Tứ Phần. Sau đó ngài đến Mục-châu (nay là huyện Kiến-đức, tỉnh Triết-giang) tham học với ngài Đạo Minh (780-877); vài năm sau lại đến tham học với ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-906). Ba năm sau, ngài lại du phương tham cứu. Năm 911 ngài đến Tào-khê (ở Quảng-đông), đảnh lễ tháp của lục tổ Tuệ Năng; rồi đến tu học tại thiền viện Linh-thọ, được ngài viện chủ là Như Mẫn (?-920) cử làm thủ tọa. Năm 918, ngài Như Mẫn viên tịch, ngài thừa kế chủ trì thiền viện Linh-thọ. Năm 923 ngài vào núi Vân-môn kiến lập thiền viện Quang-thái, đạo phong ngày một tỏ rõ, học chúng vân tập đông đảo. Ngài viên tịch vào năm 949, thọ 86 tuổi. Trước tác còn truyền lại có Quảng Lục, Ngữ Lục.

Vân Môn Văn Yển (864-949): tức thiền sư Văn Yển, là vị khai tổ của tông Vân Môn, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. (Xem mục “Văn Yển”.)

Về năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như (ngũ tì kheo), có thuyết cho rằng, khi biết được thái tử Tất Đạt Đa đã bỏ trốn hoàng cung đi xuất gia, vua Tịnh Phạn lập tức cho người theo mời thái tử trở về, nhưng thái tử cương quyết không trở về. Không biết làm sao hơn, nhà vua bèn phái năm vị đạo sĩ Bà la môn trong hoàng cung, do Kiều Trần Như dẫn đầu, theo cùng tu để bầu bạn với thái tử. Trong năm vị đạo sĩ này thì Kiều Trần Như và A Thị Thuyết là bà con bên mẫu hậu của thái tử; còn Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp và Ma Ha Nam Câu Lị là bà con bên phụ vương của thái tử. Cũng có thuyết nói, nhóm năm người Kiều Trần Như được lệnh vua Tịnh Phạn theo mời thái tử trở về, nhưng khi họ gặp thái tử ở giữa đường thì đã bị thái tử thuyết phục, không trở về triều nữa mà tình nguyện cùng theo Thái tử tu hành. Có thuyết lại nói, Kiều Trần Như là vị đạo sĩ lỗi lạc nhất trong tám đạo sĩ Bà la môn thông thái nhất ở kinh thành Ca-tì-la-vệ, được vua Tịnh Phạn tôn làm vương sư. Khi thái tử Tất Đạt Đa vừa đản sinh thì ông đã thấy rõ ngay đó sẽ là bậc đại giác sau này. Bởi vậy, khi hay tin thái tử trốn bỏ hoàng cung đi xuất gia, ông tức tốc rủ bốn vị đạo sĩ chí thân khác trong hoàng cung đi theo cùng thái tử tu hành, mong về sau sẽ được cứu độ khi thái tử đã thành bậc đại giác. Lại có thuyết cho rằng, đạo sĩ Kiều Trần Như vốn là bạn đồng tu với đạo sĩ Cồ Đàm, khi hai vị cùng tu học dưới sự hướng dẫn của đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất ở gần kinh thành Vương-xá. Khi đạo sĩ Cồ Đàm đã tu chứng đến quả vị cao tột (Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ) sánh ngang với thầy mà vẫn thấy chưa bằng lòng, vì vẫn chưa được giải thoát trọn vẹn, Ngài bèn xin từ giã thầy để đi đến nơi khác (sau cùng là rừng Khổ-hạnh), tự mình tìm lấy con đường tu tập cho riêng mình. Một thời gian sau, đạo sĩ Kiều Trần Như cũng từ giã đạo tràng của đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, rủ thêm bốn đạo sĩ bạn thân khác, cùng tìm tới rừng Khổ-hạnh và cùng tình nguyện tu tập theo sự hướng dẫn của đạo sĩ Cồ Đàm.
Trong kinh điển chữ Hán, tên của năm vị tì kheo này đã được phiên âm thành nhiều cách gọi khác nhau:
- Câu Lân, Bạt Đề, Ma Nam Câu Lị, Thập Lực Ca Diếp, Át Bệ;
- Kiều Trần Như, Bạt Đà La, Thập Lực Ca Diếp, Ba Sáp Ba, A Thấp Ba Thệ;
- Kiều Trần Như, Bạt Đề Lê Ca, Ma Ha Na Ma, Ba Sa Ba, A Xa Du Thì;
- Kiều Trần Như, Bạt Đà La Xà, Ma Ha Na Ma, Bạt Ba, A Xả Bà Xà;
- Kiều Trần Như, Bà Đề, Ma Ha Ma Nam, Bà Phu, A Thấp Tị;
- Kiều Trần Như, Bạt Đề, Ma Ha Nam, Bà Phu, Át Bệ;
- Kiều Trần Như, Át Bệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Nam Câu Lị;
- Kiều Trần Như, A Thị Thuyết, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Lị;
- v.v...

Vệ Nguyên Tung (?-?). Ông quê ở Thành-đô (tỉnh Tứ-xuyên), tinh thông âm dương lịch số, giỏi văn chương, nhưng tính tình hay dối trá. Thuở nhỏ ông xuất gia với thiền sư Vong Danh ở chùa Dã-an tại Tứ-xuyên, vì không chịu nổi gian khổ nên đã giả đò làm người phóng túng ngông cuồng; khi bị chúng tăng quở trách thì lấy cớ đó mà bỏ chùa ra đi. Lúc đó là thời vua Vũ đế của nhà Bắc-Chu. Ông đến kinh đô Trường-an, tạo sấm vĩ để cho đồn đãi trong dân chúng, tiên đoán các sự việc sắp xảy ra. Khi thấy mình đã được mọi người chú ý, ông bèn bắt đầu thực hiện âm mưu phá hoại Phật giáo. Trước tiên, năm 567, ông cởi bỏ áo tu, rồi dâng lên vua Vũ đế một dự án, đề nghị phá bỏ hết chùa viện, chỉ lập một ngôi chùa lớn gọi là Bình-diên tự; đó là nơi qui tụ của vạn dân mà hoàng đế là Như Lai. Vua đã đem việc này ra triều đình bình nghị, nhưng đã không đi đến quyết định gì. Ông lại cấu kết với đạo sĩ Trương Tân, cùng tiếp tục tâu vua nói xấu Phật giáo, xin phá hủy hết chùa tháp và ra lệnh cho tất cả tăng ni phải hoàn tục. Năm lần bảy lượt, cuối cùng, Vũ đế cũng nghe lời hai người, cho thi hành chính sách tiêu diệt Phật giáo. Cuộc đời sau đó của ông, không ai biết rõ.

Vì cứu sinh vật mà cầu mưa (truyền thuyết Trung-quốc). Tín đại sư, gặp lúc trời hạn hán, thấy nhân dân giết súc vật để cúng tế cầu mưa. Sư thương dân không sáng suốt, bảo họ rằng: “Quí vị đừng dùng đến sinh vật. Tôi sẽ cầu mưa cho quí vị.” Mọi người vâng lời. Sư bèn thành tâm cầu đảo, liền có mưa lớn, xa gần đều được cảm hóa.

Việc cần làm đã làm xong (sở tác dĩ biện - sở sự dĩ biện): là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho các hành giả Thanh-văn thừa, khi đã hoàn toàn đoạn trừ mọi kiến tư hoặc của ba cõi, đắc quả A-la-hán, thoát li ba cõi và chứng nhập niết bàn, vĩnh viễn không còn trở lại trong ba cõi nữa. Đó là chỗ Thanh-văn thừa khác với Bồ-tát thừa. Các hành giả tu tập hạnh Bồ-tát đều phát nguyện đời đời cứu độ chúng sinh, nơi nào có chúng sinh là nơi đó có Bồ-tát, chừng nào còn chúng sinh thì chừng đó còn có Bồ-tát. Vì vậy mà công việc của Bồ-tát không bao giờ “làm xong”. Do đó, thuật ngữ trên không dùng để chỉ cho Bồ-tát.

Viên Áng (?-148 tr. TL): người nước Sở thời Tây-Hán, lĩnh chức lang trung dưới triều vua Văn đế. Hoài-nam vương (em vua Văn đế) mưu phản, Văn đế đày đi đất Thục, Viên Áng can gián, nhưng vua không nghe. Quả nhiên, đi nửa đường, vương nhịn đói mà chết. Vua hối hận. Áng bèn xin vua phong vương cho cả ba người con của Hoài-nam vương để nối nghiệp cha. Văn đế thuận. Từ đó, Viên Áng rất được triều đình trọng vọng. Nhưng vì tính hay can gián thẳng thắn, làm vua khó chịu, bèn giáng chức, cho đi làm đô úy ở Lũng-tây. Lại được vua nước Ngô trọng dụng, mời làm tướng quốc, rất được hậu đãi. Viên Áng vốn không ưa Triều Thố. Hai người không bao giờ ngồi chung một chỗ, không cùng nhau nói chuyện. Khi vua Cảnh đế lên ngôi, Triều Thố được giữ chức ngự sử đại phu, bèn sai thuộc hạ tố Viên Áng nhận tài vật của Ngô vương, để trị tội. Áng bèn bị tước hết quan chức, cho về làm thường dân. Cảnh đế lại nghe lời Triều Thố, tước bỏ đất phong của bảy nước chư hầu, dùng chế độ trung ương tập quyền để củng cố chính quyền trung ương. Chư hầu tức giận, Ngô vương liền lãnh đạo cả bảy nước, lấy danh nghĩa diệt Triều Thố, khởi binh làm phản. Vua Cảnh đế lo lắng, lại cho triệu Viên Áng vào triều để nghị sự. Áng liền xin vua xuống chiếu giết Triều Thố để trấn an chư hầu. Vua y lời, xuống lệnh chém Triều Thố ở chợ Đông, và cho Áng làm quan thái thường.
Xin lưu ý: Từ trước đến nay, người Việt thường đọc nhầm tên của hai viên quan đời Tây-Hán là Viên Án và Triệu Thố, đúng ra phải đọc là Viên Áng (袁盎) và Triều Thố (晁錯).

Viên Chiếu (1020-1099): tức Tông Bản, một vị cao tăng đời Tống, Trung-quốc. Ngài họ Quản, tự Vô Triết, quê huyện Vô-tích, tỉnh Giang-tô. Năm 19 tuổi, ngài xin xuất gia với thiền sư Đạo Thăng ở chùa Vĩnh-an (Tô-châu), khổ tu ròng rã 10 năm mới được thọ đại giới. Sau đó 3 năm, ngài xin phép du phương tham học. Ngài đến tham yết thiền sư Nghĩa Hoài, được tỏ ngộ. Thiền sư bèn cử ngài đến mở đạo tràng hoằng pháp tại chùa Thụy-quang ở Tô-châu, đồ chúng theo học ngày càng đông. Sau đó ngài đến trú tại chùa Tịnh-từ ở Hàng-châu, dù vậy, chư tăng và Phật tử các chùa Vạn-thọ và Long-hoa ở Tô-châu vẫn thường mời ngài về hoằng pháp, số người được giáo hóa có đến cả ngàn. Danh đức của ngài ngày càng đồn xa. Năm 1082, vua Tống Thần-tông (1068-1085) xuống chiếu thỉnh ngài về Đông-kinh, trú trì thiền viện Tuệ-lâm, thuộc chùa Tướng-quốc. Trải qua nhiều buổi pháp đàm tại điện Diên-hòa, vua rất lấy làm toại ý. Vua Tống Triết-tông (1086-1100) vẫn giữ lòng cung kính đối với ngài, đã ban hiệu cho ngài là Viên Chiếu thiền sư. Năm 1086, lấy cớ tuổi già, ngài xin vua được rời kinh thành, về trú tại chùa Linh-nham ở Tô-châu. Từ đó ngài bế môn tu thiền, vừa tu tịnh nghiệp (Tịnh-độ). Ngài viên tịch năm 80 tuổi. Trước tác của ngài có Qui Nguyên Trực Chỉ Tập và Tuệ Biện Lục.

Viên dung môn - hàng bố môn: là hai pháp môn do tông Hoa Nghiêm thành lập nhằm thuyết minh về giai vị mà hàng Bồ-tát tu hành đạt đến quả Phật. “Viên dung” nghĩa là đầy đủ trọn vẹn, thông suốt, không phân biệt, không chướng ngại. “Viên dung môn” nói đủ là “viên dung tương nhiếp môn”, tức là trong một địa vị đã gồm đủ tất cả địa vị, dù đó là địa vị thấp nhất hay cao nhất. Ở pháp môn này, trường hợp một vị Bồ-tát căn cơ đã thuần thục, thì ngay nơi lúc phát tâm tu hành là tức thì thành Phật, mà không cần phải trải qua kiếp này kiếp nọ. Giới tu học Phật thường nghe câu nói: “Tức thân thành Phật”, chính là trường hợp này. Đối lại là “hàng bố môn”, nói đủ là “thứ đệ hàng bố môn”, tức là có nhiều giai vị khác nhau từ thấp lên cao. Chữ “hàng bố” nghĩa là bài trí thành hàng có thứ tự trước sau. Ở pháp môn này, trường hợp hàng Bồ-tát phàm phu, căn tánh thấp kém, phải tu hành tiến lên từ từ từng địa vị. Hàng Bồ-tát này, từ lúc phát tâm tu hành cho đến khi thành Phật, phải tuần tự tu hành trải qua 52 địa vị từ thấp lên cao (gồm có 10 bậc Tín, 10 bậc Trụ, 10 bậc Hạnh, 10 bậc Hồi-hướng, 10 bậc Địa, bậc Đẳng-giác, và bậc Diệu-giác). – Có người đọc pháp môn này là “hành bố môn”, nhưng ở đây, chữ 行 đọc là “hành” thì ý nghĩa không chính xác. “Hành” nghĩa là đi, làm, hành động, tu hành; còn “hàng” nghĩa là hàng lối, xếp thành hàng có thứ tự trước sau. Vì vậy, đọc là “hàng bố môn” thì ý nghĩa chính xác hơn.

Viên đốn. Đối với toàn bộ giáo pháp của Phật, tông Thiên Thai đã phân tích ra có bốn loại pháp môn (gọi là “bốn giáo”): tạng, thông, biệt, và viên; trong khi đó, tông Hoa Nghiêm lại chia ra có năm (gọi là “năm giáo”): tiểu, thỉ, chung, đốn, và viên. Viên giáo là giáo pháp chân thật cùng cực của đại thừa. Nếu tỏ ngộ được lí viên giáo thì liền có đầy đủ Phật pháp, lập tức nhập vào cảnh giới của Phật, cho nên gọi là “viên đốn” (trọn vẹn và mau chóng), khác với “tiệm giáo” (tiến từ từ).

Viên giải. Trí tuệ vi diệu chứng được chân lí, gọi là “viên”. “Viên giải” là kiến giải viên thông, tức là trí tuệ giác ngộ cùng khắp, liễu giải thông suốt pháp tánh.

Viên giáo: là loại giáo pháp rốt ráo, viên mãn; đó là giáo lí nhất thừa, cho nên cũng gọi là “nhất thừa viên giáo”. Giáo pháp này nói biển tánh là viên dung, tùy duyên mà khởi thành pháp giới vô tận; vì vậy, cái này và cái kia là vô ngại; cái này tức là cái kia, cái kia tức là cái này; cái này ở trong cái kia, cái kia ở trong cái này; một vật là tất cả vật, tất cả vật là một vật; v.v... Ngài Tuệ Quang (468-537) đời Bắc-Ngụy (386-534) đã phân toàn bộ nội dung giáo điển làm ba loại: tiệm giáo, đốn giáo và viên giáo. Ngài Trí Khải (538-597) đời Tùy (581-619) lại đem nội dung giáo điển phân làm bốn loại: tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, và viên giáo. Ngài Pháp Tạng (643-712) đời Đường (618-907) lại phân giáo điển làm năm loại: tiểu thừa giáo, đại thừa thỉ giáo, đại thừa chung giáo, đốn giáo, và viên giáo.

Viên thành thật: là một trong 3 tự tánh của vạn pháp, do tông Duy Thức thành lập. Đó là tính chất viên mãn, thành tựu và chân thật của vạn pháp; cũng chính là bản thân, thể tính, hay chân tướng của vạn pháp, hoàn toàn không do tâm ý tạo tác ra. Với tự tánh này, vạn pháp không sinh không diệt, không thêm không bớt, không dơ không sạch, không lớn không nhỏ v.v…, không thể nhận thức bằng khái niệm, không thể diễn tả bằng lời nói. Vạn pháp hiện hữu như thế đó, trong cách thức của chúng, không qua trung gian của vọng tưởng phân biệt, của nhận thức sai lầm của con người. Bản chất nhận thức của con người là “biến kế” (vọng tưởng phân biệt). Vậy người tu học phải thực tập quán chiếu tính “y tha khởi” của vạn pháp để diệt trừ mọi nhận thức sai lầm (tính biến kế) về vạn pháp, ngay lúc đó thì chân tướng “viên thành thật” của vạn pháp liền hiển lộ.

Viên Trắc (613-696). Ngài vốn xuất thân từ vương tộc nước Tân-la (tên cũ của bán đảo Triều-tiên), họ Kim, tên Văn Nhã. Năm 15 tuổi, ngài sang Trường-an (Trung-quốc) du học, từng theo học với các vị đại sư Pháp Thường (567-645), Tăng Biện (568-642) v.v... Ngài thông hiểu các bộ luận Tì Đàm, Thành Thật, Câu Xá, Tì Bà Sa v.v..., được vua Đường Thái-tông (627-649) mời về cư trú tại chùa Tây-minh, cho nên người đời xưng ngài là Tây Minh Viên Trắc. Khi pháp sư Huyền Trang du học Ấn-độ trở về, lập đạo tràng dịch kinh, ngài lại được vua mời tham dự, cùng với các ngài Khuy Cơ, Phổ Quang v.v... là những thành viên cột trụ của ban phiên dịch. Về sau ngài rất được Võ hậu (690-705) sùng kính, thờ làm thầy, vua nước Tân-la sai sứ sang thỉnh ngài về nước, nhưng Võ hậu không cho về. Trước tác của ngài có Thành Duy Thức Luận Sớ, Giải Thâm Mật Kinh Sớ, Nhân Vương Kinh Sớ, Tâm Kinh Sớ, Nhân Minh Chánh Lí Môn Luận Sớ.

Viễn Thập Đại Thừa Yếu Nghĩa Vấn Đáp. Bộ sách này nguyên được biên tập và lưu hành từ trước thời đại nhà Tùy (581-619) với nhiều tên khác nhau như Đại Thừa Nghĩa Chương, Đại Thừa Đại Nghĩa Chương, Cưu Ma La Thập Pháp Sư Đại Nghĩa, Pháp Vấn Đại Nghĩa, Vấn Đại Thừa Trung Thâm Nghĩa Thập Bát Khoa; đến năm 1930 (dưới thời Dân-quốc), nó đã được cơ sở Trung Quốc Phật Giáo Lịch Sử Bác Vật Quán in lại, và đổi tên thành Viễn Thập Đại Thừa Yếu Nghĩa Vấn Đáp, được nhập vào Tạng Đại Chánh (quyển 45). Bộ sách có 3 quyển, gồm 18 chương, ghi lại 18 vấn đề do đại sư Tuệ Viễn (334-416, ở Lô-sơn, tỉnh Giang-tây, Hoa-nam, thuộc nhà Đông-Tấn) nêu ra, và đại sư Cưu Ma La Thập (344-413, ở Trường-an, Hoa-bắc, thuộc nhà Hậu-Tần) trả lời. Hai vị đại sư, một ở Nam, một ở Bắc, hỏi và trả lời nhau bằng những bức thư, sau đó đã được các môn đồ sưu tập và biên chép thành sách. Những vấn đề được nêu lên ở đây, ngài La Thập đã trực tiếp xiển dương giáo nghĩa của Phật giáo đại thừa, lí giải về tín ngưỡng cùng giới thiệu với người Trung-quốc về hệ thống tư tưởng Trung Quán của hai ngài Long Thọ và Đề Bà; nhân đó mà gây nên một phong trào dịch thuật và nghiên cứu kinh hệ Bát Nhã cùng các kinh hệ đại thừa khác. Lại nữa, trong sách này, vấn đề pháp thân Phật và Bồ-tát cũng được đặc biệt nhấn mạnh, chứng tỏ vào thời đại ngài Tuệ Viễn, vấn đề đó cũng từng được giới học Phật quan tâm triệt để.

Vĩnh Gia (665-713): tức đại sư Huyền Giác, đời Đường. Ngài họ Đới, người huyện Vĩnh-gia, phủ Ôn-châu, tỉnh Triết-giang, cho nên người đời cũng gọi tên ngài là Vĩnh Gia, hoặc Vĩnh Gia Huyền Giác. Ngài xuất gia khi 8 tuổi, học thông cả ba tạng, nhưng chuyên về pháp môn “chỉ quán” của tông Thiên Thai. Về sau, tự cất am bên chùa Long-hưng ở Ôn-châu, ở một mình, vừa nghiên cứu kinh luận, vừa tu tập thiền quán. Sau có người khích lệ, ngài bèn khởi chí du phương, cùng với sư Huyền Sách (?-854) tới Tào-khê yết kiến tổ Tuệ Năng. Chỉ qua vài lời vấn đáp, ngài liền được Tổ ấn chứng, bèn nghỉ lại đó một đêm, sáng hôm sau trở về ngay chùa Long-hưng. Do sự việc này, người đời xưng ngài là “Nhất Túc Giác”. Ngài viên tịch năm 49 tuổi. Tác phẩm của ngài có: Chứng Đạo Ca, Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ, Vĩnh Gia Tập.

Vĩnh Minh (904-975): tức Diên Thọ, vị Tổ thứ 6 của tông Tịnh Độ, và là vị Tổ thứ ba của tông Pháp Nhãn, Trung-quốc. Ngài họ Vương, tự Trọng Huyền, vốn quê ở huyện Giang-ninh, tỉnh Giang-tô, sau dời qua huyện Dư-hàng, tỉnh Triết-giang. Thời niên thiếu, ngài làm quan trông coi về thuế vụ dưới thời vua Tiền Lưu của nước Ngô-việt (một trong 10 nước thời Ngũ-đại, 907-978, Trung-quốc). Năm 30 tuổi, ngài vào núi Tứ-minh (Triết-giang), xin xuất gia với thiền sư Thúy Nham ở chùa Long-sách. Sau đó ngài đến núi Thiên-thai, tham yết quốc sư Đức Thiều, tu tập thiền quán, được truyền pháp, trở thành người thừa kế đời thứ ba của tông Pháp Nhãn. Ngài lại đến chùa Quốc-thanh, chuyên đọc tụng kinh Pháp Hoa, và hành trì Pháp Hoa Sám Pháp. Sau đó ngài đến trú tại núi Tuyết-đậu ở Minh-châu. Tại đây ngài ra công hoằng pháp, đồ chúng theo học rất đông. Từ năm 961 (năm thứ nhì của nhà Tống, 960-1279), ngài trú tại chùa Vĩnh-minh (Tây-hồ, Hàng-châu) cho đến cuối đời, nhiếp hóa đồ chúng đông đúc, khiến nơi đây trở thành một đạo tràng quan trọng. Ngài mỗi ngày hành trì 108 điều (hai điều quan trọng nhất là tụng một bộ kinh Pháp Hoa và niệm Phật mười vạn biến), buổi tối lại ra một hang đá riêng để niệm Phật. Ngài thường trao truyền giới Bồ-tát cho tăng chúng; mỗi ngày đều phóng sinh chim cá, cúng thí quỉ thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh-độ; được tôn hiệu là Vĩnh Minh đại sư, lại còn được xưng tụng là “Từ Thị hạ sinh”. Ngài viên tịch năm 975, thọ thế 72 tuổi, được vua ban hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài chủ xướng con đường “Thiền Tịnh song tu”. Những trước tác quan trọng của ngài có bộ Tông Cảnh Lục (trình bày và dung hòa những dị đồng giữa ba tông Pháp Hoa, Hoa Nghiêm và Duy Thức, làm nổi bật thiền phong của tông Pháp Nhãn), Vạn Thiện Đồng Qui (trình bày những yếu chỉ của tông Tịnh Độ); ngoài ra còn có Thần Thê An Dưỡng Phú, Duy Tâm Quyết, v.v...

Vĩnh Minh Thọ thiền sư: tức thiền sư Diên Thọ, hay Vĩnh Minh Diên Thọ. (Xem mục “Vĩnh Minh”.)

Võ Tắc Thiên (624-705): tên là Võ Chiếu, quê ở Hứa-xương, tỉnh Hà-nam, 14 tuổi được tuyển vào cung, làm tài nhân (thiếp hầu) của vua Đường Thái-tông (627-649). Vì là người thông minh nên bà được vua sủng ái. Bà có sắc đẹp thùy mị, nên những lúc vua Thái-tông bị bệnh, thái tử Lí Trị vào hầu, thấy bà thì yêu thầm. Sau khi vua Thái-tông chết, theo định chế, bà phải vào chùa cạo tóc làm ni. Thái tử Lí Trị, sau khi lên ngôi (tức Đường Cao-tông, 650-683), một hôm lên chùa hành hương, bà nhìn vua khóc lóc, ý muốn được trở về. Thấy bà khóc, Cao-tông mềm lòng, liền quên đạo hiếu, bỏ luân thường đạo lí, bất chấp lời dị nghị của triều thần và dân chúng, nhà vua đã triệu bà vào cung hầu mình (năm 654), cho làm chức chiêu nghi (nữ quan, ngang hàng với thừa tướng). Bà đã thông minh, có học thức, có tài, lại có bản lãnh, nên chỉ một năm ở trong cung, bà đã lập được mưu kế để vua Cao-tông phế bỏ hoàng hậu, rồi lập bà lên thay thế (năm 655); từ đó người ta gọi bà là Võ hậu. Vua Cao-tông mắc nhiều bệnh, nhất là bệnh đau mắt, sớ tấu của các quan đưa lên, vua không thấy rõ, bà phải đọc, duyệt, rồi nhiều khi còn bút phê. Thấy bà làm được việc, vua rất hài lòng; rồi dần dần còn cho bà tham dự triều chính. Từ đó bà nắm hết quyền hành, thay vua giải quyết chính sự; rồi gây phe lập cánh, hại dần những ai chống đối bà, nhất là những người trong hoàng tộc. Năm 680 bà phế thái tử Lí Trung, rồi lập Lí Hoằng; lại giết Hoằng để lập Lí Hiển, tất cả đều do một tay bà quyết định, hành xử như chính bà là hoàng đế; vua Cao-tông hoàn toàn nhu nhược, không còn quyền hành gì nữa.
Năm 683 vua Cao-tông chết, bà đưa thái tử Lí Hiển lên ngôi, tức Đường Trung-tông, nhưng sang năm sau (684) bà lại phế Trung-tông, giáng xuống làm Lư-lăng vương, đày đi Phòng-châu; và lập em của Lí Hiển là Lí Đán lên ngôi, tức Đường Duệ-tông. Nhưng Duệ-tông cũng chỉ làm vì, bà vẫn xưng Võ hậu, nắm hết triều chính, tự đặt niên hiệu, khống chế triều đình, giết hại nhiều đại thần và tôn thất họ Lí. Thân vương ở các trấn khởi binh về đánh, bà đều tiêu diệt hết. Cuối cùng, năm 690, thấy đã đến lúc cần thiết, bà thật sự phế Duệ-tông, tự lên ngôi xưng là Thần Thánh hoàng đế (có thuyết nói bà xưng là Tắc Thiên Kim Luân hoàng đế), bỏ quốc hiệu Đường, đổi thành nước Chu, dời đô sang Lạc-dương, gọi đó là Thần-đô. Đó là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung-quốc. Bà có tiếng là tàn ác và dâm loạn, nhưng làm vua rất sáng suốt, quyết đoán đúng, biết trọng người hiền, có tài trị nước; vì vậy mà cũng có nhiều vị hiền thần tài giỏi thần phục bà, khiến cho triều chính không rối loạn. Dân chúng vẫn sống yên ổn, và coi những vụ lộn xộn ở triều đình như là việc riêng tư của họ Lí, họ Võ. Bà cũng là một Phật tử nhiệt thành, tận tụy cúng dường, xây chùa, kính tăng, tạc tượng, chép kinh, trì tụng; nhất là chí thành ủng hộ sự nghiệp dịch kinh.
Năm 705, lúc này bà đã 82 tuổi, già yếu lại bệnh hoạn. Nhân trong lúc bà bệnh nằm liệt giường, tể tướng Trương Giản Chi đã phát động cuộc chính biến, một mặt đem quân vào cung giết hết những kẻ thủ túc của bà, ép buộc bà phải nhường ngôi lại cho cựu hoàng Trung-tông, một mặt cho người đi Phòng-châu rước Trung-tông về triều. Bà bị truất ngôi nhưng không bị giết, nhưng đến cuối năm thì bà chết vì bệnh, thụy hiệu là Tắc Thiên hoàng hậu. Trung-tông lên ngôi vua trở lại, khôi phục quốc hiệu Đường, dời đô về lại Trường-an.

Vọng ngữ. Nói không thành thật, lường gạt người, gọi là “vọng ngữ”. Ở trong thánh đạo, chưa chứng đắc mà bảo là đã chứng đắc, hoặc bảo rằng ta nhận được sự cúng dường của trời rồng quỉ thần v.v..., mục đích là gạt gẫm người ngu để thu lợi dưỡng, gọi là “đại vọng ngữ”. Lỗi này rất nặng, sau khi chết phải đọa vào địa ngục.

Vọng tình biến kế - biến kế chấp. Vạn pháp là đối tượng của nhận thức con người, vì nhận thức ấy hoàn toàn là vọng tưởng phân biệt, cho nên vạn pháp mới có lớn nhỏ, tốt xấu, còn mất v.v… Do vậy, nhận thức của con người được gọi là “vọng tình biến kế”, hay “biến kế chấp”; còn vạn pháp (tức đối tượng của nhận thức) thì gọi là “biến kế sở chấp”. (Xem mục “Biến Kế Sở Chấp”)

Vô biểu sắc luật nghi. a) Luật nghi: “luật” là giới luật; “nghi” là oai nghi. Giới luật để ngăn ngừa tội lỗi; oai nghi để chỉnh đốn hạnh kiểm. Luật nghi được giữ gìn nghiêm chỉnh thì tâm ý thanh tịnh, tướng mạo đoan nghiêm, nói năng chân chính. b) Vô biểu sắc: là một loại sắc pháp, nhưng không có hình tướng, không thể trông thấy, không có tính chướng ngại như bao nhiêu sắc pháp khác. Nó do tứ đại sinh ra (nên gọi là “sắc”) và ẩn tàng trong thân thể, không biểu lộ ra ngoài (nên gọi là “vô biểu”).
Khi hành giả thọ giới và giữ giới nghiêm túc, trong thân thể sẽ phát sinh một loại vô biểu sắc được gọi là “giới thể”. Giới thể là một công năng tương tục hằng chuyển, có đầy đủ tính “phòng phi chỉ ác”, làm cho tâm ý thanh tịnh, tướng mạo đoan trang và nói năng chân chính; cho nên, giới thể cũng chính là “luật nghi”, và luật nghi là một loại “vô biểu sắc”; gọi là “vô biểu sắc luật nghi”. Nếu một người không thọ giới, không giữ giới, họ sẽ sinh tâm ác và làm những việc ác một cách tự nhiên; vì trong thân thể họ cũng phát sinh một loại vô biểu sắc, được gọi là “bất luật nghi” (hay “ác luật nghi”), có tác dụng ngăn chận các điều thiện.

Vô cần: không có ý niệm về siêng năng. Tinh tấn là đức tính cần thiết giúp cho hành giả chứng đạo quả giải thoát. Tuy nhiên, nếu không thực chứng lí “vô ngã” thì sức tinh tấn cũng không đạt đến chỗ rốt ráo “ba la mật”. Ý nghĩa ấy cũng giống như việc bố thí nói ở sau (xem mục “Vô xả”).

Vô Cơ Tử: tức đại sư Pháp Vân (1088-1158). Ngài sống vào thời đại nhà Tống (960-1279), họ Qua, quê ở Ngô huyện, tỉnh Giang-tô, tự là Thiên Thụy, hiệu là Vô Cơ Tử. Năm 5 tuổi, ngài được nhập môn với đại sư Từ Hàng, đến 9 tuổi được thế độ; năm sau thì theo ngài Thông Chiếu để học giáo nghĩa tông Thiên Thai. Năm 1117 ngài giữ chức trụ trì chùa Đại-giác ở huyện Tùng-giang (tỉnh Giang-tô), được vua Tống Huy-tông (1101-1125) ban hiệu là Phổ Nhuận đại sư. Về sau ngài trở về quê phụng dưỡng mẹ già, tận hành hiếu đạo. Ngài dựng am Tàng-vân bên cạnh mộ phần tổ tiên, thờ tôn tượng “Tây-phương Tam thánh”, hóa độ người đời. Rồi mẫu thân ngài bệnh nằm một chỗ, đêm đêm ngài đến bên giường giảng Tâm Kinh và niệm Phật A Di Đà. Ngài cũng qui tụ hàng ngàn người để tổ chức Liên-hoa thắng hội, giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Bốn chúng khâm ngưỡng phong cách cao nhã của ngài, vân tập đến tu học, người đông đến nghẽn cả lối đi. Năm 1158 (đời vua Tống Cao-tông), một hôm ngài triệu tập đệ tử đến để nhắn nhủ, tự tay viết để lại một bài kệ, rồi ngồi yên hướng về phương Tây mà viên tịch, thọ thế 71 tuổi.

Vô-hành-bát. Sau khi sinh lên cõi Sắc, không cần phải tu hành tích lũy công đức, nhưng trải qua một thời gian bao lâu đó, tự nhiên đoạn trừ số phiền não còn lại mà nhập niết bàn, gọi là “Vô-hành-bát”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 11 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn-thừa.

Vô học. “Vô học” là đối lại với “hữu học”. Hành giả đã thông đạt cùng cực chân lí, không còn pháp nào để học nữa, cũng không còn thứ mê hoặc nào để đoạn trừ nữa, gọi là bậc Vô-học; đó tức là quả vị A-la-hán của Thanh-văn thừa, hay quả vị Độc-giác của Duyên-giác thừa, hoặc quả vị Diệu-giác (Phật) của Bồ-tát thừa. Riêng về quả vị A-la-hán, kinh Trung A Hàm chia ra có chín hạng Vô-học khác nhau:
1) Hạng Thối-pháp: Nếu bị bệnh tật hoặc một sự duyên nào khác, vị đó đã để cho thối thất quả vị mà mình đã chứng được; đó là hạng có căn tính trì độn nhất trong hàng A-la-hán.
2) Hạng Tư-pháp: Vì sợ quả vị mình đã chứng đắc có thể bị thối thất, nên vị A-la-hán đó đã tự sát để bảo tồn chỗ sở đắc.
3) Hạng Hộ-pháp: Luôn luôn phòng hộ giáo pháp mình đã chứng đắc, không để thối thất; nếu lơ là việc phòng hộ thì lập tức có mối lo sợ về sự thối thất.
4) Hạng An-trú-pháp: Nếu không có chướng duyên đặc biệt thì không thối thất; và nếu không có công hạnh gia tăng đặc biệt nào thì không chuyển đổi sang chủng tánh ưu việt hơn.
5) Hạng Kham-đạt-pháp: Không ngừng tu tập, tôi luyện thêm căn trí để chóng đạt được chủng tánh “bất-động”.
6) Hạng Bất-động-pháp
7) Hạng Bất-thối-pháp: Hai hạng Bất-động-pháp và Bất-thối-pháp này có căn trí bén nhạy nhất, đoạn diệt tất cả mọi loại phiền não, đạt được tận trí và vô sinh trí. – Trong hai hạng đó, do tu hành và tôi luyện căn trí làm nhân mà đạt được tận trí và vô sinh trí, gọi là “bất động”; nương nơi chủng tính vốn có xưa nay, gọi là “bất thối”. Bất động cũng tức là không để cho các thứ định đã chứng đắc bị hủy hoại; bất thối cũng tức là không để cho các thứ công đức bị thối thất.
8) Hạng Tuệ-giải-thoát: Dứt sạch các phiền não làm chướng ngại trí tuệ, ở nơi trí tuệ mà được tự tại.
9) Hạng Câu-giải-thoát: Dứt sạch các chướng ngại của định và tuệ, đoạn trừ cả cái trí biết về nhiễm ô, đạt được diệt tận định, ở nơi định và tuệ mà được tự tại. – Trong chín hạng Vô-học trên, bảy hạng đầu là căn cứ theo căn tính trì trệ hay nhạy bén mà phân chia; hai hạng sau là căn cứ nơi mức độ dứt trừ phiền não chướng ngại mà phân chia. Mặt khác, trong bộ luận Thành Thật, tên của chín hạng trên được gọi (theo thứ tự tương đương) là: Thối-tướng; Tử-tướng; Thủ-tướng; Trụ-tướng; Khả-tấn-tướng; Bất-hoại-tướng; Bất-thối-tướng; Tuệ-giải-thoát-tướng; Câu-giải-thoát-tướng. Lại nữa, cả chín hạng trên đều thuộc quả vị A-la-hán, nên cũng được gọi là “chín hạng A-la-hán” (cửu chủng A-la-hán). – Trong khi đó, theo luận Câu Xá, trong chín hạng Vô-học trên, chỉ bảy hạng đầu là thuộc quả vị A-la-hán (của Thanh-văn thừa), còn hạng thứ tám được kể là Độc-giác (của Duyên-giác thừa), và hạng thứ chín là Phật (của Bồ-tát thừa).

Vô hộ: không thấy có gì để hộ vệ. Giới luật là để phòng hộ thân tâm. Do cách hành trì giới luật mà phước đức cũng có hữu lậu (không rốt ráo) và vô lậu (rốt ráo) như việc bố thí nói ở sau (xem mục “Vô xả”).

Vô kí. Không phải thiện, không phải ác, gọi là “vô kí”.

Vô lậu. Tất cả các pháp xuất thế gian, những pháp làm cho chúng sinh giải thoát khỏi ba cõi thế gian, vĩnh viễn xa lìa vòng sinh tử luân hồi, gọi là pháp vô lậu.

Vô minh 1: là chi thứ nhất trong “mười hai nhân duyên”, là nguyên nhân căn bản làm động lực thúc đẩy và chuyển động bánh xe luân hồi, dìm chúng sinh trong dòng sinh tử.

Vô minh 2: là tên gọi đặc biệt của phiền não, và còn hơn thế nữa, đó là cội gốc phát sinh tất cả phiền não. Vô minh là cái trạng thái tinh thần không sáng suốt, là ngu muội, không thấy rõ được thật tướng của vạn pháp cũng như chân tướng của chính mình. Kinh A Hàm nói, vô minh tức là không có trí tuệ, không nhận thức được các sự thật của đời sống về sự đau khổ, về nguyên nhân của đau khổ, về cảnh giới giải thoát, cũng như con đường tu tập để được giải thoát (tức là đạo lí tứ đế). Luận Đại Thừa Khởi Tín phân tích vô minh có hai loại: căn bản vô minh và chi mạt vô minh. Vì vô minh bao phủ nên trí tuệ bị che lấp, khiến nên mọi thấy biết của con người đều là tà kiến. Có tham, sân, si, v.v... là bởi vì vô minh, hay nói cách khác, tham, sân, si, v.v... (nói chung là phiền não) chính là vô minh. Bởi vậy, vô minh chính là nguyên nhân căn bản làm động lực thúc đẩy bánh xe luân hồi, dìm chúng sinh trong dòng sinh tử. Diệt trừ được vô minh thì tức khắc có chánh kiến và giải thoát vòng sinh tử luân hồi.
Vô minh hoặc. Mê lầm đối với lí thể làm che lấp thật tướng trung đạo, đó là sai lầm thuộc về căn bản vô minh, cho nên gọi là “vô minh hoặc”.

Vô sinh nhẫn - Vô sinh pháp nhẫn. Thật tướng chân như xa lìa hẳn các tướng sinh diệt, gọi là “vô sinh pháp”; chân trí tuệ an trú nơi lí lẽ này, không xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn” – gọi tắt là “vô sinh nhẫn”. Bồ-tát dùng trí tuệ siêu việt quán chiếu thấy rõ tự tánh của các pháp vốn là không, cho nên các pháp không hề có sinh khởi, bởi vậy, Bồ-tát không hề xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn”.

Vô thỉ. Các pháp đều do nhân duyên sinh, trước nhân này lại có nhân khác, cứ lần dò truy cứu mãi để tìm cái nhân đầu tiên của tất cả chúng sinh và vạn pháp thì không thể tìm được, cho nên gọi là “vô thỉ” – tức chỉ cho thời gian cách nay rất xa, không thể tính đếm bằng con số, cũng không có điểm bắt đầu để tính đếm.

Vô thủ: tức là không thấy có gì để bám giữ. Khi đụng chạm đến một hoàn cảnh (thuận hay nghịch) thì một mối cảm xúc sẽ phát sinh để đối lại với hoàn cảnh đó. Sở dĩ mối cảm xúc phát sinh là vì mình đã “bắt giữ” sự tướng của hoàn cảnh đó mà “động tâm”. Thuận cảnh thì sinh thiện cảm; nghịch cảnh thì sinh ác cảm. Nếu giữ cho được “không động tâm” thì xúc cảm (thiện hay ác) sẽ không phát sinh, như thế gọi là “nhẫn”. Nhẫn có thể đạt đến chỗ “ba la mật”, mà cũng có thể không đạt đến, ý nghĩa giống như việc bố thí nói ở sau (xem mục “Vô xả”).

Vô thường. Vạn pháp luôn luôn ở trong tình trạng biến hóa sinh diệt, không thể thường trụ bất biến, gọi là “vô thường”.

Vô tình: hay phi tình, là chỉ cho các loài không có tình thức như cây, cỏ, đất, đá, v.v...

Vô tri không nhiễm ô (vô tri bất nhiễm ô): là loại vô tri lấy trí tuệ kém cỏi làm thể, vì trí tuệ kém cỏi cho nên không hiểu rõ nghĩa lí của sự vật. Loại vô tri này không phải do nhiễm ô mà phát khởi, cho nên gọi là “không nhiễm ô”; lại vì không biết vô số pháp môn khác nhau, cho nên gọi là “vô tri”. Tông Thiên Thai gọi đó là trần sa hoặc. Loại hoặc này không làm chướng ngại cho việc thoát li ba cõi, nhưng chướng ngại cho sự chứng đạt quả Phật; cho nên Bồ-tát cần phải đoạn trừ. Các bậc A-la-hán tuy đã dứt trừ hết “vô tri nhiễm ô”, nhưng “vô tri không nhiễm ô” vẫn còn.

Vô tri nhiễm ô: tức là tất cả các loại phiền não. Các pháp do vô minh làm thể, chấp trước ở sự lí, tính chất vốn bất tịnh, cho nên nói là “nhiễm ô”; thể tính đó hôn ám, không biết rõ chân lí về bốn sự thật, cho nên nói là “vô tri”. Tông Thiên Thai gọi loại vô tri nhiễm ô này là kiến tư hoặc, các hàng A-la-hán và Bích-chi Phật đều đoạn trừ hết.

Vô trụ. “Trụ” nghĩa là ở yên một chỗ, trong Phật học nó còn được hiểu nghĩa bóng là bám giữ, chấp trước. “Vô trụ” là một thuật ngữ Phật học, có nghĩa là tâm không chấp trước vào một đối tượng nhất định. Tâm không bám giữ vào bất cứ một đối tượng nào thì tâm được tự tại vô ngại; đó là tâm giác ngộ giải thoát. Nếu “trụ” thì liền vướng mắc, rồi phát sinh tham ái, làm đầu mối cho sinh tử luân hồi.

Vô trước: không vướng mắc vào bất cứ pháp gì. Công phu tu tập trọn vẹn phải gồm cả tu phước đức và tu trí tuệ. Có tu trí tuệ thì mới thấy rõ thật tướng của vạn pháp (tức là giác ngộ). Vậy mà việc tu trí tuệ cũng có thể bị vướng mắc – như vướng mắc vào cái được gọi là “đắc” chẳng hạn. Cho nên hành giả cần phải tránh bất cứ sự “vướng mắc” gì, mới mong tiến đến chỗ “trí tuệ ba la mật”; ý nghĩa cũng giống như việc bố thí nói ở sau (xem mục “Vô xả”).

Vô Trước (Asanga). Bồ Tát Vô Trước là người nước Kiền-đà-la (Gandhara), miền Tây-Bắc Ấn-độ, sống vào khoảng cuối thế kỉ thứ 4 đầu thế kỉ thứ 5 TL, là vị đã sáng lập ra phái Du Già Hành thuộc Phật giáo đại thừa ở Ấn-độ. Theo Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện ghi chép, tại kinh thành Bố-lộ-sa-bố-la (Purusa-pura) của nước Kiền-đà-la vào thuở đó, có vị quốc sư họ Kiều-thi-ca (Kausi-ka) thuộc dòng Bà-la-môn, có ba người con trai đều đặt tên là Bà Tẩu Bàn Đậu (Vasubandhu – dịch ra Hán ngữ là Thiên Thân, hay Thế Thân). Người con út, tức Bà Tẩu Bàn Đậu đệ tam, xuất gia theo Hữu Bộ, chứng quả A-la-hán, lấy tên riêng là Tỉ Lân Trì Bạt Bà (Virincivaisa). Anh kế của Tỉ Lân Trì Bạt Bà là Bà Tẩu Bàn Đậu đệ nhị (xem mục “Thế Thân”). Vô Trước là anh cả, tức Bà Tẩu Bàn Đậu đệ nhất. Ngài là người vốn có căn tánh Bồ-tát, nhưng lúc đầu cũng xuất gia theo Hữu Bộ, do tu định mà chứng quả Li-dục; nhân vì tư duy về giáo nghĩa “không” mà không thâm nhập được, nên muốn tự sát. Bấy giờ có A-la-hán Tân Đầu La (Pindola) từ châu Đông Thắng-thân (Videha) đến kịp lúc, giảng giải cho ngài về pháp môn “không quán” của tiểu thừa. Ngài vừa nghe liền chứng nhập được giáo nghĩa này; tuy vậy, ngài vẫn chưa thấy vừa ý. Theo truyền thuyết, ngài bèn vận dụng thần lực, lên cung trời Đâu-suất để thỉnh vấn đức Bồ Tát Di Lặc (Maitreya). Đức Di Lặc đã giảng giải cho ngài về pháp “không quán” của đại thừa. Ngài trở về trú xứ, y theo lời dạy của đức Di Lặc mà tư duy quán chiếu, liền chứng ngộ giáo nghĩa “không” của đại thừa, bèn tự lấy biệt danh là A Tăng Già (Asanga – tức là Vô Trước, hay Vô Chướng Ngại), chọn nước A-du-xà (Ayodhya) ở vùng Trung-Ấn để làm căn cứ hành đạo. (Nước A-du-xà lúc bấy giờ là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Ấn-độ, mà cũng là trung tâm hoạt động của Phật giáo đại thừa.)
Và cũng theo truyền thuyết, sau đó ngài còn thỉnh đức Di Lặc giáng thế (tại một ngôi giảng đường lớn ở nước A-du-xà) để tiếp tục giảng nói cho ngài các giáo nghĩa sâu xa của kinh luận đại thừa, như Thập Thất Địa Kinh, Du Già Sư Địa Luận, Phân Biệt Du Già Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Biện Trung Biên Luận.
(Theo truyền thuyết là như vậy, nhưng các học giả Phật giáo ngày nay đều tin rằng, Bồ Tát Di Lặc là một vị đại luận sư của Phật giáo đại thừa Ấn-độ, xuất hiện khoảng 900 năm sau ngày Phật nhập diệt. Đó là bậc thầy lỗi lạc của ngài Vô Trước; và rất có thể, vì quá kính trọng bậc thầy của mình mà ngài Vô Trước đã tôn gọi ngài với danh xưng Di Lặc, coi ngài như là hóa thân của đức Di Lặc, vị “Bồ-tát bổ xứ” hiện ngự trên cung trời Đâu-suất. Và vì đại luận sư Di Lặc lập đạo tràng rộng lớn tại nước A-du-xà, cho nên ngài Vô Trước cũng đến đây cư ngụ để được trực tiếp học đạo với thầy mình, rồi kế thế thầy hoằng dương giáo pháp đại thừa.)
Truyền thuyết trên cũng nói rằng, tại đạo tràng A-du-xà, đức Di Lặc đã trực tiếp truyền giảng giáo pháp cho ngài Vô Trước; và do có định lực thâm sâu, ngài Vô Trước đã thông hiểu trọn vẹn và nhớ kĩ tất cả những gì thầy đã trao truyền, rồi lại đem những giáo pháp ấy truyền giảng lại cho mọi người. Từ đó mà pháp môn Du Già của Phật giáo đại thừa được truyền bá khắp bốn phương. Ngài cũng hết sức tuyên dương môn học Pháp Tướng của Phật giáo đại thừa, và soạn luận, sớ để giải thích các kinh điển đại thừa. Cuối đời, ngài đã trở về quê nhà để tĩnh cư, và viên tịch năm 75 tuổi. Ngoài những tác phẩm do ngài chép lại từ lời khẩu truyền của Bồ Tát Di Lặc như vừa nêu trên, ngài còn trước tác các bộ luận như Kim Cang Bát Nhã Luận, Thuận Trung Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Thừa A Tì Đạt Ma Tập Luận.

Vô tư: không có gì để suy tư. Thiền định là phương pháp tu tập hữu hiệu nhất để đạt được giác ngộ. Tuy nhiên, hành giả cũng có thể bị vướng mắc vào cái được gọi là “thiền vị”; mà đã bị vướng mắc vào đó thì đạo quả giác ngộ sẽ không thể nào đạt được. Ý nghĩa của nó cũng giống như việc bố thí nói ở sau (xem mục “Vô xả”).

Vô-tướng-hành. Do tu hành theo lời dạy của thánh hiền và sự hướng dẫn của chánh pháp mà đoạn trừ hết kiến hoặc trong 3 cõi mà nhập vào địa vị Kiến-đạo, gọi là “Vô-tướng-hành”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 3 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn-thừa.

Vô-tưởng quả: chỉ cho ngoại đạo tu vô tưởng định, khi mạng chung sinh lên cõi trời Vô-tưởng, sống 500 đại kiếp, tâm và tâm sở đều diệt, thân như cây khô. Họ gọi đó là cảnh giới niết bàn chân thật, chứ đâu có biết rằng, sau khi đã hết 500 đại kiếp, trở lại động niệm, vào lại vòng luân hồi.

Vô vi: là không có ý niệm tạo tác – trái lại với “hữu vi”. Chữ “vô vi” trong Phật giáo được dùng để chỉ cho thể tánh niết bàn, không do nhân duyên tạo tác, tuyệt đối thường trú, không sinh diệt biến đổi, không thể khái niệm, bàn luận, hay chỉ bày. Trong khi đó, chủ trương “vô vi” của đạo Lão có nghĩa rằng, hãy sống theo tự nhiên, đừng làm gì phản lại tự nhiên; ví dụ, không cần đặt ra pháp luật để bắt xã hội phải sống theo trật tự này, luật pháp nọ, v.v...

Vô vi pháp: là những pháp không do nhân duyên tạo tác, không biến đổi sinh diệt, tuyệt đối thường trú. Do đó, hữu vi và vô vi là hai loại pháp đối lập nhau. Nguyên thỉ, vô vi là một tên khác của niết bàn, về sau, ngoài niết bàn ra, các pháp vô vi khác được thành lập thêm; từ đó mà sản sinh ra có 3 pháp vô vi, 6 pháp vô vi, hoặc 9 pháp vô vi.

Vô xả: tức là không có ý niệm về việc buông bỏ. Trong hành động “bố thí” có hàm ý nghĩa “buông bỏ”. Nếu trong lúc bố thí mà nghĩ rằng mình đây là người buông bỏ, tiền của đây là vật của mình buông bỏ, và kia là người nhận vật buông bỏ của mình, thì sự bố thí ấy chỉ gặt hái được phước báo hữu lậu, không đạt được phước báo vô lậu, không gọi được là “bố thí ba la mật”. Muốn đạt được phước báo vô lậu (giải thoát ba cõi), đạt đến chỗ “bố thí ba la mật”, hành giả, trong lúc thực hành hạnh bố thí, hãy buông bỏ trọn vẹn, không có ý niệm về người cho, vật cho và người nhận, buông bỏ cả cái “ý niệm về sự buông bỏ”.

Vũ-tông: tức vua Vũ-tông (Lí Triền) nhà Đường, là một ông vua từng phá hoại Phật giáo. Ông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Hội-xương (841-846), nên kì pháp nạn này được gọi là cuộc “Pháp nạn Hội-xương”, là một trong bốn kì pháp nạn trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc, được các sử gia gọi là “tam Vũ nhất Tông”. Nguyên nhân của cuộc Pháp nạn Hội-xương này bắt nguồn từ mối liên quan giữa Đạo giáo và Phật giáo dưới triều đại nhà Đường. Nguyên vì, họ của các vua nhà Đường là họ Lí, cùng họ với vị khai tổ của Đạo giáo là Lão Tử, tức Lí Nhĩ; bởi vậy, các vua nhà Đường đã cho Lão Tử là tổ tiên của họ, và Đạo giáo đã chiếm được địa vị trọng yếu trong suốt vương triều Đường. Ngay từ đầu nhà Đường, khi vua Cao-tổ (618-626, là vị vua đầu tiên của vương triều này) vừa lên ngôi được 4 năm (năm 621), đạo sĩ Phó Dịch (lúc đó đang làm quan thái sử lệnh), với ý đồ tiêu diệt Phật giáo để bảo tồn Đạo giáo, đã dâng sớ gồm 11 điều tâu lên vua để bài xích Phật giáo, xin vua hạ lệnh tăng ni hoàn tục, giảm bớt việc xây dựng chùa tháp. Lúc ấy có đại sư Pháp Lâm (572-640) nhiệt tình bảo vệ Phật giáo, đã đem hết biện tài viết sách Phá Tà Luận, phản bác các điều vu cáo của đạo sĩ Phó Dịch, nêu rõ các tà thuyết hại dân của Đạo giáo, làm cho Phó Dịch không thể ứng đối được, nhà vua bèn không nghe theo lời Phó Dịch, sự công kích Phật giáo bị dập tắt ngay. Từ đó, Phật giáo lại càng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng.
Nhưng từ khoảng trung diệp của nhà Đường trở về sau, trong nội bộ Phật giáo dần dần phát sinh nhiều tệ hại, giáo đoàn chứa giữ quá nhiều tài sản tư hữu, một số đông tăng ni chỉ lo khu danh trục lợi, làm tăng lòng căm ghét của các tín đồ ngoại đạo. Gặp lúc vua Đường Vũ-tông là một vị vua sùng tín Đạo giáo, là cơ hội thuận tiện để vùng lên, đạo sĩ Triệu Quang Châu bèn toa rập với tể tướng Lí Đức Dụ, tâu vua phá hoại Phật giáo. Nghe lời hai vị này, nhà vua đã thẳng tay đả phá Phật giáo. Vua Vũ-tông lên ngôi năm 841, ngay năm sau (842) liền hạ lệnh cho tất cả tăng ni trong nước, những ai phạm giới luật Phật chế đều phải hoàn tục, tất cả tài sản tư hữu đều bị tịch thu. Hai năm sau nữa (844), nhà vua lại ban lệnh nghiêm trọng hơn: Phải phá hủy hết tất cả những chùa nhỏ ở trong nước, và các tăng ni ở trong các chùa đó đều phải hoàn tục. Năm sau đó (845), nhà vua lại ban hành sắc lệnh gắt gao hơn nữa: Trong hai kinh thành Trường-an và Lạc-dương, mỗi nơi chỉ giữ lại 4 ngôi chùa và 30 vị tăng ni ở mỗi chùa; ở các châu quận lớn, mỗi nơi chỉ giữ lại một ngôi chùa và 20 tăng ni; ở các châu vừa, mỗi nơi giữ lại một ngôi chùa và 10 tăng ni; ở các châu nhỏ, mỗi nơi giữ một ngôi chùa và 6 tăng ni. Tất cả những ngôi chùa khác đều bị phá hủy, hoặc làm các cơ sở công cộng dùng cho dân chúng; tất cả số tăng ni còn lại đều phải hoàn tục. Tất cả tượng Phật và chuông, khánh v.v... bằng đồng, đều bị đem nấu chảy để đúc tiền hoặc làm nông cụ.
Sang năm sau (846) thì vua Vũ-tông chết; vua Tuyên-tông (847-860) lên ngôi, lập tức hạ chiếu phục hưng Phật giáo. Trong 5 năm (842-846) bị triệt hạ đó, các tông phái Phật giáo bị tan rã, tản mác khắp nơi; kinh điển thất lạc, tiêu điều; Phật giáo bước vào thời vận suy thoái theo nhịp suy thoái của vương triều Đường.

Vua Tần (Tần vương). “Tần vương” là chỉ cho vua Tần Thỉ hoàng (259-210 tr. TL) khi chưa xưng đế hiệu. Thời đại Xuân-Thu (770-476 tr. TL), nước Tàu có hơn trăm tiểu quốc (chư hầu của vương triều Chu), chiến tranh liên miên, nước mạnh thôn tính nước yếu, dần dần, sang đến thời đại Chiến-quốc (476-221 tr. TL) thì chỉ còn lại bảy nước: Yên, Tề, Hàn, Ngụy, Triệu, Sở, và Tần. Trong bảy nước này thì Tần là nước hùng mạnh hơn cả. Nhà Chu (1111-221 tr. TL) lúc đó tuy trên danh nghĩa vẫn là vương triều trung ương, bao trùm và sai khiến tất cả các nước chư hầu, nhưng thực tế thì đã suy yếu lắm; tuy trên lí thuyết là chấm dứt vào năm 221 tr. TL (năm Tần Thỉ hoàng xưng đế), nhưng sự thật thì vương triều này đã bị nước Tần tiêu diệt từ năm 256 tr. TL. Tần Thỉ hoàng tên là Chính, lên ngôi làm vua nước Tần (với tước hiệu là Tần vương) vào năm 247 tr. TL, gọi là Tần vương Chính; lúc đó mới 12 tuổi. Đến tuổi trưởng thành, với sự phò tá của nhiều người tài giỏi, ông đã cương quyết thực hiện chương trình thống nhất đất nước. Dần dần, trong hơn 10 năm, ông đã tiêu diệt hết sáu nước đối địch: Hàn (năm -230), Triệu (-228), Ngụy (-225), Sở (-223), Yên (-223), và Tề (-221).
Sau khi diệt hết sáu nước, thống nhất đất nước, ông tự coi mình có đức cao hơn cả Tam hoàng và Ngũ đế, nên tự xưng mình là “hoàng-đế”, lấy hiệu là Thỉ hoàng-đế (ý nói, đây là vị hoàng-đế đầu tiên, rồi sẽ nối tiếp với Nhị thế hoàng-đế, Tam thế hoàng-đế, v.v... cho đến Vạn thế), thường gọi là Tần Thỉ hoàng; chính thức lên ngôi hoàng đế, sáng lập triều đại nhà Tần (năm 221 tr. TL). Dù ông có tham vọng như vậy, nhưng ông chỉ ở ngôi hoàng đế hơn 11 năm, đến năm 210 tr. TL thì mất, và triều đại nhà Tần cũng chỉ kéo dài thêm 4 năm nữa, đến năm 206 tr. TL thì bị nhà Hán tiêu diệt.
Theo truyền thuyết, Phật giáo đã vào lãnh thổ nước Tần từ khi Tần vương còn niên thiếu. Trong cuốn Kinh Lục của Chu Sĩ Hành (xem mục “Chu Sĩ Hành”) có chép: “Năm thứ 4 đời vua Tần, một phái đoàn gồm 18 tăng sĩ ở Tây-vực, do sa môn Thất Lợi Phòng hướng dẫn, lần đầu tiên đã mang kinh Phật đến Trung-hoa. Nhà vua thấy hành trạng của họ kì lạ, bèn bắt giam hết vào ngục, sau đó thì đuổi họ ra khỏi nước.” “Năm thứ 4 đời vua Tần...” được ghi ở đây, tức là năm 244 tr. TL, Tần vương Chính được 16 tuổi, chưa thống nhất đất nước, và chưa xưng mình là hoàng đế. Sự việc này cũng được ghi chép tương tợ trong sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ của Phí Trưởng Phòng như sau: “Vào thời Thỉ hoàng, có phái đoàn sa môn Thích Lợi Phòng, gồm 18 vị, đem kinh điển đến giáo hóa. Thỉ hoàng không nghe theo, bèn giam Lợi Phòng và tất cả phái đoàn vào ngục. Đêm ấy có người thân kim cương, cao trượng sáu, đến phá ngục giải thoát cho họ. Thỉ hoàng kinh sợ, bèn cúi đầu tạ tội.” Ở đây, Phí Trưởng Phòng đã gọi tên vị sa môn trưởng đoàn là Thích Lợi Phòng, và không nói rõ thời gian nào phái đoàn tăng sĩ ấy đến Trung-quốc; nhưng ông đã dùng tên gọi “Thỉ hoàng” (chứ không nói là “Tần vương”), điều đó cho thấy, phái đoàn sa môn ấy đã đến Trung-quốc khi Tần vương đã xưng đế hiệu, gọi là Tần Thỉ hoàng-đế (gọi tắt là Tần Thỉ hoàng, hay Thỉ hoàng), tức sau năm 221 tr. TL.

Vườn Lộc-dã (Lộc-dã uyển, Mrgadavana – nay là Sarnath) nằm cách khoảng 6 cây số về hướng Tây Bắc của kinh thành Ba-la-nại (nay là Varanasi, Ấn-độ) của vương quốc Ca-thi. Sở dĩ có tên vườn Lộc-dã, vì vào thời quá khứ xa xăm, có vị quốc vương từ kinh thành Ba-la-nại đến nơi này săn bắn, đã giăng lưới bắt được cả ngàn con nai. Con nai chúa vì quá thương đàn nai, đã xin nhà vua thả hết đàn nai, rồi mỗi ngày nó sẽ đích thân đem đến dâng cho vua một con nai để làm thức ăn. Nhà vua xúc động, liền cho thả hết bầy nai vừa bắt được. Do đó, khu vườn này có tên là “Lộc-dã-uyển” (hay Lộc-dã-viên, Lộc-uyển, Lộc-viên – “lộc” nghĩa là con nai). Hoặc có chỗ nói, trong bầy nai nhà vua bắt được, có một con nai mẹ đang mang thai. Vì quá thương tâm, nai chúa bèn xin nhà vua tha cho con nai đang có thai, rồi tự hủy mình trước nhà vua để chết thế. Quá xúc động trước sự việc xảy ra bất ngờ, nhà vua liền ra lệnh thả hết bầy nai, và ban lệnh dành khu rừng ấy cho nai ở, cấm tất cả mọi người không được tới đó săn bắn. Do đó mà bầy nai được sống thật an bình, và địa phương đó được gọi là vườn Nai. Mặt khác, vào thời quá khứ, đức Phật đã từng là một vị tiên, tên Tối Thắng, thường nói pháp ở khu rừng này, nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-luận-xứ”. Lại nữa, dù có Phật ra đời hay không, khu vực này luôn luôn là nơi cư trú dành cho các bậc thần tiên, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-trú-xứ” (hay Tiên-viên, Tiên-uyển). Cũng có thuyết nói rằng, ngày xưa từng có năm trăm vị tiên bay trên không trung, khi bay ngang qua khu rừng này thì thấy có rất nhiều phi tần của vua, lòng dục phát khởi, liền mất hết thần thông và rơi xuống đất, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-đọa-xứ”. Vườn Nai là một trong các thánh tích quan trọng của Phật giáo. Đó là nơi Phật chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên; cũng là nơi Ba Ngôi Báu xuất hiện trước tiên ở thế gian; và cũng là nơi Giáo đoàn Phật giáo được thành lập. Nhưng, từ thời Phật tại thế, nơi đó đã không có một tu viện qui mô với kiến trúc đồ sộ như ở các đạo tràng Trúc-lâm hay Kì-viên. Mãi đến thời đại vua A Dục (thế kỉ thứ 3 tr. TL), thánh tích này mới trở thành quan trọng, được mọi người chú ý, do công đức xây dựng của chính vua A Dục. Đầu thế kỉ thứ 8, khi pháp sư Huyền Trang (Trung-quốc) đến Ấn-độ, thì dấu tích công trình của vua A Dục tại Lộc-uyển vẫn còn, có ngôi tinh xá cao tầng đồ sộ với tường thành vây bọc chung quanh, tăng chúng tu học đông đến ngàn vị. Gần đó là một trụ đá cao đến gần 25 thước, cũng do chính vua A Dục xây để ghi dấu vết nơi đức Thế Tôn chuyển pháp luân. Đến thế kỉ 13, các thánh tích nơi đây đều bị Hồi giáo và Ấn giáo lần lượt dày xéo, phá nát, tăng sĩ bị giết sạch. Từ đó thánh địa đã trở thành hoang phế. Ngày nay, nhờ công trình của các nhà khảo cổ học, người ta đã phát hiện nền cũ của ngôi tinh xá xưa; một tòa tháp hai tầng, hình vuông, trên tường có chạm khắc hình chữ “vạn” (卍); cột trụ đá của vua A Dục với rào sắt vây bọc chung quanh; v.v... Hiện nay ở Lộc-uyển, chùa viện của các đoàn thể Phật giáo thuộc các nước trên thế giới được dựng lên rất nhiều, có viện bảo tồn các cổ vật đặc thù và trân quí của Phật giáo, viện bảo tồn cổ vật chung của Ấn-độ, và có cả giáo đường của Kì-na giáo.

Vương Duy (701-761): là người đời Đường (Trung-quốc), 20 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức thượng thơ hữu thừa. Ông dốc lòng tin Phật, tự đặt tên tự cho mình là Ma Cật, ăn chay trường từ sau 50 tuổi. Ông nổi tiếng về thơ cũng như về họa, cho nên giới thưởng ngoạn từng nói: “Trong thơ của ông có lồng tranh vẽ, mà trong tranh vẽ của ông cũng chứa đựng hồn thơ.”

Vương Thủ Nhân (1472-1528): tên tự là Bá An, người đất Dư-diêu, tỉnh Triết-giang (Trung-quốc), sống vào đời nhà Minh. Vì ông cất nhà ở động Dương-minh (cách Hàng-châu 20 dặm), nên các học giả đều gọi ông là Vương Dương Minh. Năm 28 tuổi (1499) ông đỗ tiến sĩ, văn võ toàn tài, giỏi cả về chính trị và kinh tế, gây thành công nghiệp lớn lao. Về hoạn lộ, ông thuộc loại quan cao chức trọng trong triều đình, nhưng lại thường bị các gian thần ganh ghét, gièm pha, đến nỗi có lúc phải bị đày về miền rừng thiêng nước độc. Về võ công, ông từng nhiều phen lãnh chức thống soái, cầm quân dẹp giặc khắp nơi, trận nào cũng chiến thắng vẻ vang, đem lại đời sống thanh bình cho dân chúng. Về văn học và tư tưởng, từ thuở nhỏ ông đã có cái chí học để làm bậc thánh nhân, cứ ra vào các cửa Nho, Lão, Phật; nhưng đến ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa có định kiến gì cả. Năm 35 tuổi, vì vua Võ-tông (1506-1521) nhà Minh tin dùng viên gian thần là hoạn quan Lưu Cẩn, làm nhiều điều mê muội trong việc triều chính, ông can gián, nên bị gian thần gièm siểm, bị giáng chức và đày đi làm dịch thừa (trưởng trạm bưu điện), coi trạm Long-trường, là nơi rừng núi độc địa, dân cư mọi rợ không nói được tiếng Hán. Dù vậy, ông vẫn vui với cảnh ngộ, lúc nào cũng để tâm về những thao thức của mình. Ông ở đây đến hai năm. Trong thời gian đó, ngày đêm ông cứ nghĩ rằng: “Nếu các bậc thánh hiền mà ở vào hoàn cảnh này, ắt phải có con đường nào chăng?” Bỗng một đêm kia ông chợt tỉnh ngộ, thấy rõ cái đạo thánh nhân vốn tự có đầy đủ trong tâm con người. Từ đó cho đến cuối đời, ông chuyên phát huy cái học thuyết gọi là “Tâm Học” (làm cho cái tâm sáng rõ thì thấy được mọi biến đổi của vạn vật – tâm là gốc của vạn vật). Học thuyết này vốn đã được manh nha từ Mạnh Tử (khoảng 372-289 tr. TL), nay được ông làm cho sáng rõ. Ông nhấn mạnh vào hai điểm nổi bật: “Tri hành hợp nhất” (hiểu biết và thực hành là một – tri là khởi thỉ của hành, hành là thành tựu của tri; tri và hành là một, không thể tách rời); và “Trí lương tri” (phải đạt đến “lương tri”, là cái biết bản nhiên, sáng rỡ, linh diệu, ở trong tâm con người). Ông mất khi mới có 57 tuổi; và 39 năm sau mới được vua Mục-tông (1567-1572) ban cho tên thụy là Văn Thành, phong tước Tân-kiến hầu; rồi 16 năm sau nữa, vua Thần-tông (1573-1620) mới cho thờ ông trong Văn-miếu. Môn đệ của ông đã tập hợp tất cả luận thuyết của ông làm thành tác phẩm Vương Văn Thành Toàn Thư, gồm 38 quyển.

Vương-xá (Rajagrha): là kinh đô của vương quốc Ma-kiệt-đà thời Phật tại thế (nay là xứ Rajgir, phía Nam thành phố Patna); và vị quốc vương đương thời là Tần Bà Sa La. Trước vua Tần Bà Sa La, kinh đô của nước Ma-kiệt-đà được đặt tại thành Thượng-mao-cung (Kusagra-pura), cũng gọi là thành Cựu-vương-xá. Sau khi lên ngôi, vua Tần Bà Sa La đã chọn khu đất ở phía Bắc thành này, có năm ngọn núi bao bọc chung quanh, kiến tạo nên thành Vương-xá, rồi thiên đô về đây. Con của vua Tần Bà Sa La là thái tử A Xà Thế, sau khi lên ngôi kế vị, vẫn giữ kinh đô là thành Vương-xá; nhưng sau khi thôn tính nước Bạt-kì, đã thiên đô đến thành Hoa-thị (tức Ba-liên-phất - Pataliputra), ở tả ngạn sông Hằng (nay là thành phố Patna). Thành Vương-xá là một trong các trung tâm hóa đạo quan trọng nhất trong thời Phật tại thế, mà Trúc-lâm và Linh-thứu ở ngoại thành là hai đạo tràng trứ danh của đức Phật trong nước Ma-kiệt-đà. Thành này cũng là nơi thánh điển được kết tập lần đầu tiên sau ngày đức Thế Tôn nhập diệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/04/2014(Xem: 11781)
Từ điển Phật học Tummo được thiết kế đặc biệt để dễ dàng tra cứu các khái niệm Phật học, các bài viết chuyên sâu. Các nhóm từ có liên quan được tạo thành mối liên kết xuyên suốt trong toàn bộ từ điển. Các nhóm từ được phân loại cùng chức năng để người tìm hiểu Phật pháp dễ hình dung, dễ dàng tra cứu. Từ điển Phật học Tummo 2014 được tập hợp nhiều bộ từ điển chuyên sâu như từ điển Đạo Uyển, Phật Quang, Từ điển Bách Khoa PG… Từ điển Phật học Tummo 2014 còn bao gồm bộ công cụ biên soạn từ điện mãnh mẽ giúp bạn biên soạn và thiết kế một bộ từ điển riêng biệt.
17/12/2013(Xem: 20497)
Nhóm Vi Trần vừa hoàn tất xong bộ Danh mục Đại Tạng Phật giáo Tây Tạng: Kangyur-Tengyur khoảng trên 5000 tên các tác phẩm Kinh Luận thuộc về truyền thừa Nalanda Danh mục bao gồm 4 ngôn ngữ Tạng - Phạn (dạng Latin hóa) - Hoa - Việt Đính kèm là 3 tập tin đã đươc trình bày theo các dạng: 1. Tang-Phạn-Hoa-Việt 2. Phạn-Tạng-Hoa-Việt 3. Hoa-Tạng-Phạn-Viêt
18/04/2013(Xem: 18502)
Từ điển bách khoa Phật giáo Việt Nam, Tập 1 và 2; HT Thích Trí Thủ chủ trương, Lê Mạnh Thát chủ biên
08/04/2013(Xem: 5848)
Giáo Sư Cao Hữu Ðính lúc sinh tiền đã dành rất nhiều thời giờ cho việc nghiên cứu và giải dạy Phật Pháp cho Tăng Ni sinh trong các trường Phật học. Ông từng soạn dịch ra nhiều quyển sách Phật học như Phật và Thánh Chúng, Văn Học Sử Phật giáo, . . .
08/04/2013(Xem: 7029)
Quyển Kho Tàng Pháp Học này được soạn theo chương trình pháp số nghĩa là trình bày pháp từ một chi, hai chi, ba chi đến mười chi. Giống như quyển Kho Tàng Pháp Bảo của HT Bửu Chơn đã xuất bản trước đây.
08/04/2013(Xem: 6565)
Ðã từ lâu, tôi thường mong ước có một cuốc sách Việt ngữ nói về đạo Phật, từ thấp lên cao, tu như thế nào, và từ lúc mới phát tâm, cho đến khi thành Phật, phải trải qua bao nhiêu cấp bực, để làm kim chỉ nam cho các hàng Phật tử tiến tu thêm vững chắc, . . .
08/04/2013(Xem: 11113)
Tập sách LƯỢC GIẢI NHỮNG PHÁP SỐ CĂN BẢN do chúng tôi biên soạn, đã được Làng Cây Phong xuất bản từ 11 năm trước. Hồi đó, khi soạn sách này, chúng tôi chỉ nhắm vào một số độc giả bạn đạo giới hạn, nên chỉ soạn ngắn gọn; nhưng sau khi quyển sách ra đời, . . .
08/04/2013(Xem: 65502)
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng đời sống tại trên đất nước nầy rất ư là bận rộn và con người trong xã hội nầy phải chịu nhiều áp lực về cả vật chất lẫn tinh thần nên ít ai có được thì giờ để tu tập hay nghiên cứu Kinh điển.
08/04/2013(Xem: 6098)
Tập sách này còn nhiều thiếu sót. Rất mong Chư Tôn đức và quý vị dành thì giờ bổ túc để mai hậu có thể trở thành Tự điển chung được sử dụng trong việc nghiên cứu, học tập và dịch thuật kinh điển bằng tiếng nước ngoài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]