TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC
Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo
H
Ha Lê Bạt Ma (Harivarman): cũng có tên gọi tắt là Bạt Ma, người Trung-Ấn, sống vào khoảng thế kỉ thứ 4 TL. Ngài là con của một gia đình đạo Bà-la-môn, tuổi nhỏ đã thông minh, lớn lên lại hay suy tư tìm hiểu. Ban đầu ngài học theo phái Số Luận, sau theo về Phật giáo, nghe vị học giả của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ là Cưu Ma La Đà (Kuma-ralabdha) giảng Luận Phát Trí, thấy rằng ý chỉ của bộ luận đó thấp kém, không phải là nguyên ý của Phật, bèn lập chí học khắp Ba Tạng. Về sau lại chuyển sang Ma Ha Tăng Kì Bộ, chuyên nghiên cứu đại thừa, thấy suốt chỗ u huyền, kê cứu trào lưu tư tưởng của khắp trăm nhà, bỏ những điều dị đoan, viết nên bộ Luận Thành Thật (đó là thánh điển căn bản của tông Thành Thật). Sau đó ngài vâng mệnh vua nước Ma-kiệt-đà, đả phá các luận cứ sai lầm của chư vị luận sư ngoại đạo, được vua tôn phong làm quốc sư. Cuộc đời hành đạo của ngài từ sau đó, không thấy sách sử nào nói đến.
Hải hội. Nhiều thánh chúng hội họp, phước đức sâu dầy như biển lớn, gọi là “hải hội”.
Ham Sơn (1546-1623). Ngài họ Sái, tên Đức Thanh, tự Trừng Ấn, hiệu Ham Sơn (người Việt quen đọc là Hám Sơn), quê ở huyện Toàn-tiêu, tỉnh An-huy. Từ năm 12 tuổi đã thường lên chùa Báo-ân ở Kim-lăng để học tập kinh giáo, lại học thông cả Nho và Lão học. Năm 19 tuổi ngài lên núi Thê-hà (ở Trấn-giang) học thiền pháp với thiền sư Pháp Hội (1500-1579); rồi trở lại chùa Báo-ân xin xuống tóc xuất gia, thọ giới cụ túc. Vì ngưỡng mộ đại sư Trừng Quán nên tự đặt tên tự cho mình là Trừng Ấn. Năm 20 tuổi, ngài trở lại Thê-hà để theo tu học với ngài Pháp Hội, được truyền pháp môn niệm Phật công án, song tu Thiền - Tịnh. Năm 28 tuổi (1573) ngài du hành đến núi Ngũ-đài, thấy núi Ham-sơn kì tú, bèn đặt hiệu cho mình là Ham Sơn. Ngài từng cư trú ở các chùa Hải-ấn (ở Sơn-đông), Bửu-lâm (ở Tào-khê), v.v... để hoằng dương thiền pháp, đề xướng tu tập song hành công phu niệm Phật và khán thoại đầu. Ngài thị tịch năm 1623, thế thọ 78 tuổi, người đời xưng là Ham Sơn đại sư, cùng với các ngài Châu Hoằng, Chân Khả và Trí Húc, được xưng là bốn vị đại cao tăng của thời đại nhà Minh.
Hàn Dũ (768-824): tự là Thối Chi, người huyện Nam-dương, tỉnh Hà-nam, cha mẹ mất sớm, nhờ anh nuôi dưỡng; nhưng người anh cũng chết sớm, lại nhờ chị dâu tiếp tục nuôi nấng. Mới lên 8 tuổi, ông đã đọc nhiều kinh sách, đến tuổi trưởng thành thì tất cả kinh truyện và bách gia chư tử đều làu thông. Năm 25 tuổi ông đỗ tiến sĩ. Năm 35 tuổi ông đã làm quan đến chức Giám sát ngự sử (vào triều đại vua Đường Đức-tông), nhưng vì dâng sớ lên vua vạch rõ tình trạng tệ hại của các hoạn quan trong việc mua bán ép giá, khiến cho dân chúng than oán, mà ông đã bị giáng chức, đi làm tri huyện Dương-sơn. Năm 813, ông theo Bùi Độ giẹp loạn có công, được thăng chức Hình bộ thị lang (dưới triều vua Đường Hiến-tông); nhưng ông lại dâng sớ chống đối vua về việc rước xá lợi Phật về hoàng cung làm lễ, nên suýt bị chết chém, nhờ các quan can gián, ông chỉ bị giáng chức, đày đi làm thứ sử Triều-châu (thuộc tỉnh Quảng-đông). Tương truyền, tại đây có nạn cá sấu làm hại dân chúng, ông đã soạn bài “Văn Tế Cá Sấu” để đuổi chúng đi nơi khác. Triều-châu lúc bấy giờ là miền ma thiêng nước độc; bị đày về đây, ông cảm thấy hối hận, bèn dâng biểu tạ ân, ca tụng nhà vua, và hết bài xích đạo Phật. Do đó, dưới triều vua Đường Mục-tông (821-824), ông được về triều làm Quốc tử giám tế tửu, rồi chuyển qua Binh bộ, rồi Lại bộ thị lang; nhưng vừa đến đây thì ông mất, lúc ấy mới 58 tuổi.
Ông là người học rộng, sách vở của cả ba tôn giáo (Phật, Nho, Lão) đều đọc khắp, nhưng nghĩa lí thì không am hiểu tận tường, sâu sắc; vì vậy, ông đã không đạt được cái chỗ cao sâu huyền diệu của Phật giáo và Lão giáo. Ông soạn thiên “Nguyên Đạo” để trình bày tư tưởng của mình, trong đó ông đã cực lực bài xích Phật giáo và Lão giáo để đề cao Nho giáo. Ông rất ghét Phật giáo, và cho đó là đạo của bọn mọi rợ. Ông nói thẳng với vua rằng, trước khi Phật giáo truyền vào, Trung-quốc sống đời quốc thái dân an, nhưng từ khi Phật giáo Truyền vào thì nhân dân loạn lạc, lầm than; cho nên vua phải nên thẳng tay tiêu diệt đi. Các vua đời Đường mà ông phục thị (Đức-tông, Thuận-tông, Hiến-tông và Mục-tông) đều chí thành kính tín Phật giáo, nhưng ông lại mạnh bạo bài xích và khuyên vua hãy bỏ Phật giáo, khiến phải bao phen lâm nạn, đến nỗi suýt bị tử hình; đó cũng là do trí óc nông cạn, lòng dạ hẹp hòi, không rõ thời vụ, mà ra nông nỗi!
Hán Minh đế (58-75 TL): tức vua Hiếu-minh hoàng-đế (58-75 s. TL), tên Lưu Trang, đặt niên hiệu là Vĩnh-bình, con của Hán Quang-vũ đế (25-57), thời đại Đông-Hán (25-220). Trong thời gian ông tại vị, pháp lệnh phân minh, dân tình an ổn. Ông trọng Nho học, nhưng cũng tín mộ Phật pháp. Theo Phật giáo Trung-quốc, ông từng sai sứ sang Tây-vực thỉnh kinh, tượng Phật, và mời các vị cao tăng sang Trung-quốc truyền bá đạo Phật. Ông cho xây chùa Bạch-mã ở hoàng thành để thờ Phật, chứa kinh và các vị cao tăng cư ngụ. Như thế là đạo Phật đã được chính thức truyền nhập Trung-quốc lần đầu tiên dưới thời ông trị vì.
Hang Thất-diệp (Thất-diệp quật – Saptaparna-guha). Thất-diệp là tên một loại cây ở Ấn-độ mà cành có 7 chiếc lá xòe ra như bàn tay có 7 ngón. Ở phía Đông thành Vương-xá có ngọn núi Tì-bà-la (Vaibhara – một trong năm ngọn núi bao quanh thành Vương-xá). Trong núi này có hang rộng, trước hang có cây thất diệp (saptaparna), cho nên hang có tên là Thất-diệp. Tại hang này, vua A Xà Thế đã cho xây một ngôi tinh xá lớn, làm nơi kết tập kinh điển lần đầu tiên, 3 tháng sau ngày Phật nhập niết bàn. – Luận Đại Trí Độ và một số tài liệu khác thì nói, cuộc kết tập lần đầu tiên này đã được tổ chức trong hang núi Kì-xà (Kì-xà-quật - Gijjhakuta).
Hành 1: là chỉ cho tất cả những tư tưởng (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân) thiện và bất thiện, phát xuất từ tham, sân, si v.v... (tức vô minh) của con người. Tất cả các hành này, vì bị tác động bởi vô minh, chắc chắn sẽ phải tạo nghiệp, làm cho hành trình của dòng sống luân hồi cứ kéo dài mãi. Ngược lại, tất cả những tư tưởng, lời nói và hành động phát sinh bởi trí tuệ, hoàn toàn trong sạch (vượt ra ngoài ý niệm thiện và bất thiện), tuyệt đối không phát xuất từ tham, sân, si v.v..., thì không phải là hành; vì chúng có công năng phá trừ vô minh, giúp chúng sinh vượt thoát đại dương sinh tử.
Hành 2. Trong Phật học, chữ “hành” mang nhiều ý nghĩa, trong đó, ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chỉ cho các pháp hữu vi – như trong thuật ngữ “chư hành vô thường”. Chữ “hành” ở đây có nghĩa là trôi chảy và biến đổi. Nó được dùng để chỉ cho tất cả các pháp do nhân duyên mà sinh diệt, luôn luôn chuyển biến và trôi chảy không ngừng. Như vậy, phạm vi của “hành” thật là rộng rãi bao la, bao gồm mọi lãnh vực thuộc tâm, sinh và vật lí. Nói cách khác, “hành” chính là tất cả các pháp hữu vi. Tất cả năm uẩn đều là hành; sở dĩ chia chẻ ra năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là cốt để cho dễ nhận thấy từng yếu tố quan trọng mà thôi.
Hành giả. Ngày xưa, trong chốn thiền môn Trung-quốc, chữ “hành giả” được dùng để chỉ cho những người chưa xuất gia nhưng cư trú tại chùa để công quả và tu học, có thể cạo tóc hoặc không cạo tóc; các chức vụ trong thiền môn cũng có chữ này kèm theo sau, như phương trượng hành giả, điển tọa hành giả, tri sự hành giả, v.v... Ngày nay nó được dùng để chỉ chung cho tất cả những người tu hành theo Phật pháp.
Hành Sách: tức đại sư Triệt Lưu (xem mục “Triệt Lưu”).
Hành tướng: nghĩa là tướng trạng, trạng thái, hình thái, hay hình trạng của vạn pháp.
Hành vị: tức là tu hành và quả vị. “Hành” là y theo giáo pháp mà tu hành; “vị” là do nơi công phu tu hành mà đạt được quả vị.
Hành xả: là một tâm sở thiện (một trong 11 tâm sở thiện – theo Duy Thức Học). Chữ “xả” ở đây là chỉ cho trạng thái tâm lí khi đã trừ bỏ được các thói xấu trạo cử và hôn trầm, làm cho tâm trụ nơi cảnh giới tịch tĩnh, không trôi nổi, không chìm đắm, ở yên nơi tính bình đẳng chánh trực. Như vậy, chữ “xả” ở đây không mang ý nghĩa “không khổ không vui”, do đó không phải là xả thọ (cảm giác trung tính) của uẩn thọ (trong năm uẩn), mà thuộc vào phạm vi của uẩn hành, cho nên gọi là “hành xả”.
Hậu-Chu: là vương triều cuối cùng của thời Ngũ-đại (xem mục “Ngũ Đại”), do Quách Uy kiến lập. Uy vốn là quan khu mật sứ của vương triều Hậu-Hán (của thời Ngũ-đại sau nhà Đường, không phải Hậu-Hán của nhà Hán khi xưa). Năm 951 ông khởi binh lật đổ nhà Hậu-Hán, tự lập làm hoàng đế, đổi quốc hiệu là Chu, đóng đô ở Khai-phong – sử gọi đó là Hậu-Chu; tồn tại chỉ có 9 năm thì bị nhà Tống tiêu diệt. Dưới vương triều Hậu-Chu này, vua đời thứ hai là Thế-tông (954-959) đã ban lệnh hủy diệt Phật giáo. Ông cấm dân chúng đi xuất gia, phá hủy 30.136 ngôi chùa, các pháp khí và tượng bằng đồng đều đem nấu để đúc tiền.
Hậu-Hán (cũng gọi là Đông-Hán). Vương triều Hán ở Trung-quốc kéo dài hơn 400 năm (từ năm 206 tr. TL đến năm 220 s. TL), được chia làm hai thời kì:
- Tiền-Hán (cũng gọi là Tây-Hán), từ năm 206 tr. TL đến năm 25 s. TL. (Xem mục “Tiền-Hán”.)
- Hậu-Hán (cũng gọi là Đông-Hán), từ năm 25 đến năm 220 s. TL, kinh đô đặt tại Lạc-dương (tỉnh Hà-nam ngày nay). Thời đại này gồm 13 đời vua: Quang-vũ đế (Lưu Tú, 25-57), Minh đế (Lưu Trang, 58-75), Chương đế (Lưu Huyên, 76-88), Hòa đế (Lưu Triệu, 89-105), Thương đế (Lưu Long, 106), An đế (Lưu Hộ, 107-125), Thuận đế (Lưu Bảo, 126-144), Xung đế (Lưu Bỉnh, 145), Chất đế (Lưu Toản, 146), Hoàn đế (Lưu Chí, 147-167), Linh đế (Lưu Hoằng, 168-189), Thiếu đế (Lưu Biện, 189), và Hiến đế (Lưu Hiệp, 189-220).
Theo sách sử Trung-quốc ghi chép, Phật pháp đã được chính thức truyền nhập Trung-quốc vào năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh-bình (tức năm 67 TL), đời vua Minh đế (58-75), nhà Hậu-Hán.
Hậu hữu: tức là quả báo ở đời vị lai, hay nói cách khác, đó là thân tâm của đời sau. Các vị A-la-hán và Phật Bích-chi đã tận diệt phiền não thì không còn phải thọ thân sau, tức không còn “hậu hữu”.
Hí luận. Ngôn luận chỉ có tính cách tranh đua hơn thiệt, hoặc chỉ nói suông để khoe khoang kiến thức, mà không nhắm vào thực tế tu hành, gọi là “hí luận”.
Hiền kiếp. Ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, mỗi đời là một đại kiếp; tức là có ba đại kiếp: đại kiếp Quá-khứ, đại kiếp Hiện-tại và đại kiếp Vị-lai. Thế giới Ta-bà hiện nay, từ lúc hình thành cho đến lúc hoại diệt, trải qua một đại kiếp (gồm 4 trung kiếp: Thành, Trụ, Hoại, Không), đó là đại kiếp Hiện-tại, được gọi tên là Hiền kiếp (hay Thiện-hiền kiếp), gọi cho đầy đủ là Hiện-tại Thiện-hiền kiếp, hay Hiện-tại Hiền kiếp. Trong thời gian 20 tiểu kiếp của trung kiếp Trụ thuộc Hiền kiếp này, trước sau có cả thảy một ngàn đức Phật ra đời, bắt đầu là đức Phật Câu Lưu Tôn, kế đến là các đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc v.v... , và sau cùng là đức Phật Lâu Chí; đó là “một ngàn đức Phật của Hiền kiếp”. Đại kiếp Quá-khứ được gọi tên là Trang-nghiêm kiếp, và đại kiếp Vị-lai là Tinh-tú kiếp.
Hiền Thủ (643-712). Ngài cũng có tên là Pháp Tạng, họ Khang, người Hoa gốc Khương-cư. Tổ tiên của ngài vốn ở nước Khương-cư, đến đời ông nội thì cả gia tộc đều dời sang Trung-quốc, cư trú tại Trường-an. Thuở nhỏ ngài thờ đại sư Trí Nghiễm (602-668) làm thầy, nghe giảng Kinh Hoa Nghiêm, liền thâm nhập được huyền chỉ của kinh. Sau khi đại sư Trí Nghiễm viên tịch, ngài xin y chỉ với đại sư Bạc Trần (sư huynh của ngài); lúc đó ngài đã 28 tuổi. Ngài thông thạo Phạn ngữ và các ngôn ngữ khác ở miền Tây-vức, nên đã được vua cử tham dự dịch trường của pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713), trước sau dịch được Tân Hoa Nghiêm Kinh, Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh, v.v... cả thảy hơn chục bộ. Ngài cũng đã từng giảng cho nữ hoàng Vũ Tắc Thiên nghe về thâm nghĩa của giáo lí “thập huyền duyên khởi”, đã dùng ngay tượng con sư tử vàng ở góc điện làm ví dụ, làm cho bà thấu hiểu nghĩa lí một cách dễ dàng, mau lẹ; sau đó, ngài đã dùng chính đề tài này mà soạn thành chương “Sư Tử Vàng” (Kim Sư Tử). Ngài đã dành hầu trọn cuộc đời để giảng dạy Kinh Hoa Nghiêm, và hoàn thành việc tổ chức nền giáo học Hoa Nghiêm; bởi vậy, ngài đã được tôn làm vị tổ thứ ba của Hoa Nghiêm tông.
Ngoài ra ngài còn chú thích các Kinh Lăng Già, Mật Nghiêm, Phạm Võng, và Luận Khởi Tín. Ngài cũng đã phỏng theo cách thức của tông Thiên Thai, đem các hệ tư tưởng của Phật giáo phân làm “ngũ giáo thập tông”, trong đó, hệ thống tư tưởng Hoa Nghiêm được ngài cho là cao sâu bậc nhất. Ngài viên tịch năm 712 (năm đầu đời vua Đường Huyền-tông), thế thọ 70 tuổi. Trước tác của ngài rất nhiều, như: Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Kí, Hoa Nghiêm Liệu Giản, Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương, Hoa Nghiêm Cương Mục, Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Chương, Đại Thừa Mật Giáo Kinh Sớ, v.v... cả thảy hơn 20 bộ.
Hiển giáo - Mật giáo. Giáo pháp có hai loại: Loại giáo pháp được hiển bày rõ ra bằng ngôn ngữ, văn tự, nghĩa lí dễ hiểu, gọi là “hiển giáo”; loại giáo pháp được truyền đạt một cách bí mật, trực tiếp giữa Phật và đệ tử, nhìn bề ngoài không hiểu, không biết được, gọi là “mật giáo”. Theo sự phân loại của tông Thiên Thai: Đức Phật ứng theo căn cơ, hoàn cảnh của từng người mà dạy riêng các giáo pháp khác nhau, mà người này hoàn toàn không biết Phật đã dạy cho người kia pháp gì, loại giáo pháp đó gọi là “mật giáo”; loại giáo pháp Phật nói công khai trước đại chúng đông người, gọi là “hiển giáo”. Có chỗ khác cho rằng: Những giáo điển thuộc Kinh, Luật, Luận là “hiển giáo”; dựng đạo tràng làm pháp sự, trì tụng mật chú là “mật giáo”.
Hiện-bát. Người ở cõi Dục chứng quả Bất-hoàn, không nhất thiết phải chuyển sinh lên cõi Sắc hay cõi Vô-sắc, mà ở ngay trong đời sống cõi Dục, đoạn trừ số phiền não còn lại mà chứng nhập niết bàn, gọi là “Hiện-bát”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 15 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn thừa.
Hiện hành: tức là các pháp hữu vi hiển hiện ra trong vũ trụ. Theo Duy Thức Học, thức a-lại-da chứa giữ tất cả mọi chủng tử của các pháp và có khả năng chuyển biến những chủng tử này làm phát sinh ra mọi hiện tượng (pháp) trong vũ trụ, đó là pháp “hiện hành”. Như vậy, một pháp khi còn ẩn kín trong thức a lại da thì gọi là “chủng tử”, và khi đã được phát hiện ra thành một hiện tượng ở thế gian thì gọi là “hiện hành”. Chủng tử từ trong thức a-lại-da, hợp với các điều kiện (duyên) thích ứng để phát sinh ra hiện hành, thì chủng tử là nhân và hiện hành là quả. Tiến trình này được Duy Thức Học gọi là “chủng tử sinh hiện hành”. Cái pháp hiện hành vừa phát sinh đó, đồng thời lại huân tập vào thức a-lại-da để thành một chủng tử mới – gọi là “tân huân chủng tử”; như thế, hiện hành lại là nhân, mà chủng tử lại là quả. Tiến trình này, Duy Thức Học gọi là “hiện hành huân chủng tử”. Ba khâu chủng tử, hiện hành và tân huân chủng tử có sự liên hệ mật thiết với nhau, vừa là nhân vừa là quả của nhau, và hoàn thành đồng thời với nhau, tạo thành vòng luân chuyển “chủng tử sinh hiện hành - hiện hành huân chủng tử - chủng tử sinh hiện hành - ...”. Cứ thế, cái vòng luân chuyển ấy nối tiếp liên tục mãi, làm cho vạn pháp vừa chuyển biến vừa tồn tại ở thế gian.
Hiện lượng: là một trong “ba lượng” (tam lượng). “Lượng” là hình thái hay phương cách nhận thức, “hiện” là hiện tại, hiển hiện, hay hiện tiền; tức là cái cảnh giới mà trong giây phút đầu tiên, khi căn đối trước cảnh liền thấy biết, nhưng chưa khởi niệm phân biệt, cho nên chưa mang danh ngôn, không có tâm tính toán, không có phê phán, suy luận, so sánh v.v...; nhận thức đối tượng một cách trực tiếp, thuần túy cảm giác, gọi là “hiện lượng”. Đó là cách nhận thức của năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), đôi khi có sự cộng tác của ý thức, nhưng vẫn là trực tiếp, thuần túy cảm giác, chưa có suy luận, phán đoán. Cách nhận thức này có khi đúng, có khi sai; khi đúng thì gọi là “chân hiện lượng”, khi sai thì gọi là “tợ hiện lượng”. – “Tợ” nghĩa là trông giống như cái đó, chứ không phải chính thực là cái đó. Hai hình thái nhận thức kia là “nhận thức so sánh” (tỉ lượng) và “nhận thức sai lầm” (phi lượng). Nhận thức so sánh là phương cách của ý thức (thức thứ sáu), mang tính cách suy luận, diễn dịch, so sánh, phán đoán. Phương cách nhận thức này cũng có khi đúng (gọi là “chân tỉ lượng”) và có khi sai (gọi là “tợ tỉ lượng”). Gộp hai cách nhận thức sai của hiện lượng (tức tợ hiện lượng) và tỉ lượng (tức tợ tỉ lượng) lại, gọi chung là “phi lượng”; ngoài ra, Duy Thức Học cho rằng, thức thứ bảy (mạt-na thức) luôn luôn nhận thức sai lầm về sự tồn tại của một bản ngã chân thật, cho nên hình thái nhận thức của nó luôn luôn là “phi lượng”.
Hoa ba-la: là một loại hoa sen. Loại hoa này màu vàng kim, là loại tôn quí nhất trong các loại hoa sen, không có ở nhân gian mà chỉ có ở các cõi Trời.
Hoa man: tức là trang sức bằng tràng hoa. Ngày xưa người Ấn-độ dùng hoa xâu lại thành tràng hoa, để trang sức thân mình, gọi là “trang nghiêm thân thể”.
Hoa ưu-bát-la (utpala): tức hoa sen xanh. Đây là một trong bốn giống hoa sen chính ở Ấn-độ. Cánh hoa màu xanh. Lá hẹp mà dài, hơi tròn ở gần cuống, càng lên đầu lá càng nhọn dần, trông giống như mắt Phật; bởi vậy, trong kinh điển, lá sen này thường được dùng để ví dụ cho mắt của đức Phật.
Hóa Địa Bộ (Mahisasaha). Theo các tài liệu tiếng Pali thì bộ phái này đã từ Thượng Tọa Bộ tách ra; nhưng theo Dị Bộ Tông Luân Luận thì bộ phái này đã phân rẽ ra từ Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Về tên của bộ phái, theo pháp sư Khuy Cơ thì sáng tổ của bộ phái này vốn là một vị quốc vương, nhân ông dùng chánh pháp mà giáo hóa nhân dân trong toàn địa phận dưới quyền cai trị của ông, nên ông được gọi là Hóa Địa. Về sau ông từ bỏ vương vị đi xuất gia, hoằng dương Phật pháp, và đặt tên cho bộ phái do ông sáng lập là Hóa Địa Bộ. Nhưng theo pháp sư Chân Đế (Paramartha, 499-569), bộ phái này có tên là Chánh Địa Bộ; và, sáng tổ của bộ phái này nguyên là một đạo sĩ Bà-la-môn, thông suốt giáo điển Phệ Đà, từng làm quốc sư, giúp vua đem chánh đạo trị quốc. Về sau ông xuất gia theo Phật giáo, chứng quả A-la-hán, trong lúc giảng kinh, nếu chỗ nào thiếu sót thì đem giáo điển Phệ Đà vào bổ túc, coi như lời Phật nói. Sau khi ngài viên tịch, các đệ tử bèn lập nên bộ phái gọi là Chánh Địa Bộ.
Hóa thành. Đây là một thuật ngữ Phật học, dùng để chỉ nơi tạm dừng chân nghỉ ngơi cho người đi đường xa, trước khi tiếp tục đi cho hết cuộc hành trình. Nguyên, “hóa thành” là một trong bảy thí dụ mà đức Phật từng nêu ra trong kinh Pháp Hoa – được gọi là “hóa thành dụ”, nằm trong phẩm thứ bảy, “Hóa Thành Dụ”. (Hòa thượng Trí Quang, trong sách Pháp Hoa Lược Giải, gọi tên phẩm này là “Tương Quan Xa Xưa”.) Kinh chép, một vị đạo sư dẫn một đoàn người đi qua một đoạn đường dài và rất nguy hiểm, để đến một nơi có nhiều châu báu vàng ngọc. Nhưng mới đi được nửa đường thì đoàn người đã mỏi mệt, lại quá sợ hãi, cho nên chán nản, không muốn đi tiếp, chỉ muốn quay trở về. Vị đạo sư thương cảm, muốn trấn an và khuyến khích họ, đã dùng sức phương tiện, hóa ra một tòa thành, và bảo đoàn người: Không nên thối chí quay về, ở đây có tòa thành to lớn, xinh đẹp, đầy đủ tiện nghi, mọi người có thể ở lại đó mà an hưởng suốt đời, hoặc có thể nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục đi đến chỗ có châu báu vàng ngọc. Đoàn người nghe thế thì rất vui mừng, nghĩ rằng mình đã vượt khỏi đoạn đường nguy hiểm, đã đến được nơi an toàn, bèn yên tâm ở lại trong thành. Qua một thời gian, vị đạo sư biết được mọi người đã hết mỏi mệt, hết sợ hãi, lòng đã phấn chấn trở lại, không còn muốn quay trở về nữa, bèn làm cho tòa thành biến mất, và bảo mọi người: Từ đây tới chỗ có châu báu vàng ngọc không còn bao xa nữa, hiểm nguy cũng hết rồi, vậy chúng ta hãy tiếp tục đi đến đó. Tòa thành vừa rồi chỉ là thành giả, do ta biến hóa ra mà thôi. Tòa “hóa thành” này được Phật dùng để thí dụ cho quả vị niết bàn của nhị thừa (Thanh-văn và Duyên-giác). Đó là loại niết bàn nửa chừng, không trọn vẹn, do đức Phật phương tiện chỉ bày. Bản ý của đức Phật là muốn cho tất cả đệ tử đều đạt được cảnh giới niết bàn trọn vẹn, quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác – mà kinh Pháp Hoa gọi bằng một từ rất đặc biệt: “tri kiến Phật”.
Hoài Tố (634-707). Ngài họ Phạm, quê ở Kinh-triệu (huyện Tây-an, tỉnh Thiểm-tây), từ thuở nhỏ đã tỏ ra thông tuệ khác thường, khí độ rộng rãi. Năm 12 tuổi ngài xin xuất gia với pháp sư Huyền Trang, chuyên học kinh, luận. Sau khi thọ giới, ngài lại theo đại sư Đạo Tuyên để học bộ Tứ Phần Luật Hành Sự Sao; sau lại xin nhập làm môn hạ của đại sư Đạo Thành (đệ tử của đại sư Pháp Lệ) để học Tứ Phần Luật Sớ. Sau một thời gian học tập, ngài thấy các chú sớ của cổ nhân, nghĩa lí chưa được toàn hảo, cho nên đã soạn bộ Tứ Phần Luật Khai Tông Kí, sửa chữa những sơ suất của người trước, làm thành học thuyết riêng, được người đời gọi đó là “Tân Sớ” (để phân biệt với bộ Tứ Phần Luật Sớ của ngài Pháp Lệ trước đó). Từ đó ngài trở thành tổ khai sáng của Đông Tháp Luật tông – cùng với Tướng Bộ tông của ngài Pháp Lệ và Nam Sơn tông của ngài Đạo Tuyên, được người đương thời gọi chung là “Luật học tam đại tông”. Lúc đầu ngài trú tại chùa Hoằng-tế ở Trường-an; năm 676 ngài vâng chiếu vua về trú tại chùa Tây-thái-nguyên, đồ chúng vân tập tu học đông đảo. Ngài viên tịch năm 707, thế thọ 74 tuổi. Trước tác của ngài có: Câu Xá Luận Sớ, Di Giáo Kinh Sớ, Tứ Phần Tì Kheo Giới Bản Sớ, Tăng Yết Ma, Ni Yết Ma v.v...
Hoại sắc. Pháp y của chư Tăng Ni phải may bằng loại vải nhuộm, tránh năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, gọi là “hoại sắc” (tức màu nhuộm cho hư đi, trông vừa xanh vừa đỏ vừa đen vừa vàng, nghĩa là không thành một màu chính nào cả). Bởi vậy, pháp y của tăng ni cũng gọi là “ca-sa” (kasaya – nghĩa là hoại sắc).
Hoan-hỉ-địa: cũng gọi là Sơ-địa, là bậc đầu tiên của cấp Mười-địa Bồ-tát, cũng tức là bậc thứ 41 trong 52 bậc tu tập mà hàng Bồ-tát phải trải qua suốt ba a tăng kì kiếp trước khi thành Phật. Khi vị Bồ-tát đã tu tập hoàn tất kiếp a tăng kì đầu tiên (trải qua bốn cấp Mười-tín, Mười-trụ, Mười-hạnh và Mười-hồi-hướng – gồm cả thảy 40 bậc), các kiến hoặc đều dứt, chứng nhập lí “nhị không”, nhập vào dòng thánh, tâm sinh niềm hoan hỉ lớn, cho nên gọi là Hoan-hỉ-địa.
Hoàng Bá (?-850): tức thiền sư Hi Vận, rất có danh tiếng ở cuối đời Đường. Ngài là người Phúc-kiến, không rõ họ gì, thuở nhỏ xuất gia ở chùa Kiến-đức, trên núi Hoàng-bá tại tỉnh Phúc-kiến. Ngài thông minh mẫn nhuệ, học thông nội ngoại điển, được người đời xưng là Hoàng Bá Hi Vận. Tướng mạo của ngài thật kì lạ, mình cao gần 3m, trên trán nổi lên cục thịt giống như hạt châu, nên có hiệu là Nhục Châu. Một hôm ngài đi dạo núi Thiên-thai, tình cờ gặp một vị tăng. Hai người nhìn nhau vui mừng như người quen cũ, rồi sánh vai cùng đi. Tới một dòng suối lớn, nước chảy mạnh, vị tăng giục ngài lội qua suối. Ngài nói: “Muốn qua thì hãy qua trước đi!” Vị tăng liền vén áo bước trên sóng nước mà đi, như đi trên mặt đất. Sang tới bờ bên kia, vị tăng vẫy tay gọi bảo: “Qua đây! Qua đây!” Ngài vỗ tay rồi hét lớn: “Chỉ biết có mình! Nếu ta biết sớm, chắc chắn đã chặt bắp đùi ngươi.” Vị tăng liền khen: “Ngươi quả là pháp khí của đại thừa. Ta thật chẳng sánh kịp!” Vị tăng nói xong thì không thấy đâu nữa. Sau, nhờ một bà lão chỉ bảo, ngài tìm đến yết kiến tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814), được tổ truyền tâm ấn, tiếng tăm lừng lẫy một thời, người đời khen ngợi là pháp khí của đại thừa. Về sau ngài lên ở núi Hoàng-bá, cổ xúy tâm yếu “truyền thẳng từng người” (trực chỉ đơn truyền), người học từ bốn phương vân tập về đông đúc. Từ đó, núi Hoàng-bá đã trở thành một đạo tràng lớn của Thiền tông Trung-quốc. Người đời kính mộ ngài đến nỗi đã lấy tên núi Hoàng-bá làm thành tên ngài; không những thế, những nơi ngài được thỉnh đến để hoằng pháp, đều được đặt tên là Hoàng-bá, như hai ngọn núi Thứu-phong và Tiểu-lư ở Giang-tây đều được gọi tên là núi Hoàng-bá. Đến như, khi hệ phái của ngài được truyền sang Nhật-bản, chẳng những tông Hoàng Bá được thành lập, mà ngọn núi được chọn làm đạo tràng trung tâm của tông này cũng được đặt tên là núi Hoàng-bá.
Ngài viên tịch năm 850, không biết tuổi thọ (vì không rõ năm sinh), được ban thụy hiệu là Đoạn Tế thiền sư. Pháp ngữ của ngài đã được người bạn thân đương thời là tiết độ sứ Bùi Hưu sưu tập làm thành quyển ngữ lục tên là Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền Sư Truyền Tâm Pháp Yếu, đến nay vẫn còn. Trong số môn đồ của ngài, Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) là vị cao đồ đắc pháp và xuất sắc nhất, đã thừa kế và làm rạng rỡ Tông môn, thanh thế càng vượt trội hơn nữa.
Hoàng Long Tuệ Nam (1002-1069): là vị khai tổ của thiền phái Hoàng Long, một chi phái của tông Lâm Tế ở thời đại Bắc-Tống. Ngài họ Chương, quê ở huyện Thượng-nhiêu, tỉnh Giang-tây. Thuở nhỏ ngài theo Nho học, làu thông kinh sử, nhưng đến 11 tuổi thì xin xuất gia với ngài Trí Loan ở viện Định-thủy. Năm 19 tuổi ngài thọ giới cụ túc, rồi theo tham học với nhiều thiền sư cao đức, và được đắc pháp với thiền sư Sở Viên. Ngài từng trú tại nhiều thiền viện, giáo hóa tứ chúng rất đông; cuối cùng ngài được thỉnh về trú trì Sùng-ân viện ở núi Hoàng-long (tỉnh Giang-tây), khai sáng thiền phái Hoàng Long (là một chi phái của tông Lâm Tế), tứ chúng qui tụ đông đúc, thiền phong hưng thịnh khắp các vùng Hồ-nam, Hồ-bắc, Giang-tây v.v… Năm 1069 ngài thị tịch, thế thọ 68 tuổi, thụy hiệu là Phổ Giác thiền sư.
Hoành biến thụ cùng: nghĩa là, ngang thì bao khắp mười phương, dọc thì trải suốt ba đời.
Hoặc. “Hoặc” nghĩa là sai lầm. Mê muội trước các đối tượng, không tỏ rõ sự lí, gọi là “hoặc”. Hoặc là một tên gọi khác của “phiền não”. Vì phiền não làm cho chúng sinh chìm đắm mãi trong dòng sông sinh tử, không giải thoát giác ngộ được, nên gọi là “hoặc”. Hoặc rất khó đoạn trừ được tận gốc rễ, dù là các bậc A-la-hán, Phật Bích-chi, hay Bồ-tát, vẫn còn ẩn tàng những “vi tế hoặc” (cũng được gọi là “nguyên phẩm vô minh”). Chỉ có Phật là đoạn sạch, hoàn toàn thanh tịnh. Hoặc và phiền não, lậu, cấu, kết, đều là những tên gọi khác nhau của cùng một thể tính. Có ba loại hoặc: - 1) Kiến tư hoặc: do kiến giải không chính xác mà sinh ra sai lầm, gọi là “kiến hoặc” (như 5 lợi sử); do mê muội đối với các sự vật ở thế gian mà sinh ra sai lầm, gọi là “tư hoặc” (như 5 độn sử); các hành giả hàng Thanh-văn, Duyên-giác, khi đoạn trừ hết hai loại hoặc này thì tức khắc giải thoát khỏi ba cõi. - 2) Trần sa hoặc: hàng Bồ-tát giáo hóa chúng sinh, tất phải thông đạt số lượng pháp môn nhiều như cát bụi (trần sa); nhưng nếu công phu chưa thâm hậu thì không thể thông đạt được số lượng pháp môn nhiều như cát bụi, đó là “trần sa hoặc” của hàng Bồ-tát. - 3) Vô minh hoặc: đó là căn bản vô minh làm che lấp lí tướng chân thật, ngăn trở con đường trung đạo; Bồ-tát khi đoạn trừ sạch hết thì tức khắc thành Phật.
Hoằng Nhẫn (602-675): vị tổ thứ 5 của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Châu, người huyện Cửu-giang, tỉnh Giang-tây, sống vào đời Đường. Lúc 7 tuổi, ngài xuất gia với ngài Đạo Tín (580-651, tổ thứ 4 của Thiền tông Trung-quốc) ở chùa Đông-sơn, núi Song-phong, huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc. Do đó mà có thuyết cho rằng, ngài quê ở huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc. Ngài thâm cứu rốt ráo các yếu chỉ cả đốn lẫn tiệm, được thầy truyền cho tâm pháp. Năm 651, tổ Đạo Tín viên tịch, ngài thừa kế đạo nghiệp, được người đời xưng là Ngũ Tổ Hoàng Mai, hoặc chỉ gọi là Hoàng Mai. Năm 651 ngài truyền pháp cho Lục Tổ Tuệ Năng. Thiền tông Trung-quốc từ Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền đến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, được các tông phái Thiền đời sau đều thừa nhận. Khi Hoằng Nhẫn kế thừa tổ vị, đã phát huy thiền phong, hình thành “Pháp Môn Đông Sơn”; Thiền tông truyền giáo từ Kinh Lăng Già, bắt đầu từ đây được đổi sang Kinh Kim Cang Bát Nhã. Tư tưởng của ngài, lấy sự triệt ngộ nguồn gốc tâm tính làm tông chỉ; lấy sự giữ tâm làm chủ yếu của việc tham học. Môn hạ của ngài rất đông, trong đó, hai ngài Thần Tú (605-706) và Tuệ Năng đã riêng rẽ hình thành hai hệ thống: thiền Bắc-tông và thiền Nam-tông – về sau lại còn chia thành nhiều phái nữa. Bốn năm sau khi truyền pháp cho Tuệ Năng, ngài viên tịch, thọ 74 tuổi.
Hộ pháp: nghĩa là bảo hộ và duy trì Phật pháp. Trong kinh điển thường nói, chư thiên, các vị thiện thần, quỉ vương, sau khi nghe kinh xong đều phát nguyện hộ trì chánh pháp; cho nên họ đều được gọi chung là “Hộ pháp thiện thần”. Ngoài ra, những người ở thế gian, từ hàng lãnh đạo quốc gia đến hàng dân dã, ai phát tâm quay về nương tựa Tam Bảo, ủng hộ Phật pháp, đóng góp của cải, khả năng, công sức và thì giờ vào việc bảo vệ, duy trì và phát triển Phật giáo, đều được gọi là “hộ pháp”. Thời Phật tại thế, các đức vua như Tần Bà Sa La, Ba Tư Nặc, các vị cư sĩ như Cấp Cô Độc, Kì Bà, Tì Xá Khư, v.v... đều là những vị hộ pháp lớn của Phật giáo. Theo ý nghĩa rộng rãi hơn, tất cả những người phát tâm tu tập theo Phật pháp tức là đã có chí hướng bảo vệ, duy trì và phát triển Phật pháp, cho nên đều được gọi là “hộ pháp”.
Hộ Pháp (Dharmapala): là một trong mười vị đại luận sư của học phái Duy Thức. Ngài ra đời vào thế kỉ thứ 6 TL, là con của một vị đại thần ở nước Đạt-la-tì-trà (Dravida), miền Nam Ấn-độ. Từ tuổi niên thiếu, vốn đã đính hôn với một công chúa, nhưng đến ngày thành hôn thì hủy bỏ hôn sự, cạo tóc xuất gia. Lúc đầu học theo tiểu thừa, sau theo đại luận sư Trần Na (Dignaga, ra đời cuối thế kỉ thứ 5, cũng ở nước Đạt-la-tì-trà, là đệ tử thừa kế của Bồ Tát Thế Thân) để học môn Duy Thức đại thừa, vì vậy mà ngài tinh thông cả giáo học tiểu thừa lẫn đại thừa. Tiếp đó, với ý chí chu du cầu học, ngài lần đến chùa Na-lan-đà (Nalanda, nước Ma-kiệt-đà) xin tu học. Với bẩm tính thông minh, chẳng bao lâu ngài bỗng trở nên một bậc thạc học của Phật giáo đương thời, tiếng tăm lừng lẫy; ngay tại chùa Na-lan-đà mà ngài đã có tới mấy ngàn đồ chúng theo học. Đến năm 29 tuổi, ngài rời học viện Na-lan-đà, về tĩnh cư tại chùa Đại-bồ-đề (Mahabodhi, ở khu vực Bồ-đề đạo-tràng của nước Ma-kiệt-đà), chuyên việc trước thuật, cho đến khi viên tịch vào năm 32 tuổi. Các tác phẩm của ngài hiện còn gồm có: Thành Duy Thức Bảo Sinh Luận (giải thích tác phẩm Duy Thức Nhị Thập Tụng của ngài Thế Thân), Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích (chú thích bộ Quán Sở Duyên Duyên Luận của ngài Trần Na), Đại Thừa Quảng Bách Luận Thích Luận (chú thích bộ Bách Luận của ngài Đề Bà). Ngoài ra, ngài cũng là một trong mười vị đại luận sư đã giải thích tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng của ngài Thế Thân. Trong mười vị này, pháp sư Huyền Trang đã chọn tư tưởng của ngài làm chính, rồi tổng hợp tư tưởng của chín vị còn lại, biên dịch làm thành bộ Thành Duy Thức Luận, một tác phẩm trọng yếu của tông Pháp Tướng Trung-quốc.
Hồi giáo xâm chiếm Ấn-độ. Từ thế kỉ thứ 7 TL, sự giàu có về kinh tế, và sự phân hóa trầm trọng trong xã hội Ấn-độ, đã làm cho các dân tộc Hồi giáo ở phía Bắc và Tây-Bắc Ấn-độ như Thổ (Tân-cương – Turkestan), Hung-nô, A-phú-hãn, Schythe, bắt đầu thèm thuồng dòm ngó Ấn-độ, chực có cơ hội tốt là xông vào chiếm ngay. Thế rồi cuộc tấn công đầu tiên đã xảy ra vào khoảng năm 663, người Hồi đột kích vào miền Tây Punjab, cướp bóc tài sản rồi rút đi. Mấy thế kỉ sau đó, người Hồi tiếp tục mở nhiều cuộc xâm nhập khác, dần dần chiếm trọn vùng thung lũng Ấn-hà (sông Indus). Nhưng phải đến cuối thế kỉ thứ 10, quân Hồi giáo mới thực sự xâm chiếm Ấn-độ.
Vào những năm cuối cùng của thế kỉ thứ 10 này, vua Hồi là Mahmud, từ tiểu quốc Ghazni ở miền Đông A-phú-hãn, vượt biên thùy Tây-Bắc Ấn-độ, tàn phá các thành thị, đền chùa, tàn sát tăng sĩ và dân chúng, cướp bóc vô số vàng bạc của cải, chở về nước. Rồi năm nào ông ta cũng xâm nhập Ấn-độ, và mỗi lần như thế là đốt sạch đền chùa, giết người hàng vạn, hàng chục vạn, rồi vơ vét sạch của cải đem về nước, trở thành người giàu nhất nhân loại vào thuở ấy, và được các sử gia Hồi giáo vinh danh là ông vua vĩ đại nhất của thời đại. Đầu thế kỉ 12, bộ lạc Hồi Ghuri ở A-phú-hãn lại xâm lăng Ấn-độ, chiếm Delhi, đốt phá hết đền chùa, giết sạch tăng lữ, giáo sĩ, cướp bóc hết tài sản dân chúng, rồi lập nên một triều đại Hồi giáo ngay tại Delhi để cai trị dân bản xứ, làm cho dân Bắc-Ấn, trong suốt ba thế kỉ, phải chịu sự thống trị độc tài, ác nghiệt, tàn bạo của người Hồi. Những ông vua Hồi vô cùng khát máu. Sách sử kể rằng, ông vua Hồi Kutb-d-Din thật cuồng tín, tàn nhẫn, hung dữ như beo, giết người tới mấy trăm ngàn, trên cánh đồng đen nghịt dân nô lệ Ấn. Chính sách chung của người Hồi, tất cả mọi người, bất kể thuộc giống dân nào, thuộc bất cứ giới nào trong xã hội, đều phải cải đạo theo Hồi giáo; nếu không thì lập tức bị giết. Trong một ngày họ có thể giết từ mười lăm tới ba chục ngàn mạng người. Họ giết người bằng nhiều cách: như cho voi giày, lột da, lóc thịt, vùi vào đống rơm cho chết ngạt, treo cổ lên ở cửa thành, bắt con phải ăn thịt cha, vợ phải ăn thịt chồng; người mù họ cũng không tha. Trước lều của quân Hồi hoặc trong sân hoàng cung, luôn luôn có hàng đống xác người, bọn đao phủ cứ phải lôi kéo, đâm chém, chặt, xẻ nạn nhân suốt ngày đến mệt đừ.
Trong cách thức cai trị, các vua Hồi đã từng ra lệnh: “Phải bóp nặn dân Ấn cho tới kiệt quệ, không còn chút nào của cải nữa, để không còn sức đâu mà bất bình, nổi loạn.” Một sử gia Hồi nói: “Không một người Ấn nào dám chắc giữ được thủ cấp, vàng bạc, hoặc một vật thừa nào của mình... Đánh đập, bêu giữa chợ, nhốt vào khám, cột chân tay v.v..., tất cả mọi phương tiện đều được dùng để bắt họ phải nộp thuế.”
Sau khi làm chủ toàn vùng Bắc-Ấn, họ tiến dần xuống Trung-Ấn. Họ tràn vào học viện Na-lan-đà (năm 1197), đốt phá đền tháp, tăng xá, tàn sát tất cả tăng chúng. Tất cả tài sản của học viện đều bị cướp sạch. Ngọn lửa thiêu hủy Na-lan-đà đã cháy suốt bảy ngày mới tắt. Quân Hồi tạm đặt bản doanh tại đó một thời gian ngắn; sau cùng, trước khi rút đi, họ còn cẩn thận phóng hỏa một lần nữa để chắc chắn không còn sót một vết tích nào. Sau khi quân Hồi rút đi, các Phật tử Ấn ở quanh vùng lại chung nhau tái thiết học viện, nhưng người Bà-la-môn, vì e ngại Phật giáo lại có cơ hội phục hưng, nên lại đốt phá thêm một lần nữa, và tìm mọi cách không để cho các Phật tử quan hệ với nhau được nữa; từ đó Na-lan-đà thực sự đi vào dĩ vãng. Đến cuối thế kỉ 13, quân Hồi từ Bắc-Ấn tràn xuống chiếm luôn cả Nam-Ấn. Thế là Hồi giáo thống trị trọn vẹn lục địa Ấn-độ; và những màn cũ ở Bắc-Ấn lại xảy ra: cướp bóc, bạo hành, tàn sát... Sang đầu thế kỉ 14 thì Delhi trở thành thủ đô của đế quốc Hồi giáo. Đến thế kỉ 17, khi người Anh xâm chiếm Ấn-độ, đế quốc Hồi giáo mới suy vong.
Hồng giáo: tức Hồng Mạo phái của Mật giáo Tây-tạng, mà sáng tổ là ngài Liên Hoa Sinh đến từ Ấn-độ (xem mục “Phật Giáo Truyền Vào Tây Tạng”). Chư tăng (lạt-ma) của phái này mặc cà sa đỏ và đội mão đỏ, nên gọi là Hồng Mạo phái hay Hồng giáo. – Hồng giáo cũng được dùng để chỉ chung cho Phật giáo Tây-tạng từ trước khi Hoàng Mạo phái (hay Hoàng giáo, tức phái mũ vàng) xuất hiện vào giữa thế kỉ 15. – Thế kỉ thứ 8, ngài Liên Hoa Sinh từ Ấn-độ sang Tây-tạng, mang theo các “đà-la-ni” và “chân ngôn nghi quĩ”, rồi phối hợp với tín ngưỡng sùng bái quỉ thần, bùa chú và bói toán của tôn giáo Bon sẵn có của dân bản xứ, đã khiến cho dân chúng phát sinh lòng tin đối với Phật giáo hết sức dễ dàng; chỉ trong vòng 3 năm mà Mật giáo đã phổ cập khắp Tây-tạng. Đó là thời kì tiên khởi của Mật giáo Tây-tạng. Ngài Liên Hoa Sinh đã được tín đồ tôn xưng là vị sơ tổ của giáo phái ấy; và ngài cũng chính là khai tổ của Lạt-ma giáo Tây-tạng.
Sau triều đại vua Lang-Dar-Ma (tiêu diệt Phật giáo – xem mục “Phật Giáo Truyền Vào Tây Tạng”), Phật giáo Tây-tạng dần dần phục hưng và phát triển trên cả ba giáo hệ là Giới luật, Hiển giáo và Mật giáo. Riêng về Mật giáo, trong thời gian này có ngài Rin-Chen-Bran-Po sang Nepal học Mật giáo. Khi về nước, ngài đã đem theo về nhiều kinh điển Mật giáo, đã dịch nhiều “nghi quĩ” của Mật giáo, làm cho Mật giáo lại phát triển mạnh ở Tây-tạng. Lịch sử Phật giáo Tây-tạng gọi đây là thời kì Tân phái Mật giáo; và từ đó về trước là thời kì Cổ phái Mật giáo. Khoảng năm 1038 có ngài A Đề Sa (Atisa, 982-1054?) từ Ấn-độ tới. Ngài cũng xuất thân từ hệ Kim-cương thừa Mật giáo (như ngài Liên Hoa Sinh thuở trước), từng giữ chức thủ tọa chùa Vikramasila ở vùng Bengal; cho nên sau khi vào Tây-tạng, ngài cũng kế thừa sự nghiệp Hồng giáo, chuyên truyền bá giáo lí Kim-cương thừa với nhiều lối tác pháp quái dị. Sau khi ngài A Đề Sa viên tịch, giáo phái này đã bị phân rẽ thành nhiều phái khác, càng ngày càng đi vào con đường cực đoan của Kim-cương thừa Mật giáo, với nhiều mê tín dị đoan, lìa bỏ Hiển giáo, không trọng giới luật, coi tính dục là chuyện đương nhiên của việc tu đạo; cuối cùng thì sa vào hố trụy lạc, và thực sự trở thành Mật giáo Tả phái, tức như một thứ tà đạo.
Đó là tình hình Mật giáo ở Tây-tạng vào các thế kỉ thứ 14, 15. Để cứu vãn tình hình này, trong thế kỉ 15, ngài Tông Khách Ba (Tsong-Kha-Pa, 1417-1478) đã dũng mãnh đứng lên vận động làm cuộc cải cách vĩ đại, đưa Phật giáo Tây-tạng đến một hệ thống tổ chức mới, gọi là Hoàng Mạo phái (hay Hoàng giáo, tức phái Mão vàng). Ngài lúc đầu học Hiển giáo, sau tu theo Mật giáo, và tinh nghiêm hành trì giới luật. Ngài chủ xướng tinh thần tôn trọng kinh giáo, nghiêm trì giới luật, sử dụng tất cả sở trường của các giáo phái, chỉnh lí cả hai tông Hiển, Mật, làm sáng tỏ chân nghĩa của Phật pháp, kiến lập trình tự tu hành. Ngài trước tác có đến 300 bộ sách, trong đó, bộ Bồ Đề Đạo Thứ Luận được coi là tiêu biểu cho Hiển giáo; và bộ Chân Ngôn Thứ Đệ Luận được coi là tiêu biểu cho Mật giáo. Ngài cũng xây tu viện Dgah Idan ở phía Đông thủ đô Lhasa để làm đạo tràng trung tâm của Hoàng Mạo phái. Các vị Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma sau này đều xuất thân từ Hoàng giáo. Tuy cuộc cải cách của Tông Khách Ba đã làm thay đổi toàn diện Phật giáo Tây-tạng, nhưng Hồng Mạo phái (tức Hồng giáo) đã không tiêu vong, mà chỉ bị suy yếu đi, và vẫn sinh hoạt tiềm tàng trong dân chúng.
Hồng-lô tự. “Hồng-lô” là tên quan chức ngày xưa, chưởng quản các công việc về ngoại giao, đại để giống như nhiệm vụ của bộ Ngoại-giao ngày nay. “Tự” là nơi làm việc của các quan. Phàm các cơ quan của triều đình đều gọi là “tự”, tương đương với các bộ của chính phủ ngày nay. Khi hai ngài Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan mới đến Trung-quốc, trước tiên được vua mời cư ngụ tại Hồng-lô tự (bộ Ngoại-giao); sau đó lại cư trú tại Bạch-mã tự, từ đó, hễ những nơi tăng chúng cư trú thì đều được gọi là “tự”, lâu ngày thành thói quen. – Tiếng Việt gọi “tự” là chùa.
Huệ Minh (?-?). Ngài họ Trần, quê ở huyện Bà-dương, tỉnh Giang-tây, vốn là cháu của vua Trần Tuyên đế (569-582), từng được ban tước tứ phẩm tướng quân. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, đời vua Đường Cao-tông (650-683) đến núi Hoàng-mai xin tham học với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ban đầu không tỏ ngộ, sau nghe ngài Tuệ Năng đã được Ngũ Tổ truyền y bát và đã đi về phương Nam, ngài liền dẫn vài trăm người gấp rút đuổi theo, có ý giành lại y bát. Chạy tới núi Đại-dũ (một trong Ngũ-lãnh, nằm ở ranh giới hai tỉnh Giang-tây và Quảng-đông) thì gặp Lục Tổ Tuệ Năng, được Tổ khai thị, ngài liền liễu ngộ bản tánh, bèn thờ Lục Tổ làm thầy, tự đổi tên là Đạo Minh, xin theo hầu Tổ ba năm, rồi về núi Mông-sơn ở Viên-châu (thuộc tỉnh Giang-tây) mở đạo tràng xiển dương thiền pháp của Lục Tổ. Năm sinh và năm tịch của ngài đều không rõ.
Huệ Năng: tức Tuệ Năng (xem mục “Tuệ Năng”).
Huệ Quả (746-805). Ngài họ Mã, quê ở huyện Chiêu-ứng, phủ Kinh-triệu, tỉnh Thiểm-tây, người đời thường gọi là Thanh Long a-xà-lê, là vị tổ thứ bảy của Mật giáo Trung-quốc. Ngài vào đạo từ tuổi đồng niên, theo ngài Đàm Trinh tu học. Năm 17 tuổi, ngài theo ngài Đàm Trinh vào tham dự đạo tràng trong hoàng cung, tỏ ra là người kiệt xuất giữa đại chúng, cho nên được đại sư Bất Không nhận làm học trò, truyền dạy cho thật cặn kẽ về pháp yếu của “tam mật”. Năm 20 tuổi ngài chính thức thọ giới cụ túc, lại theo đệ tử của đại sư Thiện Vô Úy là Huyền Siêu, thọ học các pháp Thai-tạng và Tô-tất-địa, và theo đại sư Bất Không thọ học mật pháp Kim-cang-giới. Nhân đó, ngài đã dung hợp cả Thai-tạng-giới và Kim-cang-giới, đề xướng tư tưởng “Kim Thai không hai” (cũng gọi là “Lí Trí không hai” ). Từ đó ngài thường được vua Đường Đại-tông (762-779) mời vào đạo tràng trong hoàng cung để hướng dẫn tu tập cho chính nhà vua và công chúa. Ngài được kế thừa pháp tịch của đại sư Bất Không, làm Quán Đảnh quốc sư tại viện Đông-tháp thuộc chùa Thanh-long, cho nên cũng còn được xưng là Thanh Long hòa thượng. Ngài rất được triều đình sùng kính, từng giữ chức quốc sư trải qua ba triều vua Đường: Đại-tông, Đức-tông (780-805) và Thuận-tông (805). Năm 805 ngài viên tịch, thế thọ 60 tuổi. Ngài thông suốt sâu rộng kinh điển của cả Hiển và Mật giáo. Tăng chúng từ bốn phương qui tụ về theo học với ngài lúc nào cũng đông đến vài ngàn người. Các tăng sĩ ngoại quốc vào Trung-quốc tham học, phần nhiều đều theo ngài học Mật giáo; nổi tiếng nhất có sư Không Hải từ Nhật-bản, các sư Huệ Nhật và Ngộ Chân từ Tân-la (Triều-tiên); chính các vị này đã đem Mật giáo về truyền bá và sáng lập tông Chân Ngôn ở nước họ. Trước tác của ngài có Thập Bát Khế Ấn, A Xà Lê Đại Mạn Đà La Quán Đảnh Nghi Quĩ, Đại Nhật Như Lai Kiếm Ấn, Kim Cang Giới, Kim Cang Danh Hiệu v.v...; trong đó, quyển Thập Bát Khế Ấn nói về các hình thức căn bản của pháp tu Mật giáo, được coi là một trong các tác phẩm trọng yếu của Mật giáo. Ngài là vị tổ cuối cùng của tông Chân Ngôn Trung-quốc, đồng thời được coi là nguồn gốc của tông Chân Ngôn ở Nhật-bản; vì thế, trong lịch sử Mật giáo, ngài đã chiếm một địa vị trọng yếu.
Huệ Viễn (523-592): Ngài họ Lí, quê ở Đôn-hoàng (tỉnh Cam-túc), năm 13 tuổi theo sa môn Tăng Tư xuất gia; năm 16 tuổi lại theo luật sư Trạm đến Nghiệp-đô (kinh đô của nhà Đông-Ngụy, và sau đó là nhà Bắc-Tề, tức nay là huyện Lâm-chương, tỉnh Hà-bắc), học thông cả kinh điển đại, tiểu thừa. Năm 20 tuổi ngài thọ giới cụ túc với sa môn Pháp Thượng, rồi theo sa môn Đại Ẩn học tập Tứ Phần Luật; sau đó lại chuyên thờ ngài Pháp Thượng làm thầy để tu học. Về sau ngài dời về chùa Thanh-hóa ở Cao-đô (nay là huyện Tấn-thành, tỉnh Sơn-tây), đồ chúng cùng nhau xây dựng giảng đường để ngài giảng kinh. Gặp lúc vua Chu Vũ đế diệt nhà Bắc-Tề, ban lệnh đốt kinh hủy tượng và tăng chúng phải hoàn tục, không ai dám can gián, thì ngài một mình đứng lên cùng vua biện bác. Dù vua không bẻ gẫy được ngài, nhưng vẫn cho lệnh hủy diệt Phật giáo ở Bắc-Tề. Biết không thể làm gì được, ngài bèn vào núi lánh nạn. Sau khi nhà Tùy hưng khởi, ngài lại xuất hiện, mở đạo tràng hoằng hóa tại Lạc-dương, tăng chúng qui tụ theo học đông đúc; vua Tùy Văn đế bèn ban sắc phong ngài làm sa môn đô thống ở Lạc-dương, ủy thác trách nhiệm phục hưng Phật giáo. Sau đó nhà vua lại thỉnh ngài về kinh đô Trường-an, trú tại chùa Hưng-thiện, để nhà vua và triều thần được thân cận học hỏi; rồi nhà vua lại cho xây chùa Tịnh-ảnh để ngài mở đạo tràng giảng dạy; nhân đó mà ngài được gọi là Tịnh-ảnh tự Huệ Viễn (để phân biệt với ngài Huệ Viễn [334-416] ở Lô-sơn – xem mục “Tuệ Viễn”). Ngài viên tịch năm 592, thế thọ 70 tuổi; trước tác của ngài gồm có: Đại Thừa Nghĩa Chương, Thập Địa Kinh Luận Nghĩa Kí, Pháp Hoa Kinh Sớ, Đại Bát Niết Bàn Kinh Nghĩa Kí v.v..., cả thảy 20 bộ, gồm hơn 100 quyển.
Huyền Cao (402-444): là vị cao tăng Trung-quốc sống vào thời đại Nam-Bắc-triều. Ngài họ Ngụy, tên Linh Dục, quê ở quận Phùng-dực (nay là huyện Đại-lệ), tỉnh Thiểm-tây (thuộc nhà Hậu-Tần, một trong 16 tiểu quốc ở thời đại Đông-Tấn). Mẹ ngài là Khấu thị, vốn tin theo ngoại đạo. Người con đầu của bà là con gái. Cô này lớn lên rất tin Phật, thường thành tâm cầu nguyện cho mọi người trong gia đình mình đều tín phụng Phật pháp. Năm 402 bà Khấu thị sinh người con thứ nhì là con trai. Lúc bé vừa sinh ra thì có mùi hương lạ xông đầy nhà, lại có ánh sáng chiếu trên vách nhà, trong chốc lát thì biến mất. Vì điềm lành này, bà đã đặt tên cho con là Linh Dục. Người đương thời cũng kính trọng, gọi tên bé Linh Dục là Thế Cao. Năm 12 tuổi, Linh Dục vào núi Trung-thường xin xuất gia, được đổi tên là Huyền Cao. Ngài thông minh khác thường, mới 15 tuổi đã nói pháp cho các vị sa môn trong núi nghe, mọi người đều kinh dị! Sau khi thọ giới, ngài chuyên tinh nghiên cứu Thiền và Luật. Lúc đó, ngài nghe nói tại chùa Thạch-dương ở Quan-trung (tỉnh Thiểm-tây) có thiền sư Phật Đà Bạt Đà La (Budha-bhadra, 359-429) đang hoằng pháp, ngài liền đến xin thờ làm thầy để cầu học đạo. Ngài được truyền cho bí pháp thiền quán, chỉ trong vòng 10 ngày, ngài đã đạt đến chỗ diệu dụng của thiền pháp, được ngài Phật Đà Bạt Đà La hết sức khen ngợi. Liền đó ngài vào núi Mạch-tích (tỉnh Cam-túc, lãnh thổ của nhà Tây-Tần) ẩn tu, chúng vào xin theo tu học có hơn trăm người.
Về sau, Hà-nam vương nghe danh đức ngài, cho sứ thần đến thỉnh, tôn làm quốc sư. Sau khi công việc hoằng hóa tại đây hoàn tất, ngài lại chu du sang nước Bắc-Lương (tỉnh Cam-túc), được vua Thư-cừ Mông Tốn dùng trọng lễ cúng dường. Năm 439, vua Bắc-Ngụy là Thái-vũ đế Thác-bạt Đào thôn tính Bắc-Lương, ngài được mời về Bình-thành (kinh đô Bắc-Ngụy), làm thầy dạy học cho thái tử Thác-bạt Hoảng. Năm 444, Thái-vũ đế hạ lệnh tiêu diệt Phật giáo, nhưng thái tử Hoảng vẫn sùng kính Phật pháp, đành trái mệnh vua, cho nên đã bị bắt giam và bị giết âm thầm trong ngục; ngài Huyền Cao cũng bị treo cổ chết ở góc phía Đông kinh thành.
Huyền Trang (600-664, có thuyết nói 602-664): là vị cao tăng đời Đường. Ngài quê ở Lạc-châu (tỉnh Hà-nam), họ Trần, tên Huy. Ngài có người anh xuất gia ở chùa Tịnh-độ tại thành Lạc-dương, pháp hiệu là Trường Tiệp. Bởi vậy, ngay từ thuở nhỏ ngài đã theo anh học tập kinh điển; thêm vào đó, ngài còn học khắp các điển tịch của Nho và Đạo gia. Năm 612, nhân có đàn giới độ tăng được tổ chức tại Lạc-dương, ngài vào xin xuất gia. Thấy ngài tuổi tuy còn nhỏ mà ứng đối xuất chúng, chư vị cao tăng rất quí trọng, cho là pháp khí của Phật pháp, bèn phá lệ cấp tăng tịch, chấp nhận cho ngài được chính thức làm sa di. Thế là từ năm 13 tuổi, ngài đã được theo anh cùng ở chùa Tịnh-độ, và theo học kinh luận với các pháp sư Nghiêm, Tuệ Cảnh. Thời gian giữa nhà Tùy và nhà Đường, thiên hạ đại loạn, ngài theo anh kinh lịch khắp các xứ Lũng, Thục, Kinh, Triệu, v.v... gần như trọn một nửa nước Trung-hoa, để tham học với các bậc kì túc ở các chốn tòng lâm. Năm 622 ngài thọ đại giới, rồi tiếp tục học khắp Ba Tạng. Nhưng vì muốn hiểu biết sâu rộng hơn nữa về giáo pháp, ngài đã lập chí sang Thiên-trúc cầu pháp.
Năm 629 ngài rời Trường-an lên đường Tây du, theo con đường phía Bắc rặng Thiên-sơn (phía Bắc tỉnh Tân-cương ngày nay), trải 3 năm, một mình vượt bao gian nan nguy hiểm, xuyên qua A-phú-hãn, ngài tiến vào biên thùy phía Tây-Bắc Ấn-độ, rồi theo hướng Đông-Nam tiến về nước Ma-kiệt-đà ở miền Trung-Ấn; bấy giờ là năm 631. Vào thời bấy giờ, chùa Na-lan-đà (Nalanda) ở Ma-kiệt-đà, do đại luận sư Giới Hiền (Silabhadra) chủ trì, là một đạo tràng căn bản, rộng lớn của nền giáo học Phật giáo đại thừa, là nơi qui tụ của nhiều vị danh tăng thạc đức, với hàng ngàn tăng sinh từ bốn phương tụ tập về tu học. Ngài Huyền Trang đã xin vào lưu trú tại đây, và trở thành môn hạ của ngài Giới Hiền. Tại đây, trải qua 5 năm, ngài đã nghiên cứu khắp các bộ luận căn bản của đại thừa như Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Tì Bà Sa Luận, Câu Xá Luận, Thuận Chánh Lí Luận, Đối Pháp Luận, Nhân Minh Luận, Bách Luận, Trung Luận, v.v... Sau đó, ngài tuần du khắp các nước ở Ấn-độ, tới đâu ngài cũng được các vua quan địa phương đón tiếp nồng hậu. Trên đường đi, ngài đã sưu tầm được rất nhiều nguyên bản Phạn văn của các kinh luận tiểu và đại thừa, luôn cả các sách triết học ngoại đạo; thỉnh được rất nhiều xá lợi và hình tượng Phật.
Sau 7 năm, ngài lại trở về học viện Na-lan-đà, vâng mệnh ngài Giới Hiền, ngài đã thuyết giảng hai bộ luận Nhiếp Đại Thừa và Duy Thức Quyết Trạch. Nhưng ngài Sư Tử Quang (Simha-rasmi) lại giảng Trung và Bách Luận để phản bác luận thuyết của ngài. Ngài bèn dung hòa hai tông Trung Quán và Du Già, viết nên bộ Hội Tông Luận, gồm 3.000 kệ tụng, để hóa giải sự bài xích kia. Ngài lại viết bộ Phá Ác Kiến Luận, gồm 1.600 kệ tụng, để đả phá bộ Phá Đại Thừa Luận của vị luận sư tiểu thừa ở nước Ô-trà. Nhân đó mà tên tuổi của ngài vang khắp các nước, được Giới Nhật vương (Siladitya, tức Giới Nhật vương đệ nhị thế của nước Yết-nhã-cúc-xà, lên ngôi năm 610) cùng các vua khác đua nhau kính lễ.
Bấy giờ ngài đã 42 tuổi, ý muốn trở về Trung-quốc. Vua Giới Nhật bèn tổ chức một đại pháp hội tại thành Khúc-nữ (kinh đô nước Yết-nhã-cúc-xà, nay là xứ Kanauji ở bờ Đông sông Kali, một chi lưu của sông Hằng ở Tây-Bắc Ấn-độ), với sự tham dự của các vua 18 nước ở khắp lãnh thổ Ấn-độ lúc bấy giờ, cùng sự hiện diện của hơn 7.000 chư tăng tiểu, đại thừa và giáo sĩ Bà-la-môn. Trong pháp hội này, ngài Huyền Trang đã được Giới Nhật vương mời làm vị luận chủ để tranh luận và xiển dương giáo pháp đại thừa. Ngài bèn đề xuất luận văn “Chân Duy Thức Lượng”, treo ngay ngoài cửa hội trường. Trải qua 18 ngày mà không một nhà luận sư nào viết bài vấn nạn hay bắt bẻ được. Thế là đại pháp hội hoàn mãn, Giới Nhật vương vô cùng sùng kính, và cả 18 vị quốc vương đều xin qui y làm đệ tử ngài. Tên tuổi ngài làm chấn động khắp lãnh thổ Ấn-độ, phái đại thừa thì tôn ngài là “Đại thừa thiên”, phái tiểu thừa thì tôn ngài là “Giải thoát thiên”. Sau đó, ngài quyết định giã từ Ấn-độ để về nước, Giới Nhật vương cố lưu thế nào cũng không được, bèn cùng với 18 vị quốc vương tổ chức đại hội vô già trong suốt 75 ngày, để cúng dường và tiễn ngài lên đường. Đó là năm 643, ngài chính thức từ biệt các vị quốc vương, đi về hướng Tây-Bắc, qua A-phú-hãn, tiến về Đông vào Sớ-lặc, rồi theo con đường phía Nam rặng Thiên-sơn (phía Nam tỉnh Tân-cương ngày nay) để về Trường-an.
Đó là năm 645, tức 17 năm sau ngày xuất hành. Vua Đường Thái-tông (627-649) cùng bá quan văn võ đã nghinh đón ngài vào hoàng thành vô cùng trọng thể. Vua Thái-tông (và cả Cao-tông sau này) đã ban tặng ngài tôn hiệu Tam Tạng Pháp Sư, thỉnh ngài ở luôn trong đại nội để được thường xuyên cúng dường. Đã hai lần vua Thái-tông khuyên ngài bỏ đời sống tu hành để giúp việc triều chính, nhưng ngài dứt khoát chối từ, quyết giữ chiếc áo cà sa để phụng sự Đạo Pháp. Không thể làm sao hơn, nhà vua chỉ còn biết tôn trọng ý chí của ngài, và một lòng trợ giúp ngài trong việc phiên dịch kinh điển. Ban đầu nhà vua mời ngài trú tại chùa Hoằng-phúc, sau lại xây viện Dịch-kinh ở chùa Đại-từ-ân, sau nữa là chùa Tây-minh và cung Ngọc-hoa; đều là những nơi ngài ở để dịch các kinh luận mà ngài đã mang về từ Thiên-trúc. Ngài viên tịch vào năm 664 tại cung Ngọc-hoa, thế thọ 65 tuổi. Vua Cao-tông (650-683) rất mực thương tiếc, bãi triều 3 ngày để làm lễ quốc táng ngài, cùng truy tặng đạo hiệu là Đại Biến Giác.
Môn đệ của ngài đông tới mấy ngàn người, trong đó, các ngài Khuy Cơ, Viên Trắc, Phổ Quang, Pháp Bảo, Tôn Triết, Đạo Chiêu, v.v... là những nhân vật rất quan trọng. Riêng ngài Khuy Cơ (cũng gọi là Từ Ân đại sư) đã được coi là vị đệ tử thượng thủ của ngài, đã cùng với ngài lập nên tông Pháp Tướng để truyền bá tư tưởng Duy Thức ở Trung-quốc và các nước vùng Đông-Nam-Á.
Về sự nghiệp dịch kinh của ngài, suốt trong 20 năm (645-664), trải từ triều Thái-tông sang triều Cao-tông, ngài đã dịch được tất cả 75 bộ kinh luận, gồm 1.335 quyển; trong đó, bộ Kinh Đại Bát Nhã (600 quyển), bộ Luận Đại Tì Bà Sa (200 quyển) và bộ Luận Du Già Sư Địa (100 quyển), là đồ sộ hơn hết. Có thể nói, tất cả sở học của ngài ở Ấn-độ, đều được truyền hết về Trung-quốc. Tất cả công trình phiên dịch của ngài đều được triều đình bảo hộ, coi đó là sự nghiệp của quốc gia; bởi vậy, dịch trường của ngài đã được tổ chức thật qui mô, trật tự, lại được rất nhiều bậc danh tăng và quần thần tham gia. Về phương pháp phiên dịch, ngài chủ trương dịch sát nghĩa (chữ nào nghĩa nấy), thật trung thành với nguyên văn, khác với cách dịch cốt “đạt ý” ở thời trước như ngài Cưu Ma La Thập, v.v... Vì vậy, các nhà dịch kinh đời sau thường lấy thời đại của ngài làm mốc, gọi kinh điển được dịch từ ngài Huyền Trang trở về sau là “tân dịch” (theo lối dịch mới); trước đó là “cựu dịch” (theo lối dịch cũ).
Ngoài sự nghiệp phiên dịch vĩ đại ấy, ngài còn soạn bộ Đại Đường Tây Vức Kí (12 quyển), trong đó ghi chép tất cả những sự kiện về địa lí, lịch sử, tôn giáo, truyền thuyết, thần thoại, nhân tình, phọng tục, v.v... của 138 quốc gia từ vùng Tây-vức sang Ấn-độ đến Tích-lan; trong số đó, có 110 quốc gia đã do chính bản thân ngài đã đi đến ở lại, thăm viếng, còn 20 quốc gia là do ngài được đọc tài liệu hoặc nghe kể lại. Đối với lịch sử Phật giáo, cũng như đối với nền văn hóa, sử địa cổ đại của vùng Tây-vức, Ấn-độ, Trung và Nam-Á, đồng thời, đối với những chứng liệu về lịch sử giao thông giữa Tây-vức và Trung-quốc, sách Đại Đường Tây Vức Kí này có một giá trị cực cao; bởi vậy, nó đã được các nhà học giả Đông, Tây đều coi trọng, trân quí. Thật ra, tác phẩm Đại Đường Tây Vức Kí này là do ngài Huyền Trang kể lại các sự việc mà ngài đã từng trải (trong đó có phần dịch lại những tài liệu ngài đã đọc hoặc đã nghe), rồi ngài Biện Cơ (?-?, một trong những vị cao tăng giữ nhiệm vụ “xuyết văn” trong dịch trường của ngài Huyền Trang) ghi chép, chỉnh đốn lại mà thành sách; đó là lí do tại sao mà trong Tạng Đại Chánh (quyển 51, số 2087), sách này đã được ghi là do “Đường Huyền Trang dịch, Biện Cơ soạn”.
Sau khi ngài viên tịch, vua Đường Cao-tông cho xây tháp thờ di cốt ngài ở Phàn-xuyên (huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây). Về sau, khi Hoàng Sào khởi loạn chiếm Trường-an (năm 880), có người đã dời linh cốt của ngài xuống tận Nam-kinh để xây tháp thờ. Tháp này đến thời Thái-bình-thiên-quốc (1851-1864) thì bị hư hủy; từ đó mất dấu vết, không còn ai biết tới nữa. Đến thời kì Kháng-chiến Nhật-bản (1937-1945), người Nhật vào Nam-kinh, trong khi đào đất sửa đường, họ tìm thấy di cốt của ngài (1942), bèn đem về Nhật-bản thờ phụng. Sau Đại hội Phật giáo thế giới năm 1952, bộ phận xương sọ của ngài được giao trả về Đài-loan; năm 1961, ngôi chùa Huyền Trang đã được xây cất bên bờ đầm Nhật-nguyệt, tại huyện Nam-đầu, Đài-loan, để thờ linh cốt ấy của ngài.
Huyền Trang chịu đau đớn lúc lâm chung. Sách Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (quyển 10) chép: Mùa đông năm thứ 4 niên hiệu Hiển-khánh (tức năm 659 TL), pháp sư Huyền Trang dời đến Ngọc-hoa cung cư trú. Sang đầu năm sau (660), pháp sư bắt đầu dịch bộ Kinh Đại Bát Nhã. Trước khi khởi sự dịch bộ kinh đồ sộ này, ngài đã mở lời khích lệ chư tăng: “Huyền Trang nay đã 65 tuổi, tất là sẽ chết tại chùa này; mà bộ kinh này thì quá lớn, sợ rằng không dịch hết kịp. Vậy xin quí thầy hãy cố gắng hết sức, chớ nề lao khổ!” Đến mùa đông năm thứ 3 niên hiệu Long-sóc (663) thì bộ kinh được dịch hoàn tất, cả thảy gồm 600 quyển. Cuối năm đó, ngài tự biết sức khỏe đã quá yếu, cơn vô thường sắp đến, bèn gọi môn đồ dạy rằng: “Tôi đến chùa Ngọc-hoa vì vốn có duyên với kinh Bát Nhã. Nay kinh đã dịch xong thì sức người cũng đã kiệt. Sau khi tôi chết, quí thầy hãy làm tang lễ đơn giản, đem chôn ở nơi hẻo lánh tĩnh mịch. Cái thân bất tịnh này đừng nên để gần chùa làm gì!”
Sang ngày Mồng 1 tháng Giêng năm đầu niên hiệu Lân-đức (664), toàn chúng dịch kinh và tăng chúng chùa Ngọc-hoa lại ân cần xin ngài tiếp tục dịch bộ Kinh Đại Bảo Tích. Thấy đại chúng quá thành khẩn, ngài lại hoan hỉ cầm bút, nhưng chưa dịch được bao nhiêu thì ngài để bút xuống, xếp bản kinh chữ Phạn lại, nói với đại chúng rằng: “Bộ kinh này đồ sộ không thua gì bộ kinh Đại Bát Nhã. Huyền Trang tự biết sức mình, giờ chết cũng sắp đến rồi, không còn lâu nữa đâu! Bây giờ tôi chỉ muốn sang hang Chi-lan để lễ bái tạ từ Phật tượng mà thôi.” Rồi ngài rời dịch trường, đại chúng cùng đi theo ngài, lặng lẽ nhìn nhau rơi lệ. Lễ Phật xong ngài trở về chùa, ngưng hẳn việc dịch kinh, chuyên tinh hành đạo. Ngày Mồng 8 tháng Giêng, một vị đệ tử của ngài nằm mộng thấy một ngôi tháp đoan nghiêm cao lớn, tự nhiên đổ sụp xuống. Ông tỉnh dậy, rất lo sợ, lên trình giấc mộng cho ngài biết. Ngài bảo: “Đó là điềm ứng về tôi, không phải là thầy đâu!”. Buổi chiều hôm sau (ngày Mồng 9 tháng Giêng), nhân bước qua một cái rãnh ở sau phòng, ngài đã bị té, và bị thương nơi bắp đùi. Rồi ngài nằm liệt, hơi thở yếu dần.
Nửa đêm ngày Mồng 4 tháng Hai, vị thiền sư đang ngồi xem bệnh cho ngài, bỗng thấy có hai người cùng khiêng một đóa hoa sen lớn bằng bánh xe, màu sáng thanh khiết, đem đến trước mặt ngài nói rằng: “Ngài từ vô thỉ đến nay, có những ác nghiệp gì từng gây não hại cho chúng hữu tình, ngày nay nhân bị chút ít đau đớn này mà bao ác nghiệp ấy được tiêu trừ hết. Xin ngài hãy vui lên!” Lúc đó pháp sư Huyền Trang ngước lên nhìn hai người kia một chập lâu, rồi đưa bàn tay phải lên áp vào má, duỗi tay trái xuống để dọc theo bắp vế chân trái, xoay người đặt hông bên phải xuống giường, hai bàn chân chồng lên nhau, cứ tư thế mà nằm yên, không xoay trở, không cử động, dứt tuyệt ăn uống thuốc thang. Đến nửa đêm ngày Mồng 5, một vị môn đồ hỏi ngài: “Hòa Thượng quyết định vãng sinh về Nội-viện của đức Di Lặc chăng?” Ngài đáp: “Quyết định vãng sinh!” Nói dứt lời thì hơi thở yếu dần, một chốc sau thì an nhiên viên tịch.
Như vậy, theo sử liệu trên đây thì ngài Huyền Trang thọ 69 tuổi; tính ra, năm sinh của ngài là năm 596. Tuy nhiên, về tuổi thọ của ngài, nhiều thuyết nói khác nhau: như là 56 tuổi, 61 tuổi, 63 tuổi, 65 tuổi, hoặc 69 tuổi.
Hư vọng: nghĩa là không chân thật. Những cảnh đã từng trông thấy, vốn không thật có, chỉ là do thức biến hiện, rồi nhân đó mà ghi nhớ trong tâm như cảnh hiện ở trước mặt (lại cũng không có thật), cho nên gọi là hư vọng.
Hương hỏa: chỉ cho nhang đèn thắp cúng trong chùa. Các chùa viện có đông đảo tín đồ thì gọi là “hương hỏa vượng thạnh”.
Hương kì: là các ngày lễ vía của chư Phật hay Bồ-tát, như lễ Phật Đản, lễ Phật Thành Đạo, ngày vía đức Di Lặc, đức Quán Thế Âm v.v...; hoặc các ngày hội lớn hàng năm tại các chùa viện, như ngày hội Vu Lan, ngày hội Pháp Hoa, ngày hội Dược Sư, ngày Kị Tổ v.v...
Hướng và quả. Bốn quả vị Thanh-văn, mỗi quả vị có hai giai đoạn: giai đoạn tu tập, hướng tới, gọi là “hướng”; và giai đoạn chứng đắc, gọi là “quả”. Theo đó, bốn quả vị Thanh-văn gồm có bốn Hướng và bốn Quả như sau: Dự-lưu-hướng, Dự-lưu-quả; Nhất-lai-hướng, Nhất-lai-quả; Bất-hoàn-hướng, Bất-hoàn-quả; A-la-hán-hướng, A-la-hán-quả. Như vậy, mỗi quả vị Thanh-văn là một đôi, gồm hai hạng hành giả; và bốn quả vị Thanh-văn là bốn đôi, gồm tám hạng hành giả; do đó, bốn hướng bốn quả cũng gọi là “bốn đôi tám hạng” (tứ song bát bối).
Hữu 1. Do nhân mà có quả sinh ra, cho nên quả cũng được gọi là “hữu”; như gọi ba cõi là “ba hữu”, hay “chín hữu” v.v..., nghĩa là có phiền não sinh tử vậy.
Hữu 2. “Hữu” là chi thứ mười trong “mười hai nhân duyên”. Vì ái nhiễm và cố bám giữ lấy đối tượng cho nên đã tạo ra các nghiệp nhân (thiện và bất thiện) ở đời này; để rồi sẽ nhận chịu các nghiệp quả (vui sướng hay khổ đau, cũng tức là các cảnh giới của các loài chúng sinh khác nhau – lục đạo) ở đời sau. Các nhân quả báo ứng này nối tiếp nhau không bao giờ mất, cho nên gọi là “hữu”.
Hữu 3: nghĩa là sinh tồn, tồn tại. Trong giáo lí đạo Phật, chữ “hữu” được dùng trong một phạm vi rất rộng. Trước hết, chữ “hữu” nghĩa là có – đối lại là không, hay trống rỗng; trong trường hợp này, hữu là biểu thị sự có mặt, sự tồn tại của vạn pháp trong vũ trụ, cho nên vạn pháp cũng gọi là “vạn hữu”. Phái Hữu Bộ cho rằng, các pháp là thật có, và ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) cũng thật có, gọi là chủ trương “thật hữu”. Nhưng tông Duy Thức thì nhận định rằng, các pháp có mặt là do nhân duyên giả hợp mà có, tự tánh của chúng là “y tha khởi”, cho nên sự có mặt của vạn pháp chỉ là “giả hữu”. Khi đã nhận chân được tính chất “giả hữu” (tức tính “y tha khởi”) ấy, thì tự tánh “viên thành thật” của vạn pháp hiển lộ. Tính viên thành thật này mới là thật tánh thường còn, không sinh diệt (tức là chân như) của vạn pháp, gọi là “thật hữu”, “diệu hữu”, hay “chân hữu”.
Chữ “hữu” cũng dùng để chỉ cho các cảnh giới còn trong vòng sinh tử luân hồi, không giải thoát. Vì vậy, ba cõi (tam giới) cũng được gọi là “ba hữu” (tam hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô-sắc hữu). Ba cõi chia nhỏ ra thì có 25 cõi, gọi là “25 hữu” (nhị thập ngũ hữu: Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Bàng-sinh, A-tu-la, Đông Thắng-thân châu, Nam Thiệm-bộ châu, Tây Ngưu-hóa châu, Bắc Câu-lô châu, Tứ-thiên-vương thiên, Đao-lợi thiên, Đâu-suất thiên, Dạ-ma thiên, Hóa-lạc thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên, Sơ-thiền thiên, Đại-Phạm thiên, Nhị-thiền thiên, Tam-thiền thiên, Tứ-thiền thiên, Vô-tưởng thiên, Ngũ Tịnh-cư thiên, Không-vô-biên-xứ thiên, Thức-vô-biên-xứ thiên, Vô-sở-hữu-xứ thiên, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiên); chia nhỏ hơn nữa thì có 29 cõi, gọi là “29 hữu” (nhị thập cửu hữu: cũng 25 hữu trên, nhưng đem Ngũ Tịnh-cư thiên chia ra thành 5 hữu: Vô-phiền thiên, Vô-nhiệt thiên, Thiện-kiến thiên, Thiện-hiện thiên, Sắc-cứu-cánh thiên). Những nghiệp nhân (thiện, ác) dẫn đến thọ các quả báo (thiện ác) ở các cảnh giới này, gọi là nhân hữu lậu và quả báo hữu lậu.
Tất cả vạn hữu tồn tại với các trạng thái không giống nhau, bởi vậy, Luận Đại Trí Độ đã phân tích có ba loại hữu (tam chủng hữu): 1) Vạn pháp tồn tại trong các hình thái đối đãi nhau, như dài ngắn, lớn nhỏ, cao thấp, nóng lạnh v.v..., gọi là “tương đãi hữu”. 2) Vạn pháp tồn tại do nhiều nhân duyên giả hợp mà thành, không có thật thể mà chỉ có giả danh, gọi là “giả danh hữu”. 3) Vạn pháp do nhân duyên sinh, tuy không có tự tánh nhưng vẫn là giả có, chứ không phải hoàn toàn trống rỗng, không có gì, gọi là “pháp hữu”.
Tất cả các loài hữu tình luôn luôn luân chuyển trong vòng luân hồi sinh tử, sinh rồi tử, tử rồi sinh; và mỗi lần sinh tử đều phải trải qua bốn giai đoạn, gọi là “bốn hữu” (tứ hữu): 1) tử hữu (phút lâm chung của đời sống trước); 2) trung hữu (tức thân trung ấm, là giai đoạn từ sau khi xả bỏ thân mạng ở đời trước cho đến khi đầu thai ở đời này); 3) sinh hữu (giây phút dầu tiên đầu thai); 4) bản hữu (mạng sống đời này từ sau khi đầu thai cho đến phút lâm chung).
Hữu ái: luyến ái ba cõi.
Hữu Bộ: (Xem mục “Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”.)
Hữu dư niết bàn (sopadhisesa-nirvana) - Vô dư niết bàn (nirupadhisesa-nirvana). Từ “hữu dư” có nghĩa là còn sót lại, chưa đến chỗ rốt ráo hoàn toàn; đối lại là “vô dư”, có nghĩa là đạt đến chỗ rốt ráo hoàn toàn. Bậc A-la-hán phiền não đã dứt hết, đã thoát li sinh tử, nhưng thân thể vẫn còn đó, gọi là “hữu dư niết bàn”, hay “hữu dư y niết bàn” – ý nói, cái nhân sinh tử tuy đã hết, nhưng vẫn còn thừa lại cái “y thân” (tức thân thể) hữu lậu; đợi cho đến khi cái “y thân” này cũng mất, thì gọi là “vô dư niết bàn”, hay “vô dư y niết bàn”.
Hữu-hành-bát. Sau khi sinh lên cõi Sắc, trải qua một thời gian dài tu hành tích lũy công đức, rồi đoạn trừ số phiền não còn lại mà nhập niết bàn, gọi là “Hữu-hành-bát”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 10 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn-thừa.
Hữu-học. Đối lại với bậc Vô-học là bậc Hữu-học. Đệ tử Phật, tuy đã hiểu biết Phật pháp, nhưng phiền não chưa trừ, cho nên còn phải gắng công tu học các pháp giới, định, tuệ, v.v... để đoạn trừ phiền não, chứng quả lậu tận. Vì còn có pháp môn để tu học và còn phải nỗ lực tu học, cho nên gọi là “hữu học”. Các hành giả chứng nhập bốn hướng bốn quả của Thanh-văn thừa đều đã là thánh nhân, nhưng ở bốn hướng và ba quả đầu vẫn còn là bậc Hữu-học; chỉ có quả A-la-hán mới là bậc Vô-học. Theo kinh Trung A Hàm, bậc Hữu-học có mười tám hạng: 1) Hạng Tùy-tín-hành: chỉ cho các hành giả độn căn ở bậc Kiến-đạo của thừa Thanh-văn. Quí vị này nương vào người khác để được nghe giáo pháp của Phật, nhờ đó mà sinh lòng tin; do có lòng tin mà tu hành. 2) Hạng Tùy-pháp-hành: chỉ cho các hành giả lợi căn ở bậc Kiến-đạo của thừa Thanh-văn. Quí vị này tự mình phát huy trí tuệ, xem kinh giáo, suy nghĩ chín chắn, rồi y theo nghĩa lí mà tu hành. 3) Hạng Tín-giải: “Tín giải” nghĩa là nhờ vào lòng tin thù thắng mà có được trí hiểu biết thù thắng, Đây là các hành giả độn căn ở bậc Kiến-đạo, sau khi viên mãn Tùy-tín-hành thì bước lên bậc Tu-đạo, gọi là “Tín-giải”. 4) Hạng Kiến-chí: cũng gọi là “Kiến-đáo”, nghĩa là do trí tuệ thù thắng mà chứng đạt chân lí. Đây là các hành giả lợi căn ở bậc Kiến-đạo, sau khi viên mãn Tùy-pháp-hành thì bước lên bậc Tu-đạo, gọi là “Kiến-chí”. 5) Hạng Gia-gia: Ở quả vị Nhất-lai (Tư-đà-hàm), khi hành giả chưa chứng quả thì gọi là “Nhất-lai-hướng” (đang hướng đến quả Nhất-lai). Hành giả ở giai đoạn Nhất-lai-hướng này, vì chỉ mới đoạn trừ được ba hay bốn phẩm tư hoặc đầu (của chín phẩm) của Dục giới, nên còn phải sinh đi sinh lại nhiều lần từ cõi người lên cõi trời, và từ cõi trời xuống cõi người, để tu tập cho đến khi chứng quả Vô-sinh (A-la-hán). Bởi vậy, các hành giả này được gọi là “gia-gia” (có nghĩa là từ nhà này sang nhà khác – tức là từ nhà người lên nhà trời, và từ nhà trời xuống nhà người). 6) Hạng Nhất-gián: Hành giả đã chứng đắc quả Nhất-lai, tiếp tục tu tập để đoạn trừ nốt ba phẩm tư hoặc cuối cùng của Dục giới để chứng đạt quả Bất-hoàn (A-na-hàm); khi đang tu tập thì gọi là “Bất-hoàn-hướng” (đang hướng đến quả Bất-hoàn). Trong giai đoạn này, khi hành giả đã đoạn trừ được bảy hay tám phẩm tư hoặc (trong chín phẩm), thì còn một hay hai phẩm nữa phải đoạn trừ. Để hoàn tất viên mãn giai đoạn này, hành giả phải thọ sinh trở lại trong một cõi trời Dục giới để tu tập, cho nên gọi là “Nhất-gián”. (Chữ “gián” nghĩa là gián cách; tức là phải cách một đời mới chứng quả.) 7) Hạng Thân-chứng: Khi chứng đắc quả Bất-hoàn, hành giả nhập vào diệt tận định mà thân chứng được pháp lạc tịch tịnh giống như niết bàn. 8) Hạng Dự-lưu-hướng: Hành giả đã vượt khỏi địa vị phàm phu, tiến vào bậc Kiến-đạo, đang tu tập để tiến đến chứng quả Dự-lưu (Tu-đà-hoàn). 9) Hạng Dự-lưu-quả: Hành giả đã chứng quả Dự-lưu – cũng gọi là “Sơ-quả”. 10) Hạng Nhất-lai-hướng: Hành giả đã chứng quả Dự-lưu, đang tu tập để hướng đến quả Nhất-lai. 11) Hạng Nhất-lai-quả: Hành giả đã chứng đắc quả Nhất-lai. 12) Hạng Bất-hoàn-hướng: Hành giả đã chứng quả Nhất-lai, đang tu tập để tiến đến quả Bất-hoàn. 13) Hạng Bất-hoàn-quả: Hành giả đã chứng đắc quả Bất-hoàn. 14) Hạng Trung-bát: “Trung” là chỉ cho thân “trung hữu”, hay “trung ấm”; “bát” tức là nhập niết bàn. Hành giả đã chứng quả Bất-hoàn, khi viên tịch ở cõi Dục liền sinh lên cõi Sắc; tại đây, thân trung hữu của hành giả liền nhập niết bàn, cho nên gọi là “Trung-bát”. 15) Hạng Sinh-bát: Hành giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc, sau đó không lâu thì phát khởi thánh đạo, đoạn trừ các hoặc của cõi Vô-sắc mà nhập niết bàn, gọi là “Sinh-bát”. 16) Hạng Hữu-hành-bát: Hành giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc, rồi phải trải qua một thời gian dài gắng công tu tập thêm, mới nhập niết bàn, gọi là “Hữu-hành-bát”. 17) Hạng Vô-hành-bát: Hành giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc, nhưng không gắng công tu tập thêm, lần lữa trải qua thời gian rồi nhập niết bàn, gọi là “Vô-hành-bát”. 18) Hạng Thượng-lưu-bát: Hành giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc; trước tiên sinh vào cõi trời Sơ-thiền, sau đó dần dần sinh lên các cõi trời cao hơn của cõi Sắc, cuối cùng, đến cõi Sắc-cứu-cánh (hoặc Hữu-đỉnh) thì nhập niết bàn, gọi là “Thượng-lưu-bát”.
Hữu lậu. “Lậu” là một tên gọi khác của “phiền não”. Những sự vật gì mang tính chất của phiền não thì gọi là “hữu lậu”. Người có tu tập thì có phước báo, nhưng nếu chỉ tu năm giới, mười điều lành thì chỉ hưởng được phước báo ở các cõi Người và Trời. Vì hai cõi này vẫn còn ở trong vòng sinh tử luân hồi của ba cõi, cho nên những phước báo ở đây được gọi là “phước báo hữu lậu”. Nếu tu tập hạnh Bồ-tát, phát triển trí tuệ siêu việt, thoát li ba cõi, giải thoát sinh tử luân hồi, thì gọi là “phước báo vô lậu”.
Hữu phú: có nhiễm ô, bị ngăn che.
Hữu tình: chỉ cho tất cả các loài chúng sinh có tình thức, như trời, người, súc vật, v.v...
Hữu tình nói pháp – Vô tình nói pháp. Phật, Bồ-tát, thánh hiền, thiện tri thức nói pháp, đó là hữu tình nói pháp; đến như hoa rơi, lá rụng, sao sáng, phướn động, người căn tánh nhạy bén quán sát những hiện tượng ấy cũng có thể chứng nhập đệ nhất nghĩa không, liễu ngộ tông chỉ vô sinh, đó là vô tình thuyết pháp. Cho nên, khắp cả đại địa và mọi loài mọi vật, không lúc nào là không nói pháp.
Hữu tông: là một học phái đại thừa, chủ trương vạn pháp là thật có, lấy giáo lí Duy Thức của tông Pháp Tướng làm căn bản. Đối lại là “Không tông”. (Xem mục “Cuộc Tranh Luận giữa Không và Hữu”.)