Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

C

21/11/201204:55(Xem: 2910)
C

TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC

Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

C

Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapamatanga – ?-73 s. TL): cũng gọi là Nhiếp Ma Đằng, hay gọi tắt là Ma Đằng, theo lịch sử Phật giáo Trung-quốc, là vị cao tăng Ấn-độ đầu tiên truyền bá đạo Phật vào Trung-quốc. Ngài là người miền Trung Ấn-độ, sinh trong một gia đình dòng dõi Bà-la-môn, học thông cả các kinh điển tiểu và đại thừa, đã từng đến miền Tây- Ấn giảng Kinh Kim Quang Minh, giúp cho các nước trong vùng tránh được cái họa chiến tranh. Năm 67 s. TL, đáp ứng lời thỉnh cầu của vua Minh đế (58-75) đời Hậu-Hán (25-220), ngài đã cùng với ngài Trúc Pháp Lan, đem kinh tượng sang Lạc-dương (kinh đô của nhà Hậu-Hán), ở tại chùa Bạch-mã, khởi đầu công cuộc dịch kinh từ Phạn văn ra Hán văn, truyền bá Phật pháp. Năm 72, gần 700 đạo sĩ (đạo Lão) dâng sớ xin vua cho dùng lửa để thử nghiệm hơn thua giữa Đạo giáo và Phật giáo. Vua Minh đế y lời, cho lập đàn, đem kinh sách của hai tôn giáo ra đốt; kết quả, các sách Đạo đều cháy thành tro, còn kinh Phật thì vẫn nguyên vẹn. Ngài cùng với Pháp Lan, nhân đó, đứng ra tuyên dương công đức của chư Phật, làm cho những người có mặt tại hiện trường đều nhất tề qui y Phật pháp. Năm sau đó ngài thị tịch tại Lạc-dương; không rõ tuổi thọ.

Ca Đa Diễn Ni Tử (Katyayaniputra): cũng gọi là Ca Chiên Diên Tử, vốn xuất thân từ chốn danh môn của đạo Bà-la-môn, sau xuất gia theo Thượng Tọa Bộ Phật giáo, và trở thành vị đại luận sư của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, có ảnh hưởng lớn ở khắp vùng Tây-Bắc Ấn. Về niên đại xuất thế của ngài, các tài liệu đều nói không giống nhau: hoặc là đầu thế kỉ 3 PL, hoặc là giữa thế kỉ 3 PL, hoặc là cuối thế kỉ 3 PL; thậm chí có thuyết còn nói là giữa thế kỉ 5 PL. Nhưng, như phần nhiều các tài liệu đều công nhận, thì vào đầu thế kỉ thứ 3 PL, với chủ trương lấy Luận tạng làm chính yếu (chống lại chủ trương lấy Kinh tạng làm chính yếu của Thượng Tọa Bộ), Ca Đa Diễn Ni Tử đã thành lập Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (gọi tắt là Hữu Bộ – là bộ phái đầu tiên tách khỏi Thượng Tọa Bộ); do đó, “đầu thế kỉ thứ 3 PL” có thể được coi là niên đại xuất thế của ngài chính xác hơn cả. Ca Đa Diễn Ni Tử là một bậc thạc học Phật giáo, tinh thông Ba Tạng, là đồ chúng của Thượng Tọa Bộ nhưng lại không thích chủ trương thiên trọng Kinh tạng của Thượng Tọa Bộ; bởi vậy, ngài đã chủ trương hoằng dương Luận tạng. Ngài soạn bộ A Tì Đạt Ma Phát Trí Luận (Abhidharma Jnanaprathana Sastra), vừa để đối kháng với tân thuyết của Đại Chúng Bộ, vừa để đả phá các học thuyết thuộc hai phái Thắng Luận và Số Luận của ngoại đạo (rất hay công kích Phật giáo); và quan trọng hơn cả, bộ luận này đã được soạn để làm giáo lí nền tảng cho Hữu Bộ, và ngài trở thành vị giáo tổ của Hữu Bộ. Bộ Luận Phát Trí này, về sau, dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca, đã được ngài Thế Hữu cùng 500 vị A-la-hán giải thích, biên tập thành bộ luận A Tì Đạt Ma Đại Tì Bà Sa (Abhidharma Mahavibhasa Sastra).

Ca Nặc Ca: hay Ca Nặc Ca Mâu Ni, tức là Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni), tên của đức Phật thứ năm trong bảy đức Phật đời quá khứ; lại là đức Phật thứ nhì trong một ngàn đức Phật trong Hiền kiếp. Vậy, với thánh tích kì bí được kể trong câu chuyện pháp sư Ngộ Đạt (xem mục “Ngộ Đạt”), tôn giả Ca Nặc Ca là một hóa thân của đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni chăng?

Ca Nị Sắc Ca (Kaniska): là vị vua đời thứ ba của vương triều Quí-sương (Kusana), thời cổ Ấn-độ. Đế quốc của ông rộng lớn không thua gì đế quốc của vua A Dục trước đó; mà sự nghiệp bảo hộ Phật giáo của ông cũng được sánh ngang với vua A Dục. Điểm đặc biệt, cả hai ông đều là vua đời thứ ba của hai vương triều hùng mạnh bậc nhất thời cổ Ấn-độ: Khổng-tước và Quí-sương; mà cuộc đời trước và sau khi qui y Phật giáo của hai ông cũng từa tựa giống nhau (xem mục “A Dục”).
Nguyên, tổ tiên của vua Ca Nị Sắc Ca thuộc bộ tộc Nhục-chi (Kusana), sống ở vùng đất giữa Đôn-hoàng và Kì-liên sơn, Tây-Bắc Trung-quốc. Khoảng năm 130 tr. TL, tộc Nhục-chi bị tộc Hung-nô đánh đuổi, phải chạy tới nước Đại-hạ (Bactria – ngày nay là địa phận nước A-phú-hãn) của tộc Đổ-hóa-la (Tukhara), và chiếm nước ấy mà lập nên nước Nhục-chi (hay Đại-nhục-chi). Nước Nhục-chi lúc ấy chia làm năm chư hầu. Đến khoảng giữa thế kỉ thứ 1 tr. TL, trong năm chư hầu đó, có Quí-sương hầu là hùng mạnh hơn cả. Trưởng bộ tộc Quí-sương là Khâu Tựu Khước (Kujulakadphises) diệt bốn chư hầu kia, tự lập làm vua, đổi tên nước Nhục-chi thành Quí-sương (nhưng người Trung-quốc vẫn quen gọi là nước Nhục-chi), sáng lập vương triều Quí-sương. Tiếp đến lại chinh phục nước An-tức (Parthia, tức Iran ngày nay), thôn tính Cao-phụ (Kabul), diệt Bộc-đạt (Baghdad), Kế-tân (Dardisthan), chiếm luôn miền Panjab của Ấn-độ. Sau khi vua Khâu Tựu Khước băng, người con là Diêm Cao Trân (Vimakadphises) kế nghiệp, lại mang quân đi chinh phục các nơi, chiếm nước Kiền-đà-la (Gandhara) và các nước trong vùng Ngũ-hà, Tây và Bắc Ấn-độ, uy thế lừng lẫy, trở thành một đế quốc rộng lớn trong vùng Trung-Á. Đó là thời kì cực thịnh của dân tộc Nhục-chi. Ca Nị Sắc Ca là đời vua thứ ba của vương triều Quí-sương, đã thừa kế đế quốc vĩ đại đó.
Về niên đại tức vị của vua Ca Nị Sắc Ca, nhiều thuyết nói khác nhau, nhưng thuyết được nhiều học giả cận đại đồng ý là khoảng đầu thế kỉ thứ 2 TL. Sau khi tức vị, nhà vua đem quân vào vùng Trung-Ấn, chiếm thành Ba-liên-phất, rồi dời thủ đô của nước Nhục-chi (tức Quí-sương) từ Trung-Á về thành Bố-lộ-sa (Purusapura – nay là thành phố Peshawar, nước Pakistan) thuộc nước Kiền-đà-la – bởi vậy, vào thời đó, nước Kiền-đà-la cũng được gọi là Nhục-chi. Ông lại cho xây thành Ca-nị-sắc-ca ở nước Ca-thấp-di-la (Kasmira); chiếm cả lãnh thổ của nhà Hậu-Hán (Trung-quốc) như Sớ-lặc (Kashgar), Xa-sa (Yarkand), Vu-điền (Khotan), làm cho đế quốc Quí-sương càng được mở rộng thêm, phía Đông (kể từ thành Bố-lộ-sa) đến cao nguyên Pamir, phía Nam từ lưu vực Ngũ-hà đến rặng núi Tần-đà (Vindhya), phía Bắc tới sông Amu Daria và vùng Trung-Á, phía Tây tới An-tức (tức nước Iran ngày nay).
Triều đại của vua Ca Nị Sắc Ca đã tiếp xúc mật thiết với các nền văn hóa của Trung-quốc, Hi-lạp và La-mã, tạo nên sự dung hợp văn hóa Đông-Tây, để hình thành nền mĩ thuật Kiền-đà-la, tức nền mĩ thuật Phật giáo đặc thù mang thể thức Hi-lạp.
Trong lịch sử Phật giáo Ấn-độ, vua Ca Nị Sắc Ca được coi là vị vua tin Phật thuần thành và nhiệt tâm hộ trì Phật pháp ngang bằng với vua A Dục. Lúc đầu ông là tín đồ của Bái-hỏa giáo (Zarathustra), khinh thị Phật pháp, không tin nhân quả tội phước; về sau được Bồ Tát Mã Minh cảm hóa mà qui y Tam Bảo. Ông tôn Hiếp tôn giả (Parsva) làm thầy, và dốc lòng bảo hộ Phật giáo. Đương thời, giáo lí Hữu Bộ đang thịnh hành, nên ông cực lực ủng hộ, xây cất nhiều tự viện cho Hữu Bộ. Ông đã noi theo hạnh nguyện của vua A Dục, xây rất nhiều tháp thờ xá lợi Phật. Trong thời đại của ông, Phật giáo được bành trướng còn rộng rãi hơn cả ở thời vua A Dục; rất nhiều vị cao tăng thạc đức xuất hiện, xúc tiến kết tập kinh điển đại thừa. Công đức nổi bật nhất của vua Ca Nị Sắc Ca đối với Phật giáo là sự bảo trợ cho kì kết tập thánh điển lần thứ tư, được cử hành tại Ca-thấp-di-la.
Tương truyền, cứ mỗi ngày nhà vua thỉnh một vị sư vào cung giảng kinh nói pháp, thấy giáo nghĩa mỗi vị nói không giống nhau, lấy làm ngờ vực, bèn thỉnh ý tôn giả Hiếp. Tôn giả nói, vì có nhiều bộ phái ra đời, chủ trương khác nhau, nên giáo nghĩa cũng khác nhau. Nhà vua nghe thế liền nảy ra ý nghĩ “nên thống nhất giáo nghĩa của các bộ phái”. Ông trình ý kiến ấy với Hiếp tôn giả, rồi phát nguyện tổ chức và bảo trợ đại hội kết tập kinh điển. Ông ban hành sắc lệnh triệu tập tất cả cao tăng học giả khắp vương quốc, từ đó chọn ra 500 vị cao đức bác học nhất, tinh thông Ba Tạng, hội họp tại Ca-thấp-di-la để kết tập kinh điển. Kì kết tập này do tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) làm thượng thủ, cùng với các tôn giả Hiếp (Parsva), Pháp Cứu (Dharmatrata), Giác Thiên (Buddha-deva) và Diệu Âm (Ghosa) đồng chủ tọa. Sau khi hoàn mãn, tất cả Kinh, Luật, Luận đều được khắc trên lá đồng, mười hai năm mới xong, được tàng trữ trong một ngôi tháp lớn, có người canh giữ cẩn thận. Tuy nhiên, số kinh luận đó cũng đã sớm bị mất mát; tương truyền, chỉ có bộ A Tì Đạt Ma Đại Tì Bà Sa Luận (gồm 200 quyển, tổng hợp các giáo nghĩa dị đồng của các bộ phái để hoàn thành giáo nghĩa của Hữu Bộ) là còn truyền lại, đã được pháp sư Huyền Trang (thế kỉ thứ 7) dịch ra Hán văn.
Vua Ca Nị Sắc Ca ở ngôi khoảng 30 năm thì mất. Tương truyền, vì lúc sinh tiền đã gây nhiều chinh chiến, chém giết quá nhiều, nên dù đã được Bồ Tát Mã Minh giáo hóa mà qui y Phật giáo, tạo nhiều công đức lớn lao, nhưng sau khi chết vẫn phải bị đọa lạc, làm thân con cá ngàn đầu trong biển cả. Đầu này bị chém lại sinh đầu khác, đau khổ cùng cực. Bấy giờ có vị A-la-hán, đương chức duy na, thỉnh mấy tiếng chuông. Con cá ngàn đầu nghe được tiếng chuông ấy, khổ đau liền dứt; bèn xin vị A-la-hán tiếp tục thỉnh chuông, bảng cho đến khi nghiệp báo hoàn toàn dứt sạch.

Ca-thấp-di-la (Kasmira): là một nước cổ ở lục địa Ấn-độ (nhà Hán của Trung-quốc từng gọi là nước Kế-tân, nhưng có thuyết cho rằng gọi như thế là không chính xác), tức nay là tỉnh Kashmir ở cực Bắc của nước Ấn-độ, trong vùng núi Hi-mã-lạp. Nước này được thành lập khoảng 2.400 năm tr. TL, có mối quan hệ với Phật giáo rất sớm. Đức Phật đã từng sai Tu Mạn La-hán đem tóc và móng tay của Ngài đến miền Nam nước này, lập chùa trong núi để thờ. Vua A Dục cũng từng phái tôn giả Mạt Xiển Đề (Majihantika) đến nước này bố giáo, và đã cho xây rất nhiều chùa tháp. Đây cũng là địa điểm kết tập kinh điển lần thứ tư (400 năm sau ngày Phật nhập diệt) do vua Ca Nị Sắc Ca bảo trợ, dưới sự chủ tọa của tôn giả Thế Hữu (Vasumitra). Sau đó, có một lúc Phật giáo bị bách hại, nhưng chẳng bao lâu lại phục hưng, và trở thành một căn cứ địa quan trọng của Phật giáo đại thừa. Các danh tăng từ nước này vào Trung-quốc dịch kinh có Tăng Già Đề Bà (Samghadeva – nửa sau thế kỉ thứ 4), Tăng Già Bạt Trừng (Samghabhuti – cuối thế kỉ thứ 4), Phật Đà Da Xá (Buddhayasas – đầu thế kỉ thứ 5), Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman – nửa đầu thế kỉ thứ 5), Phật Đà Đa La (đời Đường) v.v... Đại sư Huyền Trang, trên đường sang Ấn-độ du học, cũng đã ghé lại nước này vào năm 630, được vị quốc vương đương thời là Durlabhavardhana tiếp đãi trọng hậu. Trong thời gian lưu trú tại đây, đại sư đã được học các bộ luận Câu Xá, Thuận Chánh Lí, Nhân Minh và Thanh Minh, với các vị danh tăng cao đức của nước này. Vào thế kỉ 13, Ca-thấp-di-la bị Hồi giáo thôn tính, đặt dưới sự thống trị của nước A-phú-hãn. Đến năm 1846, cùng với toàn lãnh thổ Ấn-độ, đất này trở thành thuộc địa của nước Anh. Nước Ấn-độ được độc lập năm 1947, và Ca-thấp-di-la, tức Kashmir, là một tỉnh bang của nước Ấn-độ.

Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu): là kinh đô của vương quốc Thích-ca (Sakya), một trong những vương quốc trên bán đảo Ấn-độ thời Phật tại thế. Thuở đó, Thích-ca là một nước nhỏ, đất đai không phì nhiêu lắm, hết phân nửa lãnh thổ về phía Bắc là vùng cao nguyên, toàn đồi núi; phân nửa còn lại ở phía Nam là vùng đồng bằng. Kinh thành Ca-tì-la-vệ nằm trong vùng đồng bằng ấy. Vương quốc này ngày nay là địa phận xứ Tilorakot ở vùng Terai, miền Nam nước Nepal, giáp ranh giới phía Bắc của nước Ấn-độ.

Các hành vô thường (chư hành vô thường). Chữ “hành” ở đây chỉ cho mọi pháp hữu vi trong thế gian. Tất cả pháp hữu vi đều do nhân duyên giả hợp mà phát sinh. Một vật, từ khi không có, do các điều kiện kết hợp mà có, rồi khi các điều kiện tan rã thì hoại diệt, lại trở thành không; lúc có thì không phải thật có, lúc không thì cũng không phải thật không, không có tính đồng nhất thường còn, mà luôn luôn đổi thay, biến hóa, sinh diệt không ngừng. “Chư hành vô thường” là như vậy. Các chúng hữu tình thì không lúc nào là không ở trong 4 trạng thái sinh, lão, bệnh, tử; các chúng vô tình thì luôn luôn ở trong 4 trạng thái sinh, trụ, dị, diệt; tất cả thế giới thì không bao giờ rời khỏi 4 trạng thái thành, trụ, hoại, không; cho nên nói là “các hành đều vô thường”. Đó là một giáo lí căn bản của Phật giáo, hợp với hai giáo lí căn bản khác là “vạn pháp vô ngã” và “niết bàn tịch tịnh”, gọi là giáo lí “ba pháp ấn”. (Xem mục “Pháp Ấn”.)

Các pháp vô ngã (chư pháp vô ngã). Tất cả các pháp, hữu vi cũng như vô vi, hễ có khái niệm về “pháp”, đều không có thật thể của ngã, cho nên nói các pháp đều không có ngã. Câu nói này là một “pháp ấn” trong Phật giáo. (Xem mục “Pháp Ấn”.)

Các thuyết về “năm tạng”. Giáo điển trọn đời Phật dạy được phân làm năm loại, gọi là năm tạng; về phân loại, có nhiều thuyết khác nhau:
1) Theo kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa, năm tạng gồm có: Kinh tạng (nói về định tĩnh), Luật tạng (nói về giới luật), Luận tạng (nói về trí tuệ phân biệt tánh tướng), Bát-nhã-ba-la-mật-đa tạng (nói về trí tuệ chân thật của đại thừa), và Đà-la-ni tạng (các chân ngôn mật chú);
2) Năm tạng do Pháp Tạng bộ thành lập: Kinh tạng (nói về định tĩnh), Luật tạng (nói về giới luật), Luận tạng (nói về trí tuệ), Chú tạng (các mật chú), và Bồ-tát tạng (nói về các bản hạnh của Bồ-tát);
3) Năm tạng do Đại Chúng Bộ thành lập: Kinh, Luật, Luận, Tạp-tập, và Cấm-chú;
4) Năm tạng do bộ Luận Thành Thật thành lập: Kinh, Luật, Luận, Tạp-tập, và Bồ-tát;
5) Năm tạng do Độc Tử Bộ thành lập thì hoàn toàn khác biệt. Theo thế giới quan của Độc Tử Bộ, vũ trụ vạn hữu được phân làm năm loại, gọi là “năm pháp tạng” (hay nói tắt là năm tạng), gồm có: Quá-khứ tạng, Hiện-tại tạng, Vị-lai tạng, Vô-vi tạng, và Bất-khả-thuyết tạng. Ba tạng trước thuộc về các tập hợp của pháp hữu vi, gọi là Tam-thế tạng, cũng gọi là Hữu-vi tụ; Vô-vi tạng tập hợp các pháp vô vi, gọi là Vô-vi tụ; Bất-khả-thuyết tạng tập hợp các pháp không phải hữu vi cũng không phải vô vi, gọi là Phi-hữu-vi-phi-vô-vi tụ, hay gọi tắt là Phi-nhị tụ.

Cảnh sở duyên gián tiếp (sơ sở duyên duyên). Trước hết là thuật ngữ “sở duyên duyên”. Danh từ này gồm hai danh từ “sở-duyên” và “duyên” nhập lại. Sở duyên là đối tượng của nhận thức; và duyên nghĩa là điều kiện. Duy Thức Học nói, nhận thức luôn luôn bao gồm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức; nói cách khác, biết thì luôn luôn phải là biết cái gì, không thể biết suông. Nhận thức luôn luôn phải là nhận thức một đối tượng, cho nên, không có đối tượng thì không thể có nhận thức. Tóm lại, “sở duyên duyên” là cảnh sở duyên, là đối tượng của tác dụng nhận thức của tâm và tâm sở. Chữ “sơ” nghĩa là thưa thớt, xa lạ, không gần gũi; ở đây có nghĩa là gián tiếp. Theo tông Duy Thức, thể tánh của cảnh sở duyên (sở duyên duyên) có hai loại: gián tiếp (sơ) và trực tiếp (thân). Trong trường hợp cảnh sở duyên cùng với thức năng duyên xa cách nhau, thức năng duyên phải nương vào cảnh sở biến của thức năng biến khác của tự thân hoặc thức năng biến của người khác, lấy đó làm bản chất để duyên; như thế là duyên một cách gián tiếp, cho nên cảnh sở duyên đó được gọi là “sơ sở duyên duyên”. Ví dụ: Núi sông đất liền, trời trăng mây gió v.v... đều là cảnh sở biến của thức năng biến a-lại-da, nhãn thức nương vào đó và lấy đó làm bản chất để duyên (nhận thức, thấy biết). Trong trường hợp này, nói theo thuật ngữ Duy Thức Học, núi sông đất liền v.v... chính là “sơ sở duyên duyên” (cảnh sở duyên gián tiếp) của nhãn thức.

Cảnh sở duyên trực tiếp (thân sở duyên duyên). Đối lại với cảnh sở duyên gián tiếp (xem mục “Cảnh Sở Duyên Gián Tiếp”) là cảnh sở duyên trực tiếp. Chữ “thân” nghĩa là gần gũi, không xa cách, có quan hệ trực tiếp. Chẳng hạn, khi ý thức duyên ngay với những ảnh tượng do nó biến hiện ra, trực tiếp, gần gũi, không xa cách, thì các “ảnh tượng” đó chính là “thân sở duyên duyên” (cảnh sở duyên trực tiếp) của ý thức.

Cáp-viên (Kapotika-samgharama): là tên tinh xá, có hai nơi:
1) Tinh xá Cáp-viên ở phía Đông của nước Ma-kiệt-đà. Tương truyền, trong một kiếp đời quá khứ, đức Phật đã từng là chim bồ câu (cáp), vì muốn hướng dẫn thợ săn theo về chánh đạo mà bay vào lửa chết nơi đó.
2) Tinh xá Cáp-viên ở nước Ca-thấp-di-la. Vua A Dục đã xây tinh xá Kê-viên ở thành Ba-liên-phất để chư tăng cư trú. Theo Luận Đại Tì Bà Sa, sau khi xảy ra sự phân rẽ giáo đoàn thành hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng, những vị thuộc Thượng Tọa Bộ đồng loạt bỏ chùa Kê-viên để sang nước Ca-thấp-di-la lập cơ sở hành đạo. Vua A Dục, dù đứng về lập trường của Đại Chúng Bộ, vẫn thành tâm hộ trì Thượng Tọa Bộ; bèn cho xây tinh xá Cáp-viên ở ngay nước Ca-thấp-di-la để cúng dường, làm nơi cư trú cho chư tăng Thượng Tọa Bộ.

Cát đằng - Công án cát đằng. Chữ “cát” nghĩa là cây sắn dây; chữ “đằng” nghĩa là dây mây. “Cát đằng” là mối quan hệ chằng chịt, dây mơ rễ má. Trong kinh điển Phật giáo, từ “cát đằng” được dùng để chỉ cho phiền não; vì tính chất của phiền não là trói buộc ràng rịt như dây sắn dây mây. Trong Thiền môn, từ “cát đằng” được dùng như một thuật ngữ, chỉ cho ngôn ngữ văn tự; vì ngôn ngữ văn tự vốn được dùng để giải thích, thuyết minh sự tướng, nhưng trở lại bị chúng ràng buộc, trói cột. “Công án cát đằng” là chỉ cho những ngữ ngôn hóc búa, khó hiểu trong các công án thiền, phải bỏ công phu giải thích rườm rà. Hay lí sự bằng những ngôn từ không giúp ích gì cho sự tu hành, hoặc quá chấp nê vào ngôn ngữ văn tự, khiến không đạt được chân ý của Phật pháp, đều gọi là “cát đằng”.

Cát Tạng (549-623): là vị cao tăng sống vào thời đại nhà Tùy (581-619), tổ đời thứ 7 của tông Tam Luận Trung-quốc. Ngài là người Kim-lăng (Nam-kinh), tỉnh Giang-tô, tục tánh là An, tên là Thế. Thân phụ ngài vốn là người nước An-tức, thuộc tộc Hồ, đã dời sang Trung-quốc sinh sống, cư trú tại Kim-lăng; vì vậy người đương thời thường gọi ngài là An Cát Tạng, hoặc Hồ Cát Tạng. Từ lúc ba, bốn tuổi, ngài đã theo cha đến yết kiến ngài Chân Đế (499-569); tên Cát Tạng của ngài là do ngài Chân Đế đặt cho. Sau đó thân phụ ngài xuất gia (hiệu là Đạo Lượng), và ngài đã thường theo cha đến chùa Hưng-hoàng nghe đại sư Pháp Lãng giảng thuyết về tông Tam Luận. Đến 7 tuổi (có thuyết nói là 10 tuổi) ngài theo đại sư Pháp Lãng xuất gia, tinh chuyên nghiên tập giáo nghĩa ba bộ luận căn bản của tông Tam Luận là Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận. Năm 21 tuổi ngài thọ giới cụ túc, nhưng từ 19 tuổi đã bắt đầu thuyết giảng kinh luận. Năm 581 (năm đầu của triều đại nhà Tùy) ngài Pháp Lãng (tổ thứ 6 của tông Tam Luận) viên tịch. Sau khi nhận lãnh trách nhiệm thừa kế tổ nghiệp, ngài bèn đến trú trì chùa Gia-tường ở huyện Cối-kê, tỉnh Triết-giang. Tại đây ngài chuyên việc trước tác và thuyết giảng, người tới hỏi đạo đông đến cả ngàn. Các tác phẩm của ngài nhằm xiển dương tông Tam Luận, hầu hết được viết tại chùa này, cho nên hậu thế đã xưng ngài là Gia Tường đại sư.
Về phương diện giáo học, ngoài sự thấu suốt giáo nghĩa của tông Tam Luận, ngài còn tinh thông cả các bộ kinh đại thừa quan trọng khác như Pháp Hoa, Niết Bàn v.v... Năm 606, vua Tùy Dạng đế (605-616) hạ chiếu xây dựng bốn ngôi đạo tràng, và ngài được mời đến chủ trì đạo tràng Tuệ-nhật ở Dương-châu (tỉnh Giang-tô). Một thời gian sau, ngài lại dời đến đạo tràng Nhất-nghiêm ở Trường-an để hóa đạo vùng đất Trung-nguyên. Bất cứ nơi nào, ngài cũng chuyên tâm hoằng dương tông Tam Luận, cực lực phát huy cái diệu lí của “bát bất trung đạo”, làm cho tông này ngày càng hưng long, dần đến chỗ cực thịnh; bởi vậy, người đương thời xưng ngài là vị tổ trùng hưng tông Tam Luận. Từ năm 605 cho đến năm cuối đời Tùy, ngài đã chép tay 2.000 bộ Kinh Pháp Hoa, tạo 25 tôn tượng, lúc nào cũng kiền thành sám hối. Ngài cũng từng ngồi đối diện với tượng đức Bồ Tát Phổ Hiền để quán chiếu về lí thật tướng. Năm 618 (năm cuối triều đại nhà Tùy, mà cũng là năm đầu triều đại nhà Đường), vừa lên ngôi, vua Cao-tổ (618-626) nhà Đường đã ban chiếu tuyển chọn 10 vị cao tăng đại đức để thống lãnh tăng chúng toàn quốc; và ngài Cát Tạng là một trong số 10 vị này. Đến năm 623, khi biết sắp tới giờ lâm chung, ngài bèn tắm gội, thắp hương niệm Phật, rồi viết bài “Tử Bất Bố Luận” (luận không sợ chết), xong thì viên tịch, thế thọ 75 tuổi, an táng tại chùa Chí-tướng trên núi Chung-nam.
Môn đồ của ngài rất đông, trong đó có các ngài Tuệ Quán, Tuệ Lãng và Trí Khải là xuất sắc nhất. Trước tác của ngài rất nhiều, gồm có: Trung Quán Luận Sớ, Bách Luận Sớ, Thập Nhị Môn Luận Sớ, Tam Luận Huyền Nghĩa, Đại Thừa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Huyền Luận, v.v... và còn nhiều sách chú thích các Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Thắng Man, v.v... Sức giảng kinh của ngài cũng có thể nói là “vô địch”. Theo các sử liệu ghi chép, sinh thời ngài đã giảng ba bộ luận đến hơn trăm lần; giảng Kinh Pháp Hoa hơn 300 lần; giảng các Kinh Đại Phẩm, Hoa Nghiêm, Duy Ma và Luận Đại Trí Độ, v.v... đến vài chục lần.

Căn. Chữ “căn” nghĩa là rễ cây; nghĩa rộng là điểm tựa, chỗ nương tựa. Trong Phật học, chữ này thường được dùng để chỉ cho các cơ quan trong thân thể, khả năng, và căn tánh của con người.
1) Trước hết, năm cơ quan cảm giác (giác quan): mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, được gọi là “năm căn” (ngũ căn); tức nhãn căn, nhĩ căn, v.v... Năm căn này là do vật chất (sắc) tạo thành. Cái được gọi là “căn” ở đây, lại gồm có hai phần: bộ phận vi tế ở sâu bên trong (như hệ thần kinh), mắt thường không thấy được, có tác dụng gây cảm giác, gọi là “thắng nghĩa căn”; bộ phận lộ ra bên ngoài (như con mắt, vành tai, cái mũi v.v...), có tác dụng trợ giúp gây cảm giác, gọi là “phù trần căn”. Trong khi đó, một tác dụng của tâm (tinh thần) là thức mạt-na, cũng chính là một căn, tức ý căn. Gộp lại năm căn vật chất và một căn tinh thần thì có “sáu căn” (lục căn). Chính từ sáu nơi này mà sự hiểu biết, phân biệt (thức) đối với ngoại cảnh được phát sinh, cho nên chúng được gọi là “căn”. Ngoài ra, bộ phận sinh dục của nam nữ cũng được gọi là “căn” (nam căn, nữ căn); mạng sống của con người gọi là “mạng căn”.
2) Có năm điểm tựa, từ đó các pháp lành được phát sinh và tăng trưởng, được gọi là “năm khả năng” (ngũ căn); đó là: lòng tin (tín căn), ý chí siêng năng kiên trì (tấn căn), chánh niệm (niệm căn), định lực (định căn), và trí tuệ (tuệ căn). Vì có hai loại “ngũ căn”, cho nên để phân biệt, năm giác quan đôi khi được gọi là “ngũ sắc căn”; và năm khả năng đôi khi được gọi là “ngũ vô lậu căn”.
3) Căn tánh (hay căn cơ) con người có thông minh, mê muội, cao thấp khác nhau. Căn tánh của người thông minh, học một biết mười, nghe ít hiểu nhiều, tu tập mau chứng ngộ, được gọi là “lợi căn”, hay “thượng căn”; người mê muội, tối tăm, đần độn, gọi là “độn căn”, hay “hạ căn”; người ở bậc giữa gọi là “trung căn”.

Căn khí. Chữ “căn” nghĩa là rễ; chữ “khí” nghĩa là đồ dùng. Rễ có khả năng làm cho cây cối sinh ra cành lá hoa trái; đồ dùng thì có thể chứa đựng hoặc dùng để làm bao nhiêu việc lớn nhỏ giúp ích cho đời sống. Do ý nghĩa đó, trong Phật học, hai chữ ấy được ghép lại, làm thành từ “căn khí”, để chỉ cho năng lực của người tu hành. Rễ cây có mạnh có yếu, dung lượng của đồ dùng có ít có nhiều; năng lực tiếp thọ Phật pháp của người tu hành cũng giống như vậy, có cao có thấp, có lớn có nhỏ, có mạnh có yếu, có nhanh có chậm.

Căn thân: tức là “chánh báo”, chỉ cho chính tự thân của chúng sinh (xem mục “Y - Chánh”).

Cắt thịt cho chim ưng ăn (chuyện tiền thân). Đức Thích Tôn, ở một kiếp xa xưa khi còn tu hạnh Bồ-tát, một hôm có con chim ưng đuổi bắt chim bồ câu, bồ câu liền chui vào mình Ngài trốn nạn. Chim ưng nói: Ngài cứu mạng nó nhưng lại để cho tôi bị chết đói sao? Ngài bèn cắt thịt ở tay mình đền cho chim ưng ăn. Nó lại nói: Thịt bồ câu non mềm, thịt ngài già rồi, tôi không muốn ăn. Ngài lại cắt thịt chỗ khác cho chim ưng; cắt mãi cho đến lúc thịt mình sắp hết, mà vẫn không có miếng nào ngon mềm bằng thịt con bồ câu. Bấy giờ chim ưng hỏi: Ngài có thấy hối hận không? Ngài trả lời: Ta không có một mảy may nào hối hận. Nếu lời nói này của ta là chân thật, hãy khiến cho toàn thân ta có thịt trở lại. Ngài nói lời ấy xong, toàn thân đầy thịt lại như cũ. Chim ưng bèn hóa thành trời Đế Thích, đảnh lễ và tán thán Ngài.

Câu-giải-thoát. Đã thoát khỏi những chướng ngại của tuệ mà có được tuệ, lại vượt thoát những chướng ngại của định mà đạt được định, gọi là “Câu-giải-thoát”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 26 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn thừa.

Câu sinh và phân biệt sinh. Những pháp đồng sinh ra một lần, không tách rời được, gọi là “câu sinh”; như tất cả các pháp hữu vi (sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành), một khi sinh khởi thì đồng thời bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt cũng cùng sinh khởi, và không thể tách rời. “Câu sinh” cũng có nghĩa là sinh ra cùng lần với thân mạng, tức là tâm chấp ngã, tâm chấp pháp, nói chung các loại phiền não tham, sân, si, v.v... vốn có từ vô thỉ, nay cùng sinh đồng thời với thân mạng. Đối lại là “phân biệt sinh”, tức là những thói quen, những tà kiến mới có từ sau khi thân mạng sinh ra, hoặc do gia đình dạy dỗ, hoặc do tà sư ngoại đạo trao truyền, hoặc hấp thụ từ quần chúng trong xã hội.

Câu sinh ngã chấp và phân biệt ngã chấp. Cái tác dụng thấy nghe hiểu biết chấp trước vào cái thân do năm uẩn hòa hợp giả tạm làm thành, cho rằng trong cái thân đó có một chủ tể thường hằng, gọi đó là ngã chấp. Tính chấp trước này có hai loại: câu sinh và phân biệt. Tính chấp ngã vốn tự bẩm sinh, đã có từ vô thỉ, sinh ra đời cùng lần với thân mạng, gọi là “câu sinh ngã chấp”; tính chấp ngã do thói quen phân biệt từ sau khi sinh ra đời mà có, gọi là “phân biệt ngã chấp”.

Câu-thi-na (Kusinagara): là kinh đô của vương quốc Mạt-la (Malla), một trong 16 nước lớn ở Ấn-độ thời Phật tại thế. Câu-thi-na cách Ca-tì-la-vệ khoảng 200 cây số về hướng Đông Nam (nay thuộc địa phận xứ Terai của miền Nam nước Nepal), là nơi đức Thế Tôn nhập niết bàn.

Câu-tô-ma (Kusuma): nghĩa là hoa, nói chung, mà cũng chỉ riêng cho hoa câu-tô-ma, một loại hoa ở Ấn-độ, màu trắng, thơm, lớn bằng đồng tiền, trông giống như hoa cúc trắng ở nước ta. Vì hoa đẹp và thơm, hình dáng đoan chính, ai trông thấy cũng vui, cho nên chữ “câu-tô-ma” cũng có nghĩa là “duyệt ý hoa”. Câu-tô-ma cũng là tên của một thành phố ở Ấn-độ thời cổ. Theo Phật Quang Đại Từ Điển, tên tiếng Phạn của thành này là Câu-tô-ma-bổ-la (Kusumapura), dịch ý là thành Hoa-cung, hay thành Hương-hoa-cung; ở tại hai địa điểm:
1) Theo Đại Đường Tây Vực Kí, Câu-tô-ma-bổ-la là kinh thành của nước Yết-nhã-cúc-xà (Kanyakubja) ở miền Trung-Ấn thời cổ đại – nay là Kanauji, ở bờ Đông sông Kali (một chi nhánh phía Tây-Bắc của sông Hằng).
2) Cũng theo Đại Đường Tây Vực Kí, Câu-tô-ma-bổ-la đồng thời là tên cũ của kinh thành Ba-tra-li-tử (Patali-putra, tức Ba-tra-lị-phất, hay Ba-liên-phất – xem mục “Ba Tra Lị Phất”) của nước Ma-kiệt-đà.
Nhưng theo Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Kí (ngài Khuy Cơ, đời Đường, soạn) thì Câu-tô-ma-bổ-la là thành phố láng giềng ở phía Tây của thành Ba-liên-phất. Nguyên trước kia, thành Câu-tô-ma-bổ-la tọa lạc tại địa điểm của thành Ba-liên-phất. Về sau, khi thành Câu-tô-ma được dời về phía Tây (cách khoảng 3 dặm), thì nơi đây đã phát triển và dựng nên thành Ba-liên-phất. Như vậy, đến đời vua A Dục thì kinh đô nước Ma-kiệt-đà chính là thành Ba-liên-phất (tức thành Ba-tra-li-tử, Hán ngữ gọi là Hoa-thị thành), chứ không phải là thành Câu-tô-ma; vì thành này đã được dời đi cách 3 dặm về phía Tây từ lâu rồi. Theo Phật Giáo Sử (Buddhasasanapavatti – Giác Nguyên dịch từ nguyên tác Thái ngữ) của Thitananathera, thì con của vua A Xà Thế là Udayabhadda, sau khi lên ngôi, đã dời kinh đô của nước Ma-kiệt-đà từ thành Ba-liên-phất đến thành Câu-tô-ma; mãi đến vương triều Nan-đà, kinh đô của Ma-kiệt-đà mới lại được dời về thành Ba-liên-phất như cũ. Dưới vương triều Khổng-tước sau đó, kinh đô của Ma-kiệt-đà cũng vẫn được đặt tại thành này.

Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra, 394-468): là vị tăng dịch kinh thời Lưu-Tống. Ngài người Trung-Ấn, xuất thân từ dòng Bà-la-môn; thuở nhỏ từng học ngũ minh và các bộ luận, nghiên tập cả các môn thiên văn, toán số, y thuật, chú thuật. Về sau nhân đọc bộ Tạp A Tì Đàm Tâm Luận mà khởi lòng sùng tín Phật pháp, bèn cạo tóc xuất gia, thọ giới cụ túc. Ngài là người từ hòa cung thuận, tu học chuyên cần. Ban đầu ngài học giáo pháp tiểu thừa, thông suốt Ba Tạng; sau chuyển hướng sang đại thừa, chuyên nghiên cứu các kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Hoa Nghiêm, rồi trở thành một vị giảng sư nổi tiếng. Ngài cũng đem Phật pháp giáo hóa song thân. Phụ thân ngài được cảm hóa, cũng qui y Phật giáo.
Năm 435 ngài theo đường biển đến Quảng-châu. Vua Văn đế (424-453) nhà Lưu-Tống (420-479) đã sai sứ xuống nghinh đón ngài về Kiến-khang, mời ở chùa Kì-hoàn để phiên dịch kinh điển. Tại đây, ngài đã cùng với các ngài Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, dịch được bộ Kinh Tạp A Hàm; sau đó, tại chùa Đông-an, ngài đã dịch bộ Kinh Đại Pháp Cổ; rồi tại quận Đan-dương, ngài dịch Kinh Thắng Man; lại nhận lời mời của Tiều vương, đến ở chùa Tân tại Kinh-châu, diễn giảng Kinh Hoa Nghiêm. Ngoài ra ngài cũng từng cư trú tại nhiều chùa khác như Đạo-tràng, Trung-hưng, Bạch-tháp v.v... Vào năm 463 (đời vua Hiếu-vũ đế, 454-464), ngài vâng mệnh vua kì đảo cầu mưa; việc thành công, càng được nhà vua tin tưởng kính trọng. Cả ba triều vua Văn đế, Hiếu-vũ đế và Minh đế (494-498) của nhà Lưu-Tống đều tôn sùng ngài. Những việc đối nội, đối ngoại của triều đình, ngài đều có nhiều cống hiến. Ngài đã tận lực dịch kinh, hoằng hóa và quảng diễn giáo pháp đại thừa, nên người đời đã xưng ngài là Ma Ha Diễn. Ngoài những bộ kinh vừa kể trên, dịch phẩm của ngài còn có: Lăng Già Kinh, Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh, Tội Phước Báo Ứng Kinh v.v..., cả thảy là 52 bộ, gồm 134 quyển. Năm 468 ngài viên tịch, thế thọ 75 tuổi.

Cây Bồ-đề (bodhi-druma). Cây này vốn có tên là bát-đa (asvattha), trái của nó được gọi tên là tất-bát-la (pippala), cho nên nó cũng được gọi là cây tất-bát-la. Nhân vì đức Thích Tôn đã thành đạo nơi gốc cây này, nên nó được gọi là cây Bồ-đề.

Cây Long-hoa (naga-puspa). Trong tương lai đức Bồ Tát Di Lặc sẽ từ cõi trời Đâu-suất hạ sinh vào nhân gian, xuất gia học đạo, và ngồi nơi gốc cây Long-hoa mà thành Phật. Long-hoa là loại cây cao lớn, mọc thẳng đứng, thân cứng như sắt thép, vỏ cây trơn láng; lá hình thuẫn, đầu nhọn, hoa trắng, trái giống như trái đào. Vì cành cây trông giống như con rồng, và cành hoa trông giống như đầu rồng, cho nên gọi là cây Long-hoa. Loại cây này thấy mọc nhiều ở Ấn-độ.

Cây Ta-la (sala). Chữ “ta-la” nghĩa là cứng chắc, cũng có nghĩa là cao lớn, vì loại cây này thường cao hơn các loại cây khác. Bên bờ sông Bạt-đề ở thành Câu-thi-na, có rừng cây Ta-la, bốn bề đều có từng cặp cây song sinh. Đức Phật đã nhập diệt ở giữa khu rừng này. Sau khi Phật nhập diệt, toàn thể cây trong rừng đều biến thành màu trắng, cho nên rừng này lại được gọi là rừng hạc.

Chánh niệm. Chữ “niệm” trong giáo lí đạo Phật có ba ý nghĩa: - thời gian ngắn nhất (một sát-na chẳng hạn); - một ý nghĩ khởi lên (như vọng niệm); - ghi nhớ không quên (như niệm Phật). Trong ba ý nghĩa đó, ý nghĩa thứ ba rất quan trọng trong giáo lí đạo Phật. Theo tông Duy Thức, NIỆM là một trong 51 loại tâm sở; đối tượng của nó có thể xấu hay tốt. Trong 7 nhóm (khoa) của 37 phẩm trợ đạo thì 6 nhóm tứ niệm xứ, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, đều có yếu tố “niệm”; và khác với tâm sở NIỆM (không phân biệt chánh tà) ở trên, các yếu tố “niệm” ở đây đều có nghĩa là CHÁNH NIỆM. “Chánh niệm” là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp người tu học Phật đạt được trí tuệ cao tột. Tu tập mà không có chánh niệm thì chỉ uổng phí công phu và thì giờ, vì sẽ không bao giờ thu thập được kết quả gì cả. Chánh niệm có hai ý nghĩa:
a) Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chính; trái lại là “tà niệm”, là sự nhớ nghĩ đến những đối tượng xấu ác, không ngay thẳng, không đúng với đạo lí. Một cách cụ thể, có mười đối tượng của chánh niệm: 1. Nhớ nghĩ đến đức tướng trang nghiêm của Phật (niệm Phật); 2. Nhớ nghĩ đến giáo lí và các pháp môn tu tập do Phật dạy (niệm pháp); 3. Nhớ nghĩ đến đức hòa hợp của mười phương tăng chúng (niệm tăng); 4. Nhớ nghĩ đến giới luật có công năng ngăn ngừa tội ác để thành tựu đạo nghiệp (niệm giới); 5. Nhớ nghĩ đến công đức buông bỏ và bố thí có công năng tiêu trừ lòng tham lam keo kiệt, làm lợi ích cho mọi người mà lòng không mong cầu đền ơn (niệm thí); 6. Nhớ nghĩ đến những phúc lạc mà chư thiên hưởng được nhờ tu tập thiện nghiệp để tự khích lệ cho chính mình cũng siêng năng tu tập mọi hạnh lành (niệm thiên); 7. Nhớ nghĩ đến những nơi vắng lặng, yên tĩnh, nhờ cư trú ở những nơi đó mà xa lìa được các duyên lăng xăng phiền lụy, dứt được các sự lo âu, dễ dàng hơn cho việc tu tập (niệm hưu tức); 8. Nhớ nghĩ đến hơi thở, đếm số hơi thở ra, hơi thở vào, biết rõ hơi thở dài, hơi thở ngắn, hơi thở nặng, hơi thở nhẹ, nhờ đó mà diệt trừ các vọng tưởng, tâm được định tĩnh, không tán loạn (niệm an bang); 9. Nhớ nghĩ đến thân thể là do các duyên giả hợp cấu thành, tất cả các bộ phận lớn, nhỏ, trong, ngoài, đều không chắc thật, thường hằng (niệm thân); 10. Nhớ nghĩ đến đời người chỉ là mộng huyễn, không bao lâu nữa sẽ tàn hoại, tử vong (niệm tử).
b) Chánh niệm cũng có nghĩa là sự tỉnh thức thường xuyên của tâm ý. Lúc không có chánh niệm thì gọi là “thất niệm” (tức là sự lãng quên, mê đắm, mất chánh niệm). Có chánh niệm tức là tâm ý tỉnh thức, luôn luôn cảnh giác, biết rõ mình đang làm gì, đang suy nghĩ gì, đang nói năng gì, đang ở chỗ nào, sự việc gì đang xảy ra chung quanh mình, v.v... Người tu học Phật nên giữ cho mình có chánh niệm như vậy; vì nhờ đó mà tâm ý trở nên định tĩnh, sáng suốt, biết điều gì trái, điều gì phải, điều gì nên nói, điều gì không nên nói, ý tưởng nào có tính xây dựng, ý tưởng nào có tính phá hoại, v.v... Có càng nhiều những giờ phút chánh niệm thì càng tiến bộ trên đường tu tập. Nếu giữ chánh niệm cho được thường xuyên thì tránh được tất cả những điều bất thiện.
Ngoài ra, theo pháp môn tu Tịnh Độ, “chánh niệm” còn có nghĩa là “nhất tâm niệm Phật”, tức là tâm chuyên nhất (không tán loạn) niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc. Chánh niệm ở đây phải gồm đủ ba phương diện: quán niệm (quán tưởng đức Phật A Di Đà và thế giới Cực-lạc); khẩu niệm (niệm ra tiếng danh hiệu Phật A Di Đà); tâm niệm (tâm không bao giờ rời khỏi Phật).

Chánh pháp 1: là pháp chân chánh, cũng tức là giáo pháp của đức Phật. Nói rộng ra, tất cả những pháp gì phù hợp với chánh lí của Phật pháp đều là “chánh pháp”. Những lời dạy của đức Phật được gồm thâu trong ba tạng thánh điển (Kinh, Luật, Luận) được gọi là “thế tục chánh pháp”, hay “giáo chánh pháp”; còn những yếu tố làm thành đạo quả giác ngộ như năm khả năng (ngũ căn), năm sức mạnh (ngũ lực), bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi), tám sự hành trì chân chánh (bát chánh đạo), v.v..., được gọi là “thắng nghĩa chánh pháp”, hay “chứng chánh pháp”.

Chánh pháp 2: là một trong ba thời kì biến đổi trong thời gian trụ thế của giáo pháp sau khi đức Phật nhập diệt.
a) Sau khi đức Phật nhập diệt, giáo pháp còn tồn tại ở đời, những nguyên tắc tiêu chuẩn của giáo pháp chưa cải biến, vẫn có giáo, có hành, vẫn có người tu và chứng thánh quả, gọi là thời kì “chánh pháp”.
b) Tuy giáo pháp vẫn có đó, người tu hành theo giáo pháp vẫn có đó, nhưng ít người có thể chứng quả, gọi là thời kì “tượng pháp” (ý nói, trông giống thôi, chứ không đúng hẳn là chánh pháp).
c) Thời kì giáo pháp suy tàn, tuy vẫn có người tuân theo giáo pháp, nhưng không thể tu hành chứng quả, gọi là thời kì “mạt pháp” (ý nói giáo pháp suy tàn, chỉ còn là ngọn ngành mà thôi).
Về kì hạn pháp vận của đức Thích Ca Mâu Ni, các kinh chép không giống nhau. Chư vị cổ đức phần nhiều y theo thuyết nói rằng: Thời kì chánh pháp là 500 năm, tượng pháp là 1.000 năm, và mạt pháp là 10.000 năm.

Chánh pháp nhãn tạng. Con mắt tâm của Phật thấy suốt chánh pháp, cho nên gọi là “chánh pháp nhãn”; sâu rộng mà hàm tàng muôn đức, cho nên gọi là “tạng”. Đây là chỉ cho trí tuệ Phật thấy biết thật tướng vạn pháp.

Chân Đế (499-569): là tên Hán dịch của tiếng Phạn Ba La Mạt Đà (Paramartha), là nhà dịch kinh trứ danh ở Trung-quốc vào thế kỉ thứ 6. Ngài cũng có tên là Câu La Na Đà (Kulanatha), người nước Ưu-thiền-ni (Ujjaini) ở Tây-Bắc Ấn-độ, vốn thuộc dòng Bà-la-môn, họ là Phả-la-đọa (Bharata). Ngài là người cực kì thông minh, trí nhớ dồi dào, biện tài vô tận; từng vân du nhiều nước, tham học với nhiều thầy, tinh nghiên Ba Tạng, quán triệt diệu lí đại thừa. Năm 546, dưới vương triều Tiêu-Lương (502-558), ngài mang theo nhiều kinh điển đến Quảng-châu bằng đường biển; sau đó, năm 548, ngài đến kinh đô Kiến-khang yết kiến vua Lương Vũ đế (502-549), rất được nhà vua trọng đãi. Vừa lúc ấy thì xảy ra loạn Hầu Cảnh, ngài phải lánh nạn sang Triết-giang, rồi trở lại Kiến-khang, rồi lại phải lưu lạc nhiều nơi nữa. Tuy vậy, ở xứ nào thì ngài vẫn dịch kinh, không nản lòng, không ngừng nghỉ. Cuối cùng ngài dùng đường biển định trở về lại Ấn-độ, nhưng không may gặp bão lớn, thuyền lại trôi giạt vào Quảng-châu. Quan thứ sử ở đó đã nghinh đón ngài về ở chùa Chế-chỉ, chuyên việc dịch kinh. Năm 569 (thời đại nhà Trần) ngài viên tịch, thế thọ 71 tuổi.
Từ cuối triều vua Vũ đế nhà Lương cho đến đầu triều vua Tuyên đế nhà Trần, trong khoảng hơn 20 năm, dù trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, ngài vẫn chuyên tâm dịch kinh không gián đoạn. Ngài đã dịch tổng cộng 64 bộ kinh luận, gồm 278 quyển, nhưng ngày nay chỉ còn có 30 bộ, đa phần là những tác phẩm trọng yếu trong việc nghiên cứu Phật giáo. Hai dịch phẩm có tầm ảnh hưởng to lớn nhất của ngài là Nhiếp Đại Thừa Luận và Nhiếp Đại Thừa Luận Thích. Do hai dịch phẩm này mà ngài được tôn xưng là khai tổ của Nhiếp Luận tông Trung-quốc. Những dịch phẩm quan trọng khác của ngài còn có: Chuyển Thức Luận, Đại Thừa Duy Thức Luận, Trung Biên Phân Biệt Luận, Thập Thất Địa Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Câu Xá Luận Thích, Kim Quang Minh Kinh, Vô Thượng Y Kinh, Kim Cương Bát Nhã Kinh, v.v... Căn cứ vào phương pháp phiên dịch cũng như học thức của ngài, người ta đã coi ngài là ngôi sao Bắc-đẩu của lịch sử dịch kinh Trung-quốc. Và cũng vì thế, cộng thêm công trình phiên dịch đồ sộ của ngài, các sử gia đã liệt ngài vào một trong “bốn bậc thánh tăng đại phiên dịch” của lịch sử Phật giáo Trung-quốc. (Ba vị khác là Cưu Ma La Thập, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh.)

Chân không bình đẳng. Đã là chân không thì không có nhiều ít, cao thấp, dài ngắn, rộng hẹp, tốt xấu v.v…, hoàn toàn bình đẳng.

Chân không diệu hữu. Cái không của chẳng phải không, không mà không không, không phải như cái ngoan không mà hàng tiểu thừa thiên chấp, cho nên gọi là “chân không”. Cái có của chẳng phải có, có mà không có, không phải như cái thật có mà hàng phàm phu vọng chấp, cho nên gọi là “diệu hữu”. Chân không mà sinh khởi vạn pháp, diệu hữu mà tất cả đều “như”, đó là ý nghĩa sâu xa của “chân không diệu hữu”.

Chân như. Thể tánh của các pháp là chân thật, không hư vọng, gọi là “chân”; như thường, không biến đổi, gọi là “như”; hợp hai nghĩa chân thật và như thường lại, gọi là “chân như”, cũng gọi là tự tánh thanh tịnh tâm, phật tánh, pháp thân, như lai tạng, thật tướng, pháp giới, pháp tánh, viên thành thật tánh.

Chân như hai không (nhị không chân như). Các vị thánh ở hai thừa ngộ được cái lí lẽ không có nhân ngã, gọi là nhân không, hay ngã không, hoặc sinh không. Cái cảnh giới chân như chứng được sau khi ngộ gọi là “chân như ngã không” (ngã không chân như). Hàng Bồ-tát ngộ được lí pháp không, cái cảnh giới chân như chứng được sau khi ngộ gọi là “chân như pháp không” (pháp không chân như); hợp lại gọi là “chân như hai không” (nhị không chân như).

Chân tâm vô niệm. Chân tâm phải được thực chứng bằng trí tuệ, không thể dùng khái niệm, trí tưởng mà biết được – tức là xa lìa mọi ý niệm.

Chân tế: là khoảng chân không, chỉ cho chân như.

Chân thật Tam Bảo. Bản chất của Ba Ngôi Báu là trong sạch, sáng suốt, dứt tuyệt phiền não, phá tan vô minh, giải thoát sinh tử luân hồi, cho nên gọi là “chân thật Tam Bảo”.

Chân tu - Duyên tu. Hàng Bồ-tát ở trong cấp Mười-địa thực chứng cảnh giới chân như mà không có một pháp nào để tu, không khởi tâm tu cũng không mong cầu chứng đắc, gọi là “chân tu”. Hàng Bồ-tát ở dưới cấp Mười-địa duyên vào chân như mà cần có các pháp để tu tập, có phát khởi tâm tu tập và có mong cầu chứng đắc, gọi là “duyên tu”.

Chất Đa (Citta): là tên một vị trưởng giả ở thành Ma-sư-sơn (Matsikasanda), gần thành Xá-vệ (Savatthi). Một ngày nọ, trưởng giả Chất Đa vào thành Xá-vệ, nhờ duyên lành, ông được gặp tôn giả Ma Ha Nam (Mahanama). Thấy tôn giả là bậc oai nghi đường đường, liền sinh lòng kính ngưỡng, và phát tâm cúng dường. Sau khi thọ nhận cúng dường, tôn giả vì ông mà thuyết pháp. Nghe xong bài pháp, ông liền chứng quả Dự-lưu (Tu-đà-hoàn), bèn đem cả khu vườn trồng cây ăn trái của mình cúng dường để xây cất tinh xá cho tôn giả Ma Ha Nam.

Châu Hoằng: tức đại sư Liên Trì (xem mục “Liên Trì”).

Châu Thắng-thân (Đông Thắng-thân châu). Trong bốn đại châu, châu ở phương Đông tên là Thắng-thân, từ Phật học Hán Việt gọi là “Đông Thắng-thân châu”. Từ trước đến nay, các sách Phật học Việt ngữ (kể cả bộ Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn), đều viết tên châu này là Đông Thắng-thần châu. Có lẽ đó là viết theo Đinh Phúc Bảo trong Phật Học Đại Từ Điển. Trong khi đó, các bộ từ điển sau này như Phật Quang Đại Từ Điển, Từ Nguyên, v.v... đều viết là “Đông Thắng-thân châu”, Phật Quang Đại Từ Điển có ghi thêm chữ Phạn là “Purva-videha” và giải thích “thắng thân” là thân tướng thù thắng. Có điều ngạc nhiên, Đinh Phúc Bảo (trong bộ Phật Học Đại Từ Điển), viết thì là “Đông Thắng-thần châu”, nhưng cũng giải thích là thân tướng thù thắng. Trong khi đó, sách Trung Anh Phật Học Từ Điển (A Dictionary of Chinese Buddhist Terms) thì ghi ở một trang là “Đông Thắng-thân châu” và ở một trang khác là “Thắng-thần châu”; cả hai từ cùng được ghi kèm chữ Phạn là Purvavideha, và giải thích là đại lục ở phía Đông núi Tu-di. Vậy thì, châu đó tên là Thắng-thần hay Thắng-thân? Trong chữ Phạn VIDEHA, thì ngữ vĩ “deha” (dịch âm Hán ngữ là “đề-ha”), trong Trung Anh Phật Học Từ Điển, nó được dịch nghĩa là “the body”; và trong Phật Quang Đại Từ Điển, nó được dịch nghĩa là “thân”. Do đó, tên “Thắng-thân” là chính xác.

Chế Đa Sơn Bộ (Caitya-vadin) - Tây Sơn Trú Bộ (Apara-saila) - Bắc Sơn Trú Bộ (Uttara-saila). Đầu thế kỉ thứ 3 Phật lịch, một vị sa môn ngoại đạo tên Đại Thiên (Mahadeva), đã theo về chánh đạo, xuất gia với Đại Chúng Bộ. Ông là người bác học đa văn, hành trạng cao khiết, trú tại núi Chế-đa (tức núi Vương-sơn, hay Đại-sơn – xem mục “Đại Thiên”, và mục “Núi Chế Đa”) để giáo hóa đồ chúng. Núi Chế-đa (Thập Bát Bộ Luận và Bộ Chấp Dị Luận gọi là núi Chi-đề) lúc đó là đạo tràng quan trọng của Đại Chúng Bộ. Bấy giờ, dưới sự hướng dẫn của Đại Thiên, tăng chúng lại đem “năm việc” lúc trước ra bình nghị trở lại. Nhân đó mà lại có sự bất đồng ý kiến, Đại Chúng Bộ lại tách ra thành ba bộ phái mới nữa: Bộ phái vẫn trú tại núi Chế-đa, gọi là Chế Đa Sơn Bộ (Thập Bát Bộ Luận và Bộ Chấp Dị Luận đều gọi là Chi Đề Sơn Bộ), tôn Đại Thiên làm khai tổ; hai bộ phái dời đi ở chỗ khác gọi là Tây Sơn Trú Bộ và Bắc Sơn Trú Bộ (hay Đông Sơn Trú Bộ). Về giáo nghĩa, ba bộ phái mới này phần nhiều giống nhau, và đều giống với Đại Chúng Bộ cũ; tuy nhiên, chuyện phân phái xảy ra là vì bất đồng ý kiến về “năm việc” (ngũ sự), cho nên, lập trường khác nhau giữa ba bộ phái này chỉ hạn hẹp trong vòng “năm việc” đó mà thôi. Ngoài ra, theo sách Tam Luận Huyền Nghĩa của đại sư Cát Tạng (549-623), nguyên nhân phân rẽ của ba bộ phái trên, ngoài “năm việc”, còn có vấn đề “đắc giới”; tức là vấn đề: “Nếu vị hòa thượng truyền giới là một người phá giới, không thanh tịnh, thì giới tử có được gọi là ‘đắc giới’ hay không.”

Chi Khiêm (?-?): là vị cư sĩ người nước Đại Nhục-chi, theo gia tộc đến trung-quốc vào thời Đông-Hán (sau ngài Chi Lâu Ca Sấm), ở tại tỉnh Hà-nam. Ông thông hiểu rất nhiều ngôn ngữ, theo học Phật với ngài Chi Lượng (đệ tử của ngài Chi Lâu Ca Sấm), tham bác đủ loại kinh sách, được người đời gọi là “trí nang” (cái túi trí tuệ). Lại nữa, lúc đó cả ba vị Chi Lâu Ca Sấm, Chi Lượng và Chi Khiêm, đều là những bậc bác học đa văn, tài cao đức trọng, cho nên đã được người đương thời ca tụng: “Thiên hạ bác tri, bất xuất tam Chi” (những kẻ học rộng biết nhiều trong thiên hạ, không ngoài 3 người họ Chi). Cuối đời Đông-Hán thiên hạ loạn lạc, ông đi về phương Nam lánh nạn, và cư ngụ tại thành Kiến-nghiệp (Nam-kinh). Khi vua Tôn Quyền (222-252) xưng đế và lập nên nước Ngô (năm 222), cũng đóng đô tại Kiến-nghiệp. Nghe tiếng ông, nhà vua rất kính trọng, ban tặng danh hiệu bác sĩ, mời làm phụ đạo để dạy dỗ cho thái tử Tôn Lượng. Trong khoảng 30 năm ở tại đây, ông đã dốc lực phiên dịch và chú thích kinh điển. Các dịch phẩm của ông gồm có: Duy Ma Cật Kinh, Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh, Đại Minh Độ Kinh, Đại A Di Đà Kinh, Đại Bát Nê Hoàn Kinh v.v... Ông đã chú giải bộ Liễu Bản Sinh Tử Kinh. Ông cũng đã lấy hứng khởi từ hai bộ kinh Vô Lượng Thọ và Trung Bản Khởi mà trước tác sách Tán Bồ Tát Liên Cú. Sau khi thái tử Tôn Lượng (252-258) tức vị nối ngôi làm vua nước Ngô (năm 252), ông vào núi ẩn cư, đến năm 60 tuổi viên tịch.

Chi Lâu Ca Sấm (Lokasema, 147-?): cũng gọi là Chi Sấm, là vị cao tăng nước Đại Nhục-chi, đến Trung-quốc sau ngài An Thế Cao (xem mục “An Thế Cao”), vào khoảng cuối đời vua Hán Hoàn đế (có thuyết nói là vào đời vua Linh đế). Trong 12 năm cuối đời vua Linh đế (từ măm 178 đến năm 189), ngài đã dịch những bộ kinh đại thừa như: Đạo Hạnh Bát Nhã, Bát Chu Tam Muội, A Xà Thế Vương, Tạp Thí Dụ, Thủ Lăng Nghiêm, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Bảo Tích v.v... Trong các bộ kinh trên, bộ Đạo Hạnh Bát Nhã được coi là quan trọng nhất, vì đó là bộ kinh thuộc hệ Bát Nhã được dịch sớm nhất, và do đó, ngài Chi Lâu Ca Sấm cũng được công nhận là người đầu tiên phiên dịch và truyền bá nền văn học Bát Nhã của Phật giáo đại thừa tại Trung-quốc. Chính nền văn học Bát Nhã này đã thúc đẩy làm nẩy sinh phong trào tìm hiểu, nghiên cứu, đàm luận trong giới trí thức học Phật trong các thời Ngụy, Tấn sau này. Thứ nữa, kinh Bát Chu Tam Muội là loại kinh hệ lấy cảnh giới Tây-phương và đức Phật A Di Đà làm đối tượng, cho nên đây cũng là thời kì khởi đầu cho nền tín ngưỡng “Tịnh Độ Di Đà” ở Trung-quốc. Ngoài ra, việc dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm của ngài Chi Lâu Ca Sấm cũng đã tác động mạnh mẽ cho công cuộc “đại thừa hóa” Phật giáo Trung-quốc trong hai thế kỉ 4 và 5. Rất tiếc, đã không có ai biết gì về hành trạng của ngài sau thời gian dịch kinh nói trên. Công trình dịch kinh của hai ngài An Thế Cao và Chi Lâu Ca Sấm trong thời kì này, đã khai nền đắp móng vững vàng cho Phật giáo Trung-quốc.
Ngoài hai ngài An Thế Cao và Chi Lâu Ca Sấm ra, trong thời Đông-Hán còn có các vị cao tăng ngoại quốc khác đã đến Trung-quốc chuyên việc dịch kinh, như: Trúc Phật Sóc (Sanghabuddha, ?-?, người Thiên-trúc, đến Lạc-dương vào đời vua Hoàn đế), Chi Diệu (?-?, người nước Nhục-chi, đến Lạc-dương năm 185), Khương Cự (?-?, người nước Khương-cư), Khương Mạnh Tường (?-?. người nước Khương-cư, đến Lạc-dương vào đời vua Hiến đế), Trúc Đại Lực (?-?, người Tây-vức, đến Lạc-dương vào đời vua Hiến đế), Đàm Quả (?-?, người Tây-vức, đến Lạc-dương vào đời vua Hiến đế), cư sĩ An Huyền (?-?, người nước An-tức, đến Lạc-dương vào đời vua Linh đế, học trò của ngài An Thế Cao), v.v...; đặc biệt, một người Hán là cư sĩ Nghiêm Phật Điều (cũng gọi Nghiêm Phù Điều, ?-?, người tỉnh An-huy), cũng tham gia công tác dịch kinh trong thời kì này; và ông đã là người Phật tử bản xứ đầu tiên tùng sự dịch kinh. Từ tuổi trẻ ông đã là người thông minh dĩnh ngộ, bác học đa văn. Gặp lúc ngài An Thế Cao sang Trung-quốc dịch kinh và truyền bá Phật pháp, ông đã cùng An Huyền xin nhập môn làm đồ đệ, và cùng tham gia công tác dịch kinh. Tương truyền, về sau ông được xuất gia làm tăng, nhưng không có tài liệu nào nói rõ ông đã xuất gia vào thời gian nào.

Chi tiết về kì kết tập thứ hai. Một trăm năm sau ngày Phật nhập diệt, có nhóm tì kheo thuộc tộc Bạt-kì ở thành Tì-xá-li, đề xướng “mười việc” (thập sự) liên quan đến giới luật, và cho đó là “mười việc hợp pháp” (thập sự tịnh pháp) mà tăng đoàn có thể hành trì. Mười việc đó, các bộ Luật như Ngũ Phần, Tứ Phần, Thập Tụng, Thiện Kiến, v.v... ghi chép không giống nhau. Ở đây xin trích từ sách Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của hòa thượng Thích Thanh Kiểm (do thành hội Phật giáo thành phố HCM ấn hành, năm 1995) như sau:
“1) Diêm tịnh: Căn cứ vào giới luật, các tì kheo không được để đồ ăn cách đêm. Nghĩa là các thứ đồ ăn phổ thông, không được để đến ngày hôm sau rồi lại ăn, nhưng nếu đồ ăn đó đem ướp với muối, thì vẫn có thể được dùng ở ngày hôm sau. 2) Chỉ tịnh: Về bữa ăn của tì kheo phải là ở lúc chính ngọ, nhưng lúc đang đi giữa đường thì bữa ăn có thể được dùng ở quá giờ ngọ một chút, nghĩa là lúc mặt trời đã xế bóng chừng độ hai chủ (mỗi chủ: một thước năm tấc ta). 3) Tụ lạc gian tịnh: Tì kheo sau khi ăn rồi, nhưng nếu ở trước giờ ngọ, tới chốn tụ lạc khác, xin được thức ăn, vẫn có thể được thọ dụng. 4) Trụ xứ tịnh: Một tháng hai kì, các tì kheo phải tận tập ở một trụ xứ nào đó để làm lễ bố tát, nhưng nếu trụ xứ quá hẹp, có thể phân chia làm hai nơi để làm lễ bố tát. 5) Tùy ý tịnh: Quyết nghị của đoàn thể xuất gia cần phải toàn viên tận tập để giải quyết, nhưng nếu gặp trường hợp không thể xuất tịch được, sau khi giáo đoàn quyết nghị, sẽ có thể đem những quyết nghị đó thông báo sau. 6) Cửu trụ tịnh: Có thể noi theo vào tiền lệ, nghĩa là noi theo vào những thể lệ của người trước đã làm. 7) Sinh hòa hợp tịnh: Sau giờ ngọ các tì kheo không được ăn phi thời, nhưng có thể dùng nước hòa với sữa, không cần phải để sữa lắng xuống. 8) Bất ích lũ ni-sư-đàn tịnh: Tọa cụ của tì kheo, kích thước bề dài, bề rộng phải theo đúng qui định như trong giới luật, nhưng nếu là tọa cụ không có viền chung quanh, có thể được dùng quá khuôn khổ đã định. 9) Thủy tịnh: Tì kheo không được uống rượu, nhưng vì trường hợp bệnh hoạn, dùng để làm thuốc, có thể pha lẫn với nước để uống. 10) Kim tiền tịnh: Tì kheo vốn dĩ không được cầm tiền, nhưng nếu ở trường hợp bất đắc dĩ, có thể được cầm tiền bạc, và súc tích tiền bạc.”
Bấy giờ, ở miền Tây-Ấn có tôn giả Da Xá, một vị trưởng lão tinh chuyên giới luật, du hành đến thành Tì-xá-li (thuộc miền Đông-Ấn). Gặp ngày bố tát, ngài cùng tham dự, thấy các tì kheo ở thành Tì-xá-li dùng chậu đồng đựng đầy nước, đem để giữa đàn tràng bố tát, khuyến hóa các Phật tử đem vàng bạc bỏ vào chậu nước để cúng dường chư tăng. Sau đó họ chia đều cho tăng chúng để dùng vào việc thuốc thang, y phục riêng tư. Ngài Da Xá cho việc làm này là phi pháp, bèn không nhận số vàng bạc đó, lại còn cực lực trách cứ tăng chúng địa phương, đồng thời tố cáo trước quần chúng Phật tử về hành động phi pháp của tăng đoàn Tì-xá-li. Chúng tì kheo tộc Bạt-kì cho rằng, trưởng lão Da Xá đã thóa mạ tăng chúng và gây hoang mang cho tín đồ, bèn tập hợp tăng chúng, tác pháp tẫn xuất (đuổi đi) trưởng lão Da Xá. Ngài liền trở về miền Tây, đến các địa phương như Kiều-thưởng-di (Kosambi), Ba-bà (Pava), A-bàn-đề (Avanti), v.v... để vận động chư tăng giúp giải quyết “mười việc phi pháp” (thập sự phi pháp) kia. Ngài cũng đến núi A-hô-hằng-hà (Ahoganga) để yết kiến trưởng lão Tam Phù Đà Thương Na Hòa Tu (Sambhuta-sanavasi); rồi đến Tăng-già-xa (Sanhassa) yết kiến vị trưởng lão cao lạp nhất là Li Bà Đa (Revata), để báo cáo sự việc và thỉnh cầu giúp giải quyết. Các vị trưởng lão đều hoan hỉ nhận lời, và cùng đi về thành Tì-xá-li.
Bấy giờ, tăng chúng của cả hai miền Đông và Tây đều tập hợp tại vườn Bà-lị-ca (Valikarama), cả thảy là 700 vị tì kheo. Trưởng lão Li Bà Đa muốn giải quyết sự việc, nhưng trong hội nghị nhiều ý kiến bất đồng, không ai chịu ai, rất khó giải quyết. Cho nên hội nghị phải đề cử một ủy ban tối cao gồm tám vị trưởng lão, đại diện cho cả hai bên để quyết định. Bốn vị trưởng lão đại diện cho tăng chúng miền Tây: Li Bà Đa, Da Xá, Thương Na Hòa Tu, và Tu Ma Na (Sumana); bốn vị trưởng lão đại diện cho tăng chúng miền Đông: Tát Bà Ca Mi (Sabbakama), Sa Lan (Salha), Bất Xà Tông (Khujjasobhita), và Bà Sa Lam (Vasabhagamika). Trước đại hội 700 tì kheo, trưởng lão cao lạp nhất phía miền Tây là Li Bà Đa, đã nêu ra từng điều một (trong mười điều trên kia), rồi hỏi: “Điều này là hợp pháp hay phi pháp?” Vị trưởng lão cao lạp nhất phía miền Đông là Tát Bà Ca Mi, y chiếu từng điều vào giới luật, và đã nhất nhất trả lời là “phi pháp”. Cuối cùng, tất cả mười việc do nhóm tì kheo tộc Bạt-kì đề xướng đều bị giáo đoàn xác định là phi pháp. Tiếp đó, hội nghị tiếp tục tụng lại pháp tạng, trải qua 8 tháng mới kết thúc; giáo sử gọi đó là kì kết tập kinh điển lần thứ hai, cũng gọi là “thất bách kết tập”, hay “Tì-xá-li thành kết tập”.

Chỉ (xa-ma-tha – samatha): nghĩa là dừng lại, tức là đối trước các hoàn cảnh ô nhiễm hay thanh tịnh, tâm đều không dao động; đó là trạng thái tinh thần khi tâm chuyên chú vào chỉ một cảnh giới, hoàn toàn không suy nghĩ gì, không khởi bất cứ niệm tưởng gì.

Chỉ biết có mình: tức thuật ngữ “tự liễu hán” trong Thiền tông Trung-quốc, có nghĩa là người không có tinh thần lợi tha, chỉ mưu đồ ích lợi cho riêng bản thân mình. Thuật ngữ này có ý nghĩa tương đương với câu tục ngữ thường được dùng trong dân gian: “Cẩn tự lí nhất thân, bất cố đại cục giả” (người chỉ biết lo cho bản thân mình, không đoái hoài gì đến đại cuộc). Thuật ngữ “tự liễu hán” được dùng trong thiền môn để chỉ cho hạng hành giả chỉ biết lo tu cho bản thân mình, mà hoàn toàn không để tâm đến việc giúp đời độ người, giáo hóa chúng sinh. Thuật ngữ này nguyên là một câu nói của ngài Hoàng Bá Hi Vận (xem mục “Hoàng Bá”). Sách Bích Nham Lục (tắc 11) ghi: “Sư (Hoàng Bá) nói: ‘Mời ngài qua (suối) trước.’ Vị tăng kia bèn vén áo, đạp trên sóng nước mà đi (qua suối), như đi trên đất bằng; rồi ngoái lại bảo: ‘Qua đây! Qua đây!’ Sư quát: ‘Đó là người chỉ biết có mình!’ (Giá tự liễu hán!)”

Chỉ quán. Hợp hai từ tiếng Phạn “xa-ma-tha” và “tì-bát-xá-na” lại mà dịch thành ra là “chỉ quán”. Chỉ thuộc về định, quán thuộc về tuệ; đó là ý nghĩa của pháp môn “định tuệ song tu”. Nếu nói về phương pháp, làm cho mọi vọng niệm dừng lại, gọi là chỉ; sau đó, quán niệm hoặc về tính không của các pháp, hoặc về tính giả của các pháp, hoặc giả tức không và không tức giả, hoặc về bốn lĩnh vực quán niệm, hoặc duyên thẳng vào chân như, hoặc giữ tâm ở chỗ vô trụ, v.v... đều gọi là quán.

Chim xây mộ cho người phóng sinh (truyền thuyết Trung-quốc). Tôn Lương Tự, mỗi khi gặp ai bắt chim thú, đều mua mà phóng sinh. Đến lúc chết, tiền của sạch không, không ai mai táng. Lúc ấy có vài trăm con chim, ngậm bùn bỏ lên, lấp xác ông lại. Người đứng xem cảm thán, cho rằng, vì ông có lòng nhân đức mà chiêu cảm cầm thú như vậy.

Chính danh: nghĩa là đúng với danh phận. Thầy thì sống, xử sự đúng với cương vị bậc thầy; trò thì sống, xử sự đúng với cương vị học trò; tì kheo thì sống, xử sự đúng với cương vị một vị tì kheo; sa di thì sống, xử sự đúng với cương vị một vị sa di; v.v... Như thế gọi là “chính danh”. (Xem mục “Định Phận”.)

Chồn cứu mạng ân nhân (truyền thuyết Trung-quốc). Một vị tăng vốn tính giảo hoạt, nghe nói ăn hoàng tinh có thể sống lâu, ý muốn thí nghiệm, nhưng không dám tự mình ăn thử, sợ nguy hiểm. Ông đem một củ hoàng tinh để dưới giếng khô, dụ một người xuống giếng, rồi lấy phần trên của cái cối xay đá đậy miệng giếng lại; bảo rằng, nếu đói thì cứ ăn hoàng tinh. Người kia ở dưới giếng, quá hốt hoảng, nhưng không có cách nào để thoát. Bỗng, một con chồn tới miệng giếng, nói rằng: “Tôi là một con chồn, ở dưới hang trong một ngôi mộ. Trên mộ có một lỗ hổng. Mỗi ngày tôi nằm trong mộ, hai mắt cứ nhìn chăm chú lên cái lỗ hổng đó. Một thời gian sau, tôi tự nhiên thấy mình được ra khỏi mộ. Từ đó tôi có thể bay xa và biến hóa, trở thành một con chồn có thần thông. Ngày xưa tôi đã từng bị chó săn bắt, và đã nhờ ông cứu mạng; bây giờ xin đem phép này chỉ cho ông để đền ơn.” Người kia làm theo lời ấy, thân ngồi trong giếng, hai mắt ngó chăm chú lên cái lỗ trống của chiếc cối xay. Hơn mười ngày sau, tự nhiên ông ra khỏi giếng; liền chạy trốn. Qua vài ngày sau nữa, vị tăng lấy cái cối xay ra, và nhìn xuống giếng, thấy người kia đã đi mất rồi, bèn cho đó là sự hiệu nghiệm của hoàng tinh. Ông về từ biệt đại chúng, tự mình mang hoàng tinh xuống giếng, hẹn một tháng sau, đại chúng hãy mở nắp giếng mà xem. Đến kì hạn, đại chúng mở nắp giếng nhìn xuống, thì ông đã chết từ bao giờ!

Chu Chiêu vương. Chiêu vương là vua thứ tư của vương triều Chu, ở ngôi 51 năm (1052-1002 tr. TL). Theo tài liệu được ghi chép trong bộ sách Chu Thư, vào đời vua này, có vị thái sử tên Tô Do từng tâu vua rằng, ở phương Tây có bậc đại thánh ra đời, và một ngàn năm sau thì giáo pháp của bậc đại thánh ấy sẽ truyền đến Trung-quốc (xem mục “Chu Thư”). Theo niên đại chính thức của đức Phật đã được Phật giáo thế giới thống nhất sử dụng, thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh vào năm 624 tr. TL, sau Chu Chiêu vương đến 4 thế kỉ.

Chu Sĩ Hành (203-282): cũng gọi là Chu Tử Hành, người đất Dĩnh-xuyên (Hà-nam), nước Ngụy, thời Tam-quốc (220-280). Ngài là vị sư Trung-quốc đầu tiên xuất ngoại sang Tây-vực cầu pháp; và cũng có tài liệu còn nói rằng, ngài là người Hán đầu tiên đi xuất gia làm tăng (xin xem chương “Khái Thuật về Chùa Tháp Thời Bắc Triều”, cư sĩ Tuệ Khai dịch, trong Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam, tập 79, ấn hành năm 2546 Phật lịch). Ngài tinh cần nghiên cứu kinh điển, xem việc hoằng pháp chính là nhiệm vụ của mình. Năm 257 ngài giảng Kinh Đạo Hạnh Bát Nhã tại Lạc-dương; và đó cũng là buổi giảng kinh thuyết pháp đầu tiên của người Trung-quốc trên đất nước mình. Kinh Đạo Hạnh Bát Nhã (Astasahasrika-prajnaparamita) do ngài Chi Lâu Ca Sấm (Locasema) dịch từ thời Hậu-Hán (25-220 TL), nhưng vì văn ý khó hiểu, gây khó khăn cho người học, nên Chu Sĩ Hành quyết chí đi Tây-vực để tìm nguyên bản Phạn văn. Ngài xuất phát từ Trường-an vào năm 260, sang tới nước Vu-điền (Ku-stana, ở phía Tây Tân-cương, nay là Khotan). Ngài ở lại đây nhiều năm để nghiên cứu Phạn điển, và đã tìm được nguyên bản Phạn ngữ của Kinh Phóng Quang Bát Nhã (Pancavimsatisahasrika-prajnaparamita). Ngài đã sao chép lại bản kinh này, nhưng chưa mang về Trung-quốc. Sau hơn 20 năm lưu trú tại Vu-điền, vào năm 282, ngài viên tịch tại đây, thế thọ 80 tuổi. Trước khi viên tịch, ngài đã sai đệ tử là Phất Như Đàn (người Vu-điền), mang cuốn Kinh Phóng Quang Bát Nhã ấy đem về Trung-quốc – sau đó, năm 291, kinh ấy được ngài Vô La Xoa và cư sĩ Trúc Thúc Lan dịch ra Hán ngữ. Theo nhận xét của người Trung-quốc, việc đi Tây-vực cầu pháp của ngài, với bản Kinh Phóng Quang Bát Nhã bằng Phạn ngữ do ngài sao chép và cho mang về nước, đã làm cho phong trào nghiên cứu và học tập kinh hệ Bát Nhã tại Trung-quốc trong triều đại Tây-Tấn (265-316), trở nên hưng thịnh. Ngoài ra, cuốn Hán Lục của ngài cũng được coi là tác phẩm thuộc loại “kinh lục” được soạn sớm nhất của Trung-quốc.

Chu Thế-tông: tức vua Thế-tông (954-959) của nhà Hậu-Chu (951-960, đóng đô ở Biện-lương, cũng gọi là Đại-lương, tức nay là huyện Khai-phong, tỉnh Hà-nam) thuộc thời Ngũ-đại (907-960). Vua Thế-tông tên là Sài Vinh, là con nuôi của vua Thái-tổ (951-954), một năm sau khi lên ngôi (năm 955), liền thi hành chính sách đàn áp Phật giáo. Ông đã hạ lệnh phá hủy tất cả các chùa viện không có danh tiếng trong nước, tổng cộng có đến 3.336 ngôi (có sách ghi 30.336 ngôi). Tất cả tăng ni ở trong các chùa đó đều bị cưỡng bách hoàn tục. Tất cả tượng Phật, pháp khí bằng kim loại đều đem nấu để đúc tiền. Bấy giờ, trong một ngôi chùa ở Trấn-châu có một tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đồng, rất linh thiêng, cho nên, dù có chiếu vua ban xuống, người địa phương không ai dám đụng tới. Nhà vua nghe tin, liền thân hành đến chùa đó, tự tay cầm búa đập tới tấp vào mặt vào ngực pho tượng, làm mọi người run sợ vô cùng. Năm 959, nhân đi chinh phạt miền Bắc, ở giữa đường, nhà vua bỗng nhiên bị một mụt nhọt ở ngực, đau đớn vô cùng, không ai cứu chữa được, chỉ một thời gian ngắn thì chết. Đây là kì pháp nạn thứ tư trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc. Nguyên nhân đưa đến pháp nạn kì này đã không phải do óc kì thị tôn giáo, mà do nền tài chánh của triều đình bị kiệt quệ. Sau kì pháp nạn này, trên toàn nước Hậu-Chu chỉ còn lại 2.964 ngôi chùa danh tiếng, với 91.200 tăng ni.

Chu Thư. Bộ sách Thượng Thư ghi chép các việc trải bốn vương triều Ngu (2255-2206 tr. TL), Hạ (2205-1767 tr. TL), Thương (1766-1123 tr. TL), và Chu (1122-247 tr. TL); trong đó, từ thiên “Thái Thệ” đến thiên “Tần Thệ”, gồm 32 thiên, ghi chép các việc của nước Chu và nước Tần, gọi là Chu Thư. Thiên “Dị Kí” trong bộ Chu Thư này có chép câu chuyện liên quan đến Phật giáo như sau: “Thời vua Chiêu, có ánh sáng năm màu chiếu thấu sao Thái-vi, thái sử Tô Do tâu rằng: Có bậc đại thánh ra đời ở phương Tây, cho nên có điềm này. Một ngàn năm sau thánh giáo sẽ truyền đến đây. Vua bèn sai khắc điều ấy lên đá để ghi nhớ.”

Chu Vũ đế: là vua Vũ đế (561-578) của nhà Bắc-Chu (559-581). Ông tên Vũ-văn Ung, là em của Hiếu-mẫn đế và Minh đế. Nhà Bắc-Ngụy khai quốc năm 386, đến năm 534 thì chấm dứt, lãnh thổ bị chia làm hai nước nhỏ là Đông-Ngụy và Tây-Ngụy. Đến năm 550, nhà Đông-Ngụy bị tiêu diệt, nhà Bắc-Tề thay thế, đóng đô ở Nghiệp-thành (tỉnh Hà-bắc); trong khi đó, nhà Tây-Ngụy khai quốc vào năm 535 (đóng đô ở Trường-an), đến năm 557 thì bị Vũ-văn Giác (người Tiên-ti) tiêu diệt để kiến lập nhà Bắc-Chu. Hai vua đầu của nhà Bắc-Chu là Hiếu-mẫn đế (557) và Minh đế (558-560) đều tin Phật, nhưng lấy Nho giáo làm tư tưởng chính trong việc xây dựng văn hóa và hành xử chính trị. Nhưng đến đời vua thứ ba là Vũ đế thì tình hình thay đổi hẳn. Ông lên ngôi khi 18 tuổi (561), nên bị chú là Vũ-văn Hộ chuyên nắm triều chính. Đến năm 572, ông giết chú và tự nắm triều chính. Ban đầu ông kính tin Phật pháp, nhưng càng về sau càng mê tín dị đoan. Vào thời đó trong dân gian có truyền tụng câu sấm nói rằng: “Người mặc áo đen sẽ lấy được thiên hạ.” Ông nghe được câu sấm đó thì lòng nghi hoặc, nghĩ rằng, người mặc áo đen chắc chắn là các vị sa môn. Ông lại rất tin cẩn hai người: một người là đạo sĩ Trương Tân, và một người là nhà sư hoàn tục Vệ Nguyên Tung. Chính hai người này luôn luôn ở bên cạnh ông để gièm siểm, bài xích Phật giáo, làm cho ông thay đổi tâm tính, bỏ Phật giáo, tin Đạo giáo, và cuối cùng là bách hại Phật giáo, gây nên pháp nạn thứ nhì trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc.
Năm 575, Vũ đế đem quân tiến đánh Bắc-Tề, đến năm 577 thì chiếm được trọn vẹn nước này. Như thế, ông đã thống nhất toàn thể lãnh thổ miền Bắc Trung-quốc. Khi đã thôn tính Bắc-Tề, Vũ đế lại tức khắc cho thi hành chính sách tiêu diệt Phật giáo ở Bắc-Tề, làm cho bao nhiêu sự nghiệp huy hoàng của Phật giáo Bắc-Tề từ trước, đến nay đều bị diệt sạch. Một năm sau đó (578) thì ông mất.

Chủ bạn đầy đủ (chủ bạn cụ túc). “Chủ bạn” tức là chủ và bạn. Chủ là chỉ cho chủ thể; và bạn là chỉ cho những cái tùy thuộc vào chủ thể. Thuyết “pháp giới duyên khởi” của tông Hoa Nghiêm nói rằng: Nếu lấy cái này là chủ thì cái kia là bạn, nếu lấy cái kia là chủ thì cái này là bạn; như vậy thì chủ và bạn đều đầy đủ trong một sự vật, gọi là “chủ bạn cụ túc”. Lại nữa, mỗi sự vật trong vũ trụ vạn hữu đều vừa là chủ mà cũng vừa là bạn; vạn hữu tức là nhau, ở trong nhau, thông nhiếp trùng trùng vô tận, gọi là “chủ bạn vô tận”.

Chủ tu: tức là chuyên tu. (Xem mục “Chuyên Tu - Tạp Tu”.)

Chùa Na-lan-đà. Tiếng Phạn “na-lan-đà” (nalanda) có nghĩa là bố thí không nhàm chán (thí vô yếm), là tên của một ngôi chùa lớn của Phật giáo Ấn-độ thời cổ, tọa lạc tại phía Bắc kinh thành Vương-xá của nước Ma-kiệt-đà, miền Trung Ấn-độ (nay là Baragaon, cách Rajgir khoảng 11 km về hướng Bắc), do vua Đế Nhật (Sakraditya) thuộc vương triều Cấp-đa xây dựng vào đầu thế kỉ thứ 5; và được các đời sau tu bổ mở rộng, trở thành một tự viện qui mô lớn lao bậc nhất, đồng thời cũng là một học viện cao cấp nhất của Phật giáo Ấn-độ thời cổ. Theo sách Đại Đường Tây Vực Kí ghi chép, địa điểm xây cất chùa Na-lan-đà, nguyên là vườn Am-ma-la thời Phật tại thế; nơi mà đức Phật đã ngự trong 3 tháng để nói pháp. Sau khi đức Phật nhập diệt không lâu, vua Đế Nhật đã cho xây cất một ngôi già lam tại đó. Có hai thuyết nói về nguyên do chùa được đặt tên là “Na-lan-đà”: Thuyết thứ nhất nói, tại khu vườn phía Nam của ngôi chùa có một ao nước, trong ao có con rồng tên Na-lan-đà, cho nên đã lấy tên rồng mà đặt tên chùa. Thuyết thứ hai nói, trong một tiền kiếp khi đức Phật còn tu hạnh Bồ-tát, lúc đó Ngài là một vị quốc vương, đóng đô tại khu đất đó. Nhà vua chuyên tu hạnh bố thí, cho nên có đức hiệu là Thí Vô Yếm (bố thí không nhàm chán, tức là ý nghĩa của chữ “nalanda”), nhân đó mà đặt tên chùa là Na-lan-đà.
Vào lúc ngài Huyền Trang sang lưu học ở Na-lan-đà, học viện này có đến hàng trăm giảng đường, nhiều kho sách thật lớn, sáu dãy nhà rộng mênh mông, cao bốn tầng dùng làm phòng ngủ. Đài thiên văn của chùa cao đến nỗi thường bị lấp trong mây mù buổi sáng. Theo sách Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện ghi chép, Na-lan-đà là ngôi chùa lớn nhất ở Ấn-độ vào thế kỉ thứ 7, tăng chúng thường trú lúc nào cũng đông đến vạn người, tu học đủ các bộ môn thuộc đại thừa và 18 bộ phái tiểu thừa, ngoài ra còn gồm cả Phệ đà, Nhân minh, Thanh minh, Y phương, Thuật số v.v... Theo lời kể của ngài Huyền Trang thì tăng sinh muốn được vào học ở Na-lan-đà phải trải qua một cuộc thi tuyển vô cùng cam go. Khi được nhận học, họ đã khỏi phải đóng bất cứ phí tổn nào, lại còn được học viện đài thọ đủ thứ, miễn là phải tuân giữ kỉ luật vô cùng khắt khe.
Ban đầu, nơi đó là trung tâm của học phái Duy Thức, về sau dần dần diễn biến thành một trung tâm lớn của Mật giáo. Các vị luận sư trứ danh của Đại thừa Hữu tông như Hộ Pháp, Đức Tuệ, Kiên Tuệ, Thắng Hữu, Trí Nguyệt, Giới Hiền, Trí Quang, v.v... đều từng đảm nhiệm các chức vụ giáo thọ hoặc trụ trì tại học viện này. Ngoài ra còn có rất nhiều du học tăng đến từ Trung-quốc và các nước vùng Đông và Đông Nam Á; đồng thời, các vị sư Ấn-độ sang Trung-quốc trong thời kì này như Địa Bà Ha La, Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí v.v..., cũng từng tu học tại chùa này.
Đầu thế kỉ thứ 8, vương triều Cấp-đa suy sụp, Ấn-độ giáo hưng khởi mạnh mẽ, làm cho chùa Na-lan-đà suy vi nhanh chóng. Đến cuối thế kỉ 12 thì chùa này bị quân Hồi giáo phá hủy. Vào năm 1197, đội quân ấy đã san bằng cả khu học viện Na-lan-đà bằng ngọn lửa tàn bạo, bao nhiêu tăng chúng đều bị giết sạch, bao nhiêu của cải đều bị cướp sạch.
Năm 1915, các nhà khảo cổ ở Ấn-độ đã bắt tay vào công việc khai quật có hệ thống đối với chùa Na-lan-đà. Họ đã lần lượt phát hiện được nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và bằng đồng xanh từ trong các di tích của chùa này; hiện được bảo tồn trong viện bảo tàng Na-lan-đà ở Ấn-độ.

Chùa Thiếu-lâm (Thiếu-lâm tự). Có hai ngôi chùa cùng tên Thiếu-lâm: một ngôi tọa lạc tại Bàng-sơn, tỉnh Hà-bắc, được xây vào giữa thế kỉ 13, dưới triều đại nhà Nguyên; một ngôi tọa lạc tại Tung-sơn, tỉnh Hà-nam, được xây sớm hơn, vào cuối thế kỉ thứ 5, dưới triều đại nhà Bắc-Ngụy. Nhưng ngôi chùa Thiếu-lâm được nhiều người biết và nói tới nhiều nhất là ngôi ở Tung-sơn, tỉnh Hà-nam. Chùa này tọa lạc tại ngọn Thiếu-thất, là một ngọn ở đầu phía Tây của rặng núi Tung-sơn, do vua Hiếu-văn đế (471-499) của nhà Bắc-Ngụy kiến tạo vào năm 496, mời Phật Đà thiền sư (người Thiên-trúc) trụ trì. Năm 527, ngài Bồ Đề Đạt Ma đến đây, ngồi trong hang đá “diện bích” nhập định 9 năm, rồi truyền pháp cho sư Tuệ Khả, sáng lập Thiền tông; sử gọi ngài Bồ Đề Đạt Ma là Sơ-tổ, chùa Thiếu-lâm là tổ đình, tăng tục vân tập tu học đông đảo, Thiền pháp từ đó thịnh hành. Đến triều đại Bắc-Chu, vua Vũ đế (561-578) bài trừ đạo Phật, tất cả tự viện đều bị phá hủy, chùa này cũng cùng chung số phận; nhưng đến đời vua Tĩnh đế (579-581) thì chùa lại được phục hưng, và được đổi tên là Trắc-hộ. Đến thời đại nhà Tùy, vua Tùy Văn đế (581-604) ban sắc, chùa lấy lại tên cũ là Thiếu-lâm. Năm 617 (năm cuối cùng của vua Tùy Dạng đế) chùa bị sơn tặc phá hủy, chỉ còn lại một ngôi tháp. Vào đầu thời đại nhà Đường, vì tăng chúng chùa Thiếu-lâm từng giúp vua Đường Thái-tông (627-649) dựng nước có công, chùa Thiếu-lâm lại được trùng hưng, và môn võ nghệ Thiếu-lâm cũng được nổi danh, thịnh truyền từ đó. Từ cuối đời Đường sang đời Ngũ-đại (tức nửa đầu thế kỉ thứ 10), chùa Thiếu-lâm là đạo tràng lớn của tông Lâm Tế; từ thế kỉ 13 đến nay, nó là đạo tràng trung tâm của tông Tào Động.

Chùa Từ-ân (Từ-ân tự): cũng gọi là Đại-từ-ân, là ngôi chùa cổ tọa lạc tại phía Nam thành Tây-an, tỉnh Thiểm-tây, tức trong phạm vi kinh đô Trường-an xưa. Chùa này nguyên được xây cất từ thời đại nhà Tùy, tên là Vô-lậu (có thuyết nói là chùa Tịnh-giác). Năm 648 (dưới triều vua Đường Thái-tông), thái tử Lí Trị (sau này là vua Đường Cao-tông), vì muốn báo đáp từ ân cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức, đã ra công xây lại ngôi chùa Vô-lậu ấy, to lớn hơn, mĩ lệ hơn, và đổi tên thành Từ-ân tự. Chùa chia ra hơn 10 viện, gồm hơn 1.000 gian, trang nghiêm tráng vĩ. Chùa xây cất xong, thái tử thân hành đến lễ Phật, và sắc độ 300 vị tăng, cung thỉnh 50 vị danh đức về cư trú để trông coi Phật sự và giảng dạy cho tăng chúng. Ngài Huyền Trang (du học Ấn-độ về nước từ năm 645) được cung nghinh lên địa vị thượng tọa, vừa chỉ đạo mọi việc tổng quát trong chùa, vừa phiên dịch kinh điển. Ở góc Tây-Bắc của chùa có xây Phiên-kinh viện, tất cả các kinh, tượng cùng xá lợi do ngài Huyền Trang mang từ Ấn-độ về, đều được trưng bày nơi đó. Tại viện Phiên-kinh này, ngài Huyền Trang đã dịch được hơn 40 bộ kinh luận, gồm hơn 400 quyển, được người đương thời xưng là Từ Ân tam tạng. Ngài cũng xây một ngôi tháp gạch, 5 tầng, 4 mặt, cao 300 thước (tức gần 100 mét), người đời sau gọi đó là tháp Đại-nhạn. Ngài Huyền Trang viên tịch, đệ tử lớn của ngài là Khuy Cơ kế thế, đã sáng lập tông Pháp Tướng tại chùa này, được người đời xưng là Từ Ân đại sư. Về sau, trải qua nhiều tai biến, chùa bị hư nát điêu tàn, chỉ có ngôi Đại-nhạn tháp là còn nguyên vẹn. Đến đời vua Khang Hi nhà Thanh (1662-1722), chùa mới được trùng tu, hiện còn đến ngày nay.

Chuẩn Đề: cũng gọi là Chuẩn Đề Quán Âm, hay Phật Mẫu Chuẩn Đề, dịch ý là thanh tịnh, tức tán thán đức thanh tịnh của tâm tánh; được Thiền tông lấy làm một trong Quán Âm Bộ, phái Đông Mật Nhật-bản lấy làm một trong 6 Quán Âm (Quán Âm ngàn tay, Quán Âm thánh, Quán Âm đầu ngựa, Quán Âm 11 mặt, Quán Âm Chuẩn Đề, Quán Âm bánh xe như ý), hiện trong hình tượng 3 con mắt 18 cánh tay.

Chúng sinh - Hữu tình. Tiếng Phạn là “tát-đỏa” (sattva), tiếng Trung-quốc dịch ý là “chúng sinh” hay “hữu tình”; có nhiều chỗ cũng gọi là “hàm thức”, “hàm sinh”, “hàm linh”, “quần sinh”. Tuy hai danh từ chúng sinh và hữu tình đều dịch từ một tiếng Phạn là “tát đỏa”, nhưng các nhà Phật học cũng phân biệt ý nghĩa khác nhau giữa hai danh từ ấy. Có thuyết cho rằng, hữu tình là chỉ cho các loài có tình thức như trời, người, ngạ quỉ, súc sinh v.v...; còn chúng sinh là chỉ bao quát cả các loài có tình thức (hữu tình) và các loài không có tình thức (vô tình) như cây cỏ, đất đá, sông hồ v.v... Trong khi đó thì có thuyết lại cho rằng, hữu tình chỉ là một tên gọi khác của chúng sinh, cả hai đều chỉ bao quát cho cả các loài có tình thức lẫn không có tình thức. Riêng từ “chúng sinh” có nhiều ý nghĩa: a) Các loài bị nhiễm trước triền miên trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức; b) Các loài cùng sinh trong thế gian, không phân biệt nam nữ, tôn ti trên dưới, cũng không có tên khác nhau; c) Các loài phải chịu nhiều sinh tử; d) Các loài đều do ngũ uẩn và các duyên giả hợp mà sinh ra; đ) Pháp thân bị phiền não ràng buộc nên phải trôi lăn trong sinh tử; e) Các loài bị phiền não che lấp mà phải lưu chuyển trong sinh tử.

Chủng tánh (種性): tức là tính chất hạt giống, được hiểu là bản tính của các loài hữu tình. Trong Phật học, “chủng tánh” là một thuật ngữ chỉ cho bản tánh của Phật cùng hàng Tam-thừa (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát) đều có đầy đủ khả năng chứng đắc quả vị Vô-thượng Chánh-giác. Chủng tánh ấy có hai loại: loại vốn có từ vô thỉ (tiên thiên), không bao giờ thay đổi, gọi là “bản tánh trụ chủng tánh” (gọi tắt là “tánh chủng tánh”; loại do công phu tu hành ở đời này hoặc qua nhiều đời mới có được (hậu thiên), gọi là “tập sở thành chủng tánh” (gọi tắt là “tập chủng tánh”). Các bộ phái Phật giáo, như Thuyết Nhất Hữu Bộ, không thừa nhận tất cả chúng sinh vốn có tánh Phật từ vô thỉ, mà chỉ thừa nhận phải do công phu tu hành mới có được. Trong giáo pháp đại thừa, các vị đại luận sư tông Duy Thức, do kiến giải về “chủng tử” có chỗ sai khác nhau, nên có vị chủ trương chỉ có “tánh chủng tánh” (như ngài Hộ Nguyệt); có vị thì chủ trương chỉ có “tập chủng tánh” (như ngài Nan Đà); có vị thì thừa nhận cả hai (như ngài Hộ Pháp). Các tông Thiên Thai, Hoa Nghiêm v.v... thì chủ trương tất cả chúng sinh đều vốn có đầy đủ tánh Phật.
Lại nữa, tông Pháp Tướng (Duy Thức) đã đem căn cơ của tất cả chúng sinh phân chia thành 5 loại chủng tánh (ngũ tánh hay ngũ chủng tánh); và tùy theo năm loại chủng tánh đó mà biết được loại nào có thể thành Phật, loại nào không thể thành Phật. 1) Định tánh Thanh-văn, là loại hữu tình vốn có hạt giống vô lậu có thể chứng quả A-la-hán. 2) Định tánh Độc-giác (hay Duyên-giác), là loại hữu tình vốn có hạt giống vô lậu có thể chứng quả Bích-chi Phật. Hai loại chủng tánh này vốn chỉ có hạt giống vô lậu về “sinh không” (tức chứng ngộ lí ngã không), chán ghét sinh tử, chuyên tu tự lợi, đoạn phiền não chướng, chứng nhập niết bàn. Cả hai là căn cơ nhị thừa (Thanh-văn và Duyên-giác), cho nên cũng được gọi là “nhị thừa định tánh”. Vì không có hạt giống Phật, cho nên cả hai không thể thành Phật. 3) Định tánh Bồ-tát, là loại hữu tình vốn có hạt giống vô lậu có thể chứng quả Phật. Loại chủng tánh này vốn có hạt giống vô lậu về “sinh pháp nhị không” (tức chứng ngộ lí ngã không và pháp không), tu tập cả hai hạnh tự lợi và lợi tha, đoạn trừ cả phiền não chướng và sở tri chướng, chứng ngộ diệu lí hai không, đạt quả vị đại giác viên mãn (tức quả Phật). Cả ba loại chủng tánh trên đây (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát), vì mỗi chủng tánh chỉ có một loại hạt giống (chủng tử) duy nhất, cho nên gọi là “định tánh”. Gộp cả ba loại, gọi là “tam thừa định tánh”. 4) Bất định tánh, cũng gọi là “tam thừa bất định tánh” (đối lại với “tam thừa định tánh” ở trên), là loại hữu tình vốn có đủ cả hai hay ba loại hạt giống vô lậu. Vì có các loại hạt giống vô lậu sai khác nhau như thế, mà cả ba cỗ xe (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát) đều không thể quyết định là thuộc loại chủng tánh nào; do đó gọi là “bất định tánh”: có bốn loại: (a) Hai tánh bất định Bồ-tát và Thanh-văn, có đủ hai loại hạt giống Phật và A-la-hán; (b) Hai tánh bất định Bồ-tát và Độc-giác, có đủ hai loại hạt giống Phật và Bích-chi Phật; (c) Hai tánh bất định Thanh-văn và Độc-giác, có đủ hai loại hạt giống A-la-hán và Bích-chi Phật; (d) Ba tánh bất định Thanh-văn, Độc-giác và Bồ-tát, có đủ ba loại hạt giống A-la-hán, Bích-chi Phật và Phật. Vì không quyết định thuộc loại chủng tánh nào (bất định tánh), cho nên ở cả bốn loại trên đây, không những là Bồ-tát, mà cả Thanh-văn và Duyên-giác đều có thể tu tập hạnh Bồ-tát để chứng đạt quả Phật (khác với “nhị thừa định tánh” ở trên). 5) Vô tánh, cũng gọi là “nhân thiên thừa tánh”, là loại hữu tình vốn chỉ có loại hạt giống hữu lậu để thành Người hoặc Trời, không có hạt giống vô lậu của ba loại chủng tánh ở trên. Vì chỉ có loại hạt giống hữu lậu, nên loại chủng tánh này không thể có được trí tuệ xuất thế, không thể giải thoát sinh tử, chỉ tu tập các thiện nghiệp thuộc thế gian để có được các quả báo thiện ở cõi Người hay cõi Trời mà thôi.
Về thuyết “năm chủng tánh” của tông Pháp Tướng trên đây, mới xem qua, như có người đã bình phẩm, thì hẳn là không phù hợp với lời dạy của đức Phật trong kinh Niết Bàn. Bởi vậy, đã có lời khuyên người học Phật không nên nghe theo luận cứ đó của tông Pháp Tướng. Chúng tôi xin mạn phép trình bày thiển ý như sau: Trước hết, thuyết “năm chủng tánh”, tuy nói đó là chủ trương của tông Pháp Tướng, nhưng sự thật là đã được rút ra từ kinh Lăng Già Tâm Ấn (tức Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh). Quyển hai của kinh này nói: “Lại nữa, này Đại Tuệ, có năm chủng tánh vô gián. Những gì là năm? Đó là: Chủng tánh vô gián Thanh-văn thừa, chủng tánh vô gián Duyên-giác thừa, chủng tánh vô gián Như-lai thừa, chủng tánh bất định, và chủng tánh các biệt.” (Chủng tánh “vô gián Như-lai thừa” ở đây tức là loại “định tánh Bồ-tát ở trên; chủng tánh “các biệt” tức là loại “vô tánh” hay “nhân thiên thừa tánh” ở trên.) Thiền sư Hàm Thị giải thích: “Vô gián là pháp tánh không gián đoạn, mà chủng tử và hiện hành mỗi loại có khác. (......) Năm chủng tánh tuy khác mà đồng một pháp tánh. Kinh Niết Bàn nói: Xiển-đề đều có Phật tánh, nếu phát lòng tin thì không gọi là xiển-đề. (......) Nói chủng tánh sai biệt, vốn vì người mới vào hàng Bồ-tát, khuyên họ tiến lên quả vị cứu cánh, chẳng để họ rơi vào tiểu thừa hay quyền thừa, mà còn khuyến dụ hàng tiểu thừa và quyền thừa phát tâm đại thừa; chứ không phải bảo rằng, chủng tánh quyết không thể thay đổi.” Kinh Lăng Già là một trong sáu kinh căn bản làm chỗ y cứ lập tông cho tông Pháp Tướng, cho nên không thể nói có sự “không phù hợp giữa KINH và LUẬN” như có người đã nói. Thứ nữa, thực tế là chúng sinh có nhiều căn cơ cao thấp khác biệt, cho nên đức Phật cũng tùy theo từng căn cơ mà nói pháp, để cho mọi người đều được hóa độ. Bởi vậy, việc phân biệt có “năm chủng tánh” như trên kia, cũng là vì mục đích tùy cơ hóa độ. Trong các tông phái đại thừa, tông Pháp Tướng được coi thuộc loại “quyền đại thừa” (chưa hoàn toàn là đại thừa), thì việc dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa một cách tiệm tiến, là lẽ đương nhiên; cuối cùng thì tất cả chủng tánh đều sẽ thành Phật, như ngài Hàm Thị vừa nói ở trên. Việc phân biệt hữu tình có “năm tánh” đúng là nhằm mục đích đó. Vậy thì, thuyết “năm chủng tánh” của tông Pháp Tướng không có gì là trái ngược với kinh điển.

Chủng tánh vốn có (bản tánh trụ chủng tánh - tánh chủng tánh) và chủng tánh tập thành (tập sở thành chủng tánh - tập chủng tánh). Thuật ngữ Phật học có từ “tánh tập nhị tánh”, nghĩa là có hai loại chủng tánh: tánh và tập. Đó là hai loại chủng tánh đại thừa, là bản tánh có khả năng chứng quả Bồ-đề: 1) Loại chủng tánh vốn có đầy đủ từ vô thỉ, dù trải qua bao kiếp sinh tử luân hồi vẫn tồn tại, không mất; thuật ngữ Phật học gọi là “bản tánh trụ chủng tánh”, hay “bản tánh trụ chủng”; nói tắt là “tánh chủng tánh”, hoặc “tánh chủng”. 2) Loại chủng tánh mới được huân tập về sau, do công đức tu thiện nghiệp trải qua bao đời mà có được; thuật ngữ phật học gọi là “tập sở thành chủng tánh”, hay “tập sở thành chủng”; nói tắt là “tập chủng tánh”, hoặc “tập chủng”. (Xem mục “Chủng Tánh”.)

Chủng tử 1. “Chủng tử” nghĩa là hạt giống, là một thuật ngữ quan trọng, hay hơn thế nữa, là một trong những giáo nghĩa chủ yếu, căn bản của Duy Thức Học. Giống như tất cả mọi thứ cỏ cây đều phát sinh từ hạt giống, tất cả mọi hiện tượng thuộc sắc pháp (vật chất) và tâm pháp (tinh thần) ở trong vũ trụ, cũng đều phát sinh từ chủng tử. Lí thuyết về chủng tử được nói tới sớm nhất trong Kinh Tạp A Hàm. Sau đó, trong thời kì Phật giáo Bộ-phái, nó cũng được chú ý rất nhiều, nhất là ở Hóa Địa Bộ và Kinh Lượng Bộ. Tới thời đại Vô Trước - Thế Thân (thế kỉ thứ 5 TL), với tác phẩm Du Già Sư Địa Luận của Bồ Tát Di Lặc, giáo nghĩa về “chủng tử” mới thật sự được thuyết minh một cách rõ rệt, trở thành một trong những giáo nghĩa căn bản của Duy Thức Học thuộc Phật giáo Phát-triển (đại thừa). Trong Du Già Sư Địa Luận, thức a-lại-da được thành lập, và được gọi là “chủng tử thức”, vì nó chứa giữ tất cả chủng tử của vạn pháp (bao hàm cả sắc, tâm, thiện, ác, v.v...), và từ đó mà sinh khởi mọi hiện tượng. Điều này cho chúng ta thấy, chủng tử và a-lại-da chỉ là hai mặt của một bộ phận không thể tách rời: đứng về mặt bản thể thì đó là thức a-lại-da; đứng về mặt tác dụng thì đó là chủng tử – và chủng tử là một loại tác dụng thuần túy tinh thần, không phải là khách thể của thức a-lại-da. Đó là một điểm vô cùng quan trọng của giáo lí Duy Thức mà chúng ta phải nắm vững.
Theo Thành Duy Thức Luận, chủng tử luôn luôn có đầy đủ sáu ý nghĩa – mà đồng thời cũng là sáu điều kiện: 1) Vì chịu luật vô thường chi phối, chủng tử cũng biến chuyển, sinh diệt trong từng sát na, không ngưng nghỉ, gián đoạn. Thuật ngữ Duy Thức Học gọi đó là “sát na diệt”. 2) Thức và căn sinh khởi đồng thời, không cách rời nhau, mới sinh ra hiệu dụng. (Như khi nhãn căn đối trước sắc cảnh, thì nhãn thức cũng cùng lúc sinh khởi để duyên cảnh, mới đưa đến tác dụng thấy cảnh.) Thuật ngữ Duy Thức Học gọi đó là “quả câu hữu”. (Quả ở đây là chỉ cho thức và căn.) 3) Khi thức khởi động thì chủng tử liền chuyển động theo, không cách rời. Thuật ngữ Duy Thức Học gọi đó là “hằng tùy chuyển”. 4) Khi thức duyên cảnh, luật nhân quả vẫn chi phối rõ ràng, không lộn xộn. (Như nhãn thức duyên với cảnh ác thì sẽ thành ra pháp ác, chứ không thể thành ra pháp thiện.) Thuật ngữ Duy Thức Học gọi đó là “tánh quyết định”. (Tánh ở đây là tánh thiện, tánh ác, hay tánh vô kí.) 5) Chủng tử của các thức không thể tự mình sinh khởi được, mà phải nhờ các duyên hỗ trợ. (Như chủng tử nhãn thức sinh khởi được là nhờ có khoảng không, ánh sáng, nhãn căn, cảnh vật, v.v...) Thuật ngữ Duy Thức Học gọi đó là “đãi chúng duyên”. 6) Chủng tử của pháp nào thì sẽ sinh khởi hiện hành của pháp đó, không hề lẫn lộn. (Như chủng tử sắc pháp thì sẽ hiện khởi sắc pháp; chủng tử tâm pháp thì sẽ hiện khởi tâm pháp; nhãn căn đối trước sắc cảnh thì nhãn thức liền duyên sắc cảnh, chứ không duyên với thanh cảnh, v.v...) Thuật ngữ Duy Thức Học gọi đó là “dẫn tự quả.”
Về tính chất, Duy Thức Học phân chia chủng tử có hai loại tổng quát: hữu lậu và vô lậu. Loại chủng tử hữu lậu có công năng sinh khởi mọi hiện tượng trong ba cõi; loại chủng tử vô lậu là nhân của thành quả giải thoát giác ngộ. Về thể loại, chủng tử cũng được chia làm hai loại: bản hữu và thỉ hữu. Bản hữu chủng tử là các chủng tử vốn có từ vô thỉ đến nay, được chứa giữ trong a-lại-da thức – cho nên cũng được gọi là “bản tánh trụ chủng”; thỉ hữu (hay tân huân) chủng tử là các chủng tử mới được huân tập vào thức a-lại-da trong đời sống hiện tại – cho nên cũng được gọi là “tập sở thành chủng”. Các chủng tử cũ và mới này hòa hợp lại, tạo thành những biểu hiện của hiện hữu huyễn vọng trong đời sống chúng ta. Chủng tử từ thức a-lại-da đã biến hiện thành vạn pháp, mà thuật ngữ Duy Thức Học gọi là “hiện hành”. Mối quan hệ trọng yếu đó được Duy Thức Học giải thích rõ bằng thuyết: “Do ba pháp cấu thành hai tầng nhân quả”. Ba pháp (tam pháp) đó là: bản hữu chủng tử, hiện hành và tân huân chủng tử; hai tầng (nhị trùng) nhân quả là: chủng tử sinh hiện hành và hiện hành huân chủng tử. Khi chủng tử cũ (bản hữu chủng tử) sinh khởi thành hiện hành thì chủng tử là nhân của hiện hành; cùng ngay lúc đó, hiện hành ấy lại huân tập thành chủng tử mới (thỉ hữu, hay tân huân chủng tử), thì hiện hành vừa là quả của chủng tử cũ, đồng thời cũng là nhân của chủng tử mới. Trong bước triển chuyển này, chúng ta cũng thấy ngay rằng, chính chủng tử ở sát na trước đã sinh ra chủng tử ở sát na sau; mà Duy Thức Học đã nói một cách gọn ghẽ là “chủng tử sinh chủng tử”.

Chủng tử 2. “Chủng tử” là một thuật ngữ trọng yếu trong giáo lí Duy Thức; ngoài ra, nó cũng được dùng với ý nghĩa đặc biệt trong Mật giáo. Trong Mật giáo, chữ “chủng tử” chỉ cho chữ Phạn mà chư Phật, Bồ-tát dùng để nói các chân ngôn; vì vậy, nó cũng được gọi là “chủng tự”, hay “chủng tử tự”. Các hành giả Chân Ngôn, khi tu tập phép quán “tự luân” (vòng chữ Phạn), là quán tưởng các chủng tử này. Gọi là “chủng tử” là có ý nói rằng, từ một chữ có thể sinh ra nhiều chữ, và từ nhiều chữ lại có thể thu về một chữ. Cho nên, từ “chủng tử” bao hàm hai nghĩa: vừa là “dẫn sinh”, vừa là “nhiếp trì”. Mật giáo đã dùng cái lí lẽ này để biểu thị rằng, nếu biết rõ một pháp, tức là biết rõ tất cả pháp; nếu biết rõ một pháp là không, tức thì biết rõ tất cả pháp là không; nếu chuyên chú quán tưởng một chữ, tu các hạnh nguyện, tức có thể ở nơi tất cả hạnh nguyện đều được viên mãn. Nói một cách tổng quát, từ “chủng tử” dùng trong Mật giáo gồm 3 ý nghĩa: 1) Biết rõ nguyên nhân, ví như thấy khói thì biết có lửa, cũng vậy, hành giả Mật giáo quán tưởng chữ (chủng tử) mà biết rõ Phật trí. 2) Nguyên nhân sinh khởi, ví như do hạt giống mà sinh ra gốc rễ cây lá hoa trái, cũng vậy, do chủng tử mà sinh ra hình tướng “tam muội da”. 3) Vốn có, ý nói chữ là căn nguyên của các pháp, đầy đủ tánh đức vốn có xưa nay, có thể làm qui phạm cho tất cả. Vì có đầy đủ 3 ý nghĩa đó, cho nên Chư Tôn trong Mật giáo dùng nó để biểu trưng.

Chuyên tu - Tạp tu. Tông Tịnh Độ chủ trương rằng: Hành giả tu Tịnh Độ, chỉ chú tâm chuyên nhất vào một đối tượng là đức Phật A Di Đà (xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái tượng Phật A Di Đà, tán thán cúng dường đức Phật A Di Đà, quán tưởng về y báo và chánh báo trang nghiêm của cõi Tịnh-độ và đức Phật A Di Đà, đọc tụng các kinh điển liên quan đến cõi Tịnh-độ và đức Phật A Di Đà), thì gọi là “chuyên tu”; chắc chắn được vãng sinh về thế giới Cực-lạc, ngàn người sẽ được vãng sinh cả ngàn. Nếu vừa tu Tịnh Độ, lại vừa tu thêm những pháp môn khác, thậm chí tán thán cúng dường, hay xưng niệm danh hiệu của các đức Phật và Bồ-tát khác, thì gọi là “tạp tu”; sẽ không được vãng sinh về thế giới Cực-lạc, một ngàn người tu, may ra mới có một người được vãng sinh.

Chuyển bánh xe pháp Tứ Đế (chuyển Tứ Đế pháp luân). Phật nói pháp, cũng gọi là “quay bánh xe pháp” (chuyển pháp luân), vì Phật có thể chuyển phàm thành thánh, chuyển phiền não thành bồ đề, giống như quay bánh xe. Phật nói giáo lí “Bốn Sự Thật” (Tứ Đế), dạy cho hàng Thanh-văn nhận thức được sự thật về khổ, dứt trừ nguyên nhân của khổ, vui thích cảnh giới tịch diệt, và tu tập theo con đường chân chánh; khiến cho họ chứng được bốn quả vị Thanh-văn, cho nên nói là “Phật chuyển bánh xe pháp Tứ Đế”.

Chuyển luân thánh vương: hay gọi tắt là Chuyển Luân vương, hay Luân vương, là từ dịch ý của tiếng Phạn “cakra-varti-rajan”, nghĩa là người chủ của bánh xe báu xoay chuyển. Luân vương có bảy món báu đặc biệt mà tất cả mọi người không ai có: bánh xe báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, quản kho báu, và tướng quân báu. Vua có bốn đức lớn, không ai sánh bằng: sống lâu, không tật bệnh, tướng mạo đoan trang, và kho đầy của báu. Quốc độ của vua giàu có, nhân dân khắp nơi đều sống trong cảnh thái bình an lạc. Vua thống quản cả bốn châu lớn chung quanh núi Tu-di, dùng chánh pháp để trị đời. Truyền thuyết về sự xuất hiện của Chuyển luân thánh vương, rất được thịnh hành trong thời Phật tại thế. Nhiều kinh luận đã đề cập tới Chuyển luân thánh vương, và nhiều chỗ còn so sánh vị vua này với đức Phật. Luận Đại Trí Độ nói: Phật chuyển pháp luân cũng giống như Luân vương chuyển bảo luân... Luân vương vận chuyển bánh xe báu đi giữa hư không vô ngại, Phật vận chuyển xe pháp đi giữa thế gian vô ngại. Người thấy được bánh xe báu, các tai nạn, độc hại đều tiêu diệt; người gặp được bánh xe pháp, tất cả phiền não, tà kiến đều tan biến... Luận ấy lại nói: Luân vương chưa dứt sạch mọi phiền não; Phật đã xa lìa vĩnh viễn mọi phiền não... Bánh xe báu là vật giả tạm; bánh xe pháp là chân thật. Bánh xe báu là nơi đầy kiết sử, vui với năm dục; bánh xe pháp là nơi không có kiết sử, vui niềm pháp lạc... Nhiều chỗ còn so sánh các Luân vương với các giai vị của Bồ-tát hạnh, như: Thiết Luân vương tương đương với hàng Thập-tín; Đồng Luân vương tương đương với hàng Thập-trụ; Ngân Luân vương tương đương với hàng Thập-hạnh; Kim Luân vương tương đương với hàng Thập-hồi-hướng. Có chỗ nói Luân vương gồm ba loại: Vua A Dục chẳng hạn, là Quân (quân binh) Luân vương; bốn vị Kim, Ngân, Đồng và Thiết Luân vương là Tài (của cải) Luân vương; và đức Phật là Pháp Luân vương.

Chuyển-thế. Đã chứng được quả Dự-lưu, quả Nhất-lai ở đời trước, sang đến đời này chứng được quả Bất-hoàn. Bậc thánh này không vào các cõi Sắc và Vô-sắc, mà nhập thẳng vào niết bàn, gọi là “Chuyển-thế”. Theo tông Thành Thật, đây là địa vị thứ 14 (trong 27 địa vị) trên tiến trình tu tập của hành giả Thanh-văn-thừa.

Chuyết văn: là một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch ở Trung-quốc thời xưa (xem mục “Dịch Kinh”), giữ nhiệm vụ nối kết văn tự làm thành câu.

Chư Tôn. Mật giáo dùng từ “Chư Tôn” để chỉ cho chư Phật, chư Bồ-tát, các Minh vương, chư thiên v.v... trong lễ nghi Mật giáo.

Chữ Phạn - Tiếng Phạn (Sanskrit). Theo truyền thuyết của Ấn-độ, văn tự Ấn-độ là do Phạn Thiên sáng chế, và tiếng Ấn-độ thì giống như tiếng nói của Phạn Thiên, cho nên đã có các danh từ “Phạn tự” (chữ Phạn) và “Phạn ngữ” (tiếng Phạn). Khoảng hai nghìn năm trước TL, giống người Aryans (Ấn-Âu) từ miền Trung-Á tiến vào vùng Ngũ-hà (Panjab) ở Tây-Bắc Ấn-độ, đánh đuổi người bản xứ và định cư tại đó. Họ tiêu diệt nền văn hóa cũ của dân địa phương và sáng lập nền văn hóa mới, sùng bái Phạn Thiên, cho Phạn Thiên là gốc của vũ trụ; do đó, ngôn ngữ và văn tự Ấn-độ, họ đều cho là có từ Phạn Thiên.

Chứng nghĩa: là một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch ở Trung-quốc thời xưa (xem mục “Dịch Kinh”), ngồi bên trái của vị dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm tra, đánh giá Phạn văn, và xét đoán văn dịch có chính xác hay không.

Chứng trạch diệt: tức là chứng quả niết bàn. “Trạch diệt” là một tên khác của niết bàn, là một trong sáu pháp vô vi (trong một trăm pháp), theo giáo lí tông Duy Thức. “Trạch” nghĩa là lựa chọn, phán đoán; “diệt” nghĩa là dứt trừ cả phiền não chướng lẫn sở tri chướng, thoát li sinh tử, chứng nhập cảnh giới niết bàn tịch tịnh (tức là Diệt đế trong tứ đế). “Trạch diệt” nghĩa là dùng sức phán đoán, lựa chọn chính xác của trí tuệ để diệt trừ phiền não, thoát khỏi mọi trói buộc, chứng đạt giải thoát trọn vẹn.

Chứng văn: là một trong chín vị pháp sư thuộc hội đồng phiên dịch ở Trung-quốc thời xưa (xem mục “Dịch Kinh”), ngồi bên phải của vị dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm xét Phạn văn mà vị dịch chủ tuyên đọc là đúng, hay có chỗ nào sai sót.

Chướng. Trong giáo lí đạo Phật, tất cả những gì làm cản trở người tu hành trên đường tiến tới giải thoát giác ngộ, đều được gọi là “chướng ngại” (nói tắt là “chướng”). Một cách tổng quát, có hai thứ chướng ngại (nhị chướng): chướng ngại của phiền não (phiền não chướng) và chướng ngại của kiến thức (sở tri chướng).

Cõi trời Sơ-thiền (Sơ-thiền thiên). Các cõi trời Sắc giới, do tu định mà được quả báo, cho nên đều có tên chung là “Thiền” (Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền). Cõi thấp nhất là Sơ-thiền. Chúng sinh ở cõi trời này, tâm ý đã thanh tịnh, các lậu hoặc không còn khởi động, tự biết mình đã lìa khỏi các pháp ác của Dục giới, cảm sinh hỉ thọ và lạc thọ, cho nên gọi là “Li-sinh-hỉ-lạc địa”. Tuy nhiên, vì cõi trời này còn có hai hoạt động tâm lí “giác” (tức tâm sở “tầm”, là tác dụng phân biệt thô thiển của tâm) và “quán” (tức tâm sở “từ”, là tác dụng phân biệt vi tế của tâm), cho nên vẫn có các hoạt động thấy, nghe và xúc chạm; lại còn sinh khởi ngữ nghiệp. Cõi Sơ-thiền lại chia ra có ba cõi trời: 1) Thấp nhất là Phạm-chúng, cõi của thiên chúng do trời Đại Phạm sinh hóa và thống lĩnh; 2) Lên trên là Phạm-phụ, cõi của thiên chúng có nhiệm vụ hầu cận hai bên trời Đại Phạm; 3) Trên hết là Đại-phạm, cõi của trời Đại Phạm, thống lĩnh toàn thể thiên chúng cõi trời Sơ-thiền. Do vậy, Sơ-thiền thiên cũng được gọi là “Phạm thiên”; và trời Đại Phạm cũng được gọi là Phạm Thiên Vương, hay Phạm Vương. Theo truyền thuyết cổ đại của Ấn-độ, ở kiếp đầu tiên, Phạm Vương từ cõi trời Quang-âm hạ sinh, và tạo ra vũ trụ vạn vật. Đạo Bà-la-môn tôn sùng trời Đại Phạm là chúa tể của vạn vật, là đấng sáng tạo thế giới, là nguyên lí tuyệt đối, duy nhất, độc tôn và thường trú.

Con chết, mẹ đứt ruột (truyền thuyết Trung-quốc). Hứa chân quân tên là Tốn, người ở đất Nhữ-nam, đời Tấn (265-420). Thiếu thời thích săn bắn. Một hôm ông bắn trúng một con nai con, nai mẹ liền liếm vết thương, nhưng rốt cuộc nai con không sống được, và nai mẹ cũng chết theo. Ông lấy làm kì quái, nai mẹ không bị thương, cớ sao lại chết? Ông mổ bụng nai mẹ để xem, thấy ruột nó bị đứt ra từng đoạn, mới biết rằng, vì thương con mà nai mẹ đứt ruột chết theo. Ông quá cảm động và hối hận, bèn bẻ gẫy cung tên, vào núi tu đạo. Về sau cả nhà đều được lên tiên.

Công án. Thiền sư chỉ điểm cho người học, những biểu thị bằng ngôn ngữ, động tác, gọi là “công án”.

Cù Đàm Tăng Già Đề Bà: tức là Tăng Già Đề Bà (Samghadeva, ?-?), người nước Kế-tân, tục tánh là Cù Đàm, cho nên gọi là Cù Đàm Tăng Già Đề Bà. Ngài tinh thông Ba Tạng, lại sở trường về A Tì Đàm Tâm Luận cùng Tam Pháp Độ Luận, trở thành một đại học giả của Hữu Bộ. Khoảng niên hiệu Kiến-nguyên (365-385) nhà Tiền-Tần (thời đại Đông-Tấn), ngài đến Trung-quốc, cư trú tại Trường-an, trở thành một vị danh tăng phiên dịch luận điển Hữu Bộ. Đời Hậu-Tần (384-471), đáp ứng lời mời của đại sư Tuệ Viễn (334-416), ngài lên núi Lô-sơn (tỉnh Giang-tây), đã dịch hai bộ luận quan trọng là A Tì Đàm Tâm Luận và Tam Pháp Độ Luận. Năm 397 ngài lại đến kinh đô Kiến-nghiệp của nhà Đông-Tấn, mọi người trong vương thất cùng các danh sĩ đều sùng kính; đặc biệt, ngài được Lang-gia vương Tư-mã Tuân cất tinh xá, mời tuyên giảng A Tì Đàm, rất nhiều danh tăng dự thính, tất cả đều khen ngợi. Vương lại mời hơn 40 vị sa môn ở kinh đô vân tập về tinh xá, lập đạo tràng, thỉnh ngài dịch lại bộ Kinh Trung A Hàm. (Bộ kinh này trước đây đã được ngài Đàm Ma Nan Đề dịch tại Trường-an, nhưng văn nghĩa sai sót rất nhiều, chưa có dịp thuận tiện để tu chỉnh, nay ngài Tăng Già Đề Bà dịch lại do lời thỉnh cầu của Lang-gia vương.) Không có tài liệu nào cho biết về cuộc đời của ngài về sau này.

Cuộc kết tập “quật-ngoại” (quật-ngoại kết tập). “Quật-ngoại” là một nơi ở bên ngoài hang Thất-diệp. Cuộc kết tập kinh điển lần đầu tiên với sự tham dự của 500 vị A-la-hán, do tôn giả Đại Ca Diếp chủ trì, đã được cử hành ở phía bên trong hang Thất-diệp; và cùng lúc đó, ở phía bên ngoài hang, một số rất đông chư vị tì kheo khác, cũng cử hành một cuộc kết tập khác. Theo sách Phật Giáo Sử của Thitananathera (Phật giáo Nam tông) thì chính tôn giả Phú Lâu Na (Purna) đã chủ trì cuộc kết tập ở phía bên ngoài hang Thất-diệp này. Nguyên vì tôn giả về trễ, không kịp dự đại hội kết tập do tôn giả Đại Ca Diếp chủ trì. Khi cuộc kết tập đã kết thúc, tôn giả mới về tới; và vì bất đồng quan điểm với tôn giả Đại Ca Diếp về một số điều nhỏ nhặt trong giới luật, tôn giả đã cử hành cuộc kết tập riêng. Nhưng theo Phật Quang Đại Từ Điển và một số tài liệu khác thì tôn giả Bà Sư Ba (Vaspa – một trong năm vị đệ tử thánh tăng đầu tiên của đức Phật trong nhóm Kiều Trần Như) đã là vị thượng thủ chủ trì cuộc kết tập “quật ngoại” này; vì vậy, tôn giả Bà Sư Ba đã được coi là vị thỉ tổ của Đại Chúng Bộ.

Cuộc tranh luận giữa KHÔNG và HỮU (Không Hữu luận tranh). Đây là cuộc tranh luận của hai hệ thống tư tưởng lớn của Phật giáo đại thừa ở Ấn-độ vào thế kỉ thứ 6 TL. Từ thế kỉ thứ 3 TL, hai ngài Long Thọ và Đề Bà đã khởi dựng hệ thống tư tưởng “Thực Tướng luận”, hoặc gọi là “Trung Quán phái”, quán sát thực tướng của vạn pháp, thấy thực tướng của hết thảy mọi hiện tượng đều là “KHÔNG”, thành lập Không tông, hay Trung Quán tông. Đến thế kỉ thứ 5 TL, hai ngài Vô Trước và Thế Thân lại khởi dựng hệ thống tư tưởng “Duyên Khởi luận”, hoặc gọi là “Du Già Hành phái”, quán sát tính duyên khởi của hai pháp chân và giả, nêu rõ tính “CHÂN HỮU” của vạn pháp, nương vào phép quán Du Già để bày rõ thể tính chân như của thực tại vạn hữu, thành lập Hữu tông, hay Du Già tông. Cả hai hệ thống tư tưởng này đều được truyền bá song hành khắp Ấn-độ, trở thành hai hệ thống tư tưởng lớn nhất và có thế lực nhất của Phật giáo Ấn-độ thời bấy giờ. Tuy nhiên, vào thời đại đó, mặc dù đã xuất hiện hai tư tưởng KHÔNG và HỮU khác nhau, mà hai bên vẫn cùng bành trướng một cách ôn hòa, không hề xảy ra cuộc tranh cãi qua lại nào cả; chẳng những thế, hai ngài Vô Trước và Thế Thân còn chú giải những tác phẩm của hai ngài Long Thọ và Đề Bà (như Trung Luận, Bách Luận, v.v...) để giúp người học hiểu rõ tư tưởng của Không tông.
Cho đến thế kỉ thứ 6, người kế thừa của Không tông là đại luận sư Thanh Biện, trước tác luận thư Đại Thừa Chưởng Trân Luận, nêu rõ yếu chỉ “hữu là không, vô là không, tất cả rốt ráo đều là không”, khởi sự bài xích Hữu tông. Trong lúc đó thì người thừa kế của Hữu tông là đại luận sư Hộ Pháp, lại nhấn mạnh về tính “duyên sinh”, nêu rõ ba tính của vạn pháp (tức tính Biến kế sở chấp, tính Y tha khởi và tính Viên thành thật), hiển dương thuyết “vạn pháp là có”, chính thức bài xích Không tông. Từ đó mà xảy ra cuộc tranh luận và phân rẽ lớn giữa hai hệ tư tưởng của Phật giáo đại thừa ở Ấn-độ. Và cuộc tranh luận ấy còn được tiếp tục bởi các vị thừa kế của cả hai bên. Nhưng, khi Không tông và Hữu tông được truyền vào Trung-quốc thì sự đối chọi này đã được hóa giải. Theo cái thấy của Phật giáo Trung-quốc thì “chân không tức là diệu hữu”; KHÔNG và HỮU đã không phá nhau mà còn làm thành nhau. Ngài Hiền Thủ (643-712), tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm, nói: “Sắc tức là Không, là giáo nghĩa của Thanh Biện; Không tức là Sắc, là giáo nghĩa của Hộ Pháp; cả hai giáo nghĩa ấy dung hợp nhau, đó là một toàn thể không thể phân cách.”

Cưu Ma La Thập (Kumarajiva, 344-413): gọi tắt là La Thập, người nước Qui-tư (Kucha, nay là địa khu Sớ-lặc của tỉnh Tân-cương, phía Nam dãy núi Thiên-sơn), là một trong bốn vị cao tăng dịch kinh nổi tiếng nhất ở Trung-quốc. Song thân ngài đều xuất gia, đầy đủ đức hạnh. Ngài tuổi nhỏ đã thông minh mẫn tuệ, 7 tuổi theo mẹ xuất gia, sang Thiên-trúc tham học với khắp các bậc tôn túc. Lúc đầu ngài theo học tiểu thừa, sau chuyển sang đại thừa. Ngài nghe nhiều nhớ giỏi, mới 11 tuổi đã ngang nhiên đối luận với các danh gia ngoại đạo mà không chịu thua kém một ai, danh tiếng vang khắp Ngũ-Trúc, người đương thời gọi là thần đồng. Năm 20 tuổi ngài trở về Qui-tư, thọ giới cụ túc, được quốc vương nước ấy thờ làm thầy. Đức hạnh của ngài được đồn đãi đến Trung-quốc. Vua nhà Tiền-Tần là Phù Kiên nghe danh ngài, liền sai tướng Lữ Quang đem quân tiến đánh Qui-tư (năm 383) để rước ngài về Trường-an.
Lữ Quang đánh thắng Qui-tư và rước được ngài La Thập, nhưng khi về đến nửa đường thì được tin nhà Tiền-Tần đã bị diệt, nhà Hậu-Tần thay thế. Lữ Quang bèn không về Tần, mà dừng lại ở Lương-châu (tỉnh Cam-túc ngày nay), tự xưng vương (năm 386), đóng đô ở Cô-tàng (cũng gọi là Hà-tây, nay là phố Vũ-uy, Cam-túc), đặt tên nước là Lương (sử gọi là Hậu-Lương, 386-403). Thế là ngài La Thập cũng phải ở lại Cô-tàng với Lữ Quang. Sau đó, vua Hậu-Tần là Diêu Hưng (394-416) sai tướng Diêu Thạc Đức đem quân đánh Hậu-Lương và rước được ngài La Thập về Trường-an – đó là năm 401, và như vậy, ngài La Thập đã ở lại Cô-tàng đến 15 năm. Tại Trường-an, ngài được Diêu Hưng rất mực kính trọng. Ông tôn ngài làm quốc sư, cúng dường cho ngài gác Tây-minh và vườn Tiêu-dao để làm đạo tràng phiên dịch kinh điển. Ngài trú tại đây suốt 12 năm; đến năm 413 ngài thị tịch, thế thọ 70 tuổi.
Ngài Cưu Ma La Thập cùng với ngài Huyền Trang ở đời Đường sau này, đã được coi là hai vị thánh tăng dịch kinh vĩ đại, không những của riêng Trung-quốc mà của lịch sử Phật giáo nói chung. Tổng số kinh luận mà ngài La Thập đã dịch, các sách kinh lục liệt kê không giống nhau: Theo Xuất Tam Tạng Kí Tập, ngài đã dịch cả thảy 35 bộ, gồm 294 quyển; theo Lịch Đại Tam Bảo Kỉ, ngài đã dịch được 97 bộ, gồm 425 quyển; theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, ngài đã dịch được 74 bộ, gồm 384 quyển. Các dịch phẩm của ngài, hầu hết là kinh luận đại thừa, trong đó có những bộ chính yếu như: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La mật Kinh, Kim Cương Bát Nhã Ba La mật Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, A Di Đà Kinh, Di Lặc Thành Phật Kinh, Tọa Thiền Tam Muội Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh, Phạm Võng Kinh, Thập Tụng Luật, Thập Trụ Tì Bà Sa Luận, Đại Trí Độ Luận, Thành Thật Luận, Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Bách Luận, v.v... Các bộ luận kể trên đều là những bộ luận đại thừa được phiên dịch lần đầu tiên tại Trung-quốc. Các bộ kinh Bát Nhã, Pháp Hoa, A Di Đà, v.v... đã có ảnh hưởng lớn lao tới các tông phái Phật giáo ở đời sau (như các tông Tam Luận, Thiên Thai, Thành Thật, Tịnh Độ, và các học phái như Tứ Luận, Bồ Tát Thiền, tín ngưỡng Di Lặc v.v...). Bởi vậy, các dịch phẩm của ngài đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Trung-quốc nói riêng, và của toàn vùng Đông-Nam-Á nói chung.
Lại nữa, đạo tràng dịch kinh của ngài Cưu Ma La Thập, không phải chỉ là nơi chuyên việc dịch kinh, mà còn là một trung tâm giảng thuyết và giáo dục Phật giáo. Bởi vậy, nơi đạo tràng của ngài lúc nào cũng có hàng ngàn môn đồ vân tập tu học; ví dụ: khi ngài dịch Kinh Đại Phẩm Bát Nhã, hội trường có 500 người dự học; Kinh Duy Ma Cật có 1.200 người; Kinh Pháp Hoa có 2.000 người; v.v... Môn đồ của ngài có tất cả hơn 3.000 người, trong số đó có 80 vị được gọi là “đạt nhân”, và 4 vị nổi bật hơn cả, từng được người đương thời xưng là “tứ thánh”, đó là các ngài Tăng Triệu (384-414), Tăng Duệ (?-?), Đạo Sinh (355-434) và Đạo Dung (?-?).

Cứu chim sẻ, bốn đời quí hiển (truyền thuyết Trung-quốc). Dương Bảo, thời thơ ấu từng thấy một con chim sẻ bị chim cú bắt nhưng làm rơi xuống đất. Bảo liền lượm chim sẻ đem về nuôi trong lồng, cho ăn hoa cúc trăm ngày, chờ chim mạnh khỏe, thả cho bay đi. Đêm đó, có một em bé mặc áo vàng, đem bốn vòng ngọc trắng đến tặng Bảo, lạy mà nói rằng: “Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nhờ bạn cứu sống, nay xin đền ơn. Chúc cho con cháu sau này, địa vị liệt hàng tam công, tính tình thanh khiết như bốn vòng ngọc này.” Quả vậy, về sau con cháu của Bảo đều được quí hiển đến bốn đời.

Cứu rắn trở thành danh y (truyền thuyết Trung-quốc). Tôn Tư Mạc là một vị ẩn sĩ đời nhà Đường. Ông người Hoa-nguyên, thông suốt các học thuyết đương thời, nhưng tinh tường nhất về Lão Trang, cùng các khoa âm dương, y duợc và thiên văn. Một ngày nọ đi đường, thấy một em bé xách một con rắn sắp chết, ông liền mua con rắn ấy thả xuống nước. Sau đó ông được long vương mời xuống long cung, nói rằng: “Hôm qua con trẻ đi chơi gặp nạn, nếu không được tiên sinh cứu giúp thì chắc là chết rồi!” Liền đem châu báu tạ ơn. Ông từ chối không nhận, nói rằng: “Tôi nghe ở long cung có nhiều phương thuốc thần diệu, vậy cho tôi xin để cứu giúp người đời.” Long vương bèn lấy ra tặng 36 phương cỏ ngọc. Từ đó ông trở thành một vị danh y. Về sau ông chứng đạo tiên, mất lúc trên trăm tuổi. Ông có viết bộ sách Thiên Kim Phương, gồm 93 quyển, truyền lại ở đời.

Cứu sống ba ba được chữa lành bệnh (truyền thuyết Trung-quốc). Có hai vợ chồng người họ Trình, rất thích ăn thịt ba ba. Một hôm được con ba ba rất lớn, bảo chị ở làm thịt nấu ăn. Nhưng chị ở trông thấy bất nhẫn, bèn tự ý đem ba ba thả xuống ao. Khi hai vợ chồng kia hỏi món ăn ba ba, chị ở trả lời là đã vô ý làm sổng, nó chạy mất rồi; liền bị đánh đập đau đớn. Sau, chị ở bị nhiễm bệnh dịch, sắp chết, người nhà khiêng để nơi nhà thủy tạ. Đêm ấy có con vật từ dưới nước trồi lên, lưng chở bùn ướt, bôi lên mình chị, nhờ đó mà hơi nóng hạ xuống, chất độc được giải, bệnh giảm. Chủ nhân hỏi, bấy giờ chị mới nói ra sự thật. Chủ không tin, đêm đến núp sau nhà thủy tạ rình xem, mới biết con ba ba được thả ngày trước, bây giờ đến báo ân. Cả nhà cảm động, từ đó tự răn nhau không bao giờ ăn thịt ba ba nữa.

Cứu sống bầy kiến mà thọ mạng kéo dài (truyện cổ Phật giáo). Xưa có một chú sa di nhỏ tuổi. Thầy của chú là một vị sư đắc đạo. Hôm đó, vị sư biết trước chú chỉ còn sống có bảy ngày, bèn cho phép chú về nhà thăm mẹ, bảo rằng: Quá bảy ngày hãy trở lại chùa – vì ý sư muốn chú được chết ở nhà. Quá bảy ngày, chú trở về chùa. Thấy chú, vị sư lấy làm ngạc nhiên lắm: Vì sao chú này chưa chết? Sư bèn nhập định để xét xem chú sa di đã có những hành động gì. Sư thấy rõ, trên đường về nhà, chú thấy một bầy kiến bị nước cuốn trôi, đã lấy cây sào tre vớt chúng lên bờ cứu sống. Nhân công đức đó mà thọ mạng được kéo dài thêm.

Cứu sống bầy kiến mà trở thành thủ khoa (truyền thuyết Trung-quốc). Hai anh em Tống Giao và Tống Kì cùng lên đường đi thi, thấy một bầy kiến bị chìm dưới nước, bèn lấy cây tre bắc cầu cho chúng bò vào bờ. Sau đó gặp một vị tăng người Hồ. Thấy họ, vị tăng giật mình hỏi: “Hình như quí vị từng cứu sống vài trăm vạn mạng thì phải?” Tống Giao đáp: “Bần nho làm gì có khả năng đó!” Vị tăng nói: “Ý tôi muốn nói, hễ có đời sống thì đều gọi là mạng”. Giao bèn thuật lại việc cứu bầy kiến. Vị tăng nói: “Thế thì đúng rồi. Khoa này lịnh đệ sẽ đỗ trạng nguyên, nhưng công danh của ngài cũng không đứng dưới lịnh đệ đâu.” Quả nhiên, khoa đó Kì đỗ đầu, mà Giao cũng trúng tuyển. Nhưng triều đình xét rằng, em không thể đứng trên anh, cho nên đổi cho Giao đứng đầu, còn Kì thì hạng thứ mười. Lời nói của vị tăng quả có hiệu nghiệm.

Cứu sống cá chép được tăng tuổi thọ (truyền thuyết Trung-quốc). Khuất Sư ở thôn Nguyên, mua một con cá chép màu đỏ phóng sinh, sau nằm mộng thấy được long vương mời vào cung, nói rằng: “Tuổi thọ của ngài đã hết, nhưng vì đã cứu sống con rồng, nên được sống thêm một kỉ.” – Tức 12 năm.

Cứu sống ruồi nhặng, tội được minh oan (truyền thuyết Trung-quốc). Một người thợ nấu rượu, tính nhân từ, mỗi khi có ruồi nhặng rơi vào rượu, liền vớt ra để vào chỗ khô ráo, lấy tro ủ trên mình để thấm cho khô nước. Làm vậy, ông đã cứu sống lũ ruồi nhặng rất nhiều. Sau ông bị người vu cáo cho tội ăn trộm, phải bị hình phạt. Khi vị chủ hình sự cầm bút viết bản án ấy, một con nhặng bay đến đậu vào đầu ngòi bút. Đuổi nó bay đi, nó liền quay lại đậu vào đầu ngòi bút như cũ, khiến cho không tài nào viết được chữ gì. Cuối cùng, ông chủ hình sự sinh nghi có điều gì oan khuất, bèn cho gọi ông lên tra xét lại. Quả nhiên, ông đã bị người ta vu cáo tội ăn trộm, liền được phóng thích.

Cựu dịch - tân dịch. Đây là hai thuật ngữ Phật học chỉ cho hai thời kì dịch kinh từ Phạn ngữ sang Hán ngữ ở Trung-quốc. Trong sách Xuất Tam Tạng Kí Tập, Tăng Hựu (445-518) gọi tất cả kinh điển được dịch từ đời Tây-Tấn (265-316) trở về trước là “cựu kinh” (kinh dịch theo cách cũ), và từ đời Hậu-Tần (tức Diêu-Tần, 384-417) trở về sau là “tân kinh” (kinh dịch theo cách mới). Sự phân biệt này của Tăng Hựu chỉ có ý so sánh những tiếng dịch khác nhau giữa hai thời kì trước và sau mà thôi. Đến pháp sư Huyền Trang (602?-664) thì sự phân biệt cũ mới mới trở nên gay gắt. Huyền Trang cực lực bài xích lối dịch cũ mà ngài cho là rất sai lầm, vì chỉ cốt đạt ý; và ngài chủ trương dịch thẳng, sát nghĩa theo nguyên bản. Chủ trương này của ngài, sau đó đã được các nhà dịch thuật hưởng ứng mạnh mẽ; và từ đó, người ta lấy Huyền Trang làm cái mốc để phân chia: trước đó là “cựu dịch”, từ đó về sau là “tân dịch”. Tiêu biểu cho phái cựu dịch có Cưu Ma La Thập (344-413, hoặc có thuyết nói 350-409) và Chân Đế (499-569); tiêu biểu cho phái tân dịch có Huyền Trang và Nghĩa Tịnh (635-713).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/04/2014(Xem: 11781)
Từ điển Phật học Tummo được thiết kế đặc biệt để dễ dàng tra cứu các khái niệm Phật học, các bài viết chuyên sâu. Các nhóm từ có liên quan được tạo thành mối liên kết xuyên suốt trong toàn bộ từ điển. Các nhóm từ được phân loại cùng chức năng để người tìm hiểu Phật pháp dễ hình dung, dễ dàng tra cứu. Từ điển Phật học Tummo 2014 được tập hợp nhiều bộ từ điển chuyên sâu như từ điển Đạo Uyển, Phật Quang, Từ điển Bách Khoa PG… Từ điển Phật học Tummo 2014 còn bao gồm bộ công cụ biên soạn từ điện mãnh mẽ giúp bạn biên soạn và thiết kế một bộ từ điển riêng biệt.
17/12/2013(Xem: 20497)
Nhóm Vi Trần vừa hoàn tất xong bộ Danh mục Đại Tạng Phật giáo Tây Tạng: Kangyur-Tengyur khoảng trên 5000 tên các tác phẩm Kinh Luận thuộc về truyền thừa Nalanda Danh mục bao gồm 4 ngôn ngữ Tạng - Phạn (dạng Latin hóa) - Hoa - Việt Đính kèm là 3 tập tin đã đươc trình bày theo các dạng: 1. Tang-Phạn-Hoa-Việt 2. Phạn-Tạng-Hoa-Việt 3. Hoa-Tạng-Phạn-Viêt
18/04/2013(Xem: 18502)
Từ điển bách khoa Phật giáo Việt Nam, Tập 1 và 2; HT Thích Trí Thủ chủ trương, Lê Mạnh Thát chủ biên
08/04/2013(Xem: 5848)
Giáo Sư Cao Hữu Ðính lúc sinh tiền đã dành rất nhiều thời giờ cho việc nghiên cứu và giải dạy Phật Pháp cho Tăng Ni sinh trong các trường Phật học. Ông từng soạn dịch ra nhiều quyển sách Phật học như Phật và Thánh Chúng, Văn Học Sử Phật giáo, . . .
08/04/2013(Xem: 7029)
Quyển Kho Tàng Pháp Học này được soạn theo chương trình pháp số nghĩa là trình bày pháp từ một chi, hai chi, ba chi đến mười chi. Giống như quyển Kho Tàng Pháp Bảo của HT Bửu Chơn đã xuất bản trước đây.
08/04/2013(Xem: 6565)
Ðã từ lâu, tôi thường mong ước có một cuốc sách Việt ngữ nói về đạo Phật, từ thấp lên cao, tu như thế nào, và từ lúc mới phát tâm, cho đến khi thành Phật, phải trải qua bao nhiêu cấp bực, để làm kim chỉ nam cho các hàng Phật tử tiến tu thêm vững chắc, . . .
08/04/2013(Xem: 11113)
Tập sách LƯỢC GIẢI NHỮNG PHÁP SỐ CĂN BẢN do chúng tôi biên soạn, đã được Làng Cây Phong xuất bản từ 11 năm trước. Hồi đó, khi soạn sách này, chúng tôi chỉ nhắm vào một số độc giả bạn đạo giới hạn, nên chỉ soạn ngắn gọn; nhưng sau khi quyển sách ra đời, . . .
08/04/2013(Xem: 65502)
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng đời sống tại trên đất nước nầy rất ư là bận rộn và con người trong xã hội nầy phải chịu nhiều áp lực về cả vật chất lẫn tinh thần nên ít ai có được thì giờ để tu tập hay nghiên cứu Kinh điển.
08/04/2013(Xem: 6098)
Tập sách này còn nhiều thiếu sót. Rất mong Chư Tôn đức và quý vị dành thì giờ bổ túc để mai hậu có thể trở thành Tự điển chung được sử dụng trong việc nghiên cứu, học tập và dịch thuật kinh điển bằng tiếng nước ngoài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]