Tuyển tập
Phật Thành Đạo
Phần III
Phật giáo và các vấn đề thời đại
--- o0o ---
VÀI NÉT VỀ PHẬT GIÁO Ở CHÂU Á VÀ CHÂU ÂU TRONG THẾ KỶ XX
Lệ Tâm
Phật giáo không còn nằm ở phương Đông nữa. Theo quy luật tiến hóa, giao lưu dần dần Phật giáo đã chuyển đến phương Tây. Phương Tây với những điều kiện xã hội, kinh tế và khoa học tiên tiến nhất trên thế giới sẽ có thể trở thành đầu tàu cho sự chấn hưng của đạo Phật trong thiên niên kỷ mới.
Mồng 8 tháng chạp nữa lại đến, thiêng liêng rộn rã trong niềm hân hoan của những người con Phật, chào đón ngày kỷ niệm Đức Bổn Sư Thích-ca thành đạo, đặc biệt năm nay Hòa Thượng Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung Ương, cùng chư vị Tôn Túc, Thượng Toạ, Đại Đức tăng ni, quý Phật tử Việt Nam đã từ Việt Nam đáp máy bay sang Bồ-đề Đạo Tràng- Ấn Độ, các tăng ni sinh đang du học tại Ấn Độ từ thủ đô Delhi, các thành phố lớn Chandigarh, Varanasi…cũng vân tập tại Bồ-đề Đạo Tràng để cùng tổ chức đại lễ tôn nghiêm nơi chính cội cây Bồ-đề mà Đức Phật đã giác ngộ.
Và nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tổ chức một cuộc Hội Thảo tại chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Thượng Tọa Huyền Diệu để trao đổi và thảo luận về Ý nghĩa cuộc đời, Tiến trình Giác Ngộ của Đức Phật và đặc biệt Phật giáo đã có cống hiến thiết thực gì cho xã hội con người chúng ta trong thiên niên kỷ mới. Hòa cùng niềm vui Đại lễ và Hội thảo này, tôi cũng xin phép được phát biểu với đề tài: "Giới thiệu vài nét về Phật giáo ở Châu Á và Châu Âu trong thế kỷ XX." Thiết nghĩ, đây cũng không nằm ngoài nội dung sự phát triển và đóng góp cụ thể của Phật giáo đối với con người chúng ta trên hành tinh này. Xin được phép mở đầu bài viết về Phật giáo ở Châu Á trong thế kỷ XX.
Hầu như tất cả mọi người con Phật chúng ta đều biết chính Hoàng đế A-dục là người đầu tiên đã gởi thông điệp của Đức Thích-ca-mâu-ni Phật vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ 3 thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt niết bàn. Từ đó Phật giáo trải qua những biến đổi thăng trầm.
Tại Ấn Độ, quê hương của Đức Phật, Phật giáo đã bị lãng quên trong 800 năm. Ngay cả vùng núi Himalaya nơi Phật giáo đã thịnh hành trong nhiều thế kỷ đã bị suy tàn vì sự nghèo nàn và tình trạng bất ổn. Trường phái Nguyên thủy Phật giáo bị mờ nhạt dần khỏi miền đất này, trong khi trường phái Đại thừa lại được hưng thịnh.
Chính Ngài Anagarika Dharmapala từ Tích Lan đã tái lập Phật giáo ở Ấn Độ trong thập kỷ cuối của thế kỷ XIX (Tháng 5-1891). Với sự kiện này, chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã quan tâm trong việc truyền bá giáo pháp cao thượng của Đức Phật. Suốt trong thế kỷ XX, có một số sự kiện quan trọng liên quan tới Phật giáo tại Á Châu như:1
Sau khi giao ngôi chùa Maha Bodhi (Đại Bồ-đề) tại Ấn Độ cho Phật giáo thế giới, thành lập Maha Bodhi Society để thực hiện công cuộc chấn hưng Phật giáo cũng như khôi phục lại quyền lợi của giới Phật tử, Ông B.R. Amberkar đã khuyến hóa gần 5 triệu người theo Phật giáo, tổ chức ngày Phật đản đánh dấu 2500 năm Phật giáo đã phát sinh, việc du nhập của tăng sĩ Phật giáo từ nhiều nước khác nhau để truyền bá Phật giáo và xây dựng các chùa tháp ở những nơi có liên quan đến cuộc đời của Đức Phật và các nơi quan trọng khác của Phật giáo , tại Ấn Độ.
Do hai cuộc chiến tranh thế giới trong suốt thế kỷ vừa qua, cộng với những cuộc khủng hoảng chính trị, các nước như Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện đã không thể thực hiện tiến trình truyền bá Phật giáo, nhưng quần chúng ở tại các quốc gia này vẫn duy trì Phật giáo với lòng tận tụy. Một số những người quy y theo Phật giáo cũng dần dần gia tăng đáng kể. Một sự kiện đáng kể nữa là việc phát sanh hàng trăm tông phái Phật giáo mới từ trường phái đại thừa Phật giáo. Tại Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc, Tây Tạng, các tông phái mới này đã trở thành những tổ chức tôn giáo lớn, nhưng dường như có một cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng đối với tín đồ. Tuy nhiên, điều này là một dấu hiệu tốt của sự kế thừa trong suốt thế kỷ qua.
Ở Nhật Bản, trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Phật giáo được sự bảo trợ của hoàng gia, nhưng sau chiến tranh và với sự cải tổ quản trị hành chánh mới đã tách Phật giáo ra khỏi chính phủ và mỗi bên có chức năng độc lập riêng.
Suốt thế kỷ vừa qua tại châu Á, các nước như Tích Lan, Bhutan và Miến Điện đã có được sự bảo trợ của chính phủ trong việc truyền bá và duy trì Phật pháp, Phật giáo đã được coi trọng trong hiến pháp của các quốc gia đó.
Tây Tạng phần lớn theo đại thừa Phật giáo, đặc biệt là Kim Cang tông và Mật tông. Hàng ngàn tăng sĩ và cư sĩ đã rời bỏ đất nước Tây Tạng sang tị nạn ở Ấn Độ và các nước phương Tây. Giới Phật giáo ở Lào, Cam Bốt, Miến Điệ?… cũng gặp phải những tình trạng tương tự như vậy trong thế kỷ vừa qua.2
Một sự phát triển khác ở châu Á trong thế kỷ vừa qua là sự xuất hiện các tác giả và nhà báo phương Tây đã đến các quốc gia châu Á để nghiên cứu Phật giáo. Họ cùng với những nhà trí thức Phật giáo ở các nước châu Á đã viết, biên sọan, dịch thuật và cho xuất bản hàng triệu kinh điển Phật giáo. Về mặt này, Thái Lan, Tích Lan và Miến Điện đã xuất bản hàng trăm kinh điển mà hầu hết có liên quan đến kinh tạng Pali, Tây tạng đã in ra hàng ngàn những pháp thọai giác ngộ, cuộc đời của các Lama cũng như đời sống tu hành và du mục của tăng ni và người dân Tây Tạng. Thêm vào đó nhờ sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành tin học, phương tiện viễn thông trên mạng internet, webside… nên pháp thoại của Đức Phật, của các Lama tu chứng, các thiền sư và pháp sư… được truyền bá phổ biến rộng rãi và nhanh chóng cho tất cả mọi người ở mọi lúc và mọi nơi một cách rất hiệu quả.
Trong thế kỷ 20, phương pháp thiền Phật giáo trở nên phổ biến và số người tu tập ngày càng gia tăng. Thiền như là một tinh hoa của Phật giáo phương Đông. Đây là một phương pháp rất bổ ích và phổ biến cả trong đạo lẫn ngoài đời, đã mang đến một tinh thần trong sáng, định tĩnh và một thân thể khỏe mạnh đầy sức sống cho mọi con người thực tập thiền. Phải nói đây là một phương pháp sống hữu hiệu cho tất cả, bất luận là người phương Đông hay Tây, là tôn giáo hay không tôn giáo.
Hai quốc gia chủ yếu theo Phật giáo đại thừa là Nhật Bản và Đại Hàn đã thực hiện một sự đóng góp lớn lao trong việc khởi xướng "Phật giáo quốc tế" bằng việc cúng dường tịnh tài cho Ấn Độ để phục hồi và phát triển những thánh tích Phật giáo như : Bồ-đề Đạo Tràng (Bodhgaya), Lộc Uyển (Sarnath), Câu-thi-na (Kushinagar), Na-lan-đà, núi Linh Thứu (Rajgir), Tỳ-xá-ly (Vaishali) Na-lan-đà (Nalanda) và Xá-vệ (Sravasthi). Họ cũng đã đóng góp to lớn việc xây dựng để xây cất các tự viện lớn và sửa sang những con đường dẫn đến các thánh tích chính. Về phía Việt Nam, có Hòa Thượng Huyền Vi, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới, đã xây chùa Việt Nam tại Lumbini và Kushinagar; Thượng Tọa Như Điển, viện chủ Chùa Viên Giác, Đức Quốc, đang xây Trung Tâm Tu học Viên Giác tại Bồ-đề Đạo Tràng. Đặc biệt nhất là Thượng Tọa Huyền Diệu người đầu tiên đã xây hai ngôi chùa Việt Nam tại Bồ-đề Đạo Tràng và Lumbini, và cũng như cũng đã đóng góp vào việc xây dựng một chiếc cầu tại Lumbini cho dân làng ở hai bên kênh sông có phương tiện qua lại dễ dàng.
Ngoài ra có một sự kiện quan trọng khác xảy ra ở cuối thế kỷ vừa qua nữa là việc tái lập giáo đoàn Ni ở Ấn Độ và Tích Lan.3
Trong các quốc gia như Singapo, Đài Loan, Tích Lan và Hồng Kông cũng tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo trong cũng như ngoài nước. Đã xuất bản hàng ngàn bản kinh ấn tống cho giới phật giáo trong và ngoài nước một cách rộng rãi, trong đó phải kể đến như The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation, Taipei…
Ở châu Á, trong số các quốc gia mà Hồi giáo có ảnh hưởng lớn như Malaysia và Indonesia thì Phật giáo cũng được phát triển do phật tử từ Tích Lan và Trung Quốc đến xây dựng nhiều tự viện và duy trì Phật giáo suốt thế kỷ vừa qua. Nhưng không có một sự cải thiện Phật giáo ở các nước như là Pakistan và Afganistan nơi mà một số lớn pháp bảo của Phật giáo đã được khai quật khảo cổ. Trong quần đảo Maldives không một ai có thể và được phép xây cất chùa chiền bởi vì sự quản lý chặt chẻ của Hồi giáo.
Nepal, (Lumbini, nơi đản sanh thái tử Tất-đạt-đa) là một quốc gia có hiến pháp tôn trọng Ấn giáo nhưng cộng đồng Phật giáo cũng được phát triển một cách độc lập mạnh mẽ.
Trung Quốc là một quốc gia có truyền thống đại thừa Phật giáo, sau cuộc cách mạng ở thế kỷ qua đã khiến Phật giáo và nhà nước tách biệt. Theo hiến pháp, mội người có quyền không theo tôn giáo nào cả. Nhưng trong suốt ba thập kỷ vừa qua của thế kỷ XX người dân đã biến Phật giáo thành một "tôn giáo bản địa" (chớ không coi là ngoại lai từ Ấn Độ).
Mông Cổ, một quốc gia vẫn còn duy trì Phật giáo chính thống với một số lượng phát triển mới như là xây cất chùa chiền và xuất bản kinh sách Phật giáo. Sau triều đại vua A-dục, Mông Cổ đã cử một tăng sĩ Phật giáo làm đại sứ của nước mình tại Ấn Độ.4
Riêng tại Việt Nam, Phật giáo đã phát triển rất tốt. Số lượng tăng ni đã lên đến 31.845 gồm 21.606 Bắc Tông, 8.194 Nam Tông Khmer (trong đó 401 Nam Tông người Kinh), và 2045 Khất sĩ. Tự viện gồm có 14.554 gồm 12.799 tự viện Bắc Tông, 469 tự viện Nam Tông Khmer, 516 Tịnh xá, 357 tịnh thất và 413 Niệm Phật Đường. Tình hình giáo dục cũng đã được cải tiến để đáp ứng với tình hình thực tế trí thức đang gia tăng với 3 học viện Phật giáo ở tại 3 miền Hà Nội, Huế và Thành Phố Hồ Chí Minh; với 3 trường Cao Đẳng Phật học ở thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ. Riêng trường Cơ Bản Phật học đã có 28 trường trong cả nước. Phía Bắc có 8 trường, từ Thừa Thiên Huế vào Nam có 20 trường, khiến cho các tăng ni sinh ở tại địa phương tỉnh nhà cũng có thể có điều kiện thuận lợi theo học cả hai chương trình Phật học và thế học cùng một lúc. Về in ấn kinh sách báo chí Phật giáo cũng phát triển trong toàn nước; việc hoằng pháp thuyết giảng cho tăng ni, phật tử; hướng dẫn gia đình phật tử, các hoạt động của ban Nghi lễ, ban Văn hóa, ban Từ thiện, ban Phật Giáo quốc tế… cũng đã chuyển mình phát triển phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội và hiện hữu trong lòng dân tộc.5
Cũng chính trong suốt thế kỷ XX này, các tổ chức Phật giáo mạnh mẽ đại diện cho thế giới như là Hội nghị Tăng già Thế giới (World Sangha Council), Hội nghị Phật giáo Thế giới (World Buddhist Conference), Tổ chức Phật giáo Thế giới (World Buddhist Organization), Hội Tăng già Phật giáo Thế giới (International Buddhist Brotherhood), Hội nghị Phật giáo Châu Á (Asian Buddhist Conference), và Hội đồng Tăng già Quốc Tế (International Sangha Council). Những tổ chức này đã đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới.
Một sự kiện đáng chú ý khác nữa trong thế kỷ qua là việc trân trọng trụ đá hình sư tử của vua A Dục ở Sarnath làm quốc huy của đất nước Ấn Độ, và trên quốc kỳ của Ấn Độ có biểu tượng Chuyển Pháp Luân ở Sarnath.
Tuy nhiên, có người đã cho rằng nếu mà người dân châu Á đã không bị hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng chính trị suốt thế kỷ qua thì có lẽ Phật giáo sẽ hưng thịnh như thời đại hoàng kim của vua A Dục, phải không? Có lẽ cũng phải, nhưng thực tế mỗi quốc gia mỗi khác, nhìn chung tất cả đang cùng khắc phục những hoàn cảnh khó khăn riêng của từng nước mình và sự nhận thức về Đức Phật và Phật giáo trong quần chúng nhân dân và giới trí thức châu Á đã được gia tăng và có "sự tiến triển phía trước" (forward march) trong việc truyền bá Phật giáo và phát triển cộng đồng Phật giáo ở châu Á trong suốt thế kỷ qua.
* * *
Đó là đôi nét về Phật giáo ở Châu Á.Giờ xin phép được giới thiệu tiếp "Vài nét về Phật giáo phương Tây trong thế kỷ XX."
Như chúng ta đã biết nhờ vào những tiến bộ không ngừng của kỹ thuật truyền thông và vận chuyển, sự giao lưu văn hóa giữa Đông và Tây đã trở thành mỗi ngày một thêm phong phú và mau lẹ. Đó là hiện tượng toàn cầu hóa (mondialisation) của thế giới về các mặt văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Phật giáo cũng thế, lần đầu tiên khi truyền đạt đến phương Tây đã đối mặt với khoa học kỹ thuật là tinh hoa của nền văn minh phương tây, phát xuất từ nền văn minh cổ Hy Lạp; đã đối mặt với khoa học tâm thần, tôn giáo thần khải (Ky-tô Giáo); với nền văn minh vật chất cực thịnh, với kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản, khuynh hướng tiêu thụ và hưởng thụ đang tràn lan.
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất của Phật giáo không phải là khoa học, bởi vì nếu tìm hiểu suy nghĩ về những lời căn bản của Đức Phật dạy, ta thấy đầy đặc tính duy lý và tính khách quan của khoa học; cũng không phải đạo Phật đối mặt với tôn giáo thần quyền, vì xã hội ngày nay đang đi đến chiều hướng mất thiêng liêng (desacralisation), những gì lỗi thời sẽ bị lùi dần và tan biến trong lịch sử. Cái thử thách lớn nhất của Phật giáo khi đến phương Tây là nền văn minh vật chất đang lan tràn.
Quan niệm hạnh phúc của phương Tây được thiết lập trên cơ sở ảo giác của đầy đủ về vật chất và tiền bạc; và những điều này chi phối toàn bộ đời sống con người. Thế nhưng, Eric Fromm- nhà tâm lý học xã hội Mỹ thật sự có lý khi nhận định rằng:
"Tuy có sự tăng trưởng sản xuất và tiện nghi, con người ngày càng đánh mất ý thức về bản thân, cảm thấy cuộc sống của mình ngày càng vô nghĩa, mặc dù cái cảm giác đó phần lớn không được biết đến."6
Đúng vậy! Họ đang trở thành những người trống trải trong đời sống tâm linh đến nỗi họ phải than rằng: "Trong thế kỷ XX, vấn đề là con người đã chết."7Vì vậy, họ bắt đầu đi tìm một lối thoát trong ngõ cụt đó bằng cách hướng về các truyền thống tâm linh của phương Đông mà cụ thể là giáo lý của Đức Phật.
Quay về nguồn cội lịch sử Phật giáo du nhập phương Tây trong thế kỷ XX như thế nào? Trước tiên chúng ta phải nói đến sự truyền bá Phật giáo qua phương tiện văn chương sách vở.
Nói đến tác phẩm sớm nhất viết về Phật giáo trong thế kỷ XX này là phải nói đến tác phẩm "Eastern Monachism" của Spence Hardy được xuất bản ở Anh vào ngày 1-5-1850.
Quyển "Development of Buddhism in East" của Christmas Humphreys đã nhận thức về sự hiện hữu của Đức Phật sẽ không bao giờ mất ở phương Tây, từ khi lời dạy của Ngài được du nhập vào Hy Lạp ngang qua nhiều trục lộ thương mại của nước Ba Tư và vô số những chi tiết liên quan đến Đức Phật đã được bà Rhys Davids đề cập trong chương một của tác phẩm "Manual of Buddhism" (Cẩm Nang Phật Giáo) của mình.
Công việc phiên dịch những kinh điển của Đức Phật sang các ngôn ngữ châu Âu bắt đầu bởi Ông Burnout và xuất bản tác phẩm "Manual ofBuddhism" của Hardy vào năm 1860 đã gây cảm hứng cho Fausboll bắt đầu sự nghiệp phiên dịch kinh điển từ nguồn Pali.
Chẳng bao lâu sau tác phẩm nổi tiếng "The Light of Asia" của Edwin Arnold ra đời năm 1879, Max Muller đã bắt đầu với dịch phẩm đồ sộ của mình là "Sacred books of the East"(Thánh điển Phương Đông). Đây là bộ sách bán chạy nhất trong tất cả các sách Phật giáo ở phương Tây. Những bài thơ dựa trên "Lalita Vistara" là một tác phẩm thuộc Bắc Phạn (Sanskrit) mà có lẽ được biên soạn vào thế kỷ thứ V. Đó là sự chỉ dấu đầu tiên đến hàng triệu học giả phương Tây về sự hiện hữu của một tôn giáo mà Edwin Arnold đã nói "hơn một phần ba nhân lọai đã mang ơn tư tưởng và đạo đức Phật giáo."
Cùng thời điểm đó sách Phật giáo đã đánh thức sự quan tâm Phật giáo ở người phương Tây. Một trong những cuốn sách đã bán rộng khắp các nước phương Tây kể cả châu Mỹ là cuốn "The Light of Asia."8
Vào năm 1880, Rockhill, Oldenberg, Samuel Beal, Childers và một vài người nữa đã cùng nhau trình bày sự cần thiết về hệ thống hóa các kinh điển Pali trước thế giới phương Tây; vì vậy Hội Kinh Điển Pali (Pali TextSociety)được thành lập năm 1881. Đó là một sự sáng tạo có giá trị bất hủ của học giả Phật giáo nổi tiếng là Ông T.W. Rhys Davids và sau đó là vợ ông đã được cử làm chủ tịch của Hội Pali Text Society từ khi chồng bà mất vào năm 1923.
Thật ra trong số những người phương Tây, thì người Đức là người đầu tiên đã nghe về Đức Phật cao quý tối thượng có thể từ các nhà Thần học, mà các nhà Thần học này đã đọc các tác phẩm của Thánh Hieronymus, một trong các Cha của giáo hội Thiên Chúa đã mô tả về sự đản sanh kỳ diệu của Đức Phật. Nhưng về giáo lý của Đức Phật dường như không ai biết tí nào cả trong suốt thời trung cổ. Mãi cho tới thế kỷ XVII, các nhà triết học người Đức mới biết về Phật giáo. Chính Wilhelm Leibniz Gottfried (1644-1716) đã chọn vài điểm tinh hoa của giáo lý Phật giáo Trung Hoa rồi biên sọan thành những tác phẩm của mình.
Ở Đức, lãnh vực rộng lớn của tri thức Phật giáo là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm của Immanuel Kant (1724-1804) nhưng chính Arthur Schopenhaver trong tác phẩm của mình đã giới thiệu một cách chi tiết về Phật giáo như là trí tuệ của người Ấn.9
Giai đoạn chói sáng nhất của Phật giáo ở phương Tây bắt đầu vào năm 1893 khi mà Hội Nghị Tôn giáo thế giới (The World Parliament of Religions) được tổ chức ở Chicago, Hoa Kỳ.
Ngài Anagarika Dharmapala là người sáng lập ra Hội Đại Bồ-đề ở Ấn Độ vào tháng 5 năm 1891, và đã đại diện cho cộng đồng Phật giáo thế giới. Lần đầu tiên, hầu hết tất cả các đại biểu của các quốc gia phương Tây đã nghe ngài Anagarika Dharmapala đã nói về Đức Phật và giáo pháp cao thượng của Đức Phật. Bài thuyết trình của ngài diễn ra tại Hội Nghị Phật giáo thế giới với đề tài: "Thế giới đã mang ơn Đức Phật" (The world Debt to the Buddha) đã gây ấn tượng sâu sắc đến các đại biểu tôn giáo thế giới.
Những tác phẩm viết về Đức Phật và Phật giáo ở Anh, Mỹ và Đức trong những giai đọan đầu hầu hết là những người truyền giáo Thiên Chúa. Vào thời buổi đầu, những nhà phương Tây đã thu thập kiến thức về Phật giáo chỉ qua sách vở và văn chương, và lần đầu tiên họ mới chính tai nghe được những pháp thọai nổi tiếng đầu tiên về Phật giáo do ngài Anagarika Dharmapala giảng tại Hội Nghị Tôn giáo thế giới, Chicago.
Sau Hội nghị này, ngài Anagarika Dharmapala được mời thuyết gỉang Phật pháp tại Tòa Thị Sảnh (Town Hall), New York và trong pháp thoại đó, ngài đã trình bày như sau:
"Thông điệp của Đức Phật đem tới cho chúng ta sự giải thoát khỏi thần học, nghi lễ, nghi thức, giáo điều, thiên đàng, địa ngục và các nguyên tắc lỗi thời của thần học. Đức Phật đã dạy cho dân tộc Aryans của Ấn Độ cách đây 25 thế kỷ một tôn giáo khoa học chứa đựng nền đạo đức vị tha vô ngã cao nhất, một triết lý sống xây dựng trên nhân sinh quan và vũ trụ quan hòa hợp với địa lý thiên văn, thuyết điện tử và thuyết tương đối."
Cả hai bài thuyết giảng này, một ở Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới và một ở Tòa Thị Sảnh, New York đã mở ra một bước ngoặc trong lịch sử Phật giáo Phương Tây.10
Ông bà Rhys Davids đã đóng một vai trò hướng đạo quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo ở phương Tây, trong khi "The Light of Asian" của Adwin Arnold thì đóng vai trò đã thúc đẩy sự hiểu biết giáo pháp và đời sống của Đức Phật.
Thế kỷ XX bắt đầu với một sự kiện quan trọng trong thế giới phương Tây là ông Charles Henry Allan Bennett (sanh tại Luân Đôn) đã có kiến thức uyên bác về Phật giáo qua việc đọc các bản dịch kinh điển, và đã xuất gia trở thành tỳ-kheo với pháp danh là Ananda Metteya.
Tạp chí Phật giáo đầu tiên được ấn hành cho các độc giả phương Tây tại Luân Đôn bắt đầu vào năm 1903. Hội Phật giáo đầu tiên cũng đã được thành lập ở đầu thế kỷ XX tại Anh quốc và Ái Nhĩ Lan. Với những sự kiện ở trên, Phật giáo đã được chắp cánh đến với tất cả các quốc gia phương Tây từ các nước Anh, Mỹ và Đức.11
Từ đầu thế kỷ XX, Phật giáo đã đánh thức sự quan tâm đáng kể ở phương Tây với những nền tảng như trên và có nhiều người đã tiếp thu những quan điểm của các hiệp hội phương Tây hoặc của Phật giáo hoặc của những người có tình cảm với Phật giáo. Điều này có lẽ được minh họa nhiều nhất từ lời phát biểu của nhà đại khoa học Albert Einstein ở thế kỷ XX rằng mặc dù ông không phải là một người theo tôn giáo, nhưng nếu là người có tín ngưỡng thì ông sẽ chọn là một phật tử.
Phật giáo đã chiếm một vị trí nào đó trong tâm tư của quần chúng và trong nhiều nước, đạo phật đã trở thành một tôn giáo thứ ba sau Ky Tô giáo và Hồi giáo.
Một trong những đặc điểm đầu tiên có thể được đánh giá cao là Phật giáo không bị hạn cuộc bởi văn hóa (culture-bound), nói như vậy có nghĩa là Phật giáo có thể hòa đồng mà không bị giới hạn bởi bất kỳ xã hội hoặc nhóm chủng tộc nào, trong khi đó có vài tôn giáo khác thì bị hạn cuộc vào văn hóa, chẳng hạn như Do Thái Giáo, Ấn Giáo...
Suốt thế kỷ XX, Phật giáo đã dễ dàng du nhập vào các nước phương Tây từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác, bởi vì trọng tâm của Phật giáo là nhấn mạnh trong sự tu tập nội tâm hơn là các hình thức lễ nghi tôn giáo bên ngoài. Cũng giống như các truyền thống Phật giáo của các nước như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam, trong suốt các thế kỷ vừa qua, Phật giáo ở các nước phương Tây như Anh, Pháp, Ý, Mỹ đã được nổi dậy và phát triển. Phật giáo đã trở nên phổ biến ở phương Tây vì các yếu tố như tính thiết thực của Đạo Phật (phương pháp tu tập), cách ứng xử đối với các vấn đề thực tiển và không quan tâm đến các vấn đề học thuật cũng như lý thuyết siêu hình.12
Cô Nathalie Verburgh, người Bỉ, hiện là sinh viên của viện Phật giáo quốc tế Karmapa tại New Delhi trong buổi chuyện trò với Jigme Rinpoche đã hỏi ngài nhìn thấy Phật giáo phát triển ở phương Tây như thế nào? Và ngài Rinpoche đã trả lời :
"Phật giáo đáp ứng nhu cầu của con người. Tại phương Tây, người ta quan tâm đến Phật giáo chính là để giải quyết những vấn đề cơ bản, tức thì của cuộc sống hàng ngày và để tìm giải pháp cho những bối rối về tình cảm. Thường họ đến với Phật giáo bởi những vấn đề tức thời và sau đó thường ở lại với Phật giáo, để đi tìm hiểu vấn đề sâu hơn. Người phương Tây muốn những công cụ hữu ích mà họ có thể ứng dụng trong những tình huống khó khăn cấp thời, và Phật giáo cùng với những sự giải thích có thể hỗ trợ họ và giúp họ tìm ra những giải pháp. Phật giáo được xem như là hệ thống luân lý đạo đức có thể cùng để phát triển một trạng thái tâm an lạc, và có thể phục vụ như một phương tiện hữu hiệu trong việc cân bằng và đưa ra những điều lệ cho một lối sống bên ngoài của con người."13
Và phương pháp để giúp người phương Tây đạt được sự trong sáng, chánh niệm trước lối sống vật chất đó thì không gì khác hơn là thiền định. Thiền định Phật giáo đã là một đề tài thu hút người phương Tây suốt thế kỷ vừa qua.
Ngoài ra với khuynh hướng "Thế tục hóa tâm linh," cho nên đa phần đạo Phật ở phương Tây chủ yếu đạo của những người cư sĩ. Những vị phật tử tại gia này vẫn tiếp tục sống đời sống với gia đình, với xã hội nhưng tuân theo lời Phật dạy. Trong khi áp dụng đạo Phật vào xã hội phương Tây với những đặc điểm đặc thù của nó, người phật tử phương Tây bắt buộc phải sáng tạo, khế cơ, tìm ra những giải pháp thích hợp cho các vấn đề của thời đại, và hợp theo tinh thần của đạo Phật. Đối với họ đó là một vấn đề tự nhiên và tất nhiên, bởi vì không thể nào tránh khỏi đổi thay và chọn lựa, trong khi áp dụng một giáo lý cổ xưa, thuộc vào một nền văn minh xa lạ. Đó là nguồn sinh khí mới mà đạo Phật phương Tây mang lại cho Phật giáo thế giới là một cái nhìn mới về đạo Phật, và những kinh nghiệm mới, trong khi áp dụng đạo Phật vào cuộc sống mới.
Ở Châu Âu và Châu Mỹ, nói chung Phật giáo được tin tưởng bằng niềm tin (saddha) với chánh kiến hơn là sự sùng tín (bhakti) vào những vị thần linh đầy những phép mầu cứu vớt họ. Thêm vào đó, nhờ sống quen trong tinh thần khoa học, nên họ nghiên cứu Phật giáo cũng với tinh thần rất khoa học, phê phán và luôn luôn sẵn sàng đặt lại vấn đề.
Phật học cũng trở thành một ngành chuyên môn được giảng dạy trong các trường đại học lớn trên thế giới, và đã có nhiều công trình nghiên cứu phật học nghiêm chỉnh và có giá trị xuất phát từ đây.
Nhà sử học văn minh Arnold Toynbee đã nói rằng: "Sự kiện có ý nghĩa nhất của thế kỷ XX này là sự gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây."
Sự nhận định đó đã được chứng minh một cách hùng hồn bởi sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo tại các nước Âu, Mỹ, và Úc Châu trong mấy thập niên vừa qua. Hàng ngàn tự viện, hiệp hội, đoàn thể, tổ chức đã hình thành tại phương Tây. Điều này xuất phát từ hai lý do chính: một là tính phổ biến của Phật giáo, hai là sự hiện diện của nhiều giới xuất gia và tại gia thuộc trường phái đại thừa đến từ các nước như Đại Hàn, Lào, Việt Nam, Miến Điện, Tây Tạng và Cam Bốt…Hoặc tạm cư hoặc định cư, các vị này cũng đã tổ chức các khóa tu học Phật, khóa thiền, khóa nhập thất ngắn ngày… Với những không khí đầy sinh động đó, khiến cho giới Phật tử theo tu tập ngày càng đông. Ngoài ra, họ còn cho in ấn kinh sách Phật, các lời dạy của các vị Lama tu chứng, các thiền sư, pháp sư nổi tiếng trên thế giới để phổ biến giáo lý Phật. Đặc biệt cuối thế kỷ XX và từ đầu thế kỷ XXI trở đi này với những phương tiện truyền thông điện tử dồi dào, qua các phương tiện viễn thông trên mạng internet hay website…họ đã đóng góp một phần rất lớn, nếu không nói là hàng đầu trên thế giới trong việc truyền bá Phật giáo đến với mọi người trên thế giới rất nhanh chóng mà có năng suất hiệu quả cao.
Tất cả điều này đã chứng tỏ rằng người phương Tây đã rất quan tâm đến Phật giáo.
Hội nghị truyền bá Phật giáo đầu tiên tổ chức tại Kyoto vào tháng 4/1998 đã quyết định truyền bá Phật giáo vào phương Tây trong kế họach của thế kỷ XXI này.
Như vậy Phật giáo không còn nằm ở phương Đông nữa, mà theo quy luật tiến hóa giao lưu dần dần chuyển đến phương Tây. Đạo Phật phương Tây sẽ là đầu tàu cho sự chấn hưng của đạo Phật với những điều kiện xã hội, kinh tế và khoa học tiên tiến nhất trên thế giới.
Để kết thúc cho phần Phật giáo ở Châu Âu trong thế kỷ XX này, tôi xin mượn lời của tác giả Nguyên Phước14đã phát biểu rằng:
***
"Sự gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây trong thế kỷ 20 là một điều bổ ích, không riêng cho phương Tây mà cho cả thế giới nữa. Đây là một dịp may lớn đối với đạo Phật, sẽ mang lại cho đạo Phật một nguồn sinh khí cần thiết. Đó có thể là một cuộc chuyển pháp luân mới."
***
THAM KHẢO
- Christmas Humphreys, The Development of Buddhism in England. London: The Buddhist Lodge, 1937.
- Glasenapp, Helmuth Von,The Influence of Buddhist Philosophy in East and West.
- Sautina, Peter Della, Fundamentals of Buddhism. 1997.
- Machinery, Arthur, Mahayana Buddhism in the West,1993.
- Buddhism, London , 1903.
- Hindustan Times, Patna, March 17th, 1997.
- International Buddhist Conference, Delhi, 1992.
- The Maha Bodhi Journal, vol. 65, May 1957. Maha Bodhi Centenary Volume, ed. Upali Rupasinghe, Mahabodhi of India, 1991.The Maha Bodhi, March 1895.
- Báo cáo Tổng Kết công tác Phật Sự năm 1999của GHPGVN ngày 3-1-2000.
- Báo Giác Ngộsố 30 ngày 24-8-2000 và Nguyệt San Giác Ngộsố 10, tháng 1-1997.
Chú thích:
1.The Maha Bodhi, March 1895, pp. 25.
2.Dr. Arthur Machinery, Mahayana Buddhism in The West, 1993.
3.Hindustan Times, Patna, March 17th, 1997, pp 6.
4.International Buddhist Conference, Delhi, 1992.
5.Báo cáo Tổng Kết công tác Phật Sự năm 1999của GHPGVN ngày 3-1-2000 , trang 4-22.
6.Minh Chi- Hà Thúc Minh, Đại Cương Triết học Đông Phương. TP.HCM: Trường Đại Học Tổng Hợp TPHCM, 1993, trang 32.
7.Nt, trang 33.
8.Christmas Humphreys, The Development of Buddhism in England. London, The Buddhist Lodge, 1937, pp 9-15.
9.Dr. Helmuth Von Glasenapp, The Influence of Buddhist Philosophy in East and West, p. 153. Maha Bodhi Journal, vol. 65, May 1957, pp. 194-203.
10.Maha Bodhi Centenary Volume, ed. Upali Rupasinghe, Mahabodhi of India, 1991, pp. 76-88.
11.Buddhism, London, March 1903.
12.Fundamentals of Buddhism, Peter Della Sautina, 1997, p. 4.
13.Giác Ngộsố 30, ngày 24-8-2000 trang 24, 25.
14.Trong "Một cuộc chuyển pháp luân mới", Báo Giác Ngộ số 30, 24-8-2000 trang 3, 6 và 7.
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tuyển tập này.
--- o0o ---
Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định