Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2 - TU TRÌ - chương 4 - THẾ ĐẠO CÙNG PHẬT ĐẠO

10/12/201821:15(Xem: 2059)
Phần 2 - TU TRÌ - chương 4 - THẾ ĐẠO CÙNG PHẬT ĐẠO

Phật Giáo Thánh Điển Linh Sơn

Thích Huyền Vi

~0~

 

 

 

Phần Thứ Hai   -    TU TRÌ

CHƯƠNG BỐN – THẾ ĐẠO CÙNG PHẬT ĐẠO

 

Mục  I   -   Ba Môn Giải Thoát

  1. Ba Pháp tam muội:

Đây là ba pháp tam muội: Thế nào gọi là ba? Một là không tam muội; hai là vô nguyện tam muội; ba là vô tướng tam muội. Pháp không tam muội là như thế nào? Chữ không đây là quán tất cả các pháp thảy đều chơn không. Ấy gọi là không tam muội. Thế nào gọi là vô tướng tam muội? Chữ Vô tướng đây có nghĩa là đối với tất cả các pháp đều không tướng nghĩ, cũng không thể thấy. Ấy gọi là vô tướng tam muội. Vô nguyện tam muội có nghĩa như thế nào? Nói đến vô nguyện tức là đối với tất cả sự vật, không có chi mong cầu. Đó gọi là vô nguyện tam muội. Các vị tỳ kheo không thật hành ba pháp tam muội nầy thì nhiều kiếp phải ở trong biển sinh tử, không thể tự giác ngộ. Các tỳ kheo như thế phải cầu các phương tiện, thể nhập cho được ba pháp tam muội nầy…

(Trích kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển thứ 16, trắc 1, tờ 69, bên mặt)

 

  1. Ba môn giải thóat:

Các giác quan như huyển, cảnh giới như mộng, tất cả sự vật đều là không tịch, đây gọi là môn không giải thóat. Không, không tướng không, gọi là môn vô tướng giải thóat. Nếu không có tướng, tức là không nguyện cầu. Ấy gọi là môn vô nguyện giải thóat. Ba pháp như thế cùng với chơn không đồng hành, niết bàn làm tiến đạo, phải theo đứng như thế mà học tập.

(Trích kinh Phụ Tử Hiệp Tập, quyển thứ 16, phẩm Lục Giới Sai Biệt, địa 10, tờ 56, bên mặt).

 

  1. Không tin các pháp, chẳng phải đệ tử Phật:

Trong khi các vị Bồ Tát dùng hoa sen nầy, muốn rãi mười phương. Phật dùng tay xoa, trong mỗi hoa sen thân Phật đều hiện; Các hóa thân đây từ hư không mà đi, cũng nói như thế nầy; Nếu có chúng sinh không tin các pháp không như huyển hóa, không tướng, không duyên; các chúng sinh ấy, Phật không phải là thấy họ, chẳng phải là đệ tử Phật. Liền nói bài kệ rằng:

“Các pháp không, vô tướng,

Không thủ, không chỗ vinh,

Tất cả như huyễn hóa,

Như mặt trăng dưới nước.

Chẳng dùng không, nên không,

Tánh vốn thường tự như;

Ấy, lời Phật đã nói,

Pháp tối thương vi diệu.

Sự vật không, vô tướng,

Cũng lại không có ngã,

Nếu ai biết như thế,

Thì là không tranh cãi.

Nếu người hiểu pháp ấy,

Phật là thầy của họ;

Chúng ta nhờ Phật lực

Thường đi khắp mười phương

(Trích kinh Hoa Thư, phẩm Võng Minh, thứ ba, vũ 5, tờ 4, bên mặt)

  1. Hạnh Bồ Tát:

Mặc dù thật hành với tánh không, nhưng trồng được các gốc đức. Ấy là hạnh Bồ Tát. Mặc dù hành hạnh vô tướng, nhưng độ tận chúng sinh. Ấy là hạnh Bồ Tát… Mặc dù hành hạnh vô tác, nhưng hiện thọ sắc thân. Ấy là hạnh Bồ Tát…

(Trích Kinh Duy Ma: Vimalakitisutra, phẩm Vấn Tật, thứ 5, hùynh 7, tờ 21, bên mặt.)

  1. Sức ma, sức Bồ Tát:

Lúc bấy giờ ma Ba Tuần (1) bị sức mạnh tinh thần của đức Văn Thù Sư Lợi giải đáp rằng: “Thiện tử! sức mạnh ngu si, ấy là sức ma, sức mạnh huệ minh, ấy là sức Bồ Tát. Sức mạnh kêu mạn, ấy là sức ma; sức mạnh đại trí huệ, ấy là sức Bồ Tát. Sức mạnh các tà kiến, ấy là sức ma; sức mạnh không, vô tướng, vô tác, ấy là sức Bồ Tát. Sức mạnh các điên đảo, ấy là sức ma; sức mạnh chánh chơn đế, ấy là sức Bồ Tát. Sức mạnh ngã và ngã sở (2), ấy là sức ma; sức mạnh đại từ bi, ấy là sức Bồ Tát. Sức mạnh tham sân si, ấy là sức ma; ba sức giải thoát, ấy là sức Bồ Tát. Sức mạnh của sinh tử, ấy là sức ma; sức vô sinh vô diệt, không có các hạnh, vô sinh pháp nhẫn, ấy là sức Bồ Tát.”

(Trích kinh Đại Phương Quảng Bửu Hiệp, quyển trung, vũ 10, tờ 48, bên mặt.)

LƯỢC GIẢI:

(1) Ba tuần, pàpiyan, tên của ác ma.

(2) Ngã, ngã sở: Ngã là bản thể của tự ngã. Ngã sở là tất cả sự vật thuộc tự ngã.

  1. Pháp vô vi, vô lợi, vô công đức:

Pháp hữu vi là pháp có lợi, có công đức. Luận về người xuất gia phải hành theo pháp vô vi; trong pháp vô vi, không lợi, không công đức.

 

Mục II – Giải Thoát:

  1. Tự tưởng là sự ràng buộc:

-          Ngài Văn Thù hỏi ma vương: “Ai bị các ông ràng buộc?”

-          Ma Vương trả lời: “Không biết ai bị chúng tôi ràng buộc.”

-          Ngài Văn Thù nói: “Ba Tuần! tức không bị ràng buộc, tự tưởng bị ràng buộc. Tất cả phàm phu ngu si đều bị như thế. Tâm vốn là thanh tịnh, không chỗ suy nghĩ, chỉ ở nơi vọng tưởng chấp trước; không biết vô thướng cứ chấp trước vọng tưởng có thường; khổ vọng tưởng cho là vui; không có thân thật, nhưng chấp có thật thân; bất tịnh mà cứ tưởng là tịnh; không thiệt có sắc tồn tại, mà cứ cho là sắc; không có khổ ách tư tưởng thức sinh, mà cứ vọng tưởng năm ấm. Như hiện nay, Ba Tuần, xấu, sợ sự ràng buộc, nhờ nhân duyên nào mà được giải thoát?”

(Trích kinh Ma Nghịch, vũ 2, tờ 46, bên mặt.)

  1. Không ràng buộc, không giải thoát:

Tất cả phàm phu, nhớ tưởng phân biệt, điên đảo chấp tướng, thế nên có ràng buộc. Động niệm hí luận, thế nên có ràng buộc. Thấy, nghe, hiểu, biết, thế nên có ràng buộc.

Trong đây, người thật không ràng buộc, người hiểu, đó là vì sao? Các pháp không ràng buộc, vì vốn giải thoát. Các pháp không giải được, vì căn bản không ràng buộc, tưởng thường giải thoát, không có si mê.

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, quyển hạ, huỳnh 7, tờ 7, bên trái)

  1. Không trụ trước các pháp, nên thành Phật đạo:

Nếu thấy pháp hữu vi cùng pháp vô vi khác nhau, người ấy trọn chưa được giải thoát, phải ra ngoài vòng pháp hữu vi. Nếu người nào biết hai tánh đồng, quyết là bậc “nhân trung tôn”. Phật không thấy Bồ Đề cũng không thấy Phật Pháp, vì không trụ trước các pháp, nên dể hang phục ma thành Phật Đạo.

(Trích kinh Chư Pháp Vô Hạnh, quyển hạ, vũ 2, tờ 27, bên trái)

  1. Không thấy các pháp sai biệt dễ thành tựu chúng sinh:

-          Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Các vị đối với các pháp thấy có sai khác, thì làm sao có thể thành tựu cho chúng sinh?”

-          Một vị nữ trả lời: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! nếu ai thấy có sai khác đối với các pháp, thì không thể thành tựu chúng sinh; nếu đối với các pháp không thấy sai khác, thì mới có thể thành tựu cho chúng sinh.”

-          Xá Lợi Phất  hỏi vị nữ kia rằng: “Cô nay đã thành tựu được bao nhiêu chúng sinh?”

-          Vị nữ thưa: “Tánh của chúng sinh cũng không sở hữu.”

-          Xá Lợi Phất hỏi lại: “Chúng sinh không tỉnh, thì chỗ nào thành tựu cho họ?”

-          Vị nữ thưa: “Phiền não không tự tánh, thì làm sao mà đoạn được?”

-          Ngài Xá Lợi Phất nói: “Vì không phân biệt, ấy gọi là đoạn.”

-          Vị nữ kia nói: “Như Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói; nếu không phân biệt kia với ta, ấy cũng là thành tựu chúng sinh.”

-          Xá Lợi Phất hỏi người nữ kia: “Thế nào gọi là thành tựu chúng sinh?”

-          Vị nữ đáp: “ở trong các cõi, không khởi ái nhiễm, ấy gọi là chúng sinh.”

(Trích kinh Chuyễn Nữ Thân, vũ 9, tờ 72, bên trái)

Mục III - Bồ Đề

  1. Hiểu tất cả Pháp không, gọi là bồ đề:

Người nào thật hành được phương pháp chánh niệm, không có một pháp nào mà không phải là Phật Pháp. Vì sao? Vì nhận biết tất cả pháp đều không vậy. Ngài Văn Thù Sư Lợi biết tất cả pháp đều không, gọi là Bồ Đề. Chữ Bồ Đề có nghĩa là biết rõ các pháp đều chân không

(Trích kinh Như Lai Trang Nghiêm Trí Tuệ Quang Minh Nhập Nhất Thiết Phật Cảnh Giới, quyển hạ, vũ 3, tờ 20, bên mặt.)

  1. Giác ngộ tất cả thật tánh ấy gọi là bồ đề:

Thật tánh của thân là thật tánh bồ đề, thật tánh bồ đề là thật tánh của tâm, thật tánh của tâm tức là thật tánh của các pháp. Giác ngộ tất cả các thật tánh nầy, gọi là giác ngộ bồ đề.

(Trích kinh Như Lai Bí Mật Tạng, quyển hạ, tờ 7, bên trái)

  1. Hí luận cùng bồ đề:

-          Ngài Phấn Tấn Huệ Bồ Tát nói: “Các thiện nam! Nói bồ đề là đối với pháp gì mà nói?

-          Bồ tát Vô Sở Trụ Phật nói: “Các thiện nam! Nói bồ đề là chỉ pháp vô phân biệt, không hí luận vậy. Ai còn ngã kiến, gọi là hí luận; ấy không phải là bồ đề. Ai xa lìa ngã kiếng, không có hí luận, ấy gọi là bồ đề. Các thiện nam! Người nào còn chấp trước ngã sở, ấy gọi là hí luận, không phải bồ đề. Xa lìa được ngã sở, không có hí luận, gọi là bồ đề. Ai cứ thuận theo già bịnh chết, gọi là hí luận, ấy không phải là bồ đề. Không thuận theo già bịnh chết, tịch tịnh không hí luận, gọi là bồ đề. Ai bị bỏn sẻn, ganh ghét, phá giới, giận tức, biếng nhác, tán loạn, ngu si, không trí huệ, là hí luận, không phải bồ đề. Bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, pháp không hí luận, gọi là bồ đề. Tà kiến, quán sát hiểu sai, biết sai, làm theo con đường ác, gọi là hí luận, ấy không phải là bồ đề. Không, vô tướng, vô nguyện, pháp không hí luận, ấy chính thật là bồ đề.”

(Trích kinh Pháp Tập, quyển thứ 3, vũ 7, tờ 54, bên mặt.)

 

  1. Tất cả pháp là bồ đề cũng không phải là bồ đề:

Lại nữa, các thiện nam! Cũng có thể nói tất cả pháp là bồ đề, cũng có thể nói tất cả pháp không phải là bồ đề. Hỏi: Vì nghĩa gì mà gọi là tất cả pháp là bồ đề, rồi lại nói tất cả pháp không phải bồ đề?”

Đáp: “Đối với tất cả pháp, chấp trước ngã cùng ngã sở; ấy không phải là bồ đề; giác ngộ tất cả pháp bình đẳng, biết tất cả pháp chân như, ấy gọi là bồ đề.”

(Trích kinh Pháp Tập, quyển ba, vũ 7, tờ 54, bên mặt)

 

  1. Bốn thứ bồ đề:

Có 4 thứ bồ đề, thắng quả vô thượng. Những gì là bốn? Một là tối tịnh; hai là chơn ngã; ba là diệu lạc, và bốn là thường trú.

(Trích kinh Vô Thượng Y, quyển thượng, phẩm Bồ Đề, trụ 7, tờ 80, bên trái).

 

  1. Không “vô sở hữu” ấy mới là đạo:

Tịnh mà lại tịnh, không mà lại không; không “vô sở hữu” ấy mới là đạo. Gốc của đạo là không, không chổ nương tựa, trên không có chổ treo, dưới không có chổ y cứ, bên trái không chỗ dính níu, bên mặt không có chỗ duy trì, tự nhiên mà đứng vững, thanh tịnh làm gốc, cái không của không không cho nên gọi là Nê Hoàn. Đối với có nhưng không chỗ có, nên gọi là có; đối với không mà chẳng không, ấy gọi là không; đối với đặng nhưng không chỗ đặng, ấy gọi là đặng vậy.

(Trích Kinh Bồ Tát Nội Tập Lục Ba La Mật, tạng 5, tờ 32, bên mặt.)

 

Mục IV - Niết Bàn

  1. Nê Hoàn vui đệ nhất:

Không bịnh lợi thứ nhất,

Tri túc giàu thứ nhất,

Biết thân bạn thứ nhất,

Nê Hoàn (1) vui thứ nhất.

            (Trích kinh Xuất Diệu: Avadànnasùtra, quyển thứ 23, phẩm Nê Hoàn, tạng 6, tờ 22, bên mặt.)

            LƯỢC GIẢI

            (1) Nê Hoàn, Nirvàna, xưa dịch là Niết Bàn là cảnh giới, an lạc, giải thoát và tịch tĩnh.

  1. Chơn nhơn trở về tịch diệt:

Lộc trở về rừng nội,

Chim trở về hư không,

Nghĩa trở về phân biệt (1)

Chơn nhơn về tịch diệt (2)

            Trích kinh Xuất Diệu, quyển thứ 23, phẩm Nê Hoàn, tạng 6, tờ 23, bên mặt.)

            (1) Phân biệt: suy nghĩ, đắn đo, phân biệt sự lý của các pháp vậy. Nghĩa lý do phân biệt suy lừờng mà phát huy.

            (2) Diệt: Nirodha dịch ý, do cảnh giới tịch tịnh của Bát Chánh Đạo mà đến vậy.

  1. Khoái lạc của Niết Bàn:

Vua Mi Lin Đa lại hỏi Na Tiên rằng: “Người chưa được con đường Niết Bàn thì đâu có biết con đường Niết Bàn là khoái lạc? Na Tiên tỳ kheo trả lời : “Mặc dù chưa đặng con đường Niết Bàn nhưng có thể biết con đường Niết Bàn là khoái lạc.” Vua hỏi “Người chưa được con đường Niết Bàn, làm sao biết được sự khoái lạc?” Na Tiên hỏi lại vua rằng “Người sống chưa từng bị chặt đứt tay chân, nhưng có ý thức được sự đau nhức của những ai bị chặt tay chân không? Vua nói “Mặc dù chưa bị chặt tay chân, nhưng có thể biết được sự đau nhức kia.” Na Tiên hỏi “Lấy gì mà biết được sự đau nhức?” Vua trả lời: “Thấy người kia rên la khi tay chân bị chặt, nên biết họ rất đau nhức.” Na Tiên nói: “Cũng thế, người trước đã chứng được con đường Niết Bàn , nói lại sự khoái lạc ấy cho người sau tin đó mà chứng biết”. Vua Mi Lin Đa nói; “Hay thay! Quí hóa thay!”.

(Trích kinh Na Tiên Tỳ Kheo, quyển hạ, tạng 8, tờ 48, bên trái).

 

  1. Hai loại Niết Bàn:

Đây có hai loại Niết Bàn. Những gì là hai? Một là hữu dư y (1) niết bàn, hai là vô dư y niết bàn. Thế nào gọi là hữu dư y niết bàn cảnh giới ? Khi nào Tỳ kheo diệt được năm (2) hạ phần kiết sử, tức là chứng được niết bàn kia, không trở lại cỏi nầy; ấy gọi là cảnh giới hữu dư y niết bàn. Thế nào gọi là cảnh giới vô như y niết bàn? Khi nào vị tỳ kheo dứt hết hữu lậu, thành vô lậu, giải thoát ý thức, giải thoát trí huệ, tự thân tác chứng, nhưng tự mình sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, lại không thọ thân hậu hữu, hiểu biết đúng như thật, gọi đó là cảnh giới vô dư y niết bàn. Hai cảnh giới niết bàn nầy sẽ tìm phương tiện được đến cảnh giới vô dư niết bàn…

(Trích kinh Tăng Nhứt A Hàn: Ekottaràgamasùtra, quyết thứ 7, trắc 1, tờ 27, bên trái.)

LƯỢC GIẢI:

(1). Hữu Dư Niết Bàn: đối với vô dư niết bàn mà nói, đây giải thích từng chử. Chử dư, hoặc gọi là dư thân, hoặc là dư tập.  Chử hữu là đối với sự tồn tại của thế giới mê, chưa hoàn toàn đoạn tuyệt các sự quan hệ, nhưng chỉ đoạn phiền não, đã dứt nhân sinh tử vị lai. Ấy gọi là niết bàn vậy.

(2). Năm hạ phần kiết: tức là năm thứ phiền não gốc ở cõi dục nó ràng buộc chúng ta. Ấy là: tham lam, giận tức, thân kiến, giới thủ kiến, nghi ngờ vậy. Thân kiến tức là ngã kiến, tức là thiên kiến của tự ngã mê chấp. Giới thủ kiến vì quá tin đức nghĩa của chính mình. Ý nói người không có chí hường thượng vậy.  

 

  1. Thế nào gọi là Niết Bàn:

Lúc bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát Ma Ha Tát lại bạch cùng đức Phật rằng: “Thế Tôn! Các đức Phật Như Lai đã nói Niết Bàn, nói những pháp gì gọi là Niết Bàn?”

Phật bảo ngài Đại Huệ: “Tất cả thức, tự tánh, tập khí (1) và tạng thức (2), ý, ý thức, thất tập khí chuyển rồi, ta cùng chư Phật đều gọi là niết bàn. Tức là cảnh giới các pháp tánh không.

Lại nữa: nầy Đại Huệ! Niết Bàn là cảnh giới tự chứng thánh trí (3), sở hành, xa lìa đoạn kiến, thường kiến cho đến có không. Thế nào gọi là phi thường? nghĩa là lìa tự tướng cọng tướng (4) các sự phân biệt vậy. Thế nào phi đoạn? Nghĩa là tất cả thánh giả tự chứng “trí sở hành” của quá khứ, hiện tại, và vị lai vậy.

Lại nữa Đại Huệ! đại niết bàn, không hoại diệt không sinh tử. Nếu  tử lại phải thọ sinh; nếu hoại phải là hữu vi. Thế nên niết bàn không hoại không tử, chỗ qui thú của các bậc tu hành vậy…

Lai nữa Đại Huệ! Vì không xả không đặng, vì phi thường phi đoạn, vì chẳng một chẳng khác, nên gọi là Niết Bàn.”

(Trích kinh Nhập Lăng Già, phần ba của phẩm thứ 2, tập Nhất Thiết Pháp, huỳnh 6, tờ 94, bên trái.)

LƯỢC GIẢI:

(1) Tập khí: ấn tượng của chủng tử đã kinh nghiệm, bảo trì ở trong tâm thức, do mỗi tự tánh của nó mà phát hiện. Chính gọi đó là hiện hành.

(2) Tạng thức, ý, ý thức: Tạng thức là A-lại-gia, tức là thức thứ 8 vậy. Ý là mạt na tức là thức thứ bảy. Ý thức là thức thứ sáu vậy.

(3) Tự chứng thánh trí: Như người uống nước lạnh nóng tự mình nhận thức hiểu biết vậy. Không thể nói rõ cho người khác nghe được.

(4) Tự tướng cọng tướng: tất cả pháp có hai tướng: hạng cuộc nơi tự thể thì gọi là tự tướng. Thông đến người khác thì gọi là cọng tướng.

 

Mục V - Phiền não cùng bồ đề:

  1. Tất cả phiền não là hạt giống Như Lai:

Ví như đất bằng ở vùng cao nguyên, không thể mọc hoa sen; nơi bùn lầy nước đọng mới mọc hoa sen. Cũng như vậy, người thấy pháp vô vi, vào chánh vị, trọn không thể sanh lại nơi Phật pháp; trong bùn phiền não, mới có chúng sinh phát khởi Phật pháp mà thôi.

Lại cũng gieo giống nơi hư không, trọn không thể mọc những chỗ có đất có phân, cây cối mới có thể sum sê. Cũng thế, người vào vô vi (1) chánh vị, không phát sinh Phật pháp; khởi lên ngã kiến (2), như núi tu di, cũng như phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, phát sanh Phật pháp vậy…Thế nên, phải biết tất cả phiền não là hạt giống Như Lai.

Một thí dụ khác là không xuống biển lớn thì không thể gặp được ngọc báu vô giá. Cũng như vậy, không vào biển lớn phiền não thì không thể đặng của báu “nhất thiết trí” (3)

(Trích kinh Duy Ma, phẩm Phật Đạo thứ 8, huỳnh 7, tớ 24, bên mặt).

LƯỢC GIẢI:

(1) Vô vi chánh vị: Niết Bàn của tiểu thừa, gọi đó là vô vi. Lại cũng gọi là chánh vị. Niết bàn nầy do đoạnh hết phiền não mà đặng. Phật giáo đại thừa thay đổi về phiền não quan, theo đó mà thay đổi thành Niết bàn quan. Ai chuyển phiền não tức đặng Phật pháp, nên dùng phiền não làm hạt giống Như Lai.

(2) Ngã kiến: Dùng năm uẩn mà hòa hợp thân tâm, nhận thành thật thể thường trú. Gọi đó là ngã kiến, căn nguyên của tất cả phiền não vậy.

(3) Nhất thiết trí: tức là Phật trí vậy.

 

  1. Cao nguyên, lục địa, không mọc hoa sen:

Ca Diếp! ví như hạt giống gieo ở giữa hư không mà có thể sinh trưởng, từ xưa đến nay không bao giờ có như thế. Bồ Tát muốn chứng quả, cũng lại như thế, tăng trưởng Phật pháp, hoàn toàn vô lý. Ca Diếp! Ví như trồng cây ở đất tốt thì hay sinh trưởng. Cũng như vậy, nầy Ca Diếp, Bồ Tát có các kiết sử, xa lìa cá pháp thế gian, hay tăng trường Phật pháp. Ca Diếp! Ví như cao nguyên hay lục địa, không thể mọc hoa sen. Bồ Tát cũng lại như thế, ở trong vô vi không sinh trưởng được Phật pháp. Ca Diếp! ví như trong nước đọng bùn lầy, mới mọc hoa sen, Bồ Tát cũng thế. Ở trong cõi đời sinh tử, chúng sinh tà định (1) hay phát sinh Phật pháp.

(Trích kinh Đại Bữu Tích Mahàratnakùtasùtra, quyển thứ 101, hội Phổ Minh Bồ Tát 12, địa 6, tở 58, bên mặt).

 

 

 

 

 

LƯỢC GIẢI:

(1) Tà định: Tất cả chúng sinh có chia ra ba tụ: chánh định, tà định và bất định. Tà định là định nỏi cương vị tà ác vậy.

 

  1. Ai đoạn phiền não, chẳng phải pháp khí của Phật:

Đại đức Tu Bo Đề nói với ngài Văn Thù Sư Lơi : “Pháp tánh (1) là một, như một that thể, tại sao nói có pháp khí cùng không phải pháp khí ?” – Văn Thù Cư Lợi nói : “Nầy đại đức Tu Bồ Đề ! Ví như thợ làm đồ gốm, dùng một loại bùn, tạo các thứ đồ bằng tô hạp, đồ bằng đương mật, hoặc đựng trong đồ bất tịnh. Song tánh bùn kia không có sai khác; lửa cũng như thế, không có sai khác. Như vậy đó, đại đức Tu Bồ Đề ! đối với Pháp tánh chỉ có một, như là thật tế, nhưng tùy hành nghiệp kia, pháp khí có sai khác. Các đồ đàu, tô hạp v.v…dù cho hang Thanh Văn, Duyên Giác; các đồ bằng đương mật dụ cho các Bồ Tát; các đồ bất tịnh dụ cho tiểu phàm phu…”

Tu Bồ đề nói: “Văn Thù Sư Lợi! và có các đồ ấy, nói không phải là đồ, chẳng phải đồ mới thật là đồ.” Văn Thù Sư Lợi nói: “Có!” Tu Bồ đề nói: “Thế nào mà cho là có?” Văn Thù Sư Lợi nói: “Đại đức Tu Bồ Đề!” Tất cả kiết sử (2), gọi là chẳng phải đồ (3), tất cả kiết tập, gọi là chẳng phải đồ. Ấy gọi là phi khí, ấy cũng nói là đồ Phật pháp. Nếu ai đoạn tất cả các phiền não, những đồ như thế chẳng phải pháp khí trong Phật pháp.”

(Trích kinh Đại Phương Quảng Bửu Hiệp, quyển thượng, vũ 10, tờ 43, bên mặt)

 

LƯỢC GIẢI:

  1. Pháp tánh như thật tế: đều là tên khác của chơn như. Gọi đó là ba không. Đứng về bản tánh của muôn pháp sai khác mà xét soi một tướng bình đẳng kia vậy.
  2. Kiết sử, kiết tập: Chữ kiết là tên khác của phiền não, để ràng buộc chúng sinh bị trong cảnh sinh tử. Chữ sử cũng là tên khác của phiền não, nó hay sai sử chúng sinh vậy. Chử tập là dư khí của phiền não tức là tập khí vậy.
  3. Phi khí, Phật pháp khí (nguyên văn chử Hán) Phiền não và tập khí là phi khí: trái lại thì là pháp khí. Nay đây dùng đoạn phiền não làm pháp khí là quán phiền não của Đại Thừa vậy.

 

  1. Ở nơi đệ nhất nghĩa, phiền não, bồ đề không hai. Đức Phật nói với ngài Ca Diếp: Bồ Tát khi chưa thành Phật, dùng bồ đề làm phiền não. Khi Bồ Tát thành Phật, dùng phiền não làm bồ đề. Vì cớ sao? Ở nơi đệ nhất nghĩa đế thì không có hai. Các đức Phật Như Lai, cho đến tất cả pháp đều là “Như”. (1)

(Trích kinh Nhơn Vương, Bát Nhã, quyển thượng phẩm nhị đế, nguyệt 9, tờ 50, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI:

  1. Như: Thật tướng các pháp, hoặc nói rằng pháp tính, hoặc nói rằng thật tế, từ đệ nhất nghĩa trên mà quán sát; tất cả đều là chân như, trong ấy không có sai khác, nên gọi là không hai.

5. Phiền não không tự tánh là pháp vô sinh: Đức Thích Tôn nói: Ca Diép! hiều biết phiền não từ nhân duyên sinh, gọi là đặng bồ. Nầy Ca Diếp! Thế nào gọi là hiểu biết từ nhân duyên bị sinh ra phiền não? Hiếu biết là pháp vô tự tánh khởi (1), là vô sanh pháp (2), hiểu biết như thế gọi là đặng bồ đề.

(Trích kinh Đại Phương Quảng Như Lai Bí Mật Tạng, quyển hạ, vũ 10, tờ 7, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI:

  1. Vô tự tánh khởi: tự tánh có thật thể cố định tính. Phập giáo nhận là do nhân duyên mới có vạn vật: tất cả đều là lưu động chuyển biến, phủ nhận có tự tánh, cho nên nói rằng vô tự tánh khởi.
  2. Vô sinh pháp: Tức là không sinh không diệt.

 

5. Dùng các pháp ma làm Phật sự: Có bốn việc ma (1) nầy cùng tám muôn bốn ngàn (2) các cửa phiền não, nhưng các chúng sinh bị các ma chướng nầy mà nhọc mệt, trái lại các đức Phật dùng các pháp nầy ra làm Phật sự.

(Trích kinh Duy Ma, phẩm Bồ Tát Hạnh thứ 11, huỳnh 7, tờ 27, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI:

  1. Bốn thứ ma: phiền não ma, ấm ma, từ ma, và thiên ma. Chữ ma có nghĩa là phá việc thiện của người nên đặt tên mà ma.
  2. Tám muôn bốn ngàn cửa phiền não: Căn bản của phiền não là thứ: tham lam, giận tức, si mê và đẳng phần. Mỗi thứ có 2100 loại. Họp thành 8400 thêm 10 vào, trở thành số 84,000.

 

7. Chuyển vô minh thành minh: Trên núi tuyết có loại có tên là phỉ-nị, loài trâu nếu ăn cỏ nầy, thuần được đề hồ (sữa đặc), không có sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, nhân duyên xác cỏ; sữa khi thì có khác về mùi vị. Các chúng sinh do nghiệp nhân duyên mà có mình cùng vô minh, thành ra hai tướng. Nếu chuyển được vô minh thì trở thành minh. Tất cả sự vật, thiện cùng bất thiện, v.v…cũng lại như thế, không có hai tướng.

(Trích kinh Đại Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh thứ 8, dinh 5, tờ 40, bên trái.)

 

Mục VI – Sanh tử cùng Niết Bàn

  1. Thế gian tánh, Niết Bàn tánh bình đẳng:

Người hai nói không, các thiện nam! Làm sao biết được thế gian tánh cùng Niết Bàn tánh, hai tánh ấy bình đẳng, không sanh sự nghi lầm? Kẻ hai nói không, các thiện nam! Nếu thấy lìa tánh thế gian, có tánh Niết Bàn; như thế Bồ Tát không biết thấy không. Nếu thấy chân như tánh thế gian cùng chân như tánh Niết Bàn, hai pháp tánh nầy chỉ là một tướng. Có chỗ nói đó là tánh vô vi. Nếu ai thấy được chân như tánh thế gian cùng chân như tánh Niết Bàn, tướng kia bình đẳng, không có cao thấp, người ấy ngộ đạo.

(Trích kinh Pháp Tập, quyển thứ nhất, vũ 7, tờ 45, bên mặt)

  1. Không ra sinh tử, không vào Niết Bàn:

Đối với các pháp tánh phải vô tâm, tất cả pháp gọi là chánh. Nếu ở trong pháp vô tâm, mà dùng tâm phân biệt, quán sát, tất cả pháp gọi là tà.

Phải biết! Phật không cho chúng sinh ra sinh tử vào Niết Bàn, chỉ vì độ vọng tưởng phân biệt hai tướng sinh tử cùng Niết Bàn mà thôi. Trong đây thật không qua sinh tử đến Niết Bàn. Vì sao? Vì các pháp bình đẳng, không có qua lại; không ra sinh tử, không vào Niết Bàn.

Lúc bấy giờ, Dõng Minh Bồ Tát bạch với Phật rằng: Thế Tôn! nếu có nơi phát sinh ra chấp trước, thì đối với người đó, Phật không ra đời. Thế Tôn! nếu có ai quyết định thấy Niết Bàn, người ấy không qua sinh tử. Vì sao? Niết Bàn gọi là trừ diệt các tướng, xa lìa tất cả động niệm hý luận. Bạch Thế Tôn! Các Tỳ Kheo ấy ở trong chánh pháp của Phật xuất gia, mà nay lại xa vào ngoại đạo tà kiến, thấy Niết Bàn có tướng quyết định. Ví như từ mè nấu ra dầu, từ sữa làm thành bơ. Bạch Thế Tôn! nếu người ở trong các pháp hữu tướng sinh diệt, mà cầu Niết Bàn, tôi nói bọn ấy là những người tăng thượng mạn. Thế Tôn! người hành chánh đạo, đối với các pháp không tác sinh, không tác diệt, không đặng, không quả…”

(Trích kinh Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn, phẩm phân biệt thứ 3, vũ 1, tở 3 bên trái, tờ 4 bên phải.)

  1. Người thích Niết Bàn, không được Niết Bàn:

Thừa nhân là tất cả ngã là Niết Bàn, có chứng có ngộ, gọi đó là thành tựu. Ví như có người nhận giặc làm con (1), gia tài của báu kia, trọng không thành tựu. Vì cớ sao? Vì có ngã ái, cũng thích Niết Bàn; chiếc phục gốc rễ ngã ái là tướng Niết Bàn. Ai mà ghét ngã, cũng ghét luông sinh tử; người mà không biết thích, vì chơn sinh tử; riêng ghét sinh tử, gọi là chưa giải thoát.

(Trích kinh Viên Giác, thiên 11, tờ 93 bên trái.)

 

LƯỢC GIẢI:

  1. Nhận giặc làm con: người ưa Niết Bàn mà ghét sinh tử, tức là chưa lìa “ngã” chấp, thật vào Niết Bàn cần phải lìa tướng thủ xã, vào không, vô tướng hai loại giải thoát, trụ nơi vô nguyện giải thoái. Nếu đối với sinh tử cùng Niết Bàn, phân biệt chấp trước, người nào đối với Niết Bàn mà sinh ngã ái, thì lại là hại, gọi đó là giặc.

 

Mục VII - Thế đạo cùng Phật đạo

  1. Nếu hay chuyển vật thì đồng Như Lai:

Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay mê mình là vật, mất nơi bản tâm, bị vật làm chủ động. Nên ở trong ấy, quán đại quán tiểu, nếu hay chuyển vật thì chắc đồng với Như Lai. Thân tâm tròn sáng, không lay động khi ngồi chốn đạo tràng; ở trong đầu sợi long, có thể chứa được các quốc độ trong mười phương.

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển thứ 2, thành 1, tờ 6, bên trái)

  1. Thế giới ma cùng thế giới Phật:

Thế giới ma như tức là Phật giới như. Ma giới như, Phật giới như, không hai không khác.

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, quyển hạ, huỳnh 7, tờ 9, bên mặt)

  1. Thấy Pháp Bồ Tát thì xa Bồ Tát:

“Thật tướng không tham giận,

Si cũng không thể được.

Phân biệt pháp như huyễn,

Tự sinh lửa phiền não.

Thật tướng không phiền não,

Không chúng sinh, không Phật.

Phân biệt pháp vô sinh,

Phàm phu nguyện làm Phật.

Không chấp Pháp chư Phật,

Cũng không chấp chúng sinh;

Người biết pháp tướng ấy,

Chóng thành chúng sinh tôn.

Nếu ai cầu bồ đề,

Thì không có bồ đề

Người ấy xa bồ đề

Vì như trời cùng đất.

Biết các pháp như huyển,

Chóng thành bật tối thượng.

(Trích kinh Chư Pháp Vô Hạnh, quyển thượng, vũ 2, tờ 21, bên mặt.)

  1. Không thấy khác biệt nam nữ:

Lúc bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi Vô Cấu Quang Nữ rằng: “Bà từ chổ Phật Tịnh Trụ Thế Giới Vô Cấu Xưng Vương, thọ thân nữ nầy, đến đây có việc gì?” Vô Cấu Quang Nữ đáp rằng: “Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, thế giới của Phật kia, không có nữ nhơn.” Xá Lợi Phất nói: “Bà nay cớ sao dùng nữ hình nầy đến chốn đây?” Bà Quang Nữ liền đáp rằng: Tôn nay không dùng hình nam hay hình nữ, cũng không mang sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đến chốn nầy. Vì sao? Vì thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, ý ngài nghĩ sao? Như Lai ra giáo hóa độ chúng sinh, từ một Phật quốc đến một nước Phật, là có nam nữ, ngũ ấm, thập bát giới, và thập nhị nhập, tướng sai khác chăng?” Xá Lợi Phất nói: “Không như vậy, vì sao? Bởi vì Như Lai ra giáo hóa, không có gì sai khác”. Bà Quang Nữ nói: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, chính đức Như Lai ra đời hóa độ chúng sinh, không có sai khác, tất cả các pháp nầy đều như như giáo hóa. Nếu ai biết các Pháp, tướng đều đồng hóa, từ một nước Phật nầy đến một nước Phật khác không thấy có chi sai khác.”

(Trích kinh Chuyển Nữ Thân, vũ 9, tờ 73, bên mặt).

 

Mục VIII – Tu hành sinh hoạt:

  1. Hạnh nguyện đầy đủ
  2. Đại nguyện đại hạnh:

1)      Nếu vào trong phòng nhà

Phải cầu cho chúng sinh

Lên ngôi nhà Vô Thượng,

Đặng pháp không thối chuyển.

2)      Nếu trải giường ghế ngồi;

Phải cầu cho chúng sinh

Ngồi trên tòa Pháp lành

Thấy được tướng chân thật.

3)      Chánh thân ngồi đoan trang

Phải cầu cho chúng sinh

Ngồi dưới cây Phật đạo

Tâm không vướng chỗ nào

4)      Tréo mãy hai chân ngồi

Phải cầu cho chúng sinh

Căn lành rất kiên cố

Đặng chỗ không lay động

5)      Thiền định cùng chánh thọ

Phải cầu cho chúng sinh

Đến cửa pháp chánh định

Đặng thiền định rốt ráo

6)      Bước chân đến cửa đạo

Nên cầu cho chúng sinh

Đến chổ giác của Phật

Rốt ráo được giải thoát

7)      Nếu đã ở trong đạo

Nên cầu cho chúng sinh

Thành tựu được Phật đạo

Không đi chỗ nào khác.

8)      Bước đi trên con đường

Nên cầu cho chúng sinh

Đi trong pháp giới tịnh

Tâm không bị ngăn ngại

9)      Đi trên con đường cao

Nên cầu cho chúng sinh

Lên thẳng đạo vô thượng

Vượt ra trong ba cõi

10)  Bước trên con đường thấp

Nên cầu cho chúng sinh

Khiêm nhường đức nhu nhuyến

Vào pháp sâu của Phật

11)  Nếu thấy con đường hiểm

Nên cầu cho chúng sinh

Dứt bỏ con đường ác

Diệt trừ tâm tà kiến

12)  Nếu thấy con đường thẳng

Nên cầu cho chúng sinh

Đặng tâm ý trung chính

Thân khẩu không dua nịnh.

13)  Thấy con đường bụi bậm

Nên cầu cho chúng sinh

Hằng lìa các bụi nhơ

Rốt ráo được trong sạch

14)  Thấy con đường không buị

Nên cầu cho chúng sinh

Lòng đại bi huân tập

Tâm ý được nhu thuần

15)  Thấy hầm hố rộng sâu

Nên cầu cho chúng sinh

Hướng về pháp giới chính

Dứt trừ các khổ nạn.

16)  Thấy nghe chỗ kiện tụng

Nên cầu cho chúng sinh

Nơi chánh pháp thậm thâm

Tất cả lòng hòa họp

17)  Nếu thấy cây cao lớn

Phải cầu cho chúng sinh

Xa lìa tâm tranh cãi

Không có chút giận hờn

18)  Nếu thấy cảnh tòng lâm

Phải cầu cho chúng sinh

Tất cả lòng kính lễ

Chiêm ngưỡng Thầy Trời Người

19)  Nếu thấy núi cao vót

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng pháp lành vô thượng

Chẳng nên chấp đảnh kia.

20)  Nếu thấy các chông gai

Phải cầu cho chúng sinh

Nhổ hết gốc tam độc

Không còn tâm nào hại

21)  Thấy cây lá sum sê

Phải cầu cho chúng sinh

Dùng đạo tự che mát

Vào thiển định tam muội

22)  Thấy cây hoa tươi đẹp

Phải cầu cho chúng sinh

Nở hoa thanh tịnh như

Tướng tốt đẹp tròn đầy

23)  Thấy cây trái sum sê

Phải cầu cho chúng sinh

Phát khởi hang cây đạo

Thành quả vị Vô Thượng

24)  Thấy các giòng nước chảy

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng giòng nước chánh pháp

Vào biển trí chư Phật.

25)  Nếu thấy nước có sóng

Phải cầu cho chúng sinh

Đều đặng tịnh của Phật

Không hoại diệt chánh pháp.

26)  Nếu thấy ao hồ tắm

Phải cầu cho chúng sinh

Vào biển trí của Phật

Vấn đáp thông vô cùng

27)  Thấy người múc nước giếng

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng biện tài Như Lai

Trí không thể cùng tận.

28)  Nếu thấy suối nước trong

Nên cầu cho chúng sinh

Căn lành không cùng tận

Đặng cảnh giới vô thượng

29)  Thấy núi song biển cả

Nên cầu cho chúng sinh

Rửa sạch các bụi nhơ

Ý giải lòng thanh tịnh.

30)  Nếu thấy được cầu đò

Nên cầu cho chúng sinh

Xây dựng các cầu pháp

Độ người không thôi dứt

31)  Thấy người làm vườn tược

Nên cầu cho chúng sinh

Trừ bỏ các uế ác

Không sinh căn dục vọng.

32)  Thấy rừng cây vô ưu

Nên cầu cho chúng sinh

Tâm thường đặng hoan hỷ

Hằng dứt các lo rầu

33)  Thấy vườn ao tốt đẹp

Nên cầu cho chúng sinh

Siêng tu các pháp lành

Đầy đủ tâm bồ đề.

34)  Thấy người tướng trang nghiêm

Phải cầu cho chúng sinh

Ba mươi hai tướng tốt

Rồi tự mình trang nghiêm

35)  Thấy người y phục sạch

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng đến chỗ rốt ráo

Đầu đà là bờ kia.

36)  Thấy ai ý chí vui.

Phải cầu cho chúng sinh

Thanh Tịnh vui chánh Pháp

Lấy đạo giáo tự như

37)  Thấy người đang lo rầu

Phải cầu cho chúng sinh

Đối với pháp hữu vi

Tâm sinh sự nhàm chán

38)  Thấy người tâm hoa lạc

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng vui vô thượng diệu

Đến chết không sầu não

39)  Thấy ai qua khổ sở

Nên cầu cho chúng sinh

Diệt trừ hết các khổ

Đặng trí huệ của Phật.

40)  Thấy người thân tráng kiện

Nên cầu cho chúng sinh

Được sắc thân kim cương

Không có hình suy yếu

41)  Thấy người thường đau ốm.

Nên cấu cho chúng sinh

Biết thân là không tịch

Giải thoát các điều khổ

42)  Thấy người thân đoan chíng

Nên cầu cho chúng sinh

Hoan hỷ và cung kính

Chư Phật cùng Bồ Tát.

43)  Thấy thân ai xấu xí

Nên cầu cho chúng sinh

Xa lìa tâm quê kịch

Dùng thiện tự trang nghiêm

44)  Thấy người ưa trả ơn

Nên cầu cho chúng sinh

Thường niệm các đức Phật

Ân đức của Bồ Tát

45)  Thấy ai phản bội ơn

Phải cầu cho chúng sinh

Thường thấy các hiền thánh

Không làm các việc ác

46)  Nếu thấy các thành quách

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng thân tướng kim cương

Tâm không gì trở ngại.

47)  Nếu thấy kinh đô vua

Phải cầu cho chúng sinh

Sáng suốt soi thấy xa

Công đức được tự tại.

48)  Nếu thấy sắc nhiệm mầu

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng sắc đẹp thượng diệu

Trời người đều khen ngợi

49)  Khi vào làng khất thực

Phải cầu cho chúng sinh

Chóng vào Nhứt Phật Thừa

Thấu triệt cả ba đời.

50)  Thấy người biết hổ thẹn

Nên nguyện cho chúng sinh

Hổ thẹn trong chánh hạnh

Điều phục các giác quan

51)  Thấy ai không hổ thẹn

Nên nguyện cho chúng sinh

Lìa tâm không hổ thẹn

Khắp hành lòng đại từ.

52)  Đặng đồ ăn ngon ngọt

Nên nguyện cho chúng sinh

Biết thiểu dục điều độ

Lòng không chỗ đắm trước

53)  Được đồ ăn không ngon

Nên nguyện cho chúng sinh

Đầy đủ tâm thịnh mãn

Được chánh định vô nguyện.

54)  Nhận thức ăn mềm mại

Nên nguyện cho chúng sinh

Huân tập lòng đại từ

Tâm ý càng tế nhị.

55)  Đặng vật thực thô xấu

Nên nguyện cho chúng sinh

Tâm thường được xa lìa

Vị đắm nhiễm thế gian.

56)  Nếu ăn đồ tinh tế

Phải cầu cho chúng sinh

Thiền duyệt làm đồ ăn

Pháp hỷ rất sung mãng

57)  Bị ăn các vị tạp

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng thượng vị của Phật

Hóa thành vị cam lồ.

58)  Khi ăn cơm đã xong;

Phải cầu cho chúng sinh

Đức hạnh tròn đầy đủ,

Thành tựu mười món lực.

59)  Nếu khi thuyết chánh pháp

Phải cầu cho chúng sinh

Đặng vô ngại biện tài

Sâu thông giáo pháp Phật.

60)  Ngồi xong ra thiền đường

Phải cầu cho chúng sinh

Sâu vào trí huệ Phật

Hằng ra khỏi tam giới

61)  Nếu khi vào trong nước

Nên cầu cho chúng sinh

Sâu vào con đường giác

Bình đẳng thông ba đời

62)  Khi tắm gội thân thể

Nên cầu cho chúng sinh

Thân tâm đều không nhơ

Trong ngoài đều sáng sạch.

63)  Nếu khi nào rửa chân;

Nên cầu cho chúng sinh

Đặng bốn pháp thần túc,

Thân rốt ráo giải thoát.

64)  Đêm khi về ngủ nghỉ;

Nên cầu cho chúng sinh

Thôi dứt các hạnh xấu,

Tâm tịnh không ô uế.

65)  Sáng sớm khi thức dậy;

Nên cầu cho chúng sinh

Tất cả trí hiểu biết,

Không bỏ lìa mười phương.

(Trích Kinh Hoa Nghiêm: Avasarihkatasùtra. PhẩmTịnh Hạnh thứ 6, thiên 7, tờ bên trái và tờ 31 bên phải).

 

  1. Mười đại hạnh nguyện của Phổ Hiền:

Lúc bấy giờ Phổ Hiền đại Bồ Tát khen ngợi công đức thù thắng của Như Lai rồi bảo các Bồ Tát và Thiện Tài rằng: “Các thiện nam! Công đức của Như Lai, giả sử tất cả các đức Phật trong 10 phưong, trải qua số kiếp cõi Phật rất nhỏ như vi trần không thể nói, nối nhau diễn thuyết, không thể cùng hết. Nếu ai muốn thành tựu công đức pháp môn nầy, phải thật hành 10 đại hạnh nguyện rộng lớn. Những gì là mười? Một là lạy kính các đức Phật, hai là xưng khen các đức Như Lai; ba là thật hành pháp cúng dường rộng lớn; bốn là sám hối các nghiệp chướng; năm là tùy hỷ các công đức; sáu là thỉnh chư Phật chuyển bánh xe Pháp; bảy là cung thỉnh các đức Phật thường ở trong đời; tám là thường theo học giáo pháp của Phật; chín là hằng thuận các chúng sinh; mười là phổ biết cho tất cả chúng sinh.

(Trích kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện thứ 40, thiên 6, tờ 74, bên trái.)

 

  1. Tín hạnh đều thật hành:
  2. Thật hành tâm bồ đề:

Nếu nghe người chê bai hủy bán, tâm ta phải chịu đựng. Nếu nghe ai khen ngợi, lại nên sinh lòng hổ thẹn. Khi tu hành đạo lý, hoan hỷ tự mừng thầm không sinh tâm kêu mạn, hay điều phục các điều ác của người. Nếu thấy ai chia ly phá hoại, nên tìm cách làm cho họ hòa hiệp, nêu các việc tốt của người, giấu các lỗi lầm của kẻ khác. Nhưng chỗ người khác bị hổ thẹn, tuyệt đối không nên nêu ra. Nghe các việc bí mật của người khác, không nên nói đi nói lại với ai; không nên vì việc thế gian mà làm các điều chủ thể. Ơn ít cho mình, nên lo nghĩ trả ơn lớn hơn. Đối với người đã oán trách, mình hằng phải sinh tâm lương thiện. Những chỗ nào của kẻ oán người thân, trước ta nên cứu kẻ oán. Thấy có ai mắng nhiếc, phải trải lòng thương xót. Khi thấy kẻ khác trộm cấp, giả vờ lặng thinh không cử động. Nếu thấy người nào đền danh, ta sinh tâm lân mẫn; xem các chúng sinh, cũng như cha mẹ; thà mất thân mạn ta không bao giờ nói lời hư dối.

(Trích kinh Ưu Bà Tắc Giới: quyển thứ 2, lệ 2, tờ 29, bên mặt).

 

  1. Thường không khinh mạn:

Lúc bấy giờ có một vị Bồ Tát tỳ kheo, tên là Thường Bất Khinh. Do nhân duyên gì mà gọi là Thường Bất Khinh? Vi tỳ kheo nầy phàm được thấy ai, hoặc tỳ kheo,tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, ngài đều lễ lại khen ngợi, rồi nói như thế nầy: “Tôi kính trọng sâu xa các vị, không dám khinh mạn. Sở dĩ vì sao? Vì các vị đều thật hành đạo Bồ Tát, sẽ được thành Phật. Vị tỳ kheo nầy không chuyên tâm đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ bái; cho đến xa xa nhìn thấy dân chúng, cũng lại cố ý đến lễ lạy, khen ngợi, rồi nói như thế nầy: “Tôi không dám khinh các ông, các ông đều sẽ thành Phật!”.

Trong hàng tứ chúng, có sinh tâm giận tức, có nhiều người tâm không thanh tịnh dùng ác khẩu mắng nhiếc; Ấy là vị tỳ kheo không có trí! từ đâu đến đây tự nói: Tôi không dám kinh các ông, rồi lại cho chúng tôi những lời thọ ký, sẽ đặng thành Phật, chúng tôi chẳng dùng những lời hư dối thọ ký bừa bãi như thế. Như vậy đó trải qua nhiều năm, thường bị người đời mắng nhiếc, nhưng ngài không bao giờ sinh tâm giận tức, thường nói lời: “Các ông sẽ thành Phật.”

(Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa: Sadharmapundarikasùtra, phẩm Thường Bất Khinh thứ 6, dinh 1, tờ 44, bên trái)

 

  1. Bồ Tát tại gia ngụ trong dân chúng:

Lại nữa, nầy Trưởng Giả! Bồ Tát tại gia, nếu ở làng xóm, thành ấp, quận huyện, trú ngụ trong dân chúng; tùy chổ trụ xứ, vì dân chúng nói pháp yếu. Chúng sinh nào chưa tin, khuyến khích, hướng dẫn khiến cho họ tin. Những chúng sinh không hiếu thảo, không biết cha mẹ, sa môn, bà la môn, không biết tôn ti, không thuận theo lời dạy bảo, không chỗ sợ tránh; nên khuyên họ hiếu thuận. Nếu ai ít chịu nghe đạo, khuyên họ cố gắng nghe cho nhiều, những kẻ xan tham, khuyên họ bố thí, những ai hủy hoại giới cấm, khuyên họ giữ giới; những người giận tức, khuyên họ nhẫn nhục; những kẻ biến nhác, khuyên họ tinh tiến; loạn động, khuyên thiền định; vô trí, khuyên có trí huệ; người nghèo cung cấp của cải; kẻ bịnh cung cấp thuốc men; không ai ủng hộ, nguyện làm kẻ ủng hộ; không chổ trở về, mình làm chổ cho họ trở về; không chổ nương tựa, mình làm chỗ cho họ nương tựa.

(Trích kinh Đại Bửu Tập, quyển thứ 82, hội Úc Già Trưởng Giả, địa 5, tờ 8, bên mặt)

 

  1. Đồng thật hành bảy việc:

Đạo có bảy việc: một là ý hoan hỷ bố thí; không muốn làm việc khác; hai là chỉ muốn nghe đạo; ba là chỉ chánh tín; bốn là chỉ giữ giới; năm là chỉ muốn thật hành; sáu là chỉ muốn học huệ; bảy là chỉ muốn thoát đi. Khi đức Phật còn tại thế đằng giải thoát; chuyển đời sau, chỉ học huệ; lại chuyển đời sau, chỉ muốn thật hành; lại chuyển đời sau, chỉ trì giới; lại chuyển đời sau, chỉ chánh tín; lại chuyển đời sau, chỉ muốn đa văn; lại chuyển đời sau, chỉ muốn bố thí; chẳng những bố thí, lại phải đa văn, chẳng những đa văn, lại phải chánh tín; chẳng những chánh tín, lại phải trì giới; chẳng phải trì giới, lại phải thật hành; chẳng những thật hành, lại phải học huệ, chẳng những học huệ, lại phải thoát đi. Ấy lả bải việc cần phải đồng hành…

(Trích Kinh Tam Huệ, tạng 8, tờ 25, bên mặt).

 

  1. Thế nào gọi là biết người?

Thế nào gọi là biết người? Như có hai người: một người tin đạo, một người không tin đạo; người tin đạo có thể xưng khen; người không tin, không xưng khen. Tin đạo lại chia có hai hạng. Một là thường đến chốn đạo tràng, ưa thích Sa Môn; một người không thường đến đạo tràng, trí lược Sa môn. Người thường đến có thể xưng khen; người không thường đến không xưng khen. Thường đến chốn đạo tràng cũng có hai hạng. Một là ưa kính các sa môn; hạng khác không ưa kính sa môn. Hạng ưa kính có thể khen ngợi; hạng không ưa kính thì không khen ngợi. Ưa kính cũng có hai hạng. Một là gần gũi học tập các sa môn; hạng khác không gần gũi học tập các sa môn. Hạng gần gũi học tập có thể khen ngợi, không gần gũi học tập thì không khen ngợi. Gần gũi học tập có hai hạng. Một hạng ưa hỏi kinh pháp; hạng khác không ưa hỏi kinh pháp. Người ưa hỏi kinh pháp có thể khen ngợi, người không ưa hỏi kinh pháp thì không khen ngợi. Ưa hỏi có hai hạng. Một là người để ý nghe, hạng khác không để ý nghe. Hạng người để ý nghe thì xưng khen, kẻ không để ý nghe thì không xưng khen. Để ý nghe lại có hai hạng. Một là nghe pháp thọ trì, hai là nghe pháp không thọ trì. Người nghe pháp thọ trì thì có thể khen ngợi, người không thọ trì thì không khen ngợi. Thọ trì có hai hạng. Một là nghe rồi suy nghĩ nghĩa lý; hạng thứ hai là nghe mà không suy nghĩ nghĩa lý. Người nghe rồi mà suy nghĩ nghĩa lý thì có thể khen ngợi; người nghe mà không suy nghĩ nghĩa lý thì không ngợi khen. Nghe pháp suy nghĩ nghĩa lý cũng có hai hạng. Một là y kinh hiều nghĩa, thọ pháp như pháp lập; hạng thứ hai không y kinh hiểu nghĩa, không thọ pháp không như pháp lập. Hạng y kinh hiểu nghĩa đáng xưng khen, hạng không y kinh hiểu nghĩa không xưng khen. Y kinh hiểu nghĩa cũng có hai hạng. Một là người chỉ lo cầu an cho mình, không giúp kẻ khác, không giúp cho nhiều ngưởi an ổn, không thương xót thế gian, không làm lợi thiên hạ. Hạng thứ hai tự mình lo an rồi, lại lo cho người khác yên ổn, lo cho thiên hạ được an, thương xót chúng sinh, làm lợi cho cả nhơn và thiên.

Các tỳ kheo phải biết, hạng người lo an cho mình rồi, lại giúp cho kẻ khác an ổn, giúp thiên hạ an cư lạc nghiệp, thương xót thể gian, lợi lạc khắp thiên hạ, hạng người này là tối thượng tố tôn, xứng đáng cho đời kính trọng. Ví như sữa bò, từ sữa lỏng đến sửa đặc, từ sửa đặc đến chất bơ. Bơ là tối thượng của sửa. Người như thế là hạng người xứng đáng của kiếp người, là hạng người thượng hạnh, hạng người rất tôn quí rất là tối thắng. Ấy là hạng người thượng nguyện, không có nguyện nào cao hơn. Các tỳ kheo! Hãy nhìn hai hạng người, và ai là trí, ai là tầm thường. Ai cao ai thấp, phải phân biệt hạng nào thiện, hạng nào thắng. Ấy là vấn đề biết người.

(Trích kinh Thất Trí, trắc 8, tờ 1 bên mặt).

 

  1. Khó gặp năm thứ báu:

Phật bảo các dân Ly Xa (1), ở đời có năm thứ quí báu thật là khó gặp. Một là chư Phật Thế Tôn, hai là người khéo nói lời Phật đã thuyết Pháp, ba là nghe pháp rồi khéo hiểu nghĩa lý, bốn là nghe hiểu rồi lo thật hành, và năm là không quên các ơn nhỏ.

(Trích Luật Ngũ Phầ, quyển thứ 20, phần thứ 3, trương 2, tờ 23 bên trái).

 

LƯỢC GIẢI:

(1) Ly Xa: Licchãvi, tên của một dân tộc trong thành Tỳ Xá Ly, thời đại của Thế Tôn, dân tộc này rất thạnh hành.

 

  1. C.    Hằng ngày thường dụng tâm

 

  1. Bốn nhiếp pháp:

Bồ Tát thật hành bốn nhiếp pháp, không bao giờ cùng tận. Thế nào là bốn? Một là bố thí, hai là aí ngữ, ba là lợi hành, bốn là đồng sự. Thế nào gọi là bố thí? Bố thí có 3 thứ: tài thì, pháp thí, và vô uý thí. Thế nào gọi là ái ngữ? Đối với người cầu tài lợi và kẻ nghe pháp, phải dùng lời nhu hòa, dịu ngọt. Thế nào gọi là lợi hành? Đối với người cầu tài lợi cũng như những ai nghe pháp, tùy theo nhu cầu của họ, mình giúp họ đầy đủ. Thế nào gọi là đồng sự? Những người cầu tài cầu pháp, dùng tâm đại bi đồng sự làm lợi ích cho họ, khiến họ ở yên.

(Trích kinh Đại Tập, quyển 29, phẩm Vô Tận Ý Bồ Tát, huyền 2, tờ 63, ben mặt).

 

  1. Bốn hạnh Bồ Tát

Xuất gia Bồ Tát phải đủ bốn thứ pháp (1), đối vời hạnh Bồ Tát, chứng đặng bất thối chuyển. Những gì là bốn? Một là bố thí; hai là ái ngữ; ba là lợi hành (2), và bốn là đồng sự (3). Các thiện nam! Bốn hạnh là thế, thẳng đến con đường bồ đề, là căn bản lợi sinh. Tất cả Bồ Tát cần phải học.

(Trích kinh Tâm Địa Quán, phẩm Trang Nghiêm Công Đức, thứ 7, vũ 2, tờ 75, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI:

(1) Bốn thứ pháp: lại xưng là là tứ hạnh, hoặc là xưng là tứ nhiếp pháp.

(2) Lợi hành: Làm lợi ích, hành nghiệp của sự lợi tha.

(3) Đồng sự: Bỏ việc mình, lo tham dự việc của người khác.

 

  1. Tăng trưởng bốn pháp Bồ Đề

Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp, hay nhiếp được bồ đề, cũng khiến tăng trưởng. Những gì là bốn? một là tịnh tâm, hai là thâm tâm, ba là phương tiện, và bốn là không bỏ tâm bồ đề. Ấy gọi là bốn. Lại có bốn pháp khác, một là bố thì, hai là ái ngữ, ba là lợi hành, và bốn là đồng sự. Ấy gọi là bốn pháp.

Lại có bốn pháp khác, một là biết các hạnh vô thường, hai là quyết định biết ấm là khổ; ba là định biết các sự vật, mà không có ngã, và bốn là định biết Niết Bàn là pháp tịch diệt. Ấy gọi là bốn. Lại còn có bốn pháp nữa. Một là đặng lợi không vui mừng, hai là mất lợi không lo rầu, ba là tuy có danh dự, nhưng tâm thường bình đẳng, và bốn là mặc dù nghe đến tên ác, tâm cũng không não phiền. Ấy là gọi là bốn.

Lại còn có bốn pháp khác, một là biết mình, hai là biết người, ba là biết thời, và bốn là biết nghĩa. Ấy gọi là bốn pháp.

(Trích kinh Chuyễn Nữ Thân, vũ 9, tờ 71, bên trái).

 

  1. Có bốn pháp không đọan Phật chủng

Bồ Tát cỏ bốn pháp không đoạn hạt giống Phật. Những gì là bốn? Một là không thối chuyển bổn nguyện; hai là nói đạo xong quyết thì hành; ba là nguyện vọng lớn phải tinh tấn, và bốn là đem thâm tâm thừa hành Phật đạo. Đây là bốn pháp của Bồ Tát. Không bao giờ đọan được hạt giống của Phật.

(Trích kinh Tư Ích Phạm Vương, Sở Vấn, phẩm Tứ Pháp, thứ 2, vũ 1, tờ 3, bên mặt).

 

  1. Trong đời mạt pháp đặng bốn pháp giải thoát.

Đức Phật bải Di Lặc Bồ Tát rằng: “Di Lặc! nếu có Bồ Tát ở trong đời mạt pháp 500 năm về sau, khi giáo pháp sắp diệt, phải thành tựu 4 pháp; yên ổn không não hại, tìm được giải thoát. Những gì là bốn?

            1. Đối với chúng sinh, không nên tìm các lỗi của họ.

            2. Thấy các Bồ Tát có chỗ nào trái phạm, không nên chỉ bày.

            3. Đối với các bạn thân cũng như các thí chủ, không nên sanh tâm cố chấp.

            4. Hằng dứt tất cả những lời nói thô tháo.

Nầy Di Lặc! Ấy là Bồ Tát ở trong đời mạt pháp 500 năm về sau. Khi giáo pháp gần diệt, phải thành tựu bốn pháp. An ổn không não hại, mà được giải thoát”. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên, bằng một bài kệ rằng:

“Không tìm lỗi kẻ khác,

Cũng không nói tội người;

Lìa lời thô, bỏn sẻn,

Người ấy sẽ giải thoát”.

(Trích kinh Đại Bửu Tích: Mahàratnakùta-sùtra,tậpthứ 91, Hội Phát Thắng Chỉ Lạc, địa 5, tờ 46, hên mặt).

 

  1. Truyền đạo

 

  1. Truyền đạo phương tây của Phú Lâu Na:

Phú Lâu Na bạch với Phật rằng: “Thế Tôn! Con đã nhờ Thế Tôn lược nói các điều giáo giới, con muốn đến Tây Phưong, xứ Dư Lô Na để giáo hóa cho dân chúng xứ ấy”. Phật nói: “Nầy Phú Lâu Na! người xứ Du Lô Na phương Tây hung ác bạo ngược, có nhiều tệ hại đối với người tu. Nầy Phú Lâu Na! Nếu ông bị dân chúng hung hăng dữ tợn ở xứ kia, mắng nhiếc chưởi rủa, ông sẽ nghĩ như thế nào?  Phú Lâu Na bạch Phật rằng: “Thế Tôn! nếu dân chúng xứ Du Lô Na kia, trước mắt con họ hung ác hủy nhục mắng nhiếc, con sẽ nghĩ như vầy: “Người tây phương xứ Du Lô Na kia, còn hiện thiện trì huệ, mặc dù ở trước con hung ác con hung ác bạo ngược, ưa mắng nhiếc chê bai; nhưng họ chưa dùng cây, đá ném liệng đến con”. Đức Phật hỏi Phú Lâu Na: “Dân chúng xứ kia, chẳng những mắng nhiếc ông mà họ còn dùng cây đá ném liệng đánh đập, thì ông nghĩ sao?”. Phú Lâu Na bạch Phật: “Thế Tôn! người xứ Du Lô Na kia, mặc dù dùng cây, đá ném liệng con; nhưng con sẽ nghĩ rằng, họ còn hiền thiện có trí huệ, tuy họ dùng cậy, đáo, nhưng chưa dùng đến dao búa!. Đức Phật bảo Phú Lâu Na: “Nếu dân chúng xứ kia dùng dao búa gia hại ông, thì ông nghĩ sao? Phú Lâu Na bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu phải bị dân chúng xứ ấy dùng dao búa gia hại con, thì con liền nghĩ rằng: “Dân xứ Du Lô Na kia còn hiền lành trí huệ, mặc dù dùng dao búa gia hại con, nhưng chưa giết chết mạng sống của con.” Đức Phật lại hỏi Phú Lâu Na cấu chót: “Giả sử dân chúng kia giết chết mạng sống của ông, thì ông nghĩ sao?”. Phú Lâu Na bạch Phật rằng: “Thế Tôn! nếu dân chúng xứ kia giết con, con sẽ nghĩ thến nầy: “Có nhiều đệ tử của Thế Tôn, nhàm chán thân ô uế, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc nhảy vào hầm sâu! Người xứ Du Lô Na kia còn tử tế giúp con giải quyết thân xác hủ hại, dùng phương tiện giúp cho con được giải thoát. Đó là điều tốt, mình phải mang ơn.” Đức Phật ken rằng: “Rất quí hóa! nầy Phú Lâu Na! ông thật khéo học nhẫn nhục, ông đủ can đảm đến quốc độ Du Lô Na kia giáo hóa. Vâng! Ông nay nen đi đến đó, độ cho những người chưa được độ, giáo hoá cho những kẻ chưa được giáo hóa. Kẻ chưa được Niết Bàn, ông khiến họ được Niết Bàn.”

Lúc bấy giờ, tôn giả Phú Lâu Na nghe Phật đã nói, hoan hỷ tuân theo giáo chỉ, đãnh lễ bước lui.

(Trích kinh Tạp A Hàm, Samyuktàgamasùtra, quyển thứ 13, thời 2, tờ 72, bên trái).

 

  1. Người bạn không thỉnh

Làm thành trì ủng hộ chánh pháp, gìn giữ nền giáo lý của Phật, giống như sư tử rống, vang dội đến mười phương; các người không đợi mời, nên làm người bạn an tâm phò trì chính giáo.

(Trích kinh Duy Ma Vimalakitissùtra, phẩm Phật Quốc thứ nhất, huỳnh 7, tờ 14, bên mặt)

 

  1. Bạn hộ đạo:

Vì các chủng loại chúng sinh, làm người bạn hộ nền giáo lý vô thượng của đấng Thế Tôn. Hạ mình phục vụ quần sinh, gọi đó là gánh nặng. Mà cũng xem đó là bạn hộ chánh đạo vậy.

(Trích kinh Vô Lượng Thọ; Sukhàvativyùhasùtra, quyển thượng, địa 8, tờ 18, bên mặt.)

 

  1. Bồ Tát thường thay chúng sinh chịu các khổ não:

Lúc bấy giờ đức Phật bảo Đẳng Hạnh Bồ Tát: Nếu Bồ Tát hay thay thế cho tất cả chúng sinh chịu khổ não, cũng lại hay xả tất cả các việc phước đức cho các chúng sinh. Ấy gọi là Bồ Tát.

(Trích kinh Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn, phẫm Đàm Luận thứ 7, vũ 1, tờ 13, bên mặt.)

 

  1. Nhà Như Lai, y Như Lai, và tòa Như Lai:

Nhà Như Lai là thế nào? Là tâm đại bi, là lòng thương tất cả chúng sinh. Thế nào là y Như Lai? Là tâm nhu hòa nhẫn nhục. Toà Như Lai là sao? Là Pháp không, tất cả pháp đều không.

(Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa; Sađharmapundarikàsùtra, phẫm Pháp Sư thứ 4, dinh 1, tờ 30, bên trái.)

 

  1. Vô tận đăng:

Thế nào gọi là vô tận đăng? Ví như một ngọn đèn, tiếp tục thấp lên trăm nghìn ngọn đèn; chỗ tối thành ra sáng, ánh sáng không bao giờ dứt. Luận về một vị Bồ Tát, khai hóa mở đường cho trăm nghìn chúng sinh, khiến họ pháp tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ở trong ý niệm gieo rắc ánh đạo kia, không bao giờ dứt hết; tùy theo chổ đã thuyết pháp rồi tuần tự tăng ích tất cả các pháp lành. Ấy gọi là vô tận đăng.

(Trích kinh Duy Ma, phẩm Bồ Tát thứ 4, huỳnh 7, tờ 19, bên mặt.)

 

 

Xong Phần Hai Chương 4

Pd. Phương An & Diệu Vân

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567