Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1 - GIÁO PHÁP - chương 1 - PHẬT ĐÀ

10/12/201821:00(Xem: 2701)
Phần 1 - GIÁO PHÁP - chương 1 - PHẬT ĐÀ

 Phật Giáo Thánh Điển Linh Sơn

Huyền Vi

~0~

 

Phần Thứ Nhứt – GIÁO PHÁP

CHƯƠNG MỘT - PHẬT ĐÀ

 

MỤC I – Danh tự Phật:

  1. 1.      Thấy biết ba đời (1), xa lìa trần cấu:

Lúc bấy giờ có một vị Bà La môn, đến chỗ Phật, kính cẩn vấn-an như thường lệ, lui ngồi một bên, và bạch Phật rằng: “Thưa Cù Đàm (2) ! Vì sao gọi là Phật?  Đó là do cha me đặt ra hay là do các vị Bà La môn lựa chọn?” Vị Bà La môn liền nói bài kệ:

 

                                    “Phật là một thắng danh,

                                    Siêu việt trong thế gian;

                                    Hay do cha mẹ đặt,

                                    Nên gọi đó là Phật?”

           

                        Lúc ấy đức Thế Tôn, đáp bài kệ:

 

                                    “Phật biết đời quá khứ,

                                    Thấy rõ kiếp vị lai

                                    Cũng biết cả hiện tại,

                                    Cả thành trụ hoại diệt;

                                    Chỗ nên biết đã biết,

                                    Chỗ nên làm đã làm,

                                    Việc phải đoạn đã đoạn,

                                    Thế nên gọi là Phật.

                                    Nhiều kiếp tìm, lựa chọn,

                                    Trọn khổ không an vui;

                                    Sinh tử đều chấm dứt,

                                    Xa lìa các trần cấu,

                                    Nhổ trọn gốc các sử, (3)                                

                                    Đẳng giác (4) gọi là Phật”.

Đức Phật nói bài kệ xong, vị Bà La môn hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật lui ra.

(Kinh Tạp A Hàm (Samyuktàgama) quyển thứ 4, thời 2, trang 2-3).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Ba Đời:  Quá Khứ, hiện tại và vị lai.
  2. Cù Đàm:  Tiếng Phạn là Gautama, họ của gia đình đức Phật, sau đó ngài mang hiệu là SAKYAMUNI. (Tự điển Chinese Buddhist Terms, của W. F. SOOTHILL, trang 466.)
  3. Sử:  tên khác của phiền não, nó sai sử tâm trí con người.
  4. Đẳng giác:  nói đủ là Chánh đẳng, Chánh giác, tức là quả vị Phật.
  5. Phật không trụ trước thế gian

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn (1) đáp tiếp bài kệ:

 

                        Trời, (2) rồng, Càn thát Bà,

                        Khẩn na La, Dạ Xoa,

                        A tu La ác độc,

                        Các Ma hầu La Dà

                        Người cùng với phi nhơn,

                        Đều do phiền não sinh.

                        Các phiền não lậu (3) đó,

                        Tất cả ta đã bỏ,

                        Đã phá, đã tiêu diệt.

                        Như hoa Phân đà Lợi, (4)

                        Dù mọc ở nơi bùn

                        Nhưng, không hôi mùi bùn,

                        Ta tuy sinh trong đời,

                        Không bị nhiểm cảnh đời.

                        Chúng sanh trải nhiều kiếp,

                        Chọn lựa phân biệt cảnh,

                        Nên trọn khổ, không vui,

                        Tất cả vật hữu vi,

                        Thảy đều sinh rồi diệt;

                        Ta xa lìa cấu nhiễm,

                        Không động, không nghiên thiên,

                        Đã khổ các gươm nhọn,

                        Rốt ráo thoát sinh tử,

                        Nên được gọi Phật đà (Buddha).”

            Đức Phật nói đoạn kinh nầy xong, vị Bà La môn tên là Masùra sinh tâm hoan hỷ, trở về trụ xứ.

            (Trích kinh Tạp A Hàm (Samyuktàgama), quyển thứ 4, thời 2, trang 2-3).

 

LƯỢC GIẢI

  1.  Thế Tôn:  tiếng Phạn là Lokajyestha, là bậc đáng tôn kính nhất trong thế gian, tiếng gọi các vị đã thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
  2. Trời (Deva), rồng (Nàga), Càn thát Bà (Gandharva), Khẩn na la (Kinnara), Dạ Xoa (Yaksa), A Tu La (Asura), Lâu la (Garuda), Ma hầu la già (Mahoraga), gọi chung là Thiên Long Bát Bộ hay hộ trì Phật Pháp.
  3. Phiền Não Lậu (Klesa).  Chữ lậu là rĩ chảy, cũng là tên khác của phiền não; do thân,  miệng mà đánh mất căn lành của bản tâm.
  4. Phân đà lợi: (Pundarĩka): hoa sen trắng.  Hoa sen tượng trưng Phật tánh sáng suốt tiềm ẩn trong mỗi chúng sinh.

 

  1. Thế nào gọi là Phật?

Thông suốt tất cả sự vật, thường trụ trong tướng tịch diệt.  Gọi đó là Phật.

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm tam muội (Sùrangama Samàdhi Sùtra), quyển thượng, Huỳnh 7, hàng 6, bên trái.)

  1. Như Lai hiểu rõ bổn vô (1)

Người như pháp, người cũng như vậy, đạo cũng như vậy, Phật cũng như vậy, quyết (2) cũng như vậy, các pháp cũng như vậy; cho nên gọi là Như Lai hiểu rõ bổn vô.  Vì trụ bổn vô mà không thể động nên nói là bổn vô.  Vốn không hình tướng, vốn không hoại diệt; hiểu rõ bổn vô.  Vì thế nên gọi là Như Lai (3).

 

LƯỢC GIẢI

  1.  Bổn Vô:  Xưa dịch là chân như, không có danh từ nào khác vậy.
  2. Quyết:  tức là thọ ký, lời nói trước, quyết định vậy.
  3. Như Lai (Tathàgata) như như bất động, lai thành Chánh Giác.  Chỉ cho Như Lai xuất triền, bậc đả giác ngộ hoàn toàn.

 

  1. Hiểu được tánh tướng thậm thâm nên gọi là Như Lai

Đức Phật bảo các vị Thiên Tử ở dục giới (1) và sắc giới rằng: “Có Phật hay không Phật, tánh tướng vẫn thường trụ; vì Phật ngộ được tánh tướng như thật, cho nên gọi là Như Lai”.  Các vị Thiên Tử bạch Phật: “Thưa Thế Tôn!  Thế Tôn đã liễu ngộ tánh tướng thậm thâm, vì đặng tướng ấy, nên được trí vô ngại; trụ trong tướng ấy, dùng trí tuệ đến bờ bên kia (2) thành tựu tự tướng các pháp (3) vậy.

 

(Trích kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Mahà Prajnà pàramità Sùtra), phẩm Vấn Tướng thứ 49, nguyệt 4, hàng 5, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1.  Dục Giới, Sắc Giới (Kàmadhàtu, Rùpadhàtu):  thuyết nói về thế giới của Ấn Độ, phân biệt thế giới có ba cõi:  Cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.  Cõi dục 6 tầng trời.  Cõi sắc có 18, nên nói các vị Thiên Tử.
  2. Bát Nhã Ba La Mật (prajna pãramità), thứ 6 trong lục độ.  Dùng trí huệ quán suốt tánh tướng của sự vật.  Bát nhã ba la mật dịch là trí độ.  Chữ độ, do nghĩa là từ bờ bên nầy sang đến bờ bên kia.
  3. Tự tướng các pháp:  Tự tướng nghĩa là bản tánh tự thể tất cả sự vật vậy.

 

  1. Vạn pháp như như, tức là Như Lai:

Các pháp như thật; vì như thật, nên gọi là Như Lai.  Thế Tôn thường nói: “Vạn thể tự như, tức là Như Lai.”  Như Lai tức là Vạn Pháp như như.  Vì thế nên đức Thế Tôn không trụ chỗ nào là nghĩa Như Lai; ngay trong sự chân chính thông đạt cũng không trụ vậy.

(Trích trong kinh Hoa Thủ (?), phẩm Như Tướng thứ 4, Vũ 5, hàng 5, bên trái).

 

  1. Bồ đề, Chánh Giác, Phật đà, Như Lai

 

Bồ đề (1) tướng hư không,

Lìa tất cả phân biệt,

Ưu cầu Bồ đề kia,

Là Bồ (2) đề tát đỏa.

Thành tựu Thập địa thảy,

Tự tại khéo thông đạt,

Sự vật như huyễn hóa;

Biết một tất cả đồng,

Hiểu các đường (4) thế gian,

Gọi là bậc Chánh giác.

Pháp như tướng hư không,

Không hai chỉ một tướng,

Thành Phật mười trí lực,

Nên gọi tam bồ đề (5).

Chí huệ hại vô minh

Tự tánh lìa ngôn thuyết

Trí tuệ của tự chứng,

Nên nói là Như Lai (6).

(Trích trong kinh Đại Nhật (Mahàvairocana Sùtra) phẩm thuyết Như Lai thứ 26, nhuận 1, hàng thứ 5, bên trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1.  Bồ Đề (bodhi) nghĩa là giác ngộ, lại có chỗ dịch là trí.
  2. Bồ đề tát đỏa (Bodhisativa) nói lược là Bồ Tát, dịch là giác hữu tình.  Người tinh tấn tu hành về Phật đạo.
  3. Thập địa:  Ngôi vị thứ 10 cũa Bồ Tát tu chứng.
  4. Thú:   Chúng sinh bị nghiệp đưa đến chỗ tương đương có 6 đường.
  5. Tam bồ đề: (Sambodhi) dịch là chánh giác, nghĩa là thấu triệt chánh lý bình đẳng.
  6. Như Lai (Tathàgata) là dịch ý.  Tức là Phật hiệu vậy.

 

MỤC II - SỰ THUYẾT PHÁP CỦA PHẬT

 

  1. Một tiếng thuyết pháp:

Đức Phật dùng một tiếng diển nói chánh pháp, tùy mỗi loại chúng sinh đều được hiểu biết rõ ràng.

(Trích kinh Duy Ma Cật (Vimalakití nidesa Sùtra) phẩm Phật quốc thứ 1, Huỳnh 7, hàng 15, bên mặt).

 

  1. Phật là lương y, kinh pháp là thuốc:

Đức Phật lại bảo ngài Thiện Tư: (Nếu nói các hạnh (1) (hành động tạo tác) đều từ sự huân tập mà gây nên.  Vì bị huân tập nghiệp lực trong ba cõi, nên cần phải thật hành đạo lý, tìm cầu giải thoát; vì chấp chặc cái ta, nên phải thật hành lòng đại từ; nương ở trong tam giới, thật hành ba môn (2) giải thoát; vì quí mến thân tứ đại, nên phải biết vô thường, khổ, không, phi thân (3); vì sanh, già, bịnh, chết, nên cầu bốn việc không sợ; dùng mười hai nhân duyên để hiểu rõ mười hai bộ kinh; dùng mười tám thứ cảnh giới để thật hành mười tám pháp bất cộng của chư Phật; do chúng sanh trong mười phương phạm 10 việc ác, nên phải hành thập thiện, tìm cầu 10 món lực; bị ba (4) việc tệ, nên phải dùng ba (5) trí thông đạt; vì đắm nhiễm lục tình, nên phải thật hành lục độ (6) cao siêu để tiến đến sáu pháp thần thông; theo bịnh mà cho thuốc để cứu giúp các điều nguy ách.  Đức Phật cũng như vị Lương y; kinh pháp cứng như lương dược; vì có đau ốm, nên phải có thuốc thang; không bịnh thì đâu cần thuốc.  Tất cả sự vật vốn không, không hình không danh, cũng không giả hiệu.  Tâm bình đẳng như hư không, không so sánh, không lựa chọn, bổng nhiên không ngằn mé, như thế mới hợp đạo lý.

(Trích trong Đại Phương Đẳng Đảnh Vương Danh (Vimalakirtí-nirdésa-Sùtra), Huỳnh 8, hàng thứ 12, bên trái.)

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Nếu nói các hạnh:  là hướng đến các hạnh pháp Bồ đề.
  2. Ba môn giải thoát:  Không, vô tướng, vô nguyện.  Cũng gọi là ba môn vô tác, là cửa ngỏ đi đến chỗ giải thoát.
  3. Phi thân:  Đồng chữ vô ngã.
  4. Ba việc tệ:  Tham lam, giận tức và si mê.
  5. Ba trí thông đạt:  Thiên nhãn, túc mạng, lậu tận; ở bậc La hớn gọi là tam minh, ở quả vị Phật gọi là tam đạt.
  6. Lục độ cao siêu:  Xưa dịch là ba la mật, nay dịch là đáo bỉ ngạn.  Thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng pháp là công đức đặc biệt của chư Phật có đủ.

 

  1. Như Lai liễu thông căn bịnh cho thuốc

Thuở xưa, có vị tu sị giảng kinh cho một quốc vương.  Quốc Vương hỏi: “Khi Phật còn tại thế, có nhiều người đắc đạo; nay đồng nói kinh Phật, tại sao ngươi không đắc đạo? hay là Phật đem đạo pháp đi chăng?” - Vị tu sĩ đáp: “Cũng như trong thiên hạ ưa thích rượu Bồ-đào, uống vào một thăng liền bị say; nếu đem một thăng nước hòa chung với một thăng rượu, uống vào không thể say.  Khi đức Phật tại thế thuyết kinh, liễu được vạn thể; biết được căn cơ ý tứ và thái độ của người.  Ví như người uống một thăng rượu liền bị say.  Nay chúng tôi chưa liễu ngộ như Phật.  Phật thuyết kinh thông được căn tánh người, theo bịnh cho thuốc.  Vì thế nên có nhiều người đắc đạo”.

(Trích Tam Huệ kinh:  Triprajnàsùtra; tạng 8, hàng 25, bên trái).

 

  1. Như Lai tùy bịnh ban thuốc

Là vị Đại Y Vương khéo trị các bịnh, theo bịnh ban thuốc, khiến được bình phục.

(Trích kinh Duy Ma (Vimalakirti Sùtra) phẩm Phật quốc thứ nhất, Huỳnh 7, hàng 14, bên mặt).

 

  1.  Ngũ nhãn

Theo thời đại khai hóa, đức Phật vào trong năm cõi, nhưng năm nhấn quang vẫn thanh tịnh.  Thế nào gọi là ngũ nhãn?  Một là nhục nhãn.  Ngài ở trong thế gian, hiện thân tứ đại, rồi theo đó mà giáo hóa, độ thoát vô số chúng sinh.  Hai là thiên nhãn.  Sáng suốt ở các cõi trời cũng như ở thế gian, những ai chưa rõ đạo; Ngài thị hiện dùng ba nghiệp, độ khắp muôn loài.  Ba là huệ nhãn.  Chúng sanh không rõ con đường giải thoát, đức Phật dùng huệ nhãn độ thoát không cùng cực, mỗi người được khai hóa, khiến vào đại huệ.  Bốn là pháp nhãn.  Chúng sinh bị hạn cuộc, không nhận chân được các pháp.  Phật dùng pháp nhãn khai hóa để người đời biết pháp thân chỉ là một, không có quá khứ, vị lai, hiện tại, ba đời bình đẳng.  Năm là Phật nhãn.  Chúng sinh quá mê lầm, không nhận thức chánh chân, bị “ấm-cái” (1) che lấp, cũng như người ngũ mê.  Như Lai dùng phương pháp thực hành “tứ-đẳng” (2), “tứ-ân” (3), đem bố thí (4), giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến, nhất tâm, trí huệ; thiện (5) quyền phương tiện, theo thời giáo hóa, tiến thối tùy nghi, không bỏ sót một ai, mỗi người đều được độ, cuối cùng đều phát ý vô thượng chánh chân.

(Trích kinh Độ Thế Phẫm, quyển thứ 6).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Ấm cái:  Ấm là sắc, thanh v..v.. các pháp hữu vi vậy.  Cái là tên khác của phiền não, che tâm hành giả, không cho khai phát lòng lành vậy.
  2. Tứ đẳng:  tức là tứ vô lương tâm:  từ bi, hỷ, nộ cũng gọi là Xả vậy.
  3. Tứ ân:  hay là Tứ nhiếp pháp:  bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự vậy.
  4. Bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí huệ:  sáu pháp Ba la mật vậy.
  5. Thiện quyền phương tiện đồng nghĩa với thiện xảo phương tiện vậy.

 

6.  Lời Phật dạy là chân lý

                Trăng sao có thể đổi dời,

            Núi đá có thể rời hư không,

            Biển, sông có thể khô dòng,

                Lời nói của Phật đừng mong sai lời!

Nguyên văn:

            “Tinh nguyệt khả xử địa,

            Sơn thạch khả phi không,

            Đại hải khả linh khô,

            Phật ngữ thành vô vọng”.

(Trích trong kinh Quang Minh Đồng Tử Nhân Duyên, quyển thứ 2, túc 6, hàng thứ 24, bên trái).

 

MỤC III - ĐIỂM SON BÌNH ĐẲNG CỦA PHẬT.

 

  1. Tâm bình đẳng của Như Lai

Đức Thích Ca Như Lai không những vì giai cấp quí tộc như vua Bạt Đề Ca (1) mà diễn xướng chánh pháp, mà còn vì giai cấp hạ tiện, như ngài Ưu Ba Ly (2) v..v..Chẳng những thọ nhận các vật thực của đại thần Tu Đạt Đa A Na Phân Đề (3) dâng cúng, mà còn nhận lảnh vật thực của kẻ cùng khổ Tu Đạt Đa.  Không những thuyết pháp vì các ngài căn tánh thông tuệ như Ngài Xá Lợi Phất v.v.. mà còn vì cả hạng người căn tánh đần độn như Châu Lợi Bàn (4) Đặc.  Chẳng những giáo hóa những vị tánh tình không tham như tôn giả Đại Ca Diếp, xuất gia cầu đạo; mà còn cho hạng đại tham xuất gia, như Ngài Nan Đà.  Không những riêng cho hạng ít phiền não, xuất gia cầu đạo như Ngài Ưu lầu tần la Ca Diếp v.v.. mà cũng cho hạng phiền não sâu dày, tạo nhiều trọng tội, cầu đạo xuất gia như em vua Ba Tư Nặc là Ngài Ưu Đà Gia.  Chẳng những riêng vì hạng nam nhi tri thức diễn nói giáo lý, trái lại cũng vì hạng người nữ nhi thường tình, giảng dạy đạo lý.  Không những riêng cho người xuất gia chứng đặng bốn đạo quả, cũng khiến cho kẻ tại gia đặng đạo quả thứ ba.  Không những riêng vì ông Phú Đa La v.v.. bỏ các công vụ, nhàn tịch suy nghĩ, dạy nói pháp yếu, nhưng cũng vì vua Tần Bà Sa La v.v.. thống lảnh quốc sự, chăn dân trị nước, nói các giáo lý then chốt.  Không những riêng vì những người bỏ rượu, mà cũng vì những vị tham đắm rượu thịt thuyết pháp như ông Úc Già (5) Trưởng giả.  Không những riêng vì những người tham thiền nhập định, như Ngài Ly Bà Đa (6) v.v.. mà cũng vì các giới Bà La Môn nữ thuyết pháp, như vị Bà tư Tra (7).  Không những vì hàng đệ tử của mình, mà cũng vì ngoại đạo chỉ giáo, như phái Ni Kiền Tử.  Không những vì hàng thanh niên 25, mà cũng vì lớp lão niên 80, thuyết pháp độ thoát.  Không những vì lớp người căn tánh thuần thục giáo hóa, mà cũng vì những kẻ thiện căn chưa thuần thục.  Ngài chẳng những riêng vì Mạt Lợi (8) phu nhân, mà cũng vì dâm nữ Liên Hoa để  thuyết giáo.  Không những thọ lảnh thượng soạn cam vị của vua Ba Tư Nặc, nhưng cũng lảnh thọ các món ăn tạp độc của trưởng giả Thi Lợi Cúc Đa (9).  Nầy Đại Vương! phải biết Thi Lợi Cúc Đa xưa kia, cũng vì mắc tội ngổ nghịch, nhờ gặp Phật nghe pháp, liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

(Trích kinh Đại Bát Niết Bàn:  Mahà Nirvàna-Sùtra, phẩm Phạm Hạnh thứ 19; Dinh 5, hàng thứ 96, bên phía trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1.  Vua Bạt Đề Ca (Bhadrika) dịch là Hiên Vương.  Một trong những vị thuộc giòng họ Thích-Ca xuất gia.
  2. Ưu Ba Ly (Upàli)  thuộc giai cấp hạ tiện phụng sự giòng họ Thích-Ca, sau khi xuất gia, trì luật đệ nhứt.
  3. Tu Đạt Đa A Na Phân Đề (Sudatta Anathàpindika)  dịch là khéo cho Cấp Cô Độc.  Một vị trưởng giả kiến lập Kỳ-Viên Tịnh-Xá cúng dường đức Phật.
  4. Châu Lợi Bàn Đặc (Suddhipanthaka)  dịch là Tiểu lộ, tánh rất ngu độn, chỉ một lời nói ngộ đạo, cho nên có tên ấy.
  5. Úc già Trưởng giả (Ugra).
  6. Ly Bà Đa (Revata)  ở trong cửa đạo, vị nầy rất là thiểu dục.
  7. Bà Tư Tra (Vasisthà).
  8. Mạt Lợi Phu Nhân (Mallika).
  9. Thi Lợi Cúc Đa (Srigupta)  dịch là Đúc Hộ, người muốn dùng hầm lửa, còm độc, hại Phật vậy.

 

  1.  Trí sáng của Phật sáng soi tất cả

Ví như ánh sáng mặt trời mọc, trước soi các đỉnh đồi cao chót vót, kế đó chiếu soi các quả núi lớn, rồi đến núi báu kim cang, sau cùng khắp soi tất cả đất liền.  Tự thân ánh sáng mặt trời không bao giờ nghĩ “Trước ta phải chiếu soi các quả núi lớn, sồi sau mới soi đại địa”.  Chỉ vì núi đất kia có cao có thấp, cho nên phải soi có trước có sau.  Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, cũng lại như thế.  Ngài hoàn thành vừng yến sáng trí huệ, vô lượng vô biên thế giới, thường phóng ra yến sáng trí huệ, vô lượng, vô ngại, trước chiếu soi các vị đại Bồ Tát cũng như các quả núi cao chót vót; kế đó soi đến hàng Duyên Giác và Thanh Văn, rồi đến các chúng sinh quyết định có căn lành, theo căn cơ thọ sự giáo hóa; cuối cùng soi khắp tất cả chúng sinh, cho đến các hàng tà định, vì muốn làm nhân duyên lợi ích cho đời vị lai.  Ánh sáng mặt trời trí huệ của Như Lai, không nghĩ:  “Trước hết ta phải chiếu soi hàng Bồ Tát, rồi sau cùng mới đến tà định; mà chỉ phóng ánh sáng trí huệ rộng lớn, soi khắp tất cả”.

(Trích Kinh Hoa Nghiêm:  Avatamsaka sùtra, phẩm Tánh khởi thứ 34 Thiên 8, thứ 66, bên trái).

 

  1. Ta hiện trì khắp ba cõi

Trong  ba cõi (cõi dục, cõi sắc va cõi vô sắc nầy, ta đều có; chúng sanh ở trong đó đều là con của ta; nhưng ỡ thế giới nầy, nhiều hoạn nạn, tai ương; chỉ có mình ta thường hay cứu hộ.

(Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa : Saddharmapundarìka sùtra, phẩm Thí Dụ thứ 2, dinh 1, hàng 17, bên trái).

 

MỤC IV – LÒNG ĐẠI BI CỦA PHẬT

 

  1. Sáu sức thường xuyên

 

Một thuở nọ, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong rừng cây của ông Kỳ Đà Thái Tử, vườn của trưởng giả Cấp Cô Độc.  Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo rằng: “Có sáu sức phàm thường, những gì là sáu?

 

(1).  Trẻ con dùng sự kêu la làm sức, khi muốn nói ra việc gì, trước hết chúng phải kêu la.

 

(2).  Người nữ dùng sự giận hờn làm sức, khi giận hờn rồi sau đó mới nói.

 

(3).  Sa Môn, Bà la môn lấy sự nhẩn nại làm sức, thường nghỉ sự phàm tình của người sau đó      mới trình bày các việc.

 

(4).  Quốc Vương lấy sự kêu ngạo làm sức, thường đem sự hào quí thế lực, nói với mọi tầng lớp             người.

 

(5).  A La Hớn dùng sự chuyên tâm làm sức, sau đó tự đem trình bày, diễn nói.

 

(6).  Các đức Phật Thế Tôn, hoàn thành tâm đại từ bi, dùng lòng Đại bi làm sức, hoằng hóa lợi    ích chúng sinh. 

Vì thế, nên Phật gọi các vị Tỳ kheo, có sáu sức phàm thường.  Mỗi vị đều phải suy nghĩ, thật hành tâm đại từ bi nầy.

 

(Trích Kinh Tăng Nhất A Hàm : Ekottaràgama Sùtra, phẩm Lực thứ 31, Trắc 2, hàng 52, bên mặt).

 

  1. Tâm của Như Lai nghiêng nặng về người có tội.

 

Ví như một người có bảy đứa con; trong số bảy người con ấy, có một đứa bị đau nặng; lòng thương của cha mẹ đều bình đẵng; song đối với người con đang đau, tâm phải nghiêng nhiều.  Như Lai cũng vậy, đối với chúng sinh đều bình đẳng; nhưng người có tội, nghiêng nặng nhiều hơn.  Những kẻ buông lung, Phật thường từ tâm suy nghỉ.  Các người không buông lung, tâm các Ngài phóng xả.

 

(Trích kinh Đại Bát Niết Bàn: Mahàparinirvàna Sùtra, phẩm Phạm Hạnh thứ 20, Dinh 5, tờ 98, bên mặt).

 

  1. Như Lai vì muốn chúng sinh yên ổn, không tiếc thân mạng.

 

Ví như có người, bị nhốt trong nhà tối, mắt không thấy được sự vật.  Lại có một kẻ khác, thường chịu khổ não, suy nghĩ: “người nầy chịu khổ, rất đáng thương xót, nếu không cứu thoát, người nấy phải chết”.  Nghĩ rồi mang ít lửa cho người kia, để được chút yến sáng.Lúc bấy giờ, người ở trong nhà tối, thấy ánh lửa rất hoan hỷ, tâm được yên vui.  Khi ấy đốm lửa nhờ chút nhân duyên, hừng hực bắt lửa, đốt thiêu nhà tối kia.  Do đó, nên người trong nhà tối, bị cháy mà chết.  Việc nầy nghe đến tai nhà vua.  Hoàng đế nghị rằng: “dân chúng trong nước ta, nếu có phạm tội, không nên giam cầm”.  Lúc ấy, vị Hoàng đế sắc chỉ trong nhân dân: “Toàn thể dân chúng, chớ nên sanh lòng sợ hải, khắp trong nước ta, cho phép toàn thể không sợ; nếu có ai phạm tội, không bị gia hại, cũng không bị giết; đều được yên ổn, chớ sanh tâm sợ sệt”.

 

Đức Dược -Thượng Như Lai, cũng lại như thế, đốt các phiền não, diệt các bịnh khổ.  Cũng như người trên kia, vì muốn nhà tối, chúng sinh được yên ổn, tự đốt mà chết.  Như Lai cũng như thế, vì chúng sinh, khiến được an ổn, không tiếc thân mạng, nhổ hết các ràng buộc, dần đến giải thoát.  Như vậy đức Dược - Thượng Như Lai hằng xa lìa các phiền não ba độc (tham lam, giận tức và si mê), vì thế gian, nguyện làm ngọn đại đăng; đối với các loài chúng sinh ở nơi địa ngục, súc sanh, quỉ đói, a tu la đều được giải thoát, yên vui.

 

(Trích kinh Tăng Già Tra:  Sanghata Sùtra, quyển thứ ba, Huyền 9, tờ 100, bên trái).

 

  1. Người đời cầu phước không hơn đức Phật:

 

Một thuở nọ, tôn giả A-Na-Luật (1) may vá pháp y cũ, nhưng mắt ngài bị suy kém, nhờ thiên nhãn (2) nên không thấy khó khăn.  Rồi một buổi chiều, A-Na-Luật nhờ pháp thức thông thường, may vá y phục, nhưng ngài không thể xỏ chỉ vào lỗ kim.  Lúc ấy, Tôn giả liền nghỉ như vầy: “Các người trong thế gian muốn chứng đặng A La Hớn, hãy đến cùng ta xỏ kim”.  Thiên nhĩ thanh tịnh của đức Thế Tôn, nghe rõ tiếng vọng trên, Ngài liền đến chỗ A-Na-Luật bảo rằng: “Ông đem kim đến đây, ta sẽ xỏ cho”.  A-Na-Luật bạch Phật rằng: “Lời con nói trên có nghĩa là các người trong thế gian muốn cầ phước báu, hãy đến cùng con xỏ kim”.

Đức Thế Tôn bảo rằng: “Những người trong thế gian cầu phước, không ai hơn ta.  Như Lai trong sáu pháp không bao giờ nhàm chán tự cho là đủ.  Thế nào gọi là sáu?  Một là bố thí, hai là dạy khuyên, ba là nhẩn nhục, bốn là thuyết pháp giảng nghĩa, năm là giúp đở chúng sinh và sáu là cầu đạo vô thượng chánh chân.  Nầy A-Na-Luật!  Như Lai đối với sáu pháp trên, không lúc nào tự cho là đủ”.  A-Na-Luật bạch rằng: “Thân Như Lai là thân Chân pháp lại còn phải cầu pháp gì?  Như Lai đã qua khỏi biển sinh tử, giải thoát các ái nhiểm.  Do đó, nên ngày nay đứng đầu trong việc cầu phước báo”.

Đức Thế Tôn bảo rằng: “Đúng, A-Na-Luật!  như ông đã nóì, Như Lai cũng biết sáu pháp ấy là không nhàm đủ.  Nếu chúng sinh, biết nguồn gốc tội ác do thân khẩu ý gây ra thì không đọa lạc trong ba đường dữ.  Khổ nổi là không ý thức nguồn gốc của tội lỗi, nên phải đọa trong ba đường ác (địa ngục, quỉ đói và súc sinh).  Lúc ấy, đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

                       “Sức thế gian được có,

                       Đi dạo trong trời người,

                       Sức phước là thù thắng;

                       Nhờ phước thành Phật đạo”.

Vì thế A-Na-Luật phải tìm phương tiện thật hành nghiêm chỉnh sáu phương pháp trên.

(Trích kinh Tăng Nhất A-Hàm: Ekottaràgama Sùtra, phẩm Lực thứ 31, Trắc 2, tờ 53, bên trái).

LƯỢC GIẢI

 

  1.  A-Na-Luật:   Anuruddha, giòng họ Thích Ca, trong hàng đệ tử Phật, thiên nhãn đệ nhất.
  2. Thiên nhãn:  nhãn căn thanh tịnh, thấy tất cả các sắc, nhãn lực dự biết đời vị lai.  Đây là do công tu thiền mà đặng.

 

MỤC  V – ƠN PHẬT

 

  1. Ơn Phật rộng lớn

 

Cũng như mặt trời chiếu trong thiên hạ, người mù không thể thấy được, mặc dù không phân biệt được ngày đêm, nhưng nhờ yến sáng kia chiếu soi, cũng thế chúng sanh làm mất bản tính, không tin trí tuệ Như Lai, đức Phật mở lòng từ thi ân rộng lớn cho chúng sinh được nhờ…

 

(Trích trong kinh Như Lai Hưng Hiển:  Tathàgatakàya Sùtra, quyển thứ 2, Thiên 10, tờ 90, bên trái).

 

  1. Ân lực Như Lai

 

Như Lai xuất hiện trong cõi đời ác năm trước: chúng sinh trược, kiến trược, mạng trược, phiền não trược và kiếp trược.  Các thiện nam:  Nếu có một người, hay tin thọ các pháp thanh tịnh thậm thâm, hay đến trí huệ của Phật, thật là ít có; huống chi hay tin hiểu chỗ thật hành của Như Lai.  Các thiện nam!  Ta thường ở trong đêm dài trang nghiêm hạnh nguyện, thật hành các hạnh tinh tấn và nhẫn nhục.  Vì sự khổ não của chúng sanh, không ai cứu hộ, không người để họ y chỉ, hầu hết sa đọa vào đường ác; trong khi ấy, ta sẽ thành Phật đạo, lợi ích cho chúng sinh vô lượng vô số kiếp.  Nầy các thiện nam!  Nên biết ân lực của Như Lai rất thanh tịnh và tinh tấn; thường giúp cho chúng sinh, vô lượng a tăng kỳ kiếp, tin hiểu thọ trì các pháp thậm thâm.

 

(Trích kinh Trì Thế, quyển thứ nhất, phẩm đầu, vủ 10, tờ 10, bên mặt).

 

  1. Phước điền của Phật thù thắng

 

     Trong pháp Bà La Môn,

     Thờ lửa là tối thắng;

     Trong tất cả song suối,

     Biển lớn là tối thắng;

     Trong các vị tinh tú,

     Mặt trăng là tối thắng;

     Trong tất cả yến sáng,

     Sáng trời là tối thắng;

     Ở trong các ruộng phước,

     Ruộng phước Phật thù thắng.

     Nếu muốn cầu đại quả,

     Phải cúng phước điền Phật.

 

(Trích kinh Quá Khứ, Hiện Tại nhân quả, thứ 4, Thời 10, tờ 22, trái và mặt).

  1.  Hạnh trụ thế của Như Lai

 

Nếu ta trụ thế một kiếp, sanh rồi cũng phải diệt, hiệp mà không chia ly, trọn không thể được.  Lợi mình lợi người, mọi việc độ sinh đều đầy đủ, nếu ta trụ thế lâu dài, xét thấy không lợi ích nhiều.  Những người hữu duyên đáng độ, hoặc các cõi trời, hoặc trong nhân gian, đều được độ xong; những kẻ chưa được độ, cũng tạo duyên lành cho họ sẽ được độ thoát. 
Từ nay về sau, các đệ tử của ta, thay phiên nhau thật hành phật sự ấy thì pháp thân Như Lai thường còn, không bao giờ hoại diệt vậy.

 

(Trích kinh Di Giáo, Thời 10, tờ 24, bên trái).

 

  1. Nguyện còn bổn yếu vì chúng sinh

 

Nếu người nào không muốn chánh pháp tồn tại, tức là làm bại hoại giáo lý của Như Lai.  Nguyện còn bản yếu (1) vì tất cả chúng sinh, đặng cứu giúp tai ách, độ các hoạn nạn.  Đức Thích Ca Thế Tôn ra đời thọ mạng rất ngắn, mặc dù nhục thể đã qua nhưng pháp thân của Ngài vẫn tồn tại mãi mãi.

 

(Trích kinh Tăng Nhất A-Hàm:  Ekottaràgama Sùtra, quyển thứ nhất, Trắc l, tờ 3, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Bản yếu tức là lời phát nguyện thiết yếu từ xưa đến nay của chư Phật.

 

  1. Như Lai thị hiện sinh diệt cõi đời vì hóa độ chúng sinh

 

Thí dụ có một người, thấy mặt trăng lặn, cho rằng mặt trăng mất, sinh tâm tưởng rằng mặt trăng không còn; nhưng tánh của mặt trăng làm sao mất được.  Khi mặt trăng chuyển hiện phương khác, dân chúng ở xứ kia lại nói mặt trăng mọc; nhưng bản tính của mặt trăng, thật không mọc vậy.  Mặt trăng kia thường trụ với thời gian và không gian, tánh nó không lặn mọc.

 

Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cũng như thế:  Đặc tính Như Lai thật không sinh diệt; vì sự hóa độ chúng sinh, nên phải thị hiện sinh diệt.

 

(Trích kinh Đại Bát Niết Bàn:    Mahà Parinìrvàna Sùtra, phẩm Như Lai tính thứ 9, Dinh 5, tờ 44, bên trái).

 

MỤC  VI – THÂN PHẬT (2 Thân)

 

  1.  Pháp thân cùng Giải thoát thân

 

-          “Bạch Thế Tôn!  Thanh Văn, Duyên Giác đã được chuyển y (1), có thể gọi pháp thân (2) được không?”

-          “Các thiện nam!  Không thể gọi pháp thân”.

-          “Bạch Thế Tôn!  thế thì gọi thân gì?”

 

-          “Các thiện nam!  gọi đó là giải thoát thân.  Vì thân giải thoát, nên tất cả hàng Thinh Văn, Duyên Giác, cùng các Như Lai, bình đẳng.  Còn nói đến pháp thân thì có sự sai khác”.

 

(Trích kinh Giản Thâm Mật:  Sandhi-nirmocana Sùtra, phẫm Như Lai, thành sở tác sự, Huỳnh 8, tờ 62, bên trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1.  Chuyển y là hai quả của Bồ Đề và Niết Bàn.  Thực thể của chúng sinh, trong thức A-lại-gia có hữu lậu (tức là hai chướng:  phiền não và sở tri) chủng tử, có vô lậu (Bồ đề) chủng tử.  Nhờ phương pháp tu hành làm đạo, mà chuyển hóa chủng tử hai chướng, chuyển được hạt giống vô lậu.  Nên gọi là chuyển.  Thức A-lại-gia là chỗ sở y chuyển hóa hạt giống nầy, đổi được hạt giống khác.  Gọi đó là Y.
  2. Pháp thân cùng giải thoát thân là hai thân Phật.   Lìa phiền não chướng được giải thoát thân; lìa sở tri chướng được pháp thân.

 

  1. Hai thứ thân Phật

 

Các thiện nam!  Thân Phật có hai thứ:  một là thường, hai là vô thường.  Vô thường vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh, nên phải phương tiện thị hiện.  Ấy gọi là mắt thấy.  Thường là thân giải thoát của Như Lai, Thế Tôn.  Gọi là mắt thấy mà cũng gọi là nghe thấy.

 

(Trích kinh Đại Bát Niết Bàn :  Mahàparinirvãna Sùtra, phẩm Sư Tử Hầu thứ 28, Dinh 6, tờ 36, bên mặt).

 

  1. Thân Như Lai cùng thân Thinh Văn

 

 Xá Lợi Phất (1) !  Ví như núi Tu Di (2) lớn có sắc vàng chiếu sáng; nếu các loài cầm thứ đến bên núi kia đều đồng một sắc, ấy là sắc vàng.  Tức cùng sư tử chúa sơn lâm một sắc.  Xá Lợi Phất !  mặc dù cùng với sư tử đồng một sắc vàng; song các loài cầm thú khác về thế lực, danh xưng làm sao sánh bằng sư tử vương; cũng không sánh bằng sư tử thường, hằng du hí nghe tiếng rống không sinh tâm sợ sệt !

 

Cũng như vậy, nầy Xá Lợi Phất ! Thinh Văn, Duyên Giác (3) tuy cùng với Như Lai đồng một vị, tức là vị giải thoát; nhưng Như Lai đã đạt được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hàng nhị thừa kia không đầy đủ các công đức của Như Lai, nhưng không sợ tiếng thuyết pháp chấn động của Như Lai.  Tuy nhiên, Như Lai thì đầy đủ các pháp trí tuệ, phương tiện.  Trí tuệ, phương tiện nầy hàng Thinh Văn, Duyên Giác nghe còn không thấu, huống là phát sinh.  Công đức của Như Lai, thần lực của Như Lai, tiếng giọng của Như Lai.  Như Lai dùng tiếng rống của sư tử mà rống, vượt hơn các tiếng giọng ở thế gian.

 

(Trích kinh Đại Tập Thí Dụ Vương :  Mahàsamghàta-Sùtra, quyển thượng, huyèn 9, tờ 66, bên trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Xá Lợi Phất (Sàriputra) trong hàng đệ tử Phật, ngài là bậc trí tuệ đệ nhứt.
  2. Núi Tu Di (Sumeru)  luận về thế giới, Ấn Độ nói, dùng núi nầy làm trung tâm thế giới.  Trung Hoa dịch là núi Diệu Cao.
  3. Thinh Văn, Duyên Giác.  Gọi là Nhị thừa.  Có chỗ lại thêm Bồ Tát (hoặc là Phật).  Tức là tam thừa.

 

MỤC  VII -  THÂN PHẬT (3 Thân)

 

  1. Ba thân của Như Lai

 

Các thiện nam!  Tất cả Như Lai có ba thân.  Thế nào gọi là ba ?  một là hóa thân, hai là ứng thân và ba là pháp thân.  Ba thân (1) như thế đầy đủ, nhiếp thọ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.  Nếu ai chân chính hiểu biết, chóng ra khỏi sự sinh tử.

 

Thế nào Bồ Tát rõ biết hóa thân?  Các thiện nam!  Như Lai xưa kia trong thời kỳ tu hành, vì tất cả chúng sinh, thật hành nhiều phương pháp tu tập như thế, đến khi công việc quả mản.  Nhờ sức tu hành, đặng đại tự tại; nhờ sức tự tại, theo ý chúng sinh, theo hành động chúng sinh, theo cảnh giới chúng sinh, mọi việc đều hiểu biết.  Không đợi thời, không quá thời, tương ưng mỗi chỗ, tương ưng mỗi thời gian, hành động tương ưng, thuyết pháp tương ưng, các ngài hiện rất nhiều loại thân.  Ấy gọi là hóa thân.

 

Các thiện nam !  thế nào Bồ Tát rõ biết ứng thân? Nghĩa là các đức Như Lai vì các vị Bồ Tát đã được thông đạt nói về chơn đế.  Vì chúng sinh giải nói sinh tử, niết bàn chỉ là một vị; các Ngài giải trừ thân kiến (2) chúng sinh đừng sợ hãi mà cũng không nên vui mừng; vì Phật pháp vô bìên làm nền tảng cho chúng sinh noi theo; như thật tương ưng như như (3), trí như như, sức bổn nguyện; thân các Ngài có đủ 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, trên đỉnh sau lưng đều tròn sáng.  Ấy gọi là ứng thân.

 

Các thiện nam! Thế nào đại Bồ Tát rõ biết pháp thân?  Vì trừ các nghiệp chướng phiền não, vì đầy đủ các pháp lành, chỉ có như như, trí như như. Ấy gọi là pháp thân.

 

(Trích kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương: Suvarnaprabhàsa-uttamaràja Sutra, phẩm phân biệt tam thân, Huỳnh 9, tờ 5, bên trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Ba thân:  trong Kinh Luận quan hệ nói về ba thân Như Lai.  Tóm lại có chia ba loại:  một là tự tánh thân, thọ dụng thân và biến hóa thân.  Hai là pháp thân, báo thân và ứng thân.  Ba là pháp thân, ứng thân và hóa thân.  Xem biểu đồ sau đây:

 

Tự tánh thân………………………………………  Pháp thân      } Pháp thân

                                                                                                         }

Thọ dụng thân     {     Tự thọ dụng thân………….. Báo thân         }

                             {     Tha thọ dụng thân                                         }

Biến hóa thân………………………….     \ ………Ứng thân  {       Ứng thân

                                                                                                          {       Hóa thân

  1. Thân kiến:  Tức là thấy có TA.  Tà kiến chấp thân nầy là thật của ta.
  2. Như như, trí như như:  Chữ như như là chân thật vậy.  Trí như như, trí vô lậu soi thấy mọi vật như như.

 

  1. Pháp thân là căn bản ba thân

 

Hai loại thân trước là giả danh mà có; thân thứ ba nầy, mới là chân thật; vì hai thân trước mà làm căn bản.  Vì sao?  Vì lìa pháp như như, lìa trí vô phân biệt; tất cả chư Phật không có pháp nào khác; tất cả các đức Phật trí huệ đầy đủ; tất cả phiền não, rốt ráo diệt hết, chứng đặng quả vị Phật thanh tịnh.  Thế nên, pháp như như, trí như như, thâu nhiếp tất cả Phật pháp.

Các thiện nam!  Ví như mặt trời, mặt trăng, không có phân biệt; cũng như kính và nước, không có phân biệt, ánh sáng cũng không phân biệt; ba thứ hòa hợp đặng có bóng sinh ra.  Như vậy, pháp như như; trí như như, cũng không phân biệt; dùng nguyện lực tự tại, chúng sinh có cảm, ứng hiện hóa thân, như bóng mặt trời mặt trăng, hòa hiệp xuất hiên.

(Trích kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương: Suvarna-prabhàsa-uttamaràja Sùtra, phẩm Phân biệt tam thân, Huỳnh 9, tợ, bên trái).

 

  1. Ba thân trở về pháp thân

 

Các thiện nam!  Thân thứ nhứt y nơi ứng thân mà được hiển hiện vậy.  Thân thứ hai nương nơi pháp thân mà được hiển hiện vậy.  Pháp thân mới là thân chân thật, không cần chỗ nương tựa vậy.

(Trích kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, phẩm Phân biệt tam thân, huỳnh 9, tờ 5, bên mặt).

 

  1. Ba thân cùng vô trụ niết bàn

 

Lại nữa, các thiện nam!  Ví như nước và gương nhiều không lường, không ngằn, nương nơi ánh sáng, bóng không, được hiển lộ các tướng lạ.  Chứ không tức là vô tướng vậy.

Các thiện nam!  những hàng đệ tử thọ lãnh lời giáo hóa như thế là bóng pháp thân; dùng nguyện lực đối với hai thân khác (báo và hóa thân) hiện các tướng nhiệm mầu; đối với pháp thân, không có tướng nào khác.

Các thiện nam!  Nương hai thân nầy, các đức Phật nói hữu dư Niết bàn (1); y pháp thân nầy, nói vô dư Niết-bàn.  Vì sao? – Vì tất cả pháp khác, rốt ráo cùng tận.  Nương ba thân nầy, các đức Phật nói vô trụ xứ Niết-bàn.  Vì hai thân không trụ Niết-bàn.  Lìa nơi pháp thân, không có Phật nào khác.  Cớ sao hai thân không trụ Niết-bàn?  Vì hai thân giả danh không thật, mỗi niệm sinh diệt, vì không an trụ chỗ nào nhât định, thường xuất hiện khắp nơi, vì không nhất định.  Pháp thân không như thế; vì vậy hai thân không trụ Niết-bàn.  Pháp thân không hai, nên không trụ Niết-bàn.  Do đó, chư Phật nương ba thân nói vô trụ Niết-bàn (2)

(Trích kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, quyển hai, phẫm phân biệt tam thân, huỳnh 9, tờ 6, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Niết-bàn (Nirvãna) dịch là vô vi tịch diệt v.v.. diệt trừ nhân quả sinh tử.  Trên văn kinh có chia ba loại: hữu dư, vô dư và vô trụ.  Dùng Niết-bàn của hóa thân, ứng thân là hữu dư.  Đến sơ khởi pháp thân là vô-dư.  Hữu dư cùng vô dư hai loại Niết-bàn nầy đều đã đoạn hết phiền  não, chỉ y thân còn phiền não hay không mà phân biệt vậy.
  2. Vô trụ Niết-bàn:  Niết-bàn quán của Đại-Thừa.  Vô-trụ nghĩa là sinh tử cùng Niết-bàn không hai, không trụ sinh tử mà cũng không trụ Niết-bàn.                                                             

                                                                                                                                                                      

                                                                                  

Hết Phần Một của Chương Mot

Pd Phuong An

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]