Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Căn Tu Tập- Trung Bộ Kinh

14/03/201407:15(Xem: 4557)
Kinh Căn Tu Tập- Trung Bộ Kinh
Phat_Thich_Ca_11

Kinh Căn Tu Tập- Trung Bộ Kinh
Tô Đăng Khoa

Làm thế nào để biết chắc chắn mình đang tu đúng Pháp? Hãy nhìn thẳng vào đời sống hàng ngày của chính mình. Bạn có thấy tâm mình luôn bình tĩnh trước tất cả sự việc xảy ra hay không, hay là bạn thường xuyên lo âu chuyện này chuyện nọ? Tu đúng Pháp làm cho bạn trưởng thành về Tâm Linh. Sự trưởng thành tâm linh thực sự sẽ tuần tự dẫn con người từ tình trạng hỗn loạn đến trạng thái yên bình - từ đời sống nhộn nhịp đến bình tĩnh và thanh thản. Đó chính là đặc điểm vi diệu thù thắng thứ nhất trong Pháp và Luật của Thế Tôn, cũng là dấu hiệu rỏ nhất chứng minh rằng bạn đang tu đúng Pháp. Điều này được Phật mô tả trong Kinh A-Tu-La Pahàràda, Tăng Chi Bộ Kinh(IX) (19) như sau:

“Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể chấp chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể chấp chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này”

Bản chất của biển lớn trong ví dụ trên của Thế Tôn cho chúng ta một minh chứng về sự thật này: Gần bờ, những con sóng ồn ào đánh tung vào ghềnh đá, tung bọt trắng xóa rồi vội vã rút đi. Ra xa hơn những con sóng bạc đầu giờ chỉ là những gợn sóng từng bước giảm dần khi đại dương tiến triển theo chiều sâu . Xa tít xa về phía chân trời, tất cả thật tĩnh lặng và thanh thản.

Đạo lộ tu tập theo con đường Giác Ngộ Giải Thoát của Thế Tôn cũng theo nguyên tắc tương tự. Đời sống thường nhật của người vô văn phàm phu như những con sóng gần bờ tìm vui trong cuộc chơi hơn thua được mất bọt bèo của cuộc sống . Khi gió vô thường thổi qua, tâm thức của kẻ vô văn Phàm Phu dậy sóng, vì người đó không thấy, không biết, không thể nhập chiều sâu trong biển Pháp và Luật của Thế Tôn. Trong khi những người con Thích Tử, thấu hiểu sự vô lý trong cuộc chơi bất tận đó, đi sâu vào lòng Pháp, thể nhập trong lòng Pháp và Luật của Thế Tôn.

Đó là một trình tự xuôi dòng có hệ thống có khả năng đưa tâm thức bạn từ lăng xăng bất ổn và xung đột đến thanh thản và bình an. Trong đó các học Pháp là tuần tự, các quả dị thục (tức là kết quả cụ thể, cảm nhận riêng biệt trên thân tâm và trí tuệ tâm linh) cũng là tuần tự, các con đường cũng tuần tự. Do vì nhận thức được tính khoa học và phương pháp tu rất có hệ thống này, nên các người con Phật đời xưa cũng như đời nay rất hoan hỷ, có niềm tin, và tinh tấn đều đặn để thực hành Pháp này.

Thế giới mà con người đang sống đây không chi khác hơn là thế giới được cảm nhận qua các giác quan: sự tương tác bất tận của sáu căn, sáu trần, và sáu thức. Trong đó vô minh và ái dục dìm con người trong tái sinh luân hồi trải qua vô lượng kiếp sống. Đó là đời sống xô giạt và bọt bèo của những sinh vật sống gần bờ vì không thấy không biết được chiều sâu của biển Pháp.

Ví dụ cụ thể về Pháp tu tập có hệ thống có khả năng đưa con người từ hổn loạn tới an bình đó được Phật dạy cho Anan trong Kinh Căn Tu Tập thuộc Trung Bộ Kinh. Khi các căn được tu tập đúng đắn theo Pháp và Luật của các bậc Thánh, thế giới sẽ hiện đúng như thật trong đặc tính Y Duyên Khởi Pháp Tánh của chính nó và hành giả sẽ tuần tự cảm nhận được sự an tịnh thù thắng của biển Pháp. Trong bài kinh này, nhân việc một thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pasariya, trình bày pháp môn tu tập các căn của thầy mình--Pasariya, Thế Tôn dạy cho Anan về vô thượng căn tu tập cho các Thánh Đệ Tử nghe như sau:

“-- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Pasariya thuyết căn tu tập cho các đệ tử

-- Nếu là như vậy, này Uttara, theo như lời nói của Bà-la-môn Pasariya, người mù sẽ là người có căn tu tập, người điếc sẽ là người có căn tu tập. Này Uttara, người mù không thấy sắc với mắt, người điếc không nghe tiếng với tai.

Khi được nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Uttara đệ tử của Pasariya ngồi im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì. Rồi Thế Tôn, sau khi biết được Uttara, đệ tử của Pasariya im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì, liền gọi Tôn giả Ananda và nói:

-- Này Ananda, Bà-la-môn Pasariya thuyết cho các đệ tử căn tu tập một cách khác; nhưng trong giới luật các bậc Thánh, vô thượng căn tu tập khác như vậy.

-- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời ! Bạch Thiện Thệ nay đã đến thời để Thế Tôn thuyết vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh. Sau khi nghe Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

-- Vậy này Ananda, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này Ananda, thế nào là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh?

Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau:

"Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên, khả ý bất khả ý này khởi lên. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. (Nhưng) cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả".

Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại.

Này Ananda, như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý bất khả ý hay khả ý bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại.

Trong giới luật bậcThánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các sắc do mắt nhận thức.Như vậy, này Ananda, là bậc Thánh, các căn được tu tập.”

Trong bài Kinh này, Phật dạy Anan sau khi như thật tuệ tri về đặc tính khởi lên do nhân duyên (Y Duyên Khởi Pháp Tánh- Iddappacayatà) của các pháp khả ý, bất khả ý, nhận ra tính chất vô thường và hữu vi của chúng (như đám bọt biển gần bờ) hành giả an trú trong trạng thái Xả. Vì an trú trong Xả, cho nên các Pháp khả ý, bất khả ý cho dầu khởi lên, tất cả chắc chắn sẽ đoạn diệt trong vị ấy, và trạng thái Xả tồn tại. Và điều này thật là an tịnh và thù thắng (tức trạng thái xả) như là sư tịch tịnh của biển sâu rất xa bờ (sư vắng mặt của trạng thái lăng xăng).

Sau khi an trú và thực hành nhiều lần như vậy đối với tất cả các căn khác như tai, mủi, lưởi, thân, và ý. Hành giả trực nhận ra tính chất vô thường của tâm thức cạn cợt của các căn, vị ấy không còn tham đắm với đám bột biển danh lợi gần bờ do 18 giới tạo dựng nữa mà sẽ tinh tấn dùng chính sức mình tự thực hành thâm sâu giáo Pháp của Thế Tôn. Vị ấy thành tực Chánh Kiến ngay trong hiện tại. Là Phật Tử chân chánh của Thế Tôn. Vậy nên có kệ rằng:

“Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng.
Tức là, Trạng Thái Xả,
Phàm tất cả Pháp gì
(Khả Ý, Bất Khả Ý Hay Khả Ý Bất Khả Ý)
Tất cả đều do Nhân Duyên mà sanh khởi lên,
Chúng sẽ mau chóng dễ dàng cũng do Nhân Duyên mà đoạn diệt.
Tất cả phơi bày thật rõ ràng như thế như thế: Cái gì có bản chất sanh ra, cái đó có bản chất đoạn diệt!
Nhưng Xả này tồn tại.
Đây là pháp môn vô thượng căn tu tập.
Đưa tới nhất hướng Nhàm Chán, Yểm Ly, Ly Tham, Đoạn Diệt, Niết Bàn
Con đê đầu đảnh lễ Thế Tôn,
Trong tất cả học Pháp, Pháp này thật vi diệu
Vì tất cả là tuần tự nhưng chỉ có một mục đích duy nhất là Giải Thoát”

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]