Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Dẫn luận

10/04/201111:20(Xem: 10118)
I. Dẫn luận

TÌM HIỂU PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Thích Hạnh Bình

Phần 1

QUAN ÐIỂM TU TẬP TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

I. DẪN LUẬN

Mục đích giáo dục của đức Phật là làm thế nào để đoạn trừ, hay tối thiểu làm giảm bớt những khổ đau của con người, đưa con người đến một đời sống an lạc và hạnh phúc[1], đạo Phật gọi đó là giải thoát giác ngộ. Từ mục đích cao cả này, sau khi đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ đề, ngài đã đem toàn bộ thời gian còn lại (45 hay 49 năm) của đời ngài, vì chúng sinh nói pháp, tất cả những lời giảng dạy đó không ngoài nội dung chứng ngộ của đức Phật. Nhưng trên thực tế, căn cơ và trình độ của mọi người trong xã hội không đồng, người thông minh, kẻ ám độn, không thể dùng một pháp nói cho mọi người cùng nghe cùng hiểu, do đó lời ngài giảng dạy cũng mang ý nghĩa cao thấp khác nhau[2], nhưng cho dù như thế nào đi nữa, mục đích cuối cùng vẫn là hướng dẫn mọi người đến giác ngộ. Ðó là lập trường và phương pháp giáo dục của đức Phật.

Sau khi đức Phật nhập diệt vào khoảng hơn 100 năm [3] nội bộ Tăng đoàn Phật giáo phát sinh sự bất đồng ý kiến. Sinh hoạt của Tăng đoàn y cứ vào giới luật. Không đồng về giới luật, hoặc giả không đồng về học thuyết là lý do dẫn đến sự phân chia. Do giới luật không đồng mà hình thành học thuyết, hoặc do học thuyết không đồng mà hình thành giới luật, hai trường hợp này đều có khả năng xảy ra[4]. Nguyên nhân đưa đến sự bất đồng ý kiến này, chúng ta cần tìm hiểu đến yếu tố khu vực hoạt động của Phật giáo. Khi đức Phật còn tại thế, khu vực mà đức Phật và Tăng đoàn hoạt động chỉ giới hạn ở lưu vực sông Hằng, vả lại đời sống của Tăng đoàn chủ yếu sống trong rừng núi, lấy việc khất thực làm phương tiện nuôi thân mạng, lấy 3 y để che thân và cái tọa cụ [5]để ngủ nghỉ. Nhưng sau khi đức Phật nhập diệt, sinh hoạt của Tăng đoàn không còn nếp sống đơn giản như thế, nhất là đến thời Vua A Dục (Asoka), Phật giáo đã được nhà vua truyền bá khắp Ấn Ðộ, chùa tháp xuất hiện, đời sống Tăng đoàn có cuộc sống định cư, không còn sống trong rừng núi. Sự mở rộng địa bàn hoạt động của Phật giáo thật khó bảo tồn tư tưởng trong sáng của đức Phật; tinh thần hoà nhập để hoằng dương Phật pháp chắc chắn không thể không chịu ảnh hưởng kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng... của từng địa phương khác nhau. Ðó là nguyên nhân dẫn đến bất đồng ý kiến về giới luật. Kết quả của sự bất hoà này dẫn đến tự thân nội bộ Phật giáo phân thành hai phái lớn là Thượng tọa bộ và Ðại chúng bộ. Từ hai phái chính nàydần dần hình thành tối thiểu là 18 hoặc 20 bộ phái[6] . Ðây được gọi là thời kỳ Bộ phái Phật giáo, rất tiếc khá nhiều nguồn tư liệu của thời đại này bị thất truyền, hiện nay chỉ còn 7 bộ luận của của bộ phái Ðồng Diệp được lưu trữ trong kinh tạng Nam truyền Pàli, và 7 bộ luận và bộ luận Ðại Tỳ-bà-sa của bộ phái Thuyết Nhất thiết hữu (Sàrvastvadin) bằng dịch bản Hán trong bộ Ðại chánh tân tu Ðại tạng kinh. Ngoài hai nguồn tư liệu của hai bộ phái này, các Kinh, Luận của các bộ phái khác hầu như thất truyền, chỉ được lưu trữ một số ít trong Hán tạng.

Qua hai nguồn tư liệu này, nhất là 7 bộ luận của phái Hữu bộ, có thể đại diện cho tư tưởng của thời kỳ Bộ phái Phật giáo, đã hưng thịnh một thời. Ðồng thời, nó là cứ điểm để phát sinh và hình thành tư tưởng Phật giáo Ðại thừa. Theo các nhà học giả nghiên cứu cho rằng, sau khi đức Phật nhập diệt vào khoảng 500 năm, Phật giáo Ấn Ðộ đã chuyển sang một giai đoạn mới, tư tưởng bộ phái Phật giáo dần dần suy yếu, tư tưởng Ðại thừa - Bát nhã hưng khởi. Ðây được gọi là thời kỳ Phật giáo Ðại thừa. Những Thánh điển đại diện cho thời kỳ này có thể nói như là Kinh Bát Nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bảo Tích... Qua đó chúng ta thấy, tư tưởng và lập trường của những bộ phái khác nhau, hẳn nhiên dẫn đến pháp môn tu tập của từng bộ phái cũng không giống nhau. Ðiều đó không có nghĩa pháp môn này đúng, pháp môn khác sai, nó chỉ mang ý nghĩa phương tiện, dẫn dắt mọi chúng sinh cùng đến thế giới giác ngộ, như nước trăm sông đều chảy về biển cả.

Bài viết này, người viết không có tham vọng trình bày tất cả những phương pháp tu tập của từng tông phái trong đạo Phật, chỉ giới thiệu một phương pháp tu tập trong Phật giáo Nguyên thủy, với nội dung và ý nghĩa giải thích mối quan hệ giữa vật lý và tâm lý và bằng cách nào để hiểu được và đoạn trừ những khổ đau trong đời sống thường ngày của chúng ta. Nguồn tư liệu mà người viết sử dụng ở đây chính là kinh A hàm và Nikàya, cụ thể là kinh “Tất Cả Lậu Hoặc”[7](Sabbasavasuttam) số 2, trong kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya), bản dịch Việt ngữ của HT. Thích Minh Châu, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Tương đồng với kinh này theo nguồn tư liệu của Bắc truyền là kinh “Lậu Tận”[8]thuộc kinh Trung A Hàm do Viện Cao đẳng Phật học Hải Ðức Nha Trang dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1992. Ngoài 2 bản kinh này, người viết sẽ trích dẫn một số kinh khác có liên quan đến đề tài thảo luận, với mục đích mong làm sáng tỏ vấn đề được trình bày.

Nội dung chính của hai bản kinh này, đức Phật đứng trên lập trường “Con người giác ngộ” và đối tượng cụ thể mà ngài nói chuyện cũng chính là “Con người”, do vậy, những điều mà ngài trình bày là những vấn đề thuộc về “đời sống của con người”. Những vấn đề đó rất thực tế, có mối quan hệ mật thiết đến sự giải phóng những khổ đau của con người. Ngài căn cứ vào những hoạt động của tâm lý và vật lý của con người, phân tích nguồn gốc khổ đau của con người. Kết quả sự phân tích ngài liệt kê gồm 7 nguyên nhân, đại khái chia thành hai phương diện vật chất và tinh thần. Những yếu tố khổ đau nào thuộc về vật chất, muốn giải quyết nó, phải do vật chất mới đoạn trừ, như nhu cầu sống của con người cần có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, thuốc men... Sự thiếu thốn của những thứ này, là yếu tố phát sinh trạng thái đau khổ xuất phát từ sự thiếu thốn vật chất, những loại khổ đau này con người không thể lấy tinh thần để giải quyết, như bụng đói, ăn cơm là no ngay; bụng đói không thể nghĩ “biết đủ” mà bụng no được. Ðó là lý do tại sao đức Phật trình bày, con người muốn đoạn trừ những loại khổ đau này, cần phải giải quyết chúng bằng vật chất, không phải là tinh thần, tất nhiên là với tinh thần biết đủ; ngược lại, những trạng thái khổ đau thuộc về tinh thần, tức là thiếu sự hiểu biết. Trong trường hợp này, đức Phật dạy, con người muốn loại trừ những trạng thái khổ đau này, phải do sự hiểu biết mới có thể đoạn trừ, ví như việc thi cử của học sinh, thí sinh phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức môn mà mình thi, thì nỗi khổ về thi sẽ không xuất hiện, những nỗi khổ về thi cử không thể lấy vật chất giải quyết được. Ðây là quan điểm tu tập trong Phật giáo Nguyên thủy. Quan điểm này có giúp ích được gì cho đời sống hằng ngày của chúng ta hay không, tất cả đều tùy thuộc vào sự hiểu biết và sự nhận định của từng người. Trước khi giới thiệu về bài kinh này, chúng ta cần tìm hiểu quan điểm của đức Phật đối với việc tu tập như thế nào.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]