Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa 12 Lời Nguyện Niệm Phật

03/04/201210:47(Xem: 4209)
Ý Nghĩa 12 Lời Nguyện Niệm Phật

Buddha_105
Ý NGHĨA 12 LỜI NGUYỆN NIỆM PHẬT

Thích Chân Tính

Nam mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật

Kính thưa quý Phật tử!

Hôm nay, quý vị về chùa Hoằng Pháp tu niệm Phật một ngày, trước khi vào thời khóa công phu, như thường lệ chúng ta có một giờ pháp thoại. Trong giờ pháp thoại sáng nay, chúng tôi xin nói về ý nghĩa của 12 lời nguyện niệm Phật. Mười hai lời nguyện niệm Phật này, chúng tôi vừa soạn ra. Trước khi giải thích nội dung của 12 lời nguyện niệm Phật, chúng tôi xin đọc để quý vị được nghe.

1.Kính lạy Phật Di-Đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Hôm nay và mãi mãi.

2.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Cho trí sáng tâm khai.

3.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Sống an vui tự tại.

4.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Không ác ý với ai.

5.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Luôn nói lời từ ái.

6.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Không gây khổ cho ai.

7.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Hằng trì trai giữ giới.

8.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Luôn nhẫn nại khoan dung.

9.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Sắc tài không đắm nhiễm.

10.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Trừ phiền não trái oan.

11.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Trải lòng thương muôn loại.

12.Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Chí vãng sinh không phai.

Đây là 12 lời nguyện niệm Phật. Trong nội dung của 12 lời nguyện niệm Phật này, nhằm giúp cho Phật tử chúng ta có định hướng trong việc tu tập và chí nguyện để về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Bây giờ chúng tôi sẽ lần lượt giải thích nội dung của 12 lời nguyện niệm Phật này để quý vị được rõ.

Lời nguyện thứ nhất

"Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Hôm nay và mãi mãi."

Như quý vị cũng đã biết, Đức Phật A-Di-Đà là giáo chủ thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Trong kinh Vô Lượng Thọ có chép, Ngài vốn là một vị vua phát tâm xuất gia hiệu là Pháp Tạng Tỷ-kheo. Ngài tu học với Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai. Do vì thương chúng sinh chìm đắm trong ba cõi sáu đường, chịu biết bao nhiêu đau khổ trong vòng luân hồi sinh tử, Ngài đã tinh tấn tu hành, phát 48 lời nguyện để thanh lập thế giới Cực Lạc, nhằm tạo thắng duyên cho chúng sinh về đó tu tập. Thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-Đà là thế giới rất vui, rất trong sạch không có các thứ khổ, các thứ ô nhiễm. Khi người nào sinh về đó sẽ không còn bị thoái chuyển, không còn bị sa đọa ba ác đạo. Nơi đó duyên ác dục nhiễm không có nên rất dễ tiến tu. Thế giới chúng ta đang ở gọi là thế giới Ta bà thuộc về dục giới, cho nên dục nhiễm rất nặng nề, con người khó có thể định tâm, khó có thể một đời thành tựu đạo quả. Như vậy, ở đây người Phật tử tu hành pháp môn niệm Phật là niệm Đức Phật A-Di-Đà, để mong cầu sau này về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà, để gieo nhân thành Phật.

Còn hiện tại, khi chúng ta niệm Phật là nhớ đến Đức tính cao quý, trí tuệ siêu việt, nhân cách hoàn hảo, đạo đức cao thượng và lòng từ bi vô lượng của Đức Phật. Phật là một hình ảnh cao đẹp nhất trên cuộc đời này. Nhớ đến hình ảnh Phật giúp thân tâm ta trong sạch, an lạc và hạnh phúc thật sự. Nếu chúng ta nhớ tưởng đến những hình ảnh khác như tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ, tuy có hấp dẫn, có hạnh phuc nhưng đó chỉ là thứ hạnh phúc ảo, hạnh phúc tạm bợ. Kết quả thường dẫn đến đau khổ sa đọa, dẫn vào vòng luân hồi lục đạo mãi mãi. Còn khi chúng ta niệm Phật, nhớ Phật, tâm được trong sạch, tất nhiên lời nói cũng sẽ trong sạch và việc làm cũng sẽ trong sạch. Nhờ ba nghiệp trong sạch không gây tạo ác nghiệp nên hiện tại chúng ta sống được an vui hạnh phúc, tương lai sinh về thế giới an vui của Đức Phật A-Di-Đà. Như vậy, chúng ta phát nguyện niệm Phật thường xuyên là để cho tâm hồn được trong sạch, đồng thời niệm Phật là gieo cái nhân để vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà, cũng đồng với ý nghĩa thành Phật. Do vậy, khi sống chúng ta niệm Phật nhớ Phật; khi bỏ thân xác này chúng ta về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Cho nên, lời phát nguyện đầu tiên, từ nay cho đến mãi mãi, lúc nào chúng ta cũng niệm Phật, nhớ Phật. Chỉ có hình ảnh của Đức Phật là cao đẹp nhất trên cuộc đời này, người Phật tử cần phải nhớ, luôn luôn nhớ và mãi mãi nhớ. Vừa qua chúng tôi cảm nhận ý này và làm bài thơ:

Đẹp thay hằng nhớ Phật

Là hình ảnh đẹp nhất

Tôn quý trên đời này

Đẹp thay hằng nhớ Phật”.

Nếu chúng ta không nhớ Phật thì sẽ nhớ ma. Mà nhớ ma thì:

Ma đưa lối quỷ dẫn đường,

Chỉ tìm những lối đoạn trường mà đi”.

(Nguyễn Du)

Đoạn trường nghĩa là đứt ruột, chỉ cho sự đau đớn như bị đứt ruột.

Phật dẫn đường thì đi đến chỗ sáng suốt, an vui, hạnh phúc. Còn ma quỷ dẫn đường chỉ đi đến chỗ đoạn trường mà thôi. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ nhất.

Lời nguyện thứ hai

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Cho trí sáng tâm khai”.

Đạo Phật là đạo trí tuệ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật có nói “duy tuệ thị nghiệp”, có nghĩa là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Đối với người chưa hiểu đạo, hoặc là đối với những người còn si mê thì lấy tiền bạc, lấy nhà cửa, lấy ruộng vườn, lấy những thứ vật chất trên thế gian này để làm sự nghiệp. Thế nhưng, họ không biết rằng những thứ đó là thứ tạm thời và chúng ta sẽ bỏ lại tất cả khi bước qua thế giới khác. Chỉ có sự nghiệp trí tuệ mới đem theo chúng ta từ đời này sang đời khác.

Người niệm Phật noi theo gương của Đức Phật. Mà Đức Phật, như chúng ta đã biết, Ngài từ bỏ tất ca sự nghiệp trên thế gian. Sự nghiệp của Đức Phật là vương nghiệp, tức là nghiệp làm vua, nhưng Ngài cũng từ bỏ hết tất cả. Bởi Ngài thấy rằng sự nghiệp đó là sự nghiệp giả tạm, cho nên Ngài đã rũ bỏ và đi tìm sự nghiệp trí tuệ cao thượng. Muốn được trí tuệ mình phải có định, nghĩa là tâm phải yên định. Tâm có định thì trí mới sáng. Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni trong thời gian tu hành, Ngài đã đi sâu vào thiền định và cuối cùng trí tuệ bừng sáng. Ngài có thể nhớ được tiền kiếp của mình từ một đời cho đến mười đời, trăm đời, ngàn đời và vô lượng đời. Không những Ngài thấy quá khứ của mình sinh ra, tên gì, ở đâu, con ai và không chỉ một đời, rất nhiều đời. Ngài còn nhớ và biết được những chúng sinh khác, không những một kiếp mà cũng rất nhiều kiếp sinh ra, tên gì, ở đâu, làm gì, chết như thế nào. Như vậy do đâu mà Đức Phật có được trí tuệ như vậy? Do tâm của Phật đã đạt đến một mức định rất cao. Khi tâm của mình định ít thì sáng ít, định nhiều thì sáng nhiều, càng định sâu thì tâm càng sáng. Điều này cũng dễ hiểu. Quý vị thấy một hồ nước. Hồ nước mà yên lặng càng lâu thì nó càng lóng tất cả các cáu bẩn xuống. Khi các cáu bẩn lắng xuống nước sẽ trong. Khi nước đã trong chúng ta có thể nhìn xuống nước thấy cả bầu trời, thấy cả mây bay, bởi vì tất cả mọi vật đều có thể ảnh hiện xuống đáy hồ là do nước đã trong.

Chúng ta phát nguyện niệm Phật, niệm thường xuyên, niệm mãi, lúc nào cũng nhớ Phật, tâm sẽ dần dần an định; khi tâm an định rồi sẽ có trí tuệ. Nhờ trí tuệ mà mình thấy rõ được thực tướng của vũ trụ, nhân sinh và từ đó mình mới không đắm nhiễm tất cả những vật chất của thế gian này. Trí tuệ chính là ngọn đuốc soi đường dẫn lối đưa ta ra khỏi đêm tối khổ đau của vòng luân hồi lục đạo. Cho nên, đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ và người Phật tử chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, phải trau dồi trí tuệ. Chỉ có trí tuệ này mới đem đến cho chúng ta an vui, hạnh phúc và giải thoát. Đó là lời nguyện thứ hai.

Lời nguyện thứ ba

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Sống an vui tự tại”.

Người học Phật phải có một đời sống an vui và tự tại. Có những người trong cuộc sống rất đầy đủ vật chất, rất giàu có, thế nhưng cuộc sống vẫn chồng chất những đau khổ, những bất hạnh. Lúc còn tại thế Đức Phật và đệ tử của Ngài không có của cải, không có đồ cất chứa để dành, chỉ ba y và một bát, mỗi ngày ăn một bữa, khi ăn ôm bát đi khất thực. Khất thực ngày nào ăn ngày đó, không có để dành vật thực. Thế mà các Ngài vẫn an vui tự tại. Bởi vì các Ngài thấy rõ thực tướng của nhân sinh và vạn vật là giả là không, nên không tham đắm, do không tham đắm nên an vui tự tại. Còn chúng ta là những người học Phật, phải lấy niềm vui Phật pháp để nuôi dưỡng thân tâm của mình. Muốn được an vui tự tại trong cuộc sống này, mình phải nhận thức rõ thế gian là vô thường, thân người là giả tạm, không có cái gì là chắc thật. Do nhận thức được như vậy, cho nên chúng ta không có chấp trước. Sở dĩ người ta khổ, người ta không có niềm vui, không có hạnh phúc là do chấp trước. Chúng ta chấp có thân mình, rồi chấp những thứ của mình, hễ ai đụng đến mình, đụng đến cái của mình sẽ bực, sẽ khổ. Bây giờ mình hiểu, cái thân không phải của mình và tất cả những gì chung quanh mình cũng không phải của mình, như vậy sẽ không còn cái gì để chấp nữa, có thể xả được hết. Khi mình xả được thì dù ai có nói gì, làm gì cũng không có chấp trước, mà không có chấp trước thì không có đau khổ. Như vậy người niệm Phật là người luôn luôn phải tươi vui. Mình học Phật, đã nhận rõ được thực chất của nhân sinh và vũ trụ là duyên sinh, là không thì không có lý gì chấp những thứ đó để phải đau khổ. Do vậy mà gương mặt của chúng ta lúc nào cũng phải tươi và vui.

Mình là người tu theo pháp môn niệm Phật để cầu về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Mà thế giới Cực Lạc là một thế giới rất vui, không có khổ. Vậy mình muốn về thế giới rất vui thì phải có cái “nhân” vui. Nghĩa là lúc nào chúng ta cũng phải tươi vui. Có cái nhân đó chúng ta mới có cái quả được sinh về thế giới Cực Lạc. Còn nếu chúng ta tu học Phật pháp, lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu, bực bội thì đó là kết quả của cái tâm phiền não, cho nên nó mới thể hiện ra nơi gương mặt, nơi hành động của chúng ta bực bội, khó chịu, nhăn nhó. Trước đây chúng tôi có làm mấy câu:

Ai mặt nhăn như khỉ,

Chết sẽ sinh làm quỷ;

Ai muốn sinh làm quỷ,

Mặt cứ nhăn như khỉ”.

Do tâm của mình phiền bực gương mặt mới nhăn, mới khó chịu, mà cái nhân đó là cái nhân của địa ngục, ngạ quỷ. Người học Phật mà gương mặt cứ u sầu, nhăn nhó, khó chịu người ta nhìn thấy ai mà dám tu theo Phật. Còn:

Ai mặt tươi như hoa,

Chết về Phật Di-Đà;

Ai theo Phật Di-Đà,

Mặt phải tươi như hoa”.

Như vậy, người niệm Phật phải luôn luôn có gương mặt tươi vui, mới xứng đáng là đệ tử Phật, mới có thể về thế giới của Phật A-Di-Đà được. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ ba.

Lời nguyện thứ tư

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Không ác ý với ai”.

Ác ý ở đây có nghĩa là cái ý xấu, ý bất chính, ý hại người, ý chiếm đoạt v.v... Chẳng hạn như mình có ý nghĩ trộm cắp của người, ý nghĩ tà hạnh muốn xâm phạm đến tiết trinh của người, ý nghĩ sát sinh hại vật để thỏa mãn khẩu vị, đó là những ý ác. Hoặc là mình có những ý nghĩ xúi giục người ta vào con đường tội lỗi. Chẳng hạn như mấy ông rủ rê người ta ăn nhậu, đó cũng là ý ác. Bởi vì mình rủ rê người ta vào con đường ăn nhậu là con đường hư thân, sa đọa. Hoặc có những người buôn bán xì ke ma túy, vì muốn có lời, cho nên xúi giục, dụ dỗ người ta hút để mình bán, đó cũng là ý ác. Hoặc mình xúi người ta ăn cắp, ăn trộm. Hoặc có người đến chùa quyến rũ, dụ dỗ Tăng Ni ra đời để chung sống với họ. Hoặc có ý tà phá phạm hạnh của người xuất gia, đều là ý ác cả. Người niệm Phật luôn nhớ đến Phật, mà Đức Phật không bao giờ có những ý nghĩ làm tổn thương, làm đau khổ, làm cho ai bị sa đọa. Người niệm Phật cũng vậy, phải nhớ đức hạnh của Phật và mình không được có ý nghĩ làm cho người khác đau khổ, không có ý nghĩ xúi người ta vào con đường dâm ô sa đọa, tán gia bại sản, mất mạng hoặc đi vào con đường tội lỗi. Đó là lời nguyện thứ tư.

Lời nguyện thứ năm

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Luôn nói lời từ ái”.

Lời từ ái là lời thương yêu. Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni của chúng ta luôn nói lời thương yêu, hòa nhã, nhẹ nhàng, êm dịu, khiến cho người nghe được phấn chấn tinh thần, an vui, hạnh phúc, thêm niềm tin, nghị lực sống, giúp người ta hòa thuận với nhau, hướng đến chỗ tích cực làm lành, tinh tấn tu hành. Chúng ta là người học Phật, thường niệm Phật thì phải noi gương Phật, nói lời thương yêu. Ở trong cuộc sống của chúng ta rất cần những lời nói thương yêu, nhẹ nhàng, lời nói đưa người ta đến chỗ an vui hạnh phúc. Các cụ ngày xưa có câu:

Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Hoặc:

Khi ta thốt lời ra,

Nói sao cho ôn hòa;

Khiến người nghe cảm mến,

Ghi nhớ mãi không quên.

Miệng ta là hoa sen,

Một phen đã hé nở;

Tỏa hương thơm Phật pháp,

Gieo mầm giác cho người”.

Khi mình thốt lời ra, nói như thế nào để cho người nghe có được ấn tượng tốt, người ta nhớ mãi không quên. Cũng đồng thời một lời nói, mình biết khéo léo thì người nghe cảm thấy dễ chịu, có được niềm tin trong cuộc sống và người ta dễ dàng chuyển hóa những thói hư tật xấu; nhưng cũng lời nói nếu chúng ta nói thô lỗ, nói cộc cằn, nói mắng nhiếc, nói ác khẩu thì lời nói đó gây cho người ta chói tai, bực phiền và không có sức thuyết phục để cải hóa. Do vậy, một khi mình thốt lời ra, phải cố gắng làm thế nào để cho người nghe tiếp nhận và hoan hỷ. “Miệng ta là hoa sen, một phen đã hé nở”. Như quý vị cũng biết, hoa sen nó thơm, khi hé nở ra thì tỏa mùi hương làm cho người ta dễ chịu. Chúng ta đừng có mở miệng ra giống như hủ mắm thối, người ta sẽ chạy mất, không ai hoan hỷ ngửi mùi đó đâu, người ta chỉ thích ngửi mùi sen thơm thôi. Như vậy mỗi lần chúng ta mở lời ra, làm thế nào khiến cho người nghe cảm mến, khiến cho người nghe hoan hỷ, khiến cho người nghe được chuyển hóa những lỗi lầm, khiến cho người nghe có thêm niềm tin, thêm sức sống, thêm tinh tấn. Chúng ta đừng nói ra những lời làm cho người ta đau khổ.

Trong giáo lý đạo Phật có “Tứ nhiếp pháp”, là bốn phương pháp để cảm hóa lòng người. Trong bốn phương pháp đó, gồm có: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp. “Ái ngữ nhiếp” là dùng lời nói thương yêu, lời nói nhẹ nhàng, lời nói êm dịu để mà thu phục lòng người, nhiếp hóa mọi người. Do vậy, khi chúng ta đã phát nguyện niệm Phật, thường xuyên niệm Phật cần phải nói những lời thương yêu. Trong cuộc đời này rất cần những lời nói nhẹ nhàng, êm dịu, hòa nhã để giúp người ta cải hóa, giúp người ta thêm niềm tin trong cuộc sống. Cho nên, lời phát nguyện thứ năm nhắc nhở chúng ta cần phải nói lời từ ái đối với tất cả mọi người.

Lời nguyện thứ sáu

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Không gây khổ cho ai”.

Khi chúng ta niệm Phật, nhớ tới Đức Phật, không nên gây những điều phiền toái, đau khổ cho mọi người. Chúng ta có thể làm khổ người khác bằng ý nghĩ, lời nói và hành động. Thí dụ chúng ta có ý lấy của người, hoặc là có ý nghĩ lừa gạt tình cảm. Mình dụ dỗ người để thỏa mãn dục vọng, xong rồi mình trốn tránh trách nhiệm. Hoặc vì muốn thỏa mãn khẩu vị của mình mà tìm cách giết hại những chúng sinh. Hoặc chúng ta có những lời nói ác, lời nói thô lỗ khiến người nghe phải đau khổ.

Trong gia đình chúng ta, có rất nhiều những chuyện mà chồng, vợ hoặc con làm khổ cho nhau. Đôi khi chúng ta làm khổ cho nhau mà không biết, lại đổ lỗi cho ông trời. Chẳng hạn như người chồng đi làm về, bày ra ăn nhậu, ngày nào cũng ăn nhậu. Khi ăn nhậu say lại gây gổ với vợ, với con làm cho vợ con phải đau khổ. Có những người vợ, chồng đi làm rất cực khổ, mình ở nhà chỉ “ngồi lê đôi mách”, chưa kể đến những chuyện ngoại tình, làm cho chồng con phải tủi nhục đau khổ. Đôi khi trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người vợ cứ đua đòi may sắm, tiêu xài phung phí, hoặc chơi số đề gây khổ cho chồng cho con. Có những người con thích chạy theo thời mốt, quần nọ áo kia. Thay người ta may quần áo kiểu này mốt nọ mình cũng đòi may cho bằng được. Thấy người ta nhuộm tóc đỏ tóc vàng, mình cũng muốn nhuộm tóc đỏ tóc vàng. Thấy người ta có điện thoại di động, mình cũng muốn có điện thoại di động. Thấy người ta có xe Dream, mình cũng muốn có xe Dream. Chưa kể đến có những đứa con không chịu học hành, rồi quan hệ với những bạn bè xấu, bị rủ rê hút chích xì ke ma túy. Những thứ này gây khổ cho mình, gây khổ cho cha mẹ. Có những trường hợp, người mẹ lúc nào cũng đòi hỏi con tiền bạc, trong khi gia đình hoàn cảnh con cái khó khăn, bắt nó phải đưa; không đưa thì chửi, rồi nói bất hiếu, đó là chúng ta làm khổ con cái của mình. Có những người rất siêng năng đi chùa, đi hết chùa này đến chùa kia nhưng tiền không có, lại đòi hỏi con phải cho tiền, không cho cũng la rầy mắng nhiếc nó. Chúng ta đi chùa là điều rất tốt. Chúng ta càng đi nhiều nơi thì càng tốt, nhưng phải xem lại có tiền để đi hay không? Nếu mình có tiền để đi thì đó là một điều rất tốt và đồng tiền đó phải do chính mình làm ra, hoặc con cái hoan hỷ cho. Còn bây giờ hoàn cảnh của con cái khó khăn mà mình cứ bắt nó cho tiền để đi chùa, cúng chùa vô tình lại làm đau khổ cho con cái. Người đã tu hành, đã niệm Phật dứt khoát không làm khổ ai.

Trong đạo Phật chúng ta có giáo lý “thiểu dục tri túc” - ít muốn và biết đủ. Khi mình biết đủ thì tất cả đều đủ. Còn chúng ta không biết đủ dù có nằm trên đống vàng cũng không thấy đủ. Do vậy mà pháp “thiểu dục tri túc” này, giúp chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Chúng ta đã biết niệm Phật, nhớ Phật thì phải noi gương hạnh của Đức Phật. Quý vị thấy Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, từ bỏ hết tất cả địa vị giàu sang sung sướng, vợ đẹp con khôn để sống một cuộc đời rất đơn giản - tam y nhất bát, đi xin ăn, ngủ dưới gốc cây. Thế nhưng, sự nghiệp của Ngài cho đến bây giờ vẫn còn mãi. Còn chúng ta tham đắm đòi hỏi nhiều quá, chỉ làm khổ mình, khổ người. Người niệm Phật phải biết thiểu dục tri túc để khỏi phải làm khổ mình, khổ người. Đó là lời nguyện thứ sáu.

Lời nguyện thứ bảy

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Hằng trì trai giữ giới”.

Khi quý vị quy y, trở thành một người Phật tử phải giữ gìn năm giới. Nhờ có giới mới giúp cho quý vị trở thành một người có đạo đức, có nhân cách cao thượng. Vì giới là hàng rào an toàn để bảo vệ đời sống chúng ta được hạnh phúc, an vui. Giới cũng giống như một cái lan can của nhà lầu, nó cũng giống như một cái thành của chiếc cầu, hoặc là bờ đê của đồng ruộng. Quý vị cứ nhìn lên một cái nhà lầu, nếu không có lan can sẽ không bảo đảm mạng sống của những người ở trên đó, có thể bị té, bị rớt xuống lầu mất mạng. Khi chúng ta đi lên một cái cầu bắc qua con sông, nếu cái cầu đó không có bờ thành chúng ta rất lo sợ, rất dễ bị lọt xuống sông. Một thửa ruộng, nếu không có những bờ đê nước sẽ tràn ngập vào, làm hư cây. Như vậy giới là những cái hàng rào bảo vệ cho đời sống của chúng ta được an vui, hạnh phúc.

Có người cho rằng khi chưa quy y, chưa thọ giới còn tự do, khi quy y giữ giới rồi lại bị ràng buộc. Theo chúng tôi câu nói này cũng đúng, mà cũng không đúng. Đúng là khi chưa quy y thọ giới họ tha hồ tự do sát sinh, tự do uống rượu, tự do tà hạnh v.v... Tự do như vầy có ngày sẽ hư thân mất nết, bị vào tù. Còn không đúng là do họ đã có thói quen sát sinh, thói quen uống rượu nhậu nhẹt… nên bây giờ giữ giới không sát sinh, không uống rượu họ cảm thấy khó chịu, cảm thấy ràng buộc. Còn đối với người không sát sinh, không uống rượu thì việc giữ giới không sát sinh, không uống rượu đâu có gì là khó chịu, đâu có gì là ràng buộc. Họ vẫn tự do đấy chứ!

Một người sống mà không giữ giới, người đó sẽ buông lung, phóng túng, không có việc ác nào họ không dám làm. Một gia đình mà không có tôn ti trật tự, kỷ cương, lễ nghĩa, gia đình đó sẽ mất hạnh phúc. Một xã hội mà không có luật pháp, xã hội đó sẽ loạn. Người Phật tử, khi quy y phát nguyện giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Năm giới này là năm giới căn bản để chúng ta hoàn thiện nhân cách. Người giữ trọn vẹn năm giới này sẽ không lo sợ tù tội, không lo sợ người ta hại mình. Bởi vì người giữ giới trong sạch là người không làm khổ ai, không làm tổn hại ai. Chúng ta không sát sinh là không giết ai; không trộm cắp là không lấy của ai; không tà hạnh là không xâm phạm đến trinh tiết của người; không nói dối là không lưa gạt người; không uống rượu say là không làm cho người khác phải phiền não lo sợ. Như vậy khi giữ giới trong sạch là mình không làm khổ mình và không làm cho người khác lo sợ. Khi giữ giới trọn vẹn là mình không sợ người và ngược lại người cũng không sợ mình. Bởi vì một người nào đó đến với chúng ta, họ biết chúng ta giữ giới trong sạch chắc chắn họ sẽ không lo sợ. Sống với một người mà giữ giới trong sạch chúng ta rất yên tâm. Khi quý vị thân cận một người chuyên môn ăn cắp thì quý vị rất lo - lo coi chừng họ móc túi mình. Hoặc quý vị thân cận những người hay sát sinh hại vật - coi chừng họ nổi cơn điên lên giết mình lúc nào không hay, cũng sợ lắm! Hoặc mình thân cận những người háo sắc tham dâm cũng lo sợ, sợ người này có ngày sẽ xâm phạm đến thân thể của mình. Cho nên, người giữ giới, ai đến gần cũng không lo sợ.

Khi chúng ta giữ giới trong sạch sẽ thể hiện ra ngoài oai nghi của mình - thân tướng trang nghiêm - trong sách thường nói “tướng hảo quang minh”. Đức Phật do giữ giới trong sạch, ba nghiệp thanh tịnh, cho nên Ngài phát ra tướng hảo rất quang minh, ai nhìn thấy cũng cảm mến. Sở dĩ thân tướng của chúng ta không được trang nghiêm, tướng hảo không quang minh là do ba nghiệp không thanh tịnh. Những người đã đạt được ba nghiệp thanh tịnh rồi thì họ có thân tướng rất trang nghiêm, ai nhìn cũng cảm thay mến, cảm thấy an lạc và hình như ai cũng thích đến gần. Bởi vì những người đó tỏa ra sự bình an, tươi mát, trong sạch. Khi chúng ta giữ giới cẩn thận, ba nghiệp thanh tịnh thì trời và người đều cung kính, đều muốn gần. Bởi vì một người có những tư tưởng xấu ác, phạm giới - phạm giới có nghĩa là xấu ác, thì tư tưởng đó là tư tưởng đen tối, nó hợp với tư tưởng của ma quỷ - ma quỷ thì tư tưởng đen tối. Những người phạm giới là những người có tư tưởng đen tối, cho nên giữa người đó với ma quỷ rất gần - vì cùng tư tưởng với nhau. Ví dụ như ở thế gian người tốt tìm người tốt chơi, người xấu tìm người xấu chơi, hoặc rau nào sâu nấy, nồi nào vung nấy. Cái gì hợp với nhau mới đi chung với nhau được. Còn những người giữ giới trong sạch thì tư tưởng của họ là tư tưởng sáng, tư tưởng trong phù hợp với các bậc Thánh. Cho nên, những người có được ba nghiệp thanh tịnh thì Chư Thiên Hộ Pháp thường ủng hộ. Quý vị thấy những bậc chân tu, giữ giới nghiêm mật, ba nghiệp trong sạch họ làm gì cũng được thành tựu, nhờ có giới đức mà Chư Thiên Hộ Pháp ủng hộ. Còn những người có tà tâm, Chư Thiên Hộ Pháp không đến gần, chỉ có ma quỷ đến gần thôi. Cho nên có câu:

Giữ giới đồng như băng tuyết sạch,

Gìn lòng cho được Thánh Hiền gần”.

Mình giữ giới làm sao cho được trong sạch cũng như băng, như tuyết, không có một tí tỳ vết nào. Gìn lòng cho được Thánh Hiền gần, là khi lòng mình trong sạch thì Thánh Hiền, chư Thiên Hộ pháp mới gần được.

Cho nên, người học Phật, người thường xuyên niệm Phật phải trì trai giữ giới. Trì trai ở đây có nghĩa là ăn chay. Người niệm Phật cần phải ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, không gây thêm tội ác giết hại chúng sinh để bồi bổ sinh mạng của mình. Chúng ta ăn để sống, không phải sống để ăn. Vả lại thân người là giả tạm, khi chết cũng chỉ là cái xác thối không có giá trị gì cả.

Người học Phật không nên vì cái thân giả tạm này mà sát sinh hại vật để thỏa mãn khẩu vị của mình, đánh mất lòng từ bi và gây oán thù đền mạng trong vòng luân hồi lục đạo. Cho nên, trì trai giữ được năm giới đầy đủ trong sạch là chúng ta hoàn thiện nhân cách, cũng là giới căn bản để bước lên con đường giải thoát. Đó là lời nguyện thứ bảy.

Lời nguyện thứ tám

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Luôn nhẫn nại khoan dung”.

Chữ “nhẫn nại” là chịu đựng. “Khoan dung” là tha thứ. Chịu đựng, có những người chịu đựng để tha thứ, nhưng có những người chịu đựng để trả thù. Người học Phật phải thực hành chịu đựng để tha thứ, đừng nên chịu đựng để trả thù. Thí dụ như có một người chửi rủa, gây gổ với chúng ta, chúng ta đang ở trong thế kẹt, vì người ta đông quá, người ta chửi mình, lấn hiếp mình thôi thì chịu nhẫn nhục, nhưng lát nữa về xách dao đến chém người ta. Có nghĩa là mình nhẫn nhục chịu đựng, nhưng chịu đựng lúc đó để rồi có cơ hội sẽ trả thù. Còn người học Phật chúng ta chịu đựng, mà chịu đựng trong tha thứ. Khi có người mắng nhiếc, hại mình, mình lấy lòng từ bi thương xót họ. Trước hết mình phải coi tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc, cha mẹ, anh em. Thứ hai là chúng ta phải thương họ. Thương họ như thế nào? Thương họ không biết đến nhân quả. Bởi vì theo luật nhân quả, anh hại người thì anh lãnh lấy quả báo, ác nhân thì ác báo, gieo gió sẽ gặt bão. Bây giờ người ta hại mình, mắng nhiếc mình, chửi rủa mình, mình lại thương người ta, thương người ta đang gieo nhân xấu để rồi phải gặt quả xấu. Cũng giống như cha mẹ thương đứa con lầm lỡ, chúng ta phải có tình thương như vậy. Chúng ta chịu đựng để mà tha thứ, chứ không phải chịu đựng để trả thù.

Trong kinh Phổ Môn, Đức Phật cũng có nói câu: “Từ nhãn thị chúng sinh”, nghĩa là dùng con mắt thương yêu nhìn chúng sinh.

Chúng ta phải có một tâm từ như vậy.

Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan;

Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng”.

Đây là một câu trong kinh Pháp Cú, rất có giá trị. Khi một người đối xử tệ với chúng ta, chúng ta luôn luôn lấy lòng từ tha thứ cho họ, tự nhiên một ngày nào đó tất cả những oán thù sẽ tiêu tan. Còn nếu người ta gây thù mình, mình gây thù lại, như vậy thù qua thù lại, oán oán càng chất chồng, không những đời này mà kéo dài cho đến các đời khác. Chúng ta hãy bắt chước cây trầm hương, người ta dùng búa chặt nó, nó tỏa hương thơm cho cây búa. Là người Phật tử, khi đã phát nguyện niệm Phật, thường xuyên niệm Phật, phải có tâm nhẫn nại, chịu đựng những thử thách, những lời thóa mạ của người khác và mình phải biết rải tâm từ tha thứ, cầu nguyện cho những người đó ý thức được việc làm sai trái, để họ đừng tiếp tục gây thêm khổ đau cho người khác và cũng chính là không gây khổ đau cho họ. Bởi vì “ngậm máu phun người, miệng mình dơ trước”, hoặc “phun nước miếng len trời, nước không tới trời mà trở lại rơi vào mặt mình”. Như vậy là lời nguyện thứ tám, nhắc nhở chúng ta phải có tinh thần chịu đựng và tha thứ. Đó là lời nguyện thứ tám.

Lời nguyện thứ chín

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Sắc tài không đắm nhiễm”.

Sắc tài này nằm trong ngũ dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ, năm thứ này làm cho người ta đắm nhiễm, đưa đến chỗ đau khổ và sa đọa. Sắc dục là một thứ ham muốn rất mạnh của tất cả chúng sinh trên thế gian này. Đối với con người chúng ta, khi lớn lên có hiểu biết một chút, bắt đầu đã có những suy nghĩ về vấn đề sắc dục và đi tìm đối tượng để thỏa mãn. Cho đến khi chết người ta vẫn chưa buông bỏ tâm niệm về sắc dục. Có những người biết dừng lại thì tốt, nhưng có những người không biết dừng lại coi như thân tàn danh bại. Người đắm sắc sẽ gây tai hại về sức khỏe và tuổi thọ. Người mà đắm mê sắc dục sẽ mất đi năng lượng, hay nói cách khác là mất đi sinh lực, tức là sức sống của con người. Người tham muốn sắc dục quá độ sinh lực bị mất đi và sẽ dẫn đến bịnh tật, chết yểu. Ví như một thân cây nhựa sống mất hết sẽ úa tàn và chết khô. Đối với Phật giáo, tham đắm sắc dục cũng là nguyên nhân đưa người ta đến chỗ luân hồi sinh tử đau khổ mãi mãi. Ngày xưa, những ông quan, những ông vua hay những người đắm sắc, thường hay bị mắc chứng bịnh “hoa liễu”. Người thời bây giờ nếu đắm mê sắc dục thì có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS. Một thứ bệnh nan y cho đến nay chưa có thuốc chữa trị.

Thời nay, khoa học đã giúp cho người ta có những phương tiện để tránh những sự lây nhiễm qua đường sắc dục. Đó là một điều rất tốt. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, đây cũng là một phương tiện để giúp họ dễ dàng sa đọa. Ngày xưa, một cô gái mới lớn lên nếu không giữ gìn trinh tiết, quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể dẫn đến hậu quả là có thai. Đó chính là một hình phạt rất nặng nề, làm tổn thương nhân phẩm, danh dự của bản thân và gia đình, cho nên người ta rất sợ và tìm mọi cách để giữ mình, không dám quan hệ bừa bãi. Ngày nay, nhờ có những phương tiện giúp người ta tránh thai, họ không cần giữ gìn tiết trinh gì nữa, cứ tha hồ thỏa mãn sắc dục. Do vậy, chúng ta thấy ở các nước phương Tây, có những học sinh đi học ở nhà trọ, mới 14-15 tuổi, nam nữ đã có vấn đề quan hệ sắc dục với nhau. Nhờ có phương tiện tránh thai nên họ cứ thỏa mãn sắc dục mà không sợ. Do vậy, người ta dễ buông lung phóng túng. Đối với nam giới nhờ có phương tiện bảo vệ tránh nhiễm HIV/AIDS nên họ tha hồ có bồ nhí, tha hồ đi bia ôm. Nếu như khoa học chế tạo những phương tiện tránh thai, phương tiện bảo vệ tránh nhiễm HIV/AIDS, kết hợp với nhà trường giáo dục người ta ý thức được sắc dục quá độ sẽ đánh mất nhân phẩm, tổn thương đạo đức, tiêu hao sức khỏe dẫn đến bệnh tật, chết yểu. Kết hợp giáo dục và khoa học như vậy sẽ giúp người ta ý thức được tham đắm sắc dục là tai hại, nhờ đó sẽ tránh được tình trạng buông lung quan hệ bừa bãi. Theo chúng tôi thấy rằng, việc này cần phải được quan tâm giáo dục cho thanh thiếu niên hiểu rõ. Nếu không giáo dục người ta không ý thức và sẽ dễ dàng dẫn đến chỗ đắm sắc sa đọa.

Kinh Pháp Cú, Đức Phật có nói:

Ai hàng phục được ái dục khó hàng phục, thì sầu khổ sẽ rụng tàn như nước giọt lá sen”.

Nếu người nào hàng phục được ái dục, cũng giống như là nước giọt trên lá sen, cái khổ sẽ không thể có đối với người vô dục.

Hoặc câu:

Thắng được thiên binh vạn tướng chưa phải là chiến công oanh liệt; thắng được lòng mình mới thật là chiến công oanh liệt nhất”.

Vậy người niệm Phật phải luôn nhớ Phật và thấy được tác hại của sắc dục, không đắm nhiễm vào sắc dục.

Thứ hai là “tiền”.

Tiền bạc mình tạo ra,

Để trao đổi lại qua;

Ta phải làm chủ nó,

Chia sớt người khốn khó”.

Đồng tiền là do con người tạo ra, để làm vật trao đổi trong cuộc sống, nó giả không phải là thật, chết chúng ta không thể đem theo nó được, nhưng nếu chúng ta không biết làm chủ nó, để nó làm chủ sẽ dẫn đến con đường đau khổ và tội lỗi. Vì đồng tiền mà có những người con dám giết cha. Cũng vì đồng tiền mà trong gia đình anh em bất hòa với nhau, chém giết nhau, kiện cáo nhau. Cũng vì đồng tiền mà người ta phải tự tử. Có người bị mất tiền tiếc quá phải tự tử. Cũng có những người vì đồng tiền mà thân bại danh liệt. Điều này quý vị có thể thấy được qua vụ án Năm Cam. Trong vụ án này, một số quan chức của nhà nước, những người có công rất lớn đối với cách mạng, đối với đất nước. Thế nhưng, cũng vì đồng tiền mà họ làm mất đi phẩm chất đạo đức, nhúng tay vào vòng tội lỗi, kết quả phải bị tù tội, thân bại danh liệt. Chúng ta đã thấy rõ ràng. Vì đồng tiền mà những thanh niên đi cướp của, giết người. Cũng vì đồng tiền mà những cô gái phải đem thân đi bán. Như vậy tiền bạc và sắc đẹp là hai thứ ham muốn, nó dẫn chúng ta đến chỗ đau khổ, sa đọa. Do vậy mà người niệm Phật biết rõ tai hại của sắc dục, tiền bạc không nên tham đắm. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ chín.

Lời nguyện thứ mười

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Trừ phiền não trái oan”.

Phiền não là những thứ làm cho chúng ta bực bội, khó chịu. Trong đó gồm có tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ v.v... Do phiền não mà mình gây tạo nghiệp. Vì tạo nghiệp cho nên mới có oan trái nhiều đời nhiều kiếp. Thí dụ như chúng ta vì tham ăn mà giết hại biết bao nhiêu chúng sinh. Khi chúng ta giết một chúng sinh là đã kết oán thù, oan trái. Mình giết kẻ khác tất nhiên phải nợ máu. Nợ máu phải trả bằng máu. Mình giết họ rồi, một ngày nào đó họ giết lại. Vòng oan trái này nối nhau nhiều đời nhiều kiếp. Ngày hôm nay chúng ta phát nguyện niệm Phật, thường xuyên niệm Phật để phiền não tiêu tan và oan trái của mình được cởi mở. Mình có niệm Phật như vậy thì tâm mới định và mình mới không gây tạo thêm nghiệp ác, tức là không tạo thêm nhân ác, do vậy mà dần dần những oan trái sẽ được cởi mở.

Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, gây oan trái với biết bao chúng sinh. Quý vị cứ suy nghĩ kỹ. Một đời này chúng ta giết hại biết bao nhiêu chúng sinh, biết bao nhiêu chúng sinh oan trái với mình. Rồi trong vô lượng kiếp chúng ta giết hại bao nhiêu chúng sinh nữa, như vậy oan trái này chồng chất lên oan trái kia. Nếu chúng ta không niệm Phật, không nhất tâm thì oan trái này không được cởi mở. Khi chúng ta niệm Phật, một mặt để cho phiền não dứt trừ, mặt khác nhờ niệm Phật mà những oan trái thấy mình tu hành, cầu nguyện cho chúng được siêu thoát thì chúng cũng hoan hỷ và không còn oán thù mình nữa. Do vậy, người niệm Phật, thường xuyên niệm Phật để cho tâm an định, phiền não dứt trừ, oan trái được cởi mở. Đó là lời nguyện thứ mười.

Lời nguyện thứ mười một

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Trải lòng thương muôn loại”.

Người niệm Phật không chỉ thương mình mà còn phải thương mọi người. Mình niệm Phật, trước hết là thương mình. Vì thương mình cho nên mới niệm Phật, để mau được giải thoát. Thương người là mình muốn cứu độ họ cũng được giải thoát. Nói cách khác, chúng ta với mọi người đều có mối quan hệ thân thiết với nhau trong vòng luân hồi sinh tử. Họ đều là bà con, cha mẹ quyến thuộc với chúng ta cả. Đã là thân thuộc cha mẹ anh em của chúng ta, họ đau khổ, sa đọa thì ta cũng không yên. Như vậy mình phải có lòng thương, muốn cho họ được giác ngộ, được an vui, được giải thoát. Và lòng thương này, khi chúng ta trải ra thì tự nhiên mọi người đều hưởng được từ điển hay gọi là điển lành.

Ngày xưa, lúc Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni vào trong rừng để tu tập. Thời buổi đó, quý vị biết rằng, các loài thú như là cọp, sư tử, chó sói … những thứ ăn thịt người rất nhiều. Thế nhưng, tại sao Ngài ở trong rừng mà không bị các loài đó ăn thịt? Là do Ngai có một tâm từ rất mạnh. Tâm từ này có sức cảm phục, cảm hóa không những người mà cả loài vật hung dữ.

Gần đây, ở bên Trung Quốc, có Hòa thượng Quảng Khâm. Trong tiểu sử ghi, Ngài lên một ngọn núi tu. Lúc lên núi Ngài thấy một cái hang liền vào trong đó ngồi tu. Không ngờ hang đó là hang của hổ. Khi Ngài ngồi tu được nửa ngày hay một ngày gì đó tự nhiên hổ xuất hiện. Ngài đang ngồi tham thiền niệm Phật bỗng ngửi có mùi tanh, liền mở mắt ra thấy con hổ đứng trước mặt. Ngài cũng bình tĩnh và nói “A-Di-Đà Phật”. Con hổ nghe Ngài nói tự nhiên hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài. Nó hoảng chạy ra một lúc rồi trở vào. Chắc nó nghĩ rằng chỗ đó là chỗ ở của nó, tại sao ông sư này lại chiếm lấy và có lẽ nó quay lại với ý định ăn thịt Ngài. Khi nó quay trở vào, Ngài bèn nói: “Ngươi hãy hoan hỷ cho ta mượn tạm chỗ này tu hành, khi ta đắc đạo sẽ độ cho nhà ngươi”. Ngài nói xong, nó gật đầu bỏ đi. Hôm sau nó trở lại, đi lui đi tới một thời gian rồi dắt cả hổ vợ hổ con đến chơi giỡn với Ngài. Chúng ta thấy những bậc chân tu có lòng từ rộng lớn, tự nhiên cảm hóa được những con vật hung dữ, không ăn thịt họ.

Còn ở Việt Nam chúng ta, chúng tôi có nghe nói trước đây trên núi Tà Cú, có vị tổ tên là Hữu Đức. Năm đó hình như năm một chín bốn mấy hay năm mấy gì đó. Ngài lên núi Tà Cú, chỗ mà hiện nay chúng ta đi du lịch chiêm bái tham quan. Chúng tôi cũng có lên đó một lần, khoảng năm 1981. Ở trên đó có một bức tượng Phật nằm rất lớn. Chúng tôi được biết tổ Hữu Đức lúc lên đó tu hành, cọp cũng đến, rồi Ngài cảm hóa và nó cũng không ăn thịt Ngài. Quý vị thấy những bậc chân tu, có một lòng từ rộng lớn thì tự nhiên có sức cảm hóa thú vật.

Hiện nay, quý vị sống trong khu vực của mình, nếu biết trải lòng từ rộng rãi, thương yêu mọi người, giúp đỡ mọi người, gần gũi mọi người thì chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ được mọi người thương yêu. Những người có lòng từ rộng lớn thương yêu cả loài vật, loài vật cũng mến yêu họ. Cho nên, người niệm Phật phải cố gắng mở rộng lòng thương. Nhờ có lòng thương này mà mọi người với ta không có sự ngăn cách, luôn luôn gần gũi và thương yêu nhau. Tình thương đó phải như ánh nắng mặt trời sưởi ấm muôn loại trong giá rét mùa đông. Đó là ý nghĩa lời nguyện thứ mười một.

Lời nguyện thứ mười hai

Kính lạy Phật Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường niệm danh hiệu Ngài,

Chí vãng sinh không phai”.

Câu cuối cùng này chúng tôi gút lại là “chí nguyện vãng sinh”. Từ “vãng sinh” có nghĩa là sinh đến. Vậy sinh đến đâu? Sinh đến thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Chúng ta thường nói là “vãng sinh Lạc quốc”. Tại sao chúng ta phải về đó? Người tu học Phật pháp trước hết phải thấy rõ cái khổ sinh tử và xem việc sinh tử là việc lớn. Từ vô thủy kiếp đến nay chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi, kiếp đọa địa ngục, kiếp làm ngạ quỷ, súc sinh, kiếp thì sinh lên cõi A-tu-la, cõi người, cõi trời, xoay quanh trong 6 cảnh giới này. Mà 6 cảnh giới này, hết 5 cảnh giới là đau khổ, còn cảnh giới trời tuy không khổ nhưng hưởng hết phước vẫn trở lại 5 cảnh giới kia, cho nên nói khổ là vậy. Muốn thoát khỏi sinh tư trong các cảnh giới này phải về thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-Đà. Vì thế giới Phật A-Di-Đà không có các thứ khổ. Sinh về đó sẽ không còn thoái chuyển tâm Bồ-đề và nhờ các duyên tốt tu tập dễ thành tựu đạo quả. Đó là lý do thứ nhấtmà chúng ta cần phải vãng sinh về thế giới Cực Lạc.

Lý do thứ hailà muốn sớm thành tựu đạo quả Bồ-đề mà vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Mục đích của người học Phật là để thành Phật. Mà muốn thành Phật phải đoạn trừ tham, sân, si, ái v.v… dứt sạch hết các phiền não. Thế nhưng, một đời này chúng ta không dễ gì đoạn trừ hết phiền não, thành tựu đạo quả. Nếu không thành tựu quả vị Phật trong kiếp này, chúng ta phải tiếp tục luân hồi, hoặc trở lại làm người tu tiếp, hoặc sinh lên cõi trời hưởng phước. Do phước báo tu tập của kiếp này, kiếp sau làm người sẽ được giàu sang, khi giàu sang sẽ tham đắm hưởng thụ quên mất sự tu, rồi lại tạo thêm ác nghiệp, chắc chắn kiếp thứ ba chúng ta sẽ bị đọa. Do vậy, để đảm bảo việc tu hành không bị thoái chuyển, chúng ta phải quyết chí vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Trong lời nguyện thứ 11 Đức Phật A-Di-Đà có nói: “Nếu tôi được thành Phật mà trời người trong cõi nước tôi không trụ vào chánh định tụ, mãi cho đến khi chứng quả Niết-bàn, tôi không chịu thành Phật”. Đó là lý do thứ hai.

Lý do thứ bavì thương chúng sinh chìm đắm trong biển khổ sinh tử mà mong muốn vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Ở tại thế gian, trong một gia đình, người cha người mẹ thương con phải lo làm ăn, tạo ra của cải để lo cho con ăn học, lo cho con có sự nghiệp. Người tu hành nghĩ đến chúng sinh còn đang chìm đắm trong biển khổ thì phải ráng lo tu, sớm thành tựu đạo quả để cứu độ chúng sinh. Chúng ta về thế giới Cực Lạc không phải để hưởng thụ mà vì muốn mau chóng thành tựu đạo quả, để trở lại Ta bà cứu độ chúng sinh. Ví như một học sinh sống trong một đất nước nghèo khổ, đi ra nước ngoài du học mong muốn sớm thành tài để trở về quê hương giúp dân giúp nước được giàu có, được ấm no hạnh phúc. Cho nên, người niệm Phật phải lập chí vãng sinh. “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta cứ vững như kiềng ba chân”. Khi ta đã có định hướng tu học theo pháp môn niệm Phật phải một lòng một dạ quyết chí một đời vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Về Cực Lạc để làm gì? Để thành Phật, để thoát khỏi luân hồi lục đạo, để cứu độ chúng sinh. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ mười hai.

Trong 12 lời nguyện niệm Phật này, có lẽ quý vị thắc mắc tại sao chúng tôi không nói đến pháp tinh tấn. Mà tinh tấn lại là một pháp rất cần thiết để thành tựu đạo quả. Thật ra nếu quý vị đọc kỹ thì trong những bài kệ này, có chứa đựng pháp tinh tấn bên trong. Chúng tôi nêu ra để quý vị thấy. Câu: “Con nay xin phát nguyện, thường niệm danh hiệu Ngài”. Chúng ta thường niệm, đó là tinh tấn. Yếu tố tinh tấn này rất cần thiết. Không có tinh tấn thì chúng ta không thành tựu được đạo quả. Do vậy mà trong đây chúng tôi nhắc đi nhắc lại câu: “Con nay xin phát nguyện, thường niệm danh hiệu Ngài”. Thường niệm Phật là lúc nào chúng ta cũng tinh tấn, cũng tỉnh giác, cũng sống trong chánh niệm. Nhờ chánh niệm, tỉnh giác mà chúng ta làm chủ được thân khẩu ý, làm chủ được cuộc đời của mình, sáng suốt thẳng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

Tóm lại: Chúng tôi soạn ra 12 lời nguyện niệm Phật này để giúp cho quý vị ý thức được đường hướng tu tập của mình về pháp môn niệm Phật. Nếu thường xuyên đọc và thực hành theo những lời nguyện đó ta sẽ có được an vui hạnh phúc, không chỉ cho mình và cả cho mọi người. Tương lai chắc chắn sẽ vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Đó là ý nghĩa của 12 lời nguyện niệm Phật mà chúng tôi vừa trình bày cho quý vị.
Nam mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]