Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-tát (Le Bodhisattva Gadgadasvara)

20/05/201318:55(Xem: 14267)
24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-tát (Le Bodhisattva Gadgadasvara)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển VII

24. Phẩm Diệu-Âm Bồ-tát (Le Bodhisattva Gadgadasvara)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích-Ca, từ nơi nhục-kế phóng một làn ánh sáng, lại từ giữa đôi mày phóng một đạo hào-quang, khắp soi một trăm tám muôn ức na-do-tha Hằng-hà sa thế-giới chư Phật ở phương đông. Xa hơn số thế-giới này, có một thế-giới tên là Tịnh-Quang Trang-Nghiêm. Tại nước ấy, có Phật hiệu Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí đang thuyết pháp cho vô lượng vô biên Bồ-tát cung kính vây quanh nghe. Hào-quang lông mày của Đức Phật Thích-Ca soi khắp nước Tịnh-Quang.
Bây giờ trong nước Nhất-Thế Tịnh-Quang Trang-Nghiêm có một Bồ-tát tên là Diệu-Âm, từ lâu đã trồng cội đức, cúng dường gần gũi vô lượng chư Phật, cho nên đã thành tựu trí-huệ rất sâu và được nhiều thứ tam-muội (chánh-định) là: diệu-tràng, pháp-hoa, tịnh-đức, túc-vương-trí, vô duyên, tập-nhất-thế công đức, thanh-tịnh, thần-thông du-hí, huệ-cự, trang-nghiêm-vương, tịnh-quang-minh tịnh-tạng, bất-cộng và nhật-triền. Bồ-tát Diệu-Âm được trăm ngàn muôn ức Hằng-hà sa đại tam-mưội như thế. Thân tắm trong ánh-sáng Đức Phật Thích-Ca, Bồ-tát Diệu-Âm liền bạch với Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí: “Thế-Tôn! Tôi sẽ sang thế-giới Ta-bà, lễ bái, gần gũi, cúng dường Phật Thích-Ca cùng ra mắt các Bồ-tát Văn-Thù, Dược-Vương, Dõng-Thí, Tú-Vương-Hoa Thương-Hành-Ý, Trang-Nghiêm-Vương và Dược-Thượng”.
Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí nói với Bồ-tát Diệu-Âm: “Ngươi chẳng nên xem rẻ nước kia (thế-giới Ta-bà) mà tưởng là thấp yếu. Này thiện-nam-tử, thế-giới Ta-bà cao thấp không bằng-thẳng, dẫy đầy núi đất, núi đá và những nhơ xấu, thân Phật thấp nhỏ, hình các Bồ-tát cũng nhỏ như vậy, còn thân ngươi cao đến 4 vạn 2 ngàn do tuần, thân ta đến 6 trăm 8 mươi vạn do tuần, thân ngươi (còn) đoan chánh bậc nhất, được trăm ngàn muôn phước làm cho hết sức sáng rỡ. Vì vậy sang đến Ta-bà, chớ nên khinh nước này, đừng sanh lòng cho Phật, Bồ-tát cùng tất cả nước này là thấp thỏi, yếu đuối”.
Bồ-tát Diệu-Âm bạch: Thế-Tôn! Con nay qua cõi Ta-bà là do sức thần Như-Lai, do thần-thông du-hí của Như-Lai, do công-đức trí-huệ trang-nghiêm của Như-Lai”.
Lúc ấy, Bồ-tát Diệu-Âm không rời khỏi chỗ ngồi, thân chẳng lay động, nhập chánh-định, dùng sức mạnh của chánh-định, tại núi Kỳ-xà-quật, cách chỗ Bồ-tát ngồi không xa, hoá ra 8 muôn 4 ngàn hoa sen báu, cộng bằng vàng diêm phù đàn, cành bằng bạc, nhụy bằng kim-cương và đài bằng báu chân-thúc-ca.
Bồ-tát Văn-Thù thấy vậy mới bạch với Đức Phật Thích-Ca: “Thế Tôn! Do đâu mà có điềm tốt này?”. Đức Phật đáp: “Đó là điềm Bồ-tát Diệu-Âm, từ nước của Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí muốn cùng 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đến cõi Ta-bà, để cúng dường, gần gũi, lễ lạy ta và cũng muốn cúng dường nghe Kinh Pháp-Hoa”.
Bồ-tát Văn-Thù bạch: “Thế-Tôn! Bồ-tát đó trồng cội lành gì, tu công-đức gì mà đặng sức đại thần-thông như thế? Tu tam-muội gì? Cúi xin Thế-Tôn nói cho chúng con biết tên tam-muội đó vì chúng con muốn tu tam-muội ấy để thấy được sắc tướng và oai nghi tới, dừng của Bồ-tát Diệu-Âm. Khi Bồ-tát tới, cúi xin Thế-Tôn dùng sức thần-thông làm cho chúng con thấy được Bồ-tát”. Đức Thích-Ca đáp: đức Đa-Bảo Như-Lai đã diệt độ từ lâu, sẽ vì các ngươi mà hiện bày thân tướng của Bồ-tát Diệu-Âm”.
Tức thời Phật Đa-Bảo bảo Bồ-tát Diệu-Âm: “Thiện-nam-tử hãy đến đây, Văn-Thù muốn thấy thân của ngươi đây”.
Lúc ấy, Bồ-tát Diệu-Âm đang ẩn mặt ở nước kia, bèn cùng 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đồng qua cõi Ta-bà. Trải qua các nước, đâu đâu đất cũng chuyển động 6 cách, hoa sen bảy báu rưới như mưa, trăm ngàn nhạc trời chẳng trỗi tự kêu, mắt của Bồ-tát như cánh hoa sen xanh rộng lớn, diện mạo tốt đẹp hơn trăm ngàn muôn mặt trăng hợp lại, thân sắc vàng ròng trang-nghiêm bằng vô lượng công-đức, oai đức rất thạnh, ánh sáng chói rực, đầy đủ các tướng như thân bền chắc của Na-la-Diên.
Bồ-tát Diệu-Âm vào đài bảy báu, bay lên hư-không cách mặt đất bảy cây đa-la và cùng chư Bồ-tát vây quanh đến núi Kỳ-xà-quật ở cõi Ta-bà. Tới nơi rồi, Bồ-tát xuống đài, lấy chuỗi ngọc giá trị trăm ngàn cúng dường Đức Phật Thích-Ca mà bạch rằng: :”Thế-Tôn! Đức Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí có lời hỏi thăm Thế-Tôn ít bệnh, ít buồn, đi đứng thơ thới và hoạt-động trong sự an-lạc không? Bốn đại (thân) có điều hoà chăng? Việc đời nhẫn được chằng? Chúng-sanh dễ độ chăng? Không có nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn, phải vậy chăng? Không còn điều bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, tà kiến, tâm chẳng lành, chẳng nhiếp năm tình chăng? Thế-Tôn! Chúng-sanh có năng hàng phục các ma oán chăng? Đa-Bảo Như-Lai diệt độ từ lâu và ở trong tháp bảy báu, có đến nghe pháp chăng? Đức Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí lại dặn tôi hỏi thăm Đa-Bảo Như-Lai có an ổn, ít buồn, hay chịu đựng và ở lâu được chăng? Thế-Tôn! Tôi muốn thấy thân Phật Đa-Bảo, cúi xin Thế-Tôn chỉ cho con được thấy”.
Lúc đó Đức Phật Thích-Ca nói với Phật Đa-Bảo: “ Bồ-tát Diệu-Âm muốn ra mắt Ngài”. Đức Phật Đa-Bảo liền nói với Bồ-tát Diệu-Âm: “Hay thay! Hay thay! Để cúng dường Phật Thích-Ca, cùng nghe Kinh Pháp-Hoa và thấy Văn-Thù .v.v… ngươi lại đến đây?”.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Hoa-Đức bạch Phật Thích-Ca: “Thế-Tôn! Bồ-tát Diệu-Âm trồng cội lành gì, tu công-đức nào mà có sức thần-thông như thế?”.
Đức Phật đáp: Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi-Âm-Vương, nước tên Hiện-Nhất-Thế Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Suốt một muôn hai ngàn năm, Bồ-tát Diệu-Âm dùng mười muôn thứ kỷ nhạc cúng dường Phật Vân-Lôi-Âm cùng dưng tám muôn bốn ngàn bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó mà nay được sanh tại nước của Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí và có sức thần như thế. Này Hoa-Đức, ngươi nghĩ sao? Diệu-Âm Bồ-tát thuở xưa đó, chính nay là Bồ-tát Diệu-Âm đây. Bồ-tát Diệu-Âm này đã từng cúng dường, gần gũi, vô lượng đức Phật, từ lâu trồng đức, lại gặp Hằng-hà sa đức Phật. Này Hoa-Đức, ngươi chỉ thấy thân hình của Diệu-Âm ở tại đây, chẳng dè Bồ-tát ấy hiện các thứ thân hình, nơi nơi đều vì chúng-sanh nói kinh-điển này.Diệu-Âm có thể hiện thân Phạm-Vương, Đế-Thích, Tự-tại-thiên, Đại-tự-tại-thiên, Thiên-đại-tướng-quân, Tỳ-sa-môn-thiên-vương, Chuyển-luân-thánh-vương, Tiểu-vương, Trưởng-giả, cư-sĩ, tể-quan bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc hiện thân vợ tể-quan, bà-la-môn, hoặc hiện thân con trai, con gái, trời, rồng, dạ-xoa….người cùng không phải là loài người, v.v…, mà nói Kinh này. Bao nhiêu địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh và ở đâu có tai nạn, Diệu-Âm đều có khả năng cứu giúp, thậm chí đến trong hậu cung vua chúa, Bồ-tát cũng biến làm thân người nữ mà nói kinh này.
Hoa-Đức, Bồ-tát Diệu-Âm này hay cứu hộ các chúng-sanh trong cõi Ta-bà, hiện các thứ thân ở cõi Ta-bà vì chúng-sanh mà nói Kinh Pháp-Hoa, tuy thần thông biến hoá như thế mà trí-huệ không hề hao-bớt. Bồ-tát dùng ngần ấy trí-huệ sáng soi cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng-sanh, mỗi mỗi đều đặng sự hiểu biết của mình còn trong Hằng-hà sa thế-giới mười phương cũng đều được như vậy. Nếu phải dùng hình Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát hay Phật để độ thoát chúng-sanh thời Diệu-Âm liền hiện ra hình ấy mà nói Pháp. Thậm chí phải diệt độ để độ thoát chúng-sanh thời cũng thị hiện diệt độ”.
Bồ-tát Hoa-Đức bạch Phật: “ Thế-Tôn! Bồ-tát Diệu-Âm ở trong tam muội nào mà có thể hiển hiện ở các nơi mà trong nhiều hình thức như thế? Phật đáp: “Tam-muội đó gọi là “Hiện-nhất-thế-sắc-thân”.
Lúc nói phẩm: “Diệu-Âm Bồ-tát” này, 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát cùng đi với Bồ-tát Diệu-Âm, đều đặng tam-muội “Hiện-nhất-thế-sắc-thân”.
Khi Bồ-tát Diệu-Âm cúng dường Đức Phật Thích-Ca và tháp Đa-Bảo xong rồi trở về nước mình, các nước của Bồ-tát trải qua đều chấn động, trên có mưa hoa sen báu, nhạc trời tự trổi như lúc đi. Về đến nước rồi, Bồ-tát cùng 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát vây quanh đến trước Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí bạch rằng: “Thế-Tôn! Con đã đến cõi Ta-bà làm lợi ích cho chúng-sanh, đã ra mắt lễ lạy, cúng dường Đức Phật Thích-Ca, ra mắt tháp Phật Đa-Bảo, lại gặp các Bồ-tát Văn-Thù, Dược-Vương, Đắc-Cần Tinh-Tấn-Lực, Dõng-Thí, và cũng đã làm cho 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát này đặng tam-muội “Hiện-nhất-thế-sắc-thân”.
Lúc nói phẩm: “Bồ-tát Diệu-Âm tới lui” này, 4 muôn hai ngàn người cõi thiên được vô-sanh-pháp-nhẫn, còn Bồ-tát Hoa-Đức được tam-muội Pháp-Hoa.
*
* *

Huyền nghĩa

Diệu-âm là tiếng huyền diệu (Voix mysté rieuse). Tiếng ấy phát xuất ở đâu? Ở thế-giới Tịnh-quang trang-nghiêm, tức là ở tâm đã được thanh-tịnh và sáng-suốt, có một trí-huệ sáng hơn các vì tinh-tú (Tú-vương: reine des constellations).
Tiếng huyền-diệu ấy chỉ trổi lên ở những tâm, ở những người đã từ lâu trồng cội lành, gần gũi, hy-sanh cho Chân-lý (Phật) và đang sống vững trong Chánh-định.
Nhưng đừng tưởng chúng-sanh Ta-bà không có tiếng huyền-diệu ấy. Tuy họ còn sống trong xao-xuyến, trong nhơ xấu, họ vẫn có ánh sáng nơi lòng, họ vẫn có các công-đức, chỉ hềm ánh-sáng lòng của họ còn nhỏ, chưa khắp chiếu (thân Phật nhỏ) và các công-đức của họ cũng còn ít oi (thân Bồ-tát nhỏ).
Tiếng huyền diệu ấy ở cõi Ta-bà này mà trổi lên được (Bồ-tát Diệu-Âm qua cõi Ta-bà) là khi nào con người dùng được sức mạnh của tâm (sức thần của Như-Lai), khi nào con người không còn một trở ngại nào trong tâm (thần thông du hí của Như-Lai), khi tâm đã được công-đức và trí-huệ trang-nghiêm.
Phải có chánh-định, tiếng ấy mới phát xuất. Tuy nói phát xuất, thật ra không rời khỏi tâm (Bồ-tát Diệu-Âm không rời khỏi toà) và tuy chưa thật đúng là tiếng của Chân-lý tuyệt đối (cách pháp toà chẳng xa), vẫn là tiếng của cái phàm đã thành thánh, cái dơ đã thành trong sạch (84.000 hoa sen báu).
Ai nghe được tiếng ấy (khi Diệu-Âm qua đến cõi Ta-bà) phải trải qua nhiều cuộc thay đổi chấn động trong tâm hồn (các nước trải qua đều chấn động 6 điệu, mưa hoa, nhạc trời), những chấn động tốt đẹp, êm ái. Tiếng đó là tiếng của Ánh-Sáng (trăm ngàn muôn mặt trăng không bằng), là tiếng của cái Thường-tồn([1])(thân sắc vàng ròng), của cái Bất hoại (như thân Na-la-diên bền chắc), nói trắng là của Tâm.
Sau đây, là những điều-kiện làm phát sanh tiếng huyền diệu ấy:
_ Ít bệnh, ít lo, thơ thới an vui trong mọi trạng thái, trong mọi việc làm
_Thân tứ đại điều hoà
_nhẫn được việc đời, không nóng nảy, bực dọc
_chế ngự dễ dàng tư-tưởng của mình (chúng-sanh dễ độ)
_không có nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn
_không trái đạo hiếu, không thất lễ với người xuất gia, không còn tà kiến, không còn tâm chẳng lành, không còn thu nắm những gì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cảm xúc ( 5 tình)
_hàng phục được tất cả các thù oán
_thích nghe biết sự thật (nghe pháp) và dám chịu mệt nhọc, an vui mà nghe pháp.
Nói tóm, muốn cho tiếng của cõi lòng thanh-tịnh xuất phát, phải biết hy-sanh cho Sự Giác-ngộ (cúng dường Phật Thích-Ca), phải nghe Pháp (Kinh Pháp-Hoa), phải thấy cho được, nghĩa là hành Trí-huệ (Văn-Thù) phải thực hiện các phương thuốc trừ tâm bệnh (kiến Dược vương), phải mạnh dạn bố-thí xả bỏ mọi của cái thế-gian (kiến Dõng-thí), v.v….
Tâm ai cũng có, vì bởi ai cũng có Tiếng huyền diệu. Gom các tiếng ấy lại thành tiếng sấm trên mây (Vân-Lôi-Âm). Vậy mỗi tiếng chia rẽ cần phải góp phần vào cái Tiếng chung kia, bằng cách hy-sanh cho cái chung ấy (cúng dường Lôi-Âm Như-lai). Có cúng dường (hy-sanh) là được Thanh-tịnh Trí-huệ (sanh tại nước của Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí).
Vì ai cũng có tâm, do đó mà có luôn tiếng huyền diệu của “lương tâm”. Kinh bảo Diệu-Âm có khả năng hiện trong các thân hình và ở mọi nơi, trong hàng phú quí, cũng như trong hàng bần cùng hạ tiện, trong nam cũng như trong nữ, trong người lớn cũng như trong con trẻ. Ai nói được lời nói đạo đức, ai nghe được tiếng thúc dục lành sạch của chân tâm, Bồ-tát Diệu-Âm đã hiện trong thân người ấy. Thậm chí trong những kẻ quá ác, quá nhiều tội lỗi (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), hay trong chỗ trác táng xa hoa, dâm dục (trong hậu cung), tiếng nói diệu huyền cũng có thể trổi lên để thức tỉnh những con người sa ngã.
Tuy nhiên, vì trình độ của mỗi người mỗi khác, cho nên tiếng ấy có khi trổi lên như tiếng hoặc của giáo pháp Thanh-văn, hoặc của Duyên-giác, hoặc của Bồ-tát, hoặc của Phật. Nhưng có khi lại không trổi (diệt độ) mà cũng vẫn có hiệu nghiệm giải-thoát, như người mắng mình mà mình làm thinh chấp nhận chịu. Cái làm thinh đó đủ làm tỉnh kẻ mắng mình.
Vì tiếng diệu huyền ấy ở trong mọi thân. Kinh quyền nói Bồ-tát Diệu-Âm ở trong tam-muội “Hiện-nhất-thế sắc-thân”, nghĩa là thân nào, người nào cũng có thể làm trổi dậy tiếng của tâm mình, nếu mình giữ tâm chánh-định (tam muội)
*
* *
Ý kinh ở đây dạy phải cố-gắng nghe cho được tiếng của nội tâm. Tiếng đó huyền diệu lạ lùng vì không phải dùng hai lỗ tai phàm và trong cảnh bất thanh-tịnh mà nghe được. Phải có những điều kiện như trên, tiếng ấy mới nói và chúng ta mới nghe được. Và tiếng ấy có thể phát ra ở những người mà “Phật và Bồ-tát còn nhỏ”. Nói một cách khác, dầu thấp kém đến đâu về mặt đạo-đức, sáng-suốt, thanh-tịnh, vị-tha, con người đều có thể nghe được tiếng của cõi lòng chân-tịnh cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]