Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tinh Hoa Kinh Hoa Nghiêm (sách pdf của NS Thích Nữ Giới Hương)

13/10/202308:37(Xem: 4565)
Tinh Hoa Kinh Hoa Nghiêm (sách pdf của NS Thích Nữ Giới Hương)
tinh hoa-kinh hoa nghiem


Chương 1

 

TỔNG QUAN KINH HOA NGHIÊM

  1. Định nghĩa tên kinh
  2. Sáu pháp thành tựu
  3. Năm thời giáo trong Hoa Nghiêm tông
  4. Nguổn gốc kinh Hoa Nghiêm

4.1. Du nhập Trung Quốc và Nhật Bản

4.2.   Các bản dịch Kinh Hoa Nghiêm

4.3.   Sớ giải Kinh Hoa Nghiêm

  1. Hoa Nghiêm tông tại Trung Hoa
  2. Hoa Nghiêm tông tại Nhật Bản
  3. Hoa Nghiêm tông tại Việt Nam
  4. Hoa Nghiêm tông tại Hoa Kỳ
  5. Sự phổ biến của tông Hoa Nghiêm hiện nay.

 

***

 

1.   ĐỊNH NGHĨA TÊN KINH

Hoa Nghiêm nói đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Avataṃsaka Sūtra hay Buddhāvataṃsaka-nāma-

mahāvaipulya-sūtra).

Đại là lớn, thể tánh tột cùng rốt ráo của pháp giới.

Phương là tướng vuông (vuông tròn, đầy đặn), viên mãn, bình đẳng giống nhau.

Quảng là rộng, diệu dụng tròn khắp, vô ngại khắp thái hư. Phật là trí tánh giác ngộ, bổn giác.

Hoa là vạn hạnh như Hoa Thập Ba-la-mật có mười cánh. Nghiêm là trang nghiêm như lấy hoa đức hạnh trang nghiêm tâm. Kinh: Lời dạy của các bậc thánh nhân.

Tổ Thanh Lương1 dạy: “Đại Phương Quảng là pháp để chứng. Phật Hoa Nghiêm chính là người có thể chứng [cái pháp ấy]”. Pháp được chứng ấy chẳng rời bổn trí. Người có thể chứng pháp ấy chẳng rời diệu hạnh, do chúng cùng một đạo vậy.

Duy Tắc Thiền sư2 dạy: Đại phương quảng là siêu việt số lượng.

Đại: thể tánh bao gồm tất cả.

Phương quảng: nghiệp dụng phổ biến khắp nơi.

Phật: quả giác viên mãn.

Hoa: dụ cho vạn hạnh khai mở.

Nghiêm: đại pháp trang nghiêm thành tựu cho con người.

Kinh: xuyên thấu tất cả pháp.

Đại phương quảng là pháp sở chứng.

Phật là người năng chứng.

Hai chữ Hoa Nghiêm dụ cho Phật ở nơi nhân địa mà vạn hạnh như hoa; dùng hoa này mà trang nghiêm quả địa, nên gọi là Hoa Nghiêm

      .                                                                                                  

1        Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải – Đại Sư Giới Hoàn https://www.niemphat.net/Kinh/hoanghiemyeugiai.htm

2        Yếu chỉ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh do Duy tắc Thiền sư lược giảng

https://www.chuatulam.net/p133a230/ye-u-chi-kinh-hoa-nghiem


 

2.  SÁU ĐIỀU CHỨNG TÍN CỦA KINH HOA NGHIÊM

Sáu điều chứng tín còn gọi là Lục chủng thành tựu. Ở mỗi bài kinh thường được mở đầu có sáu điều chứng tín như là sáu điều chứng cứ của tôn giả A Nan nêu ra để thính chúng nghe, sẽ cảm thấy đủ lòng tin về bài pháp thoại mà A Nan tụng, xác chứng là do Phật Thích Ca thuyết. Lục chủng chứng tín giống như biên bản của thư ký trong các phiên họp văn phòng.

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm 1. Thế Chủ Diệu Nghiêm, lục chủng thành tựu được trình bày như sau:

  1. Văn thành tựu: “Tôi nghe” nghĩa là chỉ cho tôn giả A Nan người nghe kinh Hoa Nghiêm này.
  2. Tín thành tựu: “Như vậy” là chỉ pháp thoại mà A Nan nghe Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm có 40 phẩm giống như vậy.
  3. Thời thành tựu: “Một lúc” là thời gian nói kinh, khoảng thời gian lúc nào đó trong thời quá khứ.
  4. Chủ thành tựu: “Đức Phật” nghĩa là chỉ cho vị chủ tọa trong buổi thuyết pháp. Trong Hoa Nghiêm có nhiều vị Bồ-Tát như Phổ Hiền (phẩm 3,4,5,6, 27, 28, 36, 38 và 40), Văn Thù (phẩm 7, 11, 39), Hiền Thủ (phẩm 12), Pháp Huệ (phẩm 14, 15, 16, 17, 18), Công Đức Lâm Bồ-Tát (phẩm 20), Kim Cang Tràng (phẩm 24), Kim Cang Tạng (phẩm 26), Công Đức Lâm (phẩm 20, 21, 22), Phổ Nhãn (phẩm 27), Tâm Vương (phẩm 29, 30, 31, 32), Liên Hoa Tạng (phẩm 33), Tánh Khởi Diệu Đức (phẩm 37)... nương thần lực của Đức Phật để trình bày con đường Bồ-Tát hạnh.

Kinh A Di Đà là không người thỉnh giảng, Đức Phật Thích Ca tự thuyết, gọi là vô vấn tự thuyết, vì không ai biết cảnh giới Cực Lạc, nên Đức Phật Thích Ca phải tự giới thiệu thì chúng ta mới biết. Hoa Nghiêm rất nhiều pháp sư, Đức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai, Đức Phật Thích Ca, chư Bồ-Tát và 53 vị thiện tri thức mà Thiện tài Đồng Tử đến tham học, vv...nên pháp sư trong Hoa Nghiêm cũng rất đặc biệt, so với các kinh đại thừa khác.

  1. Xứ thành tựu: tại Bồ đề đạo Tràng (nước Ma Kiệt Đà), Rừng

 

Thệ Đà, vườn Cấp Cô Độc, nhưng chẳng rời cội bồ đề mà ngài nhập tam muội, thăng lên giảng ở những pháp hội khác như ở cõi trời Đao Lợi, cung thiên Dạ Ma, Đâu Suất, cung trời Tha Hóa Tự Tại, núi Tu Di, thế giới huyền hoa tạng vv... Hội trường của Hoa Nghiêm không hạn cuộc bởi không gian và thời gian, vừa ở cõi trần, vừa ở cõi trời biến hóa nhiều nơi mà không rời cội bồ đề, nên kinh Hoa Nghiêm rất đặc biệt khác với các kinh đại thừa khác.

  1. Chúng thành tựu: Bồ-Tát, vô số chúng thần, tám bộ trời, các thiện thần... đều nghe Đức Phật và đại diện Bồ-Tát nương thần lực của Phật để thuyết pháp. Hội chúng thính pháp rất nhiều như số vi trần, không đếm được.

 

3. NĂM THỜI GIÁO TRONG HOA NGHIÊM TÔNG

Tông Hoa nghiêm cũng chia 49 năm thuyết pháp của đức Phật Thích-ca thành năm thời:

  1. Thời A Hàm (Phật giáo Nguyên Thủy nói về 5 bộ Nikaya nói về Nhân thừa, Thiên thừa và Thanh Văn thừa…).
  2. Phương Đẳng (thời giáo đầu của Đại thừa nói về Pháp tướng tông và Tam luận tông như kinh Duy-Ma, kinh Thắng Man. Phương là vuông, đầy đặn. Đẳng là bình đẳng. Thời

sắp sữa hoàn thành đại thừa, sắp sửa nói điều gì đó đầy đủ, bình đẳng giữa Phật và chúng sanh).

  1. Thời giáo Đại thừa (Thiên Thai tông, như kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm.... Thờ đại thừa chỉ ra tánh Phật nơi mỗi chúng sanh).
  2. Đốn giáo (Thiền tông: Bát Nhã, trí tuệ sáng rỡ, chủ nhân ông thường còn nơi mỗi hữu tình và vô tình, tức tâm tức Phật).
    1. Viên giáo Đại thừa (Hoa Nghiêm tông, thời tối thượng thừa, nhất thừa, Phật thừa nơi vạn pháp, sự sự vô ngại pháp giới. Vạn pháp là thân).

Hoa Nghiêm là thời cuối cùng, được xem là rốt ráo, trọn vẹn


 

nhất, chủ trương nguyên lý tương sinh tương khởi mà vạn pháp có thiên sai ngàn trạng, nhưng bản thể vô sai biệt, đồng thể viên dung tự tại.

 

4.  NGUỔN GỐC KINH HOA NGHIÊM

4.1.                                                DU NHẬP TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN

Theo tài liệu sử học Phật Giáo Ấn Độ thì bộ Kinh Hoa Nghiêm được biên soạn trước Bồ-Tát Long Thọ khoảng 100 - 200 năm. Ngài Mã Minh Bồ-Tát có công triển khai tư tưởng Hoa Nghiêm một thế kỷ, trước khi ngài Long Thọ ra đời, nhưng phải nhờ Bồ- Tát Long Thọ ra công xiển dương.

Tương truyền rằng Bồ-tát Long Thọ (người Ấn Độ, sinh sau Đức Phật 600 năm) phải xuống Long Cung sao chép lại và đem lên dương thế hoằng truyền kinh này ở đời.

Vào năm 418, thời Đông Tấn, Kinh Hoa Nghiêm được truyền vào Trung Quốc (dù Phật giáo đã du nhập Trung Quốc vào thế kỷ thứ Nhất Dương lịch) và sau đó, các nhà dịch giả chuyển ngữ Kinh Hoa Nghiêm từ tiếng Phạn sang tiếng Hán.3

Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm của Hòa Thượng Thích Trí Quảng4 ghi rằng Kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng được phát triển mạnh ở Trung Quốc và Nhật Bản, có ba bộ như sau:

  1. Đại Hoa Nghiêm do Pháp Thân Tỳ-Lô-Giá-Na chuyển.
  2. Trung Hoa Nghiêm do Báo Thân Tỳ-Lô-Giá-Na chuyển.
  3. Do ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết.

Cả ba bộ Kinh này đều ở cung rồng Ta Kiệt La, nhưng do bộ đại và trung lớn quan, nên Đại sư Long Thọ chỉ mang bộ tiểu Hoa


 

3        Khái Luận Triết Lý Kinh Hoa Nghiêm, Thích Đức Nhuận, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới California, USA Xuất bản 2000

https://thuvienhoasen.org/a1211/phan-01-noi-dung-triet-ly-kinh-hoa- nghiem

4        Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm, Hòa Thượng Thích Trí Quảng. https://thuvienhoasen.org/a18865/luoc-giai-kinh-hoa-nghiem


 

Nghiêm gồm có 100.000 bài kệ và sau đó lọc lại chỉ còn 45.000 bài kệ.

Hòa Thượng Tuyên Hóa5 giải thích rằng: “Tận cõi hư không cùng khắp Pháp Giới, không một nơi nào chẳng phải là trú xứ của Kinh Hoa Nghiêm. Mà trú xứ của Kinh Hoa Nghiêm chính là trú xứ của Phật cũng chính là trú xứ của Pháp, cũng chính là trú xứ của Hiền Thánh Tăng, cho nên khi Phật mới thành Chánh Giác, liền nói bộ Kinh Hoa Nghiêm này giáo hóa tất cả Pháp thân Bồ-Tát. Vì là bộ kinh mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, thế nên đem cất giữ nó trong cung rồng để Long Vương giữ gìn. Sau này, Bồ-Tát Long Thọ mới đem lên cho chúng ta.”

 

4.2.   CÁC BẢN DỊCH KINH HOA NGHIÊM
  1. Bản dịch đầu tiên (hay Cựu dịch) của Kinh Hoa Nghiêm thuộc đời Đông Tấn (317-419) do ngài Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra - Giác Hiền), người Bắc Thiên Trúc dịch, gồm 60 quyển, 36 phẩm, 36.000 bài tụng.

Bản này gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm, hay Tấn Kinh, hay Cựu Kinh.

  1. Bản hai (hay tân dịch) đời nhà Đường (618-607) do Ngài Thực Xoa Nan Đà (Giksananda-Hỷ Học), người nước Vu Điền (Kotan) tái dịch bản cũ, gồm 80 quyển, 39 phẩm,

45.000 bài tụng, tức là hơn quyển trên 9.000 bài tụng.

Bản này gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm hay Đường kinh hay Tân kinh.

  1. Bản ba cũng đời Đường do ngài Bát Nhã nước Kế Tân (Kaboul), gồm 40 quyển, và dịch phẩm cốt yếu là Nhập Pháp Giới (kể truyện Thiện Tài Đồng tử). Bản này còn gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm.


5        Giảng Giải Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. 25 tập. Hòa Thượng Tuyên Hóa.

https://thuvienhoasen.org/a25244/kinh-hoa-nghiem-dai-phuong-quang- phat-giang-giai


 

Sau đó, bản tân dịch, đời nhà Đường (618-607) do Ngài Thực Xoa Nan Đà (Giksananda-Hỷ Học) truyền vào Việt Nam và được Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt. 4 tập (đã tái bản lần thứ 12. Nhà xuất bản Tôn Giáo. Pl 2563. DL 2019). Từ đó, kinh Hoa Nghiêm và tông Hoa Nghiêm đã phổ biến trong giới Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt các chùa theo truyền thống Bắc tông ở Việt Nam hay tụng giảng thuyết phổ biến kinh này. Có chư tổ trích máu hay mực để thơ tả Hoa Nghiêm và được hậu thế xây tháp để thờ phượng, như ở Bồ đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ, phía phải (từ ngoài nhìn vào) có Tháp Hoa Nghiêm thờ bộ Hoa Nghiêm được tương truyền viết bằng mực và một bộ bằng lá cọ.

 

4.3.   SỚ GIẢI KINH HOA NGHIÊM
  1. Hoa Nghiêm Nhất Thừa Thập huyền Môn,1 quyển, ngài Đỗ Thuận Thuyết.
  2. Hoa nghiêm Ngũ Thập Yếu Vấn Đáp, 2 quyển, ngài Trí Nghiễm soạn.
  3. Hoa nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, 20 quyển, và Hoa nghiêm Kinh Kim Sư Tử Chương Chú, 1 quyển, Ngài Pháp Tạng (Hiền Thủ) soạn.
  4. Hoa Nghiêm Đại Sớ Sao, 90 quyển, của ngài Trừng Quán (Thanh Lương) soạn.
  5. Tục Hoa Kinh Lược Sớ Sao Định Ký, 15 quyển, của Ngài Tuệ Uyển soạn.
  6. Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận, 1 quyển, của Ngài Tông Mật (Khuê Phong)soạn.
  7. Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận, 40 quyển, của trưởng giả Lý Thông Huyền soạn,v.v…

 

5.  HOA NGHIÊM TÔNG TẠI TRUNG HOA

Hoa Nghiêm thuộc về bộ phái Đại thừa và là một trong mười tông phái6 Trung Hoa nổi tiếng. Hoa Nghiêm Tông được thành lập và lấy kinh Hoa Nghiêm làm kinh căn bản chủ đạo chính của mình.7

Các vị tổ của tông Hoa Nghiêm Trung Hoa được biết đến như:

5.1.  Sơ Tổ Đỗ Thuận Hay Pháp Thuận (557-640)

Đỗ Thuận xuất gia năm 18 tuổi với thánh tăng Đạo Trân. Ngài là một thuật sĩ và dược sĩ có tay phục dược trị bịnh cho vua Đường Thái Tông và nhiều vị trong cung, nên được vua phong chức Đế Tâm tôn giả. Công án tu tập theo lý Tứ Pháp Giới của Kinh Hoa Nghiêm do tổ lập Tông Hoa Nghiêm là:

Bò Thanh Châu ăn cỏ

Ngựa Ích Châu chướng bụng. Thiên hạ tìm thày thuốc,

Cứu bắp chân trái heo.

Bên cạnh đó, sơ tổ viết nhiều sớ giải Hoa Nghiêm để giúp hành giả có thể dễ dàng tu tập Hoa Nghiêm, như cuốn Pháp giới quan môn, Vọng tận hoàn nguyên quan, Hoa Nghiêm Ngũ giáo chỉ quán, Hoa Nghiêm Nhất thừa Thập Huyền môn vv... Tục truyền khi Ngài viết xong quyển Hoa Nghiêm Pháp giới quan môn, Ngài ném sách này vào lửa, với lời nguyện rằng: Nếu sách này, không có gì sai lời Phật dạy, thì xin cho sách đừng bị cháy. Thật huyền diệu, sách hoàn toàn không bị cháy thật.

 


6        Mười tông phái Phật giáo: Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá tông và Thành Thật tông.

Trong 10 tông này, Câu Xá tông và Thành Thật tông chủ trương về Tiểu thừa; Luật tông và Thiền tông thông cả Đại và Tiểu Thừa, còn 6 tông kia thuộc về Đại Thừa.

7        Các tông phái Phật Giáo – Đoàn Trung Còn https://thuvienhoasen.org/a13583/hoa-nghiem-tong


 

Ngài được xem như hóa thân của Văn Thù Bồ-Tát giáng trần.

 

5.2.  Nhị Tổ Vân Hoa Trí Nghiễm Hay Chí Tương Tôn Giả (602-688)

Năm Khai Hoàng thứ 20, Vân Hoa Trí Nghiễm được sinh ra đời và lúc đó, nhà tỏa hương thơm ngát. Năm 12 tuổi, tổ Pháp Thuận đến thăm và xin đem Trí Nghiễm về làm đệ tử xuất gia. Tam Tạng kinh điển rất nhiều, Trí Nghiễm đứng trước khấn nguyện và rút ra một quyển để chọn học, rất linh nghiệm, không ngờ đó là Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi lãnh hội tông chỉ Hoa Nghiêm rồi, nhị tổ đã biên soạn nhiều sớ giải về Kinh Hoa Nghiêm, như Thập Huyền môn (Cổ Huyền môn), Lục Tướng, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm trung sưu huyền phân tề thông trí phương quĩ, Hoa Nghiêm ngũ thập yếu vấn đáp, Hoa Nghiêm Kinh nội chương môn đẳng tạp khổng mục chương v.v...

Trí Nghiễm rất tài hoa và có tài vẽ tranh. Nhờ tổ mà Hoa Nghiêm Tông phát triển rất mạnh. Ngài thị tịch lúc 72 tuổi.

 

5.3.  Tam Tổ Pháp Tạng Pháp Sư Hay Hiền Thủ Pháp Sư (643-712)

Thể hiện tinh thần kính ngưỡng đạo pháp, năm 16 tuổi, ngài chặt một ngón tay cúng dường Phật. Năm 18 tuổi đi khắp nơi tìm thầy dạy, nhưng không gặp ai vừa ý, nên ẩn tu nhiều năm. Sau nghe được kinh Hoa Nghiêm do Tổ Trí Nghiễm giảng tại chùa Hoa Vân ở Kinh Thành, cảm kích và ngài liền đảnh lễ xin làm đệ tử và sau này trở thành tam tổ kế vị nhị tổ.

Tam tổ Pháp Tạng cũng cống hiến rất nhiều cho tông Hoa Nghiêm với 15 sáng tác chuyên về pháp tu Hoa Nghiêm như:

-  Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký

-  Hoa Nghiêm Kinh Văn Nghĩa Tổng Mục

-   Vọng tận hoàn nguyên quan Hoa Nghiêm Kinh kim sư tử chương chú v.v...


 

Bởi vì trí tuệ xuất sắc này, Hiền Thủ (Hiền sĩ số một) được xem như tổ chính của Hoa Nghiêm tông và nhà vua phong ngài là Quốc Nhất Pháp Sư.

Năm 28 tuổi, Hoàng Đế Võ Tắc Thiên mời ngài trụ trì một ngôi chùa do Hoàng Hậu mới xây và Hoàng đế mời ngài giảng thuyết Thập Huyền Môn và Lục Tướng nhiều lần về. Năm 70 tuổi, tổ Pháp Tạng viên tịch và được cả nước Trung Quốc làm quốc táng.

 

5.4.  Tứ Tổ Trừng Quán Pháp Sư (738-840)

Trừng Quán Pháp Sư (738-840) cũng biên soạn nhiều Hoa Nghiêm sớ giải như Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao, Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, Trinh Nguyên Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh Sớ Hoa Nghiêm Hạnh Nguyện Sớ Liệu, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao v.v... Năm 1979, Đài Bắc đã cho xuất bản Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh của ngài ra tiếng Trung Hoa và Anh ngữ (Flower Adornment Sutra Preface).

Tổ được phong là Thanh Lương Quốc Sư trong bảy đời vua (Đại tông, Đức Tông, Thuận Tông, Huệ Tông, Mục Tông, Kính Tông, Văn Tông). Tuy danh vọng thế, nhưng ngài sống rất thánh thiện thanh bần. Ngài lập Thập Nguyện luôn mặc đạo bào, tránh tuyệt nữ sắc v.v... Ngài được xem như hóa thân của Hoa Nghiêm Bồ-Tát.

 

5.5.  Ngũ Tổ Khuê Phong, Tông Mật Thiền Sư (780-841)

Ngũ tổ Thiền sư Tông Mật thường giảng kinh Viên Giác và đã biên soạn cuốn Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận. Vào thời kỳ Đường Võ Tông (năm 845), Phật giáo bị pháp nạn, nhiều kinh luận bị đốt. Hoa nghiêm tông cùng Phật Giáo bị gián đoạn.

 

5.6.  Lục Tổ Đại Sư Tử Tuyền

Vào đời Tống, có đại sư Tử Tuyền (965-1038) đứng ra trùng hưng lại Hoa Nghiêm tông. Đệ tử của ngài là Tịnh Nguyên cũng có soạn sớ giải kinh, lại thêm có bốn vị Đạo Đình, Quan Phục,


 

Sư Hội, Hy Địch đều có soạn chú giải về năm phần giáo của Hoa nghiêm tông. Nhờ đó mà tông này được hưng thịnh trở lại. Người đời tôn xưng bốn vị này là Tứ đại gia đời Tống.

Truyền nối về sau, Hoa nghiêm tông tiếp tục có rất nhiều bậc danh tăng đạo cao đức trọng, như đời Nguyên (1279 – 1368) có các ngài Phổ Thuỵ, Viên Giác, Bổn Hao, Bàn Cốc, Văn Tài, Đạt Ích Ba... ; đời Minh (1368 – 1644) có các vị Đức Thanh, Cổ Đình, Lý Trác Ngô, Đạo Thông, Như Phi, Tổ Trụ...; sang đời nhà Thanh còn có các vị Chu Khắc Phục, Tục Pháp...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]