Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 1: Phạm Thiên

17/06/201607:56(Xem: 6169)
Phẩm 1: Phạm Thiên
Quan Am Bo Tat (2)
KINH ĐẠI BI
Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá,
người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc,
vào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577).

Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn,
tại Canada, năm 2016.

 

 

Phẩm 1

PHẠM THIÊN


 

Đây là những điều chính tôi được nghe:

Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn sắp nhập niết-bàn, bèn bảo tôn giả A Nan rằng:

“Thầy hãy trải ngọa cụ cho Như Lai ở giữa những cây ta-la, theo tư thế nằm nghiêng về hông bên phải, như thế nằm của sư tử chúa; sau nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ nhập niết bàn. Này A Nan! Như Lai đã rốt ráo niết bàn; đã đoạn trừ tất cả những lời nói hữu vi, lời nói của Như Lai như cam lồ, không quanh co tối nghĩa. Như Lai đã làm xong tất cả các phật sự, hoàn toàn vắng lặng, định lực sâu xa vi diệu, khó thấy, khó biết, khó suy lường. Trí tuệ sáng suốt của Như Lai hiểu biết tất cả các pháp thánh hiền. Như Lai đã ba lần chuyển bánh xe pháp vô thượng, mà các hàng sa-môn, bà-la-môn, trời, người, ma vương, không thể chuyển được. Như Lai đã đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, chèo thuyền pháp, xây cầu pháp, rưới mưa pháp. Như Lai đã soi sáng cho ba ngàn đại thiên thế giới, diệt trừ hết tối tăm, chỉ bày cho chúng sinh con đường giải thoát, đem chánh đạo làm lợi ích cho hàng trời, người; những ai đáng độ đều đã được độ. Như Lai đã hàng phục hết tất cả các ngoại đạo và tà thuyết, làm chấn động các cung điện của ma vương. Như Lai đã dùng tiếng rống của sư tử chúa để làm phật sự, xây dựng sự nghiệp của bậc đại trượng phu, chu toàn thệ nguyện của các kiếp xa xưa, hộ trì pháp nhãn, dạy dỗ cho hàng Thanh-văn, thọ kí cho hàng Bồ-tát, làm cho phật nhãn không bị dứt mất ở đời vị lai. Này A Nan! Từ nay về sau Như Lai không còn gì phải làm nữa, chỉ an trú trong cảnh giới niết-bàn.”

Tôn giả A Nan nghe những lời Phật dạy mà cảm thấy như bị tên bắn vào người, đau xót vô cùng! Tôn giả buồn khóc, nước mắt ràn rụa, bạch Phật rằng:

“Đức Thế Tôn nhập niết-bàn sớm quá! Bậc Thiện Thệ nhập niết-bàn sớm quá! Con mắt của thế gian đã diệt mất rồi! Thế gian thật là cô độc, không còn có bậc đạo sư, không còn có người cứu hộ!”

Phật bảo tôn giả A Nan:

“Này A Nan, thầy chớ lo buồn! Các pháp đã sinh, các pháp hiện hữu, các pháp hữu vi, các pháp tàn hoại, mà không hủy diệt thì đó là chuyện không thể có được. Như Lai trước đây đã từng bảo thầy rằng: Tất cả những gì mình yêu mến, ưng ý, chắc chắn rồi sẽ lìa tan. A Nan! Thầy đã dùng từ tâm, một lòng một dạ, đem cả thân tâm mà hầu hạ, chăm sóc cho Như Lai, không chút gì nề hà. Nếu có hàng trời, người, a-tu-la nào cúng dường, hầu hạ các bậc Thanh-văn, Duyên-giác trong gần một kiếp hoặc tròn một kiếp; nếu lại có người cúng dường, hầu hạ Như Lai chỉ trong một khoảnh khắc, thì phước đức của người này hơn các hàng trời, người, a-tu-la kia rất nhiều. Thầy đã cúng dường, hầu hạ đức Phật đại thần thông cho đến giờ phút nhập niết-bàn, thì công đức của thầy thật vô cùng rộng lớn, giống như vị cam lồ bậc nhất trong các vị cam lồ; đó là vị cam lồ sau cùng, là niết-bàn rốt ráo. Vì vậy cho nên, A Nan! Thầy chớ nên lo buồn!”

Bấy giờ tôn giả A Nan lau nước mắt, trải ngọa cụ cho đức Phật ở giữa những cây ta-la, theo tư thế nằm nghiêng về hông bên phải, như thế nằm của sư tử chúa. Tức thì, tất cả rừng cây hoa cỏ trong khắp ba ngàn đại thiên thế giới, đều hướng về nơi đức Phật sắp nhập niết-bàn; có cây muốn nghiêng đổ, có cây khom mình xuống, có cây cúi sát đất, có cây ngã nằm trên mặt đất. Trong khắp ba ngàn đại thiên thế giới, những con sông lớn, sông nhỏ, suối khe, vân vân, đều ngừng chảy; những loài cầm thú đều đứng lặng yên, không kêu, không ăn; tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đều mất ánh sáng; những ngọn lửa mạnh thảy đều tắt ngúm. Trong khắp ba ngàn đại thiên thế giới, nhờ thần lực của Phật, tất cả lửa dữ trong chốn địa ngục đều trở nên mát mẻ; tất cả chúng sinh ở địa ngục, trong phút chốc đều được an vui; tất cả các loài bàng sinh đều khởi tâm từ, thương nhau, không giận ghét, không làm tổn hại, hay giết chóc nhau; tất cả loài ngạ quỉ đều không bị đói khát; tất cả chúng sinh, thân tâm đều hết khổ não, được an lạc, đầy đủ những sự vừa ý.

Đương khi đức Thế Tôn nằm xuống, nghiêng mình về phía hông bên phải, thì trong khắp ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả đại địa, núi lớn, biển lớn, đều chấn động mạnh; gió không chuyển động; tất cả chúng sinh, trong khoảnh khắc được yên ổn, không tạo nghiệp, lìa khỏi trạng thái dật dờ, tâm không tán loạn, niệm tạo tác dứt bặt, im lặng, không tiếng tăm. Chư vị Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ Thế Thiên Vương, do thần lực của Phật, đều thấy cung điện, hoa viên, chỗ ngồi, chỗ nằm của mình đều tối tăm, mất hết ánh sáng, không có gì đáng ưa thích, các quyến thuộc của họ đều lo phiền, không vui. Vị chúa tể của một ngàn thế giới là trời Phạm Thiên Vương và chúa tể của ba ngàn đại thiên thế giới là trời Đại Phạm Thiên vương, với tâm tự cao tự thị, suy nghĩ rằng: “Thế giới này và các chúng sinh ở trong đó, đều do ta tạo tác, do ta biến hóa ra.” Trời Đại Phạm Thiên Vương, do thần lực của Phật, thấy cung điện và chỗ ngồi, chỗ nằm của mình đều tối tăm, mất hết ánh sáng, không có gì đáng ưa thích. Trời Ma Hê Thủ La và các vị trời Tịnh Cư cũng thấy như vậy.

Bấy giờ, trời Đại Phạm Thiên Vương tự hỏi thầm rằng: “Do sức của ai mà hiện ra tướng trạng này, khiến cho ta không còn ưa thích cung điện và chỗ ngồi, chỗ nằm của ta nữa?” Trời Đại Phạm Thiên Vương liền quan sát khắp nơi trong ba ngàn đại thiên thế giới, thấy rằng, đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, sau nửa đêm nay sẽ nhập niết-bàn, cho nên đã dùng thần lực biến hóa việc chưa từng có, không thể nghĩ lường này. Thần lực này chính là tướng nhập niết-bàn của đức Như Lai. Trời Đại Phạm Thiên Vương suy nghĩ như thế xong, vừa buồn rầu không vui, vừa sợ hãi đến nỗi lông tóc dựng đứng lên. Ông cùng với chúng Phạm Thiên đang vây quanh, tức tốc đi đến chỗ đức Phật ngự. Chư vị Phạm Thiên khác trong ba ngàn đại thiên thế giới đều đã từng tin nhận thánh pháp và đang an trú trong thánh pháp.

Sau khi đã đến chỗ Phật ngự, trời Đại Phạm Thiên Vương cúi đầu đảnh lễ đức Phật, và thưa rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho con: Làm thế nào để an trụ? Tu hành như thế nào?”

Đức Phật hỏi lại trời Đại Phạm Thiên Vương:

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Có thật ngài đã nghĩ rằng: [Ta là Đại Phạm Thiên Vương; ta là người trí; ta hơn tất cả; tất cả không ai bằng ta. Ta là vị chúa tể đại tự tại trong ba ngàn đại thiên thế giới; ta tạo tác ra chúng sinh; ta hóa hiện ra chúng sinh; ta tạo tác ra thế giới; ta hóa hiện ra thế giới.] Có thật ngài đã nghĩ như thế chăng?”

Trời Đại Phạm Thiên Vương thưa:

“Dạ đúng, con đã nghĩ như thế, bạch đức Thế Tôn!”

Đức Phật hỏi tiếp:

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Còn ngài thì đã do ai tạo tác ra? Do ai hóa hiện ra?”

Nghe Phật hỏi như vậy, trời Đại Phạm Thiên Vương chỉ đứng im lặng. Thấy thế, đức Phật lại hỏi tiếp:

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Đến thời kì hỏa tai phát động, ba ngàn đại thiên thế giới này sẽ bị lửa mạnh đốt cháy thiêu rụi; ý ngài thế nào, có phải đó là do ngài làm ra, do ngài hóa ra hay không?”

Trời Đại Phạm Thiên Vương thưa:

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Đại địa này nương nơi nước mà đứng vững, nước lại nương nơi gió, gió lại nương nơi hư không; như thế, đại địa này dầy sáu trăm tám vạn do tuần, không bị bể nát; ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Hàng trăm ức mặt trời, mặt trăng đang lưu chuyển trong ba ngàn đại thiên thế giới này; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Sẽ có lúc các vị thiên tử của mặt trời, mặt trăng không còn ở trong các cung điện nữa, các cung điện ấy bấy giờ sẽ trống rỗng; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Mặt nước bằng phẳng sáng như gương, chất mềm mại mượt mà như bơ, tánh trong suốt của ngọc ma ni, pha lê, cùng các màu sắc và hình tượng hiện ra từ các khí cụ khác; rồi những thứ như đại địa, núi sông, rừng cây, vườn hoa, cung điện, nhà cửa, thành ấp, xóm làng, lạc đà, lừa ngựa, hươu nai, chim thú, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ Thế Thiên Vương, người, những loài chẳng phải người, vân vân, bao nhiêu là màu sắc và tướng trạng; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Những nơi như sườn núi, hố sâu; những âm thanh phát ra từ trống lớn, trống nhỏ, ca kịch, nai kêu, thú rống, chim hót, người nói, vân vân; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Trong khi nằm mộng, người ta thấy mọi thứ màu sắc, nghe mọi thứ âm thanh, ngửi mọi thứ mùi hương, nếm mọi thứ vị, biết mọi thứ cảm xúc, rõ mọi thứ pháp trần, nào cười đùa, nào khóc lóc kêu la, nào sợ sệt, nào đau khổ, nào vui sướng, vân vân, đủ các thứ cảm thọ; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Như người trong bốn chủng tộc, có người đoan chính, có người xấu xí, có người nghèo khó, có người giàu sang, có người phước đức ít, có người phước đức nhiều, có người giữ giới lành, có người giữ giới ác, có người dùng trí để làm việc lành, có người dùng trí để làm việc ác; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Tất cả chúng sinh thường bị khổ não do nhiều nỗi sợ hãi: nào những tai nạn về nước, lửa, gió và đao binh; nào những sự nguy hiểm trên sườn núi, bên bờ sông; nào những nguy hại của thuốc độc, ác thú, sự cừu oán của loài người và những loài không phải người, và còn bao nhiêu thứ độc hại khác nữa; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh có nhiều tật bệnh: nào bị gió, bị nóng, bị lạnh; nào thời tiết thay đổi bất thường; nào bốn đại không điều hòa; những chứng bệnh về mắt, về tai, về mũi, về lưỡi, về thân, hoặc do họ tự tạo ra, hoặc do quả báo từ đời trước; rồi còn bao nhiêu khổ não trong tâm ý; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh thường bị các tai nạn như nước lụt, giặc cướp, đao binh, đói khát, dịch bệnh; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh ai cũng bị đau khổ khi những kẻ thân yêu như cha mẹ, anh chị em, họ hàng quyến thuộc, các bạn lành, bỗng chốc mà phải sinh li tử biệt; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh tạo ra nhiều nghiệp nhân khác nhau, từ đó mà nhận chịu nhiều quả báo khác nhau ở các chốn địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh, người và trời; chúng sinh dùng thân, miệng, ý để làm các việc lành, mà cũng dùng thân, miệng, ý để làm các việc ác. Thế gian có mười loại nghiệp ác: giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời hung ác, tham lam, sân hận, tà kiến; người làm mười nghiệp ác này, đối với chúng sinh hoàn toàn không có chút lòng từ, không đem lại lợi ích an vui, mà chỉ gây ra khổ não, làm nhân duyên đọa lạc vào các nẻo ác. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh phải chịu nhiều sự đau khổ: nào bị chém đầu, chặt đứt tay chân, xẻo tai cắt mũi, xương cốt gẫy nát; nào bị dầu sôi tưới trên mình, bị lửa thiêu đốt; nào bị roi đánh, bị đao kiếm hay các vật nhọn đâm vào người; nào bị kiện tụng, bị giam cầm tù ngục, vân vân. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh tạo nghiệp tà hạnh, cùng nhiều nghiệp xấu khác; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh tạo nghiệp giết hại, cùng nhiều nghiệp xấu khác; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Thế gian có các tướng trạng sinh già bệnh chết; đầy dẫy những điều gây ra lo buồn khổ não cho cả các chủng tộc, không trừ một ai; các pháp đều vô thường, biến đổi, tận diệt; tất cả những vật làm cho người ta ưa thích không nhàm chán, cũng đều phải bại hoại, lìa tan; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh bị các tánh xấu tham sân si cùng nhiều điều khổ não khác trói buộc ngăn che, làm cho tâm bị mê hoặc, tạo ra vô số hành nghiệp; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Có ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, ở đó chúng sinh phải chịu vô lượng đau khổ; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Tất cả những thứ sinh ra từ đất nước như cây cỏ hoa trái; những thứ có mùi, và đủ loại vị ngọt mặn đắng cay chua chát, chúng sinh ưa thích thứ nào thì làm cho nó phát triển, không thích thứ nào thì bỏ đi; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

“Chúng sinh bị vô minh che phủ, kết chặt với ái dục, để rồi phải lưu chuyển mãi trong năm nẻo đường, lúc sinh lúc tử, khi thành khi hoại, đi chỗ này đến chỗ kia, không biết đâu là đầu, đâu là cuối; cứ thế mà trôi lăn, mà chịu tơ rối cột trói mãi trong thế gian, không mong cầu ra khỏi; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”

Đức Phật hỏi tiếp:

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Thế thì do nguyên nhân nào mà ngài nghĩ rằng: [Các chúng sinh đây là do ta tạo ra, do ta biến hóa, do ta gia trì; thế giới hiện có đây là do ta tạo ra, do ta biến hóa, do ta gia trì]?”

Trời Đại Phạm Thiên Vương thưa:

“Bạch đức Thế Tôn! Con do không có trí tuệ, tâm tà kiến điên đảo chưa đoạn trừ, chưa được nghe và tin nhận chánh pháp do đức Thế Tôn giảng dạy, cho nên đã có những ý nghĩ và lời nói điên cuồng như thế. Bạch đức Thế Tôn! Bây giờ đây, xin cho con được hỏi lại đức Thế Tôn về nghĩa lí ấy: Thế giới hiện có đây là do ai tạo ra, do ai biến hóa ra? Tất cả chúng sinh do ai tạo ra, do ai biến hóa ra, do ai gia trì, do sức gì sinh ra?”

Đức Phật dạy:

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Thế giới này do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra; tất cả chúng sinh là do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra, do sức nghiệp sinh ra. Vì sao thế? Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Do vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có lục nhập, do lục nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sinh, do sinh mà có lão tử và lo buồn đau khổ chồng chất thành khối lớn lao như thế. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Nếu vô minh diệt thì hành cho đến lão tử cũng diệt, và khối lo buồn đau khổ chồng chất kia cũng không còn. Sự việc đó không do ai tạo ra, không do ai bảo ai tạo ra, không do ai an bài; chỉ có nghiệp và pháp! Nghiệp và pháp hòa hợp làm nhân duyên có ra chúng sinh. Nếu ai xa lìa được sự hòa hợp của nghiệp và pháp thì sẽ vĩnh viễn không còn lưu chuyển trong sinh tử. Như thế, thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, hễ nghiệp dứt sạch thì phiền não dứt sạch, và đau khổ cũng dứt sạch. Đó tức là ‘xuất li’, cũng gọi là ‘được niết-bàn tịch tịnh’. Và như vậy, thưa Ngài Đại Phạm Thiên Vương! Ai được niết-bàn thì có nghĩa là người đó đã dứt hết nghiệp, đã xa lìa phiền não, không còn khổ đau. Những pháp đó là do thần lực của chư Phật, do sức gia trì của chư Phật mà có. Vì sao vậy? Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Nếu không có chư Phật ra đời để giảng nói rõ ràng, thì không ai được nghe những pháp như vậy. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Nếu vào lúc chư Phật ra đời, có ai được nghe giáo pháp sáng suốt sâu xa khó hiểu như vậy, người được nghe pháp Sinh thì sẽ từ pháp Sinh mà được giải thoát; người được nghe các pháp Già, Bệnh, Chết, Lo Buồn, Khổ Não, thì sẽ từ những pháp Già, Bệnh, Chết, Lo Buồn, Khổ Não ấy mà được giải thoát. Vì vậy cho nên, thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, chư Phật ra đời để làm như thế, tức là chỉ bày, giảng nói rõ ràng rằng: Các hành là vô thường, biến đổi, không nhất định, không rốt ráo, giống như điện chớp. Giả sử sau khi chư Phật diệt độ mà chánh pháp ẩn mất, thì ý nghĩa cũng giống như vậy; tức là chư Phật ra đời để khai thị, rằng các hành như điện chớp. Nếu chư Phật không xuất hiện ở đời, tất cả các hành vẫn chuyển biến từng khoảnh khắc, như điện chớp, nhưng sẽ không có ai nói các hành giống như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Chư Phật do thấy rõ tất cả các hành là chuyển động, là vô thường, là pháp biến đổi, là pháp tận diệt, như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang; cho nên đã dạy: [Các hành như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang.] Người trí nghe lời dạy ấy, bèn quan sát tướng trạng của các pháp, hiểu được ý nghĩa của lí nhân duyên, cho nên cũng thấy rõ được các hành là chuyển động, là vô thường, là pháp biến đổi, là pháp tận diệt. Các pháp luôn luôn bị li tán, bị hủy hoại, như thời tiết luôn luôn thay đổi. Sự trạng ấy có thể xảy ra trong khoảnh khắc, có thể trong một ngày, một đêm, hay nửa tháng, một tháng, hoặc lâu hơn như một năm, trăm năm; nhưng dù có kéo dài đến một kiếp hay trăm kiếp, thì tất cả cũng phải hoại diệt; gặp các tai nạn lớn như lửa đốt, nước cuốn, gió bay, tất cả đều phải hoại diệt; đại địa và thế giới, có rồi cũng hoàn không; các núi lớn như thiết vi, đại thiết vi, tu-di và các núi đen, có rồi cũng hoàn không; mặt trời, mặt trăng và tinh tú, có rồi cũng hoàn không, có lúc sẽ mất hết ánh sáng, không còn chiếu soi, rồi rớt xuống bể nát; các cung điện của chư thiên, có rồi cũng sẽ tiêu diệt; các nơi như kinh đô, thành ấp, xóm làng, rừng cây, ao hồ, vườn tược, dù xinh đẹp, nhưng đã có sinh thì tất phải có diệt; tất cả trời, người, sinh rồi lại diệt, diệt rồi lại sinh… Những người có trí thấy rõ tướng trạng của các pháp như thế thì tâm sinh nhàm chán, muốn xa lìa các pháp vô thường, biến đổi, tận diệt ấy; cho nên dùng lòng tin bình đẳng, bỏ nhà đi xuất gia; đã biết rõ các hành như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang, lại thấy bóng mặt trời mặt trăng, tinh tú, vân vân in trong nước, do suy nghiệm những sự trạng ấy mà thấu rõ đạo lí nhân duyên của vạn pháp, cho nên đạt được giác ngộ. Cũng có những người trí, nhờ được Phật chỉ dạy và các thiện hữu tri thức giúp đỡ, hoặc tự mình suy nghĩ mà biết rõ các hành là vô thường, như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang; rồi phát khởi lòng tin, bỏ nhà đi xuất gia, hoặc chứng được quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, hoặc quả A-la-hán; nếu theo con đường đại thừa thì sẽ chứng được bậc Nhẫn đầu tiên, hoặc bậc Nhẫn thứ nhì, hoặc bậc Nhẫn thứ ba, hoặc cao hơn nữa, có thể đạt đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Giả sử sau khi chư Phật diệt độ, những giáo pháp như trên vẫn được lưu bố trong thế gian, thì các chúng sinh được nghe giáo pháp ấy sẽ được cứu độ ở một trong ba thừa, là Thanh-văn thừa, Duyên-giác thừa và Vô thượng Phật thừa. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Ngài nên biết, giáo pháp này trước sau đều do chư Phật chỉ dạy; cho nên người trí quán sát thấy tướng trạng của các pháp hành thì tâm sinh nhàm chán, xa lìa, vì họ biết rõ rằng, các pháp hành là vô thường, là đau khổ, là động chuyển, không nhất định, biến đổi, tận diệt, như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Các pháp này cũng là cảnh giới của chư Phật, được chư Phật chỉ dạy; có các chúng sinh đã từng tu tập, được nghe chánh pháp, phát sinh lòng kính tin, thấy rõ các hành là vô thường, là hoại diệt, như điện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang; có những người đã từng tu phạm hạnh với chư Phật, hoặc có người ở tại nhà thọ trì cấm giới, nhờ đó mà hiểu rõ các hành là vô thường, là hoại diệt, như diện chớp, như mộng huyễn, như tiếng vang; biết như thế rồi thì phát khởi lòng tin, bỏ nhà đi xuất gia, tuy vào lúc đó chư Phật chưa ra đời, nhưng do đã gieo trồng căn lành với chư Phật, do được chư Phật gia trì, người đó cũng đạt được đạo quả Bồ-đề. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Ngài nên biết rằng, tất cả đều là cảnh giới của chư Phật, được chư Phật gia trì; ba ngàn đại thiên thế giới này không phải là quốc độ của Phạm Thiên, cũng không phải là quốc độ của ngoại đạo, mà chính là quốc độ của chư Phật. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Như lai đã tu tập hạnh Bồ-tát trải qua vô lượng kiếp, đã gieo trồng căn lành với vô số chư Phật, nào hành trì cấm giới, nào khổ tu phạm hạnh, thực hành vô lượng các pháp tu khổ hạnh khó khăn; nay nhiếp thọ thế giới này để sửa sang thành Phật độ thanh tịnh, nếu có chúng sinh tu căn lành thì tùy theo mức độ tu tập của họ mà có lúc sẽ được cứu độ. Từ lâu xa, Như Lai luôn luôn dùng bốn phép thu phục để thu nhiếp chúng sinh, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Các chúng sinh kia do theo sức thệ nguyện của Như Lai mà sinh về Phật độ này, nghe Như Lai nói pháp liền thông hiểu kính tin, không tin tưởng nơi Phạm Thiên, Đế Thích, hoặc các vị Hộ Thế Thiên Vương. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ngài nên biết như thế, đây là Phật độ, chứ không phải là quốc độ của Phạm Thiên, của Đế Thích, của Hộ Thế Thiên Vương, lại càng không phải là quốc độ của ngoại đạo.”

Lúc bấy giờ, trời Đại Phạm Thiên Vương và hàng trăm, ngàn chúng Phạm Thiên, cùng lộ vẻ buồn rầu, nói với nhau rằng: Chỉ có chư Phật Thế Tôn mới thông đạt giáo pháp thắng diệu hi hữu như thế. Trời Đại Phạm Thiên Vương thầm xưng tán chư Phật rằng: Vì chư Phật hi hữu, mới có vô lượng cảnh giới không thể nghĩ bàn! Tức thì, trời Đại Phạm Thiên Vương xin qui y làm đệ tử Phật, rồi thỉnh cầu rằng:

 “Bạch đức Thế Tôn, bậc Đại Sư của con! Cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho con: Làm thế nào để an trụ? Nên tu hành như thế nào?”

Đức Phật dạy:

“Này Đại Phạm Thiên Vương! Cõi thế giới ba ngàn này là quốc độ của Phật, nay Như Lai đem phó chúc cho ông. Ông nên thuận theo Như Lai, đừng để cho con đường chân thật bị đoạn tuyệt; đừng để cho ba con mắt vô thượng là mắt Phật, mắt Pháp và mắt Tăng bị đoạn tuyệt; đừng để chính mình sau cùng trở thành kẻ hủy diệt chánh pháp! Này Đại Phạm Thiên Vương! Sẽ có trưởng tử của Như Lai là đại Bồ Tát Di Lặc, sinh ra từ miệng Phật, hóa hiện từ pháp Phật, tâm đại bi thương xót chúng sinh, muốn chúng sinh được lợi lạc, an ổn; sẽ bổ xứ làm Phật cũng ở ngay cõi thế giới ba ngàn này, giống như Như Lai ở đây, không có gì khác biệt. Hiện tại ông đã tùy thuận theo sự giáo hóa của Như Lai, thì cũng nên tùy thuận theo đức Phật tương lai kia, đừng để cho con đường chân thật, con mắt Phật, con mắt Pháp, con mắt Tăng bị đoạn tuyệt. Vì sao vậy? Này Đại Phạm Thiên Vương! Cho đến khi nào mẹ của giáo pháp không bị đoạn tuyệt, thì con mắt Phật, con mắt Pháp, con mắt Tăng cũng không bị đoạn tuyệt; con mắt Phạm Thiên, con mắt Đế Thích, con mắt trời, con mắt người, con mắt giải thoát, cho đến con mắt niết-bàn cũng không bị đoạn tuyệt. Vì vậy cho nên, này Đại Phạm Thiên Vương, hôm nay Như Lai đem Phật độ ba ngàn đại thiên thế giới này phó chúc cho ông. Này Đại Phạm Thiên Vương! Những gì Như Lai đã dạy, ông nên tùy thuận, đừng để chính mình sau cùng trở thành kẻ hủy diệt chánh pháp!”

Tất cả chúng Phạm Thiên ở trong ba ngàn đại thiên thế giới đều đã có tâm chánh tín đối với chánh pháp từ trước, giờ đây, Đại Phạm Thiên Vương, vị trời tối cao của chúng Phạm Thiên, cũng tức thì có được lòng tin chân chánh, sâu xa đối với chánh pháp.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]