Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 17: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

27/01/201611:08(Xem: 4435)
Bài 17: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

12). NGÀY THẬP TRAI TỤNG KINH ĐƯỢC PHƯỚC

 

- Lại vầy nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng những ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chin và ba mươi, mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ.

Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi, huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi.

Về đời sau, nếu có chúng sanh nào trong mười ngày trai kể trên đây, mà có thể đối trước hình tượng của chư Phật, Bồ Tát, Hiền, Thánh để đọc tụng kinh này một biến, thời chung quanh chỗ người đó ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần không có xảy ra những việc tai nạn.

Còn chính nhà của người đó ở, tất cả mọi người hoặc già hoặc trẻ về hiện tại và vị-lai đến trăm nghìn năm xa khỏi hẳn các ác đạo.

Trong mười ngày trai trên đây nếu có thể mỗi ngày tụng một biến kinh này, thời trong đời hiện tại hay làm cho người trong nhà không phải mắc phải bịnh tật bất ngờ, đồ ăn mặc dư dật.

Này Phổ Quảng! Vì thế nên biết rằng Ngài Bồ Tát Địa-Tạng có bất khả thuyết trăm nghìn muôn ức những sự oai thần lực lớn nhiều lợi ích cho chúng sanh như thế.

Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề này có nhân duyên lớn với Ngài Địa-Tạng Đại Sĩ. Những chúng sanh đó hoặc được nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa-Tạng, hoặc được thấy hình tượng của Bồ Tát Địa-Tạng, cho đến nghe chừng ba chữ hay năm chữ trong kinh này, hoặc một bài kệ hay một câu, thời những người đó hưởng sự an vui lạ thường trong đời hiện tại, trăm nghìn muôn đời về vị lai thường được thác sanh vào nhà tôn quí, thân hình xinh đẹp.

GIẢI NGHĨA

     Câu đầu đoạn 12, Đức Phật nói: “Này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng những ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chin và ba mươi, mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ”, ý của Kinh muốn hướng dẫn con người ăn chay càng được nhiều càng tốt, nhưng ít ra cũng phải nên ăn chay mỗi tháng 10 ngày gồm: mồng một, mồng tám, mười bốn, mười lăm, mười tám, hai mươi ba, hai mươi bốn, hai mươi tám, hai mươi chín và ba mươi. Sự ăn chay này giúp cho việc giảm sát sinh thì sẽ giảm nghiệp báo bị bệnh tật và chết sớm, ngoài ra còn giúp cho con người ăn chay được khỏe mạnh sống lâu trong đời hiện tại.

     “Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi, huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi”. Ở đây nêu rõ mọi ý nghĩ lời nói và việc làm của chúng sinh hầu hết đều là gây nghiệp xấu, thí dụ mọi người ăn thịt cá là do giết sinh vật để có ăn, nhưng những người ăn thịt sinh vật đâu có nghĩ đó là mắc tội, nên thản nhiên thích thú ăn. Do đó Đức Phật đã nêu ra các giới như Năm giới cho Cư sĩ cần phải tránh để được tái sinh lại cõi người, Mười điều thiện cần phải làm để có được qủa báo tốt đẹp, hầu giúp cho chúng sinh bớt khổ được phước sinh lên cõi Trời…

     “Nếu có chúng sanh nào trong mười ngày trai kể trên đây, mà có thể đối trước hình tượng của chư Phật, Bồ Tát, Hiền, Thánh để đọc tụng kinh này một biến, thời chung quanh chỗ người đó ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần không có xảy ra những việc tai nạn”. Nghĩa là những người giữ được 10 ngày ăn chay mỗi tháng, rồi chỉ cần đọc Kinh này một lần để suy nghĩ nghĩa lý của Kinh và quán chiếu tâm mình mỗi ngày để dứt tất cả những tâm quấy ác đã và đang xảy ra, đây là diệt trừ tâm chúng sinh của chính mình. Nếu làm được như vậy thì chung quanh người này không xảy ra các tai nạn; tại sao? Vì người này đã đích thực tu hành, mà người tu hành chân chính thì sẽ có Qủy Thần hộ vệ bao bọc xa gần chung quanh, nên các sự dữ khó có thể xảy ra vậy.

     Chứ chẳng phải tụng Kinh mỗi ngày để cầu xin bậc Thánh và Qủy Thần phù hộ bao bọc che chở đâu mà lầm lẫn to lớn, vì chẳng có Thần Linh nào bảo vệ người có nhiều tính hư tật xấu van xin cầu khẩn.

     “Còn chính nhà của người đó ở, tất cả mọi người hoặc già hoặc trẻ về hiện tại và vị-lai đến trăm nghìn năm xa khỏi hẳn các ác đạo”. Nghĩa là người tu hành hàng ngày như thế sẽ ảnh hưởng đến những người ở chung, nên những người ở chung này cũng sẽ làm theo. Như vậy chỗ ở này chẳng khác nào một đạo tràng, và về sau những người khác cũng sẽ tiếp tục tu hành làm theo, nên đều có thể xa khỏi sự khổ và không bị đọa sinh vào ba đường dữ nữa.

     “Trong mười ngày trai trên đây nếu có thể mỗi ngày tụng một biến kinh này”, nghĩa là trong mười ngày ăn chay, mỗi ngày đều tụng Kinh để suy nghĩ nghĩa lý của Kinh, gìn giữ giới, tu hành cái tâm hàng ngày như thế sẽ ảnh hưởng đến những người ở chung, nên những người này cũng sẽ làm theo. Dù không làm giống hoàn toàn thì cũng được một phần, nên Kinh nói: “thời trong đời hiện tại hay làm cho người trong nhà không phải mắc phải bịnh tật bất ngờ, đồ ăn mặc dư dật”, bởi vì những người này có tu nên có tạo công đức, công đức này làm giảm nhẹ nghiệp ác, do đó không còn bị bệnh tật bất ngờ và không bị nghèo túng nữa là vậy.

     Đức Phật nói tiếp: “Này Phổ Quảng! Vì thế nên biết rằng Ngài Bồ Tát Địa-Tạng có bất khả thuyết trăm nghìn muôn ức những sự oai thần lực lớn nhiều lợi ích cho chúng sanh như thế”. Ở đây chúng ta phải biết rằng Địa Tạng là biểu trưng bản tâm tự tánh của mỗi người, khi tu hành tới nơi tới chốn rồi thì cái bản tâm tức Phật tánh hiển lộ, lúc đó có oai thần mầu nhiệm vô cùng, làm lợi ích chúng sinh vô số, nên không thể nói hết được sự những lợi ích cho chúng sinh là vậy.

     “Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề này có nhân duyên lớn với Ngài Địa-Tạng Đại Sĩ. Những chúng sanh đó hoặc được nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa-Tạng, hoặc được thấy hình tượng của Bồ Tát Địa-Tạng”. Nghĩa là con người trong thế giới này hiểu rõ cái tâm của mình, khi lắng nghe cái tâm mình thì sẽ thấy vọng ngôn của tâm chúng sinh như những lời nói dối, nói thêu dệt, nói châm chọc, nói ác, hay khi quán sát cái tâm thì sẽ thấy vọng tướng của tâm chúng sinh như đẹp xấu, to nhỏ, được mất, thắng thua, vinh nhục, v.v…. Các tâm chúng sinh này là dính mắc, bị lôi kéo, là sai trái, là điên đảo, là bụi phủ gương, là cáu vẩn làm đục nước, là hàng rào cản, là mây phủ chân tâm diệu tâm; vì vậy cần phải xa lià, loại bỏ, tiêu diệt các tâm chúng sinh ở trong ta để cho chân tâm hiển lộ.

     Người dù chỉ làm được chút ít thôi cũng là tốt được một phần rồi, vì vậy Kinh nói: “cho đến nghe chừng ba chữ hay năm chữ trong kinh này, hoặc một bài kệ hay một câu, thời những người đó hưởng sự an vui lạ thường trong đời hiện tại, trăm nghìn muôn đời về vị lai thường được thác sanh vào nhà tôn quí, thân hình xinh đẹp” là vậy; tại sao? Vì chỉ cần tiêu diệt một chút tâm chúng sinh là đã có lợi lộc vô cùng rồi, ví dụ như loại bỏ được tâm nghĩ đến trộm cướp là được an vui đời hiện tại không bị bắt giam tù tội, sẽ được sự đầy đủ tôn qúy trong đời sau. Tiêu diệt được tâm sân giận là được an vui đời hiện tại, không bị bệnh về tim gan (tâm can), sẽ được thân thể đẹp đẽ khỏe mạnh trong đời sau v.v….

13). DANH HIỆU CỦA KINH

- Khi nghe Đức Phật Như Lai tuyên bày ngợi khen Ngài Địa-Tạng Đại Sĩ xong, Ngài Bồ Tát Phổ Quảng liền quỳ xuống chắp tay mà bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Thế-Tôn! Từ lâu con rõ biết vị Đại Sĩ này có thần lực cùng đại nguyện lực không thể nghĩ bàn như thế rồi, song nay vì muốn những chúng sanh trong đời sau này rõ biết các sự lợi ích đó, nên con mới bạch hỏi cùng đức Như Lai.

Vâng! Con xin cung kính tin nhận lời Phật dạy.

Bạch đức Thế-Tôn! Kinh này đặt tên là gì và định cho con lưu bố thế nào?” Đức Phật bảo Ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba danh hiệu: một là “Địa-Tạng Bổn Nguyện Kinh”, cũng gọi là “Địa-Tạng Bổn Hạnh Kinh”; đây là tên thứ hai, cũng gọi là “Địa-Tạng Bổn Thệ Lực Kinh”; đây là tên thứ ba.

Do vì Ngài Bồ Tát Địa-Tạng từ thuở kiếp lâu xa đến nay phát nguyện rộng lớn làm lợi ích cho chúng sanh, cho nên các ông phải đúng theo tâm nguyện mà lưu hành truyền bá kinh này.

Nghe Đức Phật dạy xong, Ngài Bồ Tát Phổ Quảng tin chịu, chắp tay cung kính lễ Phật lui ra.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ 13, Bồ Tát Phổ Quảng hỏi Phật tên của Kinh, Đức Phật bảo Ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba danh hiệu: một là “Địa-Tạng Bổn Nguyện Kinh”; cũng gọi là “Địa-Tạng Bổn Hạnh Kinh”, đây là tên thứ hai; cũng gọi là “Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh”, đây là tên thứ ba”. Như chúng ta đã biết biểu trưng Địa Tạng là Tâm, ai muốn hiểu rõ cái Tâm của mình thì phải quay cái nghe vào trong, phải quán sát chiếu soi cái tâm để biết tâm chúng sinh, mà xa lià, loại bỏ, tiêu diệt chúng để cho Chân Tâm hiển lộ. Muốn thực hành cho được kết qủa, việc đầu tiên cần phải có đầy đủ là ba việc mà Đức Phật đã nêu ra ba tên của Kinh, đó là: 

1.  Phải có sự quyết tâm, đây là nghĩa của "Địa Tạng bản nguyện" nguyện không hề sợ khó, sợ trở ngại, sợ gian nan, v.v... Như Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi đi thăm 4 cửa thành thấy 4 cảnh: người già, người bệnh, người chết, người tu hành, thì Ngài nghĩ ra cách tìm con đường giải thoát khỏi già bệnh chết, từ đó Ngài quyết tâm từ bỏ gia đình và cung vàng điện ngọc để xuất gia.

2.  Phải thực hành đầy đủ, đây là nghĩa của "Địa Tạng bản hạnh", khi phát nguyện rồi thì một lòng chăm chỉ tu hành tinh tấn không ngưng nghỉ. Như khi Tu sĩ Cù Đàm chịu đựng đói khát cùng cực trong khi tu khổ hạnh để mong tìm ra chân lý, và nhất là khi bỏ lối tu khổ hạnh tu theo trung đạo với sự tinh tấn dũng mãnh trong thời gian dài 49 ngày đêm thiền định để chiến thắng ma quân trong và ngoài tâm.

3.  Phải có lời thề để tạo một sức mạnh, đây là "Địa-Tạng bản thệ lực", tự thề với mình để tạo sức mạnh trong việc quyết chí tu hành. Như Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi rời bỏ vợ đẹp con thơ, xa lià cung vàng điện ngọc, một mình cùng với người giữ ngựa rời khỏi hoàng thành trong đêm tối. Khi vượt qua sông Anoma (Neranjara), Ngài dừng chân trên bãi cát, dùng thanh kiếm sắc bén tự cạo râu tóc, xong trao áo mão (mũ) kiếm cho người giữ ngựa đem trở về trình Vua cha. Ngài khoác vào mình tấm vải vàng cam làm áo, tự nguyện sống đời tu sĩ, và chấp nhận mọi sự thiếu thốn vật chất; đây là Ngài phát nguyện từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời tu sĩ để tìm ra chân lý hầu cứu mình và cứu chúng sinh ra khỏi cảnh khổ của sinh già bệnh chết vậy.

     Đó là ba căn bản cần có đầu tiên cho những ai muốn hết khổ, muốn được mọi sự tốt đẹp, muốn giải thoát thành Phật, là việc phải làm khi bắt đầu tu hành; ngoài ra, còn phải phát thệ nguyện rộng lớn làm lợi ích chúng sinh và phổ biến giảng giải Kinh này.

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]