Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 505: Phẩm Tùy Hỷ Hồi Hướng 02, Phẩm Địa Ngục 01

21/07/201514:09(Xem: 13813)
Quyển 505: Phẩm Tùy Hỷ Hồi Hướng 02, Phẩm Địa Ngục 01

Tập 10

 Quyển 505

 Phẩm Tùy Hỷ Hồi Hướng 02
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí


 

 

 

Lúc bấy giờ, trời Đế Thích bạch với cụ thọ Thiện Hiện:

- Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa nghe pháp như thế, tâm vị ấy sẽ không kinh hãi, hoảng hốt, nghi hoặc. Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa thì làm sao có thể đem việc tu hành thiện căn mà hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Làm sao giữ gìn việc phước nghiệp câu hành tùy hỷ để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo trời Đế Thích:

- Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, nếu tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng, dùng vô sở đắc làm phương tiện, và dùng vô tướng làm phương tiện, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng. Do nhân duyên đây nên Đại Bồ-tát này đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, rộng nói cho đến trí nhất thiết tướng nghĩa tự tướng Không, nên sanh nhiều thắng giải, thường được bạn lành hộ trì. Đối với bạn lành thì dùng vô lượng pháp môn, văn nghĩa xảo diệu vì họ mà biện thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, cho đến pháp tương ưng với trí nhất thiết tướng. Dùng pháp như thế mà dạy dỗ, trao truyền, làm cho vị ấy được nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Nếu chưa nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát thì cũng không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, cho đến trí nhất thiết tướng.

Lại còn thuyết giảng các việc ác ma, làm cho vị ấy nghe rồi đối với các việc ma, tâm không tăng giảm. Vì sao? Vì các việc ác ma tánh vô sở hữu, bất khả đắc. Cũng dùng pháp này để dạy dỗ, trao truyền, làm cho vị ấy cho đến chứng nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, thường không xa lìa Phật, gieo trồng các thiện căn ở chỗ chư Phật.

Lại do giữ gìn thiện căn nên thường sanh trong chúng Đại Bồ-tát, cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đối với các thiện căn thường không xa lìa.

Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, nêu có thể dùng vô sở đắc làm phương tiện, và dùng vô tướng làm phương tiện thì sẽ giữ gìn được các công đức. Ở nơi nhiều công đức phát sanh được thắng giải, thường được các bạn lành hộ trì, khi nghe pháp này tâm không kinh hãi, hoảng hốt, cũng không nghi hoặc.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, tùy theo chỗ tu tập như bố thí v.v... sáu pháp Ba-la-mật-đa, cho đến trí nhất thiết tướng, đều phải dùng vô sở đắc làm phương tiện và dùng vô tướng làm phương tiện cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa ở khắp mười phương vô lượng, vô số, vô biên thế giới tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, dứt đường các cõi, tuyệt hẳn hý luận, đặt các gánh nặng xuống, nhổ tất cả gai góc, đoạn tận các hữu kiết sử, đầy đủ chánh trí, tâm được giải thoát, là vì thuyết pháp khéo léo và đệ tử của vị ấy thành tựu giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn và tạo được các công đức khác.

Lại ở những chỗ để gieo trồng thiện căn, là đại tộc Sát-đế-lợi cho đến đại tộc Cư sĩ v.v... là nơi gieo trồng thiện căn. Hoặc trời Tứ đại thiên vương cho đến trời Tịnh cư v.v... là chỗ gieo trồng thiện căn. Như vậy tập hợp tất cả việc phát khởi hiện tiền, so với thiện căn khác thì nó là tối tôn, là tối thắng, là tôn quí, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng.

Lại đem tâm tùy hỷ cùng làm việc phước nghiệp tùy hỷ câu hành, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị hỏi cụ thọ Thiện Hiện:

- Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, nếu nhớ nghĩ bao nhiêu công đức của Như Lai, đệ tử và cả thiện căn gieo trồng ở cõi trời, người v.v... như vậy tập hợp tất cả việc phát khởi hiện tiền, so với thiện căn khác thì nó là tối thắng v.v...

Lại đem tâm tùy hỷ như thế và thiện căn tùy hỷ đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này vì sao không rơi vào suy nghĩ kiến chấp điên đảo?

Cụ thọ Thiện Hiện đáp:

- Thưa Đại Sĩ! Nếu Đại Bồ-tát nào nhớ nghĩ bao nhiêu công đức của chư Phật và các đệ tử, thì nên không khởi vọng tưởng công đức của chư Phật và các đệ tử, đối với việc gieo trồng thiện căn ở cõi trời, người mà không khởi tưởng thiện căn ở cõi trời, người. Đối với việc phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề cũng không khởi tâm tùy hỷ hồi hướng Bồ-đề.

Đại Bồ-tát này khởi tâm tùy hỷ hồi hướng thì không rơi vào suy nghĩ kiến chấp điên đảo. Nếu Đại Bồ-tát nào nhớ nghĩ bao nhiêu công đức của Phật và các đệ tử, rồi chấp lấy tướng công đức Phật và các đệ tử, đối với việc việc gieo trồng thiện căn ở cõi trời, người còn chấp lấy tướng thiện căn ở cõi trời, người v.v…, đối với việc phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề, còn chấp lấy tướng phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng Bồ-đề, thì Đại Bồ-tát này khi phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, liền rơi vào suy nghĩ kiến chấp điên đảo.

Lại nữa, Đại Sĩ! Nếu Đại Bồ-tát đem lòng nhớ nghĩ thiện căn công đức của tất cả chư Phật và các đệ tử như thế, biết đúng đắn về tâm đoạn tận, diệt trừ, xa lìa, biến đổi này thì chẳng phải có thể tùy hỷ. Pháp hiểu biết đúng đắn này, tánh nó cũng vậy, chẳng phải là chỗ tùy hỷ. Lại hiểu rõ đúng đắn có thể đem tâm hồi hướng pháp tánh cũng vậy. Chẳng phải có thể hồi hướng và hiểu rõ đúng đắn, pháp hồi hướng tánh nó cũng vậy, chẳng phải chỗ hồi hướng. Nếu có thể dựa vào lời nói này mà tùy hỷ hồi hướng là chánh chẳng phải tà. Các Đại Bồ-tát đều phải tùy hỷ hồi hướng như vậy.

Lại nữa, Đại Sĩ! Nếu Đại Bồ-tát đối với chư Phật Thế Tôn trong ba đời, từ lúc mới phát tâm cho đến khi đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến lúc pháp diệt, trong khoảng thời gian đó, có bao nhiêu công đức, hoặc đệ tử Phật và các Độc giác y vào Phật pháp gieo trồng thiện căn, hoặc các phàm phu gieo trồng thiện căn khi nghe thuyết pháp, hoặc các vị rồng, thần, A-tu-la v.v... gieo trồng thiện căn khi nghe thuyết pháp, hoặc đại tộc Sát-đế-lợi cho đến đại tộc Cư sĩ gieo trồng thiện căn khi nghe thuyết pháp, hoặc trời Tứ đại thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh gieo trồng thiện căn khi nghe thuyết pháp, hoặc các thiện nam, thiện nữ v.v… gieo trồng thiện căn khi nghe thuyết pháp, phát khởi tâm hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tinh cần tu học các hạnh Bồ-tát, thì như vậy tập hợp tất cả sự phát khởi hiện tiền để so sánh với các thiện căn khác là tâm tùy hỷ tối thắng v.v...

Lại nữa, tùy hỷ thiện căn như thế, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Trong lúc như thế, nếu hiểu rõ đúng đắn các pháp có thể tùy hỷ hồi hướng sẽ tận diệt, biến đổi, xa lìa, các pháp tùy hỷ hồi hướng tự tánh đều Không. Tuy biết như vậy nhưng có thể tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại ở trong thời gian này, nếu hiểu rõ đúng đắn hoàn toàn pháp vô hữu, thì có thể tùy hỷ hồi hướng đối với pháp đó. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh đều Không. Trong Không đó hoàn toàn không có sự để pháp tùy hỷ hồi hướng. Cho nên, tuy biết như thế nhưng có thể tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Đại Bồ-tát này nếu có thể tùy hỷ hồi hướng như thế, thì tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng, liền không rơi vào suy nghĩ kiến chấp điên đảo. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đối với tâm tùy hỷ và chỗ công đức thiện căn tùy hỷ không sanh chấp trước, đối với tâm hồi hướng và sự hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không chấp trước. Do không bị chấp trước nên không rơi vào điên đảo. Đó là chỗ để Bồ-tát phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, gọi là Vô thượng tùy hỷ hồi hướng, xa lìa tất cả sự phân biệt giả dối.

Lại nữa, Đại Sĩ! Nếu Đại Bồ-tát nào đối với việc tu hành phước nghiệp, như thật biết rõ, xa lìa uẩn, xứ, giới, cũng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến trí nhất thiết tướng thì Đại Bồ-tát này đối với việc tu hành phước nghiệp, biết rõ như thế, rồi có thể tùy hỷ hồi hướng đúng đắn về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, Đại Sĩ! Nếu Đại Bồ-tát như thật biết rõ việc phước nghiệp câu hành tùy hỷ, thì xa lìa tự tánh việc phước nghiệp câu hành tùy hỷ. Chư Phật Thế Tôn, xa lìa tự tánh chư Phật Thế Tôn. Công đức thiện căn, xa lìa tự tánh công đức thiện căn. Thanh văn, Độc giác và các phàm phu, xa lìa tự tánh Thanh văn, Độc giác và các phàm phu. Tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề, xa lìa tự tánh tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề. Đại Bồ-tát, xa lìa tự tánh Đại Bồ-tát. Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng, xa lìa tự tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng. Tất cả hạnh Đại Bồ-tát, xa lìa tự tánh tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, xa lìa tự tánh quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đại Bồ-tát này tu hành như vậy, xa lìa tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa, gọi là thật tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, có thể tùy hỷ hồi hướng đúng đắn về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, Đại Sĩ! Các Đại Bồ-tát đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã Niết-bàn và công đức thiện căn của chư đệ tử, nếu vị nào muốn phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì phải tùy hỷ hồi hướng như vầy, nghĩ như thế này: Chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử đều đã diệt độ, tự tánh chẳng có, công đức thiện căn cũng lại như vậy. Chỗ để ta phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và sự hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tánh kia cũng vậy. Biết như vậy rồi đối với các thiện căn phát sanh tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Liền không sanh suy nghĩ kiến chấp điên đảo.

Nếu Đại Bồ-tát nào lấy việc chấp tướng làm phương tiện, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, đối với công đức thiện căn của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử đã diệt độ mà chấp tướng tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì chẳng phải khéo tùy hỷ hồi hướng. Lấy công đức thiện căn của Phật và các đệ tử ở đời quá khứ, phi tướng vô tướng, chấp lấy cảnh giới thì Đại Bồ-tát này dùng việc chấp tướng để nhớ nghĩ việc phát sanh tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Cho nên chẳng phải khéo tùy hỷ hồi hướng. Do đó liền rơi vào suy nghĩ kiến chấp điên đảo. Nếu Đại Bồ-tát không chấp lấy tướng làm phương tiện, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với công đức thiện căn của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử đã diệt độ, xa lìa tướng tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì gọi là khéo tùy hỷ hồi hướng. Do đó không rơi vào suy nghĩ kiến chấp điên đảo.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị hỏi cụ thọ Thiện Hiện:

- Vì sao Đại Bồ-tát đối với công đức thiện căn của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử, tùy hỷ câu hành các việc phước nghiệp v.v… đều không chấp lấy tướng, mà có thể tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Thiện Hiện đáp:

- Nên biết việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát có các phương tiện thiện xảo như vậy, tuy không chấp lấy tướng nhưng lại tác thành, chẳng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể khởi việc phước nghiệp câu hành tùy hỷ đúng đắn, hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Cho nên các Đại Bồ-tát này vì muốn thành tựu nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bồ-tát Từ Thị hỏi:

- Đại đức Thiện Hiện! Thầy chớ nói như thế. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, chư Phật Thế Tôn và các đệ tử cùng sự thành tựu công đức thiện căn đều vô sở hữu, bất khả đắc, làm các việc phước nghiệp tùy hỷ phát tâm hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Trong đây, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, thời gian này nên quán sát như vầy: Các công đức thiện căn của chư Phật và các đệ tử ở đời quá khứ, tánh đều đã diệt, việc phước nghiệp tùy hỷ phát tâm hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề tánh đều tịch diệt. Nếu ta đối với các công đức thiện căn của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử kia mà chấp tướng phân biệt và đối với chỗ làm các việc phước nghiệp câu hành tùy hỷ, phát tâm hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng chấp tướng phân biệt. Dùng chấp tướng phân biệt này làm phương tiện, phát sanh tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chư Phật Thế Tôn đều không hứa khả. Vì sao? Vì đối với việc chấp tướng phân biệt của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử đã diệt độ mà tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì gọi là có sở đắc lớn. Cho nên các Đại Bồ-tát muốn đối với công đức thiện căn của Như Lai và các đệ tử phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đúng đắn, thì không nên ở trong đó mà phát khởi có sở đắc, chấp tướng phân biệt để tùy hỷ hồi hướng. Nếu ở trong đó mà khởi có sở đắc, chấp tướng phân biệt mà tùy hỷ hồi hướng thì Phật không thuyết nghĩa lợi ích lớn lao kia. Vì sao? Vì tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy là vọng tưởng phân biệt, gọi là có lẫn chất độc. Tuy ăn uống có đầy đủ sắc hương thượng diệu, mùi vị ngon ngọt, nhưng lại là thuốc có lẫn chất độc, người ngu, hiểu biết cạn cợt tham lam lấy và ăn. Ban đầu tuy rất vừa ý, vui vẻ khoái lạc, nhưng sau đó thức ăn tiêu hóa rồi chịu khổ bội phần, hoặc dẫn đến chết, hoặc gần mất mạng. Một người như thế thì không khéo thọ trì, không khéo quán sát nghĩa lý câu văn của Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, không khéo đọc tụng, không khéo thông đạt nghĩa lý thậm thâm, mà lại bảo người chủng tánh Đại thừa:

Thiện nam tử! Đến đây, ông đối với chư Phật Thế Tôn trong ba đời, từ lúc mới phát tâm cho đến khi đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình, nhập Vô dư y Niết-bàn rồi cho đến lúc pháp diệt, trong khoảng thời gian đó, nếu tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng, đã tập, sẽ tập, đang tập thiện căn. Hoặc thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, đã tập, sẽ tập, đang tập thiện căn. Hoặc giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của Như Lai và vô lượng, vô biên công đức khác. Hoặc tất cả thiện căn hữu lậu, vô lậu của đệ tử Phật. Hoặc đã thọ ký, sẽ thọ ký, đang thọ ký của chư Như Lai, hoặc công đức của trời, người, v.v... Độc giác Bồ-đề. Hoặc các thiện căn đã tập, sẽ tập, đang tập của trời, rồng, A-tu-la v.v... Hoặc các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với các công đức phát sanh thiện căn tùy hỷ hồi hướng. Như vậy, tập hợp tất cả sự tùy hỷ hiện tiền, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Tuỳ theo lời thuyết tùy hỷ hồi hướng như thế là dùng có sở đắc, chấp tướng phân biệt làm phương tiện. Cũng giống như các loại thức ăn uống có lẫn thuốc độc ở thế gian, ban đầu thì lợi ích nhưng về sau thì tổn hại, nên chẳng phải khéo tùy hỷ hồi hướng này. Vì sao? Vì dùng có sở đắc, chấp tướng phân biệt để phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, có nhân, có duyên, có tác ý, có hý luận. Không phải Bát-nhã ba-la-mật-đa, đó là tạp xen lẫn chất độc, nên gọi là phỉ báng Phật, không tùy thuận theo lời Phật dạy, không theo lời pháp thuyết. Những vị nào có chủng tánh Bồ-tát không nên theo lời thuyết kia mà học.

Vì vậy, Đại đức! Nên thuyết thế nào để các thiện nam tử v.v… an trụ Bồ-tát thừa, đối với công đức thiện căn của chư Phật và các đệ tử ở ba đời tùy hỷ hồi hướng? Nghĩa là chư Phật kia từ lúc mới phát tâm cho đến khi pháp diệt. Trong khoảng thời gian đó, nếu tu Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng thì tập hợp các thiện căn. Như vậy cho đến nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với các công đức phát sanh tùy hỷ hồi hướng thiện căn.

Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Bồ-tát thừa, làm thế nào đối với công đức thiện căn kia phát sanh tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Cụ thọ Thiện Hiện đáp Bồ-tát Từ Thị:

- Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Bồ-tát thừa, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm. Vị ấy không muốn phỉ báng Phật mà phát tâm tùy hỷ hồi hướng, phải nghĩ như vầy: Trí Phật vô thượng của chư Như Lai, hiểu rõ sự biến tri công đức thiện căn có tánh như vậy, có tướng như vậy, có pháp như vậy, nhưng có thể tùy hỷ. Tôi nay cũng nên tùy hỷ như vậy. Giống như trí Phật vô thượng của chư Như Lai hiểu rõ sự biến tri, nên dùng việc phước nghiệp như vậy hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tôi nay cũng nên hồi hướng như vậy.

Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Bồ-tát thừa đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, nên tùy hỷ hồi hướng như thế. Nếu tùy hỷ hồi hướng như thế thì không phỉ báng Phật, đó là theo lời dạy của Phật, theo pháp Phật thuyết. Đại Bồ-tát này dùng tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy, không xen tạp các loại độc có thể đến cứu cánh.

Lại nữa, Đại Sĩ! Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Bồ-tát thừa, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, đối với các công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, nên tùy hỷ hồi hướng như vậy. Như sắc uẩn v.v... không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng nên như vậy. Cho đến trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng lại như vậy. Như các giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng lại như vậy. Vì sao? Như các pháp kia tự tánh Không, không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng lại như vậy. Nghĩa là tự tánh của chư Như Lai là tự tánh Không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Công đức của chư Phật tự tánh Không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Thanh văn, Độc giác và trời, người v.v... tự tánh Không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Các thiện căn đó, tự tánh Không nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Đối với việc tùy hỷ kia, tự tánh Không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Chỗ pháp hồi hướng tự tánh Không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Người hồi hướng tự tánh Không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời.

Nên khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, như thật biết rõ năm uẩn v.v... các pháp không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời. Nếu không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc ba đời thì không thể dùng hữu tướng kia làm phương tiện, có sở đắc làm phương tiện, phát sanh tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì uẩn v.v…, các pháp, tự tánh bất sanh. Nếu pháp bất sanh thì vô sở hữu. Không thể dùng pháp vô sở hữu tùy hỷ hồi hướng vô sở hữu. Cho nên Đại Bồ-tát hay tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề như vậy, không xen tạp độc hại, có thể đến cứu cánh.

Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Bồ-tát thừa, nếu dùng hữu tướng làm phương tiện, hoặc có sở đắc làm phương tiện, đối với các công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử mà phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, nên biết đây là tùy hỷ hồi hướng tà. Phát tâm tùy hỷ hồi hướng tà thì chư Phật Thế Tôn không khen ngợi. Tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy chẳng phải là việc để Phật Thế Tôn khen ngợi. Cho nên không thể viên mãn bố thí v.v... sáu pháp Ba-la-mật-đa, cho đến không thể viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Do các công đức không viên mãn, nên không trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình. Do không thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình nên không chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì do phát khởi sự tùy hỷ hồi hướng có tướng, có các sự xen tạp độc hại.

Lại nữa, Đại Sĩ! Nên khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên nghĩ như vầy: Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở mười phương thế giới, như thật thông đạt công đức thiện căn và pháp như vậy, có thể nương tựa là pháp phát sanh không điên đảo, tùy hỷ hồi hướng. Ta nay cũng nên y vào pháp như vậy mà phát sanh tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó là phát tùy hỷ hồi hướng đúng đắn. Do đó nhất định chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, độ các hữu tình cùng tận đời vị lai.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi Thiện Hiện:

- Lành thay! Lành thay! Nay ông đã vì tất cả Đại Bồ-tát mà làm Phật sự lớn. Nghĩa là vì các Đại Bồ-tát mà khéo thuyết không điên đảo sự tùy hỷ hồi hướng. Việc thuyết tùy hỷ hồi hướng như vậy là dùng vô tướng, vô đắc, vô sanh, vô diệt, vô nhiễm, vô tịnh, vô tánh, tự tánh, tự tướng, tánh Không đều làm phương tiện. Cũng dùng pháp tánh, pháp giới, chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì làm phương tiện.

Thiện Hiện nên biết! Giả sử tất cả hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới đều được thành tựu mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, thì ý ông thế nào? Các hữu tình này được phước đức nhiều chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử khởi tâm không nhiễm trước, tùy hỷ hồi hướng, công đức đạt được nhiều hơn trước. Thiện Hiện nên biết! Các thiện nam, thiện nữ v.v… này, khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy, đối với các thiện căn khác là tối tôn, là tối thắng, là tôn quí, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng.

Lại nữa, Thiện Hiện! Giả sử tất cả hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới đều đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với các vị Dự lưu cho đến Độc giác kia, trọn đời đem tất cả vật cúng dường để dâng lên vị ấy một cách cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì ý ông thế nào? Các thiện nam, thiện nữ v.v… này, do nhân duyên đây mà được nhiều phước đức chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử khởi tâm vô nhiễm, tùy hỷ hồi hướng, công đức này đạt được nhiều hơn trước. Thiện Hiện nên biết! Các thiện nam, thiện nữ v.v… này nên phát khởi tùy hỷ hồi hướng như thế, đối với các thiện căn khác là tối tôn, là tối thắng v.v…

Lại nữa, Thiện Hiện! Giả sử tất cả hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới đều hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nếu có tất cả hữu tình ở mười phương hằng hà sa v.v… thế giới, tất cả đều đem đầy đủ sự cúng dường mà dâng lên, trải qua hằng hà sa v.v… đại kiếp như cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì ý ông thế nào? Các hữu tình do nhân duyên này mà được nhiều phước đức chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Phước đức như vậy nếu có hình sắc, mười phương hằng hà sa thế giới đều không thể chứa hết được.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thiện Hiện nên biết! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử khởi tâm không nhiễm trước, tùy hỷ hồi hướng, công đức đạt được hơn trước rất nhiều.

Thiện Hiện nên biết! Các thiện nam, thiện nữ v.v… khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như thế, đối với các thiện căn khác là tối tôn, là tối thắng v.v…

Thiện Hiện nên biết! Đem phước đức trước so với công đức sau không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn cho đến không bằng một phần cực nhỏ. Vì sao? Vì mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự v.v... của các hữu tình kia đều dùng hữu tướng và có sở đắc làm phương tiện. Cho nên các thiện nam, thiện nữ v.v… kia dùng đầy đủ sự cúng dường mà dâng lên bậc Dự lưu, cho đến bậc phát tâm đại Bồ-đề cũng dùng hữu tướng và có sở đắc làm phương tiện.

Lúc bấy giờ, bốn Đại thiên vương cùng với ba vạn hai ngàn quyến thuộc Thiên tử đến đảnh lễ sát chân Phật và chấp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát kia mới có thể phát tâm tùy hỷ hồi hướng rộng lớn như thế. Nghĩa là phương tiện thiện xảo của Đại Bồ-tát kia là dùng vô tướng, vô sở đắc, không nhiễm trước, không tư duy, không tạo tác làm phương tiện, đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử phát khởi tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Sự phát khởi tùy hỷ hồi hướng như vậy không rơi vào trong hai pháp và không hai pháp.

Khi ấy, trời Đế Thích và Thiên tử Tô-dạ-ma, Thiên tử San-đổ-sử-đa, Thiên tử Thiện Biến Hóa, Thiên tử Tối Tự Tại cùng vô lượng trăm ngàn các Thiên tử khác cầm các loại tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, cờ đèn, hương hoa, trân kỳ, tấu nhạc trời để cúng dường Phật, đảnh lễ sát chân Phật và chấp tay bạch:

- Các Đại Bồ-tát kia mới có thể phát khởi tùy hỷ hồi hướng như thế. Nghĩa là vị Đại Bồ-tát kia với phương tiện thiện xảo, dùng vô tướng, vô sở đắc, không nhiễm trước, không tư duy, không tạo tác làm phương tiện, đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử phát khởi tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Tùy hỷ hồi hướng như vậy là không rơi vào trong hai pháp và không hai pháp.

Khi ấy, trời Đại phạm thiên vương và trời Cực quang tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng quả, trời Sắc cứu cánh, mỗi vị cùng với vô lượng trăm ngàn triệu ức Thiên chúng đều đảnh lễ sát chân Phật, chấp tay cung kính, đồng bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật hi hữu. Các Đại Bồ-tát kia được Bát-nhã ba-la-mật-đa dùng phương tiện thiện xảo, nên vượt hơn, thù thắng hơn các thiện nam v.v… ở trước tu thiện căn, không được phương tiện thiện xảo và hữu tướng, có sở đắc.

Lúc bấy giờ, Phật dạy trời Tứ đại thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh v.v…:

- Giả sử tất cả hữu tình ở ba ngàn đại thiên thế giới đều hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, ở khắp tất cả Như Lai mười phương thế giới thời quá khứ, vị lai, hiện tại, từ lúc mới phát tâm cho đến khi Chánh pháp cửu trụ, trong khoảng thời gian đó các thiện căn tương ưng với bố thí Ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng. Hoặc các thiện căn của chư đệ tử, hoặc giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Như Lai và vô lượng, vô biên các Phật pháp khác, hoặc sự thuyết Chánh pháp của chư Như Lai, hoặc dựa vào việc tam phước nghiệp tu tập tánh thí, tánh giới, tánh tu, hoặc dựa vào pháp đó mà tinh cần tu học, đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, được vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, hoặc các hữu tình hướng dẫn thiện căn tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã v.v... Tập hợp tất cả như thế để cân lường, dùng hữu tướng, có sở đắc, có nhiễm trước, có tư duy, có tạo tác, có hai, không hai làm phương tiện hiện tiền tùy hỷ. Đã tùy hỷ rồi hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Cũng có các thiện nam, thiện nữ v.v… phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đối với tất cả Như Lai trong mười phương thế giới vào thời quá khứ, vị lai, hiện tại, từ lúc mới phát tâm cho đến khi Chánh pháp an trụ, trong khoảng thời gian đó tu thiện căn tương ưng với bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến các hữu tình hướng dẫn các thiện căn tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã v.v... Tập hợp tất cả như thế để cân lường, dùng vô tướng, vô sở đắc, không nhiễm trước, không tư duy, không tạo tác, vô nhị, bất nhị làm phương tiện hiện tiền tùy hỷ. Đã tùy hỷ rồi hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, sự tùy hỷ hồi hướng của các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với các thiện căn khác là tối tôn, là tối thắng, nói rộng như trước. Đối với sự tùy hỷ hồi hướng của hữu tình trước, thù thắng gấp trăm phần, ngàn phần, muôn ức phần cũng là tối thắng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Sự tùy hỷ hồi hướng của các thiện nam, thiện nữ v.v… như Phật đã thuyết, đối với các thiện căn khác là tối tôn, là tối thắng, nói rộng như trước. Vậy ở mức độ nào là nói tùy hỷ hồi hướng đối với các thiện căn khác là tối thắng v.v…?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ v.v… đó đối với tất cả Như Lai, Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát ở mười phương thế giới thời quá khứ, vị lai, hiện tại và các thiện căn khác của tất cả hữu tình, không lấy, không bỏ, không khoe, không khinh, chẳng có sở đắc, chẳng vô sở đắc, đạt được tất cả pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, không đến, không đi, không họp, không tan, không nhập, không xuất.

Lại nghĩ như vầy: Pháp ba đời là cảnh giới pháp chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Ta cũng như vậy, đối với các thiện pháp dùng vô sở đắc làm phương tiện, tùy hỷ hồi hướng.

Thiện Hiện! Sự tùy hỷ hồi hướng ở mức độ này nên Ta nói đối với các thiện căn khác là tối thắng v.v... Tùy hỷ hồi hướng như thế thù thắng hơn tùy hỷ hồi hướng khác gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp muôn ức phần. Cho nên Ta thuyết tùy hỷ hồi hướng như vậy đối với thiện căn khác là tối thắng v.v…

Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Bồ-tát thừa, ở mười phương ba đời Như Lai, từ lúc mới phát tâm cho đến Chánh pháp cửu trụ, trong khoảng thời gian đó tu thiện căn tương ưng với bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến vô lượng, vô số, vô biên Phật pháp. Hoặc công đức thiện căn của chư Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát. Hoặc việc tam phước nghiệp của tánh thí, tánh giới, tánh tu và các thiện căn của các hữu tình, hoặc hòa hợp tất cả như thế lại hiện tiền phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Nên nghĩ như vầy: Sắc cho đến thức cùng với giải thoát v.v... cho đến trí nhất thiết tướng cùng với giải thoát v.v..., giới uẩn v.v... năm uẩn cùng với giải thoát v.v... Đối với sự thù thắng giải thoát của tất cả pháp cùng với giải thoát v.v... Chư Phật ba đời cùng với giải thoát v.v... Chư pháp ba đời cùng với giải thoát v.v... Tất cả sự tùy hỷ và sự hồi hướng cùng với giải thoát v.v... Các căn thành thục, biến hóa của Phật và đệ tử, các Độc giác cùng với giải thoát v.v... Sự chứng đắc Niết-bàn của Phật và đệ tử, các Độc giác cùng với giải thoát v.v... Các pháp, pháp tánh của chư Phật, Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn cùng với giải thoát v.v... Tất cả hữu tình và tất cả pháp, pháp tánh kia cùng với giải thoát v.v... Như các pháp tánh không buộc, không mở, không nhiễm, không tịnh, không khởi, không tận, không sanh, không diệt, không lấy, không bỏ. Ta đối với công đức thiện căn như thế hiện tiền tùy hỷ. Đem thiện căn này cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Tùy hỷ hồi hướng như thế chẳng phải tùy hỷ hồi hướng, không chỗ tùy hỷ, không chỗ hồi hướng. Tùy hỷ hồi hướng như vậy, chẳng chuyển, chẳng dừng, không sanh diệt.

Thiện Hiện! Tùy hỷ hồi hướng của Đại Bồ-tát này đối với sự phát khởi tùy hỷ hồi hướng khác là tối tôn, là tối thắng nói rộng như trước. Nếu Đại Bồ-tát thành tựu tùy hỷ hồi hướng như thế, mau chóng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… phát tâm Đại thừa, giả sử ở trong mười phương hằng hà sa v.v… thế giới của tất cả Như Lai và các đệ tử, dùng hữu tướng, có sở đắc làm phương tiện, trọn đời thường đem các vật thượng diệu cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Sau khi chư Như Lai và các đệ tử nhập Niết-bàn, dùng bảy báu xây dựng các tháp cao rộng thờ Xá-lợi, ngày đêm tinh cần lễ bái, nhiễu quanh bên phải.

Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Lại dùng hữu tướng và có sở đắc làm phương tiện, tinh cần tu hành bố thí cho đến Bát-nhã và thiện căn khác.

Cũng có các thiện nam, thiện nữ v.v… khác phát tâm Đại thừa, dùng vô tướng và vô sở đắc làm phương tiện, tu hành thiện căn tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo, phát sanh tùy hỷ đối với tất cả công đức thiện căn khác. Đem thiện căn này cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Các thiện nam, thiện nữ v.v… này do nhờ phương tiện thiện xảo, tùy hỷ hồi hướng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Sự tạo tác công đức này của các thiện nam tử phát tâm Đại thừa thù thắng hơn trước đã nói gấp trăm phần, ngàn phần, muôn ức phần. Cho nên nói tùy hỷ hồi hướng như thế đối với thiện căn là tối thắng v.v…

Thế nên, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát phát khởi tâm Đại thừa nên dùng vô tướng và vô sở đắc làm phương tiện, tinh cần tu thiện căn tương ưng với bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa và dựa vào phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, phát sanh tâm tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Nếu Đại Bồ-tát có thể dùng vô tướng và vô sở đắc làm phương tiện, tâm tùy hỷ hồi hướng thì Đại Bồ-tát này mau chóng chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.

 

Tập 10

 Quyển 505

Phẩm Địa Ngục 01

 

 

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm có thể chiếu sáng, hoàn toàn thanh tịnh, đều nên cung kính đảnh lễ, là nơi tôn trọng trời, người v.v... kính lễ tôn trọng, không bị nhiễm đắm, không bị các pháp thế gian làm ô uế được. Xa lìa tất cả sự ngăn che ba cõi, xa lìa phiền não và các kiến chấp đen tối. Cho nên nó là tối thượng, đứng đầu đối với tất cả pháp Bồ-đề phần, rất là tối thắng. Có thể làm an ổn, dứt hẳn tất cả các việc khủng hoảng, kinh hãi, bức bách, tai nạn. Đem ánh sáng cho các hữu tình, làm cho họ được năm loại mắt, hoàn toàn thấy được trung đạo, làm cho kẻ lạc đường không rơi vào nhị biên. Khéo phát sanh trí nhất thiết trí, dứt hẳn tất cả sự tương tục và tập khí phiền não. Là mẹ của tất cả Đại Bồ-tát, vì sự tu tất cả Phật pháp của Bồ-tát được phát sanh từ đây. Bất sanh, bất diệt vì tự tướng Không. Thoát hẳn tất cả sanh tử, chẳng thường, chẳng hoại. Có thể làm chỗ nương tựa, đem Pháp bảo cho các hữu tình. Làm thành tựu viên mãn mười lực Như Lai, tất cả luận sự khác đều bị khuất phục. Vận chuyển pháp luân Vô thượng, ba chuyển, mười hai hành tướng đạt được tất cả pháp, không ngược xuôi, nên hiểu rõ tất cả pháp không điên đảo, tự tánh liễu tri vô tánh, tự tánh Không.

Bạch Thế Tôn! Các loại hữu tình đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này nên an trụ thế nào?

Bấy giờ, Phật dạy Xá-lợi Tử:

- Các loại hữu tình đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này nên trụ như Phật. Cúng dường, cung kính, tư duy Bát-nhã ba-la-mật-đa như cúng dường, cung kính, tư duy Phật Thế Tôn. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Phật không khác Bát-nhã ba-la-mật-đa, Bát-nhã ba-la-mật-đa không khác Phật. Phật tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa, Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là Phật. Vì sao? Vì chư Phật, Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được xuất hiện. Mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông cũng do Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được xuất hiện ở thế gian. Tất cả bố thí Ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng cũng do Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được xuất hiện.

Khi ấy, trời Đế Thích lại nghĩ: Nay ngài Xá-lợi Tử do nhân duyên gì hỏi Phật điều đó?

Xá-lợi Tử biết tâm niệm vị ấy, liền nói:

- Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát do giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nên dùng phương tiện thiện xảo đối với mười phương chư Phật trong ba đời, từ lúc mới phát tâm cho đến Chánh pháp cửu trụ, tạo tác công đức trong khoảng thời gian đó. Hoặc nhiều thiện căn của các Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, và các hữu tình khác. Tất cả như thế đều dùng vô tướng và vô sở đắc làm phương tiện. Tập hợp hiện tiền tùy hỷ, đã tùy hỷ rồi đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do nhân duyên này, nên tôi hỏi việc ấy.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát vượt hẳn bố thí cho đến tịnh lự Ba-la-mật-đa gấp vô biên, vô số. Ví như có trăm ngàn v.v… người bị mù bẩm sinh, nếu không được người sáng mắt khéo dẫn đường, thì không có thể đến được con đường chính, huống chi đến được thành lớn giàu sang ở xa. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa trước là những người mù, nếu không có người sáng mắt dẫn đường là Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không thể đến chánh đạo Bồ-tát, huống gì là đến thành trí nhất thiết ở xa.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Bố thí v.v... năm Ba-la-mật-đa chính nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa nên gọi là người có mắt. Lại nhờ sự giữ gìn của Bát-nhã ba-la-mật-đa nên gọi là đáo bỉ ngạn.

Trời Đế Thích hỏi:

- Chẳng phải nhờ năm Ba-la-mật-đa trước cũng hỗ tương dẫn đầu, giữ gìn mà Ba-la-mật-đa còn lại khiến đi đến bờ bên kia. Đã vậy thì tại sao chỉ tán thán Bát-nhã ba-la-mật-đa là hơn hẳn năm Ba-la-mật-đa kia?

Xá-lợi Tử đáp:

- Lời nói của Thiên chủ không đúng lý. Vì sao? Chẳng phải nhờ năm Ba-la-mật-đa trước dẫn đầu, giữ gìn Ba-la-mật-đa còn lại, làm cho đến bờ bên kia. Chính nhờ phương tiện thiện xảo đầy đủ thế lực lớn của Bát-nhã ba-la-mật-đa, giữ gìn năm Ba-la-mật-đa, khiến không bị chấp trước, mau chóng đến bờ bên kia. Vì vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với năm loại trước là tối tôn, là tối thắng, là tôn quí, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát vì sao phải hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát nào không vì hướng dẫn, phát triển sắc, chỉ hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì hướng dẫn, phát triển thọ, tưởng, hành, thức chỉ hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến không vì hướng dẫn, phát triển trí nhất thiết, chỉ hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì hướng dẫn, phát triển trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chỉ hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không vì hướng dẫn, phát triển tất cả pháp, chỉ hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát không vì hướng dẫn, phát triển sắc cho đến tất cả pháp, chỉ hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Vì sắc cho đến tất cả pháp vô tác, vô sanh, không đắc, không hoại, không tự tánh. Các Đại Bồ-tát không vì hướng dẫn, phát triển sắc cho đến tất cả pháp, nên hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

- Các Đại Bồ-tát hướng dẫn, phát triển Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế cùng với pháp nào hợp?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy không hòa hợp cùng với tất cả pháp. Do không hòa hợp nên được gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy không hòa hợp với tất cả pháp nào?

Thế Tôn dạy:

- Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy không hòa hợp với thiện pháp, không hòa hợp với bất thiện pháp, không hòa hợp với pháp có tội, không hòa hợp với pháp vô tội, không hòa hợp với pháp hữu lậu, không hòa hợp với pháp vô lậu, không hòa hợp với pháp hữu vi, không hòa hợp với pháp vô vi, không hòa hợp với pháp có nhiễm, không hòa hợp với pháp vô nhiễm, không hòa hợp với pháp thế gian, không hòa hợp với pháp xuất thế gian, không hòa hợp với pháp tạp nhiễm, không hòa hợp với pháp thanh tịnh, không hòa hợp với pháp sanh tử, không hòa hợp với pháp Niết-bàn. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm đối với tất cả pháp vô sở đắc, cho nên không thể nói hòa hợp với pháp như thế.

Lúc đó, trời Đế Thích liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm há cũng không hòa hợp với trí nhất thiết?

Phật dạy:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm cũng không hòa hợp với với trí nhất thiết, vì do đây đối với kia vô sở đắc vậy.

Trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với trí nhất thiết không hợp, không đắc?

Thế Tôn dạy:

- Chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm đối với trí nhất thiết như danh, như tướng, như chỗ tạo tác, có hợp, có đắc.

Trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với trí nhất thiết có hợp, có đắc?

Thế Tôn dạy:

- Do Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm đối với trí nhất thiết như danh, tướng v.v... không nhận, không lấy, không trụ, không đoạn, không chấp, không bỏ. Hòa hợp như vậy nhưng không được hòa hợp. Đối với tất cả pháp cũng lại như vậy, như danh, tướng v.v... không nhận, không lấy, không trụ, không đoạn, không chấp, không bỏ. Hòa hợp như vậy nhưng không được hòa hợp.

Khi ấy, trời Đế Thích lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ. Bạch Thiện Thệ! Thật hi hữu. Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, vì tất cả pháp không sanh, không diệt, không tạo, không thành, không đắc, không hoại, không tự tánh cho nên xuất hiện ở thế gian. Tuy có hòa hợp, có chứng đắc nhưng không hòa hợp, không chứng đắc. Nghĩa lý như vậy thật bất khả tư nghì. Chỉ có Phật Thế Tôn mới thuyết được.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, khởi tưởng như vầy: Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm hòa hợp, hoặc không hòa hợp với tất cả pháp thì Đại Bồ-tát này đều bỏ, đều xa Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Lại có nhân duyên khiến cho các Đại Bồ-tát xả bỏ, xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đó là khi vị ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa lại vọng tưởng như vầy: Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm vô sở hữu, chẳng chơn thật, không kiên cố, không tự tại thì Đại Bồ-tát này xả bỏ, xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Nếu khi Đại Bồ-tát tin tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, thì không tin pháp nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát tin tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm thì không tin sắc, không tin thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến không tin trí nhất thiết, không tin trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Vì sao khi Đại Bồ-tát tin Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm lại không tin sắc cho đến không tin trí nhất thiết tướng?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Khi Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, quán sát tất cả sắc cho đến trí nhất thiết tướng, bất khả đắc. Tuy tin Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không tin sắc cho đến trí nhất thiết tướng. Như vậy, Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát tin Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm thì không tin sắc, cho đến không tin trí nhất thiết tướng.

  

 

   Quyển thứ 505

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]