Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh

13/09/201413:23(Xem: 4736)
Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh

Dai Tang Kinh


Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh

Nguyễn Minh Tiến




Góp sức xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt

I. Một số khái niệm 

1. Đại Tạng Kinh và Đại Tạng Kinh Tiếng Việt 

Đại tạng kinh là tập đại thành toàn bộ những giáo pháp do đức Phật giảng dạy mà chúng ta hiện còn được biết, được kết tập thành dạng văn bản qua nhiều nỗ lực của những thế hệ trước đây trong suốt chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ qua. Tuy những lần kết tập đầu tiên chưa định hình văn bản, nhưng đó lại chính là nền tảng để những lần kết tập về sau có thể ghi chép lại Thánh giáo. Chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết về những lần kết tập kinh điển, vì đã có nhiều bài viết trình bày cặn kẽ được đăng lại trên trang này.

Ngôn ngữ ban đầu được sử dụng để ghi chép Đại tạng kinh là tiếng Pali (Nam Phạn) đối với Đại tạng kinh Nam truyền và tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) đối với Đại tạng kinh Bắc truyền. Khi Phật giáo rộng truyền qua nhiều quốc gia, để thuận tiện cho việc truyền giảng cũng như tiếp nhận Giáo pháp, điều thiết yếu là Kinh điển cần được chuyển dịch sang ngôn ngữ của từng quốc gia mà đạo Phật truyền đến. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhu cầu hết sức thiết yếu này không phải bao giờ cũng có thể thực hiện ngay được, và vì thế mà có nhiều quốc gia vẫn phải tiếp cận với đạo Phật thông qua Đại tạng kinh bằng ngôn ngữ của một quốc gia khác. Việt Nam chúng ta là một ví dụ. 

Một số quốc gia hình thành được bản dịch Đại tạng kinh từ khá sớm như Tây Tạng, Trung Hoa... Nhiều quốc gia khác tuy muộn màng hơn nhưng cũng dần dần có được một bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ của nước mình, như Nhật Bản, Hàn quốc...

Như vậy, có thể nói Đại Tạng Kinh là một kho báu chung của mọi người Phật tử, nhưng do nhu cầu học Phật ở mỗi quốc gia mà có sự hình thành các Đại Tạng Kinh bằng những ngôn ngữ khác nhau. Vì thế, không nên xem đó là những Đại Tạng Kinh của riêng mỗi nước, mà nên nhìn nhận đó chỉ là những phương tiện trình bày khác nhau của cùng một bộ Đại Tạng Kinh duy nhất được hình thành từ những lời Phật dạy. Những điểm "đại đồng tiểu dị" trong Đại Tạng Kinh bằng các ngôn ngữ khác nhau bao giờ cũng mang giá trị tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu cũng như người học Phật, bởi nó giúp làm sáng tỏ hơn những điểm còn khó hiểu, đồng thời cũng có thể bổ sung cho nhau để giúp người học Phật có được một Giáo pháp hoàn chỉnh nhất. Chính trong ý nghĩa này, thầy Tuệ Sỹ khi nói về Đại Tạng Kinh tiếng Việt đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn như sau:

"...ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM là một tập hợp các bản dịch Việt Đại tạng kinh Phật giáo từ truyền bản tiếng Trung Quốc, có tham cứu các truyền bản tiếng Phạn, Pali và Tây Tạng. Do đó, nó bao gồm toàn bộ các kinh điển Phật giáo đã được dịch ra tiếng Việt đã và đang lưu hành từ trước tới nay."(Xem ở đây)

Nói là ngắn gọn, vì định nghĩa này chỉ nhằm nêu ra một hướng khái quát, nhưng không loại trừ sự mở rộng khái niệm. Chẳng hạn, trong điều kiện hiện nay thì việc tham khảo thêm những bản dịch Kinh điển đã có trong tiếng Anh, Pháp... sẽ giúp ích cho người đọc kinh hoặc dịch kinh rất nhiều, và cũng không loại trừ cả việc tham khảo các bản kinh từ nhiều ngôn ngữ khác nữa như tiếng Nhật, Hàn... trong trường hợp người đọc kinh hoặc dịch kinh có được khả năng đó.

2. Đại Tạng Kinh Tiếng Việt 

Có lẽ cũng không có khác biệt nhiều lắm giữa 2 tên gọi Đại Tạng Kinh Việt Nam hay Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. Tuy nhiên, trong ý nghĩa như đã trình bày trên, chúng tôi nghiêng về tên gọi Đại Tạng Kinh Tiếng Việt để thể hiện rõ tính nhất quán của Đại Tạng Kinh trên toàn thế giới, dù được chuyển dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào thì đó vẫn chính là những lời Phật dạy, chỉ khác biệt ở dạng ngôn ngữ hiển thị mà thôi. Việc gắn liền tên gọi Đại Tạng Kinh với tên gọi quốc gia hay một tổ chức dễ tạo ra sự ngộ nhận rằng phiên bản Đại Tạng Kinh ấy là thành quả hoặc giá trị riêng của tổ chức hay quốc gia đó.

Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, Kinh điển Nam truyền bằng tiếng Pali (Nam Phạn) đã được Hòa thượng Thích Minh Châu Việt dịch và cũng đã được in ấn lưu hành, nên việc chuyển dịch chỉ còn tập trung vào Đại Tạng Kinh chữ Hán, và sẽ chủ yếu dựa theo bản Đại Chánh tân tu Đại Tạng Kinh (Đại Chánh tạng), vì đây là chọn lựa của các vị đi trước và cũng là một lựa chọn rất hợp lý, xét về những điểm ưu việt của Đại Chánh tạng so với các tạng kinh khác. Tuy nhiên, bản Đại Chánh tạng hiện đang lưu hành chủ yếu là phiên bản điện tử (do CBETA lưu hành miễn phí), vì rất ít dịch giả có được trong tay bản sách in, nên việc tham khảo đối chiếu thêm với các bản khắc gỗ Càn Long, Vĩnh Lạc (dạng file ảnh) cũng rất cần thiết để đảm bảo độ chính xác.

Điều tất nhiên là sau khi hoàn tất việc chuyển dịch Đại Chánh tạng sang tiếng Việt, chúng ta còn có thể tiếp tục thu thập những trước tác, luận giải của các bậc thầy Việt Nam để thêm vào Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, tương tự như người Trung Hoa đã làm với tác phẩm của các đại sư Trung Hoa. Tuy nhiên, ưu tiên trước nhất vẫn phải là việc chuyển dịch các phần chính văn Kinh điển. Cho đến nay, công việc này đã đạt được rất nhiều thành quả lớn lao, đáp ứng được những nhu cầu học Phật cũng như tu tập hành trì căn bản nhất của người Phật tử Việt Nam, nhưng thật đáng tiếc là việc ra đời một bộ Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh vẫn còn chưa hội đủ các yếu tố nhân duyên để thành tựu.

3. Tính cấp thiết của việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt 

Trong bài viết Về công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh, trong mục "Yêu cầu cấp thiết hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam", Hòa thượng Thích Chơn Thiện viết:

" Ngoài Phật giáo Việt Nam các nước bạn Phật giáo đều có Đại Tạng bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Do vậy, Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã có quyết định cấp thiết hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam." (Xem ở đây.)

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là một nhu cầu cấp thiết, nhưng không cho rằng tính cấp thiết đó xuất phát từ lý do như trên. Trong thực tế, nếu chúng ta mong muốn có được một điều gì chỉ vì nhìn sang nhà hàng xóm thấy họ đã có, thì đó tất nhiên chưa phải một nhu cầu cấp thiết. Nếu thừa khả năng, có thể ta sẽ thực hiện, nhưng trong các điều kiện khó khăn thách thức, đó không thể là lý do thúc đẩy chúng ta quyết tâm vượt qua.

Chúng tôi cũng thường nói rằng việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là nhằm đáp ứng nhu cầu học Phật cũng như tu tập hành trì của Phật tử Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không chỉ là xét theo bề mặt của vấn đề, mà cần phải suy xét một cách sâu xa hơn mới nhận thấy được.

Những thành quả phiên dịch hiện nay có thể nói là đã tạm đáp ứng được nhu cầu tu tập của đa số Phật tử. Những kinh điển căn bản như A-di-đà, Phổ môn, Kim cang, Pháp hoa, Hoa nghiêm, Bát-nhã, Niết-bàn v.v... đều đã được Việt dịch và lưu hành rộng rãi. Mục đích tu tập của người Phật tử nói chung không hề nhắm đến việc thông kim bác cổ hay thông suốt Tam tạng, mà chủ yếu là thực hành theo lời Phật dạy để có được sự an lạc trong hiện tại cũng như gieo các nhân lành chuẩn bị tốt cho kiếp sống tương lai. Thế nên, phần lớn mọi người chỉ cần chọn theo một pháp môn nào đó, học hỏi một hoặc một số bộ kinh nào đó là đã đủ để đáp ứng cho việc tu tập của bản thân mình. Như vậy, nếu xét theo nhu cầu tu tập của đại đa số Phật tử thì việc xây dựng một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh cũng không hẳn là một nhu cầu cấp thiết. Hầu hết đều đã có được những gì thực sự cần thiết, và việc chuyển dịch hay không những kinh điển còn lại có vẻ như không phải là chuyện nhất định phải làm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xét cho đến tận cội nguồn của những giáo lý mà người Phật tử nhận được để tu tập thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác đi. Phần lớn Phật tử tiếp cận với đạo Phật ban đầu đều thông qua sự thuyết giảng của các bậc thầy, hoặc cho dù có tìm đọc qua các sách Phật học thì sách ấy cũng là do quý thầy biên soạn mà có. Nhưng quý thầy dựa vào đâu để có đủ kiến thức giáo lý thuyết giảng cho Phật tử hoặc biên soạn các sách Phật học? Vấn đề lại quay về nguyên ủy của nó, chính là thông qua Tam tạng kinh điển. Vì thế, nếu không có được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh, thì trong tương lai chắc chắn Giáo pháp của đức Phật sẽ có rất nhiều nguy cơ bị nhận hiểu sai lệch hoặc khiếm khuyết. Chúng tôi sẽ nêu rõ hơn vấn đề này trong một phần tiếp theo dưới đây.

Trở lại vấn đề về tính cấp thiết của việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, theo chúng tôi là xuất phát từ một số lý do sau đây:

Thứ nhất, Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là giải pháp duy nhất giúp bảo tồn và truyền lại Giáo pháp của đức Phật cho Phật tử Việt Nam hiện nay cũng như những thế hệ về sau. Do điều kiện lịch sử quy định, nước ta từ xưa đã sử dụng chữ Hán như một loại chữ viết chính thức trong việc truyền đạt và tiếp thu tri thức. Những tri thức về Phật pháp cũng không ngoại lệ. Vì thế, thế hệ các bậc trưởng lão tôn túc trước đây hầu hết đều tiếp thu giáo pháp thông qua việc đọc hiểu chữ Hán từ Hán tạng. Thế hệ sinh ra từ những năm 60 của thế kỷ trước đã bắt đầu hiếm hoi những người đọc hiểu được chữ Hán, và xu hướng chung là ngày càng hiếm hoi hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta chưa hề nhận ra chỗ thiếu hụt đó, bởi các vị tôn túc tiền bối vẫn đang còn tại thế và liên tục trao truyền giáo pháp đến cho chúng ta thông qua thân giáo, khẩu giáo của quý ngài. Nhưng đến nay thì các vị đã dần dần viên tịch theo quy luật vô thường hoặc già yếu không còn sức thuyết giảng. Đã đến lúc những người trẻ tuổi hơn phải tự mình gánh vác trách nhiệm nghiên tầm giáo pháp để còn trao lại cho các thế hệ tiếp theo sau nữa. Nhưng nếu không đọc được Hán tạng thì chúng ta sẽ dựa vào đâu mà nghiên tầm giáo điển?

Lịch sử đã cho thấy, nhờ có được Đại Tạng Kinh bằng tiếng Hán nên người Trung Hoa đã có thể tu tập Phật pháp mà không cần phải học hiểu tiếng Phạn, thậm chí có nhiều bậc đại sư, tổ sư cũng không hề biết đến Phạn ngữ. Họ đã có được lợi thế tiếp thu Phật pháp hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Cơ hội cho người Việt chúng ta là không khác. Chúng ta cũng có thể tu tập với Kinh điển bằng tiếng Việt nếu có, và khi ấy thế hệ đi sau sẽ không nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào chữ Hán mới có thể nghiên cứu Kinh, Luật, Luận.

Xét như vậy thì có thể thấy rằng việc xây dựng một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt không chỉ quan trọng đối với chúng ta hôm nay, mà còn là điều không thể thiếu được cho các thế hệ mai sau nếu muốn Phật pháp còn tồn tại trên đất Việt.

Yếu tố thứ hai tạo nên tính cấp thiết là chúng ta không còn nhiều thời gian nữa. Vì sao vậy? Những bậc lão thành, những cây đại thụ trong sự nghiệp Việt dịch kinh điển đã và đang dần dần lìa bỏ chúng ta. Các vị Hòa thượng Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh, Thích Đỗng Minh, Thích Trí Nghiêm... đều đã viên tịch, mà trong số hậu nhân dường như vẫn chưa thấy mấy ai nổi bật để có thể cáng đáng thay thế công việc của quý ngài. Như vậy, con số những người đủ khả năng đọc hiểu và Việt dịch kinh điển đang ngày càng ít đi. Nếu thế hệ hiện nay không hoàn tất được sự nghiệp này, liệu có thể tin được rằng thế hệ tương lai rồi sẽ thực hiện được một cách dễ dàng hơn chăng? Vì thế, dù trong tình huống bất lợi nhất do hoàn cảnh chi phối, thì tối thiểu chúng ta cũng phải định hình được công việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt thành một nề nếp khoa học, hợp lý và ổn định, để thế hệ đi sau chỉ nối tiếp công việc cho hoàn tất chứ không cần phải mất thời gian dò dẫm phương hướng.

Yếu tố thứ ba mà chúng tôi muốn đề cập ở đây liên quan đến việc thuyết giảng và tiếp nhận giáo lý như vừa nói ở một phần trên. Khi tiếp cận với Kinh điển một cách không đầy đủ do sự hạn chế về ngôn ngữ, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng thiếu kiến thức giáo lý, không giải quyết được một số vấn đề theo đúng tinh thần Phật pháp và sẽ có khuynh hướng suy diễn để đưa ra cách giải quyết theo tri kiến của riêng mình. Điều này trong một chừng mực nào đó có vẻ như vẫn chấp nhận được, nhưng sự thật là nó sẽ làm cho đạo Phật Việt Nam ngày càng xa rời những lời dạy ban đầu của đức Thế Tôn. Nếu có được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt đầy đủ thì vấn đề sẽ hoàn toàn đổi khác. Bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề mình quan tâm trong Kinh tạng, và việc hiểu sai, suy diễn sai về giáo lý sẽ được hạn chế đến mức tối đa.

Tôi xin đưa ra một vài thí dụ để minh chứng cho quan điểm này. Trong một dịp tình cờ, tôi đã đọc được câu chuyện do một vị tăng thuộc thế hệ cao tuổi (đồng thời với Hòa thượng Thích Trí Thủ) kể lại một thắc mắc của ông khi còn là học tăng ở trường Phật học Lưỡng Xuyên. Khi được học lịch sử đức Phật Thích-ca đến câu: "Bốn phương bảy bước du hành" thì ông không hiểu được nên đưa tay xin hỏi vị Giảng sư: "Làm thế nào mà 7 bước đi lại có thể đi về 4 hướng?"

Theo lời kể của ông thì vị Giảng sư không trả lời được. Nhân duyên đưa đẩy thế nào mà mấy hôm sau lại có một người Phật tử đến chùa cũng nêu ra đúng thắc mắc như thế với ông. Thế là ông tự nghĩ ra câu giải đáp và trả lời người Phật tử ấy rằng: "Dù chưa bước đi nhưng 4 phương đã ở trong tâm thái tử rồi. Nếu không hiểu được như vậy thì Diệu Pháp ở đâu, đi tới tận đâu mới hết phương hướng?"

Câu trả lời tự suy diễn này thật ra đã đẩy một vấn đề giáo lý đơn giản thành một khái niệm siêu hình trừu tượng, chắc hẳn là vượt quá khả năng nhận hiểu của người Phật tử bình thường.

Thật ra vấn đề cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng nó cho thấy cách ứng xử của vị tăng này - và có lẽ cũng là của hầu hết chúng ta - khi gặp phải một vấn đề không hiểu được trong giáo lý. Nguyên do chỉ bởi vị này - cũng như vị giảng sư trong câu chuyện của ông - chưa có nhân duyên đọc được điều này trong Kinh điển mà thôi. Không nói đến những Kinh điển khác, chỉ riêng trong kinh Đại Bát Niết-bàn đã có đến 3 lần đức Phật đề cập đến sự kiện thái tử đản sanh đi bảy bước. Ở đây chỉ trích một chỗ duy nhất trong Kinh văn viết rằng: " Sơ sanh chi thời, ư thập phương diện, các hành thất bộ." (初生之時於十方面各行七步。- [Lúc Bồ Tát] vừa sinh ra hướng về mười phương, mỗi phương đều đi bảy bước." (Đại Chánh tạng, tập 12, kinh số 374, trang 528, tờ a, dòng thứ 28 và 29)

Như vậy, nói bốn phương cũng chỉ là một cách nói biểu trưng, vì trong Kinh có chỗ nói mười phương, nên thật ra hàm ý ở đây là tất cả các phương. Có lẽ để tránh sự khởi sinh thắc mắc không đáng có cho người đọc về chuyện mười phương hoặc bốn phương, nên tuy chữ Hán viết rõ là "ư thập phương diện" nhưng Hòa thượng Trí Tịnh đã dịch là "...[Bồ Tát] lúc mới sanh, ở bốn phương đều đi bảy bước". Trong một đoạn Kinh văn khác, đức Phật còn thuyết giảng rõ ràng ý nghĩa đi về các phương đông, tây, nam, bắc... là như thế nào. Do đó, vấn đề nảy sinh ở đây chính là vì cả hai vị giảng sư và học tăng đều chưa đọc qua kinh Đại Bát Niết-bàn, có lẽ vì lúc đó chưa có bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh. 

Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rõ khuynh hướng tự suy diễn và hiểu sai khi không có đủ điều kiện để tiếp cận với Kinh điển. Nếu không sớm có một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh lưu hành, e rằng những trường hợp như thế này sẽ không phải là hiếm gặp.

Câu chuyện thứ hai là một sự nhận hiểu sai lệch mà theo chúng tôi có lẽ do người viết có biết chữ Hán nhưng không nhiều lắm, rồi tự suy diễn khi đọc kinh văn. Tại trang này, chúng tôi đọc được tên bản kinh Hiền Nhân (do Hòa thượng Thích Hành Trụ Việt dịch) được ghi dịch giả Hán dịch là Ngô Nguyệt Chi. Toàn bộ bản Việt dịch kinh cũng được đăng ở đây, và sau khi xem qua thì tôi biết tên người Hán dịch được ghi theo Lời nói đầu của tác giả Tâm Quán như trong đoạn văn trích sau đây:

"Cuốn Triết Nhân do ông Ngô Nguyệt Chi dịch Phạm Văn ra Hán Văn với một lối văn có màu sắc cổ điển và thuần túy. Nguyên nhan đề là "kinh ông Bụt", nay Thầy Lê phước Bình (HT Thích Hành Trụ) dịch ra tiếng Việt ngữ đổi lại là "KINH HIỀN NHÂN". Hiền Nhân hay ông Bụt cũng thế là tiền thân của Phật Thích Ca, chính Ngài thuật lại." 

Nhưng thật ra bản kinh này chính là dịch từ bản kinh Hán văn Phật thuyết Bột Kinh Sao (佛說孛經抄) (Đại Chánh tạng, tập 17, kinh số 790, bắt đầu từ trang 729, tờ a) do ngài Chi Khiêm dịch sang Hán văn. Dòng đầu kinh khắc như sau:

吳月支國居士支謙譯 (Ngô Nhục Chi quốc Cư sĩ Chi Khiêm dịch) 

Tham khảo bản kinh này trong Càn Long tạng và Vĩnh Lạc Bắc tạng đều có, nhưng với tên là Phật thuyết Bột Kinh (佛說孛經) và dòng ghi tên người dịch cũng hơi khác một chút:

吳月支國憂婆塞支謙譯 (Ngô Nhục Chi quốc Ưu-bà-tắc Chi Khiêm dịch)

Cư sĩ hay Ưu-bà-tắc đều có cùng một nghĩa như nhau, chỉ cho người Phật tử nam giới tu tại gia. Vì thế, dòng này có ý nghĩa là: Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nhục Chi, dịch vào đời Ngô. 

Tác giả Tâm Quán đã hiểu lầm cho rằng chữ Ngô đứng đầu là họ. Chữ nhục trong Nhục Chi quốc tuy viết giống chữ nguyệt, nhưng trong tên nước này là chữ được dùng để phiên âm tên nước thời cổ là Yuezhi. Nhưng dù đọc cách nào đi nữa thì cũng không hề có một ông "Ngô Nguyệt Chi" nào đó để Hán dịch kinh này. 

Cách hiểu sai như thế là chuyện hoàn toàn rất dễ xảy ra đối với người chưa có đủ kiến thức về chữ Hán cũng như về kinh điển mà rơi vào hoàn cảnh phải tự đọc lấy kinh điển bằng Hán văn. 

Trường hợp vừa nêu chỉ là không hiểu tên một dịch giả, cũng chưa xem là quan trọng lắm, nhưng nếu với khả năng đọc hiểu như thế mà phải cố gắng đọc trọn một đoạn kinh, một quyển kinh... thì làm sao hiểu được? Vì thế, nếu chúng ta không sớm có một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt được chuyển dịch hoàn chỉnh bởi những người có đủ trình độ và sự cẩn trọng, thì khả năng đọc hiểu sai lầm ý nghĩa Kinh văn chắc chắn sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn.

II. Tìm hiểu về hiện trạng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt 

1. Bàn về công việc phiên dịch 

Để có được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh thì yếu tố trước nhất phải xét đến là công việc phiên dịch. Cho đến nay, dù chưa có được một bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh bằng tiếng Việt, nhưng với nỗ lực của nhiều vị tôn túc tiền bối cũng như các dịch giả đương đại, chúng ta đã chuyển dịch được khá nhiều kinh điển sang tiếng Việt, đủ để đáp ứng nhu cầu học hỏi Giáo pháp cũng như tu tập hành trì căn bản nhất của mọi người Phật tử Việt Nam. Tuy vậy, có 2 việc quan trọng mà từ trước đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Đó là chuẩn hóa các yêu cầu tối thiểu của việc dịch kinh và thống kê chính xác số lượng kinh điển đã dịch

Thứ nhất, về việc chuẩn hóa các yêu cầu tối thiểu của việc dịch kinh, chúng ta chưa có bất kỳ một sự thỏa thuận chung nào giữa những người tham gia công việc phiên dịch kinh điển sang tiếng Việt. Điều này thật ra không có gì mới, kinh nghiệm của những người đi trước cũng như thực tế đã chỉ ra là trước khi cùng nhau thực hiện bất kỳ một công việc nào mang tính tập thể, nhất thiết phải có những tiêu chuẩn tối thiểu để mọi người cùng tuân theo. Tại Trung Hoa, trong quá trình phiên dịch thì những dịch trường cũng như các dịch giả lớn đều đưa ra những tiêu chuẩn nhất định cho việc phiên dịch. Tại Tây Tạng, trước khi tiến hành việc phiên dịch kinh điển, các học giả, nhà nghiên cứu và các bậc đại sư đã cùng nhau thống nhất các tiêu chuẩn phiên dịch, đặc biệt là các thuật ngữ Phật học. Nhờ vậy, Đại Tạng Kinh Tiếng Tạng có một độ chính xác đáng ngạc nhiên, đến mức đã từng được một số nhà nghiên cứu dựa vào đó để khôi phục một phần các Phạn bản kinh văn đã mất. Gần đây hơn, khi thành lập các ban phiên dịch của Vạn Phật Thánh Thành, Hòa thượng Tuyên Hóa cũng đưa ra 8 quy luật phiên dịch kinh điển, chính là 8 nguyên tắc phải tuân theo của một dịch giả. (Mời xem ở đây
Thế nhưng, các dịch giả của chúng ta khi tham gia việc chuyển dịch Kinh điển thì chưa từng có sự thống nhất với nhau - trực tiếp cũng như gián tiếp - về những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc phiên dịch. Như thế, những "tiêu chuẩn tối thiểu" này tất nhiên sẽ được xác lập theo tùy theo quan điểm và nhận thức riêng của mỗi dịch giả mà không thể có một sự nhất quán cho cả công trình. Như vậy tất yếu phải dẫn đến có những bản dịch không đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn như độ chính xác, cách diễn đạt v.v... nhưng vẫn được lưu hành rộng rãi, và điều này có liên quan đến nội dung sẽ trình bày tiếp theo đây.

Thứ hai, về việc thống kê chính thức số lượng kinh đã được Việt dịch, chúng ta chưa có được bất kỳ công trình nào, cho dù là chính thức hay không chính thức. Lịch sử ghi nhận từ thế kỷ 4, ngài Đạo An (312-385) đã có công trình sưu tập khoảng hơn 500 bản thảo Hán dịch kinh điển và liệt kê vào một bản mục lục được gọi là Đạo An lục, gồm 374 bản kinh đã được Hán dịch vào thời điểm đó. Đến nay tuy Đạo An lục đã thất bản, nhưng vai trò lịch sử của công trình này là rất quan trọng, vì rất nhiều dịch giả Trung Hoa ngay sau đó đã từng dùng nó làm căn cứ để xác định các kinh cần dịch, cũng như nhiều thế hệ về sau đều nối tiếp công việc thống kê kinh điển đã dịch giống như ngài Đạo An, nhờ đó để lại rất nhiều bản mục lục kinh điển qua từng thời kỳ mà đến nay vẫn còn.

Do không có một sự thống kê chính thức từ bất kỳ tập thể hay cá nhân nào trong quá trình chuyển dịch kinh điển, nên những người tham gia công việc phiên dịch không biết dựa vào đâu để xác định các bản kinh cần dịch. Điều này dẫn đến có những bản kinh được rất nhiều người dịch, trùng lặp lẫn nhau, trong khi lại có rất nhiều bản kinh khác chưa có ai chuyển dịch. 

Mặt khác, do không có những tiêu chuẩn tối thiểu được chính thức đưa ra nhằm quy định hoặc hướng dẫn người dịch kinh, nên điều tất nhiên là sẽ có nhiều điều đáng nói về chất lượng các bản dịch. Một trong những người tham gia công việc phiên dịch Kinh điển là ông Đào Nguyên, trong một bài viết đã cho biết:

"... Vậy mà tôi đã nhầm khi tưởng rằng, công việc biên tập kinh, tuy là rất mới mẻ cùng đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng hẳn là người biên tập cũng sẽ nhàn nhã, dễ thở, vì toàn bộ các bản kinh Việt dịch đã được chứng nghĩa, tức là đã được “nghiệm thu”, để người dịch được nhận nhuận bút. Thực tế đã không hoàn toàn thuận chiều như tôi nghĩ. Sau hơn một tuần làm việc tại Văn phòng Phiên dịch của Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo, xem qua các kinh đã được Việt dịch từ Nha Trang gởi vào, tôi nhận thấy số lượng các bản Việt dịch tạm gọi là đạt thì không nhiều, có bản dịch còn quá kém..." (Mời xem ở đây.)

Kinh điển là Thánh giáo, dù có nóng lòng muốn có được một bản Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh, chúng ta cũng không thể vì thế mà huy động cả những người không đủ khả năng chuyển dịch vào làm công việc này, nhất là khi họ thực hiện công việc có kèm theo động cơ "nhận tiền nhuận bút" thì chất lượng bản dịch lại càng không đáng tin cậy. Chúng ta càng không thể lập luận rằng dù sao cũng còn có người đọc sửa lại. Với kinh nghiệm hiệu đính nhiều tác phẩm Phật học, trong đó có nhiều bản dịch Hán Việt cũng như Anh Việt, chúng tôi biết rất rõ rằng việc chỉnh sửa cho hoàn chỉnh một bản dịch kém chất lượng là khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều so với việc trực tiếp thực hiện bản dịch đó. Nếu người hiệu đính không đủ quyết tâm và kiên nhẫn (chưa nói đến năng lực) để thực hiện đến nơi đến chốn việc sửa chữa với nhiều công sức và thời gian như thế, thì dịch phẩm cuối cùng chắc chắn không thể có được độ chính xác như mong muốn.

Đối với các dịch giả làm việc độc lập thì vấn đề còn đáng lo ngại hơn nữa, vì trong thực tế hiện nay là dịch phẩm của họ sẽ được đưa ra lưu hành rộng rãi ngay mà không qua bất kỳ sự thẩm định hay chỉnh sửa nào. Trong trường hợp này, chúng ta đành phó mặc cho sự "may nhờ rủi chịu" mà không thể biết được rằng những bản dịch hiện đang lưu hành có thực sự chuẩn xác, diễn đạt đúng Thánh giáo hay không.

Thực tế là như vậy, nhưng cho đến nay chúng ta lại chưa có bất kỳ một nỗ lực nào trong việc so sánh, thẩm định để chuẩn hóa các bản dịch đang lưu hành. Những trường hợp dịch sai, dịch sót nếu có sẽ không có ai phát hiện để chỉnh sửa thay đổi. Rõ ràng là, nếu không có một sự thay đổi về cách thức tiến hành thì chúng ta sẽ rất khó lòng có được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt chuẩn xác và đầy đủ. 

2. Những nỗ lực trong thời gian qua

2.1. Việt dịch Kinh điển 

Như đã nói, Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là ước mơ chung của mọi người Phật tử Việt Nam. Vì thế, trong suốt thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực từ các tập thể và cá nhân, hoạt động hoặc lẻ loi hoặc có tổ chức, nhưng đều nhắm đến việc đóng góp vào công cuộc xây dựng một bộ Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. Qua những thông tin đã thu thập được đến nay, chúng ta có thể ghi nhận một số những nỗ lực nổi bật như sau:

1. Hội đồng phiên dịch Kinh điển đầu tiên được thành lập vào năm 1973, do thầy Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng và thầy Thích Quảng Độ làm Tổng thư ký. Theo ghi nhận của thầy Thích Tuệ Sỹ thì thành quả hoạt động của Hội đồng này trong quãng thời gian 1973-1975 đã để lại cho chúng ta những bản kinh điển Việt dịch như sau:

- Trường A-hàm và Tạp A-hàm do các thầy Thích Thiện Siêu, Thích Trí Thành và Thích Tuệ Sỹ thuộc Viện Cao đẳng Phật học Hải đức Nha Trang dịch. 

- Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm do các thầy Thích Thanh Từ, Thích Bửu Huệ, Thích Thiền Tâm thuộc Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm Saigon dịch.

- Đại Bát Nhã (Huyền Trang dịch, 600 cuốn) thuộc bộ Bát-nhã, do thầy Trí Nghiêm dịch.

- Các kinh Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật (Đại phẩm) thuộc bộ Bát-nhã; Kinh Diệu pháp Liên hoa (La-thập dịch), thuộc bộ Pháp hoa; Kinh Đại phương Quảng Phật Hoa nghiêm (bản Bát thập) thuộc bộ Hoa nghiêm, và toàn bộ Đại Bảo Tích do thầy Thích Trí Tịnh dịch.

Đáng tiếc là sau năm 1975 thì Hội đồng này không còn hoạt động nữa. 

2. Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam được thành lập và ra mắt vào ngày 30 tháng 11 năm 2003 tại Thiền viện Vạn Hạnh - TP HCM, với thành phần như sau:

CHỦ TỊCH: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU
-Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU
-Phó chủ tịch: Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ
-Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH KIỂM
-Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH TỪ
-Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN CHÂU
Trưởng ban thư ký: Thượng tọa THÍCH CHƠN THIỆN
Trưởng ban Tài chánh: Thượng tọa THÍCH GIÁC TOÀN
Trưởng ban In ấn và Phát hành: Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG
Trưởng ban từ vựng Phật học: Cư sĩ MINH CHI 


Song song với việc thành lập Hội đồng này, còn có một HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH Của HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM cũng được thành lập với thành phần nhân sự như sau: 

Hòa thượng THÍCH ĐỨC THUẬN
Hòa thượng THÍCH ĐÔN HẬU
Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
Hòa thượng THÍCH MẬT HIỂN
Hòa thượng THÍCH HUỆ THÀNH
Hòa thượng THÍCH GIÁC NHU
Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ
Hòa thượng THÍCH TÂM THÔNG
Hòa thượng THÍCH SIÊU VIỆT
Hòa thượng MAHÀ SARAY
Hòa thượng THÍCH TRÍ NGHIÊM

Chúng tôi chưa có được những thông tin cụ thể về thành quả hoạt động của Hội đồng này trong những năm qua. Mặt khác, chúng tôi cũng chưa được nghe biết về việc thay đổi hoặc bổ sung nhân sự của Hội đồng này, mặc dù phần lớn các vị trong cả hai Hội đồng nói trên đều hoặc đã qua đời hoặc đã già yếu...

3. Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Đỗng Minh chủ trì thành lập vào năm 2002 với sự tham gia của một nhóm Tăng, Ni, Phật tử tại Nha Trang (Khánh Hòa). Song song với Ban phiên dịch này là việc thành lập một Ban bảo trợ phiên dịch Pháp tạng, do Như Bửu là Trưởng ban, có nhiệm vụ vận động tài chánh phục vụ công tác phiên dịch. Trong thư ngỏ của vị Trưởng ban này viết như sau:

1- Từ lâu, chúng tôi vẫn thao thức và chia sẻ hoài bão chung của chư Tôn đức Tăng Ni và quý vị thiện hữu tri thức về việc hình thành một Đại tạng kinh Việt ngữ. Lịch sử truyền thừa Phật giáo trên đất nước chúng ta cũng lâu dài không kém các quốc gia hiện đang có Đại tạng kinh với ngôn ngữ riêng của họ. Sự thiếu vắng một Đại tạng kinh như thế không chỉ là một điều buồn mà là một thiệt thòi cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam và những người Việt Nam muốn tìm hiểu, nghiên cứu tường tận kinh điển của Đức Phật; Cũng thiệt thòi cho ngôn ngữ và văn học Việt Nam vì lịch sử đã cho thấy các công trình phiên dịch kinh điển Phật giáo đã làm phong phú ngôn ngữ và văn học của các quốc gia Trung Hoa, Tây Tạng, Đại Hàn..

2- Khả năng, quyết tâm và kinh nghiệm phiên dịch, chư Tôn đức Tăng Ni và quý vị cư sĩ trong các Ban phiên dịch kinh điển tại Việt Nam không thiếu, cái thiếu và thiếu nghiêm trọng là phương tiện và tài chánh. Không phải chỉ bây giờ mà mấy chục năm về trước, công tác phiên dịch Đại Tạng Kinh cũng gặp tình trạng khó khăn như vậy. Đọc lại lịch sử phiên dịch kinh điển Trung Hoa, chúng ta thấy hầu hết những công trình phiên dịch lớn lao và những lần khắc bản in Đại tạng kinh đều do các vị vua bảo trợ. Chúng ta có thể đọc thấy nơi trang đầu của những bộ kinh có câu "Phụng chiếu dịch" là do như vậy.

3- Hòa Thượng Thích Đỗng Minh đã có những đóng góp lớn trong việc đào tạo được nhiều lớp Tăng Ni tại các Phật Học Viện Huế, Nha Trang, Sài Gòn từ những năm 1960 trở đi. Thời gian sau này, Ngài đã chuyên tâm giảng dạy và phiên dịch luật tạng. Đặc biệt, trong mười năm gần đây, cùng với các bậc tôn túc thiện tri thức trong nước lưu tâm đến nỗ lực thực hiện Đại Tạng Kinh Việt Nam, Ngài đã hướng dẫn một số Tăng Ni và cư sĩ dịch được 20 tập trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Điểm đặc biệt nơi Ngài là bên cạnh đời sống thanh bạch, giản dị, mẫu mực, đạo hạnh là sự quyết tâm. Ngài luôn luôn đi tới cùng những kế hoạch đã được hoạch định.


Theo những thông tin trên thì Ban bảo trợ rất quan tâm đến việc thực hiện Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. Về thành quả được công bố của Ban phiên dịch này có thể xem tại đây thì chúng tôi nhận thấy phần lớn là các sách Phật học chứ không phải Kinh điển trong Đại Tạng Kinh. 

Tuy nhiên, ở phần tiểu sử của Hòa thượng Thích Đỗng Minh được đăng tại đây, chúng tôi thấy ghi nhận những thành quả rất lớn lao trong sự nghiệp phiên dịch của ngài:

Trong khoảng hơn 10 năm, từ 1978, Ngài đã phiên dịch toàn bộ hệ thống Luật tạng trong bộ Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh; dịch phẩm của ngài gồm có các bộ:

Tứ phần luật (60 quyển), Hán dịch: Diêu Tần - Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm … Đại chánh 22n1428.

Di-sa-tắc bộ Hòa-hê Ngũ phần luật (30 quyển), Hán dịch: Lưu Tống - Phật-đà-thập cùng Trúc Đạo Sinh … Đại chánh 22n1421.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da (50 quyển), Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh. Đại chánh 23n1442.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da (20 quyển), Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh. Đại chánh 23n1443.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bách nhất yết-ma (10 quyển), Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh. Đại chánh 24n1453.

Trùng trị Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu (19 quyển, Bản biệt hành), Sa-môn Trí Húc biên soạn.

Luật Tỳ-kheo giới bổn sớ nghĩa (2 quyển, Bản biệt hành), Sa-môn Truyền Nghiêm tập thuật.

Song song với việc dịch thuật, Ngài còn hướng dẫn phiên dịch và chứng nghĩa từ tập 1 đến tập 17 trong tạng Đại Chánh.


4. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh chủ xướng thành lập từ năm 1994. Công trình hoàn tất năm 2004 với "Đại Tạng Kinh chữ Việt gồm gần 200 quyển, mổi quyển khoảng 1.000 trang khổ 17cmx24cm. Công trình nầy do Hoà Thượng Viện Trưởng chủ trì và tài trợ với sự hợp tác của Hội Đồng Dịch Thuật và sự tham gia tích cực của hơn 150 vị cao tăng và học giả cư sĩ và đã hoàn thành sau gần 20 năm." (Xem tại đây)

Tại trang web chính của Giáo hội Phật giáo Linh Sơn Thế giới chúng tôi không thấy đăng tải bất kỳ bản kinh nào trong số Kinh điển đã được dịch, có lẽ Kinh chỉ được in và cất giữ trong thư viện. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập đến 2.537 quyển kinh đã Việt dịch thì chúng tôi thấy trong đó có 210 quyển được ghi tên dịch giả là "Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh". Chúng tôi hy vọng là sẽ tiếp tục thu thập được nhiều hơn nữa những bản dịch trong công trình đồ sộ này.

5. Chương trình thành lập Đại Tạng Việt Nam của Tuệ Quang Foundation có trang web chính thức tại đây, do Bác sĩ Trần Tiễn Huyến sáng lập và điều hành, với sự giúp sức của hai người em là Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh và Trần Tiễn Tiến cùng nhiều người khác. Công trình của Bác sĩ Huyến chú trọng nhiều đến sáng kiến sử dụng phần mềm máy tính để phác dịch rồi sau đó chỉnh sửa lại. Thành quả của nhóm này có thể được xem tại đây.

6. Ban phiên dịch Việt ngữ Vạn Phật Thánh Thành: Đây là một trong các tổ chức do Hòa thượng Tuyên Hóa sáng lập tại Hoa Kỳ. Tuy nhóm này không đề ra mục đích xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, nhưng họ đã đóng góp một số bản Việt dịch kinh điển hiện đang được lưu hành.

7. Các dịch giả độc lập: Ngoài các tổ chức nêu trên, chúng tôi cũng ghi nhận được sự đóng góp của hàng trăm dịch giả cho công việc phiên dịch, trong đó có cả tăng sĩ và cư sĩ như là: Thích Bảo Lạc, Thích Chánh Lạc, Thích Chính Tiến, Thích Chúc Hiền, Thích Đắc Pháp, Thích Đạo Tâm, Thích Đức Niệm, Thích Duy Lực, Thích Giác Chính, Thích Giác Quả, Thích Hằng Đạt, Thích Hành Trụ, Thích Hạnh Tuệ, Thích Hồng Nhơn, Thích Huệ Hưng, Thích Huyền Dung, Thích Huyền Tôn, Thích Khánh Anh, Thích Minh Lễ, Thích Minh Quang, Thích Minh Thành, Thích Nguyên Chơn, Thích Nguyên Hùng, Thích Nguyên Ngôn, Thích Nguyên Xuân, Thích Nhất Hạnh, Thích Như Điển, Thích Nhuận Châu, Thích Nữ Chơn Tịnh, Thích Nữ Diệu Châu, Thích Nữ Diệu Thiện, Thích Nữ Đức Thuần, Thích Nữ Huệ Thanh, Thích Nữ Như Huyền, Thích Nữ Như Phúc, Thích Nữ Như Tuyết, Thích Nữ Tâm Thường, Thích Nữ Thuần Hạnh, Thích Nữ Tịnh Nguyên, Thích Nữ Tịnh Quang, Thích Nữ Trí Hải, Thích Nữ Trung Thể, Thích Nữ Tuệ Thành, Thích Phước Sơn, Thích Quảng Độ, Thích Quảng Trí, Thích Tâm Châu, Thích Tâm Hạnh, Thích Tâm Khanh, Thích Thanh Từ, Thích Thiện Chơn, Thích Thiện Siêu, Thích Thiền Tâm, Thích Thiện Thông, Thích Thiện Trí, Thích Tịnh Nghiêm, Thích Trí Nghiêm, Thích Trí Quang, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh, Thích Trung Quán, Thích Từ Chiếu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Tuệ Thông, Thích Vạn Thiện, Thích Viên Đức, Thích Viên Giác, Thích Viên Lý, Cao Hữu Đính, Đạo Tâm, Diệu Âm, Định Huệ, Đoàn Trung Còn, Huyền Thanh, Lê Đình Thám, Lệ Nhã, Lý Hồng Nhựt, Nguyên Hảo, Nguyên Hiển, Nguyên Hồng, Nguyên Huệ, Nguyễn Minh Tiến, Nguyên Tánh, Nguyên Thuận, Nguyên Trang, Như Hòa, Phước Thắng, Quảng Lượng, Quảng Minh, Thanh Tâm, Thiện Nhựt, Trần Văn Nghĩa, Trúc Thiên, Tuệ Khai, Tuệ Nhuận, Vọng Chi v.v... 

Với những thông tin chúng tôi có được hiện nay, có thể là còn nhiều thiếu sót trong việc ghi nhận các nỗ lực đóng góp cho công việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt trong suốt thời gian qua. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được các thông tin bổ khuyết từ độc giả để có thể tiếp tục cập nhật đầy đủ hơn.

2.2. Lưu hành Kinh điển 

Việc chuyển dịch Kinh điển tuy là bước đầu tiên và quan trọng, nhưng nếu không có sự lưu hành rộng rãi thì những Kinh điển đã được dịch cũng không thể phát huy tác dụng tích cực đối với người Phật tử. Vì thế, những phương tiện lưu hành Kinh điển cũng hết sức quan trọng. Trong quá khứ, phương thức duy nhất để lưu hành là văn bản kinh được in ấn (hoặc thậm chí chép tay) và phổ biến đi khắp nơi. Ngày nay chúng ta có thuận lợi hơn rất nhiều nhờ vào phương tiện thông tin điện tử. Ngoài việc in ấn lưu hành theo phương thức truyền thống, chúng ta có thể và nhất thiết phải chú trọng vào việc lưu hành phiên bản điện tử của các bản dịch Kinh điển. Chính cách làm này mới giúp cho mọi Phật tử đều có thể dễ dàng tiếp cận được Kinh điển. 

Trong những năm qua, ngoài việc lưu hành Kinh điển qua hình thức in ấn, chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt được thành quả lớn lao trong việc xây dựng một hệ thống các website lưu hành Kinh điển dạng điện tử trên khắp thế giới. Thông qua hệ thống này, mỗi ngày có hàng vạn Phật tử ở khắp mọi nơi có thể dễ dàng tiếp cận với những bản kinh mình cần đọc. Một số website nổi bật trong số này có thể kể ra như sau:

Thư viện Hoa Sen: Đây là một trang Phật học lớn có bề dày thành lập đã khá lâu, hiện thu hút được rất đông đảo độc giả vào xem mỗi ngày. Thư viện Hoa Sen cung cấp cho độc giả các thông tin Phật sự cũng như rất nhiều tài liệu, sách học Phật, gần như về đủ mọi chủ đề. Tại chuyên mục Kinh điển, chúng tôi thấy hiện thu thập được khoảng hơn 200 tựa, hiển thị thành 5 trang đề mục, trong đó cũng có lẫn lộn một số bài viết về Kinh điển chứ không phải Kinh điển. Website Thư viện Hoa Sen đặt tại Hoa Kỳ, hiện do Cư sĩ Tâm Diệu làm Trưởng Ban biên tập.

Trang nhà Quảng Đức:Cũng là một trang Phật học lớn và được thành lập khá sớm, với kho tư liệu Phật học rất phong phú. Trang Quảng Đức là địa chỉ quen thuộc của Phật tử khắp nơi trên thế giới. Website có một chuyên mục "Đại Tạng Kinh Tiếng Việt" liệt kê khoảng 60 tựa, nhưng nếu vào chuyên mục Hán tạng thì thấy được một số lượng lớn hơn nhiều, khoảng 28 trang hiển thị x 15 tựa mỗi trang. Trang nhà Quảng Đức được đặt tại Úc châu, do thầy Thích Nguyên Tạng sáng lập, điều hành và kiêm Trưởng Ban biên tập.

Hoa Vô Ưu: Là một trang Phật giáo được thành lập sau nhưng phát triển khá nhanh chóng, hiện đã có thể cung cấp một số lượng tài liệu Phật học rất lớn cho độc giả người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Hoa Vô Ưu có chuyên trang Đại Tạng Việt Nam, liệt kê kinh điển phân theo các Bộ như trong Đại Chánh tạng. Tuy nhiên, cách trình bày còn lẫn lộn giữa những kinh đã dịch và những kinh chưa dịch. Chúng tôi nhận thấy số lượng kinh điển được cung cấp trên trang này là rất lớn, có thể đến hơn 400 tựa kinh. Website đặt tại Hoa Kỳ, do thầy Thích Hạnh Tuệ điều hành.

Nhóm Tuệ Quang: Đây là website chính thức công bố những thành quả của nhóm Tuệ Quang, do Bác sĩ Trần Tiễn Huyến chủ trì. Phần dữ liệu lớn nhất của trang này là các bản phiên âm Hán Việt do nhóm thực hiện bằng phần mềm trên máy vi tính. Ngoài ra là các kinh đã được Việt dịch. Tuy nhiên, phần lớn các bản Việt dịch dường như chưa thực sự hoàn chỉnh và chất lượng nói chung không được như mong muốn. Điều này có thể do ảnh hưởng việc phụ thuộc vào bản chú âm và phác dịch của máy tính, khiến cho văn phong các bản dịch nói chung thường trúc trắc, khó đọc. Có thể ghi nhận đây là một nỗ lực có quy mô lớn và mang lại nhiều thành quả sau nhiều năm hoạt động. Tuy nhiên, do phương thức thực hiện nên nếu không có sự hiệu đính nghiêm túc và công phu, e rằng các bản dịch của nhóm này rất khó có thể thực sự đóng góp được vào việc hoàn chỉnh Đại Tạng Kinh Tiếng Việt.

Đại Tạng Kinh Việt Nam: Đây là chuyên trang Kinh điển Việt dịch đúng như tên gọi, sưu tập và trình bày được khá nhiều các kinh đã Việt dịch, được phân chia theo các Bộ như Đại Chánh tạng, nhưng chỉ gồm 6 bộ là Bát-nhã, Niết-bàn, Pháp hoa, Đại Bảo Tích, Kinh tập và Hoa Nghiêm. Cách trình bày trên trang này rất khó tìm kiếm, sử dụng, vì có vẻ như sử dụng định dạng sẵn có của Drupal, một loại mã nguồn mở (open source). Định dạng của trang dường như thích hợp hơn với hình thức diễn đàn, không hợp lắm cho việc trình bày Kinh điển.

Tạng Thư Phật Học: Website này có chuyên trang Đại Tạng Kinh chữ Việt, trình bày khá nhiều kinh điển theo đúng cấu trúc như Đại Chánh tạng (dựa vào kinh số), đồng thời cũng có xếp theo vần ABC... Tuy nhiên, các kinh Việt dịch vẫn được đặt lẫn lộn với các kinh chưa dịch, và bản chú âm được cung cấp (dường như được lấy từ nhóm Tuệ Quang) chỉ cho phép tải về ở dạng file nén, không có phần hiển thị trực tuyến. Khả năng tìm kiếm trên trang này cũng rất hạn chế, chủ yếu dựa vào lệnh Find của trình duyệt mà thôi.

Kinh Phật Tiếng Việt:Trang này trình bày 92 tựa kinh, gồm 127 quyển, do Cư sĩ Nguyên Thuận chuyển dịch, đặc biệt có thêm phần giọng đọc ở một số kinh.

Ngoài những trang web nổi bật nói trên, còn có rất nhiều website khác cũng tham gia vào việc truyền rộng các bản kinh đã được Việt dịch. Tất cả những nỗ lực này đều đã góp phần giúp cho người Phật tử Việt Nam ở khắp nơi được có cơ hội dễ dàng tiếp cận với những lời dạy quý báu của đức Thế Tôn. 

Riêng đối với việc lưu hành Kinh điển thông qua in ấn phát hành, tuy cũng đạt được những thành tựu rất lớn trong những năm qua, nhưng chúng tôi xin phép không đề cập đến trong phạm vi bài viết này.

3. Hiện trạng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt 

Những thành quả đã đạt được thời gian qua trong công cuộc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là vô cùng lớn lao và không thể phủ nhận. Với sự nỗ lực của nhiều tập thể và cá nhân, một số lượng lớn kinh điển đã được Việt dịch, in ấn và lưu hành đến khắp mọi nơi, giúp chuyển hóa đời sống của biết bao người trở nên tốt đẹp, thực sự mang lại niềm an vui hạnh phúc cho cuộc đời vốn đầy dẫy khổ đau này. Phật tử Việt Nam ghi nhận và biết ơn những tập thể, cá nhân đã âm thầm miệt mài đóng góp công sức cho sự nghiệp này, và vì thế càng phải cố gắng nỗ lực góp phần của chính mình vào sự nghiệp chung để Đại Tạng Kinh Tiếng Việt sớm được hoàn thành.

Và chính từ niềm mong ước, khát khao sớm có được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh, chúng ta không thể không nhìn lại chặng đường đã qua để biết được những gì cần phải làm trong thời gian sắp tới.

3.1. Thành quả hiện nay 

Như đã điểm lại trong phần trên, chúng ta thật may mắn có được một đội ngũ đông đảo những tập thể và cá nhân cùng đồng lòng thực hiện công việc, và phần lớn đều là những người dốc lòng dốc sức một cách bất vụ lợi.

Tuy nhiên, như đã nói trên, nhìn chung thì trong quá trình thực hiện chúng ta đã chưa có sự quan tâm đến 2 vấn đề chính có thể chi phối toàn bộ thành quả công việc. Vấn đề thứ nhất là việc thống nhất các tiêu chuẩn tối thiểu cần phải có cho việc chuyển dịch, hay nói cách khác là chuẩn hóa các bản dịch được lưu hành. Vấn đề thứ hai là sự thống kê chính xác số lượng kinh điển đã được Việt dịch, từ đó mới xác định được khối lượng công việc đã làm và quyết định việc tiếp tục làm như thế nào.

Về việc chuẩn hóa các bản dịch, sự thật là chúng ta đã buông lỏng không đặt ra vấn đề này ngay từ những năm tháng đầu tiên khi công trình này vừa khởi xướng. Hệ quả là mỗi người tham gia phiên dịch sẽ phải tự xác lập những tiêu chuẩn cho chính mình. Nếu những tiêu chuẩn đó là chuẩn xác và nghiêm túc, chúng ta sẽ có được những bản dịch đáng tin cậy. Ngược lại, nếu người dịch tự xác lập cho mình những tiêu chuẩn không thích hợp, dễ dãi và tùy tiện trong quá trình phiên dịch, thì chắc chắn thành quả nhận được sẽ là những bản dịch xa rời nguyên bản, thiếu độ chính xác và không đáng tin cậy.

Nêu lên sự thật này không phải là để phủ nhận một phần hay bất kỳ những nỗ lực cố gắng nào của những người đã tham gia công việc, nhưng chỉ là nhìn nhận một thực tế để có hướng khắc phục. Có lẽ tất cả chúng ta đều dễ dàng đồng ý với nhau một điều là, chúng ta thà phải chờ đợi thêm một thời gian, còn hơn là vội vã gấp rút để rồi phải tiếp cận với những bản dịch sai lệch và thiếu sót.

Trong thực tế, đã có bản dịch nào được lưu hành mà sai lệch và thiếu sót hay chưa? Rõ ràng chúng ta rất khó có thể đưa ra câu trả lời cụ thể vào lúc này, khi chưa có bất kỳ một sự thẩm định khách quan nào từ những cá nhân hay tổ chức có đủ trình độ và uy tín. Tuy nhiên, dựa trên sự suy luận thì khả năng có những bản dịch sai sót dường như lại là điều tất yếu. Ngay cả trong trường hợp lạc quan may mắn nhất khi tất cả những người tham gia phiên dịch đều có trình độ chấp nhận được và làm việc với những tiêu chí tự xác lập hết sức nghiêm túc và chuẩn xác, thì khả năng xảy ra sai sót vẫn là có thể.

Nhưng chúng ta rất khó có được một điều kiện lạc quan may mắn đến như thế. Như lời đã dẫn của tác giả Đào Nguyên thì mặc dù "toàn bộ các bản kinh Việt dịch đã được chứng nghĩa, tức là đã được “nghiệm thu”, để người dịch được nhận nhuận bút." nhưng "số lượng các bản Việt dịch tạm gọi là đạt thì không nhiều, có bản dịch còn quá kém". Hơn thế nữa, cũng trong bài viết này tác giả còn cho biết thêm: " ...đa số chư vị tham gia dịch kinh cho Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo bấy giờ đều là tay ngang, chưa phải là những dịch giả chuyên nghiệp, cũng chưa có những khổ công trong quá trình luyện văn để viết báo, viết văn, nghiên cứu." Nếu những thông tin của tác giả Đào Nguyên là sự thật, thì khả năng loại trừ tất cả sai sót trong những bản dịch như thế là rất khó khăn, vì chắc chắn nó đòi hỏi người hiệu đính phải mất công sức, tâm lực còn nhiều hơn cả là tự mình Việt dịch. Nếu trường hợp của Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo, một tổ chức hoạt động có quy mô lớn, mà còn như vậy, thì đối với những trường hợp đơn lẻ của từng cá nhân, liệu chúng ta có thể dựa vào đâu để tin rằng tất cả đều là những bản dịch chuẩn xác?

Mặt khác, xác định một bản dịch là đúng hay sai tất nhiên phải cần đến kết luận của những người có đủ trình độ, thẩm quyền và uy tín, nhưng phát hiện những chỗ thiếu sót so với kinh văn thì không đòi hỏi như thế. Chỉ cần có khả năng so sánh đối chiếu với nguyên bản thì bất cứ ai cũng có thể nhận ra được. Chúng tôi xin đơn cử trường hợp bản ngữ lục Thiếu Thất lục môn (Đại Chánh tạng, tập 48, kinh số 2009, bắt đầu từ trang 365, tờ a) được dịch giả Trúc Thiên Việt dịch từ trước năm 1975 với tiêu đề Sáu cửa vào động Thiếu Thất từng được rất nhiều người biết đến. Mặc dù là một học giả có nhiều uy tín, nhưng không hiểu sao trong bản dịch này của ông Trúc Thiên đã có khá nhiều đoạn bị bỏ sót không dịch. Quý vị chỉ cần vào trang này, bấm chọn chức năngXem đối chiếu giữa phần Hán văn và Bản Việt dịch thứ hai thì sẽ tự thấy được. Cuối phần Phá tướng luận đã bỏ sót nguyên một đoạn Hán văn không dịch, và ở phần Ngộ tánh luận thì không phải một mà có đến 3 đoạn Hán văn đã bỏ sót không dịch.

Một trường hợp khác có thể tìm thấy ở đây. Phần cuối quyển kinh này đã bị sót mất 688 chữ Hán không được dịch. Tương tự như trên, quý vị chỉ cần chọn chức năng xem đối chiếu so sánh giữa bản Việt dịch và bản Hán văn là sẽ dễ dàng nhận ra chỗ bị sót.

Chúng ta cũng không loại trừ khả năng là người dịch không hề bỏ sót, nhưng trong quá trình nhập dữ liệu hoặc đưa đi in ấn đã có sai sót làm mất đi toàn bộ phần Việt dịch này. Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì thì sai sót cũng vẫn cần phải được phát hiện để bổ sung, chỉnh sửa, đảm bảo cho người đọc hiện nay cũng như truyền lại cho hậu thế những bản kinh nguyên vẹn chứ không phải bị mất mát sau khi Việt dịch. Nhất là trong trường hợp các thế hệ sau này không còn nhiều người sử dụng bản Hán văn nữa, thì e rằng những chỗ sai sót như thế sẽ vĩnh viễn định hình trong Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. 

Nhận biết rõ sự thật này không có nghĩa là chúng ta bi quan về thành quả công việc, nhưng chỉ là phải thừa nhận một thực tế để có hướng khắc phục thích hợp. Theo chúng tôi, hướng khắc phục đó là, trước khi Đại Tạng Kinh Tiếng Việt có thể được xem là hoàn tất, nhất định phải có một tiến trình thẩm định toàn bộ các bản Việt dịch một cách khách quan, được tiến hành bởi những cá nhân hoặc tổ chức có trình độ, năng lực và uy tín để đảm bảo việc chỉnh sửa, bổ sung những bản dịch có sai sót. Tất nhiên, việc tổ chức công việc trọng đại này phải thuộc về những người có đủ thẩm quyền, nên chúng tôi chỉ nêu vấn đề đến đây thôi và sẽ không bàn sâu hơn nữa.

Về việc thống kê chính xác số lượng kinh điển đã dịch, rõ ràng là trong thời gian qua chúng ta chưa quan tâm thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Đã đành là chưa có một công trình biên soạn chính thức theo cách như ngài Đạo An đã soạn Đạo An lục từ thế kỷ 4, khi chỉ mới có hơn 300 bản dịch Hán ngữ, mà ngay cả việc thống kê chính xác khi đưa ra lưu hành trên các website cũng chưa thấy ai làm. Vào các trang web như chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên, người xem chủ yếu là duyệt qua từng trang để xem kinh, nhưng không thể nắm biết được chính xác số lượng Kinh điển được đăng trên trang đó, càng không thể biết được toàn bộ số kinh điển đã được lưu hành là bao nhiêu. Hơn nữa, đa số các trang đều xếp lẫn lộn Kinh điển với một số tác phẩm, bài viết khác, tuy là có liên quan đến Kinh điển nhưng không thực sự là kinh. Cũng chính vì thế mà việc tìm kiếm một tên kinh cụ thể thường không được thuận lợi, do kết quả trả về sẽ lẫn với rất nhiều bài viết khác.

Mặt khác, việc không có những thống kê chính xác dẫn đến nhận định rất khác nhau giữa nhiều người về hiện trạng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, nhưng chúng ta lại rất khó lòng biết được nhận định nào là chính xác, vì hoàn toàn không có căn cứ.

Một số người có nhận thức rất lạc quan, chẳng hạn như dịch giả Đào Nguyên trong một bài viết có cho biết: 

"Như thế, trong hoàn cảnh mà Đại Tạng Kinh Việt Nam đã tiến gần tới sự hoàn thành: Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Nam truyền đã hoàn thành. Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền: Tạng kinh đã hoàn thành gồm 70 tập do Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo thực hiện, một số thư viện lớn nơi thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội đã có mặt tạng kinh này. Lại thêm một tạng kinh nữa, do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ biên, đã ra được mấy tập kinh thuộc tạng Thanh Văn… tạng Luận cũng sắp hoàn thành, do Đại Tạng Kinh Tuệ Quang thực hiện, đang chuẩn bị in 2 tập 25, 26 (theo bố cục của ĐTK/ĐCTT)...

Dựa theo thông tin ở đây thì hiện trạng rất khả quan, và chúng ta có thể yên tâm là Đại Tạng Kinh Tiếng Việt chắc chắn sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn nữa thôi.

Với niềm hy vọng tràn trề như thế, chúng tôi đã tìm đến website chính thức của Giáo hội Phật giáo Linh Sơn Thế giới, tổ chức đã chủ trì việc thực hiện Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo. Tuy nhiên, ở website này chúng tôi đã không tìm thấy bất kỳ kinh điển nào được đăng tải lưu hành, tuy có một đường link ghi là Sách kinhnhưng khi bấm vào chỉ hiển thị mỗi dòng chữ "Những dòng sữa mẹ". Bấm tiếp vào đó thì xem được một bài giảng không ghi rõ của ai, nhưng hoàn toàn không có Kinh điển nào cả.

Tại một trang web khác, chúng tôi đọc thấy thông tin là Giáo hội Linh Sơn Thế giới có thành lập Viện Đại học Đông phương Linh Sơn Thế giới, tại đó có một thư viện: 

"Thư Viện Đại Học Đông Phương Linh Sơn Thế Giới có đầy đủ những tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu Phật học, bằng nhiều ngôn ngữ : Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Pali. Đặc biệt thư viện có Đại Tạng Kinh chữ Việt gồm gần 200 quyển, mỗi quyển khoảng 1.000 trang khổ 17cm x 24cm. Công trình này do Hoà Thượng Viện Trưởng chủ trì và tài trợ với sự hợp tác của Hội Đồng Dịch Thuật và sự tham gia tích cực của hơn 150 vị cao tăng và học giả cư sĩ và đã hoàn thành sau gần 20 năm."

Vào thời điểm thu thập được 676 tên kinh gồm 2.599 quyển thì chúng tôi thống kê được trong số đó có 59 tên kinh gồm 210 quyển kinh được ghi tên dịch giả là "Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh". Tuy chúng tôi vẫn đang tiếp tục công việc thu thập các bản Việt dịch Kinh điển, nhưng tỷ lệ tìm thấy này cho thấy Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh với quy mô đồ sộ như được mô tả trên thực sự đã không được lưu hành rộng rãi trên mạng Internet. Hoặc cũng có thể Tạng kinh này đã được lưu hành ở đâu đó ngoài khả năng tìm kiếm của chúng tôi. Trong trường hợp này, chúng tôi rất mong nhận được chỉ dẫn (hoặc đường link) từ quý vị nào biết được, để giúp chúng tôi có thể sớm thu thập được số lượng kinh điển đồ sộ này. 

Trong trường hợp Tạng kinh này quả thật chưa được lưu hành đầy đủ trên mạng Internet, chúng tôi xin khẩn thỉnh quý thầy, quý Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Linh Sơn Thế giới hãy tiến hành việc phổ biến rộng rãi công trình này. Chúng tôi sẽ rất vui được góp sức cùng quý vị trong cả 3 trường hợp sau đây:

1. Nếu Tạng kinh này đã được đưa lên mạng Internet, thì có lẽ do một điều kiện nào đó mà nó đã hoàn toàn không được liệt kê đầy đủ trong kết quả tìm kiếm của Google, Yahoo!... Đây là một trở ngại rất lớn vì khiến cho Phật tử khắp nơi không thể tìm thấy kinh để đọc. Trong trường hợp này, xin quý vị gửi link kinh cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phụ trách phần việc còn lại để sớm đưa Tạng kinh đến với tất cả Phật tử khắp nơi.

2. Nếu Tạng kinh này chưa được đưa lên Internet, xin quý vị hoan hỷ gửi các file điện tử cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ thu xếp việc đưa các bản kinh này lên mạng Internet để bất kỳ ai cần đến cũng đều có thể truy cập được.

3. Nếu Tạng kinh này chưa được đưa lên mạng Internet nhưng đồng thời quý vị cũng không còn lưu giữ được các file điện tử lúc đưa in, xin quý vị hoan hỷ gửi các bản sách in cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lo việc đánh máy tất cả các bản kinh vào máy tính và đưa lên Internet để lưu hành. Địa chỉ gửi bưu điện cho chúng tôi sẽ được ghi rõ ở cuối bài viết này. 

Chúng tôi cũng tha thiết mong rằng quý Phật tử nào có cơ duyên sở hữu hoặc tiếp cận được với Tạng kinh này, hãy nỗ lực bằng mọi phương cách để có thể đưa những kinh điển này lên mạng Internet. Nếu gặp khó khăn khi thực hiện việc này, xin quý vị vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ. Chúng tôi tin chắc rằng những người đã thực hiện công trình này cũng hết lòng mong mỏi nó được phổ cập đến tất cả mọi người chứ không phải chỉ nằm lại trong các thư viện lớn hoặc chỉ có ở các thành phố lớn... 

Chính vì thực trạng như trên, nên một số người khác không được lạc quan như ông Đào Nguyên, vẫn từng ngày khao khát mong chờ không biết đến bao giờ chúng ta mới có được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, cần phải hiểu ý nghĩa "có được" ở đây là sẵn có đối với tất cả mọi người Phật tử Việt Nam, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được khi cần, chứ không phải "có được" ở đâu đó trong các thư viện, các thành phố lớn, trong khi người Phật tử muốn tìm đọc thì không biết phải tìm kiếm ở đâu...

III. Một vài nỗ lực góp sức

Cho dù việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là công việc mà mọi người Phật tử Việt Nam đều mong muốn được góp hết sức mình, nhưng khả năng giới hạn của mỗi người chúng ta là điều tất nhiên không thể tránh được. Bản thân chúng tôi cũng không phải ngoại lệ nên chắc chắn không dám nghĩ đến những điều vượt quá khả năng mình.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, dựa theo những kết quả tìm hiểu về hiện trạng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt trong suốt thời gian qua, chúng tôi hiện đã và đang cố gắng góp sức mình vào sự nghiệp chung này qua một số công việc như sau:

Thứ nhất, chúng tôi mong mỏi rằng tất cả những bản Kinh điển đã được Việt dịch đều sẽ được phổ biến đến với mọi người Phật tử Việt Nam với những điều kiện tiếp cận dễ dàng, thuận lợi nhất.

Để đáp ứng công việc đó, chúng ta cần có một website với tài nguyên đủ mạnh để tiếp nhận lượng truy cập từ khắp nơi trên thế giới mà không gặp trở ngại về băng thông hay khả năng xử lý của web server.

Ngoài ra, kinh điển cả Hán tạng và Việt dịch khi được thu thập về trên cùng một server sẽ là nguồn dữ liệu hết sức đồ sộ và cũng cực kỳ quý giá, chúng ta cần có một phương thức lưu giữ an toàn, tốt nhất là lưu giữ nhiều nơi, để đảm bảo khi có các sự cố về kỹ thuật xảy ra cho server thì nguồn dữ liệu cũng không bị hư hỏng, mất mát. 

Mặt khác, chúng ta cũng cần có một hình thức trình bày Kinh điển sao cho người xem có thể đọc kinh cũng như tìm kiếm kinh điển đều hết sức dễ dàng, có thể dựa vào tên kinh hay tên dịch giả để tìm kiếm đều được.

Chúng ta cũng cần có thêm những phương tiện hỗ trợ người đọc kinh tra cứu, thông qua việc cung cấp các từ điển Phật học thông dụng cũng như chuyên sâu, từ điển Hán Việt, từ điển Tiếng Việt... để người đọc kinh khi không hiểu được rõ ràng một thuật ngữ Phật học, một từ Hán Việt hay kể cả những từ ngữ tiếng Việt, đều có thể dễ dàng tra cứu.

Ngoài ra, mỗi bản kinh có thể có nhiều bản Việt dịch, và điều tất nhiên là mỗi bản dịch đều có những ưu điểm riêng, có thể bổ sung cho nhau giúp người đọc nhận hiểu ý kinh rõ ràng hơn, vì thế nên có sự hỗ trợ người đọc kinh dễ dàng đối chiếu song song cùng lúc hai bản Việt dịch. Nhờ đó, những đoạn kinh văn khó hiểu sẽ có thể được nhận hiểu dễ dàng hơn.

Cuối cùng, vẫn có nhiều người đọc kinh có kiến thức Hán văn và có thể muốn tra cứu lại nguyên bản Hán văn ở một số đoạn kinh, phẩm kinh hoặc quyển kinh nào đó. Cần có sự hỗ trợ sao cho những người đọc này có thể dễ dàng tham khảo lại nguyên bản Hán văn. Rất có thể nhờ vậy mà những sai sót trong quá trình Việt dịch sẽ được phát hiện, giúp chúng ta loại bỏ và hoàn thiện bản dịch.

Dựa trên những nhận xét như trên, chúng tôi đã xây dựng trang kinh điển này theo hướng đáp ứng tất cả những yêu cầu nêu trên. 

Trang kinh điển này được vận hành bởi một server cực mạnh, với CPU Intel lõi 8 (8 core), 4 GB Ram + 4 GB Vswap và băng thông không giới hạn. Các chức năng tìm kiếm và truy xuất dữ liệu đều do chúng tôi tự thiết kế theo yêu cầu đặt ra thay vì sử dụng các bộ mã nguồn mở (open source) hiện có. Nhờ đó, việc cải tiến hoàn thiện là hoàn toàn có thể chủ động, không phụ thuộc vào người viết mã nguồn. Trong quá trình sử dụng, nếu nhận được những góp ý hoàn thiện từ người đọc, chúng tôi sẽ có thể nghiên cứu thay đổi mã nguồn để đáp ứng.

Chúng tôi cũng cùng lúc thuê một server dự phòng khác, đặt tại một trung tâm dữ liệu khác, hoàn toàn cách biệt với server đang sử dụng. Nguồn dữ liệu mỗi ngày đều được chuyển từ server đang sử dụng sang server dự phòng để lưu trữ. Như vậy, khi có sự cố xảy ra, việc phục hồi dữ liệu sẽ rất dễ dàng. Ngoài ra, server dự phòng này cũng được thiết đặt cấu hình tương tự như server chính, trong trường hợp server chính gặp sự cố kỹ thuật phải tạm ngừng hoạt động, chúng tôi sẽ chuyển ngay địa chỉ truy cập (IP) về server dự phòng. Qua thử nghiệm đã thành công, chỉ sau 5 phút là website có thể chuyển sang chạy bình thường trên server dự phòng. Như vậy sẽ luôn đảm bảo được việc truy cập thông tin của người sử dụng không bị gián đoạn. 

Ngay trên trang này, chúng tôi cũng đặt liên kết "Xem nhanh" đến các từ điển Phật học, từ điển Hán Việt, từ điển Tiếng Việt và rất nhiều từ điển khác như Hán Anh, Phạn Anh, Hán Phạn, Phạn Hán, Tạng Anh... giúp người xem có thể dễ dàng sử dụng khi cần.

Các trang xem kinh cũng được liên kết với nguyên bản Hán văn, không chỉ trong Đại Chánh tạng mà còn có cả Càn Long tạng, Vĩnh Lạc Bắc tạng... Người đọc kinh cũng có thể dễ dàng chọn chức năng xem đối chiếu để xem cùng lúc hai bản Việt dịch, hoặc xem bản Việt dịch song song với bản Hán văn... Hiện nay chúng tôi đã thu thập được hơn 2.600 quyển kinh đã Việt dịch và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, thu thập mỗi ngày. Chúng tôi hy vọng với sự góp sức tích cực từ cộng đồng Phật tử Việt Nam, trang kinh điển này sẽ sớm thu thập được hầu hết những bản kinh điển đã được Việt dịch.

Việc thu thập các bản kinh Việt dịch của chúng tôi là công việc hoàn toàn bất vụ lợi và dựa trên nhận thức mặc định là tất cả các dịch giả chuyển dịch Kinh điển - trong đó có bản thân chúng tôi - đều mong muốn bản Việt dịch của mình được lưu hành rộng rãi đến với mọi người và không có bất kỳ điều kiện hay sự ngăn trở nào đối với việc lưu hành. Nếu có quý dịch giả nào không đồng ý với nhận thức mặc nhiên này, xin vui lòng thông báo với chúng tôi qua địa chỉ email, chúng tôi sẽ lập tức loại bỏ những bản Việt dịch không được sự đồng ý của quý vị. 

Thứ hai, chúng tôi mong muốn rằng tất cả Phật tử Việt Nam đều có thể và cần phải biết được một cách chính xác về hiện trạng xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, bởi đây là công trình chung đáp ứng lòng mong mỏi của tất cả mọi người. Vì thế, chúng tôi đã cố gắng trong suốt thời gian qua để thiết lập một hệ thống database có sự liên kết chặt chẽ và có thể thống nhất truy xuất cùng lúc. Toàn bộ kinh điển Hán tạng và các bản Việt dịch khi được đưa vào database chiếm một khối lượng khổng lồ, hiện đã lên đến hơn 2 GB và vẫn còn tiếp tục lớn lên trong suốt quá trình thu thập các bản Việt dịch. Giới hạn của các nhà cung cấp dịch vụ server thuộc loại share host chỉ cho phép thiết lập database không quá 1 GB - vì thế chúng tôi phải sử dụng VPS (server ảo) để vượt qua giới hạn này cũng như giúp website chạy nhanh hơn. Điều này thật khó khăn đối với chúng tôi, vì bước đầu hoàn toàn không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện chúng tôi đã thành công như mong muốn, có thể truy xuất tức thời mọi nguồn dữ liệu được đưa vào database để cho kết quả thống kê chính xác cập nhật mỗi ngày. Khi tôi đang viết những dòng này thì website đã thu thập được 676 tên kinh, gồm 2603 quyển đã Việt dịch. Những số liệu này sẽ được cập nhật mỗi ngày để phản ánh chính xác số lượng kinh điển mà chúng tôi đã thu thập được. Bằng cách này, chỉ cần nhìn vào sự chênh lệch giữa số kinh điển trong Hán tạng và số kinh điển đã được Việt dịch, mỗi chúng ta đều có thể biết được sự tiến triển của việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt đã đến mức nào. 

Tất nhiên, đối với những kinh điển đã được Việt dịch mà chúng tôi không có khả năng thu thập hết như trường hợp của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh hoặc những bản kinh Việt dịch nào khác chưa được lưu hành trên Internet, thì cũng không thể đưa vào kết quả thống kê, càng không thể cung cấp nội dung đến cho người đọc. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận giúp sức của những người có liên quan cũng như của tất cả quý Phật tử gần xa để trở ngại này sớm được vượt qua. 

Thứ ba, chúng tôi hết sức mong muốn tạo ra được những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho những vị nào có khả năng tham gia Việt dịch Kinh điển, để sớm hoàn tất những phần việc còn lại. Vì thế, chúng tôi đã thu thập trên trang này toàn bộ dữ liệu Đại Chánh tạng, hiện nay được liệt kê là 2.455 tên kinh gồm 9.192 quyển, sau khi đã loại trừ những quyển kinh bị thất bản (chỉ còn tên kinh) thì còn lại 2.441 tên kinh gồm 8.904 quyển có thể xem và tải về từ trang này. So với số kinh điển được ghi ở nhiều trang khác là 2372 (bộ) tên kinh thì dữ liệu chúng tôi thu thập được nhiều hơn, cũng có nghĩa là đầy đủ hơn theo bản mục lục đã công bố của Đại Chánh tạng. Bên cạnh số lượng kinh điển đồ sộ này còn có thêm 1.924 tên kinh thuộc Vạn tân tuyển Tục tạng kinh, gồm 8.204 quyển. Khi xem xét toàn bộ khối lượng Kinh điển Hán tạng hiện còn như thế, chúng ta sẽ thấy được khối lượng công trình Việt dịch còn lại chắc chắn không phải nhỏ. Tất nhiên, quá trình Việt dịch cũng còn phải xem xét đến những bản kinh trùng lắp, tuy có bổ sung cho nhau nhưng có thể không cần phải Việt dịch tất cả mà chỉ cần chọn một bản chính và tham khảo các bản khác.

Song song theo đó, chúng tôi cũng thu thập được dữ liệu toàn bộ Càn Long tạng và Vĩnh Lạc Bắc tạng ở dạng PDF (image), sau đó xử lý phân chia thành từng quyển tương ứng với các quyển kinh trong Đại Chánh tạng và đặt link kết nối ở từng quyển một. Nhờ vào sự kết nối này, người dịch kinh mỗi khi muốn xem đối chiếu quyển kinh mình đang dịch ở các tạng Càn Long hay Vĩnh Lạc thì chỉ cần bấm chuột là có thể xem được ngay, không phải mất công tìm kiếm ở bất kỳ nơi nào khác.

Chúng tôi cũng đã kết nối toàn bộ chữ Hán trong các bản kinh với Đại từ điển Hán Việt được tổng hợp từ nhiều nguồn để giúp người xem kinh có thể dễ dàng tra khảo bất cứ chữ Hán nào, cũng chỉ bằng một cú bấm chuột trực tiếp vào chữ đó. Hơn nữa, trong lúc xem kinh người dùng chỉ cần rê chuột lên bất kỳ chữ Hán nào thì chương trình sẽ tự động hiện ra âm Hán Việt và những nghĩa cơ bản của chữ đó. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho những ai đang học chữ Hán và muốn kết hợp việc học với việc xem kinh điển.

Ngoài ra, nếu muốn thì người xem kinh cũng có thể chọn xem đối chiếu giữa hai phần Hán văn và chú âm. 

Về phần chú âm Hán Việt, chúng tôi đã viết thành công một ứng dụng web để trực tiếp thực hiện việc chú âm ngay khi người dùng muốn xem, thay vì phải dùng phần mềm chuyển dịch trước rồi tạo file nén lưu trữ sẵn trên server cho người xem tải về như ở một số trang khác. Hơn thế nữa, thay vì sử dụng duy nhất một quyển từ điển Thiều Chửu, ứng dụng web của chúng tôi có thể truy xuất dữ liệu từ cả 3 từ điển là Thiều Chửu, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Văn Chánh và một số nguồn khác nữa. Nguồn dữ liệu này cũng được chúng tôi liên tục bổ sung khi phát hiện có thiếu sót.

Về tư liệu tham khảo, chúng tôi cũng cung cấp cho người dùng các từ điển quan trọng như từ điển Phật Quangnguyên bản Hán văn và cả bản Việt dịch của thầy Thích Quảng Độ cũng như rất nhiều từ điển Phật học khác, được tổng hợp thành một database duy nhất để người dùng có thể tìm kiếm dễ dàng. Hơn thế nữa, các dịch giả còn có thể sử dụng cả tự điển Khang Hy rất đồ sộ trực tiếp trên trang này.

Ngoài ra, chúng tôi hiện đã và đang khởi thảo Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, sẽ liệt kê đầy đủ tất cả các bản kinh mà chúng tôi thu thập được. Công trình khởi thảo này sẽ được công bố công khai và cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nó như một nền tảng ban đầu để bổ sung các phần thiếu sót hoặc biên soạn lại theo phương pháp của riêng mình, nhằm tạo ra một bản mục lục khác đầy đủ hơn, chính xác hơn. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là căn cứ khoa học giúp các dịch giả dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định chọn lựa các bản kinh cần dịch, vì có thể nắm chắc được những bản kinh nào đã có người dịch và do ai dịch. 

Với những nỗ lực như thế, chúng tôi hy vọng có thể cung cấp cho người dịch kinh một nguồn tư liệu dồi dào, phong phú và một điều kiện hỗ trợ thuận lợi nhất cho công việc dịch thuật mà không phải mất nhiều công sức thu thập, tìm kiếm ở nhiều nơi. Hơn thế nữa, với sự hỗ trợ của việc tìm kiếm nhanh chóng ngay trên máy tính, chắc chắn người dịch kinh sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian thực hiện công việc.

Cuối cùng, chúng tôi mong muốn tất cả những nỗ lực như trên thực sự có thể mang lợi ích đến cho người sử dụng, dù là người xem kinh hay người dịch kinh. 

Muốn được như vậy, điều tất yếu trước tiên là phải quảng bá trang kinh điển này đến với tất cả mọi người. Trong điều kiện hiện nay, mạng Internet là cả một biển thông tin mênh mông mà một trang web lẻ loi có thể mất hút vào đó không được mấy người biết đến. Vì thế, chúng tôi đã phải có những cố gắng nhất định trong việc quảng bá website, phải tuân thủ nghiêm ngặt những khuyến cáo về SEO của bộ máy tìm kiếm Google Search hoặc Yahoo! để không bị họ loại ra khỏi cuộc đua trên Internet. Mặc dù không có bất kỳ kiến thức chuyên môn nào trong lĩnh vực này, nhưng trải qua thời gian, với những cố gắng học hỏi kiên trì, chúng tôi cũng đã giới thiệu được trang này đến với một số lượng khá nhiều người. Hiện nay mỗi ngày có khoảng 2.500 đến 3.000 người sử dụng những thông tin do chúng tôi cung cấp.

Quý vị có thể dễ dàng góp sức cùng chúng tôi trong công việc này, bằng cách quảng bá, giới thiệu trang Kinh điển đến với những người thân hoặc bè bạn của mình, chia sẻ những thông tin này lên FacebookGoogle PlusTwitter hay bất kỳ phương tiện sẵn có nào của quý vị. Với sự góp sức của nhiều người, những lời dạy của đức Thế Tôn sẽ nhanh chóng được phổ biến đến với tất cả mọi người. Đó chính là tâm nguyện của chúng tôi và chắc chắn cũng là tâm nguyện của bất kỳ người Phật tử nào. Đồng lòng góp sức cùng nhau, mỗi chúng ta đều có thể đóng góp phần công sức của mình vào cho việc thúc đẩy hình thành một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt, tạo điều kiện quyết định để có thể rộng truyền Phật pháp đến với mọi người Phật tử Việt Nam hôm nay cũng như mãi mãi về sau. 

IV. Kêu gọi sự góp sức của cộng đồng 

Những gì chúng tôi đã và đang làm là hết sức nhỏ nhoi so với tầm vóc lớn lao của công trình Đại Tạng Kinh Tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng là với những suy tư trăn trở trong suốt thời gian qua cũng như nhận thức thực tiễn về hiện trạng của công trình này thì những nỗ lực của chúng tôi tuy rất nhỏ nhoi nhưng sẽ không đến nỗi sai lệch phương hướng. Vì thế, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi và mong mỏi được sự giúp sức của các bậc tôn túc trưởng thượng và tất cả quý Phật tử Việt Nam để công trình được tiến triển thuận lợi.

Kính mong quý vị hoan hỷ góp sức vào việc thu thập Kinh điển Việt dịch của chúng tôi bằng một trong 3 phương cách sau đây: 

1. Gửi đường link bản kinh Việt dịch cho chúng tôi qua email nguyenminh@rongmotamhon.net - trong trường hợp bản kinh đã được lưu hành đâu đó trên mạng Internet.

2. Gửi phiên bản điện tử cho chúng tôi với các định dạng thông thường như Word, PDF, RTF, TEXT... trong trường hợp bản kinh chưa từng được lưu hành trên mạng Internet.

3. Gửi trực tiếp bản sách in cho chúng tôi qua địa chỉ bưu điện, trong trường hợp bản kinh chưa được lưu hành trên Internet và quý vị không có sẵn bản điện tử, đồng thời cũng không có thời gian để nhập bản kinh vào máy tính. Chúng tôi sẽ lo liệu việc đánh máy và đưa ra lưu hành. Xin gửi về địa chỉ sau:

Ông Nguyễn Minh Tiến
tổ 3, ấp 3, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, 
tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Việt Nam
Mobile: 0988 632 379 


Xin vui lòng gõ tên kinh vào ô tìm kiếm để xác định chắc chắn là bản kinh đó chưa được thu thập, để tránh mất công sức gửi nhầm những bản kinh đã có.

Thay lời kết
Với sự nỗ lực dốc sức của mọi người Phật tử, chúng tôi vững tin rằng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt chắc chắn sẽ được hoàn thành trong một tương lai không xa lắm. Với tầm quan trọng lớn lao trong việc lưu truyền Chánh pháp và ý nghĩa sâu xa trong sự tu tập hành trì của tất cả Phật tử Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, việc xây dựng Đại Tạng Kinh Tiếng Việt là một nhu cầu cấp thiết cần phải hoàn tất trong thời gian sớm nhất có thể được. Để đạt được điều đó, mỗi người Phật tử Việt Nam đều có trách nhiệm đóng góp vào sự nghiệp chung này theo khả năng và cách thức của riêng mình. Bằng vào sức mạnh hợp quần đó, chắc chắn chúng ta sẽ sớm ngày thấy được một Đại Tạng Kinh Tiếng Việt thật hoàn chỉnh được lưu hành rộng rãi đến với tất cả Phật tử Việt Nam.

Trân trọng, 
Cư sĩ Nguyên Minh 
Nguyễn Minh Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567