Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Hoa Thi

27/03/201313:26(Xem: 6574)
Pháp Hoa Thi

Pháp Hoa Thi

Thơ của Kim Tâm Thích Hạnh Niệm


Lời nói đầu

Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh nổi tiếng, được chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt nam cũng như các nước theo phật giáo đại thừa thọ trì rộng rãi. Nhiều hình thức cúng dường kinh pháp được thực hiện: như in ấn kinh quyển, chú giải kinh văn, diễn giảng, ghi âm, đĩa để phát hành, ấn tống … Mục đích của những việc làm này là để rộng quyền bản kinh đến quảng đại quần chúng, cho tất cả mọi người được nghe biết, được lợi lạc, được có cơ hội gieo nhân với kinh pháp quý báu này, như trong kinh văn thuộc phẩm phương tiện, Phật dạy:

Hoặc có người lễ lạy

Hoặc lại chỉ chấp tay

Nhẫn đến giơ một tay

……………………..

Vào nơi trong tháp miếu

Một xưng Nam mô Phật

Đều đã thành Phật đạo…

Pháp Hoa Thi này cũng không ngoài mục đích trên. Bằng hình thức thơ Đường ngắn gọn, hàm súc, chúng tôi đem ý kinh phổ thành những bài thơ để dâng lên cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư tôn đức Tăng Ni thưởng lãm đồng, đồng thời để cùng quý thi hữu, những người yêu thích thi ca, những người đã từng đọc hoặc xem qua kinh Pháp Hoa cùng thưởng thức chút pháp vị lẫn thi vị qua gần 40 bài thơ Đường.

Những vị chưa từng xem, đọc kinh Pháp Hoa có thể sẽ thấy khó hiểu hoặc không cảm thấy thích thú lắm. Rất mong qúy vị bỏ chút thì giờ đọc bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã được Hoà thượng Thích Trí Tịnh dịch ra Việt ngữ, có thể tìm thấy ở bất cứ ngôi chùa Phật nào.

Trong khả năng và điều kiện còn hạn hẹp, tập thơ nhỏ này không sao tránh khỏi những khiếm khuyết về nhiều mặt, nhất là về các phép đối trong luật thơ, đôi khi vì muốn diễn đạt ý nên đành phải châm chước, ngưỡng mong chư tôn đức, chư vị cao minh hoan hỷ, và chỉ giáo cho.

Nơi đây tôi chân thành cảm ơn Hoà thượng Thích Chơn Thiện đã hoan hỷ viết lời giới thiệu, các thi hữu trong nhóm Hương Sen đã dành thì giờ đọc và hiệu đính giúp để câu, từ được nhẹ nhàng thi vị hơn.

Nguyện hồi hướng lên Tam Bảo chứng minh, cầu nguyện tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Nammô Hoan hỷ tạng Bồ Tát

Kim Tâm

I. Tổng quan:

Phật Bổn Hoài

(Viết theo ý Kinh Pháp Hoa)

Ra đời dẫn chúng thoát mê lầm

Phương tiện đưa về diệu giác tâm

Thấy tánh bổn lai thành Phật đạo

Chuyển mê thành ngộ dứt xan tham

Ba châu* giải nói thân dìu dắt

Chín dụ ** tuyên bày diệt chấp đam

Khai thị chúng sanh tri kiến Phật

Dẫu rằng gian khó vẫn vui làm

*thuyết pháp châu, thí dụ châu, nhân duyên châu

** kinh Pháp Hoa có chín thí dụ.

Phương tiện Phật

(Viết theo ý kinh Pháp Hoa)

Một đời thuyết pháp độ quần sanh

Chỉ thẳng khó tường phải nói quanh*

Không dọn phân dơ đành lãng đãng

Chẳng hay châu báu phải linh đinh

Quê nhà trăng gió luôn bày sẵn

Đất khách phong sương mãi chạy quanh

Như biết mở châu trong vạt áo

Cuộc đời khắc chuyển nếp cao thanh

Hướng về Phật đạo

Hướng về phật đạo để tu nhân

Dẫu biết lâu xa chẳng ngại ngần

Thành hoá đâu cam lòng trú mãi

Thuốc hay quyết trị bệnh thuyên dần

Ba thừa phương tiện liền viêm hỏa

Một nẻo chân như đến pháp thân

Tinh tấn một lòng tu Thánh đạo

Không cô tâm Phật độ thiên nhân

II.Phẩm mục:

1. Phẩm Tựa

Muốn ban đại pháp lợi nhân thiên

Vô Lượng Nghĩa tuyên tiếp trụ thiền

Hào tướng quang soi bày rạng rỡ

Nhân thiên hội thấy hiện như nhiên

Từ Tôn* thấy tướng sinh nghi hoặc

Diệu Đức nhận điềm thuyết tích duyên

Xuất định tán dương phương tiện đạo

Ba đời chư Phật thảy noi quyền.

*Từ Tôn: Bồ tát Di Lặc

Diệu Đức: Bồ tát Văn Thù

2. Phẩm Phưong Tiện

Chúng sanh mê muội, đạo dài xa

Phương tiện ai hơn trí Phật Đà

Một hiệu xưng qua thành chủng tử

Hai tay chấp lại ngự ngưu xa

Thông linh căn tánh, tu tinh tấn

Độn lụt cơ duyên, học đãng đà

Tất cả - Phật đều phương tiện độ

Quy về chơn giác: Diệu Liên Hoa

3. Phẩm Thí dụ

Phật trí vô biên, tâm đại bi

Độ sanh phương tiện khéo hành thi

Nhìn qua sáu nẻo: nhiều đau khổ

Ngoảnh lại ba đường: lắm hiểm nguy

Trước dạy Tam thừa tu giải thoát

Sau đem Nhứt đạo chỉ huyền vi

Hứa cho ba loại xe tùy thích

Rốt chỉ cho chung loại đặc kỳ

* loại tốt nhất

4. Phẩm Tín Giải

Tại hội được nghe pháp thẩm sâu

Lại nghe Xá Lợi dự ghi đầu

Trong tâm tất cả đều hoan hỷ

Ngoài mặt mọi người thoáng nét âu

Ca Diếp mượn lời bày tín giải

Chiên Diên thí dụ nói chân châu

Dọn phân hý luận thừa gia nghiệp

Chẳng hổ trung tôn liệt hạng đầu

5. Phẩm Dược Thảo

Phật khen khéo hiểu nghĩa thâm sâu

Khéo nói Như Lai lý nhiệm mầu

Một vị mây mưa rơi khắp giống

Năm loài cây cỏ đượm sai nhau

Nhứt âm giáo diễn không sâu cạn

Ngũ tánh tư nhuần có thấp cao

Trí, lực, từ bi đều thấu tột

Hợp thời, đúng tiết Phật liền trao

6. Phẩm Thọ ký

Ca Diếp – Quang Minh Phật sẽ thành

Nước tên Quang Đức cảnh tân thanh

Dây vàng giăng lối, lưu ly đất

Cây báu theo hàng, thất bảo thành

Danh tướng - Bồ Đề sau đắc hiệu

Mục Liên – La Bạt sẽ thành danh

Thanh Văn đệ tử vô biên số

Sau trước dự ghi Phật tấn trình

7. Phẩm Hòa Thành Dụ

1.Từ kiếp lâu xa cho đến nay

Muôn ngàn ức kiếp chẳng ai hay

Thế Tôn trí thấy như đương nhật

Phật nhãn quang soi tợ hiện bày

Trí Thắng Đại Thông nhiều kiếp định

Bồ Đề đại đạo đến thời khai

Viên thành Phật qủa người trời tính

Tinh tấn như Ngài* được mấy ai

*Đức Đại Thông Trí Thắng nhập định một lần trải qua mười kiếp

2.Vương tử nghe cha đắc đạo rồi

Bỏ đồ chơi báu xuất gia thôi

Bốn phương thiên chúng đều thưa thỉnh

Tám hướng vua quan thảy khuyến mời

Diệu Pháp Như Lai tuyên đúng lúc

Liên Hoa Lưỡng túc thuyết vừa thời

Nói xong Phật nhập kim cang định

Diễn pháp Sa di cứu độ người

3. Đoạn đường nguyhiểm lại dài xa

Tìm báu đoàn người phải vượt qua

Sức mệt nửa đường đều thối chí

Lực mòn cách đích muốn quy gia

Đỡ chân thành hóa không chân lũy

Hồi sức phòng thuê chẳng thật nhà

Diệt hóa đạo sư khuyên tiến bước

Bảo thành gắng đến chớ là đà

4.Phật thừa chỉ một pháp quang minh

Phương tiện hiện bày độ chúng sinh

Chúng mệt nửa đường nhiều kẻ thối

Tài hay, giữa chặng tạm thành nghinh

Xa xôi nhứt đạo không đi suốt

Ngơi nghỉ Tam thừa chỉ đỡ trình

Phật qủa trang nghiêm, công đức tụ

Quyết thành, đại chúng gắng chuyên tinh

8. Phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký

Trọn đầy pháp thuyết với dụ tuyên

Tri kiến Như Lai giác ngộ viên

Đắc ký thảy đều tâm dũng nhược

Dự phần tất cả dạ hân nhiên

Dẫu nghe gian khổ lòng không nản

Dù biết lâu xa chí chẳng phiền

Tự trách ôm châu đi cuốc mướn

Kiếm ăn từng bữa khổ triền miên

9. Thọ học vô học nhân ký

Hàng tâm tự tại đã an thân

Kẻ quả chưa tròn ước có phần

Thị giả A- Nan - người thủ tạng

La Hầu trưởng tử - chỗ tình thân

Hữu, vô học địa tâm tinh tấn

Tân, cựu đạo gia chí mẫn cần

Hết thảy Thế Tôn trao thánh ký

Chúng nghe thỏa mãn dẫu không gần

10. Phẩm Pháp Sư

Hữu duyên gặp Phật, đạo an phần

Lai thế tập tu gieo phước nhân

Đọc tụng kệ lời cùng xứ biết

Tả thư kinh quyển khắp nơi phân

Thọ trì giáo nghĩa lan thiên thượng

Diễn giảng kinh văn độ thế gian

Diệu pháp lưu truyền cùng hậu thế

Là nhờ ân đức Pháp sư* ban

*Pháp sư có 5 loại: 1/ đọc tụng 2/ thọ trì 3/ biên chép

4/diễn giảng 5/ tùy hỷ

11. Hiện Bảo Tháp

Pháp âm vang dội khắp tam thiên

Đa bảo Như lai có bổn nguyền

Xứ xứ truyền kinh lai chứng kiến

Nơi nơi nói pháp đến minh tuyên

Kim thân Xá Lợi ngồi an ổn

Bảo tháp Từ Tôn hiện uyển nhiên

“Khoái thích…hay thay…tuyên Diệu Pháp”

Lới khen cổ Phật nghĩa cao huyền

12. Phẩm Đề Bà Đạt Đa

Pháp truyền nhờ có pháp sư tuyên

Ngộ pháp cũng còn dễ khó riêng

Khó phụng Đề Bà thiên tải viễn

Dễ thành Long nữ bát thu niên

Học nhân, học đạo đừng khinh thị

Tập sĩ, tập tu phải cố kiên

Nghĩa phẩm Đề Bà phân dễ khó

Lại thêm lần nữa ý u huyền

13. Phẩm Trì

Phật tuyên vi diệu bất tư nghì

Tỏ ngộ nhân thiên quyết gắng ghi

Bồ tát thử phương nguyền thủ hộ

Thanh văn tha quốc nguyện hành thi

Chúng sanh si ám không từ ác

Đệ tử tham lam chẳng kể chi

Để pháp lưu truyền soi cõi thế

Giáp vòng bồ tát hứa duy trì

14. Phẩm An Lạc Hạnh

Đời ác chúng sanh tánh khí cường

Dẫu rằng Bồ tát đủ quyền phương

Nhưng mà nếu được bình an trụ

Hơn lại phải dùng khuất nhẫn đương

Thân cận, sở hành, không pháp quán

Điều nhu, chất trực, hữu từ thương

Nguyện đem chánh pháp truyền chưa ngộ

Cho đó an vui tịch diệt trường

15. Phẩm tùng địa dũng xuất

1.Bồ tát tha phương nguyện hộ kinh

Phật ngăn dạy bảo đã đinh ninh

Cõi này hiện có vô biên chúng

Phương dưới đang tàng sa số đinh (vị)

Đất nứt hằng sa người lộ diên

Không sinh căng ức vị ra hình

Chưa từng quen một, Từ Tôn hỏi:

Bồ tát đông vầy, chỗ xuất sinh?

2.Nói đến bồ tát từ đất sinh

Lượng đông vô số ức muôn đinh (vị)

Dung nhan thâm diệu công viên mãn

Đạo hạnh tròn đầy trí tịnh minh

Có vị đem theo sa số chúng

Có người chỉ đến một thân mình

Đã từng tu tập hằng sa kiếp

Hóa độ phải qua ức tải trình*

3.Phật rằng bồ tát chúng đông vầy

Thành đạo sau rồi dạy đến nay

“Cha trẻ con già” đâu hiểu được

“Chúng đông thời ngắn” khó tin thay

Từ Tôn nghi hoặc thay thưa hỏi

Đại Giác từ bi vị giải bày

Trước khuyến mọi người mang giáp tấn

Sau vì chúng nói đạo cao dày

16. Như Lai thọ lượng

1.Thọ lượng Như Lai chúng gắng tin

Na do tha kiếp tính muôn nghìn

Thi như địa chủng lân vi tác

Dụ tợ trần sa kiếp số in

Thường ở Ta Bà khai giác lộ

Luôn vì sanh chúng tạo niềm tin

Như Lai trí rộng nhiều phương tiện

Nói pháp tùy cơ, khéo giữ gìn

2.Lương y tài trí, diệu phương hay

Con trẻ mê lầm bị dại say

Cầu trị, thuốc thơm không chịu uống

Thương vì, chước khéo chóng thi bày

Phương xa, tin nhắn cha đà chết

Quê cũ, được lời thuốc uống ngay

Bệnh hết, cha con cùng sum họp

Như Lai phương tiện khéo như vầy

17. Phẩm phân biệt công đức

1.Nghe nói Như Lai thọ mạng dài

Thảy đều phấn khởi, huệ tâm khai

Hằng hà sa số thêm tăng ích

Vô lượng vô biên chứng biện tài

Kẻ được la ni*, người đác quả

Người đang diệu vị, kẻ, Như Lai

Chư thiên hương đốt, thiên y cúng

Hoa rải rơi đầy khắp đất đai

*đà la ni

2.Được nghe thọ lượng Phật vài câu

Một niệm hân hoan, tín giải sâu

Mãn túc bồ đề không mấy cách

Viên thành thánh đạo chẳng bao lâu

Tứ chân đạo hạnh* so nào thấu

Năm độ đại thừa thắng được đâu

Công đức người nghe như thế đó

Hãy truyền tứ chúng biết ngàn sau

*Bốn quả thanh văn

3.Nghe được Thế Tôn thọ mạng dài

Tức là thấy được đức Như Lai

Thường cư Linh Thứu tuyên vi pháp*

Luôn tại Non Linh tọa bửu đài

Lại thấy Ta Bà bằng tợ chưởng

Và xem thử độ chẳng chông gai

Nghe kinh tùy hỷ lòng tin chắc

Chẳng mạn, chẳng khinh, chẳng biếm bai

*Giáo pháp nhiệm mầu, vi diệu

18. Phẩm Tùy hỷ công đức

Nghe pháp thâm sâu tâm dũng dược

Truyền nhau cho đến thứ năm mươi

Sáu đường sanh chúng tam thiên loại

Ba nẻo thiên long bát bộ… người

Già trẻ nâng nuôi trong cung điện

Gái trai chứng đạo ở cung trời

Người này sánh thứ năm mươi trước

Công đức chẳng bằng chút phước rơi

19. Phẩm Pháp Sư công đức

Đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa

Trọn nên công đức thật sâu xa

Tai sinh nghe suốt cùng đây đó

Mắt nhục xem thông chẳng lập lòa

Lưỡi nếm, ý suy đều chẳng ngại

Mũi hay, thân biết thảy không ngoa

Mỗi căn bát bách, ngàn hai đức

Đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa

20. Phẩm Thường Bất Khinh

Thọ trì thâm ngộ Pháp Hoa kinh

Bố tát ai bằng Thường Bầt Khinh

Chẳng đọc tụng trì kinh điển Phật

Chỉ đi lễ lạy chúng quần sanh

“Các ngài là Phật” nên cung kính

“Chư Phật các ngài” chẳng dám khinh

Bồ tát tội tiêu bèn gặp Phật

Nghe kinh Diệu Pháp đạo viên thành

21. Phẩm Như Lai thần lực

Bồ tát địa tùng hộ pháp thường

Phật tâm vui vẻ tợ xuân dương

Lưỡi bày thắng tướng trùm thiên giới

Lông phóng quang minh chiếu thập phương

Tằng hắng tiếng vang rung các nẻo

Khảy tay âm động chuyển thiên đường

Mắt tai đạo giả như lanh lợi

Đi trước Quan Âm mới khẳng đương

22. Phẩm Chúc lụy

Pháp âm truyền dạy ngộ xong rồi

Xoa đảnh chúng nhân Phật chúc lời:

-“Xả bỏ quốc thành cùng xứ xứ

Hy sinh thê tử khắp nơi nơi

Siêng tu khoáng kiếp không dừng dứt

Cần mẫn lũy niên chẳng nghỉ ngơi

Đại đạo ngày nay Ta phú chúc

Các ông hãy gắng dạy cho đời”

23. Phẩm Dược Vương Bồ tát bổn sự

Bồ tát thỉnh thưa hạnh Dược Vương

- Hằng hà sa kiếp số không lường

Tịnh Minh xuất thế vì tuyên thuyết

Hỷ Kiến thiêu thân để cúng dường

Phật diệt tháp xây người tán than

Taythiêu chúng thấy thảy ta thương

Chúng sanh Hỷ Kiến không ai khác

Chính thị tiền thân của Dược Vương

24. Phẩm Diệu Âm

1. Diệu Âm đại sĩ ở phương xa

Tiếp nhận hào quang đức Thích Ca

Vào định kim thân rời Tịnh Quốc*

Trên sen bồ tát đến Ta Bà

Văn Thù bạch thỉnh: xin vì chỉ

Đa Bảo ban truyền: hãy hiện ra

Lập tức bên tòa liền xuất hiện

Thể thân phước tướng vạn kim hòa.

2.Diệu Âm bồ tát đến Ta Bà

Rực rỡ tưng bừng cõi diễn qua

Thiên cái treo thòng, hòa thiên nhạc

Thiên hương xông nức, rưới thiên hoa

Chưthiên mục kích vào sinh nhẫn

Hoa Đức khán tường chứng Pháp Hoa

Tại hội mọi người đều lợi ích

Đón mừng Bồ Tát một lần qua

25. Phẩm Quán Thế Âm

Phổ Môn hiển thị đại bi Tâm

Gặp nạn xưng danh bất khả xâm

Nước lửa gươm đao tan tại chỗ

Cọp beo sư sói chạy mù tăm

Bốn hai nguy nạn theo duyên độ

Bốn tám ứng thân tùy xứ lâm

Thần lực đại bi thường cứu khổ

Có ai bằng được đức Quan Âm

26. Phẩm Đà La Ni

Công đức trì kinh khó nghĩ bàn

Muốn cho lưu bố được bình an

Chú thần bồ tát ban gia hộ

Kệ tụng thiên long nói đỡ đần:

“Như nhánh A- lê tan gãy khúc

Như đầu kẻ ác vỡ nhiều phần”

Pháp sư não loạn chiêu ương họa

Cũng giống như trên khéo giữ thân

27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn sự

1.Trong hội Vân Lôi Âm Tú Hoa

Diệu Nghiêm tâm chí chạy đường tà

Mẹ khuyên hiếu tử thần thông hiển

Con vị cha hiền triển pháp ra

Thấy rõ vua cha sinh hỷ lạc

Nhận rành từ phụ bỏ hang ma

Vinh hoa rũ sạch, lìa ngôi báu

Cùng với phu nhân…thảy xuất gia

2.Từ bỏ ngôi vua để xuất gia

Diệu Nghiêm tu học với Phật Đà

Vì vua, Phật dạy ròng chân đạo

Nhờ Phật, vua tu Diệu Pháp Hoa

Trải qua ức niên vun đạo hạnh

Kinh qua tuế nguyệt tỏa hương ba

Đại Quang cõi nước, Ta La Phật

Qủa mãn công viên tọa pháp tòa

28. Phẩm Phổ Hiền khuyến phát

Từ xa nghe Diệu Pháp âm vang

Bồ tát, tùy tùng tới bảo đàn

Thỉnh vấn: Pháp Hoa phương cách được

Dạy rành: Thiện Thệ diệu môn* ban

Cúng dường, thừa sự cho đầy đủ

Thủ hộ, giữ gìn đặng thái khang

Bạch tượng sáu ngà bồ tát đến

Giúp người trì tụng nhớ câu hàng

*Có 4 cách được kinh Pháp Hoa: 1/ được chư Phật hộ niệm

2/ trồng cội công đức 3/ vào chánh định 4/ phát lòng cứu chúng sanh

III. Phụ lục:

Chánh Nhân

Giác tri chân tánh bổn lai nhân

Đâu bởi công phu, giới trắng ngần

Tự tánh từ lâu đầy đủ sẵn,

Tâm nguyện nào phải phát sinh dần.

Từ bi Phật hiện khai chân quốc,

Bát nhã trí tri chứng pháp thân.

Chư Phật ba đời thành chánh giác

Không ngoài liễu ngộ tự tâm nhân

(tự họa bài Hướng về Phật Đạo)

Trăng Bát Nhã

(Hoạ bài Trăng cao nguyên của Miên Thượng)

Bát nhã trăng soi thấu bản nguyên

Mới hay chơn tánh vốn bình yên

Tam thiên* dạo khắp không nơi thật

Cửu hữu* đi cùng chẳng chỗ riêng

Năm uẩn đều không – không quái ngại

Bốn xà chẳng có – có gì quyên*

Có không hai chấp dung thông hết

Bát nhã trăng tròn bặt các duyên

*Tam thiên: nói tắt của tam thiên đại thiên thế giới.

Cửu hữu: chín chỗ chúng sanh ở

Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Bốn xà: bốn con rắn, tượng trưng cho bốn đại:đất, nước, gió, lửa.

Lời bạt

Như chút tâm tình gởi hư không

Từ thư người bạn cũ

·Nguyễn Đông Nhật

Gần bốn mươi năm mới gặp lại, người bạn của năm học đầu tiên tại trường Trần Qúy Cáp Hội An ngày nào, giờ đây đã là Thượng Tọa Thích Hạnh Niệm, đang đảm đương trách nhiệm của một Phó Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Qua biết bao nhiêu biến đổi của cuộc phù thế, dường như vẫn còn một điều gì bền lâu. Ấy là tình cảm của một thời trẻ tuổi trong sạch, và chút duyên thơ bây giờ. Nhưng hẳn nhiên, đối với một tu sĩ như Thầy, thơ không phải là một sự nghiệp (hay là một công việc nặng nhọc và...nặng nghiệp). Ở con người Thầy, thơ là chén trà thơm đạo vị những sáng mai yên tĩnh cùng bằng hữu, là một sắc hoa dịu dàng giúp thanh lọc tâm hồn. Không dám có tham vọng phẩm bình sự liễu ngộ của tác giả Pháp Hoa Thi, tôi chỉ cảm động trước mong muốn của Thầy Kim Tâm: mời gọi người khác cùng mình tiếp cận mùi vị của hương giải thoát: Pháp Hoa Thitrong tình cảm ấy..

Trên con đường dằng dặc mà nhân loại đi tìm HẠNH PHÚC, sự thật là đâu, nơi đến là đâu? Câu hỏi muôn đời ấy không dễ dàng được trả lời. Bởi chân lý là điều không thể nói ra bằng ngôn ngữ thông thường, như Đức Phật từng chỉ rõ, như bao nhiêu Tổ sư và cổ đức đã truyền trao. Tác giả Pháp Hoa Thi đã liễu ngộ điều đó, khi mình giải phẩm Phương Tiện trong Kinh:

Một đời thuyết pháp độ quần sinh

Chỉ thẳng khó tường phải nói quanh

Hoặc một chân lý khác được diễn đạt qua lời thơ dung dị này:

Thấy tánh bổn lai thành Phật đạo

Chuyển mê thành ngộ dứt xan tham

Mới nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng làm thế nào để nhận được cái gọi là bổn lai diện mục ấy.Làm thế nào để “chuyển mê thành ngộ”, thì con đường đi đến câu trả lời tối hậu không hề đơn giản chút nào! Có phương tiện là Chỉ, là Quán hay của Song tu. Có phương pháp Nhất tâm niệm. Có cách hành trì của Tam ưng tương mật và nhiều con đường khác. Nhưng vạn pháp phải chăng đều quy về Nhất thừa pháp, như Thiên Thai tông đã diễn đạt qua nội dung của Ngũ Trùng huyền nghĩa gồm Danh xưng, Biện luận, Minh tông, Luận dụng, Phán giáo tướng.

Như biết mở châu trong vạt áo

Cuộc đời khắc chuyển nếp cao thanh.

Vật quý nhất của con người, qua hình ảnh ẩn dụ trong Kinh, là viêng ngọc ma-ni trân qúy mà mỗi người đều có trong vạt áo. Và hạt châu quý giá ấy dụ cho cái gì?

Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau trước câu hỏi này, nhưng dường như không có sự phủ định cái nhìn của những tông phái khác nhau. Bởi vì, mọi con đường đều dẫn tới một điểm chung nhất. Và cái chung nhất ấy, là tâm thức con người, điều mà ngày nay, ở thế kỷ XXI, các nhà khoa học tự nhiên lỗi lạc nhất cũng đã thừa nhận: “Phân tích lý luận là quá trình của giác quan chụp bắt bề nổi thực tại rồi gởi đến chúng ta, và tin rằng, thực tại này, sau đó sẽ phản ánh được tinh hoa của sự vật: Nhất thể, cái Thiện và Sự thật”.

Thực nghiệm và nhận xét của nhà vật lý học W. Heisenberg vừa nêu, phải chăng là điều mà Lục tổ Huệ Năng đã nói về cáiđang là: “Trong sắc na không có tướng sanh, không có tướng diệt, mà chẳng có sự sanh diệt nào phải diệt cả”. Lạ thay (mà cũng không lạ), điều mà Lục tổ khai thị, một nhà khoa học hiện đại cũng lập lại trong cùng ý nghĩa: “ Chỉ có hiện tại một cách vĩnh viễn thường xuyên, chỉ có một hiện tại tương tự nhau, chỉ có hiện tại là hiện trạng không có kết cuộc” (Erwin Schrodinger). Như vậy, không gian và thời gian không gì khác hơn là tên gọi, hay đó là cái thực tại mà Áo nghĩa thư (Upanishad) đã mô tả: “Thế giới này xuất phát từ không gian và trở thành không gian nơi chúng xuất phát: không gian là nơi chúng thực sự bắt đầu và cuối cùng cũng là nơi chúng kết thúc”.

Đôi điều lẩn thẩn dông dài vừa rồi, thực ra, chỉ là đôi lời trò chuyện cùng một người bạn cũ. Về thơ. Bởi, nó chỉ là chuyện “phiếm bàn”, vốn đứng ngoài rìa của việc tu tập. Bởi vì, ở phẩm Chúc Lụy, Đức Phật đã dạy về sự tinh tấn trong quyết tâm tìm đến giải thoát, mà tác giả “diễn nôm”

Xả bỏ quốc thành cùng xứ xứ

Hy sinh thê tử khắp nơi nơi

Siêng tu khoáng kiếp không dừng dứt

Cần mẫn lũy niên chẳng nghỉ ngơi

Đại đạo ngày nay Ta phú chúc

Các ông hãy gắng dạy cho đời.

Xả mà không, hy sinh mà chẳng có gì phải rời bỏ... Tất cả chỉ là tên gọi. Tổ Thiền Đông độ nói: “Mê thì ở bên này; Ngộ thì ở bên kia”. Đâu là bờ này và bên kia? Và có hay không cái bờ ấy? Chân lý là không hoặc phải không mà là (nếu tạm dùng ngôn từ để gọi) “không chẳng không”. Từ xưa vốn đã vậy, ngày nay càng rõ như thế. Ấy là, ở trong đời nhưng phải làm sao để” không chấp, không tham, không lìa, không bỏ” Pháp Bảo Đàn kinh nói: “Phân biệt nhất thiết pháp”, nhưng rồi lại nói: “Bất khởi phân biệt tướng”. Phải chăng, tất cả vấn nạn của con đường là ở đó, chỗ mà chúng ta phải tiến đến trong sự thống nhất nhận thức rằng: “Tinh thần là tâm hồn và thực tại của điều mà ta nhận biết như là vật chất. Vật chất là cơ thể và hình thái của cái mà ta nhận biết như là tinh thần”.

Xin chân thật chung cùng tâm ý tốt đẹp của tác giả Pháp Hoa Thi, Tỳ kheo Hạnh Niệm, người bạn ngày xưa, trong việc trao gởi những chân lý mà Đức Phật đã giáo huấn, qua những dòng thơ chân thực, như một tấm lòng gởi vào Hư Không của tác giả, của người viết bài này và của những ai còn biết đặt câu hỏi về Hạnh Phúc, như lời Đức Dalai Lama: “Hạnh phúc thật sự không đến từ việc chăm lo cho sự an nhiên của riêng ta hay những người gần gũi ta, mà đến từ tình thương và lòng bác ái đối với tất cả mọi hữu tình”.

Nguyễn Đông Nhật

---o0o---

Vi tính: Quảng Hương Phương Giang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]