Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Linh Thứu, Berlin, Đức Quốc

03/06/201919:08(Xem: 8244)
Chùa Linh Thứu, Berlin, Đức Quốc




chua linh thuu ba linh



Lược Thuật Khóa Tu An Lạc 
Tại Chùa Linh Thứu Heidereuter Str.30 – 13597 Berlin, Germany
( Từ thứ sáu ngày 21 tháng 6 năm 2019 đến chủ nhật ngày 23 tháng 6 năm 2019)

 
Ngày thứ nhất, thứ sáu ngày 21 tháng 6 năm 2019 


Hôm nay thứ Năm ngày 20 tháng 6 năm 2019, theo sự chỉ dạy và sắp xếp chương trình của Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác, phái đoàn Hoằng Pháp Âu-Mỹ được chia ra làm hai ban. Một ban ở lại Tu Viện Viên Đức và một ban gồm: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Thượng Tọa Thích Thông Triết, Thượng Tọa Thích Thiện Nghĩa, Đại Đức Thích Hạnh Phẩm, Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân được Đại đức Thích Thông Triêm lái xe đưa đến Chùa Linh Thứu. Đại đức Thích Thông Triêm là người mấy ngày qua đã đưa đón quý chư Tôn đức trong phái đoàn đi đến hơn 2600km. Thật là một tấm lòng hết sức vì pháp rất đáng trân trọng.

Phái đoàn đến chùa Linh Thứu khoảng 7:30 pm, được sự ân cần tiếp đón của Ni trưởng Trụ trì cùng với quý chư Tôn Đức Ni tại tự viện, tất cả đều chuẩn bị một cách hết sức chu đáo.

Ngày thứ nhất, thứ Sáu ngày 21tháng 6 năm 2019

Sáng sớm, thưởng lãm xung quanh chùa, tất cả thật ngăn nắp, nhìn cảnh chùa mang tên của ngọn núi linh thiêng trong Phật giáo, thật uy nghiêm.

Linh Thứu thiêng liêng mãi ngàn đời

Truyền đăng tục diệm khắp nơi nơi

Phật pháp truyền lưu vang vọng mãi

Sử sách lưu danh mãi không phai

Chùa Linh Thứu được tọa lạc tại Heidereuter Str.30 – 13597 Berlin, Germany, do Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước Trụ trì. Theo Ni Trưởng cho biết, vào khoảng năm 1987 ban đầu chỉ là một Niệm Phật đường nhỏ ở vùng Krefelder Str. Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, và được sự giúp đỡ tinh thần của Hòa Thượng Phương trượng Tu Viện Viên Giác, đặc biệt là sự tận tâm, tận lực của Ni Sư Trụ trì, quý Ni chúng cùng những người Phật tử nơi đây đã tạo nên một ngôi Tam Bảo thật trang nghiêm, hùng vĩ.  Đại lễ Lạc thành và An vị Phật được chùa tổ chức trọng thể từ ngày 15/10 đến ngày 21/10/2012 với sự tham dự của hằng trăm chư Tôn Đức Tăng, Ni và hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi trên thế giới.

Đại Hùng Bảo điện chùa Linh Thứu rất rộng rãi, các công trình bên ngoài còn có cổng Tam quan, Thánh tích Lộc Uyển nơi đức Phật Chuyển Pháp Luân, Tôn Tượng Bồ Tát Di Lặc, Tôn Tượng Quan Thế Âm… các kiến tạo nơi khuôn viên đẹp, thoáng mát và thiền vị.

Linh Thứu Sơn là một địa danh vô cùng thiêng liêng và là Thánh tích của Phật giáo, theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa thì nơi đây Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết nhữnng bộ kinh như Đại Bát Nhã Ba-la-mật-đa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,…trong Thiền Tông còn có thuyết cho rằng lúc Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni truyền pháp cho Ngài Ma-ha-ca- diếp qua câu chuyện “Niêm Hoa Vi Tiếu” cũng từ núi Linh Thứu này. 

Nếu như Linh Thứu Sơn đã đi vào Thánh tích, thậm chí như một huyền sử của Phật giáo Đại thừa thì ngôi chùa Linh Thứu cũng mang dấu ấn tâm linh cực kỳ quan trọng trong Phật giáo tại nơi này.

Với tâm nguyện phụng sự chúng sanh, dấn thân trên con đường Bồ tát hạnh, quý Chư Tôn Đức Tăng Ni khi rời quê Cha Đất Tổ đều mang chí nguyện cao cả như trong tinh thần của Thiền Sư Di Sơn “Kiến pháp tràng ư xứ xứ”, muốn cho ngọn đèn chánh pháp tồn tại mãi thế gian không đoạn dứt.

Với tất cả tâm hạnh cao cả và thiêng liêng, Ni Trưởng đã dành tâm huyết cả suốt một lộ trình đầy gian nan thử thách, những khổ cực, những giọt mồ hôi, công sức của Ni Trưởng cùng bao nhiêu người con Phật đã hòa quyện để có một phạm vũ huy hoàng như thế. Những ai đã từng sống trên những vùng đất trời Tây, với những công việc áp lực cuộc sống, những trở ngại về ngôn ngữ văn hóa, thậm chí có những lúc đơn thân để tự vươn mình như những cây tùng bách vươn mình trong bão dông tuyết giá.

Cũng tại Linh Thứu tự này, dưới sự đức độ dìu dắt của Ni Trưởng Trụ trì, hiện tại chùa có 13 chư Ni đang tu học và đảm đương Phật sự. Đây cũng là điều hiếm có của những ngôi chùa ở hải ngoại.

Linh Thứu giờ đây là chỗ quy hướng tìm về cội nguồn tâm linh của hàng ngàn Phật tử, là nét đẹp gợi nhớ quê hương của những người con xa xứ. Hàng bon sai, cây kiểng, những lối đi thiền hành được thiết kế tinh tế, từng luống cải xanh tươi, những dây bí đang vươn mình trong nắng ấm mùa Hè trên phía trời Âu. Bất chợt nhớ đến những vần thơ:

Buổi sáng ngày Hè trên Đức quốc

Tôi bước đi thong thả giữa bờ cây

Nhìn đâu đây như phảng phất quê nhà

Luống rau xanh chan hòa trong nắng ấm

Khóm trúc vàng bên Tam Quan chào đón

Khách trần lao xin nhẹ bước an nhiên

Vào nơi đây tự tại chốn cửa Thiền

Rủ trần duyên bên dòng đời tục lụy.

 

Chư Tôn Đức Tăng trong phái đoàn, và Ni Trưởng Trụ Trì cùng chư Ni chùa Linh Thứu thọ trai kinh hành niệm Phật. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng chủ sám phần niệm hương bạch Phật đảnh lễ Tam Bảo và cùng đại chúng tụng thời kinh ngắn trước khi vào lễ khai mạc.

Khóa Huân Tu Tịnh Nghiệp được sự chứng minh từ xa của Hòa Thượng phương trượng Tổ đình Viên Giác, Đức quốc; Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng (Trụ trì Tu Viện Quảng Đức) thay mặt Hòa Thượng điều hành phái đoàn Hoằng Pháp tại chùa Linh Thứu; TT Thích Thiện Nghĩa (Trụ trì Chùa Long Đức, An Giang); TT Thích Thông Triết (Trụ trì Thiền Viện Chánh Pháp, Oklahoma, Hoa Kỳ); Đại Đức Thích Viên Giác, (Trụ trì chùa Đôn Hậu, Na uy);  ĐĐ Thích Hạnh Phẩm (Trụ trì Tu Viện Từ Ân, Melbourne, Australia); Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước (Trụ trì cùa Linh Thứu); Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Chỉ (Viện chủ chùa Bảo Vân, Sài gòn, Việt Nam); Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân (Trụ trì chùa Vạn Thiện, Sài gòn, Việt Nam).

Mở đầu chương trình khai mạc khóa tu, TT Thích Nguyên Tạng đã có phần khải bạch đến Hòa Thượng Phương trượng Tổ đình Viên Giác. Thượng tọa đã tán thán tài đức của Ni trưởng Trụ trì chùa Linh Thứu Thích Nữ Diệu Phước, cùng chư Tôn Đức Ni trong tự viện đã làm cho đạo tràng Linh Thứu có những phát triển rất nhanh chóng về cơ sở cũng như sự lớn mạnh về việc tu tập trong đạo tràng. Nhân đó Thượng Tọa Nguyên Tạng đã nhắc lại bài kệ tán dương công đức Linh Thứu Sơn, một Phật tích mà Ni Trưởng dùng để đặt tên cho ngôi Già lam này:

Điều ngự thùy từ thần thông giám

Pháp kim quang chiếu phá hôn cù

Diễn diệu Pháp Hoa khuynh vạn trở

Ân triêm vạn khoảnh lợi nhơn thiên

(dịch nghĩa:)

Điều ngự lòng từ dùng thần thông

Pháp hào quang chiếu phá tối tăm

Nói Pháp Hoa lành, độ vạn khó

Trời người hưởng được muôn điều lành.

Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát.

Thượng tọa cũng nhấn mạnh phước của sự bố thí, cúng dường, đồng thời tán thán sự phát tâm cúng dường của toàn thể quý Phật tử vào công trình xây dựng chùa Linh Thứu và Tu Viện Lộc Uyển đang tiến hành.

 

Và một sự kiện cũng rất quan trọng đã được nhắc đến là vào ngày thứ Bảy 23 tháng 3 năm 2019, tức ngày 18 tháng 2 năm Kỷ Hợi, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Phước đã chính thức làm lễ đặt viên đá xây dựng Tu Viện Lộc Uyển thành phố biển Rostock, đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên của vùng này, với sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương trượng  Tổ Đình Viên Giác, chư Tôn Đức Tăng Ni và đại diện chính quyền địa phương. Phật sự này càng khắc ghi đậm thêm dấu ấn tâm linh trên bước đường hoằng dương Phật pháp của Ni Trưởng tại hải ngoại. Kính nguyện Phật sự sớm thành tựu.

 

Ni Trưởng Trụ trì chùa Linh Thứu cũng có đôi lời nhắc nhở đến tất cả quý Phật tử trong đạo tràng, hãy trân trọng những phước báu mà chính quý vị đã từng gieo trồng và đang đón nhận, với sự hiện diện của chư Tôn Đức Tăng Ni từ nhiều châu lục câu hội về đây. Bên cạnh đó, Ni trưởng khuyến tấn tất cả quý phật tử cần nỗ lực thực hành văn tư tu trong khi thính pháp.

 

Thượng Tọa Thích Thiện Nghĩa nói về mục đích của tất cả quý Phật tử trong đạo tràng phát tâm tu tập trong khóa tu An Lạc này, là nhằm giúp thân khẩu ý được thanh tịnh, an lạc. Giữ oai nghi trong từng hành động, đi đứng nằm ngồi, ý thức trong tất cả mọi thời thì an lạc sẽ xuất hiện trong cuộc sống này.

 

Với thực tế kinh nghiệm bản thân, Thượng Tọa Thích Thông Triết khuyến khích một cách vô cùng thống thiết đến toàn thể đạo tràng là hãy tinh tấn nỗ lực tu hành kẻo tuổi già đến rồi không làm được gì ích lợi cho đời.

“Tuổi già thân suy yếu

Tay chân khó dạy biểu

Người sức cùng lực kiệt

Lấy chi hành pháp diệu”

(Kinh pháp cú )

TT Thông Triết dẫn câu chuyện trong Kinh Pháp Cú về cái chết thương tâm của cô Seemali  con gái của kỹ nữ Ampalapi, em gái của danh y Kỳ Bà.

Thấy sắc tâm mê tưởng

Chẳng xét lẽ vô thường

Người ngu cho là đẹp

Giả dối lại yêu thương.

Đại đức Thích Hạnh Phẩm, chia sẻ về ý nghĩa Vô Tận Đăng trong Kinh Duy Ma: “Này các cô, có Pháp môn được gọi là Ngọn đèn vô tận, các cô nên học. Ví như, một ngọn đèn có thể được dùng để mồi sáng hàng trăm ngàn ngọn đèn khác, do đó bóng tối sẽ được soi sáng và ánh sáng này sẽ không bao giờ tắt. Cũng vậy, các cô, một Bồ-tát dẫn đường hàng trăm ngàn chúng sinh khiến cho họ phát tâm cầu giác ngộ tối thượng, mà Đạo ý của Bồ-tát không hề tắt ngúm. Cứ mỗi lần thuyết pháp là mỗi lần tăng thêm tất cả pháp thiện cho mình. Cho nên gọi là Vô tận đăng. Dù các cô có ở nơi cung điện của Ma, các cô hãy nên dùng Pháp Vô tận đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của Trời khiến phát tâm cầu giác ngộ, vừa để báo Phật ân vừa làm lợi chúng sinh” ( kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Bản dịch của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ).

 

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân nói về sự thực hành Bát Chánh Đạo, và điều quan trọng nhất là phải thực hành để được giải thoát, tất cả những thứ khác chỉ là trên bước đường tu tập. Giống như cây có nhiều phần nhưng phần chính yếu là đạt được lõi cây, đó mới là mục đích thực sự. Trong ý nghĩa đó được gọi là thời hạnh phúc, có nghĩa là hạnh phúc tạm thời, chỉ khi nào chúng ta đạt được phi thời hạnh phúc. Đó mới là hạnh phúc thật sự.

 

Để kết thúc buổi pháp thoại trong buổi tối khai mạc. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng đã đọc bài thơ khuyến tấn “Tịnh Tu Tam Nghiệp” của Cố Giáo SưTịnh Minh Đặng Ngọc Chức:

“Thân không hề gây nghiệp khổ đau,

Miệng thơm ái ngữ trắng hoa cau

Ý trong như tuyết giăng đầu núi

Phiền não còn đâu nhuốm sắc màu”.

 

Thượng Tọa chúc lành đến toàn thể quý Phật tử trong đạo tràng. Mong tất cả đều được an lành trong Diệu Pháp.

Ngày thứ hai, thứ bảy ngày 22 tháng 6 năm 2019.


Chùa Linh Thứu gần khu trung tâm của người Việt, nơi thường xuyên quý Phật tử đến viếng chùa Lễ Phật. Mấy ngày qua, cảnh chùa càng trở nên sinh động hơn, mang tính chất đậm nét của một Đại Lễ trong Phật giáo. Khi phái đoàn chư Tôn Đức Tăng Ni Từ Việt Nam sang chuẩn bị tham dự những ngày Đại Lễ tại Tổ Đình Viên Giác, do Hòa Thượng Phương trượng lo thủ tục pháp lý mời sang, quý Phật tử tham gia khóa tu cũng nương chư Tôn Đức Tăng Ni vân tập Đại hùng bảo điện.


Tiếng hô canh tọa thiền buổi sáng, thanh thoát nhẹ nhàng, như đang nhắc nhở khách trần  thức tỉnh quay về thực tại sau một đêm dài mộng mị.
Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, chủ sám thời kinh công phu sáng, với sự thọ trì của quý chư Tôn Đức Tăng Ni trong phái đoàn Hoằng Pháp cùng với chư Tôn Đức Ni tại bổn tự và một số chư Tôn Đức Tăng Ni trong phái đoàn từ Việt Nam sang làm cho thời công phu vô cùng trầm hùng và sâu lắng, đậm nét hương vị của thiền môn.

Thời lễ bái 100 lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ tát được Quý chư Tôn Đức Ni hướng dẫn quý Phật tử thọ trì. Tiếng xướng lễ và đại chúng cùng hòa danh hiệu Bậc Đại Sĩ Cứu khổ chúng sanh trong cõi Ta bà ngân vang cao vút.

Sau thời điểm tâm buổi sáng, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giới thiệu Phái đoàn Hoằng pháp Âu- Mỹ đến toàn thể chư Tôn Đức cùng tất cả quý Phật tử trong đạo tràng. Sau đó Hòa Thượng Thích Như Phẩm, giới thiệu quý chư Tôn Đức Trưởng bối trong phái đoàn cũng như trong Tông Môn Pháp phái Chúc Thánh từ Việt Nam sang: Hòa Thượng Viện Chủ Chùa Long Thơ Thích Như Thọ, Trưởng Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh Quảng Nam- Đà Nẵng, Hòa Thượng Thích Hạnh Nhẫn, Trụ trì chùa Minh Giác; Thượng Tọa Thích Hạnh Tấn; Thượng Tọa Thích Viên Tánh; Sư Bà Thích Nữ Hạnh Chơn, Trụ trì chùa Bảo Thắng; Sư Bà Thích Nữ Giải Thiện… trong một khung cảnh vui, hòa kính và xúc cảm đậm tình Tông môn pháp phái.

Trong những ngày Đại lễ này là dịp để Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác cũng như Hòa Thượng Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Úc Châu, được gặp và thăm hỏi huynh đệ…trong Tông môn pháp phái… mà suốt một quãng thời gian hơn 45 năm vì xứ mệnh thiêng liêng của Đạo pháp và dân tộc, hai Vị chưa một lần về thăm quê hương chốn Tổ.

Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng mời Sư Bà Diệu Phước có đôi lời phát biểu. Bằng một thân giáo hết sức khiêm cung, Sư Bà Diệu Phước đến đảnh lễ Chư Tôn Đức Tăng và quý Sư Bà đang hiện diện, một buổi điểm tâm nhưng giờ đây như trong khung cảnh của một buồi lễ thật ấm tình đạo vị. Sư Bà Diệu Phước thưa những lời rất khiêm cung, và cung thỉnh chư Tôn Đức Tăng Ni trong phái đoàn từ Việt Nam sang, tùy theo sức khỏe của Quý Ngài để Sư Bà tổ chức buổi thăm viếng một số di tích lịch sử nơi đây.

Thời pháp thoại buổi sáng do Thượng Tọa Thích Thiện Nghĩa và Thượng Tọa Thích Thông Triết phụ trách. 
Mở đầu Thượng Tọa Thích Thiện Nghĩa với đề tài “Sơ Lược Phẩm Tín Giải- Kinh Pháp Hoa”, Thượng Tọa Thiện Nghĩa cũng sơ lược một số vấn đề tổng quan của Kinh Pháp Hoa. 

Cuộc sống của chúng ta như gã cùng tử đang lang thang trong vòng đời mà không biết quay về quê Cha đất Tổ. Vốn có người cha giàu có mà phải đi làm thuê làm mướn, khi trở về nhà người cha phải tập cho làm những công việc của một người thật sự thấp hèn để tôi luyện tinh thần và tích lũy phước báu. Chỉ khi nào đầy đủ nhân duyên thuận lợi thì Ông trưởng giả giao phó cho người con tất cả những gia tài mà ông đang sở hữu. Cũng như thế khi đầy đủ nhân duyên thời tiết thì hoasen từ trong bùn lầy uế trược trồi lên, hiến dâng cho đời những đóa hoa thơm tinh khiết.

Với tấm lòng chân thành tha thiết, cùng với lối diễn giảng thật dí dỏm vui nhộn như cuốn hút thính chúng. Thượng tọa trích dẫn lời của Mạnh tử “Con người mất con gà con chó thì lo tìm kiếm nhưng khi mất cái tâm của chính mình thì lại không tìm” cho nên cứ khổ. 

Chuyển hóa phiền não là chủ đề Thượng tọa Thích Thông Triết chia sẻ cho cả hội chúng, từng hồi cười liên tục cứ vang lên cả giảng đường, trong cái dí dỏm luôn chứa đựng những nội dung của chánh pháp, người nghe như đang lạc trong thế giới của những nụ cười hoan hỷ. 

Thượng tọa nhấn mạnh đến toàn thể hội chúng, cái quan trọng trong đời sống chịu nhiều phiền não là do tham chấp quá nhiều. Cuộc sống vốn bình thường mang tính thực tại nhưng vì tham cầu qua nhiều nên con người cứ đau khổ. Thượng Tọa cũng trích dẫn câu của Hòa Thượng Thiện Siêu: “Một chút giận, hai chút tham lận đận cả đời ri cũng khổ, trăm điều lành, ngàn điều nhịn thong dong tấc dạ rứa mà vui” con người vì tham cầu quá nhiều mà không nghĩ đến những điều mình chỉ cần trong đời sống vừa đủ cho thân tứ đại để duy trì mạng sống. Câu chuyện ngụ ngôn: “Nhân tham tài tắc tử, điểu tham thực tắc vong”, người tham của thì chết, chim tham ăn thì mất mạng”

Đức Thế Tôn dạy:
“Do tính tình nóng nảy hay giận dữ, nhiều sân hận, dễ chuốc oán, sinh thù, mặt mày luôn cau có, bẳn gắt: Chính chúng là nhân, là duyên tạo nên hạnh nghiệp, sinh ra quả báo có khuôn mặt xấu xí, ngũ quan xiên lệch, da dẻ sần sùi, tỏa mùi hôi khó chịu, khó nhìn, khó ưa, này Mallikā!

Do không có đức tin, không có giữ giới, không biết bố thí: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo có đời sống cơ cực, đói khổ, thiếu cơm, rách áo, này Mallikā!

Do có tâm đố kỵ, ganh ghét, tị hiềm đối với những người có địa vị, danh vọng, tài sản: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo thấp hèn trong thân phận nô bộc, thị tỳ, nô lệ, dâm nữ… là thang bậc hạ liệt nhất trong xã hội, này Mallikā!

Do ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo có sắc thân xinh đẹp, da dẻ mịn màng, tỏa mùi thơm, ngũ quan cân đối, tuyệt mỹ như là hiện thân tiên nữ trên đời này vậy, này Mallikā!

Do có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho Sa-môn, Bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp tốt lành cho quả báo giàu sang, phú túc, thịnh mãn lộc tài, này Mallikā!”

Kết thúc buổi pháp thoại, câu chuyện vì sân hận mà thành mãng xà là một bài học sống động cho toàn thể hội chúng trong đạo tràng.

Thời cúng quá đường  Phật của Chư Tôn Đức Tăng Ni hướng dẫn quý Phật tử trong Đạo tràng hết sức trang nghiêm thanh tịnh. Danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” được cả đạo tràng cùng lắng lòng trong từng bước chân chánh niệm.

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân thuyết về Đại kinh Thí dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta), Trung Bộ Kinh( Majjhima Nikaya). Khởi đầu kinh văn Đức Thế Tôn dạy:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, mãn nguyện. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: "Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy. Còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền". Vị ấy, vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.”

Trong bài kinh này, Đức Phật đã dạy cho hàng tỳ kheo, đệ tử của Ngài tu học trong Phật pháp, điều quan trọng nhất là nhận đúng được hương vị giải thoát. Nên trong lộ trình tu học Phật pháp không gì khác hơn bằng cách nỗ lực thực hành pháp cho đạt được kết quả, rời xa các cám dỗ của ngũ dục làm cho sai lệch mục đích tu tập của chính mình. Cũng giống như người lúc ban đầu muốn đi tìm lõi cây, nhưng đến khi tìm được cây thì lại chỉ chặt cành lá, những bộ phận khác của cây đem đi mà không phải lõi cây.

Chính vì vậy Đức Phật khẳng định:

“Như vậy, này các Tỷ-kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”

Thượng tọa Thích Viên Giác, trong buổi pháp thoại “ Giữa Hai Dòng Sông”, đây là một bài thơ được phổ nhạc của Thượng Tọa Thích Viên Giác tức nhạc sĩ TVG Phi Long, bài thơ được sáng tác trong chuyến đi hoằng pháp Hoa Kỳ- Canada năm 2007, dựa trên tư tưởng Tịnh Độ Tông Nhật Bản của Ngài Thân Loan thế kỷ 12, bản dịch của Hòa Thượng Thích Như Điển. Tác phẩm rất nhiều cung bậc cảm xúc trong tâm tư của một hành giả Tịnh độ, quyết chí vãng sanh. Bằng lối thể hiện của một tâm hồn thi nhạc sĩ, như đi vào lòng hết sức dịu êm:

“Nơi đây không oán không thi ơn
Bởi thương bởi ghét giận hờn đến đây
Hương thơm em đến chốn này
Để mang duyên nghiệp đong đầy vấn vương

Nơi đây trót gởi tình thương
Muốn an trụ mãi vô thường sát na
Hoa đẹp rồi cũng rời xa
Hoàng hôn vừa khuất em ra hai dòng.

Một dòng xanh biếc đợi trông
Một dòng đỏ ửng trong vòng trầm luân
Em đi giữa chốn gian truân
Loanh quanh sáu nẻo buâng khuâng trăm bề

Em đi chẳng biết lối về
Bỗng nhiên có tiếng vọng về từ xa
Thành tâm niệm Phật Di Đà
Nương con đường trắng thẳng đà lạc bang.

Trong tâm thức quay cuồng trong ngũ dục, những dòng sóng phiền não cứ từng đợt cuốn đi những tâm niệm thiện lương, nhưng tất cả chúng sanh đều có đủ tính Phật, nghĩa là Đức Phật đang hiện hữu trong tự thể, một khi chí thành niệm danh hiệu của Ngài thì Đức Phật cõi hiện hữu tương ứng với tâm thể đại nguyện vô cùng rộng lớn của Đức Bổn Tôn A Di Đà Như Lai, nương dòng sóng trắng là ánh hào quang tịnh thanh Vô Lượng Quang được vãng sinh về lạc bang Tịnh độ.

Thời lạy Ngũ Bách Danh Tôn kính Bồ Tát Quán Thế Âm và thời công phu chiều, tất cả những thời khóa gần như đan xen không dứt, Linh Thứu Đạo Tràng như luôn vang vọng pháp âm.

Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng chủ trì chương trình Phật pháp Vấn Đáp, Thượng tọa rất linh hoạt và khéo léo trong cách sắp xếp từng câu hỏi cho chư Tôn Đức Tăng Ni trong phái đoàn trả lời, đúng với sở trường của chư Vị. Buổi Phật pháp vấn đáp liên tục suốt 150 phút nhưng thính chúng trong đạo tràng vẫn còn tinh thần cầu học Phật pháp một cách rất nhiệt thành.

Câu hỏi “Có nhiều vị Thầy giảng sư bài bác không có địa ngục, ngạ quỷ, thiên đường thì con nên tin như thế nào? Bằng những ngôn từ nhẹ nhàng nhưng vô cùng sắc bén, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng khẩn thiết yêu cầu những vị đả phá ấy học lại Ngạ Quỷ Sự - Phẩm IV.a Thiên Cung Sự - Phẩm VI, Tiểu Bộ Kinh Tập II, Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu. Và Thượng tọa khuyến tấn tất cả quý Phật tử, học và thực hành lời Phật dạy, đồng thời khuyến tấn toàn thể quý Phật tử:

“Một lòng niệm Phật Di Đà
Đài sen ao báu là nhà tương lai
Huyễn thân trả lại trần ai
Cõi thường tìm lại hình hài năm xưa.”

Buổi pháp thoại kết thúc trong tiếng vỗ tay liên hồi và hoan hỷ trong Chánh pháp.

Ngày thứ ba, Chủ Nhật ngày 23 tháng 6 năm 2019.( ngày cuối của khóa tu)

Sáng nay, ngày cuối của Khóa Tu An Lạc tại chùa Linh Thứu, Đức quốc, thời tọa thiền công phu sáng được một số quý chư Tôn Đức từ Việt Nam sang tham dự nên làm cho đạo tràng thêm oai lực. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng làm chủ sám, thời kinh như được kết tinh bằng những tinh thể tu hành của chư Tôn đức trong cuộc đời tu hành hoằng pháp.
Sau buổi điểm tâm, thời thuyết giảng do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và Đại Đức Thích Hạnh Phẩm phụ trách.

Thượng Tọa  Thích Nguyên Tạng chia sẻ đề tài “ Pháp hành theo Kinh Pháp Hoa”, Thầy dạy rằng, Kinh Pháp Hoa được Đức Phật tuyên thuyết vào những năm cuối đời, Thời thuyết pháp này được Đức Thế Tôn ví như trận mưa, tất cả những loài cây lớn nhỏ đều được lợi lạc. tùy theo căn cơ hoàn cảnh của tất cả chúng sanh mà được thấm nhuần lời Phật dạy.
Đặc biệt, có những pháp hành vô cùng dễ cho những bậc sơ cơ qua bài kệ:

"Nhược nhơn tán loạn tâm,
Nhập ư tháp miếu trung,
Nhất xưng Nam mô Phật,
Giai dĩ thành Phật đạo."
Nghĩa là:
"Hoặc người tâm tán loạn,
Đi vào trong tháp Phật,
Niệm một lần Mô Phật,
Đều đã thành Phật đạo."

Chỉ cần niệm một câu niệm Phật, một cử chỉ của thân, khẩu để cung kính Đức Thế Tôn cũng là nhân duyên để thành Phật. Vì Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có sẵn tánh Phật, tánh Phật ấy luôn tiềm tàng trong tất cả chúng sanh. Chỉ cần khơi nguồn chủng tử Phật ấy thì sẽ thành Phật.

Thượng Tọa Nguyên Tạng dẫn câu chuyện trong phẩm thứ 20 Kinh Pháp Hoa về nhân vật  “Thường Bất Khinh Bồ Tát” với câu loan báo tin mừng nổi tiếng “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật" để quý Phật tử học theo hạnh khiêm hạ và Lục độ Ba La Mật.  

Thượng Tọa diễn ngâm bài thơ của Hòa thượng Thích Trí Thủ tán thán pháp hành theo Kinh Pháp Hoa:

"Một lòng kính lạy Phật đà,
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai,
Con nguyền mặc áo Như Lai,
Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời".

Bài thơ vừa là lời phát nguyện cũng là lời khuyến tấn cho hàng hậu học ghi tâm tạc dạ.

Đại Đức Thích Hạnh Phẩm, với bài pháp thoại “Kiến Tạo Đạo Tràng Theo Tư Tưởng Kinh Duy Ma:
“Tâm chính trực là đạo tràng, vì không giả dối. Phát hành là đạo tràng, vì có khả năng hoàn tất mọi sự. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng ích công đức. Tâm Bồ-đề là đạo tràng, vì không thể sai lầm. Bố thí là đạo tràng, vì không cầu đáp trả. Trì giới là đạo tràng, vì giúp hoàn thành tâm nguyện. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì tâm vô ngại đối với hết thảy chúng sinh. Tinh tấn là đạo tràng, vì lìa xa biếng nhác. Thiền định là đạo tràng, vì là tâm điều thuận nhu hòa. Trí tuệ là đạo tràng, vì trực kiến các pháp. Từ là đạo tràng, vì đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn nại các khổ nhọc. Hỷ là đạo tràng, vì là pháp an vui hỷ lạc. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu hay ghét. Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu sáu thần thông. Giải thoát là đạo tràng, vì hay dứt bỏ. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sinh. Bốn nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp chúng sinh. Đa văn là đạo tràng, vì y như điều đã nghe mà thực  hành. Tâm được chế ngự là đạo tràng, vì chính quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm là đạo tràng, vì xả bỏ các pháp hữu vi. Chân đế là đạo tràng, vì không dối gạt thế gian. Duyên khởi là đạo tràng…”

Bằng những tư duy thiết thực, quan trọng nhất là người đệ tử Phật cần phát huy việc thực hành chuyển hóa những phiền trược từ chính trong lòng mình, một khi đạo tràng trong tâm thức của chúng ta có phần an tịnh, thì mới cảm nhận được giá trị đích thực của Phật pháp, và mới tương ưng được Đạo Tràng thanh tịnh tuyệt cùng của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng.

Vì thời lượng không nhiều nên thời Phật pháp vấn đáp chỉ gói gọn trong vòng 45 phút nhưng cũng vô cùng sinh động.

 

Được sự hướng dẫn của Sư Bà Trụ trì cùng chư Tôn Đức Ni tại Linh Thứu Tự, Đạo Tràng vô cùng trang nghiêm với tham dự rất đông quý Phật tử. Bằng oai nghi vô cùng kính cẩn, Sư Bà Trụ trì đọc lời tác bạch cúng dường Trai tăng đến tất cả hiện tiền chư Tôn Đức Tăng Ni:

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca  Mâu Ni Phật.
Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa Thượng chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, chứng minh
Kính bạch quý Ni Trưởng, Ni sư, cùng Tôn  đức Ni, chứng minh.
Kính bạch Quý Ngài,
Đạo tràng chùa Linh Thứu chúng con có nhân duyên rất lớn được cung đón quý Ngài nhân chuyến sang dự lễ tại Tổ Đình Viên Giác. Quý Ngài không ngại niên cao lạp trưởng mà ghé thăm trụ xứ chúng con. Thật là một phước duyên vô cùng quý báu.

Chúng con có duyên làm đạo tại xứ người, cơ duyên gặp gỡ chư Tôn Đức Tăng Ni  không nhiều, nhưng hôm nay được quý Ngài từquê hương xa xôi đến thăm, chúng con vô cùng cảm động. Hình bóng của quý Ngài hiện diện nơi đây là một sự động viên tinh thần rất lớn, sách tấn chúng con chuyên tâm nỗ lực hơn nữa để phụng sự Tam Bảo. Chúng con chân thành cảm niệm tri ân sự nghĩ tưởng quan tâm của quý Ngài đối với hàng hậu học.

Bên cạnh đó, trong thời gian này qua sự sắp xếp của  Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác, đạo tràng chùa Linh Thứu chúng con được đón tiếp phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ quang lâm hướng dẫn khóa tu 3 ngày An Lạc. Đây là một phúc lạc, hoan hỷ vô cùng để đạo tràng chúng con có cơ duyên được học Pháp, hành Pháp và được bái ngưỡng tôn dung trang nghiêm của quý Ngài.

Giờ này khóa tu đã hoàn mãn trong niềm hỷ lạc của tất cả chúng con, chiều nay đây chư Tôn Đức đã trở về Tổ đình Viên Giác để tiếp tục công tác Phật sự. Chúng con kính chúc Quý Ngài được nhiều sức khỏe, mãi mãi là bóng đại thọ che mát tất cả chúng con trên bước đường tu học và hành đạo. Với tất cả tấm lòng thành kính, chúng con kính cẩn đê đầu đảnh lễ dâng chút tịnh tài tịnh vật cúng dường. Ngưỡng mong quý Ngài từ bi nạp thọ để chúng con trọn vần công đức.

Trong lúc cung đón Quý Ngài chắc không sao tránh khỏi những điều sơ xuất, ngưỡng mong Quý Ngài từ bi hoan hỷ cho.
Nam Mô A Di Đà Phật.”

Hòa Thượng Thích Như Phẩm, đại diện chư Tôn Đức Tăng Ni ban đạo từ, bằng những pháp âm vô cùng sống động xúc tích. Thật đáng kinh ngưỡng bậc Thạch Trụ Tăng Già chốn Tòng Lâm.

Phật tử được Sư Bà hướng dẫn tiến đến bàn chư Tôn đức Tăng Ni để cúng dường, như những ngày lễ dâng y ka-thi-na vô cùng cảm xúc.
Thời kinh hành niệm Phật và chụp hình lưu niệm buổi trưa kết thúc khóa tu học tại chùa Linh Thứu và cũng như kết thúc chuyến Hoằng pháp của chư tôn Đức Tăng Ni trong phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ lần này.

Sư Bà Trụ trì tiễn chư Tôn Đức ra tận xe, phái đoàn hướng về Tổ Đình Viên Giác, nơi đây cũng là Phật sự quan trọng nhất của phái đoàn trong chuyến đi này. Trong lòng nao nao nhiều cảm xúc. Xin đảnh lễ niệm ân Tam Bảo Hộ Pháp Long Thiên đã hộ trì cho chúng con được thành tựu Phật sự cho đến thời điểm này.

Đảnh lễ niệm ân Hòa Thượng Phương Trượng Tổ đình Viên Giác đã tạo duyên cho chúng con làm Phật sự. 

Khi về đến Tổ Đình Viên Giác, đang lúc đạo tràng thọ trì Bộ Kinh Đại Bát Nhã của chư Tôn Đức Tăng Ni cùng quý Phật tử để cúng dường Hòa Thượng Phương Trượng trong lần Khánh tuế này. Xin chí thành đảnh lễ.


Ghi nhanh: Thích Hạnh Phẩm

Hình ảnh: SC Thích Nữ Liên Phương


CHƯƠNG TRÌNH KHÓA TU 3 NGÀY AN LẠC

Tại chùa Linh Thứu-Berlin-Đức Quốc

Từ thứ sáu đến chủ nhật, từ 21 đến 23.06.2019


Thứ sáu, ngày 21.06.2019

18:00   Cơm chiều

19:00 - Khai mạc khóa tu với sự hiện diện của Thượng Tọa Thích Thông Triết, TT Thích Thiện Nghĩa, TT Thích Nguyên Tạng, ĐĐ Thích Hạnh Phẩm, ĐĐ Thích Viên Gíac, Ni Sư TN Tịnh Vân và Ni Trưởng trụ trì và Chư Ni chùa Linh Thứu    
    

-       Khai Thị của TT Thích Thông Triết, TT Thích Nguyên Tạng cùng chư Tăng Ni trong Phái Đoàn.

-       Niệm Phật, Kinh hành, Lạy Phật

22:00               Chỉ tịnh

 

Thứ bảy, ngày 22.06.2019

5:00                        Thức chúng

5:30                        Tọa Thiền, trì tụng chú Thủ Lăng Nghiêm, lạy Ngũ Bách Danh (100 lạy)

7:30                        Điểm tâm

9:00-10:30             Thuyết Pháp (TT Thích Thông Triết và TT Thích Thiện Nghĩa)

10:30-12:00           Lạy Ngũ Bách Danh (200 lạy)

12:00-13:30           Quá Đường-Kinh Hành

14:00 -15:30          Thuyết Pháp (ĐĐ Thích Viên Giác và Ni Sư Tịnh Vân)

16:00-17:45           Lạy Ngũ Bách Danh(200 lạy)  - Công phu chiều

18:00                      Dược thực

19:00-21:30           Phật Pháp vấn đáp (toàn thể chư Tăng Ni trong Phái Đoàn Hoằng Pháp)

22:00                      Chỉ tịnh

 

Chủ nhật, ngày 23.06.2019

5:00                        Thức chúng

5:30                        Tọa Thiền, trì tụng chú Thủ Lăng Nghiêm, lạy Phật

7:30                        Điểm tâm

8:30-10:00             Thuyết Pháp (TT Thích Nguyên Tạng và ĐĐ Thích Hạnh Phẩm)

10:00-11:30           Phật Pháp vấn đáp (toàn thể chư Tăng Ni trong Phái Đoàn Hoằng Pháp)

11:30-12:30           Cầu siêu- cúng chư hương linh

12:00-13:30           Quá Đường-Kinh Hành & Hoàn mãn

 

 

 

         

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]