Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tuyển Tập Thơ Bồ Đề Tâm Nguyện

27/04/202311:32(Xem: 4729)
Tuyển Tập Thơ Bồ Đề Tâm Nguyện

Bo De Tam Nguyen


Hành trình thắp sáng
cõi tâm vô lượng
(Đọc Bồ đề tâm nguyện của TK. Đồng Bổn)




Đã mấy tháng nay, cứ sáng ra tôi lại nhận được một bài thơ, đều đặn. Có bài là một pháp số, có bài là một tâm nguyện mà hành giả sau khi tu tập chiêm nghiệm đúc kết lại, nhất là khi đã trải qua mọi biến cố thăng trầm, hiểu sự hữu hạn của kiếp người khi mỗi ngày trôi qua là một phần thưởng kéo dài sự sống nên làm sao sống vui, sống trọn vẹn với tri kiến về đạo pháp. Nhà thơ, hành giả, Thầy Thích Đồng Bổn đã cảm nhận nguồn thơ tuôn trào qua kiến văn Phật học bao năm của mình nên đã viết và bộc bạch những suy tưởng trong những ngày an dưỡng ở Sóc Sơn, lắng nghe tiếng nói bên trong của chính mình. Trong những thời khắc ấy ý thơ hay tứ thơ tuôn trào như một nguồn lực bất khả cưỡng lại vì “mỗi lời thơ trào lên đầu ngọn bút” khi hành giả cảm nhận sự tự do vô hạn của tâm thức dưới ánh sáng minh triết. Nói như Osho, “Toàn bộ tôn giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể được mô tả bằng một từ duy nhất, đó là tự do. (Osho, Meetings with remarkable people) Ông nói:

“Tự do không đến từ bên ngoài. Nó không mang tính xã hội, không mang tính chính trị, nó không mang tính kinh tế, đó là tự do về mặt tinh thần. Khi nói đến tự do, Đức Phật muốn chỉ trạng thái nhận thức không bị ràng buộc, bởi khát khao, không bị giam hãm bởi lòng tham, bởi ham muốn nhiều hơn nữa. Khi nói đến tự do, đức Phật muốn nói đến tâm thức mà không có tâm trí, một trạng thái vô trí. Nó hoàn toàn trống rỗng. Đó là toàn bộ quá trình của thiền: loại bỏ mọi thứ, loại bỏ chính bạn đến mức không còn lại gì, ngay cả bạn. Trong sự tĩnh lặng tuyệt đối đó sẽ xuất hiện đóa sen ngàn cánh, và cả mùi hương thơm ngát: hương thơm của sự bình yên, của lòng trắc ẩn, của tình yêu, của phúc lành”. (Osho, Meetings with remarkable people). Hành giả


Thôi kệ đã nhận ra khi thiền định.
Lắng nghe lại tiếng của chính mình
Thấy tâm liễu đạt nghĩa trong kinh
Thấy trong muôn ức ngàn thế giới
Tánh nghe chân vọng một bóng hình.

Và ông tạm khép lại những vần thơ ấy thành một tập, đây là tập “Bồ đề tâm nguyện” vì sẽ còn nhiều tập nữa khi những trang đời đang tiếp tục mở ra… Chúng ta hãy cùng đọc để hiểu không chỉ tâm sự và những chứng nghiệm của tác giả, mà còn để ôn lại những trang giáo lý được “thi hóa” nhẹ nhàng. Phần 1 tác giả đưa ta đi qua những chân trời chánh pháp với những danh số.


Mở đầu vẫn là số không - số không huyền nhiệm vì
Giữ gìn tích góp một đời
Lúc ra đi vẫn thôi rồi tay Không!
Số không ấy là con số đầu tiên và cuối cùng mà bất cứ ai dấn thân vào cuộc đời đều có thể nhận ra. Từ ngàn xưa câu hỏi về “có và không” đã là chủ đề của bao áng thi văn, bao công án.Ta nhớ bài thơ của Đạo Hạnh thiền sư:
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không.
(Hữu không 有空)
Bản dịch của Huyền Quang tam tổ
Có và không
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?
Tác giả cũng hiểu rằng tánh không là rốt ráo, là bản chất của mọi sự lý trên đời
Trăng nằm đáy nước có yên?
Trăng không hiện hữu nước liền vắng không.

Trong hành trình quy phục tâm mình, tác giả nhận ra
Tìm trâu đâu thấy trong tâm
Không trâu mới hiểu lặng câm cõi thiền
Ta nhớ “Thập mục ngưu đồ”, bức tranh thứ 7, trong đó xem như trâu đã mất chỉ còn có người, nên trong bức tranh chỉ còn chú mục đồng ngồi bên cạnh mái nhà cỏ, được rảnh rang. Nhưng mất ở đây không giống cái mất ban đầu. Ban đầu cũng mất trâu rồi đi tìm trâu, đến đây cũng mất trâu nhưng lại khác. Vì ban đầu do bất giác, bởi bất giác nên quên mất mới đi tìm. Còn trâu bây giờ đang hợp về với người, trâu với người giống như là một, nên không còn thấy trâu nữa thì còn gì phải chăn giữ, dòm ngó. Đến đây xem như vọng đã lặng, đã không, đã trở về với bản tâm xưa nay của mình, không còn chia đây là chân kia là vọng nữa.
Cứ như thế, nhà thơ - hành giả Thôi kệ đưa chúng ta qua 33 pháp số căn bản. Pháp số 2 thì cũng nêu bật tục đế - chân đế, sắc - không, nhị biên…
Tục - chân nhị đế khéo dung thông
Bồ tát vô nhị biệt Sắc - Không
Kiến chấp nhị biên, phiền não khổ
Đẳng giác - Bồ đề nhị quả trông.
Qua nhận biết về thế giới hằng ngày trong kinh nghiệm sống, ta nhận biết được thế giới thực tại ước lệ, vận hành theo nguyên lý nhân quả, đó là Tục đế (Samvaharasatya

- Relative Truth). Nếu ta chấp nhận thực tại của thế giới này như là ước lệ, thì chúng ta có thể chấp nhận bản chất trống rỗng của thế giới mà theo Phật giáo là chân lý tối hậu, đó là Chân đế (Paramarthasatya - Absolute Truth).
Đến pháp số 3, khá quan trọng vì ta có Phật - Pháp - tăng, Tham sân si, giới định huệ, văn tu tư, tín hành chứng,… Ngoài ra còn có
Ba cõi không yên như nhà lửa
Ba xe chở thoát kiếp luân hồi
Ba nghiệp khổ không: thân khẩu ý
Dính liền tam độc: tham sân si
Ba chìm bảy nổi không tránh khỏi
Hướng về Tam bảo nguyện quy y.
Độ sanh phải cần ba pháp ấn
Tam vô lậu học độ cho mình
Trong đó tam pháp ấn là nguyên lý căn bản: vô thường - vô ngã - khổ. Riêng về chữ khổ, chúng ta hãy nghiên cứu pháp số 4, Tứ diệu đế bắt đầu bằng Khổ đế sau đó là tập đế, diệt đế và đạo đế.
Phật tuyên bốn lẽ thật ở đời
Tứ chúng tu hành sẽ thảnh thơi
Số 4 còn là
Thân người bốn đại thường tan hợp
Quán tứ Niệm Xứ ngộ vô thường

Còn phải kể đến
Bốn ân trọng lớn phải đáp đền
Tứ sự cúng dường chớ nên quên
Tọa thiền đắc tứ quả nguyện thành
Sinh già bệnh chết bốn khổ nhanh
Đấy là chưa kể đến Bốn sự y cứ (y pháp bất y nhân…); tứ như ý túc (dục, tâm, cần, quán); tứ chánh cần…
Ở phần 2 tác giả tiếp tục có những bài thơ minh họa cho Bốn sự thật, bắt đầu bằng Khổ đế
Khổ nhục cuộc đời qua đắng cay
Hơn thua giành giật bởi chữ tài
Thiêu thân tìm kiếm không biết mệt
Khổ bởi kim tiền thật thảm thay!
… Khổ nhân gieo nghiệp xấu thuở xưa
Thì nay trả quả cũng là vừa
Khổ đến đương đầu và chấp nhận
Chẳng hề trốn lánh, lưới chẳng thưa.
Chúng ta mở ngoặc nói về khổ đế vì hiểu “đời là bể khổ”, là một trong tam pháp ấn, là một mắt xích trong thập nhị nhân duyên.
Khổ, theo Hán tự, có nghĩa là đắng, tức mọi sự đau khổ trong đời chứa đựng nhiều đắng cay… Tiếng Pali, khổ là Dukkha, ngoài ý nghĩa là cảm giác khổ đau, bức

bách, khó chịu, nóng bức còn mang ý nghĩa sự bất toàn; thế gian vốn trống rỗng, đáng khinh miệt, không đáng để bám víu (Narada, Đức Phật và Phật pháp, tr.88). Khổ đau trong đời sống con người rất phổ biến, thường được trình bày qua tám phương diện là: Sanh là khổ. Già là khổ. Bệnh là khổ. Chết là khổ. Phải sống chung với người mình không thích là khổ. Phải xa lìa những người thân yêu là khổ. Cầu mong mà không được là khổ. Chính thân ngũ uẩn là khổ. Sự thật về khổ đau này được đức Phật nói cho năm vị đệ tử ngay trong pháp thoại đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân) tại vườn Nai.
Hành khổ nghĩa là các pháp do nhân duyên tạo thành đều vô thường, sinh diệt trong từng sát na nên tạo ra khổ. Thân thể, thế giới, hoàn cảnh sống, các trạng thái tâm lý của con người như đã nói đều do nhân duyên sinh nên phải chịu sự tác động của vô thường. Vô thường, thay đổi thì đưa đến khổ. Cho nên trong các hành, các hiện tượng đều chứa sẵn mầm mống của khổ, gọi là hành khổ.
Tuy nhiên, mọi khổ đau đều xuất phát từ nội tâm bất an và có cội rễ từ vô minh, ái dục. Mặc dù vô thường là căn nguyên của mọi đau khổ trong cuộc sống nhưng nguyên nhân chính của khổ nằm trong nhận thức và thái độ sống tích cực hay tiêu cực của con người. Sự vật luôn luôn biến đổi vô thường mà chúng ta cứ tưởng và mong ước chúng sẽ thường còn, tồn tại mãi mãi. Chính nhận thức sai lạc, cho những gì vô thường là thường tại cho nên phát sinh mọi khổ đau.

Cần phải nhận diện khổ đau để chấp nhận đồng thời tìm ra nguyên nhân và phương pháp diệt khổ. Như vậy, khổ đau là chân lý đầu tiên của Tứ diệu đế.
Pháp số thứ 5,
Ngũ căn liên thủ phải đủ đầy
Trợ duyên thánh đạo diệt khổ vây
Ngũ lực thực hành lòng ly dục
Đời ác ngũ trược vượt thoát ngay.
Con người, theo Phật giáo, là hợp thể của năm uẩn. Trong đó, phần thân thể vật chất tứ đại (sắc uẩn) thuộc về Sắc và phần tinh thần gồm thọ, tưởng, hành và thức thuộc về Danh. Năm uẩn hay danh-sắc này luôn ở trong trạng thái biến đổi như một dòng sông chảy mãi không ngừng trong đời sống con người. Chân thể con người nếu nhìn thật sâu vào bản chất, nó chỉ là một trạm trung chuyển của các yếu tố tứ đại. Vì thế, khi các yếu tố tứ đại bị mất quân bình, bệnh tật xảy ra và khi dòng chảy tứ đại ngừng luân chuyển, cái chết ập đến. Quá trình này, con người chỉ điều khiển được một phần, còn đa phần là mất tự chủ. Vì thế, chuyện sống chết, còn mất, có không của thân này như gió thoảng, mây bay. Thế nên ngay trong bài pháp thứ hai tại Lộc Uyển, Đức Phật đã dạy tính vô ngã của năm (5) uẩn trong kinh “Vô Ngã Tướng”.
Tới số 6 thì tác giả nhắc chúng ta

Sáu căn đối diện sáu trần
Phát sinh vọng tưởng tội thân ngục hình
Sáu thức thể nhập định thiền
Không mê lục dục đảo điên cõi đời.
Lục ba la mật vân du
Hành Bồ tát đạo Diêm phù tiên phong
Tác giả đã tóm tắt duy thức học một cách ngắn gọn hết mức có thể và cả lục độ (bố thì, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ).
Qua số 7 thì
Luân hồi Thất tổ vô số kiếp
Bảy Giác Chi thấu hiểu dạo chơi.
Phật sinh bảy bước bảy hoa sen
Là bậc sau cùng bảy Phật khen
Đến số 8 mới thật là quan trọng, đó là Bát chánh đạo
Tám con đường chánh để tu trì
Chánh kiến, chánh mạng, chánh tư duy
Ngữ, nghiệp, niệm, định và tinh tấn
Các chánh đưa ta dạo liên trì.
Cố Thiền sư Nhất Hạnh từng giảng rằng Chánh kiến là trái tim đạo Phật. Nền tảng giáo lý nhà Phật không dựa trên niềm tin về luân hồi, nghiệp và quả báo. Dựa trên bốn sự thật, cái thấy đó là Chánh kiến, phải đạt bằng

thiền quán. Niệm và định càng vững chãi ta thấy càng sáng Tuệ có khi còn được gọi la Chánh kiến (right view). Có cái thấy đúng thì tư duy của ta sẽ đúng, gọi là Chánh tư duy. Muốn có cái thấy đúng phải thực tập chánh định và chánh niệm. Thân khẩu ý là nghiệp. Có cái thấy đúng thì lời nói đúng (Chánh ngữ) và hành động đúng (Chánh nghiệp). Trong một ngày chúng ta tạo ra không biết bao nhiêu là nghiệp, nghiệp lành và nghiệp dữ.
Tác giả nhắc đến bát phong (được mất, vinh nhục, khen chê, khổ lạc)
Bát phong bất động vững như đồng
Người tu trước gió thấy như không
Nói thì dễ nhưng qua các trang mạng xã hội, ta thấy nhiều vị tu hành ở vị trí cao vẫn bị tám ngọn gió chướng quật ngã hàng ngày, hàng giờ khi can dự vào những chuyện thị phi, khen chê, vinh nhục… bận lòng.
Cứ như thế tác giả đưa ta qua số 9 với chín phẩm sen vàng, chín tầng địa ngục, 10 thì có thập triền, thập loại chúng sinh)... chưa kể thập như thị và ta hãy dừng lại số 12 vì Thập nhị nhân duyên
Mười hai duyên khởi trùng vây
Nhân duyên thứ lớp kết dầy nghiệp thân
Cội nguồn Ái, Thủ, Hữu nhân
Làm cho kết quả trầm luân đời đời.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có vô minh qua hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra thức tâm của đời này. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước.
Nguyên nhân cội gốc bởi vô minh
Che mờ tâm tánh tạo nghiệp thành
Nguồn cơn mê muội do ham muốn
Nhúng chàm một thuở chuốc tội tình.
Và tác giả đưa ta đi qua các pháp số đến số 33 mới tạm dừng… Những pháp số nhắc nhở ta những trang kinh đã đọc hay chưa đọc cần phải tìm hiểu thêm.
Ở phần 2, tác giả đề cập những chủ đề ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa, ví dụ như chữ Tu
TU thanh sắc TÚ thông minh
Trộm xem lưu luyến ánh nhìn dõi theo
Đạo nơi gốc bởi Tăng gieo
Giận Tăng bỏ Đạo dính kèo tham si

Tác giả nói về nghiệp và tam độc cũng như nguyên lý nhân quả.
Nghiệp dẫn từ không giữ được mình
Tham si lôi kéo đắm dục tình
Rồi theo nhân quả gây tương tục
Ái dục là nguồn khiến khổ sinh.
Người tu trong quá trình hành trì, không phải lúc nào cũng thuận duyên, hanh thông vì còn trong dục giới với bao cám dỗ xung quanh
Gập ghềnh đường đạo thấp cao
Đứng lên té xuống lao đao tầm nhìn.
Và biết mình còn phải học nhiều, rất nhiều:
Học nhân học nghĩa đối xử đời
Học lễ học nghi biết vâng lời
Học nghe để biết khi nói nín
Học thấy để nhìn rõ tận nơi.
Học im lặng chiến thắng nội tâm
Học khoan thai đi đứng ngồi nằm
Học điềm tĩnh như như bất động
Học cao rộng mê muội không lầm.
Phật nói “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình” nên tác giả hiểu

Tội từ tâm khởi, theo tâm diệt
Xấu bởi do tâm chuốc mê lầm
Móng tâm khởi ác, sân si khởi
Niệm tâm niệm Phật, Phật nơi tâm.
Nhưng không tránh khỏi những băn khoăn, trầm tư, một nỗi buồn nhẹ nhàng khi thấy thân bệnh
Tâm sâu tâm cạn mộng bản hoài
Tâm đau khắc khoải suốt đêm dài
Chợt lòng tỉnh ngộ dòng hư ảo
Cho mình thức giấc cuộc trần ai.
Đó chính là khi chúng ta quán chiếu “Tập đế”, nguyên nhân của đau khổ. Con người vì vô minh, vì nghiệp tích tập bao đời mà mãi trầm luân trong bể khổ. Để tận diệt được quả khổ, chúng ta phải tiêu trừ được cái nhân của nó. Tập đế đã vạch mặt chỉ tên thủ phạm đằng sau mọi khổ đau của chúng sinh. Vô minh chính là cội nguồn của tham, sân, si kéo lôi con người tạo nghiệp để rồi tái sinh và chịu quả khổ.
Mộng lắm mơ nhiều, tan vỡ mau
Tiếc thương càng lắm nhói tim đau
Nhưng lòng vẫn mong tìm đến mộng
Dẫu biết rằng không thật ngày sau.
Mộng đời danh lợi mãi cuốn lôi

Tìm cầu theo đuổi, mãi chưa thôi
Sống để cầu danh, danh đâu mãi
Cả đời mãi mộng, mộng tan trôi.
Tâm bám chấp là gốc rễ phát khởi lòng tham, tính vị kỷ cũng như tâm sân hận, tật đố và các phiền não nhiễm ô khác. Cho rằng “tôi” là tâm điểm, chúng ta luôn tham lam muốn vun vén chạy theo những nhu cầu bất tận của bản thân. Lòng tham khiến ta tìm mọi cách thỏa mãn tham vọng cá nhân, kể cả làm những việc bất chính hay chà đạp, gây đau khổ cho người khác, nhưng khi hiểu ra, tất cả chỉ là ảo mộng.
Về tâm lý của con người cũng vậy, các trạng thái tâm lý luôn thay đổi, chuyển biến trong từng sát na. Tâm thức con người với muôn ngàn ý niệm tuôn trào, trôi chảy như thác lũ. Tất cả vui buồn, thương ghét, tha thứ hay hận thù v.v..., luôn hiện khởi và vận hành trong tâm
Chớ để lòng vui với nắng chiều
Biết đâu mưa gió sẽ đìu hiu
Chớ để buồn về đêm gối chiếc
Không đo hạnh phúc được bao nhiêu.
Nghe tiếng mưa, nghĩ đến nỗi buồn và tác giả tìm về Phật pháp như một phương tiện đưa về vô niệm.
Mưa dài hơn tiếng thở dài
Để buồn đeo đuổi tháng ngày trôi qua

Mưa thôi dứt mọi trần sa
Cho ta về với Phật đà nghỉ ngơi.
Chúng ta cần phải cám ơn vô thường. Bởi thực tế, nếu không có vô thường thì sẽ không có sự sống và phát triển. Nếu nỗi buồn kia ở lại mãi thì ngày tháng sẽ buồn biết mấy! Hạt lúa thường tại thì nó không bao giờ nảy mầm để trở thành cây lúa cho ra những hạt gạo trắng được. Nếu sự vật không vô thường thì lịch sử tiến hóa của nhân loại sẽ không phát triển. Nếu hoàng hôn ở lại thì sẽ chẳng có bình minh.
Chở xong mấy chuyến vô thường
Thấy mình đã mệt cuối đường mùa đông
Vì tác giả hiểu
Nghĩ mình không thể sống dài
Trả vay một kiếp đâu ngày nào vui
Cửa thiền tôi nguyện không lùi
Dẫu cho thân thể kém vui đường dài.
Trong những ngày an dưỡng, tác giả nghiệm ra
Ngân nga chuông vọng kinh chiều
Tâm tư chợt lắng muôn điều ngổn ngang
Hướng về nẻo thiện thênh thang
Nghe chuông tỉnh thức khói nhang quyện hồn.

Với tín, hành, giải, và văn tư tu, tác giả hiểu.
Và nghe Tâm kinh vọng lại
Ngài Quán Tự Tại lại thong dong
Soi lòng Bát nhã quán chiếu Không
Hiện tướng nữ nam đều cảm nhận
Tai nghe vô ngại chứng Viên thông.
Khi đã viên thông, thì “bờ bên kia” không còn xa nữa, người sắp đi qua vẫn thấy lòng an nhiên thanh thản
Tôi chọn cho tôi bến đổ nào
Để gởi thân vào giấc chiêm bao
Chỉ còn khoảnh khắc im lặng nữa
Đổ bến Như Lai sẽ đón chào.
Sống là hành trình chuẩn bị cho giây phút cuối, tác giả tự nhủ
Ngày đêm sắp đặt miệt mài
Làm cho hết việc, tìm ai thay mình
Riêng tôi sám hối tụng kinh
Vì chưa trọn vẹn ân tình nữa thôi.
Tác giả suốt một đời tu tập, đã quyết tâm
Chở bè pháp vượt trùng khơi
Để cho muôn loại nói lời an vui

Chở thuyền Không, để không lùi
Ngược dòng sinh tử để nuôi tánh mầu.
Một cách tổng quát, Pháp có nghĩa là kinh điển, những lời dạy của Phật, và các thật chứng tâm linh dựa trên sự thực hành những lời dạy đó. Pháp có hai nội dung. Thứ nhất là con đường dẫn tới sự vắng bặt hết thảy mọi cảm xúc đau khổ và phiền não; thứ hai là chính bản thân sự vắng bặt tịch diệt đó. Nhờ vào sự hiểu biết về đoạn diệt thực thụ và con đường đẫn tới sự đoạn diệt này mà ta mới có thể nhận biết được thế nào là trạng thái giải thoát.
Rồi mai mấy đóa sen hồng
Chẳng đem hương sắc lòng vòng đời tôi
Đến mai thức giấc rong chơi
Về trong cuối nẻo luân hồi phương xa
Bước cuối cùng trên con đường Bát chính đạo là Chính định - phương pháp thiền định chân chính. Khi tâm an định, vững vàng, phiền não tạm thời lắng xuống, tâm trở nên sáng rõ, trí tuệ dần được hiển bày.
Không yêu không giận cũng không sầu
Buồn vui xin để lại bên cầu
Cửa Phật yên thân lòng thanh thoát
Không duyên theo cảnh chuyện bên lầu

Trong Minh cú luận, ngài Nguyệt Xứng cho rằng nếu có thể thừa nhận tính không thì ta có thể thừa nhận thế giới duyên khởi. Nếu ta có thể thừa nhận điều đó, thì cũng có thể thừa nhận mối quan hệ nhân quả giữa khổ đau và nguồn gốc của nó. Và một khi ta đã chấp nhận quan hệ này, thì cũng có thể nghĩ đến và chấp nhận khả năng chấm dứt được đau khổ.
Hiểu tình mấy thuở ngọt bùi
Đã bao cay đắng phai phôi kiếp người
Hiểu trong hoang vắng ngập trời
Có ta đơn độc xa rời thế nhân.
Ngài Nguyệt Xứng biện luận thêm rằng, nếu có thể chấp nhận như vậy, thì ta cũng có thể chấp nhận rằng mỗi con người đều có khả năng nhận hiểu và đạt tới trạng thái chấm dứt mọi khổ đau. Cuối cùng, dĩ nhiên là ta có thể nghĩ ngay đến chư Phật, những vị đã thật sự hoàn tất trạng thái tịch diệt, chấm dứt mọi khổ đau.
Khi ngộ có Bồ đề tâm
Tức tâm là Bồ đề quả
Bốn ân dốc lòng đền trả
Thiện quả lợi lạc nhân sinh.
Về mặt thi pháp tác giả sử dụng lục bát hay thơ 7 chữ, 8 chữ theo lối cổ điển nhưng với những từ dùng trong Phật pháp nhưng dễ hiểu, phù hợp với thời đại, dễ nhớ, đảm bảo vần điệu.
Mai ngày mưa gió chập chùng
Phương nao ai biết não nùng ở đây?
Mai mình mộng đến phương Tây
Để xem Phật ngự trời mây thế nào
Theo Osho, Di ngôn cuối cùng của Phật Thích Ca Mâu Ni là “Hãy là ánh sáng soi rọi chính mình. Đừng làm theo người khác, đừng bắt chước người khác, bởi vì việc làm theo, bắt chước sẽ chỉ tạo những điều ngu ngốc. Bạn được sinh ra với khả năng hiểu biết vô bờ. Bạn được sinh ra với ánh sáng bên trong. Hãy lắng nghe tiếng nói nhỏ bé, tĩnh lặng bên trong và nó sẽ dẫn đường cho bạn. Không ai có thể dẫn dắt bạn, không ai có thể trở thành hình mẫu cho cuộc sống của bạn bởi vì bạn là duy nhất… Minh triết là sống theo ánh sáng tâm thức của chính mình…
Cuộc sống là một cuộc hành hương vô cùng tuyệt diệu nhưng chỉ tuyệt diệu với những ai sẵn sàng tìm kiếm nó”. (Osho - sđd)
Ước rằng tu tập thiền na
Được vào đại định vượt qua chính mình
Ước khi niệm Phật tụng kinh
Sẽ mau liễu ngộ lai sinh cõi nào.
Vì tác giả đã nhủ rằng “Thôi kệ!” buông bỏ mọi bám chấp vì đã quyết chí với bồ đề tâm nguyện.

An phận không vướng vào dục vọng
Để mưa gột sạch đớn đau lòng
Vui sống yên bề am thất nhỏ
Chén trà ngọn nến để tâm không.
Hãy đọc “Bồ đề tâm nguyện” trong tâm thức ấy.

NGUYÊN CẨN
(Tháng 8 âm lịch, Nhâm Dần)




***
***
***




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/10/2022(Xem: 2980)
Rồi đến ngày mai tôi ra đi Để lại sau lưng những thứ gì? Niềm thương còn dở, bao vụng dại… Ai nhớ người xa, mắt hoen mi? Hội ngộ - chia ly chuyện tất nhiên Lưu luyến mà chi, chỉ thêm phiền Các pháp hữu vi đều huyễn giả Hiện hữu chỉ là gá tạm duyên.
27/10/2022(Xem: 3522)
Mùa "đại dịch" không được phép đi đâu cả, ra vườn xới đất trồng mấy dây bầu. Tiết trời đã sang xuân, vài loài hoa đầu mùa đang nở rộ. Nghỉ tay ngồi bên thềm sân, bỗng dưng chợt nhớ đến một bài thơ say của thi hào Lý Bạch. Cách nay lâu lắm, đã hơn 12 thế kỷ, có một thi hào say khướt giữa một mùa xuân. Tuy không biết uống rượu thế nhưng dường như tôi cũng say, say cái hơi men của một thi nhân thời Đường và cả sự đảo điên của thế sự. Bài thơ mang tựa là "Xuân nhật túy khởi ngôn chí" (春日醉起言志 ), có nghĩa là "Ngày xuân chợt tỉnh giấc trong lúc quá chén, tự nói lên những cảm nghĩ của mình".
23/10/2022(Xem: 3005)
Nay đã thấy càng vướng nhiều quan hệ Những buộc ràng trách nhiệm gắn chặt thêm Không còn tự do thưởng thức tĩnh lặng êm đềm Nên nội tâm đã bắt đầu mệt mỏi!
20/10/2022(Xem: 4081)
CHÚT TÌNH THÔI Từ phố thị, ta đi về trầm mặc. Nghe triền non chim hót điệu vô tranh. Nhìn đá lặng, dòng sông xưa vẫn chảy. Ta yêu đời vì biển mặn non xanh. Đời là vậy, mà tình ta vẫn vậy, Chút tình chung trang trải giữa tang hồ. Ấm lữ khách giữa chiều đông quạnh quẽ. Mát nhân sinh giữa nắng hạ điêu tàn. Quá khứ đi rồi, tương lai ảo mị, Hiện tại nào làm bến đỗ thời gian. Chút tình thôi, xin ai đừng vắt cạn. Để sông xưa còn mãi với trăng ngàn! Thích Thái Hòa
19/10/2022(Xem: 10666)
Kệ Tụng Giảng Giải 554 Câu Chú Lăng Nghiêm Ht Thích Tuyên Hóa Vạn Phật Thánh Thành Mỹ Quốc
04/10/2022(Xem: 5386)
Nhả mây thơ mộng chút niềm bâng khuâng Kíp nhìn ra gót hài vân Sương giăng kỷ niệm tần ngần sớm mai Có ai đếm một hóa hai Đôi câu tương đắc ngắn dài tặng nhau Lang thang suốt cuộc biển dâu Chỉ ngần ấy một nhiệm mầu mênh mang!
02/10/2022(Xem: 4082)
“Hữu Xạ Tự Nhiên Hương„ là một thành ngữ rất quen thuộc của người Việt Nam để nói về mùi hương xuất phát từ bất cứ đâu, từ hoa lá cây cỏ hay bất cứ cái gì, hễ thơm thì tự nhiên sẽ lan tỏa. Còn nghĩa bóng chỉ về người hay sự vật để nói về người có tài, đức, không cần phô trương khoe khoang, với thời gian cũng được nhiều người biết đến.
02/10/2022(Xem: 3486)
Đời Tăng lữ thong dong tự tại Từng bước chân theo nối gót Như Lai Chuyển mưa pháp cho hiện tại tương lai Đức Như Lai từ muôn đời bất diệt
02/10/2022(Xem: 3419)
Thế sự thăng trầm lắm khổ đau Hơn thua lẩn quẩn cuộn thêm sầu Người qua kẻ lại tình lơi nhạt Gió thổi hoa rơi nghĩa dẫm nhàu Ngán cảnh tranh danh vùi dập thảm Ngao lòng đoạt lợi lún chìm sâu Về nương cội pháp an thân phận Tắm gội thiền nguyên tỏ pháp mầu…!
25/09/2022(Xem: 6886)
Thấm thoát đã đến Giỗ Trăm Ngày Cố Sa Di Ni Bồ Tát Giới Thích Nữ Hoa Khai danh Không Ngại Thân mẫu Trụ Trì tại Quan Âm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]