Hoài bão của người Tăng sĩ
(Thay lời tựa)
Nhân dân ta yêu thơ, thích làm thơ cũng là chuyện đáng mừng, bởi ít ra đó cũng là niềm vui nơi trần thế. Đạo Phật nói đời là bể khổ, nhưng hơn bảy mươi năm chìm nổi trong bể khổ ấy, tôi thấy không thiếu niềm vui. Tôi tin, hễ ai tìm được niềm vui cho mình, cho người quanh mình là hạnh phúc. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng từng nhắc nhở: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền). Phật tạ i tâm. Tâm tức Phật. Phật tức Tâm. Nếu ai thấy được tâm tịnh thì lập tức thành Phật, nhưng chuyện đó xa xôi quá; theo tôi, trước mắt cứ như lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” trong bể khổ ở cõi Ta bà này là sướng lắm rồi.
Nhận bản thảo tập thơ của thầy Thích Đồng Bổn qua e-mail, tôi vừa vui vừa ngần ngại. Vui là sau đợt đại dịch Covid-19, thầy bị hậu Covid tàn phá phổi và gan, bác sĩ trong và ngoài nước cơ bản lắc đầu, buộc thầy phải đến miền biển hoặc miền núi, chọn chỗ ít người để có được môi trường sống trong lành kèm với thuốc đặc trị mới có hy vọng còn điều kiện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Những anh em quen biết động viên thầy và cũng chỉ mấy lời động viên chứ không biết gì hơn. Và thầy đã chọn vùng núi Sóc Sơn để an dưỡng cùng trị bệnh.
Qua mạng Zalo, tôi thấy ngày nào thầy cũng viết được một vài bài kệ hoặc thơ. Những người quen biết có kết nối mạng Zalo với thầy đều vui lắm. Nhân có hội thảo về Phật giáo Thái Nguyên và hội thảo về Công chúa Huyền Trân với Phật giáo ở Nam Định, tôi đôn đốc thầy viết bài tham dự hội thảo. Không ngờ thầy viết xong trước tôi, hối thúc lại tôi với lời nhắn nhủ viết nhanh cho Ban tổ chức an tâm, mình cũng được an vui.
Lao vào công việc để quên bệnh tật, vui vẻ sống chung với bệnh tật cũng là cách hay trong lúc… hết cách.
Thật lòng mà nói, tuổi càng lớn, đọc càng nhiều, tôi lại mắc bệnh sợ thơ, bởi có những bài không phải thơ mà bắt người đọc gọi đó là thơ và là thơ hay, thì đúng là… Ta bà khổ! Ta bà khổ!
Vài chục năm nay, tôi thích đọc kinh sách các tôn giáo, trong đó có kinh sách Phật giáo. Qua kinh sách, tôi thấy chư Phật, chư Tổ đều “nói kệ rằng:…”, chứ không mấy ai “nói thơ rằng:…”. Các Thiền sư thời Lý – Trần cũng thường viết kệ, ấy mà sau này có người dịch những bài kệ này lại thêm vào từ “thi” thành “thi kệ”. Họ không biết rằng “thi” và “kệ” cũng như “thi” và “ca” hai lối chẳng thể gộp chung được.
Từ điển Tiếng Việt viết rõ rằng: “Kệ: Bài văn vần giảng giải một đoạn kinh Phật”1. Do vậy, trên bước đường hoằng dương chánh pháp, chư Phật, chư Tổ thường dùng “kệ” là vì thế.
Tuyển Tập Thơ Đê Chiều 100
🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️