Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

40 Năm Hoằng Pháp của Thầy Tôi

22/07/201807:26(Xem: 10833)
40 Năm Hoằng Pháp của Thầy Tôi


ht-thich-nhu-dien
40 Năm Hoằng Pháp của Thầy Tôi

Kính dâng Sư Phụ, HT Thích Như Điển

Thích Hạnh Giới

Diễn đọc: Phật tử Mộng Lan

 

Sau thời công phu sáng, tôi lại về phòng, bật máy tính, vào mạng, mở hộp thư điện tử để đọc và hồi âm email. Hằng ngày tôi vẫn theo thói quen này từ 2 đến 3 lần. Lúc trước đôi lúc cả mấy ngày tôi không xem email nên nhiều lúc bị Thầy tôi quở trách. Bây giờ thì tôi tự tập cho mình thói quen này để khỏi phải quên nữa. Số lượng email hiện nay nhận được mỗi ngày cũng ít đi rất nhiều so với lúc tôi còn trách nhiệm điều hành công việc tại Tổ Đình Viên Giác. Vừa mở hộp thư tôi liền thấy một bức thư của Thầy tôi gởi từ chiều hôm trước, tôi nhè nhẹ bấm vào hàng chữ đậm, tức thời bức thư gởi đi ngày 3.02.2018 được hiển lộ ra trước mắt với nội dung như sau:

Thầy Hạnh Giới,

Năm nay kỷ niệm 40 năm Chùa Viên Giác, thành lập Hội Phật Tử và 70 tuổi ta của Thầy, các anh em trong Ban Biên Tập Báo Viên Giác muốn ra một đặc san Văn Hóa Phật Giáo viết về mọi đề tài. Do vậy Thầy mong Hạnh Giới cũng nên viết một bài với đề tài “Cách đào tạo giới xuất gia và tại gia của Sư Phụ tôi” hoặc giả “Phương cách làm việc của Thầy tôi” chẳng hạn. Thầy nghĩ rằng khi còn sống, Thầy muốn đọc những việc nầy, dầu tốt xấu hay là dở, chứ khi Thầy khuất bóng rồi thì có nói gì đi nữa, Thầy cũng có nghe biết gì đâu. Do vậy Hạnh Giới nên cố gắng viết vậy. Bài xong càng sớm càng tốt, chứ đúng ra là đến cuối tháng 6 mới là thời hạn chót nộp bài. Nhưng để lâu, sợ quên, nên Hạnh Giới hãy cố gắng vậy

Thầy,
Thích Như Điển

Đọc xong đoạn thư ngắn, tôi ngồi im lặng, hít một hơi thở thật dài và thầm hứa, nếu đây là ước mong của Thầy thì con sẽ cố gắng thực hiện vậy. Nhưng sự thật việc “đơn giản” lại không giản đơn chút nào như tôi nghĩ. Khi tôi ngồi trước máy bắt đầu gõ lên bàn phím thì trong đầu tôi tuôn trào ra không biết bao nhiêu là ý tưởng, nó cứ nối đuôi nhau tung tăng trong đầu, định viết điểm này, sẽ viết điểm nọ, không ngừng chảy. Để khỏi mất ý tôi liền gõ vài hàng tóm tắt vào máy, rồi đọc đi sửa lại, rồi lại xóa đi viết lại. Trong lúc đang sửa lại câu cú thì lại những dòng tư tưởng khác xen kẽ vào. Tôi lại bắt ý và gõ vào máy. “Sao mà nhiêu khê quá vậy?” Tôi thầm nghĩ. Và cứ như vậy việc ắt bị gián đoạn. Một ngày, hai ngày, rồi lại một tuần, hai tuần trôi qua, vậy mà tôi vẫn chưa viết được trọn vẹn một trang. Tôi lại sực nhớ đến lời hứa của mình với Chú Phù Vân, Chủ nhiệm báo Viên Giác và Cô Diệu Thiện đã gặp tôi tại Chùa đầu tháng 6, xin tôi viết một bài để đăng kỷ yếu nhân dịp trọng đại này. “Không lẽ mình lại phải thất hứa và xin lỗi Cô Chú? Vậy còn sự mong muốn của Thầy mình thì sao?”. Tôi không phải không viết được nhưng có chút phân vân, huynh đệ mình có ai viết không? Những gì mình viết có ai hiểu và cảm nhận hay không? Theo tôi nghĩ tình Thầy trò thì thật sự chỉ có Thầy và trò mới cảm nhận được, nhưng làm sao diễn tả được bằng lời nói, huống chi là văn viết? Đâu thể có một cảm nhận chung, bởi lẽ mỗi cá thể, mỗi nhân duyên, đều không đồng. Những gì tôi cảm nhận được Sư huynh, Sư đệ, Phật tử, nói đúng là ngoài tôi ra có ai chia sẻ và cảm nhận được chăng.

 

Vị Thầy tâm linh

Theo tôi nghĩ, muốn phát triển trên bước đường tâm linh, một hành giả, bất luận xuất gia hay tại gia, đều phải cần có một vị Thầy hướng dẫn tinh thần. Ca dao Việt Nam có câu “Không Thầy đố mày làm nên” cũng là mang ý nghĩa đó. Học đời còn phải cần một vị Thầy giáo, một vị Cô giáo hướng dẫn, huống chi là học Đạo? Vị Thầy là bậc Thầy hướng đạo, dẫn dắt cách tu tập để hành giả có một cuộc sống hướng thiện hơn. Khi đi tìm một vị Thầy cho mình tức hành giả đã biết rõ mục đích nên có thể phát triển được tâm cung kính và tri ân đối với vị Thầy của mình. Trong luật Sa Di, bài thứ hai về Oai Nghi “Phép thờ Thầy” có ghi rằng, phải xem Hòa Thượng, A Xà Lê như Phật. Dù có chuyện gì xảy ra hoặc giả Thầy có sao đi nữa, thì Thầy vẫn là Thầy. Vì lẽ, không có sự trợ duyên của Thầy, ắt rằng vị hành giả ấy không thể nào hiểu biết được bản năng “Thượng sư” trong chính mình. Thượng sư có nghĩa là Phật tánh, chủng tử tánh, tánh giác trong mỗi hành giả, là Phật trong tương lai. Nhiều hành giả băn khoăn vì không tìm được vị Thầy cho mình. Thông thường theo thế gian pháp, người học trò đi tìm và chọn cho mình một vị Thầy thật là xuất sắc, có chùa to, nhiều đệ tử, danh tiếng, nhiều người biết đến. Nhưng theo tôi nghĩ, ở mỗi vị Thầy đều có những phẩm hạnh và hiểu biết về Pháp để hướng dẫn độ sanh. Việc đi tìm một vị Thầy tâm linh có thể phải trải qua nhiều gian nan thử thách. Vị Thầy ấy sẽ giúp hành giả chứng ngộ đuợc bản tánh tự tâm, bản tánh “Thượng sư“ trụ trong mỗi hành giả. Thông thường thì học trò thì đi tìm Thầy; vậy có trường hợp Thầy đi tìm trò không? Nếu hạnh nguyện của vị Thầy ấy là hoằng pháp độ sanh thì vị Thầy ấy cũng phải đi tìm đệ tử để hoàn thành tâm nguyện của mình. Vì nếu không có đệ tử để truyền thừa chánh pháp, không có người để nối nghiệp gia tài Tam Bảo thì ắt rằng Phật pháp sẽ không trường tồn. Theo tôi nghĩ, phẩm hạnh của một vị Thầy phải được thể hiện qua Trí Tuệ Bát Nhã và Tâm Đại Bi vô điều kiện, hướng đến chân lý cứu cánh giải thoát. Nếu một hành giả chỉ tìm vị Thầy tâm linh theo vẻ bề ngoài và không nương theo tu tập theo Thầy mình dạy thì chắc rằng hành giả đó sẽ gặp nhiều chướng ngại trên con đường tu tập.

Theo lời dạy của chư Tổ, một người đệ tử cần phải biết tri ân và có tâm chí thành đối với Thầy của mình. Nhiều người mới đến với đạo thường hay đàm luận, bàn thảo về vẻ ngoài của một vị Thầy, về sắc tướng, tuổi tác, kiến thức, học vấn, thành tích, mức độ nổi tiếng, số lượng đệ tử và chùa viện v.v… nhưng những điều đó đều không có ý nghĩa vì vị đệ tử đó không học được pháp, không khởi được tâm cung kính đối với một vị Thầy tâm linh. Tại sao không tán thán về những điểm son, tâm từ bi và độ lượng, sự hành trì tu tập của Thầy mình? Một điều chắc chắn rằng một vị Thầy tâm linh ắt phải trải qua những thực nghiệm tu tập tự chính thân, hiểu thâm sâu lời Phật dạy để giáo huấn cho đệ tử bằng những phương tiện thiện xảo qua thân, khẩu và ý để nhiếp độ đệ tử của mình. Dựa trên phước báu và căn cơ không giống nhau của mỗi đệ tử, vị Thầy cần phải có trí tuệ, tình thương và lòng từ bi vô điều kiện đối với tất cả các đệ tử của mình. Dù người đệ tử có hiếu, giỏi, siêng năng, nghe lời hay không, miễn là vị ấy phát Bồ Đề Tâm vì chúng sanh tu trì đạo hạnh thì vị Thầy vẫn phải tôn trọng, thương và chăm sóc. Ngược lại, người đệ tử cần phát tâm cung kính và lãnh thọ sự giáo huấn của Thầy mình với tâm chân chánh, từ bi và bình đẳng với mọi loài chúng sanh.

 

 

 

Tư Tưởng của Thầy tôi

Đến hôm nay, gần 20 năm xuất gia, đuợc sống gần Thầy, được Thầy khuyến tấn, nhắc nhở, động viên, cả la rầy và chỉ trích, tôi cảm nhận tất cả những gì học được từ Thầy đều là tâm huyết của Thầy dành cho tôi vì muốn tôi nên người, biết sống tự lập, tự tin, tự phát huy khả năng của mình, tháo vác trong các công việc, không như người “xúc sự diện tường” (gặp việc quay mặt vào vách) như Tổ Quy Sơn đã dạy. Chắc chắn rằng không chỉ phải nơi tôi mà bất cứ một đệ tử nào Thầy cũng có những hy vọng và hoài niệm như vậy. Một điều mà Thầy thường tuyên bố là Thầy rất hài lòng với các anh em huynh đệ Viên Giác, rằng ai ai cũng có tâm nguyện tu tập tinh tấn, không bon chen, ăn thua như ở ngoài đời. Tôi nghĩ, đây chính là kết quả mang nhiều ý nghĩa nhất mà Thầy đã đạt được. Đồng thời, mỗi cá nhân chúng tôi nên phải tự hỏi mình, có xứng đáng nhận những ân đức từ ngôi Tam Bảo, từ vị Thầy tâm linh của mình hay không?

Ở Thầy, tôi học được cái hạnh học và tu cũng như nghị lực ý chí của Thầy. Nơi tự bản thân, Thầy tôi luôn nỗ lực và cầu tiến. Thầy thường nói: “Sự học không phải làm cho con người giác ngộ được, nhưng muốn mở cánh cửa giải thoát không thể thiếu sự tu và sự học được!”. Trước khi xuất gia và thậm chí cả sau khi xuất gia tôi thường không đồng tình với Thầy tôi ở quan điểm phải học để có những bằng cấp ngoài đời. Cả bao nhiêu năm tháng ngồi ghế nhà trường, có được bằng này bằng nọ, nhưng rồi có giải quyết được sanh tử gì đâu? Tôi nhớ đọc được một câu chuyện Thiền kể về một vị học giả uyên bác đến tham khảo Phật pháp với một vị Thiền sư. Trong lúc đàm đạo, vị Thiền sư pha trà mời khách uống. Vị Thiền sư châm trà thật đầy vào chén, đến nỗi nước trà tràn ra cả ngoài, chảy lai láng xuống bàn. Vị học giả hốt hoảng la lớn “Thưa Ngài, chén trà đã đầy không châm thêm được nữa!”. Thiền sư mỉm cười đáp: “Vậy à? Thế Ngài thì sao?”. Lúc đó, tôi chưa hề biết gì về phương tiện thiện xảo, việc phát Bồ Đề Tâm, tùy thuận chúng sanh v.v… nên vẫn chấp và nghĩ mình là đúng. Vì vậy mỗi khi Thầy tôi lấy tôi ra làm cái “bia quảng cáo” trước đại chúng là tôi không được vui. Có một lần, trong một chuyến hoằng Pháp tại tiểu bang California, nước Mỹ, tôi được đi theo làm thị giả cho Thầy. Thầy được mời đến thuyết Pháp tại một đạo tràng ở thành phố Santa Ana. Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người hỏi đến học vấn của tôi lúc bấy giờ. Tôi cương quyết phân tích và giải bày rằng việc quan trọng của một người xuất gia là tu tập hành trì để tự giải thoát cho mình và giúp cho người, chứ không phải đặt nặng về bằng cấp học hành. Nhưng tôi đã không thuyết phục được họ vì họ vẫn chấp chặt vào quan niệm “học thức” của họ. Sau lần đó, tôi mới hiểu được tại sao Đức Phật dùng đến 84.000 pháp môn và vô lượng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh. Tôi nghĩ, ở đời có rất nhiều người có địa vị và học thức rất cao, họ là những thành phần ưu tú trong một xã hội. Nếu hiểu theo Phật pháp thì đó cũng là phước báu của họ, sanh ra được làm vua, thái tử, người giàu có sung túc, thông minh, trí thức, lanh lợi v.v… Nếu dùng phương tiện thiện xảo để hướng dẫn họ đến được với Đạo, biết tu học và hành trì giáo lý giải thoát thì không phải họ sẽ là những vị Phật tử tại gia biết làm lợi lạc cho chính họ và biết bao nhiêu chúng sanh khác sao? Tất cả đều là phương tiện để dẫn đến cứu cánh giải thoát, thành Phật trong tương lai là vậy.

Thầy tôi luôn thúc đẩy các đệ tử trong việc tu và học. Nếu ai còn đi học và có khả năng thì Thầy đều khuyến khích, hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất để tiếp tục việc học. Đó cũng là hạnh nguyện của Thầy tôi đã phát học bổng cho gần 200 quý Thầy Cô du học tại các nước Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ suốt nhiều năm liền. Tâm niệm của Thầy muốn các vị Tăng Ni sinh học hỏi kiến thức từ các nước ấy, tốt nghiệp chương trình theo học của mình, cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, để mai sau, khi về nước hoằng pháp làm lợi lạc chúng sanh. Hiện nay có nhiều vị đang giảng dạy tại các trường Phật học các nơi. Thiết nghĩ rằng, nếu quý vị đã từng nhận học bổng sau khi ra trường sẽ hoằng pháp độ sanh và đáp đền ân đức của Hòa Thượng ân nhân cũng như hàng trăm Phật tử ở Đức - đến Chùa làm công quả, làm từng cái bánh phát hành để nuôi các vị tu học - bằng cách giúp đỡ tài trợ học phí cho những hàng Tăng Ni hậu học thì quý giá biết bao. Nhận và Cho cũng là một đức hạnh cao cả của một người con Phật đang bước trên con đường Bồ Tát Đạo. Nhận với tấm lòng thành kính tri ân. Cho cũng với tấm lòng tôn quý bố thí vô điều kiện.

Thầy tôi thường nói, Thầy xuất thân từ một gia đình nông dân mộc mạc giản dị. Được xuất gia theo Sư Ông học Đạo từ năm 15 tuổi, thọ Sa Di lúc 17 tuổi và Tỳ Kheo lúc 22 tuổi. Sau khi tốt nghiệp tú tài Thầy được học bổng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho đi du học ở Nhật. Sau 5 năm đèn sách miệt mài Thầy tốt nghiệp ra trường và sang Đức thăm một người bạn cùng học ở Việt Nam thời còn Tiểu học. Ai ngờ, bước chân đầu tiên của Thầy đặt đến nước Đức lại đánh dấu một trang sử mới cho Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại nói chung và nước Đức nói riêng. Theo truyền thống Phật giáo cổ truyền mà Thầy tôi hấp thụ được, khi qua đến Đức, Thầy cũng tiếp tục gìn giữ và lưu truyền. Qua sự tiếp xúc với quý Tăng Ni Sinh đang du học ở Ấn, Thầy tôi biết được là ở tại Việt Nam, trong các trường Cao Cấp Phật Học, sinh viên được hướng dẫn bộ môn lịch sử, trong đó có lịch sử Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Hai khuynh hướng tiêu biểu thường được nhắc và đề cập đến là phương hướng truyền thống bảo thủ, do Thầy tôi chủ trương; Hòa Thượng Nhất Hạnh của Làng Mai thì lại đại diện cho phương hướng canh tân, đổi mới. Thầy tôi duy trì và giáo dục thế hệ Tăng Ni chúng tôi và Phật Tử với phương châm vừa tu vừa học. Đối với chúng xuất gia, Thầy tôi đòi hỏi phải nằm lòng 2 thời công phu sáng và chiều, 4 quyển luật, Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi và Cảnh Sách, giữ gìn tứ oai nghi khi đi đứng nằm ngồi, biết xử dụng những pháp khí, chuông, trống, tang, linh, khánh, mõ…

Ở Thầy tôi học được giáo lý căn bản của đạo Phật, cách làm việc Phật sự, cách tổ chức và giải quyết mọi vấn đề, cách tiếp khách lịch sự và tiếp chuyện lễ phép với Phật tử bổn đạo. Thầy luôn giữ vẻ trang nghiêm và tề chỉnh với chiếc áo tràng luôn mặc trên người. Có những lúc Thầy hóa thân làm Ngài Tiêu Diện để dạy dỗ đệ tử tu tâm dưỡng tánh; có những lúc Thầy biểu hiện lòng từ, khoan dung, tha thứ của Mẹ Hiền Quan Âm. Hạnh nguyện của Thầy được biểu hiện qua 2 câu văn: “Tôi nguyện làm dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời. Tôi nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”. Trong suốt thời gian xuất gia và ở cạnh làm việc Phật sự với Thầy, đôi lúc tôi cũng có phiền não và tâm bị thối chí. Tôi không mệt với công việc dồn dập và trách nhiệm của mình nhưng “đuối” với mọi điều phải xin phép và thuyết phục Thầy tôi để làm bất cứ một việc gì, dù là chuyện nhỏ hay chuyện lớn. Có nhiều Phật tử tại gia gặp tôi nói: “Con thấy Sư Phụ của Thầy dạo này dễ mà!”. “Mô Phật! Quý vị dám xuất gia không, bước vào đi rồi sẽ biết!”. Thời gian những tháng đầu khi trở về lại Đức, sau khi “bị” Thầy tôi bắt phải về để đảm nhận công việc thay thế Sư Huynh Hạnh Tấn chuẩn bị đi qua Lào nhập thất, tôi thật sự không vui chút nào. Vì vậy mà tôi làm không phải với cái tâm hoan hỷ, dấn thân phụng sự gì cả. Tình cờ tôi đọc được một quyển sách viết về phát Bồ Đề Tâm của Ngài Đạt Lai Lạt Ma; lời khuyến tấn trong sách đã làm tôi thức tỉnh và bật khóc. Tâm nguyện và tâm hành của một Vị Bồ Tát thật cao cả. Trong tương lai nếu tôi muốn đi sâu vào việc tu tập thì cũng phải cần có nhiều phước báu. Tại sao tôi lại bỏ qua cơ hội tạo phước bằng cách phụng sự Tam Bảo và chúng sanh? Từ đó, tôi chỉnh sửa lại quan niệm sai lầm của mình và hăng hái hơn trong mọi công việc được Thầy giao phó và cần phải làm. Một điều rất thú vị nhưng không ít ngạc nhiên mà tôi vừa nhận ra từ khi thâu nhận Chú Thông Giáo làm người đệ tử xuất gia đầu tiên là tôi có vài điểm giống Thầy tôi. Tôi cũng dạy và bắt Chú học Kinh và Luật, học tán tụng, hô canh, đánh chuông gõ mõ, học làm chủ lễ, cũng thường khảo hạch Chú và “nhắc nhở” nhiều điều. Mỗi lần quán chiếu nhận thấy được điều đó, tôi lại tự mỉm cười.



Thien Lam Te Nhat Ban_HT Nhu Dien_2018Thien Lam Te Nhat Ban 1

Nhat Ban Trong Long Toi_HTNhuDien2giai nhan va hoa thuong
chuyen_tinh_lien_hoa_hoa_thuong


Huong_Lua_final
Nuoc My Bao Lan Den Bao Lan Di_HT Thich Nhu Dien

Cover_Nuoc Uc Trong Tam Toi_HT Nhu Dien-1

Chet an lac_tai sanh hoan hy
Thien Quan_Song va Chet_2017-a


 

Lập chí tâm nguyện

Thầy tôi với pháp tự Giải Minh, pháp hiệu Trí Tâm, thuộc dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41. Thầy sanh tại Duy Xuyên, Quảng Nam, con trai út của gia đình gồm 8 người. Năm 13 tuổi quy y Tam Bảo và thọ Ngũ giới với pháp danh Như Điển. Hai năm sau được sự đồng ý của Phụ Mẫu vào Chùa xuất gia với Sư Ông Long Trí tại Chùa Viên Giác, Hội An. Sau một thời gian hành điệu tại nơi đó, Hòa Thượng Bổn Sư gởi Thầy tôi sang Chùa Phước Lâm để tiếp tục tu học và chuẩn bị thọ Sa Di giới. Năm 1967 Thầy thọ giới Sa Di với pháp tự Giải Minh. Năm 1968 Thầy vào Sài Gòn học và tốt nghiệp Tú Tài 3 năm sau đó. Thầy thọ giới Tỳ Kheo năm 1971 tại Giới Đàn Quảng Đức tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức ở Thủ Đức. Vào đầu năm 1972 Thầy nhận được học bổng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tỉnh Quảng Nam, sang Nhật du học. Qua đến Nhật vào ngày 22 tháng 2 năm 1972, Thầy ghi danh học tiếng Nhật 1 năm tại Trung Tâm Nhật Ngữ Yottsuya tại Tokyo. Trong thời gian đó Thầy nương tựa với Hòa Thượng Omori Sogen để học Thiền và cư trú tại Chùa Honryuji thuộc Tông phái Nichiren. Năm 1973 nhập học chương trình Cử nhân Giáo Dục Học tại Đại Học Teikyo. Sau khi tốt nghiệp Thầy tôi ghi danh tiếp tục học chương trình Thạc sĩ tại Đại Học Risso ở Tokyo.

Tháng Tư năm 1977 theo lời mời của một người bạn học ở Việt Nam, Thầy sang thăm viếng thành phố Kiel ở miền Bắc nước Đức. Không như dự định sẽ trở về lại Nhật để học tiếp chương trình hậu đại học, Thầy chấp nhận lời thỉnh cầu của sinh viên kiều bào lưu lại ở Đức để hướng dẫn tâm linh cho người Việt đến định cư với mỗi ngày con số càng tăng cao. Tùy thuận chúng sanh, nơi nào có chúng sanh, nơi nào có thể gieo trồng được giống Bồ Đề, nơi đó Thầy không chùn bước. Thầy lập chí tâm nguyện hoằng pháp độ sanh tại nước Đức từ lúc đó. Tiếng Đức có câu “Sprache ist das Tor zur Welt“ (ngôn ngữ là cánh cửa bước vào thế giới). Vì vậy, việc trước hết Thầy muốn học cho thật thành thạo tiếng Đức để tiếp xúc với người bản xứ và cũng là chuẩn bị để thi vào ngành Giáo Dục Học (Erziehungswissenschaft) theo chương trình Thạc Sĩ tại Đại Học Hannover. Thầy ghi danh học một năm khóa tiếng Đức tại trung tâm ngôn ngữ của trường Đại Học Kiel. Có một lần khi dọn dẹp đồ đạc trên gác nhà Đông của Chùa, tôi tìm thấy những quyển sách học tiếng Đức và tài liệu ghi chú học tiếng Đức của Thầy còn lưu lại. Tò mò tôi liền lật vài quyển để xem và nhận thấy phần ghi chú và bài tập rất tươm tất và rõ ràng, không những một quyển tập mà cả hàng chục quyển đều như vậy, với nét chữ màu xanh, màu đen, xen kẻ với màu đỏ. Điều này đủ cho tôi biết nghị lực và sự cố gắng tích cực của Thầy tôi khi làm bất cứ một điều gì.

Trong khi chờ đợi nhập học, Thầy tôi được mời làm thông dịch tiếng Đức cho kiều bào Việt Nam tỵ nạn mới đến Đức, ở trại Friedland cũng như tại bệnh viện đa khoa ở Göttingen. Đến thời điểm cuối năm 1979, làn sóng người Việt đến Đức tỵ nạn mỗi lúc càng đông. Nhu cầu hướng dẫn tâm linh cấp bách hơn bao giờ hết. Thầy đành bỏ qua dự định học tiếp để tập trung tâm sức vào việc hướng dẫn tinh thần và làm chỗ nương tựa cho cộng đồng Phật Giáo. Thầy thành lập ngôi Niệm Phật Đường nhỏ bé, cũng là nơi cư trú của Thầy, tại thành phố Hannover. Nói là Niệm Phật Đường chứ thật sự chỉ là một căn hộ nhỏ trên con đường Kestner, được cải gia vi tự thành nơi sinh hoạt Phật giáo với không gian chỉ đủ dung chứa tối đa cho 30 người. Bàn Phật được thiết kế đơn giản bằng một tôn tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, 1 cặp đèn cầy, một lư hương, 1 đĩa trái cây và một bình hoa. Tôn tượng lịch sử đó được đem từ Việt Nam sang Nhật hơn 10 năm trước đó, trước khi được mang sang Đức và tôn thờ tại Niệm Phật Đường Viên Giác. Một tôn tượng giống y hệt khác được thờ tại Chùa Khánh Anh, Paris. Nhằm hỗ trợ cho Thầy tôi trong các công việc phật sự, duy trì tôn giáo và văn hóa Việt, cũng như tổ chức các lễ hội, một Ban Hộ Trì Tam Bảo đã được thành lập với những thành viên sinh viên Phật tử và một vài quý Phật tử. Kể từ đó, Thầy đi vào lịch sử là người sáng lập ngôi Chùa Việt Nam đầu tiên mang tên Viên Giác trên nước Đức, đồng thời cũng là người sáng lập Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức cách đây đúng 40 năm về trước. Nói về lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại nước Đức thì Thầy là vị Tổ khai sơn, mở ra một trang lịch sử mới của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, đồng hành với quý Hòa Thượng Thiện Ân, HT Mãn Giác, HT Tịnh Từ, HT Minh Đạt tại Mỹ; HT Như Huệ, HT Bảo Lạc tại Úc; HT Minh Tâm, HT Nhất Hạnh, HT Huyền Vi tại Pháp và nhiều chư Tôn Đức ở các quốc gia khác. Một điều chắc chắn rằng chính Thầy tôi lúc bấy giờ cũng không thể nghĩ rằng Thầy là một nhân chứng lịch sử từ lúc ban đầu khi Phật Giáo Việt Nam gieo mầm giác ngộ vào xứ Đức.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn vài ba tháng sau đó, ngôi Niệm Phật Đường nhỏ bé không còn dung chứa được số đông Phật Tử đổ xô về trong những lần sinh hoạt định kỳ nên Thầy tôi đặt đơn lên Bộ Nội Vụ Đức xin trợ giúp tìm một nơi sinh hoạt rộng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt tỵ nạn mỗi lúc càng gia tăng vào cuối thập niên 70 bấy giờ. Qua phần đăng báo Thầy tôi tìm được một địa điểm với diện tích 450 mét vuông, nguyên là một hãng xưởng bao gồm một hội trường lớn dung chứa 500 người, 3 phòng ngủ, văn phòng và nhà vệ sinh, nằm trên đường Eichelkampstrasse 35a, trong một khu kỹ nghệ, gần khu triển lãm Messegelaende thuộc thành phố Hannover. Cuộc di chuyển dọn Chùa từ địa điểm cũ qua địa điểm mới chỉ cách nhau chừng 8 cây số đã diễn ra vào ngày 8 tháng 1 năm 1981. Đồng thời Niệm Phật Đường Viên Giác cũng đã được đổi tên thành Chùa Viên Giác.

Càng ngày những hoạt động của Chùa và Hội Phật Tử càng được báo chí đưa tin và gây nên sự quan tâm chú ý của quần chúng công cộng, chính quyền địa phương và liên bang. Nhằm giúp đỡ Chùa và cộng đồng Phật Giáo trên phương diện duy trì và truyền bá văn hóa Việt, bộ nội vụ Đức (Bundesinnenministerium) đã đài thọ chi phí mướn cơ sở trên với số tiền 3 ngàn Đức Mã mỗi tháng. Ngoài ra chính phủ Đức còn hỗ trợ một phần cho những chi phí tổ chức các Đại Lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết và tạo điều kiện Chùa có một nhà máy in gồm những thiết bị máy móc kỹ thuật để tự xuất bản in ấn đặc san báo Viên Giác, là tiếng nói của Phật Tử Việt Nam tại Đức, cũng như Kinh sách, thư mời, sách của Thầy tôi, mỗi năm xuất bản một quyển. Cho đến nay Thầy tôi đã xuất bản hơn 60 tác phẩm, trong đó cũng có những tác phẩm được dịch ra bằng vài ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật.

 

Người Việt tại Đức

Người Việt bao gồm nhiều nhóm, nhiều đợt, đến và định cư sinh sống tại Đức. Trước biến cố 1975 số người Việt đến Đức đa phần là sinh viên du học, được ước đoán khoảng 2.000 người. Sau ngày 30.04.1975, khối người Việt tỵ nạn cộng sản rời bỏ quê hương đất tổ, bập bềnh mong manh trên các con thuyền nhỏ trên biển hoặc vượt rừng sâu nước độc đầy gian nan nguy hiểm để tìm đến bờ Tự Do lên đến cả triệu, trong đó ước đoán có khoảng 35 ngàn người đến Đức và hưởng được quy chế tỵ nạn. Vào những năm đầu 1978 những nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên đi bằng đường biển được đến định cư tại miền Bắc nước Đức. Họ là những thuyền nhân may mắn được sự can thiệp của Thủ Tướng Albrecht thuộc tiểu bang Niedersachsen lúc bấy giờ thông qua quốc hội Đức để lập tức cứu vớt các thuyền nhân Việt Nam càng ngày càng đông và đầy nguy kịch chết chóc trên biển cả đại dương. Luật pháp xin tỵ nạn của nước Đức là chính người đặt đơn tỵ nạn phải ở trong nước Đức hoặc đến biên giới Đức để xin tỵ nạn. Nhưng lúc bấy giờ các thuyền nhân lại được cứu vớt trên biển cả, đâu có biên giới mà được quy chế đó. Qua sự hội thảo và nhờ sự thuyết phục của Thủ Tướng Albrecht cho rằng tiểu bang Niedersachsen, tiểu bang duy nhất trong 11 tiểu bang của Tây Đức lúc bấy giờ giáp với biển miền Bắc (Nordsee), lấy đó làm biên giới của miền Bắc nước Đức để các thuyền nhân Việt Nam được cập bến Hamburg và chính thức xin tỵ nạn tại Đức. Về sau dần theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia nhân đạo tiếp nhận những thuyền nhân Việt Nam, các pháp luật, quy chế tỵ nạn và đoàn tụ gia đình của nước Đức được bổ túc và các tiểu bang khác cũng hưởng ứng thâu nhận số người từ Việt Nam đến. Để tỏ lòng tri ân ông Albrecht, Thầy tôi cho khắc tên của ông ta trên Đại hồng chung của Chùa. Một ân nhân người Đức khác liên quan đến sự cứu vớt người Việt trên biển mà cả hằng ngàn người Việt mang ơn là ông Neudeck. Lúc bấy giờ ông ta sáng lập một tổ chức nhân đạo mang tên là Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam, tiền thân của Ủy Ban Cap Anamur đã cùng với hai anh em Hans Voß, chủ tàu và Harry Voß, thuyền trưởng tàu Cap Anmur, tự quyên góp tiền từ thiện để mang tàu ra biển cứu vớt thuyền nhân trong cơn thập tử nhất sanh trên biển cả. Ông vừa mới qua đời cách đây vài năm, để lại niềm thương nhớ của biết bao nhiêu người được ông cứu sống. Nếu quý vị nào có dịp đến cảng Hamburg sẽ thấy nơi đó có một tấm bia kỷ niệm ghi lại sự vượt biên đầy gian nan trắc trở của người Việt đến được bờ tự do. Đa số người Việt trong nhóm này bây giờ đã nhập quốc tịch Đức và định cư vĩnh viễn tại Đức. Họ được xem là đã hội nhập hoàn toàn vào văn hóa và xã hội của nước Đức. Thế hệ con cháu đời thứ 2 và 3 của họ rất thành công trên mọi lãnh vực.

Nhóm thứ 3 là những người lao động tại các nước Đông Âu trước khi khối cộng sản sụp đổ. Sau khi bức tường Bá Linh bị kéo sụp vào ngày 9.11.1989 và nước Đức thống nhất (3.10.1990), các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary cũng đều từ bỏ chế độ cộng sản. Chương trình lao động theo hợp đồng ký kết giữa Việt Nam và các nước Đông Âu, bắt đầu từ thập niên 1950 cho đến cuối thập niên 1980 quy tụ hơn 60.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại các nước nói trên. Lúc ấy số người lao động từ Việt Nam thường ở tập trung tại các thành phố phía Đông Đức như Đông Bá Linh, Chemnitz, Erfurt, Magdeburg, Dresden, Leipzig, v.v… Họ làm việc nặng nhọc và sống tập thể trong các chung cư đông người và hoàn toàn không tiếp xúc với người Đức, không được học ngôn ngữ và hội nhập vào xã hội Đức. Chính phủ Đông Đức lập nên các chương trình đào tạo công nghiệp không phải chỉ muốn gia tăng số người lao động trong các ngành công nghiệp mà còn là một hình thức viện trợ phát triển cho các thành viên nghèo trong khối xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Sau khi nước Đức thống nhất, các công nhân hợp tác lao động bị mất việc làm. Họ sinh sống qua ngày bằng công việc đi bán thuốc lá lậu, mở những quán ăn nhanh, cửa hàng rau quả, cắt sửa quần áo, tiệm bán hoa v.v… Đến cuối thập niên 90, phần đông công nhân hợp tác lao động còn ở lại nước Đức mới được cấp giấy phép cư trú vô thời hạn. Con cháu của họ bây giờ cũng rất thành công và đã hội nhập vào xã hội Đức, không thua gì nhóm người Việt tỵ nạn sau 1975.

Nhóm đông người Việt thứ 4 là sinh viên, học sinh sang Đức du học trong gần 10 năm nay tại nhiều thành phố trên nước Đức. Họ đi theo diện trao đổi giáo dục và đào tạo sinh viên, theo các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ tại các trường đại học và trung học. Họ phải tự túc tài chánh để trang trải những chi phí cần thiết như tiền mướn phòng, thực phẩm, quần áo, vận chuyển, điện thoại, internet, sách vở, sinh hoạt giải trí v.v… Một trong những lý do chính đáng mà các em chọn nước Đức là vì ở Đức học miễn phí, không như những quốc gia khác như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp v.v… Tuy nhiên mỗi tháng nhu cầu chi tiêu từ 700 đến 800 Euro cũng là một gánh nặng không ít. Nếu không có nguồn tài trợ từ gia đình ở Việt Nam hoặc ở Đức thì các em phải đi làm thêm để có phần thu nhập. Nhiều em làm việc ở các nhà hàng và quán ăn người Việt với lương rất ít ỏi và nhiều lúc vất vả cực nhọc. Tôi thường khuyên các em hãy tìm đến những nơi của người Đức làm vì họ trả lương theo quy định và cũng có nhiều cơ hội cho các em tiếp xúc và học thêm tiếng Đức. Đa số sinh viên Việt Nam mỗi khi học một ngôn ngữ phần văn phạm và ngữ pháp thì rất khá, nhưng khả năng nghe và phát âm, đọc thì lại rất kém. Lý do là đa số các em không tự tin và tận dụng mọi phương cách để tiếp xúc, tập nghe và nói tiếng Đức với người bản xứ. Rất tiếc vì không phải là công dân Đức hoặc thuộc khối Âu châu (EU) nên các em không được hưởng chế chương trình BAföG. Đó là một chương trình hỗ trợ tài chánh của chính phủ ở mỗi tiểu bang trên nước Đức dành cho sinh viên và học sinh dưới 30 tuổi. Trong trường hợp đặc biệt sinh viên cho đến 35 tuổi cũng có thể nhận được trợ cấp với điều kiện phải theo học chương trình Thạc sĩ trở lên. BAföG được chia thành 2 phần, ½ là trợ cấp của chính phủ, ½ là tiền vay không lời. Số tiền vay này phải trả lại cho chính phủ sớm nhất là 5 năm và thời hạn trễ nhất phải trả hết là 20 năm sau khi tốt nghiệp ra trường, có thể trả từng đợt, mỗi đợt tối thiểu là 105,00 Euro. Trong trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng trả hết một lần hoặc tốt nghiệp sớm hơn thời gian quy định thì sẽ hưởng quy chế được giảm nợ. Bản thân tôi được hưởng cả 2 quy chế này vì trả hết một lần số tiền nợ vay học và ra trường cũng sớm hơn một năm (theo quy định phải sớm ít nhất 4 tháng). Tổng số tiền nợ phải trả theo nguyên tắc là 12.703,55 Euro, nhưng tôi được giảm 4.255,69 Euro theo quy chế 1 và thêm 1.296,66 Euro theo quy chế 2. Vậy nên tổng số tiền còn lại phải trả là 7.151,20 Euro. Toàn bộ số tiền này Thầy tôi đã giúp tôi trả dứt trước khi tôi sang Mỹ học tiếp chương trình hậu đại học. Theo tôi được biết Thầy cũng đã giúp trả tiền BaföG cho một vài huynh đệ của tôi để nhẹ bớt một phần nào cho chúng tôi yên tâm tu học.

Tôi thường gặp và tiếp xúc với nhiều sinh viên đến Chùa hoặc các đạo tràng tu học và rất cảm phục các em, nỗ lực và phấn đấu với ngôn ngữ Đức khó học và các ngành học đã chọn. Không gì hơn tôi khuyến khích và cổ động các em cố gắng học hành, sau này ra trường có công ăn việc làm ổn định, có giấy tờ ở lại và xây dựng tương lai. Nhiều em thường tìm đến Chùa sinh hoạt cuối tuần, phát tâm quy y Tam Bảo, thọ Ngũ giới, tham dự các khóa tu, làm công quả v.v… gia nhập với đại gia đình con Phật. Nếu có được môi trường sống và học hành tốt, lại biết học Pháp và tu tập thì tôi tin chắc rằng các em cũng có thể phát tâm xuất gia hoặc trở thành những Phật tử thuần thành hộ Đạo trong tương lai.

Nhóm thứ 5, người Việt trẻ tuổi đến Đức trong gần 5 năm nay là nhóm sinh viên được chính phủ Đức cho sang để đào tạo nghề nghiệp y tá, điều dưỡng, chăm sóc người già bệnh. Chương trình đào tạo các điều dưỡng viên được chính phủ Đức đài thọ hoàn toàn, từ việc cư trú, ăn học và còn được thêm tiền lương bổng. Mong rằng sau khi ra trường các em có được công ăn việc làm và ở lại Đức, trước là đóng góp làm việc nhằm tri ân nước Đức đã nuôi nấng và đào tạo nghề cho mình, sau là được hít bầu không khí tự do, có công ăn việc làm ổn định. Bắt đầu từ năm 2012 dịch vụ dân sự (Zivildienst) không còn là điều bắt buộc ở Đức. Trước đó, những công việc này thường được hỗ trợ bởi các thanh niên trên 18 tuổi, đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự (Bundeswehrpflicht), nếu không tham gia chương trình huấn luyện quân sự (Bundeswehrausbildung), thì phải tình nguyện làm trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà trẻ v.v… Đầu năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, vì mang quốc tịch Đức nên tôi cũng đã phải tham gia vào chương trình dịch vụ dân sự tình nguyện này. Tôi làm việc “tài xế” cho Hội Malteser Hilfsdienst, mỗi ngày đưa đón những đứa trẻ câm điếc bẩm sinh đi học. Cứ mỗi sáng tôi thức dậy lúc 5:30 giờ, lái xe đi đón các em ở lứa tuổi 5, 6 và đưa xuống Hildesheim, cách Hannover khoảng 30 cây số, nơi có trường tiểu học dành riêng cho người khuyết tật bẩm sinh. Buổi chiều 2 giờ lại đi đón và đưa các em về nhà. Thời gian trong ngày tôi phụ giúp việc ở trong bệnh viện, nhà trẻ, nhà dưỡng lão, thỉnh thoảng đến thăm người già yếu tại tư gia và dẫn họ đi bác sĩ, đi chợ v.v… Thật sự mà nói, hệ thống xã hội và y tế của Đức thật là tuyệt vời, chính phủ có nhiều chương trình lo cho người dân, đặc biệt là người lớn tuổi và bệnh tật. Có một kỷ niệm nhớ mãi trong thời gian tôi đang còn làm cho Hội Malteser, đó là trong mùa Phật Đản năm 1998, mới sáng sớm tôi đã nhận được cú điện thoại của Thầy Hạnh Bảo, sau này là Sư huynh của tôi, Thầy nhờ tôi giúp chở Thầy đi tiệm hoa Metro mua hoa về trang trí bàn Phật. Lúc ấy tôi thật không suy nghĩ gì, chỉ vội leo lên xe bus 9 chỗ ngồi của Hội Malteser và chạy nhanh đến Chùa đón Thầy ấy. Khi mua xong hoa, trong lúc chúng tôi đang chất đồ lên xe, thì có một người Đức đậu xe bên cạnh mở lời chào hỏi rất lịch sự. Tôi cũng đáp lại và chào tạm biệt, lái xe đi về Chùa. “Hình như mình đã gặp Ông này ở đâu rồi?” tôi cố gắng hồi tưởng. Khi về gần đến Chùa tôi mới hét lên: “A Di Đà Phật! Người Đức mới gặp đó là ông Boss cấp trên của con ở Hội Malteser!“. Thầy Hạnh Bảo nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên nhưng trấn an tôi: “Việc đã lở rồi, thôi chờ xem Ông ta có nói gì không?” Vậy mà lúc gặp tôi lại không nhớ, chắc có lẽ ông ta là Boss cấp cao và tôi ít khi trực tiếp làm việc nên không nhớ mặt. Sáng hôm sau khi đi đến chỗ làm tôi phải đi ngang qua văn phòng của ông. “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, xin Ngài cho mọi việc được thông suốt”, tôi lại thầm niệm cầu cứu đến Mẹ Quan Âm. Tôi cảm thấy mình có lỗi và đã làm sai nguyên tắc vì theo quy luật của Hội, chúng tôi không được phép xử dụng xe cho việc cá nhân, dù xe chỉ lăn bánh nửa mét. Vậy mà lúc đi ngang qua, mặc dù tôi cố tình tránh né ánh mắt của ông, nhưng không ngờ ông lại quay đầu nhìn tôi và chào buổi sáng rất thân mật và vui vẻ. Tôi đáp lời và nhanh chân bước về phòng làm việc của mình với một cảm giác nhẹ nhàng. “Lần sau nhất định sẽ không bao giờ tái phạm nữa!”, tôi tự nhắc mình. Có lẽ, Hội Malteser cũng thường cho Chùa mượn lều, các thùng cách nhiệt để đựng cơm và thức ăn cùng bàn ghế cho mỗi lần lễ Phật Đản và Vu Lan. Vì vậy mà ông ta cũng thông cảm vì thấy tôi lấy xe đi chợ mua hoa quả về cúng Phật chăng?

Hiện nay tổng số người Việt Nam đang sinh sống tại Đức được ước đoán là 130 đến 150 ngàn người. Một điểm chung ở các thế hệ phụ huynh đi trước là ai ai cũng đều đổ dồn hết công sức lo cho việc học hành và thành tài của con cái họ. Họ hy sinh tất cả để con cái họ thành công trong xã hội Đức. Chính quyền và báo chí truyền thông Đức hay khen ngợi người Việt Nam là một trong những dân tộc thiểu số được hội nhập thành công nhất. Tuy nhiên sự khác biệt về những giá trị và tư tưởng giữa hai thế hệ cha mẹ Việt Nam và con cái sanh ra ở Đức cũng thường hay bị mâu thuẫn, va chạm nhau hằng ngày. Sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán giữa hai thế hệ thường dẫn đến những sự xung đột trong gia đình. Có không ít gia đình con cái hư hỏng, dính vào những tệ nạn của xã hội. Nhiều em bị bệnh trầm cảm, suy sụp sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và gia đình. Thêm nữa, việc chia rẽ của những cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Đức, phân biệt giữa Nam và Bắc, lập trường chính trị, người sống bên Tây Đức, người sống bên Đông Đức, cũng ảnh hưởng không ít đến đời sống cộng đồng. Nhiều nơi cộng đồng người miền Bắc và miền Nam không sinh hoạt chung với nhau. Duy nhất, ở tại các Chùa, Niệm Phật Đường, Phật tử mọi thành phần đều thoải mái đi lễ, tham dự các lễ hội, tham gia và sinh hoạt phật sự với Chùa. Đây chính là điểm son nơi Đạo đưa con nguời đến gần với nhau hơn.

 

Thiết lập các cơ sở Phật Giáo và sinh hoạt phật sự

Từ thời Phật tại thế, Ngài đã thiết lập cộng đồng Tăng lữ và cư sĩ Phật tử để hoằng pháp và hộ pháp. Cộng đồng người xuất gia hay còn gọi là Tăng đoàn (pali. Sangha) bao gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di và Sa di ni. Từ khi chấp nhận lời thỉnh cầu của anh em sinh viên kiều bào lưu lại tại Đức để hướng dẫn tinh thần, Thầy tôi đã thành lập cơ sở và áp dụng hệ thống tổ chức theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thiết lập 2 cơ quan hành chánh: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc và Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn theo hệ thống hàng dọc đứng dưới sự điều hành của Chi Bộ. Hai cơ quan này và Đặc san Viên Giác (sau đổi lại Báo Viên Giác) là tiếng nói và quyền lợi của Phật Giáo Việt Nam và tín đồ Phật tử tại Đức. Báo Viên Giác mỗi 2 tháng ra một số, cho đến nay cũng là chu niên lần thứ 40 từ ngày thành lập.

Chi Bộ Đức Quốc thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập vào năm 1979 bao gồm các Chùa, Niệm Phật Đường, Tịnh Thất và các thành viên, quý Thầy Cô đang định cư ở Đức. Sở dĩ mãi đến cuối năm 1979 Chi Bộ Phật Giáo Đức Quốc mới được thành lập là vì trước đó Chi Bộ không đáp ứng đủ điều kiện và quy chế để thành lập một hiệp hội ở Đức. Chính phủ Đức đòi hỏi Ban Chấp Hành Hội tối thiểu phải có 7 thành viên: Chi bộ trưởng, Chi bộ phó ngoại vụ, Chi bộ phó nội vụ, thủ quỹ, thư ký, ủy viên văn hóa và ủy viên từ thiện xã hội. Đến cuối năm 1979, khi có thêm những vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam đến Đức định cư thì một cuộc họp triệu thỉnh tất cả các Tu Sĩ Việt Nam đang ở Đức bấy giờ đã được diễn ra. Cuộc họp đưa đến quyết định thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc. Đồng thời, Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng được thành lập, bao gồm 16 Chi Hội (hiện nay là 22 Chi Hội). Có những Chi Hội hôm nay không còn sinh hoạt và có những Chi Hội mới được thành lập. Về phần sinh hoạt giới trẻ thanh thiếu niên, tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng được hình thành qua sự điều động và hướng dẫn giáo lý của Thầy tôi từ những năm tháng ban đầu. Trong mùa Vu Lan năm 1987 hai Gia Đình Phật Tử đầu tiên Minh Hải và Tâm Minh đã được ra mắt trong bầu không khí trang nghiêm tại Chánh điện Chùa Viên Giác, dưới sự hoan hỷ và tán thán của chư Tôn Đức và Phật tử khắp nơi về tham dự. Không vui sao được khi mọi người đều biết đoàn sinh Gia Đình Phật Tử chính là mầm non, là thế hệ Phật tử trẻ tuổi sẽ nối nghiệp những bậc Thầy và phụ huynh đi trước để duy trì chủng tử Giác Ngộ nơi mỗi cá nhân và những người xung quanh.

Theo hệ thống điều hành của Chi Bộ, tất cả các Chùa và Niệm Phật Đường cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni đều là thành viên. Hội Phật Tử bao gồm Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di hoặc Cận Sự Nam và Cận Sự Nữ. Cho đến năm 1983 Chùa Viên Giác vẫn là ngôi Chùa Việt Nam duy nhất ở nước Đức mặc dù vào thời điểm đó đã có hơn 10 vị Tu Sĩ Việt Nam đang định cư ở Đức. Lý do là những vị Tu Sĩ Việt Nam trong thời gian đầu mới sang đến Đức cần phải có thời gian an trú, học tiếng Đức, làm quen với đời sống mới, nên chưa thể tập trung vào việc tạo Chùa, chăm sóc tâm linh cho quý Phật tử được. Một lý do khác nữa là có một vài vị xuất gia dự định chỉ lưu một thời gian ngắn ở Đức và đi tiếp sang qua Mỹ, Canada hoặc Úc. Mãi đến năm 1983 trở đi mới mọc lên được thêm vài ngôi Chùa Việt Nam tại những thành phố đông người Việt, ví như Chùa Bảo Quang ở Hamburg, Chùa Linh Thứu ở Berlin, Chùa Phật Bảo ở Barntrup, Chùa Thiện Hòa ở Mönchengladbach, Chùa Quan Thế Âm ở Aachen, Chùa Phật Huệ ở Frankfurt, Chùa Tâm Giác ở München.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc là một trong 8 Giáo Hội Phật Giáo hiện đang sinh hoạt trong các quốc gia Âu Châu: Pháp, Anh, Hòa Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ. Tất cả các Giáo Hội Phật Giáo này đều nằm dưới sự điều hành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, trụ sở hành chánh là Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc. Từ ngày thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu vào năm 1990 tại Konsvinger Na Uy cho đến năm 2013 Cố Hòa Thượng thượng Minh hạ Tâm là Chủ Tịch. Ngài viên tịch năm 2013 trong khi Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 được tổ chức tại Phần Lan để lại bao nhiêu niềm thương nhớ. Hiện tại HT Thích Tánh Thiệt, Trụ Trì Chùa Thiện Minh ở Lyon, Pháp Quốc là Đệ Nhất Chủ Tịch và HT Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác ở Hannover, Đức Quốc, là Đệ Nhị Chủ Tịch. Quý Ngài tiếp nối công việc của Cố Hòa Thượng Minh Tâm duy trì mỗi năm tổ chức một khóa Tu Học Phật Pháp cho tất cả các Phật tử đến từ các quốc gia tại Âu Châu. Khóa học được luân phiên tổ chức mỗi năm ở một quốc gia khác nhau. Những quốc gia đã từng đăng cai tổ chức một hoặc nhiều lần gồm có: Thụy Điển, Đan Mạch, Hòa Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Áo và Ý. Năm nay Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 30 được tổ chức tại Neuss, Đức Quốc, cũng là đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu.

Để tiếp tay cho công việc của Chi Bộ và Hội Phật Tử, Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã được hình thành vào năm 1987, có trụ sở tại Chùa Viên Giác, nhằm đáp ứng những nhu cầu của người Việt sinh sống tại Đức. Trung tâm nhắm vào việc bảo tồn văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ Việt, đồng thời giúp cho người Việt sớm hội nhập vào xã hội Đức. Nhiều người Việt, tuổi tác và nhu cầu khác nhau, đã đến trung tâm để được tư vấn và giúp đỡ. Đây cũng là nơi mọi người cùng chung cảnh ngộ gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm và trao đổi những thông tin liên quan đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Họ đã nhận được những sự giúp đỡ nhằm mau chóng hội nhập vào đời sống mới, thí dụ như đi tìm nhà cửa, kiếm công ăn việc làm, học tiếng Đức và tạo những sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ thanh thiếu niên. Trung Tâm Văn Hóa cũng là nơi thảo luận và gặp gỡ giữa hai văn hóa Đông và Tây. Ngoài ra, trung tâm kết nối sự liên hệ giữa các cơ quan chính phủ, hội đoàn xã hội và từ thiện, các trường học, tham dự và tổ chức những buổi hội thảo đa tôn giáo để mọi người gặp gỡ, học hỏi và thông cảm lẫn nhau hơn.

 

Thành lập và xây dựng Chùa Viên Giác

Vào năm 1984 nhu cầu và ước muốn tha thiết của chúng xuất gia và tại gia có được một ngôi Chùa rộng rãi và an khang hơn mỗi lúc càng cấp bách, Thầy tôi lên đồ án gây quỹ, thiết kế và xây dựng ngôi Chùa Viên Giác mới. Sau một thời gian đi tìm kiếm địa điểm xây cất Thầy tôi chọn ngay miếng đất đối diện ngôi Chùa cũ bấy giờ, với diện tích là 16.000 mét vuông của hãng Mehmel đăng bán. Tuy nhiên khả năng tài chánh chỉ có thể cho phép mua được 4.000 mét vuông với tổng giá tiền là 540.000 Đức Mã, tức 135 Đức Mã một mét vuông. Việc vẽ sơ đồ và trông nom xây dựng Thầy tôi giao trách nhiệm cho Kiến Trúc Sư Trần Phong Lưu, hy vọng sẽ phối hợp được những kiến trúc đặc thù giữa Đông và Tây. Sau khi trả xong tiền đất, sổ Bank của Chùa bấy giờ chỉ còn được 300.000 Đức Mã. Nhưng số tiền xây cất dự định đến 3 triệu Đức Mã, tương đương với 1,5 triệu Euro làm sao có được? Đó cũng là câu hỏi thắc mắc lớn của các hãng thầu khi Thầy tôi tìm đến họ. Những điều khó khăn này không làm cho Thầy tôi chùn bước mà vẫn tiến hành việc gây quỹ và đấu thầu, khởi công xây dựng. Không có cách nào hơn Chùa đành phải mượn nhà Bank 700.000 Đức Mã để có liền số tiền để xây dựng. Mượn 700.000 nhưng tính luôn tiền lãi xuất thì lên đến 1,4 triệu. Thầy tôi lên nhiều kế hoạch để gây quỹ, nào là kêu gọi cúng dường, cho mượn hội thiện không lời, chương trình 1 mét vuông đất, 1 viên gạch, 1 mái ngói, thỉnh tôn tượng Thích Ca thờ trong Tháp, phát hành bánh trái và đồ chay, quyên góp nơi những nhà hàng, đi làm Phật sự từ các Chi hội, v.v… Cuối cùng hãng Mehmel đồng ý đảm nhận công trình xây cất, sau khi Thầy tôi cam đoan rằng, các ông cứ bắt đầu cho các loại xe và máy móc hoạt động, người Việt khi thấy dự ánTrung Tâm Phật Giáo lớn nhất Âu Châu bắt đầu hình thành thì họ sẽ phát tâm cúng dường một cách hoan hỷ. Nhờ công đức vô lượng của Phật tử khắp nơi mà tổng số tiền 9 triệu Đức Mã, tương đương với 4,5 triệu Euro, cuối cùng cũng được trả hết. Thật là bất khả tư nghì.

Nói đến điểm này, huynh đệ chúng tôi phải tán phục nghị lực và tâm nguyện quyết chí của Thầy tôi, xây cho bằng được Chùa Viên Giác và các dự án khác. Với biệt hiệu “ho ra bạc, khạc ra vàng”, nói đúng hơn, với tâm nguyện kiến lập đạo tràng, hoằng pháp độ sanh, với y báu và chánh báu và công đức của chính Thầy tôi và của hàng ngàn Phật tử khắp năm châu bốn biển mà ngôi Chùa Viên Giác mới được khánh thành vào mùa Xuân năm 1991. Hai năm sau Chùa tổ chức lễ hoàn nguyện vào mùa Vu Lan năm 1993, dưới sự chứng minh của chư Tôn Đức đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khoảng thời gian xây cất ngôi Chùa Viên Giác mới, các Sư huynh của tôi: Hạnh Tấn, Hạnh Bảo, Hạnh Vân, Hạnh Từ, Hạnh An, Hạnh Định, Hạnh Luận v.v… rất chi là vất vả cùng chung sức với quý Phật tử về Chùa làm công quả từ khắp nơi trên khắp nước Đức, gánh vác công việc xây dựng, từ xúc đất, khiêng gạch, lót sàn, đắp tường, v.v… Trợ giúp công việc lúc đó lại có các anh em bên Đông Âu đến Chùa làm công quả, nếu không việc gì cũng phải mướn thợ thì e rằng số tiền xây dựng sẽ không ngừng ở con số 4,5 triệu Euro.

Đến năm 2008, khi tôi về Đức đảm nhận trách nhiệm thì lúc bấy giờ, theo thời gian năm tháng, Chùa cũng đã xuống cấp trầm trọng, cần phải được tu bổ nhiều nơi. Thế là tôi bắt tay ngay vào công việc sửa sang từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, để ngôi Chùa được an khang và trang nghiêm hơn. Tâm nguyện tôi là muốn hoàn tất nhanh chóng việc tu bổ để hướng đến phần tu tập cho đại chúng. Lúc ấy có thể nói, ý chí của tôi rất mạnh, phát nguyện hăng say làm bất cứ việc gì có thể làm được, đem những kinh nghiệm tu tập và quản lý hành chánh mà tôi đã học được qua 4 năm lưu trú tại Đài Loan ra áp dụng. Công trình đầu tiên là thiết kế và làm lại phòng thờ hương linh. Từ một nơi u tối, với ánh đèn mập mờ, được biến thành một nơi thờ phượng trang nghiêm cung kính. Tôi nhớ có một Sư Cô lớn tuổi và một số Phật tử cao niên dọa tôi rằng: “Thầy không được thay đổi và đụng vào các tấm hình Hương linh, vì đó cũng giống như tấm bia và mồ mả của họ vậy!”. Tôi thầm nghĩ: “Sao lại phải như vậy? Người sống cũng muốn được có nơi ở đẹp và thoáng, người mất cũng chẳng như vậy sao?”. Vả lại, trước khi bắt đầu tôi cũng đã làm lễ cung thỉnh chư Phật và Bồ Tát chứng minh gia hộ, các Hương linh ký tự tùng tự hoan hỷ, chứ đâu phải tự nhiên tháo gỡ xuống hết để làm? Hình ảnh của chư Hương linh thờ tại Chùa vào thời điểm năm 2008 đã hơn 4.000. Nếu tiếp tục như vậy thì chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi trên 13 tấm bảng lớn sẽ không còn chỗ dán hình. Lúc đó phải giải quyết cách nào? Tôi suy nghĩ và triển khai cách đưa hình Hương Linh vào computer và chiếu lên màn hình lớn. Mỗi lần có đám hoặc kỵ giỗ thì chỉ cần bấm tên là hình sẽ hiện ra trên màn hình. Thầy tôi nghe qua ý kiến, dặn dò tôi phải đắn đo suy nghĩ kỹ trước khi quyết định làm. Tôi cho sự nhắn nhủ đó là một sự đồng ý để tôi tiến hành công việc. Vì lẽ, không có cách nào đẹp, trang nghiêm và lâu dài hơn. Phật tử mai đây rồi cũng sẽ quen dần với cách thờ phượng mới này.

Xong phòng Tổ tôi tiếp tục chuyển qua làm Chánh điện, sơn quét lại các pho tượng và vách tường, dọn dẹp ngăn nắp sạch sẽ, làm lại 2 bên bàn thờ Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cho thật trang nghiêm, di chuyển nơi phát hành Phật cụ và trái cây xuống tầng dưới, trả lại sự trang nghiêm thanh tịnh nơi Chánh điện, làm cửa kiếng bên ngoài tượng Phật A Di Đà trước Chánh điện. Thay vì phải mướn thợ mộc làm và thay lại hết toàn bộ các cánh của gỗ lớn dẫn vào Chánh điện tôi nghiên cứu cách làm cửa kiếng kéo ngăn lại. Với hệ thống này những cánh cửa kiếng có thể dễ dàng đóng mở khi cần thiết, chi phí lại rẻ hơn rất nhiều so với tiền trả cho vật liệu và thợ mộc. Hầu hết tất cả gần 100 cửa ra vào, trong và ngoài của Chùa đều có kích thước khác nhau, không dùng kích thước quy định của Đức. Vì vậy phải đặt riêng. Hệ thống cửa kiếng lại giúp che gió thổi lồng qua các cánh cửa gỗ đã bị hở; Chùa lại có được thêm không gian trước tượng Phật A Di Đà để Phật tử có thể lạy Phật, đi kinh hành, nhất là vào những tháng trời lạnh và tuyết rơi bên ngoài. Kế tiếp là hội trường đa dụng và sân khấu, tháo hết tất cả những tấm tường ngăn bằng gỗ, để lại từ thời Expo năm 2000 dùng để ngăn không gian và làm tường giả để triển lãm hình ảnh, sơn quét lại toàn bộ, cho làm lại trần hội trường với kỹ thuật mới và đẹp, làm thêm bánh xe Pháp và hoa sen Gia Đình Phật Tử 2 bên phía cánh gà, gắn 2 cửa kiếng tự động ra vào hội trường, thiết kế lại sân khấu và trang bị hệ thống đèn pha màu và âm thanh mới. Xong được Chánh điện và hội trường tôi tiếp tục cho làm lại phòng Bi Trí Dũng sau sân khấu, thiết kế lại văn phòng làm việc ở tầng dưới cũng như văn phòng làm việc chư Tăng ở lầu một bên cạnh Chánh điện. Những chương trình tu bổ này tôi đều trình lên Thầy tôi, có lúc Thầy đồng ý, có lúc không trả lời, có lúc ngăn cản không cho làm. Dự định ban đầu của tôi hoàn tất phần tu bổ trong vòng 1 hoặc tối đa 2 năm không thành mà kéo dài đến 4 năm. Lý do là Thầy tôi không dễ chấp nhận cho tôi tu bổ thay đổi phần bên ngoài. Thầy dặn dò tôi nhiều lần là chỉ được tu sửa bên trong, không được phép thay đổi bên ngoài. Tôi kiên nhẫn xin phép và làm từng phần, luôn thăm dò xem Thầy tôi sẽ phản ứng như thế nào? Tôi lựa chọn thời điểm Thầy tôi mỗi năm sang Úc nhập thất 3 tháng mùa Đông để tiến hành công việc. Tuy rằng Thầy tôi đi vắng, vậy chứ điều gì ở Chùa Thầy cũng đều biết. Thì ra tôi khám phá ra là có nhiều “ăng ten“ báo cáo cho Thầy tôi biết. Khi Thầy tôi về lại Chùa, ngược lại với những sự hù dọa của vài người rằng Thầy sẽ la rầy, quở mắng, Thầy chỉ im lặng và quán sát. Vì lẽ, Thầy tôi đã từng sống ở Nhật và luôn khen cách trang trí thiết kế, sự sạch sẽ và gọn gàng trong Chùa và những nơi công cộng. Thầy không khen trực tiếp nhưng có cho người khác biết sự hài lòng của Thầy. Đây chính là điều bảo đảm và đèn xanh để tôi có thêm nghị lực và sáng kiến mới để sửa Chùa. Phần chót trong chương trình tu bổ bên trong là phòng làm việc và nghỉ ngơi của Thầy tôi. Ôi, ở đâu cũng có sách báo, thư từ cột từng bó, chồng chất cao đến quá đầu trên các tấm kệ. Thầy tôi giữ lại tất cả, từng mảnh giấy ghi chú nhỏ, từng bức thư, từng quyển sách và tờ báo. Tôi thưa lên Thầy: “Sách báo và thư từ cũ rất bụi bặm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Thầy”. Và tôi đã thuyết phục được Thầy tôi cho phép tôi tổng dọn dẹp và làm lại phòng của Thầy cho rộng rãi và đẹp hơn. Tôi trao cho Thầy tôi 2 valy và 2 két bằng nhựa để chứa những gì Thầy muốn để lại. Ngoài ra, tôi sẽ đốt và cho đi hết. Thầy nhìn tôi lắc đầu. Vậy mà trước khi Thầy tôi đi Úc, Thầy đã sắp gọn những món cần thiết vào 2 valy và 2 két nhựa mà tôi đã trao cho Thầy. Sau đó, tôi cần đến 3 ngày, mỗi ngày trung bình 3 đến 4 tiếng để tự tay đốt từng lá thư, từng mảnh giấy của Thầy. Ôi, biết bao nhiêu con tem đầy giá trị đối với một người sưu tầm tôi đành liệng vào lửa, đốt cháy hết thành tro bụi. Đâu có gì là thường tồn, vĩnh cửu? Sau đó tôi thiết kế lại toàn bộ căn phòng, mua sắm tủ và kệ mới, gắn lại cửa mới, cho sơn quét, dán giấy lại v.v… Khi Thầy tôi từ Úc về tôi đích thân mở cửa và giới thiệu với Thầy căn phòng mới. Thầy hoan hỷ cười “ký” nhẹ lên đầu tôi. Trong suốt 10 năm có những chương trình dự định tu bổ tôi phải thưa lên Thầy đến 2, 3 lần, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn. Sau khi xong phần bên trong tôi nhắm đến phần bên ngoài, mặc dù biết rằng xin phép Thầy tôi rất khó. Hai chương trình tu bổ và xây dựng cuối cùng mà tôi nhắm đến là thay đổi mặt tiền của Chánh điện, nơi có cầu thang ngoằn ngoèo của người đi xe lăn dẫn từ tầng trệt lên lầu một và xây dựng Quan Âm Hoa Viên, bao gồm Quan Âm Đài với bức tượng Quan Âm lộ thiên cao 7 mét và công viên vườn tược. Thay đổi mặt tiền là điều đa số ai cũng nghĩ là hợp lý vì sẽ đẹp và trang nghiêm, oai vệ đối với ngôi Tổ Đình Viên Giác. Tôi tìm cách dò hỏi ý kiến của Thầy tôi, lần thứ nhất nhận được câu trả lời khẳng định “không được phép“; lần thứ hai “không được thay đổi hình dáng bên ngoài“; lần thứ 3 Thầy nhắc nhở: “Kiến trúc Chùa đã xin phép xây như vậy, với lối đi cầu thang cho người đi xe lăn. Việc đập bỏ đi làm sao có thể?”. Tôi nghe Thầy tôi dạy nên chỉ biết im lặng vì lúc ấy tôi không nghĩ ra được đáp án. Thời gian trôi qua vài ba tháng tôi lại chờ cơ hội để thưa lên Thầy tôi một lần nữa, lần thứ tư. Vào một cuối tuần khi thời tiết trong mát, Thầy sai tôi lái xe chở Thầy đi Phật sự. Ngồi trên xe suốt đoạn đường dài là những lúc tôi hay tiếp chuyện với Thầy tôi. Thầy kể chuyện, hỏi thăm hoặc nhắc nhở công việc cần phải làm v.v… Chắc có lẽ Thầy muốn chúng tôi tỉnh táo trong lúc lái xe nên hay bắt những câu chuyện như vậy. Thừa lúc Thầy tôi đang lúc thật vui, tôi lại nêu ra câu chuyện tu bổ mặt tiền của Chùa: “Bạch Thầy, theo con nghĩ, lối đi lên Chánh điện cho người đi xe lăn là điều cần phải có. Nếu từ lúc ban đầu thiết kế một thang máy thì tiện biết bao. Vậy bây giờ cũng đâu có trễ khi Chùa mình sửa lại lối đi đó?”. Tôi lại tiếp tục trình bày với Thầy tôi phương án làm cầu thang Treppenlift chạy dọc theo cầu thang phía bên trái lầu trống lối lên Chánh điện vì lối đó ít xử dụng hơn lối lên bên phải lầu chuông. Cầu thang ấy hoàn toàn tự động chỉ cần bấm và giữ nút, người đi xe lăn có thể một mình xử dụng được. Thầy tôi lắng nghe và không trả lời hoặc phản ứng gì. Bẵng qua 2 tháng, từ ngày tôi thưa chuyện với Thầy tôi, đầu tháng 10 Thầy lên xe đi ra phi trường để bay sang Úc nhập thất, tịnh tu và viết sách. Tôi chấp tay chào tiễn đưa Thầy lên đường và gởi kèm theo một câu: “Con kính chúc Thầy thượng lộ bình an. Thầy cho phép con được làm thang máy”. Thầy tôi nhìn không trả lời và xe từ từ lăn bánh và biến mất sau cánh cổng lối bên văn phòng. Tôi liền điện thoại cho hãng lấy bê tông và hỏi giá cả cũng như thời gian sớm nhất họ có thể đến cắt, phá và chở đi những khối bê tông. Họ trả lời chỉ cần 2 ngày và đầu tuần họ có thể khởi công. Sau khi thương lượng giá cả, tôi đồng ý cho họ tiến hành. Lần này lại có người mách với Thầy tôi: “Thầy mới đi, Thầy Hạnh Giới đã đập phá Chùa, bỏ hết đồ”. “Mô Phật! Lại có người không biết chuyện đi xuyên tạc và rao tin, nói xấu quý Thầy. Đây có phải là phá hòa hợp Tăng không nhỉ?” tôi thầm nghĩ. Sau khi những khối bê tông chằng chịt phía trước được cắt bỏ và mặt tiền được thay thế bởi dãy lan can bằng kiếng trong suốt thì quả thật mặt tiền của Chùa khác hơn trước rất nhiều. Mọi người đều tán thán như vậy.

Từ năm 2007 Chùa đã mua thêm miếng đất phía sau gần 5.000 mét vuông, nhưng dự án xây cất Trung Tâm Tu Học và Nghiên Cứu Phật Giáo, từ thời Sư huynh tôi, Thầy Hạnh Tấn cho đến nhiệm kỳ của tôi vẫn không thực hiện được. Dự án quá lớn mà Chùa lại không đủ khả năng tài chánh và nhân sự. Tôi lại trình lên Thầy tôi hủy bỏ dự án thay thế vào một hoa viên với tượng Phật và Đài Quan Âm cao 10 mét. Lần này Thầy tôi đồng ý và bật đèn xanh liền. Thời gian thiết kế và xây dựng kéo dài cũng hơn 3 năm, phải xin giấy phép của sở xây dựng vì tượng và đài cao hơn 5 mét, tìm một kỹ sư cấu kết (Statiker), hãng thầu xây dựng v.v… Tượng Bồ Tát Quan Âm bằng hóa chất mạ vàng cỡi cá đầu rồng tôi nhờ Sư đệ Hạnh Nhơn và Sư điệt Thông Trụ qua tận Trung Quốc để đặt và giám sát thợ làm. 1290 tượng bằng lưu ly do một hãng thiết kế bên Đài Loan đảm nhận, công viên gồm cây cỏ, lối đi, lót gạch đều giao cho hãng thiết kế vườn Kretschmer, tường và bọc Marmor tứ trụ giao cho ông thợ nề Kindler, 3 cổng sắt đi vào thì giao cho hãng Gonschorek, hãng điện Kakstein đảm nhận phần đèn điện và còn nhiều công việc khác nữa. Hoa Viên Quan Âm còn có thêm hồ phun nước với pho tượng Phật Đản Sanh, được hoàn nguyện vào mùa Vu Lan và Lễ Hội Quan Âm năm 2017, cũng là lúc tôi được sự đồng ý của Thầy tôi cho mãn trách nhiệm Trụ Trì sau gần 10 năm.

 

Thành lập Hội Phật Tử, Chi Hội Phật Tử và cộng đồng cư sĩ tại gia.

Nhiệm vụ của người Phật tử tại gia là hộ trì chánh pháp, hộ trì chư Tăng Ni hoằng dương Phật pháp. Nhiều người Việt Nam khi qua đến Đức mới biết đến Chùa, biết đi nghe Pháp, quy y Tam Bảo, thọ Ngũ giới, Thập thiện, Bồ Tát Giới tại gia, biết ngồi Thiền, tụng Kinh, bái sám v.v… Nhiều người tham gia trong những Ban Hộ Trì Tam Bảo của Chùa, giúp làm Phật sự, công quả của Chùa. Những vị trong Ban Hộ Trì này thường là những quý Bác, Chú, những Phật tử thuần thành ở gần Chùa, Niệm Phật Đường hoặc đang sinh hoạt trong các Chi Hội Phật Tử tại các địa phương. Các vị thường hay lui tới Chùa và Niệm Phật Đường, chủ yếu tham gia các khóa tu tập, phụ giúp Chùa trong nhiều công việc. Quý bác trong Ban Hộ Trì Chùa Viên Giác tích cực trong nhiều công việc Chùa cần đến, thí dụ như làm báo, làm bánh trái để phát hành, nấu ăn, vệ sinh dọn dẹp. Những nơi không có Chùa thì các Chi Hội tự thuê mướn một địa điểm nào đó ở gần nơi cư trú của họ để tổ chức các buổi lễ Phật, cầu an, cầu siêu. Trong những lễ định kỳ hàng tháng Chi Bộ thường cử quý Thầy Cô đến nơi đó để chủ trì và hướng dẫn các buổi lễ.

Để phối hợp tất cả các công tác Phật sự của nhiều địa phương “Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam Tại Đức” đã được ra đời vào năm 1978. Lúc bấy giờ thành viên của Hội đa số là sinh viên Việt Nam đang du học tại Đức, sau biến cố 1975 họ đã trình đơn xin tỵ nạn ở Đức và không muốn trở về lại Việt Nam. Đến năm 1984 thì danh xưng của Hội được đổi thành “Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức” và được tòa án Hannover công nhận cho đến bây giờ. Hệ thống hành chánh này nằm dưới sự điều hành của Chi Bộ Đức Quốc. Cho đến bây giờ 22 Chi Hội và 7 Gia Đình Phật Tử là thành viên của Hội Phật Tử này. Có những Chi Hội được thành lập từ lúc ban đầu và vẫn còn tồn tại sinh hoạt đến hôm nay; cũng có những Chi hội vì nhiều lý do đã không còn sinh hoạt nữa. Đồng thời cũng có vài nơi chưa chính thức có một Chi Hội mà chỉ là một Ban liên lạc. Trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm Phật Giáo Việt Nam tại Đức Quốc vừa rồi tại Tổ Đình Viên Giác, Thầy tôi đã ban huấn từ với những lời hoan hỷ tán thán và tri ân cảm niệm đến tất cả mọi người đã đóng góp xây dựng Phật Giáo Việt Nam nói chung và Chùa Viên Giác, Hội Phật Tử nói riêng trong suốt thời gian qua. Thầy bày tỏ niềm vui khi biết rằng hiện bây giờ đã có hàng ngàn người Phật Tử đã quy y Tam bảo, thọ ngũ giới, nhiều người đi lễ biết khoác lên mình chiếc áo tràng lam thanh nhã. Thầy kể lúc Thầy mới qua Đức trong đạo tràng chỉ duy nhất có một Phật tử mặc áo tràng.

 



 

Chua Vien Giac (33)

Sư Phụ Thích Như Điển
và đệ tử Thích Hạnh Giới

           

Thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam.


Sứ mệnh của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là “đào tạo thanh, thiếu, đồng niên trở thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Suốt hơn 70 năm lịch sử và chứng minh hơn hết, kể từ biến cố 1975, khi hàng loạt người con Việt phải từ bỏ quê hương ra đi tìm tự do, sinh sống khắp mọi nơi trên thế giới, tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã có mặt để hỗ trợ cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, quý chư Tôn Đức củng cố và xây dựng niềm tin của những người con Phật sống trên đất lạ quê người. Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được cho là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ 20 góp phần vào việc đào tạo Tăng tài và sáng lập đào tạo các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử. Hơn 40 năm lịch sử của người Việt tại hải ngoại, không biết bao nhiêu hội đoàn và tổ chức đã được thành lập nhằm trợ giúp người Việt hội nhập và làm quen với đời sống mới trên đất lạ. Tuy nhiên sự tồn tại của những hội đoàn này cũng chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian nào đó, trễ nhất là khi thế hệ thứ hai và thứ ba của người Việt đã được hoàn toàn hội nhập vào xã hội xứ người. Nhưng Gia Đình Phật Tử có thể nói là một tổ chức đúng đắn nhất trong những tổ chức có mặt trong một xã hội. Vì sao? Vì lý tưởng của mỗi Huynh Trưởng và đoàn sinh là “Chỉ hướng cho thuyền đời và nẩy hoa cho cuộc sống”. Một tổ chức luôn hướng mỗi cá nhân trên con đường an lạc giải thoát, để lợi mình và lợi người, đúng như lời dạy của Đức Thế Tôn nhằm hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát trong tương lai. Đây chính là điểm son mà những tổ chức khác không có được.

Nhận thấy được điều này, Thầy tôi đã nỗ lực kêu gọi tập họp các anh chị Huynh Trưởng đã từng sinh hoạt trong các Gia Đình Phật Tử tại quê nhà để thành lập Gia Đình Phật Tử tại nước Đức. Dưới sự cưu mang đùm bọc của Thầy và quý chư Tôn Đức, quý phụ huynh, quý anh chị Huynh Trưởng và các mạnh thường quân, tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam phát triển theo thời gian năm tháng. Thời gian trôi qua, với bao sự thăng trầm của tổ chức, 7 người con của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc, vẫn đang đứng vững giữa trời Âu và ngang vai sát cánh cùng với những đơn vị bạn khắp nơi trên thế giới để được dấn thân phụng sự Tam Bảo, đền báo tứ trọng ân và dẫn dắt thế hệ đàn em, duy trì tổ chức.

Suốt thời gian từ ngày thành lập Gia Đình Phật Tử đầu tiên vào năm 1987 cho đến 2003, Thầy tôi trực tiếp đảm nhận vai trò Cố vấn giáo hạnh cho GĐPT. Vai trò này được tiếp nối từ năm 2003 đến 2007 bởi Sư huynh của tôi, Thầy Hạnh Tấn. Và kể từ năm 2008 tôi đảm nhận tiếp vai trò này cho đến nay. Với vai trò và trách nhiệm do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc đề cử, cộng thêm sự trải nghiệm sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức trên 14 năm, bản thân chúng tôi được học hỏi rất nhiều từ các anh chị Huynh Trưởng cao niên, gần gũi với các anh chị em tân Huynh Trưởng và các đoàn sinh các ngành. Đối với bản thân, chúng tôi biết được giá trị thật sự về sự tu tập tự chính bản thân và sự huấn luyện đào tạo, sinh hoạt của tổ chức. Với niềm khao khát đóng góp một phần nhỏ của mình giúp ích làm hành trang vào đời cho các anh chị Huynh Trưởng và các em đoàn sinh, chúng tôi nghiên cứu và thiết lập những chương trình tu học Phật pháp có hiệu quả cao để các em dễ tiếp nhận giáo lý nhà Phật. Phương pháp hướng dẫn giáo lý bằng song ngữ Việt và Đức được áp dụng theo dạng work shop, thời gian từ một tiếng đến một tiếng rưỡi. Nội dung bao gồm lý thuyết, thảo luận và thuyết trình, giúp các em tự tin, hoạt bát và phát huy khả năng và sự hiểu biết của mình. Sự học hỏi giáo lý được bổ sung thêm với những sinh hoạt bổ ích, thể thao, giải trí vòng tròn, trò chơi lớn, v.v… thích hợp cho từng lứa tuổi và hoàn cảnh.

Bắt đầu từ Vu Lan năm 2017, một khi được nhẹ bớt công việc Phật sự của Chi Bộ và Tổ Đình Viên Giác, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để chuyên sâu vào việc dịch thuật, biên soạn những bài pháp căn bản để giúp cho giới trẻ đến với giáo lý nhà Phật. Những tài liệu Phật pháp này cũng sẽ được dịch ra tiếng Đức và Anh nhằm lợi lạc cho thế hệ các con em Việt hiện tại và về sau, vì e rằng đến một thời điểm nào đó các em sẽ kém phần biết đọc, nói và viết tiếng Việt. Tuy nhiên, việc học pháp và sự tu tập hành trì dành cho Gia Đình Phật Tử cần phải được triển khai hơn nữa. Do đó, mục đích và chí hướng cho những năm tới đây là xúc tiến tìm những phương pháp tu học hiệu quả hơn, đặc biệt là sự ứng dụng Phật Pháp vào đời sống thường nhật để các anh chị Huynh Trưởng và các đoàn sinh có niềm tin vững chắc với đạo Phật của mình một khi giao tiếp với bạn bè, người bản xứ, nơi học đường, sở làm hoặc các tổ chức hội đoàn khác. Làm cách nào để gieo hạt giống Bồ Đề, hạt giống Tình Lam trong các em? Làm sao khơi dậy gương dấn thân phụng sự cho tổ chức từ các em? Làm sao các em có được tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết cho tổ chức? v.v…

Các em Oanh vũ, thiếu và thanh có được duyên lành đến với Gia Đình Phật Tử, là đến với Chùa, đến với Tam Bảo, được cơ hội phát triển Phật tánh của mình. Được học pháp và gần gũi với quý Thầy Cô, được sự tận tình chăm sóc của Bác Gia Trưởng, các anh chị Huynh Trưởng, các bậc phụ huynh trong ban bảo trợ, các mạnh thường quân, các ân nhân đóng góp công sức và tịnh tài v.v… Các em đoàn sinh không ai khác chính là những mầm non, những búp măng, những con em của chúng ta, sẽ tiếp gót các anh chị Huynh Trưởng trong nhiệm vụ dẫn dắt thế hệ tiếp nối. Tre già thì măng mọc, đó cũng là một định luật tự nhiên vậy. Tuy nhiên trên phương diện duy trì và phát triển, Gia Đình Phật Tử, nói đúng hơn là các anh chị Huynh Trưởng phải luôn tích cực học hỏi, phát huy sáng kiến, dựa theo đà phát triển tinh vi của khoa học, con người và xã hội để cập nhật hóa, đưa tổ chức đến hưng thịnh.

Trong suốt 30 năm qua, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Đức Quốc đã thể hiện sự trung thành đối với Giáo Hội nói chung và Chi Bộ Đức Quốc nói riêng. Các anh chị trong Ban Điều Hành, các Huynh Trưởng và đoàn sinh GĐPT Đức Quốc, bao gồm Minh Hải, Tâm Minh, Chánh Niệm, Chánh Dũng, Pháp Quang, Chánh Giác và Chánh Tín đã đóng góp sức mình vào các Phật sự tại Tổ Đình Viên Giác. Nhiều đoàn sinh đã được huấn luyện qua các Trại chúng trưởng, Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, v.v… Bản thân chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh cao cả và sự gắn bó của các anh chị Huynh Trưởng đối với tổ chức. Nhiều anh chị có thể nói là từng hơi thở, từng nhịp tim đều hướng đến tổ chức. Sự hồn nhiên sinh hoạt, tinh thần học pháp và cầu tiến của các em đoàn sinh các ngành làm cho chúng tôi càng lên tinh thần và phát nguyện dõng mãnh hơn nữa trên con đường hoằng pháp lợi sanh của một Trưởng Tử Như Lai.

Đối với các anh chị Huynh Trưởng và toàn thể đoàn sinh GĐPT VN Đức Quốc, được khoác lên mình chiếc áo lam, được đeo hoa Sen trắng là một vinh dự cho một Huynh Trưởng và đoàn viên của tổ chức. Những lúc phiền não, nản chí hay giải đãi, hãy nhớ lại những khoảnh khắc quỳ trước Phật đài và Chư Tôn Thiền Đức để phát nguyện thọ cấp làm Huynh Trưởng, chính thức làm đoàn sinh GĐPT, góp phần xây dựng và phát triển cho tổ chức.

 

Đời sống tâm linh và sự bảo tồn văn hóa truyền thống

Hơn 40 năm về trước những người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến nước Đức. Mục đích của bao nhiêu người Việt từ bỏ chính quê hương mình ra đi tìm tự do đã được toại nguyện. Nhưng khi qua đến định cư ở một đất nước mới, câu hỏi được đặt ra là tiếp tục như thế nào? Họ phải làm quen với cuộc sống mới và cần thời gian để thích nghi với xã hội mới. Sau một thời gian ổn định họ bắt đầu hướng về quê hương và tôn giáo của họ. Không ít người Việt nhận thấy sự quan trọng phát triển niềm tin của họ khi ra nước ngoài, nếu không sẽ khó vượt qua những sự thay đổi trong cuộc sống của họ. Mặc dù họ hưởng được không khí tự do nhưng ngược lại cảm thấy cô đơn và ám ảnh bởi những trải nghiệm trên đường vượt biển, nhớ nhà và thân nhân còn ở Việt Nam. Tôn giáo mang ý nghĩa gì đối với người Phật tử? Điều này được thể hiện qua hai câu cuối của bài thơ Nhớ Chùa của Hòa thượng Thích Mãn Giác, bút hiệu Huyền Không, nói lên ý nghĩa thâm sâu, sự tồn tại và gắn bó của người con Việt với ngôi Chùa. “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Nơi nào có Chùa tức nơi đó có ngôi Tam Bảo, có chư Tôn Đức Tăng Ni hoằng pháp, có truyền thống và văn hóa Việt. Thật ấm cúng và đạo vị khi đến bất cứ nơi nào có sự hiện hữu của một ngôi Chùa Việt.

Đến những năm cuối thập niên 90 đã có nhiều người Việt sinh sống tại nước Đức. Sự hội nhập của họ tương đương với những người Việt sinh sống tại Mỹ, Canada, Úc và những quốc gia Âu châu khác. Lúc ban đầu tôn giáo chỉ đóng một vai trò nhỏ trong việc ổn định cuộc sống, nhưng không lâu sao đó tôn giáo trở thành điểm quan trọng để khẳng định vai trò và cuộc sống mới trong một xã hội mới. Tôn giáo giúp họ gắn liền những kỷ niệm từ quá khứ và những kinh nghiệm mới trong môi trường mới. Tôn giáo, niềm tín ngưỡng chính là có vai trò trong nền triết lý và nhận định về sắc tộc, giúp họ tìm lại bản sắc.

Sau một thời gian ngắn để hội nhập thế hệ thứ nhất tìm đến tôn giáo để nương tựa. Họ thành lập Niệm Phật Đường, Chùa để bảo tồn văn hóa Việt và tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Họ cố gắng tạo dựng lại những khuôn khổ giống như ở Việt Nam tại xứ người, từ hình thức cho đến nội dung. Về hình thức, những ngôi Chùa được tạo dựng thường có vóc dáng như một ngôi Chùa, gồm có Chánh điện, Trai đường hoặc phòng ăn lớn có nơi sinh hoạt, cổng Tam Quan và một ngôi Tháp. Về nội dung, những sinh hoạt bao gồm những lễ định kỳ mỗi cuối tuần, giờ thuyết pháp, thời tụng Kinh, bái sám, cầu an và cầu siêu v.v… Nhiều nơi mua những căn nhà rộng thoáng và cải cách thành Chùa, Niệm Phật Đường. Có nơi bên Mỹ mua cả nhà thờ để cải thành Chùa. Mặc dù trên cả nước Đức cũng có tồn tại những ngôi Chùa của những truyền thống khác, nhưng người Việt vẫn ưu tiên đi đến Chùa Việt. Vì vậy họ không ngần ngại khi phải đi cả hàng trăm cây số để mỗi lần lễ hội về Tổ Đình Viên Giác để đóng góp công quả và tham dự lễ.

Các Chùa ở Đức tìm mọi phương tiện để tạo lập một ngôi Chùa quen thuộc cho người Việt sinh sống tại Đức. Vì vậy mà Chùa Viên Giác cũng được xây dựng là vậy. Những ngôi Chùa và Niệm Phật Đường nhỏ từ một căn nhà được cải thành không mang nhiều đặc thù của một ngôi Chùa Việt. Lý do cũng dễ hiểu là vì kiến trúc căn nhà đã là như vậy; muốn trang trí cho giống một ngôi Chùa truyền thống cần phải xin giấy phép xây dựng hoặc sửa đổi. Những pho tượng từ nhỏ đến lớn đều được thỉnh từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, Nepal, sang để thờ phượng. Cơ cấu tổ chức và điều hành các công tác Phật ở Đức giống như một lưới màng nhện, phân ra khắp nơi trên nước Đức. Mỗi Chùa đều tự do độc lập tổ chức những chương trình Phật sự của Chùa mình. Riêng các Phật sự chung hoặc những ngày Đại lễ thường được bàn thảo và lên lịch trình trong phiên họp mỗi năm của Chi Bộ. Phiên họp quy tụ chư Tôn Đức từ các Chùa thuộc Chi Bộ về để đúc kết những Phật sự trong năm và bàn thảo lên chương trình cho năm tới. Mỗi Chùa luân phiên đứng ra đảm nhận và tổ chức buổi họp thường niên này, thông thường bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, với thời gian dùng trưa và nghỉ giải lao 2 tiếng. Các Phật sự được sắp đặt và phân chia cho các Chùa và Niệm Phật Đường thuộc Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức Quốc. Các đại lễ như Phật Đản và Vu Lan thường được tổ chức vào những cuối tuần, tránh sự trùng ngày với các Chùa trong hệ thống hành chánh của Chi Bộ. Vì vậy mà Phật Đản và Vu Lan không phải chỉ là 1, 2 ngày trong năm mà thường kéo dài cả một tháng. Vào mỗi cuối tuần đều có tổ chức lễ ở các Chùa Việt Nam, để chư Tôn Đức có thể đi tham dự chứng minh và Phật tử ở nhiều nơi có thể tham dự lễ hội.

Một trong những nỗ lực của người Việt tại hải ngoại là dựa vào tôn giáo, niềm tín ngưỡng của mình để giáo dục thế hệ trẻ, nhằm giữ được văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ tiếng Việt. Không ít Chùa ở hải ngoại đều mở lớp dạy tiếng Việt và lịch sử Việt cho con em. Tại Đức, Gia Đình Phật Tử tại các địa phương đảm nhận vai trò này để dạy cho con em tiếng Việt, mở các cuộc thi đua đố vui, trao bằng khen và quà khuyến khích cổ động các em. Tại hải ngoại các hội đoàn tôn giáo và xã hội thường phải nỗ lực phấn đấu để giáo dục thế hệ trẻ không quên đi văn hóa và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Thế hệ thứ hai và thứ ba sanh ra và lớn lên tại Đức đều hội nhập hoàn toàn vào xã hội Đức và biết rất ít về truyền thống Việt. Nhiều em không hiểu, không viết và đọc được tiếng Việt. Không ít gia đình gặp khó khăn về vấn đề con cái sống giữa 2 văn hóa. Điều này Thầy tôi nói riêng và Phật Giáo Việt Nam, quý Thầy Cô tại Đức nói chung đã lưu tâm đến. Chi Bộ Phật Giáo Đức Quốc, các Chi Hội và Gia Đình Phật Tử thiết lập những chương trình tu học cho giới trẻ. Các khóa giáo lý cho Gia Đình Phật Tử, các trại hè sinh hoạt Phật Pháp thường được tổ chức để lôi cuốn các con em đến tham dự. Để mở rộng thêm điều kiện cho các em làm quen học hỏi từ những bạn của mình, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu mỗi năm, lồng trong Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, đều tổ chức những lớp học dành riêng cho giới trẻ thuộc các lứa tuổi đến từ các quốc gia tại Âu Châu như Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo, các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch. Lứa tuổi được chư Tôn Đức và các phụ huynh thường “chiếu cố” nhất chính là Đại Học Oanh Vũ, các em từ 6 cho đến 12 tuổi. Tên xưng này là do chính Sư Ông Khánh Anh thương kính đã đặt ra để cổ vũ các bậc cha mẹ dẫn con em mình đến với Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, để được gieo mầm chủng tử Phật và được vun bón. Các em trẻ, cũng là mầm non của Giáo Hội, được học giáo lý, tu tập, học thêm về lịch sử, địa lý Việt, học múa, học hát và đóng góp các tiết mục văn nghệ mỗi khi Chùa hoặc các Chi Hội và Gia Đình Phật Tử cần đến. Nhiều nơi đã thành lập ra những đoàn lân và đoàn vũ để các em có thể đi trình diễn cho người Đức để trao đổi văn hóa. Chương trình tu học được kèm thêm với chương trình giải trí, thi đua lành mạnh. Các trò chơi lớn, các sinh hoạt vòng tròn, các buổi sinh hoạt lửa trại, đều được tìm thấy ở các sinh hoạt thuộc về giới trẻ. Trong nhiều năm sinh hoạt với Giáo Hội, với các Chùa, chúng tôi đều tiếp xúc và hướng dẫn nhiều thành phần giới trẻ. Điều mà đáng phát triển và khuyến khích là khả năng lãnh đạo và nhận lấy trách nhiệm rất cao của một số em trẻ sanh ra ở hải ngoại. Các em có một tinh thần dấn thân và phụng sự rất đáng khâm phục. Từ những mầm non này chúng ta có hy vọng sẽ có những thế hệ sau tiếp tục gánh vác những công việc của bậc tiền bối để giúp hoằng dương chánh pháp, đem lợi lạc đến cho mọi người.

Sinh hoạt hằng ngày trong một ngôi Chùa đối với người xuất gia đều có giờ giấc và thời khóa rõ ràng. Một ngày mới bắt đầu bằng thời công phu khuya vào lúc 5:45 giờ với 15 phút tọa thiền và một 1 tiếng trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, niệm Phật, kinh hành và bái sám. Nếu là trong 3 tháng An cư, từ sau Phật Đản (Rằm tháng Tư âm lịch) cho đến Vu Lan (Rằm tháng Bảy âm lịch), thì thời kinh thứ hai cử hành vào lúc 11:30 giờ bằng nghi thức Quá đường và tụng kinh, nhiễu Phật. Thời kinh thứ 3 trong ngày bắt đầu lúc 17 giờ chiều, còn được gọi là thời công phu chiều, gồm tụng Kinh A Di Đà, Mông Sơn thí thực, đôi lúc có cả Sám hối. Thời công phu chiều này hướng về sự cầu siêu giải thoát cho những cô hồn ngạ quỷ vất vưởng. Đồ cúng cho họ gồm có cháo, gạo, muối và nước. Sau thời tụng kinh chiều, Đại Hồng Chung được đánh dội vang lên 108 tiếng để mở cửa địa ngục cho những chúng sanh đã trả hết nghiệp được siêu thoát và đầu thai lại kiếp khác.

Thời kinh cuối cùng trong ngày bắt đầu từ 20 giờ tối, là thời lạy Phật nhất tự nhất bái, có nghĩa là mỗi một chữ được xướng lên kèm theo với một danh hiệu của một vị Phật hoặc Bồ Tát và lạy xuống. Thí dụ Kinh viết: “Tôi nghe như vậy…” thì xướng rằng: “Chí tâm đảnh lễ, Nam MôTôi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”, “Chí tâm đảnh lễ, Nam Mô Nghe Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”… Đây là một phương pháp sám hối hữu hiệu giúp cho hành giả đọc tụng lời Kinh vừa phát lộ sám hối để tội diệt mà Thầy tôi hành trì mỗi tối trong 3 tháng An Cư. Lúc ban đầu Thầy hướng dẫn đại chúng lạy Ngũ Bách Danh, Tam Thiên Phật, Vạn Phật, Kinh Pháp Hoa và hiện tại là Kinh Đại Bát Niết Bàn ở giai đoạn cuối. Mỗi tối lạy từ 280 đến 350 lạy. Sau thời lạy Kinh có thời tọa Thiền 15 phút. “Sơ canh dĩ đáo thượng Phật đường. Tam nghiệp tịnh trừ đỗ Thánh nhan. Thâm tín Phật ngôn hằng niệm Phật. Dĩ tu nhất hướng vãng Tây Phương. Sanh tử sự đại, tấn tốc vô thường. Ngưỡng lao đại chúng các các tịnh nhất tâm hằng niệm Phật”. Tiếng hô canh trầm hùng đưa tâm thức của hành giả trở về với sự tỉnh giác, thấu hiểu sự vô thường trên thế gian này mà chuyên tâm niệm Phật.

Ngoài những thời khóa tu học ở Chùa, Thầy tôi tổ chức những khóa Thọ Bát Quan Trai, huân tu, lễ Phật đầu năm, những khóa Tu Học Phật Pháp cho Phật tử tại gia ở các Chi Hội và những nơi có đạo tràng sinh hoạt. Suốt 40 năm Thầy tôi đã làm công việc đó không mỏi mệt. Cho đến bây giờ Thầy vẫn còn hoạt bát và năng động đi nơi này nơi kia khi có người thỉnh cầu. Nhiều lúc về lại Chùa tôi thấy Thầy mệt, đau lưng nhức mỏi vì đi đường xa, nhiều lúc ngồi máy bay, xe lửa hoặc xe hơi nhiều tiếng liền. Dù mỏi mệt sau mỗi cuối tuần đi làm Phật nhưng suốt thời gian từ khi tôi vào chùa cho đến gần 20 năm sau, tôi chưa hề thấy Thầy tôi bỏ một thời công phu sáng nào trên Chánh điện. Việc Phật sự, nhu cầu tâm linh dường như không cùng tận, nơi nào cũng có Phật tử cung thỉnh, ham tu ham học Phật pháp. Tôi nghĩ Thầy tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc này cho đến khi thân thể tứ đại không còn cho phép nữa. Đó là tâm nguyện của một vị Thầy tâm linh hoằng pháp độ sanh vậy.

Các lễ hội Phật giáo và truyền thống.

Tại Chùa Viên Giác mỗi năm đều đón Tết Nguyên Đán, mừng Xuân Di Lặc. Lễ này mang tính cách văn hóa lẫn tôn giáo. Ở Việt Nam, Tết thường được tổ chức 3 đến 7 ngày hoặc cả một tháng ở vài nơi. Sự chuẩn bị đón Tết diễn ra rất chu đáo và có phần long trọng. Tết là một sự thay đổi, một sự bắt đầu mới, mang đến sự an khang thịnh vượng cho gia đình và xã hội. Theo truyền thống thì ngày 23 tháng chạp là ngày đưa Ông Táo về trời, sau đó ở Chùa cũng gác lại chuông mõ không tụng Kinh, bái sám trong bảy ngày, mà chỉ cúng thí thực cô hồn vào mỗi chiều. Trong thời gian 7 ngày đó là phần tổng vệ sinh, xông khói, lau dọn sạch sẽ Chùa từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Bàn thờ Phật, tượng Phật được tắm gội bằng nước hoa, hoa và trái cây được thay đổi và chưng bày trang nghiêm, các đồ đồng, chân đèn, lư hương, đĩa trái cây v.v… được lau chùi và đánh bóng.

Ở nước ngoài, Tết Nguyên Đán không thể tổ chức như ở Việt Nam vì nhiều gia đình không đoàn tụ ở chung một nơi, họ ở rải rác tại nhiều thành phố hoặc thậm chí ở những quốc gia khác nhau. Đa số người Việt ăn Tết ở nhà quây quần bên thân nhân bạn bè; một số khác tìm đến ngôi Chùa để tham dự lễ và tụng Kinh, cầu nguyện. Nhiều Chùa ở hải ngoại tổ chức Tết vào cuối tuần để bà con Phật tử có thể đi tham dự. Chùa Viên Giác thì vẫn giữ đúng truyền thống tổ chức đúng vào đêm Giao Thừa, cung nghinh Xuân Di Lặc. Vào đúng 0 giờ ngày Mồng Một Tết, Thầy tôi khai chuông Đại Hồng Chung và trống Bát Nhã, thắp lên cặp đèn cầy mới, khai chuông, trống và mõ gia trì, niêm hương bạch Phật, phúng tụng thời Kinh đầu năm. Trước Giao thừa lúc 8 giờ tối trước đó thì có thời Sám hối đầu năm với 108 lạy và tiếp theo sau đó là chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, với những tiết mục do quý Đạo hữu trong Chi Hội Phật Tử Hannover và các vùng phụ cận cũng như các anh chị em trong Gia Đình Phật Tử Tâm Minh đóng góp. Những màn kịch và văn nghệ đóng góp được các em tập dợt trước Tết cả 2, 3 tháng, thiết kế, may sắm áo quần mới, trang trí những bức bình phong, chuẩn bị những dụng cụ đóng kịch v.v… Trước lễ đón Giao thừa các anh chị Huynh Trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Tâm Minh và quý Đạo Hữu trong Chi Hội PTVNTN Hannover tập trung tại phòng Tổ để chúc Tết đầu năm và cúng dường lên chư Tôn Đức; Thầy tôi trao bao lì xì cho mọi người và đặc biệt phát phần thưởng cho các em học giỏi, đạt được nhiều điểm 1 trong năm học. Bắt đầu từ năm sau Thầy cũng sẽ lì xì cho những đoàn sinh GĐPT khác về những thành tích này. Thông thường trong đêm Giao Thừa có đến cả hai ngàn người về Chùa đón xuân, nhận lộc và lì xì. Sau thời Kinh mọi người hân hoan đốt “pháo” bằng cách vỗ mạnh 2 bàn tay mình lại với nhau theo sự chỉ đạo đưa tay lên và hạ thấp xuống của Thầy tôi. Sau 3 tràng pháo tay mọi người xoay người lại với nhau, đưa tay nắm bắt và chúc mừng Tết cho những người xung quanh. Không khí thật nồng ấm và đạo vị. Phần quan trọng tiếp theo mà mọi người hằng trông đợi là phần nhận bao lì xì. Mỗi người đi tham dự lễ đều nhận được phần lộc 2 quả quít tượng trưng cho “cát tường” là sự may mắn thịnh vượng và 1 bao lì xì đỏ. Không khí thật nhộn nhịp, mọi người chen chúc, xô đẩy về phía trước để nhận được 1 bao đem về mong muốn làm ăn phát đạt. Không ít người còn xin thêm cho người thân ở nhà, không trực tiếp đến nhận được. Có những vị xin cả 10 đến 15 bao cho bạn bè hoặc người thân. Nhìn nét mặt chờ đợi và đầy nhiệt tình của người xin “giùm” mà tôi chạnh lòng phải đếm đủ phần bao lì xì để trao cho họ.

Hai đại lễ khác được Chùa Viên Giác tổ chức mỗi năm, đó là Phật Đản vào cuối tuần cận ngày Rằm tháng 4 âm lịch và lễ Vu Lan cùng với Lễ Hội Quan Âm cận ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Cả hai đại lễ đều được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần, bắt đầu từ tối thứ Sáu cho đến trưa Chủ Nhật. Truyền thống Phật giáo Bắc tông như các nước Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn thường tổ chức riêng biệt lễ này, không như các quốc gia theo truyền thống Nguyên thủy như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan tổ chức ngày này là ngày giáng thế, thành đạo và nhập Niết Bàn của Đức Thế Tôn. Ở Việt Nam vào thập niên 60 Đại lễ Phật Đản được tổ chức rất long trọng, kéo dài nhiều ngày, có rước xe kiệu và xe hoa, bên 2 đường trưng bày treo cờ Phật giáo. Các Chùa tổ chức các lễ hội, tụng Kinh, thuyết Pháp v.v… Bẵng qua một thời gian dài cho đến vài năm gần đây ở một vài thành phố lớn tại Việt Nam lại nhìn thấy được hình ảnh rước xe hoa trở lại, với những xe hoa, xe kiệu, xe xích lô, xe máy và xe đạp nối đuôi chạy dọc theo những con đường lớn trong thành phố. Hân hoan và nhộn nhịp thay khi thấy những người con Phật bày tỏ tâm cung kính lên Đức Thế Tôn nhân ngày đại sự nhân duyên này để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.

Chiều thứ Sáu quý Phật tử trong ban tổ chức ồ ạt đổ về Chùa để chuẩn bị chu đáo công việc thuộc khâu của mình, từ trên Chánh điện xuống đến nhà bếp, từ trong Chùa ra đến ngoài sân. Các khâu làm việc gần cả 100 người bao gồm các khâu hương đăng, rút nhang, bói xăm, cắm hoa, nấu cúng, tiếp tân, vận chuyển, y tế, ghi danh cúng dường, ghi danh phiếu ăn, nhiếp ảnh, đi chợ, cắt gọt, ẩm thực, trai soạn, rửa chén, hành đường, phát hành thức ăn, bánh trái, chè và nước uống… Ai ai cũng bận rộn. Đến tối và khuya thứ Sáu, các Chi Hội Phật Tử và Gia Đình Phật Tử trên những chiếc xe ca lớn 50 đến 80 người lần lượt về đến Chùa, vội vã ăn vài ba miếng rồi kéo valy đi tìm chỗ ngủ để sáng hôm sau thức dậy có sức mà công quả. Thấy các Bác lớn tuổi, các em trong GĐPT, các phụ huynh dẫn theo các con em nhỏ mà trong lòng thấy cảm mến và kính phục. Hồi tưởng lại 30 năm trước, khi tôi chưa xuất gia và gia đình còn ở Fuerth. Mỗi lần Phật Đản và Vu Lan là Ba Mẹ và 4 anh em tôi mỗi người một cái valy lớn, vừa đồ sinh hoạt cá nhân vừa đồ sắm sửa cúng dường, từ nhà đi xe Bus, rồi đổi qua xe điện, rồi xe lửa đi hơn 5 tiếng mới về đến Hannover. Về đến ga Hannover lại còn phải đi tiếp xe điện và đi bộ 20 phút vào chùa. Hồi đó tôi rất ngán cái cảnh kéo valy qua chiếc cầu xe lửa dốc cao. Tôi chỉ ước ao có được chiếc xe đạp chất hết đồ đạc lên xe và đẩy qua cái cầu đó. Sau này khi mỗi lúc càng đông người muốn về Chùa dự lễ, thì Chi Hội tại Nuernberg, Fuerth và Erlangen đã thuê xe Bus có cả tài xế, để nhiều người đi được mà không phải tổ chức từng chiếc xe nhỏ. Cách giải quyết này vừa rẻ và tiện gọn, đỡ hao sức cho mọi người. Ngày thứ Bảy hôm sau bắt đầu bằng thời công phu khuya lúc 5:45, sau đó là dùng điểm tâm. 10:00 giờ là thời Kinh cầu an, 11:00 giờ là lễ Quy y Tam Bảo, thọ Ngũ giới; 12:00 giờ cúng ngọ và cúng chư Hương linh thờ tại Chùa; 13:00 giờ dùng cơm; 14:30 thuyết pháp tại Chánh điện; 15:00 giờ tập dợt văn nghệ dưới hội trường và đồng thời họp Ban Chấp Hành Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức Quốc, các Chi Hội Phật Tử, các Ban Liên Lạc, 7 Gia Đình Phật Tử; 18:00 giờ dùng tối; 19:00 giờ văn nghệ cúng dường đại lễ - xen kẻ bởi lễ Hoa Đăng - cho đến 24:00 giờ chấm dứt. Trong mỗi năm 2 lần Đại lễ, Chùa đều mướn ca sĩ từ Hoa Kỳ hoặc Pháp sang giúp vui văn nghệ. Thầy tôi thì cho rằng đây là phương tiện để giới trẻ đi Chùa, vừa biết đạo mà cũng giải trí. Giới trẻ đi Chùa thì mới phát tâm đưa ông bà cha mẹ và gia đình cùng đi theo. Mặc dầu nhiều lần tôi muốn thuyết phục Thầy tôi xén bỏ bớt phần này để cho các Gia Đình Phật Tử và quý Phật Tử nhiệt tâm đóng góp văn nghệ “cây nhà lá vườn” cũng được rồi, nhưng Thầy tôi vẫn không chịu. Đến khuya mọi người công quả tạm thu dọn sạch sẽ từ trên Chánh điện đến xuống hội trường, các quầy hàng của mình, các anh chị Huynh Trưởng và các em GĐPT chia nhóm, trên tay cây kẹp rác và bao đựng rác màu xanh, tỏa ra tứ phía đi thu dọn rác. Hình ảnh này gợi lên trong đầu tôi câu hỏi: “Tại sao lại có những người vô ý thức quăng rác hoặc những tàn thuốc lá bừa bãi?”. Trách rằng vì Chùa không bố trí đầy đủ thùng rác ư? Hoặc họ không tiện bước xa thêm vài bước để tìm thùng rác? Hoặc tại họ không tôn trọng người khác, không giữ gìn môi trường môi sinh?

Chủ Nhật hôm sau, sau thời Công Phu Khuya và điểm tâm là chính thức Đại lễ Kỷ Niệm Phật Đản Sanh hoặc Vu Lan Báo Hiếu. Ba thời chuông trống vang tiếng hòa cùng tiếng niệm Phật của hàng Phật tử cung nghinh chư Tôn Đức quang lâm Đại Hùng Bửu Điện chứng minh Đại lễ “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!”. Chương trình gồm có dâng hoa cúng Phật do các Gia Đình Phật Tử luân phiên đảm trách, niêm hương bạch Phật, tụng Kinh Khánh Đản hoặc Vu Lan Bồn, giới thiệu chư Tôn Thiền Đức, tuyên đọc Thông điệp, ban Đạo từ. Sau đó là phần cúng dường trai tăng và trai phạn lên chư Tôn Đức hiện tiền. Chương trình Đại Lễ Vu Lan còn lồng vào lễ khất thực. Để bảo tồn truyền thống từ thời Đức Phật mỗi ngày đi khất thực, chùa Viên Giác cũng tạo phước duyên cho Phật tử tập hạnh bố thí cúng dường, gieo nhân lành vào phước điền. Trên tay bình bát, đoàn chư Tăng Ni lần bước nhẹ nhàng trong sự im lặng miệng mỉm cười từ cửa văn phòng thông theo bờ tường cổng Tam Quan đi vòng về phía cổng chính xe vào và đi thẳng vào hội trường; trên lối đi của chư Tăng Ni, Phật tử đứng một bên với những vật dụng cúng dường đã chuẩn bị trước, bàn chải, kem đánh răng, khăn lau mặt, khăn tắm, thuốc, dầu, phong bì, kẹo, bánh, trái cây v.v… chờ đợi để bỏ vào bình bát. Có những em nhỏ cũng theo cha mẹ đứng xếp hàng để được chính tay mình gieo duyên với quý Tăng Ni. Tiếp theo lễ khất thực là lễ cúng dường Trai Tăng, dâng lên tứ vật dụng. Sau Vu Lan còn có lễ Tự Tứ, là ngày hoan hỷ của chư Tăng Ni sau 3 tháng An cư. Sau phần ngọ trai và dùng trưa là phần dọn dẹp, tổng vệ sinh cả Chùa. Đến 5 giờ chiều là phần cúng thí thực cô hồn, hoàn mãn. Sau khi mọi người lần lượt ra về, từ xa xa thấy bóng dáng một người cao niên mặt đồ vạt hò, một tay cầm bao đựng rác, một tay đeo găng, đi nhặt từng cọng rác, từng tàn thuốc còn sót lại ở hai bên vệ đường và những bãi đậu xe… hình ảnh ấy chính là Thầy tôi, người đã làm công việc này hơn mấy chục năm qua mà ít người biết đến.

 

Những lễ hội đặc biệt và quan hệ với người bản xứ.

Tháng 4 năm 1991 Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ 6 đã được tổ chức tại Hannover, với hơn 150 chư Tôn Đức Tăng Ni từ 16 quốc gia trên thế giới tham dự. Bốn năm sau, vào ngày 18 tháng 6 năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lần đầu tiên đến Chùa Viên Giác thăm viếng và thuyết pháp. Năm 2000 vào dịp thành phố Hannover đăng cai tổ chức Hội Chợ Triển Lãm Thế Giới, Chùa Viên Giác cũng đã tham gia cùng tổ chức các chương trình lễ hội, hội thảo, tụng kinh, thuyết pháp, trình diễn văn hóa Phật Giáo Việt Nam đến người bản xứ và người ngoại quốc đến từ các quốc gia trên thế giới. 18 năm sau, tính từ ngày Ngài Dalai Lama lần đầu đặt chân đến Chùa Viên Giác năm 1995, Ngài một lần nữa, vào ngày 20 tháng 9 năm 2013 lại quang lâm đến Chùa Viên Giác thuyết pháp cho hơn 1.000 chư Tăng Ni và Phật tử tham dự trực tiếp hoặc qua màn ảnh lớn.

Thời gian ban đầu sau khi thành lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo VNTN Đức Quốc, việc Phật sự chủ yếu là nhắm vào cộng đồng Phật tử Việt Nam, thỉnh thoảng có sự liên hệ với các cộng đồng Phật giáo bạn, ví như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Tích Lan, Thái Lan và Lào. Cho đến năm 1991, sau khi Chùa Viên Giác được khánh thành và các cơ sở Phật Giáo được thành lập trên toàn nước Đức, người Đức cũng bắt đầu biết đến sinh hoạt của Chùa và muốn được liên hệ để trao đổi văn hóa và tôn giáo. Theo thống kê mỗi năm Chùa có đến 5 ngàn lượt người Đức thuộc các thành phần trong xã hội, từ trí thức, giáo sư, sinh viên, học sinh, công chức, công nhân tham gia chương trình này. Đó là chưa kể những người Đức vãng lai, viếng thăm và đi tham quan chùa. Chương trình kéo dài từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng vào buổi sáng hoặc buổi chiều, gồm phần tham quan giới thiệu một vài địa điểm của Chùa như cổng Tam Quan, ngôi tháp 7 tầng với 7 tôn tượng của 7 Đức Phật quá khứ và hơn 11.000 tôn tượng Thích Ca, Chánh điện, hội trường đa dụng, phòng Tổ, phòng thờ Hương linh quá cố, thư viện v.v… kế đến là phần tụng Kinh ngắn gọn và thuyết trình tổng quát về giáo lý Phật Đà, hướng dẫn tọa thiền, phần vấn đáp trả lời những câu hỏi. Sau cùng là phần dùng trưa hoặc tối nhằm giới thiệu những món chay tinh khiết đến mọi người. Cách đây 15 năm về trước, tại Chùa Viên Giác, Thầy tôi đã thành lập và cho đến bây giờ vẫn cố vấn và hỗ trợ cho Hội Đồng Tăng Già Đức (DBO), tổ chức những Giới Đàn có người Đức, Anh, Pháp được thọ giới Tỳ Kheo Ni, vì bên truyền thống Phật Giáo Tây Tạng chưa mở lối cho những người Tây Phương nầy. Thầy tôi mong muốn trong tương lai, quý Ni người Đức và ngoại quốc sẽ tự tổ chức các giới đàn thọ giới cho các giới tử Ni.

 

Sự đào tạo Tăng tài.

Tại hải ngoại theo thống kê cho biết có hơn 500 ngôi Chùa Việt Nam lớn nhỏ đã được thành lập và đang sinh hoạt. Tuy nhiên vấn đề nan giải vẫn là câu hỏi ai sẽ tiếp nối việc hoằng pháp và trụ trì sau 20, 30 năm nữa. Ở nhiều nơi Chùa chỉ “nhất tăng nhất tự” hoặc thậm chí cả không có trụ trì. Phật Giáo Việt Nam tại Đức nói riêng và Âu Châu nói chung có phần khả quan hơn ở những Châu lục và quốc gia khác. Việc này Thầy tôi cũng đã quan tâm đến từ đầu khi thành lập xong cơ sở; vì vậy Thầy đã thâu nhận đệ tử xuất gia, gia nhập hàng Sứ Giả Như Lai để hoằng dương Phật Pháp. Bắt đầu từ những năm 1984 Thầy tôi đã thế phát xuất gia cho quý Thầy, Cô, huynh đệ của Chùa Viên Giác, cho đến nay cũng hơn 45 vị và nay chính thức còn trên 30 vị. Tuy nhiên từ 10, 15 năm trở lại chúng tôi không còn thấy các giới trẻ phát tâm dõng mãnh xuất gia nữa. Lứa tuổi phát tâm xuất gia như chúng tôi hầu như không có, mặc dù dựa theo số lượng giới trẻ học và tu Phật không phải là ít. Nhưng không hiểu tại sao các em lại không bước thêm một bước phát tâm xuất gia độ thế? Có phải chăng việc xuất gia thời nay đã lỗi thời, không còn thích hợp cho giới trẻ? Liên quan đến việc này cách đây vài năm tôi có mạo muội thưa lên Thầy tôi những tư duy của mình, rằng Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Đức Quốc phải có những phương hướng, đường lối mới nhằm tạo điều kiện cho các em trẻ tập sự xuất gia để Phật Giáo Việt Nam sau này có thêm nhân sự. Ý của chúng tôi là cung thỉnh chư Tôn Đức tại Âu Châu chuẩn ý cho phép chúng tôi và một số Tăng Ni trẻ tổ chức những khóa xuất gia ngắn hạn để gieo mầm cho các em. Chúng tôi thường sinh hoạt và tiếp xúc với các em ở lứa tuổi 14 đến 18 và những bậc phụ huynh, đa số rất hoan hỷ tán đồng và muốn gởi con em mình đến Chùa đoạn kỳ xuất gia. Thiết nghĩ các em ở tuổi đó rất ham tu, ham học, thích gần gũi với quý Thầy Cô, muốn được xuất gia trong tương lai. Tuy nhiên các em chưa có khái niệm thật sự về cuộc sống của một người xuất gia, nhất là xuất gia và sinh sống ở hải ngoại. Nếu trong tương lai các em xuất gia với lứa tuổi 19, 20 sau khi tốt nhiệp trung học hoặc đại học thì các em sẽ không ít bỡ ngỡ khi va chạm với sự thật, với đời sống xuất gia. Vì vậy mà chúng tôi nghĩ đến việc tạo điều kiện cho các em còn đang tuổi học sinh có được cơ hội thể nghiệm thật sự đời sống xuất gia. Các em sẽ được xuống tóc, đắp y, thọ 10 giới Sa Di và được huấn luyện theo đời sống của một người xuất gia thực thụ. Sau thời gian 4 đến 6 tuần các em sẽ được xả giới, hoàn trả lại y áo và trở về tiếp tục với việc học hành của mình. Có như vậy các em mới làm quen và thể nghiệm thật sự để có khái niệm. Nếu tâm niệm xuất gia của các em vẫn còn vững thì sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học các em có thể phát nguyện xuất gia thật sự. Nếu qua lần xuất gia đoạn kỳ các em không kham nhẫn hoặc cảm thấy con đường xuất gia không thích hợp đối với mình thì sẽ làm một Phật tử thuần thành hộ trì Tam Bảo cũng là một điều tốt. Nếu cứ tiếp tục như hiện tại vì cấp bách mà bảo lãnh quý Thầy Cô từ Việt Nam sang thì chỉ đáp ứng nhu cầu cho các Phật tử trung và cao niên; giới trẻ sẽ không được lợi lạc vì Phật pháp không được hướng dẫn và giảng dạy bằng tiếng Đức, ngôn ngữ của địa phương. Hữu hiệu nhất cho thế hệ trẻ hiểu Phật pháp, để Phật pháp được truyền bá đến người bản xứ, trong đó có các con em chúng ta, thì người truyền đạt phải thành thạo ngôn ngữ và thông hiểu về văn hóa, tập quán của người bản xứ. Muốn biết tương lai thế nào thì phải nhìn hiện tại. Nếu hiện tại không đầu tư vào giới trẻ thì tương lai sẽ không có giới trẻ tiếp nối. Lúc ấy Chùa chiền cũng sẽ biến thành những bảo tàng viện hoặc nhà hàng như sự việc đã xảy ra với cộng đồng người Hoa tại Mỹ. Thầy tôi lúc ấy không đồng ý vì sợ rằng sẽ không kiểm soát được những điều gì có thể xảy ra, thí dụ y áo sẽ bị lạm dụng, và trên hết trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam không có đoạn kỳ xuất gia như những nước Nam Tông Phật Giáo. Thôi thì đành chịu và tùy duyên vậy!

Việc giáo dục và dạy dỗ Tăng chúng cũng như Phật tử tại gia là điều quan tâm nhất của Thầy tôi. Thầy thường nói: “Tôi không có khiếu trồng cây, trồng cây nào cũng không tồn tại được bao lâu. Nhưng tôi lại có khiếu trồng người!”. Vì vậy, những thời tụng niệm, lễ bái, những thời khóa học Kinh, Luật, Luận Thầy tôi đều áp dụng một nguyên tắc rất khắt khe đối với học trò. Từng tiếng chuông, tiếng mõ, trống, tang, linh, khánh, luôn cả tiếng nhập chuông đều phải nhịp nhàng và đúng lúc. Đôi lúc thời Kinh buổi sáng không được như ý muốn nên Thầy tôi thường la rầy, quở mắng sau phòng Tổ, đôi lúc ngay cả trên Chánh điện. Tôi nhớ có một lần, trong thời Kinh Lăng Nghiêm buổi sáng, khi tôi còn đang tập sự xuất gia, chưa chính thức xuống tóc, Thầy đã không hài lòng với chúng xuất gia nên đã đuổi xuống hết không cho bất cứ Thầy Cô nào ở lại trên Chánh điện. Ngày ấy Thầy không cho phép nhà bếp “nổi lửa“ nấu ăn. Thấy vậy, Ba Mẹ tôi mới cung thỉnh chư Tôn Đức về nhà dùng bữa. Huynh đệ chúng tôi mỗi lần lên tụng Kinh sáng, nhất là ngày thứ Hai đầu tuần đều nhắc nhở lẫn nhau “hồn ai nấy giữ“, nghĩa là người nào thủ pháp khí nào hoặc đến phiên xướng lạy danh hiệu Phật, đều phải để tâm trí vào, nếu không cả đại chúng sẽ bị “hứng chịu“. Đây là chưa nói đến những giờ học mà Thầy tôi hướng dẫn. Không khí đôi lúc rất căng thẳng, nhất là những giờ học Giới Luật bằng tiếng Hán văn. Thầy hay gọi lên bảng hoặc đứng lên tại chỗ để khảo hạch bài. Bất kể Thầy, Cô hoặc Chú nào cũng phải bị lần lượt khảo bài, đứng trước bản gạch từng nét chữ Hán khó nhớ và khó viết. Nhiều lần tôi trả bài không thuộc, viết 20 chữ mà sai quá 2 chữ là bị la rầy khiển trách. Tôi thưa với Thầy rằng: “Học theo phương pháp nhớ chữ kiểu này con không học được.” Thầy tôi nạt: “Không có cách nào hơn, bao nhiêu người đều học như vậy. Mỗi chữ phải viết 50 lần thì sẽ nhớ!” Tôi đáp lại: “Con không chỉ viết 50 lần mà cả 100 lần, nhưng vẫn quên.” Tôi không thể nào học thuộc được trong vài tiếng đồng hồ đêm hôm trước để trả bài cho hôm sau. Thông thường Sa Di thị giả chúng tôi rất chi là bận rộn với công việc hằng ngày. Suốt cả 3 tháng An cư từ sáng 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm chúng tôi đều phải làm nhiều việc, tham dự lục thời, 2 thời học pháp, 4 thời tụng Kinh, niệm Phật, bái sám. Sau 10 giờ đêm được về phòng nghỉ thì cả người mệt lả nên thường không có tâm trí và sức để mà học bài. Chúng tôi còn phải làm việc chúng, rửa chén, lau nhà tắm, phòng vệ sinh, quét lá, nấu ăn 1 ngày trong tuần. Đọc đến đây quý vị có thể nghĩ là rửa chén đâu có gì là mệt nhọc? Xin thưa, rửa chén sáng, trưa, tối, 2-3 ngày trong tuần, rửa chén cho cả 30, nhiều lúc 40 người dùng, đâu chỉ là 30 phút, mà nhanh nhất cũng là 1 đến 1 tiếng rưỡi, nặng nhọc nhất là những cái nồi và chảo to và nặng trĩu. Sau dịp đó tôi cương quyết tìm cách xin phép Thầy tôi cho tôi sang Đài Loan để học cho bằng được, chứ không chịu để Thầy tôi chê trách “dốt” không có khiếu học tiếng Hán. Ý định thì đã rõ nhưng làm cách nào để thuyết phục Thầy đây? Vì lẽ chắc chắn là Thầy không đồng ý. Tôi bèn chờ đợi tìm cách. Đến hôm tấn phong Sư huynh Hạnh Tấn tôi làm Trụ Trì, Thầy tôi mời rất đông chư Tôn Đức ở hải ngoại, Âu Châu cũng như từ Việt Nam sang tham dự. Tôi được làm thị giả cho quý Hòa Thượng và biết đến Ôn Long Thơ ở Đà Nẵng. Tôi thưa lên Ôn tâm nguyện của mình và xin Ôn “xin giùm” Thầy tôi. Ôn hứa khả và tôi tiếp tục chờ đợi với nhiều hy vọng. Sau Lễ Hội Thầy tôi mới gọi lên và nói: “Ôn Long Thơ có nói chuyện với Thầy về việc Hạnh Giới muốn sang Đài Loan học! Thầy chấp thuận cho Hạnh Giới đi 1 năm rồi phải về để gánh vác phụ công việc với các huynh đệ!” Tôi mừng quá, trả lời nhanh gọn: “Dạ!”. Thế là tôi được sang Đài Loan để học tiếng Phổ Thông. Một năm trôi qua, rồi 2 năm, Thầy tôi qua thăm tôi và muốn tôi phải về lại Đức. Trong đầu tôi thì lại muốn xin ở thêm một thời gian nữa và nhập học tại Tu Viện Pháp Cổ Sơn, nơi Hòa Thượng Thánh Nghiêm khai sơn và hoằng Pháp! Tối hôm đó tôi hồi hộp lắm khi trình bày lên Thầy tôi ước nguyện của mình. Và chắc chắn lần này sẽ không có quý Ôn nào xin giúp. Sư huynh Hạnh Hảo người Đức tháp tùng theo Thầy tôi lúc đó bấm chặt 2 ngón tay cái và chúc tôi “Viel Glueck!“ (Chúc nhiều may mắn!) khi tôi gõ cửa bước vào phòng Thầy. Tôi thưa chuyện với Thầy hơn 1 tiếng đồng hồ, tâm nguyện muốn được nhập Tu Viện để tu học và học cách điều hành quản lý. Khi thưa chuyện Thầy tôi mới biết rằng Hòa Thượng Thánh Nghiêm cũng đã từng du học tại Nhật thuộc lớp đàn anh đi trước. Sau một thời gian dài hoằng pháp tại Mỹ Hòa Thượng về đến Đài Loan khai sơn, tạo dựng Tu Viện Pháp Cổ Sơn để hoằng pháp và độ hơn 300 chúng xuất gia, có nhiều chi nhánh khắp nơi trên nước Đài Loan và một vài nơi ở ngoại quốc. Thật sự mà nói, việc chấp thuận cho đệ tử đi du học và theo các chương trình hậu đại học Thầy tôi đều khuyến khích với bất cứ một ai có tâm nguyện. Chắc cũng vì Thầy tôi 40 năm về trước khi sang Đức cũng mang tâm nguyện học tiếp chương trình hậu đại học, nhưng vì nhu cầu Phật sự lúc bấy giờ quá đa đoan và cấp bách, nên Thầy đành gác việc đó qua một bên. Có lần tôi hỏi Thầy: “Tại sao Thầy cứ phô trương cái học và bằng cấp?”. Thầy trả lời: “Bậc cha mẹ khi nuôi con ăn học thành tài lấy đó là niềm vinh dự và hãnh diện cho gia đình. Thầy không có gia đình và con cái, nhưng sự thành công của đệ tử chính là niềm vui của Thầy!” Từ lúc đó, tôi mới hiểu thêm được Thầy tôi hơn, vì đó là hoài bão và tâm nguyện của một bậc Thượng Sư muốn hoằng pháp độ sanh vậy.

Theo định luật vô thường, tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh và do nhân duyên diệt. Vạn vật biến hóa, thay hình đổi dạng. Quá khứ, hiện tại và vị lai là ba điểm mốc của thời gian không thể tách rời, luôn kết nối và chi phối lẫn nhau không ngừng nghỉ. Sự thành tựu kết quả ngày hôm nay là do nhân của quá khứ, đồng thời chính kết quả đó cũng là nhân, nền tảng đưa đến quả vị tương lai. Rõ biết về Đạo lý của nhà Phật là không nằm ngoài định luật nhân quả và duyên khởi nầy vậy. Biết tri ân và báo ân chính là lời Phật dạy, đó cũng là tinh thần và đạo hạnh của một người con Phật chân chánh. Nhằm mục đích cải thiện cuộc sống hiện tại, mỗi hành giả cần phải tự nỗ lực thực hành các thiện pháp, trau giồi giáo lý Phật Đà, phát Bồ Đề Tâm, tu phước và huệ, cống hiến sức lực của mình cho chúng sanh. Sự tri ân, học hỏi kinh nghiệm của quá khứ để vươn lên xây dựng cho tương lai là thiết yếu. Pháp thế gian có sanh có diệt, có thiện và bất thiện. Nếu mọi người đều chọn cho mình con đường hướng thiện, tích cực sống và tu tập vì lợi ích cho chúng sanh, luôn hoan hỷ với mọi người thì chúng ta đang sống an lạc và giải thoát, đúng như lời Phật dạy để đền đáp ân đức từ ngôi Tam Bảo và đang trên đường giải thoát trong tương lai.

Vạn pháp trên thế gian này, có sanh, có diệt, có cái bắt đầu, rồi sẽ có cái kết thúc, tâm thức và thể xác cũng là như vậy. Sau gần 20 năm xuất gia, được sống với Thầy tôi cùng các huynh đệ, nhận được sự dạy dỗ của Thầy, sự đùm bọc và cộng tác chia sẻ của các huynh đệ, tôi cảm nhận được tấm lòng tri ân sâu sắc. Tôi đã bật khóc trong ngày mãn nhiệm dưới tôn tượng Ngài Quan Âm lộ thiên, vị Bồ Tát cứu độ muôn loài, trong đó có tôi. Nếu không có Ngài chắc tôi đã suy sụp tinh thần và thối Tâm Bồ Đề. Suốt gần hơn 10 năm có những lúc tôi đã ngồi khóc thầm trước Ngài vì áp lực quá nặng. “Trên đe dưới búa” hoặc “làm dâu trăm họ” là những điều mà tôi cảm nhận được khi thực sự phải làm việc và tiếp xúc với mọi nguời cũng như với Thầy tôi và quý huynh đệ của tôi. Một mặt tôi phải làm theo lời dạy của Thầy, mặt khác tôi phải lấy được lòng của đại chúng. Tôi phải đại diện nói lên tiếng nói và sự mong cầu của đại chúng, trực tiếp làm việc và thưa trình lên Thầy tôi. Thấu hiểu được việc học Pháp và sự tu tập hành trì của chúng xuất gia lẫn tại gia là điều ưu tiên trên hết; nhìn thấy huynh đệ chúng tôi với những công việc vất vả, thí dụ như in ấn và làm báo, đóng thùng và gởi đi các sản phẩm Chùa phát hành, lái xe qua tận bên Pháp để chở lịch về Chùa trong mùa đông buốt giá và đường xá trơn trượt, quý Cô và các Bác lớn tuổi phải trách nhiệm các khâu nhà bếp, trai soạn, phát hành bánh trái v.v…, đều không có nhiều thời giờ để nghỉ ngơi, tu tập và niệm Phật, tôi đã nhiều lần thưa trình lên Thầy tôi giảm bớt những công việc phụ trợ đó để đại chúng có nhiều thời gian hơn. Đôi lúc tôi lại tự đặt cho mình câu hỏi, tại sao mình không chỉ được làm một Sư đệ của quý Sư huynh mình? Không cần phải lo lắng, đương đầu bất cứ chuyện gì lớn? Sai và đúng, khen và chê, so sánh, xì xào xung quanh. Ôi! Quá nỗi là nhiêu khê và phức tạp! Những khi thấy mình cô đơn với trách nhiệm và công việc. Lúc đó tôi mới hiểu thêm được ý nguyện và trách nhiệm của Sư huynh Hạnh Tấn, cũng như lúc này, khi tôi được buông xuống, tôi lại rất cảm thông cho Sư đệ Hạnh Bổn, phải đảm trách tiếp tục công việc này. Trong một mùa An Cư, vì sự an lạc của đại chúng mà tôi và Sư đệ Hạnh Giả đã đệ trình lên Thầy tôi 22 điều kính mong Thầy suy xét và chấp thuận. Tôi nhớ, lúc đó Thầy tôi không vui chút nào. Sáng hôm sau Thầy kêu chúng tôi đến gặp ở phòng Thầy và nói rằng: “Thầy đồng ý chấp thuận 11 điều của anh em đưa ra!”. Chúng tôi thở nhẹ nhõm, đảnh lễ Thầy và lui ra. Cũng có một lần, Thầy tôi khiển trách tôi trước mặt đại chúng trên Chánh điện, sau lễ Hoa Đăng cúng dường trong dịp khóa huân tu Tịnh Độ. Lúc ấy tôi rất buồn nhưng chỉ im lặng không nói một lời. Tôi chỉ không hiểu lý do nào Thầy tôi không vui và không hài lòng? Trong tâm tôi không hề khởi lên một ý niệm bất thiện hoặc bất kính nào đối với Thầy tôi. Tôi chỉ muốn áp dụng những gì học được từ Đài Loan để giúp đưa tâm đại chúng về gần gũi hơn với Đức Phật A Di Đà, với Tự Tánh A Di Đà. Trưa hôm sau, tôi đã khăn gói ra đi, bỏ Chùa, bỏ Thầy, bỏ đại chúng ở lại. Không một lời thưa lên Thầy tôi, tôi mua vé xe lửa đi về hướng Bắc, vùng biển để nghỉ ngơi vài ngày, tịnh tâm quán chiếu. Thầy tôi biết được điều đó và nói Sư đệ Hạnh Lý và Hạnh Nhơn gọi điện kêu tôi về. Lúc đó thật sự tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi thật không xứng đáng với việc tri sự điều chúng của mình, không làm cho tâm đại chúng được an lạc tu tập. Huynh đệ chúng tôi thường hiểu ý với nhau và biết được khả năng mỗi người, biết luôn cả cái “sở tri chướng” của mỗi người. Thật sự phải nói, huynh đệ Viên Giác chúng tôi rất đùm bọc và bảo vệ lẫn nhau, có giận, có không hài lòng một điều gì đó, nhưng cũng chỉ nói ra rồi cũng vui vẻ trở lại. Tôi nghĩ, khi chúng tôi hợp sức, thì không có việc gì mà không giải quyết và khắc phục được. Trong những ngày nay, tại địa điểm sắp tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ 30 tại Neuss, Đức Quốc, các huynh đệ chúng tôi, Hạnh Vân, Hạnh Luận, Hạnh Tuệ, Hạnh Nhơn, Hạnh Bổn, quý Thầy Phổ Tấn, Tâm Nhật, Trung Thành, Thông Triêm, Chú Thông Giáo đang đảm nhận công việc tại hiện trường. Mỗi người một việc, một tay, như một đàn kiến, đàn ong, siêng năng làm tròn bổn phận của mình.

Ngước nhìn đồng hồ hiện lên trên máy vi tính, 2:50:34, sáng ngày 21.7.2018, cũng đã đến lúc tôi phải kết thúc bài viết dài này để gởi cho Thầy tôi và Ban Biên Tập. Xin kính tri ân đảnh lễ Thầy cho sự giáo huấn và sự tin tưởng nơi con khi giao phó trách nhiệm. Xin tri ân quý Sư huynh Hạnh Nguyện, Hạnh Tấn, Hạnh Bảo, Hạnh Vân, Hạnh An, Hạnh Hòa, Hạnh Sa, Hạnh Định, Hạnh Luận; quý Sư đệ Hạnh Thức, Hạnh Tuệ, Hạnh Lý, Hạnh Tâm, Hạnh Nhơn, Hạnh Nhẫn, Hạnh Bổn cùng quý Sư Tỷ, Sư Muội Hạnh Ân, Hạnh Thông, Hạnh Bình, Hạnh Ngộ, Hạnh Trì … đã giúp cho tôi trưởng thành. Mai này, huynh đệ mỗi người một hướng, sẽ phải tiếp tục đi trọn hết con đường của mình đã chọn. Mong rằng tình nghĩa huynh đệ cùng chung một vị Thầy tâm linh sẽ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trên bước đường tu học tìm đến sự giác ngộ giải thoát. Xin kính tri ân Ba Mẹ, đấng sanh thành dưỡng dục, nuôi tôi lớn thành người. Xin chân thành tri ân anh em, bà con quyến thuộc, thiện hữu trí thức, đàn na tín thí công phu, công quả, giúp tôi tinh tấn tu học. Xin cảm ơn tất cả mọi người. 

           

 
Nam Mô A Di Đà Phật
Đệ tử, Thích Hạnh Giới

thich hanh gioi -1
 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/03/2024(Xem: 112)
Người thiếu phụ đưa chồng ra nghĩa địa Tiếng gào than xé nát cả khung chiều Giọt mưa lạnh cũng mặn cùng môi đắng Truông cát dài chân ai bước liêu xiêu.
15/03/2024(Xem: 733)
Năm nay Mẹ đã chín hai (92) Đàn con chúc Mẹ thọ dài nhiều hơn Cầu xin chư Phật ban ơn Mẹ luôn vui khỏe, cháu con sum vầy Sớm trưa chiều tối ngày ngày Vui cùng kinh kệ hiển bày tịnh tu Mặc cho ngày tháng phù du Đêm qua ngày tới xuân thu xoay vòng
14/03/2024(Xem: 972)
Các vị La Hán chùa Tây Phương Tôi đến thăm về lòng vấn vương. Há chẳng phải đây là xứ Phật, Mà sao ai nấy mặt đau thương? Đây vị xương trần chân với tay Có chi thiêu đốt tấm thân gầy Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt Tự bấy ngồi y cho đến nay.
12/03/2024(Xem: 167)
Tôi là tôi, rất thực Một người Việt Nam Luân lưu dòng máu rồng tiên Chào đời giữa binh lửa oan khiên Lớn khôn nhờ lời ru mật đắng của mẹ hiền Tâm dưỡng nuôi từ khí thiêng Ung đúc hơn mấy ngàn năm văn hiến
12/03/2024(Xem: 478)
Mùng bốn tháng hai lại về …., (1) đệ tử bốn phương kính mừng chúc thọ Sư Phụ Ngài đã buông gánh nặng ngàn đời thật rất lâu Làm chủ mọi hoàn cảnh mình, hưởng pháp vị nhiệm mầu Tâm niệm an lành, từng sát na phát khởi Giữa pháp giới mênh mông, như “trăng soi đêm tối”
11/03/2024(Xem: 176)
Bước vào không gian khai mở suốt cuộc quán chiếu, về khoảng đời với một hành trang nhân gian và đạo pháp, thượng sĩ đã trải dài tâm thức và bước chân hành trì trong bao nhiêu đạo kiếp, để gói trọn như lời rao giảng trong thi nghiệp KHOẢNG ĐỜI này. Thi tập ẩn hiện cuộc phiêu du trong hiện kiếp phù trần vừa xuyên suốt trải qua, vừa gạn lọc ý
11/03/2024(Xem: 143)
Đây là tập thứ 5 trong tuyển thơ Quê chiều của thi sĩ - thiền sư Thích Đồng Bổn. Đọc thi phẩm này, trong tôi chợt hiện lên hai hình ảnh - âm thanh hòa quyện: tiếng diều đêm vi vút và tiếng suối thơ dạt dào. Đêm vắng, trời dẫu trong, vằng vặc trăng cũng khó thấy cánh diều, chỉ tiếng sáo diều bổng trầm vọng lại. Phải tĩnh tâm, phải lắng hồn mới thấu được thanh âm đồng quê ấy. Còn suối thơ trong trẻo, lặng lẽ mà kiên tâm, đi xa để trở về, khởi nguồn cho sự hòa kết đạo - đời, tạo duyên cho bao gặp gỡ của những chân tâm truy tầm cái đẹp trong cõi tịnh.
11/03/2024(Xem: 533)
Lần lần tóc bạc da gà, Chân đi lóng cóng bộ là cò ma. Dầu cho vàng, ngọc đầy nhà, Khó mà tránh khỏi cái già bệnh suy Dầu cho nghìn món vui gì? Vô thường rốt cuộc cũng thì bỏ đi. Chỉ có đường tắt tu trì. A Di Đà Phật ấy thì đem theo.
10/03/2024(Xem: 475)
Biển lung linh biển tình biển nhớ. Biển vỗ về biển chở mối thương yêu. Biển hiu hiu sóng nhẹ gió muôn chiều. Cho liễu rủ bóng dừa nghiêng xõa tóc. Biển thông lộ cho đoàn con vượt thoát. Đường Tự Do rộng mở cuối chân trời. Nắng cao lên lồng lộng gió căng hơi. Vững tay lái ta xa rời cõi chết.
06/03/2024(Xem: 1055)
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Quán đại nguyện độ khắp chúng sanh Quán tự tại viên thông trí hạnh Thí vô uý quảng đại lợi sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567