Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG VI

16/04/201314:08(Xem: 9802)
CHƯƠNG VI

KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC

TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM

(Quyển II)

CHƯƠNG VI

KẾT LUẬN

Duy Thức Tông đặt trên nền tảng bốn nguyên lý căn bản để tu học và bốn nguyên lý căn bản đây gồm có: Duy Thức Tướng, Duy Thức Tánh, Duy Thức Hạnh và Duy Thức Quả.

Duy Thức Tướng nghĩa là hành tướng của duy thức tức là chỉ cho hành tướng của vạn pháp thuộc hữu vi nhưng trong Duy Thức Tướng bao hàm cả Duy Thức Dụng và Duy Thức Dụng nghĩa là sự tác dụng sanh khởi vạn pháp của duy thức do duy thức biến hiện. Duy Thức Tánh nghĩa là thể tánh của duy thức tức là chỉ cho các pháp thuộc vô vi do duy thức tánh thể hiện mà các hành giả tu Duy Thức Quán muốn đạt đến để an trụ.

Duy Thức Hạnh nghĩa là sự thật hành của Duy Thức do các hành giả tu tập quán chiếu để chứng ngộ duy thức tánh. Duy Thức Quả nghĩa là sự thành quả đạt đạo của duy thức quán sau khi an trụ được duy thức tánh. Tánh chất, giá trị, ý nghĩa của Duy Thức Tướng và Duy Thức Dụng đã được giải thích cụ thể qua danh từ chuyên môn trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I. Riêng Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II thì tiếp tục giải thích một phần còn lại của Duy Thức Dụng nơi Duy Thức Tướng và ngoài ra đặc biệt chú trọng trình bày Duy Thức Hạnh cũng như Duy Thức Quả của Duy Thức Tánh.

Nội dung của Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II được xây dựng với những hình thức sau đây:

a]- Trước hết là diễn tả giá trị quan hệ của tám Tâm Thức qua 51 Tâm Sở trên lãnh vực sinh hoạt mà các tám Tâm Thức chịu ảnh hưởng. Phân loại chính xác sự quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa tám Tâm Thức và 51 Tâm Sở trên lãnh vực nhận thức cũng như trên lãnh vực duyên khởi vạn pháp. Phân biệt rõ ràng Tâm Thức nào chịu ảnh hưởng những Tâm Sở nào, chịu ảnh hưởng bao nhiêu Tâm Sở và tại sao không chịu

ảnh hưởng những Tâm Sở khác. Cũng vì chịu ảnh hưởng quá nhiều với 51 Tâm Sở, tám Tâm Thức không thể tự chủ trong việc sinh hoạt nhận thức cũng như duyên khởi vạn pháp và do bởi bị ràng buộc quá nặng nề với 51 Tâm Sở cho nên tám Tâm Thức mãi bị lưu chuyển không cùng tận trong ba cõi.

Nhờ nắm vững mối quan hệ chặt chẽ giữa tám Tâm Thức cùng với 51 Tâm Sở về mặt tánh chất và giá trị, người tu Duy Thức Quán có thể trị liệu tâm bệnh rất dễ dàng trong việc giải thoát khổ đau và không bị vướng mắc những trở ngại trên con đường đi vào Duy Thức Tánh.

b]- Minh định cụ thể tánh chất, giá trị và ý nghĩa chủng tử, nhân duyên, nhân quả của cộng đồng duyên khởi vạn pháp trong quá trình sanh tử lưu chuyển của Duy Thức Tướng khởi điểm từ vô thỉ cho đến vô chung mà chính Duy Thức làm nền tảng cho dòng sinh mệnh biến thuyên của thời gian và không gian. Phân loại những chủng tử nào đứng địa vị chính yếu và những chủng tử nào đứng địa vị phụ thuộc trong cộng đồng duyên khởi để kiến tạo vạn pháp trên lãnh vực Duy Thức Tướng. Người thường lầm lẫn cho những hạt giống Ngoại Chủng Tử là những nguyên nhân chính yếu sanh khởi vạn pháp, như hạt mít là nguyên nhân chính yếu để sanh khởi thành cây mít, hạt đậu xanh là nguyên nhân chính yếu để sanh khởi cây đậu xanh v.v... và họ quan niệm như thế không đúng với nguyên lý nhân quả của Phật Giáo chủ trương. Họ không hiểu rằng những hạt giống Ngoại Chủng Tử như đã nêu trên đều là những yếu tố thuộc Quả Dị Thục chỉ đứng địa vị làm trợ duyên cho những hạt giống Nội Chủng Tử thuộc Nhân Dị Thục đứng địa vị nhân duyên chính yếu để sanh khởi vạn pháp. Chẳng những thế trong quá trình duyên khởi vạn pháp, những chủng tử một khi biến thành nguyên nhân với danh nghĩa Nhân Dị Thục thì minh định rõ những nguyên nhân nào trở nên địa vị nồng cốt và những nguyên nhân nào chỉ làm trợ duyên phụ thuộc cho tiến trình đi đến thành hình quả dị thục theo luật nhân quả nghiệp báo. Nhờ minh định cụ thể giá trị và địa vị những vấn đề chủng tử, nhân duyên, nhân quả ở trước những người tu tập duy thức quán khỏi bị mê lầm trong việc quán chiếu cũng như dễ dàng cắt đứt mọi duyên và chuyển hoá đúng cách trên cuộc hành trình trở về Duy Thức Tánh.

c]- Giải thích rõ phần còn lại của một trăm pháp khởi điểm từ Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp cho đến Vô Vi Pháp mà Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I chưa đề cập đến. Trong một trăm pháp, Duy Thức Tông phân thành hai loại, một loại thuộc Hữu Vi Pháp và một loại thuộc Vô Vi Pháp. Hữu Vi Pháp thì gồm có Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp và Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp. Tâm Pháp thì một phần là

thuộc về Hữu Vi Pháp và một phần thì thuộc về Vô Vi Pháp. Sắc Pháp thì biến tướng của Tâm Pháp tác dụng cô động theo chiều hướng duyên khởi lưu chuyển. Tâm Sở Hữu Pháp thì hoàn toàn thuộc về nghiệp lực không có bản chất chân thật được nội kết lâu đời thành hạt giống cố hữu đã tàng trữ trong Tạng Thức qua sự huân tập, huân sanh, huân trưởng của muôn loài chúng sanh từ vô lượng kiếp về trước và những Tâm Sở này không thể có trong chân như vô vi một khi chúng sanh đã được chứng quả vô thượng bồ đề. Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp thì được pháp sanh từ các pháp hữu vi sanh diệt biến hóa tạo thành theo chiều hướng lưu chuyển trong vòng sanh tử và những pháp này cũng hoàn toàn không thể có trong chân như vô vi. Riêng Vô Vi Pháp thì hoàn toàn mang tánh chất pháp tánh mà cũng là nền tảng biến hiện ra Hữu Vi Pháp và Hữu Vi Pháp mặc dù mang tánh chất cộng đồng duyên khởi thành hình pháp tướng đều thuộc về loại ảo giác (ảnh tử) của Vô Vi Pháp biến hiện. Không có Vô Vi Pháp thuộc pháp tánh thì nhất định không có Hữu Vi Pháp thuộc pháp tướng và từ đó người tu tập Duy Thức Quán khởi điểm từ Hữu Vi Pháp thuộc pháp tướng quán chiếu tìm dần về Vô Vi Pháp để được an trụ nơi Duy Thức Tánh.

d]- Mười hai nhân duyên qua sự quán chiếu của Duy Thức nhằm khai triển giá trị nguyên lý duyên khởi của Duy Thức trên lãnh vực Hữu Tình chúng sanh mà trong đó được cụ thể hóa qua sự kiến tạo cho từng cá thể riêng biệt của một chúng sanh hữu tình trong cộng đồng duyên khởi vạn pháp. Nói rõ hơn trong cộng đồng duyên khởi vạn pháp của Duy Thức Tướng thuộc Y Tha Khởi Tánh, mười hai nhân duyên là nguyên lý duyên khởi chỉ dành riêng cho các chúng sanh hữu tình mà mười hai nhân duyên này không phải là nguyên lý duyên khởi cho toàn bộ vạn pháp. Điều đặc biệt nguyên lý mười hai nhân duyên chỉ xây dựng riêng biệt cho từng cá nhân nơi mỗi chúng sanh hữu tình qua sự duyên khởi của Duy Thức và mỗi khi xây dựng cho chúng sanh hữu tình nào thuộc chánh báo thì trong đó có một phần xây dựng thế giới vô tình thuộc y báo cho chúng sanh chánh báo nói trên với mục đích làm môi trường sống để họ tồn tại. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II này nhằm mục đích làm sáng tỏ giá trị nguyên lý duyên khởi của mười hai nhân duyên trên cơ bản nơi mỗi chúng sanh hữu tình mà Duy Thức chính là kẻ đứng địa vị vừa làm chủ yếu trong việc kiến tạo cho một sinh mệnh và cũng vừa làm gạch nối giữa hai dòng sinh mệnh của một cá thể nơi mỗi chúng sanh khởi điểm từ quá khứ đi đến tận cùng vị lai trên lãnh vực Duy Thức Tướng. Nhưng mười hai nhân duyên đây không phải là nguyên lý kiến tạo dòng sinh mệnh ba đời của một chúng sanh hữu tình khởi điểm từ quá khứ đi đến vị lai theo nguyên tắc Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả. Ngoài ra Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II còn giới thiệu thêm một số luận gia giải thích tư tưởng Mười Hai Nhân Duyên với lối nhìn khác nhau trong nguyên lý duyên khởi mà một số kinh luận đã ghi lại ngỏ hầu giúp cho đọc giả phần nào dễ dàng so sánh để có nhận thức chính xác trong việc khảo cứu.

e]- Trình bày phương pháp tu tập của Duy Thức Hạnh để đạt đến Duy Thức Quả trong tiến trình Duy Thức Quán, nghĩa là giải thích phương pháp quán chiếu của Duy Thức và sự thành quả đạt đạo của Duy Thức Hạnh. Mỗi tông phái đều có thành lập phương pháp tu tập riêng biệt theo đường hướng và lập trường của mình. Thiền Tông thì có thiết lập phương pháp tu tập theo tông chỉ của phái Thiền, Tịnh Độ Tông thì có thiết lập phương pháp tu tập theo tông chỉ của phái Tịnh Độ, Mật Tông thì có thiết lập phương pháp tu tập theo tông chỉ của phái Mật v.v... và Duy Thức Tông thì cũng có thiết lập phương pháp tu tập theo tông chỉ của phái Duy Thức. Mục tiêu tu tập của phái Duy Thức là bằng mọi cách chứng ngộ cho được thể tánh của vạn pháp khởi điểm từ Duy Thức Tướng quán chiếu tìm về Duy Thức Tánh mà Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II cố gắng giải thích cho thiết thực ngỏ hầu giúp đỡ quí hành giả làm cẩm nang hữu ích trên cuộc hành trình đạt đạo. Điều đặc biệt lối tu Duy Thức Quán của Duy Thức Tông là đặt trên nền tảng 51 ngôi vị tu tập Bồ Tát Hạnh do đức Phật chỉ dạy làm căn bản hành trì không ngoài mục đích phát huy năng lực trí tuệ cho việc quán chiếu và phương pháp quán chiếu của Duy Thức Quán dựa trên nguyên tắc từ sự hiển lý, từ tướng hiển tánh, từ vọng hiển chân để được chứng ngộ Duy Thức Tánh. Trong thời gian tu tập khởi điểm từ sự hiển lý, từ tướng hiển tánh, từ vọng hiển chân, người tu Duy Thức Quán phải trải qua những đoạn đường Ngũ Vị Duy Thức Quán, Tứ Tầm Tư Quán và Ngũ Trùng Duy Thức Quán để chứng ngộ được quả Duy Thức Tánh.

Tóm lại, Duy Thức Học là môn học về tâm thường gọi là Tâm Học bất đầu khởi điểm từ nơi Thức nhằm để tìm hiểu nguồn gốc của Tâm, cho nên tâm đây được gọi là Tâm Trí. Hơn nữa, Thức chính là biến tướng của Tâm theo chiều hướng mê vọng, cho nên thức đây được gọi là Tâm Thức. Tâm Thức lại là nền tảng căn bản cho việc sanh khởi vạn pháp của duy thức, từ đó vạn pháp do tâm thức biến hiện cũng được gọi là Duy Thức Tướng. Duy Thức như trước đã đề cập gồm có Duy Thức Tướng, Duy Thức Trình và vạn pháp trong Duy Thức Tướng cùng với Duy Thức Tánh được Duy Thức Tông chia thành một trăm pháp. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I đã giải thích Tâm Pháp và Tâm Sở Hữu Pháp thuộc một trăm pháp của Duy Thức Tướng. Đặc biệt Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II ngoài việc trình bày phần còn lại của một trăm pháp như là Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp Vô Vi Pháp trên lãnh vực Duy Thức Tướng cũng như Duy Thức Tánh và tiếp theo lại còn trình bày Duy Thức Hạnh và Duy Thức Quả của Duy Thức Tông ngỏ hầu giúp cho hành giả nắm được yếu chỉ về giá trị và công dụng của Duy Thức để vững bước trên con đường đi vào an trụ Duy Thức Tánh.

NHỮNG SÁCH THAM KHẢO:

1.- Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 20, quyển 48, quyển 60 và quyển 71.

2.- Câu Xá Luận, quyển 1, 2, 3, 6, 7, 20.

3.- Thành Duy Thức Luận, quyển 2 , 7, 8, 9.

4.- Đại Thừa Khởi Tín Luận.

5.- Câu Xá Luận Quang Ký, quyển 2, 3, 4, 19.

6.- Bách Pháp Vấn Đáp Sao, quyển 1.

7.- Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái nhìn của Duy Thức (cùng một tác giả).

8.- Bát Thức Quy Củ Tụng, do Thích Thắng Hoan dịch, trang 25, trang 43, trang 108.

9. - Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I , trang 93, 314.

10.- Pháp Tướng Duy Thức Học (6), trang 1152, Thái Hư Toàn Thư.

11.- Duy Thức Nhập Môn của Thích Thiện Hoa, trang 85.

12.- Kinh A Hàm (Giáo Nghĩa Căn bản), Từ Điển Phật Học Huệ Quang, trang T7936.

13.- Kinh Bản Nghiệp quyền thượng.

14.- Kinh Tương Ưng II, phẩm Nhân Duyên.

15: Tăng Chi Bộ Kinh tập I, trang 301.

16.- Tương Ưng Bộ Kinh II, trang sđd, trang 3 và III, sđd, trang 3 và IV, 1982, trang 257.

17.- Du Già Sư Địa Luận, quyển 86, quyển 219.

18.- Phật Quang Đại Từ Điển, quyển 6, trang 5094-5095, quyển 3, trang 2256 và 2551.

19.- Thành Duy Thức Luận Thuật Ký, quyển 9 mạt.

20.- Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken, trang 253.

21.- Tiểu Bộ Kinh I, trang 419, Hoà Thượng Minh Châu dịch,

22.- Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 3, 8.

23.- A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận, quyển 4.

24.- Đức Phật và Phật Pháp, Phẩm Thập Nhị Nhân Duyên, trang 437.

25.- Giáo Lý Bí Mật Về Thân Trung Ấm của tác giả Nguyễn Pram, trang 22 và 23.

26.- Từ Điển Phật Học Hán Việt, quyển I, trang 779, do Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Hà Nội Xuất Bản năm 1992.

27.- Trường Bộ Kinh III, Kinh Đại Duyên sđd, trang 62.

28.- Thuận Chánh Lý Luận, quyển 2.

29.- A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Luận, quyển 2.

30.- Đại Bảo Tích Kinh, quyển 917.

31.- Đại Trí Độ Luận, quyển 7, quyển 19.

32.- Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, quyển 3.

33.- Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh, quyển 26.

34.- Tập Dị Môn Túc Luận, quyển 4.

35.- Duy Thức Luận, quyển 6, quyển 9.

36.- Thức Thân Túc Luận, quyển 3.

37.- Trường A Hàm Kinh, quyển 9, quyển 10 (Đại Duyên Phương Tiện).

38.- A Hàm Thập Báo Pháp Kinh, quyển thượng.

39.- Pháp Hoa Huyền Nghĩa quyển thượng (Đại 33-684 Hạ).

40.- Trung A HàMm Phân Biệt Thánh Đế Kinh quyển 7.

41.- Đại Niết Bàn Kinh, quyển 12.

42.- Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh của ngài Huyền Trang dịch.

43.- Kinh Tạp A Hàm, quyển 12, quyển 31.

44.- Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 24.

45.- Liễu Sanh Thoát Tử.

46.- Niết Bàn Kinh, quyển 23.

47.- Kinh Bắc Bổn Đại Niết Bàn , quyển 12 và 14.

48.- Trung A Hàm, quyển 7.

49.- Câu Xá Quang Ký, quyển 3.

50.- Phật Tổ Ngũ Kinh của Hoà Thượng Thích Hoàn Quan, trang 642.

51.- Đại Thừa Pháp Tướng Tông Danh Mục, quyển 1.

52.- Duy Thức Đại Cương của Pháp Sư Trí Hải, trang 114.

53.- Duy Thức Tam Thập Tụng Dị Giải của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, trang 353.

54.- Duy Thức Học của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, trang 355.

55.- Duy Thức Học của Ni Sư Trưởng Như Thanh, tập Ba và Bốn, trang 167.

Vi tính: Minh Trí Cao Thân

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567