Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương XV - Phẩm Mười Lăm Kệ

16/04/201312:15(Xem: 8499)
Chương XV - Phẩm Mười Lăm Kệ

Kinh Tiểu Bộ

Chương XV - Phẩm Mười Lăm Kệ

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(CCXLVI) Anna-Kondanna (Thera. 69)

Sanh trước Thế Tôn tại làng Donavatthu, không xa Kapilavatthu bao nhiêu, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có, ngài được gọi với tên gia tộc là Kondanna. Lớn lên, ngài biết ba tập Vệ-đà và giỏi về đoán tướng. Khi bậc Bồ-tát mới sanh, ngài là một trong tám vị Bà-la-môn được mời đến đoán tướng. Dầu ngài mới học nghề, ngài thấy các tướng của bậc Đại nhân trên đứa bé và nói, vị này sau sẽ thành Phật. Rồi ngài sống, chờ đợi vị Bồ-tát xuất gia. Khi vị Bồ-tát xuất gia, lúc hai mươi chín tuổi, Kondanna được nghe tin, liền xuất gia với bốn vị Bà-la-môn đoán tướng khác, như Vappa v.v... và trong sáu năm sống ở Uruvelà, gần vị Bồ-tát, khi vị Bồ-tát đang tu khổ hạnh. Lúc vị Bồ-tát không tu khổ hạnh nữa, các vị này chán chường bỏ đi đến Isipatana (chư Tiên đọa xứ). Rồi đức Phật đến Isipatana, thuyết kinh Chuyển Pháp Luân cho họ, và Kondanna cùng hàng vạn Phạm Thiên chúng chứng được Sơ quả. Đến ngày thứ năm, nhờ bài kinh 'Vô Ngã Tướng', Kondanna chứng quả A-la-hán. Bậc Đạo Sư trong buổi họp Tăng chúng ở tinh xá Kỳ Viên, đã xác chứng ngài là bậc Đệ nhất trong các hàng Tăng chúng Tỷ-kheo (Xem. Ang. i. 26). Và trong một trường hợp khi Kondanna giảng về Bốn sự thật, đề cập đến ba tướng: Vô thường, Khổ, Vô ngã, với những phương pháp sai biệt, dựa trên Niết-bàn và giảng với sự lưu loát của đức Phật. Bài giảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến Sakka (Đế Thích) khiến vị này thốt lên những bài kệ:

673. Ta bội phần hân hoan,
Được nghe pháp vị lớn,
Pháp được giảng ly tham,
Hoàn toàn không chấp thủ.

Trong một trường hợp khác, thấy tâm tư của một số người còn bị chi phối nặng nề bởi tà kiến, nên ngài nói lên bài kệ như sau:


674. Trên thế giới đất tròn,
Nhiều màu sắc hình tướng,
Làm say đắm tâm tư,
Ta nghĩ là như vậy,
Tướng tịnh rất hấp dẫn,
Liên hệ đến tham dục.


675. Như gió thổi tung bụi,
Được mây trấn áp xuống,
Các tư duy lắng dịu,
Khi thấy, với trí tuệ.

676. Mọi hành là vô thường
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Đây con đường đến tịnh.


677. Mọi hành là đau khổ,
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Đây con đường đến tịnh.


678. Mọi pháp là vô ngã,
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Đây con đường đến tịnh.

Rồi ngài nêu rõ, ngài đã chứng được thiền quán ấy, và nói lên chánh trí, ngài nói rằng:


679. Trưởng lão Kondanna,
Giác ngộ bởi giác ngộ,
Đã sắc bén thoát ly,
Đoạn tận sanh và chết,
Và đời sống Phạm hạnh,
Được hoàn toàn viên mãn.


680. Hoặc bộc lưu, bẫy mồi,
Hoặc cột trụ vững chắc,
Ngọn núi khó phá hoại,
Sau khi chặt phá xong,
Cột trụ và bẫy mồi,
Chặt tảng đá khó phá,
Hành thiền, vượt bờ kia,
Thoát khỏi Ma trói buộc.


681. Tỷ-kheo hoảng hốt động,
Đi đến các bạn ác,
Chìm trong bộc lưu lớn,
Bị sóng lớn ngập tràn.


682. Bậc trí không hoảng hốt,
Không dao động, thận trọng,
Các căn khéo chế ngự,
Làm bạn với kẻ thiện,
Bậc trí tuệ như vậy,
Có thể đoạn đau khổ.


683. Một người đen, gầy mòn,
Yếu ốm, đầy đường gân,
Tiết độ trong ăn uống,
Tâm tư không ưa não.


683. Trong rừng núi rộng lớn,
Bị muỗi ruồi đốt cắn,
Như con voi lâm trận,
Ta chánh niệm, chịu đựng.


684. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.


685. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữ chánh niệm.


686. Đạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy, làm xong,
Gánh nặng, đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.


687. Vì mục đích xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Ta cần gì ở rừng.

(CCXLVII) Udàyin (Thera. 69)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài thấy được uy lực của đức Phật khi đức Phật thăm gia đình ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian, ngài thành bậc A-la-hán. Nay có đến ba vị Trưởng lão Udàyin: con một Bộ trưởng, tên là Kàludàyin (xem CCXXXIII), vị Bà-la-môn này và Đại Udàyin. Khi kinh Ví dụ con voi được thuyết giảng, trong kinh này, con voi Sela của vua Pasenadi được tán thán, ngài Udàyin này cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến đức Phật, nghĩ rằng các người này chỉ tán thán một con vật, còn ta sẽ tán thán các đức tánh tốt đẹp của một con voi tuyệt diệu, t٣ là đức Phật. Rồi Ngài nói lên những bài kệ như sau:

689. Đức Phật, sanh làm người,
Tự điều phục thiền định,
Uy nghi Phạm thiên đạo,
Hoan hỷ trong tâm tịnh.


690. Loài người đảnh lễ Ngài,
Bậc đạt được bờ kia,
Đối với hết thảy pháp,
Chư Thiên đảnh lễ Ngài,
Như vậy ta được nghe,
Ta là A-la-hán.


691. Vượt qua mọi kiết sử,
Từ rừng đến Niết-bàn,
Vui thoát ly các dục,
Như vàng thoát khoáng sản.


692. Vị ấy thật như voi,
Tuyệt luân đẹp rực rỡ
Đứng trên đỉnh núi cao
Dãy trường sơn Hi-mã,
Trong mọi danh Nàga,
Ngài chân danh Vô thượng.


693. Rồi ta sẽ tán thán,
Nàga này cho người,
Nàga không làm ác,
Nên được gọi Nàga,
Từ tốn, không làm hại,
Là hai chân Nàga.


694. Chánh niệm và tỉnh giác,
Hai chân khác Nàga,
Voi Nàga là tín,
Ngà màu trắng là xả


695. Chánh niệm là cổ họng,
Trí tuệ chỉ cho đầu,
Suy tầm với cái vòi,
Chỉ cho tư duy pháp.
Hòa trú là bụng pháp,
Viễn ly ví đuôi voi.


696. Tu thiền, thở vô lạc,
Nội tâm, khéo định tỉnh,
Nàga đi, định tỉnh,
Nàga đứng, định tỉnh.


697. Nàga nằm, định tỉnh,
Nàga ngồi, định tỉnh,
Trong tất cả tình huống,
Nàga sống chế ngự
Đây thành tích Nàga.


698. Ăn đồ ăn không tội,
Đồ có tội không ăn;
Được đồ ăn, y phục,
Từ bỏ, không tích trữ.


699. Kiết sử tế hay thô,
Chặt đứt mọi trói buộc,
Chỗ nào vị ấy đi,
Bước đi, không kỳ vọng.


700. Như sen sanh trong nước,
Lớn lên được tăng trưởng,
Không có dính nước ướt,
Thơm ngát, rất khả ái.


701. Cũng vậy bậc Chánh Giác,
Sanh và trú ở đời,
Không có dính sự đời,
Như sen không dính nước.


702. Như đống lửa cháy đỏ,
Không củi tự tắt dần,
Trong than tro lắng dịu,
Được gọi lửa diệt tận.


703. Ví dụ, bậc trí thuyết,
Để nêu rõ ý nghĩa,
Đại Nàga sẽ hiểu,
Những gì về Nàga,
Do Nàga ấy giảng.


704. Vô tham và vô sân,
Vô si, không lậu hoặc,
Nàga từ bỏ thân,
Sẽ diệt độ Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]